He fed his spirit with the bread of books.

Edwin Markham

 
 
 
 
 
Tác giả: Tony Blair
Thể loại: Tùy Bút
Nguyên tác: A Journey : My Political Life
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1655 / 31
Cập nhật: 2016-06-09 04:39:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16: Cải Tổ Quốc Nội
hông khó để nhìn lại những năm đầu cuộc chiến tại Iraq và cho rằng nước Anh chỉ bị chi phối bởi sự kiện đó. Thực tế, cũng trong chính thời điểm này, chương trình cải cách quốc nội đã thực hiện những bước tiến đáng khích lệ.
Trong hai năm 2003-2004 và đầu năm 2005, nhiều cuộc tranh luận chính yếu đã nổ ra xung quanh vấn đề các bệnh viện cơ sở và cải cách Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), học phí đại học, mở đầu chương trình học viện thành phố, thẻ căn cước và các hành động chống phá xã hội. Thời điểm tôi cảm thấy chiếc ghế của mình lung lay nhiều nhất, mỉa mai thay, không phải vì cuộc chiến tại Iraq mà là vấn đề học phí. Thời điểm gần đây nhất mà tôi cho rằng mình phải từ chức là khoảng năm 2004, khi cảm thấy quá đủ và sẽ nhường ghế cho Gordon, bởi tôi cảm thấy ông ấy sẽ là người tiếp tục phát triển chương trình cải cách kinh tế. Còn khi tôi cảm thấy rõ ràng nhất về việc nên tiếp tục tại vị, bất chấp tất cả, là lúc tôi nhận ra ông ấy không thể và vì thế tôi tiếp tục đấu tranh cho nhiệm kỳ thứ ba.
Tôi đã kể về một cuộc hành trình. Ban đầu, chúng ta điều hành đất nước với một bản năng rõ ràng và đầy lý trí nhưng lại thiếu đi kiến thức và kinh nghiệm về nơi mà bản năng dẫn dắt chúng ta đến dưới những nội dung chính sách cụ thể. Nói một cách rõ ràng, chúng tôi cho rằng tách biệt các cơ quan khỏi các tiêu chuẩn là việc làm khá hợp lý, ví dụ như chúng tôi tin rằng bạn có thể giữ những thông số đã có về hệ thống các dịch vụ công cộng hiện tại nhưng vẫn cần tiến hành những thay đổi cơ bản về chất lượng dịch vụ mà các hệ thống đó tạo ra. May mắn là chúng tôi đã kịp nhận ra quan điểm sai lầm đó, trừ phi bạn thay đổi cấu trúc, nếu không bạn không thể nâng mức các tiêu chuẩn. Đến đầu nhiệm kỳ thứ hai, chúng tôi đã thiết kế một hình mẫu của cuộc cải cách: thay đổi cơ chế ì ạch của ngành dịch vụ, mở ra cơ hội cạnh tranh, những khác biệt giữa những doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân bị xóa mờ, áp dụng phương pháp chuyên nghiệp truyền thống phân chia giữa công việc và quyền lợi. Nói chung, chúng tôi cố gắng giải phóng hệ thống này, giúp nó đổi mới, tách biệt, duy trì sự sống và phát triển. Mỗi ngành nghề đều phải trải qua quá trình điều tra, khảo sát kỹ lưỡng. Mỗi công cuộc đổi mới đều lặp đi lặp lại đầy khó khăn. Mỗi đợt như vậy đều bao gồm những sửa chữa và thay đổi. Nhưng cũng từ đó, các đợt cải cách cũng mang lại những thay đổi đáng kể, hướng hệ thống phát triển theo một hướng mới.
Tuy nhiên, mỗi đợt cải cách đều phải hứng chịu những chỉ trích nặng nề, những lời công kích và phản đối. Có thể chương trình vấp phải những tranh cãi dữ dội nhất chính là việc thay đổi trợ cấp cho các trường đại học. Toàn bộ cuộc bàn luận mang đến một cái nhìn toàn diện về những khó khăn khi phải tiến hành cải cách trong thế giới hiện đại và gần như đó là lý do chính khiến tôi từ chức. Vấn đề này đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ dai dẳng tới mức khó tin. Chúng tôi đã mất một vài ghế trong kỳ bầu cử năm 2005 cũng vì vấn đề này. Kết quả này đã làm chia rẽ Chính phủ, nhưng khi cuộc cải cách được công bố chính thức vào cuối năm 2005, chỉ có một số ít tranh luận diễn ra và mọi bàn tán hiện tại lại tập trung vào việc làm sao để thúc đẩy cải cách cũng như là làm sao để dập tắt nó.
Và đây là một bài học khách quan trong quá trình cải cách: khi những thay đổi được đưa ra, chúng liền bị lên án như những thảm họa, bị chỉ trích và phản đối, không được đa số đồng tình, rồi lại bất ngờ xoay sang hướng khác chỉ trong thời gian ngắn.
Bài học này cũng mang tính dẫn dắt: nếu bạn nghĩ sự thay đổi này là đúng đắn, hãy kiên trì theo đuổi. Sự phản đối là tất yếu nhưng hiếm khi là không thể phản kháng lại. Người ủng hộ vẫn âm thầm tồn tại bên cạnh những người phản đối ra mặt. Và lãnh đạo chính là người đưa ra tất cả những quyết định có khả năng thay đổi. Nếu bạn không thể đảm đương việc đó, đừng trở thành lãnh đạo.
Và bài học ngày một rộng mở hơn: đó là việc vượt qua những chỉ trích, học cách lên tiếng giữa những điều tiếng và luôn luôn quan tâm đến bức tranh toàn cục. Khi đọc lại những tin tức hàng ngày về những thay đổi đó, tôi thực sự bị choáng ngợp bởi cách mỗi câu chuyện đã bị đẩy lên cao trào như thế nào vào thời điểm đó và ngày nay chúng đã bị lãng quên ra sao. Học phí, nói riêng, là một chuỗi lạ thường những khủng hoảng nho nhỏ, những thất bại hay chống đối trên mỗi bước thực hiện. Nhưng quan trọng hơn cả là một cuộc cải cách cần thiết đã được tiến hành và đang được tiếp tục, đó là cơ sở để những cải cách khác được xây dựng trong tương lai.
Điều đó bắt đầu bằng cuộc trao đổi với Gordon và Bộ Tài Chính.
Tôi đã cho phép David Blunkett đưa vào bản tuyên ngôn tranh cử năm 2001 rằng chúng tôi sẽ không chấp thuận những loại phí trội. Điều này đã đi ngược lại cách tôi đánh giá, nhưng vấn đề này hàm chứa những lý do chính trị xác đáng: những lo ngại về việc chúng tôi đang đưa ra kế hoạch này đã xuất hiện giữa hai phe PLP − NEC và David cho rằng chúng tôi nên chấm dứt chuyện này. Đó là một trong số ít những thỏa hiệp tôi chấp thuận trong chương trình năm 2001.
Nhưng không bao lâu sau cuộc bầu cử, thách thức cho các trường đại học trở nên rõ ràng hơn. Tôi đã quan sát và sau đó, tin rằng hiện nay điều này còn mạnh mẽ hơn, tương lai của những quốc gia phát triển như chúng tôi, phần lớn dựa vào nguồn nhân lực, phụ thuộc vào hệ thống giáo dục bậc cao năng động, giàu sức sống, ở đẳng cấp quốc tế của chúng tôi. Thêm vào đó, một đất nước như Anh quốc cùng với truyền thống và ngôn ngữ đặc biệt phù hợp với một thách thức như thế. Tuy nhiên, giống như nhiều điều khác ở đất nước này, chúng ta không thể ngủ quên trên vầng hào quang của mình. Nhìn vào bảng xếp hạng 50 trường đại học tốt nhất thế giới, tôi chỉ thấy có một số ít các trường của Anh và hiếm thấy cái tên nào thuộc châu Âu. Nước Mỹ đang giành thắng lợi trên cuộc đua đặc biệt này, cùng với Trung Quốc và Ấn Độ đang bám sát phía sau. Bài học về nước Mỹ thực sự có ý nghĩa với chúng tôi. Sự áp đảo của họ trong nhóm 50 trường đứng đầu và 100 trường, không phải là ngẫu nhiên hay do sự rộng lớn, hiển nhiên và không thể khác được đó là nhờ hệ thống học phí. Họ mang tư tưởng doanh nhân hơn, họ tìm đến những cựu sinh viên và gây dựng những quỹ hiến tặng lớn cho trường, chế độ học bổng của họ giúp các trường này có thể giúp đỡ những sinh viên nghèo và sự linh hoạt về tài chính đồng nghĩa với việc họ sẽ thu hút được những tên tuổi giỏi nhất. Những người trả nhiều tiền nhất sẽ nhận được thứ tốt nhất. Chỉ đơn giản là vậy.
Chúng tôi cũng đặt mình vào tình thế quân bình lộn xộn đặc trưng mà những trường đại học ở vị thế thấp hơn gặp phải. Chính phủ Đảng Bảo thủ tiền nhiệm đã chuyển hóa những trường được gọi là tổng hợp thành các trường đại học, một quyết định không tồi, ngoại trừ việc nó củng cố quan điểm rằng tất cả các trường đại học đều đứng chung một hạng, một điều hiển nhiên là sai lầm. Ngay cả những trường từng trực thuộc các trường tổng hợp mà một số trong đó đang cung cấp những dịch vụ thật sự nổi bật, đều cần sự linh hoạt trong việc cấp kinh phí.
Cuối năm 2001, các nhà lãnh đạo quan trọng của nhóm Russell – 20 trường đại học đứng đầu nước Anh đã đến gặp tôi tại phố Downing. Thông điệp họ đưa ra rất thẳng thắn: Họ thật sự cần thêm nhiều tài trợ hơn. Roy Jenkins, sau đó trở thành Hiệu trưởng danh dự trường Oxford, nhiệt tình ủng hộ chính sách học phí, hối thúc tôi theo một cách riêng. Ivor Crewe, lúc đó là chủ tịch Hiệp hội Đại học Anh quốc (Ủy ban gồm hiệu trưởng và phó hiệu trưởng các trường), cũng có thái độ mạnh mẽ tương tự. Từng làm việc trong SDP và cũng là người có hiểu biết về chính trị cấp tiến, Ivor hiểu thấu đáo lý do chính trị và ông khẳng định chắc chắn rằng chúng cần phải được thay đổi.
Tôi đã cất nhắc Estelle Moris lên vị trí Bộ trưởng Giáo dục vào tháng 6 năm 2001, sau khi David Blunkett ngồi vào ghế Bộ trưởng Nội vụ. Bà Estelle là một điển hình thú vị cho điều mà bạn hiếm thấy trong chính trị. Cuối cùng bà từ chức vào tháng 10 năm 2002 và chỉ nói đơn giản rằng “Thành thực, tôi không ưa công việc này… Tôi không thể chấp nhận việc đứng thứ hai. Tôi rất khắt khe khi đánh giá hiệu quả làm việc của mình. Tôi không giỏi đưa ra các ưu tiên và cũng phải biết được rằng mình đang tạo ra một sự khác biệt và không nghĩ rằng mình đã cống hiến đủ cho Thủ tướng”. Tôi không chắc liệu bà ấy có thực sự nghiêm túc hay không nhưng cuối cùng tôi cũng biết chắc rằng đó là sự thật. Đó thực sự là một gánh nặng với Estelle và bà ấy không hài lòng. Bà hoàn toàn không phải người yếu đuối, ngược lại, là người đã giữ được vị thế của mình trước một cuộc vận động dữ dội ở địa phương trước Đảng Dân chủ Tự do (đối thủ chính của mình). Bà đã thể hiện là một người khôn ngoan và chăm chỉ, nhưng những vị trí đứng đầu trong Chính phủ thường rất khắc nghiệt và đơn giản bà cảm thấy mình bị quá tải.
Vì thế bà ra đi và được thay thế bởi Charles Clarke, người từng sống dưới thời Kinnock, đủ cứng rắn và bản thân cũng là người mạnh mẽ. Ông ta đã đem đến một sự thúc đẩy mạnh mẽ cho cả khu vực
Khi những người đứng đầu các trường đại học nêu ra vấn đề, tôi hiểu rằng chúng tôi phải hành động. Chúng tôi cam kết không chấp nhận những khoản phí bổ sung, điều đó đúng, nhưng nói thẳng việc trì hoãn những quyết định cần thiết cho đất nước chỉ vì lý do này là điều vô lý. Vì thế tôi đã khởi động một chu trình những tranh luận nội bộ và bàn bạc cùng với Bộ Tài chính kéo dài gần hai năm. Ngay khi bắt đầu, rõ ràng Gordon có ý định từ bỏ nó, điều mà sau này tôi mới hiểu được vấn đề của ông ta là gì. Ông ta xác định rõ mình cần phải đấu tranh cho cuộc bầu cử thứ ba và không muốn bất cứ thứ gì bó buộc chương trình hành động của mình. Vì thế ông ta tiếp cận vấn đề, như mọi khi, không phải với thái độ phản đối thẳng thừng mà với nghệ thuật trì hoãn khéo léo.
Cuối năm 2001, chúng tôi bắt đầu thảo luận vấn đề này. Không phải ngẫu nhiên mà khi đó ông ta đòi hỏi phải hoàn thành nhiều việc hơn. Tiến độ thực hiện hết sức chậm chạp, buộc chúng tôi trong những buổi họp sau đó vào nửa đầu năm 2002 phải đưa ra quyết định. Vào thời điểm này, bà Estelle cảm thấy mình bị mắc kẹt giữa hai chúng tôi và không còn đủ kiên cường để đứng ở vị trí đó. Vì thế, điều này ít nhiều đã biến thành một cuộc chiến về ý chí giữa tôi và Gordon. Có thể nói, đây là lúc áp lực sáng tạo, trước đó vẫn đang ở thế cân bằng tích cực, đã chuyển sang cân bằng tiêu cực. Tôi không nói rằng việc Gordon ở đây là không có ảnh hưởng tích cực, như tôi vẫn luôn nhắc đi nhắc lại rằng, ông ấy là một nhân vật tầm cỡ, một chính trị gia đáng tin cậy và, hiển nhiên là một nhân tài cho Chính phủ theo nghĩa rộng, vì thế việc Gordon tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Tài chính là điều hoàn toàn đúng đắn. Thế nhưng, vấn đề nằm ở chỗ, vì những kỳ vọng và cả tham vọng của mình mà ông ta muốn đóng băng tiến độ thực hiện cho đến khi ông ta có thể nắm quyền. Tôi không bao giờ có thể hoàn toàn chắc chắn rằng ông ta thiên về cánh nào về mặt chính sách, nhưng tham vọng muốn kìm hãm hoạt động của Chính phủ, đã trở thành tấm bình phong che đậy một chương trình hành động khôn khéo, rõ ràng thiên về cánh tả. Điều này đã được phản ánh qua các cố vấn của chúng tôi: Ed Balls làm việc cho Gordon (sau trở thành Cố vấn kinh tế trưởng cho bộ Tài chính) và Andrew Adonis làm việc cho tôi.
Cả Andrew và tôi đều thân thiết với Roy Jenkins. Tôi thực sự rất nhớ Roy khi ông ra đi vào đầu tháng 1 năm 2003. Khi Andrew gọi điện thông báo tin này, trong lòng tôi tràn ngập sự tiếc thương. Khi còn sống, Roy là một nhân cách liêm chính toàn vẹn. Ông là một người bạn, một cố vấn thông thái. Lẽ ra ông ấy đã có thể phản đối cuộc chiến Iraq, tôi dám chắc là vậy nhưng ông cũng đã hiểu lý do tại sao tôi lại hành động như vậy. Ông ấy đã truyền lại cho Andrew không chỉ sự nghiệp chính trị của mình mà còn là bản lĩnh chính trường: một con người lý trí luôn tìm kiếm sự thật. Với ông ấy, giống như với Andrew, câu hỏi đầu tiên luôn là: Điều này có đúng không? Chỉ sau khi trả lời được câu hỏi đó, ông ấy mới xét đến “Đây có phải chính trị hay không? Đó đã và đang là cách tiếp cận chính trường đúng đắn và tình cờ phù hợp cả với công chúng. Nhưng nó rất hiếm.
Ed Balls đã và đang là một trí thức hết sức có tài và ông cũng sở hữu một vài tố chất tiên quyết của một nhà lãnh đạo tài ba: sự can đảm và khả năng ra quyết định. Tuy nhiên, ông ta lại vấp phải cái bẫy mà mọi trí thức thiên về cánh tả đều mắc phải. Như tôi đã từng nhận xét, những người như họ không bao giờ “tìm” được tham vọng. Họ tất nhiên sẽ chối bỏ nó, nhưng họ sẽ thấy tầng lớp trung lưu, ngoại trừ thành phần trí thức của tầng lớp này, chính là những người mà tự nhiên lại bỏ phiếu cho họ. Không phải vì giới trí thức coi tầng lớp này là kẻ thù nhưng họ sẽ nghĩ rằng một người lo lắng về các mức thuế hẳn là một kẻ ích kỷ và từ đó, sẽ bị suy ra là một kẻ gần như thua cuộc. Họ sẽ nhận định rằng, việc trừng phạt những người như thế có thể không phải là hành động sáng suốt nhưng cũng không phải hoàn toàn sai trái.
Ed đã vạch ra một chiến lược cho Gordon như sau: có sự đánh đổi giữa tính công bằng và thị trường, Blair đang đẩy chúng ta đi quá xa, hướng đến mục tiêu “thị trường hóa” và từ đó xa rời tính công bằng. Vì vậy, tất cả những lời lẽ về lựa chọn, ganh đua, sự đa dạng, tính linh hoạt, cuối cùng cũng chỉ cố gắng để đưa chúng ta tới một hệ thống không hề có sự công bằng về bản chất, thiếu động lực, bởi đó là tất cả của việc quá gắn bó với giới trung lưu, vốn là một phần nhỏ của lực lượng ủng hộ Công Đảng, để đổi lấy những cử tri nòng cốt.
Về những chỉ trích giới trí thức này, ông ấy còn bổ sung thêm những lời tương tự về đảng, thực sự lộn xộn. Đó là quan điểm – tôi cảm thấy lo lắng về thái độ nghiêng ngả của Gordon khi đối phó với đảng – rằng tôi nhất quyết lựa chọn việc đối đầu với tổ chức nhằm bảo toàn lời hứa của mình với công chúng, nói cách khác tôi thà hy sinh đảng của mình để nhận được sự ủng hộ của nhân dân. Đó là một lập luận khá cay nghiệt.
Nói chung, ông ta là người xứng đáng được tôn trọng. Dần dần, với những cuộc gặp gỡ liên tục với cả Ed và Gordon, tôi khiến Ed quên đi sự bảo thủ của mình. Dù sao, tôi cũng là Thủ tướng và là người dẫn dắt ông ta trở về với những quan điểm chân chính. Tư tưởng cơ bản của ông ta là toàn bộ việc tấn công vào lối tư duy truyền thống của đảng là để chứng minh tôi là người “ngoại lệ”. Ông ta gọi đó là “chủ nghĩa ngoại lệ”. Ý ông ta là tôi tin rằng chỉ mình tôi có thể chiến thắng và tất cả những trở ngại đó, như những chính sách về học phí, cải cách trường học, y tế, thẻ căn cước, nhà điều dưỡng, luật pháp, phúc lợi xã hội, đều gần như được vẽ ra để tạo uy tín của một nhà lãnh đạo trước đảng của mình.
Tôi từng nói với ông ta rằng việc hiểu sai cơ bản cơ sở trí thức và chính trị của Công Đảng mới là điều hết sức nguy hiểm. Về mặt trí thức, tư tưởng này khá rõ ràng: tất cả mọi Chính phủ trên toàn thế giới, chắc chắn là cả những nơi mới được tái bổ nhiệm, đều đang cải tổ những dịch vụ công để thể hiện trách nhiệm hơn với những người sử dụng chúng, những người đang chọn lựa và quyết định theo thói quen trong cuộc sống của mình. Nói cách khác, những cải cách này đang lược bỏ những điểm mà nhân dân đang hướng tới.
Về mặt chính trị, tôi đã cố gắng giải thích toàn bộ mục tiêu của quãng thời gian lãnh đạo của mình là nhằm tạo ra sự ổn định trong Công Đảng mới. Ngay cả khi trở lại năm 2002, rõ ràng chúng tôi đã trở thành một chính quyền công đảng vững chãi, bền bỉ và mạnh mẽ hơn bất kỳ đảng nào trước đó. Đúng là tôi tin tưởng rằng để chiến thắng thì một người đứng đầu Công Đảng sẽ không thể hành động như một chính trị gia truyền thống bởi tôi tin chính chúng tôi sẽ làm thay đổi truyền thống ấy. Tôi không chọn việc tranh cãi với đảng của mình mà chọn cải cách. Nhưng nếu chương trình cải tổ bị bác bỏ, thì sẽ khó lòng tránh được các cuộc tranh luận nổ ra.
Dù sao, năm 2002 qua đi còn chúng tôi bị kẹt lại. Đầu năm 2003, với áp lực từ phía Charles Clarke, chúng tôi tổ chức thêm nhiều cuộc họp. Lần nay, tôi cương quyết muốn bộ Tài chính phải thông qua với một phương án cụ thể, thay vì liên tục phản đối dự thảo về học phí mà chúng tôi đưa ra.
Tóm lại, chúng tôi đề nghị rằng thay vì trả mức học phí là 1.150 bảng mỗi năm ngay từ đầu năm, khi sinh viên vẫn theo học thì chúng tôi sẽ xây dựng một mức phí không cố định, cao nhất là 3.000 bảng mỗi năm, mức chênh lệch tùy thuộc vào quyết định của từng trường. Mức phí này sẽ được trả lại sau khi tốt nghiệp dựa trên các mức kiểm tra khác nhau. Trợ cấp cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vẫn được duy trì và học bổng vẫn được khuyến khích. Toàn bộ gói cải cách này sẽ giúp tăng đáng kể nguồn thu của các trường đại học, lên tới 30% mỗi năm. Rõ ràng đó là một hệ thống công bằng hơn. Hiển nhiên cũng sẽ có nhiều khoản nợ hơn, nhưng chúng ta chỉ có thể thu lại tiền từ các sinh viên tốt nghiệp sau khi họ bắt đầu kiếm tiền. Và những sinh viên nghèo sẽ nhận được trợ giúp đích thực và có ý nghĩa. Thông thường trong những tình huống như thế này, những thỏa hiệp khôn khéo sẽ được đưa ra trong quá trình thực hiện để làm dịu đi phản ứng từ công luận. Một vài thỏa hiệp trong số đó làm tôi khá do dự và tất cả chúng đều được cộng thêm vào chi phí, nhưng không thể phủ nhận rằng nó mang lại những lợi ích khổng lồ cho các trường đại học, tách biệt họ khỏi số những trường đang vật lộn với tài chính ở châu Âu và đưa chúng tôi đứng ngang hàng với các trường đại học Mỹ. Bên cạnh đó, sau khi những biện pháp này được thông qua, một số vị phó hiệu trưởng nói với tôi rằng sự thay đổi này về căn bản đã cứu họ thoát khỏi bờ vực khủng hoảng tài chính. Thêm vào đó, như những đối thủ của chúng tôi đã biết, một khi đã được giới thiệu như một tư tưởng, sẽ không còn chỗ cho sự phản đối hay xem xét lại.
Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên yêu cầu phải tiến hành nhiều biện pháp và phân tích nhiều hơn. Họ chỉ ra rằng bản dự thảo của chúng tôi cũng có những điểm yếu. Tôi đã đáp lại rằng mọi hệ thống đều có khiếm khuyết. Họ lại tiến hành điều tra dư luận, nói rằng hiếm người đồng tình với kế hoạch của chúng tôi. Tôi phản bác rằng mọi sự thay đổi đều không dễ dàng, ngoại trừ việc tăng trợ cấp cho các trường đại học thông qua tăng thuế chung và khoảnh khắc nó thay đổi từ chỗ gợi ra những nghi ngờ về trợ cấp sang nghi ngờ về thuế cũng là lúc chúng không nhận được sự ủng hộ. Thực tế, luôn luôn có một kịch bản cổ điển xảy ra với một thay đổi cần thiết và đúng đắn và chúng sẽ không bao giờ được toàn dân ủng hộ. Mặt khác, như tôi vẫn thường lập luận, công chúng cho rằng Chính phủ sẽ đưa ra những quyết định trái với ý kiến số đông, cho rằng họ sẽ phải kêu ca về chúng và kỳ vọng các nhà lãnh đạo sẽ vượt qua những chỉ trích đó. Tuy nhiên, nếu bạn thôi không ngồi ở vị trí lãnh đạo nữa, nó sẽ không là chỉ trích nữa mà trở thành dấu hiệu của sự bãi miễn, bởi trong sâu thẳm, công chúng biết rằng Chính phủ ở đó là để lãnh đạo đất nước.
Cuối cùng, chúng tôi đã buộc bộ Tài chính phải đưa ra một giải pháp, điều thực tế là một loại thuế bậc thang, đơn giản là vậy. Chính sách này, rất tự nhiên, vừa có tỷ lệ không ủng hộ bằng với kết quả trưng cầu dân ý, nhưng hơn thế nữa, nó vấp phải một khiếm khuyết mà tôi cho là khá nghiêm trọng và khó sửa chữa. Nó có nghĩa là thay vì để cho một sinh viên tốt nghiệp trả lại tiền học phí, sẽ có mức thuế chung cho mọi sinh viên đã ra trường, phụ thuộc vào thu nhập của họ chứ không dựa vào chất lượng giáo dục mà họ đã nhận được. Nói cách khác, chính sách này không phải là việc một cá nhân trả lại một khoản nợ của riêng họ mà là trả nợ chung. Tôi thực sự không ủng hộ giải pháp này. Nó đã phá vỡ mối liên hệ cần thiết giữa thứ sinh viên thu nhận được và thứ họ đền đáp lại. Hơn thế nữa, nó thay đổi bản chất hệ thống thuế của chúng tôi về mặt cơ bản nhưng lại thiếu sáng suốt và tinh tế.
Đây hoàn toàn là ý tưởng của Ed nhưng chưa bao giờ nhận được sự đồng thuận từ phía Gordon, vì thế, nó dường như trôi vào dĩ vãng. Điều này đồng nghĩa với việc: một là họ phải chấp thuận đề nghị của chúng tôi, hai là chẳng có gì cả. Cuối cùng vào cuối năm 2003, chúng tôi lại có một cuộc họp trong vòng 1 tháng, kết luận cuối cùng đã được đưa ra, thời điểm đó, hoặc là bộ Tài chính có đề nghị mới hoặc là chúng tôi sẽ thực hiện theo bản dự thảo. Chúng tôi đã hiện thực hóa được ý tưởng của mình nhưng cũng đã lãng phí quá nhiều thời gian quý báu.
Trong suốt quá trình, Andrew Adonis thực sự là một ngôi sao sáng, với việc viết ra hàng loạt các bản phân tích rồi phản biện, dẫn dắt các cuộc tranh luận bằng sự minh bạch vốn có, nhẹ nhàng và kiên nhẫn đốc thúc mọi việc. Andrew đối lập hẳn với Ed. Trong một cuộc tranh cãi về chính trị, Ed sẽ thắng. Ed, như tôi từng nói, là một người khá thông minh. Nhưng về độ thu hút và ảnh hưởng với công chúng thì Andrew lại đứng ở một vị thế riêng. Anh ta thấu hiểu tại sao chúng tôi lại cần phải vượt qua khuôn khổ nền tảng truyền thống của Công Đảng: bản thân anh ta cũng là một đại diện của tham vọng. Cha anh ta từng là một người đưa thư, dân nhập cư gốc Hy Lạp và Andrew hiểu rằng nếu Công Đảng lên nắm quyền vào những thời điểm quan trọng thì nó phải là một đảng lấy định hướng và tầm nhìn hướng tới tương lai làm cơ sở trọng tâm.
Andrew cẩn trọng đưa ra những sự thật và lập luận. Charles Clarke có sự hậu thuẫn rất mạnh mẽ. Lần đầu tiên, tôi có cảm giác rằng Charles, Alan Milburn và David Blunkett là những người kề vai sát cánh với sự đồng điệu về tư tưởng với tôi và họ hiểu rõ tôi muốn làm gì và tại sao lại như vậy. Họ có nhiều phẩm chất tương đồng và mỗi người lại sở hữu những kỹ năng chính trị, nhằm giúp hiện đại hóa và thay đổi Công Đảng. Tất cả đã mài giũa những kỹ năng ấy qua vô số những cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo các hiệp hội ngoan cố, những thành viên quốc hội bảo thủ, những nhà hoạt động thuộc cánh tả và những trí thức được lựa chọn, những người mà đóng góp của họ là giải thích vì sao lại chẳng có gì thay đổi dù họ là những người có quan điểm cấp tiến thực thụ.
Trong khi tôi có xu hướng suy nghĩ rằng mình có thể thuyết phục bất kỳ ai về bất cứ điều gì mà tôi thực sự tin tưởng (ngay cả kinh nghiệm cũng không khiến tôi mất đi suy nghĩ này), thì họ đã thực tế hơn và hiệu quả hơn. Họ nắm rõ sự khác biệt giữa chiến thuật và chiến lược và lý do cũng như thời gian chúng cần được phối hợp với nhau.
Trở lại bài diễn văn của Nữ Hoàng vào cuối năm đó, khoảng cuối tháng 11. Tất nhiên, lúc đó những tin tức tiếp tục tập trung về cuộc chiến Iraq, hay những nỗ lực không ngừng nghỉ để ngăn chặn khủng bố đe dọa tình trạng mong manh của đất nước này và cuối cùng là tin về cuộc thẩm tra Hutton. Tuy vậy, lý do chính cho việc trì hoãn được cho là một cuộc cải cách quốc nội quy mô lớn liên quan đến NHS, trường học, các hành vi chống đối xã hội và học phí. Sau rất nhiều tránh né và cả những phản đối từ phía nhà 11, tôi đã nhận được sự đồng thuận nói chung. Tất cả những vấn đề đó, dù đang ở nhiều bước của quá trình lập pháp, đã đang vào guồng.
Câu chuyện dài về vấn đề học phí đã được quan tâm hàng đầu khi quá trình bầu cử vòng hai diễn ra, theo kế hoạch là cuối tháng 1 năm 2004. Đây thực sự là một vấn đề không chắc chắn. Mặc dù việc liên hệ tới nó bây giờ là hơi lạ lùng nhưng chúng thực sự không phải ngẫu nhiên.
Michael Howard vừa trở thành lãnh đạo của Đảng Bảo thủ và đã mắc phải sai lầm đầu tiên của mình. Ông ta kế thừa cả việc phản đối chính sách học phí từ người tiền nhiệm Duncan Smith. Tất nhiên là Đảng Bảo thủ hiểu sâu sắc rằng họ nên ủng hộ giải pháp này và lý do vì sao họ không làm vậy phản ánh nghệ thuật tồn tại của một đảng đối lập.
Hãy đặt sang một bên những nguyên tắc, hay tính đúng sai của một chính sách và chỉ tập trung vào bản chất cốt lõi của chính trị. Quan điểm thường thấy của một đảng Đối lập chính là hãy thu gom các phiếu bầu ở bất cứ nơi nào có thể. Tất cả các phiếu đều nói học phí là vấn đề không được lòng dân. Thậm chí có hẳn một đoàn diễu hành công khai phản đối.
Trong nhiều trường hợp thì đây là một hiện tượng đúng đắn về mặt chính trị. Lấy ví dụ cuộc tranh cãi về chi tiêu của thành viên quốc hội, sự thật là họ không được trả lương thỏa đáng và các chi phí được sử dụng để bổ sung cho thu nhập. Công chúng bị xúc phạm, những chiếc xe diễu hành phản đối đã lăn bánh. Và sẽ thật khó để trông đợi đảng đối lập có thể làm ngơ trước làn sóng ấy. Tuy thế, xét về lâu dài đó cũng không phải là điều sáng suốt, tôi thường hối tiếc khi những động thái xảy ra ở đảng đối lập lại quay lại tiếp diễn ở Chính phủ. Đó là những điều đã xảy ra và đảng đối lập, quá nôn nóng mong muốn thêm số phiếu, đã mù quáng trước cái lợi trước mắt.
Nhưng những làn sóng phản đối đó rất nguy hiểm nếu như chúng được phát triển theo hướng mà những thành viên chủ chốt của các đảng phái khác cùng phản đối. Và đó là một lỗi lầm không đáng có, bởi kể cả khi ý kiến chính yếu và chỉ chiếm thiểu số thì nó cũng có ảnh hưởng đáng kể và có thể làm giảm rõ rệt uy tín của bạn.
Mọi thành viên chủ chốt của Đảng Bảo thủ, những người từng ở trong Chính phủ, từng ao ước rằng họ có thể tiến hành một cuộc cải cách như thế đều đứng về phía chúng tôi. Chủ trương của các nhân vật chủ chốt đã rõ ràng: thay đổi là cần thiết và đúng đắn. Bằng việc sát cánh với đảng đối lập: các tổ chức, cánh tả, v.v..., Michael Howard đã không thể giành chiến thắng bằng phiếu bầu và đánh mất lòng tin nơi công chúng. Cùng với những nỗ lực khai thác Hutton Inquiry khi ông ta hùng hồn tuyên bố ủng hộ cuộc chiến tại Iraq, tất cả đã góp phần làm gia tăng những chỉ trích của chúng tôi chĩa vào ông ta, rằng ông ta là một kẻ cơ hội và vì thế, chẳng hề đáng tin cậy.
Cái giá phải trả của một kẻ cơ hội dường như chỉ là một cuộc công kích nho nhỏ, hàm chứa trong đó một bài học. Với mỗi người lãnh đạo kế nhiệm của Đảng Bảo thủ, tôi sẽ đều phát triển một phương án đối phó nhất định, nhưng chỉ làm thế sau cân nhắc kỹ lưỡng. Thường thì tôi ra quyết định đó dựa vào việc quan sát kỹ càng tại các buổi PMQs. Không bao giờ tôi để sự việc đi quá xa, mà chỉ cố gắng khiến cho chúng để lại ấn tượng mạnh trong lòng công chúng. Mục tiêu ở đây là giành được sự đồng thuận từ các nhóm đứng ngoài chính trường. Tôi không băn khoăn về điều gây chú ý Hội nghị Công Đảng lúc bàn tán sôi nổi nhất, nhưng điều khiến những bạn bè cũ của tôi ở Bar quan tâm, những người muốn một phương án hợp lý và cả những người phản đối phương án đó nếu nó tồn tại.
Vì thế tôi coi Major là kẻ yếu đuối, Hague giỏi tấu hài hơn là đưa ra phán quyết, Howard là kẻ cơ hội, Cameron dễ thay đổi, không biết mình muốn gì. (Chính Đảng Bảo thủ đã làm thay việc của tôi khi hạ bệ Duncan Smith).
Thực tế là nếu Michael ủng hộ tôi về vấn đề học phí thì lực lượng của tôi sẽ phải chịu những tổn thất thực sự còn ông ta sẽ được hưởng lợi với những ý kiến khôn ngoan và không làm thay đổi kết quả. Nhưng ông ta lại không làm thế và điều đó có lợi cho tôi.
Tuy nhiên, sự chống đối trong đội ngũ của tôi cũng không phải là nhỏ. Hiện tượng này do Nick Brown và George Mudie châm ngòi, cả hai đều thân với Gordon và đều là những người có đầu óc tổ chức siêu phàm. Tôi đã buộc phải để nhóm chuyên trách chính trị của mình làm thêm giờ. Sally Morgan đã cố gắng hết sức để làm việc hiệu quả nhất có thể. Cô ấy ủng hộ Công Đảng mới nhưng lại được hưởng lợi từ các hoạt động đào tạo của hội sinh viên từ những năm 1980, vì thế, cô đã đạt tới vị trí của người phụ nữ trong đảng PLP theo cách mà người khác không thể. Ngoài ra, có một số phụ nữ khó lòng có thể ngồi vào vị trí vận động những phụ nữ khác, trong khi nhiều người khác lại có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó. Sally không phải thuộc nhóm ưu tú nhất nhưng cô ấy có thể vượt ra ngoài phạm vi của Công Đảng mới, có thể nói nhiều hơn một ngôn ngữ chính trị và là người luôn luôn thực tế về thách thức phía trước. Charles và tôi thuộc kiểu người “hãy cứ đi và làm cái điều ngớ ngẩn ấy đi”, dù chẳng hại gì nhưng làm điều ngớ ngẩn cũng sẽ kéo theo những lá phiếu ngớ ngẩn. Và chúng tôi lại đi vào ngõ cụt. Sally và Hilary Armstrong, một trưởng ban tổ chức tuyệt vời và rất thành thạo việc vận động hành lang và chính thức của nền chính trị PLP, đã khẳng định rất chắc chắn với tôi rằng số lá phiếu đang khá cân bằng.
Vào buổi họp trước Giáng sinh, chúng tôi cùng ngồi lại ở văn phòng. Tôi, Charles, Sally, Andrew cùng David Hill, người kế nhiệm Alastair và trở thành thư ký báo chí của chúng tôi. Tôi thực sự vui mừng khi David đồng ý quay lại và làm việc thêm một vài năm, khi anh từng là trưởng ban báo chí của Công Đảng vào kỳ bầu cử năm 1997.
“Tôi cảm thấy cực kỳ tự tin”, Charles nói với giọng đặc trưng của mình.
“Tôi thực sự không hiểu vì sao”, Sally tỏ ra chanh chua. “Liệu có phải vì việc tính toán số phiếu bầu đã khiến anh nghĩ thế, hay đó thực sự là trí thông minh bình thường của anh? Bởi vì tôi đang nhìn vào số phiếu và anh đừng tính cua trong lỗ thế.”
Đó thực sự là khoảng thời gian khó khăn. Chúng tôi phải trải qua lần kiểm phiếu thứ hai ngày 27 tháng 1 năm 2004 và bản báo cáo Hutton Inquiry vào ngày hôm sau. Tháng 1 đã trôi qua không dễ dàng gì. Một kết quả tồi tệ đồng nghĩa với một dấu chấm hết.
Tôi không quá hứng thú với việc giữ ghế và cũng đã giải thích với Sally khi chỉ còn hai chúng tôi ngồi lại văn phòng uống cà phê. “Đó là suy nghĩ vĩ đại đấy, tôi chắc chắn như vậy”, cô ấy nói với một cái cười chua ngoa, “nhưng nếu anh không phiền, tôi nghĩ chúng ta cần tập trung vào việc giành thêm số phiếu”.
“Làm thế nào để chúng ta giành thắng lợi”, tôi hỏi.
“Anh không thể thắng được”, cô ấy đáp lại “mà không có Bộ trưởng Tài chính hoàn toàn ủng hộ”.
Và đó là cốt lõi của vấn đề.

Đầu năm mới, tôi tái khởi động cuộc đối thoại với Gordon về việc rời ghế. Điều này có thể là thiếu sáng suốt trên mọi khía cạnh nhưng tôi thực sự cảm thấy mệt mỏi. Ở bất cứ khúc ngoặt lớn nào trên bất cứ cung đường nào của chính trường, những rào cản vẫn tồn tại và án ngữ trên con đường phía trước.
Những bệnh viện cơ sở đầu tiên đã sớm đi vào hoạt động. Được tuyển chọn kỹ càng từ những nơi xếp hạng cao nhất, những bệnh viện này có sự độc lập lớn hơn, có quyền hạn và tự chủ cao hơn. Chúng là bước chuyển dịch lớn đầu tiên trong quy trình tạo ra những cơ sở y tế tự chủ, tự quản, có khả năng tự thay đổi trong lĩnh vực chăm sóc y tế theo cách được mong muốn, nhằm thích ứng với những thách thức đang diễn ra trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hiện đại.
Vấn đề cốt lõi của NHS chính là dịch vụ y tế công cộng cũ kỹ: quá cứng nhắc và không có động lực để đổi mới. Những hành vi khám chữa bệnh tốt hay xấu đều được ghi nhận như nhau. Quyền lợi của các bác sĩ đầy quyền lực cùng với làn sóng ủng hộ sâu rộng nhưng lại thiếu thông tin từ phía công chúng mới là những thứ có ảnh hưởng nhất. Những bệnh viện cơ sở đó chính là những phát đạn đầu tiên nã vào thành trì đá tảng của y tế hiện nay. Họ đã kịp thời được tiếp nối bởi những lựa chọn, sự cho phép y tế tư nhân được góp mặt và những thay đổi đáng kể trong cung cách làm việc của các nhân viên y tế.
Cùng với Alan Wilburn, chúng tôi đã bắt đầu triển khai các chương trình đó vào tháng 1 năm 2002. Tuy nhiên, chúng đã làm dấy lên những cuộc tranh luận gay gắt với bộ Tài chính. Gordon cảm thấy Alan có thái độ thù địch với ông ta. Như mọi khi, ông ta tiếp cận lập luận không theo cách chính diện mà bằng một lập luận có liên quan đến bộ Tài chính: bằng cách sử dụng quyền mượn tài sản ngoài tài sản cố hữu, các bệnh viện cơ sở là một mối lo ngại đối với tài chính công. Cuộc tranh cãi này kéo dài bất tận, đầy tính thù hằn và bất ổn định. Trước khi chúng tôi cuối cùng cũng nhận được sự đồng thuận từ phía ban lập pháp – điều này lại làm dấy lên làn sóng phản kháng lớn và nhiều người vin vào sự phản đối rõ ràng của bộ tài chính với chính sách này – thì Alan lại rời Chính phủ.
Tháng 5 năm 2003, một tháng trước kỳ bầu cử, ông ấy đến gặp tôi. Ông ấy hiểu rằng đó là quyết định tồi tệ nhưng cảm thấy thế là quá đủ. Tôi rất tiếc khi để mất một người như Alan. Ông ấy quả thực là một bộ trưởng đặc biệt. Tôi không cho rằng lý do Alan ra đi là vì bất đồng với Gordon, có rất nhiều lý do dẫn đến việc ông ấy muốn từ bỏ. Một trong số đó là chính trường nước Anh thực sự cần phải nhìn lại.
Ngồi ở vị trí đứng đầu nền chính trị nước Anh bây giờ giống như nắm giữ cuộc đời chính trị của bạn trong tay mỗi ngày. Được thôi, chính trị là một thứ khó nhằn, không dành cho những kẻ yếu đuối, nhưng với chính trị hiện đại, áp lực quá căng thẳng, những lời chỉ trích quá gay gắt và mục tiêu khó đoán định, đến mức tất cả chúng ta đang ở trong một mối nguy hiểm thực sự, một tình cảnh mà bất cứ “người bình thường” nào cũng sẽ muốn ra đi, thay thế bằng những kẻ tham vọng và lập dị. Tất nhiên không phải lúc nào người ta cũng ra đi nhưng họ sẽ có xu hướng làm như vậy bởi những áp lực từ cơn bão của những vụ bê bối và những âm mưu ngấm ngầm luôn khiến họ phải đau đầu. Những người coi trọng một cuộc sống, một gia đình hay lợi ích cao hơn chính trị và có khả năng trong những lĩnh vực khác sẽ thấy xu hướng từ bỏ rõ rệt hơn và chấp nhận đứng ngoài cơn bão.
Alan là người đầu tiên (mặc dù có thể Estelle cũng chung quan điểm như thế) đã ra đi, dưới thời tôi, chỉ vì họ muốn như thế. Ông ấy khá trẻ, dưới 50 và đang ở đỉnh cao tài năng nhưng lại chọn cách từ bỏ. Tất nhiên là những lời bàn tán quanh điện Westminster không cho rằng ai đó có thể đưa ra những quyết định lý trí như thế và cố gắng sáng tác ra tất cả mọi lý do có thể đằng sau sự ra đi của Alan, nhưng lý do ông đưa ra chỉ là: mình không còn hứng thú với sự nghiệp chính trị nữa và muốn đứng ngoài cuộc chơi.
John Reid được đề cử để tiếp tục công việc của Alan. Ban đầu ông ấy khá do dự. Là người Scotland và được chứng kiến sự chuyển giao quyền lực, chính quyền NHS ở Scotland đã được bàn giao cho Ban quản lý người Scotland. Tôi tin rằng ông ấy có thể coi đề nghị này giống như cốc rượu tẩm độc bởi chiếc ghế này sẽ là trung tâm của dư luận chính trị và tất nhiên là ông ấy sẽ tiếp tục cuộc tranh cãi giữa Alan và Gordon. John cũng từng được luân chuyển qua vài vị trí và có thể mong muốn ngồi lại ở một vị trí nào đó một thời gian nhưng tôi chắc chắn rằng việc lựa chọn John vào chiếc ghế của Alan là chính xác. Những lời đánh giá về John là hoàn toàn chuẩn xác: ông ta thấu hiểu cơ sở của cuộc cải cách, bản chất chính trị của nó, biết cách tiến hành chúng cả trong nội bộ lẫn công chúng, cùng với quyết tâm để phát triển những dự án đó hơn. Ông ấy thực sự thích hợp cho vị trí này và hoàn toàn có khả năng đối phó với Gordon và hơn thế nữa, thoải mái với việc đó. John tin rằng Gordon đã cố gắng châm ngòi một vụ bê bối sau lưng ông ấy và John không phải kiểu người dễ dàng quên được sự xúc phạm đó. Ông ấy có thể làm việc cùng Gordon nhưng sẽ không chịu dưới trướng ông ta.
Cùng lúc đó, David Blunkett đang tiến hành xây dựng khung luật pháp. Bài diễn văn năm 2002 của Nữ hoàng tập trung vào các điều luật liên quan đến những hành vi chống phá xã hội. Chúng tôi cũng cho phát hành bản tham vấn đầu tiên về vấn đề thẻ căn cước. Cả hai biện pháp bản thân đều đúng đắn nhưng cũng là một phần trong một kế hoạch chính trị trọng yếu.
Với nhiều cộng đồng, nhất là những người sống ở những khu vực nghèo của các thành phố hay thị trấn, các hành vi chống phá xã hội hay tội phạm mức độ thấp hoặc gây rối trật tự là những vấn đề quan tâm số một. Những bức tường nhằng nhịt graffiti, buôn bán thuốc kích thích, bạo lực và lạm dụng có thể biến một khu dân cư yên bình trở thành một tụ điểm nhếch nhác chỉ trong vòng vài tháng. Xét về chất lượng cuộc sống thì chẳng có vấn đề nào lớn hơn thế. Hãy thử đến ở tại một nơi như thế và bạn sẽ hiểu ý tôi muốn nói. Người Mỹ đã nghĩ ra giải pháp “zero tolerance” (không khoan nhượng) để giải quyết vấn đề này và những bộ luật về các hành vi chống phá xã hội của chúng tôi cũng được phát triển trên cùng nguyên tắc đó. Quan điểm là nếu bạn chịu đựng những vụ việc có mức độ thấp, bạn sẽ nhanh chóng nhận thấy những vụ việc trái pháp luật đang leo thang lên mức độ cao. Vì thế phải ngăn chặn ngay từ trong trứng nước, không chấp nhận chịu đựng kể cả việc vẽ lên tường hay xả rác. Tư tưởng này hoàn toàn phù hợp với niềm tin của tôi về những cộng đồng dính kết với nhau trên cơ sở kết hợp giữa cải thiện cơ hội và tăng cường trách nhiệm. Chúng ta đang đầu tư hàng tỉ đô-la vào các dự án đổi mới trong thành phố nhưng chúng sẽ chẳng đi đến đâu nếu các hành vi trên đường phố trở nên suy đồi do thiếu luật pháp và mất trật tự trị an.
Lý do phải đưa ra những bộ luật chuyên biệt để đối phó với những hành vi chống phá xã hội rất đơn giản: các vụ phạm tội cá nhân có quy mô khá nhỏ để không cần đến lực lượng cảnh sát hùng hậu và cũng không phải chịu án phạt nặng. Chính vì chúng được giải quyết như những vụ phạm tội thông thường nên không ai quá coi trọng chúng. Mục đích của bộ luật mới là đặt chúng vào nhóm các hành vi chống phá xã hội, đơn giản hóa các quy trình và áp đặt những hạn chế thực sự lên những kẻ vi phạm.
Thông thường, các bộ luật thường làm dấy lên làn sóng phản đối sâu sắc và ở một vài khía cạnh nào đó thì như vậy cũng là hợp lý, bởi chúng đi kèm cả việc thu gọn các quy trình thông thường, mặc dù có thể nói, chẳng bao giờ cộng đồng nơi mà các bộ luật được thực thi lại có thể yêu mến hay mong muốn có nhiều hơn những bộ luật như thế. Đảng Bảo thủ lại được phen bối rối. Họ cảm thấy họ nên phản đối bởi những người bạn luật sư của họ đều xem thường hoặc không tán thành với toàn bộ quan điểm. Những người ủng hộ Đảng này lại đồng ý với các biện pháp được đưa ra và nói cho cùng họ vẫn tự hào mình mới chính là đảng của luật pháp và trật tự. Vì thế Đảng Bảo thủ phải đối mặt với cả hai thái cực với thái độ chẳng mấy dễ dàng gì.
Thêm vào đó, vấn đề thẻ căn cước lại là một chuyện khác. Trong trường hợp này, sẽ có một cơ số những ý kiến phản đối, bao gồm rất nhiều người đứng trên quan điểm thực tế. Tôi bị thuyết phục bởi lý lẽ rằng chúng cần thiết vì hai lý do: đầu tiên, tôi không thể tìm ra giải pháp nào khác để giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp. Tôi đã rất quan tâm đến vấn đề nhập cư cả vì tính chất của nó và cũng vì tôi cho rằng, nếu không đối phó được, rất có khả năng nó sẽ làm tổn hại đến những mối quan hệ đa sắc tộc tốt đẹp. Thứ hai, tôi từng nghĩ rằng theo thời gian, thẻ căn cước sẽ làm đơn giản hóa những giao dịch trong cả khu vực Nhà nước và tư nhân, những điều tạo nên toàn cảnh cuộc sống thường ngày hiện nay. Những giao dịch về thế chấp, rút tiền ngân hàng, thẻ tín dụng, uống rượu khi chưa đến tuổi, giải quyết với hàng tá những cơ quan Nhà nước, phục lợi xã hội, tất cả những giao dịch này thường đòi hỏi phải có một vài giấy tờ chứng minh tùy thân.
Tôi có thể nhận ra tất cả những vấn đề thực tế đó. Tôi cũng thấy rõ rằng chúng sẽ cần nhiều thời gian. Lập luận về các quyền tự do cơ bản của công dân, tôi cho là lố bịch, rất nhiều chính quyền dân chủ có thẻ căn cước và thông tin mà nó lưu trữ ít hơn nhiều so với những thứ nằm trong kho thông tin của hầu hết siêu thị. Tuy nhiên, dẫn chứng vững chắc mà tôi viện tới đã và đang là vấn đề về công nghệ. Nhờ có công nghệ mới, chúng ta có thể sử dụng dấu vân tay và máy quét đồng tử mắt để tạo ra một loại thẻ khó có thể làm giả, vì thế cơ hội để ai đó lừa lọc hay lạm dụng thẻ căn cước giảm đi đáng kể. Đó là sự kết hợp của việc thay đổi cách sống và công nghệ đang thuyết phục tôi rằng điều đó là đúng đắn.
Sau rất nhiều tranh cãi qua lại, Đảng Bảo thủ quyết định chống lại dự luật này, mà một lần nữa, theo tôi, là quyết định sai lầm.
Gordon có một cơ số những lập luận chặt chẽ về vấn đề thẻ căn cước, bởi tính thực tế và chi phí luôn là vấn đề đáng bàn. Những lý lẽ của ông ấy phản đối luật về hành vi chống xã hội là thứ mà một lần nữa do những cố vấn đưa ra cho ông ta. Ông ta có nhóm riêng chuyên thăm dò ý kiến nhưng chẳng may là nhiều lần họ từng đưa ra những lời khuyên ngớ ngẩn đến khó tin. Họ cho rằng vấn đề nhập cư và luật pháp là vấn đề nổi cộm chỉ bởi chúng tôi cương quyết thảo luận về nó. David, nói riêng, đã bị kết tội kích động những vấn đề đó hơn là phản ứng với chúng.
Tôi khá ngạc nhiên khi nói về chuyện này. Bạn chỉ cần đi vòng quanh đất nước trong nửa giờ là có thể thấy những vấn đề này đang tồn tại thực tế sống động đến thế nào và ý nghĩ rằng chúng sẽ tan biến đi khi chúng tôi thôi không nói đến chúng nữa quả thật là điều ngớ ngẩn. Mặt khác, điều duy nhất khiến chúng không đốn ngã chính mình là vì chúng tôi đang bàn luận và đang hành động để giải quyết chuyện đó. Tất nhiên có thể những gì chúng tôi đang làm là chưa đủ nhưng việc đối phó bằng cách chẳng làm gì thì còn tồi tệ hơn gấp ngàn lần.
Trong mảng này, vai trò của bộ Tài chính khá hạn chế và vì thế, đảng đối lập, nếu không yên lặng quan sát thì cũng khó có thể gây khó dễ.
Nhưng tôi e rằng bạn đã có được cái nhìn toàn cảnh: Tôi thúc đẩy vấn đề còn Gordon kháng cự lại. Mọi thứ đang dần suy yếu và khủng hoảng. Vì thế, không phải lần đầu tiên hay lần cuối cùng, tôi trở về với tình thế khó xử: làm sao để ứng phó với mọi chuyện đây?
Từ sau đó, thậm chí còn hơn cả năm 2001, việc loại bỏ Gordon có thể khiến cho toàn bộ tòa nhà sập đổ trước mắt chúng tôi. Ông ta có sự hậu thuẫn hùng mạnh trong đảng và được rất nhiều nhân vật quyền lực trong giới truyền thông ủng hộ. Khi tôi mâu thuẫn với Paul Dacre của tờ Daily Mail thì anh ta lại được lòng của Gordon. Rupert Murdoch cũng ủng hộ Gordon. Khi cuộc chiến Iraq tách tôi khỏi những tờ báo cánh tả thì mối quan hệ riêng của ông ta với họ lại đơm hoa kết trái. Những gương mặt có ảnh hưởng bầu chọn ông ta bởi những lý do hết sức hoàn hảo: ông ta là một bộ trưởng tuyệt vời, một trí tuệ hàng đầu, có năng lực và động lực làm việc cừ khôi đến mức không thể tin nổi. Ông ta là cái gai trong mắt tôi nhưng lại không phải vấn đề gì to lớn lắm trong mắt những người khác. Thực ra với một số thành viên Nội các thì có thể nhưng không ai đủ quyền lực để có thể đấu tay đôi với ông ta, kể cả là với tôi. Ông ta đủ thận trọng để có thể phản đối lại bộ Tài chính mà không đứng trên lập trường của những người phản đối cải cách.
Bên cạnh đó, với tất cả sự phản kháng đó, tác dụng là làm chậm tiến độ và đôi khi là cắt giảm quá trình nhưng không thể ngăn chặn nó. Mỗi cuộc cải cách vẫn được tiến hành mặc dù khá khó khăn. Rõ ràng, nếu ông ta ủng hộ thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn, nhưng ông ta giống một cái phanh hơn là một bức tường gạch.
Phương án cách chức Gordon là điều mà tôi đã chọn: cố gắng để tìm kiếm một sự tương đồng với ông ta, cố gắng cam đoan rằng nếu như ông và tôi cùng hợp tác, nếu chúng tôi thực sự cùng chia sẻ chung một chương trình hành động thì tôi sẽ ra đi trước kỳ bầu cử và trao quyền lại cho ông ta.
Những điều đó thực ra không hề sáng suốt bởi nó sẽ chẳng bao giờ có kết quả. Việc sử dụng John Prescott như người trung gian giữa chúng tôi cũng là một quyết định thiếu khôn ngoan. Tôi nói như vậy không phải vì John có ý đồ gì xấu mà ngược lại, anh ta chỉ có động lực từ những gì anh ta tin rằng có lợi cho Công Đảng và vấn đề nằm ở chỗ anh ta nghĩ rằng hầu như không có sự khác biệt nào đáng kể giữa chính sách của hai chúng tôi. Anh ta nghĩ rằng vấn đề đó mang tính cá nhân. Bởi John có những quan điểm bảo thủ của riêng mình về Công Đảng mới, họ đã khiến anh ta tin rằng sự khác biệt đó nằm ở ý nghĩa cốt lõi của Công Đảng mới.
Với tôi, ít nhất thì nó cũng không phải chuyện cá nhân mặc dù tôi đã vài lần bực tức và khó chịu trước cách hành xử của Gordon. Quan trọng nhất lúc này là để chương trình hành động của Công Đảng mới được thông qua, chứng minh rằng Công Đảng là tổ chức có thể thay đổi, bởi vì nó đã thay đổi được các dịch vụ công và phúc lợi xã hội Nhà nước mà nó đã cùng tạo ra, thay đổi chúng một cách hợp lý và bảo đảm cho sự tồn tại của chúng bởi chúng tôi đã hiện đại hóa chúng, chuẩn bị tinh thần cho thế kỷ XXI, cho một thế giới mà lối tư duy đã cách năm 1945 đến cả một thời đại. Tôi cho đó là sự hoàn thành sứ mệnh tối cao của mình, để chứng tỏ chính trị đã phát triển thế nào, khi chúng tự hiện đại hóa bản thân thì cũng có khả năng hiện đại hóa cả đất nước, xa rời những quy định cũ kỹ và cổ hủ mà Công Đảng đã áp dụng trong quá khứ, từ đó đưa đất nước thoát khỏi tư duy lạc hậu. Tôi cho rằng mình có thể nhận thấy điểm đúng đắn của chủ nghĩa “Người đàn bà thép” Thatcher và những giới hạn nghiêm trọng và nguy cấp còn tồn tại. Tôi cũng tin tưởng rằng một nền chính trị mới đang mở ra, nơi những ranh giới truyền thống giữa cánh tả, cánh hữu không còn mờ mịt một cách vô ích khi phân tích cả quá khứ và tương lai nữa.
Liệu ông ta có lý khi ngăn chặn những biện pháp chỉ vì tôi không nhường ông ta vị trí Thủ tướng? Tất nhiên là không. Nhưng thử tiếp cận vấn đề dưới góc nhìn của ông ấy: liên tục chờ đợi, liên tục mong mỏi rằng tôi sẽ hy sinh tất cả những mong muốn chính trị tốt đẹp của mình trước khi ông ta kế nhiệm, liên tục lo lắng đến sự trôi đi của thời gian, đó chính là hình ảnh của ông ấy, Gordon.
Nhìn sự việc dưới góc nhìn của tôi: Cuối năm 2004, tôi đã hoàn thành hơn 7 năm trong nhiệm kỳ. Cũng có những mất mát. Chiến tranh Iraq và vụ khủng bố 11 tháng 9 để lại nhiều đau thương. Sự đối đầu với Gordon cũng để lại những thiệt hại. Peter ra đi, Alastair cũng đi và Anji cũng không ở lại. Những cái bóng trở nên lớn hơn và tối hơn.
Nếu cho rằng chính tôi là rào cản cho những hình dung của ông ấy không chỉ về vị trí đó mà còn cả số phận của ông ta? Cứ cho rằng, nếu ông ta có được vị trí đó, ông ta sẽ thay đổi, sẽ thư giãn, sẽ phá vỡ lớp vỏ ốc và bắt đầu mọc cánh? Dám chắc là nếu ông ta hoàn thành nó sau khi tôi đã khởi động thì đó là sự ghi nhận dành cho cả hai chúng tôi. Vì thế, nếu ông ta chỉ đồng ý tiến hành cải cách, tại sao ông ta không dỡ gánh nặng xuống, bước ra ngoài và chạy trốn? Hãy tưởng tượng đến sự giải thoát, đến tự do. Nghĩ về một cuộc sống mới không có những áp lực, căng thẳng và đấu tranh ấy. Đó là điều cho phép tôi suy nghĩ, xây đắp, nghiên cứu về triết lý tôn giáo khiến tôi say mê và có thể xây dựng nên thứ còn quan trọng hơn thứ tôi có thể làm được trong chính trị.
Tất nhiên, đó chỉ là một ảo giác. Nhưng tồi tệ hơn, đó là hành động của một kẻ hèn nhát. Tôi đã bị đánh gục. Đơn giản là thế. Tầm thường là thế. Chẳng có gì to tát. Chẳng có gì cao cả. Cũng chẳng liên quan gì đến số phận của cả tôi lẫn ông ấy. Chúng sinh ra từ những điểm yếu tầm thường của một con người bình thường.
Tháng 11 năm 2003, chúng tôi đồng ý gặp mặt ở căn hộ của John tại Admiralty House. Một cuộc họp trước đó tại khu Dorneywood khá ồn ào và gặp nhiều vấn đề. Cuộc bỏ phiếu về vấn đề học phí mới diễn ra được vài tuần và dấu ấn của nó vẫn còn rõ nét. Văn phòng của tôi cực lực phản đối việc tôi dùng bữa tối với John và Gordon. Họ đoán được nó sẽ dẫn tới đâu. Lý do không phải phần nhiều vì họ không tin tưởng John hay cho rằng anh ta chống lại tôi, họ chỉ nghĩ rằng anh ta nghĩ chúng tôi có thể hoán đổi cho nhau trong khi thực tế lại không phải và vì thế, họ không đặt lòng tin vào bản tính của anh ta.
Tôi đi dọc Quảng trường Kỵ binh ở Whitehall. Đó là một buổi tối khá lạnh và quảng trường hầu như vắng bóng người. Tôi bước đến cánh cửa bên hông và đi lên căn hộ bằng thang máy. Đó là một căn hộ có diện tích chuẩn, được trang hoàng đẹp đẽ, nhưng giống như tất cả những ngôi nhà công vụ khác, chúng lúc nào cũng đem đến cho tôi một cảm giác lạnh lẽo. Nhà của John và Pauline ở Hull, một ngôi nhà nghỉ cũ của quân đội, ấn tượng hơn, căn hộ này có ưu điểm là khá thoải mái và tiện nghi.
Tôi uống một chút với John và cùng đợi Gordon đến. Ông ta đến hơi muộn. Chúng tôi cùng ngồi vào bàn ăn luôn. Đó là một cuộc đối thoại khá căng thẳng. Một lúc sau, tôi đề nghị John ra ngoài để hai người chúng tôi nói chuyện riêng. Tôi nói thẳng với Gordon về những lo ngại của mình: Tôi đã chuẩn bị để ra đi, tôi chỉ muốn tại nhiệm hai nghiệm kỳ nhưng việc liên tiếp gây trở ngại và phá đám một cách có chủ ý của ông ta với chương trình cải cách cần phải được chấm dứt. Như mọi khi, ông ta phủ nhận rằng mình đang gây khó dễ, mà chỉ là nêu lên những quan điểm tài chính hợp lý. Tôi nói rằng mình cần phải biết rằng ông ta có toàn tâm toàn ý với chương trình cải cách này không và có thể tiếp tục tiến hành nó sau khi tôi rời ghế không. Ông ta nói tất nhiên là mình sẽ làm vậy. John quay lại phòng, tôi nói rằng: Tôi đã nói rõ rằng tôi sẽ không tiếp tục theo đuổi nhiệm kỳ thứ ba và sẽ ra đi trước kỳ bầu cử nhưng tôi cần sự hỗ trợ trọn vẹn và vô điều kiện của Gordon. John nói ông ta nghĩ đó là ý kiến sáng suốt. Chúng tôi ra về.
Tôi nhìn nhận vấn đề một cách trực diện. Ông ta có thể nói: Tôi đã nhận được lời cam đoan rằng Tony sẽ ra đi. Tôi có thể nói rằng: Tôi nhận được lời cam đoan rằng Gordon sẽ cùng cộng tác và tiếp tục triển khai chương trình hành động. Sau này bạn hãy xem ai là người giữ lời.
Tôi không có ý đưa ra những lập luận phô trương về Đảng Dân Chủ. Rất nhiều trường hợp một Thủ tướng đã chọn lựa được người kế nhiệm. Quyết định của tôi hoàn toàn mang tính chính trị; đó là một sự lựa chọn rất tồi tệ.
Tất nhiên, nhiều người bạn và kể cả những đối thủ của tôi vẫn thường hỏi là tại sao tôi lại không sa thải Gordon. Một câu hỏi hết sức chí lý mà không có câu trả lời nào rõ ràng.
Đôi lúc, những nhân viên thân cận nói với tôi rằng: Ông không nợ ông ta thứ ông nghĩ, tình bạn trong quá khứ của hai người không có chỗ trong chính trị.
Nhưng không phải sự ép buộc hay tình bạn khiến tôi không làm vậy mà bởi tôi vẫn cảm thấy khó khăn với suy nghĩ ông ta sẽ vắng mặt trong Chính phủ hơn là sự hiện diện của Gordon. Câu trả lời cho câu hỏi “Liệu cuộc sống có dễ dàng hơn không nếu như ông ta bị cách chức” trở nên rõ ràng hơn, tuy nhiên, câu trả lời lại giả định rằng nếu ông ta ra đi thì mọi thứ cũng sẽ chẳng khác đi là bao, nói cách khác, thế giới vẫn như vậy, chỉ là không có Gordon.
Đó không phải là chính trị.
Cuối cùng, một nhà lãnh đạo chính trị sẽ vừa phải giải quyết những tình huống phức tạp, vừa phải đưa ra đánh giá về chúng. Gordon có thể được coi là một tình huống phức tạp và cần được giải quyết. Tuy nhiên giữa quản lý và vận hành chính trị có một sự khác biệt cơ bản, giống như một công ty hay một đội bóng đá. Cuộc đối thoại của tôi với Alex Ferguson đã chỉ ra điều đó. “Ông sẽ làm gì trong tình huống khi một cầu thủ khó chiều nhưng lại rất xuất sắc gây khó khăn cho ông?”, tôi đặt câu hỏi. “Loại bỏ họ”, ông ta đáp lại. “Và nếu sau khi ông đã loại bỏ họ, họ vẫn đứng trong phòng thay đồ và trong đội của ông? Tôi lại hỏi. “Đó lại là một vấn đề khác”, Alex đáp lại và cười lớn.
Gordon có sự hậu thuẫn lớn từ nội bộ đảng và giới truyền thông. Ông ta được nhiều người đánh giá là một bộ trưởng tuyệt vời và có uy thế. Khi nói rằng tôi sẽ sa thải hoặc cách chức ông ta, quyết định này sẽ không bị ảnh hưởng bởi thực tế nếu tôi làm vậy, đảng và Chính phủ sẽ ngay lập tức lâm vào tình trạng bất ổn định nghiêm trọng và con đường đi lên chiếc ghế Thủ tướng của ông ta thậm chí sẽ còn rút ngắn lại. Đến năm 2004, giới truyền thông cả hai cánh tả và hữu, đều khẳng định chắc chắn rằng tôi đã hành động đầy ác ý và sai lầm.
Tuy nhiên, đó không phải là lý do tại sao tôi lại không làm thế. Nếu tôi quyết định rằng ông ta thực sự không thích hợp để giữ chức Hiệu trưởng thì tôi sẽ bãi miễn ông ta, ngay cả khi nó đẩy nhanh sự ra đi của chính tôi. Việc tôi không thể quyết định như vậy không phải là thiếu dũng khí, cũng không phải nó chỉ là việc giải quyết một tình huống khó khăn. Đó là bởi vì tôi tin tưởng, trên tất cả, trên cả những cảm xúc cá nhân của tôi trong nhiều thời điểm thì ông ta là Hiệu trưởng tốt nhất cho đất nước này.
Tôi đã đi đến kết luận này vì hai lý do. Thứ nhất, trong quá trình Gordon núp dưới bóng tôi, thì ông ta đã cố ý ngụy trang để mọi người có ấn tượng tốt đẹp về mình và giờ thì họ lại bị dẫn dắt để đánh giá thấp sức mạnh to lớn của ông ta. Sự thật là mỗi khi tôi cân nhắc xem ai có thể thay thế ông ta thì luôn đi đến kết luận rằng ông ta vẫn là người tốt nhất cho vị trí ấy. Ông ta cống hiến cho chính trường sự dày dặn chín chắn, sự cương quyết và sức mạnh. Nhiều tác động can thiệp của ông ta có hiệu quả lớn, đặc biệt là trên trường quốc tế. Ở thời kỳ đỉnh cao, sự thông tuệ và năng lượng dồi dào của Gordon hết sức có ích cho đất nước. Đôi lúc vào năm 2001, tôi cho rằng đã có lời đề nghị ông ta đảm đương một chức vụ mang tầm quốc tế, nhưng tôi quyết định rằng Chính phủ sẽ mất đi một rường cột vững chãi nếu làm vậy.
Sau đó, khi tôi điểm qua một vài gương mặt thay thế tiềm năng, tôi vẫn phải đối mặt với sự thật khó chịu nhưng hiển nhiên ấy. Ông ta thực sự nổi trội hơn hẳn so với những người khác. Chỉ đến sau này thì nhân sự Công Đảng mới nổi lên một vài người có thể đủ thâm niên và kinh nghiệm để thế chỗ ông ấy.
Lý do thứ hai là, mặc dù Gordon phản đối nhiều mục của chương trình cải cách và làm chậm tiến độ của một số dự án nhưng ông ta không ngăn cản chúng được tiến hành. Chúng tôi vẫn triển khai chúng. Trước khi tôi ra đi, những lựa chọn và ganh đua đã nảy sinh trong lòng NHS, những học viện đang được đầu tư thêm, dự luật về tội phạm đã được thông qua, chính sách về học phí đã đâu vào đó, cải cách phúc lợi xã hội và tiền trợ cấp đang được soạn thảo. Chúng không phải là điều nhỏ nhặt. Chúng là những thay đổi lớn. Sau lần phân tích cuối cùng, ông ta đã ủng hộ những dự án này. Mặc dù không phải là người khởi xướng, nhưng khi xem xét, ông ta đã cùng đồng hành với chúng. Các dự án đã được thông qua. Và sự việc này hàm chứa một bài học. Ngoài lý do liên quan tới Công Đảng mới, có một nguyên nhân khác lý giải vì sao Chính phủ mà tôi đứng đầu lại là chính quyền Công Đảng đầu tiên giành được thắng lợi liên tiếp trong hai nhiệm kỳ trọn vẹn, nếu không muốn nói là ba và tại sao đảng của chúng tôi lại có thể lãnh đạo trong thời gian hơn gấp đôi thời kỳ tại nhiệm lâu nhất của Công Đảng từ trước tới nay. Đó là phần mà ngay cả những cố vấn thân cận nhất của tôi cũng sẽ không bao giờ hiểu được, nhưng như tôi từng lý giải với họ, những kết quả đó thể hiện tại sao tôi là người đứng đầu còn bạn thì không.
Cuối cùng, mặc dù những áp lực cá nhân không ngớt từ phía Gordon vẫn tồn tại trong tôi, chúng vẫn gây khó dễ cho tôi ít hơn nhiều. Trên nhiều phương diện thì chúng còn ít nguy hiểm và thiếu sự chống đối dữ dội.
Bởi Gordon là người đi đầu trong việc phản đối, ý kiến của ông ta thường được các chuyên gia nội bộ thu thập, sự bất đồng tự nhiên mà chính trị cấp tiến thường có được giữ kín trong nội bộ. Nếu đặt ông ta ra ngoài vòng tròn đó thì một trong hai điều sau sẽ xảy ra: hoặc ông ta sẽ ở một vị trí mà sớm hơn 10 năm, sẽ vượt qua một thách thức thực hoặc một quan điểm khác sẽ được khơi mào, có thể thiên về cánh tả hơn, có thể sẽ có hại cho sự tồn tại lâu dài của đảng. Tôi đi đến kết luận rằng, để ông ta bên cạnh và kiềm chế vẫn tốt hơn nhiều so với việc đẩy ông ta ra đi và thua cuộc, thậm chí tồi tệ hơn là trở thành một nhân vật tầm cỡ của một thế lực thiên cánh tả nguy hại hơn nhiều?
Vậy ông ta là người khó khăn, nhiều lúc hóa giận dữ? Đúng vậy, nhưng ông ta cũng là người có uy thế, có khả năng xuất chúng và đó là những phẩm chất mà tôi luôn luôn kính nể.
Bên cạnh đó, một nhân tố thú vị khác cũng khiến tôi bận tâm. Tôi luôn cho rằng Margaret Thatcher, mặc dù bà là một Thủ tướng vĩ đại nhưng không bao giờ đứng chặn trên lối đưa Michael Heseltine trở thành người lãnh đạo. Lòng quyết tâm ngăn cản ông ta đã buộc bà rút lui khỏi cuộc cạnh tranh về quyền lãnh đạo, thứ gây ra khó khăn cho bà, mang cơ hội chiến thắng về cho John Major. Heseltine có rất nhiều điểm yếu nhưng ông ta là nhân vật tầm cỡ và lẽ ra đã trở thành một thế lực rất khó đối phó. Ông ta cũng đã có thể chặn đứng virus “thờ ơ với châu Âu” không cho chúng kiểm soát Đảng Bảo thủ. Vì thế, tôi luôn nghĩ rằng bà ấy đã cho phép những thù ghét cá nhân của mình làm ảnh hưởng đến mối quan tâm thực sự của mình và lợi ích của đảng.
Tôi đã cố gắng không mắc phải sai lầm đó. Tôi đủ tầm cỡ để gạt những hiềm khích cay đắng cá nhân và không đứng trên lối đi của Gordon. Vì thế, tôi đã mắc cùng một lỗi với Thatcher nhưng theo cách khác. Tôi cố gắng lựa chọn người kế nhiệm và trước khi tôi nhận ra sự lựa chọn đó là sai lầm thì nó đã quá muộn.
Tuy nhiên, nó cũng mang đến cho tôi sự bình yên. Sau bữa tối, Gordon và tôi bắt đầu nói chuyện tử tế. Mặc dù khá ngoắt ngoéo nhưng nhiều phần ông ta đã thuyết phục được George Mudie từ Ủy ban Lựa chọn bộ Tài chính cùng với Nick Brown từ bỏ phản đối. Chúng tôi đã giành được đủ số phiếu để thông qua dự luật về học phí. Bản báo cáo Hutton đã kết luận đầy ưu ái.
Tôi trở nên điềm tĩnh hơn. Tôi không nói với bất kỳ ai trong văn phòng rằng mình đã đồng ý rút nếu như Gordon chịu hợp tác nhưng họ có thể đoán được phần nào. Thay vì bỏ qua, họ lại quan tâm đến vấn đề này. Jonathan và Sally tin chắc rằng chuyện sẽ không bao giờ xảy ra. Họ hiểu được mong muốn ra đi của tôi, nhưng cho rằng sẽ là không tưởng nếu tôi cứ khăng khăng rằng Gordon sẽ cùng theo đuổi chương trình hành động này. Họ hoàn toàn chắc chắn rằng ông ta sẽ không làm thế.
Trong khi đó, nhiều sự kiện dồn dập ập tới với mức độ dày đặc và nhanh chóng hơn bao giờ hết. Tháng 3 năm 2004, vụ tấn công khủng bố tại Madrid xảy ra đúng vào thời điểm tổng tuyển cử của Tây Ban Nha. Gần 200 người chết và hơn 2.000 người bị thương. Đó là một đòn báo hiệu phong trào khủng bố vẫn tồn tại và đang tấn công chúng ta. Ký ức về vụ khủng bố 11 tháng 9 đã mờ dần bất chấp những sự kiện như vụ đánh bom tại Bali năm 2002. Những đạo luật chống khủng bố được thông qua trong cơn sợ hãi đầu tiên sau vụ tấn công ở New York đã phải chịu những làn sóng phản đối đều đặn từ những người cho rằng chúng đi chệch hướng với sự tự do của nước Anh. Tôi liên tục phải nhận thức một thực tế rằng những kẻ khủng bố ưa hoạt động ở nước Anh. Chúng ta đã có ít nhiều những bản cập nhật thường xuyên đi kèm với bản tóm tắt và theo dõi hàng loạt các hoạt động của chúng.
Vào tháng 5, mười quốc gia mới gia nhập EU. Chúng tôi vẫn luôn ủng hộ sự mở rộng của tổ chức này. Đây là một thời khắc lớn lao. Hiến pháp châu Âu đã được thông qua. Với sự lo ngại sâu sắc, tôi đã đồng ý hứa sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này. Chúng tôi không thể đưa bản Hiến pháp thông qua Thượng nghị viện mà không có một cuộc trưng cầu dân ý, ngay cả những lá phiếu của Hạ nghị viện cũng vẫn bị hoài nghi. Lời phát biểu của tôi nhận được sự tán dương dễ hiểu từ phía Đảng Bảo thủ, những người hiểu rằng tôi thực sự không quá quan tâm đến vấn đề này.
Jacques Chirac cũng hết sức lo ngại bởi ông cảm thấy điều đó sẽ thực sự gây khó khăn cho ông. Về mặt này thì ông ta đã đúng. Nếu nước Anh hứa tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thì nó sẽ gây áp lực khủng khiếp lên nước Pháp và buộc họ phải làm như thế. Tuy nhiên, nó nhắc tôi nhớ đến sự vất vả của mình trong việc thuyết phục người dân Anh về lợi ích của việc hòa chung vào dòng chảy châu Âu. Khó khăn lớn nhất như mọi khi vẫn là thái độ thờ ơ với châu Âu đang ngự trị và được giới truyền thông ủng hộ, những người theo xu hướng tiến bộ lại quá lẻ tẻ, thiếu tổ chức và cũng nhận đuợc “sự hậu thuẫn” từ báo chí, ví dụ như giành nhiều thời lượng phê bình chính phe của họ hơn là bác bỏ lời lẽ tuyên truyền của phe còn lại.
Nhưng dù vậy, chúng tôi vẫn là một nước khá mạnh ở châu Âu. Chúng tôi cẩn trọng chọn cuộc đối đầu cho mình. Tôi đã ra khỏi con đường của mình và gây dựng các đồng minh có thể bảo vệ chúng tôi trước bất cứ liên minh tiềm tàng giữa Pháp hay Đức và bất chấp sự phản đối mạnh mẽ về cuộc chiến Iraq, chúng tôi vẫn giữ mối quan hệ cởi mở với Chirac và Schroeder.
Gerhard Schroder là người thực sự khá gai góc. Mặc dù thất bại trong chính sách đối ngoại nhưng tôi vẫn thán phục ông về tư tưởng cấp tiến trong chính sách cải tổ quốc nội và đồng cảm với những vấn đề của ông với Oskar Lafontaine, cựu Bộ Trưởng Tài chính, người giờ là cánh tay trái của ông và sẽ sớm thành lập một đảng mới và tôi nghĩ rằng Gerhard thực sự có những phẩm chất lãnh đạo chân chính.
Động cơ để tôi đưa nước Anh trở thành trung tâm của châu Âu không hề liên quan tới những lý tưởng hão huyền, mặc dù tôi cùng chung quan điểm về lý tưởng của châu Âu nhưng đó hoàn toàn là vì lợi ích của quốc gia. Không một quốc gia châu Âu nào, nếu không kể cả Đức, có thể đủ lớn để đối chọi với những áp lực từ những quốc gia thực sự to lớn hơn trừ phi chúng tôi cùng hợp nhau lại. Đoàn kết để mạnh mẽ. Chia rẽ, không những làm suy yếu mà khiến đất nước chúng tôi còn không thể cân bằng được vị thế chính trị địa lý. Châu Âu không phải giữ vai trò người trung gian mà là kề sát cánh cùng Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil và các nước đang phát triển khác. Nhưng nếu các quốc gia châu Âu tự mâu thuẫn với nhau và các các thế lực chủ chốt sẽ quay sang tận dụng cơ hội đó, khi đó bất lợi sẽ đến không chỉ với chúng tôi mà với toàn bộ cộng đồng quốc tế.
Và mọi chuyện vẫn tiếp diễn cùng với cả những điều nhỏ nhặt: nhóm vận động Những người cha vì Công lý (Father 4 Justice) đã ném một bao cao su đầy bột mì tím vào tôi trong buổi trả lời chất vấn Thủ tướng (đây là phiên chất vấn ngắn nhất mà tôi từng trải qua và tôi biết ơn vì điều đó), Ken Livingstone tái đắc cử Thị trưởng London và đội tuyển Anh bị loại khỏi vòng chung kết Euro năm 2004 qua loạt đá luân lưu 11m. Trong một khoảng thời gian, tầm ngắm của giới truyền thông bị phân tán và dường như sự bình thường đã trở lại. Tôi bổ nhiệm Peter Mandelson vào vị trí đại sứ mới của Anh tại EU bất chấp những phản đối nội bộ quyết liệt từ phía PLP và các thành viên nội các. Chúng tôi đã để mất một ghế vào tay Đảng Dân chủ Tự do và cố gắng giằng co 1 ghế khác với họ trong hai cuộc bầu cử phụ. Ở các cuộc bầu cử địa phương, chúng tôi đã chịu thất bại nặng nề nhưng không đến mức thảm bại. Cuộc bầu cử phụ cho vị trí của Peter đã giành được thắng lợi.
Vị thế chính trị của chúng tôi có vẻ mỏng manh nhưng thực tế chúng tôi vẫn giữ được uy thế mạnh mẽ. Đảng Bảo thủ chưa bao giờ thắng được một lần trong các đợt bầu cử phụ khi tôi tại nhiệm. Lẽ ra tôi cũng gây dựng thêm nhiều lòng tin từ các sự kiện đó như Peter từng nói với tôi nhưng chưa bao giờ tôi đồng ý với nhận định ấy, “Ông có sức mạnh hơn ông nghĩ nhiều”.

Trong đợt làm việc đầu tiên vào đầu năm 2004, chúng tôi tiến hành bước tiếp theo của kế hoạch cải cách. Chúng tôi giờ đã có những quyết sách về chương trình cải cách trường học bao gồm việc trao cho các trường quyền tự do lớn hơn và cả những học viện academy non trẻ đầu tiên, hệ thống học phí không cố định, học tập mô hình hệ thống của các trường Hoa Kỳ, hệ thống dịch vụ y tế công và bệnh viện đi kèm với những bệnh viện cơ sở đầu tiên và một lần nữa là sự khởi đầu của cuộc cạnh tranh trong giới tư nhân, cải cách tại các nhà điều dưỡng, luật về các hành vi chống phá xã hội, hệ thống mới về việc học sớm tại các cơ sở chăm sóc trẻ em và dự thảo về tiền trợ cấp, phúc lợi xã hội và thẻ căn cước vẫn đang được thảo luận.
Mục tiêu hiện tại là xây dựng được một chương trình hành động cụ thể để đưa tất cả những thay đổi này lên một tầm vóc mới, được duy trì và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Cho tới nay, những thay đổi này đã thể hiện rõ rằng quyền tự chủ của các trường học và bệnh viện càng lớn thì cải cách đổi mới càng nhiều, nhiều lựa chọn và cạnh tranh hơn, chất lượng đầu ra cũng được tăng lên và đặc biệt với NHS thì việc cắt giảm thời gian chờ đợi là nhờ hai yếu tố: hệ thống cởi mở và khuyến khích đầu tư tư nhân và tiền bạc do bệnh nhân chi trả, vấn đề duy nhất với sự thay đổi của các quy định và thể chế luật pháp là người dân muốn những thay đổi này được thực hiện nhanh hơn và nhất quán hơn nữa.
Nói ngắn gọn, việc đầu tư thêm tiền của và sự thay đổi của hệ thống đã mang lại kết quả. Qua năm 2004 và sau 7 năm làm việc, cuối cùng chúng tôi đã mang lại những tiến bộ thực sự đáng kể. Đơn vị Delivery (Cung cấp) được Michael Barber thành lập sau kỳ bầu cử năm 2001 đã thu về lãi lớn. Cùng với Đơn vị Chiến lược, đây là một bước cải cách trọng đại. Mặc dù phải chịu những chỉ trích nặng nề và những cắt giảm liên tiếp từ phía dịch vụ công truyền thống nhưng Michael và nhóm nhân viên 30 người của mình đã tạo ra những thay đổi về mặt định tính và định lượng cho việc vận hành của Chính phủ.
Như cách Michael đã lý giải trong cuốn sách Instruction to Deliver (tạm dịch: Hướng dẫn Cung cấp) của mình, thứ đã trở thành một văn bản Nhà nước quý giá trên khắp thế giới, lần đầu tiên chúng ta tìm kiếm những cam kết ưu tiên, nhận được những dữ liệu thực tế về cách chúng được xử lý và tiếp tục giải quyết, dần dần, những chướng ngại sẽ bị gạt bỏ và các chính sách được điều chỉnh nếu cần thiết. Hơn hết, những người có trách nhiệm giao tài liệu hiểu rằng họ đang được giám sát. Đây không phải là một quy trình phức tạp. Michael đã khéo léo biến việc quản lý điều hành trở thành sự cộng tác. Điều này đã mang lại hiệu quả làm việc rất cao.
Lúc này, tôi cảm thấy mọi thứ đang thực sự vào guồng và chúng tôi cần phải đưa tất cả chúng sang giai đoạn phát triển tiếp theo. Vì vậy, chúng tôi bắt đầu làm việc trên một chuỗi kế hoạch 5 năm sẽ được xuất bản vào cuối kỳ làm việc mùa hè. Mục đích là tạo ra một nền tảng vững chắc và hợp lý để giành thắng lợi ở nhiệm kỳ thứ ba cho Công Đảng. Tất nhiên, điểm mấu chốt của kế hoạch này là đảm bảo cho nhà Số 10 và nhà số 11 phố Downing cùng nhau thảo luận các vấn đề chi tiết và vì thế chúng tôi bắt đầu các buổi làm việc để cố gắng thông qua kế hoạch này.
Trong lúc đó, tôi chuẩn bị cho cuộc ra đi được chờ đợi của mình. Cherie và tôi đã đứng ngoài thị trường nhà ở của London từ năm 1997, thời gian mà giá nhà đã leo thang với tốc độ chóng mặt. Với sự giúp đỡ của Martha Greene, một người bạn, chúng tôi bắt đầu thận trọng tìm một ngôi nhà mới. Rất khó để làm vậy mà không bị ai dòm ngó nhưng Martha đã khéo léo đảm nhiệm việc này và chúng tôi đã tìm ra một ngôi nhà ở Quảng trường Connaught, giúp chúng tôi có thể để Leo tiếp tục thao tác ở lại trường tiểu học Westminster, nơi thằng bé thích.
Tôi đã tự nói với mình rằng hai nhiệm kỳ là đủ để ổn định tư tưởng. Như đã lý giải, tôi đã đưa ra quyết định về cuộc chiến Iraq với niềm tin lớn lao. Đúng hay sai, tôi cố gắng làm điều tôi cho là sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho đất nước. Sự xuất hiện cùng lúc của truyền thông hai phía, cánh hữu muốn tôi ra đi bởi tôi có thể sẽ giành thắng lợi cho Công Đảng và cánh tả, hoàn toàn bị chi phối bởi cuộc chiến, dẫn đến một chiến dịch thách thức cả sự kiên cường và sức chịu đựng của tôi. Ở cương vị Thủ tướng, bạn nên làm quen với việc bị chỉ trích. Bị lăng mạ thì lại là chuyện khác. Tôi vốn dĩ không phải người thích than vãn nhưng tâm trí tôi đang bắt đầu kêu ca về mình.
“Bị bào mòn” là từ tôi dùng để diễn tả cảm giác ấy một lần nữa. Thật khó để diễn tả cảm giác ấy. Việc được đảm đương công việc này vốn dĩ đã là một đặc ân, một vinh dự nhưng đây chính là nơi điểm mạnh lớn nhất của tôi trở thành điểm yếu lớn nhất: tôi là một con người bình thường. Nếu phải đối mặt với sự lựa chọn giữa một bộ phim bi hùng với nhiều cảnh hành động và kỹ xảo đặc biệt, nơi cuối cùng người anh hùng sẽ chiến thắng và một phim tâm lý xã hội về một người vợ hấp hối phát hiện ra rằng chồng mình đang có mối quan hệ sâu sắc với bạn thân của mình, đứa con duy nhất tự tử và cuối cùng bà chết trong cô đơn và nghèo túng, thì tôi sẽ chọn phương án đầu tiên. Nếu hỏi rằng tôi thích đi ăn ở một nhà hàng hấp dẫn với những người bạn trò chuyện về những vấn đề ngoài chính trị hay là ngồi nghe vở Götterdämmerung của Wagner thì bạn sẽ tìm thấy tôi ở nhà hàng. Giống như đa số mọi người, tôi thích cười hơn là khóc, chọn lựa niềm vui hơn nỗi buồn tang tóc, hứng thú cảm giác phấn khích hơn là buồn tủi. Thói quen tự nhiên của tôi là thức dậy và đón đợi ngày mới.
Và tôi nhận ra là mình không như thế. Tất nhiên, đôi lúc cuộc sống giống như một bộ phim tâm lý xã hội hơn là phim hành động ly kỳ, một bản opera của Wagner có thể khơi gợi nhiều cảm xúc suy tư hơn là một buổi tối với bạn bè và nước mắt thì thường đến nhiều hơn là nụ cười. Rất nhiều nước mắt đã rơi do những quyết định của tôi, vì thế tại sao tôi lại không chia sẻ chúng? Hơn thế, tại sao tôi lại không thể chia sẻ chúng?
Thái độ lạc quan vô hạn cùng với sự thảnh thơi của những năm đầu đã qua lâu rồi. Thay vào đó, mỗi ngày, mỗi cuộc họp, nhiều lúc là mỗi giờ dường như đều là một cuộc tranh đấu, nỗ lực không ngừng nghỉ để chống lại những thế lực, vô hình hay hữu hình chống đối chúng ta, đôi khi với mức độ đều đều, đôi khi lại dữ dội nhưng lúc nào chúng cũng đi kèm với một cảm giác như một năng lượng không bao giờ cạn đi kèm với những mưu đồ ác ý.
Vậy từ khi nào mà sự mệt mỏi đã trở thành sự than vãn và đầu hàng? Tôi nhận thức được rằng những cảm xúc ấy đang dày vò bản thân. Tôi thừa nhận cái đầu tiên nhưng phủ nhận hai cảm xúc phía sau nhưng tôi có thể cảm thấy ý chí của mình đang suy sụp và sự kháng cự cũng đang giảm xuống. Và tôi đã nói với Gordon rằng tôi sẽ ra đi nếu như ông ta tiếp tục duy trì bản kế hoạch. Vì thế, điều đó cho tôi một lý do (hay một lời biện hộ) để ra đi. Dù thế nào đi nữa tôi cũng muốn từ bỏ.
Tôi đã nói về điều này với Cherie. Cô ấy nghĩ rằng tôi đã sai lầm khi quyết định như vậy, nhưng khi đã thấu suốt, cô ấy ủng hộ tôi. Nhưng giống như trong những thời khắc quan trọng khác, cô ấy ép tôi phải thành thật về lý do tại sao tôi muốn ra đi. Cherie nói thẳng với tôi rằng tôi đang tự giễu chính mình nếu nghĩ rằng Gordon sẽ cùng chung tay thực hiện bản kế hoạch. “Anh chỉ muốn ra đi”, cô ấy nói. “Em hiểu vì sao. Trong nhiều trường hợp em cũng sẽ làm thế, nhưng chúng ta phải thành thực về nó”.
Tôi không chắc liệu điều cô ấy nói về Gordon có đúng hay không. Tôi đã nghĩ rằng rất có thể ông ta sẽ đồng hành cùng với bản kế hoạch một khi ông ta sở hữu nó. Và còn một lý do khác thôi thúc tôi, liên quan đến Công Đảng. Trong chính trị hiện đại, trải qua 2 nhiệm kỳ là một thành tích không tồi, tôi đã ở cương vị này trong 10 năm, chắc hẳn hiện tại là thời gian tại vị lâu nhất của một Thủ tướng. Trước kia, khi nhịp độ chính trị chậm rãi hơn và người lãnh đạo ít hiện diện hơn, ít bị soi mói và chỉ trích hơn, bạn có thể làm liên tiếp ba hay bốn nhiệm kỳ. Ngày nay, một Thủ tướng hay Tổng thống mới có thể quen thuộc đến nhàm chán với người dân chỉ sau một năm. Sau 8 năm, họ cảm thấy như thế là quá đủ. Thực sự thì bạn cũng chung cảm xúc như họ, bạn đã có quá đủ rồi.
Chúng tôi đã đưa ra vấn đề và được nghị viện chấp nhận. Cảm giác của tôi khi đó là muốn công bố trong thời gian hội nghị rằng tôi sẽ ra đi trước kỳ Giáng sinh. Thời điểm đó sẽ cho Gordon khoảng thời gian sáu tháng đủ cho cuộc vận động tranh cử của mình.
Tuy nhiên, công việc với những bản kế hoạch 5 năm lâm vào tình trạng thực sự khó khăn. Thực sự thì khi bạn đã thông báo về dự định rằng bạn sẽ ra đi, kể cả là chỉ với chính bản thân bạn, trong tâm trí bạn thì nó sẽ trôi qua như thấm qua một tấm lọc vậy.
Bên cạnh đó, tôi đã có một cam kết với John Prescott và Gordon rằng không ai trong số họ được nói đến sự ra đi của tôi, kể cả với những nhân viên thân tín nhất. Đặc biệt, tôi nói với Gordon rằng ông ta không được phép bàn luận về chuyện này với Eds, Balls và Miliband. Tôi cho phép ông ta được nói với Sue Nye và tôi nói với Anji (người tất nhiên là không còn làm việc cho tôi nữa), nhưng chỉ có vậy. Mặc dù vậy, cuối cùng ông ta đã nói với toàn thể nhân viên của mình.
Đó thực sự là một vấn đề. Tôi đã nghĩ tới khả năng chia sẻ với tờ Guardian rằng nếu tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ với Công Đảng thì tôi sẽ ra đi. Đó là lúc tôi muốn từ bỏ, nếu sự ra đi của tôi trở nên rõ ràng và sắp trở thành hiện thực thì mọi quyền lực sẽ đều không cánh mà bay. Nhưng các bài báo lúc đó đều bàn luận về khả năng tôi ra đi, một số còn khẳng định rằng nó đã được toàn thể mọi người chấp thuận.
Tôi cảm thấy bực bội vì chuyện này, nhưng cuối cùng, tôi cho rằng việc ông ta nói với nhân viên mình là lẽ tất yếu và ông ta sẽ nói rằng mình cần một bản kế hoạch. Thực ra, lý do khiến tôi thay đổi ý định không liên quan đến điều đó.
Nguyên nhân sâu xa nằm ở chuỗi bàn luận kéo dài giữa tôi với bộ Tài chính. Matthew Taylor và Jeremy Heywood, cả hai người đang thay mặt cho nhà Số 10 điều hành cuộc thảo luận này, đều nói rằng rõ ràng Ed Balls không thể nào ủng hộ cho kế hoạch này. Các quan chức bộ Tài chính đã nói chuyện với tôi và miêu tả, như một người trong số họ đã nói rằng “Tất cả chỉ vô ích mà thôi bởi ông ta sẽ không đồng tâm với chúng ta đâu”.
Rồi một ngày tháng 5, Matthew nói nhỏ với tôi rằng “Anh biết rằng không đời nào họ sẽ chịu thực hiện những kế hoạch năm năm này, phải không?” Ông ấy cũng nói với tôi rằng họ đang cân nhắc về những thay đổi cơ bản liên quan đến việc cải cách học phí.
Tôi quyết định sẽ nói chuyện này với Gordon và chúng tôi gặp nhau cũng vào tháng 5. Tôi nói với ông ta rằng chúng tôi đang hết sức lo ngại rằng có thể ông ta chẳng bận tâm gì đến bản kế hoạch, rằng nếu vậy thì ông ta đã tính toán sai lầm rồi.
Tôi chắc chắn rằng chưa bao giờ mình có thể tìm được cách đối phó đúng đắn với ông ta trong những tình huống căng thẳng. Có thể chúng tôi đã hiểu nhau quá rõ và giống như những cặp vợ chồng thỉnh thoảng cãi nhau, chúng tôi để cảm xúc dẫn dắt lý trí. Nhưng trong lần này thì ông ta đã mắc phải một sai lầm nghiêm trọng: ông ta nên trấn an tôi, nhưng thay vào đó, ông ta lại đàn áp tôi. Ông ta cằn nhằn vào lúc ông ta nên tỏ ra tử tế.
Thực tế, ông ta đã nói rằng: anh đã hứa là sẽ ra đi và câu chuyện là thế đấy. Đó chắc chắn là một chiến thuật sai lầm và tôi đáp lại hết sức gai góc. Ông ta liền đổi giọng và nói rằng tất nhiên chúng ta đã nhất trí với bản kế hoạch, bác bỏ rằng Ed Balls hoàn toàn ủng hộ chúng và cũng phủ nhận việc ông ta đã nói với Ed về sự ra đi của tôi. Tôi biết rằng cả hai điều đó đều là dối trá.
Cuộc gặp kết thúc khá tệ. Nhưng tồi tệ hơn, sự thù địch lại nảy sinh gần như ngay lập tức. Họ đã quyết định thúc đẩy vấn đề xa hơn. Đó là điều ngớ ngẩn nhất, nó ép buộc tôi phải lựa chọn đối đầu hay đầu hàng. Và nếu tôi đầu hàng, liệu có từ nào tôi có thể nói ra khi nhìn mình trong gương ngoại trừ hai chữ “hèn nhát”?
Cuối tháng 6, tôi đến tham dự hội nghị NATO tại Istanbul, nơi tôi được David Hill gợi nhớ lại cảm giác được nhắc đến ở những dòng tin chính đầu tiên từ báo chí nước Anh. Một cách bình dị và đầy cảm kích, David rất ít khi đưa tin báo chí cho tôi. Như anh ấy nói “Tôi sẽ chỉ đưa cho ông những thứ mà ông cần phải biết”. Anh ấy là một nhà điều hành tài ba với những đánh giá chính trị tuyệt vời, sự bình tĩnh, cẩn trọng và giống như một người ngạt thở trong một câu chuyện nóng sốt. Và bạn có thể tưởng tượng rằng sẽ có quá nhiều thứ khiến bạn có thể bị ngạt thở. Báo chí tràn ngập những điều hiển nhiên và khá cởi mở, một cuộc họp báo GB đã được mở ra sau những nhận định khắt khe mà Derek Scot, cựu cố vấn kinh tế của tôi đã nói về Gordon. Derek sau đó đã rời phố Downing. Mặc dù là một cố vấn giỏi và khá thoáng về tư tưởng, nhưng anh ta là người “độc lập” (nói cách khác là không thể kiểm soát nổi) đến mức khi làm việc ở nhà Số 10 thì ngoài chỗ đó ra thì bạn đừng có hy vọng tìm thấy ông ta ở bất kỳ đâu. Mọi người đều biết vậy. Gordon cũng thế, nhưng những nhận định của Derek lại bị thổi phồng như một đòn tấn công vào Gordon do tôi đứng sau chỉ đạo, thật là nực cười. Từ đó bắt đầu một chuỗi những sự việc coi Gordon là nạn nhân kéo dài cho đến khi tôi rời ghế.
“Chúng ta làm gì đây?” David nói.
“Chẳng gì cả,” tôi đáp lại, “ngoài việc làm rõ rằng chúng ta hoàn toàn ủng hộ Gordon và không cùng quan điểm với Derek”.
Tôi dời Istanbul và tới Ủy ban EU Đặc biệt và trở về London vào ngày 30 tháng 6 để đưa ra phát biểu về cả hai cuộc họp với NATO và EU. Đó thực sự là một tháng bận rộn đến khó tưởng. Tuần trước khi chúng tôi có cuộc họp thường niên với Ủy ban EU. Tuần trước đó, chúng tôi có cuộc họp thượng đỉnh G8 tại đảo Sea, Georgia. Tôi ít nhiều vẫn phải tiếp tục đi công tác và chẳng có mấy thời gian để nghĩ đến Gordon. Nhưng tôi có thể cảm thấy áp lực đang dần đè nặng và tồi tệ hơn mỗi ngày.
Tôi chủ trì cuộc họp thường lệ vào thứ Năm với Nội các, chủ trì một loạt các cuộc họp khác trước khi đến Chequers vào thứ Sáu. Lâu lâu tôi cũng về đây nghỉ ngơi và cũng khó tránh việc thỉnh thoảng gặp những nhà lãnh đạo khác ở đây, nhưng về tổng thể thì Chequers là một nơi thư giãn và tự chiêm nghiệm lý tưởng. Tôi nhìn thấy hai điều đó luôn song hành cùng nhau.
Mùa hè, tôi thường ngồi ngoài vườn, khó nhọc giải quyết đống giấy tờ, thảng hoặc tôi dừng lại nhấp một ngụm trà hay gọi một cú điện thoại. Tôi thường dùng bữa trưa nhẹ mà không dùng đồ uống, xem chương trình Tâm điểm Bóng đá nếu hôm đó là thứ Bảy, giả vờ như mình là một nhà bình luận, hay xem một trận trực tiếp nếu lúc đó là giữa buổi, làm việc thêm một chút trước khi đến phòng tập. Trước kia, tôi thường đến RAF Halton và chơi tennis.
Vào cuối tuần đó, tôi ngồi lại và suy nghĩ rất lung. Tôi đi đến một kết luận không thể khác và rồi thêm một kết luận nữa. Thứ nhất, tôi thực sự không tin rằng Gordon sẽ tiếp tục tiến hành dự án. Thực tế nếu ông ta tin tưởng vào nó thì ông ta sẽ ủng hộ. Và bạn có thể nói về một người thông qua những người xung quanh anh ta và ở đây những người thân cận với Gordon không nhất trí với dự án này. Được rồi, họ có thể tỏ vẻ quan tâm hay thậm chí nghiên cứu dự án nhưng một khi tôi rời ghế thì sẽ chẳng có mảy may hy vọng nào rằng dự án non trẻ ấy sẽ được tiếp tục.
Thứ hai là lý do duy nhất khiến tôi muốn từ bỏ là sự hèn nhát, đơn thuần chỉ có vậy. Tôi có thể cố gắng tô vẽ nó bằng những hành động to lớn của lòng vị tha, ảo tưởng rằng tôi ra đi là vì lợi ích của đảng, của đất nước và kể cả là của gia đình, nhưng nó không thể che giấu được điều gì. Động cơ đó không vì người khác mà chính là sự vị kỷ. Tôi ra đi vì tôi không thể chịu đựng thêm nữa, những lăng mạ, áp lực, sự xuyên tạc những động cơ của tôi, sự gièm pha chế giễu. Áp lực đang tăng lên khiến tôi vã mồ hôi.
Và tôi cũng biết tương lai sẽ thế nào. Đó không còn là Công Đảng cũ nhưng cũng chưa thể hoàn toàn là Công Đảng mới. Rất nhanh thôi chúng tôi sẽ lại trở về với cuộc đối đầu muôn thuở giữa Công Đảng và Bảo Thủ truyền thống. Và sẽ chỉ có một phe chiến thắng duy nhất trong cuộc đấu này.
Một vài tuần trước đó, giữa lúc nghỉ ngơi hiếm hoi sau thời điểm hỗn loạn, John Reid đến gặp tôi. John là một người khôn ngoan. Một khi ông ta đã phá được vòng cương tỏa của ma men thì ông ta trở thành một trong những nhà chính trị xuất chúng và tài ba nhất trong bất cứ đảng phái nào. Nếu đến sớm hơn thì ông ta sẽ góp phần lớn trong việc duy trì Công Đảng như một Công Đảng mới.
Chúng tôi ngồi xuống những chiếc ghế bằng liễu gai tại khu vườn của phố Downing. Ông ta thẳng thắn như vốn thấy.
“Anh không thể đi được”, ông nói. Tôi có ý phản đối nhưng ông ta ra dấu tôi im lặng. “Tôi biết rằng anh đang cân nhắc về vấn đề này. Đó sẽ là sai lầm tồi tệ nhất không chỉ với anh mà còn với đảng và cả đất nước. Anh không thể làm thế. Anh với tôi đều biết rõ rằng Gordon sẽ như thế nào. Ông ta có thể trở thành người đứng đầu, có thể không, nhưng nếu để ông ta ngồi vào vị trí đó bây giờ thì sẽ thật là vô trách nhiệm. Thêm vào đó, anh cần phải chiến đấu trong đợt bầu cử ngay cả sau cuộc chiến Iraq, ngay cả với những gánh nặng của nó và anh cần phải chiến thắng. Nếu anh không làm thế, dù anh có tỏ ra như thế thì anh vẫn là đang chạy trốn”.
Khi đắm mình trong ánh nắng dịu dàng ở Chequers vào năm 2004, tôi nhận ra rằng không chỉ John từng thuyết phục tôi, mà Tessa Jowell, Alan Milburn, Peter Mandelson và những người khác cũng đưa ra những lập luận tương tự nhưng thay vì làm thế anh ấy đã gợi ra những suy nghĩ thực của tôi ẩn giấu sau những ảo tưởng và thắp sáng chúng. Rất khó khăn để ở lại, dù là lúc tồi tệ nhất nhưng đó sẽ là một thất bại của sự dũng cảm đơn thuần khi ra đi.
Nhiều lúc, người dân Anh, những người tôi thực sự ngưỡng mộ và có mối liên hệ chính trị mật thiết, giống như một chuyện tình, có lúc không còn yêu và không muốn bắt đầu lại. Sự ủng hộ vẫn còn, nhưng nhiều người dao động, thậm chí giận dữ. Niềm vui còn lại chỉ là sự hứng khởi khi được làm điều tôi tin tưởng bằng cả trái tim, giành thắng lợi ở nhiệm kỳ thứ ba, vì thế buộc Đảng Bảo thủ phải thay đổi và thực hiện đến cùng kế hoạch cải tổ quốc nội mà tôi dám chắc là đúng đắn. Cuộc chiến Iraq có thể là một chiều gió ngược mạnh nhưng một lần nữa tôi dám chắc rằng dù nguyên nhân của nó là gì thì hành động ngớ ngẩn rút quân về là điều không tưởng và việc rút quân vội vã đã trở thành một thảm họa. Tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng như với chương trình của mình và với Đảng Bảo thủ dưới trướng của Michael Howard, tôi thực sự không mảy may nghi ngờ đối với những điều có lợi cho nước Anh. Nhưng chiến thắng của chúng tôi phụ thuộc hoàn toàn vào việc chúng tôi tiếp tục và cương quyết là một Công Đảng mới. Nếu chúng tôi rời xa triết lý ấy dù chỉ là đôi chút, tôi biết rằng mọi thứ sẽ kết thúc.
Tôi đã đi đến một quyết định. Tôi không thể chuyển giao lại cho Gordon, ít nhất là không phải bây giờ và có thể là không bao giờ. Tuần sau đó, tôi nói với ông ta về điều này. Bạn có thể đoán được ông ta phản ứng thế nào. Tôi quay lại việc quản lý những kế hoạch năm năm. Chúng tôi mới chỉ làm việc với các bộ và mới chỉ lòng vòng chứ chưa chính thức với bộ Tài chính. Kế hoạch đã được soạn thảo hợp lý và nó trở thành cương lĩnh của đợt tranh cử lần ba này. Sau kỳ nghỉ hai tuần dễ chịu, tôi trở lại tràn đầy sức sống.
Trong bài diễn văn tại cuộc họp, tôi đã nêu lên kế hoạch hành động cho nhiệm kỳ thứ ba. Trước đây thì Alastair và Peter Hyman sẽ soạn một bản nháp, đó là chuyên môn của họ. Tôi sau đó sẽ sửa đi sửa lại, thường có từ hơn 10 đến 15 bản nháp. Họ thường triển khai theo cách lý tưởng trong khi Anji và Jonathan lại khác. Dần dần, bắt đầu bằng bài diễn văn năm 2001, tôi tự viết bản nháp cho mình. Peter và Alastair chịu trách nhiệm những đoạn quan trọng hoặc có nhiệm vụ phải tạo bản sắc riêng cho bài diễn văn. Những người khác sẽ đọc lại. Trong lúc đó, David Hill sẽ chỉ ra những chỗ có thể mắc bẫy hoặc đưa đến những dòng tít không mong muốn. Matthew Taylor và Andrew Adonis sẽ chịu trách nhiệm về chính sách và Sally Morgan sẽ đưa ra nhận xét.
Tôi đưa ra những gì đã làm được và những phần việc còn lại. Tôi luôn cố gắng kết hợp những giá trị truyền thống với bản phân tích tình hình thế giới trong tương lai. Tôi cũng cố gắng ổn định đảng trong vị thế mới, không phải là những kẻ lép vế chỉ được cầm quyền trong một thời gian ngắn mà là một đảng có khả năng làm chủ trong một thời gian dài.
Cuối buổi họp, tôi gặp phải một tình huống khác cần giải quyết. Năm ngoái, lần đầu tiên tôi phải chống chọi với chứng loạn nhịp tim gây ra những nhịp tim bất thường, khó thở và cảm giác mệt mỏi. Nếu không được chữa trị, nó có thể gây ra cơn đột quỵ (vâng, thật lạ là một cơn đột quỵ, chứ không phải một cơn đau tim). Chứng bệnh này đã được chữa trị bằng một quá trình đẩy rồi hạ nhịp tim xuống để trở về nhịp bình thường).
Mùa hè năm 2004, tôi nhận ra mình lại gặp phải chứng loạn nhịp tim. Sự tái phát của nó khiến hơi thở của tôi ngắn hơn (rõ ràng nhất là khi trong phòng tập và tôi nhận ra có điều gì đó không ổn). Lúc này, các bác sĩ nói rằng tôi nên tìm hiểu một kỹ thuật phẫu thuật với cái tên “loại bỏ”, loại bỏ hiệu quả một phần nhỏ quả tim hoạt động kém hiệu quả. Dù sao cũng đừng bắt tôi phải tranh luận về y học, tôi chỉ xin một lời khuyên, nhận lấy và làm theo nó. Ngày phẫu thuật được chỉ định ngay sau ngày họp của Đảng.
Gordon vẫn đang trong tâm thế hết sức nguy hiểm. Trong bài diễn văn tại buổi họp, ông ta đã đi chệch hướng tán dương những phẩm chất tốt đẹp của “Công Đảng chân chính”. Đó tất nhiên là một sai lầm nhưng cũng là một dấu hiệu xấu với Đảng. Tôi cảm thấy mình cần phải giải quyết vấn đề lãnh đạo này.
Đối lập với những lời khuyên, tôi giải quyết bằng cách nói rằng tôi sẽ tham gia đợt tranh cử sau nhưng không phải đợt sau nữa. Mọi người cho rằng sẽ là thảm họa nếu ta nói rằng mình sẽ nhường bước. Tôi chỉ ra rằng đó là góc nhìn của Margaret Thatcher và nó đã đem lại nhiều ích lợi cho bà ấy. Ở khía cạnh nào đó, bạn vẫn là kẻ đáng nguyền rủa dù nói theo cách nào. Bạn nói rằng mình sẽ ra đi và họ nói “Tại sao ở lại?” Nói rằng bạn sẽ tiếp tục mà không có giới hạn nào và họ lại nói: Bạn dự định sẽ tiếp tục mãi mãi? Chẳng có cách nào là dễ dàng cả.
Tôi quyết định sẽ nói với giới truyền thông rằng thực ra họ chẳng hề biết gì về lý do dẫn tới quyết định đó và lập tức kể với họ 3 câu chuyện: Tôi sẽ tranh cử lần thứ ba nhưng sẽ không có lần thứ tư, tôi đã mua một ngôi nhà và sắp trải qua một cuộc phẫu thuật tim. Đó là cách duy nhất để đối phó và tôi thực sự thích thú với cách họ đồng loạt cố gắng tìm ra đâu là ý nghĩa thực của những câu chuyện được đưa ra cùng lúc, bởi tất nhiên họ sẽ không chỉ tường thuật lại ba câu chuyện thuần túy. David Hill đã giải quyết rất xuất sắc. Tôi đã thực hiện cuộc phẫu thuật. Tôi cũng mua được ngôi nhà. Và cứ như vậy một thời gian.
Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi - Tony Blair Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi