Dịp may ưu ái những ai can đảm

Publius Terence

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5867 / 63
Cập nhật: 2016-06-23 09:39:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 22
hưng cái chết của George Tạo không giản dị như cái chết của Tony Phước dù bọn Lương con đã khôn khéo tạo ra một cảnh say rượu đụng xe vào cột đèn. Tôi bị bắt trước tiên. Người ta khai thác sự thật bằng ánh đèn cực mạnh, bằng đủ lời dọa dẫm. Tôi nhớ rõ ràng tôi chỉ được thưởng thức một cái tát. Ông Phó quận trưởng cảnh sát đã vung tay tát tôi. Tôi nghĩ thầm rằng vụ này chấm dứt, kẻ tát tôi sẽ bị trả giá rất đắt. Phe nhà George Tạo chủ trương khai thác tôi để biết đích danh hung thủ giết George Tạo. Phe nhà Tony Phước sợ tôi không chịu nổi đòn tra tấn, đổ thừa cho họ nên ráo riết vận động để tôi khỏi bị tống giam vào Chí Hòa. Hai phe ngấm ngầm hại nhau.
Cuối cùng, tôi vẫn bị còng tay, đẩy lên xe cây từ cảnh sát cuộc ra tòa án rồi từ tòa án vô khám Chí Hòa với cái tội hết sức ngô nghê “Nữ chúa rằn ri sa lưới chính quyền trong khi đang chỉ huy đàn em cướp giật ở Gia Định”. Báo chí răm rắp đăng tin này với hình ảnh tôi do cảnh sát cung cấp. Tôi được giam chung với bọn đàn bà giết chồng và bọn tú bà, đĩ điếm. Một tháng trời sống ê chề khốn khổ, tôi nhận nhiều đồ tiếp tế của Huy và của rất nhiều người tôi không biết. Huy tìm cách vào thăm tôi. Giữa hàng rào sắt mắt cáo, chị em tôi nhìn nhau. Tôi không khóc. Nhưng Huy khóc. Nó biết rõ tội của tôi không phải là tội cướp giật. Nó đau khổ vì cuộc đời chính thức công nhận tôi là nữ chúa rằn ri. Rồi tôi cũng thoát khỏi bốn bức tường nhơ bẩn của nhà tù. Ông Bộ trưởng L. can thiệp cho tôi ra, không bị tòa xửa án. Trên mặt pháp lý, tôi vẫn là công dân lương thiện có quyền bầu cử và ứng cử quốc hội. Ông Bộ trưởng L. tặng tôi cho tôi một số tiền. Tôi lấy. Ông ta cám ơn tôi đã thương yêu Tony Phước. Tôi trở về căn phòng trên lầu nhì bin-đinh Núi Trắng sống những ngày tháng nối tiếp.
Lương con tìm đến tôi trước nhất. Nó ngưỡng mộ tôi:
- Chị xứng đáng là đàn chị.
Tôi hỏi nó:
- Các chú đã tiếp tế cho tôi?
Lương con hãnh diện:
- Đi “tắt” cho chị là bổn phận của chúng em. Chị không can đảm chịu đòn, chị không thương chúng em thì đời chúng em xuống dốc rồi.
Tôi nghĩ tới cái tát, tới sự đối xử ở phòng tạm và một tháng sống trong tù ngục. Mà xót xa. Nhưng tất cả đến với tôi đều vô nghĩa. Lần chiụ đựng cha dượng tôi thỏa mãn thú tính, lần nạo nhau sau khi phá thai còn đau đớn gấp nghìn lần. Cái chết của Lê Vũ, của Tony Phước, của George Tạo nào có thấm thía gì. Nhiều đứa khác cần chết theo Tony Phước, George Tạo.
- Bây giờ, em tình nguyện làm đàn em của chị.
- Để làm gì?
- Để chị sai bảo. Ăn hít mãi cũng buồn. Đấm đá, đâm chém cho vui.
- Chú không học hành à?
- Tởm học rồi.
- Sao lại tởm?
- Em dạy thằng thầy của em nhảy đầm, hướng dẫn nó đi ăn chơi thì thuốc nào ngồi nghe nó giảng bài!
- Còn những thằng thầy khác chứ?
- Ối dào, hình như chúng nó giống nhau tuốt tuột. Ở lớp đạo đức ra rít. Về nhà chứa bạc, đánh xì, vợ lấy xâu, con đứng hóng để được khứa sai vặt.
- Bố chú không nói gì chú hả?
- Ông bô mải lập sự nghiệp để đời đời. Bà bô lo áp phe mần xìn. Mình rán lo thân mình đi ăn hít.
Lương con ăn nói như vậy. Sự sa ngã của nó khác sự sa ngã của tôi. Tôi đi làm vũ nữ, đi làm nữ chúa rằn ri vì bị cuộc đời xô đẩy.
Lương con tự nhảy vào sa mạc để tự thiêu. Nó đổ vạ gia đình, học đường khiến nó phát tởm. Nó sung sướng hơn tôi. Bởi vì, nó tởm cuộc đời, đâm ghét bỏ cuộc đời.
Còn tôi, tôi bị cuộc đời ghét bỏ mới đâm tởm cuộc đời.
- Những ngày chị nằm “ấp”, báo chí viết về chị khiếp quá.
- Viết những gì?
- Như một giặc cái.
Tôi phá ra cười. Lương con cũng cười.
- Chị thật sự nổi tiếng rồi... Du đãng Sàigòn tôn chị làm thần tượng. Nội cái vụ chị không khai tụi này, chúng phục lăn.
- Thế hả?
- Dạ. Những dân chì đều khai hết. Chị là đàn bà mà chịu đòn giỏi, dân chì nhiều đứa xấu hổ. Có thằng giải nghệ rời khỏi vùng trời giang hồ rồi.
Thật buồn cười. Bọn Lương con đã tưởng tôi bị ăn đòn đau lắm.
- Tụi nó có tra điện không?
- Có.
- Đi tầu bay không?
- Có đủ hết.
- Vậy mà chị nín thinh?
- Tôi còn chửi tụi nó nữa. Này Lương con...
- Dạ!
- Bọn chú đông chứ?
- Du đãng công tử hay du đãng chuyên nghiệp em đều quen hết. Chị cần làm loạn thành phố chăng?
- Hãy làm một việc thôi.
- Việc gì?
- Thộp cổ tên cò phó quận X, bớp tai nó vài cái trước mặt nhiều người.
Lương con nhận công tác một cách hả hê. Ngày hôm sau, đọc nhật báo Đối Lập, tôi thấy ngay kết quả. Trong mục “Từ thành đến tỉnh”, nhà báo loan tin ông cò phó bị hành hung với cái tít khá mỉa mai “Du đãng đùa bỡn cả cò lớn”. Chẳng bao lâu, tiếng tăm tôi lẫy lừng. Châu Kool! Hai tiếng này được nhắc nhở bằng đủ ý nghĩa. Dân dao búa: kính phục. Dân lương thiện: khinh bỉ. Nhà báo: hài hước. Nhà nước: miệt thị. Thế giới nhỏ của Trần thị Diễm Châu đã bị xóa mờ. Bây giờ, chỉ còn thế giới lớn của Châu Kool. Chẳng hiểu lịch sử của những người rời bỏ vùng tăm tối bước ra ánh sáng vinh quang có nỗi bất ngờ như nỗi bất ngờ của tôi hay không? Một đứa con gái hiền lành nhảy lên địa vị nữ chúa rằn ri. Ngồi mà nghĩ mới thấy cuộc đời y hệt một vở cải lương hạng bét. Phải đóng trọn vẹn vai trò của mình. Tôi đã lên sân khấu rồi. Thì chịu khó múa may chứ sao. Đôi lần, nhớ Thanh Triều ghê gớm. Muốn gặp anh ta để hỏi rõ tại sao anh ta cố tình tránh tôi. Hồ Hải đã thật sự rời cuộc sống bin-đinh.
Hôm qua, nàng viết thơ cho tôi, kể lể nhiều tâm sự: “Châu ạ, tao thuê một căn nhà nhỏ sống ấm thầm với một người giúp việc đứng tuổi. Tao bỏ vũ trường rồi. Chưa biết nên làm nghề gì vì tao còn nhiều tiền dành dụm. Gái nhảy có học là gái nhảy biết tính con đường từ biệt ánh đèn màu trước khi ánh đèn màu chê bỏ mình. Chúng ta không thể trở thành điếm già được. Tao rất vui khi biết mày có nhiều tiền gửi băng. À, Châu ơi, tao và Thanh Triều thân nhau lắm nhưng vẫn chưa có chuyện gì. Tao không thể nói yêu Thanh Triều được. Tao sẵn sàng ngả vào lòng Thanh Triều sau một lời ngắn ngủi “Anh yêu em”. Tại sao gã nhà quê ấy cứ câm như hến? Tao chờ đợi. Đợi chờ. Nhìều lúc, mang tâm sự của anh chàng Linh trong “Đợi Chờ” của Khái Hưng. Và tao đã ứa nước mắt. Mày ngạc nhiên thấy tao khóc hả? Chỉ nghĩ đến tình yêu và người ta tuyệt vọng người ta mới có thể khóc được. Mày nổi tiếng quá. Tao biết có ngày mày nổi tiếng như hôm nay. Nhưng Châu ơi, mày thương tao, mày đừng ruồng rẫy tao, mày hãy nói với Thanh Triều giùm tao là tao yêu Thanh Triều, tao muốn làm vợ Thanh Triều.
Chiều chiều, nhìn bếp lửa, tao cảm thấy tâm hồn tao ấm áp vô cùng. Bao nhiêu năm, thò bàn tay lười biếng qua cái cửa hé mở, lôi chiếc gà men cơm canh nguội, nay mới biết hương vị nồi cơm nóng hổi. Tao thèm nghe con nít khóc, thèm tiếng nôi đưa kẽo kẹt, thèm ru con ngủ. Mày thương tao, giúp tao đi. Châu ơi, tao sẽ ra sao nếu Thanh Triều yêu một người con gái khác? Mày sẽ nghĩ gì nếu Thanh Triều không yêu tao? Mày dùng quyền uy nữ chúa của mày bắt nó phải lấy tao đi! Tao không cần làm người lý tưởng, chỉ cần làm vợ Thanh Triều thôi...”
Bức thư của Hồ Hải khiến tôi phải băn khoăn suốt tuần. Tôi gọi dây nói cho Thanh Triều. Luôn luôn, anh ta không có ở tòa soạn, Hồ Hải nghi ngờ tôi yêu Thanh Triều. Nàng viết thế là tôi thừa hiểu. Tôi phải chứng minh điều này. Tôi sai Lương con tìm Thanh Triều.
Anh ta ra miền Trung làm phóng sự. Tôi đến nhà Hồ Hải, cam kết với Hồ Hải rằng sẽ “bắt” Thanh Triều lấy Hồ Hải. Tôi gửi con tôi cho Hồ Hải trông nom. Thỉnh thoảng tôi tới nghe Hồ Hải ru con nít ngủ, nghe tiếng nôi kêu, ngửi khói bếp và thưởng thức hương vị cơm nóng. Khung đời của Hồ Hải đấy. Khung đời của một gái nhảy nổi tiếng đấy. Đàn bà, dẫu làm bất cứ nghề gì, gái nhảy hay thủ tướng, tôi chắc đều có lúc chán tất cả. Để thích một điều duy nhất: làm nội trợ giỏi, hầu hạ, săn sóc chồng con. Đến bao giờ tôi thu hẹp đời tôi trong khung đời mơ ước của Hồ Hải? Chắc chẳng bao giờ đâu. Vì chính tôi, tôi cũng không hiểu tôi đã muốn gì. Cuộc đời một người con gái chỉ vá víu lành sau một trận giông tố. Cuộc đời tôi thì quá nhiều giông tố. Bóng râm trải nhẹ trên mặt đường nhựa nóng bỏng, chưa kịp làm nhựa đường thôi chảy đã bị cơn nắng khác bóc đi tàn nhẫn. Và gay gắt hơn những cơn nắng trước. Hạnh phúc đến tìm tôi như con thiêu thân tìm bóng đèn sáng. Nó đến rồi nó chết. Nó chết vô lý làm tôi hết cả xúc động. Nó làm cho tôi buồn cười. Tôi còn cười được, tôi còn thích nhìn thiêu thân lăn xả vào bóng đèn sáng. Có lẽ, mình còn cười tức là trái sầu đau chưa chín muồi. Hãy đợi trái sầu rụng đi. Khi nó rụng, cuộc đời sẽ hết Tony Phước, George Tạo... Lúc ấy mình vẫn làm nữ chúa rằn ri thì buồn biết mấy. Tôi không hiểu làm sao bọn du đãng có hình tôi. Chúng đã thu cái hình thật nhỏ, lồng vào dây chuyền đeo lủng lẳng trước ngực giống hệt những cô cậu đeo hình các tài tử, ca sĩ ngoại quốc. Một cái “fan” những người ái mộ tôi. Không, một đảng Châu Kool thành hình không cần xin giấy của Bộ Nội vụ. Báo chí đã bình luận cái hiện tượng “những thanh niên đeo hình nữ chúa rằn ri Châu Kool”.
Tôi không hề biết đầu đuôi cái hiện tượng “Đảng Châu Kool”. Nhật báo Đối Lập đã đăng trang nhất loại bài khảo luận về hiện tượng này. Châu Kool bỗng trở thành đề tài ăn khách. Độc giả mua báo, theo dõi tay ký giả đã huyền thoại hóa cuộc đời ái tình và sự nghiệp của tôi. Năm ngàn bạc một cuộc phỏng vấn dài mười phút. Nhà báo treo giá, tôi chê bỏ. Báo Đối Lập đánh hơi tài tình. Họ biết hết bí mật ba cái chết Lê Vũ, Tony Phước, George Tạo. Chỉ cần tôi xác nhận đúng như nhận xét của họ bằng một câu ngắn để họ thu vào băng nhựa, là tôi có món tiền lớn. Và họ đầy đủ bằng chứng tố cáo sự thối nát của chế độ. Nhật báo Đối Lập dồn tôi vào chân tường. Họ báo trước với độc giả sẽ đăng thiên hồi ký của tôi. Chính tôi sẽ vén màn bí mật hai cái chết “lớn” của con hai ông lớn. Buổi chiều báo phát hành, buổi tối tôi bị bắt nhốt ở cảnh sát cuộc. Chính quyền dọa nạt tôi. Tôi ngạc nhiên về lý do bị bắt. Tôi giải thích và cam đoan chưa viết gì cho báo Đối Lập, dù báo này hứa trả ngay tôi món tiền lớn. Tôi được trả tự do vào chiều hôm sau và phải viết lời thanh minh để cảnh sát gửi đăng khắp các nhật báo. Dù vậy, báo Đối Lập cứ bịa đặt bài, ký tên tôi. Báo bán chạy như tôm tươi. Tôi bị bắt. Nhật báo Đối Lập bị tòa án ra lệnh đình bản vô thời hạn. Tôi là kẻ đứng đơn thưa. Nhà nước lợi dụng tôi, hạ nhật báo Đối Lập. Lý do đã đưa nhật báo Đối Lập xuống dốc một cách thê thảm: “Không đóng cửa anh vì anh chống tôi mà đóng cửa anh vì anh không đủ tư cách làm báo”.
Nhật báo Đối Lập bị đóng cửa, bị truy tố ra tòa về tội đồng lõa với bọn du đãng cướp giựt. Người ta lôi ở đâu ra những thằng đầu trâu mặt ngựa. Chúng đeo dây chuyền có hình tôi. Trước vành móng ngựa, bọn này khai vanh vách rằng, tôi đã ra lệnh cho chúng đi cướp giật. Công tố viện lên án gay gắt. Ông dẫn chứng những hiện tượng du đãng ở Âu châu, Mỹ châu cùng những hậu quả tai hại của nạn du đãng lộng hành rồi xin tòa hãy vì xã hội trừng trị gắt gao bọn tôi. Như một vở kịch học thuộc lòng trước khi lên sân khấu diễn xuất, ông chánh án tuyên phạt tôi ba tháng tù ở về tội đồng lõa. Những tên kia, mỗi đứa hai năm. Chủ mưu, ra lệnh mà trở thành đồng lõa. Tòa án còn thương tôi lắm. Nhưng tôi biết rõ vì sao các ông thương tôi. Chuyện áo cơm, địa vị, danh vọng nhiều khi làm đảo tung lương tâm con người. Tôi tội nghiệp những người đã ngồi xử tôi “xuyệc com-măng”. Lương con đứng chờ tôi ngoài hành lang tòa án. Lúc tôi bị còng tay chung một chiếc còng số chín với một chú nhỏ can tội móc túi, bước từ xe bít bùng xuống, tôi đã trông thấy nó. Rồi lúc rời phòng xử, ra xe, leo lên về khám Chí Hòa, nó đã “vận động” với cảnh sát, đi cạnh tôi.
Nó trao cho tôi gói quà và nói nhỏ: “Chúng nó cố tình hại chị, mấy thằng khốn nạn ở trại Tế Bần nhận việc này để được tha bổng, em sẽ giết chúng nó”. Nước mắt Lương con ứa ra. Lần đầu tiên tôi biết một đứa bị cuộc đời khinh bỉ, thương xót tôi. Lương con chưa hư hỏng. Lương tâm nó còn lành lặn. Nó cao đẹp hơn những kẻ nhận lệnh lên án tôi và đầy tôi vào tù ngục. Tôi vỗ vai Lương con, cảm động: “Ba tháng sau, chị sẽ giúp em, chị sẽ cho em nhiều thứ mà chưa ai cho em cả”. May mắn cho tôi là tôi bị xộ khám sau năm ngày nhật báo Đối Lập bị đóng. Thành thử, báo chí, trừ những tờ chính phủ, không loan tin gì có hại cho danh dự của tôi. Dư luận càng nhắc nhở tôi hơn vì tôi dám chống chính phủ. Những đàn em không bao giờ tôi biết mặt chiêm ngưỡng tôi mãnh liệt, cuồng tín hơn. Lương con được bầu làm phó đảng trưởng Đảng Châu Kool, toàn quyền ra lệnh. Chính Lương con đã chỉ huy một bọn thanh toán mấy tên du đãng hèn hạ. Bản án treo trước ngực mấy tên này gồm mấy câu sắt thép: “Du đãng không làm chỉ điểm, du đãng đi chém mướn nhưng không ai thuê nổi du đãng hại anh em trong vùng trời giang hồ. Kẻ hại người cùng nghề sẽ bị xử tử”. Lương con thuật cho tôi nghe đầy đủ chuyện bên ngoài. Nó ghi cả bản án nhét trong ổ bánh mì tiếp tế cho tôi. Tôi không có ý kiến gì. Những cái chết trong bóng tối của mấy thằng du đãng khốn nạn không được ánh sáng của công lý chiếu rọi. Người ta mong chúng chết đi. Coi như chúng nó bị tù ba năm và đã chết rũ trong tù. Những cái chết ấy rất... cuộc đời. Nó dạy những kẻ sống sót phải thận trọng. Luật đời không có điều thương xót ân hận. Đứa ngu dại hãy chết cho đứa khôn ngoan khỏi lo lắng.
Lần này, khám Chí Hòa không biệt đãi tôi nữa. Tôi phải cạo đầu, mặc áo tù có số. Bọn giám thị thẳng tay đối xử. Phạm nhân đều bình đẳng ở khám, giầu hay nghèo cũng thế. Nhưng đó là câu... cách ngôn đầu lưỡi tương tự câu “người giầu và nghèo đều bình đẳng trước pháp luật”. Nếu ta có chút tiền dúi vào túi bọn giám thị ta sẽ sống thảnh thơi hơn nhiều. Lương con đã dúi tiền vào túi bọn giám thị. Tôi dễ thở. Bọn giám thị bỏ quên tôi, không hề sai phái, hạch sách, chửi bới. Khốn nỗi, tôi phải sống chung một với những người cùng số phận. Tôi đau đớn nỗi đau đớn chung. Nghe giám thị chửi bạn tù của mình tôi tưởng chừng chúng nó chửi tôi.
Và rồi, dù muốn dù không, tôi vẫn phải chia nỗi nhục nhằn chung với mọi người. Phòng nhốt chúng tôi, toàn là những tội nhân đã có án tòa. Được sống ở đây, lòng tôi dịu lại. Nỗi tủi cực của bất cứ một bạn tù nào cũng to lớn hơn tôi. Nhưng họ lại tội nghiệp tôi, họ không biết xã hội hắt hủi họ hơn tôi. Chỉ vì họ ngu dốt. Người có học hay suy tư. Càng suy tư càng thấy khổ. Nếu chấp nhận nổi sự khổ sở, có lẽ, mình bớt se sắt. Bạn tù của tôi không hề bất mãn xã hội. Họ đổ vạ tại trời. Trời bắt mình đày đọa, mình rán mà chịu. Giản dị thế đó. Dần dà, tôi quen cảnh sống gần như thú vật ở cái phòng của tôi. Những bi cảnh mở tung đồ tiếp tế khám xét, chuối chặt đứt thành những khúc vụn, bánh mì bẻ nhỏ. Để nữ tù khỏi thủ dâm. Một đôi lần, giám thị khám phá ra gói hạt é, bọn họ chửi bới kẻ nhận đồ tiếp tế thậm tệ và đối xử thật khắc nghiệt. Chỉ cần dúm hạt é bọc trong miếng vải nhúng nước, hạt é sẽ nở căng. Và người tù đàn bà có thể thỏa mãn thú tính. Ghê tởm thật đấy, dã man thật đấy, nếu ta sống thảnh thơi bên ngoài tường thành của khám lớn. Ta sẽ buồn mửa, sẽ giận tím gan. Và nếu ta là nhà đạo đức, nhà làm luật, ta sẽ lớn tiếng đánh trận giặc dâm tính của bọn tù cấm cố. Nhưng hãy sống trong bóng tối của tù ngục, ăn cơm hẩm và chẳng phải làm gì cả ngoài công việc đếm ngày tháng trôi đi bằng những vết gạch trên tường dơ ta sẽ bị thú tính nó chinh phục, và ta sẽ làm việc đê tiện như bọn tù: Thủ dâm, giao hợp đồng tính. Bấy giờ nhà đạo đức, nhà làm luật sẽ thay đổi quan niệm hoặc cải tạo chế độ ngục tù. Thoạt đầu, thấy bạn tù hành động súc vật như thế, tôi ngấm ngầm phản đối. Rồi đánh chấp nhận vì tôi biết người ta đã sống “nhàn hạ” ở phòng giam ròng rã mấy năm trời. Con người bị đối xử như con vật thì nó không khác gì con vật cả. Cuộc đời bên ngoài của tôi tuy tôi cảm thấy nó vô lý, nó nhục nhằn nhưng chưa thấm gì với nỗi nhục nhằn trong này. Nhiều bạn tù kể cho tôi nghe tâm sự của họ. Tôi bỗng muốn làm một cái gì khác hơn là nữ chúa rằn ri. Một phút hiếm hoi, tôi chợt nghĩ xã hội thối nát mà mình làm cho nó thối nát hơn, xã hội lung lay mà mình đạp cho nó đổ vỡ hẳn rồi đứng vỗ tay cười, có lẽ, mình quá ích kỷ. Nhưng tôi làm được gì? Mọi người chắc đều nghĩ như tôi, mình cô đơn, lẻ loi, mình làm được gì? Phút hiếm hoi biến mất. Tôi mới rõ điều mà người ta luôn luôn nhắc trong những bài báo ở đây điều mà người ta gọi là “dấn thân” chỉ là sự dấn thân hão huyền, dấn thân cửa miệng hoặc dấn thân để đạp đổ.
Ba tháng trời sống ray rứt,băn khoăn, tôi đâm ra lo lắng cho tương lai. Tôi nhớ con trai tôi vô cùng. Và, tự dưng, nước mắt tôi ứa chảy vào đêm cuối cùng trước khi rời tù ngục.
Trần Thị Diễm Châu Trần Thị Diễm Châu - Duyên Anh Trần Thị Diễm Châu