Hầu hết những thành quả quan trọng trên đời đều được tạo ra bởi những người dù chẳng còn chút hy vọng nào nhưng vẫn kiên trì theo đuổi điều mình mong ước.

Dale Carnegie

 
 
 
 
 
Tác giả: Tony Blair
Thể loại: Tùy Bút
Nguyên tác: A Journey : My Political Life
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1655 / 31
Cập nhật: 2016-06-09 04:39:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10: Chế Ngự Các Khủng Hoảng
ôi đi nghỉ vào cuối tháng Bảy với mục tiêu cải cách dịch vụ công. Tôi quay lại làm việc vào cuối tháng Tám và chợt nhận ra rằng mục tiêu đã chuyển sang một cuộc bầu cử được dự tính sẽ diễn ra vào tháng Năm năm 2011; cuộc bầu cử này giống như một cuộc chạy đà. Thời khắc chúng tôi khởi động giai đoạn tiền bầu cử, mọi chuyện bắt đầu hình thành xoay quanh nó. Mục tiêu thay đổi kéo theo những tư duy cũng mang tính chính trị hơn; những phân tích và tái phân tích liên tục về quá trình cải cách các thành phần kinh tế Nhà nước nhường chỗ cho số lượng phiếu bầu, những hoạt động phân loại cử tri, thăm dò dư luận; những thành viên của phe đối lập đã từng bị thất thế buộc phải tránh xa chính trường trong một thời gian dài giờ đây tái xuất ở điện Kremlin, dương dương tự đắc – và cỗ máy bầu cử thực sự bắt đầu lăn bánh.
Đối với hầu hết thành viên trong Đảng, chiến dịch sắp tới sẽ tập trung vào tham vọng duy nhất: Lần đầu tiên Đảng Lao động có hai kỳ liên tiếp tại nhiệm. Đối với tôi, hoài bão này đồng nghĩa với trách nhiệm mang lại những thay đổi cho cuộc sống tốt đẹp hơn của người dân. Bản thân tôi nhận thấy những lập luận về đường hướng phát triển đã được hình thành từ lâu. Nhiệm kỳ đầu tiên đã chứng minh khả năng lãnh đạo của chúng tôi. Nhiệm kỳ thứ hai này, chúng tôi cần làm rõ mục tiêu lãnh đạo của mình đó là tiến xa hơn những đường lối Anh kiểu cũ mà theo tôi đã không còn khả dĩ và phù hợp với đất nước và khiến cho người dân cảm thấy Đảng chúng tôi thực sự là sự lựa chọn đúng đắn của họ. Khát vọng vô biên, nhưng khá thất thường của tôi về quá trình hiện đại hóa đôi khi có thể bị lạc hướng, nhưng tôi chắc chắn rằng ý tưởng đột phá là hoàn toàn đúng đắn: chúng ta cần phải hiện đại hóa toàn bộ ý tưởng về các dịch vụ phúc lợi và dịch vụ công từ năm 1945, những hệ thống luật pháp, trật tự trị an và tình trạng nhập cư lỗi thời, cũng như quan điểm về vị thế của mình trên trường quốc tế. Chúng tôi phải dùng thế kỷ XXI như một cơ hội có một không hai để làm mới bản thân với tư cách của một quốc gia. Thatcher đã đúng khi bà ra quyết định tư hữu hóa các doanh nghiệp và các ngành công nghiệp quốc doanh, nhưng khi bị ám ảnh với chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, tôi cảm thấy bà vẫn khiến người dân chìm đắm trong quan điểm về một đất nước mà đơn giản đã không còn thích ứng với vị thế mà chúng ta cần đạt tới lúc này, trong năm nay của thiên niên kỷ này.
Tôi vẫn chưa có cách nào nghĩ ra câu trả lời đúng đắn cho những câu hỏi về chính sách, nhưng đã rút ra được nhiều kinh nghiệm từ những thiếu sót trong nhiệm kỳ thứ nhất: quan điểm sai lầm cho rằng nâng cao tiêu chuẩn và hiệu suất có thể được tách rời khỏi công cuộc cải cách cơ cấu tổ chức. Quan điểm này hầu như đúng trong tất cả các lĩnh vực và đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ công. Trên hết, chúng ta phải tước đoạt quyền của những nhóm lợi ích chiếm ưu thế, các liên hiệp và tổ chức đoàn thể, đưa quyền lực vào tay người dân, người tiêu dùng, các bậc phụ huynh, bệnh nhân và người sử dụng.
Vì vậy tôi quay lại sau một kỳ nghỉ dài và khá thoải mái, nhưng cũng không tránh khỏi những bồn chồn và lo lắng. Tôi đã xây dựng khung cho luận cứ chính trị để giành chiến thắng. Tôi phác thảo bản tuyên ngôn để củng cố thêm niềm tin cho các thành viên trong Đảng, cố gắng đem lại lợi ích cho người dân trong tương lai. Chúng tôi đã tích lũy được những kinh nghiệm chính trị trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên. Chúng tôi cũng cố gắng duy trì danh tiếng của mình ở mức cao nhất để tiếp tục giành thắng lợi ở nhiệm kỳ này và chiến thắng vẻ vang. Nhưng, thời cơ đến đồng nghĩa với tương lai mở ra trước mắt. Và cho đến giờ, tôi biết rằng nếu lúc đầu tôi còn hoài nghi thì chắc chắn nhiệm kỳ thứ hai này sẽ khó khăn hơn bội phần, thách thức nhiều hơn đương nhiên chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ ít hơn nhiệm kỳ đầu.
Để nhận ra điều này, từ lúc tôi trở lại sau kỳ nghỉ cho đến chín tháng sau, khi chúng tôi thắng cử, tôi dường như bị nhấn chìm trong mở bòng bong giữa những khó khăn “từ trên trời rơi xuống” cũng như do mọi người tạo ra.
Chỉ trong vòng vài tiếng từ khi tôi trở về, tôi bị buộc phải đứng trước một trong những quyết định vô cùng nhạy cảm và khó khăn mà thường xuất hiện bất cứ lúc nào hay ập đến như sóng dậy. Quân đội Anh ở Sierra Leone đã làm rất tốt và thành công trong việc tái khẳng định tầm kiểm soát của Chính phủ dân chủ, nhưng đáng tiếc là một tốp quân lính thuộc Trung đoàn Bộ binh Hoàng gia Ireland đã mắc kẹt trong một vụ xung đột và bị RUF39 bắt cóc. Chúng tôi nhận được tin tức tình báo về nơi họ đang bị bắt giữ. Charles Guthrie đã yêu cầu gặp tôi khẩn cấp tại phòng làm việc của tôi ở phố Downing. Anh ta nói rằng họ có thể sẽ yêu cầu SAS mở một cuộc giải cứu.
Lúc nào cũng thế, Charles có dũng khí đề xuất một phương án hành động thay vì đơn giản là để tôi tự quyết định, nhưng anh ta cũng cảnh báo tôi về mức độ thương vong. RUF là một phiến quân manh động có vũ trang, anh ta lý giải và cả con tin lẫn lực lượng giải cứu đều có nguy cơ rủi ro cao. Phương án ứng phó là tiếp tục thương lượng và hy vọng chúng tôi có thể phần nào đàm phán với chúng. Còn phương án nữa đó dùng tiền để chuộc con tin, nhưng rồi cả hai chúng tôi đều nhanh chóng nhận ra đó sẽ là một tín hiệu nguy hiểm, có thể gây kích động bọn chúng và gián tiếp tạo ra hàng loạt các vụ bắt cóc tương tự khác.
Chúng tôi ngồi yên một lúc, nhìn nhau chằm chằm. Sẽ tốt hơn nếu chúng tôi có thể làm gì đó lúc này; có thể thám thính thêm thông tin; tìm hiểu các phương án, chiến lược và tỷ thứ có trời mới biết người ta có thể làm ở trụ sở của SAS tại Hereford. Nhưng tôi biết rằng cho dù có xem xét, phân tích đi phân tích lại những việc này đi chăng nữa thì quyết định cuối cùng vẫn không thể khác được.
“Các anh có ủng hộ kế hoạch này không?” Tôi hỏi một cách lơ đãng.
Anh ta khịt mũi tỏ vẻ sốt ruột. “Bọn họ luôn ủng hộ cách đó, như ngài biết.”
“OK, vậy hãy làm thế đi.”
Chúng tôi giải cứu được tất cả các con tin, nhưng chúng tôi đã phải hy sinh một lính SAS. Charles gọi tới nhà riêng của tôi và đích thân báo cáo tin này. Tôi đi đi lại lại trong căn hộ một lúc, hình dung xem người lính đó là ai, trông anh ta như thế nào, anh ta cảm thấy thế nào khi được chuyển vào phòng phẫu thuật, các tế bào thần kinh, thuốc adrenalin, nhận thức của anh ta về cái chết chỉ cách mình trong gang tấc cứ ám ảnh tôi mãi không thôi. Sau đó, tôi chiêm nghiệm về một mạng người đã mất, một gia đình đang phải chịu cảnh tang tóc. Lẽ ra, chúng tôi có thể tiếp tục thương lượng và anh ta có thể vẫn còn sống.
“Tôi rất tiếc, Charles” tôi bắt đầu lên tiếng, “vấn đề là giá mà chúng ta vẫn chưa hành động…”
“Ngài không cần phải nói thế” Charles ngắt lời tôi. “Vì những gì chúng ta đánh đổi, tôi không nghi ngờ gì về tính đúng đắn của quyết đinh này. Đành rằng mất đi một người là việc đáng buồn. Nhưng bọn họ là những người lính chuyên nghiệp. Họ biết rõ rủi ro. Họ làm việc đó bởi vì họ muốn làm và vì họ tin tưởng vào công việc của mình. Ở Hereford, sự hy sinh của những người lính mang một ý nghĩa và niềm tự hào cao cả.
Trước thềm diễn ra cuộc bầu cử, tôi đã quyết định thực hiện một chuyến “vi hành” qua các vùng để tiếp cận và hiểu thêm về dân chúng. Bao giờ cũng có một chút đáng ngờ trong công tác mà người ta hay gọi là “tiếp xúc với người dân”. Trong chính trường hiện đại, bạn phải vờ như mình đang sống một cuộc đời của người bình thường, tất nhiên, là bạn không và cũng không thể đi mua sắm ở siêu thị, đổ xăng xe, xuống phố la cà vào mấy quán rượu để uống vài chai, bù khú thâu đêm và nói vài câu bông lơn. Nhưng ngày nay, tất cả mọi người đều vờ vịt cầu kỳ rằng một Thủ tướng có thể làm và nên làm tất cả những việc đó, nếu không thì ông ta hay bà ta đã “cắt đứt liên lạc” với dân chúng − một sự chỉ trích tệ hại nhất mà người dân dành cho các vị chính khách.
Tôi không thể nhớ mình đã bước vào bao nhiêu quán cóc, bao nhiêu hàng cá tẩm bột kèm khoai tây chiên và bao nhiêu khu mua sắm, tiền sẵn trong tay (phải, Thủ tướng thì phải có tiền mặt rủng rỉnh trong túi chứ) và mua một cái gì đó, chỉ để thể hiện tôi là một “gã bình dân”. Một trong những lý do khiến chuyện này nghe thật nhảm nhí, đó là, trước khi tôi đi bước vào, những nơi này đã được các trinh thám có vũ trang tới “nằm vùng”, người bán hàng thì được điều tra về an ninh và chính trị, có khoảng hai mươi nhiếp ảnh và đoàn làm phim, một vài người phản đối ngẫu nhiên, một vài kẻ lập dị qua đường, những dân thường ngơ ngác và đôi khi có cả một chiếc trực thăng cảnh sát lượn lờ trên đầu. Tất cả những điều này hoàn toàn tương phản với hình ảnh một người dân thường đi mua cà phê hay đĩa nghe nhạc. Nhưng tất cả những điều này buộc phải được thông qua và văn phòng − cụ thể là Alastair − sẽ tỏ ra không hài lòng và tức tối nếu tôi cố tình phàn nàn rằng đây là những việc làm ngớ ngẩn.
Kinh điển nhất là lần tôi và Gordon mua kem trong một chuyến đi tới công viên và sân chơi trong cuộc bầu cử năm 2005. Cuộc nói chuyện với Kate Garvey hóa ra lại biến thành thế này: “Hãy đi mua kem ở cái xe tải đằng kia, một chiếc cho ngài, một chiếc cho Gordon, để thể hiện sự mối thâm tình và sự bình dân.”
“Không” tôi nói, “thật quái đản. Tôi không thích kem Mr. Whippy, trừ khi nó có phủ sô-cô-la; và trông Gordon giống người mua kem bình thường của anh lắm chắc? Thôi nào, thật lố bịch, hai người mặc complê, một người là Thủ tướng, người kia là Bộ trưởng Tài chính. Việc này bình thường ở chỗ nào?”
“Cứ làm đi,” cô ta nói một cách hăm dọa, “và đừng có đề nghị phủ sô-cô-la lên trên; nó sẽ làm ngài trông rất tham lam đấy.” (Tôi đã phớt lờ lời khuyên của cô ấy ngay sau đó.)
Những cuộc viếng thăm như thế thường trở thành những trò tiêu khiển thú vị. Khi tôi đi loanh quanh trong công viên ngày hôm đó, tôi đã gặp một phụ nữ trung lưu đang đi dạo cùng với mẹ cô ta và một em bé trong chiếc xe nôi. “Trông ngài ở ngoài ưa nhìn hơn trên TV,” người phụ nữ lớn tuổi hơn nhận xét, nhìn tôi dò xét.
“Lần sau bà lại tới nhé” tôi nói một cách vui vẻ.
“Tôi vừa mới “chào Đức Mẹ” xong, “bà ấy nói, một câu chuyện mà sau đó Kate dùng để “thết đãi” “Gordon bối rối”.
Trước các vòng phỏng vấn ở bất cứ đâu ngay trước cuộc Tổng tuyển cử, tôi đều phải xem qua một danh sách giá cả của các nhu yếu phẩm hàng ngày như một pint sữa, một cân bơ, một tảng thịt vai cừu. Bánh mỳ đã từng là nội dung tranh cãi về các thể loại, trắng hay nâu, không quá nhiều bột thô, không quá hại cho sức khỏe. Danh sách này được liệt kê với niềm tin rằng nếu tôi biết những điều như thế đồng nghĩa là tôi đã từng vào một cửa hàng trên phố Downing (không hẳn là vì có một cái ở đó) và mua đồ tạp phẩm, điều mà chắc chắn tôi không làm. Nhưng người ta thường tin vào sức mạnh của những chuyến đi “tiếp xúc” với dân chúng và ai mà có quyền nói họ đã sai chứ.
Tuy nhiên, dù tôi đã xoay xở những việc này khá tốt, trước đây tôi vẫn luôn nghi ngờ những việc làm giả tạo này. Dân chúng không hề ngốc; họ biết rằng Thủ tướng không thể ung dung vào siêu thị như họ được. Họ không muốn biết rằng ông ấy thực sự sống như bất kỳ ai trong số họ, nhưng lại muốn biết rằng ông ấy có thể làm như vậy; và quan trọng hơn, họ muốn biết cảm giác của ông với họ là giống nhau, rằng họ có thể hiểu được ông ấy.
Điều này không liên quan gì đến sự nuôi dạy dỗ, giai cấp hay là nền tảng gia đình. Bạn có thể là một người Estonia cổ mà vẫn sống hòa thuận với mọi người; bạn có thể đến từ Trimdon Colliery và có thể thấy tuyệt vọng trước họ. Đây là một vấn đề về khí chất, tính cách và thái độ và hơn cả là niềm tin. Chắc chắn rằng, nếu bạn không phải một gã bình dân tầm thường mà người khác muốn mời uống bia cùng mà bạn đang tranh cử, thì bạn sẽ gặp rắc rối. Điều này nghe có thể phiền toái, nhưng lại là sự thực. Tôi từng luôn miệng nói với mọi người về George Bush thế này: các bạn đừng có đánh giá thấp bề ngoài dân dã của ông. Bạn có thể không đồng tình với ông ấy, nhưng nếu bạn là một cử tri, bạn sẽ không bao giờ nghĩ rằng mình có thể cảm thấy không thoải mái hay không tương xứng khi nói chuyện xã giao với ông; bạn có thể sẽ nghĩ Bush rất tốt và cởi mở với bạn. Và bạn đúng.
Bạn có thể không còn thiếu vẻ tự nhiên như thế nếu bạn không cố giả vờ làm người khác thay vì là chính bạn. Một vài chính trị gia và tôi là một trong số đó, thích tán gẫu và gặp gỡ mọi người. Tôi không thể thôi tò mò về họ. (Thế mạnh của cựu Thủ tướng Clinton là khả năng bị cuốn hút không ngừng bởi những người ít cuốn hút nhất vì ông luôn vui lòng học hỏi từ họ.) Nhưng những chính trị gia khác thì không như thế. Nếu các bạn không nằm trong số đó, đừng bị ám ảnh về điều đó. Những người nghiêm nghị, thậm chí là khắc nghiệt, vẫn có thể chiến thắng, miễn là họ chân thành.
Dù tôi luôn phàn nàn về việc thực hiện những chuyến công tác tại địa phương do cái giả thuyết đáng hoài nghi về PR và quãng thời gian sống xa ngôi nhà Số 10, xa rời việc thúc đẩy chính sách và bất chấp sự phi thực tế; đôi khi siêu thực tế của việc này, tôi vẫn luôn học được điều gì đó khi tiếp xúc với thế giới quanh mình, kể cả việc nói chuyện với đội ngũ nhân viên về mặt trận chính trường hay thương trường. Họ không có ảnh hưởng nhiều với vai trò phong vũ biểu để bàn luận chính sự lắm, nhưng họ lại thừa tai mắt nghe ngóng những tin vỉa hè xem liệu người dân phố Downing “buôn bán” về tôi thế nào? Người ta đồn thổi về tôi ra sao? Thường chỉ toàn là tin đồn nhảm.
Đầu tháng Chín, ngay trước khi chúng tôi thực hiện chuyến công du về miền Bắc, người ta đưa tin về các vụ biểu tình nhiên liệu ở Pháp. Giá dầu hỏa lúc đó đã tăng đều lên mức hơn 30 đô-la một thùng, cao nhất trong vòng hơn 10 năm qua. Giá cả tại các trạm nhiên liệu bắt đầu tăng nhanh chóng.
Thuế nhiên liệu đã từng là vấn đề gây tranh cãi trong rất nhiều năm. Để có thể huy động vốn từ người dân, chính quyền trước đây đã thiết lập “quy định điều chỉnh giá thuế nhiên liệu”, nghĩa là thuế sẽ tăng cao hơn tỷ lệ lạm phát theo một mức nhất định. Quy định này cũng kéo theo sự ra đời – loại thuế xanh đầu tiên – như một lời biện hộ bảo vệ môi trường, nhưng không ai thực sự xem trọng cách lý giải đó. Điều này đã giúp tái kiểm soát nhu cầu vay mượn và trong khi giá dầu thô vẫn ở mức thấp, thì việc tăng thuế có thể được che đậy rất hiệu quả bằng mức giá thấp của nguyên liệu thô. Vì vậy, quy định này rất phù hợp với lợi ích của Chính phủ. Tất nhiên, khi giá dầu bắt đầu tăng lên theo hình xoáy trôn ốc và kéo theo giá xăng cũng leo thang, thì đó lại là một vấn đề khác.
Người Pháp có vẻ thích biểu tình trước bất kỳ thứ gì và không cần nhiều lý do để đổ xô ra đường, nhưng ở Anh việc đó không phải là thường lệ. Đột nhiên cơn sốt giá xăng đã thu hút sự quan tâm của người dân vào một thực tế rằng giá thuế nhiên liệu của Anh luôn cao nhất châu Âu. Vào ngày 8 tháng Chín, các cuộc biểu tình từ Pháp, điều mà chúng tôi đã luôn theo dõi với một sự lãnh đạm, đã lan tới Anh.
Những người biểu tình chống đối giá nhiên liệu thuộc mọi tầng lớp xã hội. Từ nông dân, lái xe tải, người kinh doanh cá thể và những người phản đối Chính phủ. Họ không phải là nhóm người biểu tình có tổ chức, điều vốn quen thuộc với phe cánh Hữu; họ là những người mà trường phái Mac-xit gọi là giai cấp “Tư sản bần cùng”, chẳng phải vì có điều gì “nhỏ mọn” hay “mỏ nhọn” ở họ cả. Họ mang trong mình nỗi bất bình chân chính. Ngoài ra, họ cũng kịch liệt phản đối Đảng Lao động, tôi đoán vậy.
Họ cũng đủ thông minh để nhằm vào gót chân Asin của ngành công nghiệp chất đốt, tiếp đến là nền kinh tế và rồi là Chính phủ. Dầu được nhập khẩu và lọc ở những nhà máy lọc dầu lớn có số lượng ít, trước khi được vận chuyển bằng xe tải tới các trạm xăng. Không có nhà máy lọc, sẽ không có đủ xăng dầu để cung cấp cho các trạm xăng dầu lẻ. Ngoài ra, dung tích của các trạm xăng không lớn, vì vậy cứ khoảng 48 giờ chúng lại được đổ đầy một lần. Ngày này qua ngày khác, hệ thống này vận chuyển nhiên liệu tới các “điểm trung chuyển” và tới tay người tiêu dùng, dù họ là nông dân, thương nhân hay bất kỳ một người nào.
Tôi đã không biết điều này vào cái lúc đáng lẽ ra tôi phải biết. Và dường như, cũng không nhà chức trách nào khác biết điều này, vì thế khi chúng tôi nghe tin một số người biểu tình ở hai nhà máy lọc dầu – Buncefield và Stanlow − phong trào biểu tình này vẫn chưa lan rộng.
Chúng tôi bắt đầu chuyến đi của mình, một vòng qua các trường học và bệnh viện và “kết nối với quảng đại quần chúng”. Chúng tôi dừng lại ăn trưa ở một khách sạn đồng quê nhỏ ở ngoại ô Hull, nơi mà chúng tôi dự kiến sẽ nói chuyện ở một bữa tiệc và sau đó đi ăn tối để kỷ niệm ba mươi năm John Prescott trong vai trò Nghị sĩ của Hull. Chúng tôi đã ăn một bữa thanh đạm và khá ung dung, vì có dư đôi chút thời gian. Có một nhóm các phóng viên và nhà báo đi cùng đoàn và tôi cũng dành một chút thời gian trao đổi với họ về kỳ bầu cử tổng thống sắp diễn ra ở Mỹ. Tôi nhớ là mình đã có một cuộc thảo luận rất say sưa về chủ nghĩa khủng bố và khả năng nó trở thành một mối đe dọa toàn cầu.
Những người biểu tình phản đối giá nhiên liệu đã tận dụng tốt chiến thuật biểu tình “câm” của nghiệp đoàn cổ điển mà bà Thatcher đã cấm. Họ chặn các xe tải không cho rời nhà máy. Anji Hunter nói với tôi rằng cuộc biểu tình đang lan rộng. Shell, người đã đưa tin rằng một vài người biểu tình bắt đầu có dấu hiệu bạo lực và muốn cảnh sát giúp hộ tống những người lái xe của họ. Tôi bắt đầu cảm thấy bất ổn − khoảng 48 giờ sau khi mọi chuyện đã quá muộn.
Khi chúng tôi tới được Hull, sự việc đã trở nên thật sự tồi tệ và những người biểu tình đang gây náo loạn cả khu vực. Như một cơn bão không rõ bắt nguồn từ đâu, cánh báo chí và những người biểu tình bất ngờ hòa vào nhau tạo nên những âm thanh vang như sấm rền. Bạn có thể nghĩ rằng áp dụng chiến thuật kiểu Arthur Scargill như biểu tình “câm” và hăm dọa biến đất nước rơi vào tình trạng đình trệ, sẽ gặp phải hàng rào chỉ trích của các phương tiện truyền thông. Nếu đó là Scargill, có lẽ mọi chuyện đã diễn ra theo chiều hướng đó, nhưng vì đây là vấn đề giá xăng – một tin sốt dẻo đối với độc giả của họ – và những cuộc biểu tình chủ yếu nhắm vào Chính phủ của Đảng Lao động, nên điều đối lập đã xảy ra và những người biểu tình nhanh chóng trở thành những “người hùng đường phố”, chiến đấu vì quyền lợi của dân thường phản đối sự cai trị thiếu tinh tế.
Một trong những điều khó khăn nhất trong những thời điểm thế này là tổ chức và thực hiện kế hoạch, khi bạn tuyệt vọng muốn dừng lại tất cả, kiếm một góc yên tĩnh và suy nghĩ. Ngồi trong phòng chờ trước sảnh chính của Tòa thị chính tráng lệ thành phố Hull, tôi thấy rất bối rối. Tôi biết rằng mình đã làm hỏng thời cơ lớn. Đáng lẽ, tôi nên nhạy cảm hơn. Hay ít nhất, tôi đã phải nhận ra rằng đối với một người sử dụng mô tô thì việc giá một bình xăng tăng là cả một vấn đề, nếu không muốn nói là trọng đại (nhất là khi cô trông trẻ của các con tôi, Jackie, đã phàn nàn về điều đó hàng tuần liền). Lẽ ra tôi phải hiểu rằng toàn bộ các hệ thống từ Trung ương đến địa phương đều rất dễ bị tổn thương trước cuộc biểu tình; và sự hấp dẫn của cuộc biểu tình đối với giới truyền thông. Vậy mà, tôi đã ngồi vào vị trí đó với điểm số 20 dẫn đầu trong các cuộc bầu cử và tôi đã “vô tình” tạo ra một lỗ hổng không gì có thể che lấp trong hàng rào phòng thủ của mình.
Nhà hàng Trung Hoa nơi chúng tôi định tổ chức bữa tối cho John Prescott chật cứng người biểu tình. Cảnh sát khuyên tôi nên tạm hoãn bữa tiệc lại. Tôi đồng ý một cách thoải mái. Đúng là tôi cần phải suy nghĩ.
Chúng tôi thoát ra bằng cửa phụ của Tòa Thị chính và sau khi bị một toán thường dân bám đuôi xuống đến phố, chúng tôi vào được khách sạn. Tôi đã cố gắng tìm hiểu thêm mức độ nghiêm trọng của vấn đề từ các nhân viên ở Trụ sở, Số 10. Alastair đang ở trong tình trạng khủng hoảng cực độ, nhưng những người còn lại của Bộ máy dường như “tĩnh” một cách kỳ lạ, phản ứng của họ với tình cảnh này đang dần hé mở sự pha trộn giữa một “dây chuyền” không ngừng nghỉ và những cái bắt tay ướt át vốn chẳng có gì thú vị.
Bạn luôn phải biết lúc nào thì nên ủy thác công việc cho người khác và lúc nào nên chủ ý và công khai đảm trách. Những nhà lãnh đạo mà có “phe cánh” thường gây ra hỗn loạn – họ sẽ chẳng làm được gì khi còn mải băn khoăn không biết việc mình làm có đúng với ý “sếp” không, trong khi các nhà lãnh đạo có quá nhiều việc cần tập trung và đưa ra chỉ dẫn thích hợp. Nhưng trong thời kỳ khủng hoảng, hãy quên “phe cánh” đi. Lúc này mới cần đến bạn: nắm bắt, gọt giũa, quyết định và giải quyết tình huống khó khăn này.
Sau một đêm không ngủ – tôi ước mình đã quay về London vào đêm trước – chúng tôi ra ga từ rất sớm. Khi tôi bước lên tàu, trước sự ngỡ ngàng của những người đi tàu, một quý bà nói với tôi: “Đừng nhượng bộ chúng, chúng là những người Đảng Bảo thủ, ngài biết đấy. Hãy đứng lên chống lại chúng”. Đó là một quan điểm, dĩ nhiên rồi. Chắc chắn cũng sẽ có những quan điểm khác nữa.
Trên tàu, tôi nảy ra một chiến thuật. Chúng tôi phải đánh bại cuộc biểu tình và mở cửa những nhà máy lọc dầu trở lại, đó là điều chắc chắn; nhưng chúng tôi cũng phải chắc rằng bản Báo cáo Dự thảo Ngân sách có đề cập thắc mắc về nhiên liệu, ví dụ như việc ủng hộ một Chính phủ phù hợp, nhưng không được khinh suất và phải lắng nghe. Những người vô lý đôi khi cũng đưa ra những yêu cầu có lý.
Ưu tiên những việc quan trọng hàng đầu. Cuộc khủng hoảng lúc này gần như đã được dập tắt hoàn toàn. Giới truyền thông thỏa thích đưa tin về nó. Mua chất đốt dự phòng là chủ đề “hot” trong ngày và hình ảnh những hàng dài xe cộ, những trạm xăng đông nghịt người hoặc đóng cửa im lìm và tình trạng hỗn loạn nói chung là khó cưỡng và giới truyền thông cũng chả lòng dạ mà không chộp những tin giật gân như thế. Họ “đổ dầu vào lửa”, còn những người biểu tình như được “tiếp thêm sinh khí” trong khi Chính phủ bị khiển trách nặng nề vì “làm ngơ” trước cuộc khủng hoảng mà chính giới truyền thông lại đang tích cực tung hô.
Tôi thực sự rất tức giận. Tôi cảm thấy một Chính phủ Đảng Bảo thủ sẽ không bao giờ bị đối xử kiểu này. Nhưng, sau khi trút giận “vô lối” lên Jonathan, Anji và Alastair, tôi nhận ra rằng cơn thịnh nộ – hay thậm chí tệ hại hơn, sự tổn thương – chỉ là điều thảm hại. Chúng tôi đã ở nơi cần ở; và đã buộc phải ra khỏi đó đấy thôi.
Tôi triệu tập các vị Bộ trưởng. Jack Straw đã, như mọi lần, rất thực tế và tập trung. Gordon nói rằng quan trọng là không được phép xem xét vụ việc này như một vấn đề về thuế (chúng tôi đã có một cuộc trao đổi khá hão huyền trong những ngày sau đó khi ông ta cứ khăng khăng nói rằng không thể xem đây là một vấn đề về thuế, còn tôi cố gắng giải thích rằng không may nó được nhìn nhận là vấn đề về thuế và không điều gì có thể thay đổi được thực tế đó). Stephen Byers, Bộ trưởng Bộ Công thương, đã rất bình tĩnh.
Nhưng xem ra không ai nắm chắc câu trả lời. Nguồn cung nhiên liệu đã bị trì hoãn và cả nước đang rơi vào tình trạng bế tắc. Tôi triệu tập các công ty dầu lửa và cảnh sát. Bộ Quốc phòng vào cuộc, nhưng tất cả những gì họ có chỉ là một vài cái xe tăng cũ, không có gì giống những thứ cần thiết. Tuyệt vọng!
Trong những tình cảnh như vậy, bạn biết cụm từ “hoàn toàn chịu trách nhiệm” là thế nào. Những “gã dầu hỏa” đã rất lịch sự, nhưng họ không coi đó là rắc rối. Cảnh sát xem ra cũng đang “bắt nhầm sóng”. Một sĩ quan nói họ đang cố gắng hết sức để đảm bảo các cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình và rằng họ sẽ “đàm phán” với những người biểu tình. Khi tôi nhìn anh ta, tôi chợt nhận ra: họ đều là những người “thấu tình đạt lý” và họ muốn tiếp tục “thấu tình đạt lý”.
Ôi Chúa ơi! Tôi nghĩ. Tôi có thể cảm thấy tim mình sắp nhảy ra khỏi lồng ngực, cơn giận dữ trào dâng trong lòng, hàm của tôi nghiến chặt lại. Tôi như sắp nổ tung nhưng đã kịp thời bình tĩnh lại khi nhận ra rằng mình là một “Tổng thống”.
Tôi nhìn viên sĩ quan. “Nói tôi nghe các anh sẽ làm gì để chặn đứng các cuộc biểu tình.”
“Chặn đứng?” anh ta vặn lại, hơi nheo mắt. “Ý Ngài là Ngài muốn chúng tôi ngăn không cho chúng xảy ra ư?”
“Đúng”, tôi khẳng định, hết sức bình tĩnh. “Và tôi muốn công ty dầu lửa các vị hướng dẫn lái xe của mình vượt qua hàng rào người vây chặn, nếu họ không chịu, vì bất kỳ lý do nào ngoài việc phải sử dụng bạo lực đối với họ, tôi muốn các vị dẹp được họ. Và tôi muốn quân đội nhập cuộc, nếu cần thiết thì đưa theo xe chở nhiên liệu, nếu gặp phải bất cứ sự chống đối nào từ phía những người biểu tình, tôi muốn cảnh sát giải quyết một cách dứt khoát, nếu không, hãy để quân đội lo việc đó. Họ được đào tạo để làm việc đó.”
Các nhân viên cảnh sát tươi tỉnh hẳn lên. Họ đã hiểu. Không có chuyện những cảnh sát “đảm bảo bình yên” cho dân chúng nữa. Quân đội, bao giờ cũng thế, rất nóng lòng muốn bắt tay ngay vào việc. Những “gã dầu lửa” trông khá lúng túng, nhưng tôi gieo thêm vài lời bóng gió về những “ì xèo” của công chúng trước những lợi nhuận vô tính vô đếm của họ từ việc tăng giá dầu và ít nhất họ cũng hiểu rằng họ cần phải nắm phần chủ động, thay vì “nước đến chân mới chạy”.
Tôi tổng kết một danh sách những hành động cần thiết, sắp xếp một cuộc họp khẩn cấp ứng phó với khủng hoảng tại Văn phòng Nội các (COBR) vào ngày hôm sau do tôi chủ trì và kết thúc cuộc họp trong sự hài lòng rằng ít nhất chúng tôi đã kiểm soát được nó và bắt đầu quá trình xoay ngược tình thế.
Sau đó, tôi tham dự một cuộc họp báo. Điều duy nhất có thể làm trong khoảng thời gian thế này, đó là cho mọi người thấy bạn đang “ngồi trên yên ngựa, cầm chắc dây cương, sẵn sàng xông trận, thể hiện diện mạo của một vị tướng đứng mũi chịu sào, bất chấp những khó khăn đang trông chờ phía trước”. Tôi đã làm tốt điều này, mặc dù đã trót hàm hồ nói rằng trong vòng 24 giờ chúng tôi sẽ đưa mọi chuyện “trở về với quỹ đạo bình thường”. Tôi lựa chọn từ ngữ rất cẩn thận – đó là những gì tôi học được khi còn làm luật sư – nhưng những lời này nghe có vẻ ngu ngốc bởi sự tinh tế thường khó diễn tả thành lời. Người ta sẽ hiểu rằng trong vòng hai mươi tư giờ mọi thứ sẽ bình thường như chưa từng có cuộc biểu tình nào xảy ra. Không thể nào, tất nhiên. Nhưng ngoại trừ điều đó, lời phát biểu không có gì đáng chê trách và nó cũng phát huy được sức nặng của nó.
Điều tiếp theo là đánh vào tâm lý của người biểu tình. Alan Milburn gợi ý chúng tôi nên tập trung “lợi dụng” những ảnh hưởng của Dịch vụ Y tế Quốc gia (National Health Service – NHS) và Alastair đồng tình. Họ đang phải chật vật do thiếu nhiên liệu. Những kẻ biểu tình phản đối giá nhiên liệu – và giờ đây mọi chuyện thành ra lố bịch như thế này – lại cho phép các xe chở nhiên liệu đi qua vì “những ca cấp cứu” dựa trên đánh giá của chúng về định nghĩa thế nào là “cấp cứu”. Dựa trên thương lượng giữa những người biểu tình và một bệnh viện sẽ quyết định xem có cấp nhiên liệu hay không. Điều này thật quá sức chịu đựng, nhưng nhờ nó mà chúng tôi cơ hội khám phá ra điểm yếu của họ; xét cho cùng, họ là ai mà tự cho phép mình nắm quyền sinh quyền sát trong tay?
Vì vậy, chúng tôi đã cử các y tá tới các hàng rào người và tranh luận với người biểu tình. Alan phát biểu rất cứng rắn và chúng tôi có thể thấy đám đông có dấu hiệu dịu xuống. Đây là cú đánh “hattrick” vào công chúng thành công đầu tiên. Nó cũng thể hiện hiệu quả vô giá mà các “phe cánh” của mình mang lại. Nó thường không gợi tưởng đến một trò chơi đồng đội, nhưng đúng là như vậy, đặc biệt là trong một cuộc khủng hoảng. Mọi người xung quanh tôi đều chung tay mỗi người một việc. Thay vì bực dọc cáu kỉnh – hay tệ hơn, ngồi một chỗ rên rỉ – những thành viên như Alan thực sự đã cố gắng để tìm ra cách giải quyết vấn đề.
Những thành viên Đảng Bảo thủ cũng đang rối loạn. Tôi đã viết về William Hague ở đâu đó, nhưng tôi không biết liệu Hague của hôm nay có đi lên vết xe đổ của Hague ngày hôm qua không. Ông ta ít nhiều đã hậu thuẫn cho cuộc biểu tình; không hẳn là hoàn toàn, nhưng không ít thì nhiều. Cơ hội luôn gõ cửa nhà lãnh đạo của đảng đối lập, nhưng đôi khi, yên lặng và lắng nghe tiếng gõ là sự lựa chọn hoàn hảo. Làn sóng dư luận nổi lên, nhưng khi “gió” đổi chiều, nếu bạn không cẩn thận và vẫn cố “ngược chiều gió”, hẳn bạn sẽ mắc cạn.
Công chúng rất bất bình trước giá xăng; và đa số ủng hộ thái độ của những người biểu tình. Nhưng cả đất nước đang dần bị mắc kẹt không phải là một ý tưởng hay và công chúng cũng biết điều đó. Cuối cùng, họ dần nhận ra, như từ trong tiềm thức, đâu mới là hành động hết sức vô trách nhiệm. Sau khoảng bốn ngày mọi hoạt động rơi vào trạng thái trì trệ, tâm lý “thôi đủ rồi” bắt đầu lan tràn trên cả nước như một hồi chuông cảnh tỉnh. Dần dần từng bước, từng bước “trời yên, biển lặng”.
Tôi đã từng không hài lòng với những điều đáng bàn cãi xoay quanh vấn đề của của các Công đoàn trong nhiều năm nay, nhưng tôi phải nói rằng trong cuộc khủng hoảng này họ đã phản ứng rất tuyệt vời. Họ nghiêm khắc lên án những người biểu tình, đưa ra luận cứ vững chắc rằng Công đoàn nào đang “vào hùa” với những người biểu tình sẽ được xem như những kẻ bãi công liều lĩnh. Lần đầu tiên trong đời, tôi đã khen ngợi John Edmonds của Tổng Công đoàn Anh (GMB) và Bill Morris của Tổng Công đoàn Vận tải (TGWU) và tôi thực sự rất biết ơn Ủy ban Công đoàn (TUC).
Tôi kêu gọi Jim Callagan đứng lên ủng hộ chúng tôi và ông đã phát biểu trên chương trình Today (Ngày nay) rằng ông ủng hộ Chính phủ và tôi trên phương diện cá nhân (mặc dù ông đã từ chối một cuộc phỏng vấn, vì cho rằng có thể họ sẽ yêu cầu ông so sánh cuộc biểu tình này với những cuộc bãi công trong những năm 1970). Hiệp hội Công nghiệp Anh cuối cùng cũng “thức tỉnh” và ủng hộ về mặt tinh thần.
Từ ngày 13 đến 16 tháng Chín, tình hình tiếp tục diễn biến tồi tệ, nhưng vẫn tiến triển qua từng ngày. Chúng tôi thành lập một Ủy ban liên minh với các công ty dầu lửa để lên kế hoạch ngăn chặn các cuộc biểu tình như vậy trong tương lai. Đến ngày 17 tháng Chín, hơn 60% trạm xăng đã được mở cửa trở lại. Hiện tượng đầu cơ xăng dầu cũng chấm dứt.
Sự việc đã lắng xuống, nhưng Chính phủ đã phải gánh chịu những thiệt hại đáng kể. Bạn thực sự phải liên hệ ngay với giới truyền thông – nếu không một khi mọi chuyện vỡ lở, chúng tôi ngay lập tức bị quy trách nhiệm vì đã không hành động kịp thời và tích cực hơn để ngăn chặn các cuộc biểu tình lan rộng. Thật là khác thường, thậm chí là khôi hài. Họ không ngần ngại lên giọng khiển trách chúng tôi vì đã không dập tắt ngọn lửa mà họ đã ngang nhiên châm ngòi ngay dưới chân. Cuối cùng, tôi nghiệm ra hai điều. Điều đầu tiên là chẳng có ích lợi gì nếu “đổ thêm dầu vào lửa”; bản chất con người vô cùng cố chấp, vì vậy nổi giận thì chỉ phí sức (đây là một châm ngôn rất hay, nhưng thời gian cho thấy để thích nghi thật không dễ dàng gì). Điều thứ hai là đừng cố so sánh một lãnh đạo Đảng Lao động với một lãnh đạo Đảng Bảo thủ bởi họ thuộc hai phe đối lập. Biết mình biết ta thì mọi chuyện sẽ yên ổn; đương nhiên là bạn phải hiểu điều đó.

Dư chấn từ những vụ biểu tình phản đối giá nhiên liệu khiến chúng tôi phải tổ chức Hội nghị trong nội bộ Đảng vào cuối tháng Chín với vô số bức xúc. Một cuộc bỏ phiếu thăm dò đã cho thấy chúng tôi đang theo sau Đảng Bảo thủ với tám điểm cách biệt.
Những cuộc bỏ phiếu kín thực sự là cơn ác mộng. Tất cả những nhà lãnh đạo sẽ nói họ không hề quan tâm đến lượng phiếu bầu, nhưng chẳng ai lại không để ý cả. Vấn đề là những cuộc bỏ phiếu cũng chỉ đơn thuần là một kiểu chụp ảnh lấy ngay để trưng cầu dân ý (những ý kiến này có thật, nhưng bột phát và vì thế mang tính nhất thời) hoặc chúng là những ý kiến theo “số đông” (có khả năng tương đối lâu dài). Bạn không thể biết sẽ là điều nào trong hai điều trên.
Nhưng những cuộc bỏ phiếu đó rất quan trọng bởi vì trên tất cả, những người ủng hộ bạn và giới truyền thông rất quan tâm đến chúng. Chúng giúp tạo ra một “làn sóng” và chính “làn sóng” này là nền móng vững chắc củng cố kết quả bỏ phiếu. Bạn có thể theo dõi bất cứ cuộc bầu cử nào ở nước Mỹ và cách các cuộc bỏ phiếu tạo nên “cơn sốt” thật kỳ diệu. Về phía các phương tiện thông tin đại chúng nói riêng hay tất cả chúng ta nói chung, đều không tin vào “chính kiến” của mình – chúng ta có thể nghĩ “X”, nhưng sau khi cuộc bỏ phiếu chỉ ra “Y”, thì chúng ta nghĩ, “Chà, có thể “Y” mới là đúng”.
Kết quả của việc này có thể không đáng bàn cãi; nó có thể giảm nguy cơ tranh cãi về một vấn đề. Một trong những yếu điểm của các cuộc bỏ phiếu, như tôi đã nhận ra, là chúng không lường hết được mức độ cởi mở của mọi người đối với những ý kiến thuyết phục. Vậy nên “kiểu ảnh chụp lấy ngay” có thể đưa ra kết quả “Y”, nhưng thực tế công chúng có thể bị thuyết phục để tin theo “X”.
Qua thời gian, tôi bớt quan tâm tới việc bỏ phiếu (điều này có thể trùng hợp với việc các cuộc bỏ phiếu không còn mang yếu tố “cầm cân nảy mực” nữa!), nhưng tôi vẫn thường xuyên hồi hộp dõi theo nó. Và rồi Philip Gould và những nhóm “phe cánh” của ông ta xuất hiện. Philip là một người ủng hộ tuyệt vời, đôi lúc vai trò “hoạt náo viên” cũng quan trọng ngang với vai trò của một nhà chiến lược chính trị, nhưng tôi đã từng bật cười trước sự gặp gỡ kỳ lạ giữa tư tưởng của cá nhân ông ta và ý tưởng mà các nhóm có ý định trình bày. Một lần nữa, rõ ràng kết quả phụ thuộc rất nhiều vào suy nghĩ của mỗi cá nhân. Mặc dù những cuộc trưng cầu dân ý không cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết, nhưng những nhóm này được chọn dựa trên một cơ sở rất “khoa học”, tiêu chí để lựa chọn bất cứ nhóm người như này là họ phải tuyệt đối làm nô lệ cho tâm trạng của mình trong ngày hôm đó, bất kỳ trải nghiệm mới nào, họ nghĩ điều mình nên nghĩ và trên hết tiếng nói của họ đại diện chung cho cả nhóm, thể hiện sự quả quyết và khả năng ảnh hưởng đến bất kỳ một nhóm người xa lạ nào trong lần tụ họp đầu tiên. Tôi luôn muốn tham dự một cuộc như thế trong bí mật và rồi cuối cùng sẽ đứng ra đối chất với họ trước tất cả những lời vu khống xấu xa mà họ vừa mới thốt ra về tôi!
Nhưng ham muốn chính trị “đánh hơi” những luồng gió mới để đảm bảo tập trung và duy trì tính uy nghiêm trong các cuộc bỏ phiếu là một suy nghĩ mê muội. Bạn bắt đầu nhận ra cảm giác của các vị giáo sỹ trong những ngôi đền cổ xưa trong những ngày “ngoại đạo”, cố tìm cách đọc các điềm báo. Tôi cá là họ rất giống Philip và một trong những nhóm của ông ta và dự đoán và kết quả mà họ đạt được không khác nhau là bao. Vì vậy họ cũng như các cuộc bỏ phiếu, nên được “chăm sóc” kỹ lưỡng. Nhưng thực tế thì lại trái ngược hoàn toàn.
Trong hội nghị lần này, khoảng cách dẫn trước tám điểm của Đảng Bảo thủ có vẻ như vô cùng mong manh, nhưng nó cũng giáng cho chúng tôi một đòn. Chúng tôi phải khẳng định rằng điều tôi nghĩ là vấn đề tiềm tàng cơ bản. Người ta nghĩ rằng chúng tôi là một Chính phủ tập quyền, Đảng Bảo thủ nhảm nhí và chẳng đáng được gọi là Phe đối lập. Giờ đây, tất nhiên, đối với chúng tôi, những người đang ngồi giải quyết những công việc vụn vặt hàng ngày, mọi việc không hẳn như vậy – chúng tôi đang phải chịu áp lực nặng nề đến khó tin – nhưng công chúng, được các phương tiện truyền thông “tiếp tay”, có thể sẵn sàng chỉ ra những dấu hiệu của sự kiêu căng và ngạo mạn. Đây là một phần lý do khiến họ sẵn sàng về phe những người biểu tình: họ không thực sự muốn chúng tôi thua cuộc, nhưng “chọc gậy bánh xe” một chút thì cũng đáng đời chúng tôi lắm.
Chúng tôi cũng vô tình xung đột với những người hưu trí của Anh. Một trong những điều phi thực của tạo hóa là khi con người ta già đi, họ trở nên nhân từ hơn, nhẫn nhịn hơn, thư thái hơn và thờ ơ hơn với cách cuộc đời đối xử với họ. Theo kinh nghiệm của tôi thì không như thế.
“Càng già càng khó tính”, tại sao tôi lại nói vậy? Vào thời gian đó, tôi nhớ rõ chuyến thăm một văn phòng bất động sản để chuẩn bị khai trương một nhà trẻ mới. Trong lúc tôi vừa đi xuống đường và bắt tay với vài nhà hảo tâm. Đột nhiên, tôi liếc mắt và bắt gặp cảnh một người cao tuổi, một người phụ nữ, giương cao tấm áp phích với: “Blair, ông là đồ bỏ đi”. Không thể tin nổi. Tôi thực sự đã rất sốc. Bà ta trông giống như một người bà nhân từ điển hình. Suýt nữa tôi đã dừng lại để nói chuyện với bà ta, nhưng rồi tôi đã khôn ngoan hơn khi từ bỏ ý nghĩ đó.
Mẹ vợ tôi – nhân đây, một người mẹ tuyệt vời của Cherie và luôn là “bến đỗ bình yên” đối với cả gia đình – đã từng nói cho tôi về quan điểm của những người hưu trí và giống như những người vận động hành lang, bà đã gặp gỡ những người tốt nhất trong số họ. Tôi đã từng suy ngẫm về số tiền đổ vào các hãng vận động hành lang đắt đỏ ở Westminster chỉ để có cơ may nắm được sự ủng hộ của vài thứ trưởng và ở đây, ngay tại trung tâm phố Downing này có một người phụ nữ đang mở một lớp dạy cao cấp về nghệ thuật thuyết phục. Tuy nhiên, đây là một khúc dạo nhàm chán: sự đối xử gây phẫn nộ của Chính phủ dành cho người hưu trí.
Đáng chú ý và gây phẫn nộ, khi hầu như không có sự liên hệ nào giữa mức trợ cấp dành cho người cao tuổi và cường độ phàn nàn. Trong vài năm trước, khi Chính phủ chi tiền trợ cấp và có thể đã vô tình bỏ lỡ một nhóm tuổi hoặc một lớp người hưu trí nào đó. Việc làm này tạo cơ hội cho những người được hưởng trợ cấp cảm thấy tự hào khi ra tay thể hiện tình đoàn kết với những người mà họ cho rằng đã bị chúng tôi lãng quên một cách nhẫn tâm.
Tôi phóng đại vấn đề này lên để làm rõ một điểm. Có những người thể hiện sự biết ơn chân thành với những gì mà chúng tôi đã làm, chính những phương pháp đó đã khiến thu nhập của những người hưu trí già nhất, túng thiếu nhất và dễ gặp rủi ro nhất tăng vọt lên mức cao nhất từ trước đến nay. Những biện pháp này tự thân chúng đã là đòn phản công chí mạng đối với quan điểm ngớ ngẩn trong một bộ phận cánh tả rằng chúng tôi đã phản bội những lá phiếu “truyền thống” của mình. Chúng tôi đã làm những việc mà không Chính quyền Đảng Bảo thủ nào đã từng làm, hay thậm chí là nghĩ đến việc thực hiện. Và chúng tôi làm thế với những động cơ tốt, dù như tôi đã nói lòng biết ơn không phải lúc nào cũng tương xứng với lòng hào hiệp.
Nhưng vào mùa hè năm 1999, chúng tôi đã xáo tung tất cả. Chúng tôi đã áp dụng những quy định thông thường trong việc đẩy cao mức lương hưu cơ bản cho phù hợp với tỷ lệ lạm phát, vốn là thấp. Kết quả? Tăng 75 điểm. Chúng tôi vẫn đang ở trong giai đoạn 2 năm thắt chặt giới hạn chi tiêu. Đây là luật. Chúng tôi đã áp dụng chúng.
Những người hưu trí, không ngạc nhiên lắm, đã không mấy hài lòng. Dù mẹ vợ tôi có phân tích vấn đề này theo chiều hướng “giảm nhẹ”, sinh động hơn, nhưng rõ ràng là chúng tôi đang lâm vào một vấn đề nghiêm trọng. Chúng tôi đã chỉnh sửa nó trong Ngân Sách bằng cách tăng số tiền, nhưng, một lần nữa, đã gây ra thiệt hại.
Tại cuộc họp toàn Đảng năm 2000, tôi quyết định nhận lỗi và “ăn một phần bánh nhún nhường”. Gordon và Alistair Darling đã phản ứng lại vì họ cho rằng việc thú nhận sai sót là rất nguy hiểm, nhưng tôi lại thấy việc đó đáng làm. Dù sao đi nữa, thực sự chúng tôi đã sai.
Phần còn lại của bài phát biểu liên quan đến việc nâng cao vị thế của Đảng bằng cách khơi dậy niềm tự hào về những việc chúng tôi đã làm; tiếp thêm nghị lực cho họ bằng cách đặt ra những việc cần làm tiếp; và thêm vài dòng chiến sự về khả năng chúng tôi có thể thua Đảng Bảo thủ bao nhiêu điểm.
Bài phát biểu đã diễn ra suôn sẻ. Tôi đã có thêm một bài học trong thời gian chuẩn bị cho hội nghị này. Tôi thực sự rút ra được nhiều kinh nghiệm trong những buổi diễn thuyết quan trọng như vậy. Nó diễn ra hết sức tự nhiên chứ không chỉ đơn thuần là hoạt động tinh thần hay thuộc về thuật hùng biện. Và tôi chảy mồ hôi rất nhiều. Vì thế, trước buổi diễn thuyết, chúng tôi đã ở trong một phòng khách sạn, tính xem nên mặc gì. Tôi đã chọn một bộ áo sơ mi/cà vạt rất hợp. Không may thay cái áo lại màu xanh da trời và đến cuối bài nói của tôi nó đã ướt sũng. Cuối cùng, trang nhất các báo đều giật tít như “Blair đổ mồ hôi vì áp lực”… Kể từ đó trở đi, tôi luôn mặc một chiếc sơ mi trắng trong những buổi thuyết trình quan trọng!
Sau mùa hội thảo, không khí vẫn tiếp tục ngột ngạt. Mọi chuyện không rõ ràng, cũng không hẳn sai, nhưng cũng không đúng hoàn toàn. Môi trường thông tin đại chúng lắm thủ đoạn. Alastair đang nói về việc tiến triển và Anji cũng thế. Tình trạng hiện tại quá lung lay.
Một phần trong vấn đề của Đảng Lao động mới là ngay từ đầu, nó đã là sự kiến tạo của một nhóm người có quan hệ rất mật thiết. Mãi đến gần cuối nhiệm kỳ một thế hệ người trẻ tuổi có năng khiếu xuất hiện một cách thành công, những người có khả năng thay thế những vị trí lãnh đạo và mở rộng sức ảnh hưởng của chúng tôi. Những chính trị gia có thâm niên xung quanh tôi đều là những “vận động viên” xuất sắc và dẻo dai; nhưng JP hiển nhiên không có khuynh hướng vào Đảng Lao động mới; với Gordon thì rất khó nói. Ở một mức độ nào đó, Gordon, ngoài những căng thẳng trong nỗ lực đẩy mạnh việc cải cách cấp tiến đang được định hình; thì trong bất cứ trường hợp nào mối bận tâm của ông cũng là quyền kế nhiệm và ông luôn lo lắng rằng bất cứ khó khăn nào cũng có thể làm giảm khả năng quyền kế vị. David Blunket, tất nhiên, luôn về chót, nhưng những người khác như John Reid và Charles Clarke vẫn đang theo sát nút. Robin Cook cũng theo đuổi đến cùng – một phần là do những mối quan hệ đáng sợ giữa ông và Gordon tại thời điểm đó – nhưng đừng hy vọng trông chờ, dựa dẫm vào Cook nếu mọi việc trở nên tệ hại. Jack Straw rất ủng hộ tôi nhưng lại không phải là khả năng đứng mũi chịu sào.
Vì vậy tôi thực sự ý thức được rằng mình phải đứng ra gánh vác trách nhiệm, rằng tôi phải chèo lái và tiếp tục chèo lái; cho dù khả năng còn kém, kinh nghiệm chưa đủ dạn dày. Nói ra điều này nghe có vẻ kỳ cục, nhưng tôi cảm thấy mình vẫn còn phải học hỏi rất nhiều điều và còn phải nỗ lực rất nhiều. Tôi thường cảm thấy tự ti, không đủ dũng khí. Tôi biết rằng nếu rơi vào một tình thế xô đẩy thì tôi sẽ cố gắng hết sức, nhưng tôi còn quá nhiều sự khắc khoải, bồn chồn trong lòng khác hẳn với những gì được thể hiện bên ngoài – có thể điều này luôn đúng với những người nắm giữ những vị trí quan trọng như thế này – và ở khía cạnh nào đó, tôi cảm thấy mình vẫn còn nhiều thiếu sót.
Cherie luôn ủng hộ tôi hết mình, tất nhiên rồi, nhưng cô ấy không ở bên tôi trong lúc làm việc, vì vậy những người luôn kề vai sát cánh bên tôi mới là những người có tầm ảnh hưởng thực sự. Họ là một đội ngũ có tài năng nổi trội và cảm giác của tôi lúc này không khác một huấn luyện viên bóng đá là mấy khi anh ta có một đội hình mơ ước, cân bằng một cách hoàn hảo giữa những yếu tố thiên tài công hưởng với cả sự tận tụy nữa. Khỏi cần phải nói, anh ta không muốn mất đi ngôi sao sáng giá nào cả.
Tôi vừa kịp học cách trốn tránh mối ràng buộc này – và nó là một sự ràng buộc; rằng ngoài kia trên “đường đua cuộc sống” còn có nhiều “vận động viên” tài giỏi. Sự thay đổi rất mới lạ hẳn là những thách thức đối với những đường lối cũ; nhưng tôi vẫn đang trên đà “tăng tốc” và tôi nghĩ mình không thể xoay sở nổi nếu thiếu đi đội hình cũ tiếp sức.
Mãi về sau tôi mới nhận ra áp lực mà Alastair đang phải chịu đựng và mãi về sau tôi mới chuyển tới một nơi yêu cầu những kỹ năng khác phù hợp với những kỹ năng mà ông ta có. Thời gian đó, kỹ năng giao tiếp vẫn là “bậc quân vương”. Tất nhiên, kỹ năng giao tiếp thì vẫn luôn rất quan trọng, nhưng trong những ngày trước đây, nó là chiếc “chìa khóa vàng” cho mọi vấn đề. Sau này, tôi có đề ra chính sách về vấn đề đó và kỹ năng giao tiếp dần “thoái vị”, cho dù vẫn giữ vai trò thiết yếu.
Alastair đang trở nên kiệt sức và hay gắt gỏng và anh ta còn bị gây phiền hà bởi cánh báo chí, những người mà anh ta càng ngày càng không ưa gì, cũng vì vậy mà xử lý các tính huống liên quan đến họ không được khéo léo cho lắm. Cả anh ta và Anji đều bị tôi trút giận lên đầu và gây áp lực một cách ích kỷ và túng quẫn. Họ cùng tôi san sẻ gánh vác những khó khăn chung, nhưng trong khi làm thế, họ đã vô tình tạo áp lực cho chính mình. Và đó là một gánh nặng rất lớn.
Vào những tháng cuối năm 2000, tôi đã cố gắng thuyết phục cả hai người ở lại, vì cố gắng quá nên có lẽ tôi đã thiếu tế nhị. Nhưng cuộc đời là thế: Đi một ngày đàng học một sàng khôn.
Chúng tôi vẫn cố gắng để đưa những nguyên tắc cơ bản của chính sách vào kế hoạch cải cách. Tôi đã phác họa phương hướng cải cách tổ chức Trường học, dịch vụ Sức khỏe toàn dân, luật Hình sự, quỹ Phúc lợi và Dịch vụ Hành chính công. Tôi đã vô cùng nản chí vì không hiểu tường tận về từng nguyên tắc và thường xuyên cố gắng mở rộng nó. Tất nhiên, một Thủ tướng không thể là một người “Biết Tuốt” hay là một chuyên gia về một nguyên tắc nào đó, ngoại trừ một loạt các hoạt động thường được liên hệ với một cuộc khủng hoảng, nhưng dù sao tôi vẫn gặp gỡ những nhóm chuyên viên trên chính trường, những người hiểu rõ cơ sở của sự thay đổi và muốn tiên phong trong phong trào cải cách đó. Họ cải thiện hiểu biết của tôi khi tôi cố gắng mày mò học hỏi những mớ hỗn độn, những điều phức tạp ẩn giấu trong bản chất của bất kỳ quy trình thay đổi nào. Tôi chắc chắn rằng, giờ đây chúng tôi có thể giăng buồm, tự tin cho chèo lái con thuyền “nhiệm kỳ thứ hai” này tiến lên phía trước. Trong mọi lĩnh vực tôi đều có một kim chỉ nam khá vững chắc. Tôi ngày càng tự tin hơn về các lập luận, càng lúc càng chắc chắn rằng chúng tôi đang đi đúng hướng. Vấn đề duy nhất là, tôi không chắc mình nhận được bao nhiêu hỗ trợ để “cập bến” thành công.
Trong lúc đó, có một số sự kiện chồng chéo với chương trình của tôi, xô đẩy nó theo nhiều hướng khác nhau. Nạn lụt nghiêm trọng đã diễn ra ở nhiều vùng trên cả nước, một thảm họa tự nhiên kéo theo những đòi hỏi về thời gian và lực lượng. Tôi đã thực hiện một vài chuyến viếng thăm để khích lệ tinh thần và đảm bảo với người dân rằng chúng tôi đang cố gắng hết sức để khắc phục. Lũ lụt có thể gây ra những thiệt hại đáng kể, nó xuất hiện đột ngột cuốn theo hàng tỷ bảng với một tốc độ phi mã. Khi tôi đến thăm York, mọi người ở đây đều đang rất cố gắng khắc phục hậu quả của trận lũ lụt, nhưng rõ ràng là phải mất hàng tháng trời mọi việc mới có thể trở lại bình thường. Với nguy cơ lụt lội tăng cao do biến đổi khí hậu, các công ty bảo hiểm, Chính phủ và các doanh nghiệp – cũng như toàn bộ các thị trấn và làng mạc – đều phải ngồi lại và hoạch định lại các chính sách. Cuối cùng, chúng tôi cam kết đầu tư một tỷ bảng vào công tác phòng chống lũ lụt.
Rồi sau đó đến vụ tai nạn đường sắt ở Hatfield ngày 17 tháng Mười, khi một chiếc xe lửa tốc hành có lịch trình từ London đến vùng Đông Bắc bị trật đường ray, đây cũng là chuyến tàu mà tôi thường xuyên sử dụng khi di chuyển. Bốn người chết – một cú sốc lớn, đặc biệt nó xảy ra chỉ một năm sau vụ đâm tàu ở Ladbroke Grove, làm chết 31 người.
Vụ việc này dẫn đến một cuộc điều tra chính thức đối với ngành đường sắt, những tranh luận về việc tư hữu hóa lại được đưa ra bàn luận và có quá nhiều trăn trở về những việc cần phải làm. Nguyên nhân của vụ tai nạn là do một vết nứt trên một trong các thanh đường ray, đây là một việc nghiêm trọng vì nó có nghĩa là có thể còn tồn tại các vết nứt khác. Chúng tôi đã gặp những người phụ trách đường ray tại trụ sở Số 10 và JP, người phụ trách giao thông vận tải, đã rất nghiêm khắc khiển trách họ. Có lẽ ông ta đã đúng khi làm thế, nhưng một vấn đề khác đã ngay lập tức thu hút toàn bộ sự quan tâm của tôi.
Các công ty đường sắt, được Bộ Giao thông Vận tải khuyến khích, đã có một hành động trốn tránh có khả năng rủi ro cao, đó là đưa tất cả xe lửa vào tình trạng hoạt động lãn công. Tôi biết rằng ngay khi cơn sốc tức thời về vụ tay nạn “bay hơi”, người dân, theo bản chất, sẽ quay lại cuộc sống bình thường và điều họ muốn là những con tàu sẽ chạy đúng giờ và hy vọng những chuyện tương tự như thế này sẽ không bao giờ xảy ra.
Trong khoảng một năm sau đó, giữa tôi và Bộ Giao thông diễn ra một màn kịch câm. Tôi đã tuyệt vọng khi cố gắng kéo họ quay lại lịch trình ban đầu, vì tôi nghĩ rằng họ đang quá cẩn trọng. Họ phản đối vì nghĩ rằng tôi đang quá mạo hiểm. Số cuộc họp tôi; những cái đập bàn; cơn tức giận; đã thay đổi mức độ lịch sự giữa tôi với JP.
Những tháng sau đó vào năm 2000 tiếp tục bị chi phối bởi những sự kiện dồn dập, tới tấp chồng chất nhau. Vào tháng Mười, Milosevic sụp đổ – giờ phút trọng đại, tất cả đường phố Belgrade như hồi sinh trong xúc cảm và hy vọng – và Donald Dewar, Bộ trưởng đầu tiên của Scotland, qua đời. Ông ấy là một đồng nghiệp tuyệt vời và dù chúng tôi chưa bao giờ là bạn thân, tôi vẫn cảm thấy một mối liên hệ mạnh mẽ với ông. Tôi tin tưởng ông. Ông có một bản ngã chân chính. Thông qua Derry và vợ cũ ông ta là Alison, tôi biết rõ các con của ông. Tôi đã từng đến thăm ông trong căn hộ của ông ở New Town, Edinburgh vài tuần trước khi ông mất, khi đó ông đang phục hồi từ trận ốm trước nhưng vẫn có biểu hiện của bệnh xuất huyết não. Dù tôi đã quen biết ông nhiều năm, đến lúc đó tôi vẫn chưa bao giờ thăm nhà ông và đã khá ngạc nhiên khi nhìn thấy bộ sưu tập các nghệ sĩ theo trường phái Ấn Tượng của Scotland và các phim âm bản rất giá trị. “Tôi chưa bao giờ biết đến điều này”, tôi nói.
“Tôi chưa bao giờ khoe với anh cả”, ông trả lời, rất Donald.
Trên phương diện chính trị, tôi luôn cảm thấy điều này, thẳm sâu bên trong, Donald là một người theo Đảng Lao động mới. Ông là người am hiểu và có tinh thần cao, một sự thiếu kiên nhẫn với ý thức hệ và hiểu biết thường thức rất chân thật về bản chất. Sự ra đi của ông là mất mát không thể bù đắp được ở Scotland. Ông là một người cha mẫu mực; người tạo ra một Scotland như ngày nay; và rõ ràng là một người đàn ông có tầm cỡ. Đám tang của ông là một sự kiện buồn. Lạ thay, tôi cảm thấy mình như một người ngoài cuộc. Đám tang mang đậm chất Scotland và GB đã chỉ đạo– ông ấy đã phát biểu một bài điếu văn rất ấn tượng, Gordon đã làm tốt nhất có thể.
Tôi cũng dành rất nhiều thời gian quan tâm đến diễn biến thương mại ở châu Âu. Hội nghị thượng đỉnh Nice diễn ra vào đầu tháng Mười hai đang đến gần, lúc đó chúng tôi sẽ đưa ra quyết định về luật bỏ phiếu mới để phục vụ lợi ích cho cả cộng đồng chung châu Âu. Tôi mời Jacques Chirac tới ăn tối tại một quán rượu tại khu vực bầu cử của tôi để thảo luận và ông ta đã cố gắng tỏ vẻ khen thức ăn rất tuyệt hảo, nhưng đoàn tùy tùng của ông ta lại mỉa mai khẩu vị của tôi khá rõ rệt. Bên ngoài quán rượu, Cảnh “săn cáo” đang “biểu tình”.
“Săn cáo”; sắp có chuyện rồi đây. Trên chính trường luôn có những phần vô cùng kỳ lạ, ví dụ, cách bạn lâm vào những tình thế dẫn đến tranh luận nảy lửa đến khó tin mà thậm chí không có ý đó hoặc không muốn thế. Chủ đề săn cáo nảy sinh từ một trong những phương thức lập pháp trong nước mà tôi tiếc nuối nhất, cùng với Đạo luật Tự do Thông tin. Cả hai đều là những nguyên nhân rất tiến bộ (ít nhất là đối với một số người); cả hai cũng là nguyên nhân của những biến động chính trị đầy sóng gió và vì một lý do nào đó, Chúa biết rõ điều này.
Nhưng “săn cáo” đem lại nhiều đau đớn nhất. Bản thân vấn đề đã vượt qua các ranh giới về quan điểm một cách đáng chú ý, lượn đường ziczac qua các đồng cỏ của miền Trung nước Anh, khu trung tâm của giai cấp lao động và các quý tộc lỗi thời. Vấn đề là ở chỗ, bạn không bao giờ đoán được phản ứng của mọi người với nó. Bạn luôn gặp phải những “kẻ Bảo Thủ”, đối với họ một lệnh cấm là điều ảo tưởng chính trị tối cao; và bạn có những “người Lao Động” thuần nhất, những người thà chết chứ không chịu điền vào lá phiếu ủng hộ Đảng Bảo thủ, những người từng muốn “giết” tôi vì đề xuất cấm “săn cáo”.
Người ta trước đây cho rằng đây là vấn đề giai cấp – và đối với một số người thì thực sự đúng là như vậy. Với những người khác, đó là vấn đề động vật. Tôi nhớ có một thư ký từ văn phòng Vườn Thực vật phố Downing đã đến gặp tôi ở Chequers trong khi tôi vẫn đang nghiên cứu. Cô ta nói với tôi trong đôi mắt ngấn lệ rằng cuối cùng thì công lý cũng đã được thực thi cho những con cáo bé bỏng. Tôi đã từng tổ chức các cuộc họp với cố vấn của mình hoặc những nghị viên phụ trách tổ chức và chỉ ngồi đó rồi nói: nhưng người ta khó lòng đồng cảm với việc này; điều đó là không thể. Chà, nếu họ có làm, chắc chắn họ sẽ nói với tôi. Và họ đã đúng. Gerald Kaufman – Gerald khôn ngoan, đúng mực, trung thành – đã nói với tôi: nếu Ngài không làm việc này, tôi không thể tiếp tục ủng hộ Chính phủ được nữa. Ông ta không thực sự có ý đó, tất nhiên; nhưng ông ta ước là mình đã làm vậy. Vấn đề này khơi dậy những cảm xúc rất sơ khai. Nếu tôi đề xuất giải quyết vấn đề trợ cấp hưu trí bằng phương pháp chết êm ái bắt buộc cho một trong năm người hưu trí, có thể tôi đã gặp ít rắc rối hơn.
Và đây là bài học chính trị thực sự. Bạn phải “cảm thấy nó” thì mới thành công được trong chính trị. Bản năng bắt nguồn từ trí tuệ xúc cảm. Nhìn chung, tôi đã cảm thấy nó, vì thế, tôi đều nắm bắt được mọi việc. Thế nhưng, với việc này, tôi lại nhầm lẫn hoàn toàn. Tôi không hề “cảm” được nó. Tôi đã không hiểu được tại sao đây là một phần cuộc sống của những người thợ săn cáo. Tôi không hiểu tại sao đây lại là tội ác cơ bản đối với những người muốn ban hành lệnh cấm. Kết quả? Thảm họa.
Tôi chẳng có kiến thức gì về môn thể thao này. Tôi đã nghĩ việc người ta muốn rong ruổi quanh một con cáo là khá kỳ cục, nhưng sau khi đọc cuốn Trollope của mình tôi chợt hiểu ra đó là một phần trong lịch sử của chúng ta. Tôi đã không hiểu – nhưng trời ạ, về sau thì tôi hiểu – rằng đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống nông thôn.
Tôi đã mắc một sai lầm chết người là không kết thúc vụ việc ngay từ đầu. Thay vào đó, tôi đã để nó vượt ngoài tầm kiểm soát. Người ta nâng cao kỳ vọng. Trong một chương trình TV tôi đã ngu ngốc khẳng định là hiện tượng đó sẽ chắc chắn bị cấm. Tất nhiên tôi có mẫu phiếu bầu, tôi đã bỏ phiếu yêu cầu cấm nó hoặc nói rằng tôi muốn cấm hoặc rằng tôi đã ký đơn kiến nghị điều gì đó. Dù sao, tôi đã khẳng định “vị thế” của mình là chính thay vì đắn đo suy nghĩ. Lúc tôi làm vậy, tôi đã bị “vây”. Và mắc kẹt. Cuối cùng, tôi cảm thấy mình giống một con cáo khốn khổ.
Vấn đề là, như tôi nói, tôi không thể hiểu được chuyện đó, nhưng Philip Gould bắt đầu nói với tôi rằng đây là vấn đề niềm tin. Sally, Hilary Armstrong, Ann Taylor – toàn nói những chuyện vô liêm sỉ, cái đội ngũ hùng hồn tuyên bố “nếu cần thiết chúng ta sẽ thôn tính thế giới và cho chúng biết tay” – nói với tôi rằng: nếu không làm được điều này Ngài sẽ gặp vấn đề về khả năng lãnh đạo. “Tôi không thể tin được,” tôi vẫn đáp lại một cách vô cùng thiểu não. “Vậy hãy bắt đầu tin đi,” họ trả lời như vậy.
Nếu tôi kể cho bạn những mớ bòng bong và xáo trộn mà tôi đã phải trải qua để tránh cái ngành kinh doanh xấu xa này, có thể bạn sẽ chẳng tin đâu. Chúng tôi có những cuộc trưng cầu dân ý tại địa phương, những lệnh cấm từng phần, những lệnh phạt hành chính, lệnh phạt hình sự – đủ các loại, chúng tôi đều đã cân nhắc cả.
Những người phản đối chủ yếu là những thành viên Đảng Bảo thủ, tất nhiên, sau bao nhiêu chuyện, cuối cùng họ cũng có điều gì đó để phản đối. Và đương nhiên là họ đã phản đối, vừa đi theo tôi vừa khua chiêng gõ trống, hò hét, hát, la thét, cầu kinh. Đều là những hành động đậm chất Anh. Tôi nhớ George Bush đã từng thăm nơi đây trong lúc những người như thế tràn trên các đường phố và ông ấy đã hỏi họ phản đối gì thế? Tôi giải thích. “Cho dù anh có làm điều gì đi chăng nữa, thì là vì cái gì, anh bạn?” George nói, đánh trúng vào vấn đề.
Không may thay, “Tôi làm việc này vì cái quái gì kia chứ?” là câu hỏi mà tôi bắt đầu dùng để chất vấn mình sau khi bắt đầu tìm hiểu về săn cáo – chẳng hạn như liệu tôi có nên thử nghiệm những việc lẽ ra tôi nên làm trước khi tôi nhúng tay vào việc bây giờ không. Tôi càng tìm hiểu nhiều thì càng cảm thấy bất ổn. Tôi bắt đầu nhận ra rằng đây không phải là một nhóm nhỏ những kẻ quái đản bẩm sinh đi tìm thú vui trong giết chóc, mà là một truyền thống, được khởi nguồn bởi lịch sử và ăn sâu vào trong thói quen của cộng đồng và ý thức hệ về quyền nắm giữ xã hội, những điều đã trở thành yếu tố cấu thành nên phong cách sống. Nó có nền tảng rộng hơn và ít liên quan tới giới tinh hoa như tôi nghĩ và có vẻ có nguồn gốc với những nhóm người đã cách xa nguồn gốc công tước và phu nhân.
Có lẽ đó là tất cả những lý do khiến muốn tham gia môn thể thao này, hay thậm chí nếu tôi có thích nó, “Hãy bầu cho Đảng Lao động hay để phiếu bầu cho những con cáo” là một khẩu hiệu khá phổ biến trong một vài cuộc bỏ phiếu – nhưng cấm “săn cáo” như thế này không giống cách làm của tôi cho lắm. Không giống tôi một chút nào. Săn cáo ảnh hưởng sâu sắc tới một nhóm người, những người thuộc về thiểu số nhưng lại có quyền, ít nhất, là bảo vệ lối sống của mình.
Trong suốt kỳ nghỉ hè của chúng tôi với Strozzis, chúng tôi đã tới thăm hòn đảo xinh đẹp của Elba. Chúng tôi ăn trưa với một vài người bạn của họ và tình cờ gặp một phụ nữ đứng đầu một nhóm thợ săn gần Oxford, tôi nghĩ thế. Thay vì nhiếc móc tôi, bà bình tĩnh giải thích và thuyết phục tôi về những gì họ làm, về sự ảnh hưởng của chúng tới cuộc sống của họ nói riêng, xã hội nói chung thông qua việc duy trì tập quán săn bắn và những hậu quả của việc cấm săn. Cuối cùng, người phụ nữ ấy đã thuyết phục tuyệt đối.
Từ đó, tôi quyết tâm thoát ra khỏi việc này. Nhưng bằng cách nào? Chúng tôi bắt buộc phải cho phép Quốc hội thảo luận và kết quả không còn nghi ngờ gì nữa: sẽ có một lệnh cấm. Cuối cùng, một bản thỏa thuận ưu việt được đưa ra – miễn là người ta tránh giết cáo một cách tàn ác, còn nếu không nạn săn cáo không bị cấm. Như vậy, nạn săn cáo bị cấm vừa không bị cấm. Hừm. Dù sao, đó cũng là điều tốt nhất tôi có thể làm, nhưng ngẫm lại đó chẳng phải là điều đáng tự hào trong khung chương trình hoạch định chính sách của tôi. Tôi không nên nghĩ gì cả, hãy để các bạn đánh giá.
Cuối cùng, điều luật được thực thi vào năm 2004. Lúc đó, Hazel Blears đang ở Bộ Nội vụ. Cô gọi điện cho tôi và nói “Cảnh sát đang hỏi: Ngài có muốn việc này được kiểm soát quyết liệt không, để chúng tôi đưa ra một số vụ truy tố?” Sau khi nghe tôi trả lời, cô đáp lại, “Tôi đoán là Ngài sẽ nói thế mà.”
Điều này gợi cho tôi nhớ lại việc mình đã từng thắng trong vụ cá cược với Thái tử Charles về việc này. Tất nhiên, Thái tử nghĩ rằng lệnh cấm là phi lý và nhắc đến nó bằng giọng khá ưu phiền. Tôi có thể làm rõ những khó khăn chính trị. Tôi không rõ Ngài ấy đã từng tìm hiểu rõ về nó chưa? – không lấy gì làm ngạc nhiên, vì như tôi vừa thú nhận, tôi cũng không hiểu, cho tới khi quá muộn. Chúng tôi đã cá cược là, sau khi tôi không còn tại nhiệm, người ta sẽ vẫn đi săn. “Nhưng bằng cách nào, nếu ông sắp ra lệnh cấm nó?” ông ấy hỏi.
“Tôi không biết, nhưng tôi sẽ tìm ra cách,” tôi đáp lại.
Thái Tử Charles biết rõ cộng đồng nông thôn và cảm thấy chúng tôi không hiểu nó, điều này cũng có vẻ đúng đắn. Nông dân của chúng tôi phải đối mặt với hàng loạt các thử thách rất cụ thể và độc đáo chỉ có ở Anh: họ đã từng trải qua cuộc tàn phá của BSE và vào thời điểm đó họ không thể xuất khẩu thịt bò ngoại trừ những hoàn cảnh vô cùng hạn chế; giá đất nông trang hạ; giá nhiên liệu tăng; lụt lội đã gây cho người dân nhiều khó khăn. Nhưng điều tệ hại nhất vẫn chưa xuất hiện.
Trong những tháng cuối năm 2000, chúng tôi vẫn tổ chức các cuộc họp thường lệ để chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2001. Vào tháng 11, chúng tôi đến Chequers và tôi đã quả quyết rằng tính tự mãn chính là điều nguy hiểm; chúng tôi đang nắm chìa khóa của một cuộc chiến thực sự trong tay và cần phải gia tăng vị thế của mình. Chúng tôi lại đang dẫn trước trong các cuộc bỏ phiếu thăm dò nhưng tôi cố tình nhắc Phillip không nhấn mạnh vào điều này thay vì tập trung vào các khó khăn. Chúng tôi bội chi khoảng 20% và mặc dù Đảng Bảo thủ xem như không có gì đột phá, nhưng tôi vẫn vạch ra khả năng họ có thể kích động một cử tri yêu nước, đả phá châu Âu, ủng hộ chống nhập cư và kết hợp điều đó với một sự hoài nghi và lãnh đạm về chúng tôi.
Tôi đã nói rằng chúng tôi còn phải đối mặt với các lựa chọn lớn cho tương lai. Tôi nhấn mạnh nhu cầu cải cách cũng như đầu tư và đưa lời đề nghị tăng cường thịnh vượng cá nhân làm tâm điểm cho kiến nghị của chúng tôi, thông qua một nền kinh tế vững mạnh cũng như các dịch vụ hành chính công được cải thiện.
Peter và Gordon đã liên tục tranh cãi về đồng euro, Peter thì tuyên bố một cách khờ dại trước báo chí về ảnh hưởng của chúng tôi lên đồng tiền riêng. Như thường lệ, Gordon phản ứng thái quá, nhưng tôi bắt đầu lo lắng về số lượng đồng nghiệp có thái độ ghẻ lạnh với Peter và về lời lẽ vô cùng chua cay của GB dành cho anh ta. Là một phụ tá thân thiết của tôi, Peter lúc đó đương nhiên là mục tiêu của những người ủng hộ GB.
Vào đầu năm 2001, Peter bị buộc phải từ chức lần hai. Điều này là điển hình cho cách mà những thứ được gọi là vụ bùng phát các bê-bối, “bùn nóng” phun trào khắp những nơi có liên quan và nạn nhân bị trừ khử trước khi bất cứ ai có cơ hội hay dũng khí đợi đến khi thấy bùn có dính hay không.
Tờ Obeserver đăng một câu chuyện về Peter, đã từng đi gây quỹ cho Dome từ anh em nhà Hinduja, các thương nhân và những nhà hảo tâm Ấn Độ, rồi sau đó xin hộ chiếu cho một trong số họ. Cách câu chuyện được xử lý đã hướng người đọc tới vụ việc chứ không trực tiếp đưa ra cáo buộc gì. Đây là bài học thực sự trong những việc như thế.
Lẽ ra đã không có vấn đề gì nếu Peter chỉ đơn thuần thông qua yêu cầu xin hộ chiếu hay yêu cầu thực thi điều đó, miễn là anh ta tìm cách đảm bảo đã tuân thủ những quy trình chuẩn mực. Không có lý do thực sự nào mà S.P. Hinduja không được cấp hộ chiếu cả – anh ta đủ điều kiện và là một thương gia vừa giàu có vừa thành công, nên sẽ không nghi ngờ gì về khả năng anh ta tự chu cấp cho mình.
Nhưng đây là điều xảy ra trong những hoàn cảnh như thế: Tôi bận, Alastair bận, Peter cũng bận (còn có một câu chuyện khác, dài hơn rất nhiều đăng trên tờ Sunday Times về Peter và Gordon, việc đã làm anh ta rất bồn chồn). Nếu chúng ta không cẩn thận – và thực tế là chúng tôi đã bất cẩn – chúng ta sẽ nhận thấy sự thật bị suy chuyển tí chút và sau đó bị rơi vào một cơn cuồng phong bằng ngôn từ.
Peter đã nói – theo như Alastair nhắc lại trước báo giới – rằng thư ký riêng của Peter, không phải đích thân Peter, đã thông qua yêu cầu. Thực tế, thông tin rò rỉ ra cho thấy Peter đã đề cập điều này với Mike O’Brien, Bộ trưởng Nội vụ.
Khi nhìn lại mọi chuyện, chúng ta sẽ thấy tình cảnh này thật thảm hại. Chỉ vì một lời phát ngôn sai trước báo chí, họ đã biến nó thành một vụ bê bối được thổi phồng hết sức. Peter, trước sự kịch liệt chống đối của những người ủng hộ GB, đã khá cô độc và không nhận được hỗ trợ nào ngoài hỗ trợ từ phía tôi. Điều này thực sự khác lạ, khi lúc này ta biết rằng Peter cuối cùng gia nhập Đảng Lao động trong suốt nhiệm kỳ tại vị của Gordon, nhưng tại thời điểm đó anh ta đã hoàn toàn bị cô lập như điều chúng ta vẫn thấy chính trị.
Thứ Tư – ngày trả lời chất vấn trước Quốc hội cũng đã đến. Thực sự là một cơn ác mộng đối với tất cả chúng tôi. Alastair và Derry cho rằng tình huống này không thể cứu vãn được. Jack Straw cũng cảm thấy tương tự và rất lo lắng bởi quyết định dành cho Peter đã được thảo ra và giờ đây phải được công bố. Tôi gọi cho Peter trước phiên chất vấn và bảo anh ta phải có mặt. Anh ta cảm thấy Alastair đang thúc giục tôi nhưng anh ta đã nhầm, bởi vì đó là quyết định của riêng tôi. Tôi đồng ý cho điều tra vụ việc, giao quyền chỉ đạo cho cựu luật sư của Bộ Tài chính, ngài Anthony Hammond, người đã tuyên bố Peter không hề vi phạm điều gì, trong bản báo cáo năm tuần sau đó. Đây là một kết cục thảm hại nhưng cũng phần nào an ủi cho một câu chuyện đáng tiếc xảy ra.
Peter đã chiến đấu rất dũng cảm cho vị trí của mình trong cuộc bầu cử và giành thắng lợi và rồi quay lại con đường của mình bằng tài năng vốn có, một người mà tôi đã nhớ là đã từng rất tuyệt vọng ở Nội các giữa năm 2001 và 2005.
Tuy nhiên, trở lại thời gian đó, cơn sốt bầu cử bắt đầu ủ bệnh trong phòng “nóng” Westminster. Tôi đã phác ra cấu trúc cuộc bầu cử, những đường lối chủ chốt, viễn cảnh tương lai cho từng bước cơ bản cụ thể về phương thức vận động cho chiến dịch. Việc điều tiết những bản ngã và cá tính đối lập nhau sẽ chẳng dễ dàng gì, nó có thể khiến cho mọi người nghĩ rằng họ đang định hướng nó trong khi cũng đảm bảo rằng tôi mới là người định hướng thực sự.
Chúng tôi đang tiến đến cuộc bầu cử vào tháng Năm năm 2001, nhưng một sự kiện đã diễn ra đột ngột và điều đó dẫn đến bước ngoặt cho những kế hoạch đã được đặt ra trước đó. Tôi đã ở Canada để diễn thuyết trước Quốc hội và gặp bạn tôi Jean Chrétien, Thủ tướng Canada. Ông ấy là một người khôn ngoan, nhiều mưu mẹo và dày dạn kinh nghiệm, rất xuất sắc trong các cuộc họp cấp quốc tế, nơi người ta có thể tin tưởng ông ở cách nói chuyện hợp tình hợp lý, một nét điển hình của người Canada, rất cương nghị và đáng tin cậy mà không hề huênh hoang. Nhìn chung, Jean là một người tốt, một nhà vận hành chính trị cứng rắn và không thể đánh giá thấp được.
Khi ở đó, chúng tôi được cho biết Bộ Nông nghiệp đã được thông báo về một trường hợp mắc bệnh lở mồm long móng tại một lò mổ ở Essex. Nếu chúng ta được đưa cho một mẩu thông tin như thế thì phản ứng đầu tiên thường thấy sẽ là đặt câu hỏi: liệu chuyện đó có thực sự quan trọng không? Câu trả lời là có. Một chuyện rất nghiêm trọng. Hai ngày sau khi tìm ra ổ bệnh, Ủy ban châu Âu đã ban hành một lệnh cấm tuyệt đối tất cả các loại thịt, sữa và sản phẩm gia súc xuất khẩu từ Anh. Chẳng phải đây là một phản ứng thái quá sao? Tôi hỏi. Không. Vậy đây là chuyện thực sự nghiêm trọng. Jean Chrétien ngay lập tức coi nó là một khủng hoảng. “Hãy theo dõi nó, Tony ạ, hãy theo dõi cẩn thận. Rắc rối là ở đó đấy.” Chúng tôi ấn hành điều lệnh hạn chế di chuyển tất cả các loại gia súc. Tôi gọi cho các nhân viên của mình và hỏi đầy lo lắng khi đang ở Canada dõi theo xem liệu lệnh cấm đó có thể được gỡ bỏ trong vòng một tuần không. Giá mà tôi biết được.
Vài ngày sau đó, mặc dù vẫn ở nước ngoài nhưng tôi vẫn sinh hoạt bình thường theo giờ Anh, cố gắng kêu gọi hưởng ứng đối với vấn đề trên. Nick Brown, Bộ trưởng Nông nghiệp, tỏ ra mình đang làm rất tốt và lần đầu tiên cả bộ được thông báo đầy đủ về tính nghiêm trọng của tình hình.
Bốn ngày sau vụ việc đầu tiên, một đợt bùng phát nữa đã được xác nhận, lần này là ở đầu kia của đất nước, ở khu vực Tyne và Wear. Tiếp sau đó gần ba tháng là sự tập trung gần như liên tục vào đợt bùng phát dịch bệnh lở mồm long móng tồi tệ nhất từ trước đến giờ ở châu Âu và một trong những đợt dịch bệnh tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới.
Bệnh lở mồm long móng ảnh hưởng tất cả động vật có móng, nhưng không hẳn làm chúng chết hàng loạt, cũng không khiến thịt của những động vật này không thể ăn được. Một vài quốc gia – Argentina chẳng hạn – có những khu vực mà dịch bệnh này đã tồn tại hàng thập kỷ. Đương nhiên, việc xuất khẩu các loại thịt này ra thị trường là không tốt và người tiêu dùng bình thường cũng không hẳn sẽ mua loại thịt nhiễm bệnh này. Bệnh chưa bao giờ lây sang người, mặc dù người ta cũng lo sợ nguy cơ lây nhiễm. Nó là một loại bệnh mà ở một mức độ nhất định không quá nguy hiểm đối với sự sinh tồn, ngay cả đối với động vật, nhưng những hậu quả thực tế của nó đối với ngành công nghiệp gia súc thì rất nghiêm trọng; nếu nó không được dập tắt, thì sau đó, hậu quả sẽ khôn lường.
Điều thực sự đã xảy ra là thịt bị nhiễm bệnh đã được tuồn vào trong nước, có thể là một cách bất hợp pháp và đã gia súc ở một nông trang nhiễm bệnh theo. Động vật được luân chuyển khắp cả nước và giai đoạn ủ bệnh có thể kéo dài khoảng 10 ngày, dịch bệnh chỉ được phát hiện – và hoạt động vận chuyển gia súc bị hoãn lại – vài ngày sau khi nó bắt đầu lây lan. Kết quả, như chúng tôi ước đoán, là chúng tôi không có bất kỳ manh mối nào dù mờ nhạt nhất về số lượng gia súc đã nhiễm bệnh, hay nơi khởi phát của dịch bệnh.
Hơn nữa, dịch bệnh lây qua đường không khí và có thể lan truyền qua các đế giày. Những lối đi, những con đường đi bộ và các yếu tố khác của ngành du lịch nông thôn đều là những nguồn tiềm ẩn nguy cơ lan bệnh. Trong vòng vài ngày, chúng tôi đã phải đóng cửa khu ngoại ô của nước Anh. Cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là thiêu hủy cả đàn gia súc đã nhiễm bệnh. Có cả một cuộc bàn cãi lớn về việc liệu có nên tiêm phòng vắc xin không, cuộc tranh cãi đã nảy ra xung quanh cuộc thảo luận trước công chúng trong suốt thời gian của cuộc khủng hoảng. Sự thật khắc nghiệt là những tiêu chuẩn EU đựa đưa ra đồng nghĩa với việc ngay cả động vật đã được tiêm phòng cũng cần được thiêu hủy và trong trường hợp bất kỳ, việc tiêm vắc xin không được đảm bảo có hiệu quả trên cừu; và cừu có thể lây bệnh cho trâu bò.
Gia súc đã được mang đi thiêu hủy, nhưng tất nhiên không phải tại lò sát sinh, vì vậy các giàn thiêu bắt đầu mọc ra. Một cái được dựng gần đường bay của sân bay Heathrow, để làm vui lòng các hành khách đang hy vọng được sống vài ngày trên miền quê thôn dã của nước Anh. Hình ảnh của các giàn thiêu được truyền đi trên toàn thế giới. Các lời đồn đại xuất hiện; những vụ được gọi là dịch bệnh xảy ra trên người đã được phát hiện (việc những vụ đó về sau được phát hiện không phải bệnh lở mồm long móng cũng chẳng ảnh hưởng gì). Khi chúng tôi đóng cửa các khu du lịch, người ta đoán rằng đó là để tránh rủi ro cho người. Người Mỹ là những khách du lịch kỳ cựu, nhưng họ tuyệt đối nhạy cảm với những chuyện kiểu này. Lượng khách du lịch Mỹ đến Anh giảm đi trông thấy, trên cơ sở là nếu họ đến Anh họ có thể sẽ phải quay lại với hai cái đầu.
Đến khi tôi quay về nhà từ chuyến đi vượt Đại Tây Dương, khủng hoảng hiển hiện rõ ràng trong cả mùi không khí. Tôi đã nghĩ Bộ Nông nghiệp và Nick đều đang ở đỉnh điểm của khủng hoảng. Bọn họ đều đang canh giữ miếng đất của mình một cách đố kỵ và rất vui lòng khi được tư vấn tôi, nhưng tôi cảm thấy Nick đang chịu áp lực từ tôi và không muốn lên tiếng đòi quyền kiểm soát. Jonathan đã báo động tôi bằng cách miêu tả rằng tổng đài điện thoại ở nhà Số 10 đã tình cờ nối máy cho anh ta vào cuộc gọi giữa Gordon và Nick, trong đó Gordon bảo Nick đừng khuất phục trước “cung cách Thủ tướng” của tôi, nhưng quả thật sự can thiệp này không được hữu ích cho lắm.
Khi các dịch bệnh lan rộng hơn và việc đóng cửa bắt đầu ảnh hưởng tới thị trường việc làm, lao động, các đơn đặt hàng xuất khẩu, các ngành kinh doanh, các điểm hấp dẫn khách du lịch, khách sạn, B&Bs – toàn bộ kiến trúc hạ tầng nông thôn Anh – tôi cảm thấy nôn nao rõ rệt và hoảng sợ trước điều này. Tôi đã bỏ ra thêm một vài ngày nữa cho các cuộc họp bình thường, phiên chất vấn, thảo luận và hướng dẫn, sau đó tôi nghĩ: “Không, đây không phải là cách giải quyết.”
Lãnh đạo của Hiệp hội Nông dân Quốc gia, Ben Gill và người đại diện của mình, Richard Macdonald, theo như tôi thấy, đều là những công dân khôn khéo và mẫu mực. Họ đang đại diện cho một cộng đồng từng chứng kiến toàn bộ quá khứ, hiện tại và cả tương lai của mình tan thành mây khói. Ngoài kia có nỗi đau, sự khiếp sợ và cả nỗi khổ tột cùng. Ben và Richard rất thẳng thắn: câu trả lời duy nhất là cách thiêu hủy và cách duy nhất để làm việc đó là giải quyết vấn đề thật nhanh gọn.
Thách thức đặt ra là làm sao thực hiện được việc này. Chúng tôi có thể đầu tư vào nó rất nhiều nguồn lực, nhưng đầu tư vào chỗ nào? Cuối tuần đó, tôi đến Chequers sớm. Việc này luôn giúp tôi thoải mái đầu óc. Tôi đọc tất cả giấy tờ, nói chuyện với một vài người. Bác sĩ thú y Jim Scudamore là một người tốt, nhưng ông ấy đã bị choáng ngợp. Tất cả chúng tôi đều như vậy. Tôi trao đổi nội dung bao quát của cuộc họp một cách chi tiết nhất có thể, sau đó ngồi xuống và suy nghĩ.
Đôi khi trong một cuộc khủng hoảng, bạn phải thể hiện được hành động để duy trì tinh thần thoải mái, nhưng cỗ máy thực chất đang làm việc rất hiệu quả. Đôi khi bản thân cỗ máy không tồn tại hoặc không phù hợp và khi đó bạn phải suy nghĩ trước. Nếu không hành động sẽ trở thành vô dụng, hay tệ hơn là phản tác dụng.
Thách thức cơ bản nhất là vấn đề thuộc về tiếp vận. Bạn phải có đủ số lượng bác sĩ thú y để thanh tra đàn gia súc ở những nơi nghi ngờ có dịch bệnh bùng phát. Sau đó, bạn phải có khả năng tiến hành thiêu hủy rồi đến hệ thống bồi thường hợp lý và nhanh chóng và hệ thống trợ cấp cho những hoàn cảnh khó khăn sau sự vụ. Bạn cần có một kế hoạch mở cửa lại khu vực ngoại ô và một chiến lược thu hút khách du lịch và kéo họ khỏi nỗi khiếp sợ của bản thân. Bạn phải làm tất cả việc này trong lúc dò tìm dấu vết dịch bệnh để đảm bảo bạn không mở cửa quá sớm hay công bố chiến thắng quá vội vàng. Mặt khác, tái thiết lập lòng tin với cộng đồng nông thôn vừa bị tấn công dữ dội cũng phải kịp thời.
Khi quay lại phố Downing vào Chủ nhật, tôi quyết định tóm tắt toàn bộ sự việc và triệu tập tất cả những cố vấn thân thiết nhất của mình lại. Nhờ một điều kỳ diệu nào đó, không phải của tôi, mà là RichardWilson, Thư ký Nội các – Cố vấn khoa học chính của chúng tôi, ngài David King, đã được mời tham dự cuộc họp bàn tròn này. Nếu ai đó nói với bạn rằng các nhà khoa học chỉ là những người nghiên cứu thiếu thực tế, thì hãy giới thiệu họ với David. Những điều anh ta nói với tôi nghe có vẻ khá lập dị, nhưng trong nhiều tuần tuần liền sau đó, nó trở thành vô giá trong việc đánh bại dịch bệnh. Bằng các loại biểu đồ và bảng biểu, anh ta đã phác họa ra hướng lây lan của dịch bệnh, cách thức chúng tôi có thể chế ngự nó nếu áp dụng các phương pháp chọn lọc phù hợp và cách chúng tôi có thể dập tắt nó theo thời gian.
Các công chức Chính phủ đã vô cùng hoài nghi. Tôi cũng vậy. Làm sao anh ta có thể dự đoán nó như thế, khi còn quá nhiều điều chưa biết? Nhưng, gần như không còn cách nào tốt hơn, tôi đi theo lời khuyên của anh ta và với sự chính xác huyền bí, gần như không tự nhiên, dịch bệnh lên tới đỉnh điểm, giảm dần và biến mất, gần sát tuần mà anh ta đã tiên đoán. Ý tưởng của anh ta rất đáng chú ý, mặc dù tôi cũng vẫn trải qua những nghiên cứu chi tiết tỉ mỉ. Đến khi dịch bệnh đã được hoàn toàn kiểm soát vào mùa hè, tôi đã nắm bắt được toàn bộ vấn đề: nó đã bắt đầu như thế nào; đã lây lan ra làm sao; cách thức ngăn chặn; những mặt lợi và hại của việc thiêu hủy và tiêm phòng; những phản ứng khác nhau trên cừu và trâu bò; ảnh hưởng lên người; cách thức hoạt động của các nông trại và lò giết mổ; số lượng súc vật bị giết thịt trung bình trong một tuần và con số mà chúng ta tiêu thụ trong một năm.
Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi - Tony Blair Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi