TV. If kids are entertained by two letters, imagine the fun they'll have with twenty-six. Open your child's imagination. Open a book.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Tony Blair
Thể loại: Tùy Bút
Nguyên tác: A Journey : My Political Life
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1655 / 31
Cập nhật: 2016-06-09 04:39:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5: Công Nương Diana
au kỳ nghỉ hè, tôi cảm thấy rất khỏe khoắn và thoải mái. Những tháng đầu tiên từ khi bước chân vào ngôi nhà Số 10 đã diễn ra suôn sẻ. Thời gian đầu chúng tôi đã có nhiều sai sót, đã bỏ lỡ nhiều cơ hội và có những quyết định không hoàn hảo nhưng tình hình chung đến nay khá tốt. Thời gian tiếp theo chắc sẽ khó khăn hơn nhiều. Tâm trạng của công chúng diễn biến lạ thường. Khi họ hoan hỉ vây quanh bạn bạn, thì kinh nghiệm mách bảo bạn rằng có điều gì đó không ổn và hãy chuẩn bị tinh thần. Bạn băn khoăn tự hỏi không biết làm thế nào để thay đổi được họ. Tất nhiên, bạn biết họ đang và sẽ thay đổi, nhưng họ cũng có thể dễ dàng tâng bốc bạn hoặc tàn nhẫn đẩy bạn lùi lại, như thể bạn buộc phải chấp nhận cảm giác phấp phỏng sẽ tồn tại vĩnh viễn vậy.
Quyền lực của truyền thông rất quan trọng trong việc hình thành các sắc thái tình cảm của công chúng. Khi tâm trạng tốt đẹp, mọi thứ theo sau sẽ tốt đẹp: sai sót được xem là chuyện lạ đáng yêu, lừa dối được xem là chuyện vui và quá trình ra quyết định khó khăn gian khổ thì đơn giản chỉ là thể hiện trách nhiệm phải làm cho đúng mà thôi. Khi tâm trạng không tốt thì mọi chuyện lại trở nên khó khăn, tàn nhẫn như khi ta chạy ngược gió vậy: chỉ cần nói một lời hớ hênh thôi cũng sẽ bị thổi phồng lên ngay, mọi sai phạm trước đây đều được nhắc lại để chì chiết, quá trình ra quyết định khó khăn được xem là sự kém cỏi. Bạn đang làm cùng một việc với cùng một cách thức, nhưng tùy vào thái độ đánh giá, quan điểm về bạn sẽ hoàn toàn khác biệt.
Khẩu hiệu “Công Đảng Mới, nước Anh Mới” không hề thể hiện sự ngạo mạn. Ngược lại, nó hoàn toàn phù hợp với tâm trạng của nhân dân. Tất nhiên, trên thực tế chúng tôi mới chỉ phác thảo những nét đầu tiên của chính sách về dịch vụ công, phúc lợi xã hội và trợ cấp; nhưng mọi chuyện không hoàn toàn như vậy trong những tháng đầu tiên đó.
Chính phủ Đảng Bảo thủ đã tranh cãi về tất cả các lý do đề xuất chính sách, nhưng xét về một khía cạnh nhất định, thì đó là một nền chính trị bình thường. Cách tiếp cận mới đối với lĩnh vực công nghiệp là để người dân tự do kinh doanh không can thiệp, cuộc chiến với các công đoàn, khủng hoảng ở các nước khác – mỗi thứ đều gây thiệt hại theo những cách khác nhau đối với chương trình hành động được Đảng Bảo thủ thiết lập để lãnh đạo đất nước và những lý luận của chương trình này đã trở thành lẽ phải thông thường trên toàn cầu. Tuy nhiên, họ cũng đang “bảo thủ” với chữ “b” thường, họ đang khiến mình trở nên lạc hậu. Ví dụ, họ chỉ trích mạnh mẽ Công Đảng cánh tả ở London vì đã ủng hộ quyền của người đồng tính nam. Trong những năm 1980, quyền này được ủng hộ nhưng cuối những năm 1990, nó lại bị phản đối. Sự bảo thủ của họ, sự phô trương của họ, tình yêu đối với truyền thống của họ đã vạch ra ranh giới bằng thép ngăn cách họ với một thời đại vàng son đã qua. John Major, theo nhiều cách khác nhau đã có thể dẫn dắt họ vượt qua sức níu kéo của quá khứ vàng son ấy, nhưng vấn đề là ông ta đã không gánh lấy trách nhiệm lãnh đạo.
Thời điểm Công Đảng bắt đầu vứt bỏ sự níu kéo của quá khứ và hành động trên quan điểm hiện đại trong lĩnh vực kinh tế – riêng trong các lĩnh vực như quốc phòng và tội phạm thì chính sách vẫn dựa trên quan điểm truyền thống, thì các lý do khiến cử tri gắn bó với Đảng Bảo thủ cũng không còn nữa.Tư tưởng thời nay đã trở nên thông thoáng hơn, người dân nhìn nhận các vấn đề xã hội với quan niệm tự do hơn, ít bị ràng buộc theo tầng lớp xã hội hơn và họ tôn trọng tài năng hơn. Việc tôi đã từng là một cậu học sinh public school còn John Major là học sinh state school cũng chẳng thành vấn đề. Tôi lãnh đạo một đảng theo hệ tư tưởng này; còn ông ta thì bị kiềm chế bởi một đảng theo hệ tư tưởng khác.
Sự thay đổi tình cảm chính trị hiện nay đã ăn sâu bén rễ vào đời sống của công chúng. Một cách tự nhiên nó cũng ảnh hưởng đến cả vương triều và vương triều cũng thể hiện điều đó theo cách riêng của mình qua Công nương Diana. Bà là một biểu tượng và có lẽ là người nổi tiếng nhất, được chụp ảnh nhiều nhất thế giới. Diana nắm bắt được bản chất của thời đại, giữ nó trong lòng bàn tay mình. Bà định hình nó.
Điều này đang làm xáo trộn nghiêm trọng vương triều trong tư cách một thể chế, hay trong tư cách một vấn đề, nếu bạn thích nói như vậy. Công nương có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với những người xung quanh, bà có khả năng kết nối với công chúng, bà can đảm khuyến khích cái mới và là người phê bình nhiều hơn là ủng hộ vương triều. Điều đó không có nghĩa là bà hoàn toàn không chấp nhận vương triều và toàn bộ các truyền thống lâu đời mà nó gìn giữ – bà tán thành nó – nhưng cách bà diễn đạt điều đó thì lại rất hiện đại, nhưng như thế thì thật mạo hiểm, chẳng theo lề thói gì hết và vì thế mà tiềm ẩn bao nhiêu nguy cơ đối với vương triều. Khi Diana bước vào những khu vực mà cho tới nay vẫn còn bị cấm, cẩn trọng vượt qua các rào cản về tính chính danh và xé toạc tấm màn che phủ các chuẩn mực ứng xử của Hoàng gia bằng một sự cởi mở mà lúc thì như cực kỳ thiếu khôn ngoan, lúc lại hết sức thông minh, thì hoàng tộc, như tôi thấy, đã rơi vào tình trạng không biết ăn nói ra sao và rất bối rối trước cách hành xử của Công nương. Tất nhiên, Công nương phải hết sức khéo léo khi thể hiện sự ủng hộ của mình đối với bất kỳ một chính đảng nào, nhưng theo tính cách của bà và trong thời điểm hiện nay, thì có một sự phù hợp hoàn hảo giữa những gì bà thể hiện và những giá trị mà chúng tôi đại diện với tư cách một chính đảng. Bất kể điều gì mà Công Đảng mới có thì Diana cũng có, tuy nhiên, chúng tôi mới chỉ có một phần thì bà lại có trọn vẹn điều đó.
Tôi biết rõ về Công nương trước cuộc bầu cử năm 1997. Lord Mishcon, một đồng sự trong Công Đảng, đã mời tôi đến ăn tối để gặp gỡ Công nương. Maggie Rae, môt người bạn của tôi, biết một số người quen của bà và cũng mời bà đến ăn tối. Từ đó, chúng tôi giữ liên lạc và thỉnh thoảng gặp gỡ nhau.
Diana có sức quyễn rũ mãnh liệt. Sự tinh tế mà bà thể hiện là kết hợp kỳ diệu giữa nét hoàng tộc quý phái với tính cách dung dị. Bà là thành viên hoàng tộc có cách cư xử rất khoáng đạt và tình cảm. Nhưng trên hết, Diana sẵn sàng hòa nhập và thân thiện với tất cả mọi người trên cơ sở bình đẳng. Bà không hề kẻ cả, mà trái lại cười đùa, trò chuyện tự nhiên với mọi người. Đó chính là nét quyễn rũ mãnh liệt của Diana: hãy đưa Công nương vào một nhóm người bất kỳ, ở bất cứ nơi đâu và ta sẽ thấy bà có thể hòa đồng ngay với họ.
Diana có trí tuệ cảm xúc rất tốt nhưng cũng là người có hiểu biết và lý trí cao không kém. Có lần tôi đã nói chuyện với bà về lợi ích và sức mạnh của hình ảnh và cách sử dụng chúng hiệu quả nhất, qua đó tôi thấy bà có một trí tuệ tuyệt vời không những về khả năng trực giác mà còn về lập luận nhạy bén. Diana tư duy mạch lạc và có thể định hình mọi thứ. Thỉnh thoảng bà gọi điện cho tôi và hỏi tại sao một bức ảnh như vậy lại là thứ bỏ đi, hay cần làm gì để mọi thứ tốt hơn và mặc dù như tôi đã nói, bà không thể bày tỏ thái độ chính trị, nhưng bà biết rõ chúng tôi đang cố đạt được điều gì và tại sao chúng tôi lại làm như vậy. Tôi thường nói với Alastair rằng: nếu Công nương mà làm chính trị thì thậm chí cả Clinton cũng sẽ phải dè chừng.
Diana cũng là người có ý chí mạnh mẽ và kiên cường. Tôi có cảm tưởng rằng bà có thể bất đồng với bạn cũng dễ như khi tán đồng. Bà biết sức mạnh của sự hiện diện của mình và có khả năng sử dụng điều đó để làm mê hoặc lòng người và bà thường dùng chúng để làm việc tốt; nhưng trong cảm xúc của bà có sự pha trộn chất tự do phá cách, điều đó có nghĩa là khi sự tức giận hay oán ghét đan xen với chất tự do đó thì có thể khiến cho tính cách của bà trở thành nguy hiểm. Tôi thực sự thích Diana, tất nhiên là do cả sức hút của một Công nương xinh đẹp, nhưng tôi cũng luôn tự nhắc mình phải thận trọng.
Vừa đúng khi chúng tôi đang trên tiến trình thay đổi hình ảnh của nước Anh, thì bà lại thể hiện thái độ cấp tiến về vương triều; hay đúng hơn là sự đối lập của bà với vương triều cho thấy vương triều đã không mấy thay đổi. Đối với những ai có suy nghĩ sâu sắc và lâu dài về chế độ quân chủ và tương lai của nó như Nữ hoàng, thì đó hẳn là một thách thức. Hơn ai hết, Nữ hoàng hiểu được tầm quan trong của chế độ quân chủ về mặt lịch sử, trong truyền thống đất nước và trong bổn phận của nó đối với dân tộc. Bà cũng biết rằng trong khi chế độ quân chủ cần phải phát triển để theo kịp với mong muốn của nhân dân và hiện có một thỏa ước ngầm giữa vương triều với nhân dân, một thỏa ước không được viết thành văn, không được phát ngôn thành lời, thỏa ước dựa trên mối quan hệ tạo điều kiện cho sự phát triển của vương triều, thì mối quan hệ đó nên được giữ ổn định, được cân chỉnh và kiểm soát cẩn trọng. Trong hoàn cảnh đó, bỗng đâu một ngôi sao băng với những hành vi không thể dự đoán lạc vào vào hệ sinh thái mà sự tiến hóa của nó đã được kiểm soát chặt chẽ, ngôi sao băng này có thể để lại những hậu quả khó lường. Nữ hoàng có lý do chính đáng để lo lắng.
Sau kỳ nghỉ và trước chuyến thăm cuối tuần tới Balmoral lần đầu tiên của tôi trên cương vị Thủ tướng cùng hoàng tộc – một truyền thống có từ thời Gladstone và Nữ hoàng Victoria – tôi đã tới Sedgefield. Thật tuyệt khi được trở lại đây với tư cách Thủ tướng. Tôi tự hào về người dân nơi đây và họ cũng tự hào về tôi. Cảm giác đó luôn tồn tại trong tôi cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ Thủ tướng. Mặc dù sự thật là kể từ khi trở thành lãnh đạo phe Đối lập tôi đã không thể trở lại đây với bất kỳ lý do nào, nhưng người dân nơi đây vẫn nồng nhiệt chào đón tôi. Tôi tham dự Hội nghị Tiểu ban điều phối chung của đảng địa phương và có một bài thuyết trình ở đó, sau đó tôi dành một hoặc hai tiếng để nói chuyện, trao đổi quan điểm, trả lời một số câu hỏi của những người mà tôi đã gặp nhiều lần kể từ năm 1983 và cả những người đã dõi theo bước đường chính trị của tôi; và trong căn phòng đó, tôi thấy hoàn toàn thoải mái. Đó là một đặc ân đối với tôi khi có cơ hội được nói chuyện với những người dân mà tôi thực sự tin tưởng, dưới con mắt dè chừng của ông John Burton; và đổi lại họ cũng cảm thấy đó là một đặc ân khi được tiếp cận tôi và cảm nhận một phần của lịch sử đang hiện hữu trước mặt họ.
Tôi cũng đến thăm quán Dun Cow ở làng Sedgefield hay Câu lạc bộ Công nhân. Người dân rất thân thiện và cũng tôn trọng việc tôi ra ngoài uống một vài cốc bia và giải trí. Ở đây người ta hiếm khi bàn chuyện chính trị trừ phi ngồi quanh bàn ăn tối với John và Lily Burton, Phil Wilson (là người kế nhiệm vị trí nghị viên của tôi ở Sedgefield), Peter và Christine Brooks, đó là những con người chất phác; và Paul Trippett, một người cứng rắn, thẳng thắn nhưng thú vị và rất thông minh, ông là quản lý của Câu lạc bộ và đã trở thành bạn thân của tôi. Chúng tôi cùng tán gẫu, trò chuyện về các vấn đề xung quanh khu vực bầu cử, tôi muốn lắng nghe ý kiến của họ đối với các vấn đề lớn đang diễn ra. Dù thể hiện ý kiến chung hay riêng thì họ đều có một cảm nhận tốt mang tính bản năng về vai trò của công chúng; và hiếm khi họ thất bại khi giúp tôi cảm nhận về con đường của mình. Họ cũng đại diện cho một khuynh hướng rất quan trọng của nhân dân Anh. Họ có thể đọc tờ Guardian nhưng không phải là người ủng hộ Guardian; họ không hoàn toàn thuộc về “London” và cũng chẳng phải là người ủng hộ tờ Daily Mail điển hình. Họ am hiểu nhiều về chính trị nhưng cũng biết nhiều người chẳng quan tâm gì đến chính trị.
Họ còn là một ví dụ thú vị khác về cách thức mà con người bị buộc phải mặc một chiếc áo cũ chật ních mà nay đã không còn phù hợp nữa. Đời sống chính trị của tôi thể hiện chính xác điều đó, nhưng khó diễn tả hết được. Sedgefield là một khu vực bầu cử của “giai cấp công nhân miền bắc”, trừ phi bạn chỉ nhìn qua vấn đề, còn nay thì định nghĩa đó đã không còn phù hợp. Vâng, tất nhiên là bạn có thể đi vào bất kỳ ngôi làng nào thuộc khu mỏ cũ – Trimdons, Fish–burn, Ferryhill, Chilton, v.v… – và có thể tìm thấy những “công nhân” như bạn mong muốn, nhưng nay từ “công nhân” đã không còn phù hợp với họ. Các điền trang mới thuộc sở hữu tư nhân với những ngôi nhà ba hay bốn phòng ngủ và trong khi những người sống ở đó không được coi là thuộc “tầng lớp trung lưu” thì họ cũng chẳng thuộc “tầng lớp công nhân” theo nghĩa của Andy Capp. Họ uống bia và cũng uống cả rượu. Họ tới quán rượu và cũng đi ăn nhà hàng. Mỗi năm họ cũng đi nghỉ nước ngoài một, hai hoặc thậm chí ba lần và không phải tất cả đều tới Benidorn.
Nước Anh nay đã khác hẳn và một trong những điểm khác biệt đó là tôi cảm thấy như đang ở nhà mình dù ở bất cứ địa phương nào trên cả nước. Có một bài báo – của tờ Daily Mail – về chuyện tôi là một người điệu đà và dối trá như thế nào khi nói mình thích cá và khoai tây chiên nhưng khi sống ở khu Islington, London mọi người đều biết rằng tôi ăn mỳ ống. Đơn giản bởi bạn không thể ăn cả hai món đó cùng một lúc, đó là hai món ăn thể hiện hai nét văn hóa khác biệt. Tất nhiên, ở nước Anh cuối những năm 1990, người dân ăn nhiều loại thức ăn khác nhau, có nhiều trải nghiệm văn hóa khác nhau và khá thích thú với điều đó ở cả hai miền Nam Bắc. Thế giới đang cởi mở hơn. Những người bạn thân nhất của tôi ở Sedgefield là biểu tượng của sự khác biệt đó. Ở đó, tôi cảm thấy thoải mái và có thể là chính mình khi họ là chính họ và điều đó thật tuyệt vời cho tất cả chúng tôi.
Mọi thứ đã thay đổi quanh trụ sở bầu cử của khu vực này, như tất cả những thay đổi đã diễn ra trong cuộc sống của chúng tôi. Trước đây luôn có lực lượng cảnh sát túc trực 24/24 quanh khu vực để đảm bảo an ninh, tuy sau này không còn chặt chẽ như trước nhưng lúc nào cũng có sự hiện diện của lực lượng an ninh. Các con đường đã được sửa đổi để hạn chế qua lại nhưng dường như cuộc sống của chúng tôi ở nơi đây vẫn không thay đổi. Xung quanh vẫn quen thuộc và ấm áp.
Tối ngày 30 tháng Tám năm 1997, tôi tập trung chủ yếu vào việc xây dựng một chương trình nghị sự có thể tạo ra những thay đổi phù hợp với những gì chúng tôi đã hứa khi tranh cử. Tôi lo lắng rằng nếu người dân không nhận thấy những thay đổi chính ngay từ đầu thì những lời chỉ trích chúng tôi sẽ xuất hiện. Tôi biết rằng chúng tôi có sáng kiến chính trị và rằng Đảng Bảo thủ đã đánh mất sự kết nối với nhân dân, kỷ luật nội bộ kém, nhưng tôi cũng biết sức ảnh hưởng tới truyền thông đại chúng của chúng tôi không nhiều và căn cứ phần lớn trên lợi ích chứ không phải trên sự kết tội đối với cả hai đảng chúng tôi. Sau khi họ đã quyết định ra đi vì chiến thắng của chúng tôi, nếu họ không nắm được bản chất của chúng tôi, thì sẽ cố nắm lấy phong cách của chúng tôi để làm suy yếu sức mạnh của chúng tôi và khiến thành công về chính trị của chúng tôi trở thành một dạng lừa bịp. Truyền thông cánh hữu hiểu rằng chúng tôi thực sự không phải là một hình thức ôn hòa của chủ nghĩa Thatcher và truyền thông cánh tả sẽ nhận ra rằng Công Đảng mới sẽ không chịu nhượng bộ trước những yêu cầu thông thường của cánh tả.
Có lẽ tôi cũng đã phải bận bịu lo cho bọn trẻ đi ngủ – thông thường đây là công việc của tôi – đặt chúng xuống (không thể làm thế với trẻ 13, 11 và 9 tuổi), cho chúng uống, đọc truyện và hy vọng chúng sẽ cho chúng tôi có thời gian nghỉ ngơi hoặc ăn bữa cơm ngon lành cùng nhau mà không bị chúng quấy rầy.
Tôi đi ngủ vào khoảng 11 giờ 30 phút và đến khoảng 2 giờ sáng có chuyện gì đó rất lạ đã xảy ra. Cherie ngủ rất say nhưng tôi tỉnh dậy và thấy một cảnh sát đứng ngay cạnh giường, hú hồn. Khi tôi bình tĩnh trở lại, anh ta bảo tôi rằng mình đã bấm chuông nhưng tôi không nghe thấy; rằng Công nương Diana đã bị thương rất nặng do tai nạn xe và rằng tôi phải gọi điện ngay cho ngài Michael Jay, Đại sứ Anh tại Paris.
Bây giờ thì tôi đã hoàn toàn tỉnh táo. Cherie cũng đã dậy. Tôi giải thích chuyện xảy ra cho cô ấy, sau đó chạy vội xuống cầu thang và nối máy với Michael. Có vẻ tình hình của Công nương khá nguy kịch. Michael kiểm tra kỹ các vết thương của Công nương và thông báo cho tôi biết bạn trai của bà là Dodi Fayed và người tài xế đã chết ngay tại chỗ, người vệ sỹ còn sống nhưng bất tỉnh.
Tôi gọi điện cho Alastair. Anh ấy đã nghe vụ việc từ tất cả các nguồn tin. Cả hai chúng tôi đều vô cùng choáng váng. Tôi không thể tin vào điều đó. Công nương là người có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân, ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động quốc gia, hình ảnh của bà luôn sống động và chúng tôi thể nào nghĩ về sự ra đi của bà.
Vào 4 giờ sáng. Tôi nhận được một cuộc điện thoại thông báo rằng Công nương đã vĩnh viễn ra đi. Michael cảm ơn sâu sắc cách mà những người Pháp đã giải quyết vụ việc: Bộ trưởng Nội vụ Jean–Pierre Chevènement, Bộ trưởng Y tế Bernard Kouchner và Tổng thống Chirac đã rất tinh tế, đầy tinh thần hợp tác và cư xử một cách đáng kính trọng. Từ giờ phút đó trở đi, tôi liên tục nhận được điện thoại, sau cùng thì chúng tôi đã phải tìm cách giải quyết cho ổn thỏa.
Tôi vô cùng đau đớn, tôi rất quý mến bà và cảm thấy vô cùng tiếc cho Công nương và hai người đi cùng, tôi cũng biết rằng đây không chỉ là sự kiện lớn của quốc gia mà thực sự là sự kiện lớn của thế giới, không giống với bất cứ sự kiện nào. Quá trình phát triển của nước Anh không chỉ là vấn đề quan trọng trong nước mà còn có tầm ảnh hưởng đến tình hình toàn cầu. Tôi là Thủ tướng và có nhiệm vụ tìm hiểu rõ chuyện này. Tôi phải diễn tả được nỗi đau và sự mất mát vô bờ không chỉ được thể hiện thông qua sự tôn kính mà còn phải bày tỏ được cảm xúc và tình yêu – không phải chỉ bằng một lời nói mạnh mẽ rằng: Nhân dân thương tiếc bà.
Nếu Nữ hoàng mất, đó là chuyện đơn giản theo một ý nghĩa nào đó: người ta sẽ tỏ lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc, nhưng chuyện có thể chỉ dừng ở đó. Sự ra đi của Công nương lại hoàn toàn khác. Công nương không phải là một nhân vật bình thường, cũng không ra đi theo cách thông thường; và người ta cũng sẽ không phản ứng một cách bình thường.
Ngoài nỗi đau, tôi còn có cảm tưởng khác, điều đó có thể phát xuất từ lần gặp mặt cuối cùng của tôi với Công nương Diana. Tất cả không phải là chuyện dễ dàng. Bà muốn tới Chequers và đã định một ngày vào tháng Sáu, tôi chấp nhận. Alastair – mặc dù quý mến Công nương – và Nhà Số 10 cảm thấy rằng việc tôi gặp Công nương trước khi diện kiến Thái tử Charles là không hay và có thể sẽ gây hiểu nhầm. Tôi miễn cưỡng đồng ý và chúng tôi đã thống nhất lại vào một ngày tháng Bảy. Với sự nhạy cảm của mình, Công nương đoán chắc việc thay đổi ngày gặp có thể là một chủ ý và đã hơi bực mình về chuyện đó.
Vào ngày hẹn, Diana đến cùng với Hoàng tử William. Thời tiết rất đẹp và Chequers ngập tràn trong ánh nắng. Nhân viên ở đó rất hồi hộp khi nghe tin Diana đến còn Công nương thì hòa nhã cởi mở với mọi người. Chúng tôi nói về việc bà có thể làm gì cụ thể hơn cho đất nước theo một cách chính thức hơn. Hiện tại thì cũng thật khó để có thể biết rõ được Công nương sẽ làm gì cụ thể cho dù bà rất nhiệt tình và hào hứng với việc đó. Công nương rõ ràng là một tài sản quý giá của đất nước và tôi cũng cho rằng bà nên cống hiến tài năng của mình cho một công việc cụ thể nào đó thay vì chỉ chăm chút cho đời sống riêng của mình; nhưng tôi cũng cảm thấy và không rõ – có thể do tôi không chú ý đến các chi tiết nhỏ trong cuộc sống riêng của Công nương – rằng Dodi Fayed chính là một vấn đề. Đây không phải là những lý do hiển nhiên có thể gây khó chịu cho anh ta; quốc tịch, tôn giáo hay lai lịch của anh ta không thành vấn đề với tôi. Tôi chưa bao giờ gặp anh ta, vì thế sẽ là không hay nếu tôi lo lắng về anh ta và với tất cả những gì tôi biết thì anh ta là một người tốt và thú vị; vì thế nếu bạn hỏi tôi, “này anh hãy nói rõ xem, có gì vấn đề gì vậy?” thì tôi không thể nói rõ được nhưng có một điều gì đó mơ hồ khiến tôi thấy không yên tâm và tôi biết một số bạn thân của Công nương – những người thực sự yêu quý bà cũng có cảm tưởng như tôi.
Thời gian đó vào một ngày đẹp trời ở Chequers, nhóm chúng tôi gồm trẻ em, cảnh sát, đội bảo vệ và các nhân viên cùng nhau chơi bóng đá ở sân tennis cỏ rất đẹp phía sau khu nhà được xây dựng từ những năm 1930. Đó là một nơi tuyệt đẹp và chúng tôi thường dành rất nhiều thời gian vui chơi ở đây. Mọi người trừ Diana và tôi đều chơi bóng, William cũng vào sân. Tội nghiệp cậu ấy, tôi nghĩ chắc hẳn cậu ấy đã thắc mắc không hiểu Công nương đem cậu ấy tới đây làm gì và cũng không muốn chơi bóng lắm nhưng vẫn vào sân và chơi rất nhiệt tình.
