A good book has no ending.

R.D. Cumming

 
 
 
 
 
Tác giả: Tony Blair
Thể loại: Tùy Bút
Nguyên tác: A Journey : My Political Life
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1655 / 31
Cập nhật: 2016-06-09 04:39:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 18: Chiến Thắng Và Bi Kịch
hương trình làm việc của các nhà lãnh đạo ngày nay thậm chí còn điên cuồng hơn trước. Sự tiện lợi của phương tiện đi lại hiện đại; hoạt động đối ngoại chiếm phần lớn các công việc; quy mô và phạm vi của các sự kiện cần phải xử lý; tất cả những điều đó khiến bạn phải đi tới 4 hay 5 nước chỉ trong từng ấy thời gian. Bởi điều đó hoàn toàn khả thi, cho nên sớm hay muộn gì bạn cũng sẽ phải làm như vậy. Chương trình làm việc mệt mỏi hơn rất nhiều so với chỉ cách đó 20 năm.
Tôi đã quen với việc đó và có một lợi thế lớn: Tôi không bị lệch múi giờ. Đối với tôi, nếu trời vẫn sáng thì đó là ngày; còn nếu trời tối, đó là đêm. Tôi cũng thường uống một viên melatonin. Chỉ cần uống một viên bạn có thể ngủ khoảng 6 tiếng đồng hồ cho dù bạn đang ở múi giờ nào.
Tuy nhiên, đi lại nhiều sẽ tàn phá hệ tiêu hóa của bạn. Bạn cần phải ăn uống điều độ và hợp lý. Tôi là một người Anh điển hình. Tôi muốn có thời gian ngâm mình trong bồn tắm và thư giãn. Phòng tắm là phòng quan trọng nhất và một chính trị gia cũng cần được nhìn nhận và thấu hiểu như một người bình thường. Nếu bạn mất ngủ hoặc ngủ không ngon giấc vào đêm hôm trước hoặc cơ thể bạn rã rời thì chắc chắn bạn sẽ làm việc rất tệ vào hôm sau. Và đặc biệt, các chính trị gia càng cần phải thận trọng hơn vì mỗi hành động của họ đều có thể bị ghi hình và rêu rao trên các phương tiện truyền thông mà không bao giờ có đúp quay thứ hai.
Tôi luôn biết rằng, đợt làm việc kéo dài 7 ngày, bắt đầu từ ngày 2 tháng 7 năm 2005, sẽ là quãng thời gian đầy thử thách: bay đến Singapore để tuyên truyền cho việc xin đăng cai Olympic và trải qua hai ngày làm việc với cường độ cao. Sau đó, bay về Gleneagle ở Scotland để dự Hội nghị G8, năm đó nước Anh là Chủ tịch và v.v… Đó là hai thách thức rất lớn, hai nguy cơ rất lớn và hai thất bại tiềm năng rất lớn.
Khi Olympic khai mạc ở London vào năm 2012, nhiều người sẽ được nhớ tới với tư cách là người đã đem sự kiện thể thao này về cho nước Anh nhưng tất cả sẽ bắt đầu với Tessa Jowell, người vào thời điểm đó là Bộ trưởng Văn hóa, Truyền thông và Thể thao. Khi việc xin đăng cai mới nhen nhóm, thì hầu hết Nội các đều tỏ ra hoài nghi còn Bộ Tài chính thì có thái độ thù nghịch. Tôi thích sự táo bạo của ý tưởng đó nhưng dường như không có vẻ gì là chúng tôi sẽ đạt được nó – kế hoạch đăng cai của Pháp dễ để lại ấn tượng hơn cùng với những kế hoạch công phu của Madrid và New York – và sau sự kiện Dome, chúng tôi đều hơi lo lắng một chút với những sự kiện quá lớn, quá tốn kém và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao. Mặc dù vậy, cộng đồng vận động viên, ngay lập tức hiểu được tầm quan trọng của việc đăng cai và đã ủng hộ chúng tôi một cách mạnh mẽ, khôn ngoan và chứng tỏ sự cứng rắn đáng ngưỡng mộ trong suốt chiến dịch vận động đăng cai. Tessa cũng rất nhiệt tình và quả quyết.
Bà ấy là một phụ nữ tuyệt vời, một viên ngọc quý. Bà thể hiện sự nhạy bén và trung thành của mình rất rõ ràng ở những thời điểm thích hợp và cần thiết nhất. Bà hiểu rằng để thành công, một đảng chính trị cần phải được dẫn dắt một cách mạnh mẽ và một nhà lãnh đạo mạnh mẽ cần những người ủng hộ trung thành. Nếu bạn nghĩ rằng sự lãnh đạo đó là sai hay về cơ bản là lầm lạc thì hãy thay đổi người lãnh đạo; nhưng đừng để xảy ra việc bạn có lãnh đạo nhưng lại không ủng hộ sự lãnh đạo của họ. Việc làm đó sẽ làm chính trị suy yếu. Tessa là người rất mực trung thành, hiểu biết và ủng hộ tôi từ đầu tới cuối, bất chấp những khó khăn gian khổ, bởi bà tin vào đường lối lãnh đạo. Và nếu không tin hoặc không đồng tình, chắc chắn bà ấy sẽ đóng góp ý kiến với tôi.
Về vấn đề đăng cai Olympic, bà ấy đã nói với tôi rằng đó là một cơ hội khổng lồ. Hãy nghĩ về tác động mà sự kiện này tạo ra với lớp trẻ của chúng ta, với việc rèn luyện sức khỏe, với thể thao và với niềm tin vào đất nước mình. Tôi nói: “Được, nhưng giả sử chúng ta thua và tệ hơn chúng ta bị người Pháp đánh bại và thua cuộc một cách bẽ bàng thì sao?” Một ngày, tôi đã nói bóng gió những lời này với bà tại khu vườn phố Downing, nơi nếu trời nắng ấm, tôi sẽ tổ chức những cuộc họp cá nhân. Khi tôi vừa dứt lời, bà ấy nhìn tôi một cách trách móc và nói, “Tôi thực sự không nghĩ đó là thái độ của một nhà lãnh đạo. Tôi nghĩ ông sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Và đó sẽ là một rủi ro rất lớn. Dĩ nhiên, chúng ta có thể không giành chiến thắng, nhưng ít nhất chúng ta đã có đủ dũng khí để thử”. Khi Tessa nói điều này, tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé và hơi xấu hổ. Tôi biết bà ấy đang vận động tôi nhưng tôi cũng biết bà ấy đã thành công. Và tôi nói “Được, chúng ta sẽ làm”.
Nội các thay đổi quan điểm, nhưng chỉ vì tôi thực sự hậu thuẫn ý tưởng đó và JP, như chưa bao giờ ủng hộ một cách quyết liệt như vậy, đã la rầy và châm chọc theo cách của JP, khiến mọi người nghĩ rằng họ có thể cũng sẽ đi theo số đông.
Vào giữa năm 2003, chúng tôi đã thành lập một nhóm vận động đăng cai, dưới sự dẫn dắt của Barbara Cassani, một nhân vật rất chuyên nghiệp và tài năng. Craig Tweedie từ IOC là một chính trị gia của ủy ban rất lão luyện và tài giỏi. Vào tháng 5 năm 2004, Sed Coe kế nhiệm. Tôi chỉ biết ông ấy qua truyền hình trong cuộc chạy đua nổi tiếng của ông ấy với Steve Ovett. Ông ấy là một vận động viên vĩ đại; sau đó lại là tham mưu trưởng của William Hague – điều không lấy gì làm hay ho. Tôi không mấy bận tâm, kể cả việc ông ấy từng là người của Đảng Bảo thủ – ông ấy rõ ràng không phải là một thành viên đấu tranh mù quáng vì đảng của mình và dù gì đi nữa, việc kết hợp các thành viên ở mọi đảng phải chính trị lại với nhau cho chiến dịch này là một việc làm đúng đắn và có lợi – nhưng thành thực mà nói, tôi không chắc về ông ấy lắm. Mặc dù vậy, tôi tin Tessa. Và nó hóa ra lại là một lựa chọn đầy cảm hứng. Từng là một vận động viên, ông ấy có thể ngay lập tức tranh thủ được tình cảm của bất kỳ ai trong thế giới vận động viên. Còn với tư cách một cá nhân, ông ấy đã làm việc đó một cách rất thông minh, chỉn chu và đầy thuyết phục. Ông ấy chẳng mang một đặc điểm tệ hại nào của Đảng Bảo thủ mà trái lại mang trong mình những đặc điểm tốt nhất của họ.
Nhưng rõ ràng đây là một nhiệm vụ khó khăn. Chúng tôi thậm chí còn không xếp thứ hai trong cuộc đua và về cá nhân, tôi nghi ngờ khả năng chiến thắng của chúng tôi. Đã có một cuộc tranh luận dữ dội về việc liệu tôi có nên đi Singapore hay không. Cuối cùng, tôi đã đi, nhưng nguyên nhân chủ yếu là bởi vì đó sẽ là một cảnh tượng tội lỗi nếu tôi không đi. Tôi phải có mặt ở đó để có cớ, để tránh bị chỉ trích vì đã không đủ nỗ lực. Vào thời điểm tôi đến đó, nhóm vận động đăng cai đã ở đó được vài ngày. Lại một màn kịch câm buồn cười thường gặp xảy ra trong tình huống này: chúng tôi có thể nói về việc đăng cai nhưng chúng tôi không định vận động.
Chiến lược chạy đua gồm hai phần: phần lễ và phần tiệc ở Cao ủy Anh để chứng tỏ những gì chúng tôi có và kêu gọi tinh thần đoàn kết của đội vận động. Sau đó, chúng tôi sẽ gặp rất nhiều thành viên của ủy ban, khoảng 40 người, những người tôi được ủy quyền đề gặp trên cơ sở một-đối-một. 40 trong tổng số 115 người, đó là một tỷ lệ công bằng. Tôi ngồi trong phòng khách sạn và ngay trước khi họ tới, tôi được trao một tập tài liệu ghi những thông tin về họ để tôi có thể biết sơ qua những điều họ thích, họ ghét và những điều họ lo lắng. Trong thời gian 2 ngày gặp mặt, tôi học thêm được một bài học, ở một cấp độ sâu xa hơn, đó là các khu vực cử tri đều giống nhau ở tất cả mọi nơi: mỗi khu vực có một phiếu. Ở những khu vực cử tri nhỏ, điều này rất quan trọng.
Khi tôi chạy đua cho việc đề cử ở Sedgefield, John Burton đã dạy tôi điều này. Có rất nhiều người có tiếng nói, có quyền lực và tầm ảnh hưởng ở Ủy ban Quản lý chung (cơ quan bầu chọn vào thời điểm đó), cứ như là họ sẽ là người chi phối tình hình nhưng John đã nhận ra có những vị cao niên nhỏ bé, có vẻ không phải là thành viên cần mẫn, e dè, khác biệt, không chắc chắn, không liên kết, mà chúng tôi đã cùng nhau tìm hiểu về họ. Hóa ra, mỗi người họ đều có số phiếu bằng những người người có quyền và có tầm ảnh hưởng kia: một phiếu.
Bởi các khu bầu cử Olympic được phân bố rộng khắp toàn cầu, châm ngôn trên thậm chí còn đúng hơn. Người đầu tiên phát hiện ra điều này là Cherie. Kể từ khi chúng tôi triển khai chiến dịch xin đăng cai, cô ấy đã đi đến nhiều nơi trên thế giới và gặp những thành viên kém quan trọng hơn. Có những người mà thiếu họ chúng tôi không giành được quyền đăng cai và cô ấy là một trong số đó. Vợ tôi, cô ấy có thể rất khó tính nhưng khi cần quyết đoán, cô ấy rất quyết đoán. Cô ấy cũng có thể giao thiệp, tương tác, tranh thủ cảm tình của cử tri giỏi hơn bất kỳ ai mà tôi từng gặp.
Cô ấy, mẹ vợ tôi và Jackie, bà vú tuyệt vời của chúng tôi, tất cả đều có cách cư xử rất nồng nhiệt với với các vận động viên (sự thực là tôi thì không) và cô ấy cũng vui vì điều đó. Nhưng dù thích hay không vào thời gian chúng tôi nhóm họp ở Singapore, cô ấy đã gặp, theo dõi và giữ liên lạc với phần lớn thành viên của hội đồng. Tại bữa tiệc của IOC, chúng tôi liên tục va phải “bạn cũ” của cô ấy, những người trông có vẻ đang cô đơn, lạc lõng và không được xem trọng, nhưng mỗi người trong số họ, dĩ nhiên có số phiếu bằng với những người đang làm huyên náo đám đông bởi sự xuất hiện của mình. Do đó, một cách kín đáo, chúng tôi đã tạo dựng được rất nhiều sự ủng hộ thầm lặng. Seb cũng đi khắp nơi trên thế giới và rất được việc.
