Always read something that will make you look good if you die in the middle of it.

P.J. O'Rourke

 
 
 
 
 
Tác giả: Tony Blair
Thể loại: Tùy Bút
Nguyên tác: A Journey : My Political Life
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1655 / 31
Cập nhật: 2016-06-09 04:39:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12: 11 / 9: "Kề Vai Sát Cánh"
hật kỳ diệu khi nghĩ về việc cơn chấn động và nhịp điệu tự nhiên của tinh thần con người tự lấy lại nhịp điệu một cách nhanh chóng như thế nào. Một trận đại hồng thủy xuất hiện. Các giác quan quay cuồng. Trong cái khoảnh khắc quyết định cuối cùng đó, chúng ta có thể giữ trong tâm trí mình tầm cỡ trọng đại của cả một sự kiện. Dần dần, không phải ký ức về nó bị phai nhạt mà chính xác là sức ảnh hưởng của nó mờ dần, mất đi sức mạnh và theo đó sự chú ý của chúng ta lại dịch chuyển. Chúng ta ghi nhớ, nhưng không theo cách mà chúng ta đã cảm nhận ở chính thời khắc đó. Ảnh hưởng tình cảm được thay thế bởi một cảm giác bình tĩnh hơn, vì vậy mà có vẻ lý trí hơn. Nhưng ngược đời thay nó lại có thể ít lý trí hơn, bởi sự bình tĩnh không phải là sản phẩm của một phân tích đã được thay đổi, mà là sự mãn hạn về thời gian.
Vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín đã xảy ra theo hướng này. Vào cái ngày tàn khốc đó, trong chưa đầy hai giờ, gần 3 nghìn người đã thiệt mạng trong thảm họa khủng bố tàn khốc nhất mà thế giới từng chứng kiến. Trong vụ tấn công tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới, vốn thống lĩnh đường chân trời của New York, hầu hết các nạn nhân đều tử vong. Hai tòa tháp là địa điểm làm việc của một lực lượng lao động đa dạng hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Họ đến từ tất cả các quốc gia, đa dạng về chủng tộc và tôn giáo. Tòa tháp không chỉ biểu tượng của sức mạnh Mỹ mà còn tượng trưng đầy đủ nhất cho khái niệm toàn cầu hóa hiện đại
Vụ nổ xảy ra sau khi các máy bay đâm vào tòa tháp, làm hàng trăm người chết ngay lập tức. Sau đó, phần lớn nạn nhân đã tử vong khi các tầng của hai tòa tháp sụp đổ. Lửa và khói làm họ ngạt thở, nhiều người đã nhảy xuống từ các tầng vì sợ hãi và hoảng loạn, hoặc vì họ thà chấp nhận cái chết đó còn hơn bị lửa thiêu. Rất nhiều nhân viên cứu hộ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, hành động anh hùng của họ trong ngày hôm đó là minh chứng hùng hồn cho sự hy sinh quên mình.
Tòa Tháp Đôi không phải là mục tiêu duy nhất. Chuyến bay mang số hiệu 77 của hãng Hàng Không Mỹ, chở 64 người từ Washington đến Los Angeles, đã bị điều khiển chuyển hướng tới Lầu Năm Góc. Tổng cộng 189 người chết. Chuyến bay mang số hiệu 93 của hãng Hàng Không Liên Bang, được lập trình bay từ Newark tới San Francisco với 44 hành khách, bị không tặc tấn công, mục tiêu của nó có lẽ là Nhà Trắng. Chuyến bay đó đã hạ cánh khẩn cấp xuống Hạt Somerset, Pennsylvania. Các hành khách trên chuyến bay, khi phát hiện ra mục tiêu của không tặc, đã tấn công vào buồng lái. Chấp nhận cái chết, họ đã cứu mạng nhiều người khác.
Sự kiện này được coi như là sự kiện độc nhất vô nhị. Ngày hôm sau, báo chí Anh – tiêu biểu cho cho giới truyền thông toàn cầu – thẳng thừng tuyên bố: “Có chiến tranh”. Vụ việc tương tự được liên hệ nhiều nhất là trận chiến Trân Châu Cảng. Ý niệm về một thế giới, không chỉ nước Mỹ, phải đương đầu với một tai họa chết chóc đã thực sự tuyên chiến với chúng ta lúc đó đã không bị gạt bỏ như thứ ngôn ngữ bề ngoài cảm xúc của công chúng. Nó là tình cảm thực sự. Hàng nghìn người bị khủng bố sát hại − chúng ta còn có thể gọi nó là gì?
Các quan điểm đều rất thẳng thắn và rõ ràng, đồng thời cũng trái chiều nhau, không chỉ ở phương Tây mà ở mọi nơi. Hầu hết các quốc gia thuộc thế giới Ả rập đều phản đối gay gắt hành vi này, chỉ có Saddam yêu cầu đài truyền hình quốc gia Iraq phát một bài hát tuyên truyền mang tính đảng phái, “Down with Ameriaca” (tạm dịch: Sụp đổ cùng nước Mỹ), gọi các vụ tấn công là “trái đắng từ cây tội ác của người Mỹ chống lại nhân loại”. Yasser Arafat kết tội các hành vi này nhân danh những người Palestine, dù không may thay, truyền hình lại chiếu một vài cảnh trong đó có một số người Palestine đang hân hoan ăn mừng.
Những từ phổ biến nhất ngày đó là “chiến tranh”, “tội ác”, “lòng cảm thông”, “sự đoàn kết”, “quyết tâm” và tất nhiên có cả “thay đổi”. Trên tất cả, mọi người đều công nhận rằng thế giới đã thay đổi.
Lý do cho nhận định về sự thay đổi đó cũng không khó để tiên đoán. Nỗ lực đầu tiên nhằm tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới vào năm 1993, đã bị ngăn cản, nhưng việc lập kế hoạch lần này rõ ràng đã tỉ mỉ hơn. Kẻ thù đã sẵn sàng chờ đợi tới khi có đủ phương tiện lẫn cơ hội cần thiết.
Ngoài ra, một cuộc tấn công khủng bố trên quy mô này không được tính toán chỉ để gây ra thiệt hại nhỏ. Nó được thiết kế để gây ra thương vong tối đa. Nó là một hành động liều chết. Vì vậy, nó có ý nghĩa, mục đích và phạm vi vượt xa bất cứ điều gì chúng ta đã từng gặp trước đây. Đây là cuộc khủng bố không giới hạn, không khoan dung, không đoái hoài tới mạng người, bởi nó đã được thúc đẩy bởi một nguyên nhân cao hơn cả nguyên nhân vì con người. Nó được truyền cảm hứng từ một niềm tin vào Chúa, một niềm tin bị biến dạng, một niềm tin hoang tưởng và bị quỷ ám, nhưng đã được truyền cảm hứng rõ rệt.
Nó là lời tuyên bố chiến tranh chân thực nhất. Nó đã được tính toán, lên kế hoạch và thiết kế để kéo chúng ta vào xung đột. Cho tới thời điểm đó, các hoạt động cực đoan kiểu này đã đang phát triển rất mạnh mẽ. Nó càng ngày càng được liên hệ với những cuộc tranh luận dường như khá rời rạc, nhưng dần dần mối liên hệ đã được thiết lập. Kashmir, Chechnya, Algeria, Yemen, Palestine, Lebanon; ở mỗi khu vực đều có các nguyên nhân khác nhau, từ những nguồn gốc khác nhau, nhưng các cuộc tấn công, được tiến hành như những động thái khủng bố, dần lớn mạnh và quy mô hơn và cầu nối về hệ tư tưởng với một yếu tố cực đoan bày tỏ niềm tin vào đạo Hồi được thể hiện thường xuyên hơn bao giờ hết. Cho tới ngày 11 tháng Chín, các mảng màu trên các phần khác nhau của bức tranh sơn dầu còn không xuất hiện như một bức tranh đơn lẻ. Sau thời điểm trên, sự sáng tỏ đã trở nên thuần nhất, sống động và định ra ranh giới rõ rệt.
Bây giờ khi nhìn lại, gần một thập kỷ sau đó, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với chiến tranh, vẫn đang vật lộn và kiểm soát những hậu quả rùng rợn mà chiến tranh mang lại và chúng ta có thể thảng hoặc nhớ lại cách chúng ta đã vượt qua nó để có được ngày hôm nay. Nhưng vào buổi sáng đẹp trời ở New York ngày hôm đó, không một gợn mây nào làm vẩn bầu trời xanh ngắt một màu ấy, chúng ta đã biết chính xác điều gì đang xảy ra và tại sao.
Chúng tôi đã biết rằng chúng ta đã không phát động và gây hấn mang lại sự phẫn nộ này. Đã từng có các hành vi khủng bố chống lại chúng tôi như Lockerbie, USS Cole, Đại sứ quán Mỹ ở Tanzania. Trước đó chúng tôi đã cố gắng trả đũa, nhưng ở một mức độ tương đối thấp. Đó là các chiến thuật đơn lẻ, nhưng đúng là chúng đã gây ra chiến tranh. Đó là cái giá mà nước Mỹ phải trả vì là nước Mỹ. Các xung đột khác mà chúng tôi nhận ra không thuộc về trách nhiệm của chúng tôi; hay ít nhất đó là việc của các tổ chức ngoại giao, chứ không phải của nhân dân chúng tôi.
Vì vậy những kẻ gây ra các hành động này thật đồi bại, nhưng chúng cũng không làm thay đổi được quan điểm của chúng tôi về thế giới. George Bush đã thắng cử Tổng thống sau các tranh cãi về cuộc bỏ phiếu kín có nhiều cạnh tranh gay gắt nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, nhưng cuộc chiến giữa ông ta và Al Gore đã tập trung chủ yếu vào vấn đề chính sách đối nội. Tại cuộc gặp đầu tiên của tôi với ông ta – trại lính David vào tháng Hai cùng năm – ưu tiên hàng đầu của ông ta là về giáo dục, trợ cấp và cắt giảm quy mô Chính phủ cồng kềnh theo như ông ta thấy.
Vì vậy không có sự tăng cường vũ trang nào cho ngày 11 tháng Chín, không có leo thang, không có nỗ lực xoa dịu nào bị thất bại, không có dự đoán hay sự tất yếu. Chỉ có một vụ tấn công – được lên kế hoạch, rõ ràng là từ nhiệm kỳ tổng thống trước – với mức độ tàn bạo và hậu quả nghiêm trọng đến khó tin. Không cảnh báo, không yêu sách, không thương lượng. Không gì ngoài một vụ thảm sát những người vô tội.
Chúng tôi đang có chiến tranh. Chúng tôi không thể phớt lờ sự thực đó. Nhưng chúng tôi nên giải quyết nó như thế nào? Và ai là kẻ thù? Một người? Một nhóm người? Một phong trào? Hay một chính quyền?
Ngày hôm đó tôi đang ở Brington để trình bày bài diễn văn hai năm một lần trước Hiệp hội Đại diện Nghiệp đoàn Anh. Thành thật mà nói, đó luôn là một sự vụ khủng khiếp đối với cả hai bên. Như đã giải thích ở đâu đó, tôi rất nản lòng khi họ quyết không thực hiện công cuộc hiện đại hóa; họ thì nản chí vì tôi cứ dạy họ phải xử lý công việc của mình như thế nào. Họ phớt lờ lời cố vấn của tôi; còn tôi phớt lờ lời tham vấn của họ. Vì tất cả những điều đó, chúng tôi gần như chỉ tiến hành cho xong và bằng hình thức diễn văn đến khi kết thúc.
Điều tuyệt vời về Brington là nó có khí hậu ấm áp và gần London hơn Blackpool, đặc biệt khu vực này vẫn còn lưu giữ vẻ cuốn hút mãnh liệt của những ngày xưa cũ. Blackpool có thể là một thành phố tuyệt vời và có nét sang trọng độc đáo, nhưng thành phố này vẫn còn nhiều điều cần cải tổ. Brington là nơi Neil Kinnock đã tổ chức một buổi chụp ảnh với cánh báo giới trên bãi biển đầy đá cuội vào ngày ông trở thành lãnh đạo Đảng Lao động năm 1983, ông sảy chân ngã xuống biển. Bạn có thể tưởng tượng được niềm vui của cánh báo chí lúc đó. Cảnh tượng đó hẳn đã được tua đi tua lại hàng nghìn lần và trở thành một hành động sơ sảy nổi tiếng. Thật bất công với Neil, tất nhiên; nhưng những việc như thế không bao giờ là công bằng cả. Trước công chúng, bạn luôn phải ở trong tư thế trình diễn, vì vậy luôn bị kiểm soát. Thực ra, bạn chỉ cần xuất hiện một cách tự nhiên, giữ chặt bản chất thực của mình trong gọng kìm của sự cẩn trọng. Đừng để lộ điểm yếu; đừng nghĩ đây là lúc bắt đầu chuyến phiêu lưu mới trong giao tiếp; đừng bỏ qua những giới hạn về cảm xúc; hãy làm những việc đó thật thoải mái với tư thế của một người đang trò chuyện với bạn cũ, mặc dù trên thực tế, chỉ là các mối quan hệ xã giao.
Dần dần, tôi bắt đầu nghĩ sẽ không bao giờ có một giây phút nào tôi được là chính mình mà không phải che đậy. Bạn lo rằng thậm chí đang ngồi trong phòng khách hay trong nhà tắm, ai đó cũng có thể chụp ảnh, đặt câu hỏi và yêu cầu bạn phải lý giải hành động của mình. Tôi dần tập trung thái quá vào việc người khác nhìn tôi thế nào, cho đến khi, đến một thời điểm, tôi tập trung trở lại vào cách tôi nhìn chính mình. Tôi nhận ra rằng mình là tài sản của công chúng, nhưng quyền sở hữu vô thời hạn lại thuộc về tôi. Tôi học được cách không để quan điểm của người khác, kể cả những quan điểm chiếm ưu thế, chi phối và quyết định quan điểm của chính mình hay những gì tôi nên hay không nên làm.
Cuộc diễn thuyết TUC diễn ra từ đầu đến trung tuần tháng Chín và Hội nghị Đảng diễn ra khoảng hai tuần sau đó. Cả hai điều này khiến tháng Chín trở nên khá căng thẳng. Từ TUC, bạn có thể dự cảm được vị trí của Đảng xét theo phương diện có bằng lòng hay không. Vấn đề đầu tiên thường là điềm báo cho vấn đề thứ hai. Cuộc họp TUC năm 2001 cũng không phải ngoại lệ.
Với chiến thắng áp đảo hai nhiệm kỳ liên tiếp đầu tiên trong lịch sử nước Anh của chúng tôi, có lẽ bạn đã nghĩ đó là một dịp để chung vui. “Tôi nghĩ chủ yếu là họ muốn chúc mừng ngài về chiến thắng”, Alastair đã nói với tôi, với vẻ mặt trịnh trọng, trong lúc chúng tôi lên tàu.
“Anh nghĩ thế à?” Tôi nói, ngẩng mặt lên.
“Đừng có lố bịch như thế”, anh ta trả lời.
Khỏi phải nói, tâm trạng khi tôi đến vào giờ ăn trưa là sự pha trộn giữa vị ngọt và chua, nhưng với vị ngọt bị lấn át. Tôi đi thẳng đến khách sạn Grand Hotel. Chúng tôi có một tiếng rưỡi trước khi tôi phải tới Trung tâm Hội Nghị mới cách đó khoảng 100m dọc theo đường ven biển. Tôi làm việc trong phòng ngủ trong lúc cả đoàn tập trung tại phòng khách của khách sạn. Chỉ sau hai giờ kém 15 phút, khoảng 8 giờ 45 theo giờ chuẩn Đông, Alastair được Godric Smith – một trợ lý rất có năng lực của anh ta, gọi ra khỏi phòng. Alastair quay vào, bật ti vi lên và nói: “Tốt hơn các ngài nên xem cái này.” Anh ta biết tôi ghét bị làm phiền ngay trước giờ diễn thuyết, vì thế tôi nhận ra rằng mình nên xem TV theo lời Alastair. TV đang chiếu hình ảnh Trung tâm Thương mại như thể ai đó vừa giáng một cú đấm vào nó, lửa và khói tỏa ra ngùn ngụt. Chỉ hơn 15 phút sau, một chiếc máy bay thứ hai đâm vào, lần này hình ảnh được truyền hình trực tiếp. Đây không phải một vụ tai nạn. Nó là một vụ tấn công.
Vào lúc đó, tôi cảm thấy bình tĩnh đến kỳ lạ cho dù dĩ nhiên cảm thấy kinh sợ trước sự tàn phá và tôi hiểu đây không phải một sự kiện bình thường, mà là một sự kiện làm rung chuyển thế giới. Ở một mức độ nào đó, nó là một cơn chấn động, một hành động tội ác vô cảm. Ở một mức độ khác, nó giải thích cho các sự phát triển đang diễn ra trên thế giới trong thời gian qua − những hành vi khủng bố nhỏ lẻ, những bất đồng quan điểm được đánh dấu bởi chủ nghĩa cực đoan và áp lực tăng cao của lý tưởng tôn giáo vốn thường xuyên đe dọa bùng nổ và giờ đã bùng nổ thực sự.
Chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, rõ ràng là con số thương vong có thể lên tới hàng nghìn người. Tôi cố gắng trấn tĩnh và sắp xếp lại các ý nghĩ của mình. Đây là vụ tấn công khủng bố tệ hại nhất trong lịch sử loài người. Nước Mỹ không phải là mục tiêu duy nhất, mà tất cả những khu vực có chung hệ giá trị. Chúng tôi phải sát cánh bên nhau, phải hiểu được quy mô của thách thức và phải dũng cảm đối diện với nó. Chúng tôi không thể từ bỏ cho tới khi việc đó được giải quyết. Không được kiểm tra và không được thử thách, điều này có thể đe dọa lối sống của chúng ta. Không có chiều hướng nào khác; không lựa chọn nào khác; không có lối đi nào khác. Đó là chiến tranh. Chúng tôi phải chiến đấu và chiến thắng. Nhưng đó là một cuộc chiến không giống bất cứ cuộc chiến nào. Đây không phải là cuộc chiến về những ý tưởng và giá trị có thể định hình nên thế kỷ XX.
Tất cả những gì điều này mang lại cho tôi 40 phút giữa cuộc tấn công đầu tiên và việc tôi đứng trước khán giả, nói với họ rằng tôi không thể thực hiện bài diễn thuyết, tôi phải quay về London ngay lập tức. Và điều này hoàn toàn rõ ràng. Nó vẫn rõ ràng như thế và duy trì nguyên vẹn, theo cùng một cách, như đã rõ ràng từ trước đến nay.
Ngay lập tức tôi nhận thấy, dù đây là chiến tranh, nó có thể được miêu tả và đấu tranh theo những cách khác nhau vì bản chất thực sự của nó. Được nhìn nhận một cách sâu sắc, thì đây là cuộc chiến mang tính hệ tư tưởng, những tập tục và lề thói sinh sống của sự cuồng tín tôn giáo đối lập với một hệ thống Chính phủ lâu đời đã được khai sáng. Hệ thống đó, ít nhất là ở phương Tây, đã hòa hợp đức tin trong tinh thần giải phóng, công bằng và dân chủ. Nó cũng là cuộc chiến về sự nghiệp hiện đại hóa, một sự đụng độ không hẳn là giữa các nền văn minh, mà là giữa động lực và hậu quả của quá trình toàn cầu hóa.
Trên toàn cầu, công nghệ mới – mạng Internet, máy tính, điện thoại di động, du lịch và truyền thông đại chúng – đã khiến thế giới rộng mở, đưa mọi người lại gần nhau, hòa trộn các nền văn hóa, chủng tộc, đức tin vào một thế giới giao hòa giữa con người với con người và phản ứng xuất hiện. Ở phương Tây, phản ứng thường có hình thức của chủ nghĩa dân tộc tàn bạo, những làn sóng chống nhập cư vì người ta thấy nhận dạng truyền thống của mình bị suy yếu và tầm kiểm soát của họ đối với thế giới xung quanh bị bao vây, cả về kinh tế và văn hóa.
Trong phạm vi đạo Hồi, những thế lực sâu xa hơn đang hoạt động. Nhiều người không tin vào quá trình toàn cầu hóa, lo lắng về cách nó thay đổi xã hội, về việc giới chức trách sẽ nhượng bộ nó. Nhiều người không thích nền văn hóa phương Tây, sự đòi hỏi xấc xược của nó với những thái độ tự do, với tự do quan hệ, chủ nghĩa cá nhân mà đôi khi có thể sa đà vào chủ nghĩa anh hùng. Trong hàng thế kỷ, đạo Hồi đã không chỉ là một phong trào tôn giáo chiếm ưu thế ở Trung Đông và nhiều khu vực khác trên thế giới, mà còn đạt được sự thống trị về chính trị và dẫn đầu thế giới về khoa học, nghệ thuật và văn hóa.
Trong hàng trăm năm sau cái chết của Chúa Jesus, khi đạo Cơ Đốc được lan truyền ban đầu nhờ những người bị Đế chế Roma khinh bỉ, ngược đãi và sau đó trở thành tôn giáo chính thức của Đế chế này, nó đã trở thành tôn giáo được công nhận hoặc tuân thủ của các quốc gia mà ngày nay được biết đến như các quốc gia đạo Hồi: Ai Cập, Palestine, Lebanon, Syria, Iraq. Ngày nay, ở các nước này vẫn còn những nhóm nhỏ người theo đạo Cơ Đốc, dù ít hơn nhiều so với trước kia; và họ bắt nguồn từ các cộng đồng người Cơ Đốc tồn tại trước đạo Hồi.
Vào thế kỷ thứ VII, đạo Cơ Đốc dần lu mờ vì sự chia tách, ly gián và các cuộc chiến để quy định đâu là dị giáo và đâu là tôn giáo chính thống. Một khi bị ngược đãi và phải tử vì đạo, những người Cơ Đốc giáo bị săn lùng không chỉ bởi những người không theo Cơ Đốc, mà còn bởi những người Cơ Đốc vốn bất đồng với tính chất chính thống. Với một tôn giáo dựa trên lòng trắc ẩn và tình yêu, đây là một bức tranh ảm đạm.
Khi đạo Hồi bắt đầu thịnh và trong khoảng 20 năm đã được thiết lập bởi Nhà tiên tri Mohamet để trở thành một Nhà nước mà chúng ta biết đến ngày nay như Ả Rập Xê út và hơn thế, nó là một phần của nỗ lực đưa những đức tin Abrahamic quay lại nguồn cội của mình và phát triển thành một lối sống có nguyên tắc, có lý trí và đạo đức để tiến về phía trước. Thông điệp của nhà tiên tri được truyền đến cho ngài bởi thiên thần từ Chúa Trời – kinh Koran vì vậy chính là câu chuyện được truyền trực tiếp về lời của Chúa.
Ít nhất ngay từ đầu đạo Hồi đã là một sự đối lập rõ rệt với đạo Cơ Đốc. Trong khi quân đội Cơ Đốc giáo có thể thường xuyên tàn sát kẻ thù của mình, thì đạo Hồi lại thể hiện sự khoan dung. Khi các tôn giáo khác bị đàn áp bằng vũ lực, đạo Hồi thể hiện sự nhân nhượng. Khi các linh mục và giáo sĩ sống những cuộc đời hư hỏng và đồi bại, những người theo đạo Hồi lại tỏ ra là những môn đồ thực thụ của sự sùng đạo và kỷ luật trước Chúa.
Khi đạo Hồi mở rộng xa hơn Mecca và Medina, nó thường được xem như một sự giải thoát, ngay cả với một số cộng đồng Cơ Đốc giáo như những người Nestor ở Iraq. Theo thời gian, tất nhiên, khi trở nên hùng mạnh hơn nó cũng độc tài hơn. Những người ngoại đạo được đề xuất một lựa chọn – đồng hóa hay đánh thuế – và cái giá của việc đánh thuế cao đến khó chịu. Tuy nhiên, công bằng mà nói, cho tới và xuyên suốt các cuộc Thập Tự Chinh và cho đến gần thời kỳ Phục Hưng ở châu Âu, đạo Hồi vẫn là kho tàng vĩ đại của những tư tưởng văn minh.
Lịch sử của đạo Hồi – nguồn gốc của nó, sự phát triển, tình trạng khó khăn hiện tại – đều có vai trò quan trọng đối với những sự kiện ngày 11 tháng Chín. Tôi vốn không biết nhiều về bản chất sâu xa của hiện tượng. Cho đến ngày 11 tháng Chín năm 2001, tôi chấp nhận những gì mà hầu hết mọi người chấp nhận: Hành động này được thực hiện bởi một nhóm nhỏ những kẻ cuồng tín không đại diện cho đạo Hồi, những kẻ có thể và nên bị tiêu diệt.
Nếu lúc ấy tôi biết rằng một thập kỷ sau chúng tôi vẫn đang chiến đấu ở Afghanistan, thì tôi có thể đã thấy lo ngại và báo động một cách sâu sắc hơn.
Tôi hy vọng vẫn có thể đưa ra quyết định như ban đầu, cả ở đó lẫn sự tôn trọng dành cho Iraq. Trốn tránh đương đầu có thể sẽ là một sai lầm khủng khiếp, một động thái của sự yếu hèn trên chính trường. Những điều được biết lúc này cũng không hề làm tôi giảm quyết tâm ủng hộ cuộc chiến mà chúng tôi đã bắt đầu từ ngày xảy ra sự kiện đó. Trái lại, tôi còn xác định rằng cuộc chiến phải được tiến hành với mọi phương tiện mà chúng tôi có quyền sử dụng và diễn ra cho tới khi thắng lợi.
Điều đã trở nên rõ ràng lúc này là quy mô của thách thức, nó khác với những gì chúng tôi dự tính lúc đầu trên hai phương diện. Trước hết, theo hệ tư tưởng của đạo Hồi hiện đại, chỉ duy nhất một trục đối xứng. Ở tận cùng trục bên kia là những người cực đoan, những người ủng hộ chủ nghĩa khủng bố để đẩy xa mục tiêu trở thành một nước đạo Hồi, sự tái sinh của vị vua khalip, người sẽ xuất hiện vào những năm sau khi Nhà Tiên Tri qua đời. Nhóm người đó không đông, nhưng những người cảm thông với họ đã dần vượt xa trên trục đối xứng hơn chúng ta tưởng. Tuy nhiều người không đồng tình với chủ nghĩa khủng bố, nhưng họ “hiểu” tại sao nó đang diễn ra.
Xa hơn trên trục này là những người kết tội những kẻ khủng bố, nhưng lại tin tưởng thế giới quan của mình một cách tò mò và nguy hiểm. Họ đồng ý với những kẻ cực đoan rằng Mỹ là một quốc gia chống đạo Hồi; họ coi cuộc xâm lược Afghanistan hay Iraq là những cuộc xâm lược vào các quốc gia đạo Hồi bởi hai nước này đều theo đạo Hồi. Họ coi Israel là biểu tượng của thành kiến chống đạo Hồi ở các nước phương Tây. Nhóm người này vươn rộng một cách khó chịu tới giữa trục đối xứng.
Và rồi bạn có, tất nhiên, một số lượng lớn, có thể là đa số, những người kết tội những kẻ khủng bố và thế giới quan của chúng.
Nhưng – đây là điểm thứ hai – ngay cả nhóm này cũng chưa tự tin tìm ra cách nêu rõ một quan điểm hiện đại và đã được cải tiến về đạo Hồi. Nói cách khác, đúng là họ thấy chủ nghĩa khủng bố rất đáng lên án và họ muốn liên minh với các nước phương Tây để chống lại nó, nhưng dù sao cũng chưa thể xem điều này như một câu chuyện thay thế về đạo Hồi để có thể làm rõ hơn về lịch sử của nó và cung cấp một tầm nhìn khoáng đạt về tương lai của tôn giáo này. Điều này có nghĩa là các quốc gia trong thế giới Ả Rập và đạo Hồi sẽ đưa ra cho nhân dân của mình một lựa chọn gây lúng túng và vô cùng tự huyễn hoặc giữa một thế giới tinh hoa lãnh đạo bằng lý tưởng đúng đắn nhưng lại miễn cưỡng hoặc lo lắng không dám quảng bá rộng rãi và một phong trào phổ biến với lý tưởng sai trái nhưng họ đều rất sốt sắng được khẳng định.
Kết hợp của tất cả những yếu tố trên, ta thấy cuộc chiến này không phải diễn ra giữa một nhóm không điển hình của những kẻ cực đoan và chúng tôi mà là một cuộc đấu tranh thiết yếu cho lý trí, trái tim và tâm hồn của đạo Hồi.
Trong cuộc đấu tranh đó chúng tôi là những người tham gia không thể thiếu, vừa bởi chúng tôi bị tấn công và cũng bởi những nhà phải lãnh đạo Hồi giáo đi tới cải cách rất cần sự hỗ trợ của chúng tôi. Trong phân tích cuối cùng, tất nhiên, nó là cuộc đấu tranh cần được chiến thắng từ bên trong. Những cuộc đấu tranh như vậy không kéo dài trong một nhiệm kỳ bầu cử; chúng có thể kéo dài đến một thế hệ.
Quay lại với khoảnh khắc theo sau hành vi khủng bố gây chấn động đã làm cả thế giới choáng váng, ngỡ ngàng và kinh hoàng, vụ việc đã rõ: Những kẻ điên khùng đã tuyên bố chiến tranh. Chúng cần được nhổ sạch và loại bỏ. Không ai nghi ngờ điều đó. Không ai – hoặc rất ít người – phản đối nó, hay phản đối các hành vi hệ lụy.
Chúng tôi không ảo tưởng chút nào cho dù giai đoạn sau đó đã nảy sinh những ảo tưởng và chỉ có hai cách giải quyết hiện tượng này. Một là kiểm soát nó; để Taliban nắm quyền lực nhưng khống chế họ bằng các lệnh cấm và liên minh; thực hiện phương án sử dụng thuần túy sức mạnh mềm để đối phó với thách thức. Một số người đã ủng hộ chiến thuật này (dù không có nhiều người như thế vào ngày 12 tháng Chín nữa) và tôi không bãi bỏ nó. Nó là phương án dự phòng cho những gì chúng tôi thực sự đã làm. Ý tưởng này lẽ ra đã có hiệu quả đối với công cuộc cải cách từng bước và sự xuất hiện một đạo Hồi mới theo thời gian. Vì vậy, lẽ ra chúng tôi đã châm ngòi cuộc chiến; nhưng trên thực tế, chúng tôi đã dừng lại.
Cách còn lại, cách mà chúng tôi đã chọn, là đương đầu với nó bằng quân sự. Tôi vẫn tin rằng đó là một lựa chọn đúng, nhưng cái giá phải trả, bài học và những hậu quả của nó lớn hơn những điều mà bất cứ ai trong chúng tôi, đặc biệt là tôi, có thể nhận ra vào hôm ấy.
Để chiến thắng theo cách này không cần một chiến dịch quân sự đơn giản để đánh bại một kẻ thù đang đối đầu với chúng tôi. Nó cần có một khung địa chính trị hoàn toàn mới. Nó cần một quy trình xây dựng tầm cỡ quốc gia. Nó yêu cầu những hành động can thiệp liên tục vào sự vụ của các quốc gia khác. Nó yêu cầu, trên hết, thiện chí nhìn nhận thực tế cuộc chiến và xem xét nó, để tận dụng thời gian, sử dụng ngân sách, chiến đấu trong khi tin tưởng rằng nếu không làm vậy chỉ là để trì hoãn ngày giác ngộ. Khi thời gian, tiền bạc và sự đổ máu sẽ lớn hơn gấp bội. Ai có thể nói cách nào là đúng? Không ai cả. Chúng tôi sẽ chỉ tìm ra một thời gian sau đó. Cũng như kiến thức của chúng tôi vào ngày 11 tháng Chín vẫn còn hạn chế, kiến thức của chúng tôi bây giờ cũng vẫn vậy. Trong trường hợp đó, trong những điều kiện về nhận thức như thế, cách duy nhất là đi theo bản năng và niềm tin. Không thể làm gì nhiều hơn. Đó là những gì tôi đã làm trong những ngày sau vụ thảm kịch.
Ngày đó chúng tôi đã nghĩ rằng phương án giải quyết khá đơn giản: Hạ gục Taliban, để Afghanistan thực hiện một cuộc bầu cử dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc, tài trợ hàng tỷ đô-la đầu tư cho phát triển và chắc chắn kết quả đạt được sẽ là sự tiến bộ. Và tất nhiên, nếu không có kẻ thù dùng hành vi khủng bố để can thiệp và gây rối loạn, không có tư tưởng bè phái mang tính bộ lạc và cửa quyền của một quốc gia đang lụi bại, nếu người dân được cho phép làm những gì họ muốn, thì có thể họ đã quyết định hướng tới sự phát triển. Trên thực tế, trong khả năng, họ đã làm và tại tất cả các cuộc bỏ phiếu, họ đã thể hiện mình muốn gì và không muốn gì. Nhưng ngay cả khi được chúng tôi ủng hộ, ngay cả với hoạt động của lực lượng và sự trợ giúp từ chúng tôi, thì ý chí của con người khi cố gắng đạt tới kỷ cương đã không thể vượt qua ý muốn bạo loạn thay vào đó.
Tuy nhiên, kết luận từ việc này không phải là chúng tôi sẽ từ bỏ cuộc chiến, càng không phải nếu chúng tôi chưa từng tham dự thì tình trạng của cả chúng tôi và người dân sẽ tốt đẹp hơn. Chúng ta chỉ có thể nói rằng chiến tranh rất tàn ác và dai dẳng. Và đó chính xác là những gì khiến việc chiến thắng trở nên ý nghĩa và quan trọng hơn nữa.
Cái nền tảng mà thông qua đó chúng tôi nhìn nhận toàn bộ sự việc đó ngày hôm nay đó là chúng tôi không thể nhìn thấy kết cục và trong khi đang mất dần những người lính dũng cảm và tận tụy trong một cuộc chiến có hậu quả không rõ ràng. Nhưng trong bất cứ cuộc chiến nghiêm trọng nào, ở một thời điểm nào đó người ta có thể chạm tới vấn đề này và câu hỏi khi đó là nên rút lui hay tiếp tục tiến lên. Những người lính không hy sinh vì mục tiêu không công bằng; họ hy sinh vì kẻ thù đang chống lại chúng tôi; bởi vì nguy cơ đối với họ cũng rất cao và họ có thể nhìn thấy khả năng, nếu họ thất bại, chúng tôi sẽ ngã lòng hay nghĩ ra một thỏa thuận đê tiện nào đó đánh đổi những nguyên tắc quan trọng mà chúng tôi đang đấu tranh để bảo vệ, để lấy lại sự yên bình. Do đó, họ đã vùng lên mạnh mẽ hơn, mang theo lý tưởng bên mình.
Vì vậy, việc tìm ra nguyên nhân cho cuộc chiến ở Afghanistan là rất quan trọng. Cuộc chiến xảy ra vì vào cái ngày định mệnh đó, những kẻ khủng bố được Taliban nuôi dưỡng và đang huấn luyện ở Afghanistan đã cho thấy chúng có thể giết người vô tội trên một quy mô cho đến nay vẫn không thể xác định; để đánh bật chúng tôi khỏi liên minh với những người muốn cùng sống trong thế giới hòa bình với đạo Hồi và để buộc chúng tôi rời bỏ thế giới đó để hướng tới một lý tưởng về chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, tới một Nhà nước được cai trị bởi những kẻ cuồng tín hoặc độc tài. Chúng tôi đã không thể tìm ra chúng. Nếu không phải ngày 11 tháng Chín, có thể đã là bất cứ một dịp nào khác.
Trong hậu quả ngay sau đó, chúng tôi cũng không biết cuộc đột kích tiếp theo sẽ diễn ra ở đâu. Sau đó một thời gian, chúng tôi đề ra một kế hoạch khẩn cấp đề phòng cho bất cứ máy bay nào qua London hay thành phố trọng yếu nào đó bị mất tín hiệu trên không. Về cơ bản, chúng tôi đã có một chuỗi cảnh báo leo thang tới mức mà chính tôi cũng bị yêu cầu xác minh khi cho máy bay hạ cánh. Máy bay chiến đấu cũng được lệnh điều động, sẵn sàng bắn hạ mục tiêu nếu được yêu cầu. Điều này chỉ xảy ra một lần duy nhất. Tôi có thể nhớ lại nó, như bạn biết đấy, một cách sống động. Tôi đang ở Chequers vào cuối tuần và nhận được một cuộc gọi khẩn. Một máy bay chở khách đã mất kiểm soát được vài phút và đang bay về phía London. Tôi ủy quyền cho sĩ quan trưởng RAF nhận quyết định. Máy bay chiến đấu đã cất cánh. Trong vài phút rất căng thẳng chúng tôi đã nói chuyện, cố gắng trong tuyệt vọng để dựa vào bản năng và ước đoán xem đây là mối đe dọa hay chỉ là tai nạn. Giờ chót đã điểm. Tôi quyết định là chúng tôi cần phải trì hoãn. Vài giây sau chiếc máy bay nối lại liên lạc. Đã có một trục trặc kỹ thuật. Tôi đã phải ngồi xuống và cảm ơn Chúa vì điều vừa xảy ra.
Sau khi rời bục diễn thuyết tại cuộc họp TUC – mỉa mai thay, tôi lại nhận được sự chào đón nồng nhiệt hơn bất cứ sự chào đón nào mà tôi từng được nhận – tôi đã sắp xếp các cuộc họp khẩn cấp để đưa ra quyết định tối cao cho an ninh của nước Anh. Tôi cũng ấn định cuộc gọi với các lãnh đạo chủ chốt trên thế giới, đương nhiên trong đó có Tổng thống Bush. Tôi nhận được nhiều cuộc gọi từ các bộ trưởng và thư ký Nội các đã bắt tàu về London.
Đó là một chuyến đi kỳ lạ, vì chúng tôi đang ngồi trong toa hành khách đi qua vùng ngoại ô Sussex thanh bình và xinh đẹp, đối lập hoàn toàn với các cuộc thảo luận nóng bỏng liên tiếp về một thế giới có nền an ninh đang lung lay tận gốc rễ. Tại thời điểm đó, như đã nói, tôi khá bình tĩnh và biết rõ cần phải làm gì.
Quay lại phố Downing, trong phiên họp đầu tiên với các bộ trưởng và ủy viên, chúng tôi xem qua những phương án có thể thực hiện. Các chuyến bay tới London bị hoãn, cảnh sát và các cơ quan an ninh được đặt trong chế độ báo động đỏ. Nhân viên cục tình báo được điều động vào cuộc. Whitehall sôi sục. Vào những thời điểm nhạy cảm như thế, bộ máy đã làm việc với công suất tối đa; xem xét mọi cơ sở, đề ra lịch trình cho việc đưa ra quyết định, kết nối các phần riêng lẻ theo một lực cố kết bán tự động. Thật ấn tượng. Tôi rất vui khi Richard Wilson và các đồng nghiệp Dịch vụ Hành chính Công cấp cao trước kia của anh ta bắt tay với nhau.
Tôi nói chuyện, theo thứ tự với Putin, Schroeder, Chirac and Berlusconi và ngày hôm sau là Tổng thống Bush. Qua đó, tôi có thể cảm nhận được sự đoàn kết tuyệt đối. Mọi người đều toàn tâm ủng hộ nước Mỹ. Thật khó có thể nhận ra người ta đã sợ hãi thế nào vào thời điểm đó. Theo những gì chúng tôi biết, các cuộc tấn công khác cũng sắp diễn ra. Chúng tôi dự tính là bất cứ lúc nào cũng có thể nghe thông báo về một hành động tàn ác mới.
Tôi nhận ra vai trò của mình trong việc kích thích các động thái hỗ trợ lên mức tối đa. Tôi biết rằng khi hậu quả tức thời của sự việc dần mờ nhạt, sẽ luôn có nguy cơ tái phạm. Tôi cũng biết rằng điều chủ chốt là phải tập hợp được một liên minh hỗ trợ hành động càng sâu rộng càng tốt. Vào đêm 11 tháng Chín, tôi đưa ra lập trường của mình trên phương diện quốc gia và được phát sóng từ phố Downing:
Chủ nghĩa khủng bố là tội ác mới trong thế giới của chúng ta. Những người thực hiện nó không hề quan tâm đến sự thiêng liêng hay giá trị sinh mạng của con người. Chúng ta, những nền dân chủ trên thế giới cần phải tập trung lại để đánh bại và loại bỏ nó. Đây không phải là cuộc chiến giữa nước Mỹ với chủ nghĩa khủng bố, mà là giữa một thế giới tự do và dân chủ với chủ nghĩa khủng bố. Vì thế, chúng tôi, ở đây, tại nước Anh, nguyện kề vai sát cánh với những người bạn Mỹ trong giờ phút thảm kịch này và chúng tôi, cũng như họ, sẽ chiến đấu không ngừng nghỉ cho tới khi tội ác này bị quét sạch.
“Kề vai sát cánh” trở thành một cụm từ mang tính định dạng. Tôi đã chọn lựa và cân nhắc lời lẽ phát biểu của mình một cách cẩn thận. Tôi ý thức được rằng đây là một lời cam kết không thể cân đo bằng ngôn từ mà bằng hành động; và tôi biết rằng con đường phía trước chúng tôi cần “kề vai sát cánh” sẽ rất khúc khuỷu, gian nan. Dù thế nào, tôi hy vọng rằng những lời lẽ của mình vẫn không thay đổi.
Tôi tiếp nhận quan điểm này vì những lý do thuộc về nguyên tắc cũng như lợi ích quốc gia (và một cách tình cờ, chưa bao giờ tin rằng hai lý do này loại trừ lẫn nhau). Về nguyên tắc, tôi chắc chắn rằng chúng tôi không nên coi hành động tàn bạo kia như một sự tấn công vào bản thân nước Mỹ, mà bởi vì nước Mỹ là lãnh đạo của một thế giới tự do cho nên đó cũng là cuộc tấn công vào chính chúng tôi. Cũng vì lợi ích quốc gia mà chúng tôi cần đánh bại hiểm họa này và nếu muốn đóng một vai trò chủ yếu trong việc định hình cho diễn tiến của bất cứ cuộc chiến nào, thì chúng tôi cũng phải ở đó từ lúc bắt đầu và thể hiện lập trường và tinh thần tương trợ rõ rệt. Tôi tin vào liên minh với Mỹ, tôi nghĩ rằng việc duy trì và thúc đẩy nó là mục tiêu trung tâm trong các chính sách của nước Anh và tôi biết rằng các liên minh chỉ thực sự có hiệu quả trong thời gian đối phó với thách thức, không phải trong thời bình.
Trong những ngày tiếp theo, tôi tập hợp các nguồn hỗ trợ. Tôi tiếp đãi Silvio Berlusconi, người từ trước đến giờ vẫn luôn thẳng thắn về sự gắn bó của mình với nước Mỹ. Tôi đi thăm Pháp và Đức và nhận được sự ủng hộ của họ, dù tôi có hơi băn khoăn khi thấy Jacques Chirac cấp thiết yêu cầu cảnh giác cao độ trước bất kỳ phản ứng thái quá nào. Quốc hội được triệu tập và tôi đưa ra một tuyên bố. Quan điểm đã được thống nhất – ít nhất là giữa các lãnh đạo phe đối lập – ủng hộ.
Vào ngày 20 tháng Chín, tôi đến Mỹ. Cho tới khi đó, vị trí lãnh đạo cấp quốc tế của tôi thể hiện rõ nhu cầu bức thiết về một kế hoạch tổng quan và chiến thuật. Quan tâm lớn nhất của tôi lúc đó là đảm bảo sao cho nước Mỹ cảm nhận được sự chia sẽ và hỗ trợ; cảm nhận được vòng tay thực sự của tình đoàn kết đang giang rộng về phía họ. Nỗi sợ, nhưng trên hết là sự tức giận và căm thù, có thể đang trào dâng. Cách nó được dung hòa có thể là sản phẩm không chỉ của giới lãnh đạo Mỹ tuyên bố với nhân dân trong nước, mà còn là của cả thế giới thể hiện sự cảm thông và sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm.
Tất nhiên, điểm mấu chốt còn lại nằm ở chỗ rất nhiều người dân Anh đã thiệt mạng. Tôi đã gặp gia đình của những nạn nhân này. Những cuộc tri ngộ như thế thường là những việc khó khăn nhất. Bạn phải duy trì vẻ đường hoàng chốn nhiệm sở, nhưng cũng chân thành cảm nhận và đồng cảm với nỗi đau và thường thì không thể kìm hãm mà phải thể hiện bằng nước mắt. Một phụ nữ tôi gặp đang mang thai. Chồng cô ấy đã bay đến dự một cuộc họp ở Trung tâm Thương mại. Anh ấy và đứa bé không bao giờ có thể gặp nhau được nữa. Các vị phụ huynh khác thì khóc thương cho cái chết của đứa con trai duy nhất, người mà họ đã gửi gắm tất cả niềm tin và hy vọng. Tôi đã rất bàng hoàng trước bản chất ngẫu nhiên ghê gớm của chủ nghĩa khủng bố. Người ta chết chỉ vì tình cờ có mặt ở đó. Không còn lý do gì khác. Không có lời giải thích nào thêm. Chỉ là sự ngẫu nhiên thuần túy nhất.
Khi vừa hạ cánh xuống New York, chúng tôi tới nhà thờ St Thomas nằm trên Đại lộ số Năm. Thị trưởng Rudy Giuliani đang ở đó. Tôi đã ấn tượng và cảm mến ông ngay lập tức. Ông vô cùng căng thẳng nhưng vẫn cố gắng xoay sở, tiến lên phía trước và cho thấy khả năng lãnh đạo rõ rệt của mình. Tôi nhận được tin nhắn từ Nữ Hoàng, rất mạnh mẽ và rõ ràng. Những từ mà tôi trích từ cuốn tiểu thuyết The Bridge of San Luis Rey (tạm dịch: Cây Cầu San Luis Rey) của Thornton Wilder về 5 người đã qua đời khi một cây cầu trên hẻm núi bị sập:
Mỗi chúng ta đều trải qua quy luật sinh – tử và sẽ lìa cõi đời này vào một ngày không xa, rồi tất cả ký ức về 5 người này cũng biến mất, chúng ta được yêu thương rồi cũng dần đi vào quên lãng. Nhưng tình yêu sẽ còn lại mãi mãi. Tất cả những xung lực tình yêu sẽ quay về với tình yêu khởi nguồn tạo ra chúng. Ngay cả ký ức cũng không cần thiết đối với tình yêu. Miền đất sự sống và miền đất cái chết được cây cầu tình yêu bắc nhịp, đó là điều duy nhất tồn tại, điều duy nhất có ý nghĩa.
Khi chúng tôi bước ra khỏi nhà thờ, một rừng máy quay, nhà báo, phóng viên chen lấn, xô đẩy chúng tôi. Lúc đó, tôi đã dừng lại để trình bày đôi lời mà mình đã ấp ủ khi từ sân bay về:
Tôi chỉ có thể tưởng tượng người dân New York đã phải chịu đựng những gì suốt 9 ngày qua… Thế hệ của cha tôi đã trải qua thảm kịch Blitz. Họ biết vụ tấn công này gây ra những hậu quả tàn khốc đến mức nào. Có một đất nước và một dân tộc đã đứng bên chúng tôi trong thời gian đó. Đất nước đó chính là Mỹ và dân tộc đó chính là người Mỹ. Vì các bạn đã sát cánh bên chúng tôi trong những ngày ấy và giờ đây hãy để chúng tôi ở bên các bạn. Mất mát của các bạn cũng là mất mát của chúng tôi. Cuộc chiến của các bạn cũng là cuộc chiến của chúng tôi.
Rudy đang đứng cạnh tôi lúc đó và tôi cảm nhận được ông thư giãn và đón nhận sự an ủi trong lời nói của tôi lúc đó. Tôi có thể nhìn thấy khuôn mặt của những người chúng tôi đi ngang qua thể hiện một khát khao chân thành với mong muốn biết được liệu mình có bạn đồng hành trong giờ phút thử thách này không; liệu nước Mỹ phải đứng một mình không; liệu thế giới có thực sự nghĩ những điều họ nói ra và có thành tâm thực hiện chúng không. Tôi muốn đảm bảo với họ rằng điều này là thật và rằng ít nhất nước Anh sẽ dẫn đầu chứ không phải ở phía sau.
Cuối cùng, chúng tôi cũng đến Washington, muộn mất một giờ cho cuộc họp với Tổng thống Bush, người chịu trách nhiệm phát biểu trước cả Thượng viện và Hạ viện trong đêm đó. Khi tới cổng sau của Nhà Trắng, nơi những lính thủy lục chiến ăn mặc chỉnh tề đang đứng gác hai bên cổng ra vào, tôi tự hỏi làm sao để tìm được George. Chúng tôi đã nói chuyện vài lần qua điện thoại. Chúng tôi cũng vừa mới bắt đầu trao đổi ý kiến. Sau cú sốc ban đầu, ông ấy dần giữ được bình tĩnh đến không ngờ và có cả Mỹ đằng sau.
Tôi đi vào Phòng Bầu dục. Ông ấy đang ở trong phòng và sửa lại bài diễn thuyết lần cuối. Chúng tôi thỏa thuận là tôi sẽ ngồi trong phòng họp để nghe ông ấy diễn thuyết, cùng với Đệ nhất Phu nhân của George, bà Laura. Ông ấy bình tĩnh đến khó tin. Chúng tôi thậm chí còn ăn tối cùng nhau. Tôi nghĩ rằng nếu phải thực hiện một bài diễn thuyết tương tự vậy, có lẽ tôi đã phải chui vào buồng riêng, nháp đi nháp lại. Tôi đề nghị tránh mặt nhưng ông ấy nhấn mạnh, không, hãy ở lại, chúng ta hãy nói chuyện tới khi ông ấy phải duyệt lại. Đột nhiên tôi nhận ra hai điều ở ông: Thứ nhất, ông ấy thật lòng chào đón tình bạn và thiện chí của tôi và nước Anh. Ông ấy không chỉ trân trọng nó; mà còn coi nó là nguồn sức mạnh. Thứ hai, ông không hoảng sợ, phiền muộn hay thậm chí chí là lo lắng. Ông hoàn toàn bình tĩnh. Ông có nhiệm vụ của riêng mình với tư cách một tổng thống. Ông đã không hỏi xin nó. Ông không đoán đợi nó. Ông không tìm thấy nó. Nó đã tìm đến ông. Thế giới đã thay đổi và với việc là tổng thống của đất nước hùng mạnh nhất trên thế giới, ông được giao nhiệm vụ tìm hiểu thay đổi đó và giải quyết nó.
Khi chúng tôi vào trong thang máy, như thường lệ ông nói đùa vài câu với George Hannie dễ thương, bà quản gia của Nhà Trắng. Tôi hỏi ông có lo lắng không. “Không, không hẳn”, ông ấy đáp lại. “Tôi có một bài diễn thuyết ở đây và thông điệp đã quá rõ ràng.” Tôi kinh ngạc trước điều này, nhìn kỹ ông ấy; nhưng đúng, ông ấy thực sự tỏ ra hoàn toàn thoải mái.
Đó là lần đầu tiên tôi được dự một buổi diễn thuyết ở Quốc hội. (Năm 2003 chính tôi cũng có một bài phát biểu ở đó.) Đây là một sự kiện trọng đại, một việc mà chỉ nước Mỹ mới có thể làm với sự hào hứng và tự tin lớn đến thế. Khi ngài tổng thống nói, bạn có thể cảm thấy các nghị viên cùng sát lại quanh tình yêu đất nước, niềm tự hào, chủ nghĩa dân tộc chảy trong khí quản của mảnh đất hào hùng với những cây gụ, với đồng và đá, với lịch sử giàu có và tương lai chắc chắn. George gọi riêng tôi ra hành lang cùng với Laura và tôi đã cúi đầu, một cách vô thức.
Khi tôi nhìn xuống phía các hàng ghế của đại biểu, tôi nghĩ về tất cả những gì đang chờ đợi phía trước một cách thẳng thắn, quả quyết, chắc chắn. Tôi cho rằng chúng tôi có thể trục xuất nhóm Taliban. Tôi cũng đã suy tính rằng việc đó cần được thực hiện bởi một cuộc diễn tập mang tính chiến thuật để cho họ một lựa chọn: Giao nộp Bin Laden và những kẻ khủng bố, hay bị tước đi quyền lực. Và rồi sao? Tôi biết rất ít về Afghanistan, nhưng tôi vẫn biết rằng đó là một đất nước mà sau hàng thế kỷ bị xâm lược, chiếm đóng và bóc lột nhưng luôn thành công trong việc làm suy yếu và khuất phục những kẻ xâm lược.
Vài tháng trước đó, khi đang ngồi trong Phòng Dài ở Chequers, vây quanh bởi chân dung của các tiền bối và những bức tranh sự kiện trọng đại của Cromwell, cùng với những thanh kiếm của ông trong Trận Naseby, tôi tình cờ nghĩ đến một bộ nhật ký có ba tập. Chúng được viết bởi Field Marshal Roberts, một sĩ quan và sau đó là lãnh đạo Quân đội Anh từ giữa tới cuối thế kỷ XIX, tính cả thời gian của cuộc nổi dậy của người Ấn Độ. Đó là những tác phẩm rất hấp dẫn và đưa ra những lý giải tổng quan rất xuất chúng về những gì xảy ra với một sĩ quan trẻ, điểm lại những sự kiện của cuộc nổi dậy, cách thức lan tràn và bị dập tắt, mô tả vô cùng sống động về Đế chế Anh. Chúng miêu tả những cuộc chiến ở Hyderabad và Peshawar và sau đó là Hindu Kush, Kandahar, Helmand và Lashkar Gah, những cái tên tới nay vẫn vô cùng quen thuộc với người dân Anh và người dân trên toàn thế giới.
Chúng cũng cho thấy tinh thần chiến đấu phi thường của người lính Anh. Khi cuộc nổi dậy bị gián đoạn – và nó cũng vượt ra khỏi lời đồn đoán bịa đặt rằng những người lính đạo Hồi trong quân đội Anh lấy mỡ lợn để bôi trơn súng – các tiểu đoàn lính Anh bị đẩy lui và các thị trấn bị đóng chiếm. Những người lính địa phương, được huấn luyện và trang bị đầy đủ bởi chính những người dân mà giờ đây họ được lệnh sát hại, đã chiến đấu rất kiên cường. Sau một thời gian, mọi việc ở thế cân bằng. Nawabs, các hoàng tử của Ấn Độ, đã tính toán hướng đi của sự việc, một vài người tham gia cuộc nổi dậy, những người khác giao nộp cỏ khô cho những kẻ chiếm đóng.
Roberts đã kể lại một cách xuất chúng rằng trong lúc họ chuẩn bị để cuốn sạch mọi nghi ngờ của cuộc nổi dậy, đã có một cuộc tranh luận gay gắt giữa những người lính, về việc ai có vinh dự là người đầu tiên tiến vào khoảng trống mà đội pháo binh tạo ra trên bức tường thành phố. Dẫn đầu đồng nghĩa với cái chết. Nhưng cuộc cạnh tranh để được hy sinh đã diễn ra rất căng thẳng. Cuối cùng, trước sự vui sướng của họ, người dân cao nguyên Scotland đã giành phần thắng. Họ dẫn đầu và cũng hy sinh một cách quả cảm. Nhưng lòng tự hào về trung đoàn dẫn đầu cảm tử của họ đã dâng trào trước nỗ lực đó.
Trong những cuốn nhật ký này, Afghanistan được nhìn nhận theo một cách khác: Trống trải hơn, hoang dại hơn, vô Chính phủ hơn. Như người Nga khám phá ra 100 năm sau đó, đất nước này cũng có lối sống của riêng mình.
Vì vậy tôi đã cho quân đội tham gia cuộc chiến; nhưng tôi làm vậy vì biết rằng chiến tranh là không thể dự đoán trước và đặc biệt là ở Afghanistan. Một phần vì điều này, cuộc chiến mà chúng tôi sắp bắt đầu không thể đơn thuần là một cuộc chiến trừng phạt mà là giải phóng. Nguyên nhân là do cuộc tấn công vào tòa Tháp Đôi nhưng một khi cuộc giao chiến bắt đầu, nó không thể chỉ là một sự trả đũa, một sự trả thù, một sự bồi thường cho những gì sai trái đã xảy ra đối với chúng tôi. Nó cần phải có mục tiêu, ý nghĩa và nội dung lớn lao hơn. Chính xác bởi vì cuộc chiến này gắn kết với một hệ tư tưởng không chỉ của riêng Afghanistan – thực ra nó đã du nhập vào Afghanistan – nên tham vọng cần phải lớn hơn. Tất cả những điều này có thể gia tăng sức nặng và trách nhiệm nhìn nhận vấn đề cho thấu đạt.
Trong đêm 20 tháng Chín, chúng tôi bay tới Brussels để tham dự một cuộc họp khẩn cấp của Ủy ban châu Âu. Tôi đã cố tình quyết định đi Mỹ trước khi Ủy ban họp, để khi tới nơi tôi có thể trình bày trực tiếp về những gì mình đã chứng kiến và trải nghiệm ở New York lẫn Washington. Châu Âu đã từng hậu thuẫn rất tích cực cho Mỹ, nhưng giờ đây khi chúng tôi đến giai đoạn hành động, bạn cũng không thể nói chắc chắn. Nếu cuộc họp diễn ra tốt đẹp và kết thúc với một tuyên bố hài lòng nhằm hợp nhất mọi người trong việc kết án chủ nghĩa khủng bố và nhận ra nhu cầu hành động. Ký ức về các sự kiện vẫn còn đọng trong tâm trí của các chính trị gia cũng như công chúng; giới truyền thông đã đưa tin về nó và sẽ còn tiếp tục đưa tin trong vài tuần và khi nhiều tình tiết xuất hiện, những câu chuyện của con người về bi kịch, sự hy sinh, sự thống khổ và chủ nghĩa anh hùng trở nên rõ ràng cũng như những điều ẩn ý được phân tích làm sáng tỏ.
Những ẩn ý đó rất rộng. Nếu những kẻ khủng bố có thể sát hại nhiều người hơn, chúng đã làm thế. Nếu không phải 3 nghìn mà là 30 nghìn, có thể chúng đã rất hoan hỉ. Đối với những nhà lãnh đạo thế giới còn đang băn khoăn và lo lắng xem hành động thù địch tiếp theo sẽ diễn ra ở đâu, sự chiêm nghiệm không chỉ về những việc đã xảy ra mà cả những việc có thể xảy ra là việc làm liên tục, khẩn cấp và vô cùng căng thẳng.
Trong những ngày đầu tiên này, thậm chí trước khi cuộc chiến bắt đầu và rất lâu trước khi Iraq xuất hiện trong lịch trình, một vài ý nghĩ nhất định trở nên thấu đạt và trở thành các quyết định. Một điều tôi đã miêu tả là đây không thể là cuộc chiến trên tầng thấp của lý tưởng; nó phải được chiến đấu dựa trên tầng cao – những giá trị của chúng ta đối lập với họ. Mục tiêu không đơn thuần là đánh đuổi Taliban mà là thay thế họ bởi một thể chế dân chủ, là xây dựng lại đất nước. Đây không chỉ là vấn đề về chủ nghĩa lý tưởng, mà còn là về việc tìm hiểu tại sao Afghanistan đã trở thành một đất nước thất bại, tại sao nó trở thành nơi sản sinh ra khủng bố, tại sao nó lại thoái hóa thành một nơi chất chứa sự hỗn loạn kinh khủng, độc ác với tình trạng vô Chính phủ và chế độ chuyên quyền. Dù muốn hay không, từ đó trở đi, chúng tôi đã bước vào sự nghiệp tái thiết dân tộc.
Thứ hai, viễn cảnh có bất kỳ nhóm người hay một đất nước nào thông cảm hay chia sẻ một quan điểm tương đồng với họ, tích lũy vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học và vũ khí sinh học – nhóm WMD – là điều không tưởng. Nếu họ có chúng, không còn nghi ngờ gì khi họ sử dụng chúng trong ngày 11 tháng Chín. Thực ra, trong những ngày sau cuộc tấn công, vi khuẩn bệnh than đã được gửi tới Quốc hội, Nhà Trắng và các cơ quan khác, đồng thời chương trình thời sự cũng liên tục phát những báo động về khả năng có một cuộc tấn công bằng vũ khí sinh học nào đó. Với tôi, rõ ràng là thái độ của chúng tôi đối với việc kinh doanh, vận chuyển và phát triển các loại vũ khí như thế sẽ thuộc một loại khác. Một tín hiệu mới phải được gửi đi, một tình trạng khẩn cấp cần được thiết lập để làm rõ rằng một khả năng như thế đe dọa trực tiếp xã hội của chúng ta.
Điều này ngay lập tức trở nên rõ ràng và được truyền tới Trung Đông. Vụ việc điều tra Saddam và hành động tàng trữ vũ khí trong 10 năm của ông ta đã không bị làm rùm beng lên. Nhưng từ đó trở đi, nó luôn nằm trong tầm ngắm. Tại thời điểm đó vẫn chưa có quyết định nên làm gì với ông ta; tuy nhiên, việc ông ta cần phải đối chất, đưa ra trước công luận hay bị trục xuất trở nên khá rõ ràng trong các phân tích sâu hơn.
Thứ ba, một vụ tấn công như vậy sao có thể được lập kế hoạch, triển khai, giám sát và thi hành mà không có một manh mối nào bị lộ? Nếu một kịch bản như thế được ấp ủ ở Mỹ, những kịch bản tương tự có thể diễn ra ở đâu? Từ điểm này, tôi thấy rằng sự cân đối trong các quyền tự do công dân giữa việc bảo vệ quyền lợi của nghi phạm và bảo vệ quyền lợi của người dân đã thay đổi. Tất nhiên chúng ta cần phải chú ý hơn và bởi vì là một luật sư nên tôi ý thức rất rõ về các nguy cơ của việc gây nguy hiểm cho cuộc sống của mình trên danh nghĩa là bảo vệ nó; nhưng một khi sự kiện ngày 11 tháng Chín đã minh họa khả năng và mục đích của chủ nghĩa khủng bố, thì các Chính phủ trên toàn cầu − đặc biệt là những nước có quan hệ đồng minh mật thiết với Mỹ − đã nhận ra nhu cầu áp dụng những biện pháp an ninh mới và có thể là một hướng tiếp cận mới.
Tất cả những quyết định này − được đưa ra dưới sự hỗ trợ và cảm thông đồng thời − cần phải đem lại những kết quả có ảnh hưởng sâu rộng đến tương lai của cả đất nước và Chính phủ. Chúng tôi cảm thấy chính mình đã bị tấn công. Nhưng hơn thế: Chúng tôi cảm thấy mình đã được cảnh báo.
Khi tôi quay lại Chequers vào cuối ngày thứ Sáu, 21 tháng Chín, tôi rất mệt mỏi cũng như bị kích động. Nếu tôi có khả năng nhìn trước tương lai, có thể tôi cũng sẽ bị làm cho phát điên.
Những tuần tiếp theo diễn ra theo một quá trình điên rồ nhưng cũng khá quy củ nhằm sắp xếp lực lượng quân đội để trục xuất quân lính Taliban và kế hoạch tái thiết cho Afghanistan.
Bất chấp áp lực, George quyết định không vội vàng – “Tôi không muốn một tên lửa 10 triệu đô-la bắn trúng một cái lều 10 đô-la đô chỉ vì hiệu quả,” ông đã đưa ra một lời nhận xét đáng nhớ. Ông ấy đồng ý đưa ra tối hậu thư cho Taliban, để mọi người có thể thấy chúng tôi đã đưa ra phương án lựa chọn lối thoát nếu họ muốn nhưng rõ ràng họ không chấp nhận.
Tôi vẫn viết thư từ thường xuyên cho ông ấy, nêu ra các vấn đề, xem xét hệ thống của cả hai chúng tôi: Các hoạt động hỗ trợ nhân đạo; liên minh chính trị, đặc biệt bao gồm cách chúng tôi đồng phối hợp Quân Đồng Minh Bắc Bán Cầu (liên minh chống Taliban) mà không trao quyền lãnh đạo đất nước cho họ; phát triển kinh tế; hòa giải sau một cuộc tấn công quân sự được hy vọng là thành công. Trên hết, tôi định công du tới Trung Đông, Pakistan, Nga − cố gắng đảm bảo rằng chúng tôi vẫn giữ vững được sự hậu thuẫn vốn có. Tôi viết một bức thư cá nhân, bảo mật gửi cho nhân viên và các viên chức cấp cao của mình, phác thảo tại sao chúng tôi cần sự hỗ trợ của toàn bộ hệ thống, cả của chúng tôi và của Mỹ, phối hợp nhịp nhàng hơn.
Liên Hợp Quốc dưới sự hướng dẫn của Tổng Thư ký Kofi Annan đã tỏ ra rất hữu dụng và ngay từ đầu tôi đã quyết định rằng họ cần hỗ trợ chúng tôi chống đỡ với những căng thẳng về mặt chính trị. May thay, ở Lakhdar Brahimi, họ có một đàm phán viên với người Afghanistan rất tinh tường, một người có nhiều kinh nghiệm và mưu mẹo.
Những cuộc họp ở nước ngoài cũng diễn ra tốt đẹp. Tôi đã đến thăm Tổng thống Nga Putin. Tại thời điểm này, chúng tôi vẫn là những đồng minh thân cận. Ông ấy và tôi ngồi trong sảnh của điện Kremlin. Tôi luôn nghĩ rằng định vị được Moscow về mặt văn hóa là một việc làm rất khó khăn. St Petersburg rõ ràng mang đậm chất châu Âu, nhưng Moscow thì không thể được đặt trong một bối cảnh rộng hơn, thậm chí không thể hiểu thấu, nhưng rất ấn tượng theo một cách đầy hăm dọa.
Putin rất nóng lòng được giúp đỡ. Thông qua Chechnya, ông ấy đã hiểu hơn về tầm ảnh hưởng của chủ nghĩa cực đoan này. Ông nhận ra một sợi dây kết nối giữa tất cả các khu vực đấu tranh khác nhau. Hồi đó, ông cũng thấy khả năng một thời phục hưng Nga và sự trỗi dậy của sức mạnh Nga song hành với nhau hay thậm chí được thúc đẩy bởi nước Mỹ. Tôi cảm thấy tiếc khi chúng tôi chưa bao giờ ngồi cùng nhau để phác thảo ra một phương án hợp lý cho phép ông ấy đạt được tham vọng đó cùng chúng tôi. Có thể đó đã luôn là một hy vọng tốt đẹp. Ông ấy và George hợp nhau trên phương diện cá nhân, nhưng Vladimir nghĩ rằng người Mỹ đối xử thiếu tôn trọng với ông và nước Nga và dần dần, ông đã quyết định đưa Nga vào cộng đồng quốc tế với tư cách một đất nước chống lại Mỹ. Ở Iraq, ông đã phát hiện ra một vụ việc để dựa vào và thiết lập vai trò đó, ông ta đóng vai đó với sự mãnh liệt thông thường của mình. Chúng tôi cần phải nỗ lực hơn; đặc biệt là người Mỹ, họ có vẻ đánh giá thấp ông ấy và đó không bao giờ là một ý tưởng hay.
Tuy nhiên vào cuối năm 2001, chúng tôi cùng nhau vạch ra những gì chúng tôi có thể làm để đảm bảo rằng các quốc gia vệ tinh của Xô Viết trước kia sẽ ủng hộ hoặc tuân thủ trước bất cứ động thái nào sắp diễn ra. Có lúc, ông ấy còn gợi ý là chúng tôi nên cùng bay tới Tajikistan trong đêm đó để vận động hành lang tổng thống nước này với tư cách cá nhân, một ý kiến mà tôi rất tán thưởng, nhưng lại khiến đội ngũ phụ trách việc đi lại của tôi run sợ.
Tổng Thống Pakistan Musharraf đang ở trong một tình thế khó xử: Chính phủ của ông đã từng làm việc với Chính phủ Taliban; biên giới giữa hai nước này có nhiều lỗ hổng; các mối liên hệ giữa các dân tộc và chính trị rất vững chắc, nhưng đương nhiên, ông ấy cũng là một đồng minh của chúng tôi và nước Mỹ.
Vào ngày 5 tháng Mười, chúng tôi sử dụng một chiếc máy bay RAF được trang bị các thiết bị chống tên lửa đặc biệt. Tôi đã nghĩ điều này có chút thái quá, cho tới khi chúng tôi bắt đầu hạ cánh xuống sân bay. Chiếc máy bay quay vòng đột ngột, hạ xuống theo đường xoắn ốc một cách thận trọng và tiếng bánh xe rít trên mặt đường bay, thì cả phi hành đoàn nổ một tràng pháo tay. Họ thấy nhẹ người. Từ sân bay tới Islamabad, tôi nhìn thấy nhiều con đường và tuyến phố bị cấm, nhưng thay vào đó có từng hàng người đông đúc đứng dọc theo hai bên đường, đàn ông quấn khăn trắng, phụ nữ quấn khăn voan, nhìn chằm chằm, không hẳn là với thái độ thù địch hay thân thiện.
Tôi được đưa tới phòng riêng của Musharraf trong Cung điện Tổng thống. Xuyên suốt cuộc họp có một vệ sĩ đứng gần cửa ra vào, đi vào và đứng phía trên chúng tôi mỗi lần đám người hầu mang trà hay đồ uống vào. Musharraf khẳng khái kết tội Taliban và đề nghị giúp đỡ, hỗ trợ từ chúng tôi. Ông biết rằng cuộc tấn công đã làm thay đổi mọi thứ. Ông nói với tôi một điều khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều trong những năm sau đó: Vào những năm 1970, Tướng Zia đã phạm một sai lầm chết người trong việc liên hệ giữa chủ nghĩa dân tộc của Pakistan với đạo Hồi đang được sùng bái, bằng việc làm đó ông đã thiết lập phong cách của một lãnh đạo về tôn giáo cũng như chính trị và quân sự, thể hiện một cách tự hào dấu vết trên trán được tạo ra do cúi đầu xuống đất trong khi cầu nguyện. Mối liên hệ giữa hai điều này, theo như Musharraf giải thích, đã đẩy mạnh chủ nghĩa cấp tiến trong đất nước, nâng cao căng thẳng ở Kashmir và khiến việc tái hòa giải với Ấn Độ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
“Chắc chắn rằng,” tôi nói, “phát triển kinh tế là thách thức chủ yếu đối với Pakistan.”
“Tất nhiên,” ông ta nói, “nhưng thực tế là ngày nay chính trị ở Pakistan chỉ xoay quanh vũ khí hạt nhân và Kashmir.”
“Chúng tôi có thể làm gì đây?” tôi hỏi, chờ đợi câu trả lời liên quan đến hỗ trợ hay Ấn Độ.
“Hãy giải quyết Palestine,” ông ta trả lời ngay lập tức. “Điều đó có thể giúp chúng tôi đấy.”
Trong tất cả những chuyến viếng thăm này, chúng tôi đi theo phái đoàn. Tôi cũng có lợi thế khổng lồ từ David Manning, người đã trở thành cố vấn trưởng cho các vấn đề đối ngoại của tôi và đã ở Mỹ trong thời gian xảy ra các vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín. Tới thời điểm này tôi đã tăng cường lực lượng cho phố Downing và giờ thì có Stephen Wall đáng gờm trong vai trò cố vấn châu Âu. David rất tuyệt, bình tĩnh, chịu được áp lực và rất sáng tạo, luôn sẵn sàng cho các chiến thuật giải quyết thế bế tắc. Qua thời gian này, anh ta thực sự là người khổng lồ của đội, thực sự vô giá. Stephen rất chuyên nghiệp và có năng lực, tất nhiên; nhưng sâu bên trong bạn có thể thấy rõ anh ta có một cuộc nổi loạn của những cảm xúc, quan điểm và nhận thức mãnh liệt, điều mà anh ta mong chờ bạn nhận ra, chụp lấy và áp dụng. Bạn có thể làm vậy với một vài quan điểm và là một người không bi quan và tôi thích điều đó.
Vào ngày 7 tháng Mười, chiến dịch quân sự bắt đầu. Chủ yếu đây là chiến dịch ném bom, với số lượng cọc tiêu rất hạn chế trên mặt đất. Liên Minh Bắc Bán Cầu cũng đang tịnh tiến. Chúng tôi đã xác định một mục tiêu trung tâm: Phản đối việc coi Afghanistan là căn cứ của al-Qaeda; phản đối việc chúng xây dựng một căn cứ thay thế bên ngoài Afghanistan; tấn công chúng trên phạm vi quốc tế; ủng hộ các quốc gia khác trong nỗ lực chống lại al-Qaeda.
Từ những cuộc tấn công đầu tiên vào tháng Mười năm 2001, nước Anh đã liên quan vào các lực lượng liên minh do Mỹ dẫn đầu dưới hiệp ước Thực Hiện Quyền Tự Do Lâu Dài (OEF). Tàu ngầm của Hải Quân Hoàng Gia đã bắn tên lửa Tomahawk để tấn công mạng lưới của Taliban và al-Qaeda, tàu bay RAF cung cấp tàu do thám và tàu tự nạp nhiên liệu đối không để yểm hộ cho tàu tấn công của Mỹ. Mỹ đã phóng tên lửa từ Diego Garcia, một phần lãnh thổ Anh trên Ấn Độ Dương, dưới sự cho phép của Chính phủ Anh.
Quân đội Anh được dàn quân lần đầu vào tháng Mười một năm 2001, khi Hải Quân Hoàng Gia của đội Đặc Công số 40 giúp đảm bảo an ninh ở sân bay Bagram. Một nhóm tiên phong 1.700 quân dựa trên 45 căn cứ Đặc Công đã lần lượt được dàn quân với tên Đội Đặc Nhiệm JACANA. Vai trò của họ là tấn công và phá hủy cơ sở hạ tầng khủng bố và nghiêm cấm hoạt động của al–Qaeda ở phía đông Afghanistan. Trong một số đợt tấn công lớn, Đội Đặc Nhiệm JACANA đã phá hủy một lượng lớn kho chứa và hang động, đồng thời cung cấp viện trợ nhân đạo cho những vùng trước kia bị Taliban và al–Qaeda chiếm đóng. Nhóm này lui quân năm 2002.
Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF), nhằm hỗ trợ Chính phủ Quá độ của Afghanistan trong việc kiến tạo và duy trì một môi trường an toàn và ổn định ở Kabul và các khu vực lân cận, đã được thành lập vào tháng Mười hai năm 2001 trong các thỏa hiệp do Anh dẫn đầu và được ủy quyền bởi Hội đồng Hòa giải An ninh của Liên Hợp Quốc (UNSCR) 1386 và các nghị quyết kế tiếp (gần nhất là UNSCR 1776 năm 2007). Thiếu Tướng John McColl đã chỉ huy chiến dịch ISAF đầu tiên với sự hỗ trợ của 16 quốc gia. Cùng với việc cung cấp các sở chỉ huy và hầu hết lực lượng hỗ trợ cho ISAF, Anh còn đóng góp các sở chỉ huy lữ đoàn và một tiểu đoàn bộ binh. Sự đóng góp của chúng ta ban đầu ở ngưỡng 2.100 quân, về sau giảm xuống gần 300 người sau cuộc chuyển giao quyền lãnh đạo của ISAF sang Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa hè năm 2002.
Taliban đã sụp đổ vào cuối năm 2001, tàn dư của chúng dồn về vùng dân cư Pushtun ở phía nam Afghanistan và khu vực của các bộ lạc Pakistan. Điều quan trọng là phải đảm bảo Afghanistan không quay lại thời kỳ của một mảnh đất vô Chính phủ mà trong đó hoạt động huấn luyện và chuẩn bị của khủng bố có khả năng sinh sôi rất cao. Các lực lượng quốc tế do đó được giữ nguyên để đảm bảo an ninh và ổn định, nhằm tiêu diệt các phần tử Taliban và al-Qaeda còn sót lại, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của lực lượng an ninh Afghanistan.
Vào lúc đó, liên minh vẫn rất vững bền, quan điểm của chúng tôi vẫn có trọng lượng và các mục tiêu thì rất rõ ràng. Phân tích mà chúng tôi đưa ra là Afghanistan là một quốc gia thất bại; Taliban đã chiếm quyền; và hậu quả kéo theo là chủ nghĩa cực đoan dưới sự bảo hộ của chúng đã được phép lớn mạnh. Một yếu tố phá hủy nữa là hoạt động buôn bán các chất ma túy. Afghanistan đã trở thành nguồn cung cho 90% lượng heroin xuất hiện trên các đường phố châu Âu.
Giờ đây, nhiều năm sau người ta nói: Nhưng nhiệm vụ không rõ ràng, hoặc nó bị nhầm lẫn. Nó không hề nhầm lẫn và lúc đó thì càng không. Đối với chúng tôi hồi đó và tôi tin rằng bây giờ điều này vẫn đúng, không có sự phân biệt rạch ròi giữa một chiến dịch xóa sổ al-Qaeda, ngăn chặn sự tái xuất hiện của Taliban, xây dựng nền dân chủ, hay đảm bảo một nền kinh tế đúng đắn chứ không mơ hồ. Cho phép Taliban hoạt động trở lại, thất bại trong xây dựng chính quyền, bạn cũng sẽ có một quốc gia thất bại với cùng những hậu quả như ban đầu. Vấn đề không phải là chúng tôi đã cố làm quá nhiều; mà là để làm được việc đó cần sự tập trung tuyệt đối và bền bỉ, hậu thuẫn với những nguồn tài nguyên và ý chí xuyên suốt một thời gian rất dài.
Trong năm 2004, trong khi quy mô rộng lớn của thách thức đã rõ ràng, mọi thứ dường như đang dần có hiệu quả. Tôi sẽ trình bày về những quyết định vào năm 2006, khi rõ ràng mọi tiến triển đã trì đọng, nhưng từ ngày 22 tháng Mười hai năm 2001, khi Chính phủ lâm thời vừa được thiết lập, cho tới các cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2004 với kết quả là 70% và số đông cử tri là nữ, tới ngay cả những cuộc bầu cử tại địa phương vào mùa thu năm 2005, Afghanistan dường như về cơ bản vẫn đang trên đà trở thành một quốc gia tốt đẹp hơn, bất chấp những chia rẽ, chệch hướng và thoái trào liên tục.
Ngoài ra, tôi muốn nhấn mạnh rằng không phải chúng tôi đã làm tốt mọi việc hay không thể làm nhiều việc tốt hơn nếu có thể. Trong hoàn cảnh ấy mọi việc luôn là như vậy. Nhưng trên hết, rõ ràng tôi đã đánh giá sai thất bại sâu rộng của Afghanistan; và khả năng Taliban trà trộn vào các cộng đồng ở địa phương, đặc biệt ở miền Nam và kêu gọi sự tăng cường từ biên giới của những vùng cao nguyên và vùng núi. Vì trà trộn như vậy, họ mới có thể tái lập quyền kiểm soát các phần lãnh thổ, hay ít nhất cản trở công việc mà chúng tôi đang làm bằng cách đe dọa, tổ chức và thẳng tay đàn áp dân địa phương.
Đồng thời, sự cuồng tín của họ có nghĩa là kết quả biện minh cho phương tiện. Họ có thể giết chóc, khủng bố và hành hạ mà không ăn năn hay cắn rứt lương tâm. Dân làng không biết sắp phải đối mặt với những chủ nhân nào, nên phân vân giữa việc hỗ trợ quân đồng minh và tuân thủ những tín đồ cực đoan trong địa phương của họ. Trong khi đó, Chính phủ trung tâm ở Kabul, do Hamid Karzai dẫn đầu, đang vật lộn để Đạo luật của mình có hiệu lực.
Điều đã xảy ra là ngay cả khi năm 2001 gần kết thúc, ngay cả khi tin tức cuối cùng lại tiếp tục lưu chuyển – ban đầu là một cách miễn cưỡng, nhưng về sau là một cách vui vẻ – điều này vốn là một nỗ lực quốc tế lớn lao dần có nhiều điểm tương đồng với nỗ lực của nước Mỹ và các đồng minh thân cận. Chúng tôi đã không gặp phải một vụ 11 tháng Chín lần thứ hai. Những câu chuyện về các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học dần dần bị quên lãng. Sự ý thức của thế giới về một thảm họa cần được loại trừ đã dần phai nhạt, mất đi hình dáng và tầm ảnh hưởng, một vài luồng ý kiến rộ lên đã có hiệu quả ăn mòn sâu sắc đối với ý chí chiến đấu.
Ý kiến đầu tiên trong những ý kiến này là dần dần, khi bức tranh về những vụ thả bom của quân đồng minh gây được tác động, sức mạnh hỗ trợ của người Hồi giáo dành cho chiến dịch sẽ giảm dần. Hệ tư tưởng mà kẻ thù của chúng tôi kiếm tìm để áp đặt một cách tuyệt vọng – rằng đây là cuộc chiến chống lại một quốc gia theo đạo Hồi – đã thu hút được chú ý. Quan trọng hơn, ngay từ đầu việc này đã được xem là một vấn đề của phương Tây. Các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ và sau này là các quốc gia khác, nhưng theo quan điểm của Ả Rập và đạo Hồi, cuộc tấn công được thực hiện vì nước Mỹ, chứ không phải để chống khủng bố. Những yếu tố thẳm sâu bên trong thế giới Hồi giáo và coi nó là nạn nhân đã tự xác nhận lại, chất vấn động cơ của chúng tôi, bắt lấy bất kỳ dấu hiệu ngôn ngữ bất cẩn nào. Cả George và Silvio đều đã dùng từ “cuộc viễn chinh”. Rõ ràng họ đã dùng nó theo nghĩa chung chung, như là một người có thể dùng từ này để diễn tả cuộc chiến chống lại ma túy hay tội phạm, một thuật ngữ thường được sử dụng trong giới chính trị chúng tôi; nhưng nó đã bị bóp méo để gợi ý rằng họ đã dùng từ này ám chỉ cuộc Thập Tự Chinh trong quá khứ. Nhiều Chính phủ của Ả Rập và đạo Hồi đã không xem mục đích xây dựng nền cộng hòa là một điều họ nên ủng hộ – có thể điều này cũng không đáng ngạc nhiên.
Động lực đạo đức là cơ sở cho hành động của chúng tôi cũng bắt đầu tan biến trong những vòng tròn phương Tây. Trong vài năm sau khi Afghanistan rút lui khỏi vị trí dẫn đầu các bảng tin, sự tan biến này có vẻ không tạo ra khác biệt gì đáng kể, nhưng nó có nghĩa là qua thời gian khi chúng tôi cần sự tập trung tối đa, nó đã không ở đó, ngoại trừ từ phía Mỹ và Anh; và rõ ràng chúng tôi không thể tự mình làm mọi việc. Người châu Âu đã ủng hộ chúng tôi, nhưng chỉ trong các phạm vi được thiết lập bởi chính ý kiến dư luận của họ, vốn được chuẩn bị để ủng hộ nhiệm vụ một cách chung chung nhưng vô cùng do dự khi phải góp quân và chịu đựng thương vong.
Không còn nghi ngờ gì, mọi việc lẽ ra nên được làm khác đi và tốt hơn; nhưng lý do chính khiến tiến triển bị ngưng trệ là kẻ thù của chúng tôi bắt đầu cảm thấy giới hạn trong sức chịu đựng của chúng tôi và sức mạnh viện trợ lương thực cho cuộc chiến dài. Ở cả Iraq và Afghanistan họ đều bắt đầu hiểu ra rằng chúng tôi không được chuẩn bị cho một cuộc chiến có thể gây ra cho chúng tôi những tổn thất đáng kể; và nếu họ cho thấy mình sẵn sàng tiếp tục, ngày lại ngày, trong lãnh thổ mà họ biết rõ như lòng bàn tay và với những người đã chứng kiến quá nhiều bạo lực và đàn áp qua nhiều thập kỷ, họ có thể chiến thắng, không phải bằng lực lượng hùng mạnh hơn hay tài nguyên phong phú hơn hay một tầm ảnh hưởng rộng hơn, mà bằng sự bền gan khó lay chuyển.
Vào những giờ phút đen tối hơn của mình, tôi có thể nghĩ đến câu chuyện ngụ ngôn mà trong đó chúa Jesus đã hỏi: “Ai trong số các con, đang định xây một ngọn tháp, nhưng lại không ngồi xuống tính toán xem liệu mình có đủ tiền để xây không?” Chúng tôi đã tính đến một cuộc hành quân dài và chậm rãi; đã tính cả những khó khăn vô biên dọc đường nhưng vẫn chưa tính đến khe sâu mà chủ nghĩa cực đoan này có thể tác động lên trí tưởng tượng, ý chí và lối sống của những người tuân theo nó.
Sự thật là thậm chí nhiều người không phải kẻ cực đoan cũng vẫn chia sẻ một cảm giác rằng họ có lý do chính đáng để chiến đấu với chúng tôi; rằng đây là cuộc chiến giữa phương Tây và người dân Afghanistan. Lập luận như vậy là hoàn toàn sai lầm, vì người dân Afghanistan đã cho thấy họ mong chờ điều gì đó thông qua cuộc bỏ phiếu. Tôi cố gắng bác bỏ lập luận này bằng cách xây dựng một chiến lược rộng lớn dựa trên những giá trị yêu cầu cả sức mạnh trên bàn đàm phán và sức mạnh vũ trang.
Trong bài diễn thuyết của tôi tại hội thảo năm 2001, tôi đã phác họa những gì mình nghĩ là có thể và nên là trật tự mới cho mọi việc. Tôi đã vẽ một trục lịch sử song song với sự thất bại trong phong trào cách mạng của Chủ nghĩa Cộng sản. Sức mạnh quân sự đóng một vai trò lớn, tất nhiên – nếu Liên Xô không hiểu rằng ý chí của nó có thể xung đột với ý chí của chúng tôi, nó có thể đã giành thắng lợi vẻ vang bất kể điều gì mới là đúng đắn – nhưng nó đã bị đánh bại hoàn toàn bởi sức mạnh của một lý tưởng: Tự do cho nhân loại. Người ta cũng nhìn nhận chế độ của những người Cộng Sản Xô Viết đúng như bản chất của họ: Những kẻ độc tài. Những nền kinh tế cộng sản trên thực tế là những thảm họa. Xã hội cộng sản bóc lột từ người dân của nó tất cả những gì thúc đẩy và làm giàu tâm hồn con người. Dù trên suốt chặng đường chúng tôi đã mắc nhiều sai lầm, nhưng sự kiên quyết tiến hành cuộc chiến của chúng tôi là đúng đắn.
Khi thế kỷ XXI mở ra, những cuộc chiến giành uy quyền cho những lý tưởng chính trị đã trở nên thưa thớt. Ngay cả Trung Quốc – chủ nghĩa xã hội với những đặc điểm của người Trung Quốc – chế độ đó cũng đã trở thành một sự cân đối giữa thị trường và quốc gia. Ngoài Bắc Triều Tiên, sự sụp đổ của Bức Tường Berlin thực sự đã mở ra một kỷ nguyên mới.
Giờ đây chúng tôi phải đối mặt với một cuộc chiến mới – cuộc chiến về văn hóa và khu vực hơn là về chính trị, nhưng lối đi của lịch sử, theo nhận xét của tôi, không hề thay đổi: Nổi dậy về mặt quân sự, nhưng nhận ra rằng cách thức đánh bại một ý tưởng tồi là đưa ra ý tưởng tốt hơn. Tôi nghĩ chúng tôi phải cung cấp một chiến dịch quy mô lớn để thay đổi thế giới và thể hiện những giá trị mà chúng tôi tin tưởng và hành động theo với tất cả khả năng của mình.
Các nước phương Tây mắc nhiều lỗi lầm, nhưng như tôi thường nói, có một bài kiểm tra đơn giản cho một đất nước: Người ta đang cố thâm nhập vào nó hay thoát khỏi nó? Nhìn chung, nạn nhập cư chứ không phải di cư mới là vấn đề của chúng tôi. Xét cho cùng thì nhân dân mới là người làm chủ, không phải các chính trị gia. Chúng tôi cũng đại diện cho công lý; vì thế, như một phần của cuộc chiến lớn hơn, chúng tôi đặt ra cách thức thể hiện quyết tâm của mình đối với tình hình hòa bình ở Trung Đông, quan tâm của chúng tôi đối với châu Phi – “một vết sẹo trong lòng thế giới” – và sự tận tụy của chúng tôi đối với vấn đề môi trường. Chúng tôi phải thể hiện rằng những gì chúng tôi muốn có cho mình thì cũng muốn có cho tất cả mọi người.
Tiền đề cho bài diễn thuyết của tôi chính là đặc điểm mang tính định hình cho cả thế giới về sự tương thuộc.
Vòng quanh thế giới, sự kiện 11 tháng Chín đang khiến các Chính phủ và người dân cùng chiêm nghiệm, xem xét và thay đổi. Trong quá trình này, giữa tất cả những đối thoại về chiến tranh và hành động, có một chiều kích mới xuất hiện. Có một sự kết lại cùng nhau. Sức mạnh của cộng đồng đang tự mình lên tiếng. Chúng ta đang nhận ra biên giới của mình mong manh nhường nào khi đứng trước những thách thức mới của thế giới.
Những xung đột ngày nay hiếm khi diễn ra trong nội bộ lãnh thổ một quốc gia. Ngày nay, một cơn chấn động nhẹ ở một thị trường tài chính sẽ được lặp lại trong thị trường toàn cầu. Ngày nay, sự tự tin mang tính toàn cầu; dù có nó hay thiếu nó. Ngày nay, đe dọa sẽ dẫn đến rối loạn; bởi vì với những người có công việc cần làm, cuộc sống gia đình cần cân bằng, những khoản thế chấp cần trả, những nghề nghiệp cần theo đuổi, lương hưu cần chu cấp, họ khao khát kỷ luật trật tự và sự ổn định và nếu nó không tồn tại ở đâu khác, thì nó khó có thể tồn tại ở đây. Tôi đã luôn tin rằng sự tương thuộc này định nghĩa thế giới mới mà chúng ta đang sống.
Tôi đặt ra nhu cầu hành động đồng thời trước một loạt những vấn đề quốc tế và miêu tả những thách thức của quá trình toàn cầu hóa. Lúc đó tôi nói:
Vấn đề không phải là làm sao để ngăn chặn quá trình toàn cầu hóa. Vấn đề nằm ở cách chúng ta sử dụng sức mạnh của cộng đồng để kết hợp nó với công lý. Nếu toàn cầu hóa chỉ phục vụ cho lợi ích của một vài cá nhân, nó sẽ thất bại và xứng đáng thất bại. Nhưng nếu chúng ta tuân thủ các nguyên tắc đã từng phục vụ chúng ta rất tốt ở nước ta – sức mạnh đó, của cải và cơ hội đó sẽ phải thuộc về tay của nhiều người, chứ không phải một nhóm thiểu số – nếu chúng ta biến đó thành ngọn đèn hoa tiêu cho nền kinh tế toàn cầu, nó sẽ mãi mãi trở thành một lực đẩy và một phong trào quốc tế mà chúng ta phải lấy làm tự hào được dẫn đầu. Bởi vì sự cô lập sẽ thay thế cho toàn cầu hóa.
Đối diện với thực tế này, trên thế giới, các quốc gia sát cánh bên nhau theo bản năng. Ở Quebec, tất cả các quốc gia ở Bắc và Nam Mỹ đang quyết định thành lập một khu vực tự do thương mại khổng lồ, cạnh tranh với châu Âu. Ở châu Á, có ASEAN. Ở châu Âu, khu vực hợp nhất hàng đầu, chúng tôi hiện có 15 quốc gia, với 12 nước nữa đang đàm phán để gia nhập và còn nhiều hơn nữa. Một quan hệ mới giữa Nga và châu Âu đang hình thành.
Và chẳng lẽ Ấn Độ và Trung Quốc, mỗi nước có dân số đông gấp ba toàn bộ EU cộng lại, sẽ không tái cấu hình toàn bộ hệ thống địa chính trị của thế giới trong thời đại của chúng ta, một khi nền kinh tế của họ phát triển một cách vững mạnh?
Khi chúng tôi hành động để đưa những kẻ thực hiện vụ thảm sát ngày 11 tháng Chín ra trước ánh sáng, chúng tôi đã không làm vì hận thù. Chúng tôi làm vì đó là công lý. Chúng tôi không chống lại đạo Hồi. Những tín đồ thực sự của đạo Hồi là những anh chị em của chúng tôi trong cuộc chiến này. Bin Laden không tuân thủ những lời dạy của kinh Koran hơn những lính thập tự chinh của thế kỷ XX, những kẻ đã cướp bóc và giết người, đại diện cho điều răn dạy của sách phúc âm.
Đã đến lúc phương Tây đối mặt với sự thiếu hiểu biết của mình về đạo Hồi. Người Do Thái, người Hồi và người Thiên Chúa Giáo đều là con của Abraham. Đây là lúc đưa những đức tin lại gần nhau để hiểu được những giá trị và di sản chung của chúng ta, nguồn gốc của sự thống nhất và sức mạnh.
Tôi cũng thẳng thắn bảo vệ nước Mỹ, không phải như một quốc gia mà như một khái niệm:
Nước Mỹ cũng có những lỗi lầm của mình trên phương diện một xã hội, cũng như chúng ta cũng mắc lỗi. Nhưng tôi nghĩ về một nước Mỹ được sinh ra từ sự đánh bại chế độ nô lệ. Tôi nghĩ về Hiến pháp của nó, với những quyền lợi thiết thực dành cho mọi công dân và vẫn là hình mẫu cho cả thế giới. Tôi nghĩ về một người đàn ông da đen, sinh ra trong nghèo đói, người đã trở thành thủ lĩnh của Lực Lượng Vũ Trang và hiện giờ là Ngoại Trưởng Colin Powell và tôi thành thật tự hỏi liệu một điều như vậy có bao giờ diễn ra ở đây không. Tôi nghĩ về Tượng Nữ Thần Tự Do và biết bao người dân tị nạn, di cư và những kẻ nghèo khó đã đi qua ánh sáng của nó mà cảm thấy một thế giới mới có thể thuộc về họ, nếu không thì cũng là cho con cháu của họ. Tôi nghĩ về một đất nước nơi những người dân đang sống tốt không bị đặt câu hỏi về nguồn gốc tổ tiên, về giai cấp, về xuất xứ, mà chỉ nhận được sự ngưỡng mộ cho những gì họ đã làm và thành công mà họ đã đạt được. Tôi nghĩ về những người New York mà tôi đã gặp, vẫn còn trong cơn hoảng loạn, nhưng rất cương quyết; những lính cứu hỏa và cảnh sát, khóc thương đồng đội của mình nhưng vẫn ngẩng cao đầu.
Tôi nghĩ về tất cả những điều này và tôi chiêm nghiệm: Vâng, nước Mỹ có những lỗi lầm của riêng nó, nhưng nó là một đất nước tự do, một nền dân chủ, đó là đồng minh của chúng ta và một vài phản ứng về ngày 11 tháng Chín đã phản bội lòng sự căm thù nước Mỹ làm những kẻ cảm thấy như vậy phải xấu hổ.
Vì vậy tôi tin rằng đây là một cuộc chiến vì tự do. Và tôi muốn biến nó thành một cuộc chiến vì công lý. Công lý không chỉ trừng phạt kẻ có tội, mà còn đưa những giá trị dân chủ và tự do giống nhau tới toàn thế giới.
Và tôi muốn nói rằng tự do, không chỉ theo nghĩa hẹp của sự giải phóng cá nhân, mà theo nghĩa rộng hơn với mỗi cá nhân có một sự tự do về kinh tế và xã hội để phát triển tối đa khả năng của mình. Đó chính là ý nghĩa của cộng đồng, được thành lập dựa trên sự công bằng về giá trị cho tất cả mọi người. Người chết đói, người nghèo khổ, người bị áp bức, người thiếu hiểu biết, người sống trong túng thiếu và bẩn thỉu từ những sa mạc của Bắc Mỹ tới những khu ổ chuột ở Gaza, tới những dãy núi ở Afghanistan: Họ cũng là nguyên nhân cho cuộc chiến của chúng tôi.
Đây là thời cơ cần nắm bắt. Kính vạn hoa đã bị rung chuyển. Các mẩu ghép đã hòa thành dòng. Sớm muộn gì chúng sẽ ổn định trở lại. Trước khi đó, chúng ta hãy sắp xếp lại thế giới quanh mình.
Ngày nay, nhân loại có khoa học và công nghệ để phá hủy chính mình hoặc để cung cấp sự thịnh vượng cho tất cả. Nhưng khoa học không thể đưa ra quyết định thay chúng ta. Chỉ có sức mạnh đạo đức của một thế giới cùng hành động như một cộng đồng mới có thể làm thế. “Bằng sức mạnh của nỗ lực chung, chúng ta sẽ cùng nhau đạt được nhiều hơn những gì có thể đạt được khi riêng lẻ một mình.” [Một lời trích từ Điều khoản IV]
Với những người đã thiệt mạng trong ngày 11 tháng Chín và những người đang tưởng niệm họ, giờ đây là thời khắc để xây dựng sức mạnh cho cộng đồng. Hãy biến nó thành đài tưởng niệm cho họ.
Như với tất cả những bài diễn thuyết hão huyền khác, nó thu hút cả những tràng pháo tay và những cái cười khinh bỉ. Tôi đã tự tay viết nó, viết rất phóng tay. Không có một chút đau thương thường thấy. Những bản viết lại đều sửa rất ít. Tôi ngồi trong phòng làm việc ở Chequers nhìn ra Vườn Hồng, khi những mảng màu mùa thu đầu tiên bắt đầu xuất hiện và viết. Tôi nhớ đã cầm một cái giá để bút mực bằng bạc nạm vàng từng được tặng cho Chamberlain vào năm 1937, có khắc một dòng chữ Latin được dịch là “Hãy đứng trên những con đường cổ đại, nhìn xem đâu là con đường đúng đắn và tốt nhất, để bước đi trên đó”. Tôi cảm thấy chúng tôi đang ở trong đêm quyết định trọng đại cho tương lai thế giới. Tôi viết khá dễ dàng bởi tôi đã viết những gì mình nghĩ.
Khi nhìn lại, việc làm đó vô cùng duy tâm; nhưng nó cũng là một chiến thuật. Và nó dựa trên một quyết định rất quan trọng nhưng cũng gây rất nhiều tranh cãi.
Trong bài diễn thuyết tại Chicago vào tháng Tư năm 1999, tôi đã đề ra một học thuyết lấy can thiệp – nếu cần, can thiệp quân sự – làm trung tâm của việc tạo dựng một cộng đồng quốc gia công bằng hơn. Tôi đã mở rộng khái niệm lợi ích dân tộc, tranh luận rằng trong một thế giới tương thuộc, lợi ích quốc gia của chúng ta luôn liên quan đến bất cứ nơi nào có bất công và nguy hiểm tồn tại. Vì vậy, tôi đã đi đến thách thức mới này với một bản năng vốn được phát triển rất cao tương ứng với một cách tiếp cận mạnh dạn và để chuẩn bị cho sự can thiệp hơn là bỏ mặc.
Một điều thiết yếu là, có hai quan điểm về cách thi hành chính sách đối ngoại. Chúng thường được giới thiệu như một sự lựa chọn giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật, nhưng làm thế là bất công với cả hai luồng tư tưởng này. Những người duy tâm tin rằng một chính sách đối ngoại được điều khiển bởi nguyên tắc là chính sách duy nhất có hiệu quả, bởi nó là cách duy nhất có thể thay đổi và thuyết phục. Những người theo chủ nghĩa duy vật tin rằng bằng chính sách thực dụng, chúng ta có thể tiết kiệm được tiền bạc, tính mạng và tránh được xung đột và điều đó hẳn là đáng để phấn đấu. Đây đơn giản là hai sự phân tích khác nhau cho câu hỏi về tính hiệu quả.
Bởi lẽ nó là một hành vi gây chấn động và khủng khiếp, sự kiện 11 tháng Chín đã ném từng mẩu của thế giới lên không trung. Nó hoàn toàn được chấp nhận là đã thay đổi một cách căn bản quan điểm của chúng ta về thế giới. Vào thời điểm đó, người ta đã được chuẩn bị đầy đủ để can thiệp một cách tích cực nhằm mang những mẩu kia quay về trật tự hài hòa trước đó.
Nhưng qua thời gian, người ta tự hỏi liệu những hậu quả của nó có được phóng đại lên không; có lẽ nó chỉ là một sự kiện độc nhất vô nhị, trong trường hợp đó, lập luận được phát triển, liệu chúng ta có nên cố gắng điều khiển tình thế, có thể làm nó tiến hóa theo thời gian, nhưng trên hết là xoa dịu nó? Khi nhiệm vụ trở nên đau đớn hơn và ý chí quyết chiến của kẻ thù trở nên rõ ràng hơn, lập luận như thế trở nên ngày càng hấp dẫn. Có lẽ chủ nghĩa cực đoan có thể bị làm lu mờ dần. Nếu tác động lớn lên vấn đề Israel và Palestine, chẳng hạn, chúng ta có thể ra ngoài vòng chiến. Nếu theo đuổi một tham vọng nhỏ hơn và có thể thu xếp các vấn đề về thế giới, nhận ra rằng những nền văn hóa khác nhau có những cách thức ứng phó với vấn đề khác nhau, chúng ta sẽ phát triển tốt hơn. Vì vậy, họ cho rằng, đó không hẳn là một cuộc “Chiến tranh chống Khủng bố” − thì thứ ngôn ngữ không kiêng nể đó thật vô dụng. Việc này không thực sự liên quan đến đạo Hồi hay vấn đề tôn giáo. Những bất đồng có vẻ liên quan thực ra lại không hề liên quan đến nhau. Việc mang lại nền dân chủ cho những quốc gia này chính là cố gắng áp đặt những tư tưởng phương Tây lên người dân của những nước ngoài phương Tây. Đó là một hình thức đô hộ thuộc dân về văn hóa được sinh ra từ sự thiếu hiểu biết. Đó là cách lập luận này phát triển.
Phản ứng trước lập luận này, những người như tôi cho rằng chúng tôi đã nhận được lời cảnh báo và nên lưu ý đến nó. Bạn không thể phân loại al-Qaeda giản đơn như là một nhánh của một lý tưởng điên rồ kỳ cục nào đó. Sau này, khi nghiên cứu sự việc này kỹ càng hơn, tôi đã nhận ra tầm quan trọng của Cách mạng Iran. Dù đúng là vào năm 2001, Iran còn thù địch với cả Taliban và Saddam và vì thế với al-Qaeda, sự thù địch xoay quanh sự chia tách những người Hồi giáo Shia/Sunni, không dựa trên lập trường quan điểm về thế giới của cả hai dòng này. Cuộc chiến diễn ra để tìm người lãnh đạo phong trào phản động nội bộ đạo Hồi, không phải để tìm người có khả năng kiến thiết một phong trào tiến bộ.
Tôi xem xét trận đổ bom ở Mecca vào cuối năm 1979, bởi những người cực đoan dòng Sunni, lo lắng rằng những người dòng Shia đang che giấu một cuộc diễu hành. Nó được dập tắt ngay lập tức và Chính phủ Ả Rập cũng học thêm được về sức mạnh của mình. Kể từ đó, luôn có một khuynh hướng cho phép các lực lượng tôn giáo tạo hình cho xã hội Ả Rập.
Tôi cũng tin rằng câu trở lời cho một mối đe dọa không phải là việc gợi lên một mối đe dọa khác. Tôi đã điều tra tại sao ở Afghanistan chúng tôi lại hỗ trợ một tổ chức sau này trở thành Taliban nhằm ngăn chặn người Nga, chính xác là trên danh nghĩa kiểm soát tình hình; tại sao chúng tôi lại trang bị vũ khí cho Saddam để kìm hãm tình hình ở Iran; và tại sao trong mỗi trường hợp hậu quả của “chủ nghĩa duy vật” lại có thể tạo ra một bất ổn mới và có thể là tệ hơn.
Tuy nhiên, trên hết, tôi nhận thức được rằng sự kiện 11 tháng Chín đã khiến tất cả phân tích trước đó đều trở nên hợp lý, hay ít nhất ràng buộc trách nhiệm cho việc điều tra lại. Chúng tôi không thể ước đoán rằng những quốc gia bị loại virus này chế ngự không thuộc thẩm quyền của mình. Để lựa chọn giữa một chính sách quản lý và một chính sách cách mạng, tôi chọn phương án thứ hai. Tôi không nghĩ tình trạng này có thể được điều chỉnh một cách an toàn. Nó phải được đặt trên một con đường của sự thay đổi về bản chất.
Vào tháng Một năm 2002, với ký ức vẫn còn sống động về vài ngày nghỉ vui vẻ cùng gia đình và Leo bé nhỏ ở Sharmel–Sheikj, Ai Cập, tôi thăm sân bay Bagram ở Afghanistan. Tôi bước xuống chiếc xe chuyên chở C130 và thấy một chiếc thảm đỏ được trải ra. Chúng tôi được cảnh báo không được bước khỏi tấm thảm này vì phần lớn sân bay vẫn bị đặt mìn.
Khi bước xuống các bậc thang và được Karzai chào đón, tôi nhìn vào đội ngũ lính gác danh dự đang dàn hàng. Họ được xếp đứng cạnh nhau vội vã, đồng phục của họ được xin, mượn hay lấy cắp từ vài doanh trại quân đội ở đâu đó. Những người đàn ông gày gò; còn sân bay là một mớ hỗn độn với những những tòa nhà cháy và hố bom.
Khi Kazai và tôi bước xuống hàng lính gác, nhóm phóng viên và thợ ảnh di chuyển phía trước để chụp ảnh, họ va chạm với nhóm an ninh của Afghanistan, những người đẩy họ ra khỏi thảm, rồi nhảy vội quay lại, như những hành động trong một câu chuyện cười, hai chúng tôi phải phản xạ rất tự nhiên và bình thường trước ống kính đang ngắm vào mình, trong lúc các điệu nhảy Thánh Vitus này đang diễn ra trước mặt.
“Tôi muốn ngài gặp Nội các của tôi,” Hamid nói. Chúng tôi đi bộ tới một tòa nhà đã được gỡ hết bom gần mép đường băng, bước vào trong và ngồi lên hàng ghế băng tạm bợ và mấy chiếc ghế ngồi trong vườn làm bằng nhựa. Một người đàn ông, được giới thiệu với tôi là Bộ trưởng Văn hóa và Nghệ thuật, ngồi bất động. Ông ta mất một mắt và nhìn tôi chằm chằm không chớp.
Họ nói về những hy vọng và nỗi sợ hãi của mình. Hamid biết chính xác phải nói điều gì và nói theo cách nào. Tiếng Anh của ông ấy rất chuẩn, tư thế và sự tự tin hoàn hảo của ông ấy, đã làm tinh thần tôi phấn chấn. Tôi được truyền cảm hứng bởi những biểu hiện quyết tâm anh hùng của họ, nhưng thấy nản lòng trước thực tại và tình hình đất nước họ.
Việc này cần thời gian. Nhưng bao lâu và khó khăn đến mức nào, tôi không biết được.
Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi - Tony Blair Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi