Có 04 bước để đạt thành tựu: lên kế hoạch một cách có mục đích, chuẩn bị kỹ lưỡng, tích cực thực hiện, và kiên trì theo đuổi.

William A. Ward

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 39
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1801 / 45
Cập nhật: 2016-06-18 07:57:50 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
- CUỘC SÁT HẠI CÓ QUY MÔ LỚN CỦA HỒ QUÝ LY
Trong những ngày trị vì cuối đời của Trần Phế Đế, không ít quý tộc và quan lại của triều đình tỏ ra căm ghét Hồ Quý Ly. Họ muốn trừ khử Hồ Quý Ly nhưng lại không biết chung lưng sát cánh để bàn mưu tính kế với nhau, bởi vậy, tất cả đều bị Hồ Quý Ly lần lượt thủ tiêu. Trước khi chính thức mượn tay Thượng hoàng Trần Nghệ Tông để giết Trần Phế Đế, Hồ Quý Ly đã tìm đủ mọi cơ hội để chặt bớt vây cánh của nhà vua. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 12 - a) chép rằng:
“Trước đó, theo lệ cũ ở các đài, sảnh, chỉ các quan từ chức Đồng bình chương sự trở lên mới được ngồi ghế sơn đen có tựa. Bấy giờ, Trang Định Đại vương (Trần) Ngạc làm Thái úy, Lê Quý Ly làm Đồng bình chương sự. Quan trị thẩm hình viện là Lê Á Phu nói với Ngạc bỏ ghế của Quý Ly đi, không cho ngồi cùng nữa. (Ông) lại bí mật tâu vua giết Quý Ly. Cơ mưu bị lộ mà thất bại, bọn (Lê) Á Phu, (Nguyễn) Khoái, (Nguyễn) Vân Nhi, (Nguyễn) Kha, (Nguyễn) Bát Sách, (Lê) Lặc, và người học sinh được tin yêu là Lưu Thường đều (lần lượt ) bị giết cả. Trước khi bị hành hình, Lưu Thường có làm bài thơ rằng:
Phiên âm:
Tàn niên tứ thập hựu dư tam,
Trung ái phùng chu tử chính cam,
Bảo nghĩa sinh tiền ưng bất ngỗ,
Bộc thi nguyên thượng cánh hà tàm.
Dịch thơ:
Đời tàn vào tuổi bốn ba,
Chết vì trung ái cũng là đáng thôi.
Hết lòng giữ nghĩa một đời,
Dẫu cho đồng nội thây phơi sá gì."
Trong số những người chống đối, chỉ có Lê Dữ Nghị là được Hồ Quý Ly tạm cho tha chết, bắt phải tội đi đày, sau cũng vờ cho phục chức, nhưng rồi lại bị Hồ Quý Ly khép vào tội kết bè kết cánh mà giết đi. Nguyễn Bát Sách thì hoảng sợ mà bỏ trốn, Hồ Quý Ly không thèm đuổi mà cho người bắt giam mẹ của ông. Vì thương mẹ già bị tù tội mà Nguyễn Bát Sách phải ra hàng, rốt cuộc cũng bị Hồ Quý Ly giết nốt.
Sau khi Trần Phế Đế cùng những người thuộc vây cánh của nhà vua bị giết, Hồ Quý Ly còn cho cả Thượng hoàng Trần Nghệ Tông lẫn triều đình mắc lỡm. Trong hoàng tộc lúc ấy, chỉ có Trang Định Đại vương Trần Ngạc (con của Thượng hoàng Nghệ Tông) là người tỏ vẻ căm ghét Hồ Quý Ly ra mặt. Trước đó, chính Trang Định Đại vương đã mật bàn với nhà vua về việc giết Hồ Quý Ly, nhưng Hồ Quý Ly không bị giết, ngược lại nhà vua bị Thượng hoàng giết chết. Đã bày mưu sát hại nhà vua là cháu nội của Thượng hoàng, nay nếu lại bày mưu giết ngay Trang Định Đại vương là con của Thượng hoàng nữa, Hồ Quý Ly sẽ khó mà tiếp tục lợi dụng được Thượng hoàng. Nghĩ vậy, Hồ Quý Ly bèn cho người nói phao lên rằng, Trang Định Đại vương Trần Ngạc sắp được đưa lên ngôi vua. Thấy phe đảng chẳng còn ai, Trang Định Đại vương Trần Ngạc sợ hãi mà vội đính chính tin đồn đó. Hồ Quý Ly chỉ chờ có vậy để đưa con út của Thượng hoàng Nghệ Tông (cũng là con rể của Hồ Quý Ly) lên ngôi vua, đó là vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398). Trang Định Đại vương Trần Ngạc chỉ được tạm yên thân một thời gian ngắn. Đến tháng 6 năm Tân Mùi (1391) ông cũng bị Hồ Quý Ly lập mưu giết chết.
Lời bàn: Trần Nghệ Tông danh nghĩa là Thượng hoàng nhưng thực ra chỉ là con cờ trong tay Hồ Quý Ly vậy. Các bậc tôn thất đại thần và văn quan võ tướng nhà Trần căm ghét Hồ Quý Ly thì có thừa mà sao chẳng có lấy được một chút cơ mưu nào đáng kể, khiến Hồ Quý Ly có thể giết hại dễ như trở bàn tay. Cất cái ghế tựa sơn đen ở đài sảnh của Hồ Quý Ly thì có khác gì tự mình đưa đầu cho Hồ Quý Ly chém?
Than ôi! Thời loạn mọi sự đều loạn. Lấy lễ thường để xét đoán thời loạn là không thể được vậy. Hồi chuông cáo chung của nhà Trần bắt đầu điểm những tiếng đầu tiên.
Việt Sử Giai Thoại - Tập 4 Việt Sử Giai Thoại - Tập 4 - Nguyễn Khắc Thuần Việt Sử Giai Thoại - Tập 4