Tôi nhanh chóng phát hiện ra rằng những người gặp tôi chẳng thích thú tẹo nào về việc nói chuyện với tôi về vận động viên, do đã nhận ra rằng tôi thực sự là một người khá thờ ơ về lĩnh vực đó; nhưng họ lại rất hào hứng nói chuyện về chính trị và thích được gặp những nhà chính trị nổi tiếng. Tôi nhận thấy rằng bài phát biểu gần đây của tôi trước Nghị viện châu Âu là một chủ đề mà họ ưa thích. Tôi biết điều này thật kỳ lạ nhưng nó có vẻ thân thuộc với họ và cho dù một số người đồng ý hay không đồng ý với Iraq, họ đều có một sự nể trọng kỳ lạ đối với việc tôi đã ra một quyết định không được lòng mọi người.
Bởi chúng tôi không nên phóng đại lực kéo của chính trị, nên chúng tôi cũng đã đưa David Beckham vào nhóm. David là một người hoàn toàn chuyên nghiệp – anh ấy hoàn thành những việc được giao rất gọn gàng, chỉn chu và nhìn chung gây ảnh hưởng thực sự ở Singapore, đó chính xác là điều cần làm.
Trong thời gian diễn ra các cuộc họp, tôi lại học được rằng lắng nghe cũng quan trọng không kém việc phát biểu. Biết khi nào nên dừng lại là một trong những quy tắc sống còn nhất trong cuộc sống, không chỉ trong chính trị. Về cơ bản, hầu hết mọi người có tâm lý đi khắp nơi để tìm kiếm một ai đó muốn nghe họ nói, quan tâm đến những gì họ nói và coi những gì họ nói vừa uyên thâm vừa thú vị. Điều này áp dụng ở bất kỳ cấp độ nào. Thực tế, cấp độ càng cao, thì điều này càng đúng. Trong hầu hết các cuộc gặp của tôi với các nhà lãnh đạo khác, cả những người tôi biết rất rõ hay những người khi có những việc thực sự khẩn cấp mới phải giao thiệp – tôi sẽ lắng nghe hay đặt câu hỏi để khuyến khích họ nói, để tôi có thể lắng nghe. Một cuộc họp tuyệt vời là nơi bạn có thể lắng nghe nhiều hơn nói.
Ngoài ra, biết khi nào nên phản đối và khi nào bỏ qua một câu bình luận nào đó. Nếu vấn đề thực sự nghiêm trọng và có thể gây ra hiểu lầm, bạn phải can thiệp và bác bỏ; nhưng thường thì, ngay cả nếu người đối thoại đưa ra một đánh giá lố bịch, việc phản bác sẽ chỉ dẫn đến một cuộc tranh luận vô ích châm ngòi cho những điều đáng xấu hổ nảy sinh. Nếu nó chẳng liên quan gì đến vấn đề thực tế đang bàn tới thì hãy bỏ qua.
Vậy là, dù gì đi nữa tôi cũng đã gặp vô số thành viên của IOC và tập trung hết mức có thể trong thời gian được sắp xếp. Đôi khi, họ tiến vào đông và nhanh. Tôi nhận được những tập tài liệu bị sắp xếp sai và lẫn lộn danh tính mọi người. Một người bước vào và tập tài liệu chỉ rằng anh ta là nhà vô địch ném lao. Tôi nghĩ thật kỳ lạ vì anh ấy có vẻ quá nhỏ bé – khoảng 1m7. Tôi cho rằng những vận động viên ném lao phải có thể hình to, cho dù thành thực mà nói kiến thức về vận động viên ném lao của tôi rất hạn chế. Tôi hỏi anh ta rằng điều gì là quan trọng nhất trong môn thể thao của mình. Câu trả lời của anh ta làm tôi hoàn toàn choáng váng: “Đó là chất lượng của băng”.
Chúa ơi, tôi nghĩ, tôi thực sự không biết gì về ném lao ư. “À, tôi hiểu rồi” tôi nói: “Điều đó rất quan trọng với anh phải không?”
“Vâng đó là điều tối quan trọng” anh ta đáp. “Nó quyết định xem có thể bật cao bao nhiêu” anh ta tiếp tục. Tôi có thể nhìn thấy Seb khoa tay múa chân điên cuồng để ra hiệu nhưng không rõ anh ấy muốn nói gì.
“Cao bao nhiêu” Tôi hỏi.
“Khoảng 1m”, Anh ta nói.
Seb nói chen vào. “Ông ấy biết tất cả điều này bởi trong nhiều năm ông ấy đã là nhà vô địch trượt băng. Ông ấy rất nổi tiếng trong lĩnh vực trượt băng”.
Một khoảnh khắc kịch tính khác xảy ra khi phái đoàn Nga đến gặp tôi, dẫn đầu là Thị trưởng Moscow. Ken Livingstone nói với tôi một cách bí hiểm là họ rất thân cận và hiểu biết. Ông ấy chẳng cho tôi thông tin chi tiết và tôi nghĩ tốt hơn hết là không hỏi.
Họ bước vào rất theo phong cách Nga. Có một điều gì đó ở nhóm người Nga này mà bạn muốn họ ở phe bạn. Bạn cảm thấy trong một hoàn cảnh sai lầm nào, hay bất kỳ hoàn cảnh nào, họ có thể trở nên phấn khích; rằng ranh giới, giới hạn hành vi và tính cách của chúng ta không được áp dụng; rằng bạn hoàn toàn hiểu tại sao Napoleon thất bại và tạo sao Hitler dám thử mọi điều như vậy.
Họ ngồi xuống một cách nặng nhọc và nhìn tôi. Tôi nhìn họ. Rồi họ mỉm cười ẩn ý và gật đầu. Ken, người tiếp đón cùng tôi, nhìn tôi và chúng tôi cùng gật đầu với họ.
Màn gật đầu kéo dài một lúc cho tới khi cuộc trò chuyện bắt đầu, cuộc trò chuyện hoàn toàn gián tiếp, ít nhất là đối với tôi. Nguyên nhân chính của điều này là chúng tôi đã hiểu nhau rất rõ, họ cũng rất thành thực với những điều họ nói và chúng tôi cũng vậy và họ không thích những người không thành thật (tôi cảm thấy hơi lo lắng về điều đó). Nhưng do họ và chúng tôi đã thỏa thuận như thế, nên chẳng cần thiết phải nói gì thêm. Sau một màn mỉm cười ẩn ý và gật đầu khác, họ rút ra ngoài.
“Tất cả việc quái quỷ này là cái gì hả Ken?” Tôi hỏi khi họ đã đi.
“Đừng bận tâm”, anh ta nói “Tôi nghĩ mọi việc sẽ tiến triển tốt thôi”.
Xen giữa tất cả hoạt động “phi vận động” đó, có những cuộc họp chính thức và những buổi tiếp khách. Nữ hoàng của Tây Ban Nha – một người rất lịch thiệp và là một biểu tượng của đất nước này – đã đến cùng với Thủ tướng mới của Tây Ban Nha, José Luis Rodriguez Zapatero, người mà bất chấp mối quan hệ bằng hữu giữa tôi với Aznar, vẫn cư xử rất lịch thiệp với tôi và rõ ràng là một nhà lãnh đạo khôn ngoan. Những chính trị gia lớn lẫn lộn với những nhân vật ít quyền thế của hoàng gia. Tại buổi tiếp, được tổ chức bởi Thủ tướng Singapore, trong một căn nhà cổ tuyệt đẹp được xây dựng từ thời thuộc địa, chúng tôi đều được xếp xen kẽ, nói chuyện với người này. Trong khi theo dõi sát sao động thái của tất cả những người khác, với sự thận trọng tối đa bởi bất kỳ từ ngữ sơ suất hay hành động mất mặt nào có thể khiến họ bị mất một lá phiếu quý giá. Một thái độ thực sự kinh khủng: một cuộc cạnh tranh ngầm và cố gắng duy trì lòng tự trọng trong khi đang cầu xin.
Công chúa Anne cũng đến tham quan các cuộc gặp này và rất cẩn trọng vì bà là thành viên của IOC. Bà thực sự được kính trọng bởi là người am hiểu và dĩ nhiên bởi bà chính là một vị thánh Olympic thực sự. Bà làm rất nhiều công việc từ thiện thầm lặng và là đại sứ vĩ đại của đất nước. Tôi luôn yêu quý bà. Tôi ngờ rằng tình cảm có từ cả hai phía hay đúng hơn là bà ấy tỏ thái độ trung lập, trừ thái độ phản đối gay gắt với lệnh cấm săn. Bà ấy được thừa hưởng tính cách đó từ cha. Mọi người nghĩ Hoàng tử Phillip chẳng bao giờ quan tâm mọi người nghĩ gì về mình và họ đúng: ông ấy chẳng mảy may bận tâm. Anne giống ông ấy như đúc. Bà ấy luôn là chính mình và nếu bạn không thích điều đó bạn có thể đi. Đó không phải là phẩm chất mà tôi có nhưng tôi ngưỡng mộ những người như thế. Không may là, nó ngăn mọi người hiểu được những tính cách khác của mình.
Trong suốt thời gian đầu tiên ở Balmoral, Công chúa Anne gọi Cherie là “Bà Blair” và Cherie (luôn là Cherie) nói “Hãy gọi tôi là Cherie thôi”. “Thực ra, tôi thích gọi là Bà Blair hơn”, Anne đáp. Ở một mức độ, hành động này quá khiếm nhã và không phù hợp với thời đại dân chủ của chúng tôi. Nhưng mặt khác, nó cho thấy sự kiên định đáng ngưỡng mộ của Anne, không chỉ không đồng tình với thời đại dân chủ của chúng tôi mà còn bảo rằng, nên bỏ nó đi.
Tôi còn nhớ vào những ngày đầu của Chính phủ, Điện Buckingham nghĩ họ nên tổ chức một buổi tiệc cho một số nghị sỹ Đảng Lao động. Do chúng tôi chiếm phần đa, vì thế có lẽ họ nghĩ họ cần làm như vậy, phòng khi bất kỳ xu hướng cộng hòa tiềm tàng nào có thể bùng phát. Mọi việc diễn ra tốt đẹp cho đến khi Hoàng tử Philip đi dạo và tình cờ gặp Joan Wally, một nghị sỹ ủng hộ bình đẳng giới cánh tả rất mực chân thành. “Xin chào”, ông ấy nói, “Cô đại diện cho cơ quan nào?”
“Stoke”, cô ấy đáp.
“Đó là một nơi kinh khủng phải không?”, ông ấy hỏi.
Vào buổi tối trước khi tôi rời Singapore, chúng tôi có một buổi lễ lớn, những bài phát biểu khai mạc và tiệc rược của IOC. Tôi đã gặp cầu thủ tài năng của Tây Ban Nha Raul và cố thuyết phục anh ấy chuyển về chơi cho Newcastle United thay vì Real Madrid nhưng không thành. Đến khi tiệc rượu diễn ra thì tôi chỉ muốn ra về. Tôi đã mệt tới mức có thể giết bất kỳ người kế tiếp nào nói với tôi về những thách thức địa chính trị trong thế giới ngày nay. Tôi đã sắp chịu không nổi Olympic, các thành viên của nó và các buổi lễ liên quan. Đầu óc tôi giờ đã chuyển sang quan tâm tới việc chuẩn bị cho G8. Tôi liên tục nhận được các báo cáo về việc này trong suốt những ngày ở Singapore mà không phải báo cáo nào cũng tích cực. Tôi ngày càng lo lắng về khả năng tôi phải chịu thất bại kép: không được đăng cai Olympic và xử lý bung bét các vấn đề của G8.
Jacques Chirac đến, đi lại nghênh ngang trong bữa tiệc cứ như ông ta sở hữu Olympic và tất cả mọi thứ thuộc về nó. Tôi nhận ra một cách hơi hằn học – có lẽ do tâm trạng của tôi lúc đó – rằng tất cả mọi người đang phấn khích vây xung quanh ông ta. Có thể là do tôi đã ở đó quá lâu, trở nên quá quen thuộc, quá tầm thường và không đủ vĩ đại. Tôi bắt đầu lầm bầm, báo hiệu cho nhân viên của tôi và họ đã nhận ra.
Đây là lúc cần có những người xung quanh bạn, không tôn trọng hay sùng bái bạn quá mức. Jo Gibbons từ Số 10 phố Downing, phụ trách các sự kiện, cảm thông với sự mệt mỏi của tôi nhưng kiên quyết không đồng tình với việc tôi rời đi. Có quá nhiều người cần phải gặp. Seb rất tốt bụng nhưng cũng rất kiên quyết, anh ấy nói: hãy ở lại. Cherie thì có vẻ chẳng nhọc mệt gì cả. Tôi sẽ lỡ bài phát biểu lớn vào hôm sau, bởi tôi phải trở về để chuẩn bị cho G8. Jacques có thể có mặt ở đó, còn tôi chỉ có thể xuất hiện qua băng hình. Vậy là tôi phải ở lại.
Cuối cùng, khi tôi mệt lử, khi tất cả những người phục vụ rượu đều đã có ảnh chụp cùng với tôi, tôi nhận thấy đã đến lúc phải đi, lên máy bay trở về, một chuyến bay kéo dài 12 giờ.
Thực tế, sự khác biệt giữa tôi và Jacques tại buổi tiệc rượu hôm đó đã cho thấy sự khác biệt trong phương thức vận động đăng cai Olympic của London và Paris.
Năm 1948, London đã tin rằng sẽ đăng cai sự kiện này. Sau đó, Chiến tranh Lạnh đã một phần nào đó bóp méo tiến trình vận động đăng cai. Nhưng đến những năm 1990, thì phong trào Olympic đã hoàn toàn phát triển. Không còn là việc một quốc gia nào đó sẽ là người ban ân huệ cho thế vận hội nếu đăng cai nó, trái lại, đăng cai sự kiện này chính là một giải thưởng mà ai cũng khao khát và dốc sức giành lấy. Ngày nay, IOC cho rằng các quốc gia có thể xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư vật chất vào thế vận hội. Điều từng là điểm cuối của vấn đề giờ chỉ là điểm khởi đầu. Giá trị thực tế được bổ sung chính là thành phố đăng cai có thể đóng góp gì cho điều được miêu tả tương đối sơ sài là tinh thần Olympic – thứ tinh thần vô hình nhưng có thể cảm nhận một cách sâu sắc của phong trào này.
Trong chuyến thăm sơ bộ của IOC tới London để đánh giá kế hoạch đăng cai của chúng tôi, Điện Buckingham đã tổ chức một bữa tiệc tối cho phải đoàn đánh giá và trưởng phái đoàn đó ngồi kế bên tôi trong bữa tối đó. Chỉ khi nói chuyện với bà ấy, tôi mới nhận ra rằng kế hoạch đăng cai của London phải nói về họ, chứ không phải về chúng tôi; hay chính xác hơn là chúng tôi có thể làm gì để tăng cường nét đặc biệt, tinh thần, cảm xúc nội tại của phong trào Olympic, chứ không phải đơn giản là vì London, cơ sở hạ tầng v.v… IOC tò mò về nhiều thứ, vận động viên, doanh nhân, những người của hoàng gia, những điều tuyệt vời và tốt đẹp; nhưng cho dù họ căn cứ vào đâu, họ cũng rất nhạy cảm với những cáo buộc rằng tất cả mọi thứ đã bị thương mại hóa và đánh mất ý nghĩa nội tại của nó. Họ muốn Olympic mang ý nghĩa riêng, một ý nghĩa cao cả hơn và tốt đẹp hơn, chứ không chỉ là một dịp để kiếm bộn tiền. Người ta nói rằng Olympic cần để lại di sản, theo cách hiểu thông thường thì đó có nghĩa là các cơ sở hạ tầng không đóng cửa ngay khi thế vận hội kết thúc. Tôi thì cho rằng, đó là việc tạo ra những thay đổi tích cực cho thế giới. Tôi thấy Seb và những người khác cũng có suy nghĩ tương tự, do đó chúng tôi dự định giới thiệu London như một thành phố hiện đại, năng động, đa văn hóa, đa chủng tộc và đầy tự hào. London với những phẩm chất đương đại – chất hiện đại song hành cùng chất truyền thống.
Cũng giống như tại buổi tiệc rượu hôm trước, người Pháp cố gắng thể hiện thái độ “chúng tôi sẽ thắng và các anh đã gặp may khi chúng tôi đăng cai sự kiện đó”, đồng thời cố gắng càn quét người khác trên đường đi của họ, cứ như là họ bất khả chiến bại – một thái độ “rất Pháp”. Còn chúng tôi thể hiện thái độ rằng “chúng tôi khiêm nhường cầu xin anh dùng dịch vụ của chúng tôi trong sự kiện tuyệt vời của anh”, tiến hành những bước đi nhẹ nhàng, chậm rãi và tích cực hợp tác – rất Anh. Cách làm của người Pháp trong nhiều trường hợp có thể đúng đắn, nhưng lần này họ đã làm hơi quá một chút. Và không còn nghi ngờ gì nữa, nó đã tạo ra sự khác biệt; sự thể hiện của chúng tôi đã đem lại cảm nhận tốt hơn.
Có một người cuối cùng mà thiếu ông ấy chúng tôi có thể không chiến thắng, đó là Silvio Berlusconi. Tháng 8 năm trước đó, tôi đã đến thăm ông ấy tại nhà riêng ở Sardinia, để tìm kiếm sự giúp đỡ của ông trong đợt vận động đăng cai này. Italia là một thành tố chủ chốt.
Ông ấy hỏi việc đăng cai Olympic có ý nghĩa thế nào. “Quan trọng”, tôi đáp. “Rất rất quan trọng?” ông ấy hỏi. “Vô cùng quan trọng”, tôi trả lời.
Rồi ông nói “Anh là bạn tôi, tôi chẳng thể hứa được gì nhưng tôi sẽ xem có thể giúp được không”. Đúng với tính cách của Silvio, điều khiến tôi quý mến ông. Hầu hết các chính trị gia thường nói “Tôi hứa” nhưng sau đó chẳng làm gì cả. Ông ấy nói “Tôi không hứa gì cả” nhưng sau lại giúp đỡ tôi rất nhiều.
Quan hệ cá nhân rất quan trọng – điều này là hiển nhiên, nhưng đôi khi nó cũng hoàn toàn bị phớt lờ bởi những người cho rằng chính những mưu kế cầu kỳ và những tính toán mới là điều thúc đẩy các thương lượng và nhượng bộ. Ở bất kỳ cấp nào, nhưng đặc biệt là ở cấp cao nhất, chính trị là về con người. Nếu anh thích vị lãnh đạo đó, anh sẽ cố gắng giúp họ, cho dù nó ảnh hưởng tới lợi ích của anh. Nếu không thích, anh sẽ không giúp. Và nếu duy trì khoảng cách với mọi người trên vũ đài chính trị – chẳng hạn như duy trì khoảng cách với Silvio, vì có những vụ bê bối gây tranh cãi nào đó – thì sau đó nước Anh sẽ là kẻ thua cuộc. Nhà lãnh đạo đó không phải là gã khờ, ông ta biết rõ chúng tôi không sẵn sàng trả giá để có một mối quan hệ. Chúng tôi nghĩ họ sẽ không nuôi dưỡng lòng hận thù về việc này hay sao? Tôi không biết người Italia đã bỏ phiếu như thế nào nhưng tôi tin Berlusconi.
Chúng tôi rời Singapore, không dám hy vọng nhiều, nhưng vẫn đặt chút hy vọng nhỏ nhoi vào những gương mặt tươi cười niềm nở mà chúng tôi đã gặp. Nhưng, không biết vì sao tôi không cảm thấy Pháp chắc chắn sẽ giành chiến thắng nữa.
Chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Edinburg sau khi bay qua đêm, rồi đi ô tô về khách sạn Gleneagles. Tôi chọn Gleneagles không phải vì nó lớn mà vì tôi cần một nơi nào đó an toàn. Hội nghị G8 năm 1998 ở Birmingham – hội nghị đầu tiên của tôi – đã được tổ chức ở trung tâm thành phố nhưng việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh trên thế giới đã thay đổi sau 7 năm, kể từ thời điểm đó, thậm chí trước cả sự kiện 11 tháng 9 và chắc chắn là sau đó. Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà công khai sẽ dẫn đến biểu tình. Bởi truyền thông hiện đại sẽ ngay lập tức bới móc những tác động của việc đó, người biểu tình hiểu rằng nếu họ biểu tình ở một mức độ đủ gây gián đoạn, họ sẽ phá được chương trình nghị sự từ các chính trị gia được bầu dân chủ của họ. Những người đó sẽ đến các hội nghị thượng đỉnh và phá nó, chi phối các bản tin, làm giảm giá trị của hội nghị. Điều này buộc các nhà lãnh đạo phải tránh xa các cuộc biểu tình và sau hội nghị Genoa năm 2001, các cuộc họp có xu hướng được tổ chức ở những nơi xa xôi hẻo lánh, không dễ bị gián đoạn: Evian ở Pháp, Heiligendamm ở Đức và Đảo Sea ở Mỹ.
Khi xe vừa đến Gleneagles, chúng tôi đã có thể nghe thấy tiếng la hét của những người biểu tình chống toàn cầu hóa, những người phản đối chúng tôi nhóm họp, phản đối G8, phản đối cả hệ thống. Tôi không thể suy nghĩ rộng lượng về họ. Tại sao chúng tôi không nên nhóm họp và nói chuyện? Sau tất cả mọi chuyện, đó là về châu Phi và biến đổi khí hậu. Cảm nhận của tôi về họ cũng tương tự như cảm nhận của họ về tôi.
Sau đó, tôi phải gặp Jack McConnell, Bộ trưởng thứ nhất của Scotland. Việc tham gia xử lý những gì đang diễn ra là việc quan trọng với ông ấy, vì an ninh đã được bố trí rất nghiêm ngặt ở khắp nơi. Ông ấy phải đi gặp người dân địa phương, bố trí cảnh sát bảo vệ buổi gặp lớn tiền G8, diễn ra vài ngày trước ở Edinburg và như thường lệ, tất cả mọi người đều muốn có hội nghị G8 nhưng đều muốn than phiền về sự gián đoạn của hội nghị.
Thật tuyệt là tôi đã ngủ được trên đường từ Singapore về, nhờ những viên thuốc của tôi. Khi ngâm mình trong bồn tắm và nghĩ ra mình phải làm gì, tôi cảm thấy tốt hơn, dĩ nhiên trừ cảm giác sốt ruột ngóng đợi kết quả về Olympic. Rõ ràng tôi chẳng làm được gì khác cho Olympic nữa, do đó tôi tập trung vào G8.
Tôi quyết định năm nay sẽ làm khác mọi năm. Tôi đang ở một thế yếu hơn sau cuộc bầu cử. Gordon và người của ông ta công kích dữ dội. Báo chí thì liên tục đánh lén tôi. Tôi đã bị buộc phải nói về việc chuyển giao quyền lực cho một nhà lãnh đạo mới, một việc vừa bẽ bàng vừa yếu thế.
Mặc dù vậy vào thời điểm đó, tôi đã vươn tới một giai đoạn mới trong sự phát triển của bản thân. Tôi không vui – bởi áp lực thực sự nặng nề – nhưng tinh thần của tôi khá mạnh mẽ. Tôi sẽ đảm nhiệm cương vị này tối thiểu 2 năm nữa. Đó là điều mà tôi có thể chắc chắn nhất. Dĩ nhiên là tôi không thể thực hiện toàn bộ lời hứa sẽ phụng sự hết cả nhiệm kỳ của mình, nhưng ít nhất tôi cũng không trắng trợn vi phạm nó như một kẻ bội tín. Nếu Gordon và tôi có thể hợp tác với nhau để cho ra đời một chương trình nghị sự đồng thuận, thì tôi đáng ra đã có thể ra đi trước thời điểm đó, như tôi đã nói; nhưng như nhận định của tôi, mọi việc sẽ rất khó khăn, nên tôi sẽ tại vị ít nhất hai năm nữa.
Nếu những người trong đảng hay giới truyền thông tấn công tôi và dùng vũ lực buộc tôi phải ra đi trước thời điểm đó thì sẽ có một trận chiến đẫm máu. Và trước khi mọi việc đi đến mức độ đó, tôi sẽ làm những gì tôi nghĩ là đúng. Tôi đã hoạt động theo nguyên tắc đó trong vài năm qua và mọi việc sắp tới cũng sẽ như vậy. Tôi sẽ không chùn bước. Đơn giản là thế. Tôi sẽ sẵn sàng chấp nhận rủi ro và có thể thất bại thay vì để nỗi sợ thất bại hủy hoại hoài bão của mình. Và tôi sẽ không lãng phí bất cứ khoảnh khắc nào hay hạ thấp tầm nhìn của mình. Đó là điều tạo ra sự khác biệt trong chương trình nghị sự của G8 lần này.
Thường thì G8 tập trung vào những vấn đề diễn ra tại thời điểm đó và về truyền thống, luôn bàn về tình hình kinh tế thế giới. Cơ chế thành viên của G8 là do lịch sử để lại, hơn là căn cứ vào sức mạnh kinh tế và chính trị. Dần dần chúng tôi bắt đầu đưa những vấn đề khác vào bàn bạc không chính thức, đó là điều chúng tôi đã khởi động tại G8 ở Birmingham năm 1998.
Lần này, tôi đưa việc đó lên một mức độ hoàn toàn mới. Đầu tiên, tôi mời 5 nước – Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và Mexico – cộng thêm nhiều nhà lãnh đạo châu Phi và Ả Rập khác. G8+5 đã trở thành một mô thức mới cho phép những thế lực lớn nhất thế giới – hay hầu hết trong số họ – nhóm họp, một cách không chính thức, tại một trong những hội nghị chính trị toàn cầu phi khu vực duy nhất, ngoài những diễn đàn chính thức của LHQ và WTO.
Thứ hai, tôi quyết định thúc đẩy một loạt các mục tiêu tham vọng. Tôi xác định đó là mục tiêu hai mặt: đạt được một gói toàn diện hỗ trợ và thúc đẩy quan hệ hợp tác với châu Phi; và ít nhất là thiết lập các nguyên tác cơ bản của một thỏa thuận toàn cầu mới về biến đổi khí hậu – trong đó có cả sự tham gia của Mỹ và Trung Quốc, sau khi Nghị định thư Kyoto hết hạn vào năm 2012. Gói châu Phi sẽ căn cứ vào Ủy ban châu Phi mà tôi đã lập ra từ năm 2004, với sự “xúi bẩy” của Bob Geldof.
Bob à, tôi có thể nói gì về ông ấy đây? Ông ấy có thể khiến bạn hoàn toàn phát điên. Ông ấy có thể nói không ngừng nghỉ. Ông ấy có thể nói với các nhà lãnh đạo trên thế giới cứ như họ là một cậu học trò mắc lỗi. Cá nhân tôi thì không bận tâm đến việc này nhưng tôi là trường hợp ngoại lệ. Nhiều khi sự dai dẳng của ông ấy có thể rất vô lý hoặc điên rồ. Mặc dù vậy, ông ấy lại có hai phẩm chất đáng giá cứu vãn lại tình hình: thông minh và can đảm. Ông ấy đủ thông minh để biết khi nào nên dừng, để không châm ngòi cho thảm họa xảy ra hay đưa ra những yêu cầu vô lý không-thể-thương-lượng được. Ông ấy can đảm bởi ông ấy không phải là một trong những kẻ phù thịnh, kiểu như… giờ anh không còn được yêu mến nữa, tôi không muốn dính dáng gì đến anh cả. Ông ấy và Bono đều gắn bó một cách thành thực, am hiểu và quan tâm tuyệt đối tới việc hoàn thành công việc hơn là bảo vệ cái tôi của mình.
Ủy ban châu Phi có những nhân viên rất giỏi. Cấu trúc của ủy ban cân bằng nhưng nghiêm túc, đặc biệt, những thành viên người Phi rất hiểu biết, sáng suốt và kiên định trong việc thể hiện chủ đề trung tâm của bản báo cáo: cuối cùng thì châu Phi nên tự tìm ra hướng đi cho mình. Họ muốn viện trợ theo phương thức truyền thống là “trao cần câu chứ không trao con cá”. Vâng, đúng là chúng tôi cần tăng cường viện trợ, nhưng mục đích của việc này là giúp châu Phi tự đứng trên đôi chân của mình, mà không băn khoăn gì về việc không được tự quản trị đất nước, như thời đế quốc tàn ác trước đây. Quan điểm của tôi về châu Phi luôn đi theo hướng ôn hòa: chúng ta cần xây dựng mối quan hệ đối tác giữa thế giới phát triển và đang phát triển, chứ không phải là quan hệ cho-nhận. Quản trị và tham nhũng cũng là vấn đề lớn không kém vấn đề nợ nần và việc trợ.
Mặc dù người dân phương Tây thấy thương cảm cho cảnh ngộ của người châu Phi, thì ở một chừng mực nào đó họ cũng sợ rằng châu Phi đã lâm vào tình thế vô vọng rồi. Viện trợ gần như là điều bắt buộc do bị tác động bởi vấn đề đạo đức (sự thôi thúc về mặt đạo đức), nhưng rất ít người thực sự tin rằng viện trợ sẽ đem lại kết quả và rốt cuộc dẫn đến hiện tượng “phản ứng chậm hay chán nản” khi nhận được kêu gọi viện trợ. Đó là điều mà Bob và Bono đã biết theo bản năng và nếu họ không biết, cuộc gặp đầu tiên với George Bush sẽ giúp họ hành động đúng.
Tôi biết Bono sẽ là một nhân vật quan trọng diện kiến George. Bono có thể là Tổng thống hay Thủ tướng, nếu căn cứ vào đầu óc của ông ấy. Ông ấy chắc chắn đã có năng lực thiên bẩm về chính trị, quan hệ tốt với mọi người, rất thông minh và là một diễn giả đầy cảm hứng. Tôi đã dành nhiều thời gian suy nghĩ xem điều gì khiến ông ấy làm mọi việc tốt như vậy. Cuối cùng, tôi nhận ra rằng, ngoài việc làm việc chăm chỉ, ông ấy còn có một phẩm chất mà theo tôi hiện diện trong tất cả những nhân vật thực sự thành đạt mà tôi từng gặp: động lực làm việc của ông ấy là khát khao cải biến mọi thứ, không bao giờ thực sự bằng lòng hoặc ngơi nghỉ. Khi được thực hiện đúng và được kiểm soát, động lực đó cũng mang lại cho người ta một chút khiêm nhường nào đó. Tôi biết ông ấy sẽ làm việc tốt với George và sẽ không thể hiện thái độ bất kính hay cáu kỉnh nào cả.
Thành thực mà nói, George rất lo lắng về chương trình nghị sự G8 của tôi. Ông ấy chưa bao giờ thích các hội nghị thượng đỉnh cả, thậm chí ông ấy còn không tin chúng. Ông ấy cảm thấy phải chịu áp lực và không thích cách người ta nhằm vào Mỹ với luận điệu “hành động không đủ” và phẫn nộ trước đạo đức giả của một số hội nghị. Tôi đã phải sử dụng gần hết “vốn” của mình – dù sao nỗ lực đó cũng đáng kể – để thuyết phục ông ấy nhất trí với chương trình nghị sự đó.
Ông ấy thể hiện lập trường rất cứng rắn đối với vấn đề châu Phi và việc quản trị Nhà nước ở đó và cũng nâng gấp đôi viện trợ cho châu Phi và tỏ ra hoài nghi về vấn đề biến đổi khí hậu. George thực sự là một người bảo thủ; có những phẩm chất bảo thủ khiến tôi ngưỡng mộ, nhưng cũng có những tính cách, mà về mặt chính trị, khiến tôi quyết tâm không học theo.
Một trong những phẩm chất đó là nếu đại bộ phận công chúng chạy theo một vấn đề gì, thì bản năng đầu tiên của người bảo thủ là chống lại nó và họ thường đúng khi làm thế. Họ không đưa ra một quan điểm nào bởi vì tất cả mọi người bảo họ nên làm như vậy.
Thái độ này là nguyên nhân khiến mọi người, tuy nói rằng không thích các chính trị gia bảo thủ, nhưng vẫn bỏ phiếu cho họ. Mọi người thường có tâm lý bầy đàn, chạy theo số đông, nhưng một cách kỳ lạ là họ lại ngưỡng mộ một nhà lãnh đạo sẵn sàng chống lại số đông. Thực tế, nếu họ không sẵn sàng làm vậy, thì công chúng sẽ nghi ngờ rằng họ không phải là nhà lãnh đạo thích hợp. Điều này thật lạ, nhưng đúng như thế. Các chính trị gia tân tiến thường không hiểu điều này. Họ thích chia sẻ lập trường với số đông và trở nên bối rối khi công chúng nói rằng họ tin vào X, nhưng lại bỏ phiếu cho Y trong cuộc trưng cầu dân ý.
Tôi còn nhớ mãi về việc đấu tranh với chính sách rút khỏi Cộng đồng Kinh tế châu Âu của Đảng Lao động thời đó vào cuộc bầu cử năm 1983. Bản thân tôi không ủng hộ chính sách này và đã nói rất nhiều lần với ủy ban tuyển chọn của mình. Tuy nhiên, lúc đó, tham gia chiến dịch tranh cử với tư cách là một ứng viên mới, tôi cố gắng không dính vào điều gì phiền toái. Do đó, tôi đã quyết định đứng trên lập trường của đảng mình. Cuộc trưng cầu dân ý cho thấy đa số áp đảo ủng hộ việc rút khỏi ECC đặc biệt là nhóm những người ủng hộ Đảng Lao động. Có vẻ như Đảng Lao động đã chắc chắn giành được ghế đó. Nhưng rốt cuộc lại không. Thật kinh khủng, tôi đã hậu thuẫn cho một chính sách mà không chỉ tôi không tin vào nó, mà cả những người ủng hộ tôi cũng vậy. Cuối cùng, họ đã chấp nhận quan điểm ra khỏi châu Âu của phe bảo thủ đơn giản là điều không thực tế. Thú vị là các lập trường của đảng sau đó được đảo ngược, nhưng phản ứng của công chúng vẫn thế. Không đảng nào ở Anh nhận được sự ủng hộ đa số tuyệt đối cho một chính sách chống EU ngày nay, nếu công chúng không trở nên mất trí, mà ít nhiều gì thì họ cũng không bao giờ như vậy.
Điều đó hơi ngoài lề một chút. Tôi muốn rằng là khi cả thế giới nói biến đổi khí hậu đe dọa cả hành tinh, thì phản ứng tự nhiên của những người như George sẽ là “Anh nói vậy thì nói, nhưng tôi không tin”. Luận điểm đưa ra càng gay gắt, thì những người bảo thủ càng phản kháng dữ dội.
Tại hội nghị thượng đỉnh G8 ở Genoa năm 2001 – hội nghị đầu tiên của ông ấy – chúng tôi đã có một cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu. Vào thời điểm đó thì người Bỉ là chủ tịch luân phiên của EU và do đó họ cũng tham dự G8. Thủ tướng Bỉ lúc đó, Guy Verhofstadt, là một người tốt bụng và thông minh nhưng mang phong cách rất Brussels. Nghị định thư Kyoto đã được nhất trí và Bill Clinton đã ký, nhưng Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu 98-0 phản đối việc phê chuẩn. Tiếp quản công việc, George đã thẳng thừng bác bỏ nó. Sau đó, tôi nghĩ ông ấy biết mình đã mắc một sai lầm chiến lược. Sự thực là dù ông ấy nói gì vào thời điểm đó và trong tình huống đó, không bao giờ Quốc hội Mỹ sẽ thông qua nó. Ông ấy nên chọn lập trường ít cực đoan hơn và không gây phản ứng tiêu cực. Trái lại ông ấy không làm thế, ông ấy nói thẳng điều mình nghĩ, rằng mình không tin, cả Kyoto hay cả lập luận cơ bản nhất về việc biến đổi khí hậu. Ông ấy còn bổ sung rằng, Mỹ không bao giờ có thể đáp ứng các mục tiêu của Kyoto mà không làm tổn hại nặng nề tới nền kinh tế và sẽ không bao giờ làm điều đó.
Khi George dứt lời, Guy nói mình hiểu điều George nói, nhưng thực ra vấn đề của người Mỹ có một giải pháp rất đơn giản, một điều tốt cho thế giới và cũng rất có lợi cho sức khỏe của người Mỹ: đó là họ có thể cắt giảm đáng kể khí thải nếu nâng gấp đôi giá xăng bằng cách tăng thuế đánh vào nó. Đó là một hành động mạnh bạo, có thể giúp người Mỹ thoát khỏi những ám ảnh về những chiếc ô tô và giúp George được giới chính trị quốc tế, không chỉ Brussels, đánh giá cao.
George đến hội nghị vào lúc phiên thảo luận đầu tiên đang diễn ra và không thể nói lời chào tới tất cả các thành viên tham dự. Ông ấy không biết hoặc chẳng nhận ra Guy, người vừa đưa ra một lời khuyên khiến ông ấy hết sức ngạc nhiên.
Ông ấy quay sang tôi và thì thầm “Ông ta là ai vậy?”. “Ông ấy là Thủ tướng Bỉ,” tôi đáp.
“Bỉ ư?” George nói, rõ ràng là rất ngạc nhiên vì sự ngờ nghệch của mình.
“Bỉ không thuộc G8”.
“Không”, tôi nói. “Nhưng ông ấy đến đây với tư cách là Chủ tịch của châu Âu”.
“Các anh để Bỉ điều hành châu Âu ư”, ông ấy lắc đầu, giờ hẳn là kinh ngạc vì sự khờ khạo của chúng tôi.
Do đó, nói George là một người không tin vào biến đổi khí hậu vẫn còn nhẹ. Thời gian trôi đi, ông ấy đã thay đổi suy nghĩ, nhưng sự thay đổi đó diễn ra quá chậm – một tính cách bảo thủ mà tôi không ngưỡng mộ – và chủ yếu là bởi vì ông ấy có thể thấy sự phụ thuộc của người Mỹ vào carbon sẽ đặt tương lai của họ vào tay những phần bất ổn và bội bạc của thế giới. Khi thay đổi, ông ấy chi mạnh tay vào việc phát triển nhiên liệu sạch nhiều hơn bất kỳ chính quyền nào trước đó. Ông ấy cũng tăng gấp ba viện trợ cho châu Phi. Nhưng mãi mãi về sau, ông ấy vẫn chẳng được thế giới tín nhiệm, bởi người ta đã có sẵn định kiến với ông ấy rồi.
Tôi từng hỏi một trong những nghị sỹ cấp thấp của tôi rằng vì sao ông ta ghét George như vậy. Ông ta nói “Chỉ đơn giản là ghét thôi, chẳng thể giải thích được”. Rồi tôi hỏi nếu George làm những điều đúng đắn hơn thì có thay đổi được gì không? “Trong trường hợp đó, tôi nghĩ tôi còn ghét ông ta hơn”, ông ấy đáp. Điều này khiến tôi nhớ tới những người bạn thân của tôi cũng hỏi tôi một cách riêng tư rằng tôi thực sự nghĩ gì về George. Tôi thường nói mình thực sự thích ông ấy. Và họ cũng không hiểu nổi vì sao lại như thế.
Vậy đó là những điều diễn ra với George. Ông ấy đã thay đổi một chút vào hội nghị G8 tháng 7 năm 2005, nhưng không nhiều như tôi muốn. Ông ấy vẫn tiếp tục từ chối nói rằng mình sẽ cam kết để Mỹ tham gia một hiệp định về biến đổi khí hậu. Và mặc dù ông ấy đã thực sự hướng tới châu Phi và có một thành tích ấn tượng về các hoạt động tài trợ cho HIV/AIDS, chúng tôi đề xuất một khoản chi lớn – thêm 50 tỉ đô-la trong những năm tới – và kê khai chi tiết về việc chi tiêu khoản tiền này ra sao. Thay vì thảo luận các vấn đề được mọi người ủng hộ nhưng chỉ mang tính chung chung, chúng tôi đặt lên bàn đàm phán những con số thực tế, những cam kết thực tế và những kết quả thực tế sẽ thu được. George đã rất lo lắng và tôi biết chắc rằng dù những người khác sẽ ủng hộ, nhưng họ sẽ chỉ làm như vậy khi tin rằng George sẽ cứu họ bằng cách tình nguyện trở thành kẻ phá bĩnh trong bữa tiệc. Tôi cũng biết rằng nếu ông ấy đồng ý, không ai khác dám phản đối.
Tôi đã đặt ra những sức ép thực sự, hơi quá so những gì mà các nhà lãnh đạo khác nghĩ là cần thiết. Thật ra, không có sự hậu thuẫn của George, điều đó sẽ là bất khả thi.
Phong cách thương lượng của Mỹ ở hội nghị thượng đỉnh thực sự khó nắm bắt, họ sẵn sàng sổ toẹt mọi thứ đi, tranh cãi đến từng từ cuối cùng, rồi xuất hiện vào cuối buổi và khiến mọi người thấy vui vì họ đã đến. Họ không có nhiều bạn nhưng biết rõ rằng tất cả mọi người đều cần họ. Nếu họ nhượng bộ, không ai dám đấu tranh cho những người này và những người này phải tự đấu tranh cho mình. Điều này là công bằng, nhưng nó tạo ra những khoảnh khắc lo âu cho bất kỳ người nào chủ trì hội nghị, kể cả tôi. Tôi biết nếu tình hình trở nên quá tệ, tôi có thể phải đương đầu với George. Chúng tôi sẽ xúc tiến cả hai vấn đề biến đổi khí hậu và châu Phi, trong khi ông ấy có thể nghĩ rằng một là đủ thì tôi muốn cả hai.
Ngoài ra, khi đã tham gia một tiến trình, mọi người sẽ thấy khó có thể thoát ra. George biết rằng, từ khoảnh khắc ông ấy nhượng bộ, ông ấy đã dấn thân vào một chuyến đi rất dài – và sự thực là như vậy, hai năm sau ở Đức. Ông ấy biết rằng, nếu mình nhất trí với tiến trình này bây giờ, với một tuyên bố thừa nhận tính nghiêm trọng của thách thức và thực tế rằng biến đổi khí hậu thực chất là do con người tạo ra, ông ấy sẽ bị mắc kẹt ở Mỹ. Và ông ấy không bao giờ trốn đằng sau cái bóng của Quốc hội. Nếu đã nói rằng sẽ làm điều gì đó, ông ấy thực sự sẽ cố gắng để thực hiện nó, thay vì chỉ nhất trí để đấy với hy vọng là những người khác sẽ phong tỏa thỏa thuận đó và giúp ông ấy khỏi phải thực hiện nó.
G8+5 là một diễn đàn mang tính quyết định, trong đó các cuộc tranh luận giữa các nước thải nhiều khí nhà kính có thể diễn ra một cách không chính thức. Và tôi không bao giờ ngại chỉ ra rằng, sẽ chẳng ích lợi gì nếu có hàng trăm quốc gia dưới khuôn khổ Liên Hợp Quốc cùng nhất trí về một hiệp định khí hậu mà Mỹ lại không tham gia vào hiệu định đó và Ấn Độ cùng Trung Quốc không muốn chấp nhận bất kỳ nghĩa vụ giảm phát thải. Đó là lý do tài sao đến ngày nay, dù có bao nhiêu nước phê chuẩn hiệp định Kyoto, thì có rất ít nước, mà Anh là một ngoại lệ – đáp ứng được các mục tiêu của họ.
Tôi biết rằng, về vấn đề châu Phi, nếu không đạt được những số liệu thực tế, thì sẽ lại tái diễn những lời lẽ rác rưởi như “Châu Phi thật đáng thương, chúng tôi rất quan tâm đến bạn” trong một thông cáo chung mà sẽ chẳng còn lừa dối được bất kỳ ai. Bob, Bono và liên minh phi Chính phủ (NGO) đã triển khai một chiến dịch hiệu quả, đến từng quốc gia chủ chốt và cố gắng “dọa” các nhà lãnh đạo bằng cách chứng tỏ sự ủng hộ của đông đảo công chúng đối với hành động trợ giúp châu Phi. Chiến địch này được tiến hành rất khôn ngoan, trong đó khéo léo tán dương các nhà lãnh đạo trong một chừng mực vừa đủ để khuyến khích họ hành động. Khi Bob và Bono phụ trách, sẽ có một cuộc tranh luận hợp lý. Nếu chúng tôi làm được, họ sẽ đó là công của chúng tôi. Nếu không, họ sẽ chỉ trích chúng tôi. Thế là công bằng. Các tổ chức vận động vì môi trường sẽ rất cơ hội chủ nghĩa ngay cả khi George đến với đồ tang và cầu xin sự tha thứ cho quá khứ tân bảo thủ của mình và nói rằng từ nay trở đi, người Mỹ sẽ từ bỏ những chiếc xe hơi và thay vào đó chỉ lái toàn xe scooter chạy bằng điện gió.
Dần dần, tôi e rằng tôi đã đi đến chỗ không tán động với một phần văn hóa của NGO, đặc biệt là các nhóm vận động bảo vệ môi trường. Xin đừng hiểu nhầm ý tôi, các NGO đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình, nhưng vấn đề với một số tổ chức trong số đó là họ được giới truyền thông xem là những công dân có trách nhiệm, quan tâm đến những gì đang xảy ra, trong khi dĩ nhiên họ còn là những tổ chức, thu hút tài chính, tiếp thị bản thân và cạnh tranh với các NGO khác trong cùng một lĩnh vực. Bởi toàn bộ “lý do tồn tại” của họ là để thay đổi chính sách, họ khó có thể nói vâng, chúng tôi đã hoàn thành xong công việc, mà không rơi vào cảnh chấm dứt hoạt động. Và họ đã học được cách chơi trò chơi của truyền thông hiện đại một cách hoàn hảo. Khi nói về tác động, họ cố “la hét” ngày càng to hơn để được nghe thấy. Từ “cân bằng” không có trong từ điển của họ. Tất cả đều là “vi phạm”, “phản bội”, “khủng hoảng”. Họ cũng có những tín điều và châm ngôn được định nghĩa rất hẹp theo cách của riêng, mà nếu bạn có phản đối chúng, họ sẽ bảo vệ quyết liệt – thường không phải vì quyền lợi của họ mà là để lợi dụng động cơ của bạn trong việc phản đối chúng. Ở châu Phi, tôi đã liên tục cố gắng giúp họ hiểu về tự do thương mại, với viện trợ đổi lấy thương mại, như một trong những lợi ích thiết thực cho châu Phi, nhưng việc này gần như bất khả thi. Một bộ phận của liên minh NGO về cơ bản đã có quan điểm rằng “toàn cầu hóa là âm mưu của nước giàu” và thách thức làm đứt đoạn sự ủng hộ của họ, vì thế họ hạn chế.
Giống như quan điểm của các tổ chức vận động bảo vệ môi trường với vấn đề năng lượng hạt nhân. Năng lượng hạt nhân giờ đã trở nên quan trọng đến mức việc phản đối phát triển nó gần như là vô trách nhiệm – trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với việc thiếu hụt năng lượng và biến đổi khí hậu. Tôi cá rằng rất nhiều người trong số họ biết rõ điều đó, nhưng họ sẽ bị coi là phần tử phản đối khi nói thế và chia rẽ phong trào.
Tôi muốn rằng trong NGO, “chất” chính trị cũng nhiều chẳng kém trong giới chính trị thực – và đôi khi còn hơn – họ đang được xem là những nhà quan sát khách quan, nhưng thực tế không phải vậy. Họ vừa vận động vì chính nghĩa, nhưng cũng vì những quyền lợi bất di bất dịch. Điều này không có nghĩa là tất cả những điều họ nói đều sai và họ chính xác là một phần của một nền dân chủ lành mạnh.
Tại Gleneagles, chúng tôi may mắn vì thời tiết khá đẹp, trời ấm áp và chúng tôi có thể ngồi ngoài trời, dưới ánh nắng. Tôi thì chìm trong tâm trạng rối bời, từ chi tiết của Hội nghị G8 đến các tin đồn về quyết định đăng cai Olympic, điều mà những đám đông tụ tập trên quảng trường Trafalgar và Đại lộ Champs-Elysées đang háo hức ngóng đợi. Những kết quả ban đầu được hé lộ: Moscow bị loại, sau đó đến lượt New York.
Đầu óc tôi căng như dây đàn và các nhân viên của tôi thôi không cố nói với tôi về châu Phi và biến đổi khí hậu nữa, do tôi không còn đủ tinh thần để nói chuyện với họ. Thông qua các cuộc trò chuyện của tôi với các thành viên Mỹ Latinh của IOC, tôi thấy rằng, nếu Olympic chỉ còn là cuộc đua giữa London và Madrid, họ sẽ ủng hộ Madrid (những người Tây Ban Nha rất đoàn kết và gắn bó với nhau), còn nếu là cuộc đua giữa London và Paris, họ có thể ủng hộ chúng tôi. Tình hình rất căng thẳng. Giống như tất cả các khu vực cử tri nhỏ như thế này, thường thì số phiếu cam kết cho các địch thủ chính nhiều hơn cả số cử tri. Mỗi khi Seb nói với tôi rằng ông ấy có bao nhiêu phiếu cam kết chắc chắn, tôi chỉ cười nhạt như tất cả những người từng trải qua tiến trình chọn ứng cử viên của Đảng Lao động.
Khoảng 10 giờ thì có tin Madrid bị loại. Như vậy là chỉ còn chúng tôi và Paris. Không lâu nữa sẽ có kết quả. Jo và cả đội đi xem thông báo trên truyền hình nhưng tôi không thể đủ can đảm để làm việc đó. Jonathan Powell, một người vô cùng điềm tĩnh ở lại với tôi. Tôi không nghĩ anh ta quan tâm quá nhiều đến kết quả Olympic. Khi câu chuyện trong văn phòng chuyển sang đề tài bóng đá, như nó vẫn thường diễn ra ít nhất một lần một ngày, Jonathan bịt tai như thể muốn nói hãy nói điều này ở nơi khác, một số người trong chúng tôi có việc phải làm. Điện thoại anh ta đổ chuông, anh ta nhận cuộc gọi chẳng khác gì thường ngày và trò chuyện cứ như là người ta vừa nói với anh ta rằng cuộc hẹn lúc 4 giờ được chuyển sang 4 giờ 15 phút. Rồi anh ta nói: “Ồ, chúng ta đã thắng à, thật không? Tốt, được rồi”.
Dĩ nhiên là tôi bật dậy như lò xo. Thật kỳ lạ vào khoảnh khắc đó, tôi bỗng nhớ lại năm 12 tuổi, khi biết tin mình giành học bổng vào Fettes, tôi đã chạy quanh vườn nhà ở Durham, trong niềm vui sướng tột cùng và dĩ nhiên là sự thảnh thơi trong tâm hồn; nỗi ưu tư trữu nặng bấy lâu được thay thế bằng niềm vui. Tôi nghĩ tôi đã nhảy múa xung quanh Jonathan và sau đó ôm chầm lấy anh ta. Jonathan không phải là người hay thể hiện tình cảm bằng những cái ôm; nhưng anh ta đã ở đó và được ôm. Rồi những người khác chạy vào và dĩ nhiên sẵn sàng chờ đón cái ôm chia sẻ niềm vui của tôi.
Đó là một chiến thắng lớn, đúng hơn là một chiến thắng xuất sắc. Thành thực mà nói, tôi cũng biết rằng mặc dù G8 vẫn còn là thách thức cần vượt qua, nhưng thắng lợi này sẽ giải phóng những áp lực đang đè nặng lên tôi.
Sau khi thực hiện những cuộc gọi chúc mừng, những cuộc trả lời phỏng vấn và phát biểu trước những đám đông tụ tập ở Đại lộ Trafalgar, tôi đã có thể quay trở lại nghĩ về vấn đề G8 một cách tự tin và đầy lạc quan.
Một trong những người đầu tiên đến hội nghị thượng đỉnh là Jacques Chirac. Tôi thực lòng cảm thấy tiếc cho ông ấy, thực sự là như vậy. Cuộc trưng cầu dân ý về Hiệp ước của Liên minh châu Âu đã thất bại và đây thực sự là một đòn tệ hại giáng vào ông ấy. Jacques chắc hẳn đã cảm thấy rất buồn khi bị người dân của mình cự tuyệt. Giờ lại đến Olympic. Và bởi tôi đảm nhiệm vai trò quá quan trọng trong việc lèo lái tiến trình vận động đăng cai của nước mình và ông ấy cũng thế, cảm giác buồn tủi sẽ tăng gấp đôi. Nếu ở vị trí của ông ấy có thể tôi sẽ suy sụp mất.
Nhưng dù bạn có nói gì về Jacques, thì ông ấy vẫn là một người can đảm và chuyên nghiệp. Ông ấy vẫn ngẩng cao đầu và vô cùng lịch thiệp, chúc mừng cá nhân tôi và nước Anh, chúc tôi tất cả những gì tốt đẹp nhất, với một thái độ chân thành và đường hoàng. Tôi không biết liệu khi chỉ còn một mình trong phòng riêng, ông ấy có đấm liên tục vào tường hay không, nhưng tôi đồ rằng không.
Khi Jacques cạnh tranh với Lionel Jospin cho nhiệm kỳ Tổng thống năm 2002, Jospin đang là một Thủ tướng xã hội chủ nghĩa trong một cơ chế cùng tồn tại vô lý mà hệ thống chính trị Pháp cho phép. Cuộc bầu cử rất căng thẳng. Nhưng tôi luôn chắc rằng Jacques sẽ thắng và khi mọi người hỏi tại sao, tôi có thể nói đơn giản là: ông ấy trông giống Tổng thống Pháp, trong khi Lionel giống một giáo sư Pháp và tất nhiên người Pháp muốn Tổng thống của mình phải ra dáng tổng thống, giống Mitterrand.
Hội nghị thượng đỉnh sẽ được bắt đầu bằng một bữa tiệc tối xa hoa do Nữ hoàng chủ trì. Trước đó, George và tôi, cùng với Cherie và Laura đã uống với nhau vài ly. Tôi có thể thấy là ông ấy sẽ ủng hộ tôi và dĩ nhiên Cherie và Laura luôn thân thiện với nhau. Bạn chung của chúng tôi là Bill Gammell ghé qua. Bill giàu hơn theo từng phút. Anh ấy mua một số mỏ dầu nhượng quyền ở Bangladesh, những mỏ từng không có ai muốn mua, giờ hóa ra có trữ lượng lớn hơn sự dự đoán của bất kỳ ai. “Chúng ta đã chọn sai nghề rồi, George”, tôi nói đùa sau khi Bill đã rời đi. Ông ấy tỏ vẻ nhất trí, nhưng chẳng ai trong chúng tôi thực sự nghĩ vậy. Chính trị là tự nguyện.
Có vẻ như những rắc rối đối với Jacques vẫn chưa đủ vài ngày trước đó, báo chí đưa tin rằng ông ấy đã nói đùa về thức ăn của Anh, trong một số nhận xét khinh suất với Vladimir Putin và Gerhard Schroeder, rằng bạn không thể tin được rằng họ là những người nấu ăn quá tệ. Ông ấy đã vô tình đưa cả người Phần Lan vào câu chuyện này. Tôi chẳng hề bận tâm và nghĩ đó chỉ là đùa vui, nhưng dĩ nhiên tất cả mọi người phải giả như là rất tức giận và làm quá mọi chuyện lên. Việc Jacques bác bỏ nhận xét này chẳng tác dụng gì và rất nhiều bếp trưởng nổi tiếng, những đầu bếp đủ loại và những người ghét Pháp nói chung đã đồng loạt chỉ trích nhận định vô lý này; và người Phần Lan, tôi nghĩ, thực sự rất phật ý. Thủ tướng Phần Lan sau đó đã nói riêng với tôi rằng điều này đã trở thành một vấn đề rất lớn ở Phần Lan (Tôi thì nghĩ: Ồ, chỉ là đùa thôi mà).
Khi chúng tôi dự bữa tiệc tối với Nữ hoàng, Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi đã đem chuyện này ra giễu cợt. Koizumi là một trong những nhân vật thú vị nhất tôi từng gặp trong giới chính trị và chắc chắn không giống bất kỳ chính trị gia Nhật Bản nào tôi đã tiếp xúc đến thời điểm đó: một nhà lãnh đạo tuyệt vời, rất sôi nổi, với một cá tính khác thường. Khi ăn xong món đầu tiên, ông ấy nói to bằng một thứ tiếng Anh ngắc ngứ với Jacques, lúc này đang ngồi ở bên kia bàn: “Này, Jacques, đồ ăn Anh tuyệt đấy chứ?” Và một tràng cười nổi lên. Jaques nhìn Koizumi với ánh mắt hơi gay gắt, ông ấy bị buộc phải tham gia vào chuyện cười này và lại còn phải thanh minh với Nữ hoàng rằng ông ấy chưa bao giờ nói những điều người ta gán cho ông. “Nói gì cơ?”, Nữ hoàng hỏi, có lẽ bà là người duy nhất chưa từng nghe tới câu chuyện này. Thế là câu chuyện lại được kể lại từ đầu, khiến mọi người càng thích thú hơn, đặc biệt là Koizumi. Ông ấy đã chớp lấy cơ hội này để khai thác câu chuyện một cách nhẫn tâm, ngắt nghỉ từng đoạn một và đôi khi còn ngắt nghỉ sau từng từ dài. Bằng một giọng khàn khàn, ông ấy đưa ra những nhận định về sự tuyệt vời của các món ăn. Tôi nghĩ Koizumi chỉ dừng lại khi Jaques đã không chịu đựng nổi, như thể sắp sửa rút súng của cận vệ ra và bắn Koizumi.
Những bữa tiệc tối ở G8 luôn toàn chuyện lạ. Các nhà lãnh đạo thường hơi bị lệch múi giờ một chút, trong khi họ vẫn phải để mắt tới chương trình nghị sự và ở hội nghị Gleneagles lần này cũng vậy. Hội nghị lúc nào cũng được tổ chức rất hoành tráng và công chúng luôn quan tâm đến mức độ hoành tráng ấy và cuối cùng câu hỏi đặt ra là chi phí cho việc tổ chức hội nghị là bao nhiêu. Dĩ nhiên chi phí lớn nhất vẫn là an ninh, nhưng không hiểu vì sao đây là lỗi của các nhà lãnh đạo dám cả gan gặp gỡ và trò chuyện về các vấn đề của thế giới, chứ không phải là lỗi của những kẻ biểu tình, mặc trang phục lòe loẹt như các anh hề, không bị kiểm soát và chạy toán loạn. Đó là sự pha trộn giữa một kỳ nghỉ xa xỉ của doanh nhân, một hội thảo khoa học và một thỏa thuận chính trị lớn. Và bạn không bao giờ có thể biết chắc hiệu quả của nó sẽ ra sao.
Các bữa tối mở màn thường có xu hướng khá vui nhưng khi khó khăn đến trong những ngày sau đó, họ có vẻ thận trọng hơn. Bữa tối hôm nay diễn ra tốt đẹp. Nữ hoàng đối đãi lịch thiệp với tất cả mọi người, cho dù một số vị khách không biết cư xử với Nữ hoàng ra sao. Một số cố trở nên thân thiết với Nữ hoàng. Giờ hãy để tôi nói với bạn điều này: đừng trở nên thân thiết với Nữ hoàng. Đôi khi, bà ấy có thể thân thiết với bạn, nhưng đứng cố gắng đáp trả tình cảm đó. Tôi hơi buồn cười khi nhìn thấy một số người hiểu được sự khác biệt giữa một Nữ hoàng và một Tổng thống và một số thì không. Tất cả đều là những nguyên thủ quốc gia, như Nữ hoàng vẫn là Nữ hoàng. Đó là một ngôi vị trong Hoàng gia, không phải là vị trí bạn có thể đạt được nhờ bầu cử. Và đừng quên điều đó.
Sau bữa tối, tôi về phòng để nghiên cứu chương trình nghị sự. Vẫn còn nhiều việc phải làm, mọi người vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau xung quanh số tiền viện trợ cho châu Phi và vẫn kháng cự kiên quyết về vấn đề biến đổi khí hậu. Tôi nhắm mắt và chìm vào giấc ngủ, sau đó dậy sớm để chuẩn bị, tinh thần rất phấn chấn, nhưng đã đến lúc phải bắt đầu phải tập trung.
Cuộc họp đầu tiên là cuộc họp song phương với George. Khá nhanh chóng chúng tôi đã loại bỏ tất cả những người khác và ăn sáng cùng nhau. Tôi cần phải biết liệu ông ấy có vượt qua ranh giới và nhất trí tham gia đối thoại, với mục tiêu rõ ràng là đạt thỏa thuận hậu Kyoto mới hay không. Hiện giờ ông ấy không cam kết đi theo một mục tiêu nào, điều đó tôi đã biết, nhưng liệu ông ấy có tham gia vào một tiến trình mà rốt cuộc sẽ được thực hiện hay không? Ít nhiều gì thì ông ấy cũng sẽ ở đó vì vấn đề châu Phi.
Để xử lý toàn bộ chương trình nghị sự của G8, tôi đã vô cùng may mắn khi có sự trợ giúp của một nhóm mới và thực sự có năng lực, bao gồm cả ngài Michael Jay, từng là Đại sứ ở Paris và giờ là người đứng đầu ngành ngoại giao. Ông ấy đã khiến tôi rất ngạc nhiên và vui mừng khi đồng ý đảm nhận vai trò Sherpa tại G8 (nhân vật chủ chốt trong Chính phủ chuẩn bị cho hội nghị). Việc này thấp hơn rất nhiều so với cấp bậc của ông ấy, nhưng nó cho thấy quyết tâm của chúng tôi và những vấn đề quan trọng chúng tôi đưa ra hội nghị. Ông ấy có nhiều kinh nghiệm, lời nói của ông có trọng lượng và có sức thuyết phục.
Ông ấy nhận được sự hỗ trợ của Justin Forsyth, người gia nhập nhóm cố vấn từ Oxfram. Nói theo cách khách, thì ông ấy đến từ phong trào phi Chính phủ (NGO) từng bị ghét cay ghét đắng. Nhưng việc này hóa ra lại rất tuyệt; ông ấy biết tất cả họ và là một trong số họ, có thể phát hiện ra thủ thuật của họ, nhận diện chính xác điểm yếu, sai lầm của họ và là một “chính trị gia phi chính trị” thực sự sắc bén. Ông ấy phụ trách lĩnh vực chính trị của NGO, còn Michael phụ trách chính trị trong Chính phủ. Và ngài Nigel Sheinwald, cố vấn chính sách đối ngoại của tôi ở Số 10 phố Downing, để mắt tới tất cả mọi việc và đặc biệt là theo sát các vấn đề với người Mỹ theo cách chỉ có ông ấy mới làm được.
George và tôi đã cùng tham gia một cuộc họp báo ngắn. Ông ấy phải giải thích tại sao xe của ông ấy đâm vào một viên cảnh sát trong sân buổi tối hôm trước. Đó là điều chỉ có thể xảy ra với George. Về cơ bản, ông ấy đã nói chuyện với viên cảnh sát đó trong bệnh viện và tự trách mình về điều đó, nhưng hoàn toàn tự nhiên, tất cả sự việc được giới truyền thông trầm trọng hóa lên, họ cho rằng Geoge đến Gleneagles với ý định tìm một anh cảnh sát người Scotland để đâm và có lẽ muốn buổi chiều hôm đó có thêm vài anh cảnh sát xếp hàng nữa để ông ấy “sát hại”.
Dường như chẳng gì có thể phá vỡ bầu không khí sôi nổi. Một chút động lực và G8 sẽ đồng thuận với nhau, điều này sẽ là bước ngoặt trong hội nghị thượng đỉnh. Tôi hiểu rõ nguy cơ của việc biến nó thành điều mà các quốc gia lớn và thế lực có thể làm cho thế giới và bỏ đi vai trò kinh tế truyền thống. Tôi biết đó là canh bạc đúng để dấn thân. Tôi cảm thấy tràn đầy tin tưởng, tin vào đánh giá, sự tự tin và số phận của mình.
Tôi bước vào phòng họp báo nhỏ, nơi tôi gặp Chủ tịch Hồ của Trung Quốc. Ông ấy có vẻ rất nghi thức, nhưng nắm rất rõ vấn đề. Chúng tôi bắt đầu cuộc họp bằng việc tôi đề nghị ông ấy bổ nhiệm một ai đó để chúng tôi có thể liên lạc một cách phi chính thức hơn, để quan hệ Anh – Trung Quốc, vốn đã được cải thiện đáng kể kể từ khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc – có thể tiến lên một nấc thang mới. Ông ấy đưa ra đề xuất, chúng tôi nhất trí và bắt đầu bàn về chương trình nghị sự của G8.
Trung Quốc rất miễn cưỡng trong việc hành động về biến đổi khí hậu. Họ sợ rằng sẽ bị ràng buộc vào các nghĩa vụ không phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế mà họ đang trải qua. Người Trung Quốc sợ bị thúc ép chấp nhận một điều gì đó ảnh hưởng xấu tới ưu tiên số một của họ là: tăng trưởng. 60% dân số của Trung Quốc vẫn đang sống bằng nghề nông (trong khi tỷ lệ này ở Mỹ và Liên minh châu Âu chỉ khoảng 3%). Họ muốn chuyển hàng triệu người từ nông thôn lên thành phố. Nếu không có tăng trưởng công nghiệp và kinh tế vững mạnh, đó sẽ là một nhiệm vụ bất khả thi. Người Trung Quốc đã tiêu thụ gấp đôi lượng than đá trong khoảng từ năm 2000 đến năm 2006. Họ biết rằng việc chấp thuận tham gia vào tiến trình đối thoại, nhằm hướng tới một hiệp định rốt cuộc sẽ không vô thưởng vô phạt như vẻ bề ngoài, do đó vì sao họ cẩn trọng là điều hoàn toàn dễ hiểu, nhưng họ cũng cảm nhận thấy quyền lực của mình; ý thức được trách nhiệm đi kèm với nó, nhận ra rằng họ không thể “chân trong chân ngoài” ở một câu lạc bộ quyền lực. Tôi nghĩ, tôi có thể thuyết phục được họ ngồi vào bàn đối thoại, do tôi không phóng đại vấn đề lên hay gán cho họ những vị trí mà họ chưa sẵn sàng.
15 phút trôi qua, Jonathan chuyển cho tôi một tờ giấy nhắn. Nó chỉ nói rằng đã có một sự cố xảy ra ở hệ thống tàu điện ngầm. Có thể có thương vong. Có thể là một tai nạn, có thể không. Bản năng mách bảo tôi rằng, không phải là một tai nạn.
Đột nhiên Jonathan rời phòng họp và rồi trở lại với vẻ xúc động. Tôi xin lỗi Chủ tịch Hồ, giải thích về tờ giấy nhắn và hỏi Jonathan liệu chúng tôi có biết thông tin gì thêm không.
Ôi Chúa ơi, đừng nói đó là một đợt tấn công khủng bố, không phải kiểu đó và không phải ở đây. Điều tôi luôn lo sợ, quá rõ ràng với họ, quá chia rẽ đối với chúng tôi. Hiện giờ vào thời điểm này, có những người tôi không biết mặt mà cuộc sống đã thay đổi mãi mãi, có lẽ là kết thúc mãi mãi, thế giới bị lãng quên trong sự hủy diệt của hy vọng, mơ ước và hoài bão của con người, tất cả đều kết thúc vì những lý do họ không bao giờ biết hay hiểu và không bao giờ có thể tranh luận về nó. Chủ nghĩa khủng bố là tột cùng của sự bất công: nó nhằm vào người vô tội chính xác là bởi vì họ vô tội.
Tôi đứng dậy và xin ngài Chủ tịch lượng thứ, tôi phải đi để xem mọi việc thế nào. Trên đường đến phòng, lúc đang gọi điện thoại mà Jonathan đưa mà chẳng nhận được thêm thông tin chi tiết nào, tôi va phải George. Dĩ nhiên là ông ấy đã biết chuyện rồi. “Tấn công khủng bố phải không?”, ông ấy hỏi. “Có thể là một tai nạn”, tôi nói, nhưng hai chúng tôi nhìn nhau và biết rằng không phải như thế.
Đến giờ thì đã đã có ba cuộc tấn công, tất cả đều diễn ra ở hệ thống tàu điện ngầm của London, tất cả đều vào giờ cao điểm. Tôi nói chuyện với Charles Clarke, người mà tôi hy vọng sẽ điềm tĩnh, không hoảng loạn và cố gắng nghĩ ra biện pháp đối phó hậu cần. Tất nhiên là tạm đóng cửa hệ thống, ga tàu điện nhưng còn các biện pháp phòng ngừa khác thì sao? Những tình huống khẩn cấp cần trợ giúp gì? “Có bao nhiêu thương vong?” Tôi hỏi.
“Tôi chưa thể biết rõ”, ông ấy nói.
“Có người thiệt mạng không?”
“Tôi e là có.”
“Bao nhiêu?”
“Tôi không biết!”
Những câu hỏi vô nghĩa và những câu trả lời vô nghĩa; không ai biết gì cả.
Thoạt tiên, chúng tôi nghĩ có thể có nhiều thương vong. Các cuộc tấn công đó là bi kịch nhưng vẫn chưa phải tình huống xấu nhất. Tình huống xấu nhất là tấn công diễn ra vào thời điểm đó vào các tuyến nối phố Aldgate và Liverpool, Quảng trường Russel và King’s Cross, Đường Edgware và Paddington, tất cả đều là những hành trình vô cùng đông đúc.
Vào 10 giờ sáng, có tin vụ nổ thứ tư. Lần này là tấn công một chuyến xe bus ở Quảng trưởng Tavistock ngay ở phía Nam Upper Woburn Place, nơi tôi đến khá thường xuyên khi còn là luật sư, nơi từng là một tòa án công nghiệp. Tôi mơ hồ nghĩ về tất cả khoảng thời gian tôi ở đó và hình dung ra cảnh tượng chiếc xe bus với nóc bị thổi bay, rồi chân cẳng, xương, máu vương vãi khắp nơi. Và để làm gì cơ chứ? Nhân danh Chúa ư?
Những cảm xúc giận dữ, tiếc nuối và kiên quyết cứ đan xen lẫn lộn trong tôi. Tôi hít một hơi thật sâu. Bỏ qua những cảm xúc, hãy nghĩ xem. Hãy xem xét tầm cỡ của vụ khủng bố, xem xét cảm xúc của đất nước, nhưng hãy để đầu óc thảnh thơi mà đánh giá về những điều đó, nhưng đừng chia sẻ chúng trừ phi vì mục đích của việc đánh giá, để đầu óc bạn minh mẫn. Tôi có nên rời khỏi G8? Chúng tôi có nên hủy nó không? Làm thế nào tôi có thể chủ trì nó trong khi đợi tin tức? Chúng tôi có thể trao chiến thắng cho kẻ thù bằng cách từ bỏ những dàn xếp của mình? Chúng tôi có thể vô cảm với những nạn nhân của cuộc tấn công khi cứ tiếp tục tổ chức hội nghị không?
Một cách chậm rãi, bằng tiến trình Xô-crát kỳ lạ thường được tiến hành trong khủng hoảng, chúng tôi đã cùng nhau lên kế hoạch. Quy mô của cuộc tấn công đã rõ ràng: không phải là tình huống tồi tệ nhất, nhưng 52 người đã thiệt mạng và nhiều người hơn thế bị thương và Chúa mới biết có bao nhiêu người nữa bị ảnh hưởng tâm lý. 52 người chết. 52 người với gia đình, bạn bè, người yêu, con nhỏ. 52 người đã từng sống những cuộc sống thường nhật. 52 người thức dậy vào buổi sáng không hề biết đó là lần cuối cùng họ thức dậy hay hôn tạm biệt một ai đó.
Tôi biết nghe có vẻ nhẫn tâm nhưng cần phải tính toán. Sau này sẽ có nhiều thời gian cho tôi khóc thương. Còn giờ tôi là lãnh đạo và tôi phải làm việc của mình.
Tôi gọi cho những nhà lãnh đạo khác và giải thích về tình hình xảy ra. Tôi thực sự lúng túng không biết có nên rời hội nghị thượng đỉnh hay không. Sau khi mọi việc đã qua thì mọi chuyện mới trở nên rõ ràng, là tôi nên trở về London. Vào thời điểm đó thì mọi việc không có vẻ như thế. Chính Jacques là người dứt khoát nhất: Ông phải trở về, người Anh trông chờ điều đó. Thế còn hội nghị thì sao? tôi hỏi. Chúng tôi đã nhất trí rằng ngài Michael Jay sẽ tiếp tục chủ trì nó.
Tôi thực hiện một cuộc họp báo rất ngắn, sau khi nói với họ rằng tôi sẽ ra một tuyên bố sau này ở phố Downing khi biết rõ hơn về tình hình thực tế. Charles sẽ trông coi công việc ở Hạ viện. Tôi lên trực thăng RAF và từ sân bay Dundee, chúng tôi bay về Northolt và từ đó về phố Downing.
Trong thời khắc đỉnh điểm của bi kịch đó, vẫn có những khoảnh khắc thật lố bịch. Đại sứ Pháp Gerard Errera ướm hỏi nếu ông ấy có thể về cùng với chúng tôi bằng máy bay không. Đương nhiên là chúng tôi tán thành. Khi chúng tôi đang bay xuống, thì tiếp viên hỏi chúng tôi có muốn ăn gì không, vì tất cả đều đã bỏ bữa trưa và đang rất đói. Chẳng có thời gian chuẩn bị gì, bữa trưa chỉ bao gồm một bát khoai tây chiên ôi vài hạt đậu muối cũ trơ trọi và một vài chiếc sandwich, những thức mà Hãng đường sắt Anh đã bỏ đi. Trong một tích tắc, Errera bắt gặp ánh mắt của tôi và gương mặt ông ấy giật giật. Nếu chúng tôi kiện Jacques ra tòa vì tội phỉ báng đồ ăn của Anh, thì Errera chắc hẳn sẽ là nhân chứng đầu tiên bảo vệ Jacques.
Trở về phố Downing, chúng tôi cố gắng thu thập thông tin hết mức có thể và triệu tập một cuộc họp khẩn cấp ở Phòng họp của Văn phòng Nội các (COBR). Điều tồi tệ nhất chúng tôi không biết là còn điều gì khác ở ngoài đó không. Đó là gì? Ai và tại sao? Rõ ràng đó là một phần của mạng lưới al-Qaeda, nhưng cụ thể đó là ai, ở đây hay nước ngoài? Phải mất một thời gian trước khi chúng tôi có tất cả câu trả lời. Hậu quả của việc đó là, trong nhiều tuần chúng tôi nhận được những cuộc gọi đe dọa tấn công mới, hay những thông tin về những ý đồ như thế. Đó thực sự là một ác mộng.
Mỗi cuộc gọi nhận được có thể là lý do để đóng cửa một sân bay hay một cơ sở giao thông nào đó hay đóng cửa trung tâm thành phố. Chúng tôi đã gặp phải thảm họa từ vụ nhầm giết sinh viên Brazil Jean Charles de Menezes, ngày 22 tháng 7, một sai lầm tệ hại, nhưng tôi cũng cảm thấy rất tiếc cho những nhân viên tham gia vào vụ đó, những người hành động vì cố gắng bảo vệ sự an toàn của đất nước. Một lần, chúng tôi đã họp ở COBR về mối đe dọa mới nhất cho dù thông tin về điều đó rất ít. Khó có thể lờ nó đi. Nhưng khó có thể hành động phòng ngừa mối nguy này. Lại một lần nữa chúng tôi sẽ phải ngừng hoạt động hệ thống tàu điện ngầm. Vậy hành động hay bỏ qua? Tôi nhìn quanh bàn và cuối cùng hỏi Ian Blair, Ủy viên của Lực lượng cảnh sát London Metropolitan Police, người đã làm rất tốt nhiệm vụ trong và sau cuộc tấn công, rằng nên làm gì. “Tôi e rằng đó là việc của ngài”, ông ấy nói. Tôi quyết định không hành động, nhưng tôi đã có một đêm lo lắng không yên khi thời gian của cuộc tấn công được đe dọa tới gần.
Trên đường về bằng máy bay từ Scotland, tôi đã suy nghĩ rất kỹ về việc chúng tôi phải phản ứng thế nào với tư cách là một dân tộc. Jonathan, Charles và những người khác có thể lo về những phản ứng chi tiết, tức thời; còn điều mà tôi tập trung vào là làm thế nào để bày tỏ suy nghĩ của chúng tôi với tư cách là một đất nước. Không phải là “sự xúc động” hay “sự cảm thông”, như người ta thường nói một cách ngu ngốc và bất cần đạo lý. Đôi khi với những việc như thế này, cần xác định rõ cảm nhận để có thể định hình phản ứng và quản lý tốt hậu quả. Bởi vì đã có hậu quả là việc 52 người vô tội thiệt mạng, vụ tấn công khủng bố tệ hại nhất nước Anh, tệ hơn bất kỳ cuộc tấn công của Cộng hòa Ireland nào trong thời gian 40 năm Xung đột.
Người ta có thể phản ứng theo nhiều cách: sẽ có những người bài đạo Hồi; và sẽ có những người nói đó tất cả là lỗi của Blair và Bush); nhưng hầu hết các phản ứng sẽ là tuyệt vọng và cảm thấy vừa trải qua thảm kịch. Làm thế nào tấn công khủng bố có thể xảy ra và ở London, một thủ đô đa văn hóa, nơi vừa được trao quyền đăng cai Thế vận hội Olympic; chính xác là bởi vì tính cách cởi mở, thân thiện và không thành kiến của thành phố? Không thể tin được. Đầu tiên là chiến thắng, sau đó là bi kịch.
Tôi đã định hình ý tưởng rằng bản năng tốt đầu tiên của người Anh – Hồi giáo, Thiên chúa giáo, tất cả chúng tôi – sẽ là đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau chống lại những kẻ cực đoan, từ bỏ định kiến vì tình đoàn kết. Tôi biết rằng, sau một khoảng thời gian, sẽ xuất hiện dạng cảm xúc thứ hai: tức giận và đòi hỏi hành động ngăn chặn những sự việc như thế này tái diễn, bằng những biện pháp cứng rắn, bao gồm cả luật pháp. Tới thời điểm này trong sự nghiệp lãnh đạo của tôi, tâm hồn tôi đã trở nên sắt đá, kiên quyết hơn về vấn đề Tự do đối lập với Luật chống khủng bố. Khi ngài Hoffman miêu tả luật chống khủng bố là mối nguy lớn hơn cả khủng bố đối với đất nước, tôi không thể tin nổi. Tôi không thể tưởng tượng được một người hiểu biết như vậy lại có thể nói ra một điều ngu ngốc như thế. Do đó tôi biết rằng một cuộc chiến đang tới gần.
Nhưng tôi cũng hiểu điều đầu tiên phải làm là đoàn kết mọi người lại với nhau, do đó, tại phố Downing tôi đã có một bài phát biểu cổ vũ cho tinh thần và tôi nghĩ, ít nhiều gì tôi cũng đã làm được điều đó. Cụ thể, tôi tỏ lòng kính trọng với cộng đồng người Hồi giáo ở Anh. Tôi có những nghi ngại thực sự về một số lãnh đạo của cộng đồng này và cách họ đương đầu – hay đúng hơn là không đương đầu – với hành động cực đoan này – tuy nhiên, đây không phải là thời điểm để đưa ra những hoài nghi như vậy. Đây là thời điểm để tinh thần Olympic tuôn chảy, qua bi kịch này và cả chiến thắng nữa.
Đêm hôm đó, tôi trở lại Gleneagles. Chúng tôi đã làm những việc cần thiết để chứng tỏ sự đồng cảm với các nạn nhân của hành động khủng bố kinh hoàng đó. Giờ thì chúng tôi phải thể hiện rằng G8 là cách chúng tôi thực thi chính trị và điều đó cũng quan trọng. Cần phải cho thấy sự tương phản giữa cách làm của chúng tôi và cách làm của chủ nghĩa khủng bố. Chúng tôi chống khủng bố không chỉ bằng lực lượng cảnh sát, tình báo và an ninh mà như tôi nhắc đi nhắc lại, đó là trận chiến của ý chí. Tôi không biết liệu khủng bố có chủ ý hoạch định thời điểm tấn công vì G8 hay không, nhưng sự thực là nó đã xảy ra đúng vào thời điểm diễn ra G8; vì vậy chúng tôi phải thể hiện sự tương phản bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất có thể. Tương phản giữa một nền chính trị tốt và ma quỷ. Trần trụi. Đơn giản. Không thể bác bỏ với tất cả mọi người, trừ những kẻ loạn trí.
Cuối cùng, nó đã tạo ra một tiêu chuẩn mới cho những hội nghị như thế này và được xem là một dấu ấn lịch sử.
Chúng tôi sắp xếp ngày hôm sau sẽ là phiên họp cuối cùng và sau đó là thông cáo chung. Tôi có ý tưởng rằng sẽ có một tuyên bố, trong đó nêu bật những thành tựu đạt được và làm rõ sự đối lập của điều đó với khủng bố, nhấn mạnh rằng, thực hiện tất cả những điều đó, các nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ liên kết lại và ký một cách biểu tượng thông cáo chung để tạo thêm tiếng vang và tính tin cậy của nó. Đó là điều mà chúng tôi đã làm được, 48 giờ sau khi tôi nhận được kết quả về Olympic, hai ngày biến động bất thường nhất mà tôi đã trải qua trong sự nghiệp chính trị của mình.
Về vấn đề châu Phi, chúng tôi đã nhất trí về một kế hoạch hành động toàn diện, dựa trên Ủy ban châu Phi. Chúng tôi đồng thuận nâng viện trợ lên 50 tỉ đô-la, xóa bỏ nợ, đạt được những cam kết về điều trị AIDS, sốt rét, quản trị và tham nhũng.
Về biến đổi khí hậu, chúng tôi đồng ý rằng sẽ bắt đầu cơ chế đối thoại G8+5 nhằm mục đích rõ ràng là đạt được một thỏa thuận toàn cầu mới, mà trước tiên sẽ làm chậm quá trình thải khí nhà kính và sau đó là cắt giảm chúng.
Vì những mục đích tốt đẹp, chúng tôi cũng đã nhất trí một gói biện pháp hỗ trợ Chính quyền Palestine. Nhưng trên tất cả chúng tôi đứng lên vì một nền chính trị đúng đắn. Tuy tất cả trang phục, trang bị cho hội nghị, những từ ngữ nghi thức trong thông cáo chung, quang cảnh hoành tráng đều đậm chất chính trị như thường lệ, nhưng tất cả chúng tôi – những người luôn cứng rắn và quá quen với những cảm xúc chính trị – đã cảm nhận rằng những điều chúng tôi sắp làm là rất chân thực.
Tôi đã tổ chức một cuộc họp báo tại khu vườn của khách sạn. Một số kẻ ở NGO đã nói một cách vô lý rằng tất cả chúng tôi đã khiến châu Phi thất vọng như thế nào. Đó là điều chúng tôi chẳng xa lạ gì. Nhưng Bob đã bất ngờ phản công lại, cứ như là muốn đánh cho anh ta một trận vì quá tiêu cực. Bob đã kéo anh ta ra khỏi khu vực báo chí và chửi ầm lên, điều mà chỉ một người Ireland có thể làm thế.
Tôi đã ghi hình một cuộc trả lời phỏng vấn với Jim Naughtie cho chương trình Today. Tôi quý Jim, nhưng tôi cũng biết thừa rằng cuộc phỏng vấn sẽ hướng tới đâu: nếu không đến Iraq, chúng tôi đã có thể an toàn. Đó là một lập luận ác mộng phải xử lý, dĩ nhiên, ở một chừng mực nào đó, nếu bạn không đánh nhau với những người này, có thể bạn không nằm trong danh sách “căm thù” của họ. Nhưng nếu tin tưởng dù chỉ một chút vào lập luận đó, thì đột nhiên đó sẽ là lỗi của chúng tôi, không phải của họ và đó chính là điều mà họ muốn.
Vào thời điểm đó, tôi bằng lòng với việc đi vòng quanh và không đối đầu trực diện với nó. Mặc dù vậy, nó khiến tôi tức giận, chẳng vì lý do gì. Nhưng tôi có thể cảm thấy cả cuộc tranh luận sẽ đi tới chỗ mà tôi sẽ bị cô lập, bất hòa không phải với đảng mà với nhân dân. Tôi nhận thấy điều đó một cách sâu sắc, về chúng tôi với tư cách một quốc gia, về tính cách của chúng tôi. Tôi cảm nhận điều đó mà không lo ngại gì về đạo đức chính trị – cho dù tôi biêt đều đó sắp đến, nhưng theo một cách ít điên rồ hơn và đau đớn hơn.
Tôi có một tầm nhìn cho nước Anh. Trước đây, tôi đã từng tin tưởng rằng mình có thể thuyết phục đất nước rằng đó là lựa chọn đúng, là phương thức hiện đại, nước Anh mới song hành cùng Lao động mới. Tầm nhìn đó lớn hơn Iraq, lớn hơn liên minh của Mỹ, lớn hơn bất cứ điều gì; một tầm nhìn toàn diện về vị trí mà chúng tôi nên thiết lập vào đầu thế kỷ XXI; về cách chúng tôi cuối cùng cũng vượt qua được sự vĩ đại của lịch sử và khai phá toàn bộ tiềm năng của tương lai.
Nhưng giờ đây, tôi không chắc rằng mình có thể triển khai nó hay không. Tôi không chắc rằng người dân còn tin vào nó nữa hay không. Những lực lượng chống lại tôi có quá nhiều. Nếu tôi phản công quá dữ dội sẽ xảy ra quá nhiều chia rẽ và đau đớn – cả vết thương cá nhân – khi tôi có thể được giải phóng một cách quá dễ dàng.
Tôi biết tất cả những điều này, nhưng hãy để nó sang một bên. Để sau sẽ tính. Còn hiện giờ, tôi chỉ cảm thấy nhẹ người khi tuần lễ quan trọng vừa qua rốt cuộc cũng kết thúc. Nó đã bắt đầu trong chiến thắng, diễn ra trong bi kịch và kết thúc với sự thực về vai trò của một nền chính trị tối ưu.
Tôi nghĩ về cách tuần lễ này sẽ được hồi tưởng lại. Đối với một số gia đình đó là khoảnh khắc đau thương cực điểm vì mất người thân. Đối với những người khác ở châu Phi, có thể chẳng biết tới những nỗ lực đã được bỏ ra để đưa họ thoát khỏi đói, nghèo, xung đột và bệnh tật, đem lại sự sống, thay cho cái chết, không phải cho hàng chục người, mà là cho hàng triệu người.
Tôi lê bước về nhà vào tối thứ Sáu đó. Sau khi ngắm Leo ngủ say sưa trong phòng thằng bé, tôi tự rót cho mình một ly rượu, quyết định xem một bộ phim – dường như để thoát ly thực tế. Tôi cố gắng tập trung vào những việc của gia đình, như đề nghị của Cherie và gạt tất cả công việc quốc gia ra khỏi đầu, cố không phải lo nghĩ đến những điều sắp xảy ra, những cuộc điện thoại, những tập tài liệu, những cuộc đương đầu, những nỗi sợ hãi ớn lạnh sắp tới.
Tôi ngẫm nghĩ về bản chất kinh ngạc của những gánh nặng đang đặt lên đôi vai mình; sự đau đớn và sự hứng khởi. Chính trị: lý lẽ thì cao quý, phương tiện thì bần tiện; những kế hoạch bạn vạch ra và những sự kiện thay đổi hoàn toàn kế hoạch đó; những nỗi đau chưa được biết tới và những nỗ lực chưa hoàn hảo để giảm nhẹ nó. Tôi lại lên tầng trên và ngắm Leo một lần nữa, thằng bé vẫn đang rất ngon giấc. Một tương lai đang đợi nó ở phía trước.
Bao nhiêu chiến thắng, bao nhiêu bi kịch bao nhiêu hạnh phúc và đau khổ mà nó sẽ trải qua? Bao nhiêu nước mắt và vì mục đích gì? Tôi bỗng nhớ về mẹ tôi. Ở độ tuổi 52, tôi đã nhiều hơn tuổi của bà ấy khi qua đời. Bà ấy còn quá trẻ, tôi nghĩ. Khi bà ấy ốm và biết rằng bà ấy sắp ra đi, một lần tôi đã hỏi bà rằng, nếu có thể bà có muốn quay trở lại độ tuổi của tôi, lúc ấy mới 20, để trải nghiệm lại tất cả không. Bà ấy đã nói “Không, quá nhiều nỗi đau và mẹ không muốn phải trải qua một lần nữa”.
“Nhưng mẹ đã có một cuộc sống hạnh phúc phải không?”
“Tất nhiên rồi. Nhưng không, mẹ không muốn lặp lại nó, không, chắc chắn là không.”
Giờ thì tôi biết ý bà là gì, không phải vì chết đi sẽ tốt hơn – dĩ nhiên không phải là thế – nhưng trải qua tất cả những điều đó một lần nữa, tất cả sự lo lắng, tham vọng phải thực hiện, những mơ ước bạn biết sẽ va vấp, quá nhiều đấu tranh. Đó là mục đích của cuộc sống: đấu tranh.
Leo hẳn là có thể ở trên chuyến tàu điện ngầm hay chiếc xe bus đó. Ồ Chúa ơi, đừng để con tôi chết trước tôi. Tôi đã nghĩ về sự tang thương của việc những ông bố bà mẹ có con chết trận tại Iraq, Afghanistan, về những người khác bị vùi chôn trong những đống đổ vỡ ở Baghdad hay Kandahar.
Nghĩ về sự kinh hoàng. Trách nhiệm của mình.
Tôi lặng lẽ đóng cửa phòng Leo, dừng lại một chút để quẳng tất cả mọi suy nghĩ trên ra khỏi đầu. Hãy để tôi quên đi mọi chuyện trong chốc lát. Cho đến thời điểm cần thiết, tôi sẽ lại đặt chúng trở lại vị trí cũ.
Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi - Tony Blair Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi