If you love someone you would be willing to give up everything for them, but if they loved you back they’d never ask you to.

Anon

 
 
 
 
 
Tác giả: Tony Blair
Thể loại: Tùy Bút
Nguyên tác: A Journey : My Political Life
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1655 / 31
Cập nhật: 2016-06-09 04:39:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 21: Ra Đi
huỗi ngày tháng đó rất nặng nề, đặc biệt là với gia đình tôi, một đám mây bất an treo lơ lửng lúc nào cũng chực rơi xuống đầu họ. Gia đình, đặc biệt là gia đình trẻ, luôn mang một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng và mật thiết nhưng lại tách rời một cách kỳ lạ với công việc của một Thủ tướng. Họ chứng kiến những sự kiện xảy ra, họ tham gia vào những khoảnh khắc vui buồn, nhưng luôn cảm thấy giống như kẻ ngoài cuộc, bởi rõ ràng họ không thể tham gia hỗ trợ chính sự khi cần.
Họ đứng ngoài những nỗi đau và áp lực khủng khiếp của một Thủ tướng nhưng không tránh khỏi những ánh mắt dò xét. Tuy họ nhìn thấy những điều bạn đang trải qua, nhưng ở một mức độ nào đó, mọi thứ vẫn kín bưng với họ và chính điều đó mang lại cho họ cảm giác trống rỗng lạ lùng, một chút lỡ cỡ, bởi họ là một phần không thể thiếu của cuộc đời Thủ tướng nhưng không bao giờ được tham gia hoàn toàn vào nó.
Khi chúng tôi mới đến Phố Downing, chúng tôi là gia đình trẻ nhất từng sống ở đó, kể từ thời Lord Russell vào những năm 1850 và 1860, khi ngôi nhà này được sử dụng vào mục đích cho các gia đình Thủ tướng. Thời đó, nó không được dùng vào mục đích công và cũng không thực sự là nơi làm việc. Ngày nay, Phố Downing là một con phố đông đúc, tấp nập, với những tòa nhà Chính phủ san sát nhau và hàng trăm nhân viên. Tính biểu tượng của địa chỉ nổi tiếng nhất ở Anh cho thấy nó là nơi trú ngụ của quyền lực. Giờ đây, nó được sử dụng chủ yếu làm văn phòng làm việc, tiếp đến là phục vụ mục đích gia đình.
Việc lũ trẻ có mặt ở Phố Downing một mặt rất tuyệt vời, nhưng mặt khác, nơi này hoàn toàn chưa chuẩn bị để đón chào chúng. Khi Leo đến đây, thằng bé là đứa trẻ duy nhất trong tòa nhà, điều này mang lại nhiều niềm vui cho mọi người và các nhân viên ở đây, họ rất yêu quý thằng bé, nhưng nơi này không phải là nhà trẻ. Mặc dù tôi chưa bao giờ đánh giá tính kỳ cục của việc lũ trẻ phải lớn lên ở phố Downing, nhưng chúng tôi vẫn xử lý mọi việc được êm xuôi. Ngoài ra, Chequers là nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời, sau những ngày mệt mỏi ở phố Downing. Không có nơi đó, quãng thời gian tôi tại vị sẽ rất khác và tồi tệ hơn rất nhiều.
Tôi sống ở căn hộ Số 10. Chúng tôi sửa sang lại nhà bếp, điều vô cùng cần thiết, nhưng bất kỳ việc tu sửa nào cũng luôn nảy sinh những “chuyện ngồi lê đôi mách về chi phí xung quanh” – các nhà thầu phải làm việc với những quy tắc đặc biệt – và ”tiêu xài hoang phí”. Mọi người từng rất ngạc nhiên khi chúng tôi không có đầu bếp nhưng đó là do chúng tôi thích vậy. Căn nhà sẽ yên tĩnh và riêng tư hơn, mặc dù thư ký, viên chức Nhà nước và người đưa thư vẫn thường xuyên ghé qua. Tuy nhiên, những người làm việc ở Phố Downing đều rất thân thiện, thoải mái và giúp đỡ chúng tôi rất nhiều cũng như san sẻ gánh nặng trên vai tôi, một Thủ tướng. Họ không bao giờ bàn luận về việc đó; nhưng bạn có thể cảm nhận được sự giúp đỡ rất nhẹ nhàng và chân thành mà họ dành cho tôi.
Căn nhà Số 10 lớn hơn bạn nghĩ với một số phòng trống ở phía trên hai tầng chính, dành để làm phòng khách và phòng ngủ. Từ tầng thượng của căn nhà, bạn có thể bao quát toàn cảnh từ phố Downing đến quảng trường Horse Guards và công viên St Jame’s. Tôi thường tập thể dục bằng máy chạy bộ, máy đua thuyền và tập tạ. Nicky có một phòng riêng để bộ trống của thằng bé, cùng với những chiếc guitar của tôi và thỉnh thoảng chúng tôi lẻn lên tầng thượng chơi nhạc cùng nhau và không nghi ngờ gì nữa, tạo nên những âm thanh kinh khủng nhất.
Bằng cách nào đó và có lẽ chủ yếu là nhờ Jackie “phi thường”, người đã ở bên gia đình tôi từ năm 1998, gia đình trẻ chúng tôi đã vượt qua thời gian bên nhau trong những năm tháng mới về sống chung và chào đón sự ra đời của Leo và những năm đầu tiên của thằng bé ở trường tiểu học. Hơn lúc nào hết, bạn là chính mình khi ở bên gia đình – bạn thể hiện sự giận dữ tột cùng, yêu thương tột cùng, cảm thấy ngột ngạt tột cùng và tận tụy tột cùng. Bạn không thể thể hiện sự ích kỷ trong gia đình. Bạn có thể muốn như vậy, nhưng cuối cùng lại tự kéo mình khỏi những nhu cầu, cái tôi của bản thân để gắn bó với những người thân. Ở gia đình, hầu như không tồn tại khoảng cách, khác biệt, sự phân biệt tính cách rạch ròi – người này tốt, người kia xấu – mà chưa được khám phá, rất ít ảo tưởng và còn ít cả sự tưởng tượng hơn. Mỗi chúng ta ai cũng phải trải qua những khoảnh khắc tốt nhất và tệ nhất của đời người. Cuối cùng, quan trọng nhất là bạn phải tha thứ cho những kẻ xâm phạm đến mình để nhờ đó bạn cũng có thể được tha thứ. Và chỉ thỉnh thoảng, bạn cảm nhận được sức mạnh của gia đình trong những giờ phút quan trọng và rằng đó là thành tựu kỳ diệu của con người và với tất cả hạn chế, nỗi lo lắng, sự căng thẳng, nó đáng được trân trọng.
Chúng tôi có những ngày tháng gắn bó với ngôi nhà Số 10 phố Downing và trải qua một khoảng thời gian tuy có lúc khó khăn ở nơi đây. Nhưng sự căng thẳng khi sống ở đây đã phản ánh về con người chúng tôi theo những cách khác nhau.
Vai trò của người vợ/chồng của một chính trị gia cần sự suy ngẫm cẩn trọng. Trước đây, người đàn ông đảm nhận vị trí trụ cột và là lao động chính của gia đình còn người phụ nữ thì không. Ngày nay, phụ nữ cũng làm việc. Đối với những phụ nữ đi làm, mọi việc luôn rất khó khăn và Cherie, vợ tôi cũng vậy. Theo tôi, cô ấy đã chọn tiếp tục là người phụ nữ theo đuổi sự nghiệp của bản thân hơn là trở thành vợ của chính trị gia. Khi nhìn lại, tôi không chắc rằng điều đó có thể hay không, căn cứ vào mức độ “soi mói” của công luận ngày nay.
Cherie đã cố duy trì những hoạt động cũ nhưng điều đó rất khó. Có rất nhiều việc cô ấy không thể tiếp tục vì chúng khá nhạy cảm đối với chính trị. Cô ấy không nhận được sự ủng hộ ở Số 10 với tư cách là một người vợ “công chức”. Fiona, vợ của Alastair và một người bạn cũ Ros Preston thực ra đã làm rất nhiều điều tuyệt vời cho cô ấy, nhưng theo một cách kín đáo. Còn khi Gordon nhậm chức, vợ ông ấy, Sarah có một văn phòng riêng và cả nhân viên nữa, điều đó đương nhiên được cho là đúng và từ đó đã trở thành một tiền lệ.
Cherie không phải lúc nào cũng tự xoay xở được và như tôi đã nói từ trước thì cô ấy có bản năng này khi chống chọi với quyền lực, đặc biệt là giới truyền thông, những người có vị trí quá thuận tiện để công kích hoặc trả thù, nhưng cô ấy đã làm rất tốt. Cô ấy dùng Phố Downing là nơi thích hợp để làm từ thiện. Và cô ấy cũng là một người cứng rắn, mạnh mẽ khi tôi yếu đuối, kiên quyết khi tôi chao đảo và dữ dội khi bảo vệ gia đình. Giới báo chí đã nói về cô ấy như vẽ một bức tranh biếm họa, có hàm chứa sự xúc phạm, nhưng cô ấy luôn chịu đựng và hầu như chưa bao giờ để điều đó làm gục ngã mình. Cherie ”ghét cay ghét đắng” phần lớn giới truyền thông. Cô ấy thừa nhận một số lời chỉ trích là đúng đắn. Nhưng đó thực sự là một cuộc đấu không cân sức.
Và sự thực là, sự công kích của giới truyền thông thường tùy hứng, hay nói đúng hơn là có chọn lọc. Như tôi biết thì cả hai người tiền nhiệm của tôi đều đã đi nghỉ tại nhà của những người bạn. Denis vẫn tiếp tục làm việc ngay cả khi bà Thatcher nhậm chức, nhưng không ai quấy rầy ông ấy cả. Bà ấy thực sự bị công kích về vấn đề con cái, nhưng nhìn chung vào thời đó, thì họ được tự do hơn. Còn giờ đây mọi người muốn biết mọi chuyện và tất cả những gì họ biết đều phủ yếu tố tiêu cực. Liệu sự công kích đó có mang tính cá nhân hay không, đều phụ thuộc vào việc liệu biên tập viên đó quyết định công kích hay không. Nếu những tờ báo như Daily Mail quyết định làm thế, thì những tờ khác cũng sớm theo gót, họ không muốn lạc lõng.
Dĩ nhiên, cuối cùng, chính cảm giác hồi hộp và hào hứng được ở đó và làm công việc của mình đã khiến không một yếu tố tiêu cực nào có thể ngăn bạn vươn đến ánh hào quang của những điều tốt đẹp. Nhưng bạn vẫn chỉ là một người bình thường và bạn nghĩ: Đúng, đó là một vinh dự lớn và đồng thanh nói: Các anh là những kẻ đáng khinh!
Người ta xử lý áp lực theo rất nhiều cách khác nhau, cả các Thủ tướng và phu nhân/phu quân của họ cũng vậy. Một số người uống rượu, một số dấn thân vào những hành động tội lỗi, một số bị tổn thương, một số tìm đến tôn giáo, một số tìm đến những tình bạn đặc biệt. Tuy nhiên, tôi không tin rằng có ai đó lại không phải đối mặt và giải quyết nó. Áp lực quá kinh khủng. Bạn luôn tưởng tượng ra những người có phẩm chất phi thường, mạnh mẽ, quyết đoán, không sợ hãi, không hoài nghi, sẵn sàng chiến đấu đơn độc, tự tin một cách tuyệt đối khi đứng giữa một núi công việc lộn xộn. Không có ai như vậy bởi mỗi chúng ta đều có mặt yếu đuối. Đôi khi đứng trước những khó khăn thử thách, tất cả sự tự tin, dũng cảm có thể hội tụ và họ có thể hành động phi thường, có thể hy sinh mà chẳng màng tới bản thân, nhưng không ai có thể có phẩm chất như vậy trong mọi thời điểm.
Và một lần nữa phải nói rằng, mọi người đều cần thư giãn, để cơ thể được nghỉ ngơi, rũ bỏ ánh hào quang của quyền lực, dù chỉ trong chốc lát. Và nếu bạn từng thấy một người mang đầy trọng trách mà không cần nghỉ ngơi, hãy cẩn thận. Sẽ có vấn đề xảy ra.
Cũng có những nỗi buồn nhất định đến với bạn, cố kết trong con người bạn và không bao giờ rời đi. Còn tôi là một người khá lạc quan. Tôi nghĩ cuộc sống là một món quà mà Thượng đế ban ơn và cần phải sống sao cho toàn vẹn; có mục đích và xứng đáng. Ai đó phải ngồi vào vị trí Thủ tướng và phải ra các quyết định, đã bao nhiêu lần tôi từng nói rằng được làm công việc đó là một đặc ân?
Nhưng dù đó là đặc ân thì theo thời gian bạn bắt đầu quan tâm đến kết quả của mỗi quyết định, chúng tốt hay xấu. Đặc biệt là khi những quyết định liên quan mật thiết đến sự sống hay cái chết. Tôi nhớ trong cuộc chiến tranh Kosovo, do sai lầm, lực lượng đồng minh đã ném bom vào một đoàn xe dân sự, làm một số trẻ em bị thiệt mạng. Từ khoảnh khắc đó, nỗi buồn đã khắc ghi trong tôi. Tôi nghĩ về cuộc sống mà những đứa trẻ đó đáng lẽ đã có – sự đau thương của cha mẹ chúng, cảm giác tôi sẽ phải trải qua nếu đó là con cái tôi. Giờ đây, đúng là bạn phải nghĩ về việc nếu bạn từ chối hành động thì ai sẽ là người thiệt mạng. Nếu chúng tôi đã làm những việc nên làm ở Bosnia hay Rwanda, nhiều mạng sống đã được cứu. Nhưng cũng không ít mạng sống bị cướp đi. Ở Iraq, chúng ta quên những đứa trẻ chết dưới thời Saddam và nhiều đứa trẻ khác sẽ còn phải chết nếu ông ta vẫn còn nắm quyền. Nhưng không thể rũ bỏ suy nghĩ rằng có những người vẫn còn sống nếu chúng tôi không tấn công bằng quân sự nhằm lật đổ ông ta. Những suy nghĩ đó không bao giờ dứt ra khỏi đầu óc bạn và trong bóng đêm tĩnh lặng, nó lại trở về dai dẳng và dữ dội cào xé tâm can bạn.
Tôi cũng xử lý các áp lực như mọi người nhưng buộc phải xử lý nó. Nó có thể tàn phá tôi, nhưng đó là việc phải làm. Nó vẫn lẩn khuất ở đâu đó. Mặc dù vậy, tôi luôn cố gắng vượt qua những con quỷ trong tôi bằng cách đối đầu với nó.
Những tháng cuối cùng tại nhiệm có sự pha trộn đặc biệt giữa sự tập trung và bàng quan. Tôi phải hoàn toàn tập trung, nhưng cũng biết mọi việc sắp kết thúc. Do đó, tôi hoạt động ở hai mức độ: tôi vẫn hoàn thành tốt công việc và ra quyết sách hàng ngày như thường lệ; đồng thời chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng ra đi, suy nghĩ về những việc tôi muốn làm và băn khoăn không biết điều gì sẽ xảy đến trong tương lai.
Bài phát biểu của Nữ hoàng vào tháng 11 năm 2006 có chủ đề về luật và nghị định. Chúng tôi đã công bố việc cải cách Văn phòng Nội vụ và Bộ các vấn đề hiến pháp, giờ là Bộ Tư pháp – chứng minh nhân dân và các biện pháp mạnh điều chỉnh các hành vi chống đối xã hội.
Chương trình cải cách 10 năm của Chính phủ được biết tới chủ yếu trên phương diện điều chỉnh hiến pháp, cải cách giáo dục và y tế. Học phí, các trường đặc biệt, các học viện và các trường tín thác; sự lựa chọn, cạnh tranh, các bệnh viện cổ phần hóa, các chương trình điều trị ung thư và bệnh tim; tất cả các cải cách này và dĩ nhiên, cả việc chuyển giao quyền lực đã trở nên rõ ràng.
Động lực cho những cải cách về luật và nghị định, cụ thể là, các hành vi chống đối xã hội đã được tôi đề cập đến ở phần trước. Giống như vấn đề chứng minh thư. Nhưng các cải cách này chưa bao giờ được hoàn tất về phương diện phân tích và hình dung phản ứng của công chúng, theo cách mà các chương trình khác đã làm. Tôi tin rằng đây là một thiếu sót. Luật và nghị định – và trong vấn đề nhập cư – theo tôi là những điểm tối quan trọng và cơ bản hình thành nên Chính phủ và quan trọng với Đảng Lao động mới chẳng kém gì các học viện hay các lựa chọn trong Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS).
Bài phát biểu của Nữ hoàng và những hành động diễn ra trong những tháng sau đó, đã đưa chương trình hành động này tới một điểm mới trong chính sách. Nó bị nhiều bộ phận của giới truyền thông đem ra mổ xẻ, tranh cãi sôi nổi, bị Đảng Bảo thủ, Dân chủ Tự do và một bộ phận quan trọng của Đảng Lao động phản đối. Tôi biết Gordon sẽ bỏ rơi chương trình này khi ông ấy kế nhiệm, nhưng tôi muốn chương trình nghị sự được rõ ràng bởi tôi cảm thấy chắc chắn và bây giờ vẫn cảm thấy như vậy, rằng nó sẽ được phát triển trở lại.
Tôi đã bắt đầu việc tái tổ chức Văn phòng Nội vụ và Văn phòng Ngoại trưởng, ngay sau cuộc cải tổ năm 2003. Đó là việc khó khăn nhất, do nó khiến tôi mất đi Derry Irvine, một người tôi ngưỡng mộ và cũng là người thầy của tôi, nhưng tôi đã cố gắng cách tân phần nào cách thức làm việc quá đỗi lạc hậu của hệ thống tư pháp hình sự lúc đó. Việc đưa David Blunkett vào Văn phòng Nội vụ sẽ rất hữu ích bởi ông ấy có bản năng tuyệt vời về vấn đề tội phạm. Charlie Falconer và Peter Goldsmith đều tiếp tục giữ cương vị cũ. Chúng tôi đã tiến hành cải cách các vị trí lãnh đạo dịch vụ công và điều đó đã phần nào khuấy đảo Chính phủ, nhưng nó không thể được thực hiện dựa trên tình cảm. Phải có sự điểu chỉnh về thể chế và cơ cấu.
Vấn đề của tôi với cải cách này rất đơn giản: nó dẫn tới những ưu tiên không trùng khớp với ưu tiên của Chính phủ. Văn phòng Chánh án Thượng viện có ba vai trò riêng biệt: Chánh án Thượng viện là Chủ tịch của Thượng viện, người đứng đầu bộ máy tư pháp (Pháp viện) và là người đứng đầu về mặt hành chính ở các tòa án. Theo tôi thì rõ ràng các vai trò này khác nhau về bản chất. Vị trí được xếp cuối cùng – các tòa án – là mối quan tâm đầu tiên của tôi – bởi đó là nơi quyết định hiệu quả của hệ thống tư pháp hình sự.
Tương tự như vậy, Văn phòng Nội vụ trước đây đảm bảo tất cả các vấn đề hiến pháp mà họ có nhiệm vụ xử lý – đặc quyền của hoàng gia, nền quân chủ, tước vị, các vấn đề nghi lễ, quyền con người, hiến chương hoàng gia, sự bổ nhiệm, các vấn đề về giáo hội, hôn nhân và tiếp cận thông tin – nhưng điều quan trọng với tôi là vấn đề tội phạm và nhập cư. Tôi có thể nhận thấy rằng những nỗ lực chính trị và trí tuệ chỉ tập trung vào tầng lớp cao cấp mà không đoái hoài đến cuộc sống của những dân thường. Những người này cần được đảm bảo bằng một bộ máy kiểm soát nhập cư và chống tội phạm hiệu quả.
Bất chấp tổn thương từ việc thuyên chuyển Derry, bất chấp trở ngại và sự lộn xộn mà việc cải cách hiến pháp ở Văn phòng Thượng viện đem lại, kết quả chúng tôi thu được hoàn toàn đúng như mong đợi. Thượng viện đã có một Chủ tịch mới thông qua bầu cử và họ đã có lý khi chọn một phụ nữ, Helene Hayman; các chánh án được chỉ định bởi một ủy ban độc lập; và Văn phòng Thượng viện trở thành Bộ các Vấn đề Hiến pháp, tập trung vào thúc đẩy cải cách và điều chỉnh hệ thống tư pháp, cũng như cải cách và bảo vệ hiến pháp. Năm 2007, chúng tôi đã bổ sung chức năng quản lý các nhà giam và việc tạm giữ cho họ, điều này một lần nữa lại hợp lý, do việc chống tội phạm là một chuyện, quản lý các tiến trình của tòa án và tội phạm lại là chuyện khác và cách tốt nhất là việc này cần được quy trách nhiệm trong cùng một bộ, giống như hầu hết các Bộ Tư pháp nước ngoài.
Vậy là chúng tôi đã chuyển các vấn đề về hiến pháp khỏi Văn phòng Nội vụ, thay đổi Văn phòng Thượng viện và tăng cường điều chỉnh các vấn đề nhập cư, hộ chiếu và quốc tịch ở Văn phòng Nội vụ. Chúng tôi cũng cần đưa các vấn đề này vào một khuôn khổ pháp lý mang hơi hướng của thế giới hiện đại trong đó bao gồm các quy định về hành vi chống phá xã hội; các nỗ lực cải cách luật khủng bố; thắt chặt các quy định về tị nạn và nhập cư, loại bỏ ban hội thẩm trong các phiên xử gian lận phức tạp (việc này thường sụp đổ sau vài tháng do tính phức tạp của nó, khiến các thành viên của ban hội thẩm mất nhiều thời gian vô ích trong khi những người lao động không được hưởng các dịch vụ hội thẩm.) Các biện pháp liên quan tới ADN là một bước tiến vô cùng quan trọng. Các biện pháp này từng bị những người theo lập trường tự do dân sự phản đối quyết liệt, điều mà tôi cho là hoàn toàn sai lầm. Nhờ công nghệ mới về ADN, chúng tôi có thể so sánh ADN của kẻ tình nghi với ADN của những tội phạm và ADN thu thập được ở những vụ án trước đó, rồi xây dựng một cơ sở dữ liệu ADN. Kết quả của việc này thực sự ấn tượng. Những vụ án cũ đã được giải quyết và người vô tội được trả tự do. Nếu được mở rộng – và khoảng một nửa số vụ án để lại dấu vết ADN – thì sự thay đổi đối với toàn bộ hệ thống tư pháp hình sự sẽ rất lớn. Dĩ nhiên, các thông tin này phải được xử lý cẩn trọng và được bảo vệ, điều đó cũng khiến những kẻ giết người, những kẻ hiếp dâm và những kẻ hành hung người khác khó mà có thể thoát lưới pháp luật.
Chúng tôi cũng có một cuộc tranh cãi lớn khác về Luật Tài sản Tội phạm. Đây là một nội dung cải cách khổng lồ, điều chỉnh việc thi hành luật đối với tội phạm có tổ chức và đề cập đến người thực thi, chứ không phải tội phạm. Chúng tôi đã bắt đầu việc này vào tháng 4 năm 2005 bằng việc ban hành Luật Cảnh sát và Tội phạm có tổ chức. Nó dẫn tới việc thành lập Cơ quan về tội phạm có tổ chức nghiêm trọng (SOCA) vào tháng 4 năm 2006. Như thường lệ, nó đã vấp phải sự phản đối kịch liệt. Đảng Bảo thủ và Ủy ban Các vấn đề Nội vụ đã chỉ trích Luật 2005, do sự thiếu vắng một lực lượng biên phòng trong luật này, Đảng Dân chủ Tự do thì lo lắng về việc làm thế nào cơ quan này được cấp đầy đủ tài chính, còn Liên đoàn Cảnh sát thì phản đối cơ quan này vì sợ rằng họ có thể mất sự độc lập truyền thống mà các cảnh sát đã và đang được hưởng bao gồm lương và các điều kiện khác, còn giới truyền thông thì đặt câu hỏi về giá trị chung của tổ chức này. Nhưng nó đã lần đầu tiên cho chúng tôi quyền được tịch thu tài sản của tội phạm đã bị kết án hoặc bị tình nghi trên cơ sở hoạt động như một cơ chế ngăn ngừa.
Toàn bộ ý tưởng cải cách nảy ra sau các cuộc gặp trực tiếp của tôi với các cảnh sát và dân cư ở những vùng chìm ngập trong tệ nạn ma túy và mại dâm. Những tay buôn bán ma túy hay ma cô có thể mang theo mình hàng nghìn bảng hoặc lái những chiếc xe thời thượng. Dĩ nhiên, không thể chứng tỏ số tiền đó là tài sản của tội phạm, nhưng để cho chúng tiếp tục làm như vậy sẽ để lại hai hậu quả khôn lường. Thứ nhất và dễ thấy nhất là chúng có thể thực hiện những hành vi tội phạm dễ dàng hơn. Thứ hai, kém rõ ràng hơn nhưng theo tôi rất quan trọng, đó là điều này sẽ trao cho chúng một vị thế đặc biệt trong cộng đồng đó. Thanh niên học theo chúng. Mọi người sợ chúng và tệ hơn, một số ngưỡng mộ chúng. Chúng như những “con chó đầu đàn”. Sức ảnh hưởng và tác động của chúng lên cộng đồng thật kinh khủng. Luật mới trao cho cảnh sát quyền tịch thu tài sản – tiền hoặc bất động sản – sau đó, sẽ có một cuộc điều tra xem tài sản đó có hợp pháp không. Dĩ nhiên, điều này đi ngược lại quy định bằng chứng thông thường – người ta hoàn toàn có lý do để phản đối và điều đó có thể hiểu được – nhưng tôi cảm thấy đạo luật này hoàn toàn cần thiết trong tình hình đời sống hiện tại ở các khu vực đó.
Sau khi có cơ sở pháp lý, chúng tôi đã có thể dựa vào đó để xúc tiến. Dần dần, chúng tôi tăng quyền cho cảnh sát và khuyến khích cảnh sát bằng cách cho phép họ giữ lại một số phần trăm nhất định trong tài sản tịch thu từ các hoạt động tình nghi tội phạm. Chính sách này gần như vượt phạm vi chấp nhận được của Bộ Tài chính, nhưng cuối cùng họ đã đồng ý và cho dù chúng tôi luôn tranh cãi về tỷ lệ phần tài sản được sung vào Bộ Tài chính, bao nhiêu phần trăm được chuyển tới Chính phủ, thì các nguyên tắc cơ bản đã được chấp thuận.
Bài diễn văn 2006 của Nữ hoàng đã mở rộng hơn nữa phạm vi quyền lực này: ban hành một Nghị định Ngăn ngừa Tội phạm Nghiêm trọng mới, nhằm ngăn chặn các tội phạm có tổ chức, dù là cá nhân hay tổ chức, bằng cách đặt ra những hạn chế đối với chúng; quy định thêm các tội danh khuyến khích hay hỗ trợ hành vi phạm tội có chủ đích, khuyến khích hoặc hỗ trợ hành vi tội phạm khi biết rằng điều đó có thể phạm pháp; tăng cường việc thu hồi tài sản của tội phạm bằng cách mở rộng quyền điều tra và tịch thu tài sản của tất cả các cán bộ điều tra về tài chính được thừa nhận. Tôi còn muốn đưa cải cách này đi xa hơn nữa, nhưng chúng tôi đã khai phá một vấn đề mới, liên quan đến luật về hành vi chống đối xã hội; và một khi những thành viên Chính phủ khác nghĩ ra và cố gắng đáp ứng nhu cầu của công chúng, họ có thể quay trở lại chương trình nghị sự này và hoàn thiện nó.
Sợ hãi và bất an là những yếu tố tồi tệ trong cuộc sống hàng ngày của quá nhiều người. Giảm thiểu chúng, chúng ta sẽ cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống. Việc triển khai được chương trình nghị sự này, đặc biệt là các vấn đề về hành vi chống phá xã hội, là một trong những thành tựu mà tôi lấy làm tự hào nhất. Tất nhiên không thể phủ nhận sự thỏa hiệp với tình hình tự do dân sự. Tôi cũng rất quan tâm đến yêu cầu bảo vệ người vô tội trước việc bị buộc tội nhầm.
Lần thứ hai trong sự nghiệp chính trị của mình, tôi đã có lý do đúng đắn để cảm ơn Chúa về sự độc lập của bộ máy tư pháp và tòa án Anh: một lần trong cuộc điều tra Hutton; và sau đó là phán quyết về việc “đổi tiền lấy danh”, sự độc lập này đã được thể hiện rõ. Trong cả hai trường hợp, người luật sư đều phải chịu áp lực kinh khủng và đôi khi hoàn toàn không phù hợp phải làm điều đại bộ phận giới truyền thông mong muốn; và trong cả hai trường hợp, họ đều ra quyết định dựa trên bằng chứng. Vì vậy tôi hiểu rõ giá trị của các cơ quan có thẩm quyền độc lập và công bằng, giúp quyền lực được kiểm soát, qua đó bảo vệ người vô tội và ban bồi thẩm trước sự sợ hãi hay thiên vị.
Mặc dù vậy, tôi cũng có thể thấy rằng, những người dân thường không có bất kỳ sự bảo vệ nào ở một số vùng, thị trấn hay thành phố có nguy cơ bị tổn thương rất cao theo những cách mà hệ thống lạc hậu của chúng ta không thừa nhận. Tôi đã thấy nhiều khu vực phi luật lệ, nơi người ta hành xử không theo luật pháp bởi vì họ biết mình phải làm như vậy. Luôn có sự khắc nghiệt nhất định trong khía cạnh này. Nhưng hãy tin tôi, nếu đặt điều đó trong một cuộc trưng cầu dân ý, mọi người sẽ biết chọn loại hình xã hội nào để nuôi dưỡng gia đình.
Vậy là chúng tôi đã đạt được những bước tiến trong chương trình nghị sự về luật và nghị định và ngay cả trong những ngày cuối cùng tại nhiệm, chúng tôi cũng vẫn thi hành được một số cải cách.
Chúng tôi không thành công mấy với các quy định về sòng bạc. Đúng là một thiên tiểu thuyết dài kỳ! Mặc dù vậy, đây là một ví dụ thú vị về cách tâm trạng của công chúng được hình thành.
Chúng tôi đã và vẫn đang gặp vấn đề với một số thành phố biển cổ của nước Anh. Vào thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, mọi người thường lũ lượt kéo đến đó, cho dù đó có phải là mùa hè hay không, để thư giãn với những máy đánh bạc, thử những trò giải trí bình dân, hòa mình trong bầu không khí lễ hội. Họ vẫn ưa chuộng những loại hình giải trí cũ nhưng hấp dẫn. Sau đó vào thập kỷ 1960, xuất hiện các kiểu kỳ nghỉ trọn gói và du lịch bằng đường không. Tôi còn nhớ kỷ niệm du lịch ở Benidorm, thời kỳ địa điểm này đang cất cánh trong những năm thập niên 1960. Tôi rất thích nơi đó. Đó là lần đầu tiên tôi đi bằng máy bay. Sau khi đã được tận hưởng chút hương vị Tây Ban Nha – Tapas, Ducados và Rioja (mặc dù lúc đó tôi vẫn còn ở tuổi vị thành viên, nhưng không sao) – thì việc nghỉ ngơi ở Anh có vẻ như khá tẻ nhạt và không thời thượng. Dần dần, các thành phố biển xuống cấp và khi bước vào kỷ nguyên mới, những mảnh đất này trở nên tiêu điều đồng thời phải đối mặt với một tương lai mù mịt; hoặc không có tương lai. Blackpool là một ví dụ điển hình.
Một vấn đề khác là sự bùng nổ của các loại hình đánh bạc khác nhau – đặc biệt là đánh bạc trực tuyến – bên cạnh các sòng bạc truyền thống. Trong nhiều năm, chúng tôi và các thành phố này đã được nhiều công ty giải trí lớn, chủ yếu là Mỹ tiếp cận, họ muốn xây dựng những khu phức hợp giải trí khổng lồ, bao gồm cả sòng bạc và một loạt các dạng giải trí khác như: rạp chiếu phim, trung tâm thể thao, v.v…
Tôi nghĩ chúng tôi nên tạo điều kiện cho họ làm vậy. Đó sẽ là một khoản đầu tư lớn của khu vực tư nhân. Và thực tế không có lựa chọn nào khác. Các thành phố biển đã xếp hàng đợi các vụ đầu tư đó. Manchester cũng muốn được rót vốn và đã có những kế hoạch kỹ lưỡng để tái phát triển trung tâm thành phố trên cơ sở đó. Họ sẽ được quản trị bằng những quy định nghiêm ngặt và các nhà điều hành hàng đầu thế giới đã quen với việc tuân thủ chúng một cách có trách nhiệm.
Do đó tôi đã bật đèn xanh. Và thế là có một làn sóng phản đối khổng lồ. Các nhóm tôn giáo chống lại ý tưởng này vì cho rằng nó sẽ tăng cường hoạt động đánh bạc, tờ Daily Mail phản đối nó như thường lệ, cho rằng đó là hợp đồng tham nhũng và chĩa mũi dùi vào những công chức liên quan. Không ai để ý rằng bất kỳ điều gì bạn có thể làm trong một sòng bạc, bạn cũng có thể thực hiện với một máy đánh bạc, một trung tâm cá cược, hay đánh bạc trực tuyến, ít được đảm bảo hơn nhiều.
Với sự quả quyết, mạnh mẽ của một người phụ nữ, Tessa đã ủng hộ ý tưởng này và chúng tôi có thể phát triển nó, nhưng rồi với làn sóng phản đối mãnh liệt của Nhà thờ và giới báo chí, nó đã bị vùi dập, chúng tôi mất một phiếu ở Thượng viện và đối mặt với một lựa chọn lố bịch là Blackpool, hoặc Manchester, phải cắt giảm số lượng “siêu sòng bạc” đề xuất, đây là công cụ thu hút phần lớn số tiền đầu tư. Sau khi tôi rời nhiệm sở, Gordon đã bỏ rơi cả Manchester. Đó thực sự là sự tủi hổ cho những nơi sẽ không có một dạng đầu tư rõ ràng nào khác. Đó là dạng tồi tệ nhất của cái gọi là chủ nghĩa đạo đức – phe phái và sự vô trí. Do đó, mọi người có thể đánh bạc thỏa chí, thỏa túi tiền, nhưng không phải ở một khu liên hợp của một thành phố mới, với một sòng bạc, trung tâm giải trí, trung tâm thể thao và các cửa hàng cửa hiệu.
Mặc dù vậy, ngay cả với vấn đề này, tôi vẫn giữ lại được một chút hài lòng, vì đã đào xới vấn đề, làm những gì tôi nghĩ là đúng đắn, không hùa theo làn sóng dư luận trừ phi tôi nghĩ họ có những lý lẽ vững chắc mà tôi nên nghe theo.
Vào tháng 2 năm 2007, chúng tôi phải sống trong nỗi sợ hãi về dịch cúm A. Bệnh dịch này có thể rất trầm trọng. Virus H5N1 đã được xác nhận ở một trang trại nuôi gà tây ở Holton, Suffolk. Liên tục có các hội nghị diễn ra bàn về việc phòng ngừa, trong trường hợp dịch cúm trở thành một cuộc khủng hoảng toàn diện. Với dịch cúm, bạn phải vạch một ranh giới cẩn thận chưa từng thấy giữa việc phản ứng thái quá và phản ứng chưa đủ. Những người là nạn nhân của phản ứng thái quá này sẽ phải đối mặt với nhiều thủ tục hành chính phiền hà.
Chúng tôi đã nhất trí tiếp tục phát triển hệ thống vũ khí hạt nhân phòng thủ độc lập. Bạn có thể nghĩ rằng tôi đã chắc chắn khi ra quyết định này, nhưng thực ra tôi lại rất miễn cưỡng. Tôi có thể thấy rõ dư luận chung và những chỉ trích thực tế nhằm vào tên lửa đánh chặn Trident55 thế nào, nhưng trong những phân tích cuối cùng, tôi đã nghĩ rằng, nếu từ bỏ hệ thống này, vị thế quốc gia có nguy cơ sẽ bị hạ thấp và trong một thế giới chẳng lấy gì làm chắc chắn như hiện nay, đó là một rủi ro lớn cho quốc phòng. Tôi không nghĩ đây là vấn đề “phòng thủ quá mức” đối chọi với “phòng thủ yếu hay hòa bình”. Đơn giản là, trên thực tế, cả hai khả năng đều có thể xảy ra. Chi phí khổng lồ, sau chiến tranh lạnh, vũ khí phòng thủ ngày một ít đi và không tồn tại để sử dụng cho mục đích quân sự. Liệu tôi có nên quyết định chi thêm tiền để mua thêm máy bay trực thăng, cầu không vận và thiết bị chống khủng bố? Đó không phải là một ý tưởng gàn dở. Trong bối cảnh lực lượng quân đội Anh có thể được kêu gọi chiến đấu, chúng ta sẽ biết rõ điều gì quan trọng nhất. Chúng tôi cũng có thể sử dụng vũ khí hạt nhân phòng thủ một mình, mà không có Mỹ – và hãy để chúng tôi đặt hy vọng vào tình huống trong đó Mỹ thậm chí không dọa sử dụng chúng – nhưng đây là một bước đi lớn để đưa vấn đề này vượt trên năng lực của quốc gia.
Sau khi xem xét rồi tái xem xét kỹ lưỡng, tôi đã chọn phương án tiếp tục sử dụng hệ thống đó. Nhưng nếu quyết định ngược lại, thì đó cũng không phải là điều xuẩn ngốc. Tôi đã có một cuộc thảo luận hoàn hảo và đúng đắn về vấn đề này với Gordon, người cũng phân vân tương tự như tôi. Cuối cùng, chúng tôi đều nhất trí, vì tôi đã nói với ông ấy rằng: hãy tưởng tượng việc đứng trước Hạ viện và nói “Tôi đã quyết định bỏ nó. Liệu chúng ta có nói vậy không”. Trong trường hợp này, thận trọng, tuy tốn kém như thường lệ, nhưng sẽ giúp ta thành công.
Chúng tôi đã đồng ý với nhau về tiến trình chính sách cho thời gian tới ngay sau hội nghị ở Nội các vào cuối tháng 10. Tiến trình này có cái tên hơi to tát và phô trương: “Đường tới tương lai”. Mục đích là sử dụng quãng thời gian 9 tháng còn lại để tạo ra bầu không khí đoàn kết, gắn kết nhóm Blair và Brown với nhau và để việc lên nắm vị trí lãnh đạo của Gordon được xem là sự tiếp nối và cải cách với hình thức là Lao động mới.
Về bản chất, tôi cho rằng, ông ấy luôn nghĩ chương trình này được thiết kế để kiềm chế và phong tỏa ông ta; nhưng bằng việc đưa Pat McFadden, người của tôi và Ed Miliband, người của ông ấy, cộng tác xử lý việc này từ đầu, tôi cố gắng khiến ông ấy an lòng. Tôi vẫn hy vọng có thể thuyết phục ông ấy. Tôi hiểu rằng, ít nhất một số lý do phản đối chương trình cải cách là lý do chính trị; nhưng một khi lên nắm quyền, một khi ông ấy thực sự phải xử lý các vấn đề, tôi nghĩ, mọi việc sẽ khác và ông ấy có thể sẽ hiểu tôi không thúc đẩy chương trình này để gây tác động hay ấn tượng nào. Chính kinh nghiệm và trực giác đã khuyên tôi rằng không có giải pháp nào tốt hơn có thể giải quyết những thách thức mà đất nước đang phải đối mặt. Trái với năm 2004, giờ đây chúng tôi đã có những bằng chứng thực tế rõ rằng rằng các cải cách đã phát huy tác dụng: chúng tôi đã có một giai đoạn tăng trưởng kinh tế dài nhất trong hơn 200 năm, với 2,5 triệu việc làm mới; trong lĩnh vực y tế, không ai phải đợi quá 6 tháng để được điều trị; ở các trường học, chất lượng được nâng lên ở khắp nơi và chi tiêu cho giáo dục trên mỗi học sinh tăng gấp đôi; và trong lĩnh vực tư pháp tội phạm, số tội phạm đã giảm 35%.
Thêm vào đó, giờ đây giữa chúng tôi cuộc cạnh tranh đã kết thúc: ông ấy đã thắng, ông ấy sẽ kế nhiệm. Điều duy nhất quan trọng và quan trọng với cả hai chúng tôi, là ông ấy sẽ kế thừa sự nghiệp của tôi và dự án Lao động mới sẽ được xây dựng một cách bền vững; để đảng không bao giờ quay trở lại lề lối cũ, khi mà quyền lực chỉ bùng nổ trong một thời gian ngắn còn cả các giai đoạn dài thuộc về phe đối lập, để nước Anh thoát khỏi lời nguyền của nền chính trị thế kỷ XX; và để những tư tưởng tiến bộ được thúc đẩy một cách công bằng, nếu không nói là sẽ chiếm thế thượng phong nhờ sự ủng hộ của số đông như tư tưởng bảo thủ từng đạt được.
Với tất cả bản năng chính trị của mình, tôi biết rằng, chỉ thông qua việc kiên định theo đuổi con đường Lao động mới, với nhiệt huyết trong tim thay vì những tính toán chiến thuật, chúng tôi có thể hy vọng thành công. Như tôi đã nói, tôi tin rằng nếu chệch hướng, ông ấy sẽ thất bại.
Nhưng tôi sợ rằng Gordon không nhận ra điều đó. Ông ấy vờ như ủng hộ chính sách trong chương trình “Đường tới tương lai” và thỉnh thoảng cũng tỏ ra hào hứng, nhưng tôi biết rằng, ở hậu trường, phe của Gordon, ngoại trừ Ed Miliband, đã không ngừng chê bai, phỉ báng, coi đó là một dự án hão huyền và khinh rẻ nó. Và tôi cũng biết rằng họ không có sự lựa chọn. Tôi thường xuyên nói với Gordon và phe phái của ông ấy rằng: Được, tôi hiểu các anh không đồng tình với những phân tích của tôi; hãy cho tôi biết ý tưởng của các anh. Và điều tôi nhận được là gì? Một mặt, họ thực sự bối rối khi cố tránh né những lựa chọn và những câu hỏi khó nhằn đặt ra về các vấn đề chính sách, dù muốn hay không. Mặt khác, họ không muốn bộc lộ suy nghĩ của mình. Cuối cùng họ tự thuyết phục bản thân rằng nguyên do của điều này là họ nên tiết lộ những tư tưởng cấp tiến của mình vào thời điểm diễn ra chuyển giao quyền lực. Như tôi đã bắt đầu nói với Gordon, điều đó cũng ổn thôi, miễn là anh biết anh sẽ muốn tiết lộ gì, nhưng tại sao anh không thảo luận với tôi và thử nghiệm nó, ít nhất là như thế?
Về các kế hoạch cải cách đảng, một lần nữa với khá nhiều lý do, ông ấy lại muốn giữ chúng cho riêng mình. Còn về phần tôi, tôi có hai mục tiêu. Thứ nhất, đơn giản là hoàn tất việc huy động tài chính cho đảng. Tôi nghĩ hoàn toàn có thể đạt được một thỏa thuận với Đảng Bảo thủ để cho phép chúng tôi tiến hành những cải cách hợp lý. Ngài Hayden Phillips, một công chức kỳ cựu trước đây, đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch ủy ban phụ trách vấn đề này năm 2006, đã tiếp cận nó một cách thực tế và đầy trí tuệ. Báo cáo năm 2007 của ông đã đề xuất áp mức trần cho phần quyên tặng của cá nhân và chi tiêu cho chiến dịch tranh cử, cùng với việc tăng lượng và diện tài chính lấy từ ngân quỹ của Nhà nước. Tôi nghĩ đó là một gói chính sách thỏa hiệp tốt.
Jack Straw là Bộ trưởng phụ trách việc đó. Chúng tôi đã tiến hành thảo luận về vấn đề này khá lâu nhưng tôi không thể thuyết phục Gordon đồng ý về một gói thỏa hiệp. Theo tôi thì Gordon nghĩ rằng ông ấy sẽ đạt một thỏa thuận tốt hơn khi lên nắm cương vị Thủ tướng, nhưng đã mất cơ hội hạn chế chi tiêu của Đảng Bảo thủ và tôi có dự cảm rằng, trong kỳ bầu cử thứ tư, không có sự tham gia của Michael Levy và tôi, số tiền chúng tôi thu hút được sẽ ít hơn nhiều. Xét cho cùng thì đây là việc trong nhà, nhưng sẽ có tác động rõ ràng tới việc tranh cử.
Vấn đề thứ hai liên quan đến đảng có ý nghĩa nền tảng hơn nhiều. Đôi lúc tôi tin rằng Đảng Lao động phải chọn lựa hành vi chính trị của mình, theo cách để đảng làm việc, tương tác với công chúng và thực hiện chiến dịch tranh cử. Về cơ bản, tôi đã đi tới một quản điểm rằng, phương pháp chính trị truyền thống đã lỗi thời, chẳng hạn như các đảng, với những đảng viên, những nhà hoạt động xã hội, các ủy ban tổng thể, ủy ban thực thi và tất cả cấu trúc của các chiến dịch vận động chính trị thế kỷ XX. Có những sự thực hiển nhiên về các đảng phái chính trị chính ở Anh và các nơi khác đáng để phân tích. Chúng tôi có ít thành viên hơn số lượng NGO hoạt động ở địa phương, bắt rễ ở tận cấp cơ sở và chỉ giải quyết một vấn đề như các nhóm bảo vệ các loài chim, viện trợ, bảo tồn thiên nhiên và môi trường. Các cách thức chúng tôi tương tác với công chúng ủng hộ sẽ bị một chuỗi siêu thị hạng hai coi là cổ lỗ sĩ. Tình hình sử dụng công nghệ mới của chúng tôi thì thực là thảm hại – chiến dịch tranh cử của Obama rõ ràng là một đột phá, nhưng thực tế, ngay cả ở chiến dịch của Kerry năm 2004, Đảng Dân chủ Mỹ đã bỏ xa các đảng tiến bộ nhất ở châu Âu. Tôi cũng thường thảo luận với George Bush về cấu trúc chiến dịch tranh cử của ông ấy. Chiến dịch này đã được những chính trị gia nòng cốt của George như Karl Rove phát minh và đã mở ra một hướng đi mới trong việc tiếp cận và vận động những người ủng hộ đảng.
Tất cả những chiến dịch thành công hiện đại, bao gồm cả chiến dịch của Sarkozy ở Pháp năm 2007, đã tận dụng hiệu quả các phương thức hiện đại và theo tôi, điều đó có ý nghĩa quyết định, làm mờ ranh giới giữa những phần tử cốt lõi ủng hộ đảng – những nhà hoạt động xã hội – và sự ủng hộ của công chúng ở phạm vi rộng lớn hơn.
Tôi thường nói với những người thân tín của mình rằng: sau 10 năm có mặt trong Chính phủ, giờ đây chúng ta đang rơi xuống điểm thấp nhất, xét về mặt chính trị. Chúng tôi đã mất một lượng ủng hộ nhất định – đó là điều dễ thấy. Đó có thể là những người đã vội vàng đến với chúng tôi vì nhiệt tình, trước giai đoạn tháng 5 năm 1997, giờ rơi rụng đi. Nhưng hãy nghĩ về năm 2005: một chiến dịch tranh cử thực sự chông gai, chúng tôi vấp phải những làn sóng công kích khổng lồ, nhưng nhiều cử tri của Lao động mới vẫn trung thành với chúng tôi và ở một số ghế, chúng tôi đã tăng được đa số. Điều đó có nghĩa là, ở ngoài kia đúng là có những người ghét chúng tôi, nhưng cũng có những người rất mực gắn bó. Hơn thế nữa, nhóm sau này không đến với chúng tôi trong vội vã, vì nhiệt huyết tức thời, gia tăng rất nhanh về số lượng nhưng rồi cũng giảm rất mạnh, mà ngược lại họ là những tín đồ. Họ biết về những vấn đề còn tồn tại hay sai lầm, nhưng họ đã quyết định gắn bó với chúng tôi dù điều gì xảy ra.
Cứ cho là một số cử tri, có lẽ là nhiều người, hậu thuẫn chúng tôi bởi họ không muốn có sự lãnh đạo của Đảng Bảo thủ. Điều này cũng dễ hiểu thôi. Nhưng ngay cả khi chỉ có 1 trong 10 người là tín đồ thực sự (có lẽ thực tế tỉ lệ phải là 4 hay 5 phần 10), thì cũng đã có hơn 1 triệu người rồi. Giờ đó là một nền tảng chính trị. Chúng tôi có thể nhận diện họ. Một số là những chủ thể hưởng lợi mới trong Đảng Lao động mới. Họ có thể đến từ một “danh mục” hoàn toàn mới, những người mà nhờ các chính sách của chúng tôi, đang làm những công việc như điều phối thể thao, trợ giảng, chủ doanh nghiệp nhỏ hay những chuyên gia trong các ngành mới, những người đặt cược vào tầm nhìn về một nền kinh tế mới – những người theo trường phái “thân châu Âu”, những người ủng hộ chính sách ngoại giao can thiệp và những người tham gia vào các chiến dịch vận động ở cộng đồng địa phương về ngăn chặn các hành vi chống xã hội, v.v…
Nói theo cách khác thì bên cạnh những người bỏ chúng tôi mà đi, tôi có thể nhận thấy một số lượng khổng lồ tiềm năng những người ủng hộ chúng tôi, họ không mở cờ dong trống nhưng gắn bó với chúng tôi bởi một niềm tin vào một nền chính trị hiện đại và nền chính trị tiên tiến khác biệt. Đó là những người chúng tôi cần tham dự vào công việc của đảng, không phải vì lợi ích của họ mà vì lợi ích của chúng tôi. Trong dài hạn, sự thành công hay thất bại của việc ra quyết sách, chọn ứng cử viên tốt, áp lực thay đổi đến từ cấp dưới, đều phụ thuộc vào phẩm chất, tình cảm, bản năng và thái độ của những người tham gia trong đảng.
Tự hạn chế mình trong những chính sách lỗi thời hay những nền tảng nghiệp đoàn, chúng tôi sẽ có cấu trúc đảng này; mở rộng cánh cửa, để Đảng được hít thở bầu không khí tươi mới, được những tín đồ thực sự mang lại và chúng tôi sẽ có một đảng hoàn toàn khác, một đảng có khả năng quản trị đất nước trong những thời kỳ dài, một đảng với một liên minh ủng hộ sẽ duy trì được sự tồn tại của Chính phủ, một đảng sẽ ngăn chặn sự tái diễn của những sai lầm khiến nước Anh phải trải qua 18 năm lãnh đạo của Đảng Bảo thủ và chỉ có 19 năm lãnh đạo của Chính phủ Đảng Lao động, tính đến năm 1997, trong toàn bộ lịch sử của chúng tôi (5 năm trong số đó chúng tôi đã phải tồn tại trong liên minh yếu ớt với Đảng Tự Do).
Trong những chừng mực nhất định, đó là mô hình đảng mà tôi đã luôn thúc đẩy trong những năm qua, khi mở rộng cơ chế kết nạp thành viên trong khu vực bầu cử của tôi và khi chúng tôi thực hiện những cải cách về việc chọn lựa ứng viên tranh cử và lãnh đạo đảng. Giờ đây, công nghệ mới và các hình thức tranh cử mới là công cụ cho phép chúng tôi làm như vậy. Tầm nhìn của tôi là xóa bỏ những ý niệm thủ cựu về cấu trúc và cơ chế thành viên của đảng, đối đãi với những người ủng hộ mình như các thành viên trong những quyết định then chốt và không chỉ sử dụng công nghệ mới để phát triển và mở rộng một đội ngũ những người ủng hộ mới mà còn để hỗ trợ việc tương tác với những người ủng hộ và với chiến dịch tranh cử theo một cách thức khác.
Tôi nhận thấy rõ rằng, ngày nay, những người trong đảng sẽ không ủng hộ đảng vì những lý do giống nhau, hay có những lợi ích tương tự nhau, hoặc đều hào hứng với các chủ đề như nhau. Một số người có thể ủng hộ chúng tôi vì chính sách viện trợ châu Phi, những người khác thì vì cải cách dịch vụ y tế hay các chính sách điều chỉnh hành vi chống xã hội. Thanh niên sẽ có những mối quan tâm khác người cao tuổi. Việc họ sống trong cùng một khu vực địa lý có thể quan trọng trong một cuộc bầu cử cụ thể này hay trong các chiến dịch địa phương nào đó, nhưng thực ra yếu tố địa lý không có nhiều ý nghĩa.
Chúng tôi đã có một cơ hội lớn để tái xây dựng đảng theo hướng hiện đại. Ngoài ra, một số điều chỉnh chắc chắn sẽ xảy ra. Các nghiệp đoàn đã được sáp nhập. Cụ thể, sự kết hợp giữa TGWU và Amicus vào tháng 5 năm 2007 đã tạo ra một tổ chức khổng lồ có tên Unite. Trong tương lai, họ có thể có một nửa quyền bỏ phiếu ở đại hội đảng, cùng với Unison, nghiệp đoàn dịch vụ công. Các cấu trúc nghiệp đoàn vẫn còn khá sâu trong quá khứ. Các tổ chức này vẫn còn bị lũng đoạn bởi những nhà vận động xã hội. Sẽ không tốt cho đảng nếu lại phụ thuộc vào họ. Do đó, vì nhiều lý do, một số từ bên ngoài, một số ở bên trong, nhưng tất cả đều để phù hợp với một thế giới đang biến đổi – cải cách không chỉ hợp lý mà còn là điều cần thiết nếu chúng tôi muốn bảo tồn những lợi ích khổng lồ mà dự án Lao động mới mang lại.
Tôi có thể hình dung được những tranh luận trong đảng hiện nay sẽ đi về đâu. Cả Jon Cruddas và Douglas Alexander đã viết những cuốn pamfơlê. Jon đã tự giúp mình nổi tiếng nhờ cuốn sách này. Đó là một lập trường chính trị thông minh. Trong những phân tích chính trị tổng thể của ông – Lao động mới đã từ bỏ tầng lớp lao động và do đó từ bỏ nền tảng của chúng tôi – ông đã bổ sung một chương trình cho đảng. Tuy được khoác áo ngôn ngữ hiện đại, nhưng rốt cuộc cuốn sách này vẫn là nỗ lực xây dựng một liên minh cánh tả trong tầng lớp trí thức Guardian và những người vận động xã hội của nghiệp đoàn. Mặc dù vậy, nó khá hấp dẫn, ông ta đủ thông minh để khiến nó hấp dẫn, hâm nóng lại và cập nhật tư tưởng Tony Benn từ những năm 1980. Tư tưởng này có điểm hấp dẫn công chúng, nhưng không có triển vọng nghiêm túc nào có thể đạt được sự dung hòa, một khi những hạn chế chính sách của nó được phơi bày.
Douglas đã và luôn là một người thông minh. Tôi đã cố gắng thuyết phục ông từ bỏ phe Gordon, nhưng không thành. Đó là một điều đáng xấu hổ. Ông ấy và em gái Wendy, một người dễ thương và cũng rất thông minh, liêm chính, là một sản phẩm kinh điển của giáo hội Trưởng lão Scotland đầy khuôn phép. Cha của họ là một cha sứ và bản thân ông này cũng đầy tài năng. Douglas lọt vào tầm ngắm của Gordon trước khi ông là Nghị sỹ và ngay lập tức bị Gordon giành giật lấy. Ông ấy có khả năng dùng ngôn từ tuyệt vời, thực sự là một tri thức hạng nhất và đáng ra đã có thể (và có lẽ vẫn sẽ có thể) là một nhà lãnh đạo xuất chúng.
Nhưng “lời nguyền” của Gordon là biến những người này trở thành những người đồng mưu, chứ không phải là những nhà tư tưởng tự do. Douglas, Ed Balls và những người khác giống tôi những năm thập niên 1980, cho tới khi dần dần bức màn che phủ trước mắt tôi rơi xuống và tôi nhận ra nó giống một hệ thống thờ cúng tôn giáo hơn là nhà thờ chính thống.
Douglas đã viết quyển pamfơlê này với những phân tích rất tuyệt vời về những sai lầm, nhưng những giải pháp mà ông đưa ra theo tôi là để tránh những câu hỏi khó và sa vào một mớ lộn xộn.
Tôi đã bổ nhiệm Hazel Blears, với tư cách là chủ tịch đảng, phụ trách một ủy ban đổi mới đảng. Tôi biết Hazel ủng hộ tôi rất nhiệt tình. Cô ấy là một người vận động tranh cử tuyệt vời, một nhà hoạt động xã hội với những hiểu biết về hạn chế của các phong trào hoạt động xã hội. Tuy nhiên, dù cô ấy đã đấu tranh mạnh mẽ với những chính sách tuyệt vời, thì sự thực là Gordon kịch liệt phản đối việc vị lãnh đạo sắp ra đi quyết định tương lai của vị lãnh đạo sắp kế nhiệm. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được trừ việc ông ấy không hề có tầm nhìn nào để thay thế, việc tôi vẫn luôn nói với ông ấy; và việc thiếu vắng một tầm nhìn rõ ràng sẽ chỉ khiến tổ chức đảng bị tụt lùi.
Trong tất cả những năm đã qua, chúng tôi đã nghĩ chúng tôi đã có những quan điểm hoàn toàn giống nhau về chính trị, đảng và cuộc đời, cho dù trên thực tế, chúng tôi có những cách nhìn khác nhau một chút ở một số điểm nhưng không phải không chia sẻ được. Có sự gắn kết đủ để cho phép cả hai chúng tôi lượng thứ cho nhau và vào lúc đó chúng tôi thừa nhận đó là sự lượng thứ, nó đã trở thành một phần trong ưu điểm độc đáo của đảng và việc từ bỏ nó là quá tai hại. Nhưng đó là điều hoang đường.
Tiến trình nghị sự chính sách diễn ra tốt hơn và cuối cùng đưa ra được một số kết luận và phân tích không tồi. Về an ninh, tội phạm và pháp lý, chương trình “Đường tới Tương lai” phác thảo những tiến bộ trong việc xử lý tội phạm và căn nguyên của nó, nhưng nêu bật tác động của sự thay đổi nhanh chóng đối với xã hội, đó là tác động lên tỉ lệ tội phạm, an ninh và sự cố kết cộng đồng. Tài liệu này cũng cho rằng tiến trình cải cách không ngừng cần căn cứ vào ba yếu tố chính: ngăn chặn hiệu quả hơn; phát hiện tội phạm và thi hành luật tốt hơn; đồng thời cải cách hệ thống pháp lý liên quan đến tội phạm bằng cách áp dụng các nguyên tắc cơ bản trong cải cách dịch vụ công.
Văn bản này cũng chỉ ra những thách thức mà nước Anh phải đối mặt trong một thế giới toàn cầu hóa nhanh chóng và làm thế nào để lợi ích của nước Anh được đảm bảo tốt nhất, cùng tồn tại với các giá trị tiến bộ chung, trong một thế giới mà các Chính phủ làm việc một cách hòa bình trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Nó cũng vạch ra cách để nước Anh vẫn duy trì ảnh hưởng và quyền lực, nhưng giờ đây phải sử dụng cả quyền lực cứng và mềm. Sẵn sàng can dự nếu cần thiết – sử dụng hành động quân sự khi phù hợp – nhưng cũng tiến hành các hành động toàn cầu để giải quyết các vấn đề như đói nghèo và biến đổi khí hậu; thừa nhận rằng chính sách đối ngoại của Anh được thúc đẩy bởi các giá trị – công lý và dân chủ – trong một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau. Đảm bảo tất cả mọi người được tiếp cận với tiêu chuẩn sống bình đẳng và có những giá trị toàn cầu chung nhất định và thừa nhận biến đổi khí hậu đang là một vấn đề ngày một quan trọng và chỉ có thể xử lý thành công nếu hợp tác trên cấp độ toàn cầu.
Về gia đình, tài liệu này thừa nhận tầm quan trọng trong vai trò của các gia đình trong xã hội, dù cấu trúc của họ là gì. Chính phủ cũng thừa nhận rằng sự thành công của các gia đình không thể hiện ở diện mạo bên ngoài mà ở sự gắn kết giữa các thành viên sống trong đó và rằng Chính phủ vẫn còn có vai trò trong việc đảm bảo tất cả các gia đình được đối xử công bằng và được tiếp cận các lựa chọn giống như các gia đình khác. Tầm nhìn mà tài liệu này vạch ra là để: hỗ trợ các gia đình thực hiện quyền của mình, nhằm quản lý công việc của riêng họ trong khi sống đúng với trách nhiệm mà họ có; tạo ra sự cân bằng giữa công việc và gia đình bằng cách giúp những người sống nhờ phúc lợi sang làm việc kiếm sống, cải thiện chất lượng chăm sóc trẻ em và hỗ trợ sự gắn kết trong gia đình; và giải quyết vấn đề các gia đình bị tách biệt khỏi xã hội, bằng cách xử lý nguyên nhân và hậu quả của việc gia đình bị loại trừ khỏi xã hội, một vấn đề đã trở nên sâu sắc hiện nay.
Về vai trò của Nhà nước, tài liệu này giới thiệu ý tưởng một Nhà nước chiến lược và có quyền năng, để đối phó với sự phát triển không ngừng của các xu hướng trong nước và toàn cầu. Tài liệu vạch ra 6 đặc trưng chủ chốt của Nhà nước này: chú trọng mạnh mẽ vào kết quả; xử lý vấn đề thiếu an ninh; trao quyền cho người dân; quyền và nghĩa vụ; xây dựng lòng tin; và một trung tâm chiến lược nhỏ hơn.
Cuối cùng, tài liệu này kết hợp thách thức đôi là an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu, vạch ra một khuôn khổ chính sách toàn diện để đạt được các mục tiêu của chúng tôi, bao gồm: thúc đẩy các thị trường năng lượng cạnh tranh; nỗ lực hướng tới một khuôn khổ quốc tế hậu 2012 mạnh; đặt giá carbon phản ánh thiệt hại nó mang lại; thúc đẩy việc chuyển sang phát triển các công nghệ mới thông qua các tiêu chuẩn chất lượng, các chương trình khuyến khích phát triển và hỗ trợ; dỡ bỏ các rào cản đối với việc thay đổi hành vi, sự lựa chọn và đầu tư; và đảm bảo rằng Vương quốc Anh và các nước khác có thể thích nghi với những tác động của biến đổi khí hậu.
Quả thực, chúng tôi đơn giản là đưa ra tất cả các yếu tố này và thúc đẩy thực hiện chúng, tôi nghĩ chúng sẽ phát triển thành một chương trình nghị sự tương lai tương đối mạnh, về chính sách và về luật pháp. Tôi cũng quyết định sẽ có một loạt bài phát biểu có tên “Tương lai của dân tộc chúng ta’, nhằm cố gắng tóm tắt triết lý của dự án Lao động mới, những điều chúng tôi đã làm tốt, những điều không làm được và cơ sở căn bản của tất cả điều này. Đã có những ý niệm rằng tất cả là một sự tiếp thị khôn ngoan và tôi muốn thể hiện nó như một phần tư tưởng mang tính chính trị. Tôi phải nói rằng, hoàn toàn không ngạc nhiên, khi giới truyền thông không thích đưa tin về các bài phát biểu này, trừ bài về quốc phòng.
Vấn đề của họ không đơn giản là vì tôi sắp ra đi; vẫn chưa rõ liệu sự ra đi của tôi chỉ là sự thay đổi nhân sự, hay cũng là sự thay đổi về chính sách nữa. Do đó một loạt bài phát biểu chính sách không thu hút đủ sự quan tâm, trừ phi nó phê phán ai đó hay cái gì đó. Dĩ nhiên, bạn có thể nghĩ rằng, nghề của họ là khám phá việc này, nhưng đội ngũ của GB đã quen biết một “hệ thống” tuyệt vời, để không để lộ bất kỳ sơ hở nào, có nghĩa là họ sẽ không sai lầm hay thiếu tôn trọng mà thể hiện quan điểm của họ khi tôi vẫn là Thủ tướng.
Tôi thấy buồn cười khi họ đã hoàn toàn bị “mua chuộc”.
Giờ đây đọc lại các bài phát biểu, tôi nghĩ chúng vẫn còn hợp thời, do đó hãy để tôi tóm tắt chúng một cách ngắn gọn. Mục đích của tôi, trong từng trường hợp, không đơn giản là tuyên bố một chính sách mà miêu tả cả sự phát triển trong suy nghĩ của riêng tôi, dựa trên những kinh nghiệm trong Chính phủ.
Điều này gợi nhớ lại những gì tôi đã nói trong chương mở đầu. Năm 1997, tôi đã có một tầm nhìn bao quát lớn, nhưng không có kinh nghiệm chính trị về hoạch định chính sách trong Chính phủ. Đôi khi mọi người phân tích chính trị cứ như thể nếu một Chính phủ mới lên cầm quyền, họ sẽ có một chương trình và nỗ lực làm việc để thực hiện chương trình đó và thành công hay thất bại tùy thuộc vào điều đó.
Mặc dù vậy, quản trị trong thực tế, như bất kỳ việc nào khác trong đời sống, không giống như thế. “Chính phủ” không có gì bí ẩn và cũng ít thần bí hơn người ta tưởng. Thực ra nó cũng giống như tất cả các hoạt động khác. Bạn học được khi bạn trải nghiệm. Bạn học những thông tin thực tế và dĩ nhiên các sự kiện có thể thay đổi chúng. Bạn học được các tiến trình. Bạn học được nghệ thuật và khoa học trong nghề của bạn. Nhưng vì quyền lực chính trị là kết quả của một quá trình đấu tranh chính trị – ý tưởng, nền tảng chính sách của “chúng ta” đối chọi với ý tưởng của “họ” – xu hướng là coi công việc của Chính phủ như việc đóng cánh cửa của một căn nhà cũ và chuyển tới một nơi nào đó mới. Thực ra, bạn không đổi quyền sở hữu; bạn đổi người thuê nhà.
Do đó, khá hợp lý khi cố gắng hiểu vì sao người thuê nhà trước đó làm điều này hay điều kia, họ học được gì và họ đã tìm thấy gì khi sống ở đó. Không may là, sự giáo dục không phù hợp với cách mà chính trị được thực thi. Trong thời đại mà mục tiêu thường được chia sẻ và chính sách có vai trò sống còn, nơi vấn đề thường không phải là phải hay trái, mà như tôi nói trong phần trước, là đúng hay sai, đây là nhược điểm lớn của nền dân chủ. Bạn mất nhiều năm để học lại được những điều mà người thuê nhà trước đó đáng ra đã bảo cho bạn từ kinh nghiệm của họ.
Do đó trong những bài phát biểu muộn màng này, tôi đã chọn những lĩnh vực chính sách mà tôi nghĩ sẽ hàm chứa một bài học nào đó cần truyền đạt lại. Bài phát biểu đầu tiên là về luật và nghị định. Nó tập trung vào những điều tôi đã khám phá được khi cố gắng xử lý vấn đề tội phạm, một vấn đề khổng lồ đối công chúng, điều khiến người dân lo lắng hơn các chính trị gia.
Tôi đã bắt đầu với câu châm ngôn hay xa xưa “nghiêm khắc với tội phạm, nghiêm khắc với căn nguyên của tội phạm”. Hay trong chừng mực của nó. Điều tôi học được là trong một thế giới tội phạm vô cùng tinh vi – băng đảng, ma túy, buôn người, rửa tiền, đặc biệt là chủ nghĩa khủng bố – các vấn đề xã hội sâu sắc đã thúc đẩy dạng tội phạm ở đáy xã hội, mà các luật lệ và nghị định cũ không hiệu quả. Tôi hoàn toàn hiểu quan điểm truyền thống: chứng minh có tội theo cách cũ, theo những tiến trình pháp lý thông thường. Xin lỗi, với những người này, nó không có tác dụng. Nếu bạn muốn đánh bại họ, bạn cần những quyền lực nghiêm khắc được thực thi về mặt hành chính, với hiệu lực tức thời. Do vậy, luật về các hành vi chống xã hội, cơ sở dữ liệu ADN, luật tài sản tội phạm, luật chống khủng bố, v.v… ra đời Bạn có thể quyết định sẽ phải trả một cái giá quá cao, đó là tự do theo quan điểm truyền thống. Được thôi, nhưng – và đây là điều tôi đã học được – đó là cái giá xứng đáng. Nếu bạn không trả nó, bạn không nhận được kết quả.
Vấn đề là bạn có thể nhận định ai sẽ nói – đôi khi với lý lẽ – chúng tôi, người bị buộc tội đã từ chối quyền của mình. Nhưng bạn có thể không bao giờ biết đầy đủ có bao nhiêu sinh mạng đã bị tước đi hoặc bị chôn vùi nếu tội phạm không được kiểm soát. Họ là nạn nhân và nạn tội phạm có thể được ngăn chặn; nhưng không phải theo cách truyền thống. Vậy thì hãy chọn lựa đi; nhưng đừng tự lừa dối mình rằng đó không phải là một sự lựa chọn. Liên hệ điều này với một bài phát biểu về sự ruồng rẫy của xã hội. Ở đây tôi muốn đặc biệt liên hệ tới những gì tôi đã học được từ thời tôi có bài phát biểu Bulger (bài phát biểu phản ứng trước việc James Bulger bị sát hại) năm 1993. Tôi từng nghĩ rằng, những hành vi gây sốc của một số người trẻ – bạo lực, vũ khí nóng, lạm dụng ma túy – là một triệu chứng của một xã hội mất phương hướng. Theo nghĩa đó, thì tôi đã đoán trước được luận điểm mà David Cameron đã nói sau này về một “xã hội đổ vỡ”.
Theo thời gian, tôi kết luận rằng mình đã mắc một sai lầm nguy hiểm khi bỏ sót một hành vi của một cộng đồng thiểu số với xã hội nói chung. Sự thực là hầu hết những người trẻ đều ổn, thậm chí là tốt, thực ra còn tốt hơn nhiều người mà tôi nhớ ở thế hệ tôi. Thực sự không đúng khi nói các hành vi gây sốc là một đặc điểm cơ bản của xã hội. Thực tế hoàn toàn ngược lại: nó là sự ngoại lệ, một nét dị biệt. Do đó, thay vì phân tích chính sách và sau đó quy nó trong bối cảnh “xã hội” tổng thể, cần phải tuyệt đối và đặc biệt chú trọng vào sự ngoại lệ. Khi bạn kiểm tra dữ liệu, thì điều này không phải là do yếu tố “thanh niên” hay thậm chí là “nghèo đói”. Đó là do gia đình bị suy yếu về chức năng. Và cả do “cuộc sống gia đình” có vấn đề. Hầu hết các gia đình, bất chấp tất cả căng thẳng của cuộc sống hiện đại, chức năng của gia đình vẫn được đảm bảo. Họ vẫn hoạt động bình thường. Ngay cả những gia đình đã trải qua li dị hay li thân. Một thiểu số gia đình thì không như vậy. Vì thế hãy tập trung vào họ.
Đối với những gia đình này, chúng ta cần có sự can thiệp đặc biệt, những hành động này không thể được thực hiện theo những thông lệ xã hội thông thường. Đối với họ, thiếu sự can thiệp của Nhà nước không đồng nghĩa với tự do, nó chỉ khuyến khích họ thực hiện những hành vi tiêu cực, gây tổn hại cho họ và tất cả những người xung quanh. Không có căn cứ nào để các nhà chức trách ghé thăm họ định kỳ hay kiểm tra xem họ sống ra sao một cách thường xuyên. Họ cần bị kiểm soát. Để làm điều này hiệu quả thì “quyền” của họ phải bị tạm ngừng, bao gồm cả quyền làm cha mẹ. Không khó rằng để có thể nhận ra các gia đình này. Cả con cái họ cũng vậy. Tôi không đề xuất rằng trong tất cả các trường hợp như thế, trẻ em cần phải được quan tâm đặc biệt; tôi chỉ muốn làm rõ ràng cần phải xây dựng các chính sách mới vượt ra ngoài khuôn khổ thông thường. Nếu không sẽ không có tác dụng.
Một bài học bao quát hơn cho xã hội là về lĩnh vực trách nhiệm cá nhân đối với sức khỏe. Trong bài phát biểu thứ ba này, tôi đã đặt ra câu hỏi vì sao và theo thời gian, tôi đã đi tới kết luận rằng chính sách chăm sóc sức khỏe hiện đại cần phải bao gồm sự can thiệp mạnh mẽ vào chế độ ăn uống và tập luyện thể dục thể thao.
Thường thì tôi rất thận trọng đối với các loại quy định. Nhưng không phải trong lĩnh vực này; bởi vì một chế độ ăn uống sai và thiếu tập luyện không những tai hại cho dân tộc mà cho cả từng cá nhân. Do đó, tôi nỗ lực điều chỉnh việc cấm hút thuốc, dán nhãn thực phẩm và trên hết là về thể thao. Về lĩnh vực thể thao, tôi đã cố gắng, nhưng sợ rằng không hoàn toàn thành công, để thuyết phục hệ thống rằng thể thao là một phần của công việc hàng ngày, có nghĩa là cần phải là một phần trong việc ra quyết sách chính. Chúng tôi đã tăng mạnh đầu tư vào thể thao và tạo ra những ưu tiên cho thể thao trong các trường học. Tôi muốn thúc đẩy hơn nữa hoạt động thể thao, nhưng để làm như vậy, một phần của cơ sở hạ tầng, trong đó chúng tôi mở ra các cơ hội tập luyện thể dục thể thao và tư vấn về chế độ ăn uống cho mọi người, phải vượt qua giới hạn vốn chỉ dành cho tầng lớp cao cấp.
Tôi cho rằng, tuy có rất nhiều chương trình tập trung vào xây dựng lối sống lành mạnh và còn nhiều hơn thế các lời tư vấn về sức khỏe, nhưng vấn đề là làm thế nào để tổ chức, điều phối và tiếp cận nó một cách rộng khắp. Tôi ủng hộ chương trình ăn tối ở trường học của Jamie Oliver vì lý do tương tự. Những vấn đề này không phải là ý tưởng quá muộn, hay điều gì đó nghĩ ra cho vui vào thời điểm tôi sắp giã từ cương vị Thủ tướng. Chúng là những việc cần thiết.
Bài diễn văn thứ tư lại một lần nữa liên quan tới ao ước thầm lặng bấy lâu nay của tôi và là một phần kết quả của những cơ hội bị bỏ lỡ ở trường: đó là khoa học. Tôi đã là một sinh viên dở tệ. Thất bại trong môn vật lý, từ bỏ môn hóa, bỏ qua môn toán, không bao giờ bận tâm đến môn sinh và mất cả phần đời còn lại của mình để mà nuối tiếc! Tôi cảm thấy mình vô cùng ngu ngốc, không thể hiểu đầy đủ các nguyên tắc hay nguyên tố theo bất kỳ hình thái nào giúp người ta có thể hiểu được. Do đó, phần tuổi trẻ của tôi, xét về lĩnh vực khoa học, đã trôi qua trong vũng lầy của sự thất vọng, bất khả tri và thờ ơ. Giờ đây tôi rất hào hứng với khoa học và khả năng mà nó có thể đem lại; do nhận ra những tiến bộ của nó đang thay đổi thế giới và cuộc sống của chúng ta như thế nào.
Bài phát biểu có 3 phần: giải thích vì sao khoa học lại quan trọng; vì sao chúng tôi cần đầu tư gấp đôi vào khoa học dựa trên đường hướng rất khả thi của David Sainsbury; và vì sao chúng tôi không nên để những kẻ chỉ trích khoa học hủy hoại khả năng tạo ra những đột phá mới của nó. Tôi đã từng có một cuộc tranh luận dữ dội với những người phê phán thực phẩm biến đổi gien, được dẫn dắt bởi một mỹ nhân quyến rũ nguy hiểm của tờ Daily Mail, người đã bịa ra tất cả những lời khuyên vô nghĩa rằng thực phẩm biến đổi gien là thảm họa cho sức khỏe.
Tôi cũng đã có cuộc đấu tranh với những người tương tự về Leo và việc liệu cháu đã uống vắc-xin MMR chưa. Bác sỹ Wakefield – người sau này bị mất uy tín – đã nhận định rằng vắc-xin MMR có liên hệ với bệnh tự kỷ. Tờ The Mail ngay lập tức chộp lấy ý tưởng này. Họ đặt ra nghi vấn về việc Leo uống vắc-xin đó – nếu Chính phủ nói vaccine MMR là an toàn, thì liệu con trai Thủ tướng có uống vắc-xin đó không?
Thực ra đó không phải là câu hỏi vô lý và sẽ thẳng thắn hơn nếu chúng tôi trả lời nó ngay trước bàn dân thiên hạ. Nhưng vì những lý do riêng tư, gia đình tôi rất nhạy cảm về các vấn đề liên quan đến Leo và vì thế chúng tôi đưa ra lập luận rằng: vấn đề về việc dùng vắc-xin của Leo không thuộc khu vực công. Mặc dù vậy, ngay sau đó chúng tôi nhận ra rằng, chúng tôi chẳng thể duy trì điều đó. Và rồi chúng tôi nói, không ghi âm, rằng: Hãy nhìn đây, chúng tôi tin rằng dùng vắc-xin là tốt nhất cho trẻ em, trong đó có cả Leo và chúng tôi không đề nghị những người khác làm những điều chúng tôi không làm với Leo và bạn hãy tự rút ra kết luận của mình; và dĩ nhiên đó là sự thừa nhận hiệu quả. Vì vậy cánh báo chí biết rõ rằng Leo đã uống vắc-xin. Nhưng một bộ phận của giới truyền thông vẫn vờ viết rằng điều đó chưa rõ và công chúng thì vẫn không nguôi lo lắng.
Bài phát biểu đã vạch ra tác dụng bảo vệ mạnh mẽ của khoa học và phân biệt rõ quyền của khoa học trong việc cho chúng tôi biết những dữ liệu thực tế và quyền quyết định có hành động dựa trên thực tế đó hay không. Điều không nên xảy ra trong các thảo luận công là tư tưởng bài khoa học hay khoa học dối trá đã trấn áp sự thật. Từ Galileo qua Darwin đến thời kỳ hiện đại ngày nay, những thái độ như vậy luôn để lại hậu quả xấu; và ngày nay một dân tộc như Anh không thể để bị quản trị bởi điều đó.
Bài phát biểu kế tiếp là về “đa văn hóa”. Một lần nữa, đó là nỗ lực nhằm thúc đẩy một chính sách, sau những tranh cãi vô ích về việc đa dạng là sức mạnh hay điểm yếu. Đối với tôi, nó rõ ràng là sức mạnh. Nhưng với công dân, phải có những trách nhiệm nhất định rõ ràng, quyền lợi cũng vậy. Đây là một không gian chung, trong đó tất cả công dân Anh nên cùng chung sống. Không gian này bao gồm sự ủng hộ cho các giá trị cơ bản của Anh, ngôn ngữ, văn hóa và cách sống của chúng tôi. Trong khía cạnh đó, chúng tôi không nên đa dạng mà nên thống nhất. Bên ngoài không gian đó, sự đa dạng cần được tự do rong chơi; và khi đó nó thực sự là sức mạnh.
Tôi cũng có một bài phát biểu khác về quốc phòng, trong đó đưa ra những triết lý cơ bản của tôi; nhưng cũng đưa ra một điểm rất thực tế. Ngày nay, chúng tôi cần một thỏa thuận mới về lực lượng vũ trang. Chúng tôi đang đề nghị họ trở lại chiến đấu và chịu thương vong. Trong gần 50 năm, những nhiệm vụ của lực lượng Falklands và Bắc Ireland tách biệt khỏi hoạt động chung, không phải là vấn đề cần bàn tới. Vì vậy, chúng tôi cần trang bị và thưởng cho họ xứng đáng. Mặc dù vậy, nếu chúng tôi không thể tham gia các cuộc chiến sắp tới, thường là với đồng minh Mỹ, thì chúng tôi sẽ mất các lực lượng vũ trang được xem là bộ phận quan trọng đem lại cho nước Anh sức mạnh, tầm ảnh hưởng và quyền lực.

Bài phát biểu thứ bảy là về nơi làm việc. Đọc lại nó, tôi thấy hơi rời rạc, nhưng nó cũng mang trong mình mầm mống của một ý tưởng. Về cơ bản, tôi đã cố gắng nói rõ rằng môi trường làm việc hiện đại ngày nay hoàn toàn là về tận dụng nguồn vốn con người và phát triển nó. Về mặt này thì tinh thần “quản lý/công nhân” hoàn toàn lỗi thời. Do đó, thay vì tập trung vào trò chơi không đem lại lợi ích gì cho việc quản lý hay vốn, Chính phủ và nghiệp đoàn nên yêu cầu khả năng sử dụng sự sáng tạo và kỹ năng của người lao động một cách hiệu quả nhất; và nên tích cực tham gia vào ý tưởng này đồng thời tham gia vào việc tạo ra tài sản. Vì vậy, chính sách của Chính phủ nên hướng tới việc nâng cao kỹ năng suốt đời, chứ không phải điều chỉnh thị trường lao động.
Chủ đề của bài diễn văn cuối cùng là một vấn đề không thể cưỡng lại được sau 10 năm làm Thủ tướng, đó là giới truyền thông. Tôi biết họ sẽ bác bỏ nó, châm biếm và nói chung là nhạo báng nó. Một mặt, tôi đã ở vị trí tệ nhất để nói về họ. Không ai cảm thông cho các chính trị gia và giới truyền thông và các chính trị gia (đặc biệt là tôi) phải bỏ ra nhiều thời gian để đào xới về giới truyền thông. Do vậy, dễ dàng bị cáo buộc là ích kỷ, đạo đức giả và không thành thật. Tôi vẫn quyết định viết bài diễn văn này, vì mặt khác, chỉ những người có kinh nghiệm đối phó với giới truyền thông và với vị trí Thủ tướng, mới có thể dám thẳng thừng chỉ trích.
Tôi dậy vào 4 giờ 30 sáng để viết và chỉ mới soạn được một bài phác thảo. Tôi phải thú nhận rằng khi đọc nó, trực tiếp trên vô tuyến truyền hình, trước lớp khán giả là nhà báo, tôi có hơi nao núng một chút. Nó được viết như cảm nhận của tôi và cảm xúc đó rất mạnh mẽ.
Mặc dù vậy, những lập luận của tôi là đúng đắn: thực tế là giờ đây giới truyền thông hoạt động vì tác động, tạo ra vấn đề giật gân (gây xúc động mạnh), loại ra những tranh luận đúng đắn về chính sách hay các ý tưởng. Không những thế, truyền thông còn hoạt động 24/7, sở hữu quyền lực phi thường nhưng không hề có một tí trách nhiệm phù hợp nào. Khi họ quyết định ủng hộ ai, họ là “những con quỷ hoang dã”. Nhưng hơn thế nữa, họ cũng, một phần thông qua sự hiện diện của cạnh tranh, chia phe phái cao độ để đạt được tác động tối đa hay làm mọi người thừa nhận những quan điểm của những người chủ của họ hay các biên tập viên.
Dù gì đi nữa, bài phát biểu của tôi đã được tán thưởng mạnh mẽ! Ngay cả tới nay, mọi người ở cả trong và ngoài nước vẫn còn nhắc với tôi về nó. Bất chấp những nỗ lực tột cùng để bóp méo và bác bỏ, nó đã gây được tiếng vang.
Những tuần cuối cùng bị chi phối bởi các cuộc bầu cử ở Scotland và sau đó là những công đoạn chuẩn bị cuối cùng cho việc ra đi. Giờ đây tôi đã định ngày rời cương vị Thủ tướng là 27 tháng 6, sau các hội nghị thượng đỉnh G8 và Liên minh châu Âu. Trong suốt quãng thời gian đó, chúng tôi hy vọng đạt được những kết quả cuối cùng cho tiến trình hòa bình Bắc Ireland và phục hồi cơ chế chia sẻ quyền lực và đã dốc hết sức vào việc đó.
Chúng tôi đã có những cuộc tranh cãi thú vị với Iran khi họ bắt 15 binh sỹ Hải quân Hoàng gia vào 23 tháng 3. Người Iran nói rằng họ đã xâm phạm thủy phận Iran, điều mà chúng tôi chắc chắn là sai, nhưng nó cũng tạo ra một số ngày đáng lo ngại. Mặc dù bất bình trước hành động của Iran, tôi vẫn rất điềm tĩnh. Điều quan trọng duy nhất là đưa các binh sỹ trở về sớm, do đó chúng tôi quyết định đi theo con đường ngoại giao hơn là đối đầu, bất chấp những chỉ trích vì làm như vậy. Không may là, một số binh sỹ diễu hành qua ống kính máy quay trông có vẻ quá thân thiện với những người bắt giữ họ; và khi họ được thả 12 ngày sau đó – một “món quà” cho nước Anh, như cách gọi của Tổng thống Ahmadinejad – một số người đã đặt niềm tin vào các tờ báo. Điều này tạo ra sự thịnh nộ giả tạo, đặc biệt là những tờ báo không có được câu chuyện. Tôi chỉ cảm thấy tiếc cho tất cả bọn họ mà thôi. Họ đã trải qua một tình huống hoàn toàn không lường trước, trong khi có rất ít hoặc không có kinh nghiệm xử lý bất kỳ điều gì như thế, do vậy tôi đã đi theo hướng bỏ ngoài tai bất kỳ sự chỉ trích nào. Nhưng việc này cũng chi phối tâm trí của cả nước trong nhiều ngày.
Chúng tôi đã thúc đẩy các đề xuất về cải cách Thượng viện. Gordon bắn tín hiệu rằng ông muốn có một Thượng viện theo cơ chế bầu cử. Jack Straw đã trở thành một người ủng hộ cho bầu cử một phần và đề xuất các phương án lựa chọn. Tôi chấp nhận đề xuất của ông ấy, nhưng về mặt cá nhân, như tôi đã vui vẻ nói với Ủy ban Liên lạc trong lần cuối tôi gặp họ vào tháng 6, tôi nghĩ nó thật điên rồ. Giờ đây đang có những nỗ lực khổng lồ thúc đẩy nó, nhưng không hiểu vì sao tôi vẫn nghi ngờ rằng nó có thể được thực hiện.
Thượng viện là một thể chế độc đáo của Anh, một nơi cũ kỹ và vui nhộn. Tuy tôi rất quan tâm tới thuyết đả phá những tín ngưỡng lâu đời, nhưng trong trường hợp này tôi nghĩ sự độc đáo của Thượng viện đáng được bảo tồn. Việc cha truyền con nối của các thành viên Thượng viện là vô lý và thực sự không công bằng, nhưng cán cân giữa luận điểm bầu thành viên và bổ nhiệm thành viên tỏ ra cân bằng hơn nhiều so với các đề xuất về bầu cử. Việc bổ nhiệm có thể bị ảnh hưởng bởi các nguy cơ như: quan hệ thân mật, sự sắp đặt, đỡ đầu, v.v…, nhưng điều này có thể khắc phục được bằng một hệ thống đề cử khác. Và thực tế là giờ đây, hệ thống mà Uỷ ban Thượng viện đã đưa ra tháng 5 năm 2000 có thể đảm bảo điều này.
Còn nguy cơ mà bầu cử đem lại là chúng ta sẽ có một bản sao của Hạ viện, điểm khác biệt duy nhất là bạn bầu những người vì lý do này hay khác không thể vào được hoặc không muốn vào Hạ viện. Lợi ích tổng thể của sự tồn tại của Thượng viện là bạn có thể đưa vào những nhân vật không có tiểu sử hoạt động chính trị cả đời, những người không phải là bản sao hay sản phẩm thay thế của các Nghị sỹ (MP), nhưng có những kinh nghiệm và trình độ chuyên môn uyên thâm và khác biệt.
Chẳng hạn như, việc có những người như Ara Darzi là một Thượng nghị sỹ và một Bộ trưởng Y tế, một bác sỹ phẫu thuật và biết tất cả các tri thức mới về y khoa – là một phần thưởng khổng lồ cho đội ngũ nhân tài chính trị. Thực ra, các bộ trưởng trong Thượng viện hóa ra là những người có năng lực nhất, nhưng tôi ngờ rằng nhiều người, nếu không phải là tất cả trong số họ, muốn trau dồi những kiến thức, kinh nghiệm chính trị cần thiết để chạy đua trong một cuộc bầu cử và trở thành một MP.
Thêm vào đó, nó còn phụ thuộc vào chức năng mà bạn muốn Thượng viện thực hiện. Nếu là một Viện để xét duyệt, thì sẽ còn tốt hơn nếu có nhiều kiểu thành viên khác nhau trong đó. Nếu bạn muốn đó là một Viện cạnh tranh, thì khi đó tôi chấp nhận quan điểm Thượng viện dựa trên bầu cử sẽ mạnh hơn. Nhưng hãy xem những ví dụ về sự cạnh tranh lưỡng viện như vậy trên thế giới, không có nhiều nơi hoạt động hiệu quả, hay ít nhất là không có nhiều nơi không phải chịu cảnh bế tắc nghiêm trọng. Do đó, nói chung tôi phản đối nó.
Chiến dịch tranh cử Nghị viện Scotland diễn ra vào tháng 4. Chúng tôi đã thắng hai lần trước, nhưng lần này, tình hình sẽ khó khăn hơn nhiều. Chúng tôi cũng đang đến gần dịp kỷ niệm 10 năm lên nắm quyền của Chính phủ. Đó là một thành tựu to lớn cho đảng, lần đầu tiên đảng đến gần một cột mốc quan trọng như vậy và tôi nghĩ có cơ hội thực sự để tập trung vào một số thành công đã đạt được trong thập kỷ đó. Sự thực là, cho dù ai đó có thể nói gì và cho dù điều gì xảy ra sau này, thì từ năm 1997 đến năm 2007, Anh đã có 10 năm tăng trưởng kinh tế không gián đoạn. (Tôi sẽ nói về các nguyên nhân của khủng hoảng năm 2008 sau). Chất lượng sống của những người nghèo nhất đất nước đã được cải thiện 20% so với thời Đảng Bảo thủ cầm quyền. Người về hưu không còn phải chết vì không đủ ấm vào các mùa đông. Dịch vụ y tế công cộng không còn bị giới báo chí chỉ trích vì tình trạng khủng hoảng, thời gian và danh sách các bệnh nhân phải chờ đợi để được khám chữa bệnh đã được cải thiện, trong một số trường hợp đã được cải thiện nhanh (Vấn đề này đã đi về đâu khi nó là một tâm điểm trong cuộc tranh cử 2010?)
Năm 1997, đã có gần 100 trường học ở London có dưới 15 học sinh nhận được năm điểm GCSE tốt (giỏi). Đến năm 2007, con số này giảm xuống chỉ còn 2. Chương trình đào tạo học viện giờ đang phát triển rầm rộ. Chúng tôi là Chính phủ duy nhất kể từ sau chiến tranh mà dưới sự lãnh đạo của chúng tôi, số tội phạm đã giảm đi thay vì tăng lên. Chúng tôi đã ban hành quá thừa những điều chỉnh về cá nhân, từ lương tối thiểu theo luật định đầu tiên đến việc tăng mạnh thời gian nghỉ thai sản của người mẹ và thời gian nghỉ chăm sóc con của người cha, đến quyền của người đồng tính và chương trình Sure Start cho trẻ em. Những khu vực “ổ chuột” ở Birmingham, Bristol, Leeds, Liverpool, Manchester, Newcastle, Nottingham và Sheffield đã được cải tạo. Cũng có những chương trình lớn cải cách và kiện toàn hiến pháp mới. Và tuy nhiều người bất đồng với những quyết định về Iraq và Afghanistan, nhưng năm 2007, nước Anh đã xác lập được một vị thế quan trọng trên thế giới, có một liên minh mạnh với Mỹ và là thực thể đóng vai trò chủ chốt ở châu Âu. Bắc Ireland cũng vậy. Lùi lại và kiểm nghiệm, chúng tôi thấy đó là một thập kỷ khá là thành công.
Do thời điểm ngày 1 tháng 5 sắp đến, chúng tôi bắt đầu, không thể tin được, truyền tải thông điệp đó và đến thời gian diễn ra ngày kỷ niệm 10 năm, chúng tôi đã thu hẹp được khoảng cách về uy tín trong cuộc thăm dò dư luận, gần như là chúng tôi đã được tín nhiệm bằng đối thủ. Với việc chúng tôi rõ ràng đang ở giữa nhiệm kỳ và với cuộc điều tra tai hại “đổi tiền lấy danh”, đó thực sự là một điều đáng kể.
Tôi quyết định đi và vận động tranh cử một cách mạnh mẽ ở Scotland. Tôi có một chút cảm giác rằng mình không nên, nhưng cũng biết khá rõ rằng mình nên đi và thử thách sự tín nhiệm thực sự. Các cuộc bầu cử địa phương ở Scotland cũng đang được tổ chức, tất cả cho tôi cơ hội đến đó và nhắc mọi người nhớ rằng tôi có thể làm được gì.
Đảng Lao động Scotland đón tiếp rất nồng nhiệt, cho dù trong thâm tâm họ cảm nhận ra sao. Lesley Quinne, nhà tổ chức và Tổng bí thư, là một người thực sự trung thành và đáng tin cậy, đã chuẩn bị và quảng bá không mệt mỏi cho tất cả mọi việc. Tôi thực hiện một số chuyến thăm kết hợp, có các bài phát biểu, các phiên chất vấn, một số có kế hoạch từ trước – như bài phát biểu được chuẩn bị kỹ lưỡng về chuyển giao quyền lực – và một số lớn khác khá tuỳ hứng. Mặc dù vậy, khán giả phải được chọn lựa tương đối cẩn trọng. Vào thời điểm đó thì rõ ràng tin tức về việc bất kỳ ai làm gián đoạn bất kỳ chuyện gì cũng có thể lên trang nhất của các tờ báo, gạt hết các loại tin tức khác và giới truyền thông đang thường xuyên cảnh giác theo dõi để chộp được những khoảnh khắc huỷ diệt như vậy. Tôi cũng tham gia một số chương trình truyền thông nhẹ nhàng vui vẻ, bao gồm những phần đối đáp nhanh, không trịnh trọng; nhưng tất cả đều khá tốt.
Tôi thậm chí còn đến thăm cả con phố ở quận Govan, Glasgow, nơi cha tôi từng sống. Khó mà có thể nghĩ rằng ông, một chú bé Glasgow tí hon, sống trong khu vực nghèo nàn đó của thành phố, thường thu thập những vỏ chai nước chanh uống hết để bán lấy tiền xem chiếu bóng, sống trong một căn hộ tập thể tồi tàn của công ty, một ngày nào đó có con trai trở thành Thủ tướng.
Rồi cuộc bầu cử cũng có kết quả và chúng tôi gần như đã thắng, chỉ kém có một ghế. Do phải kiểm lại phiếu và mọi việc rơi vào trạng thái treo, tôi đã nghĩ thoáng qua rằng Jack McConnell có thể sẽ thắng. Nhưng không, Đảng dân tộc Scotland và lãnh đạo của họ Alex Salmon đã lọt qua khe cửa hẹp nhất. Nếu chúng tôi tin tưởng vào bản thân nhiều hơn là nghi ngờ rằng chúng tôi có thể thua – thì tôi nghĩ có thể chúng tôi đã thắng cử.
Tôi đã lo lắng về vị trí của mình sau cả hai chiến dịch tranh cử ở Scotland và xứ Wales. Tôi muốn hoàn thành xong cuộc bầu cử ở Bắc Ireland và vạch ra chương trình nghị sự chính sách cho tương lai, nhưng tôi biết một số người nghĩ rằng tôi ích kỷ khi cố ở lại đến hết các chiến dịch tranh cử này. Với một nhà lãnh đạo mới, chúng tôi có thể làm tốt hơn và cụ thể là có thể với Gordon, chúng tôi đáng ra đã thắng ở Scotland. Jack McConnel đủ trung thành và lịch thiệp để từ chối việc này, nhưng tôi không chắc rằng ông ấy muốn thế. Mặc khác, mọi người biết rằng thay đổi sắp xảy ra, do đó sẽ không hợp lý khi bỏ phiếu chống lại một người dù gì đi nữa sẽ không còn ở đó trong vài tuần nữa. Mọi việc thật đáng thất vọng. Tôi biết một khi Alex Salmon lên nắm quyền, ông ta có thể gây bất đồng trong nội bộ Chính phủ Wesminster (Chính phủ của Nhà nước Dân chủ Nghị viện Anh) và bản thân thì thâm nhập vào Chính phủ. Khi đó việc đẩy ông ta đi còn khó hơn nhiều so với việc ngăn ông ngay từ đầu.
Các bài phát biểu khá tốt – không theo nghĩa là được tán dương nhiệt liệt, nhưng đã nhận được những phản hồi tích cực từ những người đón nhận chúng, như thường lệ và xứng đáng là những lập luận nghiêm túc về những gì chúng tôi đã làm được và tại sao trong 10 năm cầm quyền.
Trong suốt những tháng cuối cùng đó, tôi vẫn đảm đương việc ra quyết định. Tôi cũng thăm xứ Wales vài lần. Tôi có thể nói rằng, Thủ hiến của xứ Wales, Rhodri Morgan, một người ủng hộ Gordon, không quá hào hứng về việc tôi tham gia vào cuộc bầu cử của ông ấy, nhưng vẫn vui lòng tổ chức cuộc viếng thăm.
Những tin tức từ Iraq tiếp tục đáng lo ngại, nhưng như kết quả của quyết định tăng quân, rõ ràng là tình hình có thể được đảo ngược. Tôi đã đến thăm Baghdad và Basra, cảm ơn binh lính về những điều họ đã làm. Họ vẫn tiếp tục bị pháo cối nã vào hầu như hàng ngày trên đường phố Basra. Khi chúng tôi ngồi trong một khu trại, một quả đạn pháo đã rơi ngay gần đó và tôi biết việc sống trong nỗi sợ hãi triền miên kinh khủng như thế nào. Thật kinh ngạc khi chính binh lính vẫn giữ được trong mình một trái tim dũng cảm; nhưng tôi có thể nói rằng, những quan chức cấp cao nghĩ lợi ích của chúng tôi ở Iraq đã hết và kiên quyết mắc kẹt ở Afghanistan, điều mới chỉ là sự khởi đầu của một vấn đề lớn hơn.
Vào cuối tháng 4, tôi đã gặp gia đình của một trong các binh lính đã hy sinh trong một nhiệm vụ rất khó khăn và nhiều rủi ro. Tôi đã đưa họ đến phòng làm việc ở Phố Downing. Đó là những cuộc gặp rất cảm động, với trọng trách nặng nề. Các gia đình ứng xử khác nhau trước sự tang thương. Họ biết rằng quân đội của chúng tôi là tình nguyện, chứ không phải theo luật định và những người con yêu dấu của họ đã làm những điều họ muốn làm. Những người khác cảm thấy bất công khi những cuộc đời còn quá trẻ đã kết thúc quá sớm và muốn đổ lỗi cho ai đó. Số khác thì lẫn lộn trong các tình cảm đau buồn, trách móc.
Vào dịp đó, có vợ của một người lính, đi cùng hai con nhỏ, cả hai đều còn chập chững. Sẽ không ai trong số hai đứa trẻ biết về cha chúng trừ những điều từ các mảnh ký ức của người mẹ. Ông bà nội ngoại của chúng đều có thời gian hoạt động trong quân đội nên có thể hiểu, nhưng sự mất mát đó vẫn không hề dễ dàng. Tôi đã không biện minh cho bất kỳ quyết định nào hay giải thích lý do. Tôi để họ đặt các câu hỏi, rồi hỏi lại họ về người lính đó và họ đã vẽ một bức tranh về người liệt sỹ với niềm tự hào.
Sau khoảng 40 phút, tôi đề nghị gặp riêng với người vợ góa một lát. Chúng tôi nói chuyện một chút và tôi phải cố để không trào nước mắt. Khi gặp những người như thế và nhận ra quyết định của bạn đã ảnh hưởng tới cuộc đời của một người và rộng hơn là cuộc đời của cả một gia đình ra sao, thì sẽ có một điều gì đó thay đổi trong bạn. Bạn phải nhạy cảm để nhận thấy nó; và sau đó, bạn phải dũng cảm vượt qua nó mà không mất đi sự nhạy cảm, ra quyết định và đi tiếp, bất chấp điều đó.
Dĩ nhiên, hầu hết sự việc này cho thấy tác động mà bạn có thể tạo ra đối với người đang đứng trước mặt bạn, nó như một lời nhắc nhở có thực về biểu hiện hữu hình của một quyết định. Trong những khoảnh khắc khách quan hơn, bạn có thể ngẫm nghĩ về những quyết định khác, nơi bạn có thể chưa bao giờ gặp hay thậm chí là đánh giá cao những hệ quả của quyết định đó, bởi những người đó chưa bao giờ đứng trước mặt bạn: hàng triệu người đã được giúp đỡ ở châu Phi, bao gồm cả những người được giúp một cách tình cờ bởi chương trình Bush PEPFAR (Kế hoạch khẩn cấp về viện trợ); những người đi trên các con phố ở Bắc Ireland; thậm chí là những người đã được cứu sống nhờ chương trình NHS. Hay những người bị thương vì những quyết định bị trì hoãn hoặc sai lầm, những người bạn chưa bao giờ nghe tới và không bao giờ có thể biết tới.
Cho dù hệ quả của những quyết định đó có hiển hiện trước mắt bạn hay không, thì rốt cuộc bạn vẫn phải tiếp tục sống, tiếp tục làm việc và tiếp tục cố gắng. Nhưng bạn biết quá rõ trách nhiệm của mình đối với tác động từ các quyết định của bạn; và với tính khẩn thiết và bắt buộc trong trường hợp của tôi, tôi biết trách nhiệm này sẽ không rời bỏ tôi cho tới ngày tôi nhắm mắt xuôi tay.
Để chuẩn bị cho Hội nghị Liên minh châu Âu, tôi cũng đến thăm các thủ đô – Paris, Berlin, Warsaw và các nơi khác – cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ cho một nghị quyết mạnh mẽ về biến đổi khí hậu. Tôi đã gặp Nicolas Sarkozy và đầu tháng 5, ngay sau khi ông ấy thắng cử. Ông ấy đang ở một phong độ tuyệt vời, đầy sức sống trong từng cơ bắp, tham vọng và kiên định trong mỗi bước đi, tràn đầy nhiệt huyết đương đầu với những thách thức ở phía trước.
Tôi nhớ lại khi gặp ông ấy ở Phố Downing ngay trước khi chiến dịch tranh cử bắt đầu, ông ấy thật hoạt bát và tự tin. Ông ấy có những kế hoạch lớn cho Pháp, cho châu Âu, cho thế giới. “Lạy chúa”, tôi nói với ông ấy sau 20 phút lắng nghe điều đó. “Ông như Napoleon vậy” “Cảm ơn ông”, ông ấy đáp một cách rất thản nhiên; rồi khi nhìn kỹ hơn, tôi thở phào khi biết ông ấy đã nháy mắt.
Lần này ở Paris, đầu tiên chúng tôi uống với nhau vài ly và sau đó ăn tối ở một nhà hàng gần Điện Elysée, nơi ông ấy đi bộ đến, chào đón những vị khách đang vô cùng sửng sốt, cứ như là ông ấy vẫn còn tranh đấu cho từng phiếu bầu. Nicolas nhắc lại với tôi tham vọng trở thành Chủ tịch châu Âu khi Hiệp ước Lisbon được nhất trí. Tôi, hơi e dè một chút, quen dần với nó và có thể nhận thấy sức hấp dẫn của nó; nhưng tôi cũng biết sẽ vô cùng khó khăn để một người như tôi có được cương vị đó. Tôi có được sự kính trọng ở châu Âu; tôi cũng có nhiều kẻ thù, những người tôi không để mắt tới, những người tôi đã không đủ quan tâm. Tôi là một nhân vật có vai vế, không phải là người bạn dễ gặp nếu bạn lo lắng về phần hào quang mà bạn muốn có. Tôi nghĩ bản thân Nicolas có một quan điểm khá thoải mái về những nhân vật xung quanh vì ông ấy rất tự tin. Những người khác sẽ không xem sự hiện diện của tôi với tư cách là Chủ tịch châu Âu theo cách đó.
Ông ấy là một người bạn thú vị – cuốn hút, mạnh mẽ, với những câu chuyện hài hước hấp dẫn kiểu Pháp về phụ nữ, cuộc sống mà tôi thích. Tôi cũng thích kiểu người “hoặc là theo cách của tôi hoặc không có cách nào khác” của ông ấy. Ông ấy luôn muốn thay đổi và luôn có quan điểm được ăn cả ngã về không. Và tôi cũng rất chắc rằng đó là cách duy nhất để nhanh chóng đạt được những cải cách cần thiết. Nhưng đề xuất trên lý thuyết là một chuyện, còn thực hiện trên thực tế lại là chuyện khác, luôn là thế. Tôi nhận thấy một số cảm nhận của ông ấy khá giống với tôi 10 năm trước, dạt dào niềm tin về những khả năng không giới hạn, đặc trưng của những người mới ‘vào nghề’. “Mọi việc sẽ khó khăn hơn”, tôi cảnh báo.
“Dĩ nhiên, tôi biết chứ”, ông ấy đáp, theo cách hoàn toàn giống như tôi, khi bạn nghĩ là bạn biết, nhưng đến tận khi có kinh nghiệm, sự biết đó của bạn vô cùng không hoàn hảo.
Tôi gặp Angela Merkel cũng trong khoảng thời gian đó. Tôi đã sắp ra đi một cách buồn nản ngay khi bà ấy và Nicolas mới đến. Bà ấy đã là Thủ tướng được gần hai năm, những rõ ràng là đến tận lúc đó mới thực sự xác lập hoàn toàn được vị trí của mình. Vào thời điểm này, tôi đã có quan hệ thực sự tốt và tôi rất quý mến bà ấy.
Vào 8 tháng 5, có những tin tốt về Bắc Ireland, cơ chế chia sẻ quyền lực được phục hồi. Vào 9 tháng 5, tôi nói với Nữ hoàng rằng hôm sau tôi sẽ thông báo thời điểm từ chức. Mùng 10, tôi tới Sedgefield với tư cách Thủ tướng và Nghị sỹ của họ lần cuối. Đó là nơi hành trình đã bắt đầu và đó là nơi mọi thứ nên kết thúc. Tôi đã có bài diễn văn từ biệt và thông báo tôi sẽ ra đi vào 27 tháng 6, ngay sau hội nghị của Hội đồng châu Âu. Thế là còn 6 tuần cho một cuộc chiến hay một tiến trình lãnh đạo và rồi chuyển giao quyền lực để nghỉ hè và để Gordon có thể thể hiện vai trò của mình.
Cuối cùng, tôi tiến hành một chuyến công du chào từ biệt để nêu bật những điều chúng tôi đã làm được và cố gắng hoàn tất mọi thứ. Tôi đã đến Sierra Leone, Libya, Nam Phi, để nhấn mạnh tầm quan trọng của quản trị cùng với viện trợ đối với tương lai của châu Phi. Chúng tôi đã tổ chức một hội nghị cấp cao do Chính phủ tài trợ của những người có tín ngưỡng khác nhau đầu tiên. Đã có hội nghị G8 ở Heiligendamm vào tháng 6; một phiên họp của NATO ở Rostock; và sau đó dĩ nhiên là Hội đồng Liên minh châu Âu. Tôi đã gặp George lần cuối vào tháng 5. Tôi gặp Giáo hoàng ở Vatican vào trung tuần tháng 6. Và tất cả đều trôi qua rất mờ nhạt như ý nghĩa của nó.
Những văn kiện chính sách từ chương trình “Đường tới Tương lai” đã được ban hành nhưng Gordon ít quan tâm tới nó hơn và đất nước đang trông chờ một nhân vật mới. Cuộc tranh giành vào vị trí phó chủ tịch Đảng có khá nhiều đối thủ. Rõ ràng rằng nhóm của Gordon hậu thuẫn Harriet Harman, người sau đó đã giành chiến thắng. Alan Johnson chưa từng thực sự được nâng đỡ, cho dù ông này đã trụ được đến vòng cuối cùng và công bằng mà nói xứng đáng thắng cử. Jon Cruddas cũng thể hiện tốt. Là nhà hiện đại hóa triệt để, Hazel Blears chỉ ghi được một số điểm vừa phải, nhưng đã có một chiến dịch tranh cử cừ khôi.
Không có cuộc đua nào cho vị trí lãnh đạo. John Reid đáng ra có thể trụ lại, nhưng những tờ báo của Murdoch, chỉ hạ bệ John và dù ông ấy hiển nhiên đồng cảm với độc giả của Sun hơn Gordon. Đó là khi chiến lược liên kết với Rupert và Dacre được trả công xứng đáng – ứng viên nào cũng không có khả năng thắng. Họ đã bị “đánh” tơi bời.
David Miliband đến gặp tôi. Hai năm sau ông ấy sẽ là một chính trị gia bậc khác, với những phẩm chất lãnh đạo rõ ràng; nhưng tháng 5 năm 2007 đó, ông ấy xin tôi lời khuyên, ông ấy còn có vẻ ngại ngần và tôi cơ bản là không biết chắc ông ấy có muốn cương vị đó hay không. Và đó không phải là vị trí mà người ta nửa muốn nửa không. Ông ấy hỏi tôi rằng tôi có nghĩ ông ấy nên ở lại không và tôi đáp mình không thể ra quyết định hộ ông ấy được. “Điều gì xảy ra nếu tôi làm thế? Ông ấy hỏi. “Tôi nghĩ anh có thể thắng, không rõ ràng nhưng rất có khả năng”, tôi đáp.
David nghĩ, vì những lý do hợp lý rằng mọi thứ đã an bài cho Gordon rồi. Thực ra tôi không nghĩ như vậy và tôi cũng cho rằng vào thời điểm có chiến dịch tranh cử diễn ra và mọi người bắt đầu gạt ông ấy ra, sự nhập nhằng về vị trí của ông ấy, những khoảng cách trong quan điểm và sự trao đổi với cánh tả, sẽ trở nên rõ ràng. Chơi chính xác, sẽ xác định rõ ràng có chọn theo đường lối Lao động mới hay không.
Nhưng David không tin. Một số người lúc đó và sau này đã chỉ trích ông ấy vì quá cẩn trọng. Cá nhân tôi thì thực sự thông cảm. Việc này không giống trường hợp của tôi vào năm 1994. Đó là những tính toán có ủi ro hoàn toàn khác. Tôi không trách gì David cả, nhưng tôi đã nói ông ấy nên chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp vấn đề này nổi lên một lần nữa và sự thực là sớm hơn tôi nghĩ. Vào thời điểm đó tôi cho rằng a) sẽ là một mớ lộn xộn, không hẳn là Lao động mới, không hẳn là không; và b) hệ quả là, những hạn chế cá nhân hiển nhiên của Gordon sẽ rất nhanh khiến ông ấy phải chịu những đợt công kích khá dữ dội mà ông ấy không chuẩn bị về tâm lý. Với một chương trình rõ ràng và vững vàng, ông ấy có thể vượt qua. Không có nó, ông ấy chỉ có thể trông mong vào phẩm chất cá nhân của mình và điều đó chẳng bao giờ hiệu quả.
Như thường lệ, giữa hai người đàn ông với nhau, quan hệ của chúng tôi vẫn ổn. Tôi chỉ hoàn toàn phản đối những gì tôi biết ông ấy sẽ làm. Nhưng tôi nhận ra chẳng thể thay đổi nó. Tôi đã viết cho ông ấy bản ghi nhớ cuối cùng vào tháng 2 năm 2007, cho dù không hề tin rằng nó sẽ khuyên nhủ được gì. Tôi không thể nói tôi có thể giữ cương vị này chống lại Gordon. Nhìn từ quan điểm của Gordon, thì ông ấy đã đợi 10 năm để nắm lấy vị trí chết tiệt này. Có thể tha thứ cho Gordon khi ông ấy nghĩ: Sao ông ta không đơn giản là trả hết mọi thứ và để mình làm? Do đó chúng tôi đã nói chuyện về môt số vấn đề, bày tỏ suy nghĩ về việc quảng bá sự thành công và mọi thứ hoàn toàn thân mật.
Trong bản ghi nhớ này, tôi giải thích rằng chỉ có hai cách để Lao động có thể thắng trong cuộc bầu cử. Một là sự chấm dứt mang tính quyết định của nhiệm kỳ của tôi, điều tôi gọi là “Sự chấm dứt gọn gàng”. Nhưng điều đó cần một chương trình nghị sự mới và đáng tin cậy. Các thứ hai là “tiếp tục Lao động mới”, có nghĩa là duy trì Lao động mới nhưng sẽ sử dụng nó để đối phó với các thách thức mới. Mặc dù vậy, tôi đã nói với Gordon rằng ông ấy chỉ có thể chiến thắng khi theo cách thứ hai, do ông ấy đã là một phần của giai đoạn 10 năm trước. Bất kỳ sự tách biệt nào và việc hơi ngả sang cánh tả, cũng quá đủ để hủy hoại liên minh Lao động mới. Tôi đã vạch ra một kế hoạch phối hợp và hợp tác trong những tháng trước khi tôi ra đi, để ông ấy được xem như là một nhà lãnh đạo Lao động mới đích thực và không phải là một nhà lãnh đạo Lao động truyền thống.
Hết cuộc thảo luận này đến cuộc thảo luận khác, tôi cố gắng giải thích cho Gordon hiểu rằng ông ấy không cần phải lo về việc tách biệt khỏi tôi. Đó là điều hiển nhiên; ông ấy có những phẩm chất và tính cách hoàn toàn khác. Sự tương phản trong tính cách là rất đậm nét. Nhưng nếu ông ấy có ý định chuyển đường lối chính sách cơ bản, thì rốt cuộc ông ấy sẽ bị chuyển sang một hướng chẳng đi tới đâu.
Giờ đây, đọc lại những ghi chú này đó chính xác là điều ông ấy nên làm nhưng đã không làm. Vấn đề ngân sách là cơ hội lớn để liên kết với nhau trong một di sản chung và để củng cố tình hình tài khóa, nhưng những người mà ông cảm thấy thân cận nhất không thực sự đồng tình về vấn đề này. Gordon đã có thể nói chuyện với tôi và ở một mức độ nào đó tôn trọng tôi, giống như tôi đối với ông ấy, nhưng mối quan hệ thân mật đã đổ vỡ. Giống như với Alastair, Peter và Philip. Ông ấy có thể nghe những điều chúng tôi nói và hiểu sức mạnh của nó, nhưng ở sâu thẳm trong bản năng của mình, ông ấy không cảm thấy như thế; và những người thân cận với Gordon thực ra cũng không đồng tình với điều đó theo bản năng của họ. Do đó, mọi việc sẽ chẳng bao giờ thành cả.
Thực sự rất khó để nói về tất cả việc này và tôi đã nghĩ về nó từ rất lâu. Không có gì tệ hơn việc tiếc nuối “ồ, giá như ông ấy chịu lắng nghe tôi,” và do đó, sau khi lấy hết can đảm cố gắng không rơi vào tình trạng tự bào chữa cho bản thân – mà tôi sợ rằng các dạng hồi ký chính trị thường mắc phải – đó là điều mà tôi thấy đáng tiếc. Nhưng giờ đây nhìn vào các tài liêu chính sách đó – những tài liệu về cách ly xã hội, về sử dụng ngân sách an sinh xã hội, về tiết kiệm tài chính cơ cấu, về cải cách thuế khóa, về những giai đoạn cải cách tiếp theo trong vấn đề tội phạm, y tế và giáo dục, tôi nghĩ mọi chuyện sẽ hoàn toàn khác nếu chúng tôi đã triển khai được nó. Nếu chúng tôi đã đưa Lao động mới lên một cấp độ mới và không quanh quẩn trong một con đường không lối thoát của những thông điệp lẫn lộn và sự do dự, chúng tôi đã ở một vị trí tốt hơn nhiều trong khủng hoảng kinh tế; và đi trước Đảng Bảo thủ về tư tưởng. Nhưng điều đó đã không xảy ra, sự thực là thế. Mọi việc đã an bài. Khóc lóc và nghiến răng nghiến lợi chẳng để làm gì.
Vậy là chúng tôi chỉ còn vài ngày cuối cùng nữa. Cảm giác sắp sửa ra đi thật kỳ lạ. Tôi đã ở đỉnh cao của quyền lực. Tôi biết vào tháng 5 năm 2007, tôi đã là một Thủ tướng tốt hơn nhiều vào thời điểm tháng 5 năm 1997. Tôi vẫn cảm thấy có nhiều động lực và nhiệt huyết thôi thúc tôi làm việc. Tôi tin tưởng rằng chương trình nghị sự chính sách mà tôi đã nghiên cứu bấy lâu nay là tương lai khả thi duy nhất cho nước Anh. Nếu nó được giải thích cặn kẽ, nó có lẽ cũng sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân cả nước. Nhưng tôi sắp ra đi.
Sự tín nhiệm đối với tôi trong giới truyền thông đã bay biến. Họ đã từng ngưỡng mộ khả năng dẫn đường và kỹ năng chính trị, nhưng họ đã không còn lắng nghe những tranh luận chính trị. Họ đã chán nản. Họ trở nên hoài nghi và thích chỉ trích. Vấn đề Iraq đã tạo ra quá nhiều phân tích cay nghiệt và phá hoại trên diện rộng. Họ đã ủng hộ gói biện pháp của GB, mặc dù tôi cảm thấy động cơ của họ rất không rõ ràng. Một số người cánh tả thực sự nghĩ ông ấy sẽ đưa ra một chương trình theo cánh tả. Tôi có cảm giác rằng những người ở cánh hữu về cơ bản cho rằng ông ấy sẽ triển khai một Chính phủ của Đảng Bảo thủ.
Về phần tôi, tôi nghĩ tôi đã trưởng thành lên nhiều, để hiểu các tình huống chính trị đó. Gordon đã được tôi bao bọc. Nhiều thành viên gạo cội của Nội các không thực sự biết sự chia rẽ về chính sách giữa chúng tôi, trừ những người như John Reid và Tessa Jowell. Đa số những người khác xem gió thổi theo chiều nào để xoay theo chiều đó.
Tôi đã thử xem xét ý tưởng ở lại Nghị viện. Tôi biết từ khá sớm rằng các vấn đề với Gordon sẽ nổi lên và Đảng sẽ không biết phải làm gì; nhưng tôi cũng biết rằng tuy có một số người sẽ làm ầm lên đòi tôi ở lại cho dù bị phản đối kịch liệt, nhưng sẽ có sự tranh cãi dữ dội về việc đó và nó có thể hủy hoại cơ hội của những người khác. Tôi cũng không thể tham gia vào những cuộc tranh luận về chính trị trong khi ông ấy là lãnh đạo. Nếu tôi làm một việc gì hay thậm chí nói một từ gì khác ý, dù chỉ một milimét, thì người ta sẽ cáo buộc tôi là thiếu trung thành hay thiếu đoàn kết. Do đó tôi quyết định chẳng có nhiều sự lựa chọn ngoài việc rời khỏi vũ đài chính trị Anh, ít nhất là vào thời điểm này.
Về phần người dân, họ, hoặc ít nhất là một bộ phận lớn của họ, cũng đã ngừng lắng nghe và tỏ ra tức tối về cách tôi tiếp tục thúc đẩy các chính sách mà họ không đồng tình. Họ không ủng hộ chính sách đối ngoại mà họ nghĩ rằng quá thân thiết với Mỹ. Họ không thích châu Âu trong khi tôi thì có vẻ ngược lại. Họ bị thuyết phục rằng, có những cách dễ dàng hơn và ít đối đầu hơn để cải cách các dịch vụ công. Họ cũng cảm thấy lúng túng trước chương trình nghị sự về luật và nghị định, ủng hộ thông điệp cơ bản của nó nhưng vẫn không tin nó có thể thực sự phát huy hiệu lực trên thực tế.
Trên hết, họ bị tấn công, thậm chí là bị ngập trong những cơn đại hồng thủy liên quan tới “đổi tiền lấy danh”, “nói dối” về Iraq, chuyện tham nhũng này, bê bối nọ, các hạn chế khác của Chính phủ. Chúng tôi giống như hai người đứng ở hai bên của một tấm kính dày có gắng nói chuyện với nhau. Tôi đã và vẫn nghĩ rằng có thể thuyết phục được họ, nhưng khi tôi nói thì họ không thể nghe thấy và sau một thời gian họ không còn cố gắng lắng nghe nữa.
Khi vượt ra khỏi tấm kính và gặp mọi người, điều tôi làm rất thường xuyên trong những tháng cuối cùng tại nhiệm, những người mà tôi gặp sẽ không bị những tấm kính dày như thế cản đường. Chúng tôi có thể trò chuyện thoải mái với nhau và cả hai đều cảm thấy điều đó thật thú vị. Gần tới thời khắc cuối cùng, tôi thực sự đã học được nhiều điều từ những người mà tôi gặp, nhưng họ chỉ là thiểu số. Những người còn lại tôi chỉ có thể liên lạc một cách gián tiếp và với họ, tấm kính nhanh chóng khiến họ khó chịu.
Đó là một điều đáng buồn giữa tôi và những người này. Mối quan hệ giữa tôi với họ luôn sâu sắc và nhiều cảm xúc hơn mối quan hệ bình thường giữa một nhà lãnh đạo và dân tộc. Đó là sự xúc động mạnh sau chiến thắng 1997, sự ra đời của Lao động mới, sau đó là cảm giác bình thường ở giai đoạn đầu lãnh đạo và theo thời gian mọi thứ trở nên xa cách hơn, tách biệt hơn, nghi thức hơn giữa Thủ tướng và dân thường, như thể chỉ có tôi là quan trọng chứ không phải họ. Dĩ nhiên, một bộ phận của giới truyền thông đã phải nhọc công xây dựng hình ảnh này và khiến chúng tồn tại dai dẳng.
Mặc dù vậy, còn nhiều điều hơn thế. Năm 2005, tôi được nghe một bài thuyết trình khác thường về sự tín nhiệm của công chúng của Charles Trevail, đến từ Trung tâm nghiên cứu Dư luận, Xã hội và Thị trường. Nghiên cứu của họ vào thời điểm đó, tôi thấy khá buồn cười, lệch hướng và cường điệu, nói về mối quan hệ của tôi với người dân Anh. Nó giống với một cuộc hôn nhân hay một chuyện tình. Lúc đầu, mọi người cảm thấy có một sự gắn kết sâu sắc lạ thường. Họ tin tưởng và yêu quý tôi. Sau đó vào nhiệm kỳ thứ hai, tôi đột nhiên ra đi và dính vào một cuộc phiêu lưu khác ở bên ngoài, gần như là ngoại tình. Tôi không còn quan tâm đến họ nữa. Tôi trở nên ngạo mạn. Dường như tôi nghĩ tôi lớn lao hơn họ; hay nói theo cách khác, chúng tôi trở nên tách biệt và tôi thấy nước Anh quá nhỏ cho những tham vọng tự cao tự đại của mình. Tôi từng khiến họ hài lòng, nhưng giờ đây tôi chỉ khiến họ bực tức và họ không còn muốn đi cùng với tôi trên đường đời nữa.
Charles tâm sự họ chưa bao giờ tiến hành nghiên cứu về một người và chứng kiến những cảm xúc mạnh mẽ như vậy nảy sinh. Sự đồng nhất về cơ bản là không tồn tại. Bà Thatcher cũng từng gợi lên những cảm xúc mạnh mẽ, nhưng đó là do chính sách của bà ấy; còn đối với tôi đó là vấn đề về con người. Một số ghét, một số yêu; nhưng họ nói về tôi như một người họ biết, không chỉ là nói về một lãnh đạo, mà cả về một cá nhân. Tuy nhiên, quan điểm chủ đạo là tôi đã đánh mất sự đồng cảm, điều thể hiện trong giai đoạn đầu tại nhiệm của tôi và điều đã tạo ra sự gắn kết giữa tôi và công chúng.
Một trong những lý do dẫn đến tình hình này là do bản chất của vị trí lãnh đạo. Mọi người nhìn thấy bạn trên các bản tin mỗi tối, với một khuôn mặt nghiêm trọng, với những vấn đề nghiêm trọng, là mục tiêu tấn công. Họ nghe những người khác nói những điều xấu xa về bạn, những phiên Chất vấn Thủ tướng (PMQ) và sự công kích của nó, tất cả đều lộn xộn và khó chịu. Thỉnh thoảng tôi bước lên vũ đài với diện mạo khác, như tôi đã làm trong cuộc phỏng vấn của Des O’Connor năm 1996. Vào tháng 3 năm 2006, ngay trước khi vụ bê bối “đổi tiền lấy danh” bùng phát, tôi xuất hiện trên chương trình Parkinson. Một lần nữa nó thể hiện một khía cạnh khác về tôi và nó thực sự hiệu quả. Kevin Spacey cũng là một vị khách trong chương trình và đã làm rất tốt, khi chọc tôi bằng những câu chuyện về George Bush nhưng chỉ là trêu đùa không ác ý. Đó là một phần trong một nỗ lực lớn nhằm tái kết nối ở cấp độ cá nhân, nhưng khi vụ bê bối “đổi tiền lấy danh” nổ ra, nỗ lực đó đã chết yểu.
Mặc dù vậy, tôi đã nhận ra rằng sự cách biệt gần như là không thể tránh khỏi theo thời gian này không phải là cốt lõi của vấn đề. Vấn đề là tôi đã làm những điều, không chỉ trong chính sách đối ngoại mà rộng hơn, đã tạo ra sự phản đối và bất bình và tôi đã không làm gì để điều chỉnh. Phe cánh tả ghét việc ủng hộ Mỹ và việc cải cách dịch vụ công; phe cánh hữu ghét việc ủng hộ châu Âu, phong cách của Chính phủ và dĩ nhiên hầu hết ghét việc chúng tôi vẫn đang nắm quyền và họ vẫn là thứ yếu.
Sự khác biệt giữ TB của năm 1997 và TB năm 2007 là: đương đầu với sự phản đối trên một diện rộng như vậy năm 1997, tôi sẽ thay đổi chính sách để khiến gió trở nên thuận chiều. Còn giờ đây tôi sẽ không làm thế. Tôi sẵn sàng đi đến cùng vấn đề nếu tôi nghĩ đó là cách duy nhất để tới được nơi cần đến. “Duy trì sự kết nối” với dư luận không còn là nguyên tắc chủ đạo nữa. “Làm điều đúng đắn” đã thay thế nó. Tôi biết điều này tạo ra sự bất bình ở “mái ấm hôn nhân” nơi tôi và người dân của tôi đang chung sống hạnh phúc. Nó có vẻ ngạo mạn, thậm chí là tự cao tự đại. Nhưng không phải tôi đi theo người phụ nữ khác. Tôi đã đạt được kết luận rằng, gia đình sẽ không thịnh vượng và phải cẩn trọng nếu không cuộc sống của chúng tôi sẽ khác đi. Tôi muốn chuyển địa điểm. Tôi có thể nhận thấy thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Tôi có thể thấy nơi chúng tôi ở cần sự điều chỉnh cơ bản và nhanh chóng. Vùng “an toàn” không phải là nơi chúng tôi cần. Lần này, cảm nhận không phải là về đảng, mà là về đất nước.
Ngay từ trước khủng hoảng kinh tế năm 2008, tôi đã nhận ra rằng không có cách nào để G8 có thể tiếp tục tồn tại. Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và các nước khác sẽ đòi có một ghế trên bàn thảo luận; và nếu họ không nhận được chiếc ghế đó, họ sẽ sắm cho mình một chiếc bàn của riêng họ. Tôi đã nhận thấy nguy cơ cho châu Âu là G2: Mỹ và Trung Quốc. Và sau đó, nếu chúng tôi không cẩn thận là G3: Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Hay một G4: Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil. Nói theo cách khác, chúng tôi đang đối mặt với một thực tế là nước Anh là một đảo quốc nhỏ với 60 triệu dân, cách biệt với châu Âu, trong một thế giới mà chỉ tính riêng hai quốc gia, mỗi quốc gia đã có dân số gấp 20 lần chúng tôi và trong thời gian tới, kinh tế của họ sẽ sánh bằng. Liệu sẽ lố bịch và phù phiếm thế nào khi tin rằng chúng tôi có thể trở thành Những người Anh bé nhỏ trong một cục diện như vậy, hay lờ đi tầm quan trọng khổng lồ của mối quan hệ với Mỹ?
Do các nền kinh tế mới đang nổi lên, chúng tôi phải cạnh tranh. Như thế nào? Bằng khối óc và kỹ năng, bằng thúc đẩy chuỗi giá trị gia tăng. Bằng cách làm việc chăm chỉ hơn. Bằng cạnh tranh dựa trên phẩm chất, năng lực. Để làm được điều đó, hệ thống giáo dục và an sinh xã hội của chúng tôi phải được cải cách, không phải thận trọng hơn mà mạnh bạo hơn. Tôi có thể thấy những tranh luận của cánh tả/cánh hữu trong thế kỷ hai mươi về việc nền chính trị Tây Âu đang chết dần, vẫn còn diễn ra, nhưng chỉ theo kiểu tranh luận thực tế về việc việc gì cần làm và làm khẩn trương.
Tôi nhìn vào NHS và tự hào về những thay đổi chúng tôi đã tạo ra, nhưng tôi tin chắc rằng: khi công nghệ tiên tiến hơn và mọi người sống lâu hơn, hệ thống chăm sóc sức khỏe của một nước phát triển không thể tồn tại ở một mức chi phí hợp lý và với một số vốn dự phòng ở mức độ tối thiểu mà không đặt trách nhiệm của mỗi cá nhân và chính sách y tế công ở trung tâm của vấn đề.
Tôi đã miêu tả ở trên việc tôi đã nhận ra bất cập trong việc các thủ tục pháp lý điều chỉnh tội phạm của thế kỷ XIX đang cố gắng để đối phó với tội phạm của thế kỷ XX và sự suy giảm chức năng của xã hội như thế nào.
Điều cốt lõi là không phải sự bất mãn với mối quan hệ này thôi thúc tôi; tôi đã nhận thấy nếu không nói ra sự cần thiết phải tìm một bối cảnh phù hợp để nuôi dưỡng mối quan hệ đó, tôi sẽ không trung thực hay đáng tin cậy. Một điều trớ trêu và có hại cho tôi là, đúng vào khoảnh khắc mà tôi trở nên cởi mở nhất về điều cần phải làm và tại sao phải làm, thì sự liêm chính của tôi lại bị nghi vấn nhiều nhất.
Tôi đã đối mặt với bài học thứ tư về sự can đảm chính trị mà tôi đã nhắc tới trong chương 1 – rủi ro không thể tính toán được – và chấp nhận bước đi đó. Giờ đây tôi dấn thân vào bài học thứ 5: làm những điều tôi cho là đúng, ngay cả khi mọi người nghĩ khác. Tôi đã từng tán đồng quan niệm “lãnh đạo tốt là biết kết nối với dư luận”, nhưng giờ đây tôi đã từ bỏ quan niệm đó. Tôi không đánh giá nó và rút ra định nghĩa rằng: lãnh đạo tốt không phải là biết mọi người muốn gì và cố gắng làm hài lòng họ, mà là biết điều gì là tốt nhất cho lợi ích của họ và nỗ lực thực hiện điều đó. Làm hài lòng tất cả mọi người trong mọi thời điểm là điều không thể; nhưng ngay cả như vậy, đó vẫn làm một tham vọng chẳng có chút giá trị gì. Nhân danh lãnh đạo, tôi muốn nói rằng nó hạ thấp giá trị của sự lãnh đạo.
Điều này không có nghĩa là nhà lãnh đạo không nên nỗ lực thuyết phục công chúng và làm như vậy bằng sức mạnh của lập luận, của sự hấp dẫn và niềm tin mà họ có. Đó là thủ thuật và chúng cần được triển khai một cách hiệu quả và thành thạo. Như tôi đã nói, trong những tuần lễ cuối cùng đó, chúng tôi đã tăng hết tốc lực cả ở trong nước và nước ngoài. Trong căn hộ phố Downing, tôi đang gói gém hành trang. Tôi không biết từng có giai đoạn nào một vị Thủ tướng có nhiều thời gian như vậy để chuẩn bị cho việc ra đi như thế. Có những chiếc hộp lớn chất đầy những mảnh vụn được tích lũy trong 10 năm qua. Đó là quãng thời gian dài nhất tôi từng sống ở một địa điểm. Leo chưa bao giờ biết đến một nơi nào khác. Dù thế, tôi không nói đến những tình cảm của mình dành cho các căn nhà. Khi tôi rời phố Downing và Chequers, tôi buồn vì phải xa mọi người, nhưng không ủ rũ vì xa những cơ sở vật chất ở đó. Được sống trong những căn nhà đẹp đẽ và mang đậm tính lịch sử như vậy thật thú vị, nhưng đó không phải là điều cốt lõi. Nhà là nơi cả gia đình sinh sống hạnh phúc bên nhau.
Tôi đã trở về từ kỳ họp của Hội đồng châu Âu vào thứ 7 và sau đó đến Manchester vào Chủ nhật để tham dự một cuộc họp đặc biệt, nơi tôi sẽ thông báo kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ lãnh đạo của tôi và chuyển giao quyền lực cho Gordon. Tôi đã có một bài phát biểu ngắn gọn và không nhiều cảm xúc – tôi đã nói tất cả điều cần nói tại đại hội đảng cuối cùng rồi. Tôi có thể nhận thấy người ta hăm hở chào mừng một kỷ nguyên mới. Tôi cũng lo lắng khi rời vũ đài chính trị. Buổi chia tay phải được tiến hành trang trọng và nếu có thể nên sôi nổi, nhưng không được ủy mị.
Tôi đã có một tuyên bố về Hội đồng châu Âu trước Thượng viện và thứ Hai, 25 tháng 6. Vào thứ Ba tôi thực hiện chuyến công du cuối cùng với tư cách là một Thủ tướng. Đó là chuyến đi đến một trường tiểu học và hơi kỳ lạ khi tôi đi cùng Arnold Schwarzenegger, thống đốc bang California, người đã đến Phố Downing để tham dự một cuộc họp về biến đổi khí hậu. Khi Arnold sải bước trong sự chào đón của những học sinh của trường, một em đột nhiên nói khá to – nhưng hơi ngập ngừng như thể học thuộc lòng – một câu rõ ràng đã được một trong các giáo viên của trường, người chắc chắn chẳng biết gì về các bộ phim của Arnold dạy từ trước – “Xin chào Ngài Thống đốc. Cháu rất thích xem bộ phim Kẻ hủy diệt”. Tôi vội vàng bảo ông ấy rằng chúng tôi đã nghe nhầm. Nhưng dù gì đi nữa thì Arnold cũng rất tuyệt và lũ trẻ đã rất vui sướng khi được gặp ông.
Ngày hôm sau, thứ Tư, là buổi Thủ tướng trả lời chất vấn cuối cùng. Tôi biết mọi việc sẽ rất khác lạ. Chẳng có nghĩa lý gì khi tôi cố gắng thúc đẩy một vấn đề nào đó và cũng chẳng ích gì khi phe đối lập ra sức chỉ trích một việc gì, tốt hơn hết là để người-sắp-đi ra đi trong danh dự. Mặc dù vậy, điều đầu tiên là gửi lời chia buồn của Thượng viện tới các gia đình binh lính đã hy sinh. Khi được giao nhiệm vụ đó, tôi đã nói:
Do đây là lần cuối cùng tôi phải thực hiện nhiệm vụ đau buồn này, tôi hy vọng Thượng viện sẽ cho phép tôi nói đôi điều về lực lượng vũ trang của chúng ta và không chỉ nói về 3 chiến sỹ đã ngã xuống tuần trước. Tôi chưa bao giờ quên những người dũng cảm, kiên định và có những cống hiến lớn lao như vậy cho đất nước. Tôi thực sự rất tiếc về những mối nguy họ phải đối mặt hôm nay ở Iraq và Afghanistan. Tôi biết ai đó sẽ nghĩ họ phải đương đầu với những nguy hiểm đó vô ích. Tôi đã, đang và sẽ không bao giờ nghĩ như vậy. Tôi tin rằng họ đang chiến đấu vì an ninh của đất nước và thế giới, trước những kẻ muốn hủy hoại cuộc sống của chúng ta. Nhưng cho dù mọi người đánh giá thế nào về các quyết định của tôi, tôi nghĩ chỉ có thể nhìn nhận các binh sỹ của chúng tôi bằng một quan diểm duy nhất: đó là họ là những người dũng cảm nhất và ưu tú nhất.
Cuối cùng, tôi đã nói đôi điều ủng hộ nền chính trị và chính trị gia, điều mà tôi cảm nhận và biết rõ rằng Thượng viện sẽ hoan nghênh:
Một số người có thể coi thường chính trị nhưng những người đang làm chính trị như chúng ta biết rằng đó là nơi mọi người ngẩng cao đầu. Dù tôi biết rằng có rất nhiều cuộc chiến khốc liệt trong chính trị, nhưng đó vẫn là vũ đài khiến tim bạn đập nhanh hơn. Có thể đôi lúc đó là nơi ẩn chứa những mưu đồ xấu xa, nhưng thông thường đó luôn là nơi để theo đuổi những lý tưởng cao thượng. Tôi chúc tất cả mọi người, dù bạn hay thù, những lời chúc tốt đẹp nhất. Đó là tất cả những điều tôi muốn nói. Xin hết.
David Cameron đã đứng dậy hoanh nghênh bài phát biểu của tôi một cách chân thành; và mọi việc diễn ra như thế. Tôi trở về để chào tạm biệt các nhân viên ở phố Downing và không như năm 1997, giờ đây họ khóc vì sự ra đi của tôi chứ không phải khóc vì tôi đến. Gia đình đã chụp với tôi một bức ảnh lần cuối trên bậc thang của Số 10. Tôi đã đến Điện Buckingham từ biệt Nữ hoàng và bà vẫn lịch thiệp như thường lệ. Sau đó tôi cũng lên tàu đến Sedgefield để từ giã cử tri của tôi.
Tôi cảm thấy trấn tĩnh và thanh thản. Tôi biết vẫn còn những việc chưa hoàn tất; nhưng rồi tự an ủi mình với suy nghĩ rằng, mọi công việc sẽ chẳng bao giờ kết thúc cả. Tôi sắp bước vào một cuộc sống mới. Tôi luôn may mắn khi có một đam mê mạnh hơn chính trị, đó là tôn giáo. Tôi đã và giờ đây có một tham vọng mới. Tôi đã đi một hành trình dài, nhưng tôi, dù đau đớn, nhận ra tôi còn nhiều hành trình khác để đi. Có những bước đi lớn hơn và những bài học lớn hơn đang chờ đợi tôi ở phía trước. Có thể, theo thời gian những đánh giá toàn diện hơn về 10 năm qua sẽ được đưa ra. Có thể không. Nhưng những đánh giá của riêng tôi sẽ không còn phụ thuộc vào điều đó.
Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi - Tony Blair Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi