When you look at the sun during your walking meditation, the mindfulness of the body helps you to see that the sun is in you; without the sun there is no life at all and suddenly you get in touch with the sun in a different way.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Tony Blair
Thể loại: Tùy Bút
Nguyên tác: A Journey : My Political Life
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1655 / 31
Cập nhật: 2016-06-09 04:39:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8: Kosovo
ự trỗi dậy của phe đối lập lẫn phe Chính phủ là một phần bản chất khắc nghiệt của quá trình ra quyết định. Ở phe đối lập, nếu đã đủ kỹ năng, bạn có thể che giấu những mâu thuẫn, che giấu những lựa chọn, làm lu mờ sự khác biệt, phủ tấm màn đồng thuận mơ hồ lên những quyết định khó khăn và khiến mọi chuyện trông có vẻ êm xuôi. Nhưng ở Chính phủ, mọi chuyện đều có những góc cạnh riêng, sắc bén. Khoảnh khắc bạn lựa chọn và bắt đầu hành động theo lựa chọn đó, các cạnh sắc cũng bắt đầu cứa vào bạn.
Tôi dần trau dồi thêm về các chính sách đối nội. Nhưng phải đến nhiệm kỳ cuối tôi mới tìm được tiếng nói riêng trong các cải cách này. Ngược lại, sự thức tỉnh của tôi về các chính sách đối ngoại diễn ra khá đột ngột. Tất cả bắt đầu từ sau sự kiện Kosovo.
Việc các chính sách được phân thành nhóm đối nội và đối ngoại có điều gì đó không đúng. Đơn giản là một cuộc khủng hoảng ngoài nước có thể tác động nghiêm trọng tới tình hình trong nước. Có hai điều khiến cho sự phân loại càng trở nên sai lầm trong thời đại ngày nay: Một là, thế giới đã hội nhập toàn cầu, vì thế tình hình trong và nước ngoài có xu hướng song hành; hai là, khi truyền thông toàn cầu phát triển, các cuộc khủng hoảng nước ngoài thường được truyền hình hoặc thông tin trực tiếp qua hệ thống truyền thông. Chúng nhanh chóng trở thành những thách thức đối nội do chúng tác động tới đời sống trong nước – như vấn đề kinh tế thế giới hay tình trạng nhập cư – và cũng bởi sự cảm thông và tình cảm của những người có liên quan. Ví dụ, khi Israel tấn công Gaza, những hình ảnh sống động về cuộc chiến và mất mát mà những người tham gia phải chịu đựng hiện hữu ngay lập tức trong nhà của từng người, vươn tới tận những vùng xa xôi nhất của nước Anh. Chúng ta biết tới tình hình đó theo cách mà trước đó vài thập kỷ, cần phải có những chiến dịch như Midlothian để thu hút và khuấy động tình cảm của mọi người.
Tuy nhiên, ngay cả sự mô tả này dường như cũng tầm thường hóa những việc đang diễn ra, không đơn thuần là việc mọi người bị ảnh hưởng bởi những gì họ nhìn thấy, mà là họ quan tâm tới đồng loại. Cảm xúc của họ là có thực. Họ nhìn thấy trẻ em chết đói ở châu Phi và cảm động tới mức phải bắt tay vào hành động. Họ chứng kiến những bất công và mong muốn Chính phủ của mình giúp thay đổi chúng. Họ có thể quan tâm nhất tới những gì xảy ra trên đất nước mình nhưng cũng không bao giờ thờ ơ với những mảnh đời khốn khổ vượt ra khỏi biên giới.
Kết quả của tất cả những việc này là khiến cho thế giới liên kết với nhau không chỉ về kinh tế hay lợi ích tự thân mà còn về tình cảm, trái tim cũng như khối óc một cách mạnh mẽ. Khi chúng ta nói về một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, điều đó có nghĩa là chúng ta được kết nối với nhau, có chung thách thức cũng như giải pháp, vấn đề nảy sinh ở nơi này trên thế giới có thể dễ dàng kích động phản ứng ở nơi khác; nhưng chúng ta cũng cảm thấy tình đồng loại được kết nối vượt ra ngoài các đường biên giới nhiều hơn bao giờ hết. Không gian chúng ta đang sống được chia sẻ nhiều hơn. Du lịch, truyền thông đại chúng, mạng Internet và các hình thức liên lạc hiện đại kéo chúng ta về cùng một hướng. Tôi cảm thấy thoải mái, thậm chí phấn khích về một thế giới đang rộng mở, cho phép chúng ta trải nghiệm và học hỏi từ nhau. Tuy nhiên, ngay cả nếu tôi bực bội vì điều đó, tôi cũng sẽ phải chấp nhận nó như một thực tế của nền chính trị hiện đại.
Trong quá trình đó, chính sách đối nội và đối ngoại tương tác và lấn sân nhau, tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố vờ rằng sự thực không phải thế. Trước khi trở thành Thủ tướng, tôi đọc rất nhiều, vì thế cũng có vốn hiểu biết tương đối tốt về lịch sử. Nnhưng về vấn đề ngoại giao đương đại, tôi biết rất ít. Chiến dịch năm 1997 diễn ra gần như hoàn toàn trên nền tảng chính sách đối nội. Nếu trong buổi sáng tháng Năm tươi sáng ấy, khi lần đầu tiên tôi bước vào phố Downing, bạn cho tôi biết rằng trong thời gian tại nhiệm tôi sẽ kéo nước Anh vào bốn cuộc chiến, chắc hẳn tôi đã vô cùng hoang mang và kinh hoàng.
Mọi sự là như thế. Tôi không nhớ trong các đời Tổng thống Mỹ, đã có người nào lại dựa vào chính sách đối ngoại để bước chân vào Nhà Trắng. Tôi cũng không nhớ đã có tổng thống nào, trong suốt thời gian tại nhiệm lại không thấy căng thẳng với vấn đề chính sách đối ngoại. Tất cả các chiến lược gia chính trị đều đưa ra lời khuyên rằng việc dùng chính sách đối ngoại làm nền tảng hoặc trọng tâm của chiến dịch tranh cử là một thảm họa, là sự mở đầu cho một cái kết. Như tôi tìm hiểu, điều này khá là đúng, lý do vì công chúng nghĩ chính sách đối ngoại vừa quan trọng lại vừa quá xa vời so với những mối bận tâm thường ngày của họ.
Vì thế, ở một mức độ nào đó, công chúng hiểu nhu cầu về một bức tranh quốc tế tổng thể. Ở một mức độ khác, công chúng được chứng kiến hết vòng đàm phán này đến vòng đàm phán khác, các hội nghị thượng đỉnh, các cuộc họp, các cuộc tiếp xúc cấp cao. Những điều đó thật xa vời – dân chúng la ó: “Chúng liên quan gì đến chúng ta?” Trên cương vị một nhà lãnh đạo, bạn nhận ra rằng tuy những cảm xúc đó của người dân có thể thông cảm được, nhưng chúng hoàn toàn sai lệch. Bản chất của việc phụ thuộc lẫn nhau khiến cho vấn đề trở nên như vậy. Toàn cầu hóa kéo mọi người lại gần nhau hơn. Người ta cùng nhau đối mặt với các thách thức và ở một mức độ nào đó, với tốc độ khác nhau. Người ta cùng tìm ra các giải pháp. Vì thế, không thể dám chắc rằng một thách thức ở lục địa A, nếu nó thực sự nghiêm trọng, sẽ không gây ra một thách thức khác ở lục địa B. Cụm từ “cộng đồng quốc tế” hoàn toàn sáo rỗng, nhưng nó đúng. Đó là cách chúng ta sống ngày nay.
Còn có một hệ quả khác từ mối tương tác giữa các chính sách đối nội và đối ngoại: Bản thân chính sách đối ngoại phải được thực hiện theo cách thức riêng biệt. Các thách thức toàn cầu đòi hỏi những giải pháp toàn cầu. Các giải pháp toàn cầu cần những liên minh toàn cầu. Các liên minh toàn cầu không thể được xây dựng trên nền tảng lợi ích quốc gia hẹp hòi, chúng phải được thiết lập dựa trên những giá trị chung toàn cầu.
Lấy vấn đề biến đối khí hậu – một thách thức toàn cầu làm ví dụ. Giải pháp là sự đồng thuận toàn cầu và cần phải được các quốc gia phát triển và đang phát triển – Trung Quốc và Ấn Độ, Mỹ và châu Âu – cùng ủng hộ. Lợi ích quốc gia của họ nằm trong những thương thuyết tập thể. Những thương thuyết ấy sẽ không đạt hiệu quả nếu nó không mang lại công bằng cho các quốc gia đang ở những giai đoạn phát triển khác nhau. Với lập luận như thế, chúng ta có thể thấy lợi ích quốc gia phụ thuộc vào sự thỏa thuận đa quốc gia dựa trên những nhận thức chung về sự công bằng.
Tất cả những điều trên cho thấy quan điểm về chính sách đối ngoại truyền thống (vốn dựa trên những phân tích hẹp hòi về lợi ích quốc gia và thái độ thờ ơ nếu lợi ích đó không được đề cập trực tiếp) rất thiếu sót và lỗi thời. Tình cờ, tôi và Gladstone cùng chia sẻ một suy nghĩ, rằng hành xử theo chính sách đối ngoại đó cũng là vô đạo đức. Nhưng ngay cả khi không nghĩ thế, tôi chắc rằng vào những năm đầu thế kỷ XX, quan điểm đó cũng không còn hiệu quả nữa.
Tất nhiên, điều đó trở thành cuộc tranh luận nảy lửa về chính sách đối ngoại trong suốt thời gian tại nhiệm của tôi. Cuối cùng, tôi phải thừa nhận mình thuộc nhóm thiểu số khi lối tư duy này dẫn đến những động thái quân sự. Nhưng trên lĩnh vực kinh tế, môi trường và các vấn đề khác thì quan điểm này lại được chấp nhận rộng rãi hơn, ít nhất về mặt lý thuyết. Nó cũng gây nên tình trạng tả hữu lẫn lộn cho đến khi chúng tôi rơi vào vị thế kỳ quặc, khi việc ủng hộ thực thi nền dân chủ tự do là một quan điểm “tân bảo thủ” và không can thiệp vào tình hình một quốc gia khác là “tiến bộ”.
Khi vấn đề Kosovo trở nên nổi cộm vào cuối năm 1998 và bùng nổ vào những tháng đầu năm 1999, thì những cạnh sắc của chính sách đối ngoại và quá trình ra quyết định lập tức nổi cộm và gây “đau đớn”.
Về cơ bản, những vấn đề này xảy ra sau khi Nam Tư chia tách. Trước đó, sự kiện Bức tường Berline sụp đổ vẫn còn gây chấn động. Những vết thương của cuộc xung đột Bosnia vẫn chưa lành. Đặc biệt, Serbia vẫn nằm dưới chế độ độc tài Slobodan Milosevic. Căng thẳng tôn giáo, sắc tộc và phong trào dân tộc chủ nghĩa diễn ra khắp nơi. Kosovo – một lãnh thổ nhỏ chỉ bằng diện tích bang Yorkshire hay Connecticut với khoảng một triệu dân mà đa phần là người Albany Kosovo Hồi giáo – vẫn là một phần của Serbia, một quốc gia theo đạo Thiên chúa chính thống. Mối quan hệ giữa những người Serb cai trị và những người Kosovo rất tồi tệ.
Hậu quả là cuộc xung đột Bosnia đã chia tách Nam Tư cũ thành nhiều quốc gia (theo Hiệp ước Dayton cuối năm 1995, đạt được nhờ sự nhiệt tình và khả năng thiên tài của nhà ngoại giao Mỹ Richard Holbrooke). Mặc dù, phải mất đến hai năm thì phương Tây mới can thiệp – tại thời điểm đã có tới 750 nghìn người chết – nhưng việc phân vùng cũng mang lại một chút hòa bình.
Tháng Mười hai năm 1998, Paddy Ashdown gửi cho tôi một bức thư ngắn khi ông đến thăm khu vực này. Ông cho rằng nhìn chung mọi việc đang tiến triển tốt đẹp; chỉ riêng với Kosovo, mọi việc trở nên tồi tệ hơn. KLA – lực lượng bán quân sự giải phóng Kosovo đang tái vũ trang khi phải đối mặt với việc quân đội Serbia chuẩn bị một cuộc xâm lược. Sự lo lắng của Paddy trở nên có căn cứ hơn khi vào cuối năm 1998, tình báo của chúng tôi đưa ra những bằng chứng rõ ràng rằng Milosevic chuẩn bị phê duyệt một cuộc tấn công của quân Serbia. Từ nhiều tháng trước đó, hàng trăm nghìn dân thường đã buộc phải di dời và khoảng 2 nghìn người đã bị sát hại.
Tháng Mười năm 1998, một hiệp ước tạm thời được ký kết và một số dân thường đã trở về nhà dưới sự bảo đảm của cộng đồng quốc tế. Nhưng kể từ đó, việc di dời và giết chóc vẫn tiếp tục diễn ra.
Đây là một cuộc thanh trừng sắc tộc. Hơn thế, nó còn xảy ra ngay trên biên giới châu Âu. Trong hai tháng đầu năm 1999, cộng đồng quốc tế đã bắt đầu có những động thái can thiệp. Một hội nghị được tổ chức tại Rambouillet, Pháp nhằm nỗ lực đạt tới một thỏa thuận. Các nghị quyết được thông qua; nhiều tuyên bố được được đưa ra nhằm kịch liệt phản đối các động cơ và hàng động không thể chấp nhận của Milosevic. Nhưng giết chóc và thanh trừng vẫn tiếp tục diễn ra. Ngày 15 tháng Một tại Racak, một làng nhỏ ở Kosovo, 45 thường dân bị hành hình. Những lời lên án được gửi đi chỉ khiến cuộc thanh trừng trở nên khốc liệt và tàn bạo hơn, hàng nghìn người đã bị sát hại.
Cuối cùng vào tháng Ba, các hành động quân sự được tiến hành dưới hình thức các cuộc tập kích của NATO chống lại lực lượng Milosevic. Sự việc còn tiếp diễn cho đến tận tháng Sáu năm 1999, khi lực lượng của Milosevic rút lui trong tán loạn do lo sợ phải đối phó với bộ binh – ít nhất là từ Anh và Mỹ, dẫn đến sự suy giảm quyền lực của ông ta và sau đó ông ta buộc phải thoái vị. Khoảng 750 nghìn người tị nạn được hồi hương.
Cuộc xung đột Kosovo dạy cho tôi nhiều điều, về Chính phủ, về bộ máy lãnh đạo, về bản thân mình. Giờ đây khi đọc lại các tài liệu và suy ngẫm về sự việc lúc đó, tôi hoàn toàn cảm thấy thán phục. Nó đã thay đổi thái độ của tôi về chính sách đối ngoại.
Nhiều vấn đề nảy sinh. Thứ nhất, động thái đầu tiên của cộng đồng quốc tế là hành động – không còn nghi ngờ gì – nhưng trong khuôn khổ rất nhỏ hẹp; và nếu có thể, họ còn tập hợp bất cứ hành động nào để giảm nhẹ vấn đề. Đó là mong muốn xoa dịu chứ không phải giải quyết.
Thứ hai, ngay từ đầu tôi đã vô cùng thẳng thắn trong việc vận động một giải pháp quân sự. Giờ nhìn lại toàn bộ quá trình, tôi hoàn toàn cương quyết muốn có một giải pháp chứ không đơn thuần là hành động xoa dịu. Điều đó khiến nhiều đồng minh của chúng tôi tức giận và cả hệ thống sửng sốt.
Thứ ba, điểm mạnh và điểm yếu của châu Âu trong những hoàn cảnh này là: Giỏi đưa ra những tuyên ngôn hành động nhưng để chúng bốc hơi và để lại những hậu quả rõ ràng. Toàn bộ sự kiện này làm tôi tin chắc rằng chúng tôi cần một bộ máy lãnh đạo mạnh mẽ cho khu vực châu Âu và cho một chiến lược phòng thủ châu Âu phù hợp.
Ngoài ra, tôi đặt sức ép lên mối quan hệ cá nhân giữa tôi với Bill Clinton. Điều đó nói lên rất nhiều về ông và ông thật tốt vì đã cho phép tôi tạo sức ép cho ông. Điều đó cũng nói lên rất nhiều về nước Mỹ và về sự sẵn sàng của quốc gia này trong những thời điểm cấp thiết hy khi phải chấp nhận sự cần thiết của thời cơ và hành động.
Kosovo là một vấn đề rất khó khăn đối với nước Mỹ. Không giống những cuộc xung đột tại Afghanistan và Iraq sau này, Mỹ không nhận được nhiều lợi ích trực tiếp từ quốc gia này. Công chúng và giới chính trị gia đều dửng dưng với việc phải thực thi các hành động trong cuộc xung đột này chứ chưa nói đến việc phải đưa bộ binh vào. Quan điểm của Mỹ ít nhiều cũng cho rằng đây là vấn đề của châu Âu, trên biên giới châu Âu, cách Mỹ hàng nghìn dặm; do đó, châu Âu cần tập trung ý chí để đối phó với vấn đề này.
Khi thảo luận với các quan chức và giới quân đội của chúng tôi, tôi nhanh chóng nhận ra rằng không thể giải quyết vấn đề chỉ bằng ngoại giao và quân sự là điều cần thiết. Tiếp theo là thất bại của chúng tôi trong việc can thiệp vào Bosnia và thảm họa Sarajevo. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Milosevic không cảm nhận được ý chí của phương Tây trong việc đưa ra những hành động mạnh tay. Thay vào đó, ông ta tin rằng mình có thể làm bất cứ điều gì, nếu muốn. Vì thế, tôi nhận được lời khuyên rằng nếu không có ít nhất một lời đe dọa quân sự đáng kể thì không có mấy triển vọng ngăn chặn thảm cảnh bạo lực và áp bức. Kể cả như thế, ông ta cũng vẫn sẽ thử quyết tâm của chúng tôi và xem liệu chúng tôi có đưa lực lượng quân sự của mình vào như tuyên bố không.
Từ đầu tháng Một, tôi cố gắng gây dựng một kế hoạch đồng thuận về hành động. Về cơ bản, chiến lược của tôi là tạo nên một tập hợp các lời tuyên bố mạnh mẽ và duy trì các cuộc đàm phán ngoại giao, nhưng cũng chỉ rõ rằng nếu những biện pháp trên thất bại, chúng tôi sẵn sàng hành động.
Vì sao tôi lại quyết tâm hành động đến thế? Theo cá nhân tôi thì cơ bản là vấn đề về đạo đức. Và ở một khía cạnh nào đó, điều đó định hình quan điểm của tôi về các động thái can thiệp ngoại giao và quân sự. Tôi cũng thấy đó là một hành động làm sáng tỏ lợi ích quốc gia, vì tôi tin rằng nếu chúng ta để vấn đề lây lan hoặc cho phép các cuộc thanh trừng sắc tộc diễn ra, chúng sẽ lan ra toàn châu Âu.
Tuy nhiên, động lực cơ bản của tôi là cảm giác phẫn nộ trước những gì đang diễn ra. Đó là những dân thường, bị đuổi khỏi nhà và biến thành dân tị nạn, bị giết, hãm hiếp, đánh đập tàn nhẫn, cả gia đình bị làm nhục hoặc bị sát hại. Lạy Chúa, chẳng nhẽ chúng ta chưa học được gì từ lịch sử châu Âu sao? Điều đó thật kinh hoàng. Và theo một cách nào đó, thậm chí nó còn tàn nhẫn hơn ở một vài nơi khác trên thế giới,
Sau này, khi tôi đến thăm các trại tị nạn ở Macedonia, lắng nghe những câu chuyện thương tâm và thống khổ ở đó, tôi cảm thấy thật tự hào về những việc chúng tôi đã làm. Những người tị nạn này sẽ được trở về nhà. Nhưng tôi cũng cảm thấy không thoải mái khi nhận ra chúng tôi đã suýt nữa không bao giờ cho họ cơ hội đó.
Giờ chúng tôi nhìn lại và hầu hết mọi người sẽ nói: Đương nhiên chúng tôi không thể cướp mất cơ hội đó của họ mặc dù chúng tôi gần như đã làm như thế. Không phải bởi các chính trị gia do dự khi ấy là những người xấu hoặc có năng lực lãnh đạo tồi, mà bởi họ không cảm nhận được nhiều như tôi về những nỗi thống khổ của người dân và sự bạo tàn ở trại tị nạn đó. Vào đầu năm 1999, khi chúng tôi tìm ra giải pháp, thì mọi sự lại không hề đơn giản. Kosovo là một phần của Serbia. Serbia có lực lượng quân đội nổi tiếng thiện chiến. Phát động chiến tranh thì dễ, nhưng kết thúc nó thì rất khó. Hàng ngàn người vô tội bị sát hại. Những hậu quả khôn lường xảy ra. Những tình huống xấu có thể sẽ trở nên càng ngày càng tồi tệ. Chỉ đến khi sự việc xảy ra thì người ta mới vỡ lẽ và thông suốt, các hậu quả để lại nói lên tất cả, nhưng như thế là quá muộn – đó là điều làm khó các nhà lãnh đạo.
Qua sự kiện Kosovo, tôi nhận thấy rằng trong một bối cảnh không chắc chắn, cách duy nhất để tìm ra phương hướng là phải hỏi những câu hỏi đạo đức như: Điều đó có được phép xảy ra hay không? Chế độ này có nên tiếp tục hay không? Những người này có nên tiếp tục chịu đựng bất công không?
Nếu câu trả lời là không thì cũng không có nghĩa là bạn tìm ngay đến giải pháp quân sự. Bạn cần thử tất cả mọi biện pháp thay thế khác trước. Bạn cần hỏi xem liệu những hành động đó có khả thi và thực tế không. Mọi người thường nói với tôi rằng nếu ông dẹp lũ bất lương ở Sierra Leone, Milosevic, Taliban và Saddam, tại sao ông không dẹp bỏ Mugabe? Tôi trả lời rằng mình rất mong muốn làm điều đó, nhưng tình huống này không thực tế (vì trong trường hợp của Mugabe với những lý do tôi chẳng bao giờ hiểu thấu được, thì các quốc gia châu Phi lân cận luôn duy trì sự ủng hộ ông ta và sẽ phản đối bất cứ hành động cứng rắn nào).
Hỏi và trả lời một câu hỏi đạo đức không dẫn ngay đến một giải pháp quân sự, nhưng nó tạo ra một khuôn khổ cho phép làm như vậy. Và đó là cấu trúc có một điểm khởi đầu hoàn toàn khác biệt với các chính sách ngoại giao truyền thống, vậy liệu điều đó có phải vì lợi ích quốc gia không?
Đương nhiên, luận điểm lớn hơn của tôi – dựa vào lý thuyết về sự phụ thuộc toàn cầu – là câu hỏi đạo đức này là một phần của lợi ích quốc gia. Nhưng xét về lịch sử, một luận điểm lớn như vậy là không đáng tin. Nếu biện minh một chút, nó được cho là giống như việc lãnh đạo dẫn đến sự nhiệt thành và những tiêu chuẩn phán xét chủ quan chứ không khách quan, dẫn đến việc lãnh đạo bằng trái tim thay vì khối óc. Tôi có phần đồng tình với quan điểm này. Quan điểm đối lập với quan điểm của tôi không phải là sản phẩm của sự khiếm khuyết về đạo đức. Nó được sinh ra từ sự dè dặt hoàn toàn tự nhiên về những hệ quả không lường trước của các hành động can thiệp có động lực đạo đức. Tôi không chê trách sự hạn chế về đạo đức của loại quan điểm như thế, nhưng tôi muốn nói rằng chính sách không can thiệp cũng để lại những hệ quả khó lường. Chính sách không can thiệp đối với Bosnia những năm đầu thập niên 1990 có vẻ là khôn ngoan vào thời điểm đó. Nhưng khi nhìn nhận lại, nó không hề khôn ngoan chút nào. Chính sách này dẫn tới việc Milosevic tin rằng ông ta có thể chạy thoát với chiến dịch Kosovo.
Giữa năm 1991 và 1992, Milosevic đã theo đuổi chính sách thanh trừng sắc tộc. Ông ta tổ chức và thực hiện chính sách này với sự tàn bạo của lực lượng quân đội quốc gia Nam Tư. Hai trăm nghìn người Bosnia bị sát hại và một con số tương đương bị thương trên tổng số 4 triệu dân. Hãm hiếp và cướp bóc diễn ra trên diện rộng. Thật khó có thể tin rằng những hành vi này lại diễn ra ở một quốc gia tương đối phát triển vào cuối thế kỷ XX. Liên Hợp Quốc cũng bó tay. Khi cuộc chiến nổ ra, lực lượng Liên Hợp Quốc ở Sarajevo rút đi và phó mặc người dân cho số phận. Hậu quả là 12 nghìn người ở khu vực này đã thiệt mạng. Hàng nghìn người khác ở Croatia chết và hàng trăm nghìn người bị mất nhà. Ngay cả khi hòa bình đã được lập lại, Milosevic vẫn không phải trả giá cho những hành động tội ác của ông ta, nghĩa là hòa bình chỉ xoa dịu chứ chưa giải quyết vấn đề. Đầu năm 1999, trong khi nỗ lực tìm kiếm giải pháp, tôi nhận thức rằng sự miễn cưỡng đã hình thành nên thái độ điển hình của chúng tôi những năm đầu thập kỷ 1990 vẫn đang hiện diện.
Tôi làm việc với hai nhóm: Những người Mỹ và những người châu Âu. Với châu Âu, chủ yếu là Jacques Chirac và Gerhard Schroeder, trong đó có cả Thủ tướng Ý Massimo D’Alema bởi nước Ý rất gần gũi với cuộc chiến, tôi cố gắng khơi gợi sự quan tâm và cũng thúc đẩy suy nghĩ rằng việc từ chối giải quyết vấn đề này sẽ chỉ mang lại những rắc rối lớn hơn. Rất nhanh sau đó, họ sẵn sàng bày tỏ sự ghê tởm, đúng với những gì đang diễn ra và yêu cầu phải dừng những hành động đẫm máu đó, nhưng lại không thống nhất được về việc bất cứ hành động đe dọa quân sự nào và cũng thẳng thừng loại bỏ khả năng sử dụng bộ binh.
Một cách tự nhiên, đó là một chiếc thuật thương lượng hoàn toàn vô vọng đối với Milosevic. Ngay từ đầu, nó đã báo hiệu rằng sự nghiêm túc trong ý định hành động của chúng tôi cũng có giới hạn; và rằng nếu có thể chịu được một cuộc không kích thì ông ta có thể trụ lại. Thật kinh ngạc khi người ta liên tục không hiểu được rằng bất cứ sự đe dọa nào trên chính trường quốc tế cũng là đáng tin cả. Việc thiếu vắng niềm tin như thế chỉ làm tăng nguy cơ đối đầu. Những kẻ bị đe dọa không tin vào lời cảnh báo và vẫn tiếp diễn hành động. Khi đó, lựa chọn mà bạn cố gắng né tránh – chiến tranh hay không chiến tranh – trở thành lựa chọn bắt buộc. Tôi đã chứng kiến điều này nhiều lần và chuẩn bị chứng kiến cùng một sự kiện đáng buồn tại Iran. Dùng một lời đe dọa đáng tin để nhấn mạnh một yêu cầu và yêu cầu đó có triển vọng được thực thi. Nếu bạn không chắc chắn về việc yêu cầu của bạn được đáp ứng hay không thì việc đối đầu là không tránh khỏi.
Như vậy, có thể nói tôi bị cô lập ở phía châu Âu. Thực tế, Gerhard có những mối bận tâm nội bộ thực sự và đặc biệt là những lo ngại của nước Đức về việc tham gia vào các hoạt động quân sự vì những lý do đã rõ ràng. Nước Đức phải kiềm chế việc sử dụng vũ lực dưới những thể chế và nền chính trị trong nước. Nhưng cùng với thời gian, ông ấy ngày càng nhấn mạnh rằng không nên sử dụng bộ binh ở bất cứ hoàn cảnh nào, không chỉ lực lượng bộ binh của Đức mà của bất kỳ nước nào. Đó là vết rạn đầu tiên trong mối quan hệ giữa tôi và ông ấy. Tôi hiểu vấn đề của ông, nhưng là một người thông minh, ông ấy chắc chắn có thể nhìn thấy vấn đề của chúng tôi: Nếu tình hình cho thấy chỉ bộ binh mới có tác dụng trong hoàn cảnh này thì hoặc chúng tôi sử dụng lực lượng này, hoặc chúng tôi không thể làm gì được. Hàng trăm nghìn người tị nạn đã quay trở về Kosovo vào mùa hè và mùa thu năm 1998 với lời hứa của chúng tôi rằng chúng tôi sẽ không cho phép việc thanh trừng sắc tộc tái diễn.
Khi chúng tôi bắt đầu các cuộc thảo luận chuẩn bị cho một cuộc tấn công của liên quân NATO, thì một vấn để trở nên vô cùng rõ ràng: Ngay cả nếu chúng tôi chỉ tấn công bằng không quân thì 85% thiết bị sử dụng sẽ do phía Mỹ cung cấp. Sự thật là nếu không có Mỹ tham chiến thì hãy quên việc này đi, sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Đó là toàn bộ sự bất lực của châu Âu.
Tôi bắt đầu liên hệ với Bill Clinton về khả năng tấn công quân sự, không chỉ bằng không quân mà còn bằng bộ binh nếu cần thiết. Quan hệ giữa tôi và ông ấy vốn đã gần gũi từ trước và là những người bạn tâm giao trong chính trị. Chúng tôi chia sẻ khá nhiều luận điểm phân tích về những yếu kém của nền chính trị cấp tiến và đều có tư tưởng đổi mới mạnh mẽ. Chúng tôi đều có phong cách giản dị và trông trẻ hơn tuổi thật. Chúng tôi cũng rất dễ gần. Nhưng khi nhìn sâu hơn vào vấn đề, bạn sẽ thấy chúng tôi cũng cần phải có rất nhiều đá hóa cương để tạo nên cái nền tảng chung ấy.
Ông là chính trị gia đáng gờm nhất mà tôi từng phải đương đầu. Năng lực phi thường trên chính trường khiến người ta không nhận ra ông cũng là một người có suy nghĩ sâu sắc, với một triết lý và chương trình chính trị rõ ràng và thông suốt. Những lời đồn thổi mà ông phải chịu đựng là hiểu lầm về khả năng đắc cử của ông. Về phương diện này, một lần nữa, lại có những tương đồng với tình huống khó khăn của Đảng Lao động mới.
Triết lý trung hòa mà chúng tôi ủng hộ không chia tách rõ ràng cánh tả và cánh hữu. Nó cũng không phải là mẫu số chung nhỏ nhất của chủ nghĩa dân túy. Nó là một nỗ lực thực sự, nhất quán và rất thành công nhằm định nghĩa lại nền chính trị cấp tiến: Để giải phóng nó khỏi những hệ tư tưởng lỗi thời; để áp dụng những giá trị của nó vào một thế giới mới; để cải cách vai trò của Chính phủ và Nhà nước; và để tạo ra mối quan hệ hiện đại giữa trách nhiệm của công dân và trách nhiệm của xã hội. Đó là tinh thần dành cho “cần câu” chứ không cho “con cá” trong lĩnh vực phúc lợi xã hội, là cơ hội và trách nhiệm tạo dựng nền tảng của một xã hội vững mạnh. Đó là cách vượt ra trạng thái Nhà nước nhỏ và hệ tư tưởng “không có vai trò cho xã hội” của phe Cộng Hòa; cũng là cách vượt ra trạng thái Nhà nước lớn, hệ tư tưởng kinh doanh thù địch của nền tảng Dân Chủ truyền thống. Chính chúng tôi nên là những nhà quản lý kinh tế giỏi, những người hiểu về tội phạm, những người được truyền cảm hứng và cảm thông với nó.
Bill hoàn toàn thoái lui khỏi nền chính trị liên minh cầu vồng rất được một phần cánh tả ủng hộ vào thời điểm đó. Trong bài phát biểu nổi tiếng của ông chống lại những nhà hoạt động da đen, những người vẫn đi rao giảng lòng thù địch với người da trắng, ông nói thẳng với họ rằng ông sẽ không ủng hộ điều đó, không bao giờ thay đổi hình ảnh của phái dân chủ thành hình ảnh của những người mắc nợ một thiểu số cấp tiến.
Dần dần, giới cánh tả tạo ra một huyền thoại huy hoàng rằng mọi người bỏ phiếu cho Bill bởi ông là người điều hành chính trị vô cùng thông minh; và đương nhiên một phần không nhỏ giới cảnh hữu cũng tham gia vào điệp khúc này. Thực tế, mọi người bỏ phiếu cho ông bởi họ thông minh. Họ không cần một chính trị gia bóng bảy; họ cần một chương trình khôn ngoan, hiện đại, hiệu quả dựa trên một triết lý phù hợp với thời đại.
Ngay cả về mặt nhân cách, chúng tôi cũng ít khác biệt hơn mọi người nghĩ. Nhưng trong những hoạt động chính trị có tầm ảnh hưởng, tôi vẫn lắng nghe ý kiến của các bậc thầy trong khi Bill lại tự quyết định mọi việc. Sự thông thái vượt bậc của ông thường được che giấu sau phong thái bình thản. Ông cũng có khả năng phân tích đáng kinh ngạc và thực sự quan tâm tới các cuộc tranh luận về chính sách – mà đôi lúc còn quan tâm hơi thái quá – và thường xuyên tìm kiếm các ý tưởng mới.
Clinton là người nhanh trí. Nếu tham gia các phiên điều trần Thủ tướng, hẳn ông đã tỏa sáng. Khi tới thăm ông ở Phòng Bầu dục năm 1996, ngay trước thềm chiến dịch bầu cử của tôi và đợt tái bầu cử của ông, chúng tôi đã ngồi đó và tôi cảm thấy vô cùng kính nể ông; cũng như các bạn, tôi hy vọng buổi gặp gỡ sẽ không diễn ra chóng vánh quá (“Blair bị mất mặt”), cầu mong nó sẽ vượt quá thời gian hạn định (“Blair được chào đón”), nhưng dù cách nào thì cũng mong sao cuộc gặp gỡ không phải là thảm họa. Neil Kinnock, nhà lãnh đạo Đảng Lao động trong chuyến thăm Washington dưới thời Ronald Reagan đã gây tổn hại to lớn bằng cả nội dung cuộc họp (Reagan nói thẳng ra rằng chính sách giải trừ hạt nhân đơn phương của Đảng Lao động thật điên rồ) và bằng việc Reagan nhầm Denis Healey, người đi cùng Neil trong vai trò Ngoại trưởng của Nội các Đối lập, là Đại sứ Anh. Tôi vừa thấy hồi hộp khi được có mặt ở đó, vừa thấy nhẹ nhõm khi cuộc họp kết thúc. Bill đã hết sức niềm nở và hoan nghênh sự có mặt của tôi, cuộc họp thực sự đã vượt quá thời gian dự kiến.
Bill không định tổ chức một cuộc họp báo lớn – và việc tổ chức một cuộc họp báo lớn với nhà lãnh đạo phe đối lập của Anh cũng là không thích hợp – nhưng ông có phát biểu (mà không cần có sự chuẩn bị trước) trong Phòng Bầu dục, vây quanh là giới báo chí xếp hàng chụp ảnh. Khi chúng tôi ngồi đó và các máy ảnh chớp liên tục, thì một ai đó (tôi nghĩ là Peter Riddell của tờ Times) đã hỏi Clinton rằng ông có nghĩ mình đang ngồi cạnh vị Thủ tướng tiếp theo của nước Anh không. Một câu hỏi khó. Nếu nói: “Đó không phải là câu hỏi dành cho tôi” thì thật lạnh lùng, còn nói “Có” thì thật là một câu trả lời không tưởng về mặt ngoại giao. Phản ứng rất nhanh, Bill trả lời: “Thực ra tôi chỉ hy vọng ông ấy đang ngồi cạnh vị tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ”.
Ông cũng có khả năng linh hoạt mà ít ai sánh kịp. Khi bạn nghĩ về những gì Bill phải trải qua trong thời kỳ xảy ra hàng loạt các lời cáo buộc, bạn sẽ phải ngồi xuống. Quá nhiều việc. Ông đã và có thể vượt qua sóng gió đó như thế nào? Vậy mà ông đã làm được và từ nhiệm với tỷ lệ ủng hộ lên đến 60%.
Ông đã làm được điều đó trước hết vì ông không cho phép sóng gió chi phối quan điểm của mình trên cương vị Tổng thống, ngay cả khi nó thực sự đã chi phối quan điểm của giới truyền thông. Đây là lúc mà khả năng mềm dẻo và linh hoạt đóng vai trò quan trọng đối với thành công và sinh tồn của ông. Ông thường nói với tôi rằng mình thức dậy mỗi ngày với quyết tâm thực hiện việc lãnh đạo. Khi họ nhắc đến câu chuyện về Monika Lewinsky, ông nói về việc khởi động kế hoạch chăm sóc y tế. Khi họ đào sâu về khả năng ông không thể tiếp tục tại nhiệm, thì ông vẫn nắm giữ vị trí ấy và thúc đẩy một chương trình phúc lợi mới. Bất chấp mọi điều họ làm nhằm bôi nhọ hay hạ bệ ông, ông vẫn tiếp tục thực hiện tất cả những gì có thể vì mọi người. Ông chỉ đơn giản là đứng dậy và bước qua sóng gió.
Lý do thứ hai là, như tôi đã gợi mở ở trên, công chúng luôn nhìn đời sống tình dục của các chính trị gia một cách con người và cẩn trọng hơn so với sự cuồng nhiệt thái quá của giới truyền thông. Họ hiểu, họ nhấn mạnh và đến một mức nào đó, họ tha thứ. Điều đó không có nghĩa là họ ủng hộ, nhưng sự phản đối của họ khá hòa nhã. Mức độ thất vọng của họ có giới hạn, bởi họ biết rằng chính họ cũng đã, đang và có thể vấp ngã, cũng mắc sai lầm và cũng cần sự tha thứ. Trong khi một số người quan niệm rằng các chính trị gia không có gì đáng trách trong vấn đề này thì một số khác nghĩ rằng có những thước đo quan trọng hơn để đánh giá các nhà lãnh đạo, ví như: Họ có đang cống hiến hết mình vì lợi ích của đất nước không?
Vì thế ngay cả khi Bill “không nói sự thật”, họ vẫn hiểu đó là vì ông không muốn làm xấu mặt gia đình mình. Và những kẻ hãm hại ông đã quá tay mà thành thất bại, để rồi cuối cùng chính họ cũng bị đưa ra trước vành móng ngựa của công luận, như ông vậy. Tôi cũng tin rằng hành vi của ông xuất phát một phần từ sự quan tâm và tò mò hơn mức bình thường của ông đối với mọi người. Đối với đàn ông, điều đó thể hiện bằng tình bạn. Đối với phụ nữ, rất có thể liên quan đến yếu tố tình dục. Và như thế, tôi không cho rằng ông quá khác biệt so với phần lớn những người đàn ông khác.
Ông có thể điềm tĩnh một cách phi thường trước những vấn đề “nước sôi lửa bỏng”. Vô cùng tình cờ, tôi có thời gian bên ông trong giai đoạn xảy ra hàng loạt sóng gió. Lần đầu tiên, tháng Hai năm 1998, phần chính của câu chuyện Monica Lenwisky bị tiết lộ và lúc đó tôi đang ở tại Nhà Trắng. Chúng tôi phải dự một cuộc họp báo. Khi đứng trong phòng lớn, chờ đợi đằng sau tấm màn để bước ra, thì chúng tôi đã trò chuyện phiếm. Tôi hơi hồi hộp. Không một giây phút nào tôi lại không nghĩ tới việc sẽ đứng hẳn về phía Bill. Ông ấy là một người đàn ông mẫu mực, một Tổng thống hết lòng vì trách nhiệm của mình đối với đất nước và trên tất cả là một người bạn của tôi. Tôi rất, thậm chí là quá mức, chân thành với bạn bè.
Đó là một trong những thời khắc lạ lùng trong chính trị. Tại các buổi họp báo, luôn có một chủ đề được đưa ra – thực ra trong trường hợp này, dù bạn có tin hay không, thì chủ đề là về Saddam và vũ khí giết người hàng loạt của ông ta. Saddam lại tiếp tục cản trở quá trình điều tra của các thanh tra viên và cộng đồng quốc tế đang chính thức vào cuộc. Chúng tôi nghĩ khả năng tập kích quân sự hoàn toàn có thể xảy ra. Đó là một vấn đề mang tính sống còn nghiêm trọng. Nhưng rồi giới truyền thông lại muốn hướng về một sự việc khác: Monica. Lúc này mọi sự đã rõ ràng: Vấn đề nào mới gây quan tâm nhiều hơn.
Ngay trước khi chúng tôi bước lên sân khấu, Rahm Emanuel, lúc đó là cố vấn cấp cao của Bill nói với chúng tôi rằng: “Đừng rối lên thế!”. Chúng tôi không hề rối. Bill là một người đứng đắn. Tôi ủng hộ ông ấy. Căn cứ vào hoàn cảnh thì chắc chắn đó sẽ là một thắng lợi.
Sau này, một sự kiện khác đã xảy ra: Trong cuộc hội thảo về chính trị cấp tiến ôn hòa, nơi Bill và tôi sẽ cùng phát biểu với Tổng thống Bulgaria (một người đàn ông đáng mến tên là Petar Stoyanov) và Romano Prodi (một sự xếp đặt kỳ lạ) thì các băng ghi âm cuộc phỏng vấn Starr được tiết lộ. Sự việc được bàn tán khắp nơi. Sức ép đè nặng lên Bill và những lời công kích đều có chủ ý. Đối thủ của ông đánh hơi thấy sự việc và lao vào mổ xẻ chúng.
Sau đó, hóa ra các cuộn băng ghi âm không gây sốc như mong đợi, nhưng ngày hôm đó kỳ lạ hơn lần sóng gió trước, khi tôi bước vào phòng chuẩn bị hội thảo, Bill và Hilary dẫn tôi đến một văn phòng nhỏ để cùng trao đổi. Đó là nơi tôi được chứng kiến ý chí và tinh thần mạnh mẽ của Hilary. Nếu tôi đã từng băn khoăn bà ấy quan trọng như thế nào đối với thành công của Bill thì giờ phút đó là lúc tôi biết câu trả lời. Bà tức giận và bị tổn thương còn nhiều hơn cả Bill – điều đó là rõ ràng – nhưng không bao giờ bà ấy cho phép điều đó hủy hoại những thứ mà bà và Bill đã gây dựng nên. Nếu có ai đó được quyền tức giận với Bill thì người đó chỉ có thể là Hilary.
Mọi người thường hỏi tôi về quan hệ giữa họ. Nhiều người, trong đó có cả các nhà lãnh đạo, thường cho rằng cuộc hôn nhân của họ không phải là một cuộc hôn nhân dễ chịu, mà mang tính liên minh chính trị; và rằng chính điều đó đã ràng buộc họ với nhau, bất chấp mọi điều tiếng khác. Còn tôi vẫn thường trả lời họ rằng: “Các anh có biết tôi nghĩ cuộc hôn nhân này là vì điều gì không? Là vì họ yêu nhau.” Đó là sự tiết lộ chân thật nhất. Vâng, đó cũng có thể là một liên minh chính trị, nền móng của nó là những tham vọng chung, nhưng khi tất cả được nói ra và thực hiện, tham vọng là mái hiên để tình yêu đích thực trú ngụ chứ không phải tình yêu là nơi trú ngụ của tham vọng.
Tôi không biết phải nói điều gì khi ba người chúng tôi ngồi lại bên nhau. Hilary giải thích từ tốn và dứt khoát: Sự việc này không thể loại bỏ anh ấy được. Anh ấy sẽ ở lại, chiến đấu và chiến thắng. Chúng tôi nói về tất cả những chuyện đó trong một khoảng thời gian ngắn trước khi quay lại để thực hiện cuộc hội thảo. Đương nhiên Bill đã rất hoạt ngôn, hấp dẫn và bình thản. Tôi ngồi đó, nhiều lúc kinh ngạc đến sững sờ và thực sự ngưỡng mộ sự gan dạ ấy.
Sau hôm đó, Bill và tôi tới một cuộc hội thảo được tổ chức cho học sinh trường Trung học phổ thông Montgomery Blair ở ngoại ô Washington. Chúng tôi sẽ phát biểu về chính sách giáo dục. Khi tới nơi, chúng tôi thấy có hàng nghìn học sinh đã tập trung trong phòng thể thao của trường. Khung cảnh rất giống một cuộc diễu hành: Các em học sinh náo nhiệt, dậm chân và hát. Chúng tôi phát biểu như dự định và khuấy đảo đám đông như hai ông hoàng phòng hòa nhạc. Bill được chào đón nhiệt liệt và điều đó làm tinh thần ông thoải mái hơn rất nhiều.
Khoảng thời gian này, tháng Chín năm 1998, Kosovo trở thành vấn đề được quan tâm nhiều nhất. Đến đầu năm 1999, tôi đã tìm ra những yếu tố thành công cần thiết và nhận ra rằng tất cả phụ thuộc vào mối quan hệ của tôi với Bill. Nếu có thể thuyết phục ông, chúng tôi còn có cơ hội. Nếu không, phía châu Âu sẽ không bao giờ có động thái gì và chúng tôi sẽ lặp lại sai lầm ở Bosnia.
Khoảng thời gian từ tháng Một đến tháng Hai năm 1999, giữa tôi và Bill thường xuyên có những cuộc trao đổi. Cuộc tấn công ngoại giao vẫn tiếp tục, nhưng cuộc tấn công của Milosevic nhằm vào những người Hồi giáo Kosovo cũng đang tiếp diễn. Bản mô tả các tội ác tàn bạo – Racak là nơi khốc liệt nhất, nhưng cũng còn vô số địa điểm khác – khiến ai cũng phải rùng mình. Điều đó thật kinh khủng: Một nhóm dân thường bị chôn sống chỉ vì họ thuộc về một tôn giáo khác. Lãnh đạo của người Kosovo, Ibrahim Rugova, đến gặp tôi. Ông ấy có dáng người dong dỏng cao, tiều tụy vì đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư vòm họng quái ác. Ông ấy cầu xin sự giúp đỡ với lời thỉnh cầu tha thiết: “Bọn họ đang giết chết chúng tôi”. Ông ấy đưa tôi một tặng vật nhỏ, một chiếc vòng Kosovo pha lê màu tím và trắng. “Tôi muốn tặng ông món quà nhỏ này”, ông ấy giải thích và đặt món quà vào bàn tay tôi. Tôi vẫn luôn để nó ở trên bàn trong phòng nghỉ của mình ở phố Downing.
Bill và tôi đồng ý sẽ thông qua NATO để tiến hành các hoạt động không kích. Ban đầu, mặc dù tôi còn khá chần chừ và nghi ngại, nhưng tất cả đều chắc chắn là sẽ không sử dụng bộ binh. Nếu không tuyên bố trước như vậy, sẽ chẳng có một cuộc không kích nào. Bởi vậy, tôi nghĩ việc đồng ý với tuyên bố này cũng đáng và sẽ tìm cách điều chỉnh sau.
Mọi sự chuẩn bị được tiến hành. Đột nhiên vào cuối tháng Ba, quá trình trục xuất, thanh trừng và sát hại người Hồi giáo Kosovo được đấy nhanh. Milosevic đang đẩy nhanh chiến dịch vốn đã được dự đoán trước. Điều đó buộc chúng tôi phải hành động. Các cuộc không kích bắt đầu, máy bay Anh tham chiến. Tôi phát biểu ở Nghị viện và chúng tôi giành được sự ủng hộ rộng rãi trong các đảng. Paddy, mặc dù đã thông báo hồi tháng Một rằng sẽ từ chức khỏi vị trí lãnh đạo phe Dân chủ Tự do, vẫn đang tại nhiệm và nhiệt liệt ủng hộ chúng tôi. Ông ấy cũng gửi cho tôi một bức điện ngắn cảnh báo rằng cần phải có bộ binh tham chiến.
Tôi phát động một chiến dịch quân sự toàn diện vì về cơ bản, sự kiện Kosovo đã cho thấy một chiến dịch không quân đơn thuần chống lại kẻ địch ngoan cố và cảm tử thường có những hạn chế căn bản và để lại hậu quả không thể cứu vãn. Chiến dịch không kích rất dữ dội và có khả năng gây ra những thiệt hại đáng kể, nó làm suy yếu cơ sở hạ tầng của kẻ địch và làm mất tinh thần của cả quân đội lẫn dân thường. Không kích có thể cầm chân, chặn đứng và hạn chế quân thù – nhưng nó không thể đánh đuổi một đội quân vốn đã ngoan cố giữ đất và lại sẵn sàng cầm cự và đón nhận thất bại.
Ban đầu mục tiêu rất nhiều nhưng với công nghệ và vũ khí hiện đại, những mục tiêu này nhanh chóng bị loại bỏ. Dần dần, các mục tiêu ngày càng lẫn với khu vực dân cư. “Thương vong ngoài dự tính” – một thuật ngữ tôi đã cố cấm mọi người sử dụng – ngày càng tăng, còn đạn pháo nhắm sai một vài mục tiêu. (Trong trường hợp này, không chỉ là thường dân mà còn là Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade.) Quân thù chịu tổn hại, nhưng chúng không bị lật đổ. Cảm giác chán nản đối với một chiến dịch thuần không kích tăng lên, cảm giác bất công cũng thế, ít nhất là ở các quốc gia phương Tây. “Máy bay đối đầu với binh lính” là không công bằng. Tất cả làm gia tăng sức ép lên các nhà lãnh đạo. Nếu bạn không cẩn thận, kẻ thù sẽ tự cho mình là nạn nhân trong cuộc chiến.
Trong với trường hợp này, điều tồi tệ hơn là sau một vài ngày, chính NATO lại bộc lộ những hạn chế nghiêm trọng trong việc tiến hành một chiến dịch như thế. Chúng tôi có một quy trình phê chuẩn hội đồng phức tạp đến nực cười và khó tả để phê duyệt các mục tiêu. Điều đó thường gây chậm trễ trong quá trình ra quyết định. Wes Clark, Chỉ huy Liên quân Tối cao châu Âu phụ trách các chiến dịch quân sự của NATO, là một người tốt, nhiệt thành, tâm huyết, nhưng lại không hề có những nền tảng truyền thông cần thiết mà một chiến dịch như thế này cần có để chiếm lĩnh mặt bằng tin tức thế giới. Javier Solana, Tổng Thư ký NATO cũng thuộc nhóm cán bộ cao cấp, nhưng bị mắc kẹt giữa những quan điểm khác nhau của các nhà lãnh đạo cấp cao hơn.
Tóm lại, tại thời điểm đó đã có hàng trăm nghìn người tị nạn dọc biên giới, tràn ngập trong các quốc gia láng giềng quanh đó, nhất là Macedonia. Sau hai tuần, tôi nghĩ là đã quá đủ. Mọi việc không thể tiếp diễn như thế, nếu không nó sẽ trở thành một thảm họa.
Lúc đó, tôi đã đưa ra một quyết định rõ ràng. Mới cầm quyền được 18 tháng, nhưng tôi đã suy ngẫm về việc có thể sẽ phải ra đi. Tôi nói chuyện với Alastair và Jonathan, sau đó gọi cho đội ngũ thân cận của mình. Tôi nói rằng mình chấp nhận mất quyền lãnh đạo vì sự kiện này, nhưng phải sẵn sàng mạo hiểm tất cả. Chúng ta sẽ phải đối đầu nhiều hơn, xông pha hơn, giữ vị trí dẫn đầu và dám hy sinh tất cả để chiến thắng. Sự đáp trả gần đây của quân địch trước cơn phẫn nộ của chúng ta thật thảm hại. Chúng ta phải cố gằng kiềm tỏa chúng và tôi sẽ sử dụng triệt để mối quan hệ với Tổng thống Clinton để đưa bộ binh vào kế hoạch tác chiến.
Đội ngũ của tôi luôn tỏ ra tuyệt vời trong những khoảnh khắc như vậy. Một vài trong số họ nghĩ rằng có chút kỳ lạ khi một Chính phủ vốn cam kết sẽ thay đổi các dịch vụ công và cắt giảm tỷ lệ thất nghiệp của nước Anh lại đặt cược sự tồn vong của mình vào một cuộc phiêu lưu quân sự ở Balkans. Nhưng họ đều bắt tay ngay vào thực hiện nó.
Trước tiên, tôi liên hệ với NATO và nói chuyện với Wes và Javier. Trước sự ngạc nhiên của tôi, thay vì nổi giận với lời đề nghị, họ lại chào đón nó với thái độ cởi mở. Chúng tôi tới NATO. Tôi đi cùng Alastair, không phải để anh ấy hỗ trợ cho các cuộc họp báo của tôi mà là của họ. Tôi nhớ lại lần gặp mặt Wes ở văn phòng của ông ấy. Đột nhiên điện thoại của ông đổ chuông. Đó là một nhà báo hỏi về chiến dịch. Ông ấy trao đổi ngắn gọn rồi quay trở lại cuộc trò chuyện với chúng tôi. “Những việc như thế có thường xảy ra không?” tôi hỏi. “Ồ, luôn thế đấy” ông đáp. Ông có thể rất giỏi về quân sự, nhưng lại hoàn toàn thất bại bởi thiếu vắng sự gắn kết và nhất quán chính trị cần thiết. Ông ấy cảnh báo tôi theo cách mà tôi nghĩ là vì lịch sự và nhã nhặn. Theo ông, tôi không nên cho rằng tất cả các nhà lãnh đạo đều chia sẻ cùng quan điểm với tôi. Alastair bắt tay vào việc “phù phép”, tạo ra một nền tảng truyền thông thích hợp. Wes nói Alastair nên trông chừng tôi. Wes thật tốt bụng khi nói ra điều đó, nhưng tôi đã biết rằng mình hoàn toàn được một mình.
Sau đó, tôi nói chuyện với các tướng lĩnh, đặc biệt là vị tướng nhân từ người Đức phụ trách chiến dịch không kích. Các vị tướng, trong đó có Tướng Rupert Smith rất giỏi của chúng tôi, đều đồng lòng: chúng ta không thể chiến thắng chỉ bằng không kích.
Paddy tới Balkans một lần nữa, quay trở về và cho tôi biết rằng chúng tôi đã thất bại. Sau 30 ngày, chúng tôi vẫn chưa thể ngăn Milosevic làm bất cứ điều gì ông ta muốn nhằm chống lại những người Kosovo. Số lượng người tị nạn đang tăng lên, các mục tiêu dần thu hẹp. Thủ tướng Macedonia gửi cho tôi một thông điệp qua Paddy: “Người dân của tôi đang hoảng sợ vì họ nghĩ NATO có một kế hoạch bí mật mà họ không được biết. Tôi còn hoảng sợ hơn bởi tôi biết NATO chẳng có một kế hoạch nào cả”.
Tôi tiếp tục thảo luận với Tổng thống Clinton, sau đó gửi đi một bức thư cá nhân ngắn. Tôi đề xuất các kế hoạch để điều phối chiến dịch tốt hơn, thay đổi các quy trình thủ tục thông qua mục tiêu, thay đổi cả những chiến dịch truyền thông.
Một tuần sau, tôi gửi một bức thư ngắn khác, đồng thời cũng tới thăm một trong các trại tị nạn. Cho dù các cuộc viếng thăm bề ngoài chỉ mang tính xã giao nhưng nhờ chúng mà tôi đã có thể nói chuyện với các cấp chính quyền cao hơn. Trong bức thư thứ hai, tôi xem xét lại cuộc đàm thoại vào đêm trước của chúng tôi, cuộc gọi mà một lần nữa tôi đã đưa ra ý kiến sử dụng bộ binh. Không ngạc nhiên, Bill nhắc lại tất cả các lý do phản đối, cho dù chỉ là việc lên kế hoạch thực hiện, bởi kế hoạch chắc chắn sẽ rò rỉ ra ngoài. Trong bức thư, tôi nhấn mạnh yêu cầu phải bắt đầu chuẩn bị hậu cần từ bây giờ, bởi nếu không, mọi chuyện sẽ quá muộn khi mùa đông đến. Mà một chiến dịch bộ binh phải mất hàng tháng trời để triển khai.
Sau đó, tôi xem xét kỹ tương quan lực lượng và nghiên cứu tình hình quân đội của mình. Bộ trưởng Quốc phòng, Charles Guthrie, là người tôi rất yêu mến, tôn trọng và tin tưởng. Ông là người có cùng quan điểm với tôi và cũng cho rằng nếu cần một cuộc tấn công bộ binh, thì chúng tôi cần phải yêu cầu huy động 50 nghìn quân Anh, còn phía Mỹ cung cấp 100 nghìn đến 150 nghìn. Tôi rất rõ về vấn đề này, nếu không có bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác cùng tham chiến, chúng tôi sẽ phải dựa vào người Mỹ. Không có gì là vô lý nếu họ nói: Xem nào, các ông hăm hở như thế thì các ông đã chuẩn bị những gì để duy trì chiến dịch về lâu dài? Ngay cả Charles cũng phải nhíu mày. Đó là một canh bạc quá mạo hiểm. Và Gordon, một lần nữa, không hề vô lý khi đặt câu hỏi về chi phí.
Các cuộc không kích tiếp diễn, nhưng mỗi ngày trôi qua, sự kỳ quặc của việc từ chối sử dụng bộ binh càng trở nên rõ rệt. Đương nhiên, số lượng quân nhân cần dùng khiến ai cũng phải ngỡ ngàng. Nhưng đó là điều thật thú vị về nghệ thuật lãnh đạo. Đó là những quyết định vạch rõ sự khác biệt giữa bạn và những người khác. Đó là những quyết định mang tính phân loại. Đó là điểm làm nên tầm cỡ của nghệ thuật chỉ huy cấp cao.
Tại sao tôi nói vậy? Bạn có một mục tiêu chiến lược. Cứ cho là bạn quyết tâm giành được nó. Bạn vấp phải chướng ngại vật. Cái giá phải trả để loại bỏ chướng ngại vật này có thể là rất lớn. Bất cứ ai không ngồi trên ghế lãnh đạo đều có thể bàn tán về sự vụ. Chi phí quá cao, một người nói; mục tiêu là quan trọng, người thứ hai nói; lợi bất cập hại, người thứ ba đáp lại. Nhà lãnh đạo phải quyết định liệu mục tiêu có xứng với chi phí bỏ ra không. Hơn thế, người đó phải đưa ra được quyết định khi không chắc chắn về phí tổn chính xác, hoặc thiệt hại chính xác của việc không đạt được mục tiêu. Cả hai điều đó phải được cân nhắc và đo đếm bằng một loại khoa học không chính xác. Những ai không ngồi trên ghế nóng có thể nghiêng về phí tổn hoặc chi phí, nhưng họ không bị buộc phải quyết định yếu tố nào quan trọng hơn. Trách nhiệm của họ có thể rất lớn, nhưng không phải là tối cao bởi trách nhiệm tối cao nằm trong tay người lãnh đạo.
Trong hoàn cảnh này, không quyết định cũng là một quyết định. Không hành động cũng là một hành động. Lựa chọn hay từ bỏ đều có những hệ quả của nó.
Vì thế, một cuộc chiến bộ binh ở Balkans thì sao? Anh có điên không? Nhưng nếu lựa chọn thay thế là chiến thắng về phần Milosevic thì cái gì sẽ định giá hòa bình cho một khư vực rộng lớn hơn? Cái gì sẽ định giá độ tin cậy của NATO? Cái gì sẽ định giá sự răn đe đối với những kẻ độc tài?
Bởi thế, cho dù cái giá phải trả có cao đến đâu, quyết định của tôi vẫn là cái giá cho việc để Milosevic chiến thắng vẻ vang là không thể chấp nhận được. Vì thế, nếu cách duy nhất để tránh được cái giá đó là một chiến dịch bộ binh thì chúng ta buộc phải làm điều đó.
Tuy nhiên, có thể nói đó là quan điểm thiểu số.
Tại thời điểm chuyển giao giữa tháng Tư và tháng Năm, nỗi lo lắng của tôi lại tăng gấp đôi. Bao trùm trụ sở đầu não của NATO tại Brussels là sự bức bối. Chúng tôi có ít nhất một trường hợp nghiêm túc để khai thác và đang khai thác nó. Nhưng thực tế vẫn vậy: Milosevic vẫn ở đó, không có dấu hiệu cho thấy ông ta chuẩn bị rút quân. Con đường ngoại giao vẫn tiếp tục, nhưng không rõ là nó có dẫn tới kết quả chấp nhận được đối với tôi hay không. Cho tới lúc đó, tôi phải tin rằng chẳng có gì ngoại trừ thất bại rõ ràng của ông ta có thể thỏa mãn tôi.
Nhưng thái độ nhiệt tình của các đồng minh châu Âu đối với một cuộc tấn công bộ binh vẫn không hề tăng lên. Ngược lại, sự phản đối vẫn cứ kiên cố như cũ. Vào ngày 18, 19 tháng Năm, tôi viết hai bức thư, một cho Tổng thống Clinton, một cho các nhà lãnh đạo đồng nhiệm quan trọng ở châu Âu.
Trong bức thư gửi cho Bill, tôi tái khẳng định về sự cần thiết phải chuẩn bị cho một cuộc tấn công bộ binh. Tôi đề nghị huy động một lực lượng khoảng 150 nghìn binh lính với một nửa từ châu Âu và một nửa từ Anh. Đó là một đề xuất khá táo bạo bởi tôi không có lý do để tin rằng châu Âu sẽ góp quân, ngoại trừ nước Anh. Nhưng tôi cũng cược là nếu Mỹ tham gia, phía châu Âu sẽ xấu hổ mà phải ủng hộ, nhất là nếu người Anh đưa nhiều binh lính nhất.
Tôi cũng cố gắng chỉnh sửa đề xuất đã được Massimo D’Alema đưa ra trong 48 tiếng tạm ngừng ném bom. Mục đích của đề xuất là xem xét khả năng nhượng bộ của Milosevic. Tôi thực sự lo lắng rằng nếu chúng tôi chấp nhận đề xuất này một cách đơn giản thì Milosevic sẽ có được chính xác cái ông ta muốn. Vì thế, tôi gợi ý là cùng với đợt tạm ngừng ném bom, cần có một nghị quyết của Hội đồng Bảo an (một số dấu hiệu cho thấy Nga có thể ủng hộ nghị quyết này nếu tạm ngừng ném bom) nhằm cảnh cáo Milosevic: Tiếp tục hay là dừng lại; và nếu ông ta bác bỏ, nghị quyết sẽ ngay lập tức tái thiết lập triển vọng về một cuộc tấn công bộ binh.
Bức thư gửi cho Bill thể hiện sự hối tiếc về việc tiếp tục gây sức ép về vấn đề huy động lực lượng bộ binh, nhưng tôi vẫn kiên trì về sự cần thiết phải đối mặt với vấn đề. Milosevic vẫn đang chịu đựng hình phạt, nhưng việc nhắm trúng mục tiêu ngày càng trở nên khó khăn. Một đoàn xe chở dân thường đã bị đánh trúng, khiến chiến dịch của chúng tôi bị chỉ trích nhiều hơn. Tôi có thể thấy sự việc này sẽ dẫn đến đâu, mà tôi muốn tránh một thỏa hiệp rối rắm bằng mọi giá.
Với nguyên thủ các quốc gia châu Âu, tôi đã trình bày rõ rằng: Kết quả cuối cùng sẽ là “NATO không được thua” hay sẽ là “NATO không được phép sử dụng bộ binh?” Nếu câu trả lời là lựa chọn đầu tiên, sao chúng ta có thể loại bỏ khả năng sử dụng bộ binh trong khi các lời khuyên quân sự đều nhất trí rằng chúng ta không thể chiến thắng chỉ bằng các cuộc không kích?
Tôi củng cố lý lẽ của hai bức thư bằng những cuộc điện đàm. Cuộc điện đàm với Bill bắt đầu khá khó khăn. Một loạt các bài báo ngầm ám chỉ rằng nước Mỹ đang bị tôi gây sức ép phải tham chiến và tôi phải củng cố tinh thần cho ông ấy. Ông ấy chỉ trích chiến dịch báo chí của tôi (đương nhiên ai cũng tin là Alastair tự gây sóng gió qua truyền thông). Ông thực sự tức giận. Tôi đã thành thực (và chân thành) chối bỏ điều đó. Mọi việc khá căng thẳng cho đến khi tôi lái ông ấy sang hướng khác và đưa cuộc hội thoại quay trở về vấn đề chính. Đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy ông ấy nghiêng về hướng ủng hộ chiến dịch bộ binh. Đó là một bước tiên quan trọng. Tôi cũng nhận ra điều đó khó khăn với ông ấy như thế nào. Gần như không ai thúc giục ông ấy về vấn đề này và ông ấy biết tường tận rằng phe Cộng hòa sẽ xếp hàng để công kích mình vì một trong hai lý do: Yếu đuối hoặc liều mạng.
Mối quan hệ giữa chúng tôi đủ vững để vượt qua cái mà tôi gọi là “hội chứng đùa cợt” của các triều đình và cận thần chính trị. Đó là một hiện tượng tôi phải trải qua khá thường xuyên và chúng thường gây ra rất nhiều thiệt hại không đáng có.
Nhìn chung, các chính trị gia là sự tổng hòa kỳ quặc của da tê giác và giấy lụa siêu mỏng. Họ cần tấm da để vượt qua cuộc sống khắc nghiệt ban ngày, để tránh đạn và tên ít nhiều thường xuyên nhằm vào họ. Ở một mức độ khác, cảm giác bất an tự nhiên thường khiến họ nhạy cảm với việc chau chuốt hình ảnh của mình trong mắt người khác, với việc liệu họ có được đồng nhiệm tôn trọng đúng mức không, với việc ai là người hãm hại và ai là người ủng hộ họ. Tôi luôn nói rằng trên chính trường nếu không phải là thời khắc thực sự cần thì bạn không nên chủ tâm gây thù chuốc oán, bởi bạn đã vô tình gây thù chuốc quá nhiều rồi.
Trong quá trình đó, “hội chứng đùa cợt” có một vai trò lớn. Các nhà lãnh đạo đã tập hợp được những đội ngũ quanh mình; và nhờ nhà lãnh đạo, các thành viên mới có vị trí hiện tại. Hầu như họ trung thành, thậm chí là rất trung thành với nhà lãnh đạo của mình. Họ luôn cảnh giác với các biểu hiện coi thường và để mắt tới báo chí. Ghê gớm hơn, họ cũng biết về những nỗi sợ hãi và bất an trong tư tưởng của các nhà lãnh đạo và dần trở nên thành thạo trong việc lợi dụng chúng.
Tôi đã có một đội ngũ tuyệt vời và thực sự cảm thấy may mắn rằng Anji và đặc biệt là Jonathan đều đủ tỉnh táo để không nghi ngờ hay nhìn thấu những âm mưu ẩn sau mỗi lời chỉ trích hoặc động thái đó. Nhưng tôi đã phải nhắc lại hàng trăm lần rằng: “Các anh không biết ai là kẻ gây ra chuyện này và tôi cũng thế, quan trọng hơn là chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết, vì thế đừng bận tâm về nó nữa.” Dẫu sao thì tôi cũng không phải là người lên dây cót tinh thần cho các cộng sự của mình nhiều như đa số ứng viên khác, nhưng tôi thấy đây cũng là điều song hành với những nhà lãnh đạo khác và hơn thế nữa là những thành viên Nội các khác. Thời điểm tồi tệ nhất là trong và sau đợt cải tổ Nội các khi số lượng và mức độ của những đồn đại tăng vọt và nếu có tên của bất cứ ai xuất hiện trên báo chí thì ngay lập tức tác giả của chúng bị cho là “Bộ máy phố Downing”.
Ví dụ bất ngờ nhất của sự kiện này là sự việc xảy ra với Bộ trưởng Lao động và Trợ cấp Xã hội, Andrew Smith vào năm 2004. Andrew là một bộ trưởng có năng lực, một người đàn ông nhã nhặn và không bao giờ muốn trở thành Bộ trưởng nhưng lại là người làm việc chăm chỉ và hiệu quả. Giới báo chí bắt đầu thêu dệt nên rằng tôi đã lên kế hoạch sẵn sàng để cách chức ông ta. Rất có thể là những người của Gordon hoặc chính ông ta đã đưa ra ý kiến này với cánh báo giới. (vậy đó, bản thân tôi cũng là một nạn nhân của hiện tượng này, bởi tôi thực sự không biết ai đứng đằng sau).
Dù sao, ông ta cũng bị thuyết phục rằng mình đang bị đưa vào tầm ngắm. Ông ta đến gặp tôi và nói rằng mình sẽ từ chức trước khi bị đẩy đi. Cuộc cải tổ Nội các sẽ bắt đầu trong vài ngày tới và tôi đã có dự trù kế hoạch sẵn. Tôi không định cách chức ông ta, thực tế là tôi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện đó và tôi nói với ông ta điều đó. Thật đáng buồn là Andrew đã bị tổn thương và rõ ràng là không hề tin lời tôi, vẫn nói rằng, ông ta thà tự ra đi còn hơn là phải chịu mất mặt vì bị cách chức. Vì thế ông ấy quyết định ra đi.
Chúng ta phải cẩn trọng đến mức khó tin khi bị người khác làm tổn thương, những người ưa nói tầm phào và cả những mưu đồ, những kẻ đứng trong bóng tối, hay kể cả những nhân viên thân tín, những người thực sự tin rằng bạn bị hãm hại. Sự đa nghi là tình trạng tồi tệ nhất mà một nhà lãnh đạo chính trị có thể gặp phải.
Mặc dù rất nhiều lời rỉ vào tai Bill rằng bộ máy kỳ cựu của Blair đang cố gắng lật lọng ông, nhưng rất may mắn ông lại không quá bận tâm về chuyện đó. Và trong hàng ngàn những quyết định quan trọng, ông đã lựa chọn đúng đường đi với sự dũng cảm của mình.
Trong vòng hai tuần sau đó, rõ ràng phía Mỹ đang cố gắng để nhìn thấu vấn đề. Clinton đã quyết định chuẩn bị và nếu cần, sẽ tiến hành những giải pháp về lực lượng bộ binh, ít nhất là trong tâm trí ông, nhưng đáng kể là những điều như thế được truyền đi nhanh chóng gần như chỉ thông qua hệ thống nội bộ. Giới báo chí tập trung xung quanh tác động này đã bắt đầu lao vào khai thác.
Vào ngày 27 tháng Năm, chúng tôi lại bàn bạc và sau đó tôi viết một bức thư cá nhân gửi tới ông ấy. Dù ông ấy không hoàn toàn bị thuyết phục, nhưng chúng tôi đang cùng ngồi trên một con thuyền. Tôi cũng chỉ ra rằng một thắng lợi trước Milosevic sẽ là dấu hiệu báo trước một tương lai hoàn toàn mới cho các nước khu vực Baikans, trong lòng châu Âu.
Thật thú vị là ngày 1 tháng Sáu, David Miliband đã gửi tôi một bức điện từ Floria, nơi ông ta đang giữ chức Chủ tịch. David nói tóm tắt rằng ông ta nghĩ Clinton đã có quyết định của riêng mình và vấn đề hiện nay chỉ là làm thế nào để ông ta có thể thuyết phục được nước Mỹ.
Khi quyết tâm của chúng tôi lớn dần thì Milosevic cũng bắt đầu sụp đổ. Chúng tôi đã gần đến đích. Khi các nhà lãnh đạo châu Âu gặp mặt vào ngày 3 tháng Sáu, những nhà thương thuyết từ Liên Hợp Quốc do Tổng thống Phần Lan Ahtissari dẫn đầu đã đến Belgrade. Milosevic chuẩn bị đầu hàng. Trong những ngày tiếp sau, sau rất nhiều tranh cãi, mọi thứ đã kết thúc. Ngày 10 tháng Sáu, bản hiệp định về việc rút quân toàn diện và vô điều kiên của lực lượng Serbia khỏi Kosovo đã được hoàn tất.
Đó là một cái kết phi thường, đã phát triển theo hướng sau: Lực lượng Serbia sẽ rút quân và sau đó NATO tiến vào sân bay Pritina. Vào ngày 11 tháng Sáu, chúng tôi đã bất ngờ nhận được tin sẽ có sự trì hoãn và biết rằng lực lượng Nga có ý định chiếm sân bay. Trong suốt quá trình đó, tất nhiên là những hành động quân sự của Nga bị phản đối kịch liệt, đó cũng là lý do vì sao chúng tôi không thể có được một giải pháp từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Rõ ràng, họ có liên hệ chặt chẽ với người Serbia. Nếu họ nắm quyền kiểm soát sân bay chính thì đây sẽ là một thất bại với chúng tôi.
Các máy bay của Nga yêu cầu quyền bay qua Hungary để đến sân bay này, xe tăng của họ cũng đang trên đường tới Bosnia. Lúc này, Wes Clark quyết định phải để người Nga tham gia. Ông ta muốn yêu cầu Tướng Mike Jackson, vị chỉ huy người Anh trong lực lượng NATO trên chiến trường, chiến đấu giành quyền kiểm soát sân bay nếu cần thiết. Wes là tổng chỉ huy của Mike trong những mục đích kiểu này. Do đó, sự việc trở nên khá khó khăn. Chúng tôi có thực sự muốn quân đội Anh chiến đấu với người Nga hay không? Tôi không nghĩ là vậy.
Wes đã hoàn toàn đúng đắn khi giận dữ với người Nga. Đó thực sự là một sự vi phạm với những thỏa thuận đã được thống nhất. Sự kiện này mang tính chất kích động và đe dọa tới hòa bình.
Tôi đã hủy bỏ một cuộc họp để thực hiện những cuộc gọi dồn dập, tìm kiếm thông tin về tình hình chiến sự. Charles Guthrie cho rằng chúng tôi cần hết sức cẩn trọng. Khác với chuỗi mệnh lệnh chỉ huy từ trên xuống thông thường, tôi tự mình gọi cho Mike Jackson. Rất may anh ta là một công dân sáng suốt, dũng cảm, không nông nổi; nhưng chính anh ta cũng đang ở trong tình thế khó xử: Wes là tổng chỉ huy của anh ta. Mike giải thích rằng mệnh lệnh vẫn là mệnh lệnh. Chúng tôi nên làm gì? Quân đội Mỹ vẫn chưa tới, chỉ có người Anh đang ở trong tầm ngắm. Chiến đấu hay không? Mike thực sự cho rằng việc nổ súng với người Nga chỉ chuốc lấy thất bại mà thôi. Tôi nói anh ta rằng hãy đứng ngoài, lờ đi mệnh lệnh và giữ bình tĩnh. Lúc này, dường như Mike mới cảm thấy nhẹ nhõm.
Cuối cùng, sau vài ngày tiến rồi lại lui quân một cách nực cười, phía Nga nói rằng đó là một sai lầm và cuối cùng vấn đề đã được giải quyết. Tôi thường băn khoăn rằng điều gì sẽ xảy ra nếu tôi yêu cầu Mike chấp hành mệnh lệnh chiến đấu. Thực sự tôi không muốn nghĩ tiếp nữa.
Phía Nga thực sự rất khó đối phó trong lúc này. Yeltsin là người có dũng khí và đã làm rất nhiều điều vĩ đại cho đất nước mình khi chống lại lực lượng dân chủ sau khi chính quyền Gorbachev thay đổi ở Nga. Nhưng trước khi tôi biết ông ta thì Yeltsin đã trở thành, có thể nói là người khó lường. Tôi nhớ lại cuộc gặp với ông ta tại một hội nghị thượng đỉnh quốc tế không lâu sau xung đột Kosovo. Chúng tôi đã trao đổi những lời lẽ khá gay gắt về chuyện đó nhưng giờ mọi thứ đã qua khi ông bước vào phòng để chào tôi với một trong những cái ôm “hữu nghị” nổi tiếng. Tôi rất vui mừng khi được chào đón như vậy, điều đó là dấu hiệu cho thấy những hận thù đã ở lại phía sau và giờ cả hai chúng tôi đều đã sẵn sàng bước tiếp. Khi ông ta bắt đầu ôm tôi, 10 giây đầu tôi nghĩ đó là sự thân thiện tuyệt vời, 10 giây sau, tôi bắt đầu cảm thấy thiếu thoải mái và 10 giây tiếp theo tôi dường như nghẹt thở. Cuối cùng, tôi được buông ra sau một phút và bắt đầu loạng choạng đi tìm một thứ đồ uống mạnh. Tôi cho rằng ông ta đã đạt được cái mình muốn.
Tôi ấn tượng với Vladimir Putin hơn nhiều so với Boris Yeltin. Đó là một mối quan hệ bắt đầu khá suôn sẻ nhưng xa cách dần, có thể là kết quả của cuộc chiến trang Iraq, nhưng vì một lý do khác khả dĩ hơn là sự đi xuống của mối quan hệ Nga Mỹ. Tôi chưa bao giờ quên sự nồng ấm ban đầu và không bao giờ từ bỏ việc cố tìm hiểu xem điều gì khiến ông đã và đang trở nên như vậy.
Tôi hiểu rõ rằng khi Nga vẫn còn là Liên bang Xô Viết, mặc dù hệ thống Chính phủ và kinh tế đi theo đường lối sai lầm nhưng họ vẫn là một cường quốc, được các nước khác coi trọng, thậm chí sợ hãi. Tôi hiểu được sự thẳng thắn, những cải tổ chính trị và sự sụp đổ của bức tường Berlin đã giải phóng nước Nga khỏi Chủ nghĩa Cộng sản, nhưng cũng khiến họ mất đi vị thế của mình trên thế giới. Yeltsin, với tất cả sức mạnh của mình, không phải là một người có thể gây dựng lại vị thế đó. Putin trái lại, có thể, bởi ông là người theo chủ nghĩa dân tộc thuần túy.
Tôi cũng có mối liên hệ khá tình cờ với ông ấy. Những người bạn của chúng tôi, nhà Strozzi, có khu biệt thự ở Tuscany là nơi chúng tôi từng đến thăm lại là họ hàng của Irina. Họ là một gia đình thế lực. Ông chồng là một giáo sư mà tổ tiên có liên quan tới Machiavelli, còn người vợ là một người phụ nữ mạnh mẽ và hòa nhã. Họ có hai người con gái rất xuất chúng, đều thông thạo năm thứ tiếng. Gia đình của Irina đã di cư trong thời kỳ cách mạng và định cư ở Pháp, nơi cô ấy và người anh trai Vladimir lớn lên, nhưng họ vẫn có mối liên hệ với nước Nga. Một người bạn tốt của Vladimir sau này trở thành Thị trưởng thành phố St Petersburg, Anatoly Sobchak, là một trong những người ủng hộ Putin. Tôi gặp Sobchak tại biệt thự nhà Strozzi vào năm 1996 và một lần khác trước khi ông ấy đột ngột ra đi vào tháng Hai năm 2000 (do tuổi già).
Đó là sợi dây kết nối tôi với Putin, người kế nhiệm chức Thủ tướng của Yeltin trước khi tự mình tranh cử tổng thống. Ở vị trí Thủ tướng, Putin đã theo đuổi cuộc chiến ở Chechnya một cách hào hùng và như ai đó đã nói, một cách khốc liệt. Mặc dù tôi hiểu được những lời chỉ trích nhưng tôi vẫn đồng tình với sự thật rằng đó là một động thái của chủ trương ly khai với Hồi giáo cực đoan về mặt cốt lõi, vì thế tôi cũng hiểu được tâm thế của người Nga.
Chúng tôi đã có cuộc gặp ngay trước thời điểm ông ấy trở thành Tổng thống vào năm 2000. Trong khi những người khác, bao gồm cả Jacques Chirac vào thời điểm đó, tỏ thái độ lãnh đạm với Putin. Tất nhiên, cũng có lúc mọi thứ thay đổi và mối quan hệ của họ trở nên hết sức thân thiết trong khi giữa chúng tôi lại tồn tại những khoảng cách. Trước đó, Putin muốn Nga phải hướng về châu Âu và cuộc gặp đầu tiên này diễn ra ở St Petersburg, thành phố mang phong cách châu Âu nhất trong số các thành phố của Nga. Ông ấy khâm phục người Mỹ và mong muốn có mối quan hệ chặt chẽ với họ. Putin muốn theo đuổi cải cách dân chủ và kinh tế ở Nga. Chúng tôi cùng độ tuổi và dường như chia sẻ cùng một quan điểm.
Chúng tôi gặp nhau tại nhà hát Mariinsky để xem một vở opera do Valery Gergiev chỉ huy. Putin đã chọn vở opera khá kỹ càng: Chiến tranh và Hòa bình của Prokofiev, được viết như một lời cổ vũ cho chủ nghĩa dân tộc Nga và khắc họa hình ảnh Napoleon một cách châm biếm, giống như Hitler. Đó thực sự là một dịp hiếm hoi và tất cả giới thượng lưu của nước này đều có mặt tại nhà hát. Một sự việc đã xảy ra khiến tôi không thể nào quên được. Vladimir và tôi đi bộ dọc hành lang tuyệt đẹp của tòa nhà tráng lệ được xây dựng từ thế kỷ XIX. Trong một tình huống tượng tương tự ở Anh, tôi có thể sẽ chào hỏi mọi người, bắt tay, chuyện phiếm, nhưng với Vladimir thì hoàn toàn khác, tôi nhận ra mọi người đều lùi lại khi ông ấy tới, không phải là vì e ngại, mà vì sự sợ hãi và sùng kính ông. Khoảnh khắc đó giống như họ đang đứng trước Sa hoàng vậy và tôi nghĩ: “Hmm, chính trị của họ thực sự không giống với chúng ta”.
Sau này, Vladimir nhận thấy rằng phía Mỹ không cho ông ta vị trí tương xứng. Tệ hại hơn, ông ta nhìn họ như thể họ đang bâu lấy nước Nga với những thể chế cộng hòa được phương Tây ủng hộ, những người sẽ có thái độ thù địch với lợi ích của nước Nga.
Tôi đã cố gắng trong vô vọng để giải thích cho ông ấy hiểu thực ra chúng tôi hỗ trợ các nước đó theo mong muốn về một nền dân chủ chứ không phải chúng tôi coi họ như một bức tường chiến lược, làm suy yếu hay chi phối nước Nga. Chúng tôi thực sự tin rằng nếu họ cũng mong muốn tự do như chúng tôi, thì chúng tôi nên chấp thuận và ủng hộ họ. Tôi thậm chí còn đề xuất (và đã được NATO chấp nhận) một sự sắp xếp hợp tác với Nga, đưa họ tham gia sâu hơn vào những cuộc họp để đi đến quyết định cuối cùng của NATO.
Nhưng cùng lúc đó thì những nỗ lực của tôi đã thất bại. Iraq; Hệ thống Tên lửa Phòng không Quốc gia mà họ cho rằng đang hướng vào mình; điểm yếu của những nỗ lực của Mỹ mong muốn tìm kiếm đồng minh và hơn thế nữa, niềm tin của phương Tây cho rằng dưới sự lãnh đạo của Putin thì nước Nga sẽ bắt đầu đi theo xu hướng phi dân chủ và giống như Sa hoàng hay KGB. Tất cả những điều đó buộc ông ấy đứng vào tình thế mà ông tin rằng cách tốt nhất là giữ nước Nga ở vị thế “độc lập” và theo đuổi một chính sách ngoại giao đặc trưng của phe dân tộc chủ nghĩa.
Tuy nhiên, tôi không bao giờ quên được những cảm giác đầu tiên mình có với ông ấy hay suy nghĩ rằng nếu mọi thứ thay đổi theo hướng khác thì mối quan hệ của chúng tôi đã có thể tốt đẹp; nhưng mọi chuyện hoàn toàn khác và đó là chính trị.
Một lý do khác biện minh cho mối quan hệ không được suôn sẻ giữa tôi và Vladimir là tôi cho rằng ông ta đã coi cách tôi giải quyết những chính sách can thiệp nước ngoài là khó hiểu và cực kỳ nguy hiểm. Với ông ấy, những người có quyền lực cần phải tìm lợi ích của họ theo một cách truyền thống, kỹ lưỡng và phải cam kết thực hiện chúng. Việc trình bày về các nguyên nhân đạo đức là một sai lầm hết sức nghiêm trọng. Nó suy yếu khi sự bền vững là điểm cốt lõi. Nó làm bùng lên sự tranh cãi giữa đúng và sai, những thứ chỉ tồn tại khi có sự môi giới quyền lực cần thiết.
Tôi lo sợ. Tuy nhiên, sự kiện Kosovo không làm giảm mong muốn can thiệp của tôi. Đó là nơi mà tôi nghĩ là cần thiết để giải quyết một vấn đề đang tìm lối thoát và là nơi mà chúng ta cần coi trọng vấn đề đạo đức.
Ở Sierra Leone đầu năm 2000, một thách thức xa hơn đã án ngữ trước mắt chúng tôi. Nó là một trong những chủ đề ít được bàn đến nhất trong suốt thời kỳ 10 năm làm Thủ tướng của tôi, nhưng là một trong những điều khiến tôi tự hào nhất. Tuy vậy, điều quan trọng nằm ở bài học mà nó truyền tải cho chúng tôi.
Câu chuyện về Sierra Leone là một ẩn dụ về những gì đã xảy ra với châu Phi. Trường Cao đẳng Fourah Bay tại Freetown liên kết với Đại học Durham, nơi cha tôi từng giảng dạy. Trường đó từng là một trong những trường tốt nhất châu Phi và có chất lượng tương đương với nhiều trường ở châu Âu. Những năm 1960, cha tôi đã đến giảng dạy tại Freetown. Lúc đó, Sierra Leone là một đất nước được giải phóng khỏi chính quyền thực dân đô hộ với cơ sở hạ tầng được quản lý tốt và có tỷ lệ GDP trên đầu người tương đương với Bồ Đào Nha.
Giữa lúc đó và cuối những năm 1960, đất nước này trải qua một vòng xoáy suy tàn mặc dù họ hoàn toàn có thể tránh được. Trước khi chúng tôi lên nắm quyền, Chính phủ dân chủ được bầu đã coi đất nước này như thể nó bị những tên lưu manh, những kẻ điên khùng và tàn ác được biết tới với cái tên Mặt trận Đoàn kết Giải phóng (RUF) đứng đầu và sự giàu có tài nguyên thiên nhiên của đất nước, đặc biệt là kim cương, đang bị cướp bóc một cách hệ thống. Và người dân bị kẹt giữa hai bên.
Khi Chính phủ cố gắng khẳng định rằng tương lai sẽ được quyết định thông qua cuộc bầu cử, thì những người ủng hộ phải chịu một chiến dịch tàn bạo như thời trung cổ. Đến thăm đất nước này sau khi bạo động đã được giải quyết, tôi lái xe đi khắp các ngôi làng. Khoảng 1/3 hoặc 1/4 người dân bị mất tay phải. RUF phản ứng với yêu cầu bầu cử là cắt cánh tay bỏ phiếu của các cử tri.
Trước khi chúng tôi can thiệp thì những vòng thương lượng, các hiệp định, tuyên bố, nỗ lực diễn ra liên tục để tìm tiếng nói chung giữa những bè phái “vô sản”. Trong hai năm, Chính phủ dân chủ lại tiếp diễn, lực lượng Liên Hợp Quốc được gửi tới. Nhưng như thường lệ, họ bị phản đối dữ dội cả về mặt chính trị lẫn hậu cần.
Nước Anh, từng là một nước thực dân hùng mạnh, lại có mối quan tâm riêng. Chúng tôi đóng góp một vài quan sát viên và những cố vấn quân sự cho quân đội, nhưng rõ ràng tình thế đang đi xuống. Lệnh ngừng bắn được ban ra và duy trì. Tháng Năm năm 2000, đột nhiên mọi thứ trở nên khó khăn khi RUF từ bỏ lệnh ngừng bắn mới nhất và giận dữ nổ súng.
Tổng thống Ahmad Tejan Kabbah là một người đàn ông nhân từ và nhã nhặn, ông ta đã đến gặp tôi để cầu xin sự trợ giúp khi RUF đang đe dọa lên nắm quyền kiểm soát toàn bộ đất nước. Chúng tôi đưa ra quyết định đơn giản nhưng cần thiết là sẽ để lại cho quân đội của Liên Hợp Quốc những người đã cho thấy họ không thể ngăn chặn RUF hay chúng tôi sẽ quyết định tự hành động?
Như mọi khi, Charles Guthrie hết sức rõ ràng và rành mạch. Ông ta nói: Chúng ta đã có một lực lượng hơn một nghìn quân. Chúng ta có thể gửi đi nhiều hơn. Chúng ta có thể gửi đến cả một chiến hạm. Nếu anh muốn chúng tôi cầm cự trước RUF, hãy làm thế. Mệnh lệnh đã được đưa ra.
Quân đội Anh đang chiến đấu bảo vệ sân bay ở Lungi. Nhiệm vụ của họ đã được mở rộng và thực sự họ đã cầm cự được trước phiến quân của RUF trong vài tuần liên tục. Những hành động đó đã cho Liên Hợp Quốc cơ hội tăng cường lực lượng. Lãnh đạo của RUF là Foday Sankoh đã bị bắt và trong suốt những tháng sau, sự hiện diện của cộng đồng quốc tế đã tăng lên, phiến quân bị đánh bại và sau đó là chiến dịch giải giáp vũ khí toàn diện, những cựu lính của RUF trở về với cuộc sống thường ngày. Chế độ dân chủ của đất nước này đã được bảo toàn.
Sau trải nghiệm đó, tôi dần tin tưởng hơn về ý tưởng cho ra đời một lực lượng thường trực cho châu Phi, họ được trang bị đầy đủ, với quân số nên là người gốc Phi, có nhiệm vụ can thiệp và có thể được huy động trong những tình huống như ở Sierra Leone. Vấn đề ở đa số các nước châu Phi là xung đột. Bạn có thể đưa đến đây hàng cứu trợ nhưng chỉ khi nào bạn giải quyết được gốc rễ của vấn đề, cuộc chiến tranh giành tài nguyên và lãnh thổ, Chính phủ yếu kém hoặc tham nhũng, còn không thì những hỗ trợ chỉ như là những miếng băng cứu thương, rất dễ bị phá vỡ và vết thương có thể toác ra bất cứ lúc nào. Tôi ủng hộ một lực lượng như thế và với nỗ lực của ngài Kofi Annan, Liên Hợp Quốc cuối cùng cũng đi đến sự đồng thuận. Dù lực lượng vẫn đang trong quá trình thành lập và nếu chúng ta không thể giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong chính trị thực tế thì tất cả những hỗ trợ phát triển đó sẽ chỉ cứu vớt lương tâm của chúng ta chứ không cứu được những nước đang cần được giúp đỡ nhất.

Trong cuộc xung đột Kosovo, tôi có cơ hội phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế Chicago. Trong bài diễn văn ngày 24 tháng Tư năm 1999, tôi đã nêu ra thứ tôi gọi là “Chủ nghĩa Cộng đồng quốc tế”, một cái tên có vẻ tầm cỡ cho một quan điểm khá đơn giản: Sự can thiệp nhằm lật đổ chế độ độc tài chuyên chế có thể được giải quyết từ gốc rễ bản chất chế độ đó chứ không chỉ từ mối nguy hại trực tiếp tới quyền lợi của chúng ta. Đó là sự bác bỏ rõ ràng về quan điểm lợi ích quốc gia hẹp hòi và xây dựng một chính sách can thiệp trong bối cảnh ảnh hưởng toàn cầu hóa.
Đó thực sự là sự cắt đứt với quá khứ mà tôi đã cẩn trọng đề cập tới chế độ độc tài với những giới hạn, trong trường hợp nó bị cho là ngớ ngẩn. Kể cả như thế thì chủ đề này cũng khơi ra những tranh luận dễ đoán về việc xây dựng chính sách ngoại giao liên quan đến những nguyên nhân đạo đức. Điều thú vị là dưới tác động của những chiến dịch quân sự sau này, nhiều người thuộc Đảng Cộng Hòa đã ngay lập tức gắn điều đó với vấn đề, coi đây là hành động làm vấy bẩn một trong những điều quan trong nhất: Lợi ích quốc gia của người Mỹ. Nhưng tất nhiên, quan điểm của tôi có ý nghĩa rằng quyền lợi đó cần được định nghĩa một cách sâu rộng hơn trong kỷ nguyên mới.
Tôi đã đưa ra năm vấn đề chính cần xem xét khi cân nhắc can thiệp.
Thứ nhất, liệu chúng ta có chắc chắn về tình huống này? Chiến tranh là công cụ thiếu hoàn chỉnh nhằm đấu tranh cho sự xúc phạm về nhân quyền, nhưng quân đội có vũ trang đôi khi là công cụ duy nhất để đối phó với những kẻ độc tài. Thứ hai, liệu chúng ta đã cạn kiệt những lựa chọn dân chủ khác? Chúng ta cần ưu tiên hòa bình trong mọi trường hợp như chúng ta đã làm với Kosovo. Thứ ba, trên cơ sở đánh giá thực tiễn tình hình, liệu những can thiệp quân sự có được thực thi một cách khôn ngoan và chặt chẽ? Thứ tư, chúng ta đã chuẩn bị cho kể hoạch lâu dài? Trong quá khứ, chúng ta nói quá nhiều về các chiến lược rút quân nhưng với cam kết đã có, chúng ta không thể đơn giản là ra đi ngay khi cuộc chiến kết thúc. Chúng ta cần duy trì sự hiện diện của một lượng quân sự vừa đủ hơn là phải quay lại với số lượng binh lính lớn hơn. Và cuối cùng, chúng ta đã cân nhắc tới lợi ích quốc gia chưa?
Nghĩ về quá khứ, áp dụng những câu hỏi này với Iraq đã cho thấy một tình thế được cân bằng và tại sao tôi không bao giờ cho những người phản đối là ngu ngốc hay yếu kém.
Tuy nhiên bản thân chủ nghĩa đó không chỉ là một cuộc bàn luận về chính sách ngoại giao mà đã trở thành những nhận định, một nhận định được thống nhất giữa các bên trong chính trị: Làm thế nào để mang đến thay đổi tốt nhất, nếu như thay đổi là cần thiết và được con người khao khát mãnh liệt. Sự thay đổi có thể diễn ra bằng phát triển hay bằng cách mạng. Điều này cũng đúng khi một đất nước đấu tranh vì tự do. Nước Nga năm 1917 là một quốc gia như thế. Nó đã có thể thay đổi qua thời kỳ của Kerensky và từng bước đổi mới nền xã hội dân chủ, nhưng thực tế là cách mạng Bolshevik đã mang tới sự thay đổi đó. Điều này cũng đúng với nhiều khía cạnh của chính trị: Dịch vụ công hoặc nền kinh tế có thể đổi mới bằng những cải cách dần dần hoặc một cách dữ dội như với cách mạng Thatcher về công nghiệp năm 1980.
Nhưng vấn đề ở đây là: Nếu một hệ thống hoạt động kém hiệu quả, nó thực sự cần thay đổi dù sự thay đổi đó là dần dần hay đột ngột.
Trong một số trường hợp mà chế độ này có tính đàn áp và độc tài, cách mạng là con đường giải quyết đúng đắn nhất. Cải cách có thể chậm chạp nhưng chúng ta có hướng đi và nó là cách tốt; ít nhất nó cũng không đe dọa điều gì.
Trong những trường hợp khác, bản chất cốt lõi của chế độ nằm ở cách chúng áp bức. Chúng đã chọn phương thức hoạt động cho mình. Điều đó sẽ không thay đổi, không phải bằng phát triển, không phải bằng việc thực thi ý nguyện của chúng, bởi ý nguyện đó chính là hướng tới sự áp bức và trong thời gian dài, ít nhất, nó sẽ không thể thay đổi bằng ý chí của con người, bởi những người bị áp bức thường thiếu phương tiện để lật đổ chính quyền đó. Vì thế, bản chất thâm hiểm của chúng sẽ càng sâu xa hơn.
Kể cả với những chế độ như vậy, câu trả lời không phải lúc nào cũng là can thiệp. Họ có thể không là mối nguy hại với bên ngoài, hoặc có thể dễ dàng được kiểm soát một cách dân chủ. Nó có thể, như với Mugabe, chỉ đơn giản là phi thực tế chính trị để can thiệp.
Nhưng ở nơi nào chúng ta thấy sự đe dọa và can thiệp là hữu dụng thì cần đưa ra một kết luận. Nếu thay đổi không đến từ phát triển, liệu nó có đến từ cách mạng? liệu những người có sức mạnh quân sự có suy xét đến việc thực hiện các động thái cần thiết không?
Mối nguy hiểm khá rõ ràng. Như tôi đã nói trước đây, những thái độ như vậy có thể dẫn đến cuộc hành quân vội vã và hậu quả còn tồi tệ hơn việc bị áp bức. Đó là điều chúng ta nên làm vơi Iraq (chúng ta sẽ trở lại bàn luận về việc này trong phần sau). Nhưng việc không can thiệp cũng có hậu quả riêng, như tôi đã từng nói. Trong mỗi chiến dịch quân sự mà tôi tham gia vào, đều có việc không can thiệp trước khi buộc phải can thiệp. Milosevic đã tước bỏ quyền tự chủ của Kosovo vào năm 1989 và những căng thẳng và đau thương đã tồn tại gần một thập kỷ. Bosnia là ví dụ hoàn hảo của mọi triết lý phi can thiệp và cả những hậu quả của nó. Ở Sierra Leone, thông qua những thỏa hiệp, phi can thiệp hoặc can thiệp nhẹ đã duy trì thống trị trong vài năm. Nói cách khác, sự thay đổi thế trận đã thất bại. Thứ duy nhất có hiệu quả là giải quyết vấn đề chứ không phải là làm nó nguội bớt. Và tất nhiên ở một khu vực khác ở châu Phi, một làng nhỏ của Rwanda, những người ủng hộ phi can thiệp đã thành công trong việc đối phó lại những kẻ coi diệt chủng như một cách kêu gọi sử dụng vũ khí.
Không ai có thể nói rằng những vấn đề của Balkan giờ đã được giải quyết. Sierra Leone vẫn nghèo, giống như các nước châu Phi khác. Nhưng với các nước vùng Balkan, với hơn một thế kỷ bất ổn vừa qua, hiện ít nhất cũng đã có triển vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Croatia đã mở cửa đàm phán với EU; Slovenia đã trở thành thành viên chính thức. Sierra Leone là một nước dân chủ. Chính quyền của họ đã thay đổi mà không có đổ máu. Quốc gia láng giềng, Liberia, đang trải qua tình cảnh tương tự với một chặng đường khó khăn phía trước, những cựu lãnh đạo của họ từng ủng hộ RUF đang chờ ngày bị đưa ra xét xử.
Khi cách mạng diễn ra thông qua can thiệp và khi can thiệp ấy dựa trên tham vọng mang đến tự do và dân chủ, cuộc chiến vẫn rất cam go và hậu quả vẫn khó lường. Những người cho rằng nếu chúng ta không can thiệp và để mặc các nước đó thì tốt hơn sẽ có thể cho rằng mình đúng, nhưng tôi ngờ rằng lịch sử sẽ có chung nhận định. Ngay cả khi nó mang đến nỗi đau chiến tranh thì ít nhất nạn áp bức cũng sẽ bị loại bỏ sau một cuộc cách mạng như thế. Một sự tiến triển, dù khó khăn cũng sẽ bắt đầu.
Đó là một chủ đề hấp dẫn. Trong cuộc họp đặc biệt của năm ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tại New York vào tháng Chín năm 2000, bản báo cáo Brahimi đã được thông qua, mở đường cho kế hoạch thành lập một lực lượng thường trực của Liên Hợp Quốc nhằm gìn giữ hòa bình châu Âu, một tác động trực tiếp từ thắng lợi của hành động can thiệp vào Sierra Leone. Điều này cũng dẫn đến việc Liên Hợp Quốc đồng ý nguyên tắc năm 2005 về “Trách nhiệm Bảo vệ”, cho rằng các nước cần có nhiệm vụ bảo vệ công dân của mình khỏi những hành động tàn bạo hàng loạt và cộng đồng quốc tế có nhiệm vụ can thiệp nếu như Nhà nước đó không thể làm tròn trách nhiệm này.
Mặc dù điều này khiến tôi hết sức phấn khích (và với một vài người khác), thì nó vẫn không phá vỡ lớp băng tồn tại với công chúng Anh.
Trong suốt năm 1999 và đặc biệt là xung quanh sự kiện Kosovo, chúng tôi nhận thấy Chính phủ đang mất dần sự ủng hộ. Trọng tâm của Chính phủ, cũng là trọng tâm của tôi dường như bị trôi vào dĩ vãng và có quá nhiều thứ phải làm trong nước, chưa kể đến vấn đề y tế, giáo dục và tội phạm. Và thực sự, chúng tôi đang nỗ lực để làm điều đó, nhưng ngẫu nhiên là tất cả những tin chính đều ngập tràn những xe tăng, bom hay máy bay.
Dù sao cũng không phải mọi thứ đều tồi tệ. Chúng tôi đã giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử đầu tiên ở Nghị viện Scotland, lần đầu tiên trong thế kỷ XX, Chính phủ đã dẫn trước trong các cuộc bầu cử địa phương. Không phải vì thế mà tôi gọi họ là “địa phương”, một thứ bản thân cũng là một cuộc cách mạng trong quá khứ.
Những nỗ lực để chuyển giao quyền lực cho Scotland, Ireland và Wales đã được thực hiện từ khi Vương Quốc Anh được thành lập và lần nào họ cũng thất bại. Chính cam kết chuyển giao đã nhấn chìm và gần như phá hủy Đảng Tự Do cuối thế kỷ XIX. Những năm 1970, trong một đợt chuyển giao tương tự, Chính phủ Công Đảng cuối cùng đã thất bại, khi cái được gọi là Nghi vấn West Lothian bao trùm toàn bộ cuộc tranh luận và đánh bại quá trình chuyển giao hợp pháp.
Nghi vấn West Lothian được đặt theo tên của cử tri Đảng Lao động Tam Dayell, kể từ khi anh ta đề xuất vấn đề này. Câu hỏi này thực ra rất đơn giản: Nếu thông qua ủy quyền, bạn có thể duy trì được một số vấn đề cụ thể như y tế và giáo dục cho Quốc hội Scotland, để các nghị sĩ Anh không phải ý kiến thêm về mấy vấn đề đó; thế thì việc những nghị sĩ Scotland vẫn có thể bỏ phiếu cho những vấn đề giáo dục và y tế của nước Anh hợp pháp và hợp lý ở mức độ nào? Đó là một câu hỏi vô cùng nhạy cảm và là một ví dụ thú vị về vấn đề chính trị mà chúng ta chưa tìm ra câu trả lời thỏa đáng.
Tuy nhiên, câu trả lời của tôi, dù chưa hợp lý lắm, là việc sắp xếp chuyển giao quyền lực không phải là không công bằng như ta tưởng. Sự thật là các nghị sĩ Anh thống trị Nghị viện thông qua ngân sách và ban hành luật. Ví dụ, trong quyết định phân phối ngân sách cho Scots, các nghị sĩ Anh có thể luôn luôn đắc cử. Và dĩ nhiên, căn cứ theo Hiến pháp, về mặt lý thuyết thì bất cứ quyền lực nào Westminster ban cho, nó đều có thể thu hồi. Vì vậy, dù câu hỏi West Lothian là hợp thức, thì việc sắp xếp trong nghi vấn này với nội dung về công bằng và bình đẳng giữa Anh và Scotland trong Liên minh là hợp lý (hoặc ít ra là chính đáng). Dù sao thì cho đến nay chỉ có một câu trả lời, không thể khác được!
Tôi không bao giờ là một người được ủy quyền tận tâm. Đó là một trò chơi khá mạo hiểm. Bạn không thể chắc chắn khi nào quan điểm được thống nhất và khi nào quan điểm bị phân tán. Tôi nhiệt thành với nước Anh, tôi hoài nghi về khái niệm “chủ nghĩa dân tộc”; và lo lắng liệu chúng có thể vượt qua được hay không. Tuy nhiên, dù chẳng thích thú gì, tôi cũng nghĩ rằng điều ấy là khó tránh khỏi. Giống như một Nhà nước liên bang phải kết hợp với các nước khác nhằm củng cố quyền lực trong một tổ chức đa quốc gia để đối phó với thách thức toàn cầu, chúng tôi cần phải có một áp lực không gì suy chuyển để chuyển giao quyền lực xuống mọi người ở những cấp thấp hơn, nơi họ cảm thấy hành động đó là một kết nối bền vững.
Chúng tôi không muốn Scotland coi lựa chọn đó là sự chia rẽ. Đó là yếu tố cốt lõi trong chương trình dành cho Scotland của chúng tôi. Người Scotland vốn nổi tiếng nhạy cảm với vấn đề này.
Tôi luôn nghĩ rằng điều đó thật đặc biêt: Tôi sinh ra ở Scotland, cha mẹ tôi cũng được nuôi dưỡng nơi đây, chúng tôi đã sống ở đây, tôi học tập ở đây, nhưng bằng cách nào đó – đây là vấn đề về chủ nghĩa dân tộc được phát động – bọn họ (chú ý “bọn họ”) đã dối trá nhằm làm cho tôi cảm thấy mình như một người ngoại quốc vậy.
Ngôn từ được sử dụng rất cẩn thận. Họ vốn rất nhạy cảm với nỗi sợ hãi rằng Quốc hội có thể sẽ bị chuyển thành một hội đồng địa phương (dù điều này không bao giờ xảy ra). Các phương tiện truyền thông của Scotland hoàn toàn vô vị và tủn mủn. Họ thấy được cả một lỗi bé tẹo mà mắt thường không thấy được (bởi nó không hề tồn tại). Trong một lần trả lời phỏng vấn về vấn đề việc tại sao Quốc hội nên tăng thuế chức vụ, tôi trả lời rằng: “Ngay cả một hội đồng Giáo xứ cũng có thể làm được, tại sao Quốc hội Scotland lại không?”. Câu trả lời của tôi đã ngay lập tức biến thành một tiêu đề bài báo: “Blair so sánh Quốc hội với hội đồng Giáo xứ”; cái tiêu đề này, ngay cả với những chuẩn mực nhất định, cũng đã bị bóp méo ít nhiều. Thật nực cười, việc giải quyết vấn đề này quả là khó nhưng nó cũng khá hài hước đấy chứ!
Ví dụ tốt nhất về sự ám ảnh kinh niên của họ đối với mưu đồ của Anh nói về lời đề nghị tuyên ngôn năm 1997, để có một cuộc trưng cầu xem liệu có nên có một Quốc hội Scotland hay không. Khi pháp luật về phân cấp được thúc đẩy thông qua Westminster, tôi biết rằng cách duy nhất chúng ta có thể tránh được cái bẫy mà các Chính phủ trước đó đã rơi vào, là vô hiệu hoá khả năng của hệ thống phá hoại ngầm về mặt pháp lý do Thượng viện gây ra. Quyền nghị sự của họ cũng không ở trong tình trạng tốt như chúng ta, kể từ khi họ buộc phải cải cách và loại bỏ hình thức cha truyền con nối. Vào thời điểm đó, giới cầm quyền đã cơ bản bị kiểm soát bởi “c” nhỏ và “C” lớn (chữ C trong từ Conservative có nghĩ là Bảo thủ). Những người bảo thủ − những kẻ không thích việc chuyển giao quyền lực kể từ khi nó đại diện cho sự thay đổi Hiến pháp. Tôi biết họ sẽ nắm lấy bất kỳ cơ hội nào để loại bỏ biện pháp đó, trừ phi tồn tại một cách nào đó, mà về mặt Hiến pháp hoặc chính trị, cản trở họ ngăn nó lại. Và tất nhiên, West Lothian Question đã cho họ, như trong thập niên 1960 và 1970, lý do chính đáng để chia bè chia phái.
Trong khi lãnh đạo phe đối lập, bất chấp mối nghi ngại lớn từ George Robertson, sau đó là Shadow – Ngoại trưởng Nghị viện Scotland, tôi đã nghĩ ra cách thử nghiệm bằng việc tiến hành trưng cầu dân ý trước khi lập pháp. Nhưng trước đó, phải để mọi người đưa ra quyết định trên nguyên tắc. Chiến lược rất rõ ràng: Phân cấp sau 100 năm chờ đợi. Chiến thuật rõ ràng được mọi người hưởng ứng và các vị lãnh đạo cũng không thể chối từ.
Hành động đó đã tạo ra nhiều điều tiếng xúc phạm méo mó từ các nhà theo chủ nghĩa dân tộc và những người làm thuê, những người đã bị thuyết phục rằng việc làm đó được tạo ra để lật đổ tất cả. Thậm chí nó còn bị gọi là phi dân chủ. Tôi đã có một cuộc đàm thoại trái chiều và phỏng vấn mà trong đó tôi bị hỏi vặn: “Phải chăng cuộc trưng cầu dân ý chỉ là cách phủ nhận quyền lợi của Scotland và Quốc hội hợp pháp”. Tôi trả lời: “Có thể, nhưng những người bỏ phiếu cũng là người Scotland”. Ah, họ sẽ vặn lại rằng, nhưng giả sử họ bỏ phiếu chống? Vâng, tôi sẽ nói, trong trường hợp này tôi cho rằng họ không muốn. Và cứ như vậy. Hết câu hỏi bất ngờ này đến câu trả lời bất ngờ khác.
Trong trường hợp họ bỏ phiếu thuận, Thượng viện có thể chỉ cãi bướng bằng vỏ ngoài pháp luật, chứ không tấn công vào cốt lõi của vấn đề, việc chuyển giao quyền lực đã xuất hiện. Tôi nghĩ đó là việc nên làm và hy vọng nó có thể được tiến hành.
Vào đầu tháng Mười hai năm 1999, thành viên của Đảng Bảo thủ, Shaun Woodward đến thăm tôi. Ông đã từng là ngôi sao của chiến dịch tranh cử Đảng Bảo thủ năm 1992. Ông là người thông minh, nói năng lưu loát và có phong cách giản dị. Những người đã từng tham gia chiến dịch Đảng Bảo thủ khi Đảng Lao động bất ổn vào thập niên 1980, là những người hào phóng, cực kỳ ghét những thành kiến của Đảng Bảo thủ về quyền của những người đồng tính và bất đồng với họ về vấn đề châu Âu – đó là toàn bộ quan điểm của họ về thế giới mới – muốn rời bỏ hàng ngũ.
Ông ấy gặp Cherie trước, sau đấy chúng tôi mới nói chuyện. Tôi nghĩ ông ấy là một thiên tài. Về bản chất đó là một người táo bạo vĩ đại, nhưng tôi cũng nghĩ ông ấy là phần bù hoàn hảo cho đội chúng tôi. Mời được ông ấy về thật khó khăn (dù cuối cùng chúng tôi cũng đã làm được). Đào ngũ có thể bị xem là hành động của chủ nghĩa cơ hộ. Nhưng nó cũng có thể là hành động can trường. Trong trường hợp của ông ấy, tôi nghĩ là điều thứ hai. Alstair đã giải quyết nó quá tốt và điều đó được thông báo ngay trước Giáng sinh.
Điều đó ra sức kìm kẹp chúng tôi ngay giữa vùng đất và biểu hiện ra theo một cách chẳng thể nói thành lời, chính sách mở cửa của chúng tôi hướng tới những người nghĩ rằng đất nước đã chuyển mình theo chủ nghĩa Thatcher mà không quay lại với Đảng Lao động cũ. Đây là những người đã thành công, hoặc muốn được thành công, những người đã ủng hộ một nền kinh tế thị trường cạnh tranh và những người tự do và từ bi. Nó là một dòng tư tưởng đã khắc sâu vào các phương tiện truyền thông, theo một lối suy nghĩ phải/trái truyền thống, nhưng nó có khu vực bầu cử riêng ở đất nước này.
Tuy nhiên, tôi cũng nhận thức rằng khi người ta ủng hộ quan điểm, lời nói và đường lối, họ cần phải biết con đường đang được dõi theo ở mức độ nhất định và phải đạt đến đích như mong muốn. Vì với những điều có thể xảy ra, chúng ta phải có nhiều hướng tiếp cận triệt để hơn. Chúng tôi đã thành công về chính trị, thành công to lớn, nhưng chính trị chỉ là một cái đích và sự thất vọng trong tôi và xung quanh tôi lại bắt đầu dâng lên.
Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi - Tony Blair Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi