Good as it is to inherit a library, it is better to collect one.

Augustine Birrell, Obiter Dicta, "Book Buying"

 
 
 
 
 
Tác giả: Phan Tứ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1882 / 29
Cập nhật: 2016-05-05 19:45:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6: Qua Vùng Cà Dong
gày 2-11-61, tôi rời Đảng ủy Trà Mi-phước Sơn đi xuống vùng ba xã Cót Nú Dút theo hai anh Ca (tức Sơn Ca) và Lê (túc Tự).
Tưởng rằng đường về đồng bằng chỉ tuột dốc liên hồi, té ra số dốc leo lên không sao đếm hết. Vẫn cái ấn tượng như hồi đi dọc Trường Sơn: con đường cứ chọn sườn nào đỉnh nào cao nhất mà rướn lên, đến tận cùng mới chịu rẽ xuống.
Đường giao liên Trường Sơn được phát dọn sửa sang nhiều những dốc quá trơn được cuốc thành bậc và đóng cọc ngáng cây như cầu thang. Đường từ vùng cao Trà Mi xuống vùng trung và vùng thấp vốn phải giữ kín che mắt máy bay, sau mấy tháng mưa càng bị cỏ cây phủ rậm rì, rất nhiều tranh, đế, lau lách, thêm những dây ngấy lắm gai bò ngang dọc, xé rách da đùi và tấm choàng nhựa.
Ngay tấm choàng cũng là tội nợ. Khoác nó khi leo dốc rất nóng nực, mồ hôi tháo ra ướt áo quần, bốc qua cổ tỏa hơi nóng lên mặt ngùn ngụt. Tháo bỏ nó lại bị nước trời đổ xuống ướt hết ba-lô lẫn súng đạn.
Có quãng dài chúng tôi lội hẳn trong lòng con suối lũ. Đá trơn, nước sâu và đục không thấy đáy. Các anh trượt vài lần, tôi mang nặng hơn và vừa sốt rét dậy, run chân ngã liên tiếp. Khó nhất là khi leo ngược đồi tranh.
Lá tranh dài sũng nước từ trên đổ rạp xuống như hom đó, chúng tôi vạch rẽ cái hom đó ấy mà ngoi lên. Tranh cứa rát đỏ hai tay, lũ vắt đen tha hồ "xin tí tiết" trên cặp chân đã trôi sạch những thứ bôi chống vắt, mắt nhìn xuống không thấy gì. Chỉ khi nào vắt lá chui vào cắn đau nhói bên trong áo quần mới bớt một tay ra gỡ vất đi.
Giống vắt lá này thân gầy, săn cứng, màu xanh biếc, đo nhanh thoăn thoắt và thích leo cao luồn sâu. Chúng chọn rất đúng chỗ đường rậm để sinh nở thành bầy. Một vết cắn của vắt lá có khi chảy máu mấy giờ liền. Thuốc hút hay giấy quyến đắp vào đều trôi, mạng nhện không có, một lần tôi bí kế phải ấn viên thuốc tím vào cho cháy thịt, sau sẽ thành sẹo.
Đến chỗ nghỉ, tôi cởi nịt súng ngắn, giũ áo lót quần đùi: bốn năm con vắt no như quả sim chín rơi xuống chân. Áo loang máu, quần đùi vải đen cứng lại như tẩm hồ bột. Sau mươi phút ngồi thở, gió quạt mạnh vào quần áo ướt đẫm lại khiến tôi lạnh run, còn mệt cũng phải xốc ba-lô đi tiếp cho ấm. Mùa rét đến rồi.
Chúng tôi đi qua trường Văn hóa dân tộc gần làng Tắc Bó (có người gọi là Tắc Pỏ), nơi cán bộ Thượng về học bổ túc văn hóa. Phải đi gấp theo các anh, không dừng được. Trưa, qua trạm trực ở làng Tắc Veng. Chiều đến trạm đồng thí Bôn, một trạm mới dựng chưa có phên che, anh em giao liên hỏi tôi xin muối và dầu đổ bật lửa vì đứt đường tiếp tế. Tôi sẽ đi tiếp theo giao liên, còn hai anh Ca và Lê tách riêng vào làng hẹn gặp tôi ở ấp Năm xã Nú.
Sáng ra mưa càng dữ. Tôi đi với giao liên theo con đường của nhân dân, quanh co nhưng không quá rậm.
Gần trưa đến xóm ông Ngôông, trạm trục. Giao liên trạm dưới không thấy lên, chắc vì lụt.
Cậu Tiến gửi 6 bì công văn cho tôi, quay về trạm.
Cậu đội cái mũ nhựa Mỹ, lớp lồng bên trong mũ sắt, không ngại bộ đội bắn lầm vì địch chưa càn tới vùng này.
Tôi ở lại nhà anh Ngôn, tên anh gần giống tên ông già làng.
Đây đã đến vùng trung huyện Trà Mi, thuộc khu vực người Cà-dong, (phát âm là K-yoong). Mỗi gia đình Cà-dong ở riêng một nhà, không làm nóc chung chia nhiều bếp như Cà-doạt hoặc Kor. Nhà anh Ngôn khá rộng. Bên cạnh có ba nhà khác nữa họp thành một xóm nhỏ trên sườn đồi trống hoang, đồng bào đang tính suốt lúa xong sẽ dời xóm vào chỗ rậm, tránh máy bay ném bom.
Hai bếp trong nhà đốt lửa ngày đêm để sấy thóc.
Thóc ướt tãi kín tấm cót đen bóng kê trên giàn bếp rộng, nửa giờ đảo một lần, vài giờ thay lớp thóc khác. Tôi hong áo quần và ba-lô ướt trên bếp, nhận phần việc đảo thóc.
Chỉ sau nửa tiếng tôi đã thành người nhà, đến con chó đa nghi cũng không còn dòm dòm ngửi ngửi nữa.
Ở đây theo "sống mới", đàn ông đàn bà đều đi suốt lúa. Rẫy chưa suốt xong gặp mưa dầm gió bấc, lúa rụng nhiều bà con sốt ruột quá. Nhưng nay đã đến tháng lạnh, lội cả ngày trong rẫy ướt không chịu nổi. Anh Ngôn đội một kiểu nón phẳng đan bằng tre như cái nia hình vuông, che người và cái teo trước bụng được phần nào, mượn tấm choàng của tôi, liều đi suốt. Một giờ sau anh trở về ��với nửa teo thóc, khắp thân nổi da gà, run lẩy bẩy, hơ lửa một lúc mới nói được.
Cả nhà đành ngồi làm việc vặt bên bếp lửa, tán chuyện dài dài. Hai đứa con cõng nhau qua chơi nhà bên, chỉ cách mấy bước chân.
Trên bếp treo một soong chè tươi đặc sánh, thỉnh thoảng tôi nhấp một ngụm. Vợ chồng anh Ngôn và bà mẹ nhai trầu bỏm bẻm không ngớt, tùng lúc lại giở ống clôk 1 ra, trút dúm vôi hay thuốc lá bột vào lòng bàn tay, ngửa cổ trút vào mồm, xong lại làm thoăn thoắt. Bà với chị đan teo suốt lúa, ít góp chuyện vì biết ít tiếng kinh. Anh Ngôn ở gửi rể nhà này nói sõi hơn, thích đùa quấy, luôn tay gọt tre làm bẫy chim bẫy sóc, có lúc vót chông nứa.
Anh gầy và đen, trời rét chỉ mặc một cái khố hẹp xoắn lại như vỏ đỗ. "Nghèo quá, mình có cái khố thôi, vợ mình không có áo". Chị vợ cởi trần thật, tôi tưởng do phong tục như những vùng tôi đã ở hồi chống Pháp, sau mới biết mình lầm. Chỉ riêng bà mẹ có áo mặc.
Bao nhiêu là câu hỏi tò mò chen giỡn cợt. Anh Ngôn chỉ cái giàn bếp khá to và chắc đang sấy lúa, có mấy khúc chân nai treo lủng lẳng ám khói, rủ tôi:
- Mình lạnh, một người nằm trên ngủ, một người ngồi dưới thổi lửa, mình đổi với nhau, hè! Đến cặp kính cận thị của tôi.
- Cái chi mà anh mặc cái ni?
- Tui đeo cái ni vô mắt, ngó qua bên núi thấy con chim nhỏ, ngó xuống suối thấy con cá chút chút.
- Của cách mạng cho? Cụ Hồ cho?
- Ờ, Cụ Hồ cho.
Họ chuyền tay nhau cái kính, đeo thử, chép miệng:
- Mình không quen, không thấy chi. Mình tập lâu chắc coi được, ngó thấy con heo con nai họ tới ăn sắn rẫy mình.
Chị Ngôn hồi trẻ chắc rất đẹp. Da trắng, mũi dọc dừa, má tròn, môi bậu (nay đã đen quết trầu). Cổ chị đeo kiềng trắng, hình như bằng đồng mạ kền, cùng một mớ chuỗi cườm đỏ. Chung quanh mỗi cổ tay những bảy tám cái vòng kim loại trắng kêu xủng xoẻng theo mỗi cử động.
Vòng đeo tai khá to. Búi tóc nhỏ sau gáy, mớ tóc xõa trên trán cắt ngắn thành rèm như một kiểu tóc Nhật mới đây. Chị hiểu tiếng kinh ít, chỉ nghe và cười tủm tỉm, thỉnh thoảng then một câu tiếng dân tộc. Tôi để ý tiếng Cà-dong phát âm bằng hầu thanh nhiều.
Nghe bà mẹ kêu nhức đầu, tôi biếu vài viên at-xpi-rin.
Lập tức cả nhà hỏi xin liên tiếp: muối, dầu lửa, kim chỉ, áo quần, cả một miếng đi mưa ít ít (tấm nhựa nhỏ). Tôi biếu thêm vài thứ, sau phải nói nhẹ nhàng là tôi không có nhà cửa ruộng rẫy, chỉ có cái ba-lô. Cách mạng phát đồ dùng để đi công tác nhiều năm, không thể cho được nữa. Anh Ngôn dịch lại, mọi người gật đầu, từ lúc ấy không hề xin lần nào nữa. Sau mới biết họ tưởng tôi là "trung châu mới lên", thường đem hàng đổi lấy gạo, gà, heo. Xin xong họ sẽ cho lại, ấy chỉ là hình thức đổi chác theo ý thích mà không cần tính giá.
Tôi ngồi ghi bên cửa sổ. Nhìn ra, thấy đất quanh nhà bị heo ủi gà bới sục bùn đỏ bầm, vài ngọn cây cau gội mưa mờ ảo trên nền trời đục, một sườn núi mới sụt lở còn đỏ tươi chưa hiện sẫm màu cỏ. Cách quãng độ mười, mười lăm phút, mưa lại quạt xuống rào rào một cơn nặng hạt hơn, chắc vì bên trên lớp bong bóng heo phủ trời kia có những bè mây đọng nước đang trôi dạt theo gió, bị các đỉnh núi cắt rời khi luồn lách qua các đèo cao. Bà mẹ sang hàng xóm để lại tấm dồ, chị Ngôn lấy đắp cho con, cả nhà chỉ có một tấm ấy.
Buổi tối lửa đốt to hơn. Cậu Bhăng qua chơi: "Mình đi tìm ử con heo rừng, tìm căn cứ chiến khu họ, không thấy chi". Độ 16-17 tuổi, da trắng, tóc rất dày cắt vành tròn quanh đầu như cái mũ nồi, mày rất rậm. Tiếp ba bốn người nữa đến.
Hình như cả xóm nhận ra tôi từ miền Bắc vào, không nói gì, nhưng cứ hỏi tôi chuyện các dân tộc miền Bắc. Tất nhiên ngoài đó sướng hơn...
- Sướng răng? Đủ muối ăn không? Có ăn lạt không?
- Chắc họ muốn cái khố có cái khố liền...
- Họ ngồi con ngựa đi núi, là con chi? Hííí... phải con đó không?
Họ bảo tôi nói thử tiếng Thái. Tôi tạm thay bằng tiếng Lào cũng gần giống thế, nói một tràng, hát một bài. Cả nhà cười:
- Nước tui ở đây thôi. Tới núi đó mình chịu chết. Cha mẹ anh ở núi mô?
Sang chuyện kiêng cữ, tôi gặng hỏi cẩn thận để tránh va chạm. Bà con ngơ ngác rất thật tình rồi đáp:
- Cữ chi nữa! Đảng nói bỏ hết cữ rồi. Cúng bỏ hết. Một năm, ăn lúa mới cúng gà một lần, chừng này thôi. Cúng cũng không cắm lá cữ, ai vô làng vô nhà được hết.
Hỏi tới lệ chia của cho người chết, ngày xưa khá tốn kém.
- Còn chia. Của họ phải chia cho họ chớ. Kinh cũng chia của đó. Chia cái rương gỗ to, người chết nằm vô đem chôn, nhiều tiền. Người dân tộc mình không chia rương mà chia đồ nhỏ nhỏ, ít tiền.
Anh Ngôn kể vì sao họ thiếu thốn:
- Chưa đánh Mỹ - Dịm, mình nuôi cán bộ Bốn với một cán bộ nữa trong nhà hai năm, hễ quốc gia lên họ ra rẫy, mình đem cơm. Hồi mình đánh Mỹ - Dịm, Đảng biểu mua nhiều muối, rựa. Mình có mua ít ít. Đờn bà ưng mua đồ đeo trên mình cho tốt, mình hết tiền. Sau mình ủng hộ Đảng ba ang muối. Còn muối nhiều mình ăn nhiều nhiều không để dành, bây giờ lạt muối bốn tháng rồi. Ai cho muối mình không dám ăn nhiều, hễ ăn mặn vô mình bị sưng hết tay chân...
Riêng vải mặc và chăn đắp họ không ngại, nếu nhiều gạo và heo gà có thể đổi cho vùng cao sẵn nghề dệt sợi bông, sợi gai. Không thèm của "quốc gia". Đây cách quận ly Trà Mi già một buổi đường thôi, địch không dám lên vì chông bẫy dày đặc, người Thượng không muốn xuống đấy.
Đêm về khuya. Cả nhà nằm vây quanh bếp lửa giữa sàn, chỉ bà mẹ và cháu nhỏ nhất được đắp tấm dồ, còn lại ba người đều nằm trần trụi. Chốc chốc lại một người thức dậy thổi lửa, ngồi sưởi một lát, từ từ cúi đầu ngủ gật, giật mình tỉnh lại khi tóc gần cháy, ghé miệng thổi lửa phù phù lần nữa rồi nằm xuống co quắp. Những mảng da thịt trần bị lấm xám mốc vì cọ trên sàn nhà. Con chó cũng lẻn vào chen chỗ nằm ấm trên tro. Anh Ngôn không nói quá khi bảo chỉ có cái khố.
Đêm ấy tôi trằn trọc trên võng, rất mệt nhưng ngủ không yên. Đang thiu thiu chợt nghe tiếng thổi lửa, cảm thấy hơi ấm tỏa vào nửa người bên phải, tôi lại hé tấm đắp nhìn cảnh ngủ ngồi nhọc nhằn của bà mẹ, anh Ngôn hay chị vợ, lại nhoi nhói trong lòng nỗi xót xa vì bà con quá túng thiếu, nỗi áy náy khi thấy mình còn quá sang trọng. Nếu không có qui định rất nghiêm ngặt của cơ quan - áo quần miền Bắc đem vào phải để dành dùng đủ ít nhất hai năm - tôi sẽ vui biết mấy khi xổ tung cái ba-lô ra, đem chia hết, chia ngay đêm nay!
Hôm sau tôi không dám đi đâu xa, ngồi chờ giao liên trạm đồng chí Tang từ dưới lên, và mất luôn một ngày đợi suông nữa. Giao liên từ trạm trên xuống trong mưa, đợi chán lại về không.
Qua hàng xóm, tôi gặp một em nhỏ lở chân. Em chạy chơi trong nhà, bị sụp lọt chân qua sàn toạc một miếng to ở gối, nay bị loét rất thối. Tôi pha thuốc tím rửa, cạo xun pha-mít vào, băng kỹ, nhờ anh Ngôn dịch để dặn cha mẹ cách chữa. Biếu vài viên kháng sinh mà trong bụng lo lo: hộp thuốc miền Bắc mang vào được qui định dùng trong một năm, hết sẽ không được phát, mà dọc Trường Sơn tôi đã vung tay quá trán...
Cậu Bhăng ướt sũng lập cập về gọi lúc 7 giờ sáng: "Họ nằm rồi! Họ nằm rồi!". Lát sau tôi mới hiểu là được thịt.
Mưa dầm lạnh, heo rừng thường cắn bứt lau lách, tranh, cây bắp đem dựng thành ủ, một kiểu ổ nằm bề cao đến rốn người, có lót dưới và che trên, hơi giống cái hầm kèo chữ A, chui vào ngủ. Sáng thật sớm hai anh em Bhăng cầm dụ đi theo dấu chân và dấu bứt cây cỏ, tìm ra chỗ heo ngủ, nghe tiếng nó ngáy mà chọn chỗ đâm vào. Heo vọt chạy. Họ theo dấu máu thấy nó ngã, còn phải để yên đấy vài tiếng vì heo có thể tỉnh lại và xốc nanh rất ác. Họ đi suốt mấy buổi sáng, nay mới đâm được. Bà mẹ cười:
- Anh Bốn ni có ma. Lâu không được heo, anh về được heo.
Vừa lúc cậu Út (hay Úk?) con trai bà mẹ, em chị Ngôn ghé qua nhà. Cậu chừng 20 tuổi, giao liên, về thăm nhà một hôm. Kiếm đâu được cả nịt to và ba-lô Mỹ hình chữ nhật. Khá cao lớn, cân đối, mặt khôi ngô. Con gái anh Ngôn "chừng năm sáu mùa rẫy" cũng có khuôn mặt rất xinh, đã quen tôi nên thường sán lại chơi, địu đứa em một tuổi hay quấy khóc trên lưng bằng tấm vải rách.
Cháu hát ru em bằng các bài Tạm biệt hướng đạo và Vừng trời đông lời Cà-dong, bài Ca ngợi anh hùng Núp lời Kinh. Cả hai chị em đều không có áo quần, tránh đi xa bếp lửa ấm.
Tôi sợ hụt giao liên nên không đi với trai làng. Lát sau anh Ngôn bảo tôi sang nhà hai anh em Sưu và Bhăng coi con heo đã khiêng về, dặn: "Vừa coi vừa làm nghe?".
Nhà bên ấy định dời vào chỗ rậm tránh bom nên không sửa sàn sửa mái, để sàn toác và mái dột nhiều. Một con heo chiếc khá to, nanh mới nhú độ hai phân, lông đen pha những sợi trắng. Hai mũi dụ đâm nó lút đến cán, nó quật đến quằn một lưỡi phải đập thẳng lại. Chủ nhà đã rạch và lột một mảng da lưng từ gáy đến cuối mông còn để nguyên lông, treo trên cao như bày chiến lợi phẩm, ước dài đến một mét tư.
Sưu là anh ruột Bhăng, chừng 18-19 tuổi, điềm đạm hơn anh Ngôn, nói chững chạc như diễn thuyết. Hỏi ra mới biết Sưu học trường Văn hóa dân tộc 5 tháng vừa về sẽ đi bổ túc để thành giáo viên dạy chữ. Sắp làm thầy có khác! Bhăng cũng giục tôi làm. Hình như lệ làng ai cũng phải mó vào mới được hưởng, và họ đều muốn tôi cùng hưởng. Bà con ở đây cắt thịt theo kiểu kê đứng lưỡi dao trên thành nia, dùng chân giữ cán dao, hai tay cầm miếng thịt mà cứa, chẳng biết tại sao. Tôi mài dao và kê tấm gỗ làm thớt, thái nhanh hơn nhiều, họ trông thấy và làm theo cả. Thịt thái miếng to nhiều mỡ, đun đầy một nồi năm. Sưu mở gói muối trong mảnh nhựa bỏ vào nồi chừng một nửa, hy sinh đãi cả xóm.
Tôi xin một mảnh mỡ sáp để rán lấy mỡ nước lau súng ngắn. Đứng lên định về, bị cậu út gọi giật: "Để ông già cúng đã!". Anh Ngôn và Bhăng liếc tôi, lúng túng vì trót khoe bỏ hết lệ cúng rồi. Sưu nói nhỏ với tôi: "Ông già cúng phép, cúng chơi thôi. Tui không cúng".
Ông già làng cởi bộ áo quần bà ba, chỉ mặc khố, ngồi xổm ở góc nhà trong cùng. Trước mặt ông, bày cái nia đựng đầu con heo nguyên lông, một tảng thịt tươi, một khay gỗ trên đặt bát thịt nướng thái nhỏ với một đĩa gan lòng, một đĩa trầu cau. Ông vừa khấn vừa xé vụn xác cau bỏ trên lá trầu, chỉ độ vài ba phút. Xong, ông đưa cho hai người đâm heo mấy miếng gan và thịt ăn trước, đến ông ăn, đến cả xóm. Các ông cỡ trung niên còn xé vụn thịt thả qua kẽ sàn nhà, khấn mấy câu nữa trước khi ăn. Theo "sống mới", xóm này không ai ủ rượu cần, chỉ uống nước chè và nước chín sau bữa. Mọi người đều ăn bằng chén đũa và thìa công cộng, kể cả trẻ em.
Bà con đẩy tôi vào chung mâm với ông già làng, nơi có thịt mềm và ít mỡ, dọn nhiều gan. Tôi nhớ câu chuyện của một số thanh niên Thượng ra tham quan miền Bắc trở về khoe ngày nào cũng được ăn gan, đó là món quý mà dân làng chỉ chia nhau ăn khi được con thịt lớn. Cậu Út cắt túi mật heo, nướng sơ trên bếp, bóp chảy ra được lưng bát thứ mật màu vàng trong như mật ong có váng mỡ, đưa mỗi người uống một hớp: "Ăn cay với đắng thay muối đây!". Chất cay thì không thiếu, cả một bát to ớt tươi bà con nhai rau ráu từng quả một.
Gạo rẫy mới ghế sắn ngon tuyệt: hạt cơm đỏ nở to bằng đậu đen, nhai hơi giòn mà lại rất dẻo. Nồi thịt rừng nêm muối vừa ăn. Tôi chén đẫy, không làm khách. Bhăng còn bóp thử bụng tôi, kêu chưa no.
Mỗi nhà được chia một đùi heo. Tôi được miếng nạc làm lương khô, "cho lại" Bhăng một ít giấy viết. Giàn bếp sấy lúa và củi nhà anh Ngôn bây giờ lủng lẳng những miếng thịt, da, mỡ treo để xông khói. Thêm một con cú lúi mắc bẫy của anh Ngôn đang treo cạnh phên, bằng con chó con một tháng. Hình nó giống chuột nhưng đẫy đà hơn, lông xám tro, mõm ngắn như sóc, bốn răng cửa rất to nhe ra màu nâu. Tôi xào nồi lương khô cứ húc đầu mãi vào các thứ chất tươi, còn phải tránh con chó ướt sũng cứ sán vào sưởi lửa, liếm tôi làm thân xong lại rùng lông làm văng bùn tứ tung. Mèo ở đây mất giống hàng chục năm nay, mới sẩm tối chuột đã bò ra kiếm ăn giữa sàn nhà.
Cô Ki Nghiêng đến chơi ban đêm cùng nhiều bà con. Cô mặc bà ba đen, tóc cắt ngắn như gái Trung Quốc, nếu không đeo cườm và vòng tay thì hệt người Kinh. Cô hút thuốc chớ không ăn trầu thuốc, tự giới thiệu: "Tui em anh Xắc" chắc tưởng cán bộ nào cũng quen anh Xắc cả. Cô hát nhiều bài hát khá đúng nhạc. Khi hát bài Dưới bóng cây Kơ-nia, cô ngồi múa một mình với hai bàn tay xoay ngoắt lên cuối câu hát. Tôi khen giỏi, cô lắc đầu: "Không giỏi chừng mô". Bà mẹ ghép luôn: "Ưng bắt chồng anh Bốn rồi đó".
Trông cô trắng trẻo xinh xắn trong ánh lửa, hát hay múa dẻo, tôi tính sẽ giới thiệu cho một đoàn văn công nào đó về tuyển. Không ngờ sáng hôm sau gặp lại, tôi thấy mặt cô rỗ hoa, khắp người bị lác 2 ăn trắng xóa. Biết bao nhiêu đồng bào Thượng đang khổ sở vì bệnh lác này!
Bà con kéo tới chơi đông. Ai cũng bảo rất muốn nghe đài nhưng tôi không có máy và cũng thèm nghe đài như họ. Chuyện dài dài, thi hát coi ai nhiều bài hơn. Có lúc anh em trẻ nói tiếng Cà-dong, đố tôi một từ nào đó và cười khúc khích, chắc là tiếng bậy. Tôi giở những tiếng Cà-tu và Ya-rai còn dính ruột ra đố lại để thoát bị động, tỏ ra tôi ở núi đã lâu chớ không phải là "trung châu mới lên". Tám giờ tối, anh em cậu Sưu còn kéo tôi qua ăn thịt thêm một chầu trước khi ngủ.
Đến sáng ngày thứ ba mắc kẹt tại đây, trời vẫn mưa kiểu cũ: mưa bụi tuôn đều, mười phút lại đổ một trận nặng hạt. Có lúc hừng nắng đủ đánh lừa cho bà con sửa soạn ra rẫy, năm phút sau lại xối nước ào ào, rất mất dạy! Sưu và Bhăng rủ tôi sang ăn heo bữa sáng nữa. "ăn cho hết để đâm con khác". Nhưng tôi có thêm hai nơi mời. Nhà anh Ngôn dọn cơm sáng, có thịt con cú lúi bắt hôm qua. Mới ngồi vào đã có cháu ông già làng đến gọi tôi, anh Ngôn giục đi vì đó là dấu hiệu quý trọng. Tôi đành ăn phép 3 đủ ba nơi để khỏi mất lòng mọi người.
Đến tám giờ sáng, xóm nhỏ lại rộn rịp vì anh Nứu đâm thêm một con heo nữa. Bà mẹ trố mắt nhìn tôi: "Thiệt anh Bốn có con ma lớn lớn. Anh ở đây miết được thịt miết".
Tôi mới quen anh Nứu hôm qua, một người trạc ba mươi, gầy và bụng hơi to. Sáng nay hình như đàn ông cả xóm đều lặng lẽ dậy lúc ba giờ, mình trần chân trụi, gội mưa đi tìm heo. Anh Ngôn và Út đến sáu giờ đã về, lạnh không chịu nổi. Anh Nứu một mình đi lâu, đâm được, đợi heo chết mới tước vỏ cây buộc nó cõng về, cầm theo cây dụ bị quật gãy cán. Heo để ở nhà Sưu. Con này chưa có nanh, độ 30 cân, chỉ bằng già nửa con hôm qua.
Người đâm heo còn tốn thêm gạo muối nấu mời cả xóm, thịt đem chia đều, chỉ nhận phần thưởng tinh thần là chính.
Tôi sợ bội thực hay Tào Tháo đuổi, nhưng bị gọi mãi cũng phải sang "vừa coi vừa làm" như hôm qua. Con heo này ít mỡ, ngon thịt hơn, tôi ăn chán còn được biếu phần, làm thêm lương khô.
Đến trưa vẫn không thấy giao liên lên, tôi cứ theo cậu Út đi đến trạm đồng chí Tang dưới kia, không muốn lỡ hẹn với các anh cán bộ Trà Mi.
Dọc đường, chúng tôi ghé vào xóm ông Thiên (hoặc Thiêng?), uống chè nóng. Một xóm kiểu xưa chưa dời vào bí mật, còn nguyên hàng rào cao độ 1 mét 80 ken dày chung quanh, nẹp rất chắc. Cổng vào có hình một hành lang dài, cuối hành lang lắp cánh cổng gỗ dày, trên trần hành lang cũng lát những cây bằng cỡ bắp chuối, từ ngoài nhìn vào như một cái cũi khá sâu, người làng có thể đứng trên cũi để canh gác và đâm những kẻ muốn phá cửa.
Nhiều nhà gỗ to trong xóm. Nhà ông Thiên đang luộc thóc: đổ thóc vào đầy cái nồi bảy, rưới nước đun độ nửa tiếng, đổ ra cót cho ráo nước rồi mới sấy khô. Tôi tưởng đồng bào làm cốm nếp, không đúng. Vì sợ rụng nhiều nên phải suốt lúa còn xanh, đem về luộc thêm cho chín hẳn.
Qua khỏi xóm ông Xiếc là tới trạm. Đồng chí Tang trạm trưởng ốm nặng đã khiêng đi bệnh xá. Anh Lê bị mắc lụt không đi trước được, còn ở đây.
Ngày 6-11-61, anh Lê và tôi theo giao liên đi gấp hai tiếng rưỡi thì tắc đường. Sông Cà-nâng lên to quá cầu bị gãy trôi. Chúng tôi có thể gói ba-lô vào tấm tăng nhựa bơi qua được, nhưng hai đồng chí giao liên Thượng không biết bơi, họ lớn lên trong vùng không có sông. Chúng tôi vượt sông xong cũng không thể tự dò đường đi tiếp vì nhiều chông thò. Đành lui lại đợi nước rút. Trời nắng gắt và đổ mưa xối xả, rất tùy hứng.
Chúng tôi nghỉ trong một chòi nhỏ xíu, dựng ở bìa một rẫy lúa nhỏ vừa suốt xong, thóc còn để một ít trong chòi đợi chủ đến cõng nốt. Phải bám gần đường giao liên xuyên rừng, không thể rẽ vào các làng xóm ở xa đường.
Đến sẩm tối, thêm ba đồng chí từ dưới lên tự bơi qua sông và ghé vào chòi chúng tôi nghỉ đêm. Năm cái võng buộc thành hai hàng, khói um ngạt thở. Hai người nhận ra tôi là bạn học cũ ở Hội An và Qui Nhơn: cậu Thủy (tức Xướng) bác sĩ dân y, và cậu Di (tức Ngô Lê Tân 4) chuyên sửa điện đài. Nhóm này vừa xong một đợt công tác đồng bằng, nay trở về Liên khu bộ. Tôi nao nức hỏi chuyện đồng bằng trong khi họ soạn các thứ nấu bữa tối: dầu lạc, thịt heo nhà, mắm nục nấu cô, toàn hương vị trung châu! Thắp cả đèn dầu hỏa và mở đài nữa, thế là sang lắm so với núi cao.
Ngô Lê Tân là con người độc đáo. Vẫn cao lênh nghênh như ngày xưa, đặc biệt là khuôn mặt dài và giọng Bình Định nguyên chất rất dễ nhận ra tuy chúng tôi xa nhau đã 16 năm (còn cậu nhận ra tôi nhờ cặp kính cận đeo từ nhỏ). Tân trụ bám miền Nam sau 1954, đi sửa điện đài khắp nơi trong Liên khu. Đeo bên sườn một cây súng bị gọi oan là ngắn: nó là kiểu Víc-ke cỡ 9 ly có nòng dài thượt như tiểu liên nhưng lại nhẹ hơn côn 12, nhờ nó cậu đã hạ được vô số con thịt trong những năm lưu động. Tới đâu Tân cũng làm trò ảo thuật, đồng bào Thượng khen nức nở "Anh ni một mình lấy được cái đồn lớn. Ẳnh cắt đầu cắt tay rồi làm dính lại đưọc!". Dáng người hiền lành mộc mạc nhưng lại sẵn những câu đùa "tửng tửng" khiến anh em cười no. Cậu cõng một cái gùi Thượng cỡ lớn, khi tôi nhấc giúp thì bị lạng chúi vì quá nặng.
Sáng sau nhóm Thủy và Tân ngược lên. Nước sông đã rút, bị một trận mưa lớn lại dâng cao, chúng tôi chưa đi được. Cũng may cho tôi, vì qua một đêm đau xương nhừ tử đến giữa buổi sáng tôi lạnh run lập cập suốt ba tiếng, lại nóng ngạt thở trong hai tiếng. Sáu phát tiêm mông ở K-40 chỉ chặn sốt rét được 23 ngày. Lần này tôi lên cơn nặng hơn, dài hơn, nôn thốc tháo và nhức đầu ghê gớm. Nếu ra đi chắc tôi đã buộc võng nằm lại giữa rừng. Từ đây đến xã Nú đi mất 4-5 tiếng qua quãng núi hoang vắng, không xóm, không rẫy, ngăn cách hai vùng trung và thấp của Trà Mi.
Đồng chí Hùng giao liên từ trạm trên xuống tìm cách "xoi đường" qua sông suối lũ. Nhỏ người, đen trũi, vui tính nói tiếng Kinh khá sõi. Cùng đi có một cô khách mắc lụt: cô Liễu (tức Rinh) ngươi Kor Ở xã Cót, chưa đến 20 tuổi, nấu ăn cho bộ đội tỉnh, lên vùng cao xay lúa giã gạo nay trở về đơn vị ở gần đồng bằng. Mặc bà ba đen, kẹp tóc đuôi gà, không đeo vòng và cườm như người Thượng khác. Hỏi tuổi, cô nói hú họa "một chục hai", cười tít cặp mắt rất đen.
Anh Lê và Hùng xuống bờ sông, tìm bứt mây song để dăng qua sông, người không biết bơi có thể ôm phao níu dây lần qua được. Không kiếm ra mây. Bốn chúng tôi dồn lại trong chòi rẫy đợi nước rút, đều bồn chồn: gạo hết, muối còn nửa thìa, riêng tôi chỉ có một tí pa-lu-đrin quá yếu không đủ chặn sốt.
Hôm sau nước sông rút vừa đủ lội, ba người lên đường, tôi đi không nổi vì sắp lên tiếp cơn khác. Tôi gửi anh Lê bao gạo rỗng, tiền Sài Gòn, cuốn vở K.40 phát để ghi chép, cả một hào đôi bạc thật mang theo đánh gió. Anh sẽ mua hoặc đổi lấy gạo, muối, kí-ninh vàng hoặc một thứ thuốc nào cắt cơn mạnh, gửi theo giao liên mang lên gấp. Họ đi khỏi, tôi lại "lên chức ông trùm", xổ cả tấm tăng nhựa ra đắp mà vẫn run.
Tôi nằm bẹp mất tám ngày đêm. Vợ chồng anh Khứu chủ rẫy đến cõng thóc tươi trong chòi về làng bí mật.
Nhà ở và kho thóc của họ bị Mỹ-Diệm đốt, rẫy bị heo rừng phá, không có gạo mang theo để cho tôi mượn, chỉ biếu một nắm lá chè xanh. Họ nhờ tôi ban đêm hú hét thật nhiều, đuổi heo rừng vào phá sắn non và bo bo chưa cắt trong rẫy.
Giao liên hai ngày một lần đi lướt qua đây, ghé vào rẫy hoặc đi thẳng luôn, đều không mang gạo theo. Không thấy anh Lê gửi các thứ tôi nhờ mua đổi theo đường giao liên. Gay go đây. Tôi còn nửa lon gạo, mỗi ngày nấu cháo một nhúm với lương khô heo rừng húp cho tan những viên thuốc sốt đắng lè mà tôi cố uống tăng liều để mau cắt cơn.
Tôi bị sốt rét từ khoảng 13-14 tuổi trở đi, đã uống vô số gói Phát lãnh tán của ta và kí-ninh trắng, vàng, xanh của tây, chưa hề gặp kiểu sốt nào quái quỷ như lần này: một ngày lên hai cơn rạch ròi lúc bảy giờ sáng và năm giờ chiều. Khi hơi tỉnh, tôi nằm ôn lại những tài liệu y tế đã tự tìm đọc ở miền Bắc: thứ kí-sinh trùng hung hãn nhất thường chỉ gây mỗi ngày một cơn, sao đợt sốt rét này lại quái ác đến thế? Uống thuốc nhiều quá, mỗi lần nuốt thêm vài viên lại buồn nôn kinh khủng, tôi cố bịt mồm nuốt khan để đẩy nước cháo và thuốc xuống dạ dày, ba bốn giờ sau còn muốn nôn.
Tôi kiệt sức đến nỗi cố đứng lên lại ngã xuống, hai mắt cá đau nhúc như xương ống chân mọc gai nhọn đâm lút vào hai bàn chân. Vẫn cứ phải dậy để gội mưa đi đồng bên ngoài rẫy, xuống suối xa lấy nước, kiếm củi về chẻ sấy để đốt sưởi ban đêm. Tôi cố đi lại còn để bớt nhức đầu, để "lướt sốt". Đem về được một bi-đông nước tôi thường vã mồ hôi đầm đìa, lại trùm chăn nằm thở, lát sau thấy đầu và thân thể dễ chịu hơn. Rút được kinh nghiệm cho những đọt sốt rét về sau: khi lạnh thì cứ run và rên tự nhiên để giảm bớt cảm giác lạnh buốt từ tủy xương lạnh ra (tất nhiên trừ khi nằm sát nách địch, phải ngậm tăm), chuyển sang sốt hãy cố ngủ thiếp đi chứ đừng cưỡng cơn mê, khi tỉnh dậy nên lập tức lau mồ hôi và thay áo quần khô trước khi nằm nghỉ, đến khi ráo mồ hôi trên da thì nên cố dậy đi lại, làm việc nhẹ.
Hai đồng chí giao liên ghé vào rẫy (tôi cố ý treo áo quần ngay cửa chòi, báo có người ở), cho biết họ cùng đi với lực lượng, đến quãng cắt ngang "đường hợp pháp" từ Trà Mi đi Trà Bủ cùng nhau vây bắt được một tên biệt kích Thượng do đồn Trà Mi phái đi nhổ chông phá thò.
"Người đó tên là Vụ, mập lắm. Tụi tui đi một mình chắc chém hắn rồi". Bộ đội trói hắn giải đi đường khác. Địch phá chông thò, rõ là sắp càn xuyên núi. Tôi nằm đây gần đường mòn dễ bị đánh úp, nhưng nếu treo tăng buộc võng trong rừng sâu thì giao liên mang gạo, muối, thuốc lên sẽ tuột qua tay mất.
Tôi dịch và chép mấy đoạn nhật ký ghi giữa những lúc ngót cơn.
Ngày 12
Đêm, căng tấm nhựa che cửa. Đốt lửa to, lửa không đượm lâu, củi mục ngún nhiều hơn cháy. Cũng đuổi bớt được lũ muỗi, hâm được nước uống và tí cháo dành lại để kèm theo hai viên thuốc cuối cùng trong ngày. Đèn pin rất quý khi tôi nôn mửa, đi tiểu, hoặc dậy thổi lại ngọn lửa tàn. Trùm kín đầu trong khăn, bọc chân bằng áo đi đường. Hú trong đêm xua heo rừng. Đêm đầu tôi hơi lo khi nghĩ tới giặc mùa, phải đóng giả cuộc nói chuyện giữa một người ốm và một người khỏe, với súng các bin để sẵn.
Đây khác vùng cao: ít bọ mắt và ba vỏ (ruồi vàng) hơn, nhiều bồ hong, ruồi, muỗi, mạt gà. Vẫn còn vùng trung.
Ngôn ngữ Thượng:
- Cái dụ mình sắm đâm heo, cái thò mình làm bẫy nai, cái ná để bắn con chim, mình có muốn giết chi ai.Nó làm quá mình mới đánh chớ.
- Cái bọn theo quốc gia dại, không nghĩ tới con cháu, chết rồi con cháu còn chửi.
- Giùm suốt lúa, giùm làm chòi, họ cho lúa khoai ăn.
- Chưa có vợ, tui!
Ngày 13
Sáng dậy đi đồng leo dốc thử, mới 10 mét đã mỏi nhừ. Cảm giác chân tay đòi hoạt động là giả tạo (đêm nằm thấy ngứa ngáy các cơ bắp chân).
Rừng hay rẫy buổi sáng nhiều sương đọng, đi mươi phút đã bị quệt ướt như dầm mưa. Chim cu, gà rừng cũng ngại ăn sớm ướt cánh, sáng ra ít gặp, tìm bắn không có.
Nhớ hôm Khứu đi qua, hỏi ngay: "Ông tối qua thấy chiêm bao chi? Hỏi cho biết ở rẫy tui chiêm bao tốt xấu".
Đây gọi ông cả.
- Rừng đêm: tiếng mõ đuổi heo bằng nước kêu cọ-rọọọt như con chim lạ. Con gì bay kêu to: cú... ọọọ (là cú vọ? Con cú vốn kêu cú một tiếng ngắn thôi), chiếu pin cú không bay. Người đi êm đến đâu dế cũng ngừng kêu đến đó, lỗ dế như lỗ chân lông của đất rỉ ra tiếng re re đều khắp.
- Khi đốt lửa, nhớ kiểu xây dụng cơ sở 1957-58: "Thổi lửa có than, vùi tro để đấy". Nhưng vùi lâu vài tiếng là tắt ngấm. Rấm trấu lại có khói, lộ. Đằng nào cũng phải thổi lên ngọn lửa 1959 - Gây cơ sở cũng như nhen bếp lửa càng nôn nóng càng chậm, phải kiên nhẫn chẻ vụn củi mồi. Triết lý đã cũ nhưng hay quên.
- Triển vọng đói. Xóm ông Thiên sâu cắn lúa, xóm ông Ngôông rẫy nơi cao bị bão rụng nhiều. Ở đây heo rừng phá nát, húc nậy rào mà vào thò gài chi chít phía ngoài không mắc. Khứu có tìm đâm, gặp ủ nhưng đâm hụt chỉ trúng lá. Có con đâm bị thương nhiều lần vẫn đến ăn. "Heo rẫy biết mùi các ông không dám ăn, tới đằng xa nó chạy. Tụi tui đuổi không chạy, tránh một chút thôi, đi tới mô nó tránh đó thôi, như lừa con heo nhà".
Nhớ khi ở Lào, nhân dân nói: "Súng anh em ăn người rồi, không ăn được thịt đâu".
Trong khi viết, tôi giết con rận đầu tiên ở miền Nam. Trắng, dài, đẹt, bò chậm trên quần ngoài chỗ trống. Sau 4 tháng mưa ắt không tránh khỏi rận.
- Võng nằm lửa nhiều: khói hun thành những đường sọc dọc, bẩn đen như ghét bám, ở hai đầu võng nhiều hơn, khúc giữa ít và thưa vì nằm căng rộng, khói rải đều.
- Hai giờ chiều: cuối cùng gạo, muối, ki-na-crin đã đến! Anh Lê giới thiệu tôi với anh Mười ở ấp Năm xã Nú. Tốt rồi! Cố ăn cho lại sức mà đi.
Ngày 14
Đêm, thật chán khi ở một mình không ánh sáng trong căn chòi này, nơi ban ngày có thể làm việc thoải mái mà không ai quấy rầy. Khi giấc ngủ khó khăn chưa đến, những mơ mộng sáng tác của tôi được thả lỏng không chịu ngưng lại, tạo nên những cơn mất ngủ làm kiệt sức.
Đêm qua, tiếng suối róc rách bay theo một hướng gió nào đó giống hệt tiếng người, khiến tôi phải dậy thắt nịt súng ngắn đeo túi dết, xỏ dép, sẵn sàng vừa chạy vọt ra vừa bắn. Một biệt kích đi nhổ chông báo hiệu địch sắp càn.
Những tiếng chim lạ kêu cũng gây cảm giác khó chịu, không nói được tại sao.
Đêm nay tôi hy sinh nửa ve dầu lửa cuối cùng để viết mấy dòng, chỉ nhằm chờ giấc ngủ đến. Một lãng phí cần thiết. Tôi liếc nhìn ngấn dầu hạ xuống mà đau lòng.
Không đám nghĩ đến những tác phẩm đang thai nghén, sợ quá mệt và mất ngủ. Những con gián con đáng nguyền rủa xúm lại đông đúc chung quanh đèn, chúng có cái vẻ đểu cáng, hèn hạ và bẩn thỉu đến nỗi tôi tìm cách đốt chúng mà không ăn thua. Hãy so chúng với một số người ở dáng đi, lối kiếm ăn, sự bất khả xâm phạm nhờ quá nhơ bẩn. Lũ muỗi cũng không muốn bỏ qua dịp tốt, tôi phải trùm kín đầu và cổ. Viết đêm nay là trò chơi trẻ con, kiểu giết thì giờ của người ốm. Giải trí một lần này thôi.
Mai tôi sẽ đi theo giao liên trực, nhờ họ mang hộ ba-lô. Ở chỗ anh Mười ấp Năm, ít nhất đêm còn có thể nói chuyện dông dài với đồng bào Thượng, góp nhặt vốn sống. Tôi không còn biết rảnh rỗi, phiền thế! Nếu ai giam tôi vào xà-lim một năm thì sao. Có thể tôi hóa điên. Hoặc tôi bước ra với một sức tự chủ ghê gớm. Số phận một đồng chí nằm nhiều năm dưới hầm còn khá hơn. có việc để làm, vẫn bận rộn.
- Bên ngoài, một mảnh trăng thượng tuần khiêm tốn, một cánh diều sáng chỉ tô màu hơn là chiếu soi. Tấm voan xanh lá nhạt trùm trên lá cây. Một quả núi xa coi khinh thứ ánh sáng tiểu thư ấy, đứng thành khối đen sa sầm. Rồi sương mù dâng lên và tãi ra thành tấm vải phủ màu trắng xốp, xóa chân trời, xóa những đồ thị hình sin của các đỉnh núi, trời và đất không còn ngăn cách nữa.
Lũ gián con bò chung quanh đèn, bóng của chúng cũng bò trên mặt giấy của tôi. Quấy mãi! - Người cách mạng thường nhớ đến quá khứ trong khi ốm, vì ốm mới nằm im nghỉ việc, mới không bị cuốn vào những xô bồ hằng ngày, chịu để đầu óc dừng lại một chỗ.
Trừ những lúc kể khổ hay tương tự, người ta thường thấy lại những cảnh tươi sáng của quá khứ nhiều hơn, cả anh em con nhà công nông cũng vậy. Nhớ nhà, ít ai nhớ cảnh vợ chồng lủng củng. Vì sao? Vì con người luôn luôn khao khát hạnh phúc. Trong gian khổ hôm nay họ mơ ước hạnh phúc ngày mai, nhưng trong khi chưa tưởng tượng được ngày mai ra sao, họ tạm chọn trong quá khứ những giờ phút tươi đẹp nhất, dù ít ỏi đem ghép lại thành ngày tháng của tương lai.
Vì bức tranh cuộc sống bao giờ cũng chen lẫn tối và sáng, đen và trắng. Tùy mỗi người, mỗi quãng đời mà thấy đen nhiều hay trắng nhiều. Những màu của sự quên lãng cũng là màu đen, cho nên khi bức tranh hôm nay đã lùi vào quá khứ ta quay nhìn lại chỉ còn thấy toàn chỗ trắng.
Vì gian khổ và khó khăn trong hiện tại cũng đủ nhiều rồi, người ta chỉ cần ôn lại những thử thách của quá khứ để thêm tin ở sức mình. Còn khi mơ ước, người ta chỉ muốn nhớ lại thật nhiều nét đẹp, thật nhiều mẩu hạnh phúc để cộng vào và làm to thêm phần sung sướng nhỏ bé của hiện tại...
Chú thích
1.Ống tre nhỏ có mắt ở giữa, hai đầu lắp hai nắp đựng vôi bột và thuốc lá tán bột để ăn trầu.
2.Hắc lào.
3.Ăn lấy lệ, cho phải phép.
4.Về sau anh được phong anh hùng Quân giải phóng
Trong Mưa Núi Trong Mưa Núi - Phan Tứ Trong Mưa Núi