Hãy xem mỗi trở ngại là một cơ hội.

Tiến sĩ Wayne Dyer

 
 
 
 
 
Tác giả: Guy de Maupassant
Dịch giả: Nhiều Dịch Giả
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 44
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 51
Cập nhật: 2020-10-24 12:43:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
ụ Sauvage*
(La mère Sauvage)
Sauvage là tên đặt riêng, nhưng theo nghĩa chung là: người mọi rợ, ở rừng rú (ND).
Tặng Georges Pouchet
I
Đã mười lăm năm tôi không về miền Virelogne. Lần đó, vào mùa thu, tôi trở lại nơi này để đi săn, ở nhà người bạn là Serval; một toà lâu đài bị quân Đức tàn phá, mãi sau mới được xây dựng lại.
Tôi yêu cái miền này vô cùng. Trên mặt đất có những nơi phong cảnh kỳ thú đem lại cho con mắt một khoái cảm về giác quan. Người ta yêu những cảnh đó với một mối lưu luyến về thể chất. Chúng ta, những người mà trái đất này cám dỗ, thường giữ những kỷ niệm trìu mến đối với những dòng suối, những khu rừng, những mảnh hồ, những ngọn đồi nào đó thường trông thấy luôn và nó đã xúc động lòng ta như những việc vui mừng. Đôi khi cả tâm tư chúng ta trở về với một góc rừng, hay một mỏm bờ sông, hay một mảnh vườn ăn quả lốm đốm hoa, những nơi đó chỉ thấy có một lần, trong một ngày vui nào đó, thế mà nó ghi mãi trong lòng; chẳng khác gì hình ảnh của những người đàn bà gặp ngoài phố một buổi sớm mùa xuân, với áo quần màu tươi và trong sáng, họ để lại trong tâm hồn ta, xác thịt ta một ước muốn không nguôi, không quên được, cái cảm giác đi sát bên hạnh phúc.
Ở vùng Virelogne này, tôi yêu tất cả đồng quê rải rác những cánh rừng nhỏ, ngang dọc những con suối chảy như những mạch máu tưới nuôi cho đất. Trên những dòng suối đó người ta đánh nào tôm, nào cá hương, cá trạch! Hạnh phúc thần kỳ! Trên từng quãng người ta có thể tắm, và người ta thường gặp chim dẽ lủi giữa đám cỏ cao mọc trên bờ những dòng nước mong manh đó.
Tôi đi, nhẹ nhõm như con sơn dương, nhìn hai con chó xông xáo ở phía trước. Serval, cách tôi trăm thước phía tay phải đi lùng trong một cánh đồng cỏ linh lăng. Tôi đi vòng quanh những đám bụi rậm ven cánh rừng Saudres, và chợt nhìn thấy một ngôi nhà gianh đổ nát.
Bỗng tôi nhớ lại ngôi nhà đó trước đây, năm 1869, trông còn tinh tươm, giàn nho phủ kín, một đàn gà mái kiếm ăn ở trước cửa. Còn có gì buồn hơn là một ngôi nhà chết, chỉ còn trơ ra bộ xương, tiêu điều, thảm hại?
Tôi cũng nhớ lại một bà mẹ trong nhà đã mời tôi uống một cốc rượu giữa một ngày mệt mỏi, trong lúc đó Serval đã kể cho tôi nghe lai lịch của những chủ nhà. Ông bố xưa là một lão chuyên nghề săn bắn trộm, đã bị lính sen đầm bắn chết. Anh con, mà trước đây tôi đã gặp, là một gã trai to lớn, xương xương, hắn cũng khét tiếng là một tay giết thú rừng đáo để. Người ta gọi họ là gia đình nhà Sauvage.
Đó là tên thật hay tên người ta đặt?
Tôi lên tiếng kêu Serval. Anh ta bước dài chân sếu chạy tới.
Tôi hỏi:
“Những người trong nhà này bây giờ ra sao?”
Anh liền kể cho tôi nghe câu chuyện sau đây.
II
Khi chiến tranh nổ ra, anh con nhà Sauvage đã ba mươi ba tuổi đi tòng quân, để lại một mình bà mẹ ở nhà. Người ta không ái ngại cho mụ lắm vì biết mụ cũng có vốn liếng.
Thế là một mình mụ ở ngôi nhà hiu quạnh ven rừng, xa làng xóm. Nhưng mụ chẳng sợ hãi gì hết vì mụ vốn cùng nòi với chồng con, là một bà lão gan góc, người cao và gầy, không mấy khi cười và chớ có ai trêu vào mụ. Vả chăng phụ nữ nông thôn thường ít cười đùa. Đó là chuyện của đàn ông! Tâm hồn họ rầu rĩ và thiển cận, đời sống buồn tẻ và không lúc nào hé sáng. Người đàn ông thôn quê còn học được chút vui ầm ĩ ở quán rượu, chứ vợ họ thì sống khắc khổ với bộ mặt lúc nào cũng nghiêm trang. Những bắp thịt trên mặt họ không quen với động tác cười.
Mụ Sauvage tiếp tục cuộc sống bình thường trong chiếc nhà gianh, chẳng bao lâu đã bị tuyết phủ kín. Mỗi tuần lễ, mụ vào xóm một lần để mua bánh và một ít thịt, rồi lại trở về túp nhà của mình. Nghe nói chó sói về nhiều thì mụ mang theo một khẩu súng đeo vai, súng của con trai để lại, đã gỉ, báng mòn đi vì tay cọ vào nhiều. Lúc đó mụ Sauvage trông thật kỳ quặc, người cao lớn, đi hơi lom khom, chân bước thong thả trên tuyết, nòng súng vượt quá chiếc mũ đen chịt lấy đầu, che kín cả tóc bạc mà không ai trông thấy bao giờ.
Một ngày kia quân Đức kéo đến. Chúng được phân phối đi ở các nhà dân, nhiều ít tuỳ theo tài sản và khả năng từng nhà. Mụ Sauvage ai cũng biết là có tiền nên phải nhận nuôi bốn tên.
Đó là bốn gã to lớn, da dẻ hung hung, râu hung, mắt xanh lơ, tuy chúng đã phải chịu đựng vất vả nhiều mà vẫn béo, tính tình hiền lành, mặc dầu chúng đến ở một nước bị chiếm đóng. Chỉ có chúng ở với mụ già, chúng tỏ ra rất ân cần với mụ, hết sức làm cho mụ đỡ phải mệt nhọc và tốn phí. Sáng ra, người ta thấy cả bốn tên đứng rửa ráy chung quanh giếng, áo sơ-mi mặc trần. Trong ánh tuyết rọi lên, chúng giội tung toé nước vào da thịt trắng hồng của người phương Bắc, còn mụ Sauvage thì lăng xăng đi lại nấu xúp. Rồi người ta thấy chúng quét dọn bếp tước, lau cọ gạch lát, chẻ củi, gọt khoai, giặt quần áo, làm tất cả mọi công việc trong nhà; như bốn đứa con ngoan ngoãn chung quanh mẹ vậy.
Nhưng mụ Sauvage thì luôn luôn nhớ con, anh con trai cao lớn, người xương xương, mũi quặm, mắt nâu, ria mép rậm nổi lên thành chòm lông đen trên môi. Ngày nào mụ cũng hỏi từng tên lính đóng ở nhà mụ:
“Anh có biết cái trung đoàn cơ động Pháp thứ hai mươi ba bây giờ đi đâu không? Con giai tôi nó ở trong ấy đấy.”
Chúng trả lời: “Không, không biết đâu.” Và, cảm động với nỗi đau khổ, lo âu của mụ, vì chúng cũng có mẹ ở quê hương chúng, chúng càng hết sức săn sóc mụ. Vả chăng mụ cũng rất yêu chúng, yêu bốn tên lính địch, là vì người nông dân không biết thù hằn dân tộc; chỉ ở những tầng lớp trên mới có chuyện đó. Những người dân cùng, những người phải đóng góp nhiều nhất vì họ nghèo, và mỗi thứ thuế mới đều đè nặng lên vai họ, những người bị giết hàng loạt, đem thân làm bia đỡ đạn vì họ là số đông, những người đau khổ ác liệt nhất về những thảm hoạ của chiến tranh, vì họ là những người yếu nhất và ít sức kháng cự nhất, những người đó không hiểu nổi những chuyện hung hăng hiếu chiến, gây gổ vì thể diện, và tất cả những cái gọi là mưu mô chính trị, làm cho hai dân tộc chỉ trong sáu tháng là bị kiệt quệ, bên thắng trận cũng như bên bại trận.
Trong khắp vùng, nói đến mấy tên lính Đức nhà mụ Sauvage, người ta thường bảo:
“Quả là bốn thằng ấy đã tìm được nơi ăn chốn ở.”
Nhưng rồi một buổi sáng, mụ Sauvage đang ở nhà một mình thì trông thấy xa xa ngoài cánh đồng có người đi tới. Chẳng mấy lúc mụ nhận ra là người đưa thư, anh ta trao cho mụ một mảnh giấy gấp lại và mụ rút cặp kính trong bao ra rồi đọc:
“Bà Sauvage, tôi viết thư này báo cho bà biết tin. Hôm qua, anh Victor, con bà, đã bị giết vì một quả đại bác hầu như chặt đôi người anh. Tôi ở ngay gần đó vì chúng tôi thuộc cùng một trung đội, anh ấy luôn nhớ tới bà và dặn tôi nếu anh gặp sự chẳng may thì báo cho bà biết.
“Tôi tìm thấy trong túi anh ấy một chiếc đồng hồ, khi nào hết chiến tranh tôi sẽ đem về trả lại bà.
Césaire Rivot
Binh nhì trung đoàn cơ động 23”
Bức thư viết cách đấy ba tuần lễ.
Mụ Sauvage hầu như không khóc. Mụ ngồi lặng yên, chết điếng, ngây dại đến nỗi mụ không cảm thấy ngay đau đớn là gì. Mụ nghĩ: “Thế là bây giờ đến lượt thằng Victor bị giết.” Rồi dần dần nước mắt trào lên mắt, và đau đớn tràn ngập lòng mụ. Hết ý nghĩ này đến ý nghĩ khác qua đầu óc mụ, thê thảm, đứt từng khúc ruột. Thế là không bao giờ mụ còn được ôm vào tay người con nữa, anh con nhớn của mụ! Lính sen đầm đã giết bố, lính Đức lại giết nốt con… Anh bị đạn đại bác chặt đôi người. Và mụ tưởng như nhìn thấy cảnh đó, cái cảnh ghê gớm: đầu anh gục xuống, mắt mở trừng trừng, răng nhai đầu ria mép như thói quen lúc anh tức giận.
Không biết rồi còn xác anh ra sao? Ví thử người ta đem trả lại cho mụ xác con, cũng như trước đây người ta trả lại cho mụ xác chồng với vết đạn trên trán.
Nhưng bỗng mụ nghe có tiếng người nói. Đó là mấy tên lính Đức ở trong xóm về. Mụ giấu mau bức thư vào túi, và mụ thản nhiên tiếp đón chúng với bộ mặt như thường, sau khi đã kịp lau nước mắt.
Cả bốn tên đều cười khoái chí vì đã đem về được một chú thỏ béo, ý chừng ăn cắp ở đâu đấy, và chúng làm hiệu cho mụ hiểu rằng hôm nay có món ăn ngon.
Lập tức mụ đi nấu ăn bữa sáng; nhưng đến khi phải giết con thỏ thì mụ không đủ can đảm. Sự thật, đó không phải là con thỏ đầu tiên! Một tên lính liền giáng cho nó một quả đấm vào sau tai.
Con thỏ chết rồi, mụ đem lột da, nhưng nhìn máu nhuốm đầy tay, cảm thấy làn máu nóng nguội đi và đông lại, thì toàn thân mụ run lên; và mụ lại thấy hình ảnh người con bị chặt làm đôi, cũng đỏ ngòm như con vật kia còn đang thoi thóp.
Mụ cùng ngồi vào bàn ăn với mấy tên lính Đức, nhưng mụ không nuốt trôi được lấy một miếng. Chúng ăn thịt thỏ ngốn ngấu, chẳng để ý đến mụ. Mụ liếc nhìn chúng, không nói năng gì cả, trong đầu óc đang nung nấu một ý nghĩ, nhưng bộ mặt vẫn hết sức thản nhiên đến nỗi chúng không nhận thấy gì.
Chợt mụ hỏi: “Tên các anh là gì nhỉ, ở với nhau một tháng giời rồi, mà tôi chẳng biết gì cả.” Khó khăn lắm chúng mới hiểu được ý mụ và nói tên cho mụ biết. Nhưng thế chưa đủ: mụ bảo chúng ghi vào một mảnh giấy kèm cả địa chỉ gia đình của chúng nữa. Sau đấy, mụ giương kính lên ngắm những dòng chữ lạ kia, rồi gấp mảnh giấy lại, bỏ vào túi để lên trên bức thư báo tin con mụ chết.
Ăn xong, mụ bảo mấy tên lính:
“Để tôi giúp các anh một tay.”
Và mụ đi chuyển rơm lên vựa thóc chỗ chúng ngủ.
Chúng lấy làm lạ thì mụ giải thích rằng để cho chúng đỡ rét, chúng bèn cùng làm với mụ. Chúng chất những bó rơm lên đến thật sát mái gianh, và làm thành như một căn buồng lớn, chung quanh là bốn bức tường rơm vừa ấm vừa thơm, ngủ ở đấy thì thú tuyệt.
Đến bữa tối, một tên tỏ ý lo ngại thấy mụ Sauvage cũng chẳng ăn uống gì cả. Mụ nói rằng bị đau bụng. Rồi mụ đốt lửa sưởi, còn bốn tên lính Đức thì trèo thang lên chỗ ngủ như mọi tối.
Khi nắp chui lên vựa thóc đã đóng lại, mụ liền cất thang đi, rồi khẽ mở cửa ra bên ngoài, và lại đi lấy những bó rơm chất đầy trong bếp. Mụ đi chân không trên tuyết, nhẹ nhàng không nghe thấy tiếng gì. Chốc chốc mụ lại lắng nghe tiếng ngáy khò khò không đều của bốn tên lính đang ngủ.
Khi chuẩn bị đã đầy đủ, mụ ném một bó rơm vào lò lửa và đem rải mớ rơm cháy lên những bó rơm khác, rồi mụ ra ngoài đứng nhìn.
Chỉ trong vài giây, một ánh lửa dữ dội sáng bừng lên trong nhà gianh, rồi là cả một lò than hồng kinh khủng, một lò lửa khổng lồ rực cháy, ánh sáng lùa qua chiếc cửa sổ nhỏ và loé lên trên mặt tuyết thành tia sáng chói loà.
Rồi một tiếng thét lớn vang lên từ phía mái nhà, rồi ồn ào những tiếng người kêu rống, những tiếng gào xé gan vì kinh hãi và khủng khiếp. Rồi khi cái nắp vựa thóc đổ xuống thì lửa cuốn ùa vào trong vựa, chọc thủng mái gianh, vươn lên trời như một ngọn đuốc khổng lồ. Và cả ngôi nhà bùng cháy.
Trong nhà không còn nghe thấy gì khác ngoài tiếng đám cháy nổ lốp bốp, tiếng tường kêu răng rắc, tiếng giầm gỗ đổ ầm ầm. Bỗng chốc cả mái nhà sụt xuống, và bộ khung nhà rực cháy ném lên trên không, giữa đám khói mịt mù, những đốm lửa toả thành chùm to lớn.
Cả một vùng quê trắng ra trong lửa sáng, loáng lên như một lớp bạc nhuốm đỏ.
Tiếng chuông đằng xa gióng lên.
Mụ Sauvage đứng yên trước ngôi nhà bị thiêu huỷ, súng cầm tay, khẩu súng của con trai, chỉ sợ một tên lính nào chạy thoát.
Khi mụ thấy đã xong chuyện thì mụ quăng khẩu súng vào đống lửa. Một tiếng nổ vang ầm.
Mọi người đổ đến, những nông dân, những lính Đức.
Người ta thấy mụ Sauvage ngồi trên một thân cây, thản nhiên và mãn nguyện.
Một viên sĩ quan Đức, nói tiếng Pháp sõi như một người Pháp, hỏi mụ:
“Mấy tên lính của mụ đâu?”
Mụ giơ cánh tay khẳng khiu về phía đống lửa đỏ của đám cháy đang tắt và rắn rỏi trả lời:
“Trong đó!”
Người ta xúm lại quanh mụ. Tên Đức lại hỏi:
“Lửa cháy lên như thế nào?”
Mụ nói:
“Tôi đốt đấy.”
Người ta không tin mụ, và tưởng rằng tai nạn phút chốc đã làm mụ hoá điên. Khi thấy mọi người vây chung quanh mụ để nghe, mụ liền kể lại chuyện từ đầu đến cuối, từ lúc nhận được bức thư cho tới khi nghe tiếng kêu cuối cùng của những tên lính bị thiêu với ngôi nhà. Mụ không bỏ sót một chi tiết nào về những cảm xúc cũng như hành động của mụ.
Kể xong mụ rút trong túi ra hai mảnh giấy và lại đeo kính lên để nhận rõ trong ánh lửa cuối cùng, mụ chỉ vào một mảnh giấy nói: “Tờ này, tin thằng Victor chết.” Rồi giơ mảnh kia lên, mụ hất đầu về phía lửa tàn đỏ nói thêm: “Tờ này, là tên những thằng kia để viết thư về báo tin cho gia đình chúng.” Mụ thản nhiên đưa mảnh giấy trắng cho viên sĩ quan Đức đang ghì lấy vai mụ, và lại nói:
“Ông viết thư kể lại chuyện đã xảy ra và nhớ bảo bố mẹ chúng rằng chính tôi đã làm thế đấy, tôi là Victoire Simon, tức mụ Sauvage. Đừng quên đấy.”
Viên sĩ quan thét ra lệnh bằng tiếng Đức. Họ túm lấy mụ, ẩy mụ vào tường còn nóng của nhà mụ. Rồi mười hai tên lính rầm rập sắp hàng trước mặt mụ, cách hai mươi thước. Mụ đứng yên. Mụ đã hiểu, mụ chờ.
Lệnh tung ra, một loạt tiếng nổ dài tiếp liền. Một tiếng nổ chậm rớt lại lẻ loi sau những tiếng khác.
Mụ Sauvage không ngã. Mụ sụp xuống như bị chặt chân.
Viên sĩ quan Đức bước lại gần. Người mụ hầu như bị cắt làm đôi, tay vẫn nắm chặt bức thư đẫm máu.
Anh bạn Serval kể thêm:
“Chính vì để trả thù mà bọn lính Đức đã phá toà lâu đài ở vùng này, của riêng tôi.”
Tôi thì tôi nghĩ đến những người mẹ của bốn anh con trai hiền lành bị thiêu kia; và đến sự dũng cảm tàn khốc của người mẹ bị bắn bên tường này.
Và tôi nhặt một hòn đá nhỏ, còn đen thui vì lửa.
Trọng Đức dịch
Tuyển Tập Truyện Ngắn Guy De Maupassant Tuyển Tập Truyện Ngắn Guy De Maupassant - Guy de Maupassant Tuyển Tập Truyện Ngắn Guy De Maupassant