A mere friend will agree with you but a real friend will argue."

Russian Proverb

 
 
 
 
 
Biên tập: Duy Vo
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3609 / 91
Cập nhật: 2015-07-15 23:34:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chúc Tổng Thống Thượng Lộ Bình An
Ông ta ngồi trên chiếc băng gỗ dưới những tán lá vàng của một công viên vắng người, ngắm nhìn những con thiên nga lấm bụi, với cả đôi tay tì lên chỗ tay cầm bịt bạc của cây can và trầm tư về nỗi chết. Nhớ lại lần đầu ông đến Geneva, nước hồ vẫn tịch nhiên, trong vắt, với những chú chim mòng biển dạn dĩ đến mổ thức ăn trên tay người và những phụ nữ cho thuê thân xác, giống những bóng ma vào lúc sáu giờ chiều với trang phục vải phin sóng và dù lụa cầm tay. Giờ đây, người phụ nữ duy nhất mà ông nhìn thấy là cô gái bán hoa trên cầu tàu hoang vắng. Thật khó tin rằng thời gian có thể tạo nên bao hoang phế đến thế, chẳng những cho đời ông mà còn cho cả cõi trần gian.
Đã có một thời ông mai danh ẩn tích hơn bây giờ, nơi một thành phố đầy những kẻ mai danh ẩn tích từng lừng danh thiên hạ. Ông mặc bộ đồ xanh sậm có sọc, áo veste có hoa văn kim tuyến và đội mũ nhọn của một quan tòa về hưu. Ông ta có bộ râu ngạo mạn của một chàng ngự lâm quân, tóc xanh đen dày dợn sóng trông đầy vẻ lãng mạn, đôi bàn tay của nhạc sĩ hạc cầm với chiếc nhẫn cưới ở ngón tay đeo nhẫn bên trái và đôi mắt ánh lên vẻ tươi vui. Chỉ có làn da khô mét đã phản trắc tố cáo tình trạng sức khỏe của ông. Dầu thế, ớ tuổi bảy mươi ba, vẻ thanh lịch nơi ông vẫn còn đầy phong độ. Nhưng sáng hôm đó, ông cảm thấy vượt xa khỏi mọi cám dỗ phù hoa. Những năm tháng vinh quang và quyền lực đã vĩnh viễn rơi lại sau lưng; giờ đây, chỉ còn lại nhưng năm tháng đợi chờ cái chết.
Ông đã phải trở lại Geneva sau hai cuộc thế chiến để tìm câu trả lời dứt khoát cho căn bệnh lạ của mình mà các bác sĩ ở Martinique đã không chẩn đoán được. Ông đã dự định chỉ ở lại nhiều lắm là hai tuần, nhưng đã mất đi gần sáu tuần lễ cho những cuộc chẩn bệnh quá mức mệt mỏi mà không đưa đến kết luận dứt khoát nào và trước mắt chưa thể thấy lúc nào kết thúc.
Đám thầy thuốc tìm căn bệnh của ông nổi giận, nơi mặt, nơi thận, nơi tuyến tụy rồi tuyến tiền liệt, bất cứ nơi nào mà chẳng biết chắc được nơi đâu. Cho đến cái ngày thứ năm đầy cay đắng đó, khi ông có cuộc hẹn lúc 9 giờ sáng ở khoa thần kinh liệu pháp với vị bác sĩ kém danh tiếng nhất trong số bao nhiêu bác sĩ đã chẩn bệnh cho ông.
Phòng mạch giống như phòng tĩnh tâm của một thầy tu; vị bác sĩ nhỏ người và trang nghiêm đeo một vòng đúc kim loại ở ngón tay cái bị gãy nơi tay phải của ông. Khi ánh sáng tắt đi, tia X quang rọi cột sống được chiếu sáng lên màn hình, nhưng ông đã không nhận ra đó là cột sống của chính mình cho đến khi vị bác sĩ dùng que chỉ vào chỗ nối giữa hai đốt sống dưới ngực ông.
"Ông đau ở đây nè" bác sĩ phán.
Nhưng ông đâu thấy có chuyện đơn giản như thế. Cơn đau của ông thường bất chợt và xảo quyệt; có lúc như ở nơi xương sườn bên phải, có lúc như ở bụng dưới và thường khi chộp bắt lấy ông với vết đâm bất ngờ nơi háng. Bác sĩ lặng yên nghe ông nói, que chỉ bất động trên màn hình. "Đó là lý do tại sao nó tránh né chúng ta lâu đến thế" ông ta nói. "Nhưng bây giờ thì ta biết nó ở đây". Rồi bác sĩ đặt ngón tay trỏ vào trán mình và tuyên bố một cách chính xác:
"Nói một cách chặt chẽ nhất, thưa Tổng thống, ông đau ở đây".
Phong cách điều dưỡng của ông đầy kịch tính đến độ câu phán quyết cuối cùng có vẻ đầy lòng trắc ẩn: Ngài Tổng thống phải qua một cuộc phẫu thuật nguy hiểm, nhưng không thể không làm. Ông hỏi có bao nhiêu phần rủi ro và vị thầy thuốc già bao bọc ông trong ánh sáng mông lung: "Chúng ta không thể nói chắc", bác sĩ trả lời.
Cho đến một khoảng thời gian ngắn mới đây thôi, ông giải thích, mức độ rủi ro của những sự cố có tính định mệnh là khá lớn và ngay cả sự nguy hiểm của các loại thuốc mê ở các mức độ khác nhau càng lớn hơn. Nhưng với những tiến bộ y học được thực hiện trong hai cuộc thế chiến, những lo sợ đó đã thuộc về quá khứ.
"Đừng lo lắng quá", bác sĩ kết luận. "Thu xếp mọi việc của Ngài cho đâu ra đấy rồi hãy đến gặp chúng tôi. Nhưng đừng quên nhé, càng sớm càng tốt".
Ngày hôm đó chẳng phải là một buổi sáng đẹp trời để dễ tiêu hóa cái tin dữ ấy, một điều tồi tệ nhất có thể xảy đến. Ông đã rời khách sạn rất sớm mà không mang áo khoác, vì ông thấy một mặt trời rực rỡ chói chang qua cửa sổ và ông đã tản bộ bằng những bước đều đặn từ Con Đường Nắng Đẹp (Chemin du Beau Soleil - tiếng Pháp trong nguyên tác) nơi có bệnh viện, đến chỗ trú ẩn cho các đôi tình nhân lén lút, vườn hoa Ăng Lê. Ông đã ở đó hơn một tiếng đồng hồ, chẳng nghĩ về điều gì khác hơn là cái chết, khi mùa thu bắt đầu. Mặt hồ trở nên xao động như mặt biển cuồng nộ và một cơn gió dữ xua bầy chim mòng biển bay tan tác trong kinh hoàng và giật tung những chiếc lá cuối cùng. Ngài Tổng Thống đứng lên và thay vì mua một bông cúc dại nơi người bán hoa, ông lại ngắt một đóa hoa từ vườn hoa công cộng để gài vào ve áo. Cô bán hoa bắt gặp quả tang hành vi bất chính đó của ông ta.
"Hoa đó đâu phải của chùa, thưa ông", cô ta nói đầy tức giận. "Đó là tài sản của thành phố".
Ông lờ đi và sải bước nhẹ để lãng ra xa, nắm cái can ở đoạn giữa và thỉnh thoảng xoay xoay nó với vẻ phóng khoáng nhàn du. Trên cầu Bạch Sơn (Pont du Mont Blanc), hiệu kỳ của các Hội Đoàn vật vã quay cuồng vì một cơn gió giật bất ngờ, đang được gấp rút hạ xuống; dòng suối phun duyên dáng mang vương miện sủi bọt đã bị cho ngừng phun sớm hơn thường lệ. Ngài Tổng thống không nhận ra được cái quán cà phê quen thuộc trên cầu tàu nữa, vì họ đã buông tấm bạt màu xanh phủ xuống lối vào và cái sân thượng đầy hoa trong mùa hè đã được khép kín. Bên trong, ánh sáng được thắp lên giữa ban ngày, một ban tứ tấu đàn dây đang chơi một nhạc khúc mang đầy tính linh cảm của Mozart. Ngài Tổng thống rút một tờ nhật báo từ giá sách báo dành cho khách hàng, treo mũ và cây can trên móc treo, để cặp kiếng gọng vàng ở cái bàn hẻo lánh nhất; xong đâu đấy, ông mới chợt nhận thấy rằng mùa thu đã đến tự bao giờ.
Ông bắt đầu đọc trang thời sự quốc tế, nơi thỉnh thoảng ông bắt gặp một mẩu tin hiếm hoi từ các quốc gia châu Mỹ và ông tiếp tục đọc lại từ cuối bài lên đầu bài cho đến khi cô tiếp viên mang đến cho ông chai nước khoáng Evian hàng ngày. Tuân theo lời dặn của bác sĩ, ông đã bỏ thói quen uống cà phê từ hơn ba mươi năm nay, nhưng ông lại nói: "Nếu mà biết chắc rằng mình sắp đi chầu ông bà ông vãi thì có lẽ mình đã uống cà phê lại từ lâu".
Có lẽ cũng đã đến thời điểm rồi đấy.
"Cho tôi ly cà phê nữa" ông gọi bằng một thứ tiếng Pháp sành sỏi. Và nêu rõ đặc điểm mà không lưu ý đến ý nghĩa mập mờ nước đôi trong lời nói của mình. "Kiểu Ý nhé, đủ mạnh để đánh thức dậy người chết".
Ông uống cà phê không đường, từng ngụm nhỏ, xong dốc ngược cốc xuống đĩa để cặn cà phê có đủ thời gian viết ra định mệnh đời ông, sau bao nhiêu năm lãng quên nghi thức đó. Cái hương vị xa xưa chợt tìm lại được trong một lúc đã cứu ông thoát khỏi những ý tưởng ảm đạm. Khoảnh khắc tiếp sau đó, như thể do tác động của cùng một thứ ma lực, ông linh cảm có một người nào đó đang nhìn mình. Ông lật trang báo và một động tác bình thường, rồi liếc mắt qua phía trên tròng kính, thấy một gã đàn ông xanh xao, có vẻ bất an, đội mũ thể thao và mặt áo jacket bằng da cừu; gã ta tức thời nhìn lảng qua phía khác, khiến ánh mắt đôi bên không chạm nhau.
Khuôn mặt gã trông quen quen. Hai người đã từng gặp nhau nhiều lần ở phòng đợi của bệnh viện, ông đã từng có dịp gặp gã ấy cỡi xe mô tô trên đường dạo quanh bờ hồ khi ông đang ngắm đàn thiên nga, nhưng chưa bao giờ ông cảm thấy là mình bị nhận diện. Tuy nhiên, ông vẫn không loại trừ ý tưởng rằng đó là một trong những ảo giác dằn vặt của kiếp lưu đày.
Ông ung dung đọc hết tờ báo, thả hồn bềnh bồng trên những tấu khúc trung hồ cầm diễm lệ của Brahms cho đến khi cơn đau đớn mạnh hơn tính gây mê của âm nhạc. Lúc đó ông nhìn vào cái đồng hồ quả quýt bằng vàng mà ông mang trong túi áo veste, lấy ra hai viên thuốc an thần, uống với ngụm nước khoáng Evian cuối cùng. Trước khi cất cặp kính lão, ông giải đoán số mệnh mình trên vết cặn cà phê, chợt cảm thấy một thoáng rùng mình lạnh buốt: ông nhìn thấy điềm bất trắc nơi đó. Cuối cùng ông trả tiền, để lại tí tiền còm "pourboire"; lấy can và mũ khỏi giá treo, và đi ra đường, không nhìn gã kia, kẻ đang chăm chăm theo dõi ông. Ông đi xa dần bằng bước tản bộ nhàn du quanh các luống hoa bị cơn gió dập vùi và nghĩ mình đã thoát khỏi ma lực của điềm gở. Nhưng đúng lúc đó, ông nghe tiếng bước chân sau lưng mình rồi dừng lại, khi ông vòng đến một ngã tư và đang xoay người nửa vòng. Gã đàn ông đang đi theo ông phải khựng lại để tránh va chạm và đôi mắt ngỡ ngàng của y nhìn ông chỉ cách trong gang tấc.
"Thưa Tổng thống", y thì thầm.
"Hãy nói với những kẻ chi tiền cho anh rằng chúng đừng vội mừng", ngài Tổng thống bảo, không mất đi nụ cười và vẻ duyên dáng trong lời nói. "Sức khỏe của ta tuyệt lắm".
"Không ai biết điều đó rõ hơn tôi đấy" gã kia đáp, bị sụm xuống bởi sức nặng của vẻ uy nghi đường bệ toát ra từ ngài Tổng thống. "Tôi làm việc ở bệnh viện mà".
Cách phát âm, nhịp điệu giọng nói, và ngay cả vẻ rụt rè nơi y, đặc mùi Caribê.
"Ngươi không nói với ta ngươi là bác sĩ đấy chứ", ngài Tổng thống nói mỉa.
"Không dám đâu, thưa Tổng thống. Tôi chỉ là một tài xế xe cứu thương".
" Ồ, ta xin lỗi", Tổng thống đáp lời, biết chắc là mình lầm.
"Chắc công việc đó cực nhọc lắm".
"Đâu có thấm gì so với trọng trách của ngài, thưa Tổng thống" Ông nhìn thẳng vào hắn ta, tì cả hai tay lên cây can và thật tình lưu tâm hỏi y:
"Anh từ đâu đến?".
"Từ vùng Caribê".
"Ta biết điều ấy rồi", Tống thống nói. "Nhưng mà từ xứ nào?".
"Cùng xứ sở với ngài, thưa Tổng thống" y nói và lễ phép đưa tay ra. "Tên tôi là Homero Rey".
Ngài Tổng thống ngắt lời y trong sự ngạc nhiên, không rời bàn tay anh ta.
"Chà" ông nói "Cái tên nghe hay quá".
Homero thở phào nhẹ nhõm.
"Đúng ra là" y nói tiếp "Homero Rey de la Casa - Tôi là Homero, vua trong nhà tôi".
Một ngọn gió lạnh như dao cắt ập vào người họ, trơ trọi giữa đường phố. Ngài Tổng thống run rẩy buốt thấu xương và biết rằng nếu không có áo khoác, ông sẽ không thể đi qua hết hai dãy phố để đến nhà hàng bình dân, nơi ông thường dùng bữa.
"Anh bạn ăn trưa chưa?" ông hỏi.
Tôi không bao giờ ăn trưa" Homero trả lời "Tôi chỉ ăn một bữa tối tại nhà tôi".
"Hôm nay phá lệ một bữa vậy" ông ta nói, cố gây cảm tình.
"Tôi mời anh hôm nay nhé".
Ông dắt tay anh ta đi về nhà hàng ăn bên kia đường, với bảng hiệu mạ vàng tên tấm bạt che: Le Boeuf Couronné (Con Bò Mang Vương Miện). Bên trong chật hẹp nhưng ấm cúng và có vẻ như không còn bàn trống. Homero Rey ngạc nhiên vì không ai nhận ra ngài Tổng thống, anh đi sâu vào trong tìm người giúp cho chỗ ngồi.
"Có phải ông ta là Quyền Tổng thống không?" ông chủ quán hỏi.
"Không" Homero đáp. "Đã bị lật đổ".
Chủ quán mỉm cười đồng tình.
"Đối với các quí vị đó, tôi luôn luôn có một bàn đặc biệt dành cho họ".
Chủ quán dẫn họ đến một cái bàn biệt lập phía sau phòng, nơi họ có thể nói chuyện riêng tư tùy thích. Tổng thống cám ơn ông ta.
"Không mấy ai nhận thức được như Ngài về phẩm cách của kiếp lưu vong" ông ta nói.
Món đặc biệt của quán là Sườn bò nướng vỉ. Ngài Tổng thống và vị khách mới liếc nhìn xung quanh và thấy những miếng sườn to tướng nướng cháy sém cạnh với mỡ bao quanh ở các bàn kia. "Món này hẩu xực đây", Tổng thống thì thầm.
" Nhưng tôi không được phép xơi nó". Ông nhìn Homero với đôi mắt tinh nghịch và đổi giọng:
"Thực ra, tôi không được phép xơi bất cứ thứ gì".
"Bác sĩ cũng cấm ngài uống cà phê nữa cơ mà", Homero nói, "nhưng ngài vẫn cứ uống đấy".
"Anh có nhận thấy điều ấy à?" Tổng thống nói. "Nhưng hôm nay mình phá lệ vì là một ngày đặc biệt mà".
Cà phê không phải là chuyện phá lệ duy nhất của ông ta ngày hôm đó. Ông còn kêu món sườn bò nướng vỉ, một đĩa xà lách tươi trộn với một ít dầu ô liu. Người khách của ông cũng kêu cùng món đó và nửa bình rượu chát.
Trong khi chờ món ăn, Homero rút cái ví không tiền, chỉ đựng giấy tờ ra khỏi túi áo jacket và chỉ cho Tổng thống thấy một bức ảnh đã mờ, ngài nhận ra mình ngay trong cái áo sơ mi ngắn tay, người thon thả hơn một ít, với tóc và râu xanh mướt, bao quanh bởi đám đông các chàng trai trẻ đang đứng nhón gót lên để chiêm ngưỡng dung nhan. Liếc sơ qua, ông đã nhận ra ngay nơi chốn, nhận ra ngay biểu tượng của một chiến dịch tranh cử gay go, ông nhận ra cái ngày bất hạnh đó. "Thật xúc phạm". Ông thì thầm. "Tôi vẫn luôn nói người ta già nhanh ở trong ảnh hơn là ở ngoài đời thực". Và ông lật tới lật lui tấm hình với động tác có chủ ý.
"Tôi nhớ cái này rõ lắm", ông nói "Dầu chuyện này như là đã xảy ra cả ngàn năm trước đây; bức ảnh này chụp ở buồng lái máy bay đang bay trên bầu trời San Cristobal de Las Cesas".
"Đó là thành phố quê hương của tôi" Homero nói, và gã chỉ vào hình của mình trong đám đông. "Tôi đây nè".
Ngài Tổng thống nhận ra gã.
"Lúc đó anh hãy còn là một chú nhóc".
"Gần như thế", gã nói "Tôi theo ngài suốt cuộc vận động tranh cử ở miền Nam, với tư cách là người cầm đầu tổng đoàn sinh viên".
Ngài Tổng thống dự kiến cách tiếp cận.
"Tiếc rằng tôi lại đã chẳng lưu ý đến anh lúc đó" ông nói.
"Không hề chi, ngài tử tế quá", Homero đáp. "Bởi vì chúng tôi đông thế, làm sao ngài có thể nhớ hết".
"Và rồi sau đó?".
"Ngài biết điều đó rõ hơn ai mà", Homero nói. "Sau cú binh biến, điều kỳ diệu là cả hai chúng ta lại ngồi đây, sẵn sàng để ngốn hết nửa con bò. Không mấy người được may mắn như chúng ta đâu". Đúng lúc đó thức ăn được mang đến bàn họ.
Tổng thống thắt cái khăn ăn lên cổ, giống như trẻ con mang yếm và nhận ra vẻ ngạc nhiên thầm lặng nơi người khách.
"Nếu tôi không làm thế này, tôi sẽ làm hỏng một chiếc cà vạt ở mỗi bữa ăn" ông giải thích. Trước khi bắt đầu, ông thưởng thức mùi gia vị của món ăn, gật gù tỏ vẻ hài lòng, rồi trở lại câu chuyện đề tài bỏ dở.
"Điều tôi không hiểu", ông nói "là tại sao anh không tiếp cận tôi sớm hơn, thay vì theo dấu tôi như một con chó săn".
Homero bảo rằng gã đã nhận ra ông từ lúc thấy ông đi vào bệnh viện qua cánh cửa dành riêng cho những ca thật đặc biệt.
Đó là lúc vào giữa mùa hè và ông đang mặc một bộ complet ba mảnh bằng dạ vùng Antilles, mang giày đen trắng, một bông cúc dại trên ve áo và mái tóc dẹp của ông bồng bềnh trong gió.
Homero biết được rằng, ông ở một mình tại Geneva, không một ai giúp đỡ, vì ngài Tổng thống biết rõ thành phố này, nơi ông đã từng theo học và tốt nghiệp khoa Luật. Theo yêu cầu của ông, ban quản lý bệnh viện đã có những biện pháp nội bộ cần thiết để bảo đảm sự ẩn danh tuyệt đối cho ông.
Chính trong đêm đó, Homero và vợ y đồng lòng cảm thông với ông. Và trong năm tuần lễ, y đã theo sát ông, chờ dịp thuận tiện, và có lẽ đã không dám nói, nếu ngài Tổng thống không chạm trán y.
"Tôi vui mừng được như vậy mặc dầu sự thật là tôi thấy ở một mình cũng chẳng có gì phiền".
"Không phải thế đâu".
"Tại sao?" Tổng thống hỏi một cách thành thực "Chiến thắng vĩ đại nhất đời tôi là đã làm mọi người quên tôi đi".
"Chúng tôi còn nhớ ngài hơn là ngài tư ở ng" Homero nói, không giấu vẻ xúc động. "Thật là vui khi thấy ngài như vầy, vẫn trẻ và khỏe".
"Và tuy thế" ông nói mà không làm ra vẻ bi kịch "Mọi sự đều chứng tỏ là tôi sắp đi t oong ngày một ngày hai đây?".
"Cơ hội bình phục của ngài có rất nhiều hy vọng mà" Homero nói.
Ngài Tổng thống thoáng ngạc nhiên, nhưng không đánh mất ý thức hài hước.
" Ố i trời!" Ông than thở "Bộ điều lệ về bí mật y học đã bị bãi bỏ ở cái đất nước Thụy Sĩ xinh đẹp này rồi hay sao?".
"Chẳng có bí mật nào cả đối với một tài xế xe cứu thương, ở bất cứ bệnh viện nào, bất cứ nơi đâu trên thế giới này cả, thưa Ngài." Homero nói.
" Ờ, điều tôi biết đây, tôi đã moi ra cách đây đúng hai giờ từ miệng của người duy nhất có thể biết được điều đó".
"Dẫu sao đi nữa, ngài cũng sẽ không chết một cách vô ích" Homero nói "Sẽ có người phục hưng Ngài vào đúng vị trí cao cả của Ngài, như một biểu tượng của Danh dự".
Ngài Tổng thống làm bộ ngạc nhiên, khôi hài:
"Cám ơn đã sưởi ấm lòng ta" ông nói.
Ông ăn uống cũng giống như ông làm mọi việc khác: không hấp tấp vội vã, rất cẩn trọng. Khi làm như thế, ông nhìn thẳng vào mắt Homero và anh chàng trẻ tuổi có ấn tượng như là có thể thấy được người lớn tuổi của mình đang nghĩ gì. Sau một cuộc đối thoại đầy những gợi cảm hoài hương, nụ cười của Ngài Tổng thống bỗng trở nên ma mãnh.
"Tôi đã hạ quyết tâm là đừng có băn khoăn gì về cái tử thi của mình" ông nói "nhưng giờ đây, tôi thấy rằng tôi phải lưu tâm kỹ như trong một truyện trinh thám, để giữ kín chuyện đó"
"Chuyện đó chẳng có lợi gì đâu" đến lượt Homero đùa "ở bệnh viện, chẳng có bí ẩn nào được giữ kín quá một tiếng đồng hồ".
Khi uống hết cà phê. Tổng thống đọc ở đáy ly và ông lại rùng mình - Thông điệp vẫn như cũ - Vả chăng cách biểu hiện của ông cũng không thay đổi - ông trả tiền, bằng tiền mặt, nhưng cẩn thận kiểm tra lại tổng số tiền đến năm lần bảy lượt, đếm tới đếm lui tiền của mình với sự thận trọng quá đáng và để lại tiền "pourboire" chỉ vừa đáng để người hầu bàn khịt mũi, nhăn mặt.
"Thật là vui", ông kết luận khi từ biệt Homero. "Tôi chưa hẹn sẽ giải phẫu ngày nào và tôi cũng chưa quyết định xem có nên giải phẫu hay không. Nhưng nếu mọi chuyện xuôi chèo mát mái thì chúng ta sẽ lại gặp nhau".
"Và tại sao chúng ta lại không gặp nhau trước lúc đó?".
Homero nói: "Lazara, vợ tôi, thường nấu ăn cho những người giàu có. Không ai làm món cơm tôm ngon lành hơn cô ta. Chúng tôi rất hân hạnh mời Ngài đến nhà dùng cơm tối trong một ngày gần đây thôi".
"Tôi không được phép dùng nó, nhưng tôi sẽ rất sung sướng được ăn món đó", ông nói: "Cho tôi biết lúc nào đi".
"Thứ năm hàng tuần tôi được nghỉ" Homero đáp.
"Tuyệt đấy" Ngài Tổng thống nói.
"Thứ năm lúc bảy giờ tối, tôi sẽ có mặt tại nhà anh. Sẽ vui lắm đấy".
"Tôi sẽ đến đón Ngài" Homero nói: "Nhà Khách Quí Bà, số 14, đường Công Nghiệp. Đằng sau nhà ga. Đồng ý chứ?".
"Đồng ý!" Tổng thống nói và đứng dậy, trông duyên dáng hơn bao giờ hết. "Có vẻ như anh còn biết cả kích cỡ giày của tôi nữa".
"Tất nhiên, thưa Ngài". Homero nói với vẻ thích thú "Cỡ bốn mươi mốt".
Có điều Homero Rey không nói cho ngài Tổng thống biết, nhưng sau đó nhiều năm, y lại kể rành mạch cho bất kỳ ai muốn nghe, đó là, ý định ban đầu của y chẳng phải ngây thơ vô tội tí nào. Cũng giống như những tài xế xe cứu thương khác, y cũng thu xếp với mấy đám nhà táng và các công ty bảo hiểm nhân thọ để bán dịch vụ trong bệnh viện, nhất là với các bệnh nhân nước ngoài mà tình trạng tài chính có phần eo hẹp. Mối lợi nhỏ nhoi thôi mà còn phải chia năm xẻ bảy với đám nhân viên khác luôn rình mò quanh hồ sơ mật của những bệnh nhân nguy kịch. Nhưng dẫu sao thì cũng có còn hơn không đối với một kẻ sống lưu vong, không tương lai, phải xoay xở để nuôi sống một vợ hai con bằng đồng lương mạt hạng (rẻ như bèo).
Lazara Davis, vợ anh ta, có đầu óc thực tế hơn. Là một cô gái lai ở San Juan, Puerto Rico, cô ta nhỏ người nhưng rắn chắc, da màu nước đường thắng, đôi mắt chồn cái biểu lộ rõ nét tính tình của cô ta. Họ đã gặp nhau tại phòng cứu tế của bệnh viện, nơi cô ta đã làm việc như người trợ lý tổng vụ cho một nhà tài chánh đồng hương của mình; ông này đang mang cô theo đến Geneva để làm điều dưỡng viên, đã bỏ cô trôi dạt trong thành phố này. Cô và Homero đã kết hôn theo lễ nghi Công giáo, mặc dầu cô vốn là một công chúa của Yoruhan và họ đã sống trong một căn hộ có hai phòng ngủ ở tầng thứ tám của một building không có thang máy, phần lớn người cư ngụ là đám di dân từ các nước Phi Châu - Barbara, đứa con gái đầu lòng lên chín tuổi và Lazaro, đứa con trai bảy tuổi của họ có vài dấu hiệu trì độn trí tuệ ở dạng còn nhẹ.
Lazara Davis thông minh, tính tình cáu bẳn, nhưng nàng có trái tim dịu dàng. Cô ta tự coi mình là một mạng Kim Ngưu điển hình và tin tưởng mù quáng vào những điềm triệu đầy mê tín. Tuy vậy, nàng vẫn chưa hề có thể thực hiện được ước mơ kiếm sống bằng cách là một chiêm tinh gia cho các nhà tỉ phú.
Nhưng mặt khác, thỉnh thoảng nàng cũng đem lại những đóng góp tài chánh cho gia đình, đôi khi cũng là một khoản tiền đáng kể, nhờ nấu tiệc cho các bà chủ giàu muốn gây ấn tượng cho thực khách bằng cách cho họ tưởng rằng chính các bà đã nấu nướng các món ăn lạ miệng kiểu Antilles. Sự rụt rè của Homero làm anh ta khốn khổ, nhưng anh ta cũng chẳng có tham vọng nào hơn ngoài khoản tiền nhỏ nhoi mà anh kiếm được, song Lazara không thể quan niệm đời sống thiếu chàng ta vì sự hồn nhiên của tâm hồn chàng và sự ân ái của chàng. Mọi chuyện đã suôn sẻ đối với họ, nhưng cuộc sống mỗi năm càng khó khăn hơn và các đứa trẻ ngày càng lớn. Vào thời Tổng thống mới đến đây, họ đã phải moi số tiền tiết kiệm dành dụm được từ năm năm ra để chi tiêu. Vì thế, khi Homero Rey khám phá ra ngài Tổng thống trong số các bệnh nhân ẩn danh của bệnh viện thì họ nhen nhúm hy vọng.
Họ chưa biết đích xác, họ sẽ yêu cầu cái gì hay là nhân danh quyền gì để đòi hỏi. Lúc đầu, họ định chào hàng với ông khoản dịch vụ mai táng toàn bộ, kể cả việc ướp xác và đưa di hài về cố hương. Nhưng dần dần họ nhận thấy là cái chết của ông ta chưa có vẻ gì vội đến như lúc đầu họ đã tưởng. Vào ngày có hẹn cùng dùng bữa ăn trưa tại nhà với ngài Tổng thống, hai vợ chồng nhà này càng bối rối với bao điều nghi hoặc.
Sự thật là Homero chẳng hề bao giờ là thủ lĩnh của tổng đoàn sinh viên hay bất cứ cái quái quỉ gì khác và cái vai trò duy nhất mà gã đã đóng trong cuộc vận động tranh cử chỉ là cố xen vào để được chụp hình, tấm hình đó họ đã tìm được như nhờ phép lạ, dưới đống giấy báo cũ để dùng trong cầu tiêu. Nhưng lòng nhiệt tình của anh ta thì quả có đúng thật. Một điều khác nữa cũng đúng, đó là anh ta đã bị buộc phải chuồn khỏi xứ sở vì anh ta đã từng tham dự vào các cuộc biểu tình chống lại cuộc đảo chính quân sự, dầu rằng lý do duy nhất khiến anh ta vẫn còn sống ở Geneva sau bao nhiêu năm lâu đến thế, chỉ là do sự nghèo nàn trí tuệ của anh ta mà thôi. Dầu có nói dối đôi chút cũng chẳng hề chi, để chiếm cảm tình của ngài Tổng thống.
Điều ngạc nhiên đầu tiên đối với họ, đó là kẻ lưu vong lừng lẫy kia lại sống trong một khách sạn hạng tư, tại khu phố Les Grottes buồn hiu và ngồi ăn một mình nơi các quán ăn rẻ tiền, trong khi ở Geneva đầy nhưng căn nhà sang trọng cho các nhà chính khách thất sủng. Ngày qua ngày, Homero thấy ông ta lặp lại những hành vi của ngày hôm đó. Gã dõi mắt trông theo ông, đôi khi với một khoảng cách thiếu thận trọng, trong những cuộc du hành ban đêm giữa những bức tường tang chế và ngắt các đóa hoa chuông của thành phố cổ kính. Gã đã thấy ông trầm tư hàng giờ trước pho tượng của Calvin. Nín thở với hương nồng của hoa lài, gã đã theo ông từng bước leo lên các bậc thang bằng đá để đi đến đỉnh đồi Bourg de Four, ngắm ánh hoàng hôn mùa hạ chầm chậm buông rơi. Một đêm nọ, gã thấy ông trong cơn mưa đầu mùa, không mặc áo mưa, cũng chẳng mang dù, đứng sắp hàng với đám sinh viên để chờ nghe cuộc hòa nhạc của Rubinstein. "Tôi chẳng hiểu sao mà ông ta lại không bị viêm phổi", Homero sau đó đã nói với vợ như thế. Vào ngày thứ bảy trước đó, khi thời tiết bắt đầu đổi thay, gã đã thấy ông mua một áo khoác mùa thu với cổ áo lông chồn giả, không phải nơi các cửa tiệm sáng lấp lánh dọc theo phố sông Rhône, nơi các vị tiểu vương ả Rập lưu vong thường đi mua sắm, mà ở chợ trời.
"Nếu thế thì bọn mình chẳng có gì để mà chờ mong đâu" Lazara than thở, khi Homero kể với nàng chuyện đó. "Ông ta chỉ là một kẻ bần cùng sẽ mãn nguyện xa lìa cuộc đời nhờ đám tang từ thiện và sẽ được mai táng vào nấm mồ lạnh lẽo của kẻ bần hàn. Bọn mình sẽ chẳng bao giờ kiếm chác được gì nơi ông ta đâu".
"Có lẽ ông ta nghèo thật" Homero nhận định, "sau bao nhiêu năm thất nghiệp".
"Bé cưng ơi, mang tuổi Song Ngư là một chuyện và làm một chàng ngốc khốn khổ lại là một chuyện khác" Lazara nói. "Ai cũng biết ông ta chuồn đi với hàng tấn vàng của công khố và là kẻ lưu vong giàu nhất đến từ Martinique".
Homero lớn hơn vợ mười tuổi, đã lớn lên và chịu ảnh hưởng bởi các bài báo muốn tạo cho dân chúng ý nghĩ là ngài Tổng thống kính yêu của họ trong thời còn là sinh viên du học ở Geneva, đã tự kiếm sống bằng cách, ngoài giờ học, đi làm công nhân xây dựng. Lazara trái lại, đã lớn lên giữa những lời chỉ trích gay gắt của báo chí phe đối lập, càng được thổi phồng ở các gia đình thuộc phe chống đối mà nàng từng giúp việc như một nữ điều dưỡng khi nàng còn con gái. Do đó, vào cái đêm Homero về nhà, nín thở vì hân hoan đã được ngài Tổng thống mời ăn trưa, nàng không tin ông ta đã mời gã đến một nhà hàng đắt tiền. Nàng thật buồn lòng vì Homero đã không xin xỏ được gì trong vô số những điều mà họ từng mơ ước, nào là học bổng cho con cái, nào là một việc làm khá hơn ở bệnh viện, v.. v... Quyết định của ngài Tổng thống muốn bỏ mặc cho tấm thân mình ra sao thì ra sau khi chết, thay vì dùng tiền của để lo cho có một đám tang xứng đáng với một cuộc di hài trọng thể về cố hương, càng khiến nàng nghi ngờ. Nhưng cái cọng rơm cuối cùng làm gãy lưng con lạc đà là cái tin mà Homero giữ vào phút chót mới tiết lộ, là chuyện gã đã mời ngài Tổng thống dùng bữa cơm tôm tại nhà, vào tối thứ năm sắp tới.
"Chúng ta cần điều đó lắm ư!" Lazara hét toáng lên, "rước lão ấy về đây, mời lão nhét đầy cơm tôm vào bao tử đến nỗi bội thực ngã lăn quay ra chết, rồi chúng ta phải đập ống heo của mấy đứa nhỏ móc tiền ra lo đám ma cho lão ấy chắc?".
Nói thế, nhưng cuối cùng vốn thương chồng, chẳng nỡ để chồng mất thể diện, nàng cũng chiều ý. Nàng chạy đi mượn ba bộ đồ ăn bằng bạc và một đĩa đựng xà lách bằng pha lê nơi một bà láng giềng, một bình pha cà phê bằng điện nơi một cái nhà khác và cái khăn bàn thêu với bộ ấm tách sứ Trung Quốc nơi nhà thứ ba. Nàng kéo các tấm màn che cũ xuống, móc các màn che mới lên và lột các tấm bọc ghế nệm ra. Nàng dành trọn một ngày để lau chùi sàn nhà, quét sạch bụi bặm, sắp xếp đồ đạc cho gọn gàng tươm tất đâu ra đấy, mong tạo cho khách cảm tưởng giấy rách phải giữ lấy lề, dầu hèn cũng thể.
Vào tối thứ năm hôm đó, khi đã mệt đứt hơi vì leo các bậc cầu thang lên mãi tận lầu tám, ngài Tổng thống xuất hiện ở cửa với chiếc áo khoác tuy cũ nhưng mới được giặt ủi tinh tươm, cái mũ quả dưa, thời trang của những năm xửa năm xưa và duy chỉ một đóa hồng tặng Lazara. Nàng bị đập mạnh bởi ấn tượng về vẻ đĩnh đạc trượng phu và phong thái như ông hoàng của ngài Tổng thống, nhưng đằng sau tất cả những cái ấy, nàng thấy được điều mà nàng đã dự đoán "một tên đàn ông dối trá và tham lam, keo kiệt". Nàng nghĩ ông ta hơi khiếm nhã, bởi vì nàng đã làm bếp với các cánh cửa sổ mở rộng để cho mùi tôm không quyện lại trong nhà, và động tác đầu tiên của ông ta khi mới bước vào phòng là hít một hơi dài như thể gặp sự sảng khoái bất ngờ và ông đã thốt lên với đôi mắt lim dim và vòng tay mở rộng. "Ồ, đúng là hương vị biển cả nơi xứ sở yêu dấu của chúng ta!". Nàng nghĩ ông thật bủn xỉn vì chỉ mang lại cho nàng đúng một bông hồng duy nhất, chắc là xoáy được ở một công viên nào đó. Nàng nghĩ, ông ta có vẻ ngạo mạn khi nhìn những mảnh cắt từ các tờ báo với các hình ảnh và dòng chữ nói về sự vinh quang trong thời làm Tổng thống của ông: nào cờ xí, biểu ngữ rợp trời trong cuộc vận động tranh cử mà Homero đã chăm chú dán lên tường nơi phòng khách.
Nàng nghĩ, ông ta cứng rắn thiếu tình cảm, bởi vì ông chẳng hề chào lại Barbara và Lazaro, chúng đã biếu ông một món quà lưu niệm, và trong bữa ăn, ông ám chỉ đến hai điều mà ông không chịu nổi, đó là chó và trẻ con. Nàng ghét ông ta.
Tuy thế, lòng hiếu khách của dân Caribê nơi nàng đã vượt lên những thành kiến đó. Nàng đã mặc áo dài kiểu Phi châu mà nàng chỉ khoác lên người vào những dịp đặc biệt, mang vòng hạt cườm và xuyến vàng và trong suốt bữa ăn, nàng không hề làm một động tác vô ích nào hay nói một lời phù phiếm nào.
Nàng thật khỏi chê trong cung cách tiếp khách, nàng thật hoàn hảo.
Sự thật là món cơm tôm chưa hẳn đã là thành tựu xuất sắc nhất trong nghệ thuật nấu nướng của nàng, nhưng nàng đã làm món đó với tất cả thiện chí và vì thế món cơm tôm đó rất ngon. Ngài Tổng thống ăn hết hai bát cơm và không tiếc lời khen ngợi; ông khoái cả món rau mã đề thái nhỏ và món sà lách avocado, dầu ông không san sẻ nỗi hoài hương của họ.
Lazara chỉ yên lặng nghe cho đến lúc ăn món tráng miệng, khi bỗng dưng chẳng biết cái gì xui khiến, Homero lại rơi vào bẫy của vấn đề không lối thoát, vấn đề Thượng Đế hiện hữu hay không hiện hữu.
"Tôi tin chắc là Thượng Đế hiện hữu"", ngài Tổng thống nói, "nhưng Người chẳng hơi đâu thèm để ý đến chuyện trần gian. Người còn khối việc vĩ đại hơn để phải bận tâm".
"Còn tôi chỉ tin vào các ngôi sao chiếu mệnh", Lazara nói và nàng dò xét phản ứng của ngài Tổng thống. "Ngài sinh ngày nào?".
"Ngày mười một tháng ba".
"Tôi biết ngay mà", Lazara reo lên vẻ đắc thắng và hỏi lại bằng giọng ngọt ngào "Ngài có nghĩ là hai tuổi Song Ngư cùng trên một bàn ăn là quá nhiều?".
Hai người đàn ông còn ngồi tiếp tục tranh luận về sự hiện hữu của Thượng Đế khi nàng đứng dậy đi vào bếp để pha cà phê. Nàng đã dọn sạch bàn ăn và rất mong sao cho bữa tối kết thúc tốt đẹp. Trên đường trở lại phòng khách với khay cà phê, nàng bắt gặp một nhận định thoáng qua của ngài Tổng thống, khiến nàng ngạc nhiên.
"Không nghi ngờ gì nữa, các bạn ạ. Nếu tôi còn làm Tổng thống, có lẽ đó là một điều tồi tệ nhất cho xứ sở chúng ta".
Homero thấy Lazara ở cánh cửa với bộ ấm tách sứ Trung Quốc, bình pha cà phê, và nghĩ nàng sắp ngất xỉu khi nghe mấy lời vàng ngọc đó từ chính miệng ngài Tổng thống thốt ra.
Tổng thống cũng nhận thấy điều ấy. "Đừng nhìn tôi như thế, thưa bà" ông nói với giọng thân mật. "Tôi nói thật lòng đấy mà". Rồi quay về phía Homero, ông kết luận:
"Đúng là tôi đang phải trả giá đắt cho sự ngông cuồng rồ dại của mình".
Lazara rót cà phê ra mời và tắt bớt đèn phía trên bàn vì ánh sáng chói chang quá, không hợp cho buổi chuyện trò, và căn phòng trở nên mờ mờ, thân mật. Lần đầu tiên, nàng thật sự quan tâm đến người khách mà sự thông minh sắc sảo không che giấu được vẻ muộn phiền. Lòng hiếu kỳ của Lazara càng tăng thêm khi ông khách uống cạn tách cà phê và lật ngược cái tách xuống đĩa, để cặn cà phê rơi xuống.
Tổng thống bảo với họ là trước kia, ông đã chọn đảo Matinique làm nơi sống kiếp lưu vong, vì tình bạn đối với nhà thơ Aimé Césaire, vào thời bấy giờ đã xuất bản tập thơ Cahier d'un retour au pays natal (Bút ký ngày về cố hương) và đã giúp cho ông bắt đầu một cuộc đời mới. Với chút tài sản còn lại từ thừa kế của vợ, ngài Tổng thống mua một căn nhà bằng gỗ quí trên ngọn đồi thành phố cảng Fort dr France với màn che cửa sổ và sân thượng nhìn ra biển, đủ các loại hoa hoang dã. Thật thú vị khi ngủ nơi đó trong âm thanh của tiếng bóng cricket và làn gió biển mang mùi rượu rum mật mía từ các nhà máy đường dạt tới. Nơi đó ông đã sống với bà vợ lớn hơn ông mười bốn tuổi và đã trở nên tàn phế từ sau khi sinh đứa con duy nhất; ông được tăng thêm nghị lực để chống lại số mệnh bởi việc thường xuyên đọc lại các tác phẩm cổ điển La tinh bằng nguyên tác và bởi niềm xác tín rằng, đó là hành vi cuối cùng trong đời mình. Đã bao năm rồi ông phải chống lại sự cám dỗ của đủ kiểu hành động phiêu lưu mà các ủng hộ viên của ông, cay cú vì thất bại và ý muốn phục thù, đã đề nghị với ông.
"Nhưng tôi chẳng bao giờ đọc các bức thư ấy", ông nói.
"Không bao giờ nữa, một khi tôi đã khám phá ra rằng, ngay cả nhưng điều khẩn cấp nhất cũng bớt vẻ khẩn cấp sau một tuần lễ và rằng trong vòng hai tháng, người ta sẽ quên các bức thư ấy cũng như quên người viết ra chúng".
Ông nhìn Lazara trong bóng mờ chập chờn khi nàng đốt điếu thuốc và lấy thuốc từ môi nàng với cử động khao khát từ mỗi ngón tay. Sau một hơi rít dài, ông ém khói lại trong cổ họng. Sửng sốt, Lazara lấy gói thuốc và hộp quẹt, đốt một điếu khác, nhưng ông đã trả lại điếu thuốc đang cháy đỏ cho nàng.
"Trông cô hút ngon lành quá, khiến tôi phát thèm phải rít một hơi thôi", ông nói. Rồi ông phải nhả khói ra vì ông bắt đầu ho.
"Tôi đã bỏ thói quen hút thuốc từ nhiều năm rồi, nhưng nó chẳng chịu bỏ tôi". Ông nói. "Gặp dịp, nó lại đánh ngã tôi. Như bây giờ đây".
Cơn ho còn hành ông hai lần nữa. Cơn đau trở lại. Tổng thống nhìn đồng hồ, lấy ra hai viên thuốc cho liều buổi tối.
Rồi ông chăm chú nhìn vào đáy cốc, không có gì thay đổi cả, nhưng lần này ông không rùng mình.
"Một vài người trước kia ủng hộ tôi, đã trở thành Tổng thống kế vị tôi", ông nói. "Tất cả chúng tôi đã tiếm đoạt một vinh dự mà chúng tôi không xứng đáng, giành lấy một trọng trách mà không biết cách làm thế nào để chu toàn. Vài người chỉ vì đeo đuổi quyền lực, còn đa số chỉ trông tìm một chỗ làm, hay tệ hơn".
Lazara nổi sùng.
"Ông biết họ nói gì về ông không?" nàng hỏi gằn.
Homero hoảng hốt can thiệp:
"Chỉ là những điều bịa đặt dối trá thôi".
"Những điều dối trá, vâng, nhưng không hẳn chỉ là những điều dối trá", ngài Tổng thống nói với vẻ bình thản, thoát tục.
Đối với một Tổng thống, những điều đê tiện nhất có thể vừa là chuyện thật, vừa là chuyện giả, hư hư thực thực, ai biết đâu vào đâu." Ông đã sống ở Martinique trọn chuỗi ngày lưu vong, chỉ còn liên hệ với thế giới bên ngoài qua một vài dòng tin tức trong công báo. Ông đã phải kiếm sống bằng cách dạy tiếng Tây Ban Nha và tiếng La tinh tại một trường Trung học công lập, và dịch một số hài mà nhà thơ Aimé Césaire thỉnh thoảng nhờ ông. Cái nóng tháng tám thật khó chịu, ông cứ muốn nằm trên võng cho đến trưa, đọc sách trong tiếng quay đều đều của cánh quạt trần nơi phòng ngủ. Ngay cả vào những thời điểm nóng nhất trong ngày, bà vợ ông cũng trông nom các con chim bà nuôi vẫn để cho bay nhảy tự do ngoài lồng; bà đội một mũ rơm rộng vành để tránh nắng, chiếc mũ được trang điểm với hoa giả bằng vải phin. Những lúc tiết trời dễ chịu, ông thích ngồi trên sân thượng với không khí mát lạnh dìu dịu, đôi mắt đăm đăm nhìn về đại dương mênh mông cho tới khi chiều tím thẫm hoàng hôn. Còn bà ngồi vào chiếc ghế mây nhún, đầu đội chiếc mũ sờn rách, trên mỗi ngón tay đều đeo nhẫn gắn bảo thạch lấp lánh, ngắm nhìn tàu thuyền trên khắp thế giới qua lại. "Chiếc tàu kia chắc là đi về Puerto Santo" bà lẩm bẩm. "Còn chiếc tàu nọ, gần như không nhúc nhích nổi vì chở đầy ắp chuối mang đi từ Puerto Santo", bà lại lẩm bẩm. Bởi vì hầu như bà không thể nghĩ rằng có một con tàu nào ngang qua đấy mà lại không xuất hành từ xứ sở quê hương bà. ông vờ như không nghe bà nói gì, mặc dù về lâu về dài bà mau quên hơn ông, vì bà đã mất trí nhớ. Có lẽ họ đã ngồi yên như thế cho đến khi những buổi hoàng hôn náo động đi dần vào yên ả tịch liêu và phải đi vào nhà để tránh muỗi.
Trong một buổi tối tháng tám, khi đang ngồi đọc báo trên sân thượng, ngài Tổng thống gây ngạc nhiên khi thốt lên:
"Tôi bị đày đọa rồi", ông cất tiếng than. "Tôi đã chết ở Estoril".
Phu nhân của ngài, đang lơ mơ trong cơn buồn ngủ vật vờ, kinh hoàng bật dậy vì cái tin quái gở đó. Bài báo gồm khoảng sáu dòng trên trang thứ năm, được in ở một góc nơi thỉnh thoảng vẫn đăng những bài dịch của chính ông và ông quản lý thỉnh thoảng vẫn đến thăm ông. Và giờ đây, chính cái tờ báo mắc dịch đó lại tung tin rằng ông đã chết ở Estoril de Lisboa, nơi ẩn trú và an dưỡng của Âu châu thoái hóa suy tàn; nơi đó, ông chưa hề một lần đặt chân tới và có lẽ là nơi duy nhất trên hành tinh này ông không muốn gởi lại nắm xương tàn. Phu nhân Tổng thống đã chết một năm sau đó, bị dằn vặt bởi hoài niệm cuối cùng còn sót lại nơi tâm trí bà: hoài niệm về đứa con duy nhất của họ đã tham gia vào cuộc binh biến để lật đổ chính bố ruột mình và sau đó lại bị chính những kẻ đồng lõa với mình bắn bỏ.
Ngài Tổng thống thở dài: "Đấy, số phận của chúng ta là thế và không gì cứu nổi chúng ta", ông nói. "Một tiểu lục địa tạo nên từ lớp đất cát bọt bèo, chẳng có chút yêu thương; những đứa hé bị bắt cóc hay dược sinh ra từ sự cưỡng dâm, sự tạp giao, sự tuyệt vọng, sự phối chủng giữa những kẻ thù với những kẻ thù". Ông chạm tia mắt Phi châu huyền bí man dã của Lazara đang dò xét ông không chút xót thương và ông cố vượt thắng đôi mắt đó bằng sự hùng hiện của một bậc thầy lão luyện.
"Pha trộn chủng tộc có nghĩa là, pha trộn nước mắt với máu rỉ ra trong uất hờn. Người ta có thể chờ đợi cái gì nơi thứ bùa yêu quái dị đó?".
Lazara gắn chặt ông vào chỗ ngồi bằng sự im lặng chết chóc. Nhưng nàng lấy lại tự chủ, trước nửa đêm một chút và chào từ biệt ông với một cái hôn theo nghi thức. Tổng thống từ chối không để Homero tiễn chân ông về lại khách sạn, nhưng dù sao cũng không ngăn y giúp ông kiếm chiếc taxi.
Khi Homero trở về thì vợ y đang nổi cơn tam bành.
"Cái lão Tổng thống đó có bị lật đổ cũng là đáng đời", nàng nói. "Thật là đồ chó đẻ".
Mặc dù Homero cố gắng xoa dịu nàng, đôi vợ chồng vẫn trải qua một đêm khủng khiếp, mất ngủ. Lazara thừa nhận ông ta là một trong số nhũng người đàn ông đẹp trai nhất mà nàng đã thấy, với một quyền năng hấp dẫn đầy sức tàn phá và vẻ trượng phu hùng dũng của một chàng ngựa giống. "Ngay cả như hiện trạng bây giờ của lão ta, già cả và bệnh tật, nhưng hẳn là lão ta vẫn còn là một con cọp trên giương ngủ", nàng nói. Nhưng nàng nghĩ, ông ta đã hoang phí những ân điển của Chúa để phụng sự cho thói kênh kiệu phù hoa. Nàng không thể chịu đựng nổi những lời khoe khoang khoác lác khi ông ta tự phong mình là vị Tổng thống tồi tệ nhất của xứ sở mình, là một vị nguyên thủ quốc gia tồi tệ nhất chưa từng thấy trong lịch sử. Nàng cũng không chịu nổi vẻ khổ hạnh của ông khi nàng tin chắc rằng ông ta chỉ làm một nửa số đồn điền trồng mía tại Martinique. Hoặc vẻ đạo đức giả trong sự khinh miệt quyền lực của ông ta, trong khi hiển nhiên là ông ta sẵn sàng đánh đổi bất cứ thứ gì để trở lại chức Tổng thống một thời gian khá lâu đủ để ông ta đưa những kẻ thù của mình đi ăn đất.
"Và tất cả những chuyện đó", nàng kết luận, "chỉ để cho chúng ta quì mọp tôn thờ lão ta".
"Ông ta cần chuyện đó làm chi nữa?" Homero hỏi.
"Chẳng để làm quái gì cả" nàng nói. "Nhưng sự thực, nỗi si mê muốn mình làm người hấp dẫn, lôi cuốn, thật chẳng bao giờ được thỏa mãn trọn vẹn".
Cơn cuồng nộ của nàng ghê gớm quá, khiến Homero không còn chịu nổi chuyện nằm chung giường với nàng và suốt phần đêm còn lại, gã cuộn mình trong chăn nằm chèo queo trên ghế sofa nơi phòng khách. Lazara cũng thức dậy lúc nửa đêm, trần truồng từ đầu đến chân - tình trạng bình thường của nàng khi ngủ hoặc ở phòng riêng - và lẩm bẩm một mình cuộc độc thoại về một đề tài duy nhất. Chỉ một mạch, nàng đã xóa sạch khỏi mọi trí nhớ mọi dấu vết của bữa ăn tối đáng ghét. Rạng sáng hôm sau, nàng mang trả lại các đồ đạc nàng đã mượn, thay lại bức màn mới bằng bức màn cũ và trả lại mọi đồ vật về vị trí cũ để căn nhà trở lại vẻ nghèo nàn, thanh đạm như trước. Rồi nàng giật mấy mẩu báo xuống, những chân dung, cờ xí trong chiến dịch tranh cử ghê tởm kia, ném tất cả vào sọt rác với câu hét tối hậu: "Xuống địa ngục hết đi, ba cái đồ thổ tả." Một tuần sau bữa ăn tối, Homero gặp ngài Tổng thống đợi anh ta khi anh ta rời bệnh viện, ông yêu cầu anh ta đi cùng ông về khách sạn. Họ trèo 3 tầng cầu thang để đến căn gác xếp sát mái, chỉ có một khoảng sáng nhìn ra khung trời xám tro. Có một giường đôi chiếm hết nửa không gian, một chiếc ghế thô, một góc vệ sinh và chậu rửa hậu môn, một tủ đựng quần áo nhỏ với kiếng mờ đục. Ngài Tổng thống quan sát phản ứng của Homero.
"Đây là cái hang thỏ mà tôi đã sống khi tôi còn là một du học sinh", ông ta nói như để xin lỗi "Tôi đã đặt phòng từ Fort de France".
Từ trong một cái túi nhung, ông lục soạn và bày ra trên giường những di tích cuối cùng của sự giàu sang: Năm ba cái vòng vàng trang điểm với đủ loại đá quí, một sợi dây chuyền đeo cổ ba vòng bằng ngọc trai và hai sợi bằng vàng và đá quí, ba dây chuyền có hình các thánh, một cặp hoa tai bằng vàng và ngọc bích, một cặp khác bằng vàng và kim cương, một cặp thứ ba bằng vàng và hồng ngọc, một hòm đựng thánh tích và một tủ ngăn nhỏ, mười một cái nhẫn với đủ loại đá quí trang hoàng mặt nhẫn và một mũ triều thiên đính đầy kim cương xứng đáng để đội lên đầu một bà hoàng hậu. Từ một cái hòm nhỏ, ông lôi ra ba bộ đồ ăn bằng bạc và hai bộ bằng vàng, một đồng hồ bỏ túi bằng bạch kim. Rồi ông lôi ra sáu bộ huân chương từ một hộp đựng giày: hai cái bằng vàng, hai cái bằng bạc, những cái còn lại bằng kim loại thường.
"Đó là tất cả tài sản còn sót lại trong đời của tôi" ông nói.
Ông không còn cách nào khác hơn là bán tất cả những thứ đó để trang trải tiền chữa bệnh và ông nhờ Homero vui lòng làm giúp ông điều đó và giữ kín tuyệt đối. Nhưng Homero bảo rằng y không thể chu toàn điều ông ủy thác nếu không có những biên nhận hợp thức của những món đồ ấy.
Tổng thống giải thích rằng đó là những đồ tư trang của vợ ông, một món thừa kế từ bà nội đã sống từ thời thuộc địa và đã thừa hưởng từ phần cổ đông trong một mỏ vàng xứ Colombia. Còn cái đồng hồ, bộ đồ ăn và kim cài cà vạt là của ông. Các bộ huân chương dĩ nhiên là chưa thuộc về ai trước khi về tay ông.
"Tôi không tin là có bất kỳ người nào lại có được biên nhận cho những món đồ như thế này" ông nói.
Homero vẫn kiên định trong nguyên tắc.
"Trong trường hợp đó" Tổng thống suy nghĩ "Tôi không còn cách nào khác hơn là tự mình lo liệu lấy chuyện này".
Ông bắt đầu thu thập các đồ trang sức với sự bình thản có tính toán. "Tôi xin anh thứ lỗi, bạn Homero thân mến ạ, nhưng nói thực là không có sự cùng khổ nào tệ hại hơn là sự cùng khổ của một Tổng thống đã đến bước đường cùng" ông nói - "Ngay cả sống sót cũng bị coi là đáng khinh". Chính vào lúc đó Homero thấy được trái tim của ông, ông đã buông rơi tất cả mọi vũ khí.
Lazara tối đó về nhà muộn. Từ cánh cửa, nàng thấy các đồ nữ trang lấp lánh trên bàn dưới ánh sáng đèn thủy ngân, điều đó làm nàng giật bắn người lên như thể nàng bỗng thấy một con bò cạp trên giường ngủ của mình.
"Đừng ngu ngốc thế mình ạ", nàng nói, rùng mình kinh hãi. Tại sao những thứ này ở đây?".
Lời giải thích của Homero càng làm cho nàng rối trí hơn.
Nàng ngồi xuống xem xét các đồ vật đó, từng món một, với sự tỉ mỉ của một người thợ kim hoàn. Đến một điểm nào đó, nàng thở dài và nói "Những thứ này hẳn phải đáng giá cả một gia tài". Cuối cùng nàng ngồi xuống nhìn Homero và không thể tìm thấy lối thoát cho tình trạng tiến thoái lưỡng nan này.
"Ối chà", nàng nói "Làm thế nào chúng ta có thể biết được mọi điều lão ấy nói là sự thật?".
"Sao lại không thật?" Homero nói. "Tôi vừa trông thấy ông ấy tự giặt quần áo và phơi trên cái dây căng trong phòng, cũng giống như bọn mình thôi".
"Ối, lão ấy muốn mà mắt thiên hạ đấy mà", Lazara nói.
"Ôi, phải khốn khổ thế sao!" Homero nói. Lazara xem xét các đồ nữ trang một lần nữa, nhưng lần này ít chú tâm hơn, vì chính nàng cũng đã bị thuyết phục. Thế là sáng hôm sau, nàng lên bộ cánh đẹp nhất, lựa những món nữ trang mà nàng nghĩ là đắt giá nhất, để trang điểm, đeo nhẫn đầy kín các ngón tay, cả ở ngón cái và tất cả các vòng vừa với cổ tay rồi đi ra ngoài tìm chỗ để bán. "Để coi có ai hỏi Lazara Davis này phải có biên nhận hay không" nàng tự nhủ khi ra khỏi nhà, vừa thích chí cười. Nàng chọn ngay tiệm kim hoàn bên tay phải, một tiệm phô trương khoác lác nhiều hơn là uy tín thực, nơi đó nàng biết họ mua bán mà không hỏi tới hỏi lui gì nhiều. Và nàng bước vào với bước chân vững chãi dù trong lòng có hơi ngần ngại.
Một tay bán hàng người hơi gầy, mặt hơi mét, trong bộ trang phục buổi tối, cúi khom người chào nàng với cung cách kịch trường khi hôn tay nàng và hỏi có thể làm gì để giúp nàng. Do các cửa kiếng phản chiếu ánh đèn rực rỡ choáng ngợp, bên trong cửa hàng sáng choang hơn cả ban ngày và cả cửa hàng như được làm bằng kim cương. Lazara gần như không nhìn người thư ký bán hàng, vì e anh ta có thể nhìn ra được trò hề nàng đang đóng, nàng lặng lẽ đi theo anh ta vào phía sau cửa hàng.
Anh ta mời nàng ngồi một trong ba cái bàn viết kiểu Louis XIV, được dùng như quầy cá nhân, trên đó đã trải một cái khăn trắng tinh tươm. Rồi anh ta ngồi đối diện Lazara, chờ đợi.
"Tôi có thể giúp gì cho bà?".
Nàng cởi nhẫn, vòng, dây chuyền, hoa tai... tất cả những thứ nàng mang trên người và bắt đầu đặt chúng lên bàn, giống như sắp một ván cờ. Điều nàng muốn, nàng bảo, là biết giá trị thực của những món đồ đó.
Người buôn bán kim hoàn mang một miếng kính vào mắt trái và bắt đầu xem xét từng món trong sự yên lặng như ở bệnh viện. Sau một lúc lâu, trong khi vẫn không ngừng xem xét, anh ta hỏi:
"Bà từ xứ nào đến đây?" Lazara đã không dự kiến câu hỏi đó.
"Ồ, thưa ông", nàng thở dài, "ở xa lắm".
"Tôi cũng nghĩ thế" anh ta nói.
Anh ta lại yên lặng, trong khi đôi mắt màu vàng khủng khiếp của Lazara dò xét anh ta không chút từ tâm. Người buôn kim hoàn đặc biệt chú ý đến chiếc mũ triều thiên bằng kim cương và để nó riêng ra với các món đồ trang sức khác.
Lazara thở dài.
"Ông hoàn toàn đúng là mạng Xử Nữ", nàng nói.
Người buôn kim hoàn cũng không dừng xem xét.
"Sao bà biết điều ấy?".
"Qua cách ứng xử của ông?" Lazara nói.
Anh ta không bình luận gì cho đến khi làm xong việc và anh ta trao đổi với nàng với cùng sự dò xét như lúc khởi đầu.
"Tất cả những thứ này từ đâu bà có?".
"Đó là di sản của bà ngoại tôi" Lazara nói bằng một giọng căng thẳng - "Bà cụ chết năm rồi ở Paramaribo, lúc cụ chín mươi bảy tuổi".
Người buôn kim hoàn nhìn vào mắt nàng. "Tôi thành thật xin lỗi", anh ta nói. "nhưng giá trị của chúng chỉ tính bằng trọng lượng vàng". Anh ta nhấc cái vương miện kim cương lên bằng đầu ngón tay và xoay xoay cho nó chiếu lấp lánh dưới ánh sáng rực rỡ.
"Trừ món này", anh ta nói: "Đây là một đồ cổ hiếm thấy, có lẽ từ thời các vương triều Ai Cập và có thể quí vô ngần nếu các viên kim cương không bị mờ đục như vầy. Dẫu sao nó cũng có một giá trị lịch sử nào đấy". Nhưng các viên đá gắn ở các món khác, các viên thạch anh tím, bích ngọc, hồng ngọc, opal - tất cả không có loại lệ - đều giả. Chắc rằng các viên gốc là bảo thạch thật", người buôn kim hoàn nói, khi anh ta gom các đồ để trả lại cho nàng. "Nhưng vì đã được chuyền tay qua quá nhiều thế hệ, nên các viên bảo thạch chính gốc đã rơi lạc trên suốt quãng đường dài từ lịch sử xa xăm ấy và đã được thay thế bằng thủy tinh thể" Lazara cảm thấy buồn nôn, hít một hơi thở thật lâu và kìm lại sự kinh hoàng. Người bán hàng an ủi nàng "Bà đừng buồn, điều đó vẫn thường xảy ra".
"Tôi biết", Lazara nói, có vẻ nhẹ nhõm "Vì thế tôi muốn tống khứ chúng đi cho rồi".
Lúc đó nàng cảm thấy nàng đã vượt qua trò hề và trở lại với chính bản ngã mình. Không còn chần chừ gì nữa, nàng rút các bộ đồ ăn, cái đồng hồ quả quít, các kim cài cà vạt, các đồ trang hoàng bằng vàng và bạc và các món trang sức rẻ tiền khác của Tổng thống ra khỏi túi xách tay và đặt tất cả lên bàn.
"Cả những món này nữa?" người lái buôn hỏi.
" Vâng, tất cả" Lazara đáp.
Nàng được trả bằng những tờ giấy bạc franc Thụy Sĩ mới tinh, khiến nàng sợ rằng các đầu ngón tay mình bị dính mực còn ướt. Nàng nhận các tờ giấy bạc mà không đếm và lối chào từ biệt của người buôn kim hoàn, ngay ở cánh cửa, cũng đầy vẻ long trọng kiểu cách như lối chào đón khách mới tới của anh ta. Khi đứng giữ cho cánh cửa kính mở cho nàng đi ra, anh ta giữ nàng lại một lát.
"Lời cuối cùng, thưa bà", anh ta nói "Tôi mạng Bảo Bình".
Ngay chiều hôm đó, Homero và Lazara mang tiền đến khách sạn. Sau một hồi tính toán họ thấy cần có thêm một ít tiền nữa mới đủ. Và thế là Tổng thống bắt đầu lục soạn và đặt lên giường cả nhẫn cưới, cả đồng hồ, dây chuyền và cả kim cài cà vạt đang mang trên người.
Lazara đưa trả lại chiếc nhẫn cưới.
" Cái này không được", nàng nói. "Vật kỷ niệm thiêng liêng này không thể đem bán".
Ngài Tổng thống thừa nhận nàng nói đúng và đeo lại chiếc nhẫn vào ngón tay mình. Lazara cũng trả lại cái đồng hồ và sợi xích vàng. "Cái này cũng không được", nàng nói.
Tổng thống không đồng ý, nhưng nàng đã đặt ông ngồi yên tại chỗ.
"Ai lại đi bán đồng hồ cho người Thụy Sỹ?".
"Chúng ta đã từng làm chuyện đó", Tổng thống nói.
"Phải, nhưng không phải là bán đồng hồ. Chúng ta chỉ bán vàng trên cái đồng hồ thôi".
"Cái này cũng bằng vàng đấy", Tổng thống nói.
"Vâng", Lazara đáp. "Ngài có thể khỏi bệnh mà không cần đến phẫu thuật, nhưng ngài cần phải biết bây giờ là mấy giờ".
Nàng cũng không lấy gặp kính gọng vàng dầu ông ta có một cặp kính khác gọng đồi mồi. Nàng cầm mọi món đồ trên tay và chấm dứt mọi nghi ngại của ông.
"Vả lại", nàng bảo "chừng này là đủ rồi".
Trước khu rời đi, nàng lấy mấy bộ đồ còn ướt của ông mà không cần hỏi ý ông, để đem về nhà phơi khô rồi ủi cho ông.
Homero chở vợ về nhà; Lazara ngồi phía sau, vòng tay ôm ngực chồng. Đèn đường vừa bật sáng lên trong ánh hoàng hôn tím thẫm. Gió thổi tung các chiếc lá cuối cùng bay xa và cây cối trông giống như những bộ xương thóa thạch trơ trụi từ thuở hồng hoang. Một chiếc xe tải chạy dọc sông Rhône, chiếc radio trên xe mở hết âm lượng, để lại một giòng nhạc dọc theo các đường phố. Georges Brassens đang hát:
Mon amour tiens bien la barre, le temps va passer par là, et le temps un barbare dans le genre d'Attila, par, par là où son cheval passe, l'amour ne repousse pas.
(Ôi tình yêu của ta, hãy giữ chặt chấn song. Thời gian sẽ vụt ngang qua. Và thời gian là một tên man rợ chẳng khác nào Attila. Nơi nào vó ngựa nó đi qua, Tình yêu chẳng còn mọc lại nổi. Tiếng Pháp trong nguyên bản).
Homero và Lazara chạy xe trong yên lặng, như bị nhiễm độc bởi lời ca và mùi hương hoài vọng của hoa dạ lan. Sau một lúc lâu, nàng như thức dậy từ giấc ngủ dài.
"Thôi chết rồi!" nàng bỗng thốt lên.
"Ông già tội nghiệp", Lazara nói. "Thật là một cuộc đời bất hạnh, chẳng ra làm sao".
Vào thứ sáu tiếp sau đó, ngày bảy tháng mười, Tổng thống trải qua một cuộc giải phẫu trong năm giờ liền, nhưng mọi chuyện vẫn còn mù mờ như trước. Theo nghĩa chặt chẽ nhất, điều an ủi duy nhất là biết rằng ông vẫn còn sống. Sau mười ngày, ông được đưa qua phòng bình thường với các bệnh nhân khác; lúc đó Homero và Lazara có thể thăm viếng ông. Ông đã là một con người khác: tâm trí đã lạc hướng, người gầy rộc đi, tóc lưa thưa, đụng vào là rụng xuống gối. Sự hiện diện trước đây của ông chỉ còn sót lại nơi vẻ mềm mại xinh xắn của đôi bàn tay. Lần đầu ông tập đi trở lại với đôi nạng cặp hai bên nách trông thật não lòng. Lazara ở lại nuôi và ngủ bên cạnh giường bệnh của ông để tiết kiệm cho ông khoản tiền chi cho một người điều dưỡng riêng. Một trong các bệnh nhân cùng phòng đã kêu than suốt đêm đầu tiên vì kinh hoảng tưởng mình sắp chết. Những đêm dài vô tận đó đã làm cạn kiệt những sinh lực cuối cùng của Lazara.
Bốn tháng sau khi đến Geneva, Tổng thống ra khỏi nhà thương. Homero, nhà quản lý tỉ mỉ cái quỹ ít ỏi của ngài Tổng thống đã trả tiền viện phí và mang ông về nhà trên xe tải thương với các nhân viên bệnh viện giúp mang ông lên tầng thứ tám của nhà trọ. Họ đặt ông vào phòng ngủ của đám trẻ con mà ông thực ra chẳng bao giờ nhận biết được chúng, và dần dần ông quay về với thực tại. Ông cố công luyện tập để hồi phục theo một kỷ luật nhà binh và đã đi lại được với cây can. Nhưng ngay cả với trang phục tươm tất của ngày xa xưa, ông cũng không còn là con người cũ trong dáng vẻ cũng như trong phong cách ứng xử. Sợ mùa đông sắp đến hứa hẹn sẽ rất khắc nghiệt và thực tế đã trở nên một mùa đông buốt giá nhất của thế kỷ, ông đã quyết định, ngược với lời khuyên của các bác sĩ muốn giữ ông lại để chăm sóc và theo dõi tình trạng sức khỏe của ông một thời gian nữa, ông trở về nhà mình trên một con tàu rời Marseilles vào ngày 13 tháng chạp. Đến phút cuối, ông không còn đủ tiền cho cuộc hồi hương và Lazara không nói cho chồng hay, tính toán phần còn thiếu, đã móc tiền tiết kiệm của mấy đứa con, nhưng nàng thấy ít hơn nàng mong đợi. Lúc đó Homero thú nhận rằng anh ta dã dùng một phần lớn số tiền đó để thanh toán nốt phần viện phí, mà đã không nói cho nàng biết.
"Thôi được" Lazara nhẫn nhục nói. "Chúng ta hãy xem ông ta như là đứa con cả của chúng ta vậy".
Vào ngày 11 tháng chạp năm ấy, họ đưa ông đến chuyến xe lửa đi Marseilles trong cơn bão tuyết mịt trời, và chỉ đến lúc về nhà họ mới bắt gặp một bức thư từ biệt trên bàn mấy đứa nhỏ, trên đó ông để lại chiếc nhẫn cưới của ông cho Lazara, cùng với chiếc nhẫn cưới của bà vợ quá cố, mà ông không bao giờ thử đem bán, cùng cái đồng hồ và sợi xích vàng cho Lazara. Vì hôm đó là ngày Chủ nhật, vài người láng giềng gốc Caribê, biết được chuyện bí mật, đã kéo đến nhà ga Cornavin với một ban nhạc gốc ở Veracruz. Tổng thống đang há hốc mồm để thở hổn hển trong cái áo khoác hào nhoáng và cái khăn quàng nhiều màu sặc sỡ vốn của Lazara đưa cho ông, nhưng tuy thế, ông vẫn đứng chỗ khoảng trống của toa xe cuối cùng, và tay cầm mũ vẫy chào từ biệt trong làn gió rét cắt da.
Chuyến tàu đã bắt đầu tăng tốc, Homero mới chợt nhận ra rằng anh ta còn cầm cây can của ông. Anh ta chạy đến cuối sân ga và ném cây can đủ mạnh để Tổng thống có thể bắt lấy nhưng cây can lại rớt xuống dưới các bánh xe và liền bị nghiền nát. Thật là thời điểm kinh hoàng. Điều cuối cùng Lazara thấy là bàn tay run rẩy của Tổng thống vươn ra để nắm lây cây can mà không bao giờ chộp bắt được và người hướng dẫn tàu đã cố níu ông già phủ đầy tuyết đó lại bằng cách túm lấy cái khăn choàng của ông và cứu ông không rời khỏi con tàu đang chạy. Lazara vừa chạy vừa la lên kinh hoảng, lao về phía chồng, cố cười sau màn lệ.
"Ôi lạy Chúa!" nàng thét lên, "Không có gì có thể giết được con người ấy".
Ông đã về đến nhà an toàn, theo như bức điện báo khá dài ông gửi đến hai người để cám ơn. Không được tin gì hơn về ông cả hơn một năm sau đó. Cuối cùng, họ nhận được một bức thư viết tay dài sáu trang, trong đó thật khó nhận ra ông được nữa. Cơn đau đã trở lại, mãnh liệt và đúng cữ như trước kia, nhưng ông quyết định lờ nó đi và sống, chấp nhận cuộc đời. Nhà thơ Aimé Césaire đã cho ông một cây can khác có cẩn ngọc trai, nhưng ông đã quyết định không dùng nó. Trong sáu tháng ông đã ăn thịt và mọi thứ nghêu sò ốc hến và đã uống hàng ngày đến khoảng hai mươi cốc cà phê đắng ngắt.
Nhưng ông đã thôi không còn đọc ở đáy cốc, bởi vì những điều tiên đoán chẳng bao giờ thành sự thật. Vào ngày ông hưởng thượng thọ bảy mươi lăm tuổi, ông uống ít ly rượu rum Martinique thật ngon, rất hợp gu của ông và bắt đầu hút thuốc trở lại. Ông không cảm thấy khá hơn, dĩ nhiên, nhưng cũng chẳng cảm thấy tệ hơn. Tuy nhiên, lý do thực sự khiến ông viết thư cho họ là cho họ biết rằng ông cảm thấy bị cám dỗ bởi ý muốn trở về cố hương như là người lãnh đạo phong trào Đổi Mới - một chính nghĩa vì danh dự của quốc gia - dẫu chuyện đã chỉ đem lại cho ông niềm vinh quang khiêm nhường không phải chết vì tuổi già trên giường bệnh. Theo ý nghĩa đó, bức thư kết luận, cuộc hành trình đến Geneva năm đó của ông đã mang tính thiên mệnh quan phòng.
Tháng 6 /1979
Truyện Ngắn Marquez Truyện Ngắn Marquez - Gabriel Garcia Márquez Truyện Ngắn Marquez