Love is like a roller coaster,

Once you have completed the ride,

you want to go again.

Unknown

 
 
 
 
 
Dịch giả: Nhiều Dịch Giả
Biên tập: Oanh2
Upload bìa: Oanh2
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1914 / 78
Cập nhật: 2015-11-11 05:23:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Đứa Con Rơi (Sutego)
Lời người dịch
Đứa con rơi được Akutagawa Ryunosuke viết xong vào tháng bảy năm 1920. Khi tác giả được tám tháng tuổi thì mẹ ông đột nhiên mắc bệnh thần kinh nên ông được gia đình người cậu ruột (không có con riêng) đón về nuôi nấng. Từ đó, ông mang họ mẹ, Akutagawa, và được người chị dâu của mẹ ông, bà Fuki, chăm sóc. Đây là một trong những truyện ngắn tuyệt đẹp nói về tình mẫu tử.
o O o
“Ở khu phố Nagasumi[1], Asakusa có một ngôi chùa tên Shingyo. - Người khách bắt đầu kể. - Ngôi chùa này không to lớn gì lắm nhưng tương đối thuộc loại cổ nhờ có tượng gỗ của nhà sư nổi danh tên Nichiro Shonin[2]. Vào mùa thu năm Minh Trị thứ 22, người ta thấy có một bé trai sơ sinh bị bỏ trước cổng chùa. Không có lấy một miếng giấy để ghi tên chứ đừng nói đến năm sinh. Thân thể nó được cuộn bởi một miếng vải cũ kỹ và đầu nó đặt trên một chiếc dép đứt quai của phụ nữ làm gối.
o O o
Hồi đó, nhà sư trụ trì ngôi chùa là một vị lão thành tên Tamura Nisso. Một hôm khi nhà sư đang làm lễ ban sáng thì người gác cổng, cũng là một người đứng tuổi, đến báo có một đứa bé bị bỏ rơi. Đang đối diện trước tượng Phật, nhà sư hầu như không quay lại phía người gác cổng mà chỉ thản nhiên nói: “Vậy à, thôi thì ẵm nó vào đây đi”. Khi người gác cổng, vẻ mặt lo lắng, ẵm đứa bé đến thì nhà sư liền ôm nó vào lòng rồi vỗ về: “Đứa bé này thật dễ thương! Đừng khóc. Đừng khóc nữa con. Thầy sẽ nuôi con mà”. Từ đó về sau, người gác cổng, vốn có tình cảm đặc biệt với nhà sư, thường hay kể những tình tiết của câu chuyện này khi bán cây hồi[3] hoặc nhang đèn cho khách thập phương đến viếng chùa. Có lẽ anh cũng biết, hòa thượng Nisso xưa là một thợ hồ sinh sống ở quận Fukagawa. Lúc mười chín tuổi, khi đang làm việc trên giàn xây cất, lỡ trượt chân ngã, bất tỉnh một hồi rồi sau đó tự nhiên mang lòng sùng bái đạo Phật chứ hồi xưa ông ta là người hung hăng, tính nết kỳ khôi chứ không phải hiền từ gì đâu.
Rồi sau đó, hòa thượng đặt tên đứa bé là Yunosuke và bắt đầu nuôi nấng nó như con ruột vậy. Nhưng mà kể từ thời Minh Trị Duy Tân trở đi, vì nhà chùa không có phụ nữ nên nói là nuôi chứ thật sự không phải là chuyện dễ. Từ chuyện ẵm bồng cho đến chuyện cho uống sữa, một mình hòa thượng làm hết trong những lúc rảnh rỗi không phải đọc kinh kệ. À, có một chuyện này nữa. Có một hôm thằng Yunosuke, có lẽ là cảm cúm gì đó mà xui xẻo làm sao nó lại bị bệnh nhằm lúc có Phật sự ở nhà một người tên là Nishitasu, một người cúng dường rất nhiều tiền của cho nhà chùa. Hòa thượng mặc áo lễ, một tay ôm thằng nhỏ đang lên cơn sốt vào ngực, một tay lần tràng hạt thủy tinh rồi đọc kinh bình thường như mọi hôm.
Nhưng mà lúc đó thì có lẽ là trong thâm tâm hòa thượng cũng muốn cho thằng Yunosuke được gặp cha mẹ ruột của nó nếu được, vì hòa thượng tuy là người bề ngoài trông cứng rắn nhưng cũng là người giàu tình cảm. Mỗi khi hòa thượng thuyết pháp - ngay bây giờ nếu anh đến cổng chùa thì cũng sẽ thấy tấm bảng cũ kỹ ghi: “Mỗi tháng thuyết pháp ngày rằm” - hòa thượng thỉnh thoảng trích dẫn điển tích Trung Hoa hay Nhật Bản, rồi bằng một giọng chân tình mà giảng dạy rằng không quên tình mẫu tử tức là đã báo ơn Phật vậy. Tuy nhiên, biết bao nhiêu lần thuyết pháp đã trôi qua mà chưa có một người nào đến tự xưng mình là cha hay là mẹ của đứa bé. À tôi quên mất, không phải như vậy đâu. Khi thằng Yunosuke lên ba tuổi, thì chỉ có một lần thôi có một người đàn bà, mặt nám vì đánh phấn trắng quá nhiều, đến gặp hòa thượng nói mình là mẹ ruột của đứa nhỏ. Nhưng mà có lẽ bà ta định lợi dụng thằng nhỏ để làm chuyện gì đó nên khi hòa thượng hỏi kỹ lưỡng thì chỉ nghe toàn những chuyện đáng nghi ngờ mà thôi. Vì là người tính nết ngay thẳng, đàng hoàng, hòa thượng rất tức giận đến nỗi ông muốn đập bà ta một trận, nhưng thay vào đó chỉ nặng lời với bà ta một hồi lâu rồi đuổi đi ngay.
Rồi mùa đông năm Minh Trị thứ 27, lúc mà cả nước đang sôi sục trước tin đồn Nhật và nhà Thanh bên Trung Quốc sắp đánh nhau thì cũng vào ngày mười sáu, ngày thuyết pháp đó, khi hòa thượng trở về phòng riêng thì có một người đàn bà tuổi trạc băm bốn, băm lăm, dáng vóc thanh lịch dịu dàng bước theo. Trong phòng, thằng Yunosuke đang bóc quýt bên cạnh lò sưởi có ấm nước treo bên trên. Mới thấy mặt mũi thằng Yunosuke thì người đàn bà không ngần ngại liền chắp tay trước hòa thượng, rồi cố nén giọng run run bà ta nói thẳng rằng: “Bạch thầy, thưa con là mẹ ruột của đứa bé này.” Chuyện này làm hòa thượng Nisso, sững người ngạc nhiên đến nỗi không nói được một lời chào hỏi mặc dù hòa thượng vốn là người giao thiệp rộng rãi, bặt thiệp. Rồi không đợi cho phép, người đàn bà mắt luôn nhìn xuống sàn chiếu, trân trọng bày tỏ lòng cảm ơn của bà đối với hòa thượng đã nuôi dưỡng thằng Yunosuke cho đến ngày hôm nay. Bà ta nói như đã học thuộc lòng trước nhưng sự xúc động mãnh liệt trong lòng bà ta có thể thấy thể hiện trên tấm thân run rẩy của bà.
Sau khi người đàn bà nói một chập, hòa thượng giơ quạt lên ngắt lời rồi yêu cầu bà ta trước tiên hãy nói cho nghe nguyên cớ nào bà đã phải bỏ đứa bé. Nghe nói vậy, người đàn bà mắt vẫn dán vào sàn chiếu, bắt đầu kể câu chuyện như sau.
Cách đây đúng năm năm, chồng bà buôn bán gạo ở phố Tawara, Asakusa nhưng vì say mê chuyện mua bán chứng khoán không lo làm ăn nên tiêu tan cả sự nghiệp. Gia đình phải vội vàng dọn nhà xuống Yokohama như là để trốn nợ và trong tình trạng đó, thằng nhỏ mới sinh đã trở thành vướng tay vướng chân. Hơn thế nữa, xui xẻo làm sao, người đàn bà lại hầu như không có một giọt sữa cho con bú. Đêm cuối cùng phải rời Tokyo, hai người đến trước cổng chùa Shingyo, khóc nức na nức nở một hồi lâu rồi đặt thằng bé còn đỏ hỏn ở đó.
Chỉ dựa vào mối quen biết ít ỏi, hai vợ chồng không đủ sức đáp tàu lửa, đã lần đến Yokohama tìm việc. Người chồng thì làm công cho một hãng vận tải, người vợ thì làm đầy tớ cho một tiệm dệt. Trong vòng hai năm, hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn. Mùa hè năm thứ ba, chủ nhân hãng vận tải thấy người chồng làm việc thật thà và siêng năng nên cho mở một chi nhánh nhỏ nằm trên một con đường mới khai thông hồi đó thuộc khu Honmoku. Như vậy, người vợ không còn phải làm đầy tớ cho người ta nữa mà trở lại chung sống với chồng là chuyện đương nhiên rồi, khỏi phải nói.
Chi nhánh làm ăn khấm khá. Năm sau, hai vợ chồng sinh được một bé trai kháu khỉnh. Đương nhiên là ký ức bi thảm về đứa con rơi vẫn còn làm hai vợ chồng day dứt trong lòng. Đặc biệt khi người đàn bà cho đứa bé sơ sinh bú, lòng lo buồn không có đủ sữa cho con, thì bà ta nhớ lại rất rõ hình ảnh cái đêm hai vợ chồng phải rời Tokyo. Nhưng mà công việc làm ăn bận rộn. Rồi đứa bé càng ngày càng lớn. Vợ chồng rủng rỉnh có tiền gửi ngân hàng. Và như vậy thì sau một thời gian cực khổ hai người đã có được một đời sống tương đối hạnh phúc.
Tuy nhiên hạnh phúc đó không kéo dài được bao lâu. Khi cuối cùng họ mới có được nụ cười thì đầu xuân năm Minh Trị thứ 27, người chồng mắc bệnh thương hàn nằm liệt giường không đến một tuần thì ngã lăn ra chết. Nếu chỉ có chuyện đó không thôi thì bà ta cũng có thể cho đó là số phận mà vượt qua được. Tuy nhiên, cái mà bà ta không thể nào chịu nổi là sau khi người chồng chết chưa đầy trăm ngày thì đứa con đột nhiên bị bệnh kiết lỵ rồi đi theo luôn. Thôi thì bà ta khóc ngày khóc đêm như khùng như điên rồi từ đó suốt nửa năm, bà ta sống như người mất hồn vậy.
Khi nỗi buồn vơi đi một chút, chuyện bà nghĩ đến đầu tiên là đi gặp đứa con trai đầu mà bà đã bỏ hồi xưa. Trong lòng bà ta nghĩ rằng: “Nếu nó còn khỏe mạnh thì dầu có cực khổ đi chăng nữa mình cũng ráng mang về mà nuôi nấng”. Nghĩ tới đó thì lòng dạ bứt rứt không thể chần chừ, bà ta liền đáp tàu lửa đi Tokyo, vùng đất quen thuộc khi xưa, rồi đến thẳng chùa Shingyo. Lúc bà ta đến thì đúng vào buổi sáng ngày mười sáu, ngày thuyết pháp mỗi tháng.
Đến chùa, bà ta định đến ngay tăng phòng để hỏi tông tích thằng nhỏ. Nhưng khi đang thuyết pháp giữa chừng thì làm sao mà bà ta gặp hòa thượng được. Do đó bà ta phải vào chính điện đang đông nghẹt thiện nam tín nữ, bồn chồn tai lắng nghe thuyết pháp mà hồn thì để đâu đâu. Nói là nghe chứ thực sự là bà ta chỉ cầu mong cho buổi thuyết pháp xong thật sớm.
Nhưng ngày hôm ấy, hòa thượng cũng đã trích dẫn điển tích bà Liên Hoa[4] tình cờ gặp lại năm trăm người con của bà để rồi tận tình thuyết minh rằng ân tình giữa mẹ và con rất là cao quý. Bà Liên Hoa đẻ năm trăm trứng nhưng tất cả đều trôi sông đến một nước lân bang và được nhà vua nước đó nuôi nấng. Lớn lên, năm trăm chàng lực sĩ sinh ra từ năm trăm quả trứng này lại đi tấn công thành trì của bà Liên Hoa mà không biết đó là thành của mẹ mình. Nghe nói vậy, bà Liên Hoa liền leo lên đỉnh thành rồi nói vọng xuống: “Tao là mẹ của năm trăm đứa tụi bay đây. Bằng chứng đây này”. Nói xong, bà kéo vú ra rồi bằng bàn tay nõn nà bóp cho sữa chảy. Từ ngực của bà đứng trên đỉnh thành cao, sữa chia ra năm trăm dòng rót ngay vào miệng của năm trăm chàng lực sĩ, không sót một ai. Đang ngồi nghe thuyết pháp một cách miễn cưỡng, câu chuyện ngụ ngôn của nước Thiên Trúc[5] này đã làm người đàn bà bất hạnh xúc động mạnh. Chính vì vậy sau khi nghe thuyết pháp xong, mắt còn đẫm lệ, bà ta liền ra khỏi chính điện rồi theo hành lang vội vàng đến tăng phòng của nhà chùa.
Nghe xong rõ ràng đầu đuôi câu chuyện, hòa thượng Nisso gọi thằng Yunosuke ở bên lò sưởi đến để nó thấy mặt mẹ nó lần đầu tiên sau năm năm bị bỏ rơi. Có lẽ hòa thượng đã tự nhiên cảm nhận rằng những lời lẽ bà ta nói ra là thật. Bà ta ẵm thằng Yunosuke lên. Trong lúc bà ta cố đừng để tiếng khóc bật ra thì hòa thượng, một con người rộng rãi hào phóng, đang mỉm cười nhưng nước mắt thì đã lóng lánh dưới hàng mi.
Sau đó chuyện gì sẽ xảy ra thì khỏi phải nói anh chắc cũng đoán được. Yunosuke được mẹ dẫn về sống ở thành phố Yokohama. Bà ta sau khi chồng con chết, dưới sự hướng dẫn của ông chủ hãng vận tải giàu tình nghĩa, đã sinh sống bằng nghề dạy may giỏi giang của bà. Cuộc sống tuy đạm bạc nhưng không phải là cực khổ gì cho lắm”.
Sau khi chấm dứt câu chuyện dài, người khách cầm tách trà lên nhưng không uống mà nhìn thẳng vào mặt tôi rồi nói giọng trầm buồn:
- Đứa con bị bỏ rơi đó chính là tôi đây.
Tôi yên lặng gật đầu, rót thêm nước nóng vào bình trà. Mặc dù đây là lần đầu tiên tôi gặp người khách, tôi cũng đã mường tượng được rằng câu chuyện dễ thương về đứa con bị bỏ rơi này là chuyện thật về cuộc đời thủa thơ ấu của bạn Matsubara Yunosuke.
Im lặng một chặp, tôi hỏi người khách: “Bây giờ mẹ anh vẫn khỏe mạnh chứ?” thì tôi nhận được câu trả lời ngoài dự đoán: “Không, mẹ tôi mất cách đây hai năm. Nhưng mà người phụ nữ mà tôi kể cho anh nghe không phải là mẹ ruột của tôi đâu”.
Thấy tôi ngạc nhiên, người bạn mắt hơi lộ vẻ hóm hỉnh kể:
“- Đương nhiên là chuyện người chồng mở tiệm gạo ở phố Tawara, Asakusa, hoặc chuyện hai người đến Yokohama rồi sống lận đận ở thành phố này là chuyện có thật. Tuy nhiên chuyện bỏ con là chuyện bịa đặt mà sau này tôi mới biết được. Số là đúng một năm trước khi mẹ tôi mất, do công chuyện làm ăn - như anh đã biết, nhà tôi mua bán chỉ vải - tôi đã đi khắp các phố ở huyện Niigata. Lúc đó tôi có dịp đi cùng chuyến tàu lửa với một người chủ tiệm bao bì, láng giềng của mẹ tôi khi bà cư ngụ ở phố Tawara. Theo lời ông ta kể, mặc dù tôi không có hỏi, thì hồi đó mẹ tôi sinh được một đứa bé gái nhưng đứa bé sơ sinh này lại chết đi trước khi mẹ tôi đóng cửa tiệm. Rồi sau đó khi tôi trở về Yokohama, không cho mẹ tôi biết, tôi liền xin bản sao của tờ khai hộ tịch mà xem thì đúng như là ông chủ tiệm bao bì nói, đứa bé sinh ra lúc mẹ tôi cư ngụ ở phố Tawara là đứa bé gái nhưng ba tháng sau thì mất. Không biết mẹ tôi đã suy nghĩ như thế nào mà đặt ra chuyện bỏ con để nuôi dưỡng tôi, một đứa bé không phải là ruột thịt của bà. Rồi trong vòng hơn hai mươi năm qua, bà đã tận tụy nuôi dưỡng tôi nhiều khi quên cả ăn ngủ.
Lý do nào mà bà đã làm như vậy. Tôi đã suy nghĩ về câu hỏi này không biết bao nhiều lần rồi. Nhưng mặc dù tôi không thể biết hết sự thật, tôi nghĩ một lý do thỏa đáng nhất là những lời giảng dạy của hòa thượng Nisso đã làm cho mẹ tôi, một người vợ góa chồng và một người mẹ mất con, hết mực cảm động. Tôi nghĩ có lẽ là mẹ tôi, khi nghe những lời thuyết pháp đó, đã quyết định đóng vai thế cho người mẹ ruột của tôi mà tôi không hề biết. Có thể bà nghe chuyện tôi bị bỏ rơi ở chùa từ khách vãng lai. Cũng có thể bà nghe từ ông lão gác cổng chùa”.
Người khách ngừng kể một chút rồi với cặp mắt như nghĩ ngợi xa xôi, nâng tách trà lên rồi hớp một ngụm như chợt nhớ ra có tách trà trước mặt mình. Tôi liền hỏi tiếp:
- Như vậy thì anh có nói với mẹ anh rằng anh không phải là con ruột… hay là anh biết chuyện anh không phải là con ruột không?
- Không. Tôi không có nói như vậy. Bởi vì nói như vậy thì tội nghiệp cho mẹ tôi quá. Cho tới khi mẹ tôi mất, bà cũng không hề nói với tôi về chuyện đó. Có lẽ mẹ tôi cũng nghĩ rằng nói ra thì chỉ tội cho tôi mà thôi. Thật tình mà nói, kể từ khi tôi biết tôi không phải là con ruột của bà, tình cảm của tôi đối với bà đã thay đổi nhiều lắm.
Tôi nhìn thẳng vào mắt người bạn:
- Thay đổi là thay đổi như thế nào?
- Tôi yêu thương mẹ tôi nhiều hơn trước. Từ khi biết được bí mật đó, là đứa con rơi, tôi đã nghĩ là bà cao cả hơn những người mẹ bình thường khác.
Người khách chân tình trả lời. Như thể không biết rằng chính anh cũng là một người con hiếu thảo hơn những người con bình thường khác.
(1920)
Nguyễn Ngọc Duyên dịch
Chú thích:
(1) Hiện nay là Nagasumachi, quận Taito, Tokyo. Nơi đây có nhiều chùa thuộc hệ Nichiren (Nhật Liên) nhưng không có chùa nào tên Shingyo.
(2) Nhichiro Shonin (1243-1320) là một nhà sư trứ danh thời Kamakura.
(3) Tên Nhật là “shikimi” hay “shikibi” (tiếng Anh là “Japanese star anise”), một loại cây được các nhà sư Nhật Bản mang từ Trung Quốc về. Vì cây có mùi thơm nên vỏ cây được dùng làm nhang và người Nhật thường dùng nhánh cây hồi có bông vàng nhạt để dâng cúng và tỏ lòng kính trọng đối với người chết.
(4) Bà Liên Hoa là một bà tiên theo truyền thuyết Ấn Độ, đi đến đâu thì hoa sen nở đến đó.
(5) Thiên Trúc là nước Ấn Độ bây giờ. Tức là nơi Đức Phật ra đời, nên gọi nước Phật là nước Trúc (theo Hán Việt Tự Điển của Thiền Chửu).
Trinh Tiết Trinh Tiết - Akutagawa Ryunosuke Trinh Tiết