Chỉ có một thành công mà thôi, đó là sống cuộc sống của mình theo cách của chính mình.

Christopher Morley

 
 
 
 
 
Tác giả: Nghiêm Kế Tổ
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 36
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4219 / 51
Cập nhật: 2016-06-09 04:42:14 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5: Lý Do Thất Bại Của Chánh Phủ Dân Chủ Cộng Hòa
TÍNH CHẤT QUỐC TẾ
Tiền thân của chính phủ Hồ chí Minh là ủy ban giải phóng dân tộc thành lập dưới quyền chỉ đạo của tổng bộ Việt Minh. Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội bên ngoài là một hình thức tổng hợp rộng rãi đủ màu sắc chính trị, có một mục đích chung: Tranh đấu cho nền Độc Lập Việt Nam. Chủ trương thành lập mặt trận đã được các lãnh tụ Cộng Sản nêu lên từ năm 1935-1936. Hồi đó, các lãnh tụ Cộng Sản có phái đại diện đến Nam Kinh thảo luận với Vy Chính Nam và Nghiêm Kế Tổ để liên hiệp, nhưng việc đó không thành vì Cộng Sản có nhiều hành động không thành thực, đồng thời lại vội vàng đề nghị công khai thủ tiêu danh từ Việt Nam Quốc Dân Đảng để thay thế bằng nhãn hiệu Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội. Mục đích thủ đoạn đó làm cho quốc dân và thế giới sẽ quên dần một đảng phái đã từng có thành tích oanh liệt để chỉ biết có Việt Minh. Vì thế mãi đến 1941 mặt trận Việt Minh mới ra đời công khai, và tất nhiên là vắng bóng Việt Nam Quốc Dân Đảng. Các cán bộ lãnh đạo cốt cán mặt trận đại đa số là những nhà cách mạng dưới quyền chi phối của Cộng Sản đệ tam quốc tế, phân bộ Á Đông. Cụ Hồ chí Minh, sáng lập viên mặt trận chính là cụ Nguyễn ái Quốc, một cán bộ quan trọng quốc tế Cộng Sản. Tuy nhà lãnh tụ cách mạng, lão thành đầy kinh nghiệm ấy đã khôn khéo đổi tên là Hồ chí Minh nhưng cũng không tài nào che mắt nổi các chính khách trên thế giới và các nhà lãnh tụ đảng phái quốc gia Việt Nam.
Riêng tay cụ Hồ đã nhào nặn ra các đảng Cộng Sản ở Đông Dương và số lớn các cán bộ Cộng Sản cao cấp miền Đông Nam Á. Cụ đã có một quá trình tranh đấu vĩ đại cho chủ nghĩa vô sản, đến nay đích thân cụ lại lãnh đạo chính phủ Dân Chủ Cộng Hòa, hỏi ai là người không nhìn thấy con đường mà chính phủ mới sẽ dìu dắt dân Việt Nam?
Trước khi dân Việt Nam biết các nhân vật Cộng Sản trong chính phủ Hồ chí Minh thì ở ngoại quốc, người ta đã biết rõ rồi, nhất là ở Ba Lê và Trùng Khánh. Hồ chí Minh, Hồ tùng Mậu, Tôn đức Thắng, Võ nguyên Giáp, Nguyễn lương Bằng, Phạm văn Đồng, Trần đăng Ninh, Trần tử Bình, Hà bá Cang v.v…hầu hết ra vào các nhà tù như cơm bữa.
Ở trường hợp nào cũng vậy, những người Cộng Sản đều dùng bình phong che đậy âm mưu hoạt động. Việt Minh che đậy lý tưởng quốc tế bằng lý tưởng quốc gia dân tộc, khiêu gợi và lợi dụng lòng yêu nước chân chính của quốc dân, thỏa mãn tâm lý họ. Về hình thức, danh từ ‘’chính phủ liên hiệp’’ thu gồm mọi xu hướng chính trị. Tại quốc hội, người ta thấy cũng lẫn lộn đủ hạng người: Cộng Sản, quốc gia, dân chúng…Nhưng bên trong bình phong, các lãnh tụ Đỏ nắm chặt quyền chỉ đạo. Trường Chinh, Sao Đỏ và một số ‘’cán bộ om’’ của Cộng Sản (ít ai biết mặt biết tên) lãnh đạo trong bóng tối, ngoài ra, Nguyễn Xiển, Trần hữu Đức, Trần văn Giầu, chủ tịch Bắc, Trung, Nam đều là đảng viên trung kiên của vô sản.
Trên cao, những ông trùm Cộng Sản giữ quyền lãnh đạo, bên dưới, những ấu trĩ đảng viên hành động. Phần đông những cán bộ cơ sở ‘’ấu trĩ’’, được Cộng Sản kết nạp quãng 1944-1945. Tuy ‘’lính mới’’, nhưng họ tỏ ra quá hy sinh, bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ gia đình êm ấm, thoát ly đi xung phong, có khi thí mạng vì công tác vì lý tưởng. Đối với họ, công tác đảng là trên hết. Mọi việc trên đời nếu không phải là việc đảng đều không đáng chú ý. Họ sống chết vì cấp trên, vì đảng, không kêu ca, không oán hận.
Bản thân của chính phủ Dân Chủ Cộng Hòa tỏ ra Đỏ từ đầu đến cuối khiến cho thế giới dân chủ dần dần e ngại, hững hờ, bỏ rơi.
Về sự việc, các cán bộ hành động nhiều khi quá khích. Những thi hành vô tổ chức, hỗn loạn, đã chớp nhoáng xáo lộn nền móng từ ngàn xưa trên đất Việt.
Lãnh thổ Việt Nam từng chịu ảnh hưởng của Đạo Giáo Á Đông, tồn cổ, tồn phong, ngay đến tư tưởng cải lương dân chủ, tự do dân chúng cũng còn chưa thích hiểu, nói chi đến chủ nghĩa Mác-xít, Lê-nin-nít, Sta-lin-nít…
Các cán bộ nam của Cộng Sản Việt Nam đã đem áp dụng một chính sách tàn bạo: Phá đình, phá chùa đả kích tôn giáo, đả kích việc thờ phụng tổ tiên, thần thánh, tịch thu ruộng đất, tịch thu tài sản vô tổ chức. Ai không hưởng ứng tình nghi, ai vắng mặt ở phòng họp, thờ ơ lãnh đạm trước phong trào mới, lừng chừng, sẽ bị điều tra, theo dõi, bắt bớ hành hạ, giam cầm, đôi khi thác oan.
Chính sách khủng bố của Cộng Sản được thi hành dưới bàn tay đồ tể vô vàn cán bộ xu thời, mù quáng và ác độc. Những hành động quá khích, kết quả thì ít, tai hại thì nhiều. Phương châm đại đoàn kết của Việt Minh tự nó đã biến thành một kế hoạch loại trừ và phản đoàn kết đại quy mô. Đối với các đảng phái yêu nước, Việt Minh hoặc công khai thủ tiêu (giải tán Đại Việt, Thanh Niên Ái Quốc v.v…) hoặc dùng biện pháp quân sự (tiêu diệt Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Vĩnh Yên, Nghĩa Lộ, Đồng Minh Hội ở Tiên Yên, Phục Quốc ở Lạng Sơn, Cao Đài, Hòa Hảo ở Nam Việt) chỉ đả phá hình thức hoạt động của họ và cố tình kết án không chịu đếm xỉa đến thiện tâm yêu nước tất nhiên của một đảng chính trị. Ngoài việc áp dụng kế hoạch ‘’đại đoàn kết’’ như trên với các đảng phái đối lập, những ban trinh sát, ám sát, Việt Minh mọc lên như nấm, thi hành những chỉ thị bí mật, đẫm máu, gây hoảng hốt trong tâm can người dân lành, chất phác. Đối với Giáo Hội Gia-Tô, lực lượng mạnh mẽ, có tổ chức chặt chẽ, Việt Minh cũng không tha, khẩu hiệu thì ‘’Lương giáo đoàn kết’’, nhưng được thực hiện bằng cấm mở Trường Thần Học của Giáo Hội bằng đổ lỗi cho các Cha Cố đã làm gián điệp cho ngoại bang, ép họ vào tội tàng trữ khí giới bất hợp pháp…Khẩu hiệu ‘’đại đoàn kết’’ của Việt Minh chính là mầm gây chia rẽ giữa đảng phái, giữa tôn giáo, giữa mọi giai tầng trong xã hội nghèo nàn của Việt Nam. Vin vài lý thuyết vô sản, hiểu nghĩa giai cấp công nhân lãnh đạo một cách lệch lạc, các cán bộ Việt Minh đã không nề hà, thủ tiêu mạnh và nhanh những người được gọi ‘’là thống trị tư bản’’ kẻ thù của dân tộc, kẻ thù của các giai cấp cần lao, đa số là trí thức, tinh hoa của đất nước.
Các lãnh tụ Cộng Sản đem áp dụng bao nhiêu thủ đoạn chính trị trong quốc hội, trong chính phủ, nào cải tổ, nào thành lập hội, đoàn mới, tổ chức mới, những hội, đoàn nào, tổ chức nào cũng phải biến thành khí cụ mới, một khi đã thành hình, để Việt Minh lợi dụng.
Mật ngọt chết ruồi!
Thủ đoạn và hành động vô hình hay hữu ý của Việt Minh đã khiến cho những người yêu nước, trong lý tưởng quốc gia không thể nào tin được họ nữa. Mỗi hành động, mỗi lời tuyên bố của Việt Minh đều gặp phản ứng. Sự thể ấy khiến cho ngoài nước, các cường quốc lánh xa, trong nước, dân chúng ngậm đắng, nuốt cay, thở dài mỗi khi nghĩ tới ‘’quốc gia hạnh phúc’’!
THÁI ĐỘ CỦA PHÁP
Lịch sử cho biết, Pháp đã chẳng nề hà, quản ngại đem áp lực quân sự để thôn tình thành trì Việt Nam. Thôn tính xong, chiếm đoạt xong rồi mới nói đến thương thuyết ‘’giảng hòa’’. Phương pháp ấy là cổ truyền của pháp, hay nói cho đúng, của những nước đi chiếm đất đai hồi thế kỷ thứ 19. Sau khi lập được nền đô hộ, lẽ đương nhiên là dân Việt Nam biến thành dân bị trị. Dân bị trị dĩ nhiên bị khinh rẻ, kìm hãm. Song với địa vị bề trên, người Pháp ở thuộc địa nuôi dưỡng tinh thần trịch thượng đối với dân bản xứ, Thái độ trịch thượng, khinh bỉ, coi rẻ dân bị trị đã theo thời gian ăn sâu vào tâm tủy từng người đi thống trị biến sính ra một giống người mới: Thực Dân. Ai đã từng sống với người Pháp sinh trưởng ở Việt Nam cũng phải nhận thấy đa số khác hẳn tính tình người Pháp ở chính quốc. Ở họ thiếu một cái gì của Pháp tinh túy, Pháp văn minh. Người dân Việt Nam chất phác chỉ hiểu nước Pháp thuộc địa, vô hình chung đã đánh giá dân Pháp bằng một thiểu số sống trên đất chữ S.
Do sự kém suy xét, kém sưu tầm, kém nhận định, người ‘’Pháp thuộc địa’’ đã phủ nhận tinh thần dân bản xứ, đã ngộ nhận đức tính của họ, đã đánh giá họ quá thấp. Trái lại, do sự thiển cận của dân ta, đã suy xét thiên lệch và đánh giá người Pháp theo kiểu ‘’cá mè một lứa’’, hai điểm tâm lý trên đã kết cấu và làm khó dễ từ cuộc thương thuyết này đến cuộc thương thuyết khác giữa Pháp và Việt Nam.
Năm 1944, pháp triệu tập một Hội Nghị ở Bazzaville bên Phi Châu để đặt nền móng cho chính sách mới tại đất đai Hải Ngoại, ngõ hầu thích hợp với tình thế sau chiến tranh. Không nhiều thì ít, việc ấy cũng là một tiến bộ trong lịch sử thuộc địa. Một tiến bộ bắt nguồn trong tư tưởng đầy xây dựng, đầy thiện chí của những người Pháp dân chủ (tuy nhiên chưa phải là tuyệt đích). Nhân sau cuộc chính biến tại Đông Dương do Nhật Bản gây nên, chính phủ lâm thời De Gaulle liền cấp tốc cho ra đời Bản Tuyên Ngôn đề cập chính sách của Pháp với các dân tộc trên giải đất chữ S. Người ta nghiên cứu một ý niệm mới: Ý niệm Liên Hiệp Pháp. Pháp dự định tổ chức Đông Dương thành một Liên Bang 5 xứ Bắc, Nam, Trung, Lào, Mên có chính phủ của liên bang, có quốc hội, có đủ mặt đại biểu theo tỷ lệ dân số…nhưng Pháp vẫn không quên đặt một vị toàn quyền Pháp trên chính phủ Liên Bang. Để chuẩn bị cho chính sách ấy, chính phủ Alger đã phong chức Cao Ủy Đông Dương cho Đô Đốc Georges Thierry d’Argenlieu. Đứng trước hoàn cảnh đã chót thất thế ở Đông Dương do Nhật Bản gây nên, Đô Đốc d’ Argenlieu cố gắng giao thiệp với Trung Hoa, một nước đàn anh ở Đông Á sát nách Việt Nam. Tiến thêm bước nữa, Đô Đốc thúc đẩy ký kết Hiệp Ước Pháp-Mên, Pháp-Lào (27.8.46 và 28.8.46) lập thành thế bao vây Việt Nam trước khi nói chuyện lại với dân tộc Việt.
Về mặt quân sự, Tổng Hành Dinh F.E.F.E.O (Forces Expéditionnaires Française d’Extrême Orient) của Tướng Blaizot đóng tại Calcutta (Ấn Độ) thiết lập đầu cầu dụng binh. Tướng Leclerc bay sang Tokin vận động cho đoàn quân của ông ta được tiến vào đất Việt.
Rồi mọi việc liên tiếp xẩy ra:
Nam Việt, từ những vụ đổ máu ngày 2.9.45 cho đến ngày Tướng Leclerc đặt chân lên đất liền, người Pháp đã hân hoan với bao ưu thế quân sự và chính trị tỉnh lớn tỉnh nhỏ chuyển dần từ tay ủy ban nhân dân sang quân đội Pháp, ủy ban Nam Bộ cuốn khăn gói rút khỏi Thủ Đô Nam Việt, rồi đến số phận các Tỉnh Gia Định, Phú Mỹ, Mỹ Tho, Cần Thơ…chỗ nào cũng lần lượt éo mình dưới gót giầy đinh của bộ đội Commando mũ đỏ, với đoàn xe bọc sắt Massu.
Người Pháp áp dụng võ lực không ngừng, nào tiến chiếm Cao Nguyên Mọi, nào nhảy dù xuống Paksane, Pnompenh, Vân Nam, đã sắp đặt tiến quân binh lính và quan cai trị Pháp nhẩy dù…
Tất cả những hoạt động về quân sự của Pháp làm hậu thuẫn cho những cuộc ‘’giảng hòa sắp tới’’.
Chính phủ Pháp, phần thì mắc bận việc của chính quốc, phần thì do những báo cáo thiên lệch, nhận định tình hình Đông Dương không hoàn toàn đúng, vô hình chung đã mặc nhiên công nhận những tư tưởng ngoan cố của một số người Pháp có nhiều quyền lợi trên đất Việt.
Thái độ của chính phủ Pháp đương nhiên làm dân chúng Việt hiểu nhầm lòng thành thật và quảng đại của nước Pháp dân chủ, một cường quốc từng có nền văn hóa sáng lạn, sẵn thiện chí dìu dắt các dân tộc còn hèn yếu, đem ánh sáng văn minh của mình cho thế giới soi chung.
Sẵn mầm mâu thuẫn tâm lý ấy, các lãnh tụ Cộng Sản chỉ việc đào cho sâu, khơi cho rộng để đến nỗi ngày bi đát, ngày đẫm máu buồn thảm của hai dân tộc đã xảy ra khủng khiếp, bao hành động bảo thủ vô ý nghĩa của Pháp, của Việt khiến cả đôi bên phải chịu đựng tang tóc, đau thương.
TIỀM LỰC CỦA CHÍNH NGHĨA QUỐC GIA TRONG CHÍNH PHỦ HỒ CHÍ MINH
Sau ngày Anh Hùng Nguyễn Thái Học bị xả thân trên đoạn đầu đài, những đảng phái chính trị mưu đồ phục quốc đa số thất tán lưu vong. Tuy vậy, các nhà cách mạng vẫn tiếp tục hoạt động ở Hải Ngoại với mục đích, nhất định, đem vinh quang cho xứ sở. Ngoài hoạt động của những người Việt Nam theo quốc tế Cộng Sản, các thanh niên yêu nước can đảm đều tìm cách lén sang Trung Hoa, gia nhập cách mạng dưới lãnh đạo của Tư Thương Mại, Vy Chính Nam, Lệch Trạch Dân…
Từ năm 1931 đến năm 1945 những đảng phái đua nhau thành lập hoạt động. Rút kinh nghiệm vụ Nguyễn Thái Học các lãnh tụ lợi dụng đủ mọi hình thức, tổ chức hợp pháp, bất hợp pháp.
Ngoài nước, Tổng Bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng công khai thành lập dưới chỉ đạo của Tư Thương Mại, Vy Chính Nam, Vũ Bá Biên ở Quảng Châu, ở Vân Nam do Vũ Hồng Khanh lãnh đạo. Sau bạo tàn, hợp Đảng Việt Nam Quốc Dân chính thức chính quyền Trung Hoa Dân Quốc công nhận và ủng hộ (Tháng Giêng năm 1834) Tại Nam Kinh.
Năm 1941 tại Liễu Châu, các lãnh tụ Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, Trần Bảo, Trương Trung Phụng, Nông Kinh Dầu thành lập Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội. Nhưng buồn thay, một số lãnh tụ lão thành vì óc địa vị, quân phiện, đã chia rẽ nhau lại thêm không được lòng Tư Lệnh Đệ Tứ Quân Khu Trương Phát Khuê nên hoạt động của Hội kém bề phát triển, gặp lắm khó khăn, khiến các lãnh tụ Cộng Sản lấn bước tung hoành.
Trong nước, những nhóm chính trị ra đời công khai dưới hình thức tôn giáo như Cao Đài (Lê Văn Trung, Phạm Công Tắc, Tòa Thánh ở Tây Ninh thành lập năm 1926), nhóm Hòa Hảo (Huỳnh Phú Sổ thành lập tại Châu Đốc năm 1939), cùng các Đảng Đại Việt, Phục Quốc…thành lập trong thời Decoux. Mỗi đảng, mỗi nhóm, mỗi xu hướng chính trị riêng biệt.
Có nhiều cơ sở trong dân chúng, biết hướng dẫn tâm lý quần chúng và khéo tuyên truyền, Việt Minh đã đoạt chính quyền quá dễ dàng ngày 19.8.45 để rồi cấp tốc thi hành chính sách riêng ‘’đặc biệt’’ của họ.
Chính sách cực đoan, khủng bố, những phần tử quốc tế đã đem áp dụng mạnh bằng mọi hình thức.
Đại Việt, Quốc Gia Xã Hội bị đổ tội đã ‘’tư thông với ngoại quốc làm hại an ninh xứ sở và kinh tế quốc gia’’, lãnh tụ Cao Đài, Hòa Hảo bị khủng bố, Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Vĩnh Yên, Yên Bái, Lào Kay. Phục Quốc ở Lạng Sơn, Lộc Bình, Đồng Minh Hội ở Móng Cáy, Tiên Yên bị thẳng tay đàn áp.
Ngay giữa Thủ Đô, những trò bắt cóc, ám sát luôn tiếp diễn. Để trừ cái ‘’quốc gia chủ nghĩa’’, Việt Minh kiểm soát, giam cầm, thủ tiêu một số trí thức ái quốc có tư tưởng diệt cộng như Bác Sĩ Nguyễn Văn Thinh, Đốc Phủ Tâm (nguyên Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm) Bùi Quang Chiêu, Hồ Văn Ngà. Cả Tạ Thu Thâu, nhà lãnh đạo đệ tứ Cộng Sản cũng bị các đồng chí đệ tam thanh toán (Họ Tạ đã thác oan tại Quảng Ngãi).
Mỗi đoàn thể trong mặt trận Việt Minh đều có một tổ chức trinh sát: Sưu sách, tình báo, đặc vụ, trinh sát mặt trận, trinh sát quân sự…là những ban chuyên môn dò la hành vi dân chúng. Kẻ nào vô tình hoặc hớ hểnh thốt ra những câu ‘’vô chính trị’’ là tức khắc có tên trong sổ đen và bị chú ý theo dõi.
Trước lưới do thám chặt chẽ, rộng rãi, các đảng quốc gia cũng đối lại bằng bắt cóc, ám sát. Một cuộc vật lộn dao găm, súng ngắn diễn ra kinh khủng. Cả hai địch thủ cũng có nhà tư che mắt dân chúng để thực hiện tra tấn, thủ tiêu đối phương đã bắt cóc được. Những tư thất đó chẳng khác gì loại hắc điếm trong tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Hoa. Dân chúng sống chung trong hỗn loạn, không bảo đảm, chẳng biết thế nào là phải, trái nữa.
Nói chung, chính nghĩa quốc gia đã được tượng trưng bằng hai chính sách, đã có những hoạt động điển hình:
– Chính sách ‘’vườn rau áo cá’’, sống yên bình, tỏ khí tiết ‘’giữa thời lố lăng’’.
Chính sách đấu tranh, mạnh bạo công khai đối lập. Chính sách anh dũng, tích cực đó do các người ái quốc, có năng lực, có óc tổ chức, ưa hoạt động, áp dụng dưới 2 góc cạnh khác nhau.
Chính khách ngoài Bắc có hoàn cảnh, phần vì sẵn có thực lực và cũng nhân thời thế dựa được thế lực quân đội Trung Hoa, áp đảo Việt Minh trong chính phủ, trong quốc hội, trong tuyên truyền, trong quân sự, khiến cho chính phủ phải cải tổ, quốc hội phải mở rộng, tuyên truyền phải đứng đắn, quân đội phải chịu chung kiểm soát. Ưu thế của các lãnh tụ quốc gia bên cạnh quân đội Trung Hoa rõ ràng đã làm cho Việt Minh chùn bước.
Chính khách trong Nam, nhờ hoàn cảnh địa phương dựa Pháp để đối phó với Cộng Sản. Nhận thấy mối giao hảo Việt-Pháp không dễ bị lý do nhất thời sụp đổ ngay, hai dân tộc Việt-Pháp cần phải để tương thân tương hỗ trên đường kiến thiết, các vị này đã mạnh bạo, gạt bỏ dư luận, cương quyết giao thiệp với Pháp để chống trả Việt Minh. Nhưng khó khăn thay, hình thức nhất thời đã chẳng vừa lòng dân chúng: Cái tâm lý dân chúng yêu nước bồng bột, kém suy nghĩ sâu xa, đã bắt buộc các nhà ái quốc Bắc chí Nam phải chật vật, gian truân sống trên dư luận.
Dựa vào Trung Hoa, một lân bang đã từng thống trị Việt Nam trên nghìn năm lịch sử hay dựa vào Pháp, một cường quốc vừa đô hộ nước nhà trên 80 năm, những nhà chính khách quốc gia mới thành công trong sự nghiệp thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Tự Do dưới lá cờ Bảo Đại.
Việt Nam Máu Lửa Việt Nam Máu Lửa - Nghiêm Kế Tổ Việt Nam Máu Lửa