Hope is important because it can make the present moment less difficult to bear. If we believe that tomorrow will be better, we can bear a hardship today.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 33
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 754 / 11
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12 -
hông khí tháng Tư rộn rã với tiếng hót tình ái của chim chóc, và sự mời gọi của đồi Tây Sơn. Khắp nơi, đời sống trở lại với mặt đất khô héo của mùa đông. Đồi Ngọc Tuyền và Bát Đại Điện, bên ngoài công viên Càn Long và đền Phật Ngủ, cống hiến rất nhiều địa điểm khác nhau cho những cuộc du xuân.
Một buổi tối sau bữa ăn, Mạnh Giao và Mẫu Đơn ngồi trong thư phòng. Hải Đường vào trong bếp dặn dò người đầu bếp cho ngày hôm sau, và đang bước về phòng riêng để lau rửa. Nàng thường tránh mặt khi thấy hai người ở bên nhau, dù biết trong thư phòng ấm cúng hơn. Khi nàng đi ngang để vào phòng, Mạnh Giao lên tiếng gọi:
- Tứ muội, vào đây nói chuyện.
- Chuyện gì vậy?
- Chỉ là chuyện phiếm thôi. Trong này thích hơn.
- Được rồi. Em sẽ trở lại.
Vài phút sau nàng bước vào, mặt rạng rỡ nét thanh xuân tự nhiên của tuổi trẻ, tóc chải lại thành một con suối bóng mịn. Nàng thay mặc một bộ quần áo màu xanh đơn giản, tương tự như Mẫu Đơn, giống như quần áo nàng thường mặc ở nhà. Chiếc áo ngắn hơn và ống tay áo hẹp hơn, nhưng cũng không kém lộng lẫy. Nàng liếc nhìn chị. Mẫu Đơn cố gắng nhưng vẫn cảm thấy bồn chồn; nàng ngồi trên một chiếc ghế gỗ và là hình ảnh của tuổi trẻ, chân tựa vào cạnh lò sưởi. Hải Đường khẽ ngồi xuống chiếc ghế tựa bọc lông thú. Mẫu Đơn hỏi:
- Tại sao em nhìn chị thế?
Hải Đường mở to mắt ngạc nhiên. "Em đâu có nhìn chị." Nàng quay lại, ngây thơ nhìn Mạnh Giao và nói bàng một giọng nhẹ, thanh thoát, như thể không có chuyện gì xảy ra, "Anh chị đang nói chuyện gì?" - Nói về em.
- Nói về em?
- Phải, anh nói thật là may mắn có em đến ở đây...
- Em biết. Anh chị sống trên mây. Em không đánh giá em thấp. Một căn nhà là một căn nhà. Phải có người trông nom. Anh không cảm thấy ngủ ngon trên những khăn giường sạch sẽ ư? Em nói thật đấy.
- Anh thực tình biết ơn những gì em đã làm.
- Dường như chúng ta thiếu khăn giường. Em đang nghĩ mua thêm vài cái nữa, được không?
- Em không cần phải hỏi. Cứ việc mua bất cứ cái gì em cần.
- Thực ra anh chị đang nói chuyện gì?
- Anh sẽ đi xa khoảng nửa tháng. Em đã được xem đường xe lửa Bắc Kinh- Thiên Tân. Hoàng đế đã chuẩn y cho xây một đoạn nối tiếp tới Sơn Hải Quan. Việc xây cất đã liên tục hai năm qua và sắp hoàn tất. Đường xe lửa này gần như chạy song song với Vạn Lý Trường Thành, sẽ giúp chúng ta có thể di chuyển quân đội trong một ngày, thay vì phải đi bộ một tuần. Bây giờ quân ngoại quốc đóng tại Đường Cô, chúng ta không thể để bị bao vây. Chúng ta phải có khả năng chuyển quân mau lẹ từ Mãn Châu. Anh sẽ đi thanh tra công việc xây đường xe lửa này cùng với một nhóm kỹ sư người Anh và người Hoa. Đức Hoàng Thượng rất hài lòng khi nghĩ có thể xây một đường xe lửa khác nối liền Bắc Kinh và Nhiệt Hà. Hai kỹ sư người Anh năn nỉ anh đi với họ thăm Lăng Tẩm Nhà Minh. Anh nghĩ hai chị em cũng muốn đi theo; đây là một cơ hội hy hữu.
Hải Đường rất hứng khởi reo lên, "Ôi, Lăng Tẩm Nhà Minh!" - Cuộc hành trình tới Lăng Tẩm Nhà Minh chỉ mất hai hay ba ngày thôi, và thời tiết rất thích hợp cho một chuyến du xuân.
Hải Đường hỏi Mẫu Đơn, "Chị không thích đi xem hả?" - Không. Tại sao chị phải đi xem mộ của các hoàng đế đã chết chứ? Chị thà ở nhà còn hơn.
Mạnh Giao xen vào, "Đấy là lý do tại sao anh nghĩ chúng ta phải nói chuyện với nhau. Có lẽ em có thể khuyến dụ được chị em. Nếu các em không đi bây giờ, thì còn lâu lắm mới có cơ hội nữa, hoặc là lúc đó khí hậu sẽ nóng. Và hơn nữa ai biết được?... Anh có thể bị phái đi một nơi khác." Hải Đường trả lời, "Em muốn đi lắm. Và chúng ta có thể xem cái đèo Chung Quan nổi tiếng gần Vạn Lý Trường Thành, một nơi em vẫn mơ ước." - Này em, nếu em thực tình thích thì em cứ đi với đại ca đi.
Giọng của Hải Đường cứng rắn và cương quyết, "Không. Nếu chị không đi, em cũng không đi." - Em cứ đi với đại ca đi, nếu em rất ước muốn được xem cảnh ấy.
- Không, em sẽ không đi nếu chị không đi cùng.
Mạnh Giao chấm dứt bằng một giọng thất vọng nặng nề. "Thôi, thế được rồi." Mạnh Giao phải lên đường vào ngày mười bảy. Đêm ngày mười sáu, chàng nói với Mẫu Đơn, "Đây là lần đầu tiên hai ta phải xa nhau kể từ khi em đến đây. Anh ước muốn em phải bảo trọng. Hãy đi chơi cho khuây khỏa. Anh sẽ viết thư luôn. Nhưng cũng chỉ có khoảng nửa tháng thôi mà." Khi hai người ôm nhau, Mạnh Giao rất ngạc nhiên thấy mắt nàng ướt.
- Tại sao em khóc?
- Em không biết.
- Em không có hạnh phúc phải không?
- Dĩ nhiên là em hạnh phúc rồi.
- Tại sao em không đi với anh? Em không muốn xem Lăng Tẩm Nhà Minh và Vạn Lý Trường Thành hay sao? Em có thể xem hai nơi trong cùng một chuyến đI.
- Chỉ vì đôi khi em muốn ở riêng một mình.
- Tại sao?
- Em không biết.
- Em không lo lắng về em gái em, phải không?
- Không. Em tin tưởng nó hoàn toàn.
- Em nghĩ vậy rất đúng.
Có một cái gì xen giữa chàng và nàng; chàng không biết đó là cái gì.
- Có lẽ tại tâm trạng em. Hãy ngủ ngon và sáng mai em sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Chỉ cần cho anh biết khi nào em muốn ở một mình, và anh sẽ tôn trọng ý muốn của em.
Ngày hôm sau Mạnh Giao đi Nam Khẩu cùng với các kỹ sư người Anh. Cứ hai ba ngày hai chị em lại nhận được thư của chàng, gửi cho Mẫu Đơn, thường có hai hoặc ba trang viết bằng nét chữ mạnh mẽ sắc cạnh của chàng. Chàng rất thận trọng trong những lá thư ấy, không đi quá những thành ngữ thông thường như "ao ước" và "nhớ nhung" ở đoạn đầu, và hy vọng hai chị em mạnh khoẻ ở đoạn cuối. Mẫu Đơn thường đọc lướt lá thư trước rồi đưa cho em gái. Chàng có sở trường gợi hình ảnh trong một câu ngắn, khéo léo gợi ra xúc cảm nồng nàn, chẳng hạn như "mây trên đèo bỗng mở ra," hoặc "vịt trời bay ngang bầu trời," hoặc "anh nghe thấy những âm điệu buồn bã của tiếng sáo Mông Cổ vào ban đêm," những câu này rất hoà hợp với cái ý "nghĩ đến em." Trong lúc chủ nhân vắng nhà, đầy tớ rất là thoải mái, đồ ăn đơn giản hơn, và không có nhiều việc phải làm.
Hai chị em làm chủ chiếc xe ngựa; mùa xuân đang mời gọi và có nhiều nơi đi chơi. Một lần họ đi chơi mãi tận Đền Thanh Vân dưới chân đồi Tây Sơn, tại đó người ta có thể trông thấy toàn thể thành phố Bắc Kinh với những mái vàng của Tử Cấm Thành ở giữa. Hai chị em rất vui thích, nhưng vẫn nhớ Mạnh Giao. Đấy là một ngày đẹp, trong sáng hoàn toàn không có mây, nhưng không có nhiều hứng thú cho hai chị em đi du xuân một mình. Hải Đường là một cô gái bảo thủ, không bao giờ nghĩ đến việc tìm kiếm bạn trai. Nàng cũng không hề nói đến chuyện ấy; đó là việc của cha mẹ và anh họ nàng phải tìm nơi xứng đôi vừa lứa cho nàng. Việc ấy không cần phải bàn luận, và rõ ràng là bổn phận của người trên.
Một buổi chiều, Mẫu Đơn một mình trở lại Thiên Kiều. Cái ngày người võ sĩ nhìn nàng và hát một bài tình ca cho nàng để lại một ký ức thú vị trong tâm trí nàng. Thực là sung sướng cho một người đàn bà được nhìn, được chiêm ngưỡng và được tán tỉnh bởi một thanh niên có một nụ cười trong sạch với hàm răng trắng bóng như thế, dù nàng không biết chàng ta có vợ hay chưa. Người thanh niên ấy có tất cả sự hấp dẫn của tuổi trẻ, vai và chân tay thật đẹp đẽ mạnh mẽ.
Nàng đi, hy vọng gặp lại chàng - mặc dù nàng cảm thấy sẽ không có gì nghiêm trọng giữa hai người. Nàng yêu thích cử động mau lẹ duyên dáng và bộ ngực nở nang mạnh mẽ của chàng. Nàng muốn nghe chàng hát bài ca ấy một lần nữa, và nhìn hàm răng trắng của chàng lấp lánh trong tiếng cười khoái trá khi chàng hát "Tình tính tang!" Nàng đứng vơ vẩn xem một buổi biểu diễn quyền thuật. Nàng thất vọng không thấy người võ sĩ trẻ lần trước. Hai võ sĩ đang biểu diễn, một người đuổi theo tấn công và một người ở thế thủ; nhưng người nhỏ hơn ở thế thủ lùi bước, lại được khán giả chú ý, vì thỉnh thoảng tung ra một cú đá làm ngã đối thủ, rồi lại tiếp tục rút lui. Giống như một cảnh mèo chuột vờn nhau trong đó con chuột là vai chính. Khán giả thích cảnh ấy. Dĩ nhiên đó là một cảnh đã tập luyện nhiều, nhưng khán giả vẫn ưa thích, đặc biệt là người võ sĩ nhỏ con tỏ ra nhanh nhẹn và tấn công tàn bạo.
Mẫu Đơn cười cùng với mọi người, và cầm một chiếc khăn tay che miệng để tránh đất cát văng lên khi hai võ sĩ đá nhau. Chợt một bàn tay vỗ nhẹ lên vai nàng từ phía sau. Nàng quay lại và nhận ra ngay đôi mắt lóng lánh và nụ cười tươi rộng của người võ sĩ lần trước. Hai người trao đổi một nụ cười dễ dàng và vô tư.
- Chính là cô nương trong buổi biểu diễn nửa tháng trước, phải không?
Mẫu Đơn mỉm cười gật đầu. "Tại sao hôm nay anh không biểu diễn?" Rồi nàng nói thêm bằng một giọng nhẹ nhàng và rất ngây thơ, "Tôi tới xem anh biểu diễn đấy." - Thực hả? Tên cô là gì, cô nương? Hôm đó cô không phiền lòng tôi hát chứ?
- Không, chẳng phiền gì cả. Tôi thích lắm. Tôi biết anh cần phải làm trò vui.
Nàng cảm thấy dễ dàng khi nói chuyện với một người cùng tuổi với nàng.
- Tên cô là gì?
- Tôi không có tên.
- Nếu vậy là Vô Danh cô nương.
Rồi chàng đề nghị, "Thôi đi chỗ khác!" và không cần biết nàng bằng lòng hay không, nắm tay nàng lôi đi.
Nàng vui vẻ đi theo, thích thú trước sự dơn giản thẳng thắng của chàng.
Hai người bước vào một quán trà trong một cái sân vây kín bên dưới mấy cây lê và gọi trà. Từ xa vẳng lại tiếng trống và chũm choẹ và tiếng hát réo rắt từ một rạp hát lộ thiên đâu đó. Nàng chăm chú quan sát chàng. Chàng không to con hoặc vạm vỡ, nhưng khuôn mặt rất đẹp với chiếc cằm rắn chắc; mặt chàng mịn màng, rắn rỏi và mạnh mẽ. Trong cái góc ấy dưới bóng cây xanh, ánh sáng chiếu rọi vào cái hình dáng chắc nịch. Một sự phản ảnh rung rinh chuyển động từ đâu đó đùa rỡn nhảy múa trên cái thân thể ấy và chiếu sáng mái tóc bồng bềnh của chàng.
- Tại sao hôm nay anh không biểu diễn?
- Tôi chỉ là một võ sĩ tài tử. Hôm ấy tôi là võ sĩ khách của họ.
- Tài tử?
- Phải. Đây không phải là nghề của tôi. Họ là bằng hữu của tôi. Cô không hiểu tình huynh đệ trong làng võ đâu. Chúng tôi là huynh đệ. Họ thấy tôi có đủ khả năng, và cho tôi một cơ hội để trình diễn. Không tệ lắm, phải không?
- Anh biểu diễn hay lắm. Anh phải cho tôi biết tên.
- Phùng Nam Đạt. Tôi sống ở ngay đây.
Nụ cười đơn giản không kiểu cách của chàng làm nàng an tâm. Chàng chiêm ngưỡng nhìn nàng và thốt lên, "Trời ơi, cô đẹp quá!" Chưa có ai từng nói một cách thẳng thắng và cởi mở như thế. Nàng gọi tên chàng và hỏi, "Nam Đạt, anh làm nghề gì?" - Tôi có một cửa tiệm nhỏ và một ít đất ở nhà quê. Quyền thuật chỉ là thể thao của tôi.
- Anh còn làm gì nữa?
- Về thể thao ư? Cầu lông. Có một hội quán cầu lông tuyệt vời gần đây. Hôm nào tôi sẽ dẫn cô tới đó. Và Thái cực quyền nữa, lối tập thể dục nhịp điệu ấy. Tôi là một người chậm hiểu. Tôi không thích hợp cho sách vở.
Chàng nói một cách chậm chạp, thứ tự và rõ ràng. Chàng hỏi, "Hãy cho tôi biết cô là ai và nhà ở đâu." Mẫu Đơn mỉm cười và lắc đầu, "Không." Nàng nghĩ nếu chàng biết nàng thuộc về một gia đình hàn lâm thì chàng sẽ hoảng sợ bỏ đi ngay.
Nam Đạt năn nỉ, "Đừng bí mật như thế. Cô là con nhà giầu phải không? Người ta có thể nghĩ như thế khi nhìn mặt cô." Chàng nhìn khắp thân thể nàng bằng một cách nhìn khiến nàng cảm thấy chàng có thể nhìn xuyên qua quần áo nàng.
- Nam Đạt, tôi thuộc một gia đình tầm thường.
- Chưa có chồng? Hãy cho tôi biết nếu cô có chồng rồi. Tôi muốn biết trước.
- Chưa.
Rồi nàng nói tiếp, "Chồng tôi chết rồi." - Vậy thì cô là ai?
- Vô Danh cô nương, như anh nói. Anh là một người đàn ông, tôi là một người đàn bà. Như thế chưa đủ sao?
Ngay khi nói xong, nàng lập tức nhận thấy rằng nàng đã lỡ lời, nhưng quá trễ để rút lại. Chàng có thể hiểu lầm. Nàng đứng dậy bước đI.
- Tôi có thể gặp lại cô ở đâu?
Chàng không hỏi xem chàng có thể gặp lại nàng không. Nàng nhìn nụ cười trong sạch, ánh mắt thẳng thắng và mái tóc đen của chàng và trả lời, "Tôi không biết." - Khi nào tôi có thể gặp cô?
- Tôi không biết... Ở đây xa quá. Tôi sống ở khu Đông.
- Tôi sống ở khu Tây. Nếu cô tử tế xin cho biết tôi tìm cô ở đâu.
- Anh muốn lắm không?
- Muốn lắm. Thôi mà, tôi sẽ đi với cô một quãng. Rồi cô có thể về nhà nếu cô không muốn cho tôi biết cô ở đâu.
Nàng cảm thấy thú vị đi bộ với chàng. Khi hai người tới gần đại lộ Chính Môn, bước chân của hai người dễ dàng ăn nhịp với nhau, một nhịp điệu của tuổi trẻ. Tay chàng mạnh mẽ nắm cánh tay nàng. Cả hai cùng biết và cùng giả bộ không biết rằng bàn tay của chàng đang khoác trên cánh tay nàng, đã đụng vào ngực nàng, và đang cọ vào vú nàng.
- Tôi đề nghị chúng ta sẽ gặp nhau tại Đông Đàn Bạch Lầu. Khi nào cô tới được?
- Bất cứ lúc nào, bất cứ ngày nào. Hay là ngày mai, lúc năm giờ chiều?
Hai người đồng ý. Chàng kiếm cho nàng một chiếc xe kéo và nhắc nhở, "Ngày mai, năm giờ chiều." Sự gặp gỡ Phùng Nam Đạt đã giúp tâm trí nàng khỏi ủ ê; đây là một sự tán tỉnh vô tội và thú vị. Nàng thấy chàng vui vui, dễ chịu và thoải mái; không giống như nói chuyện với một nhà học giả. Nam Đạt không có những ý tưởng trừu tượng và không có những lý thuyết bất cứ loại gì về đời sống con người. Chàng chắc hẳn là không biết gì về sách vở, nhưng đã đem lại cho nàng cái cảm giác của một con người trẻ trung, thẳng thắng và mạnh mẽ, và sẵn sàng đương đầu với đời sống thô sơ nguyên thủy. Nàng cũng biết chắc rằng sẽ không có vướng víu tình cảm. Mạnh Giao và Phùng Nam Đạt khác hẳn nhau. Hai loại người này rất khác biệt và nàng không phải lo sợ chính nàng.
Cái ấn tượng này được xác định và gia tăng trong những lần gặp gỡ kế tiếp. Nàng thường ra đi lúc năm giờ chiều, chiếm một chỗ ngồi tại một quán rượu lộ thiên, và nhìn ra quang cảnh trôi qua ngoài đường phố. Lúc đó đã là cuối tháng Tư rồi; ngày dài hơn và trời còn sáng vào lúc sáu giờ tối.
Đời sống trong các quán rượu và quán trà là đời sống thực của thành phố, tại đó kẻ giầu người nghèo hoà lẫn với nhau và có quyền hưởng đời trong lúc nhìn thế giới đi qua. Trong quán tượu có mùi bánh mì mới nướng và thịt trừu chiên. Gần Bạch Lầu bao giờ cũng có một đám phu xe chờ đợi khách. Đám phu xe cũng thường vào quán rượu, lê những đôi dép phủ đầy bùn. Họ thường gọi mua một cân rượu và bắt đầu nói nhảm nhí, mồ hôi trên mặt nhỏ giọt. Có tên cởi chiếc áo choàng rách rưới ra và móc lên lưng ghế, và nới lỏng giây thắt lưng, cho gió thổi mát hạ bộ trước công chúng. Một số là những thanh niên lực lưỡng. Mẫu Đơn ngồi xem một cách hào hứng khi nàng nghe thấy những tiếng tục tĩu nhất từ cửa miệng phu xe; có nhiều tiếng nàng không hiểu.
Nàng thường gọi bốn cân rượu Thiệu Hưng và ngồi tại một chiếc bàn con thô sơ nhưng sạch sẽ. Nếu Phùng Nam Đạt không có mặt, một người khác, có thể là một tên lính trong quân phục bước lại gợi chuyện với nàng. Nàng trẻ, đẹp và tự nhiên như thế. Sự tán tỉnh thường là của giới trẻ. Nàng ăn mặc sang trọng, nhưng rất có thể nàng đi ra ngoài một mình, và nhiều người hẳn đã nghĩ nàng là một người thuộc giới đi ngang về tắt.
Phùng Nam Đạt thường tới ngồi đây, chia xẻ cái thú ngắm đường phố với nàng. Về một phương diện, chàng làm chủ quang cảnh. Chàng đúng là hiện thân của sinh hoạt đường phố; chàng không cho phép cái gì trái phép xảy ra, những gì không công bằng theo tập tục Bắc Kinh. Một lần có một cuộc cãi vã bên ngoài quán rượu về giá xe. Một người khách Thượng Hải nhấn mạnh ông ta đã trả đủ tiền xe rồi, trong khi người phu xe túm áo ông ta và đòi ông ta phải trả thêm. Phùng Nam Đạt bước ra và hỏi người khách lạ, "Ông đi xe từ đâu? Ông đã trả bao nhiêu rồi?" Người khách lạ cho biết nơi lên xe và số tiền đã trả. Không nói một lời, Phùng Nam Đạt táng cho người phu xe một cái và đuổi đi chỗ khác. Người phu xe kéo xe chạy đi như bay. Phùng Nam Đạt quay trở vào và bảo Mẫu Đơn rằng người phu xe đã lợi dụng khách lạ vào thành phố.
Chàng bực mình quát tháo, "Không có vương pháp gì cả!" Chàng thực tình tức giận như thể đó là một sự xúc phạm cho chính Bắc Kinh.
Một lần chàng dẫn nàng đến hội quán đánh cầu. Nàng rất bội phục cách chàng đá trái cầu lên, để trái cầu nằm trên trán chàng, rồi hất xuống và đá hậu trái cầu lên. Chàng lanh lẹn như một con khỉ. Một lần khác hai người mất cả một ngày trèo bức tường thành Mông Cổ ở phía bắc, và chàng phải bồng nàng xuống trong cánh tay mạnh mẽ của chàng.
Chàng lúc nào cũng làm nàng vui, mà không cần có một lý thuyết nào trong đầu. Nàng đoán chàng gần như mù chữ, nhưng bù lại có một nụ cười trong sạch. Chàng khâm phục những người mà chàng cho là anh hùng như Quan Công mặt đỏ và Trương Phi mặt sắt của thời Tam Quốc mà chàng biết được trên sân khấu rạp hát. Bao giờ chàng cũng là một người bạn tốt, nhưng nàng không có ý định dan díu hoặc yêu thương người đàn ông này.
Tuy thế nàng rất quyến luyến chàng. Nàng say mê đôi mắt tinh anh và tiếng cười trẻ trung của chàng, khác hẳn với vẻ trầm tư chín chắn của Mạnh Giao; hơn nữa da chàng căng mịn hơn da của Mạnh Giao, và chàng có mái tóc rất đẹp. Như đàn ông thường cảm thấy sự hấp dẫn quyến rũ thể xác trong lành của người con gái, Mẫu Đơn cũng cảm thấy khích động hào hứng bên cạnh một ngưòi đàn ông trẻ, thân thể tráng kiện cùng trạc tuổi với nàng. Đó là sự tự nhiên. Nếu có ai đùa với trái tim và xúc cảm của Mẫu Đơn, thì đó chính là thiên nhiên.
Mẫu Đơn đến quán rượu thường xuyên. Có ngày nàng thành công chống lại sự cám dỗ phải đi, và ở nhà với em gái. Hải Đường biết rằng tâm trí nàng có chuyện gì. Nàng hơi lo lắng không thể viết xong lá thư nàng dự định gởi lúc bốn giờ chiều. Hoặc nàng ngáp vắn ngáp dài, than phiền rằng nàng thực tình không muốn đi đâu cả nhưng không còn việc gì khác để làm. Nàng cũng ngồi nhổ lông mày rất cẩn thận thêm vài phút trước tấm gương, trước khi đi đến quán rượu.
Mẫu Đơn biết nàng đã để mặc tình cảnh lôi cuốn, và chắc chắn không có khả năng chấm dứt mối liên hệ này, mà lúc đầu rất là ngây thơ vô tội. Nàng tránh được một tuần lễ, cố gắng chống lại sự thúc giục phải đi, bởi vì một lời nói buột miệng, làm cho nàng có vẻ sẵn sàng cho một cuộc phiêu lưu tình cảm:
"Anh là đàn ông và tôi là đàn bà. Thế chưa đủ sao?" Nàng chắc rằng Phùng Nam Đạt đã hiểu lầm nàng. Chàng tới quán rượu hàng ngày để chờ nàng, nhưng đôi khi không thấy Vô Danh cô nương. Chàng bước lại ngồi vào bàn, chăm chú nhìn ra đường phố tìm kiếm, hy vọng một hình ảnh con gái xinh đẹp sẽ trở thành Vô Danh cô nương; cuối cùng chàng bỏ đi, nghi ngờ nhưng vẫn hy vọng, tìm ra lý do tại sao nàng không thể đến được.
Một buổi sáng, khoảng mười một giờ, nàng đụng phải chàng tại góc ngõ Đồng Phủ và đại lộ Trường An.
Chàng trông thấy nàng từ phía sau, và vừa phóng vội lại, vừa gọi, "Đừng bỏ chạy, cô nương, đừng bỏ chạy!" Nàng quay lại và trông thấy chàng. Đúng là Phùng Nam Đạt, đôi mắt nhìn nàng năn nỉ. Nàng bật ra một tiếng "Anh!"; cái tiếng ngắn ngủi ấy có ý nghĩa bằng ngàn thứ trong tai chàng.
- Mấy bữa nay cô ở đâu? Tôi lại quán rượu mỗi ngày. Tại sao cô không đến? Tôi có xúc phạm cô không?
Tôi lang thang khắp mọi ngả đường với hy vọng gặp được cô.
- Tôi đang đi về nhà.
- Cô không thể trốn tránh tôi được đâu.
- Tôi phải về nhà. Tôi van anh.
- Thế thì tôi sẽ đi theo cô.
Nhưng nàng đứng yên, chân nàng như dính chặt vào mặt đất. Tim nàng hồi hộp. Nàng cảm thấy chân nàng mềm nhũn khi chàng nắm tay nàng, bắt nàng quay lại và đi cùng một hướng. Hai người sóng đều bước bên nhau, và mặc dù nàng không muốn, nàng cảm thấy rất tuyệt diệu khi chàng nắm lấy cánh tay nàng và bóp chặt.
- Anh đi đâu vậy?
- Bất cứ đâu cô muốn.
Nàng muốn bỏ đi. Nàng đã gặp chàng nơi công cộng, nhưng nàng chưa biết gì về chàng. Phùng Nam Đạt năn nỉ:
- Xin cô cùng tôi tới một khách sạn để cùng nhau nói chuyện cho thoải mái và tìm hiểu nhau. Tôi hứa sẽ không làm phiền cô.
- Làm sao tôi biết chắc thế?
- Tôi thề có vong linh mẹ tôi. Và vì tôi yêu cô. Hãy bảo tôi cô muốn gì, tôi sẽ làm ngay.
- Nhảy xuống cống.
Phùng Nam Đạt liền nhảy ngay xuống cái cống nước lộ thiên bên đường. Làn nước bùn cạn bắn lên tung toé. Khi chàng trèo lên bờ cống, mặt chàng đầy nước bùn.
Mẫu Đơn cười khanh khách. Lấy ra một chiếc khăn mặt, nàng lau mặt chàng và mỉm cười nói, "Anh thực là điên. Tôi chỉ nói đùa thôi." - Nhưng tôi điên vì cô.
Nàng chăm chú nhìn chàng. Chàng là một thanh niên trẻ, có lẽ chưa trưởng thành, nhưng chàng yêu nàng như một người trẻ tuổi yêu, nàng biết chắc thế.
- Nếu anh hứa đứng đắn, tôi sẽ là bạn của anh. Chỉ là bạn thôi, anh hiểu không?
- Bất cứ điều gì cô muốn. Tại sao cô bí mật vậy?
Phùng Nam Đạt tin rằng nàng không phải là giới đi ngang về tắt, và như vậy nàng càng có vẻ lôi cuốn và bí mật hơn.
- Tôi muốn hỏi, anh có vợ chưa?
- Nếu tôi có vợ thì sao? Có gì khác không?
- Không, nếu chúng ta chỉ là bạn.
Chàng bắt đầu kể về cuộc hôn nhân khốn khổ của chàng, vợ chàng thực là một người đàn bà độc ác, và chàng không dám nhìn một người đàn bà khác ngoài đường phố hoặc trong rạp hát.
- Này thôi, hãy gọi xe kéo. Tôi biết một khách sạn rất tốt tại đó chúng ta có thể nói chuyện yên lặng với nhau.
Khách sạn này hơi nhỏ, ngay đằng sau khu "phố đèn đỏ" bên ngoài Chính Môn, nơi các lái buôn thường ở vì vừa rẻ vừa sạch sẽ. Hai ngưòi nắm tay nhau bước lên cái cầu thang lờ mờ tối. Mẫu Đơn cảm thấy chân nàng mềm như cao su, trái tim đập loạn xạ. Chính cái hành động bí mật bước lên phòng riêng với chàng đã khích động nàng, và tạo cho nàng sự hồi hộp rung động khi làm một điều cấm kỵ.
Hai người khép cửa lại sau lưng. Chàng gọi một bình trà. Trong lúc đợi trà, chàng làm nàng ngạc nhiên khi chàng hôn lên cổ nàng rồi xin lỗi nàng. Nhưng dĩ nhiên nàng biết chuyện ấy sẽ đến, từ cách chàng ôm nàng từ phía sau lúc bước lên cầu thang.
Người bồi mang trà lên và cửa được đóng lại. Chàng cẩn thận khoá cửa. Mẫu Đơn cảm thấy rất tội lỗi và bối rối; nàng ngồi trên giường hai tay để lên lòng. Chàng muốn tới bên nàng, nhưng nàng nói:
- Không, anh ngồi kia. Chúng ta chỉ nói chuyện thôi, phải không?
Chàng vâng lời nàng và ngồi xuống ghế bên cạnh cửa sổ, và không rời mắt khỏi nàng. Chàng rót cho nàng một tách trà, và cho chàng một tách. Nước trà dường như làm chàng bình tĩnh lại. Chàng có thể trấn tĩnh đôi chút và bắt đầu kể cho nàng biết về vợ chàng. Chàng nói chàng không kết hôn với một người vợ, mà là một cai tù. Rồi chàng cho biết mấy hôm vừa qua chàng rất ngẩn ngơ chỉ nghĩ đến nàng. Chính buổi sáng hôm nay chàng đã cãi nhau với vợ vì chàng cứ hay vắng nhà; chàng chỉ cho nàng một chỗ trên trán mà vợ chàng đã túm tóc chàng và giật đứt mấy lọn tóc.
- Tôi chắc chỗ đó vẫn còn đỏ.
Mẫu Đơn nhìn. Có những vết máu tím trên tóc chàng. Chàng lại gần nàng hơn nữa, rồi ngồi ngay bên cạnh nàng, tay bóp mạnh đùi nàng - Xin đừng. Hãy nhìn giầy của anh kìa.
Nàng chỉ tay vào đôi giầy và bật cười ròn rã. Chàng cũng cười, đứng dậy và dậm chân xuống sàn nhà - Hãy cởi ra. Anh không thể làm khô giầy bằng cách ấy.
Cái ý tưởng đó làm hai người cùng buồn cười.
- Anh không biết anh trông buồn cười thế nào khi anh trèo từ cống lên.
Nàng bắt đầu cười như điên dại, và chàng cũng cười theo. Ngay lúc đó có tiếng đập cửa. Phùng Nam Đạt tái mặt. Tiếng cười của hai người im bặt và chàng nói thì thầm:
- Không thể là cảnh sát. Chắc là vợ tôi. Tôi chắc là vợ tôi theo dõi tôi đến đây.
- Tôi phải làm gì?
Một giọng đàn bà hét lên qua khe cửa:
"Mở ra ngay. Tôi biết anh ở trong đó. Mở ra!" Tiếp theo là những tiếng đập cửa mạnh hơn nữa.
Bình tĩnh, Phùng Nam Đạt nói khẽ, "Bây giờ cô sẽ trông thấy hành động của tôi. Tôi sẽ mở cửa bất thình lình. Cô nấp sau cánh cửa. Hãy lách ra ngay lập tức, trước khi mụ ta trông thấy cô." Rồi chàng la to, "Tôi mở đây." Chàng rón rén khép cửa sổ cho phòng tối lại. Không một tiếng động, chàng mở khoá, tay trái nắm lấy Mẫu Đơn. Rồi bất thình lình, chàng mở banh cửa và một người đàn bà bị nhào theo cánh cửa, lao rất mạnh vào phòng và ngã lộn đầu. Cùng lúc ấy chàng kéo đẩy Mẫu Đơn ra ngoài.
Nàng chúi xuống dưới cánh tay của chàng và phóng ra ngoài hành lang.
Nàng chạy hấp tấp xuống cầu thang, không chờ xem cái gì xảy ra trên phòng. Người thư ký khách sạn ngẩng lên nhìn, nhưng nàng đã bình yên ở ngoài đường; nàng chạy một quãng, rồi thuê một chiếc xe kéo.
Vào lúc về đến nhà, nàng đã trấn tĩnh lại rồi. Hải Đường hỏi:
- Tại sao hôm nay chị về sớm thế?
- Chị thấy chán lắm rồi.
Tuyệt Tình Ca Tuyệt Tình Ca - Yuri Vassilievitch Bondarep