Let us always meet each other with smile, for the smile is the beginning of love.

Mother Teresa

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 163 / 71
Cập nhật: 2020-06-12 14:03:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7 - Những Công Thức Đầu Tiên
hích quá, đưa mắt đến đoạn ấy, Tấn không thể không đọc rõ to:
— “Những bông lúa sai quá thường làm gẫy mất ngọn cây; cái cành phải rơi, khi những quả chĩu chịt là quá nặng cho nó, cây quá sai thì quả không kịp chín nữa, ấy cũng in như thế cho nên sự cực kỳ khoái lạc đã hại mất bao nhiêu tấm linh hồn. Hại người khác và hại cả mình, nhất là hại mình!”.
Đọc xong, Tấn nhìn Phúc một lúc rồi khen:
— Tư tưởng hay quá! Này anh, quyển sổ tay này phải đóng bìa da nhân thể mới được!
Đương nằm dài trong một chiếc áo khoác Nhật Bản trên một cái ghế ngả lưng nệm nhung điều, một chân đặt trên một cái đầu hổ, Phúc thản nhiên đáp:
— Anh vứt nó vào lò sưởi cho tôi!
Cho rằng bạn nói đùa, Tấn lại hí hửng đọc:
— “Một người sung sướng quá thì cũng như một đứa kẻ cắp nhà nghề, sớm chầy thế nào cũng bị tóm cổ!” - Tuyệt thật, sao mà anh khéo góp nhặt được ở sách nào những tư tưởng triết lý thâm trầm đến thế này nữa! Ồ, quyển này nhất định phải đóng bìa da đi thôi, mà đóng đẹp nhất nữa!
Phúc mỉm cười thương hại, khi mắng bạn:
— Rõ đồ ngu!
Tấn cứ đưa cho người nhận đóng sách đứng sau lưng anh mà dặn:
— Quyển này nữa là hết! Ông liệu khuân về nhà ông đi!
— Bẩm vâng.
— Mà quyển ấy ông đóng thêm, đừng tính tiền nữa, phải đóng rất đẹp vào đó!
— Bẩm vâng.
— Tất cả thế là ngót hai trăm rưỡi rồi?
— Bẩm vâng, xin cảm tạ hai quan.
Trông thấy những đống sách vuông cao lù lù, người nhận sách yêu cầu:
— Bẩm xin các quan cho gọi vài người cùng khuân xuống giúp cháu thì mới chóng việc được.
Phúc phán:
— Anh gọi tất cả chúng nó lên giúp người ta.
Tấn ra một góc nhà bấm vào sáu cái ổ chuông điện tức thì tài xế, bồi, bếp, thằng xe, người làm vườn và đứa ở gái cùng hộc tốc chạy lên một lúc như để cứu hỏa. Khi mọi người đã khuân hết các sách xuống, khi người chủ tiệm đóng sách đã khom lưng vái một cái dài, Phúc giơ tay ngăn lại:
— Khoan đã! Ngần ấy sách thì ông đem về hiệu bằng cách nào?
— Bẩm quan, con đi xe tay.
— Mấy cái?
— Bẩm, dễ phải chất lên năm xe mới đủ.
— Thôi, thế để tôi cho ông đi xe ô tô của tôi mà về. Những sách của tôi là sách quý cả, chở bằng xe tay nếu không rơi cùng đường thì những tay cu ly mó vào thì đến bẩn hết!
— Bẩm nếu thế thì con đội ơn quan lớn lắm lắm.
Phúc đưa mắt Tấn:
— Anh bảo tài xế hộ.
Tấn vỗ vai người chủ hiệu đóng sách:
— Hả nhé? Đi nhận hàng như thế thì đi sướng chưa?
Tuy đương bưng một chồng sách ngất ngưởng, người chủ hiệu cũng khom lưng chào một lần nữa, đến nỗi chỉ suýt nữa thì sách rơi đổ lung tung.
Lúc Tấn quay lên, Phúc đã sang phòng giấy, đứng ngắm cái tủ sách mới đóng giá trăm bạc anh nói:
— Đầy được cái tủ này thì cũng khá lắm rồi.
Tấn gật đầu:
— Phải, thì mất đến nghìn bạc.
— Không phải tôi muốn nói đến số tiền to. Khá, là nói cái giá trị tinh thần, tức là cái học thức của mình.
— Nếu vậy thì phải chờ khi nào đọc hết tủ sách chứ.
Phúc xo vai:
— Điều ấy thì không cần lắm, thật thế. Cứ trông thấy mình có nhiều sách, thiên hạ chúng nó cũng đủ sợ mình là tay học thức uyên bác, gớm ghê… Mình có đọc cả sách hay không, ai mà biết?
Tấn cười, phê bình gọn:
— Đã đành!
Phúc ngồi xống ghế mơ màng hồi lâu rồi tiếp:
— Thôi, thế là xong. Rồi thì là tôi sẽ thực hành cái lý tưởng ở đời của tôi! Không phải làm gì cả, được mặc thích ăn ngủ và đọc sách mãi mãi. Và viết sách nữa, nhưng mà khi nào thấy cao hứng lắm mới viết, vì nếu đã viết thì sách phải hay mới được. Đấy anh xem, tôi vẫn chẳng ước ao thế là gì? Nhưng bây giờ thì là sướng, vì tôi sắp thực hành được cái mộng đời của tôi. Và tôi dám chắc rằng tất cả những ai đáng gọi là có chút học thức ở đời, đều cũng phải mơ mộng như tôi cả. Có phải thế không?
— Có khác là khi họ giàu rồi, thì họ không ước ao thế nữa.
Phúc phân bua ngay:
— Đấy anh xem. Có phải tôi vẫn trung thành với những ước vọng của tôi không? Có tiền tôi nghĩ ngay phải mua sách.
Tấn còn hoài nghi:
— Hãy cứ thử xem chứ chắc gì. Người ta ở đời, hôm nay còn nghĩ thế này mai thế khác.
— Tôi thì quyết không bao giờ tôi thay đổi.
— Anh đã thay đổi rồi.
Phúc trố mắt, coi lời ấy như sự sỉ nhục chi đó. Tấn nói ngay:
— Thì vừa rồi đây chứ gì! Những tư tưởng anh đã chép vào sổ tay, ắt anh đã cho là tốt đẹp. Thế mà anh đã bảo tôi vứt vào lò sưởi, và mắng tôi là đồ ngu.
Phúc cười trừ mà rằng:
— À, ấy là vì những tư tưởng ấy không còn hợp nữa đấy chứ.
Tấn hỏi kháy:
— Chứ không phải là vì anh đã thay đổi?
Không đáp thẳng, Phúc cứ tiếp:
— Tôi vẫn nói với anh rằng làm cái thằng tài giai ở đời thì phải để lại chút di tích gì cho đời! Nếu mình có khuynh hướng về văn chương mình phải làm văn. Nếu mình là thợ vẽ, mình phải đạt được ít ra là một bức danh họa. Bất cứ nghề gì miễn sao đã bỏ mình là có một cái tài. Chứ nếu ở đời mà cốt ngày ăn hai bữa, thiết tưởng thằng ăn mày nó cũng ăn ngày hai bữa, còn yến hay cơm nguội thì có khác gì nhau, vì lúc đậy nắp quan thì thằng ăn mày hay thằng trọc phú cũng đến như nhau mà thôi!
Tấn cũng nghĩ đến cái lý tưởng riêng của mình. Theo một lời khuyên hợp lý và một lời hứa có thể hão huyền của Phúc, Tấn đã bỏ phăng cái nghề cạo giấy, xin thôi việc, để đến với Phúc như một người thư ký riêng. Là vì Phúc đã hứa với Tấn rằng nếu Tấn tìm được một cách buôn bán chi có lợi, thì Phúc sẽ hùn thêm vào để hai người buôn chung. Tấn sẽ được đứng chủ tuy số vốn Phúc hùn vào có thể to gấp đôi hay gấp ba của Tấn. Số tiền bốn nghìn trúng số, anh này chỉ tiêu mất có hai, vẫn còn giữ được hai. Tấn thấy thế ít quá, nên không dám bỏ hãng Bảo hiểm như ý đã định, và đó là Phúc đã lôi bạn ra ngoài cái vòng thầy ký khổ. Hôm kia, Tấn muốn bạn bỏ thêm tiền cho mình đứng chủ một gánh hát Nam Kỳ, đi hát dong. Phúc đã lắc đầu, kêu nên tìm một công việc gì đứng đắn, chắc chắn hơn thế, vì sợ Tấn lại chỉ mê một cô đào hát nào đó nên mới định mạo hiểm thế. Tấn đã thất vọng lắm, nhưng biết làm gì bây giờ? Đã đâm lao cố nhiên phải theo lao. Anh biết anh vẫn có thể kiên nhẫn được nữa đấy, nếu giữa hai người không có những điều khó chịu lặt vặt. Điều khó chịu thứ nhất là Tấn bị vợ bạn coi mình bằng thứ mắt nghi hoặc, lắm khi lại lên mặt như bà chủ nữa. Còn những điều khác là ở cái tính thật thà của Phúc, đối với người bạn tâm giao! Rất nhiều khi Phúc hay mắng bạn, hoặc nói sống sượng. Xét kỹ ra, nếu ở đôi bạn cùng nghèo hay cùng giàu thì cái đó chẳng sao đâu, mà trái lại, chỉ tỏ ra sự thân thiết của hai người mà thôi. Nhưng bây giờ hai địa vị đã đảo lộn trái hẳn nhau, mà Phúc thì lại không biết rằng một khi mình đã giàu hơn bạn ắt phải nhịn bạn thì giây liên lạc mới khỏi sự đổ gãy. Phúc lại cứ như thường nghĩa là như ngày xưa. Cho nên nhiều khi Tấn giận, tưởng bạn khinh mình, hợm của.
Như ngày vừa rồi, cũng vậy. Tấn khó chịu lắm. Phúc đã nói cái lý tưởng ở đời, đọc sách, viết văn… Vì Tấn không có cái ham muốn ấy, không có khiếu làm văn, nên tuy Phúc chỉ là thật thà mà bị bạn coi là mình lên mặt, nói xỏ. Tấn đã nghĩ: “Ừ, thì nó viết văn, nhưng ta thì ta làm gì? Nếu không để lại dấu tích cho đời thì là không ra hồn người, vậy thì nó chửi ta không phải là người đó sao?”.
Chẳng nghĩ kỹ, Phúc lại tiếp:
— Thật thế, mang tiếng nam nhi ở đời, thừa bát ăn mà lại không làm được một việc gì thì nhục một cách lạ. Tấn lại nghĩ: “Ừ, ừ, nó lại kiêu ngạo! Không có ta thí cho hai chục bạc, dễ bỗng nó được thế này! Có bạc vạn rồi, không có ta chỉ bảo cho những cung cách phong thể, để nó bỗng chốc nó đã thông thạo thế này! Nó không biết rằng nó quých, rằng xưa nay vốn nó gàn, và chẳng có ta thì, dẫu đã trúng số mười vạn, bất quá nó cũng chỉ bất thành nhân dạng mà thôi?” Rồi nông nổi tấn hỏi:
— Anh đã chắc nếu anh viết sách thì tên tuổi anh sẽ mãi mãi lưu truyền hậu thế?
— Không phải là dám chắc, nhưng cứ cố gắng chứ? Cái gì bất tử là khó lắm, nhưng có khó mới quý.
Tấn cười nhạt:
— Theo ý tôi anh muốn bất tử rất dễ.
— Gì vậy?
— Anh cứ đem mười vạn ấy mà phát chẩn.
— Ủa! Anh này điên hay sao?
— Vì tôi biết tính anh rõ hơn ai. Xưa nay anh có ao ước giàu đâu? Xưa nay anh chỉ khao khát làm việc từ thiện.
Phúc lắc đầu:
— Anh này bây giờ gàn một cách khó chịu.
Tấn cũng chẳng kém:
— Xưa kia chính anh đã gàn, bây giờ té ra tôi lại gàn nữa, không từ thiện nữa, không ngông hão cái mồm nữa.
Tấn nói vậy chỉ là vì cái thích phản đối, nói để mà nói, thế thôi, chứ có ngụ ý gì đâu. Nhưng Phúc thì lại tưởng bạn chửi mình, coi mình giàu mà đểu.
— Ô hay! Anh muốn gì nữa. Tôi đã bỏ ra giúp thiên hạ và họ hàng nhà tôi nghìn rưởi bạc rồi! Tôi giúp họ hàng nhà tôi thì tôi cũng vẫn từ thiện chứ sao?
— Nghìn rưởi, đã mấy tí!
Đến đây Phúc cáu cực điểm, cả lòng tự ái lẫn lòng tri kỷ của anh đều đã bị thương. Đáng lẽ anh chỉ mắng: “Câm đi đồ ngu!” Anh mới sướng mồm. Nhưng vì thấy sự thế nghiêm trọng quá anh phải cố cắt nghĩa:
— Lạ thật! Đến anh mà cũng lại công kích tôi như người ta thì thôi thôi!
Tấn nói chữa:
— Không, tôi chẳng công kích anh đâu. Ấy là nói đùa đấy.
— Sao lại đùa? Trong cái đùa, ít ra cũng phải có một phần trăm tính chất cái thật, chứ không thì ai lại đùa? Vậy thì tôi thử nói anh nghe nhé! Thí dụ tôi trông thấy một vạn người bị nạn lụt, bị nhà cháy v.v… Lôi họ khỏi cảnh cơ hàn bằng cách nào? Cho mỗi người một hào ư? Thì họ ăn được hai bữa, rồi họ cũng chết đói. Cho họ một đồng? Thì họ được, hai chục bữa, ấy là thí dụ mình dám cho phăng đi một vạn đồng. Hỏi rằng kết quả có đáng số tiền bỏ ra không? Làm sao cho xuể được? Một vạn người tiêu mất một vạn đồng, chẳng ai làm nổi điều gì có ích chung, chi bằng tôi để riêng cho tôi, để tôi làm cho tôi một sự nghiệp riêng! Chẳng thà để vạn bạc ấy buôn bán, sinh lời, mở mang kỹ nghệ, nuôi thợ thuyền cũng là có ích lắm, mà lại hơn phát chẩn, nếu một vạn ấy sẽ để lãi thành mười vạn nữa, lúc ấy ta sẽ phát chẩn cho một vạn đi cũng chưa muộn kia mà! Ừ, bây giờ thì tôi có mười vạn đấy, nhưng tôi không làm phúc vội! Tôi chờ khi nào mười vạn của tôi thành ra trăm vạn tôi sẽ làm phúc nhiều hơn! Sợ muộn ư! Bao giờ lại thiếu số người để ta phát chẩn cho mà sợ.
Nghĩ cũng chẳng nên làm mất lòng ông bạn giàu, Tấn gật đầu lia lịa:
— Phải lắm! Nếu thế thì anh nói phải lắm!
Phúc còn gặng hỏi!
— Anh đã tin chưa? Anh đã thấu triệt chưa?
— Biết rồi! Biết rồi!
Hồi lâu, Tấn thêm:
— Vả lại, nói cho cùng thì nào ai công kích anh đâu? Trái lại các báo hoan nghênh anh cũng đã dữ lắm đấy chứ!
Phúc thú nhận:
— Tuy vậy, lúc nào tôi cũng cứ lo họ chửi tôi. Thật thế, tôi xin cam đoan với anh rằng mười đêm nay, tôi không được ngủ ngon như hồi lúc còn kiết xác.
Tấn bấm đốt tay rồi đáp:
— Ừ, Mà anh cũng giàu mới được đúng mười ngày.
— Thế mà đã phải chịu cái khó nghĩ ngợi như trong mười năm!
Câu nói ấy là câu rất thành thực của Phúc vì chưng anh chưa có cái thói quen của các nhà tư bản để mà giậu điếc sang đui, nghĩa là để mà bưng tai không nghe thấy và bịt mắt đi cho khỏi trông thấy những lời, những cảnh có thể kích thích lương tâm của mình. Tấn nhìn lại thì thấy bạn trông tuy có vẻ đẫy đà, cái mặt trông tuy có vẻ phì nộn, song quả nhiên cái trán có mấy nét nhăn rõ rệt nó làm cho thần thái có vẻ già hẳn đi, mặc dù cũng có oai vệ và đẹp đẽ thêm ra. Tấn lại cười thầm: “Gớm cho cái khí phách con người! Ấy là mới mất chưa đến hai nghìn bạc mà đã đau xót thế!” Tự nhiên Tấn thấy cái cần phải nhắc lại để khoe nữa một cách khôn khéo:
— Chết chửa! Thì ra tôi trúng số có bốn nghìn mà số tiền tôi bỏ ra làm Phúc cũng tới ngót bốn trăm.
Tấn tưởng sẽ được phục, chẳng ngờ Phúc nói ngay:
— Thế là anh dại chứ!
Đến đây, hai người im một lúc lâu, không ai nói gì nữa, Tấn lại chăm chú ngắm nghía bạn để ngạc nhiên rằng mới trong có mười ngày, mà những cử chỉ của “thằng ngọng bắt được cái đinh” khi xưa, nay cũng chẳng còn ngượng ngịu trong thứ y phục trưởng giả tột bực, trong cái cảnh trí tráng lệ nguy nga. Còn về ngôn ngữ thì chẳng phải… ngôn, vì Phúc vẫn đã có những giọng nói kẻ cả khinh đời ngay từ khi hãy còn kiết xác. Tấn phải tin rằng con người ta ở đời ai cũng có một số phận. Và số Phúc là số hưởng thụ, chứ chẳng nên bảo là chó ngáp phải ruồi đâu. Vì nếu không sao phẫu thuật lại khôn ngoan như thế? Phúc chẳng tỏ ra bối rối trong cảnh phú quý chút nào! Mới giàu được có mươi ngày, Phúc đã xử sự như kẻ giàu từ trong trứng giàu ra. Tấn chỉ còn chưa phục số phận về chỗ này, nghĩa là, sau Phúc chẳng có hề tha thiết đến đồng tiền bao giờ, mà sao lại được hưởng như vậy.
Sau khi nghĩ thế, Tấn phải tự hỏi: Hay cái câu “Thánh nhân hay đãi khù khờ” chẳng chỉ là một câu phương ngôn thôi, nhưng còn là một công lệ? Hay cái lẽ bí hiểm của tạo hóa nó là thế này: Đối với kẻ vốn thờ ơ đồng tiền thì cho có tiền, còn đối với những hạng chỉ có nghĩ đến đồng tiền, cả một cuộc đời lăn lóc vì tiền, có thể hy sinh danh dự, bố mẹ, vì tiền, thì lại bắt càng xoay lắm chỉ càng sảy vảy, hành hạ cho điêu đứng, cho ê chề, cho nhục nhằn. Anh chàng này đem so số tiền “giời ơi” mình được hưởng với số tiền của bạn, rồi mới nghiệm ra rằng xưa kia bạn khinh bỉ đồng tiền hơn mình nhiều lắm. Sau cùng, Tấn chịu hàng phục số mệnh đến bậc, quả nhiên thấy Phúc xứng đáng lắm, rất có thể làm chủ mình lắm, và chẳng những chỉ đáng làm chủ một mình mà thôi.
Ấy thế là cái anh bạn giàu của Phúc xưa kia mà bây giờ chỉ còn là người bạn nghèo, thì trước sau vẫn trung thành như nhất, trung thành ở cả tư tưởng! Cho hay nước chảy cũng là thói đời, nên chỉ những sự ghen ghét, những tư tưởng phản phúc của loài người, tuy là dễ phát sinh như trộm cướp vào hồi tao loạn, vậy mà ở trường hợp này trong đầu óc Tấn, chỉ là một vài ý nghĩa thoáng qua, như gió nồm và lúc trưa hè, như cái bong bóng xà phòng trước gió, để tỏ rằng số Phúc tốt cung nô bộc, còn tha hồ vượng của và Thần Tài lúc nào cũng như là mới bắt đầu khởi sắc mà thôi. Cho nên Tấn nhắc:
— À, chiều hôm nay, trạng Sư Thảo mời anh ăn cơm.
Phúc giật mình:
— Ấy chết, tí nữa quên! Thế có phiền không!
— Sao?
— Cả một đêm hôm qua tôi, dự định đêm nay thì đi đằng ngài. Thế này thì ra mọi sự lại lộn phèo cả! Phiền thật!
— Nhưng vào địa vị tôi, thì tôi chỉ cần được phiền như thế! Anh vẫn chả thường khoe: mỗi bữa cơm với trạng sư Thảo là anh được lợi nghìn bạc là gì?
— Thì cố nhiên! Nhưng mà… rồi thì cái gì mà người ta không chán, dẫu là cái lợi!
Hồi lâu! Phúc lại tiếp:
— Nếu mình được lợi, ắt người ta cũng được lợi bằng mình, nếu không lợi hơn. Duy có cái này thì thật thần tình, nghĩa là phàm cái nhà nào mà trạng sư Thảo mách mình, thì y như là giá rẻ, vì chủ nhân toàn là những anh cáo cùng cả! Chỉ có điều này là đáng sợ: nghĩa là cứ đi ăn cơm với ông ấy mãi, thì bao nhiêu tiền mình cũng sẽ tậu nhà hết, không làm được việc gì khác nữa.
— Vậy từ bấy giờ đến nay, anh đã tậu mấy cái nhà, tất cả đáng bao nhiêu tiền.
— Đây, anh thử cộng qua hộ tôi xem.
Phúc đưa ra một quyển sổ tay nhỏ, Tấn ngồi xuống bàn, lấy bút chì đỏ, chép ra giấy tính toán rồi nói.
— Ba vạn, bẩy nghìn, chín trăm mười lăm, ấy là chỗ tiền tiêu bằng ngân phiếu.
— Anh không cộng nhầm đấy chứ?
— Không thể nào nhầm đấy chứ?
— Không thể nào nhầm được.
Phúc gật gù mà rằng:
— Ừ, có lẽ đúng đấy. Tôi tính nhẩm vẫn biết rằng đã tiêu ngót bốn vạn trong mười hôm nay thôi.
Rồi Phúc xo vai nhăn nhó tiếp:
— Mà mới tậu được có năm tòa nhà! Thế có chết không? Trước kia tôi tưởng trúng số mười vạn, ít ra phải có lấy hai chục nóc nhà là ít. Vậy mà bây giờ mới có năm nóc nhà, mà đã hết bốn vạn rồi. Thế có chết không! Còn có sáu vạn bạc, thì làm được trò khỉ gì nữa! Rõ nguy quá!
Tấn cũng ngạc nhiên hỏi:
— Lạ nhỉ! Năm cái nhà sao đã hết bốn vạn?
Phúc gần phát cáu:
— Nguyên cái mình ở này đã một vạn rồi nhé? Thế lại bốn cái liền nhau ở hàng Đào mỗi cái năm nghìn là đi ba vạn nhé? Thế cái ô tô năm nghìn nữa, có phải là ba vạn rưỡi không? Còn năm nghìn thì làm phúc mất ngót hai nghìn, ba nghìn tiêu vặt…
Tẩn chỉ còn biết đáp:
— Ừ nhỉ!
Phúc lại cau có, khổ sở:
— Ấy là chưa đâu vào đấy. Ấy là còn bao nhiêu thứ phải mua, phải sắm đấy! Mười vạn, khốn nạn, có gì đâu mà ai cũng bảo đã là nhiều!
Phúc xoa bàn tay ra, phân bua:
— Có phải thế không?
Nhưng Tấn vội vã cả cười mà rằng:
— “Nhân đục vô nhai”[46] các cụ nói chẳng sai tí nào!
Phúc lườm Tấn một cái không thèm nói gì cả.
Hai người xuống thang, vào phòng tiếp khách. Phúc đi đi lại lại, ngắm nghía những bức danh họa Tầu, bầy lại một cái lọ, sửa lại một nhành hoa, lấy ngón tay phủi một ít bụi trên gỗ, trên kính… với một thứ say đắm nồng nàn như ta hôn hít mân mê áng đào kiểm[47] của nhân ngãi, chẳng bao giờ lại chán. Nếu anh có thời giờ, hẳn anh còn đi lau đồ đạc cả một lượt chứ cũng chẳng để phần cho gia nhân. Anh ngồi vào ghế ở góc này, ngắm nghía xong lại ra ngồi ghế ở một góc khác, cố hưởng tất cả cái tráng lệ, hào nhoáng ấy. Chợt vợ anh ở phòng bên cạnh sang.
— Thế nào cậu? Mười giờ rồi.
— Cái gì thế?
— Ô kìa! Tối hôm qua cậu đã hứa với em là bây giờ thì đưa cho em, để em mua…
— Nào đã có tiền đâu!
— Thì cậu ký “sách”[48] cho em ra băng lấy chứ sao!
Phúc đứng lên vùng vằng:
— Gớm nữa, vợ con thế này thì rồi vỡ nợ, thật thế.
Nhưng vợ anh cố phân trần cho gãy nghĩa:
— Khổ lắm, em nói mãi cậu cứ không nghe ra! Em bảo cái nhẫn kim cương ấy mà có tám trăm thôi, là rẻ không biết đến đâu mà kể. Cả bà luật sư Thảo, cả bà Đốc Hải cũng đồng ý với em. Không mua ngay, lỡ họ bán mất! Cậu tiếc em hay sao? Thế thì còn trời đất nào nữa! Cậu phát tài hàng mười vạn, cậu lại không làm quà nổi em một cái nhẫn tám trăm hay sao? Nhất là sắp đến ngày kỷ niệm ngày cưới chúng ta rồi!
Vì xưa nay Tấn chẳng còn lạ gì những chuyện nhà của Phúc nữa, nên lúc ấy, Phúc cũng chẳng ngại nói trước mặt bạn:
— Kỷ niệm thì làm quái gì! Tôi còn nhớ rằng cũng vào dịp kỷ niệm này năm ngoái, thì mợ tuyên bố với gia đình nhà mợ rằng: rất phải hối hận vì lấy tôi!
Lời ấy khiến cho người đàn bà lặng người đi, giận chồng không biết để đâu cho hết. Và nói:
— Thế thì cậu bỏ phăng ngay tôi đi, tôi xem?
Phúc cười nhạt:
— Sự thực thì xưa nay chỉ có mợ hay bỏ tôi, quả nhiên tôi chẳng có đả động đến chuyện ấy bao giờ!
— Thôi chẳng qua chỉ bởi cậu hết, chứ đã là vợ một người như cậu mà không có nổi cái nhẫn kim cương thì cũng nhục!
Phúc cũng nửa nạc nửa mỡ:
— Còn tôi, tôi cũng xin nói cho mợ biết rằng làm chồng một người như mợ mà lại không biết lừa vợ, mà lại không có vài cô nhân tình, thì cũng nhục.
Sốt ruột, Tấn khuyên bạn.
— Một sự đã không từ chối được thì thà ưng thuận phắt ngay đi, có hơn không!
Muốn nâng cao giá trị của người bạn nghèo, Phúc nói:
— Ấy là vì có lời nói hộ của bác nên tôi nể đấy!
Rồi anh ký ngân phiếu xé đưa một tờ cho vợ. Người đàn bà reo lên như trẻ con, có lẽ là để chữa thẹn:
— Có thế mới được! Đấy tôi đã muốn gì thì chồng tôi ắt phải chiều tôi!
Nhìn theo vợ, Phúc so vai thở dài. Anh thấy người đàn bà ấy rõ mới vô duyên làm sao! Lúc nào anh cũng không quên rằng đối với vợ, xưa nay anh chẳng biết cái gì là ái tình, dẫu là cái thứ ái tình chán ngắt của những cặp vợ chồng. Vả lại… biết sao được! Vợ anh chẳng hề cho anh biết cái gì là cái đầm ấm của Tào Khang, mà chỉ cho anh được biết cái gì là sự khinh bỉ, là sự chán chường, là sự cay đắng, là lòng phẫn uất.
Phúc nhớ đến Bích tiểu thư. Người ấy lấy anh mới xứng đôi, và nếu vậy, thì thử hỏi: cuộc đời anh ngày hôm nay nó tốt đẹp ra làm sao! Nhưng than ôi, anh còn nhắc tới chuyện ấy mà làm gì! Phúc thở dài, đành phải nghĩ đến Bích - cô đào rượu. Anh đã toan bĩu mồm nhưng tự nhủ: “Cũng còn hơn là không”. Vả lại, xưa nay khi anh quay lại xóm ca trường, tất cả bọn chị em cố nhiên, đối với anh đã có thái độ khác trước. Anh đã là một ông vua; nếu một ông vua cũng chỉ được cung tần mỹ nữ độ như thế ấy mà thôi. Vốn khinh người rất mực, cái gì cũng coi thường, cũng không ngạc nhiên nữa, Phúc không hề để ý đến cách vồ vập của Bích, hôm nay nó khác với sự hợm hĩnh của Bích ngày hôm nọ. Người sung sướng vốn dễ tha thứ, cho nên Phúc không nhớ đến hận cũ, cứ tọa hưởng kỳ thành, và ngay đêm ấy, trong khi nằm bên khay đèn bàn tính với Tấn về tương lai. Phúc không quên nghĩ đến sự để giấu Bích ở một nơi rồi thỉnh thoảng anh đến hú hí chơi, vô đạo đức một chuyến cho nó sướng cái thân.
Sự dự định ấy, anh đã gần quên hẳn, vì bận rộn tậu nhà, tậu xe hơi và những việc lôi thôi khác của một người bỗng chốc mà giàu. Nhưng hôm nay, thình lình ý kiến kia trở lại với sức hồi ức của trí nhớ. Bây giờ, anh đã đúc nhà vàng, chỉ còn thiếu người đáng ở cái nhà ấy thôi. Và đó chính là vợ anh làm cho anh có cái tư tưởng ăn chơi
Chính là vì cớ ấy mà Tấn bỗng đâu thấy Phúc nói tử tế với mình như thế này:
— Anh Tấn, thế anh đã nghĩ đến hạnh phúc riêng của ta chưa?
Tấn giật mình đáp bằng một câu hỏi:
— Anh muốn nói gì vậy?
Phúc lại còn làm ra mình là người văn chương mà rằng:
— Khi anh đã đúc nổi một cái nhà như thế này thì anh còn thiếu cái gì?
Chẳng hiểu hôm nay vì sao mà Tấn bị họa lai thần ám. Xưa nay anh ta vốn rất hoạt bát, có duyên, chứ nào có phải hạng dù dò, ngôn bất xuất khẩu cho cam! Ấy thế mà bây giờ, chẳng khác gì hoàn toàn mất trí khôn, Tấn đáp lại bạn một cách vô nghĩa ý.
— Ừ, thiết tưởng anh phải mời cụ ông cụ bà đến đây ở mới phải chứ, chứ riêng hai vợ chồng anh thế này, ở rộng quá, bỏ phí quá.
Phúc đành bỏ cái hứng để phân trần:
— Tôi mời mãi, ông bà tôi không đến đấy chứ! Anh có hiểu tại sao không? Chỉ vì ông bà tôi sợ ở cái nhà to thế này, thì họ hàng ra vay mượn, ỷ eo điều nọ tiếng kia, nếu không cho vay. Vả lại, ông bà tôi, ngoài ý ấy ra, lại còn muốn phân bua với thiên hạ rằng dẫu sao thì vẫn không nhờ tôi, ấy thế.
Tấn lại khuyên bạn:
— Dẫu cụ trái thế nào anh cũng phải cố khuyên cụ, chứ không thể vì thế mà anh thôi. Thiên hạ rồi người ta nói.
Phúc đã đến lúc bực mình:
— Miễn mình đối với bố mẹ không có điều gì trái lương tâm, thế là đủ rồi. Còn bố mẹ tôi đến ở nhà này hay không, cái ấy là cái bề ngoài thôi. Và tôi xin nói thẳng anh biết rằng anh là đồ ngu, ấy thế.
Tấn trợn mắt:
— Tôi, là đồ ngu?
— Bẩm vâng!
—?…
— Vì rằng khi tôi nói đến “đúc nhà vàng” thì không phải là để mời anh đả động đến cha mẹ chúng ta, mặc lòng anh sắp có thể đổ bừa cho Đức Khổng Tử đã nói thế này, đã dạy rằng thế nọ….
Đã hiểu ra, Tấn cả cười mà rằng:
— À, nếu vậy thì tôi có thể viện rằng Đức Khổng Tử hình như quả thật đã có nói: “Ta chưa hề thấy kẻ nào mà lại có hiếu với cha mẹ cũng như hiếu sắc”.
— Đó mới là chân lý, mà lại một chân lý mà ta chẳng có nên làm gì để cho nó thành ta sai lầm.
— Bẩm vâng, thưa ngô huynh, thế thì ngu đệ quả thật là đồ ngu hẳn hoi! Vì khi ngô huynh nói đến nhà vàng, và hạnh phúc của riêng chúng ta, thì đệ phải nhớ ngay đến Loan và Bích.
— Được lắm, thế thì ngu đệ không còn ngu nữa.
— Nhưng xin phép ngô huynh cho đệ được cãi: Không có lý cả hai nàng sẽ đến ngự được cái nhà vàng này!
— Khi ta nói đến cái nhà vàng này, tức là để cho ta phải nghĩ đến một cái “boát”[49] khác.
Tấn nghiêm sắc mặt để tự hỏi: “Người ta có thể thay đổi bụng dạ nhanh chóng đến thế này hay sao? trước kia ta vẫn cho rằng bạn ta chính là một vị chân hiền, cái đạo đức là đáng làm gương mẫu cho tuổi trẻ. Bây giờ ta đã rõ sự đời hay chưa? Thôi phải rồi, thì ra xưa nay những nhà đạo đức toàn là bất đắc dĩ cả, không có tiền nên chẳng hư thân mất nết được thôi. Vậy thì ta nên vỗ tay hoan nghênh sự suy vong về tinh thần này nó cho ta được dịp lợi dụng, hay là chỉ nên ô hô khóc cái mất luân lý của một người bạn hiền mà ta đã định bụng noi gương đấy?”
Rồi Tấn hỏi!
— Thế anh định thế nào?
Không đỏ mặt một tí teo nào cả. Phúc đáp:
— Phải chuộc hai ả ra, vớt hai ả ra khỏi “bể trầm luân” ngõ hầu hai ta đỡ khỏi bị cái nạn đêm nào cũng có thể bị mọc sừng! Tổ chức một cái garconnière[50] để thỉnh thoảng chúng ta đến với hai ả cho xứng đáng cái mặt nam nhi! Nếu có thể tậu ngay được thì âu hãy tạm thuê. Khi người ta trúng số như chúng ta thì không phải là để cứ sống cái đời đạo đức đáng chửi hoặc chỉ làm những công cuộc từ thiện vô vị. Vậy thì tôi cho anh toàn quyền trong việc này. Anh cố trổ tài hùng biện như thế nào cho Tú Bà đừng có quen thói thấy bở thì đào, thấy mềm thì đục.
Văn chương nào mà lại có thể tả được cái sướng của Tấn trong lúc ấy? Đối với anh, bây giờ Phúc mới thật là người bạn tâm giao. Trước kia, Phúc mới chỉ là tri kỷ lắm rồi, ấy là lầm vậy. Trước kia, phúc mới chỉ là người bạn đáng phục mà thôi, nghĩa là một người bạn chưa hẳn giống mình, có thể, trọng mà không yêu, vì không thấy có tính xấu nào giống với mình cả. Bây giờ, đã có thể khinh bạn cũng đồng bệnh với mình, Tấn thấy có thể yêu được Phúc hơn xưa. Hơn nhiều! Cho hay cổ nhân đã nói không sai: Kẻ nào muốn được ta yêu rõ nhiều, kẻ ấy phải có thể để cho ta khinh bỉ được một chút.
Phúc lại hỏi một cách đứng đắn:
— Thế nào, anh vui lòng nhận cái trách nhiệm lớn lao này chứ?
Tấn ôm bụng cười ngặt nghẽo và đáp:
— Thưa ông, dễ thường tôi chê! Tôi rất đau lòng phải làm những việc khổ tâm ấy.
Hai người lại cả cười, có lẽ bình sinh cả hai đều chưa được sống những phút thần tiên ấy. Tấn giơ tay ra, nghiêm trang:
— Nào, tao xin bắt tay mày cái nào! Kể từ bây giờ trở đi, mày mới thật là bạn tri kỷ của tao. Bằng cái bắt tay này, tao lại xin thề sẽ trung thành với mày cho đến lúc lên thiên đường, mặc lòng sau này mày có thể hợm của mày sẽ đãi tao là thư ký riêng.
Bắt tay bạn rồi, Phúc ngẩn người ra.
— Lạ nhỉ! Có bao giờ ra ý đãi mày là người làm công đâu! Thế thì ra ít lâu nay mà vẫn hiểu nhầm cả.
Tấn xua tay vung lên:
— Không hề gì! Dẫu mai sau tao bị đãi là kẻ làm công, thì cũng chẳng sao! Cái lòng quý hóa đối với nhau, một khi nó đã tỏ ra, thì người ta cứ phải nhớ nó mãi.
Bỗng dưng trí luận lý của Tấn hóa ra sáng suốt một cách phi thường, để anh bồi bổ cho cái thuyết của anh:
— Đây này, tao phải nói kỹ thế này mới gãy nghĩa. Cái tình bạn bè của con người ta ở đời hay bị đoạn tuyệt chẳng qua chỉ bởi “không biết điều” của một bên. Thí dụ anh A chơi rất thân với anh B, anh A giàu mà anh B nghèo. Trong sự giao tình, anh B cứ hưởng mọi sự giúp đỡ, săn sóc, hưởng thụ của anh A thôi. Vì lẽ anh A không hề ghĩ đến cái nhỏ nhặt ăn miếng trả miếng, nên trước thì anh B lấy làm hân hạnh được hưởng sự tử tế của bạn, mà sau thì nghiễm nhiên coi mình là có quyền, là bạn có bổn phận phụng dưỡng mình, không có không được! Thế rồi thì… một ngày ấy thế là B chỉ còn nghĩ đến lòng tự ái và nhầm về cái quyền được hưởng của bạn ở mình. Ấy là có thể xa nhau. Trò đời nhan nhản những sự ấy nên nói mới có nhiều người than phiền là xử với bạn hữu tốt mà chỉ toàn gặp những quân đểu.
— Thế rồi sao nữa hở cậu?
— Ấy mày hãy im, vì tao cũng đã sắp kết luận! Trong cái sự ấy cố nhiên B có lỗi với bạn rồi. Nhưng là chính A cũng chịu một phần trách nhiệm. Vì sao? Vì chưng cái gì nhiều quá cũng là dở, cho dẫu là sự tử tế. A quá tốt, làm cho B quen tính đi, làm cho cái tốt của mình thành lệ đi. Được hưởng mãi cái tốt đến nỗi dám tưởng là mình có cái quyền hưởng sự tử tế, thì đến lúc không được hưởng nữa, B đâm oán hận chứ chẳng còn bình tâm coi là sự thất bại thường mà thôi. Mà A xưa kia càng tốt bao nhiêu, thì A bây giờ càng căm hờn bạn bấy nhiêu, và sự ấy cũng cố nhiên và dễ hiểu lắm. Cho nên kẻ nào muốn che đậy lòng ích kỷ để khỏi làm việc gì chịu thiệt thòi chỉ nói: “Như vậy, chỉ xử thành lệ…”
Phúc lại gắt:
— Sốt ruột lắm. Thế sao nữa hở đấng Thượng Đế?
Tấn còn cố thuyết;
— Nhưng mà tôi đây, thì tôi sẽ không khi nào là anh B kia. Được hậu đãi mãi, tôi chẳng dám cho tôi có quyền. Đến lúc không được hậu đãi nữa tôi cũng không dám oán hận bạn vô lý. Mà nếu bạn chẳng những thôi hậu đãi mà còn có điều gì hiển nhiên là tồi tệ với mình đi nữa thì tôi cũng không giận bạn chút nào? Vì lẽ gì? Vì tôi cần phải nhớ đến sự tử tế mà bạn đã cho tôi hưởng từ ngày xửa ngày xưa! Cần phải đem lên cái cân mà đo lường, nếu bên tốt của bạn là nặng thì dẫu cái tồi của bạn là dĩ nhiên, mình cũng vẫn phải nhớ ơn chứ không được oán thán. Nếu không thì ra vô ơn, chỉ kể cái tội mình chịu bây giờ chứ không nhớ cái phúc mình hưởng thuở trước hay sao? Ấy đấy, khi tôi đã biết nói như thế với anh, thì tôi đã tỏ tôi là “người biết điều” rồi, và anh bao giờ còn phải lo rằng bạn hữu anh không được thủy chung như nhất!
Phúc mỉm cười, hỏi Tấn một cách tinh quái:
— Sao bỗng dưng ông lại cao đàm hùng biện đến thế đó ông? Xưa nay chỉ thấy ông ăn càn nói dở là giỏi thôi, vậy mà hôm nay, sao những điều nghĩa lý hẳn hoi mà ông cũng nói được lơm lẹm?
Tấn cũng cười khẽ đáp:
—Đó là nhờ cái tình! Thật thế, anh không biết cái nỗi băn khoăn của tôi trong hai tháng nay, Loan đã có chửa với tôi, mà tôi không dám rước về nhà, cũng chẳng dám giấu một nơi, mặc lòng tôi trúng số bốn ngàn, được bố mẹ yêu quý hơn con cầu tự. Giữa lúc bứt dứt, may sao được lời vàng ngọc của anh, giải quyết cho. Chứ không thì còn rũ người ra, cầm như thác, chứ lại còn nói năng gì nữa!
Phúc lại giơ tay ra:
— Thế thì lại xin bắt tay cái nữa nào!
— Bỉ nhân rất hoan nghênh! Và xin tiên sinh cứ việc nhớ rằng thế cũng là những công cuộc rất từ thiện đó.
Phúc bấm chuông, bồi chạy lên, anh sai rót rượu. Rồi cả hai cùng nâng cốc Tấn nói:
— Ta mừng cho hai mạng người được vớt khỏi bể khổ.
— Không, ta hãy mừng cho cái tình bạn hữu của ta, và chúc nó sẽ bất vong, bất diệt. Chúng ta xin thề sướng khổ có nhau, sống chết có nhau!
— Là thật chứ nhỉ? Sao cả hai chúng ta lại cùng trúng số cả?
— Bạn hữu với nhau, cũng bởi duyên số như vợ chồng.
— Có lẽ thật thế.
— Điều ấy thì cũng đúng lắm, không phải còn gì nữa. Nhỏ nhặt đến cái sự ăn uống cũng còn bởi tiền định nữa là.
Đôi bạn cứ khật khà khật khưỡng rót lại cạn, cạn lại rót nữa, nếu không thấy bên ngoài, còi ô tô vang lên.
Uống hết hớp rượu, Tấn đứng lên:
— Thôi, đi ngay nhé?
— Ăn đã chứ. Đến giờ rồi còn gì?
— Thôi, sướng quá, không thấy đói, để bữa khác.
— Làm gì mà vội? Hãy ăn đã, bữa nay có hai món đặc biệt là gà gô và thịt hươu. Vả lại tôi xin nói thật anh đừng nên ra vẻ tránh mặt vợ tôi như thế. Anh cứ tự nhiên cho tôi! Anh là bạn thân của tôi, nếu tôi để vợ tôi ra ý nghẻ lạnh bạn thì mặt tôi ra chó gì?
Tấn đành lại ngồi xuống. Vợ Phúc cứ để xe hơi ngoài đường chạy vào nhà sầm sầm như Tây đoan đi khám rượu lậu, nói nhanh như cãi nhau:
— Nào, không biết sắp được ăn chưa đây! Ăn xong tôi lại phải đi ngay, bà đốc Quỳnh, hẹn biếu tôi một con chó Nhật Bản, phải đến tức khắc! Bồi!
Trước sự kinh ngạc của hai người, bà ta bắt bồi đóng hết các cửa sổ. Bà bật một ngọn đèn ở góc phòng bên này để sang ngồi vào một đi văng ở góc phòng bên kia. Rồi bà hỏi một cách bí mật:
— Đã trông thấy gì chưa? Hai ông?
Không kịp để ý Phúc đáp:
— Đã, đã trông thấy một người đàn bà đương hóa rồ!
Nhanh trí Tấn cấu tay bạn rồi khen to:
— Cái nhẫn! Gớm, đẹp quá, bao nhiêu là hào quang!
Bấy giờ đã nhìn thấy rồi, Phúc cũng khen:
— Ừ, cái mặt nhẫn cũng có lẽ quý thật đấy.
Bà ta bĩu môi:
— Có lẽ! Đây này, đứa nào không bảo hạt kim cương này đáng giá nghìn bạc, thì nó là đồ mù!
Phúc cười nhạt:
— Suýt nữa thì tôi mù!
— Ấy chết, tôi trót lỡ lời, thôi xin lỗi ông!
Anh bồi tán một cách ngu ngốc:
— Bẩm, đẹp quá! Con thấy xanh, đỏ, trắng, tím vàng, đủ cả ngũ sắc. Bẩm cứ đeo một chiếc nhẫn ấy thôi, thì bà ngồi chỗ tối đến thế nào, thiên hạ cũng phải trông thấy.
Phúc giao hẹn ngay với vợ:
— Ấy đấy, nhớ nhé! Vậy thì từ nay, cứ chỗ nào tối nhất thì đến mà ngồi!
Đồng hồ đủng đỉnh báo 12 tiếng.
Ba người sang phòng ăn. Bồi thay đĩa, dao, còn Bếp, không có việc gì, cũng khoanh tay đứng đấy để nghe bà chủ dạy bảo, mắng mỏ.
Người đàn bà vô học này đã ăn ở như là bất cứ ai, nếu đã vô học thì cũng phải ăn ở như thế. Nào hạch món này quá mặn, món kia quá nhạt, món này nguội quá, món kia nóng quá cái này chưa đủ ngọt, thức kia chưa đủ chua v.v… Thật là một bậc giàu mới học làm sang. Nhưng trò đời thế, cái lúc trong nhà đã khá thì khá từ con mèo, con chó khá đi. Cho nên người bếp cứ giơ bộ mặt thản nhiên chịu mắng, chỉ dậm dạ thôi chứ không cãi, mặc lòng bà chủ thật tình thì chưa biết gì, vì ăn cơm Tây cũng chưa thạo cầm phuốc sết, cũng chưa biết con dao. Vả những lời mắng mỏ ấy làm cho hai người đàn ông không nói được chuyện.
Phúc vẫn cười thầm vợ. Anh không ngăn. Cho rằng đàn bà thì chỉ còn cách được ra oai với đầy tớ nữa là sướng thôi, nên anh không muốn tát cạn mất cái nguồn hạnh phúc của vợ. Thêm một lẽ nữa khiến anh cứ khoảnh độc như thế, ấy là nếu khuyên bảo thì sợ vợ anh không có ai để gây sự nữa, sẽ gây sự với anh, xin tiền anh, bắt mua cái nọ, đòi sắm cái kia, thì chí nguy! Bàng quan, Phúc chỉ bưng tai giả điếc, và lại còn quan sát những ngôn ngữ ngông rỡm, những cử chỉ đài các nửa mùa ấy để răn mình đừng bao giờ giống thế.
Sau bữa cơm, vợ Phúc lại ra ngự xe hơi đi ngay. Tấn cũng vội vàng xin tạm biệt để đi công cán. Còn về Phúc thì hai cốc rượu vang làm cho anh choáng váng, chẳng còn biết trời đất là gì. Anh sang phòng khách tạm ngả lưng trên ghế dài, cầm lấy tờ báo buổi trưa. Không thấy báo nói chuyện gì đến mình, anh cho là không có chuyện gì đáng đọc nữa, vứt đấy và chợp ngủ lúc nào không biết. Người bồi đã mang một cái chăn chiên mỏng phủ lên bụng anh, đã khép cửa, sau khi bảo cho các gia nhân khác biết, là chủ đã ngủ thì bất cứ ai cũng không cho vào.
Đến khi Phúc chợt thức giấc, mặt trời đã xế chiều đã chiếu thứ ánh nắng xiên khoai. Anh thấy ngoài hiên bồi của anh gắt như thế nào:
— Bẩm không được ạ! Đến ông là vua thì con cũng không dám đánh thức ông con được!
Lại thấy người kia nằn nì:
— Ông ấy ngủ thế là lâu rồi, anh cứ việc đánh thức đi, nếu hề gì thì đã có tôi.
Lắng nghe kỹ, Phúc nhận ra đó là người anh ruột tức là ông phán. Anh ngạc nhiên tự hỏi: “Vào dịp nào mà thằng cha lại đảo về được như thế này?” Anh đã toan mặc kệ, lại nhắm mắt ngủ thêm giấc nữa, bắt con người khả ố ấy phải chờ lâu nữa cho bõ ghét. Nhưng rồi anh lại thấy đó chưa phải là cách hành hạ và trả thù, muốn cho ân oán rạch ròi, anh cần phải tiếp ngay mới xong. Thế là anh bấm chuông bảo bồi cho vào, sau khi mở toang cả các cửa.
Được vào, ông phán rất mừng rỡ, tuy thấy em ông vẫn cứ nằm dài trên đi văng. Ông giơ tay ra hấp tấp nói:
— Chú! Rõ quý hoá quá, tôi phải đợi mãi.
Không bắt tay anh, Phúc vẫn cứ nằm, chỉ hất hàm bảo:
— Anh ngồi ghế đây.
Ông phán không thấy ngượng chỗ thằng em không chịu bắt tay mình. Làm gì có đủ thì giờ! Ông chỉ kịp nhìn quanh một lượt cả cái cảnh trí oai hùng và tráng lệ nó bao bọc chung quanh. Ông lóng cóng vén đuôi cái áo đoạn thâm, sợ hãi ngồi xuống cái ghế lùn, lấm lét nhìn người em rồi khen nhấc cái khăn lược lên bên trên cái trán ngắn ngủn, có lẽ vì đã thấy nhức đầu quá. Rồi ông khen bằng thứ giọng nịnh hót nhà nghề của một viên chức đối với người bề trên:
— Đẹp thật! Chú nhanh thật!
Phúc cau mày hỏi.
— À, chú nhanh chứ sao! Mới có mười ngày mà chú tổ chức nơi ăn chốn nằm rõ ra vẻ đế vương. Tôi đã đi dạo khắp cả một lượt, thấy ngăn nắp và có bề thế lắm. Cái phòng khách này… để rồi tôi xin biếu cái lọ Giang Tây của tôi.
— Thôi đi! Xin ông! Ông đừng chở củi về rừng!
Ông phán xoa tay, rất hàng phục, rất nhũn nhặn:
— Nào có gì! Gọi là có chút quà mọn lòng thành biếu chú. Vả lại cái lọ quý quá để bên tôi không xứng.
Lúc trước đấy, Phúc ngong ngóng đợi ngôn ngữ và thái độ của ông anh ruột vốn khinh bỉ mình, như trẻ con hí hửng đợi xem xiếc. Bây giờ, anh không còn dịp cười thầm, vì anh chẳng thấy gì đáng ngạc nhiên, anh rất bực mình vì đến cái thú ấy nữa mà cũng không được hưởng. Thái độ của người anh ruột dẫu nô lệ đến bực nào, Phúc cũng chỉ thấy ngạc nhiên mà thôi. Rõ chán quá đi mất! Cho nên anh đâm cáu, chẳng để lỡ cái cơ hội nói nghiến ấy.
— Sao bác nhũn quá thế! Chả gì bác cũng là quan phán đầu tỉnh, dân đen vào cửa phải lạy quan lớn, phải chắp tay, gãi đầu gãi tai, sao lại bảo cái lọ không xứng với mình? Còn tôi, vô học, vô nghề nghiệp, ăn hại đái nát, ương gàn, đủ một nghìn cái xấu, giá không trúng số thì bất thành nhân dạng, nào làm được gì cho gia đình thơm lây.
Tưởng nói thế để bịt miệng con người vô sĩ, Phúc nào ngờ anh mình lại chờ thế bậc lợi dụng luôn mà thuyết một hồi:
— Chú cứ nói! Đó là chú nhầm! Cái đời tôi là đời bỏ đi. Mang cái danh ông phán thì vì đời nó chỉ chuộng thế, chứ nào tôi có dám tự cao, tự đại gì đâu! Ông phán thì làm quái gì, thì ăn thịt được ai? Vào luồn ra cúi công hầu mà chi, huống hồ còn kể cái mạt hạng thông với phán! Khốn nạn lương ăn chẳng đủ, thân nô lệ lại cực đủ trăm chiều, lắm khi Tây mắng cho như tát nước vào mặt, nó coi không bằng con chó.
— Ấy chết!
— Chứ không ư? Có ở trong chăn mới biết chăn có rận, không ai muốn tự hạ mình lại nói xấu chính mình làm gì! Đấy chú xem, tôi đi làm ngần ấy năm, giúp nhà nào có được là bao, vì còn công nợ hơn Chúa Chổm, ăn bữa nay lo bữa mai muốn làm một việc gì tốt cũng không được, chỉ vì không tiền. Ấy có chú biết hẳn hoi thế đấy nhé, kẻo không lại bảo nói dối. Thấy chú cứ ngồi nhà mãi, tôi ái ngại quá, chỉ muốn đỡ chú một số tiền để chú chạy chọt, vậy mà có xong đâu? Tiền, nào có lúc nào lợi! Nhưng thôi, bây giờ Giời cho chú phát thế này, thì là may lắm. Tôi cũng mừng thầm lắm, vì gia đình nhà ta, hỏng tôi thì cũng may còn chú gỡ lại, chứ không thì hỏng bét bà be ra, chứ còn gì!
Đến đây, ông phán thở một cái rõ dài, rõ ngán ngẩm.
Phúc thấy rằng sự đời thật là không thể tưởng tượng được nữa. Anh không bao giờ dám tưởng rằng loài người lại có kẻ xấu đến thế, đê tiện đến thế, và giả dối đến thế. Anh cho rằng dẫu mồm người ta có là thẹo gỗ đi nữa, thì cái khinh miệt đến cái tâng bốc ắt cũng phải có cái gì nó nối ở giữa cho liền hai thái cực kia. Gớm thật! Nhưng một ý nghĩ độc ác làm cho anh cứ vui vẻ nói:
— À, nếu vậy thì tôi hiểu ra rồi! Thì ra anh vẫn có bụng tốt với tôi! Nhưng khi anh sỉ nhục tôi là đồ ăn hại, mắng tôi là ương gàn, chẳng qua là muốn cho tôi trở nên tốt, và đó là chính sách của Dương Lễ đối với Lưu Bình vậy!
Một tia sáng bỗng hiện trên vẻ mặt ông phán.
— Dạ, vâng! Thì chính thế! Chứ đã anh em như chân như tay, chú nhỡ có chẳng ra gì thì cũng xấu cả tôi, đời nào tôi lại dám khinh bỉ chú thật? Ấy chẳng qua là khuyến thiện, là nói kháy nhau. Mục đích là để cho nhau ngày ngày mỗi hơn.
— À ra thế, vậy mà bây giờ tôi mới hiểu!
— Có gì là lạ? Tôi sỉ nhục thế nào được chú? Học thức của chú, nhân phẩm của chú, văn chương của chú, há lại chẳng là một vạn lần cái công danh và tính mệnh của tôi ư? Tôi đây đời nào tôi lại dám tự phụ là kẻ biết người biết của, đời nào tôi lại dám ếch ngồi đáy giếng coi giời bằng vung như thế.
— Ô hay, thế ra tôi không gàn à?
— Gàn như chú, ai chả muốn gàn?
— Ô hay, thế ra văn chương của tôi lại không gàn?
— Thiên hạ cứ việc bán cái gàn của chú đi mà ăn! Gớm chửa, thế đứa nào dám bảo chú gàn? Ừ, đứa nào?
Tuy vậy Phúc cũng cố nén giận, vờ ngây thơ cười mà đáp:
— Ô hay, thì chính anh chứ còn ai nữa!
Ông phán chỉ biến sắc mặt có một giây, rồi nói một cách bình tĩnh:
— Tôi thì kể gì! Tôi chê văn chú còn gàn, ấy là vì muốn chú cố gắng hơn, viết văn sao cho… cho kiệt tác hơn, ngõ hầu tôi cũng được chút thơm lây. Vả lại những bài đăng báo ấy tôi đã có đọc cả. Đạo đức, triết lý thâm trầm… tư tưởng rất cao thượng. Ấy ông tổ ngũ đại nhà ta cũng đỗ Phó bảng, hay chữ vào bậc quán thế văn chương đấy. Bốn đời sau tuy cũng xuất chính, song chỉ nhì nhằng như thầy và tôi thôi. Bây giờ, đến chú, cái cốt cách chữ nghĩa mới lại phát.
— Gớm thế kia à?
— Thì tôi đã nói rằng hỏng tôi nhưng may còn chú!
Phúc cười thầm, cho mình cũng giả dại làm ngây như vậy là đắc sách lắm. Anh chỉ có nóng muốn biết vì cớ gì ông phán lại về, vì cớ gì có những lời lẽ cực điểm quý hoá kia. Anh đưa ra hộp thuốc lá Hồng Mao[51] như để tỏ rằng mình thích chí lắm, rồi dễ dãi hỏi:
— Anh có việc gì cần hay không?
— Kể ra cũng cần. Đáng lẽ tôi chỉ viết thư, nhưng mừng quá liền xin nghỉ về nhân thể thăm chú và thầy đẻ. Có lẽ số tôi khá, nên sự này mới gặp dịp làm sao! Chú ạ! Ý tôi muốn đi Tri Châu, mà quan thầy tôi đã hứa rằng chỉ lấy có năm trăm thôi. Bấy giờ, ông quan thầy của tôi sắp về nghỉ, nhằm lúc đáng cho tôi cái đặc ân ấy thì lại được tin chú trúng số độc đắc. Tôi sướng quá đi mất, vì làm gì chú lại chẳng cho tôi năm trăm, nhất là khi lại cần cho đường công danh tiến thủ của tôi. Anh em đồng sự ai cũng cho tôi là may mắn nhất.
Vừa đến đây thì cụ phán ông cũng lại chơi. Cụ mới may cái áo lông cừu mấy chục bạc, lại chống một cái ba toong mới, trông rõ ra vẻ cụ cố lắm. Lúc cụ vào phòng, Phúc mới chịu ngồi lên. Một ý tưởng xỏ xiên, một cái ý muốn “ném xương cho chó cắn nhau” khiến anh gian ngoan làm bộ thật thà mà phân trần với anh và bố:
— Thế này thì khó nghĩ quá đi mất! Thầy cũng cần tiêu mà anh cũng cần tiêu, thì tôi làm thế nào bây giờ?
Ông phán xanh mặt, đã đứng lên rồi, và không dám lại ngồi xuống ghế nữa. Cụ phán cũng nhìn chòng chọc vào mặt người con trai cả mà cụ cho rằng lại sắp sửa dẫm lên chân cụ đến nơi. Cụ đã sắp nổi giận, chỉ còn chờ nghe cho thủng câu chuyện. Thì Phúc lại nói:
— Ấy đấy, tôi định biếu thầy năm trăm để khao cái ngân tiền đấy, anh cố điều đình thế nào cho cụ nhường anh hoãn khao thì tiền sẽ ở tay anh.
Chỉ một câu nói thế thôi mà cũng khiến họ hai cha con đều đỏ mặt tía tai lên, hằm hằm nhìn nhau như hai con ác thú trước một miếng mồi. Phúc lại lắc đầu quả quyết:
— Chứ lại bắt tôi bỏ tiền ra nữa thì xin chịu! Tiêu nhiều lắm rồi! Giá cái thân tôi chẻ ra được làm trăm mảnh thì tôi cũng chẻ ngay! Vì rằng có hưởng được cả một mình đâu! Hễ dính ai, cũng lại tiền cả.
Ông phán nói với bố:
— Việc của con cần hơn của thầy, thầy nhường cho con!
Tức thì cụ ông giơ ngay cây ba toong vào mũi ông phán:
— Nhường … nhường… nhường cái đầu bố mày!
Ông phán ngạc nhiên hết sức, cả Phúc nữa. Thật vậy, xưa nay ông bố chỉ có sợ sệt và nhường nhịn ông con mà thôi! Chẳng có ai lại chờ câu chửi bới ấy. Cố nhiên là ông phán không thể tha thứ được, và nạt:
— Ủa, ông cụ này bây giờ sắp giở chứng à?
Con giun xéo lắm cũng quằn. Chính vì lẽ cả một đời phải hàng phục con mãi, đã nhiều phen tức uất lắm, cho nên cụ bố bây giờ mới để bật cái sức ép trong lá gan ra. Quả bóng quá căng hơi tức phải vỡ. Nhất là bây giờ ông phán chỉ còn cái địa vị phế đế, mà người nắm quyền chánh, người thần thánh bất khả xâm phạm, lại là ông con thứ hai, cho nên cụ cố chẳng ngại cho ông con cả một trận tam bành.
— Ừ, ông sắp chết đấy, tiên sư mày! Mày cứ rủa ông đi, xem ông có đập vào mặt mày ra bằng cây gậy này bây giờ không! Đồ khốn nạn, đồ chó, đồ bất hiếu chi tử!
Không còn biết trời đất chi nữa, ông phán chỉ còn biết đâm hoảng, run run ngồi xuống nghe cho khỏi ngã, và đần mặt ra. Cụ cố thì cứ đi đi lại lại như một con thú trong cũi sắt, cái gậy khua vung vung lên, cắt nghĩa rõ cái cơn thịnh nộ của cụ:
— Con với cái, thì ra mày chỉ biết đến cái cần của mày thôi, còn bố mày, thì không cái gì là cần! Thì ra mày không coi thằng bố mày ra cái gì nữa à? Tiền hàng của mẹ mày, cũng để trả nợ cho mày! Bây giờ nữa, được nó cho năm trăm bạc để ăn khao, mày lại cũng định phỗng tay trên ông! Rõ cái quân… không còn có quân thần, phụ tử gì nữa!
Đến bây giờ thì ông phán mới hiểu rõ, mới biết rõ cái địa vị phế đế của mình. Ông phàn nàn một cách ngoan ngoãn:
— Làm gì mà thầy nóng thế! Làm gì phải chửi rầm lên! Con tưởng việc khao vọng đã hoãn được một năm nay rồi, thì hoãn nữa cũng được, cho nên muốn xin thầy cho con vay…
— Tiên sư thằng bố mày!
—! …
— Vay… vay cái mả cha mày! Cả một đời mày, mày đã ăn không ăn hỏng của ông hết bao nhiêu!… Mày đã báo hiếu được bố mẹ mày bao nhiêu!… Cờ bạc, bợm đĩ, nghiện hút …!
Ông phán đứng lên, cũng đã đâm cáu, nói rõ:
— Thì thôi! Thì là tôi mất toi cái tri châu chứ sao.
Nhưng cụ cố càng chửi được, lại càng thấy tức hơn nữa:
— Tổ sư cha mày! Mày thử làm ngay tể tướng đầu triều cho ông xem! Mày đi tri châu hay không thì cũng kệ mày! Có hay thì vào xác! Chứ ông trông mong gì đồ vô phúc!
Ông phán còn cố hỏi em một lần cuối cùng:
— Thì năm trăm bạc đối với chú thì có là bao mà chú lại chẳng bỏ thêm ra được cho tôi?
Đến bây giờ thì Phúc mới giở nốt cái đểu ra:
— Ông cứ nói! Năm trăm bạc dễ là năm trăm hòn cuội! Vả lại, người quân tử không có nói hai lời, dẫu là có khi đã biết rằng mình nhầm! Tôi đã nói: Trước khi đồng tiền sinh lãi mà chạy về, thì tôi không bỏ ra nữa! Ông không biết rằng từ hôm ấy đến nay, tiền có việc ở két chui ra đi tứ phương mà thôi.
Rồi anh ra vườn hoa bỏ mặc hai cha con “nhà ấy” ngồi đấy.
Chợt nhìn ra cổng anh thấy ông Đối. Vui mừng ông này chắp tay vái anh qua cái hàng rào sắt. Phúc ra mời người bác vào. Thì ra quần áo rách rưới, vì thấy nhà cửa ông cháu nguy nga quá, ông Đối đã đứng hàng giờ ngoài đường, không biết tính sao.
Phúc mời ông Đối vào phòng khách, và phải ngồi đối diện với ông bố. Lại được dịp chọc tức anh tuyên ngôn:
— Bác ra chậm quá! Tôi chờ mãi bác, vì đã để phần cho bác một trăm. Bây gìờ tôi hãy đưa trước cho bác năm chục, về chuộc lại nhà, chuộc lại đất. Xong rồi thì lại ra đây lấy nốt, về mà chuộc ruộng.
Anh phân bua nói với ông bố:
— Ấy đấy! Toàn là chuyện tiền mà! Mà sở dĩ tôi phải biếu ông Đối đến một trăm, ấy chính vì ngày xưa thầy đẻ ăn ở thất đức lắm, đã không đãi ông ấy một bữa.
Sợi hãi quá, ông Đối chẳng dám nói năng gì, cứ khoanh tay co ro ngồi im. Mặt ông cúi gầm xuống, vì sợ cụ phán, mặc lòng đã có Phúc đây là quý nhân phù trợ.
Trông thấy bác rách rưới quá, Phúc gọi bếp lên bảo:
— Này, mày dắt ông này lên ngay phố hàng áo Cũ cho tao… Đấy ông theo nó, tùy ông chọn thế nào cho nó lành lặn một chút. Đây tôi đưa cho ông năm đồng.
Hai người đi ngay.
Phúc khoanh tay hỏi ông bố lúc ấy ngồi yên như tượng:
— Thế nào? Thầy xem chừng có thể hy sinh cho anh phán một lần cuối cùng nữa không?
Cụ cố nhạt nhẽo:
— Không anh để số tiền ấy cho tôi!
Phúc bỏ đấy, ra vườn, anh thấy người anh nhẹ nhõm, khoan khoái và tinh thần anh như mạnh thêm lên. Và anh đã đứng lặng ngắm một đóa hồng như một nhà thi sĩ.
Trúng Số Độc Đắc Trúng Số Độc Đắc - Vũ Trọng Phụng Trúng Số Độc Đắc