Nếu bạn đã cố gắng hết sức mình thì bạn sẽ vẫn thanh thản ngay cả khi gặp thất bại.

Robert S. Hillyer

 
 
 
 
 
Tác giả: Nghiêm Kế Tổ
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 36
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4219 / 51
Cập nhật: 2016-06-09 04:42:14 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14: Phản Ứng Của Võ Nguyên Giáp
ối phó với những cuộc hành binh chớp nhoáng, những cuộc oanh tạc dữ dội không ngừng, những trận càn quét liên tiếp của quân đội Pháp, Tướng Võ nguyên Giáp đã làm gì?
Sự thực, bộ tổng tư lịnh Việt Minh, về phương diện chiến lược đã không được tự ý hành động mà phải dập mẫu theo khuôn khổ nhận định của tổng bộ Việt Minh mà đại diện là Trường Chinh đã vạch ra trong tài liệu kháng chiến ba giai đoạn.
Trong thời gian Bảo Tồn Lực Lượng, Tướng tham mưu trưởng Hoàng văn Thái của bộ tổng tham mưu quân đội Việt Minh đã giải thích nôm na rắc rối rằng:
‘’Tuy phải chạy nhưng phải đánh, đánh để chạy và chạy để đánh’’.
Hành động luẩn quẩn ‘’chạy, đánh, đánh, chạy’’ đó đã được cụ thể hóa trên khắp chiến trường toàn quốc:
– Trận giao thông chiến đầu tiên dữ dội nhất ở Đèo Bông Lau (Đông Khê) trên đường số 4 ngày 30.10.1947. Trung đoàn Việt Minh Cao-Bắc-Lạng đã ghi một điểm đen cho đoàn quân Lê Dương và thân binh Nùng của Pháp ở biên giới Bắc Việt.
Cũng trên đường số 4 (ngày 22.12.1947) một trận phục kích ngang đường làm một số binh lính Bắc Phi Châu bị thiệt mạng.
– Trận La Ngà, 1.3.1948. Một trận phục kích lớn trên đường giao thông nối liền Sài Gòn-Đà Lạt đã phá hủy được của quân đội Pháp miền Nam ngót 100 xe vận tải và trong số binh sĩ tử trận có Trung Tá Gabriel Brunet de Sairigné, chỉ huy bán Lữ Đoàn Lê Dương thứ 13 (13e D.B.L.E)
Những trận giao thông chiến đẫm máu trên khúc đường số 3 (Cao Bằng-Bắc Kạn) hàng trăm lính Lê Dương tử trận.
– Những trận phục kích ở Đèo Hải Vân (Trung Việt).
– Những trận công đồn dạ chiến ở Phủ Thông Hóa giữa đường Cao Bằng-Bắc Kạn hồi tháng 7 năm 1948, do Tướng Thiết Hùng đích thân chỉ huy trận địa.
Biết chắc chắn rằng quân đội Pháp chỉ quen xuất trận với đoàn cơ giới cồng kềnh, bộ tham mưu Việt Minh liền nghiên cứu phương pháp đánh mìn. Mục tiêu chính nhằm Quốc Lộ số 5 (Hà Nội-Hải Phòng) đường mạch máu tối cần thiếu cho sống còn Bắc Việt.
Quanh đường Hải Phòng-Hà Nội, những đội đánh mìn mọc lên nhan nhản và đã nảy ra những anh tài thiện nghệ đánh mìn nổi tiếng như Sáu Đậu, một ông già 60 tuổi (Mỗi khi đi đánh mìn, ông lão lại mang theo cả nậm rượu và mấy bìa đậu phụ để nhắm).
Trong các đội đánh mìn, ghê gớm nhất có đại đội mìn của Huyện Kim Thành (Hải Dương).
Suốt khoảng 1947-1948, những xe hơi vận tải và xe lửa chạy Hà Nội-Hải Phòng đã phải chịu bao tai nạn khủng khiếp, thiệt hại cả người lẫn của do những trái mìn chôn dấu dọc đường.
Kỹ thuật trá hình mìn được Việt Minh nghiên cứu rất kỹ càng, tỷ mỷ.
Mỗi khi chôn mìn xong, họ lại khôn khéo phủ lại lượt đất cũ và lăn nhẹ hẳn một lớp lằn ô tô lên trên để các tài xế tưởng nhầm, yên trí đã có xe trước đi qua rồi, vững tâm chạy theo vết xe…đó. Có lúc Việt Minh chôn mìn ở giữa đường, có lúc lại chôn sát hai bên ria đường cộng với kỹ thuật dấu mìn biến hóa thiên hình vạn trạng khiến quân đội Pháp luôn luôn nghi hoặc không biết thực hư, hư thực ra sao.
Để đối phó với những đội mìn của Việt Minh, quân đội Pháp đã sử dụng những máy dò mìn tinh xảo (Détecteur de mine). Do đó, cách đánh mìn của Việt Minh lại càng tân tiến hơn nữa.
Những máy dò mìn tối tân của Pháp tuy rất có ích trên các chiến trường Âu Châu vì lẽ ở đó có hàng cánh đồng rải rác toàn mìn (Champs de mines) rất dễ dàng cho công việc tìm kiếm, phá hủy, nhưng trái lại ở Việt Nam, những đội dò mìn có thể phải phí công đi lần hàng hai mươi cây số chẳng thấy gì, có khi chỉ gặp toàn mìn giả đánh lừa, chán nản, mệt mỏi quay về, để đoàn xe đi tới cây số thứ hai mươi mốt lại chạm phải mìn như thường lệ.
Trong khi quân huấn cục của bộ quốc phòng Việt Minh ra công huấn luyện sĩ quan giao thông chiến thì quân giới cục cố công chế tạo những kiểu mìn mới mẻ khiến cho máy dò mìn của Pháp gần hóa ra vô dụng.
Để chống với những cuộc tảo thanh, càn quét thôn xón của quân đội Pháp, Việt Minh chế tạo loại ‘’mìn muỗi’’ nhỏ xíu cài lung tung khắp nơi: Bờ ruộng, lũy tre, cổng làng, bực cửa, chuồng gà, chuồng lợn…
Loại mìn nhỏ đó rất nguy hiểm đã bắt buộc quân đội Pháp phải dè dặt, thận trọng từng bước mỗi khi tiến binh vào một địa điểm nào.
Trên khắp chiến trường toàn quốc, Việt Minh dùng chiến thuật ‘’tỉa ngầm’’, thỉnh thoảng tấn công một hai đồn lẻ, hễ chắc chắn mười phần thắng lợi cả mười mới chịu ra quân.
Chính sách đánh tiêu hao của bộ đội Việt Minh đã gây cho quân đội Pháp nhiều nỗi bực dọc, căm tức.
Khổ nhất là những binh lính phải đóng giữ lại các đồn lẻ trên các trục giao thông trọng yếu. Sống lẻ loi buồn thảm trên cả đỉnh đồi chơ vơ, sườn núi hiu quạnh, xung quanh chỉ có rừng, có suối, có khe, đi hàng chục cây số chẳng một bóng người. Lương thực và dụng cụ cần thiết hoặc tin tức, thư từ mỗi tuần lễ một lần, có khi nửa tháng, do đoàn xe (convoi) chuyển tới. Gặp khi nghẽn đường, lại phải phi cơ thả dù tiếp tế.
Đã như vậy, đêm đêm lại bị du kích Việt Minh đến ‘’tấn công’’ bằng vài quả lựu đạn ném vu vơ, bắn vài băng đạn rời rạc cốt để quân đội trong đồn không thể ngủ yên tĩnh. Cách vài trận ‘’tấn công vờ’’ lại một trận tấn công dữ dội thực sự làm quân đội giữ đồn lúc nào cũng phải chuẩn bị đề phòng cẩn mật không thể coi thường những tiếng nổ ban đêm. Đến sáng lại phải bắt đầu những cuộc tuần tiểu (patrouilles) quanh vùng, sục sạo khắp kẽ đá, bụi cây, đi đến đâu cũng chỉ thấy vườn không nhà trống hoặc một vài cụ già nghễn ngãng, lẩm cẩm, một vài mụ đàn bà ngẩn ngơ, ù cạc chẳng biết chuyện gì. Sự thể đó đã khiến binh lính Pháp có dạo phải gọi đối phương là ‘’Ma Việt Minh’’. Một giai thoại trong khói lửa và nước mắt của chiến trường Việt Nam.
Cứ đà sống như thế, quân đội giữ đồn phải chịu đựng đều dều trong 6 tháng có khi một năm rồi mới được đổi về đô thị, với bộ mặt hốc hác vì thiếu ngủ, làn da xanh xao vì phải ăn toàn đồ hộp thiếu chất tươi hoặc thân mình gầy xọm vì những cơn xốt rét rừng, kiết lỵ.
Ngoài những trận đánh tỉa nhỏ nhặt ở khắp nơi, bộ tổng tư lệnh Việt Minh đã tập trung những binh đoàn thiện chiến nhất, dựa vào áp lực của Trung Cộng bên kia biên giới, mở một chiến dịch vĩ đại, chiến dịch đường số 4, mùa Thu năm 1950, tạo thành một giai đoạn mới trong chiến cuộc ở Đông Dương.
Việt Nam Máu Lửa Việt Nam Máu Lửa - Nghiêm Kế Tổ Việt Nam Máu Lửa