Người mà cố gắng rồi thất bại vẫn tốt hơn nhiều so với người không cố gắng gì cả và thành công.

Lloyd James

 
 
 
 
 
Tác giả: Guy de Maupassant
Dịch giả: Nhiều Dịch Giả
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 44
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 51
Cập nhật: 2020-10-24 12:43:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14
ón trang sức
(La parure)
Đó là một trong những cô gái xinh đẹp và duyên dáng mà hình như số phận đã lầm lỡ để sinh vào một gia đình viên chức. Cô ả chẳng có hồi môn, chẳng có gia tài để hưởng, không có lấy một phương tiện nào để được một người đàn ông giàu có và danh vọng biết đến, tìm hiểu, thương yêu, kết hôn; và cô đành chịu để xe duyên với một viên tham tá quèn ở Bộ giáo dục.
Cô ả ăn mặc giản dị, và không có gì để trang điểm; nhưng lòng đau khổ như kẻ bị tước đoạt địa vị; là vì đối với người đàn bà thì đẳng cấp hay dòng giống không đáng kể, duy sắc đẹp, duyên dáng và vẻ kiều diễm của họ thay thế cho dòng dõi và gia thế. Điều quyết định thứ bậc của họ là ở tư chất sắc sảo, bản năng thanh lịch, tính tình uyển chuyển của họ, nó khiến cho cô gái thường dân có thể sánh ngang với bà lớn nơi quyền quý.
Cô ả đau đớn không nguôi, vì cảm thấy mình sinh ra là để hưởng tất cả mọi điều lịch sự và mọi thứ giàu sang. Cô ả đau đớn vì nhà ở tiều tuỵ, những bức tường trơ trụi, những chiếc ghế cũ mòn, những vải căng thô lậu. Tất cả những cái đó, nếu là một người đàn bà khác cùng đẳng cấp với cô thì chẳng nhận thấy đâu, nhưng ở cô thì nó lại giày vò và làm cho cô hờn tủi. Hễ nhìn thấy đứa ở gái làm mọi công việc hèn mọn trong nhà thì trong lòng cô lại thức dậy những điều ân hận ngao ngán và những ước mơ điên cuồng. Cô ả tơ tưởng đến những phòng chờ yên lặng, căng phủ những màn trướng kiểu Đông phương, có những cây đèn bằng đồng hun cao ngất toả sáng, và hai tên nô bộc lực lưỡng mặc quần chẽn, ngồi ngủ gật ở những chiếc ghế bành rộng, thiu thiu trong hơi nóng nặng nề của chiếc lò sưởi. Cô ả tơ tưởng đến những buồng tiếp khách rộng thênh thang, bốn bề căng gấm vóc cổ, với đồ đạc tinh xảo, trong bày những vật nhỏ vô cùng quý giá, rồi đến những phòng khách nhỏ diễm lệ, thơm tho, làm nơi để mạn đàm với những bạn chí thiết, với những người đàn ông tai to mặt lớn và được trọng vọng, mà phụ nữ ai cũng ước ao và muốn được lọt mắt.
Khi cô ả ngồi ăn bữa tối bên chiếc bàn tròn giải chiếc khăn bàn từ mấy ngày không thay, trước mặt anh chồng đang mở liễn xúp ra và nói một cách khoái trá: “À, món xúp thịt hầm ngon! Trên đời tôi không thấy món ăn nào bằng”, cô ả lại tơ tưởng đến những bữa ăn thanh lịch, với những đồ dùng bằng bạc sáng loáng, với những tấm thảm trên tường trình bày những nhân vật cổ xưa và những giống chim kỳ dị giữa một cánh rừng thần tiên: cô ả tơ tưởng đến những món ăn thơm ngon bày trong những bát đĩa kỳ xảo, đến những lời chiều nịnh nói khẽ mà người ta vừa nghe với nụ cười bí hiểm, vừa thưởng thức món cá hương thịt hồng hồng hay món cánh gà gô.
Cô ả không có bộ cánh, không có đồ trang sức, không có gì hết. Thế mà cô lại chỉ thích những thứ đó; cô cảm thấy mình sinh ra là để dùng những thứ đó. Cô ả những muốn làm người khác ưa thích, được người ta mơ ước, làm người ta xiêu lòng và theo đuổi.
Cô có một người bạn giàu, một bạn học cùng trường mà cô không muốn đến nhà nữa, chỉ vì mỗi lần ra về cô lại càng thêm đau xót. Và cô khóc lóc hàng bao nhiêu ngày, vì buồn phiền, vì hờn tủi, vì tuyệt vọng và khổ não.
Chợt một buổi tối, anh chồng đi làm về có vẻ đắc ý, tay cầm một chiếc phong bì cỡ lớn. Anh nói:
“Này đây, cái này là để dành cho mình.”
Cô ả hăm hở xé mảnh giấy và rút ra một tấm thiếp lớn mấy hàng chữ sau đây:
“Tổng trưởng Bộ Giáo dục và phu nhân là Georges Ramponneau hân hạnh kính mời ông và bà Loisel tham dự buổi dạ hội tổ chức tại phòng khánh tiết Bộ, ngày thứ hai 18 tháng giêng.”
Nhưng trái với điều dự tính của anh chồng, cô ả đã không mừng thì chớ lại giận dỗi quăng tấm thiếp ra bàn, lẩm bẩm:
“Anh muốn tôi dùng cái này làm gì?”
“Ô hay, mình, tôi cứ nghĩ rằng mình sẽ vui lòng. Chẳng bao giờ mình đi ra đến ngoài, thì đây là một dịp, dịp tốt! Tôi phải mất bao nhiêu công phu mới kiếm được tấm thiếp này. Tất cả mọi người ai cũng muốn lấy; thật quý lắm đấy, mà người ta phát cho nhân viên chẳng được bao nhiêu. Mình sẽ gặp ở đấy tất cả những người quyền cao chức trọng.”
Cô ả nhìn chồng bằng con mắt hờn giận, và bực mình tuyên bố:
“Thế anh định tôi đắp lên mình tôi cái gì để tới đó?”
Anh chàng chưa hề nghĩ tới chuyện này, ấp úng:
“Thì bộ áo mình vẫn mặc đi xem hát ấy. Theo ý tôi thì nó tươm chán…”
Anh chàng im bặt, ngơ ngác, hoang mang khi thấy vợ khóc. Hai hàng nước mắt giàn giụa ròng ròng từ khoé mắt chảy xuống kẽ miệng.
Anh ta lắp bắp:
“Làm sao thế mình? Làm sao thế?”
Nhưng, với một sự cố gắng mãnh liệt, cô ả nén lòng đau xót, vừa chùi nước mắt vừa nói bằng một giọng bình tĩnh:
“Không sao cả. Có điều là xống áo không có, tôi không thể đi dự cuộc dạ hội này được. Anh đem tấm thiếp ấy cho bạn đồng sự của anh, người nào mà vợ có bộ cánh diện hơn tôi.”
Anh chàng chán ngán quá. Anh nói:
“Kìa Mathilde. Thì mình tính xem mất độ bao nhiêu tiền một bộ cánh tươm tất, có thể dùng lần này còn lần khác, cái gì nó thật giản dị ấy?”
Cô ả suy nghĩ một tí, vừa tính toán vừa cân nhắc số tiền có thể hỏi được, không đến nỗi để anh tham tá tần tiện ấy từ chối tức khắc và phát hoảng la lên.
Cuối cùng cô ả ngập ngừng trả lời:
“Tôi cũng không biết rõ nữa, nhưng có lẽ độ bốn trăm quan thì cũng tàm tạm được.”
Anh chàng hơi tái mặt đi, vì anh ta đã để dành được vừa đúng số tiền ấy để sắm một khẩu súng, và, mùa hè tới, anh có thể hưởng cái thú đi săn ở cánh đồng Nanterre cùng với mấy người bạn, họ vẫn thường đến đó ngày chủ nhật để bắn sơn ca.
Nhưng rồi anh ta nói:
“Thôi được. Tôi tặng mình bốn trăm quan. Nhưng mình cố sắm cho được một bộ áo đẹp đấy.”
Ngày dạ hội sắp tới, nhưng bà Loisel có vẻ buồn rầu, lo lắng, áy náy. Vậy mà bộ cánh thì đã sẵn rồi. Một buổi tối, anh chồng hỏi:
“Mình làm sao thế, hả? Từ ba hôm nay mình có vẻ thế nào ấy?”
Và chị ta trả lời:
“Tôi chỉ phiền là không có một món trang sức gì hết, không có lấy một tí mặt đá mà đeo. Rút cục lại tôi vẫn có vẻ thiểu não lắm. Ý tôi là có lẽ không đi dự đám ấy nữa thì hơn.”
Anh chàng nói:
“Thì mình đeo hoa thật vào. Mùa này đeo thế cũng bảnh lắm. Cứ mười quan thì mình sẽ có hai ba bông hồng tuyệt.”
Chị ta không chịu.
“Không được… không gì nhục bằng mang vẻ nghèo khổ giữa đám phụ nữ giàu có.”
Chợt anh chồng kêu lên:
“Khỉ quá! Thì mình đến bạn mình, bà Forestier ấy, để hỏi mượn ít đồ trang sức. Mình thân với bà ấy như thế thì hỏi cũng được chứ sao.”
Chị ta mừng quýnh, kêu lên:
“Đúng đấy. Thế mà em không nghĩ ra.”
Hôm sau chị ta đến nhà bạn và kể lể nỗi phiền muộn của mình.
Bà Forestier đi lại phía tủ gương, lấy ra một cái tráp to, đem lại, mở ra và bảo bà Loisel:
“Tuỳ ý chị chọn đấy.”
Trước hết, chị ta trông thấy những chiếc xuyến, rồi một vòng ngọc trai, rồi một sợi dây chuyền đeo chữ thập, bằng vàng và ngọc, làm rất tinh xảo. Chị đeo thử những món trang sức đó trước gương, dùng dằng, không muốn tháo ra để trả lại. Chị luôn mồm hỏi:
“Chị còn cái gì khác nữa không?”
“Còn chứ. Cứ tìm đi. Tôi chẳng biết món nào làm vừa lòng chị bây giờ.”
Bỗng chị ta tìm thấy trong một chiếc hộp bằng xa-tanh đen một chuỗi hột kim cương tuyệt đẹp; và quả tim chị đập mạnh với lòng thèm muốn vô hạn. Tay chị cầm mà run lên. Chị đeo chuỗi hột vào cổ, đè trên chiếc áo căng lên, và đứng ngẩn người ra trước bóng mình.
Rồi chị ngập ngừng hỏi, bụng lo thấp thỏm:
“Chị có thể cho em mượn chuỗi này, chỉ chuỗi này thôi; được không?”
“Được lắm chứ.”
Chị ta nhảy tới ôm choàng lấy cổ bạn, hôn lấy hôn để, rồi mang theo món bảo vật chị chạy mất.
Ngày dạ hội đến. Loisel phu nhân rất được hoan nghênh. Chị đẹp hơn tất cả, lịch sự, duyên dáng, tươi cười và vui đến điên cuồng. Hết thảy đàn ông đều ngắm nghía chị, hỏi tên chị, tìm cách để được giới thiệu với chị. Tất cả nhân viên văn phòng bộ đều muốn nhảy van-xơ với chị. Ông tổng trưởng để ý đến chị.
Chị ta khiêu vũ một cách say sưa, sôi nổi, mê mệt trong cuộc vui, chẳng nghĩ điều gì hết, đắc ý vì sắc đẹp của mình, kiêu hãnh vì được hoan nghênh, quanh mình như tạo nên một đám mây hạnh phúc với bao nhiêu lời ca tụng, lòng ngưỡng mộ, nỗi thèm muốn được khêu gợi với cuộc đắc thắng thật là hoàn toàn và rất mực mơn trớn trái tim người phụ nữ.
Chị ra về khoảng bốn giờ sáng. Chồng chị, từ lúc nửa đêm, đã đánh một giấc trong một phòng khác nhỏ vắng, cùng với ba ông nữa mà các bà vợ còn mải vui chơi.
Anh chàng trùm lên vai vợ mấy chiếc áo mà anh đã mang theo sẵn phòng lúc ra về, những chiếc áo xoàng xĩnh, nghèo nàn của cuộc sống hàng ngày lơ láo bên cạnh bộ cánh khiêu vũ sang trọng. Chị ta cảm thấy thế và muốn bỏ chạy để tránh mắt những người phụ nữ khác, họ choàng trên vai những chiếc áo lông lịch sự.
Loisel níu vợ lại:
“Mình hãy chờ đã. Ra ngoài lại bị lạnh bây giờ. Để tôi đi gọi xe.”
Nhưng chị không nghe và chạy nhanh xuống cầu thang. Khi họ ra đến ngoài phố thì không có xe; và họ bổ đi tìm, gọi với theo những người đánh xe ngựa đi ngang qua đằng xa.
Họ đi về phía sông Seine, thất vọng, rét run lập cập. Cuối cùng họ tìm được trên bờ sông một chiếc xe chạy đêm cỏ giả vào loại bốn bánh mà người ta chỉ thấy xuất hiện ở Paris khi đã quá tối, dường như ban ngày ban mặt chúng cũng xấu hổ vì vẻ tiều tuỵ của chúng.
Chiếc xe đưa họ về đến tận cổng, ở phố Martyrs, và họ ủ rũ bước lên nhà. Đối với chị ta thế là hết. Còn anh chàng thì nghĩ đến ngày mai mười giờ sáng đã phải có mặt ở bộ.
Chị ta bỏ áo khoác ngoài ra, đứng trước gương để một lần nữa ngắm mình trong cơn đắc ý. Nhưng bỗng chị kêu lên. Chuỗi hột kim cương không còn ở trên cổ nữa.
Anh chồng đang cởi quần áo, hỏi:
“Cái gì thế mình?”
Chị ta quay lại chồng hớt hải:
“Tôi đã… tôi đã… tôi không thấy chuỗi hột của bà Forestier đâu cả.”
Anh ta chồm lên, hốt hoảng:
“Sao? Thế nào!… Không có lẽ!”
Và hai vợ chồng tìm tòi trong các nếp áo trong, áo ngoài, trong các túi, khắp cả. Họ không thấy đâu.
Anh chồng hỏi:
“Mình có chắc là khi ở phòng khiêu vũ ra vẫn còn không?”
“Có, ra đến phòng ngoài ở bộ tôi còn sờ đến nó.”
“Nhưng nếu đánh rơi ngoài phố thì chúng mình phải nghe thấy chứ. Có lẽ nó rơi trên xe.”
“Ừ, có lẽ, Thế mình có ghi số xe không?”
“Không. Còn mình, mình cũng không trông à?”
“Không.”
Họ nhìn nhau kinh hãi. Cuối cùng Loisel lại mặc quần áo vào và nói:
“Tôi thử đi ngược lại cả quãng đường chúng ta đi bộ xem có tìm thấy không.”
Rồi anh ta ra đi. Còn chị ta vẫn đóng nguyên bộ áo dạ hội, không đủ sức đi nằm ngủ, ngồi rũ ra trên một chiếc ghế, không sưởi ấm, lòng hoang mang.
Anh chồng mãi bảy giờ sáng mới về. Anh chẳng tìm thấy gì.
Anh ta đến quận cảnh sát, đến các toà báo để nhờ đăng lời rao hứa thưởng cho ai tìm thấy, đến các công ty vận tải xe nhỏ, thôi thì khắp nơi mà anh ta ngờ ngợ có chút hy vọng gì.
Chị ta chờ suốt ngày, lòng vẫn hoang mang trước cái tai hoạ thảm hại đó.
Tối đến Loisel trở về nhà, má hõm lại, mặt tái nhợt; anh chẳng tìm thấy gì. Anh nói:
“Bây giờ mình phải viết thư cho bà bạn rằng trót nhỡ làm gãy cái móc cài của chuỗi hột nên phải đem đi chữa. Như thế mình mới có thì giờ mà xoay xở.”
Chị vợ viết theo lời chồng đọc.
Sau một tuần lễ, họ hoàn toàn hết hy vọng.
Và Loisel, già đi đến năm tuổi, tuyên bố:
“Thôi, phải nghĩ cách mà mua đền chuỗi hột.”
Hôm sau họ đem chiếc hộp đựng chuỗi hột đến hiệu kim hoàn có ghi tên trong hộp. Nhà hàng tra sổ sách và nói:
“Thưa bà, không phải hiệu tôi bán chuỗi hột này; chắc tôi chỉ bán cái hộp đựng thôi.”
Thế là họ lại đi hết cửa hàng vàng bạc này đến cửa hàng khác, cố nhớ lại để tìm cho được một chuỗi hột giống như chuỗi kia, cả hai người đều thất thểu, mệt mỏi vì buồn phiền và lo lắng.
Họ tìm thấy ở một cửa hiệu phố Cung điện một chuỗi hột kim cương có vẻ giống y như chuỗi đã đánh mất. Chuỗi kim cương đáng giá hơn bốn vạn quan. Nhà hàng bằng lòng để cho với giá ba vạn sáu nghìn quan.
Họ liền đề nghị với chủ hiệu trong ba ngày đừng bán cho người khác. Họ lại thương lượng với điều kiện là nhà hàng sẽ lấy lại chuỗi hột theo giá ba vạn bốn nghìn quan nếu chưa hết tháng hai họ đã tìm thấy chuỗi hột kia.
Loisel có mười tám nghìn quan của bố để lại cho. Anh đi vay số tiền còn thiếu.
Anh hỏi vay người này một nghìn, người khác năm trăm; chỗ nọ năm đồng lu-y, chỗ kia ba đồng. Anh làm giấy tờ, ký những giao kèo thiệt thòi, giao dịch với bọn cho vay nặng lãi, với tất cả các loại cho vay. Anh tự làm hỏng cả cuộc đời còn lại của mình, ký kết liều lĩnh mà chẳng biết có thực hiện được lời cam kết không. Và hoảng sợ trước những lo lắng ngày mai, trước nỗi khổ cực đen tối sắp ụp lên mình, trước viễn ảnh của những thiếu thốn vật chất và những giày vò tinh thần, anh ta đến nhận chuỗi hột mới và đặt lên quầy của nhà hàng ba mươi sáu nghìn quan.
Khi bà Loisel mang trả lại món trang sức cho bà Forestier thì bà này nói với vẻ phật ý:
“Đáng lý chị nên trả em sớm hơn, vì em có thể phải dùng đến.”
Bà ta cũng chẳng mở chiếc hộp ra nữa, điều mà bà Loisel lo ngại. Nếu bà nhận ra sự đánh tráo kia thì bà sẽ nghĩ thế nào? Bà sẽ nói gì? Bà sẽ cho mình là phường ăn cắp chăng?
Bà Loisel trải qua cuộc sống thê thảm của kẻ bần hàn. Thật ra, bà ta phút chốc đã tự quyết định thái độ một cách dũng cảm. Phải trả cho được món nợ ghê gớm kia. Bà sẽ trả bằng hết. Họ cho con ở thôi việc; họ dọn nhà đi chỗ khác; họ thuê một căn gác sát mái để ở.
Bà ta làm lấy hết mọi công việc nặng trong nhà, những việc bếp núc lam lũ. Bà rửa bát, cọ những đồ sành cáu nhờn, cạo những đáy xoong chảo đến mòn cả móng tay hồng hồng. Bà giặt giũ quần áo bẩn, áo lót mình và giẻ lau, phơi lên dây thừng; mỗi buổi sáng bà hót rác đưa xuống đường phố và xách nước lên nhà, leo mỗi bực thang là phải đứng lại để thở. Và ăn mặc như một dân thường, bà đi đến hàng bán quả, hàng thực phẩm, hàng thịt, tay xách bị, mặc cả có khi đến bị chửi, cò kè từng xu để tiết kiệm đồng tiền cơ cực.
Mỗi tháng phải gạt món nợ này, vay món nợ khác, xoay xở lần lữa cho có thì giờ trang trải.
Ông chồng buổi tối phải tính toán làm sổ thuê cho một nhà buôn, và ban đêm thường là chép thuê lấy năm xu một trang.
Và cuộc sống đó kéo dài mười năm.
Sau mười năm họ trả xong nợ, trả hết, kể cả lãi suất nặng nề, và lãi mẹ đẻ lãi con chồng chất.
Bà Loisel bây giờ hình như đã già. Bà trở thành người đàn bà cứng cáp, rắn rỏi và dày dạn của những gia đình nghèo. Đầu chải qua loa, váy mặc xộc xệch, bàn tay đỏ hỏn, bà nói oang oang, đổ nước cọ nhà ào ào. Nhưng đôi khi, lúc chồng đi làm ở sở, bà ngồi bên cửa sổ, và hồi tưởng đến buổi dạ hội năm xưa, đến cuộc khiêu vũ đêm ấy, bà đẹp đến thế và được hoan nghênh đến thế.
Sự thể sẽ ra thế nào nếu bà không đánh mất món trang sức kia? Biết đâu? Biết đâu? Cuộc đời thật là kỳ dị, biến đổi! Chỉ một ly thôi cũng đủ làm hại người ta hay cứu vãn người ta!
Thế rồi một buổi chủ nhật, bà đang dạo quanh đại lộ Champs-Élysées để nghỉ ngơi sau một tuần lễ nặng nhọc thì gặp một người đàn bà dắt con đi chơi. Đó là bà Forestier, người vẫn trẻ, vẫn đẹp, vẫn quyến rũ.
Bà Loisel xúc động trong lòng. Có nên hỏi chuyện không? Nên lắm chứ. Là vì bây giờ công nợ đã trang trải xong, bà sẽ nói hết chuyện với bạn. Tại sao không?
Bà bước lại gần.
“Chào chị Jeanne.”
Bà kia không nhận ra ai, ngạc nhiên vì thấy cái mụ thường dân này gọi mình một cách thân mật như vậy. Bà ta ấp úng:
“Nhưng… thưa bà!… Tôi không quen… Có lẽ bà nhầm.”
“Không. Tôi là Mathilde Loisel đây.”
Bà bạn thốt lên:
“Ủa!… Chị Mathilde của tôi, chị thay đổi đi quá chừng!…”
“Vâng, từ ngày không gặp chị nữa tôi đã trải qua những ngày hết sức vất vả; và biết bao nhiêu nỗi khổ cực… mà điều đó chỉ là vì chị!…”
“Vì tôi… Tại sao thế?”
“Chắc chị còn nhớ rõ cái chuỗi kim cương mà chị cho tôi mượn để đi dự dạ hội ở bộ.”
“Có. Thế sao?”
“Thì tôi đã đánh mất nó.”
“Thế nào, chị đã đem trả lại tôi rồi kia mà.”
“Tôi đã trả chị chuỗi khác giống chuỗi kia. Và thế là đằng đẵng mười năm trời chúng tôi nai lưng trả nợ. Chị thừa hiểu việc đó không phải là dễ dàng đối với chúng tôi, vốn chẳng có gì… Nhưng thôi bây giờ thì xong rồi, và lòng tôi cũng được hể hả.”
Bà Forestier đứng dừng lại.
“Chị bảo chị đã mua chuỗi kim cương khác để đền cho tôi à?”
“Vâng. Chắc chị không nhận ra đấy nhỉ! Hai chuỗi giống nhau như hệt.”
Và bà ta mỉm cười với một niềm kiêu hãnh và ngây thơ.
Bà Forestier, hết sức cảm động, nắm lấy hai tay bạn:
“Chết chửa, chị Mathilde của em! Chuỗi hột của em là hột giả đấy. Nó đáng giá nhiều lắm là năm trăm quan thôi!…”
Trọng Đức dịch
Tuyển Tập Truyện Ngắn Guy De Maupassant Tuyển Tập Truyện Ngắn Guy De Maupassant - Guy de Maupassant Tuyển Tập Truyện Ngắn Guy De Maupassant