Books are the quietest and most constant of friends; they are the most accessible and wisest of counselors, and the most patient of teachers.

Charles W. Eliot

 
 
 
 
 
Tác giả: Guy de Maupassant
Dịch giả: Nhiều Dịch Giả
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 44
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 51
Cập nhật: 2020-10-24 12:43:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 30
ợi chờ
(L’attente)
Sau bữa ăn tối, cánh đàn ông vừa hút thuốc vừa tán gẫu. Họ đang nói về những vụ hưởng quyền thừa kế thật bất ngờ, những gia tài thật lạ lùng. Lúc ấy, ông Brument, mà khi thì người ta gọi là thầy chưởng khế trứ danh, khi thì ngài luật sư nổi tiếng, đến ngồi tựa lưng trên lò sưởi, và nói:
“Hiện nay, tôi phải đi tìm một người thừa kế gia tài đã bặt tin tức trong một hoàn cảnh vô cùng khủng khiếp. Đó là một trong số những thảm kịch tự nhiên và ác nghiệt trong cuộc chung sống; một chuyện mà hàng ngày có thể xảy ra; tuy nhiên, đây lại là một chuyện kinh hoàng nhất mà tôi được biết. Câu chuyện như sau:
*
Cách đây khoảng sáu tháng, tôi được mời đến nhà một người đàn bà đang hấp hối. Bà ta nói với tôi:
“Thưa ông, tôi muốn nhờ ông một việc vô cùng tế nhị, vô cùng khó khăn, và mất rất nhiều thời gian. Xin ông hãy làm quen di chúc của tôi đi, đấy, nó đang ở trên bàn. Nếu thất bại, ông sẽ được hưởng món tiền thù lao năm ngàn quan. Nhưng nếu thành công, ông sẽ được thưởng một trăm ngàn quan. Sau khi tôi chết xin ông đi tìm đứa con trai của tôi.”
Bà ta nhờ tôi đỡ ngồi dậy trên giường, để nói được dễ dàng hơn, bởi vì giọng nói nấc nghẹn và thều thào của bà rít lên trong cổ họng.
Tôi đang ở trong một nhà rất giàu. Căn phòng sang trọng này, một vẻ sang trọng mà giản dị, được bọc bằng vải dày như bức tường; mịn màng đến nỗi ta có cảm giác như được mơn trớn, và câm lặng đến nỗi tiếng chuyện trò dường như thấm vào nó, và biến mất trong đó.
Người đàn bà hấp hối nói tiếp:
“Ông là người đầu tiên mà tôi sắp kể câu chuyện ghê tởm của tôi. Tôi sẽ cố gắng lấy hết sức lực để kể đến cuối. Xin ông đừng quên chi cả, để vui lòng giúp tôi bằng mọi khả năng của ông, vì tôi biết, ông là người nhiệt thành và lịch lãm.”
Xin ông hãy lắng nghe tôi.
Trước khi lấy chồng, tôi đã yêu một thanh niên nhưng gia đình tôi từ chối lời cầu hôn của chàng, vì chàng không giàu lắm. Sau đó ít lâu, tôi lấy một người giàu sụ. Tôi lấy ông ta vì dốt nát, vì lo sợ, vì vâng lời, vì chán nản, cũng giống như các cô gái khác đi lấy chồng.
Tôi có với ông ta một đứa con, một thằng con trai. Vài năm sau, chồng tôi chết.
Người mà tôi yêu trước kia, bây giờ cũng đã lập gia dinh. Khi thấy tôi goá bụa, anh vô cùng đau khổ, vì mình không còn được tự do nữa. Anh đến thăm, anh khóc lóc nức nở trước mặt tôi, đến nỗi cõi lòng tôi tan nát. Lẽ ra tôi không nên tiếp anh ta. Nhưng biết sao bây giờ? Anh trở thành bạn thân của tôi. Tôi cô đơn buồn bã tuyệt vọng vô cùng! Nhưng tôi vẫn còn yêu anh ấy. Đôi khi, người ta phải đau khổ biết dường nào!
Tôi chỉ còn mình anh trên cõi đời này, vì cha mẹ tôi đều qua đời cả rồi. Anh đến với tôi thường hơn; anh thường ngồi suốt cả buổi tối bên tôi. Lẽ ra tôi không nên để anh lui tới thường xuyên như thế, bởi vì anh đã có vợ. Nhưng tôi không đủ sức ngăn cản anh ta.
Tôi biết nói gì với ông đây nhỉ?… Anh ta đã trở thành nhân tình của tôi! Chuyện ấy ra sao? Tôi có ý thức về nó không? Và người ta đã biết chứ? Ông có tin rằng sự việc có thể xảy ra khác hơn được không, khi mà hai sinh linh bị đẩy về phía nhau bằng sức mạnh không thể cưỡng lại được của một mối tình không sum họp? Thưa ông, ông có thể tin rằng người ta lúc nào cũng có thể cưỡng lại được, có thể đấu tranh, có thể chối từ những yêu cầu khẩn khoản, những giọt nước mắt, những lời nói liều lĩnh, những hành động cầu xin, những thái độ cuồng si của người mà mình tôn thờ, mình muốn thấy sống trong hạnh phúc, người mình muốn chia sẻ tất cả những niềm vui xảy đến, và là người mà mình đã gây thất vọng, để tuân theo quan niệm về danh giá của người đời? Muốn thế, cần phải có biết bao là sức lực, là hy sinh, là chối từ hạnh phúc, và ngay cả lòng ích kỷ của tính lương thiện nữa, có phải vậy không?
Cuối cùng rồi thưa ông, tôi trở thành nhân tình của anh ta; và tôi cảm thấy có hạnh phúc. Tôi cảm thấy hạnh phúc trong mười hai năm trời. Tôi kết bạn với vợ anh ta. Đây là một nhược điểm, và sự hèn nhát lớn nhất trong cuộc đời tôi.
Hai chúng tôi cùng nuôi nấng, dạy dỗ đứa con riêng của tôi trở thành con người chân chính, thông minh, đầy ý chí và có tư tưởng khoáng đạt. Rồi thằng bé đến tuổi mười bảy.
Ngay cả thằng bé cũng yêu… tình nhân của tôi, gần như là tôi yêu anh ta, vì nó được cả hai chúng tôi thương yêu, chiều chuộng. Nó gọi anh là “bạn quý”, và vô cùng quý trọng anh, vì anh thường dạy bảo nó, làm gương cho nó về tính cương trực, liêm khiết và lòng trọng danh dự. Nó coi anh như là một người bạn thân thiết, trung thành và tận tuỵ của mẹ nó, như là người cha tinh thần, người đỡ đầu của nó.
Cũng có thể là nó sẽ chẳng thắc mắc điều chi, vì từ nhỏ nó đã quen thấy người đàn ông trong nhà, kề cận bên tôi, bên nó, và luôn luôn quan tâm chăm sóc đến chúng tôi.
Một hôm, cả ba chúng tôi có dịp dùng chung bữa ăn tối (đó là những ngày trọng đại nhất của tôi). Tôi chờ đợi cả hai người, và tự hỏi không biết ai là người đến trước. Bỗng cửa mở: anh ấy bước vào. Tôi dang rộng đôi tay và ngã vào lòng anh. Và anh đặt lên đôi môi tôi một chiếc hôn hạnh phúc.
Thình lình một tiếng động, một tiếng chạm rất khẽ, một cảm giác huyền bí làm cho ta biết rằng có một người khác xuất hiện, khiến chúng tôi giật nẩy người, và quay lại. Jean, con tôi, mặt mày nhợt nhạt, đang đứng nhìn chúng tôi.
Một giây hốt hoảng tột độ trôi qua. Tôi lùi lại, giơ tay về phía con tôi, như thể một lời van xin. Từ đó, tôi không còn gặp nó nữa. Nó đã bỏ đi.
Còn lại hai chúng tôi, mặt đối mặt nhau, tâm trạng rã rời, không ai nói với ai lời nào. Tôi gieo người xuống chiếc ghế phô tơi, và tôi ao ước, một ước muốn mơ hồ và mãnh liệt là bỏ trốn, là ra đi trong đêm tối, và vĩnh viễn không trở lại. Nhưng cơn nấc nghẹn bỗng trào ra khỏi cổ họng, và tôi oà lên khóc, run run vì nghẹn ngào, cõi lòng tan nát, thần kinh tôi như bị se thắt lại bởi cảm giác về nỗi bất hạnh khôn cùng này, và bởi nỗi nhục nhã ghê tởm đang đè nặng trái tim của một người làm mẹ trong lúc này.
Anh ta… anh ta cũng hốt hoảng đứng trước mặt tôi, không dám tới gần tôi, cũng không dám gợi chuyện với tôi, không dám chạm vào người tôi, vì sợ rằng thằng nhỏ sẽ trở lại. Cuối cùng, anh nói:
“Tôi đi tìm nó, và nói với nó… làm cho nó hiểu… Tôi sẽ gặp nó… và nó sẽ hiểu…”
Và anh đi ra.
Tôi chờ đợi… chờ đợi, lòng như điên như dại; một tiếng động nhỏ cũng làm cho tôi giật mình, nhấp nhỏm vì lo sợ và những tiếng nổ lách tách trong lò sưởi cũng gây cho tôi nỗi xúc động khó tả và bạo tàn.
Tôi chờ một giờ, hai giờ. Trong lòng tôi bỗng chớm hiện một nỗi lo sợ kỳ lạ, và cơn dằn vặt đau đớn đến nỗi tôi sẽ chẳng hề mong muốn xảy ra cho bất cứ một ai, ngay cả những kẻ đáng tội tử hình, dù chỉ trong mười phút của khoảng thời gian ấy mà thôi. Con tôi lúc đó đang ở đâu? Nó làm gì?
Lúc nửa đêm, một người chạy hàng mang đến cho tôi một mảnh giấy của anh ấy. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn thuộc lòng nó.
“Con em đã về chưa? Tôi chưa gặp nó. Tôi đang ở dưới này…
“Tôi không muốn lên đó vào giờ này.”
Tôi lấy bút chì viết vào mảnh giấy này:
“Jean chưa về. Anh phải tìm cho được nó!”
Và tôi ngồi trên ghế phô tơi, chờ đợi cho đến sáng.
Tôi trở nên điên dại. Tôi muốn rú lên, muốn chạy, muốn lăn mình dưới đất. Nhưng tôi ngồi im không cử động, luôn chờ đợi. Tôi cố sức suy đoán, nhưng không làm sao biết được, mặc dù tôi đã cố gắng, đã bị dằn vặt trong lòng.
Tôi e rằng họ không gặp nhau. Họ sẽ làm gì? Thằng nhỏ sẽ làm gì? Nhưng hoài nghi khủng khiếp cũng như những giả thuyết đáng sợ xé nát lòng tôi.
Ông hiểu rõ chứ? thưa ông?
Chị hầu phòng của tôi, vì không hiểu chi cả, không biết gì cả và có lẽ tưởng rằng tôi điên thực sự, cứ đến thăm nom tôi không ngừng. Tôi đuổi chị đi, bằng một lời nói, hay một cử chỉ. Chị đi tìm bác sĩ. Bác sĩ nhận thấy tôi đang quằn quại trong cơn khủng hoảng tinh thần.
Người ta đặt tôi nằm lên giường. Tôi bị cơn sốc thần kinh hành hạ.
Khi hồi tỉnh lại sau một thời gian dài, tôi nhận thấy… tình nhân của tôi đang ngồi một mình, cạnh giường. Tôi la lên: “Con tôi, con tôi đâu?” Anh không trả lời. Tôi lúng búng trong miệng:
“Chết… chết. Nó tự tử à?”
Anh trả lời:
“Không, không. Tôi xin cam đoan. Nhưng tôi không thể gặp được nó, mặc dù đã cố gắng nhiều.”
Lúc ấy, tôi tuyên bố, lòng chợt tức tối, thậm chí phẫn nộ nữa, bởi vì người ta thường có những cơn giận dữ vô cớ và vô lý như vậy.
“Tôi cấm anh không được trở về, không được gặp lại tôi, nếu anh không tìm được nó. Anh đi đi.”
Anh ta đi ra.
Kể từ đó, tôi không còn gặp lại họ nữa. Và tôi sống như vậy đã hai mươi năm nay.
Ông có tưởng tượng ra điều đó không? Ông có hiểu được nỗi đoạ đày khủng khiếp này không? Một sự giằng xé chậm chạp và triền miên trong cõi lòng người mẹ, người đàn bà, sự chờ đợi gớm ghiếc, không bao giờ dứt… không bao giờ dứt.
Không… sự chờ đợi này sắp kết thúc… vì tôi sắp chết. Tôi chết mà không thấy mặt họ.
Anh ta, anh bạn tôi, từ suốt hai mươi năm nay, ngày nào cũng viết thư cho tôi. Nhưng tôi không bao giờ muốn tiếp anh ta, dù chỉ trong một giây thôi, vì đối với tôi, nếu anh ta trở lại đây thì dường như cũng chính lúc tôi lại thấy con tôi xuất hiện. Con tôi! Con tôi! Hiện giờ nó đang sống hay đã chết? Nó ẩn nấp ở đâu? Cũng có thể ở bên kia đại dương, trong một xứ xa vời nào đó mà đến tên gọi tôi cũng không biết! Nó có nghĩ đến tôi không? Ôi!… Giá mà nó biết được? Con cái sao tàn nhẫn quá! Nó có biết rằng nó đã gây ra cho tôi một nỗi đau đớn kinh hồn như thế nào không? Rằng nó đã gây cho tôi một nỗi tuyệt vọng, một cơn dằn vặt đến mãn đời, trong khi tôi vẫn sống, còn đang trẻ nữa, tôi, mẹ nó, yêu nó bằng tất cả tấm lòng mẫu tử mãnh liệt? Ôi! Thật là tàn nhẫn!
Thưa ông, xin ông hãy nói với nó tất cả điều đó. Ông hãy lặp lại cho nó nghe những lời nói cuối cùng của tôi.
“Con của mẹ, con yêu quý của mẹ, con hãy bớt nghiêm khắc với những sinh linh khốn khổ. Cuộc đời đã quá đầy đủ những nhẫn tâm và tàn bạo! Con thân yêu của mẹ, con hãy nghĩ đến số phận của mẹ con, người mẹ đau khổ, kể từ ngày con bỏ mẹ. Con yêu quý, con hãy tha thứ cho mẹ, và thương yêu mẹ. Bây giờ mẹ đã chết, vì mẹ đã chịu một hình phạt ghê gớm nhất.”
Bà thở hổn hển, run rẩy, như thể bà đang nói chuyện với chính đứa con đang đứng trước mặt mình. Đoạn, bà nói tiếp:
“Xin ông hãy nói thêm với nó rằng tôi không hề gặp lại… anh ta.”
Bà lại nín lặng, sau đó cất giọng khàn khàn:
“Bây giờ xin ông hãy để tôi nằm một mình. Tôi muốn được chết đơn độc, bởi vì họ không hề ở bên cạnh tôi.”
*
Ông Brument nói thêm:
“Thưa các ngài, lúc ấy tôi đi ra mà khóc lóc như điên dại, đến nỗi người đánh xe của tôi phải quay lại nhìn.
“Và phải nói rằng, hàng ngày, không biết bao nhiêu tấn thảm kịch như thế xảy ra chung quanh chúng ta.
“Tôi vẫn chưa tìm được đứa con… đứa con ấy. Các ngài cứ nghĩ gì về nó, tuỳ các ngài, nhưng tôi, tôi cho rằng đó là đứa con tội lỗi.”
Trần Thanh Ái dịch
Tuyển Tập Truyện Ngắn Guy De Maupassant Tuyển Tập Truyện Ngắn Guy De Maupassant - Guy de Maupassant Tuyển Tập Truyện Ngắn Guy De Maupassant