Những trận chiến lớn nhất chính là những trận chiến trong tâm trí chúng ta.

Jameson Frank

 
 
 
 
 
Tác giả: Tony Blair
Thể loại: Tùy Bút
Nguyên tác: A Journey : My Political Life
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1655 / 31
Cập nhật: 2016-06-09 04:39:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15: Iraq: Thời Hậu Chiến
ới một chiến dịch quân sự mà phần lớn các luận điểm chính bị phản đối – do công chúng và giới truyền thông – thì vấn đề là ở chỗ này tiếp tục có một số luận điểm phải được chứng minh. Trừ phi họ có thể đứng vào vị thế trung gian và tiếp cận mâu thuẫn với mong muốn mạnh mẽ trong cả ý thức lẫn tiềm thức để chứng kiến nó thất bại. Tôi không nói với ý rằng coonh chúng mong muốn một thảm họa sẽ xảy đến với liên quân hay với người dân địa phương, nhưng họ đang quanh quẩn trong mâu thuẫn mà chưa được hòa giải. Họ cảm thấy, một cách mãnh liệt, rằng chiến dịch này hoàn toàn sai trái. Họ muốn nói rằng: chúng tôi đã nói với các ông rồi mà. Tuy nhiên, họ đã rất cố gắng để phản ứng lại – và trong trường hợp của Iraq, một vài người đã không cố gắng hết sức – họ nhìn nhận mỗi thất bại như những gáo nước lạnh dội vào những người ủng hộ hành động này. Điều này gây ra những hậu quả tất yếu cho các giai đoạn sau của cuộc chiến Iraq.
Ngay từ đầu, tôi đã rất muốn lùi cuộc tái điều quân dưới danh nghĩa LHQ càng nhanh càng tốt và nối lại mối liên minh liên Đại Tây Dương đang bị đứt đoạn. Nếu mọi việc khó khăn thì chúng tôi sẽ cần tới mối liên minh đó.
Việc hoạch định thiếu đúng đắn cho tình hình hậu chiến không rõ ràng tại Iraq đã được lưu trữ đầy đủ. Những bài học, được nêu lên trong bản báo cáo súc tính của trưởng phái đoàn Thanh tra của Mỹ vào năm 2009 và trong bản báo cáo Rand cùng năm đã được nghiên cứu, khảo sát và nhiều phần được học hỏi.
Chiến dịch quân sự để chinh phục là một thành công rực rỡ. Nhưng chiến dịch tái thiết cuộc sống cho người dân thì ngược lại. Nhưng việc thoát khỏi sai lầm lẽ ra có thể tránh được này, việc tránh né những thách thức khó lường, không thể đoán trước và những tác động mà nó có thể gây ra là một việc vô cùng khó khăn ngay cả trong thời điểm hiện tại. Nước Mỹ đã thừa nhận rằng kế hoạch tái thiết của họ rất yếu kém. Nước Anh có thể sẽ làm tốt hơn nhưng nói thẳng ra, với địa phận mà chúng ta kiểm soát, những kế hoạch được xây dựng khá là phù hợp và dù trong bất kỳ một sự kiện nào chúng cũng được xử lý nhanh chóng và khắc phục những sai sót còn tồn tại.
Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta đã có một kế hoạch cực kỳ tập trung và hoàn toàn phù hợp cho thời kỳ hậu chiến, thì điều này cũng có nghĩa là chúng ta cần phải tập trung nỗ lực hơn vào những thứ mà suy cho cùng không phải là nguyên nhân của đổ máu.
Những công đoạn chuẩn bị trước chiến tranh bao gồm ba vùng nguyên tắc có liên quan chính. Đầu tiên, chúng tôi lo ngại một thảm họa về nhân đạo khi một đất nước lệ thuộc vào những phiếu viện trợ thực phẩm và mất đi sự kiểm soát chặt chẽ của hệ thống phân phối của Chính phủ. Vấn đề này khiến chúng tôi cân nhắc khá nhiều và là chủ đề cho rất nhiều cuộc thảo luận trong nội bộ Chính phủ; giữa nước Mỹ và các đồng minh chính.
Thứ hai là về khả năng Saddam sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học. Chúng tôi đã tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc cố gắng bảo vệ người dân khỏi nguy cơ đó. Trong cuộc chiến này, vì những lý do tất yếu mà điều đó đã không bao giờ xảy ra.
Cuối cùng, chúng tôi lo ngại rằng Saddam có thể “thả lửa” vào các mỏ dầu và tạo ra một thảm họa sinh thái nghiêm trọng. Điều này đã được ngăn chặn đúng lúc và được quân đội Anh can thiệp sớm trong chiến dịch.
Nếu chúng tôi không làm thế − chúng tôi phát hiện ra các dàn khoan dầu mọc lên và sắp bị thiêu rụi − hậu quả có thể xảy ra đó là toàn bộ khu vực phía Nam Iraq, các vùng đầm lầy, hệ sinh thái, động thực vật hoang dã và khu vực biển bao quanh sẽ bị ô nhiễm trầm trọng. Saddam đã đẩy cộng đồng người Marsh Arab, khoảng 100.000 hộ dân, ra khỏi khu vực đầm lầy mà họ sinh sống và bảo tồn, vì thế đã có những dấu hiệu cho thấy các khu vực đầm lầy đang dần biến mất. Nhưng một vụ dầu loang sẽ gây ra những hậu quả khủng khiếp hơn nữa cho khu vực này.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất với chúng tôi vẫn chính là chiến dịch quân sự. Hơn hết, về mặt lực lượng có vũ trang, chúng tôi lo ngại liệu quân đội của Saddam, với những cận vệ phe Cộng hòa đã nắm quyền kiểm soát đất nước với đặc quyền tối cao về sức mạnh, có chiến đấu đến cùng không. Thương vong trong tình huống đó sẽ rất lớn.
Vì thế chiến dịch bắt đầu. Trong một bản tuyên bố với Thượng viện vào ngày 20 tháng 3, sau đó Cộng đồng chung châu Âu vào ngày 21, 22 tháng 3, tôi đã vạch rõ những mục đích và các hành động sẽ được thực hiện đầu tiên.
Chúng tôi chỉ có bốn ngày để giải quyết mâu thuẫn này, vì thế cần phải tái khẳng định những mục tiêu cốt lõi của mình. Đó là hạ bệ Saddam Hussen, đảm bảo rằng đất nước Iraq được giải giáp mọi loại vũ khí từ hóa học, sinh học đến chương trình hạt nhân. Nhưng để đạt được những mục tiêu đó, chúng tôi cũng phải tính toán cả những yếu tố khác. Chúng tôi muốn thực hiện một chiến dịch có thể giảm thiểu tối đa những đau đớn mà người dân Iraq phải gánh chịu, đồng thời đưa cuộc chiến này về vị trí không phải là một cuộc xâm lược mà là giải phóng tự do. Vì lý do đó, chúng tôi đã không bắt đầu chiến dịch bằng một đòn phủ đầu với các cuộc ném bom, tiếp nối bởi một chiến dịch đổ bộ tiếp cận mặt đất. Thay vì thế, lực lượng mặt đất ngay lập tức hành động, bảo toàn các khu chế xuất dầu mỏ và duy trì các cơ sở vật chất chiến lược thay vì phá hủy chúng. Chiến dịch trên không được triển khai với các mục tiêu chính xác nên không thể tránh khỏi thương vong cho dân thường nhưng chúng tôi đã cố gắng hết sức để giảm thiểu con số đó. Nguồn nước và điện được sử dụng tiết kiệm. Các mục tiêu là các cơ sở hạ tầng, trung tâm chỉ huy của chính quyền Saddam chứ không phải dân thường. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để dọn đường cho nguồn cứu trợ nhân đạo mặc dù sự hiện diện của các mỏ dầu ít nhiều gây khó khăn cho chúng tôi.
Ngược lại, bản chất của chính quyền Saddam được bộc lộ rõ ràng qua hành động của họ. Kho dầu mỏ dồi dào bị khai thác tràn lan, thiếu hợp lý và khai thác đến cùng kiệt. Nếu chúng tôi không tấn công sớm, sự phồn thịnh của đất nước Iraq trong tương lai rất có thể chỉ còn là con số 0. Những tù nhân bị mang ra diễu trên các con phố bất chấp các cuộc họp quốc tế. Những người dám cất tiếng chỉ trích chính quyền sẽ bị hành quyết.
Ở phía Nam, mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo an toàn cho các khu dầu mỏ tại bán đảo Al Faw, chiếm cảng Umm Quasr, cảng duy nhất của Iraq giao thương với thế giới bên ngoài và làm cho Basra - thành phố lớn thứ hai ở Iraq, trở thành một căn cứ quân sự kém hiệu quả của Saddam chống lại quân đội liên minh. Ở phía Tây, trên sa mạc, chúng tôi mong muốn ngăn chặn Saddam sử dụng khu vực này như một bàn đạp mở rộng gây hấn với bên ngoài. Ở phía Bắc, chúng tôi quyết tâm bảo vệ người dân ở khu tự trị người Kurd, các khu vực mỏ dầu và đảm bảo rằng khu vực miền Bắc không thể làm cơ sở cho sự kháng cự của Saddam. Sau đó, tất nhiên, mục tiêu quan trọng nhất là kiểm soát Baghdad càng sớm càng tốt, để nhanh chóng chấm dứt chế độ.
Tôi hy vọng Nghị viện sẽ hiểu rằng tôi không thể nói chi tiết về hoạt động của chúng tôi, đặc biệt là những người liên quan đến lực lượng đặc biệt, nhưng với thực tế lúc đó quân đội Mỹ và Anh chiếm được bán đảo Al Faw, thì điều dự đoán này đã được bảo đảm. Việc kiểm soát mỏ dầu ở phía Nam đã được phe liên minh khống chế. Cảng Umm Quasr, mặc dù liên tục bị ảnh hưởng bởi các nhóm đối kháng, vẫn nằm trong tầm kiểm soát của quân đồng minh, tuy nhiên, những tuyến đường thuỷ cần thiết cho các hoạt động viện trợ nhân đạo có thể bị chặn lại do mìn và việc này cần vài ngày để dọn sạch. Basra bị bao vây và không thể trở thành căn cứ Iraq, nhưng ở Basra, các lực lượng an ninh mạnh và trung thành nhất của Saddam vẫn đang lẩn khuất. Chúng đang bị kìm hãm, nhưng vẫn có thể gây thiệt hại cho quân đội của chúng tôi, vì vậy chúng tôi phải hành động thận trọng. Sân bay quốc tế Basra đã được đảm bảo an toàn. Sa mạc phía Tây cũng rất an toàn. Ở phía Bắc đã diễn ra các cuộc không kích vào các mục tiêu tại Móul, Kirkuk và Tikrit. Chúng tôi liên tục liên lạc với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và các cơ quan chính quyền người Kurd để trấn an họ.
Trong khi đó, lực lượng liên quân, dẫn đầu là Quân Đoàn số 5 của Mỹ đang trên đường tới Baghdad. Như chúng tôi đã nói, họ đang ở cách Baghdad khoảng 60 dặm về phía nam, gần Karbala. Họ đang tiến đến khu vực có thể sẽ chạm trán nhóm Medina của lực lượng Cảnh sát Cộng hòa, đang bảo vệ các tuyến đường tới Baghdad. Đó rõ ràng sẽ là một thời điểm rất quan trọng. Lực lượng liên quân tiến vào al-Kut, phía đông của Iraq. Hai cây cầu chính bắc qua sông Euphrates ở phía nam Baghdad được giữ nguyên vẹn. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng
Các chiến dịch không quân đều nhằm vào các căn cứ quân sự Iraq, trung tâm chỉ huy và kiểm soát của chế độ Saddam Hussein. Hơn 5.000 cuộc không kích đã diễn ra, hàng ngàn binh sĩ Iraq đã đầu hàng và nhiều binh sỹ rời khỏi trận địa, đơn vị của họ bị tan rã. Tuy nhiên, vẫn có những cận vệ gần gũi nhất với Saddam, những người đang kháng cự và sẽ kháng cự mạnh mẽ. Đó là những chiến binh cảm tử, những kẻ bị người dân địa phương căm ghét. Do đó, những ngày khó khăn đang chờ đợi chúng tôi ở phía trước, nhưng chiến lược và lịch trình vẫn đang được tiến hành theo đúng kế hoạch.
Cộng đồng chung châu Âu bắt đầu bằng một thảm kịch. Tôi đã đến Brussels vào đêm khuya thứ Năm. Ngày 20 tháng 3, chúng tôi nghỉ đêm tại nhà Đại sứ Anh quốc, một ngôi nhà cổ xinh xắn kiểu Brussel thế kỷ XIX nằm ở khu thượng. Ở Brussels có nhiều khu rất đẹp (tiếc là không có bất kỳ tòa nhà nào của Liên minh châu Âu) và căn nhà này nằm ở một trong những khu như thế. Đó là một kiểu kiến trúc rất điển hình giữa thế kỷ XIX, với các phòng lớn, trần nhà cao và những cánh cửa đôi cao, thanh mảnh.
Tôi bị đánh thức dậy vào sáng sớm ngày thứ Sáu để nghe tin tám thủy quân lục chiến Anh và 4 binh sỹ Mỹ đã bị thiệt mạng trong một vụ va chạm máy bay trực thăng tại Kuwait. Đó là một dấu hiệu đáng ngại. Cho tới thời điểm đó, tại các căn cứ kết hợp ở Kosovo, Sierra Leone và Afghanistan, chúng tôi mới chỉ thiệt hại một số binh sĩ. Trong tôi dấy lên một cảm giác khủng khiếp rằng tình hình sẽ trở nên rất, rất khó khăn. Như mọi lần, tôi lại tưởng tượng cảnh các gia đình, những tiếng gõ cửa, các góa phụ đau buồn, trẻ em mồ côi cha, những bi kịch tột cùng đối với tất cả mọi người.
Cả Jacques Chirac và Gerhard Schroeder đến gặp tôi trước khi bắt đầu cuộc họp Hội đồng để bày tỏ lời chia buồn chân thành và cảm động. Tôi rất biết ơn họ về điều đó. Điều này cũng cho chúng tôi cơ hội được thảo luận về cách thức liên kết cộng đồng quốc tế lại với nhau.
Mục tiêu của tôi là thuyết phục Mỹ rằng ngay sau khi trận chiến kết thúc, toàn bộ tiến trình chính trị nên được đặt dưới quyền kiểm soát của LHQ. Sau đó, họ có thể giám sát các cuộc bầu cử. Họ sẽ có quyền ra quyết định chính thức, ngay cả khi rõ ràng sức mạnh thực tế thuộc về Mỹ. Sau đó chúng tôi có thể nói: Thôi được, chúng ta tất cả không đồng ý loại bỏ Saddam. Nhưng bây giờ ông ta đã chết, hãy đồng ý rằng tất cả chúng ta đều quan tâm đến một đất nước Iraq hòa bình, ổn định và thân thiện.
Về vấn đề này, phía Hội đồng đã đưa ra các ý kiến tốt hơn dự kiến. Hội đồng đã nhất trí nguồn lợi tức về dầu mỏ cần được uỷ thác cho LHQ gìn giữ cho người dân Iraq. Hội đồng đã thống nhất rằng LHQ cần phải có một sứ mệnh mạnh mẽ trong thời kỳ hậu xung đột và rằng Chính phủ lâm thời mới, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua, nên đại diện cho tất cả các thành phần chính kiến của Iraq. Kể từ những năm 1960, người Shia (chiếm 60% dân số) và người Kurd (chiếm 20%) đã bị gạt ra khỏi quyền lực một cách triệt để thì bây giờ là cơ hội cho họ tham gia vào các hoạt động của đất nước mình.
Việc thuyết phục Mỹ khó khăn hơn. Colin Powell đã nhận được rất nhiều ủng hộ vì những lý do giống như tôi. Dick Cheney, Donald Rumsfeld và nhiều quan chức trong Chính phủ nghĩ rằng bộ máy hành chính cồng kềnh của LHQ sẽ chỉ làm mọi chuyện rắc rối thêm. Nhiệm vụ quan trọng hơn bao giờ hết là thuyết phục George. Chúng tôi có kế hoạch gặp gỡ nhau ngày 27 tháng 3. Tôi viết cho ông một bức thư chi tiết giải thích lý do tại sao LHQ phải tham gia vào vấn đề này. Tôi nhấn mạnh một lần nữa tầm quan trọng của tiến trình hòa bình Trung Đông. Khi gặp nhau tại trại David, chúng tôi đã thông qua từng dòng trong bức thư. Sau khi nghiên cứu bức thư một cách cẩn thận, ông đã xuống nước đồng ý đứng một bên LHQ. Điều này có vẻ tốt đẹp đơn giản, nhưng thực tế, đó là cả một cuộc đấu tranh để làm rõ bản chất của vấn đề.
Người Mỹ tin rằng LHQ đang làm kỳ đà cản mũi còn tôi tin rằng việc xây dựng một liên minh để giành chiến thắng là cần thiết và LHQ chính là xương sống của một liên minh như vậy. Đây không phải chỉ là vấn đề tiến hành một cuộc chiến tranh, cũng không phải là một cuộc chiến tranh thông thường mà là một cuộc chiến dịch du kích. Đã từng có rất nhiều các cuộc chiến tranh du kích trước đây nhưng bây giờ, với công nghệ, tin tức và phương tiện truyền thông hiện đại, thực tế của chiến tranh được hiển hiện hàng ngày hàng giờ, thậm chí trong phòng khách của mỗi gia đình trên khắp thế giới. Đó là mục tiêu của sự chú ý. Những gì mà khán giả nhìn thấy − và hơn hết, những lăng kính mà qua đó họ nhìn thấy, là một thành phần quan trọng quyết định người thắng, kẻ thua. Tất nhiên, dư luận luôn đóng một phần trong chiến tranh, nhưng giờ đây, truyền thông cũng nằm vùng với quân đội ở tuyến đầu. Mọi sự kiện đều có thể bình luận trực tiếp. Các cảnh quay không chỉ rộng hơn, mà còn có tính chất hoàn toàn khác so với những gì đã có trước đó. Đôi khi tôi tự hỏi liệu các cuộc chiến tranh trong quá khứ, bao gồm cả chiến tranh thế giới II, có thể diễn ra như vậy hay không nếu có các phương tiện truyền thông cùng với công nghệ của ngày hôm nay. Hãy nghĩ về những địa danh như Dresden hay Hiroshima.
Vấn đề là ở chỗ tác động trực quan của thực tế cuộc chiến hoàn toàn che khuất những phân tích, bối cảnh hoặc những lý giải. Nó trở thành một câu chuyện riêng của cuộc chiến bởi những hình ảnh quá gây sốc. Trong những hoàn cảnh đó, điều cốt yếu là câu chuyện lý giải tại sao chúng tôi làm điều đó, mục tiêu, mục đích là gì, lý lẽ đạo đức cũng như lý giải về chính trị địa lý, rất rõ ràng và được tương đối đồng ý và chấp nhận, miễn sao điều đó có thể áp đảo ảnh hưởng của truyền hình về cuộc chiến.
Điều này đúng với bất kỳ cam kết quân sự hiện đại nào. Đó là lý do tại sao việc xây dựng một liên minh nhằm lật đổ Saddam lại quan trọng và đó cũng là lý do tại sao, trên tất cả, việc tái hợp cộng đồng quốc tế hậu Saddam càng quan trọng hơn. Nếu vấn đề Iraq thời kỳ hậu Saddam có thể trở thành một nhiệm vụ chung cho tất cả chúng tôi, thì đúng là sẽ có những vấn đề phiền hà xoay quay bộ máy hành chính cồng kềnh của LHQ, nhưng bù lại sẽ có sự tham gia đáng kể của cộng đồng quốc tế. Hoặc, ít nhất, triển vọng về điều đó sẽ lớn hơn.
Rất khó có thể thuyết phục được George và thậm chí Dick còn khó khăn hơn nữa. Nhưng cuối cùng, chúng tôi cũng có được sự đồng thuận “về nguyên tắc” rằng LHQ nên vào cuộc.
Tôi đã cố gắng gỡ dần hàng rào ngăn cách bằng việc từ trại David đi thẳng đến New York để gặp Kofi Annan. Tôi luôn tôn kính và có thiện cảm với Kofi. Tầm ảnh hưởng của ông trên khắp Iraq là điều không thể hình dung hết. Ông đã cố gắng hết sức để lèo lái cuộc chiến hợp lý. Tôi dám chắc, về cá nhân, ông phản đối hành động sử dụng vũ lực, nhưng ông đã hoàn toàn nhìn thấy ý nghĩa vai trò của việc LHQ trở lại và rất biết ơn tôi đã thực hiện các nỗ lực để gặp gỡ và tham khảo ý kiến ông.
Nhờ việc những lời chỉ trích thường xuyên đối với LHQ bị loại trừ và vì điều đó cung cấp cho bộ trưởng Phát triển quốc tế Clare Short một lý do mơ hồ về việc xin từ chức một vài tuần sau đó, thì cần chỉ ra rằng ngay từ đầu Kofi đã nói rõ là ông không tìm kiếm vai trò ‘dẫn đầu” của LHQ trong vấn đề này. Ông muốn LHQ ở trung tâm mọi việc, nhưng cũng nghĩ rằng không có cách nào khiến LHQ có thể đi đầu cho đến khi đất nước ổn định. Những gì ông muốn − vai trò “trung tâm” hay “vai trò quan trọng,” − là những gì ông nhận được.
Thời gian sau đó là những cuộc họp liên tục, cập nhật, đàm phán qua điện thoại và các bên đã đạt được những bước tiến ổn định về các lực lượng thực địa.
Tôi đã gặp gỡ nhóm nòng cốt bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng, những người đứng đầu cơ quan tình báo, Jack Straw và Geoff Hoon vào sáng sớm và sau đó họp Nội các Chiến tranh lúc 9 giờ. Các cuộc họp Nội các Chiến tranh được đánh dấu bằng việc Clare vẫn tiếp tục băn khoăn liệu bà ấy nên ở lại trong Chính phủ hay nên từ chức và từng vấn đề được thảo luận rất chi tiết. Tôi đã cố gắng hướng cuộc họp vào trọng tâm, nhưng thú thực điều này rất khó. Mặc dù vậy, tất cả mọi người đều bị lôi cuốn vào cuộc họp. Có một báo cáo nhận được sự ủng hộ của một số các nhân vật chủ chốt của các tổ chức dân sự mô tả rằng các sai lầm tại Iraq là do thiếu sự thảo luận thẳng thắn và đầy đủ ở nội các mở rộng. Điều này thực sự vô nghĩa. Tôi đã không có mặt trong chiến tranh thế giới II hoặc Falklands, nhưng nếu Winston Churchill, Margaret Thatcher đã từng làm mọi thứ thông qua các cuộc họp Nội các chính thức, thì tôi sẽ “đi đầu xuống đất”. Nó giống như bất kỳ bước đi nào của cuộc sống – bạn không thể quyết định dựa trên số đông. Bạn có thể tranh luận, thảo luận và tiếp thu quan điểm theo cách đó, nhưng bạn không thể tiến hành một cuộc chiến tranh, vận hành một tổ chức hoặc một công ty theo cách đó. Đơn giản là vì điều đó không áp dụng được, ít nhất, không phải theo kinh nghiệm của tôi. Nhưng cũng có thể đó là lỗi của tôi.
Các lực lượng Anh và Mỹ đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Thật vậy, từ ngày bắt đầu hành động 19 tháng 3 đến ngày Chính phủ của Saddam hoàn toàn bị vô hiệu hóa chỉ mất chưa đầy hai tháng. Thực tế, ngày 14 tháng Tư, trong một tuyên bố với Hạ nghị viện, tôi đã nói rằng mặc dù cuộc xung đột chưa kết thúc, nhưng về bản chất chế độ của Saddam đã sụp đổ. Đó là một chiến dịch được thực hiện bài bản và nhanh chóng chưa từng có. Tôi tóm tắt những gì đã đạt được cho tới thời điểm đó:
Nam Iraq hiện nay chủ yếu nằm dưới quyền kiểm soát của Anh. Khu vực phía tây an toàn và tại thị trấn chính Al Qaim tranh chấp đang giảm. Ở phía Bắc, lực lượng người Kurd đã rút khỏi Kirkuk và Mosul, để lại quyền kiểm soát cho Mỹ. Lực lượng Mỹ đang tập kết quanh Tikrit. Họ đang gặp phải một số kháng cự. Tuy nhiên, về bản chất, khắp đất nước Iraq, lực lượng của Saddam đã sụp đổ. Phần lớn những tranh chấp còn lại, đặc biệt là ở Baghdad, đang được các lực lượng nước ngoài không chính quy giải quyết. Ngay chính tại Baghdad, người Mỹ đã kiểm soát hầu hết các phố, nhưng chưa phải tất cả.
Rõ ràng, vấn đề bây giờ là tình hình hỗn loạn sau khi chế độ độc tài sụp đổ. Nói một cách thẳng thắn, sự rối loạn này là điều không thể tránh khỏi. Nó sẽ xảy ra trong bất kỳ tình huống nào khi hệ thống chính quyền và cảnh sát tàn bạo, trong suốt 30 năm đã khủng bố và kiểm soát dân chúng, bỗng nhiên bị lật đổ. Cướp bóc diễn ra cũng là nhằm vào các mục tiêu cụ thể của chế độ, bao gồm cả các bệnh viện được sử dụng cho mục đích riêng của hệ thống cai trị. Nhưng đó là một tình huống nghiêm trọng và chúng tôi cần phải khẩn trương kiểm soát tình hình.
Basra cho thấy các vấn đề ban đầu có thể được khắc phục. Tôi đặc biệt tự hào về vai trò mà các lực lượng Anh, dưới sự lãnh đạo của Thiếu tướng Robin, đóng góp ở Basra.
Các kỹ thuật viên và nhà quản lý Iraq đang tự “quảng bá” mình với các lực lượng Anh.Chúng tôi đang cùng nhau khôi phục lại các dịch vụ quan trọng. Hầu hết các phòng khám y tế công cộng đang hoạt động trở lại. Lực lượng quân đội Anh đã phục hồi lại Bệnh viện đa khoa Al Basra và cung cấp các hỗ trợ y tế khác ở những nơi mà họ có thể. Khoảng 200 cảnh sát đã được huy động cho việc này. Tuần tra chung bắt đầu vào ngày 13 tháng 4. Ở các thị trấn lân cận, tình trạng cướp bóc đã chấm dứt hoặc đang giảm dần, tuần tra địa phương đang được tái lập và việc phối hợp với các hội đồng thành phố tiến triển khá tốt.
Con số thương vong cho một chiến dịch quân sự như vậy về phía nước Anh là không lớn – gần 30 sĩ quan hy sinh, thực sự đáng buồn, nhưng số lượng thiệt hại như vậy là thấp so với sứ mạng có tầm vóc như thế này.
Khi quân đội di chuyển qua miền nam, vừa kiềm chế sự kháng cự của người dân Iraq khu vực này và truy quét bất kỳ thành phần ly khai nào, đồng thời họ đã sửa chữa hạ tầng cơ sở như cầu, hệ thống điện, nước nhờ sự xuất sắc của đơn vị kỹ thuật hỗ trợ. Kế hoạch chi tiết đã được xây dựng để phục vụ cho các hoạt động tái thiết và sửa chữa. Mặc dù thái độ của Clare đã cản trở những nỗ lực dân sự, nhưng cam kết của quân đội đã bù đắp rất nhiều cho điều đó và trong bất kỳ trường hợp nào, nói một cách thẳng thắn, mọi thiếu sót của Clare đều có thể khắc phục được một cách dễ dàng, với tình hình an ninh được duy trì rất khả quan.
Những nỗ lực của Mỹ, thông qua Văn phòng Tái thiết và Hỗ trợ nhân đạo (ORHA), là một mớ hỗn độn. Mặt khác, cho đến khi lực lượng quân đội của Mỹ vào Baghdad và thực sự chứng kiến cuộc sống nơi đây thì dường như những gì họ có thể làm cũng giảm đi đôi chút. Tôi sẽ phân tích những nỗ lực đó tiến triển như thế nào. Nhưng ngay từ đầu, chúng ta nên biết rằng nếu nói lý do cho những khó khăn chồng chất tiếp theo là do thất bại của việc lập kế hoạch, liên quan đến năng lực dân sự nhằm xây dựng lại Iraq thì quá đơn giản. Điều đó không đúng. Thực tế đó là với tiền bạc và nỗ lực cam kết, bất kỳ sai sót nào cũng sẽ được khắc phục, nếu vấn đề đó liên quan đến hành chính hoặc nạn quan liêu. Sai sót thuộc về bên an ninh. Một số quyết định dân sự dường như chẳng có tác dụng và tôi sẽ nói về điều này sau. Nhưng quan điểm cho rằng đó là gốc rễ của vấn đề là hoàn toàn sai sự thật và ảo tưởng. Tôi e rằng bởi vì để rút kinh nghiệm cho các cuộc xung đột sau này, chúng ta phải nhận thức được những hạn chế của phương pháp tiếp cận đó. Việc tái thiết một đất nước rất quan trọng và cần thiết. Nó không thể diễn ra trong một môi trường bạo lực. Tôi thấy điều đó ở Iraq và Afghanistan. Tôi cũng nhìn thấy nó ở Gaza và khu vực Bờ Tây.
Vấn đề là nếu công tác chuẩn bị tốt hơn thì tình hình an ninh ở đó có thể tốt hơn hay không. Nếu sự chuẩn bị đó kéo theo nhiều lực lượng quân đội khác nhau tập kết tại Baghdad và những vùng lân cận, thì điều đó có thể đúng. Nhưng ở miền Nam, nơi đang có sự hiện hữu của quân đội Anh và chẳng bao lâu nữa sẽ có sự tham gia của 20.000 quân từ các quốc gia khác, thì điều đó chưa rõ lắm. Năm 2003, tình hình miền Nam Iraq tương đối yên ổn.
Nhưng tôi nghi ngờ việc bất kỳ thay đổi nào có thể ngăn chặn được các phần tử al-Qaeda và Iran mới nổi; và chính những nhân tố này trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2007 đã suýt đẩy quốc gia này xuống vực thẳm.
Trong những tuần đầu tiên, mọi việc dường như diễn ra theo kế hoạch. Chế độ đã không có hỗ trợ cho số đông dân chúng. Nhiều thị trấn tự tuyên bố mở cửa cho các lực lượng liên minh. Các nhóm tàn quân vẫn tiếp tục chiến đấu, nhưng không có cơ sở địa phương hỗ trợ, nên nhanh chóng bị loại bỏ và phía Nam – Shia và những phần tử chống Saddam khét tiếng – đã nhanh chóng bị chinh phục. Thật vậy, trước ngày 12 tháng 4, các nhóm cảnh sát địa phương đã tiếp tục hoạt động trở lại ở Basra.
Các quan chức đảng Baath bị bắt hoặc đầu hàng lực lượng Hoa Kỳ. Khi nhà tù khét tiếng Abu Ghraib – khi đó đã rất nổi tiếng và sau này còn nổi hơn – bị chiếm, người ta thấy nhà tù trống trơn. Saddam đã thả tất cả các tù nhân, ít nhất là các thành phần tội phạm. Đáng lẽ thông tin tình báo rằng Saddam đã cho phép al-Qaeda thiết lập một cơ sở bên trong Iraq vào đầu năm 2003 phải cảnh báo chúng tôi rằng chiến thuật của ông ta không phải nhằm chống lại siêu lực lượng của chúng tôi mà là để đất nước bị xâm chiếm và sau đó cố khiến đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn. Tới cuối tháng 4, một triệu người hành hương Shia đã tới tham dự lễ hội chính của người Shia ở Karbala, đó là điều mà trong thời Saddam bị cấm.
Ngày 27 và 28 tháng 4, mọi chuyện tạm thời yên ắng ngay cả ở Baghdad, yên ắng đủ để Tướng Garner, người đứng đầu ORHA có thể tổ chức một cuộc họp chính trị và tái thiết đất nước với hơn 200 đại biểu Iraq và đại diện của các quốc gia lực lượng liên minh. Vào cuối tháng 6, hội đồng chính trị mới của thành phố Basra được thành lập.
Trước đó, tôi đã đến thăm Basra ngày 29 tháng 5. Quân đội Anh đã rất xuất sắc. Tôi thấy các lực lượng tại Phủ tổng thống và sau đó tại cảng Umm Qasr. Cảng đã từng bị đóng cửa và giờ đang chuẩn bị được mở lại. Tiềm năng của cảng này rất lớn và không hề được phát huy trong suốt thời gian cầm quyền của Saddam. Đáng lẽ khu vực cảng này phải là một trong những cảng lớn nhất thế giới (nó đã từng như vậy trong thời hoàng kim của Iraq cổ xưa). Thời điểm đó, ngay trước khi rời nhiệm kỳ năm 2007, tôi đã thực hiện một bài phát biểu tại Emirates và dự đoán rằng Basra trong tương lai có thể giống như Dubai hay Abu Dhabi, điều đó đã khiến tôi bị nhiều người chế giễu. Nhưng sự thật hoàn toàn có thể và hôm nay người ta dự kiến hiệu suất của cảng sẽ tăng gấp đôi trong ba năm tới, sau khi đã tăng đáng kể so với dưới thời của Saddam.
Tôi đến thăm một trường học mới được quân đội Anh nâng cấp. Basra yên tĩnh và thanh bình. Ngược lên Baghdad, bức tượng Saddam bị giật đổ khỏi bệ và phá vụn. Đó là một khoảnh khắc tuyệt vời. Thật ngớ ngẩn, tôi trả lời phỏng vấn tờ The Sun và để mình bị kéo vào một nhận xét khoe khoang về việc suýt nữa thì tôi bị “truất ngôi” trong cuộc chiến. (Bạn có thể nghĩ việc đó ít quan trọng hơn nhiều so với những người lính mất mạng hoặc mạo hiểm cuộc sống của họ). Nhưng rút cục, tại thời điểm đó, chiến dịch rất khó khăn và căng thẳng, nhưng đã thành công và trôi qua nhanh. Đến cuối tháng, khoảng 500 binh sĩ liên minh đã bị thiệt mạng, hơn 400 trong số đó là lính Mỹ và khoảng 8.000 lính Iraq đã bị thiệt mạng, một con số khá đáng kể trong tổng số lính đã tham chiến của họ.
Thảm họa nhân đạo đã không xảy ra. Các mỏ dầu đã được bảo vệ. Sự kháng cự của lực lượng theo Saddam bị sụp đổ. Những cảnh báo về định mệnh đã lạc hướng.
Chúng tôi nghĩ rằng mình đang ở giai đoạn cuối của chiến dịch quân sự quan trọng. Song trên thực tế, chúng tôi mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu của thứ mà sau đó đã chuyển biến thành một giai đoạn hoạt động khác hẳn, nhưng lần này rất khó khăn, đẫm máu, kéo dài và trong những năm tháng đó, có những chúng tôi chẳng dám chắc về tương lai, thậm chí ngay hiện tại cũng mong manh.
Trong giai đoạn này, việc thiếu vắng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong quyết định ban đầu và quyền lợi đảm bảo bất di bất địch của nhiều người để chứng minh rằng việc đó là một sai lầm, đã cực lực chống lại chúng tôi. Tôi đã nếm trải điều này trong một chuyến thăm Nga vào cuối tháng 4. Vladimir Putin đã phát động một cuộc tấn công cay độc tại buổi họp báo, thực sự bằng cách sử dụng nước Anh như người đại diện cho Mỹ và rồi sau đó trong bữa tối, chúng tôi đã có một cuộc tranh luận căng thẳng gần như nảy lửa. Putin đã bị thuyết phục rằng nước Mỹ được xếp đặt trong một quá trình đơn phương, không phải vì mục đích thực tế tốt đẹp, mà là vấn đề về nguyên tắc. Ông nhắc đi nhắc lại rằng “Giả sử chúng tôi hành động chống lại Georgia, là cơ sở của chủ nghĩa khủng bố chống lại nước Nga – ngài sẽ nói gì nếu như chúng tôi loại trừ Georgia? Ấy thế mà người Mỹ nghĩ rằng họ có thể làm bất cứ điều gì với bất cứ ai mà họ muốn. Chechnya là một ví dụ khác, mặc dù như tôi đã chỉ ra, tôi đã thực sự ủng hộ việc đàn áp khủng bố ở đó.”
Sau đó tôi nhận ra ông ấy có cảm giác sâu sắc rằng Nga đã bị Mỹ qua mặt và quả quyết rằng rồi cuối cùng họ sẽ thấy đó là một sai lầm. Khó khăn là ở chỗ tôi không đồng tình lắm với ông ấy về chủ nghĩa đơn phương. Sự thật là tranh chấp giữa Ấn độ và Pakistan về vấn đề Kashmir đã nổ ra thành bạo lực không thường xuyên và có khủng bố ở Pakistan. Nhưng, dù cho các thành phần của các tổ chức Nhà nước có thể tham gia vào, thì cũng khó có thể nói rằng Chính phủ Pakistan là một Chính phủ khủng bố, hay Pakistan là một Nhà nước bất hảo. Vấn đề của Trung Quốc với Đài Loan là vấn để thống nhất nội bộ Trung Quốc. Đó là không thực sự là một mối đe dọa từ bên ngoài đối với bất kỳ ai. Chechnya cũng rơi vào tình trạng tương tự, nhưng nói một cách thẳng thắn nếu Mỹ hoặc Anh can thiệp vào vấn đề Iraq sâu sắc như Nga tại Chechnya, thì chắc chắn tình trạng hỗn loạn sẽ xảy ra.
Tôi tôn trọng Vladimir vì ông đã nói thẳng suy nghĩ của mình. Mặc dù chúng tôi bất đồng quan điểm nhưng vẫn giữ một thái độ cởi mở. Tuy nhiên, cơ hội để tiến tới một mối quan hệ đối tác Mỹ - Nga thực sự mạnh mẽ đã mất. Nếu tôi là Mỹ, tôi sẽ không cho phép điều tương tự xảy ra với Trung Quốc. Hãy ràng buộc họ lại và đối xử với họ một cách bình đẳng, không phải chỉ về hình thức mà là cả về bản chất.
Có một vấn đề cấp bách và đáng hổ thẹn hơn. Chúng tôi đã hành động tích cực để tìm kiếm các vũ khí hủy diệt hàng loạt. Chúng tôi chắc chắn rằng mình sẽ tìm thấy chúng. Đấy là khoảnh khắc mà tôi chờ đợi. Khoảnh khắc đó sẽ đánh dấu một sự kiện lớn.
Khi quân đội tiến sâu hơn vào Iraq, chúng tôi nhận được báo cáo hàng ngày. Đôi khi, chúng tôi cố gắng kiểm tra các nhà máy hoặc các địa điểm và gặp trở ngại. Lần khác, chúng tôi nghĩ đã tìm thấy gì đó nhưng lại thất vọng. Tuần lại tuần trôi qua, tôi càng ngày càng trở nên sốt ruột. Vào trước chuyến thăm Basra cuối tháng 5, Donald Rumsfeld đã không nhiệt tình lắm và cho rằng chúng tôi sẽ không bao giờ có thể tìm thấy vũ khí hủy diệt hàng loạt, một dự đoán mà hóa ra là đúng nhưng cần phải được xử lý một cách thận trọng.
Khi ở Basra, tôi gặp Jerry Bremer, người vừa mới tiếp quản việc vận hành ORHA, sắp tới sẽ là Cơ quan Liên minh Tạm thời (CPA). Tôi nói với ông ta rằng không nên ngần ngại yêu cầu hỗ trợ từ chúng tôi và khuyên ông ta sử dụng chiến thuật tương tự với lãnh đạo của mình. “Đừng ngại,” tôi nói. “Nếu anh cần điều gì, anh phải nói. Tôi sẽ hỗ trợ anh và chắc rằng ngài chủ tịch của anh cũng vậy.” Không ngạc nhiên khi ông ta có vẻ hơi choáng, nhưng dường như ông ta là người rất chắc chắn và được việc.
Tuy nhiên, sau cuộc nói chuyện đó, tôi nỗ lực gấp đôi trong việc giúp đỡ, không chỉ trong lĩnh vực hoạt động ở Basra, mà còn ở tất cả các lĩnh vực khác mà chúng tôi có thể, nhằm hỗ trợ Mỹ với phần còn lại của đất nước. Điều này đã trở thành mối bận tâm chính của tôi trong những tháng sau đó.
Chuyến thăm đó thực sự là một cú đánh thức tỉnh. Mặc dù có thể thấy rất nhiều chương trình đang được thực hiện, chúng tôi có nguy cơ giành chiến thắng và sau đó sẽ mất đi sự bình yên. Mong đợi của người dân rất lớn. Sự phức tạp của cuộc sống bộ tộc và tôn giáo biểu hiện rõ. Đây là một thách thức rất lớn và không có bất cứ cứ lý do gì kể cả vì tự mãn để lẩn tránh.
Khi trở về, tôi đã triệu tập các bộ trưởng quan trọng và đã đưa ra một loạt chỉ đạo để chúng tôi giúp đỡ Mỹ tốt hơn. Chúng tôi đã nghĩ rằng họ sẽ đảm nhận khu vực miền trung Iraq và chúng tôi đảm nhận miền nam. Tôi nhận ra sau chuyến thăm rằng nếu họ không thành công, chúng tôi cũng sẽ thất bại. Tôi cử John Sawers, cựu cố vấn chính sách đối ngoại chủ chốt của tôi, tới Baghdad. Ông ấy cũng kết luận rằng chiến dịch của Mỹ cần sự thúc đẩy mạnh mẽ. Tôi cũng đã gửi một lưu ý mạnh mẽ tới George và sau đó chúng tôi nói chuyện qua điện thoại.
May mắn thay, ngày 22 tháng 5, LHQ đã nhất trí thông qua Nghị quyết 1483, nghị quyết đã mang đến cho LHQ một vai trò quan trọng trong tất cả các vấn đề liên quan đến sự phát triển của Iraq. Nó đưa chúng tôi trở lại con đường đa phương. Tôi đã đưa ra lý lẽ mạnh mẽ cho việc bổ nhiệm một đặc vụ hàng đầu của LHQ tới Baghdad. Sau khi cân nhắc, Kofi đã đồng ý. Theo sự đốc thúc của tôi, ông ấy đã chọn Sergio Vieira de Mello, ủy viên cao cấp về nhân quyền, một người giàu kinh nghiệm và những đóng góp hàng đầu.
Tuy nhiên, sự chú ý của tôi chẳng bao lâu chuyển hướng sang lĩnh vực khác. Ngày 29 tháng 5, chương trình Today (Hôm nay) của BBC tiết lộ câu chuyện được quan tâm hàng đầu từ phóng viên quốc phòng Andrew Gilligan. Trong câu chuyện, ông chú trọng đến tuyên bố 45 phút trong hồ sơ tháng Chín năm 2002. Như tôi đã nói, tuyên bố này nằm trong hồ sơ và ngày hôm sau, nó đã được một số báo nhấn mạnh dưới một hình thức mà đáng lẽ chúng ta khi nhìn lại, phải sửa chữa. Tuy nhiên, sau đó nó không còn được báo chí nhắc đến nữa.
Tuyên bố đó hoá ra là sai lầm. Ngoài ra, tôi hoặc ngài Ngoại trưởng và thực ra là cả JIC đều không biết đó là có một cuộc tranh luận nội bộ tại Bộ Quốc phòng về điều đó. Một trong những người tham gia trong cuộc tranh luận, mặc dù không trực tiếp chịu trách nhiệm về hồ sơ, là Tiến sĩ David Kelly, một chuyên gia tình báo Bộ Quốc phòng với 20 năm kinh nghiệm.
Đài BBC đã không tuyên bố rằng ngành tình báo sai lầm trong vụ tuyên bố 45 phút. Gilligan nói rằng:
Điều mà một trong các quan chức cao cấp phụ trách xây dựng hồ sơ đã nói với chúng tôi là thật ra Chính phủ có lẽ đã biết rằng con số 45 phút là sai ngay cả trước khi Chính phủ quyết định đưa ra. Theo nguồn tin của chúng tôi, một tuần trước khi công bố, Phố Downing đã ra lệnh đánh bóng, làm nó thú vị hơn và bổ sung thêm nhiều dữ kiện.
Khó có thể có một cáo buộc nào gay gắt hoặc nghiêm trọng hơn tuyên bố này. Tình báo nhầm lẫn là một chuyện. Tình báo biết là nhầm lẫn nhưng vẫn công bố nó như là một dữ liệu chính xác là một vấn đề hoàn toàn khác. Đó không phải là một sai lầm, mà đó là vô đạo đức. Nhất là lại cáo buộc trực tiếp Số 10 phố Downing.
Khi xem xét năm vấn đề tách bạch nhau và tốn nhiều giấy mực của báo giới thì việc phải quay lại từng dữ liệu, từng luận điểm và cả những ảnh hưởng mà việc đó gây ra cho mọi người là một việc thực sự rất khó khăn. Tiến sĩ Kelly, một người đàn ông tốt và đáng kính đã mất đi mạng sống của mình. Hai lãnh đạo cao nhất của đài BBC, Greg Dyke và Gavyn Davies, phải từ chức. Alastair và nhiều quan chức đã trải qua nhiều tháng ngày như địa ngục vì đã có những lời khẳng định không đúng sự thật. Có lẽ sự toàn vẹn của riêng tôi không bao giờ được phục hồi từ đó. Hậu quả thật lớn. Hậu quả đó cũng kéo theo một vấn đề khác: sự khác biệt ý kiến về chiến tranh không còn là những tranh chấp bất đồng, mà là một tranh chấp luẩn quẩn về sự trung thực của những người tham gia. Một tình huống khó khăn đã trở thành một tình huống xấu.
Tất nhiên, như tôi đã nói, sự thật không thể tránh được đó là mặc dù Saddam chắc chắn có vũ khí hủy diệt hàng loạt, kể từ khi hắn sử dụng những vũ khí này, chúng tôi chưa bao giờ tìm thấy chúng. Tình báo hóa ra đã sai lầm. Nhưng đây cũng là điểm mà các mối quan hệ giữa chính trị và các phương tiện truyền thông hiện đại đóng một vai trò xúc tác rất quan trọng.
Các thông tin tình báo đã sai. Chúng tôi thừa nhận điều đó. Chúng tôi xin lỗi về điều đó. Thậm chí chúng tôi đã giải thích điều đó. Nhưng giải thích trên các phương tiện truyền thông ngày nay chưa bao giờ là đủ vì đó là một sự nhầm lẫn. Một sự nhầm lẫn nghiêm trọng. Con người đã phạm lỗi. Và, với lịch sử của Saddam, đó là một lỗi có thể hiểu được. Nhưng điều đó dẫn đến một tiêu đề mà không đáp ứng sự thèm khát các vụ bê bối hiện nay của giới truyền thông. Một lỗi lầm dường như không đủ hấp dẫn cho lắm. Vì vậy, người ta tìm kiếm một lời nói dối, một sự lừa dối, một hành động không phải là lỗi nữa mà là hành động phi pháp. Và vấn đề là, nếu điều này không có thì người ta hoặc là làm giả hoặc bịa ra nó.
Tôi không nói rằng chúng tôi xử lý tốt các cáo buộc. Nhưng đó là một quả pháo toàn cầu châm ngòi cho toàn bộ các lý thuyết âm mưu. Vào đúng lúc chúng tôi đang cần đoàn kết mọi người thì nó lại làm chia rẽ họ một cách rõ nét nhất có thể. Trước thời điểm đó, chúng tôi có sai sót, sau thời điểm đó, chúng tôi là những kẻ nói dối.
Các dữ kiện cơ bản, trên thực tế, rất đơn giản. Khi từng vấn đề lần lượt được tìm ra, mỗi một điểm nêu ra trong lần phát sóng ban đầu đều sai. Tuyên bố 45 phút đã không được bất cứ ai ở Phố Downing, hay trong Chính phủ đưa vào hồ sơ, ngoại trừ JIC. Chúng tôi đã không thể “biết điều này là sai” và chẳng ai biết cả. Chúng tôi không bao giờ ra lệnh là hồ sơ cần phải được đánh bóng, cường điệu lên. Tiến sĩ Kelly không phải là một trong những quan chức tham gia vào việc đó.
Tệ hơn nữa, Gilligan sau đó tiếp tục, trong một bài báo trên tạp chí Mail số ra ngày Chủ nhật, cáo buộc rằng Alastair là tác giả của toàn bộ tuyên bố này, tức là Al đã bịa ra nó, một cáo buộc đẩy Alastair lên hàng đầu của tất cả các cuộc biểu tình chống chiến tranh và thật là một việc khó tin, trừ phi bạn thực sự chắc chắn đó là sự thật, nhưng tất nhiên điều này hoàn toàn sai trái và đến lúc đó chính chúng tôi và JIC phải đứng lên và phủ nhận điều đó.
Chúng ta không bao giờ biết rõ liệu có hay không việc Tiến sĩ Kelly, người đã phủ nhận cáo buộc mặc dù ông thừa nhận từng nói chuyện với Gilligan, có tóm tắt cho ông ta về những lý lẽ để biện minh cho câu chuyện này hay không.
Nhưng những gì diễn ra tiếp theo đã tạo một mối tương tác giữa chúng tôi và các phương tiện truyền thông trong những năm sau đó. Mối quan hệ giữa bản thân tôi và BBC chưa bao giờ thực sự được phục hồi và các phương tiện truyền thông sau chuyện đó không có giới hạn.
Vấn đề là hệ thống phân cấp của BBC không thấy rằng đó không phải là một cáo buộc mà chúng tôi có thể bỏ qua. Hãy nghĩ xem, nếu các nhà lãnh đạo chính trị cứ phải đuổi theo mỗi câu chuyện sai lầm hoặc bị bóp méo về động cơ của họ, thì họ sẽ trở thành những chuyên viên phụ trách chất lượng của các thông cáo báo chí toàn thời gian. Nhưng điều này khác nhau về bản chất. Người ta phải gắn bó cả đời với Iraq. Họ có thể tha thứ cho một lỗi. Họ không thể tha thứ cho một sự lừa dối. Ngoài ra, điều đó có nghĩa là tôi đã cố tình lừa dối Hạ viện, điều đó đồng nghĩa với việc từ chức và nhục nhã.
Ngay từ đầu, tôi đã cố gắng để Greg và Gavyn xem xét vấn đề. Đây là lúc mà tình bạn của tôi với cả hai là một trở ngại chứ không phải là một sự trợ giúp. Tạp chí Mail đã tiến hành một chiến dịch nhằm vào họ như những vai phụ. Họ muốn chứng minh sự độc lập của mình. Cá nhân Greg cũng phản đối chiến tranh và thực sự không thấy rằng với vai trò là Tổng giám đốc của BBC, ông phải duy trì quan điểm trung lập.
Tất cả những điều mà tôi cần là họ phải chấp nhận rằng câu chuyện hoàn toàn là bịa đặt. Họ có thể tấn công Chính phủ nếu muốn, nhưng những cáo buộc không chính xác nên được rút lại. Họ không làm như vậy. Gavyn nói đi nói lại rằng việc điều tra sự thật không phải là chức năng của các giám đốc BBC – một quan điểm kỳ lạ, vì đó chính xác là những gì mà họ đáng ra nên làm. Greg – người có thể trở nên rất bướng bỉnh – cố giữ quan điểm rằng việc phát sóng hoàn toàn đúng đắn bởi vì tuyên bố 45 phút là sai, đây là điều mà tôi vẫn thường nói là không phải vấn đề chính.
Dù sao, tôi có thể khiến các bạn chán ngấy lên bằng quan điểm của mình về vấn đề này và dĩ nhiên họ cũng có thể làm điều đó với tôi. Những gì xảy ra sau đó nghiêm trọng và bi thảm hơn nhiều.
Cáo buộc của Gilligan đã kéo đổ một loạt những người khác. Ủy ban Ngoại giao quyết định điều tra và chúng tôi phải bước vào một trận chiến sáu tháng vô cùng tốn thời gian, mệt mỏi, chán nản và mất nhiều công sức để lấy lại danh tiếng cho cả một tập thể.
Đầu tháng 7 mọi việc trở nên rõ ràng hơn rằng đâu là nguyên nhân cho câu chuyện của Gilligan. Tiến sĩ Kelly đã tự lên tiếng. Ông thừa nhận rằng mình cũng đã nói chuyện với Watts Susan của báo Newsnight, nhưng những bài báo của bà nhẹ hơn nhiều và không khích bác, dù những bài báo đó đã đưa ra một cáo buộc không đúng rằng có một cuộc tranh luận về tuyên bố 45 phút giữa tổ chức tình báo và phố Downing mà sự thực không phải như vậy. Chưa bao giờ có một cuộc thảo luận như thế về chủ đề này chúng tôi chỉ biết về điều đó khi JIC đưa nó vào hồ sơ.
Tôi sẽ không bao giờ biết chính xác điều gì đã khiến Tiến sĩ Kelly kết thúc cuộc sống của mình. Không ai có thể biết lý do đằng sau những điều này? Điều đó thật buồn, đáng tiếc và thật khủng khiếp. Ông đã trung thành và phục vụ đất nước tận tâm trong nhiều năm. Có lẽ, do không quen với sự căng thẳng do áp lực mà chương trình phát sóng của Gilligan tạo ra, ông cảm thấy bế tắc và có thể dễ bị tổn thương với kỷ luật nội bộ nếu vai trò của ông lộ ra. Tôi không biết và cũng chẳng nên suy đoán. Sau đó, tôi đã yêu cầu gặp gia đình ông tại Chequers, đó là những người rất đáng kính trọng và nhạy cảm. Sự trớ trêu kinh khủng là ở chỗ trong tất cả những tranh cãi đã xảy ra, chính tiến sĩ Kelly từ lâu đã là một trong những người ủng hộ việc loại bỏ Saddam.
Làm cách nào mà tên của tiến sĩ Kelly trở thành chủ đề một phần quan trọng trong điều tra của Hutton. Đó cũng là chủ đề của các cáo buộc độc địa của giới truyền thông, đặc biệt là đối đầu với Alastair. Báo chí đã gợi ý rằng ông đã vi phạm các hướng dẫn của Bộ Quốc phòng và làm rò rỉ thông tin. Ông không làm điều đó. Mọi việc chỉ đơn giản là khi chúng tôi biết đó là tiến sĩ Kelly và kể từ khi Uỷ ban Bộ Ngoại giao tham gia vào việc điều tra tuyên bố 45 phút và chương trình phát sóng, chúng tôi có nguy cơ bị cáo buộc tội che giấu, nếu biết nguồn rò rỉ thông tin và từ chối nói ra. Trên thực tế, toàn bộ sự việc được xử lý bởi những người quản lý liên ngành của tiến sĩ Kelly theo yêu cầu của tôi như thư ký thường trực Bộ Quốc phòng, Kevin Tebbit, Điều phối viên tình báo và an ninh David Omand của Văn phòng Nội các. Tên của ông được tung ra vào ngày 10 tháng 7 và không có gì ngạc nhiên, ngay lập tức, Ủy ban Ngoại giao cho biết họ sẽ chất vấn ông.
Ngày 15 tháng 7, ông được phỏng vấn. Ông phủ nhận việc mình có thể là nguồn gốc của câu chuyện Gilligan, bởi vì ông đã tranh cãi điều đó. Cụ thể, ông cho biết mình chưa bao giờ nghĩ hoặc nói rằng Alastair chịu trách nhiệm về việc bóp méo hồ sơ. Ủy ban Tình báo và An ninh (ISC) cũng tiến hành điều tra riêng. Ông cũng phải đưa ra bằng chứng cho họ và trong quá trình đó ông cho biết mình nghĩ rằng hồ sơ phản ánh công bằng tình trạng của tình báo, có thể sử dụng và được trình bày rất khôn ngoan và thực tế.
Tôi đã có một bài chất vấn Thủ tướng nháp trên mặt sau của nó ngày 16 tháng 7. Đài BBC đã từ chối nói tiến sĩ Kelly có phải là nguồn cung cấp thông tin của họ không. Ủy ban Ngoại giao đã quyết định rằng ông không phải là nguồn gốc thông tin và khiển trách Chính phủ. Tôi đã rất bực mình với lý lẽ của BBC. Họ có thể tổ chức tác nghiệp báo chí truyền thống mà không tiết lộ nguồn gốc cung cấp thông tin cho họ, nhưng rõ ràng đây là một trường hợp ngoại lệ. Trường hợp này, một người đang được mô tả nguồn đã cung cấp thông tin. Họ có thể xác nhận hoặc từ chối sự tham gia của mình. Họ không cần phải gọi tên đó là ai, nếu đó không phải là tiến sĩ Kelly. Chỉ cần nói rằng họ có một người khác. Nhưng, tất nhiên, họ đã không dám, vì nếu họ thừa nhận rằng chỉ có Tiến sĩ Kelly và vì ông đã từ chối nói những gì họ bị cáo buộc, họ sẽ phải ngừng phát sóng câu chuyện ban đầu và sẽ phải công khai xin lỗi nếu làm như vậy.
Tối hôm đó, tôi bay sang Mỹ. Ngày hôm sau tôi có bài phát biểu ở cả Hạ viện và Nghị viện. Đó là một thời khắc quan trọng. Tôi viết các bài phát biểu trên đường đi và buổi sáng hôm sau. Đó là một trong những bài phát biểu quan trọng nhất và thành công nhất mà tôi đã làm, theo đánh giá của cá nhân tôi.
... Đây là một trận chiến mà không thể chiến đấu hoặc chiến thắng bằng lực lượng vũ trang. Chúng ta sẽ mạnh hơn rất nhiều bằng tất cả các cách chiến đấu truyền thống, mạnh hơn những kẻ khủng bố, nhưng cho dù có mạnh hơn kẻ thù đi chăng nữa, chúng ta cũng phải học được khiêm tốn. Chắc chắn, chúng ta không thể chiến thắng các thế lực thù địch chỉ bằng sức mạnh quân sự. Vũ khí tối thượng của chúng ta không phải là súng, mà là niềm tin.
Người ta vẫn đồn đoán rằng, mặc dù chúng ta yêu tự do, nhưng những kẻ khác thì không; rằng sự gắn bó của chúng ta với tự do là sản phẩm của nền văn hóa của chúng ta; tự do, dân chủ, nhân quyền, thể chế pháp luật là những giá trị của Mỹ, hay các giá trị của phương Tây; phụ nữ Afgha chấp nhận cuộc sống hà khắc của Taliban, Saddam ít nhiều cũng được người dân của mình ưa thích, Milosevic là vị cứu tinh của Serbia.
Kính thưa các vị, những giá trị của chúng ta không phải là những giá trị phương Tây, đó là những giá trị phổ quát của tinh thần con người. Và ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào những người dân thường đều có cơ hội lựa chọn: tự do, chứ không phải chế độ độc tài; dân chủ chứ không độc đoán cực đoan, các thể chế pháp luật chứ không phải là các quy tắc của cảnh sát bí mật.
Sự lan truyền tự do là là đảm bảo tốt nhất cho những người dân tự do. Đây là lời cuối cùng của chúng ta về tự vệ và là lời đầu tiên của chúng ta về tấn công. Và cũng giống như khủng bố tìm cách phân chia nhân loại trong thù hận, chúng ta phải thống nhất nhân loại xung quanh một ý tưởng. Và ý tưởng đó là tự do. Chúng ta phải tìm ra sức mạnh chiến đấu cho ý tưởng này và lòng trắc ẩn để khiến nó phổ quát. Abraham Lincoln đã nói, “Những người từ chối mang lại tự do cho người khác không xứng đáng để có nó.” Và chính ý nghĩa của sự công bằng đó đã làm cho tình yêu tự do mang ý nghĩa đạo đức.
Trong một số trường hợp khi an ninh của chúng ta bị đe dọa trực tiếp, chúng ta sẽ phải viện đến quân đội. Còn nếu không, chúng ta sẽ dựa vào sức mạnh của lý lẽ. Nhưng dù là gì đi chăng nữa thì sự tự do mà chúng ta đang tìm kiếm không phải là cho một số người, mà là cho tất cả mọi người, bởi vì đó là con đường đúng đắn duy nhất dẫn đến chiến thắng trong cuộc đấu tranh này.
Và đây không phải là một cuộc chiến tranh của các nền văn minh, bởi vì mỗi một nền văn minh đều có một khía cạnh độc đáo riêng để làm phong phú thêm cho kho tàng di sản của con người. Chúng ta đang đấu tranh cho quyền bất khả xâm phạm của nhân loại − người da màu hay da trắng, người theo đạo Cơ đốc hay không, người theo cánh tả hay cánh hữu v.v… đều có quyền được tự do, tự do để nuôi gia đình trong tình yêu và hy vọng, tự do để kiếm sống và được hưởng thành quả nỗ lực của mình,tự do để không quỳ gối trong sợ hãi trước bất cứ người nào, tự do là bản thân mình chừng nào mà điều đó không làm phương hại đến tự do của người khác. Đó là những gì mà vì nó chúng ta đang chiến đấu. Và đó là một trận chiến đáng chiến đấu.
Và tôi biết rằng sẽ rất khó khăn cho nước Mỹ và ở góc nhỏ của đất nước rộng lớn này, ngoài Nevada hay Idaho hoặc những nơi mà tôi chưa bao giờ đặt chân tới, nhưng luôn muốn lên đường đến, tôi biết ở đó có một ai đó đang sống rất hạnh phúc, làm việcvà đang nói với các ngài, các chính trị gia của đất nước này, “Tại sao tôi? Tại sao chúng ta? Tại sao lại là nước Mỹ?”
Và câu trả lời duy nhất là, “Bởi vì định mệnh đã đưa bạn đến nơi này của lịch sử, trong khoảnh khắc này và đây là nhiệm vụ của bạn.”
Và công việc của chúng tôi, đất nước của tôi dõi theo sự phát triển của các bạn, dân tộc chúng tôi đang chiến đấu bên các bạn và bây giờ chiến đấu cùng các bạn và hành trang cần có là niềm tự hào to lớn trong liên minh cộng với tình cảm tuyệt vời của chúng ta, công việc của chúng tôi là có mặt ở đó cùng các bạn. Nước Mỹ sẽ không đơn độc. Chúng tôi sẽ ở bên các bạn trong cuộc đấu tranh vì tự do này. Và nếu tinh thần của chúng tôi là đúng đắn và lòng can đảm của chúng tôi là chắc chắn, thì thế giới sẽ đứng về phía chúng ta.
Lễ đón tiếp thật nồng nhiệt. Thính giả đứng dậy và vỗ tay, tổng cộng đến 35 lần và cũng làm vậy với các diễn giả của mình.
Thời gian sau đó, các dân biểu và thượng nghị sĩ thường xuyên đề cập điều đó với tôi. Có điều là: đã có một cuộc tranh luận về điều đó và mặc dù Đảng Cộng Hòa yêu thích các công cụ bảo mật nghiêm khắc, thì Đảng Dân Chủ lại có thể đồng tình về chương trình nghị sự lớn hơn trong bài phát biểu liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, hòa bình Trung Đông, châu Phi và công bằng xã hội. Tuy nhiên, điều này phần nào đó cũng mô tả điểm yếu chính trị của tôi. Cánh hữu đồng ý một phần, cánh tả đồng ý một phần. Nhưng tổng thể thì chẳng được là bao!
Sau bài phát biểu, Cherie và tôi đã đi ăn tối với George và Laura, những người vô cùng lịch thiệp và hiếu khách. Tôi nghĩ rằng ông ấy thực sự ấn tượng với bài phát biểu và chúng tôi đã có một buổi tối thư giãn vui vẻ. Tại thời điểm đó, chúng tôi đã chiến thắng. Saddam đã bị loại trừ. Theo quan điểm của George, chế độ đã được thay đổi và tương đối dễ dàng. Theo tôi, LHQ đã được trở lại hợp tác và có triển vọng về sức mạnh đoàn kết của một cộng đồng quốc tế một lần nữa. Đó là buổi tối thoải mái cuối cùng dự tính về tình hình Iraq.
Chúng tôi ra về khá sớm. Alastair quay trở lại Anh. Tôi thì phải bay sang Nhật và Hàn Quốc để thăm 2 nước như đã hứa từ lâu. Cheire và tôi lái xe đến căn cứ không quân Andrews nằm ngoài Washington. Đó là một chuyến bay rất dài. Chúng tôi thay đồ và đi ngủ. Nửa đêm, David Manning đánh thức tôi dạy. “Tin rất xấu đây, thưa ngài,” ông nói.
David rất điềm đạm, đơn giản và là nhà tư vấn kiệt xuất, một người rất chân thật, trung thành và không mấy can đảm. Ông đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong toàn bộ vấn đề Iraq. Ông chuẩn bị sang Washington là đại sứ. “David Kelly được tìm thấy đã chết. Nghi ngờ là tự tử.” ông ấy nói. Đó thực sự là một khoảng khắc khó quên.
Tất nhiên, theo lý trí, thì đó chỉ là một bi kịch cá nhân. Điều này được lý giải bằng sức ép ông ta phải chịu đựng. Đó cũng có thể được coi là chuyện riêng. Nhưng không đời nào giới truyền thông của chúng tôi coi đó là “chuyện riêng” cả. Đó có thể được coi là một vụ giết người giống vụ Watergate. Nó khơi gợi mọi hành vi theo học thuyết âm mưu. Nó cho phép bất kỳ và mọi sự bịa đặt về ngữ cảnh, hậu trường và cốt truyện. Giới truyền thông sẽ tuyên bố đó là một vụ bê bối. Họ hoàn toàn có khả năng chắc chắn như vậy.
Tôi xem lại quyết định tiến hành chất vấn về cái chết của Tiến sĩ Kelly khi khởi hành chuyến bay đầy mệt mỏi băng qua Thái Bình Dương, bằng chiếc điện thoại không dây trên máy bay. Tôi nói chuyện với Charlie Falconer. Ông ấy đồng ý tìm một thẩm phán. Đó phải là một người thực sự hoàn hảo, công bằng, một người mà không ai có thể viện lý là có dính dáng đến Tuyên ngôn Lao động mới của Đảng Lao động hoặc thậm chí biết chúng tôi. Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ tiến hành công khai, mặc dù tôi chưa hề tính toán xem việc đó sẽ tốn kém bao nhiêu và sẽ kéo dài trong bao lâu. Cuối cùng, Charlie trở lại theo lời khuyên của Ngài Hutton, Nguyên thẩm phán Bắc Ireland, một nguyên lão pháp luật, một người hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của chúng tôi. Theo cách người ta mô tả, ông ta quả thực là người hoàn toàn chính trực. Chúng tôi đã lựa chọn ông ta ngay lập tức vào thời điểm đó.
Có thể tôi chỉ nên tranh đấu cho tới khi ngã ngũ. Có thể tôi chỉ nên tìm cách tránh bị lấn át bởi tính tàn bạo của sự công kích. Ngay từ đầu, bị loại bỏ bởi sự công kích chính sách thực sự đối với Tuyên ngôn Lao động mới, sự công kích thay thế này với tư cách là một Chính phủ ‘thoái trào’, ‘giả dối’, hoặc như tôi, một kẻ nói dối’, đã thực sự ‘lên ngôi’. Đó là một phần của nền chính trị hiện đại đang hình thành: công kích cá nhân, chứ không phải tranh luận chính trị. Trong những hoàn cảnh bình thường, trong những cuộc tranh luận về vấn đề chính trị không có gì đặc biệt, những cuộc trao đổi mang tính tàn bạo này không kéo dài. Chính từ cuộc bầu cử năm 2001, phe Bảo thủ đã lần đầu tiên gọi tôi là ‘Bliar’ (kẻ nói dối).
Tuy nhiên, điều này có liên quan đến quyết định tham chiến. Trong trường hợp cá biệt này, liệu chúng tôi chỉ có thể cam chịu? Chúng tôi không có nghĩa vụ điều tra vụ này chăng? Có thể đúng, có thể không. Nhưng vào thời điểm đó, tôi cảm thấy: đủ rồi. Hãy để mọi việc được sáng tỏ. Hãy để chúng tôi được minh oan. Hãy để sự thật được phơi bày. Và chắc chắn sau đó, với phán quyết khách quan của một vị thẩm phán chuyên nghiệp, mọi người sẽ chấp nhận bị cai trị. Chắc chắn. Chắc chắn không? Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, tôi vẫn nghĩ việc này rất cần thiết. Có thể, lúc đó, sự việc sẽ được phơi bày; nhưng trước đó, sau 6 tháng bẵng đi, thật khó có thể nhận ra đâu là sự thực.
Tôi sẽ không tìm đủ mọi cách để lần ra chứng cứ. Tôi định đọc lại bản báo cáo. Việc vị nguyên thủ quốc gia và tất cả các quan chức cao cấp cung cấp chứng cứ như vậy quả là sự kiện vô tiền khoáng hậu. Chưa hề có trường hợp tương tự như vậy. Hạn cuối để đưa ra kết luận là vào tháng 10. Cuối cùng Hutton cũng xuất bản bản báo cáo vào cuối tháng 1/2004. Bản báo cáo nêu chi tiết hồ sơ, quá trình sưu tập tài liệu, vai trò của Giám đốc Truyền thông Alastair, các hoạt động trong mỗi biên bản họp của Bộ Quốc Phòng và tại Phố Downing, những việc tiến sĩ Kelly đã làm, vô cùng chi tiết và tường tận. Đây là một phần trích ra từ báo cáo kết luận đó:
Hồ sơ được chuẩn bị và biên soạn bởi một nhóm nhân viên thuộc Ủy ban Tình báo Liên quân (JIC), Vương Quốc Anh. Ngài John Scarlett, chủ tịch của JIC, chịu trách nhiệm chung trong quá trình biên soạn hồ sơ.
Tuyên bố 45 phút dựa trên một báo cáo do Cơ quan Tình báo Anh (SIS) nhận được từ một nguồn mà cơ quan này cho là đáng tin cậy. Do đó, liệu rằng thời gian tương lai mà tuyên bố 45 phút này dựa vào được chứng minh là không đáng tin cậy, thì luận điệu do ông Gilligan đưa ra vào ngày 29/5/2003 rằng Chính phủ có thể biết tuyên bố 45 phút đó là sai trái trước khi Chính phủ quyết định đưa nó vào bộ hồ sơ, là một luận điệu vô căn cứ.
Khi hồ sơ đó sẽ được trình lên và xem xét bởi Nghị viện và công chúng và nó cũng không phải là một đánh giá của cơ quan tình báo chỉ do mỗi Chính phủ xem xét, nên tôi không cho là việc Ngài Scarlett và JIC sẽ xem xét những đề nghị trong bản thảo do phố Downing chuẩn bị và sẽ thông qua những đề nghị đó nếu chúng phù hợp với tin tình báo do JIC thu thập được là thiếu đúng đắn.
Các lãnh đạo đài BBC đã mắc sai lầm ở chỗ đã không điều tra các khiếu nại của Chính phủ một cách hợp lý rằng báo cáo được phát thanh lúc 6giờ 7 phút sáng là không xác thực và việc Chính phủ có thể đã biết tuyên bố 45 phút sai sót thậm chí trước khi quyết định đưa nó vào hồ sơ.
Không hề có chiến lược giả mạo, dối trá và đê tiện nào của Chính phủ nhằm ngấm ngầm tiết lộ tên của tiến sĩ Kelly cho giới truyền thông.
Vị thẩm phán đã cố gắng hết sức mình để tìm ra những thông tin hoàn toàn có căn cứ. Tuy nhiên đó là thời điểm có sức ảnh hưởng sâu xa theo cách ứng xử của giới truyền thông.
Tất nhiên, vị thẩm phán đã phải chịu sức ép ghê gớm nhất từ giới truyền thông. Ông ta đã biết cách đối phó rất tốt, thế nhưng, ít ngày trước khi tin tức được công bố, tôi đã rất lo lắng, không phải về sự thật, mà là liệu ông ta có đặt những cán bộ truyền thông của Chính phủ vào đúng vị trí của họ; liệu ông ta có dám lên tiếng bảo vệ lẽ phải hay không, v.v…
Khi tôi còn là học trò của ông ấy, Derry thường dạy tôi rằng trên đời có hai loại thẩm phán: Một là những người biết đưa ra quyết định, nhưng lại không giải quyết triệt để vấn đề, để lại kẽ hở cho bên thua kiện vin vào, kẽ hở đó thể hiện sự do dự của người thẩm phán đó về việc đưa ra quyết định rõ ràng; thứ hai là những người cũng biết đưa ra quyết định và dựa trên lập trường đó, đưa ra quyết định đơn giản, đầy đủ và dứt khoát, trong đó mọi lý lẽ và mọi băn khoăn đều được giải đáp. Lord Hutton thuộc kiểu người thứ hai.
Đó là một phán quyết đầy đủ, được đưa ra một cách dứt khoát. Michael Howard, phản ứng lại điều đó trước Nghị Viện, cố gắng một cách xuẩn ngốc vào vô vọng như thể vị thẩm phán không hề biết anh ta muốn tiếp cận những người có tư tưởng chống chiến tranh, quả là một lỗi rất tệ và điều này càng thể hiện rõ anh ta là một kẻ cơ hội ủng hộ cuộc chiến, vốn đã rất tàn khốc.
Đối với chúng tôi, đó là sự chi viện rất lớn, nhưng chúng tôi có lỗi riêng của mình, một lỗi rất nghiêm trọng để lại hậu quả khôn lường. Tôi đã trao đổi riêng với Ngài Gavyn Davies khá lâu, về việc duy trì ranh giới mở và đảm bảo mối quan hệ giữa chúng tôi với đài BCC không bị tổn hại. Dầu sao, họ cũng là cơ quan truyền thông chính của quốc gia.
Chúng tôi đã thỏa thuận trong quá trình đàm phán rằng trong trường hợp vị thẩm phán tìm ra sai sót, chúng tôi sẽ phải cố gắng để trấn an cả hai bên. Cuộc trao đổi lần cuối diễn ra trước khi Ngài Hutton công bố phán quyết và tôi đã trấn an Gavyn rằng chúng tôi sẽ không đòi “lấy đầu” của bất kỳ ai nếu đài BBC bị chỉ trích.
Ngày báo cáo được công bố hôm 28/1 quả là thời điểm vô cùng bận rộn đối với chúng tôi. Đội thân cận ngồi chờ trong Phòng Nội Các trong niềm lo lắng, mong ngóng, chờ đợi bản copy tài liệu mà Godric Smith, Giám đốc Truyền thông thứ 2 của Alastair, mang vào. Tôi ngồi cùng họ và chúng tôi đã đọc kỹ càng bản kết luận và cùng thở phào nhẹ nhõm vì nhận ra rằng ông ta đã có thiện ý với chúng tôi và vui sướng khôn xiết khi ông ta không dám đánh bóng tên tuổi đài BBC, mà giữ nguyên cáo trạng.
Sau đó tôi phải chuẩn bị bài phát biểu trước Hạ Nghị Viện. Chỉ một ngày sau khi chúng tôi đã rất khó khăn để hoàn thành cuộc trưng cầu ý dân về học phí và cả hai sự kiện đã làm tôi mệt lử. Tôi chỉ muốn quay trở lại phòng làm việc riêng của mình và viết bài phát biểu.
Alastair nói cũng muốn có bài phát biểu. Ông rời Downing sau đó, nhưng đã quay lại để lấy bản báo cáo, với tư cách là một trong những diễn viên quan trọng của màn kịch. Chúng tôi vẫn rất thân thiết. Tôi đã đồng ý một cách miễn cưỡng. Thực tế, tôi nghĩ ông ấy sẽ nhất quyết muốn thế. Alastair viết vài lời phát biểu. Bài phát biểu có một đoạn nói về chuyện xảy ra tiếp theo nếu ông ấy hoặc ai đó dưới quyền bị phát hiện có liên quan đến vụ việc thì những người đứng đầu sẽ bị cách chức. Tôi cắt đoạn đó đi và trong sự bối rối đến cực độ, ông đã phản đối mạnh mẽ. Ông không thể hiểu tại sao tôi làm vậy. Khi thỏa thuận với Gavyn, tôi đã không nói với bất kỳ ai về cuộc trao đổi giữa chúng tôi, ngoài Anji. Do đó, Alastair đã không biết tại sao tôi lại phản ứng mạnh đến mức cắt đoạn đó đi.
Tôi đã, rất vô cảm và điên rồ, khi không đánh giá đúng trạng thái căng thẳng của Alastair. Ông ấy, như tôi đã nói, là một chính trị gia rất nghiêm khắc và khắt khe. Tôi không biết rằng ông đã dành hàng tháng trời cực khổ để đi đến phán quyết đó. Tất nhiên, khi rời phố Downing, Alastair đã không để tính chất phức tạp của công việc làm rối tâm trí mình. Ông tạm gác những vấn đề của cuộc sống riêng, thay vào đó, lang thang trên các con phố tìm cách bắt chuyện, hỏi han và buộc tội ai đó đã giết tiến Sĩ Kelly và thậm chí nhận được cả bức thư hăm dọa trả thù có dính máu tại nhà riêng của mình. Do vậy, với ông, đây là thời điểm để bộc lộ cảm xúc rõ nhất. Tuy nhiên, ông đã kìm nén mọi cơn giận nhưng rồi đến một lúc cũng không kiềm chế nổi. Ông đã không nghĩ rằng mình đang chửi rủa.
Khi có lời phát biểu, mà ông đã viết với biết bao cảm xúc, tuôn trào từ nỗi buồn với công việc, trong khi nhiều người coi đó là sự trả đũa đối với giới truyền thông mà ông thù ghét bấy lâu; ông đã khéo léo lồng đoạn viết về việc ‘cách chức người đứng đầu’ vào với cách diễn đạt nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn giữ nguyên nội dung chính.
Lúc ấy, tôi đã có thể cứu vãn được tình thế. Nhưng tôi đã không tập trung vào đài BBC; vì tôi đang bận chuẩn bị cho bài phát biểu trước Hạ Viện, thanh minh cho mình và chỉ trích chủ nghĩa cơ hội của Michael Howard. Tôi đọc bài phát biểu rất lưu loát. Và ngay sau đó tôi đi thăm một trường đại học. Khi bước chân vào hậu trường, tôi vẫn không thể chắc chắn hoàn toàn đài BBC sẽ quyết định làm gì. Tuy nhiên, đáng lẽ ra tôi nên tuyên bố trong bài phát biểu rằng mình không muốn bất kỳ ai bị sa thải. Thay vào đó, tôi chỉ tập trung vào việc hủy bỏ câu chuyện sai lệch ảnh hưởng đến sự liêm khiết của bản thân.
Đó là một sai lầm. Tôi nghĩ, Gavyn đã cho rằng tôi phá vỡ thỏa thuận và ủng hộ sự khắt khe của phán quyết. Cả ông ấy và Greg đã từ chức. Tôi thực sự không muốn điều đó xảy ra. Greg là Greg và chưa bao giờ thực sự thích hợp với BBC, nhưng Gavyn là một người đứng đắn và rất đáng kính trọng và tôi cảm thấy chính mình đã khiến ông ấy thất vọng.
Điều này cũng đã tạo nên nhiều cuộc đấu đá lẫn nhau trong giới truyền thông. Trong khoảng 12 tiếng, họ đã rất choáng váng. Sau đó, với liên minh giữa Tập đoàn Bưu chính và BBC – một trong những điều đáng tiếc nhất trong vụ việc này − họ đã quyết định bắt tay nhau để đối đầu với tổ chức của chúng tôi. Tờ Daily Mail đã chạy dòng tít ‘SỰ THANH MINH’ ngay vào số báo hôm sau. Nhiều tờ báo khác chạy lại tít đó. Trong chốc lát, một người đàn ông lịch lãm trở thành một gã xu nịnh ở phố Downing, đài BBC trở thành nạn nhân của vụ đưa tin và âm mưu tồi tệ nhất. Thực tế có ai biết chúng tôi chính là những kẻ nói dối không? Chuyện này phủ kín trên các trang báo trong nhiều ngày và rồi chốt lại bằng những cuộc trưng cầu dân ý thể hiện việc công chúng đã hoàn toàn tin rằng đó là ‘sự thanh minh’. Chính vì vậy, chính cách xoáy sâu vào phân tích sự ngờ vực lại càng làm cho sự việc trở nên rối ren và hiểm độc hơn.
Khi những lý lẽ cho rằng chúng tôi, một Chính phủ ‘thoái trào’ và khi tôi cần bằng chứng cho điều đó, thì bản hồ sơ đó luôn là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng, đã có một cuộc điều tra (một trong bốn) kéo dài 6 tháng liền lại cho kết quả ngược lại. Đúng vậy, nhưng đó là một ‘sự thanh minh’, như tất cả chúng tôi đều biết.
Tuy nhiên, cách thức tiến hành cuộc tranh luận chính trị không phụ họa cho sự bất đồng hợp lý giữa những người có lý lẽ. Chương trình truyền hình của Gilligan đi đầu trong việc đưa tin về vụ này vì nó coi đây là hành vi sai trái và một lời nói dối thực sự. Chúng tôi không hề được biết trước khi tin đó được phát sóng. Trong bất kỳ sự kiện nào, dù là một sự cố rất nhỏ thì cũng sẽ không được phát sóng đưa tin.
Cơ quan tình báo đã sai sót và chúng tôi nên xin lỗi vì điều đó. Vì thế, chỉ có một câu chuyện có thực và đúng sự thực. Nhưng trong môi trường hiện nay, nó không có yếu tố giật gân gây ngạc nhiên và tính lăng mạ của một vụ bê bối. Do vậy, một sự cố được biến thành một trò lừa bịp. Và chính mối liên quan giữa chính trị và truyền thông đã tạo nên cuộc tranh cãi chính trị. Phe đối lập miễn cưỡng phải tham gia, nếu không họ sẽ trở thành những gã khờ. Thay vì tranh cãi về quan điểm giữa nước này với một nước khác, nó đã trở thành một cuộc chiến dành cho những ai ‘trung thực hơn’ hoặc ‘ít giả dối hơn’ hơn là những người khác, một trò chơi cho những gã khờ thực sự trong lịch sử chính trị.
Nhưng dù sao, điều đó đã xảy ra. Cuối cùng, tình hình trở nên căng thẳng hơn khi bàn đến diễn biến gia tăng ở chính đất nước Iraq. Một cuộc điều tra kỹ lưỡng về những hậu quả thực sự cần thiết đối với nước này và, quan trọng nhất, cũng là cho tương lai. Cách thức chúng tôi giải quyết một vấn như thế đó là cần phân tích suy luận. Vấn đề, vẫn chưa được giải quyết, nhưng rất cần giải quyết, đó là: ở mức độ nào những thử thách chúng tôi đã và đang đối mặt ở Iraq và Afghanistan có thể tránh được; và ở mức độ nào họ tất yếu nhận được sự phân chia nhiệm vụ?
Hãy để tôi giải thích thêm về điều này. Những gì đã xảy ra ở Iraq sau năm 2003, ban đầu, khá ôn hòa. Có xuất hiện tình trạng cướp bóc và bạo lực; một vài vụ tấn công đối với lực lượng liên quân, nhưng có thể kiềm chế. Tôi xin mô tả lại việc LHQ đã được kéo trở lại sân chơi như thế nào. Vào đầu tháng 7, với sự hỗ trợ của LHQ, chúng tôi triệu tập Hội đồng Cầm quyền Iraq. Đó là một thời khắc quyết định. Hội đồng có 25 thành viên: 13 người Hồi giáo Shia, 11 người theo Đạo Hồi Sunni và 1 người Thiên Chúa Giáo. Hội đồng này không thuộc quy trình tham vấn. Đây là bước đầu tiên của quá trình phục hồi chủ quyền của người Iraq. Như Sergio Vieira de Mello đã nhận định: Iraq đang trở lại vị trí phù hợp với nó: hòa bình quốc gia và là một thành viên chính thức của cộng đồng các quốc gia’.
Trong khi đó, ở đâu đó, mặc dù đã có các tổ chức quân sự đối phó với bất kỳ phần tử nào còn lại của trùm khủng bố Saddam Hussein; thì các việc cần thiết cho quá trình tái thiết đất nước như mở lại trường học, khôi phục lại bệnh viện và hệ thống an ninh trật tự cần hoạt động trở lại. Ở Basra vào cuối tháng 6, 17.000 sinh viên đại học vẫn tham dự kỳ thi theo thông lệ.
Điều này không có nghĩa là bạo lực vắng bóng ở phía Nam. Đã xảy ra một tai nạn nghiêm trọng ở tỉnh Maysan. Ngày 24/6, sáu nhân viên thuộc Cảnh sát Quân đội Hoàng gia đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công tại thị trấn Al Majar Al Kabir, phía Nam Al Amarah. Đây là những cuộc tấn công riêng rẽ. Nhưng, thậm chí vào đầu năm 2004, người dân có thể lái xe quanh Basra và khi đại diện phía Anh đến đó, Ngài Hilary Synnott đã khá lạc quan khi đến chào tôi trước khi kết thúc nhiệm kỳ của ông vào tháng 2 năm 2004.
Khi Jack Straw phác thảo lại bài phát biểu trước Hạ Viện hôm 15/7, chúng tôi đã khẳng định rõ ràng rằng khi Iraq có thể tự đứng vững, thì chúng tôi sẽ rút quân.
Chúng tôi đã nhận được rất nhiều cam kết hỗ trợ tài chính từ khắp nơi trên thế giới. Quỹ Tín Thác Dầu Khí đã được thành lập. Văn phòng Hỗ trợ Nhân đạo và Tái thiết (ORHA) đã bắt đầu hoạt động và phát triển rất nhanh. Giao thông ở Baghdad dần trở lại đông đúc. Hai thành phố Mosul và Kirkuk khá yên bình. Khu vực của người Kurd tất yếu đã được tự do.
Tuy nhiên, chúng tôi và đa số người dân Iraq mong muốn chung một điều – chế độ của Saddam Hussein sụp đổ, đất nước tái thiết và chúng tôi sẽ rút quân. Và một Chính phủ mới theo hình thức tuyển cử đại diện được thiết lập.
8.000 người Iraq tử vong là một con số lớn nhưng vẫn chỉ là một con số không đáng kể so với tổng số người chết dưới chế độ của Saddam năm này qua năm khác. Chúng tôi phải chịu mất mát nhiều hơn những gì chúng tôi hình dung được, nhưng, vẫn ít hơn so với thảm kịch chúng tôi có thể phải đối mặt. Đổi lại, một quốc gia lạc lõng giữa cộng đồng quốc tế,đã khơi ngòi hai cuộc chiến, nay đã có thể trở thành một bạn, chứ không phải một kẻ thù.
Quan niệm cho rằng điều xảy ra sau đó là hệ quả không tránh khỏi của việc lật đổ Saddam là hoàn toàn không đúng. Không có lực lượng nổi dậy nào do nhân dân đứng đầu lại ủng hộ Saddam. Không có sự chuốc giận nào về sự xâm chiếm ngoài sự trợ giúp và niềm hy vọng.
Phải, tất nhiên, ORHA đã làm tốt hơn với các kế hoạch tái thiết, nhưng đó không phải là vấn đề. Chúng tôi có đủ nguồn tài chính, nỗ lực và người dân để tái thiết Iraq chỉ trong vòng một năm kể từ khi xung đột kết thúc.
Điều đang diễn ra khiến tình trạng an ninh trở nên xấu đi. Điều này xảy ra một phần là do các phần tử Iraq thực hiện thỏa hiệp riêng của mình về việc các nhóm tội phạm, tôn giáo và bộ lạc quyết định bỏ dở nền dân chủ mới khai sinh và cố gắng giành chính quyền. Tuy nhiên, khía cạnh phản biện mở rộng, chính là yếu tố biến một tình huống khó khăn trở nên gần như hỗn loạn, lại có liên quan đến các bè cánh bất đồng quan điểm nội bộ với al-Qaeda về mặt này và với Iraq về mặt khác.
Trong quá trình diễn biến này, lực lượng khủng bố phát hiện ra hai khả năng: Nếu họ tiến hành khủng bố đối với dân thường Iraq, đặc biệt bằng cách đánh bom liều chết, thì lực lượng liên quân và Chính phủ Iraq sẽ bị buộc tội, chứ không phải họ; và đặc biệt nói về lực lượng liên quân, mức phạt dành cho những nước tham chiến có tổn thất về lực lượng là thấp, rất thấp, nếu vi phạm, thì lực lượng liên quân sẽ mất hết dũng khí – chứ không phải là quân đội, nhưng quần chúng sẽ được về nhà. Nói cách khác, nếu bọn khủng bố có thể tạo nên bạo loạn, nỗi sợ kéo theo và chính sách an ninh khẩn cấp có thể là dấu hiệu chỉ ra rằng nhiệm vụ đã thất bại, rằng cuộc thử nghiệm dân chủ bị lạc lối và rằng quay trở lại các chính sách cũ sẽ là sự lựa chọn duy nhất dành cho Iraq.
Thay vì oán hận những hành vi tội ác của bọn khủng bố, thì sự phản công lại hoàn toàn yếu ớt và ảo tưởng về mục tiêu. Ở mức độ này người ta có thể hiểu rằng khủng bố là những kẻ chúng ta phải chống lại, nhưng ở một cấp độ khác, các vụ đánh bom xe hơi kế tiếp nhau và binh lính chết trong những cuộc tấn công sử dụng chất nổ tự chế chứ không phải ngoài trận địa, cảnh tượng tàn sát đầy ắp các báo cáo phân tích lý do vì sao chúng tôi đã đến đó. Sự đổ máu làm tiêu tan hy vọng và, còn hơn thế, mang lại sự tuyệt vọng.
Điều này có thể được giải thích là do thiếu một liên quân lớn hơn và sự chia rẽ trong cộng đồng quốc tế đã dẫn đến tình cảnh đó. Tuy nhiên khi chúng tôi chứng kiến điều tương tự xảy ra ở Afghanistan, tôi không chắc điều này hoàn toàn đúng.
Thời khắc quyết định xảy ra vào ngày 19/8 ở Baghdad. Một vụ đánh bom bằng xe tải tại trụ sở của LHQ đã dẫn đến những cái chết thảm thương của hơn 20 nhân viên LHQ, bao gồm cả ngài Sergio. Đó là một ngày kinh hoàng và không thể quên được. Tôi nghe tin tức khi đang đi nghỉ mát. Tôi báo cho Kofi; ông ấy đã rất choáng váng. Sau đó tôi viết thư cho đối tác của Sergio. Tôi đã và vẫn đang cảm thấy mình phải có trách nhiệm rất lớn trong vụ việc này. Tôi đã trăn trở việc bổ nhiệm người thay vị trí Sergio và đã giao việc này cho Kofi.
Tại thời điểm đó tôi đã không đánh giá hết ý nghĩa đầy đủ của cuộc tấn công này. Vụ tấn công này thật hiểm độc. Những nhân viên đó không có khả năng tự vệ. Họ đến để giúp Iraq. Họ đến đó với thiện chí hoàn toàn ủng hộ cộng đồng quốc tế; thực sự, họ đại diện cho cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, đó cũng là một thời khắc trọng đại vì một số lý do khác nữa. Đó là thời điểm mà chúng tôi nên hiểu rằng cuộc xung đột đã biến chất thành một vấn đề khác. Nó thực sự giống hoạt động của tổ chức al-Qaeda, mà người đứng đầu lại ở Iraq, tổ chức al-Zarqawi của người Jordani, đã tấn công Iraq trước sự xâm chiếm. Đó là thời điểm chúng tôi nên củng cố sự trợ giúp quốc tế và tuyên bố: ‘Chúng tôi sẽ giữ vững lập trường, sẽ không để LHQ bị ảnh hưởng; tuy nhiên cuộc chiến đã thực sự bắt đầu; đây là một cuộc chiến chống lại cùng một kẻ thù, chúng tôi sẽ chiến đấu ở cùng một nơi khác và sẽ sát cánh bên nhau.’
Thay vào đó, ngay lập tức LHQ đã cho nhân viên rời trụ sở và hoạt động trong tình trạng thiếu quân số trong nhiều năm. Còn với al-Qaeda, cuộc tấn công của họ đã có kết quả. Họ đã loại trừ sự hiện diện của LHQ. Họ đã gieo rắc sợ hãi hơn là thách thức. Cuộc đổ máu này là dẫn chứng cho câu chuyện về sự thất bại trong nỗ lực bảo vệ Iraq của chúng tôi, chứ không phải khuynh hướng giết người vô tội của họ.
Tuy nhiên, kể từ đó, trong suốt nửa đầu năm 2004, chỉ có 30 vụ đánh bom liều chết. Có thêm nhiều bước tiến chính trị. Đến nửa đầu năm 2005, số vụ đánh bom liều chết đã lên tới 200. Đến giữa năm 2005, nhóm nổi loạn Hồi giáo Sunni đã liên kết với al-Qaeda; lực lượng liên quân do Iran hậu thuẫn đã bắt đầu gây bạo loạn ở phía Nam. Sau đó, chúng tiến hành các cuộc tấn công giáo phái Hồi giáo Sunni. Tất nhiên, hầu hết những người ngã xuống là người Iraq, nhưng Tây Ban Nha và Ý cũng bị tổn thất nhiều binh lính và công dân. Ngày càng có nhiều cuộc kêu gọi rút quân của người dân và cuối cùng ngày đó cũng xảy ra. Công dân Hà Lan, Đan Mạch, Nhật Bản và binh lính của nhiều quốc gia khác, trong đó có nhiều chính khách và nhà báo cũng trở thành nạn nhân.
Khi lực lượng của Hoa Kỳ trả đũa, thì tất yếu người dân bị bắt bớ, có thể đúng, có thể sai. Vào tháng 4 năm 2004, các bức hình về cảnh binh lính Mỹ hành hung tù nhân Iraq tại nhà tù Abu Ghraib bị phát tán. Không nghi ngờ gì nữa, đó là những tình tiết hiếm hoi và các bị can đã bị truy tố. Tuy nhiên, tổn thất rất lớn. Đối với những người luôn chống đối lại sự hành hung, thì những tấm hình này là cơ hội trời cho để bôi nhọ nước Mỹ, trong khi đó hãng tin Al Jazeera và các hãng khác tại Ả Rập, sử dụng những tấm hình này như là minh họa hùng hồn cho thái độ thù địch của Mỹ đối với những người theo Đạo Hồi.
Những lập luận tương tự được giành cho binh lính Anh. Tôi đã cố gắng hết sức để bảo vệ binh lính khỏi cuộc điều tra khủng bố những người không theo chính phái, nhưng điều đó thật khó và nhân viên hành pháp phải chịu sức ép khủng khiếp khi tiến hành truy tố. Đó là thời khắc thật kinh khủng. Tất nhiên, cách đối đãi với tù nhân theo kiểu này hoàn toàn không thể bào chữa được và cần phải xử phạt; nhưng thật là vô cùng bất công khi những hành vi sai trái riêng lẻ này lại tác động đến toàn bộ nhiệm vụ mà các binh lính đang làm để giúp Iraq và người dân nơi đây.
Tuy nhiên, toàn bộ vụ việc lại được dùng để tạo nên cảm giác chống lại phương Tây trên các trang web về chiến tranh Hồi giáo và rất nhiều cơ quan truyền thông có tiếng. Tôi không nghĩ lại có một cuộc phản kháng riêng rẽ như thế ở bất kỳ đâu ngoài Iraq đối với những vụ đánh bom liều chết, hoặc vụ nổi loạn là nhằm ngăn chặn người dân Iraq thiết lập chính quyền riêng của họ.
Mô tuýp là: anh đi xâm lược; đó là sự lựa chọn của anh; do vậy đó là mớ hỗn độn của anh, hãy đứng lên giải quyết và dọn dẹp nó. Anh có thể cảm nhận, điều đó hoàn toàn có thể hiểu được và công bằng. Nhưng mô hình đó đã bỏ qua một khía cạnh quan trọng: mớ hỗn độn xảy ra ở Iraq cũng là do các lực lượng bên ngoài − như al-Qaeda và quân đội Hồi giáo − mà chúng tôi đang chiến đấu ở bất kỳ nơi đâu. Chiến đấu với những lực lượng này ở Iraq không phải là chiến thuật nghi binh trong cuộc chiến thực sự. Đó là một phần của cuộc chiến đó.
Chúng tôi đã không thể truyền đạt thông điệp. Tôi đã nhận thức ngay từ đầu rằng chúng tôi phải mở rộng chiến dịch và kết nối với cuộc đấu tranh tổng thể. Đó cũng là sự kết hợp hiệu quả giữa quyền lực cứng và quyền lực mềm; lý do cấp thiết phải tiếp tục tiến trình hòa bình ở Trung Đông, hướng tới các mục tiêu hiện đại hóa và ôn hòa Đạo Hồi.
Lãnh đạo al-Qaeda ở Iraq nhận định rằng giữa năm 2003 và năm 2006 sẽ xảy ra hàng ngàn vụ đánh bom liều chết. Quan điểm của tôi rất đơn giản: loại những yếu tố đó ra khỏi mục tiêu, thì nhiệm vụ an ninh sẽ hoàn toàn khác: cam go nhưng có thể kiểm soát được.
Đặc biệt, khi diễn biến chính trị ở Iraq đã tiến tới việc thành lập một Chính phủ chân chính tối cao của người dân Iraq vào tháng 4/2004 dưới sự lãnh đạo của Ayad Allawi, một chính trị gia không bè phái và rất tài năng, thì Qaeda đã nhận ra rằng chiến dịch đánh bom nhằm vào dân thường là chưa đủ. Ngay sau đợt bầu cử đầu tiên của người Iraq, một Chính phủ mới được thành lập và al-Qaeda đã ngay lập tức tiến hành bạo động lật đổ chính quyền. Tuy nhiên, qua năm 2005, mặc cho những hoạt động bạo động đó, đa số người dân Iraq vẫn đi bầu cử và thể hiện mong muốn ổn định quốc gia. Năng lực của họ đã bắt đầu được cải thiện dần dần.
Vì thế, để xoáy sâu vào mối xung đột, tháng 2/2006, al-Qaeda đánh bom nhà thờ Hồi giáo Samarra, nơi linh thiêng nhất của dân Hồi giáo Shia ở Iraq. Đó là một hoạt động phá hoại mới. Nó thể hiện rằng giờ đây điều mà al-Qaeda muốn chính là khiêu khích bạo lực giữa các bè phái. Với lòng quả cảm, Giáo sĩ Shia tối cao đã kêu gọi người dân phải trấn tĩnh. Tuy nhiên, một mô hình đã được thiết lập: ngay khi các nhóm dân quân Shia thành lập lực lượng cả trong lẫn ngoài và tiến hành các cuộc trả đũa tàn bạo đối với người Sunni. Tất nhiên, đây là chủ tâm của al-Qaeda. Một số kẻ đánh bom liều chết là người Iraq, nhưng đa số không phải, họ vượt biên từ các nước láng giềng sang Iraq. Một số người là phụ nữ, thậm chí có cả phụ nữ mang thai.
Mãi đến đầu năm 2004, tình hình phía Nam mới tương đối ổn định. Vẫn có các cuộc đánh bom rải rác và các cơ sở hạ tầng ngày càng bị tàn phá đến mức đáng lo ngại, tuy nhiên tình hình ít nhiều đã được kiểm soát. Thế nhưng, Muqtada al-Sadr, một giáo sĩ Shia cấp tiến có mối liên hệ chặt chẽ với Iran, đã dẫn đầu vụ chống đối của người Shia đối với ‘sự chiếm đóng’ của Anh quốc và kêu gọi trợ giúp. Ông ta bắt đầu xúi giục bạo lực một cách công khai.
Vào tháng 1/2004, tôi đến thăm Basra và Học viện Cảnh sát mới do chúng tôi thành lập ở Az Zubayr. Đó là một học viện chất lượng và vào thời điểm đó, chúng tôi đã rất tin tưởng vào sự trung thành của những cảnh sát mà chúng tôi đào tạo. Tình hình ở Basra được cải thiện. Nhưng đến cuối năm 2004, thực tế chỉ ra rằng một số lực lượng Shia ở ngay tại Iraq và quan trọng hơn là ở Iran, đã theo dõi tiến trình chính trị ở phía nam trong lo sợ và tức tối. Dẫu có al-Qaeda, dẫu có các phần tử theo chủ nghĩa chính trị Ả Rập, thì sự thật là Iraq vẫn đang tiến lên phía trước. Đã có các cuộc bầu cử nghị viện và cấp tỉnh. Thật không dễ dàng gì để người dân sử dụng quyền dân chủ của họ, nhưng họ thu hút được rất đông đảo người dân làm điều đó. Vào thời điểm đó, việc bầu cử được tổ chức đều đặn trong phạm vi bộ lạc và tôn giáo hoàn toàn có thể dự đoán được, nhưng có những dấu hiệu đứt quãng trong một vài quý và ngày càng thể hiện xu hướng bầu cho những người họ cho rằng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tương tự, doanh thu từ dầu khí cũng tăng đột biến, mặc dù bọn khủng bố tấn công vào các cơ sở sản xuất này. Nói tóm lại, với sự đồi bại của toàn bộ hệ thống chính trị quốc gia suốt ba thập kỷ và với sự vắng bóng của một nền dân chủ thực sự trong khu vực, đây được coi là một thành tựu đáng kể.
Nhưng tất nhiên đó là một mối đe dọa và phiền toái khôn lường đối với tất cả những phần tử chống đối lại ý tưởng về một nước Iraq dân chủ, tự do. Một cách hiếu kỳ, họ đã tiến hành một phân tích rõ ràng và toàn diện hơn chúng tôi về các sự kiện đe dọa. Nếu Iraq đi vào trật tự dưới chế độ dân chủ có sự lãnh đạo sáng suốt, thì Iran sẽ không thể giữ được vị thế như hiện nay. Sự thịnh vượng của Iraq sẽ được củng cố − vì thực thế điều đó đang diễn ra – và mối tương quan giữa chất lượng cuộc sống và bộ máy chính quyền sẽ rõ ràng hơn rất nhiều. Việc bố trí đa số người Shia nằm trong bộ máy chính quyền, thì sức ảnh hưởng của I-ran sẽ dễ dàng lan tỏa là điều đúng đắn – thực tế Saddam là một vật cản đối với sự ảnh hưởng này – nhưng với thời gian (và vì tôi luôn nghĩ điều đó sẽ xảy ra), người Hồi giáo Shia ở Iraq vẫn là người Iraq. Khi al-Sadr rời đi nơi khác, ông ta nhanh chóng đánh mất sự ủng hộ và lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn đã buộc phải giải tán năm 2007.
Tuy nhiên, quay trở lại năm 2004, đầu tiên Basra ngày càng trở nên bất ổn. Thiết bị nổ tự chế đầu tiên được sử dụng để chống đối lực lượng của Anh vào tháng 3/2004. cái chết đầu tiên do loại thiết bị này xảy ra vào tháng 6/2004. Những thiết bị nguy hiểm chết người này đã trở thành giải pháp tối ưu của những phần tử dân quân rời rạc nhằm tấn công lực lượng quân đội Anh. Chúng tôi càng dùng xe tăng bọc thép để đối phó với các phương tiện này, thì chúng càng tăng lượng chất nổ thêm. Có ý kiến cho rằng, có khả năng, các thiết bị này được sản xuất ở Iran, vì chúng ngày càng trở nên tinh vi và nguy hiểm hơn.
Tất nhiên, Iran đã đứng đằng sau việc đào tạo và huấn luyện lực lượng dân quân, những người ngày càng quyết tâm tiếp quản phía Nam, cụ thể là thành phố Basra. Thế nhưng nhiều bè phái trong số họ đã suy đồi và phạm tội.
Trong cuốn sách gần đây có tên The Surge (tạm dịch: Sóng cồn), nhà sử học quân đội Mỹ Kimberly Kagan mô tả cách al-Qaeda và Iran phối hợp với nhau trong việc bóp méo các mô hình dân chủ đang hình thành ở Iraq.
Theo giải thích của bà vào giữa năm 2007, Iran đã vừa trợ cấp lẫn chỉ huy các hoạt động của al-Qaeda. Rất nhiều lần kể từ tháng 4 đến tháng 7/2007, phía Mỹ định sang Iran để nỗ lực hòa giải. Phía Iran cam kết rất nhiều nhưng họ đã không hề thay đổi hành động.
Đó là năm chứng kiến số binh lính Anh chết nhiều nhất, phần lớn là do các thiết bị nổ tự chế. Tất nhiên quân đội Anh luôn theo đuổi cuộc chiến chống lại lực lượng dân quân và phản công rất mạnh mỗi khi họ bị đánh bom. Khi một phần của phía Nam được trao trả lại hoàn toàn cho người Iraq, các hoạt động ngày càng tập trung vào Basra. Quân đội cầm cự ở các tỉnh khác như Maysan, nhưng thực chất họ vẫn cố gắng đương đầu với những thủ thách về chính trị và quân đội rất phức tạp ở thành phố chính này.
Quay lại thời điểm cuối năm 2006, ngài tư lệnh quân cấp cao đã đưa ra nhận định rất tích cực rằng chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể tại Basra. Thực vậy, chúng tôi đã đạt được một tạm ước với các nhà chức trách và lực lượng dân quân ở đó. Điều kiện kinh tế của người dân được cải thiện, nhưng tình hình an ninh chưa được đảm bảo. Vậy, chúng tôi là lực lượng khiêu khích hay lực lượng trợ giúp? Ngày càng nhiều người cho rằng chúng tôi thuộc nhóm thứ hai.
Thành thật mà nói, tôi đã rất băn khoăn về điều này. Mặc dù theo lẽ thường, Basra phải được quản lý theo cách này bởi vì thực chất là như vậy, nhưng tôi vẫn rất hoài nghi về quan điểm của người dân Iraq và bất kỳ ai khác muốn có một cuộc sống như vậy không. Nhưng tôi có thể hiểu tại sao họ lại cảm thấy như vậy. Đã có lúc, công dân của chúng tôi ở Basra có thể làm gì đó, thì trụ Sở LHQ ở đó lại đóng cửa vì sợ bị đánh bom và tấn công bằng bạo lực.
Vào tháng 10/2006, khi tôi đến St Andrews tham dự cuộc đàm phán với Ian Paisley và Sinn Fein, thì Đại tướng Richard Dannatt, Tổng Tham mưu trưởng mới, đã có cuộc phỏng vấn với tờ Daily Mail, cho rằng chúng tôi đã hoàn thành sứ mệnh ở Iraq, chúng tôi đang làm điều đó như một sự đe dọa an ninh và chúng tôi nên dành mối quan tâm đến Afghanistan, nơi mà, thực chất, chúng tôi có cơ hội tốt hơn. Bạn hãy hình dung, tôi không hề vui mừng, tâm trạng của tôi không tốt hơn khi Martin McGuinness và Gerry Adams bảo tôi rằng Quân đội Cộng hòa Ireland sẽ không bao giờ có một vị tổng tham mưu nào có thể cư xử như vậy.
Tôi trở lại Basra vào tháng 12/2006 và tất nhiên, như mọi khi, tôi nhận thấy quân đội rất phấn chấn và quyết tâm đương đầu với quân thù. Vị thiếu tướng ở đó, Richard Shirreff, có vẻ rất có dũng khí. Binh lính kể cho tôi nghe về một kế hoạch họ đang chuẩn bị để tấn công một đơn vị cảnh sát bịp bợm, điều này làm tôi rất phấn chấn và họ dự định tiến hành đúng vào ngày lễ Giáng Sinh, bắt giữ toàn bộ và giải tán đơn vị này.
Sau đó chúng tôi đề nghị chuẩn bị một cuộc tấn công tổng lục nhằm giành lại Basra từ tay lực lượng dân quân. Chúng tôi đã bị thiệt hại một phần binh lính, nhưng lực lượng dân quân chiếm đóng các thành phố ở Basra đã nhận ra rằng chừng nào chúng tôi còn ở lại thì họ sẽ phải chịu cảnh khốn đốn. Những cuộc tấn công, không giống những vụ xảy ra ở trung tâm quốc gia, lúc ấy chủ yếu nhằm vào lượng lượng quân đội Anh, chứ không phải dân thường.
Tuy nhiên, với những lý do tôi có thể giải thích được, thì Chính phủ Iraq mới dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Maliki không muốn cuộc tấn công do các lực lượng liên quân tiến hành mà phải do người Iraq chủ mưu. Quân đội Anh đã làm tốt tại Khu vực Hành chính Số 10 của Iraq và rõ ràng trong tương lai không xa, họ có thể tiến hành các cuộc tấn công tương tự với sự trợ giúp của lực lượng liên quân.
Cuối cùng vào tháng 3/2008, lực lượng của Iraq và Hoa Kỳ, với sự trợ giúp của quân đội Anh, đã tiến hành một cuộc tấn công an ninh lớn nhất và thành công nhất tại Basra kể từ năm 2003, mà người Iraq gọi là Cuộc Tấn Công Của Các Hiệp Sĩ (Charge of the Knights), đã trục xuất toàn bộ lực lượng dân quân phạm tội và do Iran hậu thuẫn ra khỏi thành phố. Đó là một thời khắc quan trọng, nhưng tôi cho rằng càng tin tưởng vào nhiệm vụ của mình và không thất vọng một cách dễ dàng – và thực sự các chiến binh đã thể hiện điều đó – chúng tôi càng giành được ưu thế hơn trong trận chiến cuối cùng. Vai trò tương đối nhỏ trong việc lập lại trật tự cho thành phố Basra năm 2008 đã để lại dư âm không tốt về lực lượng của chúng tôi.
Tuy nhiên, khi mọi việc được công bố và hoàn thành, thực tế là quân đội Anh rất anh hùng, họ đóng vai trò tối quan trọng và không thể thay thế được trong việc ổn định phía Nam và bám trụ lại đó cho tới khi năng lực của lực lượng Iraq đủ hùng mạnh để thực hiện Cuộc Tấn Công Của Các Hiệp Sĩ.
Cũng nên chỉ ra rằng từ năm 2003, quân đội Anh và Hoa Kỳ đã bám trụ ở Iraq với sự ủng hộ trọn vẹn và không thể bàn cãi được của LHQ. Họ cũng cư xử không gì khác đối với những kẻ tấn công mình. Tuy nhiên, đáng lẽ họ nên cư xử khác đối với những kẻ đứng bên ngoài chỉ trích sự hiện diện của họ. Tuy vậy, những động thái của quân đội Anh năm 2007 đóng vai trò cốt yếu trong việc tạo dựng nền tảng cho quá trình ổn định lại thành phố năm 2008.
Ở phần còn lại của Iraq, tình hình thậm chí còn đẫm máu hơn. Khi những cuộc đánh bom liều chết gia tăng, tình hình an ninh ngày càng trở nên tồi tệ khiến cho những dân thường không thể trợ giúp Iraq được. Họ phải dùng đến cận vệ khi đi ra ngoài và họ cũng là mục tiêu của các cuộc tấn công. Các phần tử phạm tội bắt đầu bắt cóc người dân và đòi tiền chuộc. Những kẻ cuồng tín bắt đầu truy tố bất kỳ ai bất đồng quan điểm với chúng. Những người theo Thiên Chúa bị theo dõi và đe dọa.
Quân đội Mỹ đã chiến đấu vô cùng ngoạn mục; họ đã rất bền bỉ và tận tụy. Với lòng quả cảm hiếm có. Lực lượng đặc biệt của chúng tôi kết hợp với họ ở Baghdad, tiếp tục thực hiện một trong những nhiệm vụ ít được biết đến trong xung đột, nhưng cũng là một trong những nhiệm có ý nghĩa rất lớn đối với tương lai. Tôi đến thăm họ. Họ là những người thực sự lạ thường. Can đảm hơn mức tưởng tượng. Và thông minh, chứ không hăng hái hay theo kiểu nam nhi đại trượng phu, chỉ là những người lính thông minh đang thực thi nhiệm vụ của mình với một quan điểm hoàn toàn rõ ràng về vấn đề tình hình thực tế. Đặc biệt họ ra nhập sau al-Qaeda. Thời gian trôi đi, họ đánh bại được chúng. Tất nhiên, cuộc tấn công được đánh giá là giúp nâng cao năng lực của Lực lượng An Ninh Iraq (ISF). Nhưng điều mà các lực lượng đặc biệt tại Iraq là một trong những câu chuyện đáng nhớ nhất trong toàn bộ chiến dịch và xứng đáng là một trang sử đặc biệt trong lịch sử của đất nước Iraq. Chắc chắn, họ đã đánh bại khả năng của al- Qaeda và cản trở bước tiến của họ không chỉ ở Iraq là còn trên toàn cầu.
Tôi cũng đồng ý đưa Black Watch, tiểu đoàn số 3 thuộc Quân Đội Hoàng Gia Scotland vào thực thi nhiệm vụ trợ giúp lực lượng Hoa Kỳ trong Chiến dịch Cây Sơn Thù Du (Operation Dogwood) ở bắc Babil hồi tháng 11/2004. Tôi đã bị chỉ trích vì đồng ý việc này và có một chuyện vô lý quen thuộc về việc người Anh chấp nhận rủi ro đối với người Mỹ, bác bỏ thực tế là phe chống đối cũng đúng; tuy nhiên, như thường lệ, chính quân đội phải bị xử phạt hoàn toàn về việc này và thực thi với sự ưu đãi đặc biệt.
Tuy nhiên, đến giữa năm 2006, thực tế đã chỉ ra rằng chiến dịch ở Iraq không thành công. Chúng tôi không hề mất quyền kiểm soát, mặc dù đã bị dồn vào thế bí và chẳng có gì ngạc nhiên, người dân Iraq kêu ca và cho rằng chúng tôi đã không thể đảm bảo an ninh. Nhiều bài viết được đăng tải đã so sánh tình thế của chúng tôi với tình thế của Saddam một cách không thiện chí. Năm 2006, theo số liệu của dự án Điều tra Tử vong ở Iraq (IBC), gần 28.000 người Iraq ngã xuống và phần lớn thiệt mạng năm 2007. Đa số họ chết trong các cuộc tấn công khủng bố và các cuộc trả đũa, bị chết không chỉ dưới tay chiến binh Hoa Kỳ hay Anh quốc mà cả vì bạo lực giữa các bè phái. Tuy nhiên, chúng tôi, với tư cách là những lực lượng liên quân, phải chịu trách nhiệm.
Vào tháng 11/2006, George Bush bổ nhiệm Bob Gates thay Donald Rumsfeld. Đầu năm 2007, George quyết định quân đội Hoa Kỳ tấn công. Đó là một quyết định phi thường mà tôi cho rằng không ai khác có thể đưa ra. Nhưng ông ấy đã quyết định. Cuộc tấn công bắt đầu vào cuối năm 2007. Quyết định được thực hiện. Có thêm nhiều nhân tố khác: một là quá trình tiếp cận người Hồi giáo Sunni và mang lại những cuộc khởi nghĩa của nhóm những người đã từng là tín đồ Hồi giáo Sunni; nỗ lực một phần do Thiếu tướng Graeme Lamb, một người Anh, mang lại. Chính phủ Iraq cũng đang củng cố lực lượng an ninh Iraq.
Năm 2008, số người Iraq thiệt mạng giảm xuống chỉ còn hơn 9.000. Đến năm 2009, con số này đã giảm xuống dưới 4.000. Đến tháng 5/2010, chỉ còn 850.
Chính vì vậy, hậu quả lại đẫm máu hơn, khủng khiếp hơn và kinh hoàng hơn từng thấy. Hiểm họa chúng tôi dự đoán không đúng. Mối hiểm họa chúng tôi không lường trước được đi cùng với sự tàn bạo và tội lỗi mà thậm chí đến tận bây giờ vẫn còn gây kinh sợ.
Vậy thì: điều này có thể được ngăn chặn không? Và hành động này có đáng không?
Những thiếu sót trong quá trình tái thiết, đặc biệt là phía dân thường có thể, tôi đã nêu rõ và phần nào chịu sự khiển trách. Việc đó tiến hành nhanh hơn, đã tạo nên một không khí ôn hòa và có thuận lợi hơn. Nhưng hành vi khủng bố không bắt nguồn từ sự vỡ mộng trước sự trì trệ của công tác tái thiết. Liên tiếp ở phía Nam, quân đội Anh kiến thiết lại cơ sở hạ tầng cốt yếu chỉ để cho bọn khủng bố tiếp tục tàn phá. Phương thức tấn công của al-Qaeda ở trung tâm và phía Bắc Iraq nhằm làm kinh sợ và ngăn chặn người dân Iraq tái thiết đất nước. Chính vì vậy, những cuộc tấn công này không phải là sự biểu đạt của nỗi thất vọng trước tiến độ thay đổi; đó là chủ tâm nhằm phá hoại tiến trình này.
Giờ đây điều đó đã đúng, một nỗ lực lớn hơn được chuẩn bị kỹ lưỡng và một chương trình tái thiết cho đông đảo dân chúng sẽ lấp đầy khoảng trống. Đó có lẽ là một chương trình cấp thiết cho những người Iraq không có việc làm. Nhưng theo tôi, thật ngây ngô khi tin rằng chỉ với chương trình này có thể ngăn chặn được bạo lực, khi mà căn nguyên của vấn đề lại rất sâu xa và mang tính chính trị.
Trong tình trạng an ninh có thể kiểm soát được, bất kỳ thiếu sót nào cũng sẽ được khắc phục nhanh chóng (và điều tương tự đã đúng với Afghanistan). An ninh là vấn đề – không phải xếp ngang hàng với các yếu tố khác – mà là vấn đề đáng quan tâm hàng đầu.
Việc giải tán quân đội và Tổ chức Dự bị Liên Minh ngày càng được tranh luận rộng rãi, vì điều này ảnh hưởng đến tình hình an ninh cho Iraq. Có thể cả hai đối tượng này góp phần vào tình trạng vô Chính phủ. Nhưng đó chỉ là khả năng trong giới hạn. Mục tiêu bao trùm và trước mắt trong chính sách của Tổ chức Dự bị Liên Minh đã nhanh chóng bị thay đổi, một phần là do phía Anh thúc giục. Và cần phải nhớ rằng với đa số người dân Iraq, Đảng Baath là hiện thân của chế độ Saddam, gây chán ghét và đáng sợ và việc nó tiếp tục tồn tại dưới bất kỳ hình thức nào sẽ là rào cản đối với công cuộc giải phóng.
Trong số 2 triệu đảng viên Đảng Baath, chỉ có khoảng 25.000 người bị cách chức. Người ta cho rằng đây là một chương trình kém quyết liệt hơn chương trình tiêu diệt chủ nghĩa quốc xã ở Đức sau Thế chiến II. Khi người Anh ở phía Nam đã tạm dùng uy lực của Saddam – có quyền lực tối cao – để duy trì trật tự, đã dẫn đến sự phản đối kịch liệt của người dân ở Basra, những người coi ông ta là một biểu tượng căm hờn của chế độ cũ.
Thậm chí phía Hoa Kỳ, với tất cả những lỗi lầm mắc phải – mà giờ đây họ đã thừa nhận – nhằm khiển trách những người gây náo loạn và tàn sát cần phải được phân tích kỹ lưỡng. Xem xét lại bản ghi chép của tất cả các cuộc họp, các bản đánh giá và các đánh giá lại, điểm nổi bật không phải là những người dân tắc trách hay liều lĩnh đưa ra những quyết định ngớ ngẩn hoặc vội vàng; mà chính là một trong số những người lạm dụng chức quyền để đưa ra chính sách cho một tình huống hư cấu, thêu dệt và thay đổi liên tục, với những hậu quả khôn lường đối với tất cả mọi người.
Vậy thì tôi nên rút ra bài học gì? Điều này rất quan trọng vì rất có thể tôi sẽ gặp những tình huống tương tự như vậy trong tương lai?
Đầu tiên, tôi thừa nhận điều tồi tệ nhất. Chúng tôi tin rằng Iraq có một Cơ quan Công quyền đang hoạt động, trong đó kết cấu cơ bản của Chính phủ được giữ nguyên và có năng lực. Nhưng thực tế không phải vậy. Chính quyền Saddam đã hủy hoại toàn bộ đất nước. Chẳng có gì, ngoài việc thực thi quyền cai trị hoàn toàn bằng nỗi sợ hãi và bạo lực. Chính quyền của Iraq là một tổ chức thối nát hoàn toàn. Chính quyền thất bại đơn giản chỉ là: thất bại, ở mọi phương diện, bao gồm cả vấn đề an ninh. Trong tương lai, chúng tôi cần phải chuẩn bị tâm lý cho tình huống một Chính phủ tương tự được thiết lập, sẵn sàng hoạt động – khi chúng tôi chuẩn bị đầy đủ – thông qua việc thành lập một tổ chức gọi là Cơ quan Ổn định vào năm 2004, một cơ quan liên bộ nhằm hỗ trợ các quốc gia giải quyết các xung đột.
Ngoài ra, quân đội cần cho chiến dịch quân sự có thể sẽ khác so với lực lượng giải quyết hậu quả và chắc chắn đối việc can thiệp và tham gia nhiều hơn của nước ngoài sẽ bị phản đối và gây phẫn nộ. Tuy nhiên, chúng tôi nên đặt mình vào một vị trí cho phép sự linh hoạt hoàn toàn nhằm kêu gọi thêm quân đội và sự ủng hộ.
Chúng tôi sẽ đứng ở vị trí của những người xây dựng đất nước. Chúng tôi phải nhận trách nhiệm và đề cao điều đó cũng như kế hoạch cho nhiệm vụ ấy ngay từ đầu. Đó là một thất bại rõ ràng, đặc biệt với trường hợp của Iraq.
Thứ hai, chúng tôi cần xây dựng lực lượng an ninh địa phương càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, việc thiết lập một lực lượng quân đội Iraq mới là một thách thức với mức độ nghiêm trọng hoàn toàn khác và tốn thời gian. Khi lưu ý với Tổng thống Bush hồi tháng 5 và tháng 6 năm 2004 rằng Đại tướng Petraeus, được giao nhiệm vụ thực thi tiến trình ‘Iraq hóa’ hệ thống an ninh rất xuất sắc, thì khi đó một kế hoạch cho các lực lượng của Iraq đã được vạch ra. Hơn nữa, một phần vì chủ đề ‘Iraq hóa’ chủ yếu là ý tưởng của tôi, nên chúng tôi sẽ sắp xếp quân đội Anh là đại diện tiếp sau Đại tướng Petraeus. Tuy nhiên, đó là một nỗ lực mang tính chính trị, kỹ thuật và logic. Một quân đội đang được tạo dựng từ đống đổ nát. Nó cần được huấn luyện, cần một tổ chức huấn luyện, các đơn vị hậu cần, các trang thiết bị, hợp pháp trong cả những trường hợp mà chúng ta phải thường xuyên giám sát để ngăn chặn phản bội hoặc thất thoát.
Vào tháng 6 năm 2004, nghị quyết mới của LHQ giao cho lực lượng an ninh Iraq thẩm quyền chuẩn bị một kế hoạch chuyển giao. Đến tháng 11 năm 2004, tôi có thể ghi nhận với tổ chức rằng kế hoạch của Petraeus đang hoạt động; nhưng đến cuối năm đó, khi các cuộc tấn công khủng bố tăng cường, tôi xem lại lịch trình và chủ đề rằng chúng tôi cần để đẩy mạnh kế hoạch ‘Iraq hóa’ và phần nào phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Các cuộc bầu cử tháng 1 năm 2005 quả là một thời khắc trọng đại. Cuộc nổi dậy được đổi hướng và dần lắng xuống. Allawi, Thủ tướng mới được bầu cử, đã rất thất vọng khi không để đảm bảo an ninh cần thiết cho người dân. Ông bãi bỏ kế hoạch chi thêm 120 triệu đô-la cho các lực lượng Iraq ở phía Nam. Vì tôi hỏi: ‘Ông có chắc chắn là nó cần thiết không? Không, nhưng tôi sẽ chấp nhận rủi ro hơn là bị chậm hơn 6 tháng so với kế hoạch,’ ông đáp.
Từ đó cho đến hết năm 2005, khi Ayad Allawi bàn giao công việc lại cho Ibrahim Jaafari và sau này Jaafari lại bàn giao cho Nouri Maliki, tôi vẫn đang tiến hành một cuộc đàm phán kéo dài với Hoa Kỳ và các nhân viên của tôi về cách thức củng cố năng lực của lực lượng Iraq một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, công việc này luôn mất rất nhiều thời gian. Đến năm 2007, họ đã sẵn sàng, hoặc ít nhất đang ở những giai đoạn đầu đáp ứng yêu cầu năng lực và ở một khía cạnh có thể cuộc tấn công chỉ thành công nếu nó đáp ứng được năng lực tối thiểu này. Trở lại năm 2006, tôi mải mê với công tác chuẩn bị chi tiết và không ngơi nghỉ cho một kế hoach tốt hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Một chủ đề khác trở lại luôn trong các báo báo là yêu cầu mở rộng phạm vi của người Sunni. Đây là bài học thứ 3. Chính trị phải đi kèm với an ninh và tái thiết. Người Sunni chắc chắn không được yên ổn khi mất vị thế nắm quyền hoàn toàn, mặc dù họ là nhóm thiểu số duy nhất ở quốc gia. Mất một khoảng thời gian để họ hiểu rằng chúng tôi không muốn thay thế nền chuyên chính Sunni bằng chế độ của người Shia. Ngay từ đầu, chúng tôi đã có sự ưu tiên đặc biệt. Tuy nhiên, tàn dư của chế độ Saddam và al-Qaeda đã biết cách khai thác khát vọng của người Sunni một cách tài tình. Trong suốt tiến trình chính trị, mặc cho những nỗ lực của chúng tôi, luôn có một mối bất hòa thường trực trong họ. Chúng tôi cũng biết rằng một số vụ khủng bố được hậu thuẫn bởi nguồn lực bên ngoài Iraq núp dưới quyền của người Shia. Sau này khi người Shia bắt đầu trả đũa, ý thức của họ khi tham gia một cuộc chiến bè phái được cải thiện, Trong suốt năm 2006, người dân thực sự coi tình trạng ở Iraq giống như một cuộc chiến bè phái. Một số người cho rằng chia cắt ở Iraq là một giải pháp duy nhất.
Tuy nhiên, cuối cùng khi các nhóm người Sunni mệt mỏi với những cuộc chiến do các hoạt động của al-Qaeda đem lại, họ bắt đầu tìm giải pháp. Từ năm 2007 đến 2008, với sự tham gia tích cực của Thiếu tướng Lamb, một cách từ từ nhưng chắc chắn, họ đã đạt được thỏa thuận với lực lượng đa quốc gia và Chính phủ Iraq cùng chống lại bọn khủng bố al-Qaeda, những kẻ đã gây ra cho họ biết bao cơ cực và đau khổ. Một khi điều đó xảy ra, trong mối tương quan với cuộc nổi dậy, thì xu thế sẽ trào dâng. Các cuộc nổi dậy rải rác tiếp tục diễn ra, nhưng hoạt động của lực lượng an ninh Iraq đã làm suy yếu đáng kể lực lượng al-Qaeda và khiên chúng bắt đầu tuyệt vọng.
Trong các hoạt động chống lại những người theo al-Sadr Maliki thể hiện rằng ông ta đã chuẩn bị để đối đầu với những người chống lại lực lượng Sunni và Shia. Quá trình lập pháp trong năm 2009 với tất cả những vấn đề tồn tại vẫn còn rất mập mờ. Tuy nhiên, cho dù những người Iraq ủng hộ cuộc chiến ngày càng trở nên bi quan trong suốt năm 2006, thì đến năm 2008 họ đã lấy lại niềm tin. ‘Quá trình này mất rất nhiều thời gian’, ‘nhưng rồi sẽ thành công,’ một người đã khẳng định với tôi. Tôi hy vọng ông ta đúng.
Cuộc gặp cuối cùng của tôi với Maliki diễn ra vào cuối năm 2006. Ông ta vẫn gây ra không ít bất hòa nội bộ (một số người mô tả ông ta như một kẻ bè phái núp bóng và hiển nhiên ông ta phải đương đầu với nhiều thử thách); nhưng khi ngồi trong phòng, mặt đối mặt, chúng tôi đã có cuộc trao đổi rất thẳng thắn và thân thiện. Như mọi khi, tôi đến bằng trực thăng quân sự, bay quanh những khu vực nguy hiểm và hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Green Zone, khu vực cách ly và được bảo vệ ở Baghdad nơi có trụ sở của cộng đồng quốc tế và Chính phủ Iraq. Tôi đến thăm đại sứ quán vào ngày trước khi xảy ra cuộc tấn công.
Tòa nhà Chính phủ là dinh thự trước đây của Saddam. Lực lượng an ninh được bố trídày đặc. Thật khó có thể tin rằng một Chính phủ thực sự được xây dựng ở đó. Khi trò chuyện với Maliki, tôi đã nhấn mạnh với ông ta một điều vô cùng cần thiết rằng ông ta phải chứng minh mình nắm quyền là vì đất nước Iraq, chứ không chỉ vì nước Iraq của người Shia. Ông ta đáp lại bằng ngôn ngữ rất đơn giản. Ông ta nói rằng sẽ xử lý bất kỳ ai chống lại chính quyền hợp pháp. Ông cho biết một số kẻ chống đối là người thân cận trước đây của Saddam, những người sẽ không bao giờ chịu hòa giải và sẽ bị triệt tiêu; đồng thời, cho biết mình đã chán ngấy giáo sĩ cấp tiến Muqtada al-Sadr. ‘Ông ta sẽ biết tôi không dung thứ điều này,’ ông ta nói. Tôi đã không chắc là mình tin tưởng Maliki.
Nhưng tôi đã nhầm. Thực ra Maliki đã đánh cược và giải trừ Allawi. Trong cuộc bầu cử năm 2010, Maliki và Allawi đều đứng đầu các bộ quản lý các dòng giáo phái. Tổng thống Talabani tiếp tục giữ nòng cốt, hợp nhất.
Vậy thì: chúng tôi sắp có thêm các lực lượng quân sự? Tiếp tục cống hiến để xây dựng lực lượng Iraq mạnh mẽ hơn? Nỗ lực hơn để thống nhất các nhóm Sunni sớm hơn? Rõ ràng hầu hết các lĩnh vực đều không được như ý muốn. Tuy nhiên, thực tế, trong tất cả các lĩnh vực chúng tôi đều đã nỗ lực hết sức có thể để đạt được mục tiêu. Quân đội của chúng tôi chiến đấu quả cảm. Chúng tôi thiết lập Quân đội Iraq trong 3 năm, không ngừng cố gắng để tiếp cận cho dù là những lĩnh vực không mấy quan trọng của những người theo Đạo Hồi dòng Sunni.
Ở tất cả các khu vực đó – an ninh, tái thiết và chính trị – chúng tôi đã có thể nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu hơn, chắc chắn như vậy, nhưng cũng có cảm giác rằng tình hình sẽ chỉ như vậy. Đã không và sẽ không có một chiến dịch với bất kỳ mục tiêu nào mà thành quả lại không khác so với những gì dự đoán.
Đánh giá của chúng tôi về mong đợi ở Iraq đã không được đưa ra một cách ngẫu nhiên. Các chuyên gia tư vấn về kế hoạch bày binh bố trận. Có những người Iraq sống xa quê đã đóng góp ý kiến nhưng một số người có những quan điểm hết sức cá nhân. Chúng tôi nghe nói có Cơ quan Dân sự Iraq đang hoạt động. Nhưng thực tế là không. Chúng tôi nghe nói có một tổ chức cứu trợ nhân đạo. Nhưng nó đã bị đẩy lùi. Chúng tôi được cảnh báo rằng Saddam sẽ chiến đấu đến cùng. Nhưng chế độ của ông ta đã sụp đổ. Chúng tôi nghe nói bạo lực giáo phái Shia/Sunni sẽ là một tác nhân. Thực tế, tình hình bớt căng thẳng hơn người ta lo ngại.
Nói tóm lại, hầu hết người dân nhận thấy không có mối liên hệ nào giữa Iraq và al-Qaeda; có rất ít nguy cơ Iran can thiệp vào tình hình chiến sự ngoại trừ vùng biên. Và bài học lớn nhất là về sự dối trá.
Mãi đến cuối nhiệm kỳ của tôi, tôi hỏi nhân viên quân sự và nhân viên tình báo của mình tại một cuộc họp ở phố Downing rằng: Giả sử chúng ta không coi al-Qaeda và Iran là những quân bài trong vở kịch này, thì tình hình có thể kiểm soát được không? Không hề do dự, câu trả lời là có.
Chính mối đe dọa bên ngoài kết hợp với những kẻ chống đối bên trong đã gần như phá hủy triển vọng của Iraq. Họ thực hiện âm mưu này nhằm phá hủy một đất nước bằng sự đồi bại và thờ ơ đầy tội lỗi đối với cuộc sống và nỗi đau của con người bất chấp đức tin. Những kẻ đánh bom liều chết được đưa ra trận địa. Những người sùng đạo bị tấn công tại chính nơi họ cầu nguyện. Binh lính và cảnh sát ở đó để giúp đất nước thiết lập lại chính quyền thì bị ám sát. Các nhân viên LHQ, thành viên của các tổ chức phi Chính phủ, người lao động bình thường luôn cố gắng hỗ trợ người dân Iraq có một cuộc sống tốt đẹp hơn, thì bị hạ gục, lật đổ, bắt cóc và giết chết.
Tuy nhiên sau khi nói ra những điều này, phần kết của tôi không nhắc đến thái độ của những kẻ đánh bom liều chết đối với cuộc nổi dậy này và nỗi đau gắn với những bàn cãi nảy lửa, mà là liên quan đến chúng tôi.
Liệu có không một cuộc chống đối riêng rẽ ở bất kỳ nước phương Tây nào về thảm họa này? Nỗi căm phẫn đạo lý ở đâu? Những người đồng sự của người Iraq theo Đạo Hồi ở đâu vào thời khắc họ cần giúp đỡ? Ai đã giúp đỡ họ? Sự chỉ trích tập trung vào đâu?
Chính lực lượng Hoa Kỳ và Anh Quốc là những người đã cố gắng ngăn chặn cuộc nổi dậy; chứ không nhằm vào những người nổi dậy. Tuy nhiên, những tổ chức như al-Qaeda và Iran đã không có chừng mực ở Iraq. Iraq trở thành phương tiện chính và chính họ lựa chọn Iraq là chiến trường. Sự ảnh hưởng của họ là mối đe dọa tương tự chúng tôi được chứng kiến ở Pakistan, một số khu vực ở Lebanon, Palestine, toàn bộ khu vực Trung Đông, đất nước Somalia xa xôi và thậm chí cả khu vực Viễn Đông.
Đó là điều chúng ta chứng kiến trên phố, ở sân bay, ở những trung tâm triển lãm quốc gia, giờ đây mỗi quốc gia phải có nghĩa vụ chi hàng tỷ đô-la mỗi năm cho các kế hoạch chống khủng bố ở nước mình.
Vì thế kết luận cuối cùng của tôi là với bất kỳ kế hoạch nào, cần phải chuẩn bị tinh thần cho những vấn đề sau: nổi dậy và đấu tranh, nếu cần thiết trong các cuộc chiến đẫm máu và kéo dài. Chuẩn bị không chỉ để tái thiết đất nước vốn đã thất bại, mà làm vậy để đối phó với một kẻ thù vốn đã sai lầm làm mọi cách có thể để ngăn cản chúng ta bảo vệ công lý.
Nếu chúng tôi dự đoán được điều sẽ diễn ra ở Iraq, ví dụ như việc lật đổ chế độ của Saddam, thì liệu chúng tôi vẫn tiếp tục làm vậy? Chúng tôi có nên tiếp tục làm như vậy chứ? Nhiều người cho là không nên. Chúng tôi chắc chắn sẽ chịu tổn thất cả về người lẫn tài sản.
Tuy nhiên, câu trả lời của tôi rất rõ ràng. Nếu phí tổn về người và tài sản đổi lại bằng sự sụp đổ của chế độ Saddam, thì tôi đồng tình. Nhưng thực tế không phải vậy, thay vào đó chúng tôi phải chi một khoản tiền rất lớn để khắc phục hậu quả của chủ nghĩa cực đoan mà là mục đích của nó không phải để thực hiện nguyện ước của người dân Iraq mà để ngăn cản điều đó.
Chúng ta sẽ nói gì khi tự hỏi: Hãy nhìn vào những thiệt hại về người, nó đáng giá bao nhiêu? Trước hết, hãy xem ai phải chịu trách nhiệm. Đó không phải là binh lính Hoa Kỳ và Anh quốc. Đó là những hành động phá hoại có chủ ý. Nếu chúng tôi nhượng bộ chúng, chúng tôi sẽ vô tình giúp củng cố tư tưởng chúng rêu rao. Bằng việc từ chối nhượng bộ và quyết định hỗ trợ chế độ dân chủ Iraq, chúng tôi đã thể hiện quyết tâm phản đối tư tưởng đó ở mọi nơi.
Có lẽ, giống như Chu Ân Lai nói khi được đề nghị đánh giá về Cuộc Cách mạng Pháp, “Quá sớm để đưa ra nhận định.” Tất cả những gì tôi biết là tôi đã làm điều mình cho là đúng. Tôi ủng hộ Hoa Kỳ khi họ cần trợ giúp. Chúng tôi cùng nhau đưa thế giới thoát khỏi một kẻ bạo chúa. Chúng tôi cùng nhau chiến đấu để giữ gìn quyền có một Chính phủ dân chủ của người dân Iraq.
Tôi vẫn giữ lại trong ngăn kéo bàn làm việc lá thư của một phụ nữ Iraq, người này đến chỉ để gặp tôi trước khi cuộc chiến bắt đầu. Bà kể cho tôi nghe về sự tra tấn và nỗi chết chóc kinh hoàng mà gia đình bà phải gánh chịu bởi sự đồi bại của con trai Saddam. Bà đã cầu xin tôi hành động. Sau sự sụp đổ của chế độ Saddam, bà quay trở lại Iraq. Bà đã bị giết bởi những kẻ thuộc cùng giáo phái vài tháng sau đó. Bà ấy sẽ nói gì với tôi bây giờ?
Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi - Tony Blair Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi