Love is like a roller coaster,

Once you have completed the ride,

you want to go again.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Tony Blair
Thể loại: Tùy Bút
Nguyên tác: A Journey : My Political Life
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1655 / 31
Cập nhật: 2016-06-09 04:39:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 20: Kết Thúc Cuộc Chơi
rên chuyến bay, tôi có thời gian suy ngẫm kỹ càng về yếu tố chính trị của tình hình Lebanon và phản ứng của riêng tôi với vấn đề này. Ruth Turner, trưởng ban quan hệ công chúng của Chính phủ, đã gặp gỡ nhiều thành viên của PLP. Họ không hẳn là những người thiếu trung thành mà chỉ là bị mất đi tiềm năng, như Peter Hain, John Denham và Karen Buck. Họ là những thành viên PLP chủ đạo, có liên hệ mật thiết với cả cánh tả và cánh hữu trong đảng và chắc chắn có những hiểu biết sâu sắc về các lĩnh vực cụ thể của đảng.
Họ thẳng thắn với bà ấy hơn là với tôi. Họ không đồng ý với lập trường về Lebanon, nhưng đó không phải là quan điểm thực sự của họ. Họ nghĩ rằng phản ứng của tôi cho thấy sự thiếu nhạy cảm trầm trọng, sự sai lầm của bản năng và sự tách biệt giữa tôi và quan điểm của công chúng mà theo họ là nguy hiểm và không giống cách hành xử bình thường của tôi.
Tôi luôn được biết đến là một chính trị gia nhạy cảm, người có thể biểu lộ được suy nghĩ của công chúng và nhờ đó định hình chúng, là người có thể “cảm nhận” được ý kiến của đông đảo dư luận và làm theo nó bằng trực giác. Họ cảm thấy tôi đã đánh mất khả năng này; và đó là bản năng đã tạo dựng nên con người tôi. Và họ coi sự mất mát đó là một thảm họa về chính trị.
Điều này khiến tôi phải suy nghĩ khá lâu trên chuyến bay trở về kéo dài 8 tiếng đồng hồ. Đó không phải vì tôi không hiểu công chúng nghĩ gì về Lebanon, hay do tôi không rõ tình hình. Tôi gặp khó khăn khi không đồng tình với nó. Tôi hoàn toàn nhất trí rằng, việc có quá nhiều dân thường vô tội, đặc biệt là trẻ em bị thiệt mạng là điều hoàn toàn sai trái và không thể chấp nhận được. Thảm họa thiệt hại về người của hành động đó làm tôi thấy kinh sợ. Tôi nghĩ đến những gia đình chịu cảnh tang thương, những nỗi đau cay đắng dồn nén và nếu bạn là một người dân Lebanon gặp phải cơn ác mộng này, bạn chỉ muốn nổi giận với cả thế giới.
Nhưng tôi cũng lo lắng về nguy cơ Hezbollah giành “chiến thắng”, một tình huống mà bọn chúng có thể đã tính toán: khiêu khích, kéo Israel vào vụ trả đũa và nổi lên giành chiến thắng. Tôi cảm thấy việc ngừng bắn đơn phương sẽ trao cho chúng cơ hội đó. Tôi cũng nhận ra rằng bất kỳ điều gì khuyến khích chúng tính toán như vậy lần kế tiếp sẽ là mối đe dọa thực sự và tiềm năng. Chúng phải hiểu rằng, nếu cố gắng làm điều đó một lần nữa, chúng sẽ phải trả giá, một cái giá mà người Lebanon sẽ không cho phép họ trả, ít nhất là không phải bằng mạng sống của người vô tội.
Đối với tôi, các phân tích này không hạn chế ở bản thân cuộc xung đột này, mà còn mở rộng đến những xung đột tiềm tàng trong tương lai. Kết thúc cuộc xung đột bằng cách ngăn chặn Hezbollah có thể cứu sống được hàng triệu sinh mạng vô tội. Việc này đã cho chúng tôi thời gian và không gian chính trị để giải quyết vấn đề Shebaa Farms bằng quyền lực mềm và dĩ nhiên là để hồi sinh tiến trình hòa bình Israel/Palestine. Rất ít người ủng hộ lập trường “trung lập” bị xa lánh của tôi, nhưng tôi tin rằng đó chỉ bởi vì chúng tôi đã thực sự bị sốc khi xem những thước phim về hậu quả chiến tranh qua truyền hình, điều này không thể che mắt chúng tôi trước những hậu quả của một nền hòa bình được xây dựng trên những điều khoản sai lầm.
Vậy là không phải vì tôi không thể đoán được “hướng gió” mà bởi vì tôi không tin vào nó. 10 năm trước, khi mới nhậm chức và bị chi phối bởi tưởng tượng của công chúng, tôi có thể đã đưa ra lựa chọn khác. Giờ đây, tôi như một nhà phân tích, được sinh ra không phải vì nhu cầu kết nối của đảng đối lập, mà vì nghĩa vụ lãnh đạo đất nước của Chính phủ, tôi đã trưởng thành hơn. Tôi không thay đổi với tư cách một người bình thường mà với tư cách một nhà lãnh đạo. Tôi có thể thấy rõ mình sẽ gặp phải vấn đề gì, nhưng tôi đã đi đến một quan điểm rằng, đối với vấn đề an ninh, tôi nên làm theo những gì trực giác cho là đúng đắn, chứ không phải theo số đông.
Khi đến St Lucia, tôi nghĩ rằng: tôi đã thay đổi hay là ngoan cố? Đó là sự lãnh đạo hay chỉ là chuyện hão huyền? Việc can dự vào vấn đề Iraq là do tôi tin đó là một việc làm đúng đắn hay chỉ đơn giản là tôi không còn nơi nào khác để đi? Chúng ta trung thực với bản thân đến mức độ nào? Chúng ta thật khó có thể rạch ròi giữa những động cơ và sự lo lắng, niềm tin và sự kiêu hãnh của bản thân.
Vào ngày thứ ba trong kỳ nghỉ đã xảy ra một mối nguy lớn về an ninh khi âm mưu cho nổ tung nhiều máy bay đang bay giữa Anh và Mỹ bị đẩy lùi chỉ trong gang tấc. Những kẻ chủ mưu đã định dùng loại thuốc nổ lỏng pe-rô-xít, điều đó lý giải tại sao lệnh cấm mang chất lỏng lên máy bay luôn được kiểm soát nghiêm ngặt. Về bản chất, nó đã châm ngòi cho việc áp dụng vô vàn biện pháp thắt chặt an ninh sân bay.
Ngày hôm đó và những ngày kế tiếp đã có một loạt cuộc họp, giữa tôi, Bộ trưởng Giao thông Douglas Alexander và Bộ trưởng Nội vụ John Reid. Sau những hoảng loạn ban đầu, tôi có một mong muốn mạnh mẽ là giảm thiểu sự gián đoạn hoạt động. Do đó như thường lệ đã có một loạt các cuộc đấu khẩu giữa chúng tôi, giữa tôi, người thuộc phe ủng hộ sự tiện lợi của hành khách và hai người họ, những người thuộc phe phòng ngừa rủi ro. John chắc chắn đã hiểu ý tưởng đó, nhưng để bắt đầu triển khai ý tưởng, chúng tôi phải cực kỳ thận trọng. Douglas có thể phải đọc những dòng tin xấu xa về việc chúng tôi đã lờ đi lời khuyên của “chuyên gia”. Tôi tin rằng một khi sự hoảng loạn dịu đi, chúng tôi sẽ gây ra những thiệt hại thực sự cho sân bay Heathrow nếu đi quá xa. Do đó, họ khăng khăng rằng, doanh nhân không được mang túi đựng áo vest, tất cả phải để ở khoang hành lý gửi, nước hoa được liệt vào danh sách nguy cơ tiềm năng, tất cả đều có thể là mối đe dọa. Sau khi tôi phê bình rất nhiều và những người khác đã phải nghe đến rát tai và kiên nhẫn chịu đựng, chúng tôi mới đạt được một tạm ước, mặc dù phải mất nhiều tháng tâm thế chung mới trở lại bình thường.
Bất chấp sự gián đoạn liên tục và những cuộc gọi thường xuyên đề nghị tôi trở về Anh, tôi vẫn cố gắng thu xếp đi nghỉ. Bạn phải gắn bó với công việc cả đời và sự nặng nề của trách nhiệm cũng vậy. Chúng ở bên bạn mọi lúc, mức độ nặng nhẹ tùy thuộc vào tâm trạng và tin tức; nhưng không hiểu vì sao, tạm thời tránh xa nó để đi đến một nơi khác thì gánh nặng đó có vẻ dễ chịu hơn nhiều. Tôi cần nghỉ ngơi và sẽ trở về vào cuối tháng 8, với tinh thần khá lạc quan và thư thái.
Cảm giác đó chỉ kéo dài được 10 phút. Không khí ở PLP rất căng thẳng. Ít hay nhiều thì phe Gordon cũng đã vận động công khai cho ngày ra đi của tôi. Đồng minh của ông ta chủ yếu là những người không ủng hộ tôi, nhưng ông ta cũng chiêu mộ dần dần những người trẻ hơn, những người mặc dù ưu ái tôi hơn, nhưng vì nhiều lý do mà trước đây còn đứng ngoài cuộc chơi và sau đó tôi phát hiện ra rằng, họ thay đổi vì nhận được những lời hứa hẹn thăng tiến hấp dẫn.
Tôi biết mình đã bị bao vây. PLP bị chia rẽ và có lẽ lần đầu tiên đa số ghế sẽ bị thay đổi. Nhưng thay đổi để làm gì? Đưa Gordon lên, nhưng để làm gì? Đó là điều mà họ không biết và theo tôi, thật thiển cận và khác thường đến mức kỳ lạ khi họ còn chẳng có vẻ muốn hỏi về vấn đề này.
Cùng với Ed Balls và Nick Brown chịu trách nhiệm về các con số, Gordon đã xây dựng một liên minh tuyên bố với PLP rằng: Chúng tôi có thể giữ được sự ủng hộ Lao động mới tuy trở thành một dạng khác, nghĩa là không có các thành tố “mới”. Nhưng mọi thứ dường như không phải vậy và người ta chưa bao giờ phân tích đủ sâu để mọi người đều có thể hiểu được. Một số người chắc chắn đã hỏi rằng thay đổi sẽ được thực hiện theo kiểu gì và kết luận rằng mô hình sau thay đổi chẳng phải là Lao động mới mà sẽ là một dạng thức quá mơ hồ có khả năng mang lại hiệu quả; nhưng họ chỉ là thiểu số mà thôi.
Vào thời điểm đó, tôi cho rằng, nếu tôi rời nhiệm sở, chúng tôi sẽ nhận được một cơ cấu lộn xộn và phiền toái, mà về cơ bản là sự kết hợp của một nền chính trị Lao động cũ, các mẩu chính sách của Lao động mới, cùng với những thỏa hiệp với phe cánh tả. Đảng sẽ theo mô hình Lao động cũ, còn Chính phủ sẽ là Lao động mới. Tôi nghĩ rằng những đặc trưng của Lao động mới còn tồn tại ở mức độ nào còn tùy thuộc vào việc tôi có thể làm được bao nhiêu trước khi ra đi; và dĩ nhiên phụ thuộc vào việc ai sẽ là người nhận trách nhiệm của Lao động mới và nếu cần thiết thì có thể thách thức cả Gordon.
Những cuộc họp của tôi với Gordon và nhóm của ông ta đã liên tục diễn ra trong suốt năm 2006, nhưng họ chưa bao giờ nuôi dưỡng những nỗ lực chung hay chân thành cùng nhau xây dựng một chương trình nghị sự chính sách mới; và bất luận thế nào, quan hệ của chúng tôi cũng đã thay đổi sau cuộc điều tra của cảnh sát bắt đầu diễn ra vào tháng 3.
Bạn cần phải để tâm đến sự hằn thù trong chính trị còn nhiều hơn sự hằn thù ở đời thực. Thứ nhất là bởi vì đó là một cảm xúc tồi tệ và méo mó. Thứ hai, đó là cảm xúc không lành mạnh bên trong một nhà lãnh đạo. Thứ ba, bạn thường có rất ít nguyên nhân để than phiền, do những đặc quyền nổi trội mà vị trí lãnh đạo đem lại. Nhìn chung tôi chưa bao giờ cảm thấy oán giận điều gì trong thời gian tại nhiệm. Tức giận muốn nổ tung, có. Tuyệt vọng, rất thường xuyên. Nhưng không oán giận, một cảm xúc dai dẳng, có thể gặm nhấm bạn thay vì sự đột phá lâu lâu mới xảy ra một lần.
Nếu có lần nào đó gần chạm tới trạng thái oán giận, thì đó có lẽ là việc liên quan đến vụ bê bối “đổi tiền lấy danh”. Nỗi oán giận của tôi ít nảy sinh từ bản thân sự việc mà qua thời gian bản chất của vấn đề đã hoàn toàn lung lay, mà phần lớn đến từ những cách cư xử thực sự không công bằng và tệ hại đối với các nhân viên của tôi. Đó là mưu đồ muốn chấm dứt nhiệm kỳ Thủ tướng của tôi theo cách làm ô uế danh tiếng của chúng tôi.
Tôi chưa bao giờ chỉ trích viên cảnh sát trong vụ việc đó. Tôi đã hiểu và thực sự quý mến viên cảnh sát đã bảo vệ tôi và tự đáy lòng mình kính trọng cả nhóm sỹ quan và nhiệm vụ của họ. Tôi cũng có quan hệ tốt với các nhà xây dựng luật và hoạch định chính sách. Tôi có thể biết rõ lỗi lầm của họ, như với bất kỳ ngành nghề nào khác, nhưng tôi cũng biết rằng họ hầu như làm tốt việc của mình và tôi nghĩ sự thất vọng của họ với các tòa án và bộ máy quan liêu trong chừng mực nào đó là có lý. Tôi cũng thường xuyên có mặt ở các buổi tưởng niệm sỹ quan hy sinh – được Police Memorial Trust (Quỹ Tưởng nhớ Cảnh sát), do Michael Winner sáng lập tổ chức để tưởng nhớ những cá nhân đã nằm xuống vì Tổ quốc.
Trong trường hợp này, tôi có thể hiểu vấn đề của họ. Họ sẽ bị giới truyền thông “đánh” tơi tả nếu không theo vụ việc; vụ việc càng kéo dài, họ càng có nguy cơ rơi vào tình thế “cầm chắc phần thua”. Khép lại vụ việc họ sẽ bị cáo buộc là bao che. Còn nếu tiếp tục nó, họ sẽ phải chịu ngày càng nhiều sức ép phải điều tra được điều gì đó (hay đúng hơn là được ai đó). Hậu quả của tất cả các sự việc này đó là Chính phủ sẽ phải đối mặt với hiện tượng mỗi tháng 1 vụ scandal, chi phối các tờ tin tức, khiến người ta phải nhướng mày ngạc nhiên, nhưng luôn chẳng có nhiều giá trị.
Vào thời điểm đó, tôi đủ cứng rắn để đương đầu với bất cứ điều gì, nhưng đối với những nhân viên của tôi, đặc biệt là Ruth Turner và Jonathan Powel, điều đó thực sự kinh khủng. Khi gặp phải vấn đề như vậy, những người yếu đuối hơn có thể sẽ bị suy sụp. May mắn thay, họ vẫn vững vàng, nhưng cho đến lúc kết thúc, họ đã phải dốc sức lực để chống chọi với nó.
Câu chuyện bắt đầu được đăng tải bởi tờ Sunday Times vào ngày 15 tháng 3 năm 2006. Họ cáo buộc Michael Levy, một người gây quỹ của đảng, đã đề nghị với các đại gia rằng sẽ đề cử họ vào danh sách Thượng viện năm 2006, đổi lại họ sẽ ủng hộ tiền bạc cho đảng và các khoản tiền này được che đậy dưới danh nghĩa là các khoản vay. Tôi không tin chuyện này lại xảy ra. Thứ nhất, như kết quả của việc thành lập Hội đồng Bổ nhiệm mới để xem xét các đại gia, chưa một ý tưởng nào như vậy từng được đưa ra. Nhưng thực tế do chúng tôi có nhận các khoản cho vay – và các khoản vay này không đòi hỏi phải công khai danh tính của người cho vay – nên có thể người ta đã hiểu sai rằng, các khoản vay này sau đó sẽ biến thành các khoản tiền tài trợ nếu vị đại gia đó được đề cử vào Thượng viện.
Một phần của vấn đề nổi lên từ thực tế rằng những nhà tài trợ vào thời điểm đó, đặc biệt là trước mỗi kỳ bầu cử, bị mắc kẹt, nổi bật và dễ bị giới truyền thông mổ xẻ. Vì một số lý do nào đó, tài trợ cho một đảng chính trị thoạt nhìn bị xem là bằng chứng tham nhũng. Do đó, tên của nhà tài trợ phải được công khai trong những lần tài trợ còn tên người cho vay vốn thì không.
Bây giờ đúng là đã có nhiều nhà tài trợ lớn từ cả Đảng Bảo thủ lẫn Đảng Lao động (có lẽ tôi cần bổ sung cả Đảng Dân chủ Tự do nữa), những người sau đó đã được chọn vào Thượng viện với tư cách là “đối tác”. Nhưng tôi cho rằng không có lý do giải thích vì sao họ không nên được chọn, không phải là một cuộc mua bán, mà có những lý do đúng đắn khác cho sự bổ nhiệm đó. Có rất nhiều người làm từ thiện và hy vọng được biểu dương theo một cách nào đó. Nhưng bạn không thể đặt ra điều kiện cho việc đó; và họ không thể tài trợ chỉ vì một lời hứa đạt được điều gì đó.
Dù gì đi nữa, thì đó cũng là một việc rất mờ ám, nhưng đó là hệ thống đã vận hành từ rất lâu rồi. Điều khác biệt duy nhất đó là chúng tôi đã ban hành các quy định về tính minh bạch và yêu cầu phải khai báo các khoản tài trợ cho mục đích chính trị. Trong quá khứ, chẳng ai biết người đã tài trợ cho Đảng Bảo thủ, ngay cả trong những thập niên 1970, 80 và 90, chưa ai từng thắc mắc về điều này. Nhưng với chúng tôi, mọi việc luôn khác biệt. Và dĩ nhiên, giờ đây chúng tôi đã điều chỉnh luật. Do đó, một lần nữa, thật trớ trêu khi các nỗ lực thúc đẩy sự minh bạch lại đem lại kết quả trái ngược với mong đợi một cách ngoạn mục.
Tôi chắc chắn rằng, những người cho vay hay các nhà tài trợ cá nhân không hề nhận được một lời hứa hẹn nào như thế. Có những lý do hoàn toàn đúng đắn để đưa tất cả họ vào danh sách và mỗi người trong số họ đều đã có những đóng góp quan trọng cho Thượng viện. Người ta đã cường điệu việc các nhà lãnh đạo của đảng có quyền đề cử nhất định. Nói theo cách khác, đã có những giả định từ một bộ phận công chúng rằng đã có những đánh giá khách quan trên cơ sở “phi đảng phái” về việc đề cử thành viên Thượng viện. Nhưng đó không phải điều hệ thống đảng đã làm với các “đối tác”. Thực tế, tôi là Thủ tướng đầu tiên, cho tới thời điểm đó, từ bỏ toàn quyền đề cử đối với tất cả các vụ bổ nhiệm, mặc dù chúng tôi đã giữ được quyền đề cử một số ghế giới hạn mặc định thuộc về đảng. Do đó, theo cách này, điều kỳ lạ chính là một nhà lãnh đạo một công đoàn đã tài trợ một khoản hào phóng vào Thượng viện mà chẳng bị ai dòm ngó, nhưng nếu một doanh nhân thành đạt, được vào Thượng viện, không hiểu sao lại bị coi là bất hợp pháp.
Khi tờ Sunny Times bắt đầu khai phá câu chuyện, nó mới chỉ là một vụ bê bối ở quy mô trung bình khiến đảng của tôi bị công kích (vì đã cố tình quên nguồn gốc của khoản tiền sử dụng vận động tranh cử) và khiến giới truyền thông phấn khích. Nhưng điều đã biến vụ việc này từ có thể kiềm chế được sang bùng nổ và không thể kiểm soát là tuyên bố của kế toán của đảng Jack Dromey ngày 11 tháng 3 rằng, ông chưa bao giờ được báo cáo về bất kỳ điều gì liên quan và cần phải có một cuộc điều tra. Ngày hôm sau, một nghị sỹ Đảng Dân tộc Scotland đã yêu cầu cảnh sát tiến hành điều tra và cảnh sát nhận thấy họ không còn lựa chọn nào ngoài việc làm như vậy. Từ ngày 21 tháng 3 năm 2006 đến ngày tôi rời nhiệm sở, đã có một cuộc điều tra căng thẳng có sức công phá nặng nề và nhức nhối nhất diễn ra.Vài tuần sau khi tôi rời đi, hồ sơ vụ án khép lại mà không đưa ra được lời buộc tội nào, nhưng những người liên quan đã phải trải qua gần 18 tháng sống trong địa ngục.
Gordon liên quan vào vấn đề theo cách thế này. Tôi đã cân nhắc rất lâu xem có nên đưa chương này vào hồi ký không. Cuốn sách của Andrew Rawnsley về hai chúng tôi đã đưa ra những thông tin không chính xác. Vì vậy, tôi quyết định phải làm rõ sự tình. Chúng tôi đã tranh cãi rất dữ dội về các đề xuất lương hưu của Adair Turner. Bộ trưởng Lương hưu John Hutton và tôi đều cho rằng các đề xuất đó là đúng đắn, nhưng Gordon thì không. Chúng tôi dự định sẽ tổ chức một cuộc họp quan trọng để quyết định về vấn đề này vào ngày 15 tháng 3. Đó chắc chắn sẽ là một cuộc họp rất căng thẳng và gay gắt. Tôi đã đồng ý gặp Gordon vào buổi sáng trước một cuộc họp tay ba với John Hutton sau đó vào lúc 4 giờ chiều. Khi Gordon đến, ông ấy có thái độ rất khó chịu. Thành thực mà nói đó là cuộc họp “thù địch” nhất mà chúng tôi từng có. Ông ấy nghĩ rằng, thông qua vụ tài trợ này, tôi đã để lại cho ông ấy một vụ bê bối kinh hoàng, một quả bom hẹn giờ có thể tàn phá sự nghiệp lãnh đạo của ông ấy và gán tôi với vụ việc mà Jean Chrétien đã làm với Paul Martin ở Canada (Paul Martin đã thừa kế một cuộc tranh cãi nảy lửa về ngân sách Đảng Tự do từ thời Jean còn là Thủ tướng).
Dĩ nhiên, tất cả cáo buộc đó đều rất vô lý, nhưng tôi nghĩ Gordon có thể đã thực sự tin như vậy. Hay đó có thể là một cái cớ tinh vi. Tôi không thể biết được. Nhưng những điều mà ông ấy đã nói mở đầu cuộc họp đã khiến tôi kinh ngạc. Ông ấy bắt đầu cuộc trò chuyện không phải bằng vấn đề lương hưu, mà bằng cách nói rằng các khoản vay kể trên đã gây ra những tổn hại như thế nào, rằng ông ấy có thể sẽ phải yêu cầu một cuộc điều tra của NEC. Tôi đáp lại một cách tự nhiên rằng, điều đó sẽ vô cùng tai hại và khiến vấn đề bùng phát mạnh hơn và chẳng có lý do gì khiến ông ấy làm vậy.
Không khí gần như đóng băng, rồi sau đó đột nhiên ông ấy lên tiếng: “Thôi được rồi, mọi chuyện phụ thuộc vào buổi họp chiều nay. Nếu tôi đồng ý xếp lại những đề xuất của Turner, ông ấy sẽ không làm vậy, còn nếu không thì ông ta quyết làm đến cùng.
Tôi còn nhớ đã có một mẩu giấy trên bàn tôi với một đoạn dịch khá kỳ lạ về khẩu hiệu của Trung đoàn Hoàng gia Ireland “Faugh a ballagh”, nghĩa là “Dẹp đường”. Tôi đã nhìn thấy chúng ở Phố Downing khi họ chuẩn bị hợp nhất và hoàn thành xong nhiệm vụ ở Bắc Ireland sau tiến trình hòa bình. Chúng tôi đã từng nói đùa rằng tôi có thể sử dụng khẩu hiệu của họ trong các phiên chất vấn Thủ tướng. Trong trường hợp này, tôi đã không có cơ hội làm thế.
Đột nhiên nhìn thấy nó, Gordon với tay lấy nó và nói: “Đó là điều ông nên làm – hãy dẹp đường đi!”
Đó là điều chẳng dễ chịu gì. Có những thứ cần được giữ kín trong căn phòng đó và trong hồi ức của chúng tôi. Ông ấy cảm thấy tôi đang hủy hoại những gì ông ấy được kế thừa và tôi cảm thấy ông ấy sẽ hủy hoại di sản của tôi. Ông ấy tin rằng chính sách này là sai trái, còn tôi cho là đúng đắn. Ông ấy đe dọa, còn tôi thì coi khinh nó.
Sau đó chúng tôi nhóm họp với John Hutton về vấn đề lương hưu vào lúc 4 giờ. Tại cuộc họp, tôi khăng khăng rằng đề xuất của Turner là đúng đắn. Cuộc họp kết thúc vào khoảng 5 giờ. 6 giờ, Jack Dromey ra tuyên bố cần phải có một cuộc điều tra. Tôi thực sự không biết liệu Gordon có xúi Jack làm thế hay không. Gordon chối rằng chưa từng nói chuyện với Jack nhưng tôi thực sự không tin rằng ông ấy muốn chứng kiến những hậu quả không mong đợi mà cuộc điều tra mang lại. Nó đã khiến đảng của tôi phải gánh chịu những tổn thất to lớn. Nó đã khiến uy tín của đảng và của cả cá nhân tôi giảm sút mỗi khi được khơi gợi lại. Trớ trêu thay khi chương trình nghị sự chính sách đang tiến triển, mọi việc diễn ra như thể chúng tôi sắp chết đuối.
Sau sự kiện đó, tôi và Gordon bước sang một mối quan hệ khác: hình thức, thậm chí thân thiện, nhưng tôi không thể quên được những điều đã xảy ra và cảm thấy khó có thể tha thứ. Tôi cũng cảm thấy buồn vì điều đó; không đơn giản là vì những nguyên nhân rõ ràng, mà bởi vì nó chứng tỏ khía cạnh thực sự xấu xa của chính trị. Ở chừng mực nào đó, nó có thể buộc người ta làm những điều thực sự không nên làm, như những vết dơ không thể nào gột rửa được.
Do đó, đến tháng 9 năm 2006, khi sự việc này đã xảy ra được vài tháng, cứ cách vài tuần lại bùng phát một số “tiết lộ” mới hay thông tin rò rỉ từ cuộc điều tra, và vấn đề Lebanon, những phần “nổi loạn” về chương trình cải cách, kết hợp với 9 năm tại nhiệm, hoàn toàn không bất ngờ khi các nghị sỹ PLP hà khắc hơn. Có thể tha thứ cho thái độ đó của họ khi nghĩ rằng vị lãnh đạo của mình không phải là tài sản số 1.
Mặc dù trong suốt thời gian diễn ra cuộc điều tra, chúng tôi đã tụt lại phía sau trong các đợt thăm dò dư luận và đây là lần thứ hai kể từ năm 1997 (lần đầu tiên là trong cuộc khủng hoảng nhiên liệu) – nhưng cuộc thăm dò dư luận không tệ như vẻ ngoài của nó. Chúng tôi mất vài điểm nhưng tôi đã bắt đầu hiểu David Cameron. Tôi có thể cảm giác rằng ông ta không những không chắc mình có thể thay đổi được đảng của mình bao nhiêu, mà còn không biết muốn làm việc đó ở mức độ nào. Tôi nghĩ các lập trường chính sách của họ không ổn định, đặc biệt là về vấn đề luật lệ và châu Âu, do đó chiến lược của tôi là phải tiến lên phía trước, liên tục thách thức họ, khiến họ phải tăng tốc để bám sát chúng tôi hoặc tụt lại phía sau, hoặc chuyển hướng sang hướng khác. David là một người thông minh và thân thiện với người dân và tôi nghĩ ông ta cũng khá cứng cỏi, tuy nhiên chưa trải qua thời gian học việc khó khăn nhưng vô cùng bổ ích mà tôi đã được tôi luyện trong những năm 1980 và đầu những năm 90. Tôi đã mài giũa kỹ năng lãnh đạo và bản năng của mình. Ông ấy thì chưa. Ông ấy có kỹ năng và bản năng, nhưng vẫn còn thô và chưa sắc bén.
Sau khi đi nghỉ về, tôi đã đến Balmoral cho dịp cuối tuần thường lệ để gặp Nữ hoàng. Trong thời gian này, đã xảy ra vụ đâm máy bay Nimrod chết người ở Afghanistan làm 14 quan chức quân sự tử nạn. Chiến dịch trong đó chiếc máy bay bị đâm – chiến dịch Medusa – là một cú đánh trời giáng đối với các lãnh đạo của Taliban, mang lại một chiến thắng oanh liệt về mặt tâm lý đối với chúng tôi. Họ đã phải chịu rất nhiều thương vong.
Đã có những mối quan tâm mới dành cho Afghanistan trong giai đoạn 2005 và 2006. Người ta cho rằng mọi người đã rời mắt khỏi Afghanistan vì vấn đề Iraq, nhưng thực tế không phải vậy, hoặc ít nhất cũng là về phía người Anh. Trong những giai đoạn khốc liệt nhất ở Iraq, chúng tôi vẫn kiên quyết lập lại sự ổn định cho đất nước này. Các cuộc bầu cử năm 2004 đã thành công. Do tình hình an ninh trở nên khó khăn hơn, nên vào mùa hè năm 2005, chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị đảm đương nhiệm vụ lãnh đạo ở miền Nam đất nước, nơi lực lượng Taliban vẫn đóng vai trò chính yếu và ma túy vẫn là nguồn thu nhập chính của người dân Afghanistan. Trên thực tế, những nhà lãnh đạo quân sự quá chán nản với những giới hạn đặt ra cho hành động của chúng tôi ở Iraq, ngày càng muốn chuyển trọng tâm từ Iraq sang Afghanistan.
Vào tháng 9 năm 2005, John Reid đã gửi cho tôi một tin nhắn nói về việc xin 9 tháng chuẩn bị triển khai quân đội Anh đến tỉnh Helmand. Việc trao đổi tin nhắn và thư từ, các cuộc họp, hội thảo tiếp tục diễn ra trong những tháng cuối năm 2005 và sang cả năm 2006. Chúng tôi đã nhất trí về nguyên tắc trong việc triển khai quân. Nhưng như John đã chỉ ra, đó sẽ là một nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm. Lực lượng Taliban sẽ tấn công quyết liệt để giữ vùng lãnh thổ mà chúng tôi chưa bao giờ có thể giành giật được với họ. Sẽ có những đợt tấn công tự sát vào lực lượng của chúng tôi.
Chúng tôi đã tổ chức một hội nghị về Afghanistan ở London vào tháng 2 do Kofi Annan và tôi đồng chủ trì. Tại hội nghị này, người ta thấy rõ quy mô của thách thức trong việc xây dựng năng lực dân sự và quân sự, xây dựng đất nước và đem lại cho người Afghan những hy vọng chắc chắn rằng họ sẽ có một nền dân chủ ổn định trong tương lai.
Ở cả Iraq và Afghanistan, kẻ thù xác định rất rõ sự quan trọng của cuộc chiến mà chúng tôi đã tham gia. Cố nhiên, tất cả đều được đeo mặt nạ là cuộc chiến chống lại thế lực xâm lược phương Tây, nhưng họ đã bỏ qua thực tế rằng:
a. đã có một nghị quyết của Liên Hợp Quốc cho phép sự hiện diện của các lực lượng như vậy,
b. đã có các cuộc bầu cử ở cả hai nước, thành lập ra các Chính phủ muốn có sự hiện diện của các lực lượng như vậy,
c. hơn hết, lý do duy nhất cho sự hiện diện của chúng tôi là chiến dịch khủng bố của họ. Nếu họ dừng lại, chúng tôi sẽ rút quân ngay lập tức.
Dĩ nhiên, họ biết rõ điều này. Nỗi lo ngại thực sự của họ chính xác là để người dân quyết định kết quả, bởi vì hiển nhiên khi kết quả là sản phẩm của việc tự do quyết định, nó sẽ chống lại sự cuồng tín và ủng hộ hiện đại hóa. Khi Zahir Shah, vị vua cuối cùng của Afghanistan (người đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Anh năm 1971), qua đời ở tuổi 92, tháng 7 năm 2007, chúng tôi đã nhớ lại những gì xảy ra vào những năm 1960 và 70, Afghanistan đã là một dân tộc đang đà đi lên, với GDP trên đầu người bằng Hàn Quốc.
Trong khi họ có quan điểm rõ ràng về tầm quan trọng của cuộc chiến vì lý tưởng của mình thì dư luận phương Tây ngày càng tỏ ra mù mờ trước lý do chúng tôi hiện diện ở Afghanistan, họ đặt ra nghi vấn là liệu điều đó có đáng không. Một lần nữa, mọi người lại đồng hóa cuộc chiến này với chiến tranh truyền thống cân xứng, khi đã có bằng chứng hiển nhiên rằng đây là cuộc chiến phi truyền thống không cân xứng. Chúng tôi đã tham gia vào một quá trình xây dựng đất nước dài kỳ vì an ninh của cả chúng tôi lẫn đất nước họ. Đó là cách thế giới vận hành trong đầu thế kỷ XXI. Các cuộc chiến, các hệ tư tưởng, các cấu trúc quyền lực của thế kỷ XX dường như vẫn còn phát huy tác dụng trong kỷ nguyên mới. Không ngạc nhiên khi tâm thức mọi người vẫn chậm thích nghi.
Do đó, một chủ đề thường xuyên được nói tới và nhắc đi nhắc lại trong năm 2006 là việc tăng cường các nỗ lực ở Afghanistan. Tôi đã lo lắng về việc đó và không chắc liệu chúng tôi đã thực hiện quá trình lãnh đạo dân sự ở Iraq đúng đắn chưa và sợ rằng dù quân đội của chúng tôi đã lên kế hoạch hoàn hảo cho sự đóng góp của mình và chưa rõ liệu sự nhiệt tình của chúng tôi có được chia sẻ không, ít nhất là ở bên ngoài nước Mỹ.
Đầu óc của tôi ngập trong những việc này và những thách thức trong nước. Vào cuối tháng 8, chỉ trước khi tôi đến Balmoral và với những tranh luận được sắp đặt cẩn thận về việc khi nào tôi sẽ xác định ngày ra đi, tôi quyết định tổ chức một cuộc phỏng vấn. Chắc hẳn bạn sẽ nghĩ rằng tôi đã học được nhiều điều cho đến thời điểm đó. Một quy tắc về việc trả lời phỏng vấn đó là: đừng bao giờ trả lời nếu không biết kết quả của những câu hỏi rõ ràng. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng thật ngạc nhiên khi có rất nhiều lần một chuyên gia dày dặn kinh nghiệm và đầy ắp ý tưởng, hết sức tập trung vào việc dẫn dắt và định hình câu chuyện muốn nói, vẫn không thể chú tâm vào việc trả lời một câu hỏi được hỏi.
Người ta chắc chắn sẽ hỏi tôi rằng: Ông đã định ngày ra đi chưa? Giờ đây, phải nói thực rằng, tôi đã quyết định rằng nhiều khả năng đại hội đảng năm 2006 sẽ là hội nghị cuối cùng của tôi. Nếu có thêm thời gian tôi có thể sẽ tiếp tục, nhưng tôi nhận thấy tất cả đã kết thúc và những người thân cận của Gordon mỗi ngày một táo bạo hơn. Nếu tôi thông báo về việc ra đi của mình tại đại hội đảng vào cuối tháng 9 thì đó sẽ là một điều ngạc nhiên và cần phải có sự chắc chắn. Trước đó, tôi đã khá miễn cưỡng khi thực hiện việc này, do đó tôi không trả lời phỏng vấn, ít nhất là không trả lời trước khi tính toán cẩn thận việc tôi nên tránh né các câu hỏi thế nào.
Mặc dù vậy, tâm trí tôi vẫn đầy ắp các ý nghĩ về việc làm thế nào để có thể duy trì được đường lối của Đảng Lao động mới, loại bỏ được sự phản đối trong vấn đề này, hay khiến đảng đối mặt với một câu hỏi thẳng thắn là “thay đổi để làm gì” trước khi quyết định thay đổi, có lẽ, ở đâu đó trong tâm trí mình, tôi nghĩ nếu mình có thể được tự do hành động, thì sau đó ai biết được điều gì có thể xảy ra. Chính trị là một lĩnh vực luôn vận động đến chóng mặt. Thực ra tôi đã quyết định rồi nhưng chỉ muốn kiểm soát thông báo của mình mà thôi.
Tôi đã có cuộc trả lời phỏng vấn tờ Times tại Chequers vào cuối tháng 8. Phil Webster, người tôi luôn quý mến và thẳng thắn, đã phỏng vấn tôi. Anh ta rất công tâm và có những câu hỏi rất rõ ràng.
Sau cuộc bầu cử năm 2005, người ta đã đưa ra một cách thức hơi lố bịch, đó là “một sự chuyển giao ổn định và có trật tự”, hàm ý của việc “trao quyền lực cho Gordon”. Thực tế, đó là một cách thức sai lầm. Lẽ ra không nên có một giả định nào, thay vào đó là một cuộc tranh luận và một cuộc bầu cử. Nhưng ít người muốn có một cuộc tranh luận và còn ít người hơn muốn có một cuộc bầu cử, do đó nó trở thành một cách thức được mọi người tán thành.
Một phần của cái gọi là “chuyển giao có trật tự” đó là tôi đã định ra ngày ra đi. Giờ đây, rõ ràng ở một chừng mực nào đó, tôi sẽ phải làm như vậy. Gordon, dĩ nhiên nghi ngờ về động cơ và hành động của tôi, đã ra sức thúc đẩy đến ngày đó và cho rằng, đó sẽ là đại hội đảng.
Khi tôi trả lời câu hỏi mà Phil đưa ra, tôi đã không vòng quanh tránh né điều tôi nên làm, mà nói rằng: Không, tôi chưa định ngày.
Tôi cũng bị tác động rất mạnh bởi một bức thư ngắn rất ấn tượng của Andrew Adonis viết cho tôi từ kỳ nghỉ hè. Nó quá hay nên tôi xin trích dẫn đầy đủ dưới đây.
“Thư cá nhân cho Thủ tướng từ A.A – Thứ hai, ngày 21 tháng 8.
Tôi nghĩ mình phải góp ý với suy nghĩ của ông về Vấn đề Lớn, cho dù chỉ cần phải nói đến hai điều mà chúng ta chẳng lạ gì – đó là a) một khi ngài đã “xác định ngày cụ thể”, quyền hạn của ngài sẽ giảm sút nhanh chóng và rồi ngài sẽ sớm nhận được những lời kêu gọi nên ra đi sớm hơn để kết thúc “thời kỳ chuyển giao”; b) theo tôi, thì công chúng rất muốn ngài tiếp tục tại nhiệm cho tới đại hội năm 2007 và có thể sang cả năm 2008 tùy thuộc vào tình hình mùa hè sau.
Quyền hạn của ngài trong Chính phủ có vẻ thừa đủ để làm việc này, nhở chương trình nghị sự mạnh mẽ cho tương lai đánh dấu sự trở lại của ngài và tại đại hội. Trái lại, sự kế nhiệm của GB (cho dù ông ta có nỗ lực như thế nào để thu hồi lại mọi thứ khi ông ta kế nhiệm) giờ đây rõ ràng có liên quan tới sự chuyển hướng sang “thỏa hiệp mọi thứ với cánh tả”, căn cứ vào việc tạo phe cánh và lực lượng mà ông ta đã nuôi dưỡng. Nếu được kế nhiệm, thời kỳ lãnh đạo của ông ta có vẻ sẽ là “một trường đoạn yếu” xen giữa ông và Cameron.
Ngoài ra còn có hai vấn đề nữa – về những điều hão huyền của cái gọi là “ra đi trong danh dự” và “chuyển giao có trật tự”; và làm thế nào để tái nắm bắt sáng kiến.
Tôi đã dành trọn một ngày nghỉ để đi dạo một mình và nhớ lại sự thay đổi các đời Thủ tướng trong một thế kỷ qua và rút ra được ba kết luận sau:
1. Không có cái gọi là “ra đi trong danh dự” và “chuyển giao có trật tự” – chỉ đơn giản là ra đi và chuyển giao quyền lực, tất cả dù ít dù nhiều đều thể hiện rõ sự xơ xác tả tơi và đầy nỗi thất vọng. Đó là cuộc sống, tôi cho là như thế.
2. Những vị Thủ tướng thành công hơn cả đều rời Số 10 phố Downing với những sự chuyển giao kém “trang trọng” và “lộn xộn” nhất. Gladstone, Lloyd George, Churchill, Macmillan và Thatcher, tất cả đều sở hữu khát khao hướng tới quyền lực đến tận phút cuối cùng. Nếu từng lên kế hoạch cho một sự ra đi “được rải thảm đỏ” thì họ sẽ là những nhà lãnh đạo kém ưu tú hơn và kém thành công hơn. Trái lại, ba vị Thủ tướng có thời gian tại vị khá dài đã tiến hành một bước chuyển giao “trong danh dự” và “trật tự” là Wilson, Baldwin và Salisbury – họ vắt kiệt dần nghị lực và mục đích, danh tiếng và những di sản tai hại không được cải thiện nhờ sự tiễn đưa tôn kính và ấm áp khi về nghỉ (Attlee là một trường hợp bí ẩn nhất từ trước tới nay).
3. Một trường hợp gần giống trường hợp của ngài nhất là Harold Macmillan vào mùa hè năm 1963. Thật kỳ lạ là lại có nhiều nét tương đồng giữa ngài và Macmillan đến vậy. Macmillan cũng là một Thủ tướng rất thành công và có một thời gian dài tại nhiệm, một nhà hiện đại hóa ở miền Trung Anh, ý thức được sự thay đổi mạnh mẽ và rộng khắp đối với đảng của ông ta, đất nước và quan hệ quốc tế. Nhưng những thành công đối nội của ông ấy sớm bị người ta coi đó là điều đương nhiên. Vào mùa hè năm 1963, khi cuộc bầu cử cận kề, ông ấy bị nhấn chìm bởi vụ Profum 30, bởi sự oán hận của những người bị sa thải và bất bình, bởi sự la hét của giới truyền thông đòi tìm một “nhân vật mới” nhằm đánh bại Wilson. Sau nhiều tháng lung lay vì vụ Profumo và các sự kiện nhỏ đáng quên khác, qua lời khuyên của bạn bè, ông ấy đã quyết định ở lại và chiến đấu trong cuộc bầu cử sắp tới. Thực tế, đúng vào thời điểm này, ông đã ký kết được Hiệp ước Cấm thử Vũ khí tuyệt vời với JFK (John Fitzgerald Kennedy) sau những chính sách đối ngoại đáng thất vọng trong nhiều năm (chủ nghĩa a-pác-thai ở Nam Phi và Rhodesia; lời nói “không” đầu tiên của de Gaulle, v.v…). Nội các lại ủng hộ ông ấy, với niềm tin rằng ông sẽ tái đắc cử − nhưng sau đó, trước đại hội của Đảng Bảo thủ, ông ấy đã bị căn bệnh nghi là có liên quan tới tuyến tiền liệt chết người hạ gục. Và phần còn lại của câu chuyện là lịch sử: ông ấy phải từ chức trong áp lực và “nhân vật mới” – Ngài Alec Douglas-Home Wilson thắng cử một năm sau đó với số phiếu chênh lệch rất ít… và Macmillan phải hối tiếc trong 23 năm sau.
Làm thế nào để sử dụng sáng kiến này một cách kiên định?
Trên mặt trận đối nội, tôi nghĩ ngài cần thông báo trước tiến trình cải cách ở giai đoạn kế tiếp, tiến trình mà ngài sẽ chỉ đạo. Cách tốt nhất để làm điều này theo tôi là đặt bản thân ngài vào vị trí lãnh đạo tiến trình cải cách bán công khai kế tiếp, để đưa tiến trình này vận hành bên cạnh chương trình Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CSR) – và thông báo ngài sẽ làm như vậy trong tháng tới, để kết thúc Kế hoạch 5 năm mới cùng với CSR năm sau. Trong thời gian lãnh đạo của ngài, tiến trình này không hề có những dấu hiệu bất khả thi – một “chương trình nghị sự mới” − mà trái lại còn là một chương trình nghị sự được đổi mới và đào sâu (hướng tới tăng cường sự lựa chọn và chất lượng trong dịch vụ công; quyền và trách nhiệm trong trật tự công cộng và phúc lợi xã hội). Thực tế, chương trình này đã đạt được những thành công lớn, được những dư luận trung lập và những nhà bình luận hiểu biết xem là sản phẩm của ngài và là nhu cầu bức thiết và lâu dài của dân tộc – được so sánh ngang hàng với chương trình tư nhân hóa, cải cách nghiệp đoàn và thị trường lao động trong những năm 1980 và chương trình tự do hóa kinh tế “một dân tộc” của Macmillan. Đó chính xác là chương trình cải cách có ý nghĩa sống còn và liên tục, nhưng sẽ bị đình trệ nếu ngài từ chức vào năm tới. Dư luận trung lập hiểu rõ vai trò của ngài trong chương trình này cho dù có phàn nàn về các vấn đề khác.
Tôi có thể nhanh chóng phác thảo “kế hoạch cải cách này” chi tiết hơn, trên cơ sở những gì đã được tiến hành hay cần được tiến hành. Nhưng để cho ra đời một kế hoạch giá trị hơn, tôi cho rằng cần tập hợp một nhóm những người đáng tin cậy, đã được ngài phân công đảm trách các nhiệm vụ trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, an sinh xã hội và Bộ Nội vụ trong những năm gần đây, để xây dựng một kế hoạch càng sớm càng tốt nhằm phát triển thành chiến lược trong phạm vi nội bộ trong tương lai gần.
Hy vọng những ý kiến trên đây của tôi có thể giúp ngài được ít nhiều”.
Andrew
Do đó, có lẽ theo tiềm thức, tôi đã có câu trả lời dứt khoát hơn dự định đối với câu hỏi của Phil Webster. Nhưng dòng tít giật gân trên báo với nội dung: “BLAIR THÁCH THỨC ĐẢNG CỦA ÔNG TA VỀ NGÀY RA ĐI”, cứ như thể gán cho tôi việc chống lại đảng mình, thay đổi quan điểm và rồi lại quyết định ở lại. Ngay khi bài báo được đăng tải, tôi đã gọi cho Gordon để đảm bảo với ông ta rằng, tôi không có ý định tiếp tục vị trí Thủ tướng cho tới hết nhiệm kỳ. Mặc dù vậy, ông ấy và có lẽ cụ thể hơn là phe của ông ấy đã cho rằng họ có thể sắp bị “cướp” một lần nữa và tốt hơn là nên bắt đầu cuộc chiến.
Vậy là, một cuộc “đảo chính” bắt đầu. Thực chất là họ quyết định tạo ra các làn sóng thư đòi tôi từ chức. Lần đầu tiên biết về một lá thư như thế là khi chúng tôi đến thăm một trung tâm chăm sóc thanh thiếu niên và trẻ em có vấn đề ở York vào ngày 4 tháng 9. Qua những chuyến thăm như thế, tôi nhận ra rằng tôi đã may mắn như thế nào, cả khi là một đứa trẻ lẫn khi đã là bậc cha mẹ. Một số câu chuyện xoay quanh những đứa trẻ này thật sự kinh khủng. Chẳng hạn như cha bỏ đi, mẹ tái hôn với người khác và người chồng mới không đối xử tốt với con riêng của vợ và cuối cùng đã quẳng đứa trẻ ra đường. Thật không thể tin được. Dĩ nhiên cũng có một số thiếu niên có những vấn đề về hành vi nghiêm trọng đáng báo động và điều đó có thể khiến cha mẹ chúng không chịu được; nhưng dù vậy thì tất cả câu chuyện này đều gây sốc.
Đây là một dạng nhà nuôi dưỡng trẻ mới, giúp đỡ, đào tạo, giáo dục và dạy trẻ những kỹ năng và cách ứng xử cá nhân. Đó là một công việc đầy thách thức và nhờ các chuyến thăm như vậy, tôi cảm thấy vô cùng nể phục sự kiên nhẫn và gắn bó của những người điều hành nơi này. Tôi chắc chắn mình sẽ không thích làm việc đó. Nơi đây cần những người vô cùng đặc biệt và tận tụy. Chúng tôi đã đưa một số em đi cùng đến trụ sở của Quỹ Joseph Rowntree, nơi chúng tôi tổ chức một buổi hội thảo và có một cuộc gặp với một số nhân viên của quỹ để chuẩn bị cho một bài giảng về rào cản xã hội mà tôi sẽ trình bày ở Hội chợ dân gian New Earswick tại York vào ngày hôm sau.
Bạn luôn có thể tìm thấy những mặt khôi hài ở những việc như vậy. Khi đang thăm làng trẻ, nói chuyện với thanh thiếu niên về việc tìm việc làm, sống một cuộc sống có mục đích v.v…, thì đột nhiên tôi bị Hilary Coffman, người tháp tùng tôi với tư cách là cán bộ báo chí cho những chuyến thăm địa phương cấp thấp, kéo ra ngoài và thông báo có một lá thư của 30 hay 40 Nghị sỹ Quốc hội đề nghị tôi từ chức. Kể từ thời điểm đó, chuyến thăm luôn bị đan xen bởi những tin tức cập nhật từ phía các nhân viên về sự bấp bênh của chính “nghề nghiệp của tôi”. Nực cười là chốc chốc tôi lại ra ngoài để nghe những tin tức nghiêm trọng này, rồi lại trở lại nói với Charlene hay Robert về các khả năng tìm kiếm việc làm.
Cuối cùng, khiến mọi người ở cuộc gặp khá kinh ngạc, tôi phải dành thời gian để đánh giá những gì đang xảy ra. Bức thư đã bị rò rỉ cho giới truyền thông. Và hơn thế, Bộ trưởng Tom Watson là người ký tên. Tôi không cảm thấy bực tức vì lá thư này. Tôi hiểu đó là phản ứng trước cuộc phỏng vấn của tờ The Time và đó là dấu hiệu cho thấy phe của GB đã hết chịu nổi.
Tôi cảm thấy buồn cho đảng của mình và ít hay nhiều tâm trạng đó cũng không thay đổi cho tới thời điểm tôi ra đi. Đến lúc đó, tôi đi đến quan điểm rõ ràng và dứt khoát rằng nếu Gordon không giải thích xem mình đi theo hướng Lao động mới hay đi theo hướng khác – và xác định hướng đi – thì sẽ xảy ra một thảm họa. Phải mất một thời gian sau tôi mới biết được điều đó. Ngay cả những người thực sự thông minh, biết rõ cả hai chúng tôi, như Philip và Alastair, đều nghĩ tình hình sẽ ổn, do đó những thành viên bình thường của Đảng Lao động Nghị viện PLP có thể không chắc về việc đó. Dĩ nhiên, một số người, như John Reid và Alan Milburn của đảng và Jonanthan cùng Sally ở văn phòng của tôi, biết rõ từ đầu rằng nếu Gordon không theo đường lối Lao động mới thì chúng tôi sẽ phó mặc số phận cho Đảng Bảo thủ. Nếu Đảng Bảo thủ không đương đầu được với thử thách, chúng tôi sẽ tồn tại. Trái lại, chúng tôi sẽ thất bại.
Gordon là một người kỳ lạ. Nhưng cuối cùng tôi hiểu ra rằng, đó không phải là vấn đề cơ bản. (Sự kỳ lạ đó có nét quyến rũ của nó). Ông ấy cơ bản không hiểu sức hấp dẫn của Lao động mới, ngoài một cuộc bỏ phiếu “chiến lược”, cách chiến thắng trong kỳ bầu cử. Ông ấy có thể nhận thấy rằng đảng hoạt động hiệu quả, nhưng không hiểu vì sao lại như vậy. Ông ấy có thể hiểu các chính sách chi tiết của đảng, nhưng không hiểu sự hấp dẫn về mặt cảm xúc của nó.
Do đó, trong tất cả các cuộc họp và tiếp xúc liên tiếp diễn ra sau cuộc bầu cử năm 2005, tôi có thể nói rằng ông ấy nghĩ tất cả các nỗ lực thảo luận về chính sách của tôi đều là các mánh khóe và là công cụ kéo dài thời gian. Mỗi lần như thế, Gordon sẽ lại vận động cho ngày ra đi của tôi; và tôi sẽ nói: Ồ, ông sẽ theo đuổi hướng đi nào cho chính sách? Và ông ấy sẽ xem điều đó là sự thiếu trung thực hay cố tìm cớ để trì hoãn của tôi. Hoặc ông ấy sẽ nói rằng: ông làm điều đó vì di sản của ông, chứ không có lợi gì cho tôi cả; và tôi đáp lại: nhưng nếu chính sách đó đúng đắn – về vấn đề các học viện hay cải cách Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) hay chứng minh thư – nếu chúng ta thực hiện các chính sách này thì điều đó sẽ có lợi cho ông. Dù gì đi nữa thì, Gordon luôn nhìn nhận mọi việc theo cách hoàn toàn trái ngược.
Tôi biết tất cả những điều này đang dẫn tới đâu. Đảng của tôi, hay một bộ phận lớn của đảng, đều khăng khăng phải có sự thay đổi. Thực tế, tôi không thể trụ lại qua giữa năm 2007, mà không có một “cuộc chiến” có thể được coi là sự kết thúc của Chính phủ. Tôi có cảm giác rằng sự ra đi của tôi và sự kế nhiệm của Gordon cũng có thể là sự kết thúc cho Chính phủ. Nhưng cuối cùng, tôi thấy điều quan trọng hơn cho sự tồn lại của dự án Lao động mới đó là nếu có kết thúc thì là do Gordon từ bỏ Lao động mới, chứ không phải do tôi khăng khăng ở lại. Nhưng cần làm rõ điều đó với ai? Và rõ như thế nào? Đó là những câu hỏi hay và tôi không thể tự trả lời được.
Đến thời điểm này, tôi không thể ở lại đến năm 2008. Giới truyền thông, tờ Mail, Telegraph, Guardian, Independen, Mirror và thực tế thêm cả BBC nữa – rất dứt khoát: họ muốn gạt tôi ra và đưa ông ấy vào, với lý do khá giống m đảng, ít nhất cũng là bộ phận cánh tả trong giới truyền thông, cho đến lúc đó. Bộ phận cánh hữu muốn tôi ra đi vì lý do khác nữa. Các tờ báo của Rupert Murdoch vẫn có vẻ ủng hộ chúng tôi, nhưng ngay cả ông ta, tuy không thúc giục tôi đi nhưng vẫn nghĩ rằng sẽ là hành động đúng đắn nếu tôi làm như thế và tạo điều kiện cho Gordon.
Do đó, tôi biết rằng việc tôi ở lại có những lý do chủ quan tốt cho đảng và hơn nữa cho đất nước. Tôi thành thực nghĩ rằng mình có một chương trình nghị sự đúng đắn cho tương lai của nước Anh, còn Gordon thì không. Nhưng, theo cách thỉnh thoảng vẫn xảy ra trong chính trị, đó là tất cả đều bị cuốn phăng bởi sự vội vã muốn thay đổi.
Trở lại London sau khi thuyết trình ở York vào ngày 5 tháng 9, tôi đã tập hợp những nhân vật chủ chốt và tìm lời khuyên từ Alastair, Anji, Peter và những cộng sự thân cận khác. Ngày hôm sau tôi gặp Gordon. Chúng tôi đã ngồi ở sân thượng tòa nhà Số 10 phố Downing, địa điểm họp ưa thích của tôi khi thời tiết đẹp. Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện mà đã bắt đầu từ vài năm trước, một cuộc trò chuyện diễn ra ở hai cấp độ, một người nói; một người không. Cả hai đều rõ ràng như nhau.
Ông ấy cho biết, trên thực tế, có những bức thư khác sắp được gửi tới. Ông ấy nói: “Tôi chẳng biết gì về chi tiết của vụ việc này và chẳng dính dáng gì đến chúng”. Nhưng thực ra trong thâm tâm ông ấy nghĩ: Ông chẳng cho tôi sự lựa chọn nào khác. Đơn giản là tôi không tin rằng ông sẽ cam tâm ra đi.
Đến lượt tôi: “Tôi sẽ tuyên bố rõ ràng rằng đại hội lần này sẽ là đại hội cuối cùng của tôi”. Tôi nghĩ: “Ông đã ép tôi quá đáng và tôi sẽ vạch mặt sự đảo chính của ông”.
Ông ấy tranh cãi rằng ngày ra đi của tôi quá mập mờ; nhưng tôi cũng kiên quyết không đưa ra thời gian chính xác lúc đó. Nếu làm như vậy, tôi sẽ bị đẩy ra chỉ trong vòng vài tuần. Đó sẽ là một cuộc đấu tranh để tồn tại trong bất kỳ tình huống nào.
Tôi đã rất trấn tĩnh. Một phần trong tôi vẫn cố gắng gào thét rằng mình phải chiến đấu chống lại ông ta, nhưng rồi tôi nói không thể làm thế. Chúng tôi sẽ phải vui lòng để điều này xảy ra. Chúng tôi sẽ phải tận dụng thời gian để triển khai những cải cách chưa được thực hiện và vạch ra một chương trình tương lai rõ ràng và trí tuệ. Hơn hết, chúng tôi phải giữ cho ngọn đuốc của Lao động mới tiếp tục cháy sáng. Tôi thấy rằng 90% khả năng ông ấy sẽ lên kế nhiệm. Tôi nhất trí rằng ông ấy sẽ không thành công. Mặc dù vậy, quan trọng là không thể lên án tôi đã không giữ chữ tín với ông ấy.
Tom Watson đã được nghị viên phụ trách tổ chức đề nghị bỏ tên ông ấy khỏi bức thư kêu gọi tôi từ chức và tự từ chức khỏi Chính phủ. Tin về việc Tom Watson từ chức đã được giới truyền thông đăng tải. Tôi đã phản ứng khá mạnh tay với ông ta.
Tôi vừa nghe tin từ báo chí rằng Tom Watson từ chức. Tôi đã định sa thải ông ta nhưng muốn nói chuyện với ông ta trước. Ông ta đến nói chuyện riêng với tôi và bày tỏ quan điểm về lãnh đạo là một chuyện, nhưng việc ký vào lá thư tập thể đòi tôi từ chức, lá thư mà sau đó đã bị rò rỉ cho báo chí, đúng là thể hiện sự thiếu trung thành, khiếm nhã và sai trái. Vì vậy, ông ta không thể tiếp tục ở trong Chính phủ được nữa.
Việc này có vẻ hơi tàn bạo và không thường xuyên xảy ra, nhưng vào lúc đó tôi cảm thấy ông ta đáng bị như thế. Sau này tôi có cảm thấy tiếc cho ông ta và tiếc vì điều tôi đã làm. Còn nhiều nhân vật trẻ hơn, những người đáng ra phải ủng hộ tích cực – Chris Bryant, Siôn Simon và một số người khác – chỉ là không suy tính mọi việc thấu đáo. Họ chẳng thích thú hay hào hứng gì lắm với việc thay đổi lãnh đạo hay góp phần vào tất cả việc đó. Họ thực sự không có tà tâm gì trong chuyện đó. Họ chỉ nghĩ việc tôi bị thay thế đơn giản là đúng – và do đó cần phải làm thế vào một thời điểm nào đó trước kỳ bầu cử thứ tư. Nhưng, như tôi đã nói, thay đổi để làm gì? Đó là điều chưa bao giờ được đào sâu, hay giải thích thỏa đáng, điều cần và phải làm trong một tiến trình ra quyết định chính trị nghiêm túc.
Hôm sau, ngày 7 tháng 9, tôi tìm được cách thoát khỏi tất cả những thứ bốc mùi này một cách dễ dàng. Tôi đã đến thăm trường Quintin Kynaston ở St John’s Wood. Tôi đã đến đó một lần trước đây trong nhiệm kỳ Thủ tướng của mình và đã dõi theo sự phát triển và thành công của trường. Nữ hiệu trưởng, Jo Shuter, là một người rất hiểu biết và không ngại để tôi có một vài tuyên bố nhân chuyến thăm này. Tôi đã đi cùng Alan Johnson, người luôn trung thành và có sự tháp tùng của ông ấy, tôi luôn cảm thấy việc phát biểu trở nên dễ dàng hơn.
Thực chất, những sự kiện đã diễn ra trong những ngày qua là những tin tức đình đám và chắc chắn người ta có cảm giác rằng, đảng đang biến loạn, Chính phủ đang trong tình trạng lộn xộn còn Thủ tướng đang lâm vào đường cùng. Một số thành viên trong đảng đổ lỗi cho tôi vì không ra đi. Một số người tức giận vì sự thiếu trung thành. Hầu hết đều hoang mang và muốn tất cả dừng lại và càng trang nghiêm càng tốt.
Tôi bắt đầu bài phát biểu bằng cách xin lỗi nhân danh đảng, điều tôi nghĩ là phù hợp. Tôi khẳng định rõ rằng, hiện giờ tôi sẽ không đưa ra ngày ra đi chính xác, nhưng tôi nói đại hội sắp tới của đảng sẽ là đại hội cuối cùng của tôi. Tôi cũng đưa ra cảnh báo đối với những người tin việc kế nhiệm của Gordon là việc tốt rằng hãy chấm dứt suy nghĩ đó. Thật tệ hại khi người ta có ý niệm rằng ông ấy có quyền ngồi vào vị trí này. Tôi chắc rằng công chúng không nhìn nhận mọi việc như thế và dù gần như vị trí Thủ tướng sẽ thuộc về ông ấy, thì họ cũng sẽ phẫn nộ với bất kỳ ý tưởng nào cho rằng việc này đã hợp pháp rồi. Đảng Lao động phải hiểu rằng công chúng phải là ưu tiên số 1 và lợi ích của đất nước phải được đặt lên hàng đầu. Không thể đối xử với công chúng như thể người qua đường chẳng liên quan gì trong một vấn đề quan trọng như việc lựa chọn Thủ tướng. Do đó, chúng tôi không nên đóng khung điều đó theo cách tự thực hiện việc mà không bàn bạc với ai trong thời gian tới.
Tuyên bố của tôi đã khiến tình hình dịu xuống. Ngày hôm sau, một nhóm người trung lập, những người không tự coi mình là người ủng hộ Brown hay Blair – đã gửi một tuyên bố cho Ann Clwyd, Chủ tịch PLP, hoan nghênh tuyên bố của tôi và khẳng định tôi nên ấn định chính xác ngày ra đi.
Vào cuối tuần, tờ Sunday Times đăng tải câu chuyện Gordon và Tom Watson gặp nhau tại nhà Gordon, trước khi bức thư kêu gọi từ chức được gửi đi. Tôi đã phải kiềm chế những đồng sự của tôi, những người gần như muốn nhảy vào “giết chết” Gordon. Dĩ nhiên, tôi chẳng bao giờ nghi ngờ việc Gordon không chỉ biết rõ sự việc mà còn đứng đằng sau tổ chức nó; mặc dù vậy, tôi quyết định sẽ ra đi theo cách mà không ai có thể nói rằng nó gây mất đoàn kết và nếu họ muốn có một cuộc chuyển giao quyền lực có trật tự cho Gordon, thì sẽ là thế.
Vài ngày sau, tôi có bài phát biểu ở một hội nghị tại London cho tổ chức Progress, tôi rất hy vọng sẽ chuyển đổi tổ chức này thành đội ngũ chuyên gia hoạch định chính sách cho Đảng Lao động mới. Progress có những nhân tài trẻ ủng hộ ý tưởng của chúng tôi. Phe cánh tả có đội ngũ chuyên gia của riêng mình ở Compass, những người mong muốn có sự lãnh đạo theo kiểu Ed Balls/GB. Họ năng động và thông minh, nhưng lại kết hợp với một nền chính trị không hề có triển vọng.
Một trong những khía cạnh tệ nhất trong mô hình hoạt động của GB là hồi sinh lại cơ chế dàn xếp tranh chấp trong các nghiệp đoàn và dàn xếp trước các cuộc biểu tình kiểu cũ. Thành viên của Progress rất chính trực nhưng họ đã nhanh chóng bị lừa gạt bởi một ý tưởng rất hấp dẫn rằng họ phải là một lực lượng thúc đẩy sự đoàn kết ở cấp chính trị và tổ chức, cho dù thực tế tất cả những điều họ cần làm là xây dựng một chương trình nghị sự chính sách vững vàng cho tương lai và không dính dáng gì đến các tổ chức chính trị. Cuối cùng thay vì tìm cách xác định một chương trình nghị sự cho nhà lãnh đạo kế tiếp, thì họ lại trở nên trung lập dưới cái mác của việc thúc đẩy “đoàn kết”.
Như một số người thân cận nhất của tôi nhận định, dưới khía cạnh rộng hơn thì điều này là do lỗi của riêng tôi và do tôi khăng khăng rằng không thể ngăn Gordon “trèo lên tới đỉnh”. Tôi sẽ liên tục nhấn mạnh rằng Lao động mới là một dự án chung của tôi với Gordon, mà ở chừng mực nào đó đã vượt quá sức chịu đựng. Nhưng tôi đã vẫn cố gắng hợp tác với ông ấy trong chương trình này và hy vọng ông ấy sẽ chấp nhận nó, nếu không có điều gì tốt hơn. Những người ở phe cánh tả bối rối là điều dễ hiểu.
Tình thế không thể thay đổi khi quân xúc xắc được gieo, do đó tôi quyết định phát biểu. Nó giải thoát cho tình huống bế tắc này; và phục hồi những cảm giác gấp gáp của chính tôi. Phe GB đã trấn tĩnh trở lại. Họ đã chiến thắng, cho dù họ vẫn còn không tin tưởng lắm và tôi biết họ sẽ tìm cách để nhanh chóng đến ngày tôi ra đi. Người của tôi rất buồn, nhưng không suy sụp. Tôi cũng tự động viên mình và cố gắng hết sức để giữ vững tinh thần cho nhân viên bằng cách truyền sự bình tĩnh và tự tin cho họ.
Sau tuần lễ sóng gió đó, tôi có chuyến công du Beirut và Trung Đông. Khi trở lại Chequers ngày 14 tháng 9, để nghỉ ngơi và vạch ra chiến lược cho phần thời gian tại nhiệm còn lại của mình, tôi đã có nhiều điều để suy nghĩ. Chequers vào tháng 9 luôn là một nơi nghỉ dưỡng lý tưởng. Tháng 9 là thời gian đẹp nhất của năm, do đó tôi dành nhiều thời gian để bách bộ ngoài trời.
Tôi có thói quen đến đây một mình vào các dịp cuối tuần. Tôi sẽ làm việc chăm chỉ vào buổi sáng và tập thể dục vào buổi chiều. Uống một ly rượu mạnh, thưởng thức một bữa tối ngon lành và đi ngủ sớm.
Càng lớn tuổi, bạn càng nên cẩn thận khi sử dụng rượu Lúc còn trẻ, có lúc bạn có thể uống quá chén, nhưng có những ngày lại không đụng đến một giọt nào. Nhưng dần dần, uống rượu rất dễ trở thành một nhu cầu hàng ngày hay hàng đêm của bạn, để bạn cảm thấy được thư giãn. Nó giải thoát bạn khỏi áp lực. Nó là liều thuốc kích thích, nó giúp bạn trải qua một buổi tối tẻ nhạt và có vai trò nhất định trong cuộc đời bạn.
Sau khi cân nhắc mọi thứ, tôi vẫn không bao giờ biết được, liệu với tôi, rượu a) tốt, vì nó giúp tôi thư giãn, hay b) xấu, bởi đáng ra tôi phải làm việc thay vì thư giãn. Bạn có thể nghĩ rằng a thắng b. Tôi nghĩ rằng việc chạy trốn áp lực và thư giãn là một phần quan trọng trong việc giữ cân bằng, có vẻ rượu có chức năng khá giống các kỳ nghỉ của tôi. Nhưng tôi không bao giờ chắc chắn về điều đó. Tôi tin rằng mình đã kiểm soát được rượu. Mặc dù vậy, thành thực mà nói rằng: nó là một chất gây nghiện khó chữa. Do đó, chúng ta phải sử dụng nó cẩn trọng nhưng đừng bao giờ hiểu nhầm bản chất của nó và trung thực về mối quan hệ của nó với cuộc đời bạn.
Tôi dành vài ngày để chuẩn bị cho bài phát biểu của mình ở đại hội – bài phát biểu cuối cùng tôi trình bày ở Đảng Lao động, tổ chức mà tôi đã lãnh đạo trong hơn hai năm, tính đến thời điểm đó – và cũng phải suy ngẫm và vạch ra kế hoạch cho “cuộc chơi” của mình. Chắc chắn không có gì dễ dàng cả, thậm chí còn nhiều thách thức. Giới truyền thông muốn tôi ra đi sớm hơn, phần vì họ quá nóng ruột trông chờ sự thay đổi, phần vì, nó giống như một môn thể thao, mà họ sốt ruột muốn biết mình có thể giành chiến thắng và đẩy tôi ra sân trước hay không.
Họ cũng biết rằng một mặt tôi sẽ không ra đi tự nguyện, nhưng mặt khác, điều đó liên quan mật thiết đến vận mệnh của tôi và phụ thuộc vào nước cờ của tôi chứ không phải của họ. Chúng tôi có thể xung đột với nhau, soi mói nhau, nhưng tất cả đều diễn ra trên cơ sở bình đẳng. Họ đã nghĩ sẽ tuyệt vời nếu kiểm soát được hành vi của tôi và buộc tôi ra đi.
Và cả đảng của tôi nữa. Họ sẽ chấp nhận sự lãnh đạo của tôi cho đến ngày giờ chính xác lúc tôi ra đi, nhưng sẽ có những lời cáo buộc ngấm ngầm và liên tục về sự ích kỷ rằng tôi ở lại vì lợi ích của bản thân thay vì của họ.
Cũng nảy sinh một vấn đề thực sự về thẩm quyền. Gordon gần như được chỉ định là người kế nhiệm. Ông ta là tương lai, ông ta thu hút mọi người đến với mình. Nếu ông ta không nhất trí về vấn đề gì, thì ngay cả các Bộ trưởng Lao động cũng sẽ cân nhắc lại việc sát cánh cùng tôi, thay vì ủng hộ ông ta. Và mặc dù một khi tôi ra quyết định và ông ta cố gắng hết sức để ủng hộ tôi, thì người của ông ta vẫn phản kháng dữ dội, có xu hướng phẫn nộ và kiên quyết làm theo ý mình.
Các nghiệp đoàn, những người cảm thấy họ sắp trở thành trung tâm của mọi việc, tất nhiên là liên quan tới đảng, đã rất tùy tiện. Khi tôi phát biểu ở TUC lần trước, họ đều tỏ ra lịch sự. Chúng tôi đều biết suy nghĩ của nhau, cho dù cũng có những lãnh đạo nghiệp đoàn thực sự chân thành và tử tế − như những lãnh đạo của USDAW (nghiệp đoàn của những lao động làm việc ở các cửa hàng) và Community (nghiệp đoàn của công nhân sắt thép cũ) – những người cảm thấy buồn và lo lắng về sự ra đi của tôi, nhưng các nghiệp đoàn lớn thì không bao giờ hòa thuận được. Chúng tôi kết thúc cuộc trò chuyện như khi chúng tôi bắt đầu: đó là chẳng hiểu gì về nhau cả. Họ không thể hiểu tại sao tôi lại làm những điều tôi sẽ làm; và tôi không hiểu tại sao họ không thể xem đó là phương hướng của tương lai. Xét trên phương diện cá nhân, tôi khá quý mến họ và trung thành với những nghiệp đoàn cơ bản và công đoàn của Lao động hơn nhiều người thừa nhận. Nhưng họ đã nghĩ là tôi là một phần tử Bảo thủ khoác áo Lao động; và tôi cũng nghĩ họ như vậy. Do đó mọi chuyện diễn ra như thế. Nhưng nếu lật lại lịch sử của các Chính phủ Đảng Lao động, họ gây cho tôi ít vấn đề hơn nhiều so với Atlee, Wilson hay Callaghan.
Ngoài ra, tôi cũng phải chú trọng tới những người thân cận nhất của mình, giúp họ giữ vững tinh thần và duy trì lý tưởng. Đó là đội ngũ vô cùng tài năng. Có những người đã chịu đựng tất cả những gì đã xảy ra từ trước tới nay: Jonathan Powell, Jonathan Pearse và Liz Lloyd. Liz đã trưởng thành lên rất nhiều, trở thành một phó chánh văn phòng và đem tới trật tự và kỷ luật mà Jonathan và tôi luôn thiếu. Cô ấy cũng có tính cách tuyệt vời: dễ chịu, trung thực và có vẻ duyên dáng điển hình của phụ nữ Anh, nhưng cũng khá mạnh mẽ. Và hơn hết là có năng lực.
Một trong những khía cạnh đáng thất vọng khi tổ chức của đảng trở lại với nền chính trị Lao động cũ là những người trẻ như Liz nếu được đề cử giữ một ghế ở Đảng Lao động, sẽ bị bác bỏ để nhường chỗ cho những người có cả cỗ máy của GB hậu thuẫn, nhưng lại ít tài năng hơn nhiều. Trong những năm đầu tại nhiệm, tôi đã khuyến khích những chuyên gia trẻ, giỏi giang gia nhập và đại diện cho Nghị viện: David Miliband, James Purnell, Ruth Kelly, Liam Byrne và cả người của GB như Ed Miliband, Ed Balls, Yvette Cooper. Tôi dang rộng cánh tay cho những nhân tài thực sự của thế hệ trẻ hơn. Cho dù tôi biết nhóm của GB có thể gây khó khăn cho tôi, tôi vẫn có một niềm tin không ràng buộc rằng khuyến khích nhân tài là việc nên làm. Tôi có một số điều hà khắc phải nói về Ed Balls – tôi nghĩ đôi khi anh ta cư xử rất tệ và sai lầm về chính sách – nhưng anh ta thực sự có khả năng và là một nhân tài mà bất kỳ đảng phái chính trị nào cũng vui lòng sở hữu. Do đó, tôi đã có chỉ dẫn rõ ràng cho những nhân viên ở tận cấp thấp nhất của mình rằng đừng cố gắng chống lại những người này. Cho dù chúng ta nghĩ gì, thì khả năng của họ cho họ có quyền đến và tham gia vào công việc ở đây và chúng ta có nghĩa vụ cho họ gia nhập.
Nhưng cuối cùng thì điều này không được đền đáp. Và điều còn quan trọng hơn nhiều sự không công bằng, đó là nó ảnh hưởng tới sức mạnh lâu dài của đảng và sẽ là một vấn đề nghiêm trọng trong tương lai. Điều này rất giống với vấn đề tôi đã phải đối mặt, khi cố gắng để được chọn lựa trong những năm đầu thập kỷ 1980 và vấn đề đảng gặp phải vào thời gian đó trong việc thu hút nhân tài là do cơ chế bổ nhiệm kín kiểu cũ. Đến cuối thập kỷ 1990, chúng tôi đã giải quyết được vấn đề này – nếu anh giỏi, anh xứng đáng có cơ hội.
Trong giai đoạn cuối, tôi cảm thấy, việc này bị thụt lùi. Không có những người như Liz trong Nghị viện, nếu không bổ nhiệm được cô ấy, thì đó là tổn thất của chúng tôi. Và đó là một tổn thất nghiêm trọng, phản ánh nhiều vấn đề. Một đảng quay lưng lại với người tài thì năng lực của đảng sẽ bị xói mòn. Nhưng cô ấy quá thân cận với tôi và đảng đã chống lại cô ấy.
Những người khác trong nhóm gia nhập gần đây hơn. Matthew Taylor là sự kết hợp tuyệt vời giữa một nhân tài và một chính trị gia. Anh ta có thể tiếp xúc với tất cả mọi người trong đảng theo cách không bỏ bê nền móng của Lao động mới mà mở rộng nó. David Bennett, trưởng ban định hướng chính sách, đến từ McKinsey. Anh ta hoàn toàn là người ngoại đạo và tôi nghĩ đôi khi kinh nghiệm chính trị còn khá báo động, nhưng lại thực sự thông minh nhanh nhạy và tôi luôn muốn đưa một chuyên gia bên ngoài vào để có thể lắng nghe những phân tích khác biệt. Anh ta đã giúp rất nhiều trong việc viết nên chương chính sách cuối cùng của Chính phủ.
Và đến nhóm chính trị, Ruth Turner, John McTernan và Nita Clarke và trong Đảng Lao động, Tổng bí thư Peter Watt, có những phẩm chất tốt hơn nhiều so với những gì tôi kỳ vọng vào giai đoạn này của cuộc chơi: cống hiến, rất mực trung thành và kiên định một cách dữ dội nhân danh tôi. Nhưng họ đương đầu với một tình thế khó khăn: nhà lãnh đạo của họ sắp ra đi và một thế lực thay thế đang gồng các cơ bắp của mình chứng tỏ sức mạnh; trừ Nita, tất cả đều bị cảnh sát thẩm tra về sự liêm chính. Khi tôi nghĩ đến cách họ xử lý vấn đề và giải quyết việc này xuất sắc ra sao trong suốt giai đoạn đó, tôi chỉ còn biết ngả mũ kính phục.
Giới truyền thông, đảng, GB, các nghiệp đoàn, văn phòng tư – vào khoảnh khắc tôi tuyên bố ra đi, sẽ có rất nhiều việc phải xử lý.
Tôi lui về Chequers để suy ngẫm. Tôi quyết định cách duy nhất là đưa cho họ một lý do rõ ràng để tin rằng tôi nên ở lại đến mùa hè năm 2007. “Điều mấu chốt là gì?” – đó là câu hỏi mà Matthew Taylor và cả Peter Mandelson đã hỏi. Đó sẽ là: Tôi sẽ ra những quyết định cốt lõi, nền tảng về chính sách sẽ bao hàm toàn bộ chương trình Lao động mới mà chúng tôi sẽ tham gia thực hiện; và sau đó sẽ tạo ra một tiến trình để Nội các và đảng có thể tham gia hoạch định chương trình cho tương lai. GB sẽ là đối tác đầy đủ, ông ta có thể đồng ý tham gia hay đứng bên ngoài tiến trình đó, nhưng không thể nói rằng tôi không hoạch định chương trình đó vì ông ta, hay ông ta không có cơ hội định hình nó. Nếu có sự bất đồng nào đó trong tiến trình thực hiện, hãy để chúng được thoải mái bộc lộ. Ít nhất cuối tiến trình chúng tôi cũng sẽ có một nền tảng rõ ràng. Nếu ông ta tiếp quản thì đó sẽ là điều tuyệt vời. Nếu không, không ai có thể nói ông ta không có cơ hội và bất kỳ nhà lãnh đạo thay thế nào cũng có thể chộp lấy nó và điều hành đất nước với nó.
Nhìn chung, đối mặt với quá nhiều sự hoài nghi và những lời chỉ trích trong nhiều quý, đó là điều chúng tôi đã làm. Cho dù đã tuyên bố ra đi, tôi vẫn là một Thủ tướng và có nhiều quyền lực danh nghĩa cũng như còn nhiều quyền lực thực tế vớt vát lại. Tôi vẫn có thể cải tổ, cho ai đó thăng tiến; thậm chí với một hãng truyền thông thù địch, tôi vẫn có thể có vũ đài để phát biểu, để tranh cãi, để thuyết phục. Chín tháng cuối cùng có thể là một lời chào từ biệt vô nghĩa – nhiều kẻ trong báo giới cố gắng thúc đẩy điều đó – nhưng sự thực là chúng tôi đã giữ được những phần quan trọng của chương trình cải cách và đã để lại một bộ định hướng chính sách tương lai vô cùng đúng đắn, nếu người ta muốn tiếp quản nó – về chế độ hưu trí, an sinh xã hội, NHS, trường học, luật và chỉ thị.
Không một nhà lãnh đạo nào từng để lại những điều như thế trước đây. Nhưng rồi, như nhiều vấn đề khác, chính trị luôn thay đổi. Trong bối cảnh các nhà lãnh đạo ngày một trẻ hơn và vị trí của nước Anh trên trường quốc tế thay đổi, tôi có thể là người đầu tiên, nhưng tôi ngờ rằng sẽ là người cuối cùng.
Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi - Tony Blair Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi