A lot of parents will do anything for their kids except let them be themselves.

Bansky

 
 
 
 
 
Tác giả: Guy de Maupassant
Dịch giả: Nhiều Dịch Giả
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 44
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 51
Cập nhật: 2020-10-24 12:43:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 24
rong chuyến đi
(En voyage)
Tặng Gustave Toudouze
I
Khi rời Cannes thì toa tàu đã đầy; mọi người cùng trò chuyện, vì họ quen nhau cả. Khi đi ngang qua Tarascon, có người nói: “Chính nơi đây đã xảy ra vụ giết người.” Và họ bất đầu bàn luận về tên sát nhân kỳ diệu và không thể tóm được nó, từ hai năm nay, thỉnh thoảng hắn cướp đi một mạng người đi đường. Mỗi người đều đưa ra nhiều giả thiết, nhiều ý kiến; các bà thì vừa nhìn ra màn đêm tối đen sau cửa kính vừa run, cứ nơm nớp sợ rằng một đầu người bất thần xuất hiện ở cửa. Và họ lại kể những chuyện kinh dị về những cuộc gặp gỡ xúi quẩy, những cuộc chạm trán với người điên trên một chuyến tàu nhanh, những giờ phút mặt đối mặt với một tay khả nghi nào đó.
Cánh đàn ông ai cũng có một giai thoại để tự hào về mình, người nào cũng đã từng làm cho tên bất lương nào đó phải khiếp đảm, đo ván, và đành thúc thủ, trong những tình huống diệu kỳ, với một sự mưu trí và gan dạ đáng khâm phục. Một vị bác sĩ nọ, cứ hàng năm lại đến nghỉ Đông ở miền Nam nước Pháp, đến lượt ông cũng muốn kể một câu chuyện.
*
Tôi thì, ông ta nói, tôi chưa bao giờ may mắn được thử nghiệm lòng can đảm của mình trong những vụ tương tự như thế; nhưng tôi quen một người đàn bà, là khách hàng của tôi, nay đã chết rồi, bà ta đã gặp một chuyện lạ lùng nhất, và cũng là một chuyện huyền diệu nhất, cảm động nhất trên đời.
Đó là một phụ nữ Nga, nữ Bá tước Marie Baranow, một phụ nữ cao to, có một vẻ đẹp mê hồn. Các vị biết đàn bà Nga đẹp như thế nào rồi, hoặc ít ra, đối với chúng ta là như thế, với chiếc mũi xinh xắn, cái miệng thanh tao, hai con mắt gần nhau có một màu sắc khó tả, một màu vàng xanh vừa xám, và với một vẻ duyên dáng lạnh lùng đến sắt đá! Họ có một cái gì đấy vừa dữ dằn vừa quyến rũ, vừa cao ngạo vừa dịu dàng, vừa tình cảm vừa nghiêm khắc, rất dễ thương đối với đàn ông Pháp. Nghĩ cho cùng, có thể đó chỉ là sự khác biệt về chủng tộc và phong cách đã làm cho tôi thấy ở họ nhiều đặc điểm đến thế.
Từ nhiều năm nay, vị bác sĩ của bà ta đã thấy bà bị đe doạ bởi một chứng bệnh ở phổi, và đã cố gắng cho bà đến miền Nam nước Pháp; nhưng bà kiên quyết từ chối rời khỏi Pétersbourg. Thế rồi, mùa thu năm ngoái, thấy bà nguy ngập, bác sĩ phải báo cho chồng bà biết, ông ta lập tức ra lệnh cho bà phải đến Menton*.
Một thị trấn Pháp, nằm trên bờ biển Địa Trung Hải, sát biên giới Ý.
Bà đáp xe lửa, một mình một toa, những người phục dịch thì ở một toa khác. Bà ngồi tựa cửa, vẻ hơi buồn, ngắm nhìn cảnh đồng quê, làng mạc lướt qua, lòng cảm thấy quá lẻ loi, lạc lõng trong cuộc đời, không con cái, gần như không họ hàng thân thích, với một ông chồng không còn tình yêu, một ông chồng đã vứt bà vào một xó trần gian như thế, chẳng thèm đến với bà, như thể người ta thường ném một tên đầy tớ bệnh tật vào nhà thương.
Khi đến mỗi ga, người đầy tớ tên Ivan đến hỏi xem bà có cần gì không. Đó là một gia nhân già tận tuỵ một cách mù quáng, sẵn sàng thi hành mọi mệnh lệnh mà bà ban ra.
Đêm xuống, con tàu chạy hết tốc lực. Bà không thể ngủ được, vì uể oải đến cực độ. Chợt bà nghĩ đến chuyện đếm số tiền mà chồng bà đã trao lại vào giờ phút chót, số tiền vàng của Pháp. Bà mở chiếc xách tay nhỏ ra, và trút lên đầu gối dòng kim loại óng ánh ấy.
Nhưng thình lình một luồng gió lạnh quất vào mặt bà. Bà kinh ngạc ngẩng đầu lên. Chiếc cửa vừa mở ra. Nữ bá tước Marie thất kinh ném vội chiếc khăn choàng lên đống tiền vương vãi trên áo váy, và chờ đợi. Vài giây trôi qua, rồi một người đàn ông xuất hiện, đầu để trần, tay bị thương, mồm thở hổn hển, vận y phục chỉnh tề. Hắn đóng cửa lại, ngồi xuống, nhìn bà bằng ánh mắt long lanh, đoạn lấy khăn băng cổ tay đang chảy máu lại.
Người phụ nữ trẻ ấy cảm thấy điếng hồn vì sợ. Chắc chắn rằng gã đàn ông này đã thấy bà đang đếm tiền, và hắn đến để cướp và giết bà đây.
Hắn nhìn bà đăm đăm, vừa thở hổn hển, gương mặt căng thẳng, có lẽ sẵn sàng nhảy bổ vào bà.
Chợt hắn nói:
“Thưa bà, xin bà đừng sợ.”
Bà không trả lời gì cả, vì không thể mở miệng ra được, và nghe ngực đập liên hồi, tai ù lên.
Hắn tiếp:
“Tôi không phải là kẻ bất lương, thưa bà.”
Bà vẫn không nói chi cả, nhưng trong một cử chỉ đột ngột, khi hai đầu gối khép lại, số tiền vàng chợt tuôn xuống thảm, như nước tuôn từ máng xối.
Gã đàn ông kinh ngạc nhìn dòng suối kim loại ấy, và thình lình hắn cúi xuống để nhặt chúng lên.
Hoảng hốt, bà vội đứng lên, ném xuống sàn cả gia sản của mình, và bà chạy đến cửa để nhảy bổ xuống đường. Nhưng hắn hiểu bà định làm gì, hắn nhào người đến, ôm lấy bà, rồi ấn bà ngồi xuống, và giữ cổ tay bà. “Hãy nghe tôi nói, thưa bà, tôi không phải là kẻ bất lương, và bằng chứng là tôi nhặt số tiền này để trả lại cho bà. Nhưng tôi sẽ mất mạng, nếu bà không giúp tôi vượt qua biên giới. Tôi không thể nói với bà nhiều hơn nữa được. Một giờ nữa đây, chúng ta sẽ đến ga nước Nga, một giờ hai mươi phút nữa, chúng ta sẽ vượt qua biên giới của Đế chế. Nếu bà không cứu tôi, tôi sẽ chết mất. Tuy nhiên, thưa bà, tôi không hề giết người, trộm cắp, không hề làm điều gì trái với danh dự. Tôi xin thề với bà như vậy. Tôi không thể nói với bà nhiều hơn nữa được.”
Và hắn quỳ xuống nhặt tiền vàng vung vãi dưới băng ngồi, và tìm kiếm những đồng tiền lăn lóc đằng xa. Đoạn, khi chiếc xách tay nhỏ bằng da đã đầy trở lại, hắn trao lại cho bà, không nói một tiếng, và hắn quay lại ngồi vào một xó trong toa xe.
Cả hai người không ai cử động. Bà ngồi bất động và câm lặng, vẫn còn điếng hồn vì sợ, nhưng dần dần bà cũng tỉnh táo lại. Còn hắn, hắn không động đậy, không nhúc nhích; hắn ngồi thẳng người, đôi mắt nhìn đăm đăm, mặt mày nhợt nhạt như thể chết rồi. Thỉnh thoảng, bà ném về phía hắn một ánh mắt đột ngột, rồi vội vã quay sang chỗ khác. Đó là một gã đàn ông khoảng ba mươi tuổi, rất đẹp trai, có dáng dấp của một người quý tộc.
Con tàu vẫn chạy trong bóng tối, ném vào màn đêm những tiếng kêu xé tai, đôi khi nó chậm bước lại, rồi vụt lên hết tốc độ. Nhưng thình lình nó hãm đà, rúc còi nhiều lần, rồi dừng phắt lại.
Ivan hiện ra ở cửa để nhận lệnh.
Nữ bá tước Marie dò xét người khách đồng hành kỳ lạ một lần nữa, rồi với giọng run run bất chợt, bà nói với người đầy tớ:
”Ivan, bác quay lại với bá tước đi. Tôi không cần bác nữa.”
Người đầy tớ chưng hửng, mở to đôi mắt. Lão ấp úng:
“Nhưng… thưa lệnh bà.”
Bà nói tiếp:
“Không, bác sẽ không đến đó nữa. Tôi đã đổi ý. Tôi muốn bác ở lại nước Nga. Này, đây là lộ phí đi về. Đưa mũ và áo khoác của bác đây.”
Người gia nhân già hốt hoảng vội giở mũ và cởi áo măng tô ra, lão luôn tuân lệnh mà không trả lời chi, vì đã quen với những ý muốn bất ngờ và những cơn trở chứng không thể cưỡng lại được của các chủ nhân. Và lão ra đi, nước mắt đầy tròng.
Con tàu lại lên đường, tiến về hướng biên giới.
Thế rồi nữ bá tước Marie nói với người bên cạnh:
“Những thứ này dành cho ông, thưa ông. Ông là Ivan, người hầu của tôi. Tôi chỉ ra một điều kiện cho việc tôi làm: đừng bao giờ trò chuyện với tôi, đừng nói với tôi một tiếng nào, dù là để cảm ơn hoặc để làm gì đi nữa.”
Kẻ lạ mặt gật đầu không nói một lời.
Chẳng mấy chốc con tàu lại dừng nữa, và các nhân viên mặc đồng phục lên tàu. Nữ bá tước chìa các giấy tờ cho họ xem và vừa chỉ người đang ngồi trong góc toa xe, vừa nói:
“Đó là Ivan, gia nhân của tôi, giấy thông hành của anh ta đây.”
Con tàu lại lên đường.
Suốt đêm ấy, họ ngồi mặt đối mặt với nhau, cả hai đều nín lặng.
Rạng sáng, khi đoàn tàu vào nhà ga nước Đức, kẻ lạ mặt bước xuống; rồi đứng ở cửa và nói:
“Hãy tha lỗi cho tôi, thưa bà, vì không giữ lời hứa; nhưng tôi đã lấy mất người đầy tớ của bà, nên đúng lý ra tôi phải thế chỗ anh ta. Bà có cần gì không?”
Bà lạnh lùng đáp:
“Đi tìm cô hầu phòng cho tôi.”
Hắn đi ngay rồi biến mất.
Khi xuống một quầy nước gần đấy, bà thoáng thấy anh ta ở đằng xa đang nhìn bà. Rồi họ đến Menton.
II
Vị bác sĩ im lặng một giây, rồi nói tiếp.
Một hôm, khi tiếp bệnh nhân ở phòng mạch, tôi thấy một gã thanh niên cao to bước vào và nói:
“Thưa bác sĩ, tôi đến hỏi bác sĩ tin tức của nữ bá tước Marie Baranow. Mặc dù bà ta không hề biết tôi, nhưng tôi là bạn của chồng bà.”
Tôi trả lời:
“Bà ấy không qua khỏi được. Bà ta sẽ không trở về Nga nữa.”
Và đột nhiên người đàn ông này oà lên khóc nức nở, rồi anh ta đứng dậy và lảo đảo đi ra như người say.
Ngay tối hôm ấy, tôi báo cho bà biết rằng có một kẻ lạ mặt đến hỏi thăm tôi về tình hình sức khoẻ của bà. Bà lộ vẻ xúc động, và kể cho tôi nghe cả câu chuyện mà tôi vừa kể cho các vị. Bà nói thêm:
“Người đàn ông ấy, mà tôi chẳng hề quen biết, hiện đang theo đuổi tôi như hình với bóng, cứ mỗi lần bước ra ngoài là tôi đều gặp phải anh ta; anh ta nhìn tôi một cách kỳ lạ, nhưng không hề trò chuyện với tôi.”
Bà suy nghĩ, đoạn nói thêm:
“Này, tôi đánh cuộc rằng anh ta đang ở dưới cửa sổ tôi.”
Bà rời chiếc ghế dài, đến vén màn cửa và quả nhiên, bà chỉ cho tôi thấy người đàn ông đã đến tìm tôi, anh ta đang ngồi ở một chiếc ghế đá ven đường, đôi mắt hướng về khách sạn. Thấy chúng tôi, anh ta đứng lên và bỏ đi không ngoái đầu lại một lần.
Thế là tôi chứng kiến một câu chuyện lạ lùng và đau khổ, một mối tình câm lặng của hai con người không hề quen biết nhau.
Anh ta, anh ta yêu bà bằng một tấm lòng tận tuỵ của một con vật được cứu mạng, biết ơn và trung thành cho đến chết. Hàng ngày, anh ta đến hỏi tôi: “Bà ấy có đỡ không?”, vì hiểu rằng tôi đã đoán ra anh ta là ai. Và anh ta khóc lóc thảm thiết khi thấy bà ấy mỗi ngày cứ yếu ớt hơn, xanh xao hơn.
Bà nói với tôi:
“Tôi chỉ nói chuyện với anh ta có một lần, với con người lạ lùng ấy, nhưng tưởng chừng như tôi đã quen anh ta từ hai mươi năm nay.”
Và khi họ gặp nhau, bà đáp lại cái chào của anh bằng một nụ cười nghiêm nghị và quyến rũ. Tôi cảm thấy bà rất hạnh phúc, người đàn bà bị ruồng rẫy và biết mình sắp chết ấy, tôi cảm thấy bà rất hạnh phúc vì được yêu như thế, với một sự kính trọng và bền bỉ như thế, với một sự thơ mộng dạt dào như thế, với một lòng trung thành sẵn sàng làm mọi chuyện. Và tuy vậy, luôn luôn giữ tính khí bướng bỉnh của người đàn bà cuồng nhiệt, bà ta tuyệt vọng từ chối gặp anh, biết tên tuổi anh, và tiếp chuyện với anh. Bà nói: “Không, không, như thế sẽ làm hỏng tình bạn kỳ lạ này. Hai chúng tôi phải xa lạ với nhau.”
Còn anh ta, chắc rằng anh ta cũng là một loại Don Quichotte, vì anh chẳng làm chi để tiếp cận bà. Anh ta muốn giữ đến cùng lời hứa hẹn phi lý là không bao giờ nói chuyện với bà ta, mà anh đã hứa trên xe lửa.
Trong những giờ phút kiệt quệ, bà thường đứng lên khỏi ghế dài và đến hé màn để xem anh ta có ngồi dưới cửa sổ phòng bà không. Và khi đã thấy anh ta vẫn ngồi bất động trên ghế đá, bà trở lại nằm xuống, đôi môi nở một nụ cười.
Một buổi sáng nọ, khoảng mười giờ, bà chết. Lúc tôi bước ra khỏi khách sạn, anh ta chạy lại tôi, mặt mày bấn loạn, anh ta đã biết tin bà ta. Anh nói:
“Tôi muốn được nhìn bà ấy một giây, trước mặt ông.”
Tôi nắm tay anh ta và trở vào nhà.
Khi đến trước giường của người chết anh nắm lấy bàn tay của bà và hôn lên đấy một hồi lâu, rồi anh ta vùng bỏ chạy như người mất trí.
*
Vị bác sĩ lại im lặng, rồi nói tiếp:
“Quả đây là một câu chuyện gặp gỡ trên xe lửa lạ lùng nhất mà tôi được biết. Cũng phải nói rằng bọn đàn ông chúng ta là những kẻ điên rồ đến nực cười.”
Một phụ nữ thì thào:
“Hai kẻ ấy không điên rồ đến như ông tưởng đâu. Họ là họ là…”
Nhưng bà ta không thể nói được nữa, vì bà oà lên khóc. Để trấn tĩnh bà, mọi người bèn thay đổi câu chuyện, nên không ai biết được bà ta định nói gì.
Trần Thanh Ái dịch
Tuyển Tập Truyện Ngắn Guy De Maupassant Tuyển Tập Truyện Ngắn Guy De Maupassant - Guy de Maupassant Tuyển Tập Truyện Ngắn Guy De Maupassant