Diana và tôi đi dạo quanh khu vực sân. Bà trách khéo tôi vì đã hủy cuộc hẹn tháng Sáu. Tôi băn khoăn tự hỏi không biết hôm nay sẽ nói chuyện như thế nào với Công nương nhưng sau đó tôi đã đề cập ngay đến chủ đề về bà và Dodi. Công nương không thích chuyện đó và tôi có thể cảm nhận được bà khá khó chịu và đang kiềm chế. Tuy nhiên, bà không từ chối nói về chuyện đó vì thế chúng tôi đã cùng chia sẻ những suy nghĩ của mình và các dự định tiếp theo của Công nương. Mặc dù cuộc nói chuyện diễn ra không thoải mái lắm nhưng cuối cùng không khí cũng trở nên thân thiện và sôi nổi hơn. Tôi cố gắng thể hiện thiện chí muốn trở thành một người bạn thực sự của bà và vì thế bà cũng nên cư xử chân thành, thẳng thắn theo tinh thần đó. Sau đó, tôi đã vào sân chơi bóng, còn Công nương ngồi xem chúng tôi chơi và cười đùa với các nhân viên, chụp ảnh và làm mọi việc bà thích. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy Công nương.
Khi suy ngẫm về sự ra đi của bà và những gì tôi muốn nói, tôi cảm thấy buồn và có trách nhiệm. Sở dĩ tôi có cảm giác như vậy vì tôi đã cố gắng để có thể hiểu được Công nương. Mỗi chúng tôi đều có cách riêng để kết nối với người dân, chúng tôi nắm bắt khá nhanh cảm xúc của người khác và giao tiếp với họ bằng bản năng trời cho, nhưng tôi biết rằng bà đến với những người khuyết tật, bệnh nhân hay những người khốn khổ bằng một tấm lòng chân thành rất riêng và hiếm có. Tôi ngồi trong phòng làm việc ở Trimdon dưới ánh bình minh hắt qua cửa sổ và nghĩ về việc liệu Công nương sẽ thích tôi nói về bà như thế nào.
Có rất nhiều việc cần phải tính toán và giải quyết: gọi và nhận điện thoại; đưa thi hài công nương trở về; tổ chức tang lễ; công việc của Chính phủ (ví dụ, liệu phong trào trưng cầu ý dân Scotland có tiếp tục hay không) – mọi thứ từ các công việc quan trọng cho đến những chuyện vụn vặt đều cần sự tập trung, vì những lúc như thế này việc không quan trọng có thể trở thành quan trọng ngay tức thì mà không có cảnh báo trước.
Tuy nhiên, lúc nào tâm trí tôi cũng vô cùng căng thẳng. Robin Cook vừa đáp máy bay xuống Philipin và đã nói điều gì đó, có lẽ là do thái độ chọc tức của Alastair. Tôi bảo ông ta không cần phải lo; đó là tất cả những gì tôi muốn nói và chúng tôi đồng ý có mặt trước giờ hành lễ ở làng Trimdon vào khoảng 10 giờ 30 phút.
Đại diện Hoàng gia cũng có một bài phát biểu nhưng cá nhân Nữ hoàng thì không. Ngay trước khi đến nhà thờ, tôi gọi cuộc điện thoại đầu tiên để nói chuyện với Nữ hoàng và bày tỏ sự chia buồn sâu sắc. Bà khá bình tĩnh, lo lắng cho các hoàng tử nhưng cũng ứng xử rất hoàn hảo và thực tế. Bà hiểu tầm quan trọng của sự kiện nhưng cảm nhận nó theo cách riêng của mình. Bà không bị cuốn vào chuyện đó. Bà thật xứng đáng là một vị Nữ hoàng theo ý nghĩa đó.
Sau đó, tôi biết mình cần phải nói gì. Tôi ghi tốc ký những gì muốn nói lên mặt sau một chiếc phong bì và trao đổi với Alastair. Tôi đã nói qua với các cộng sự thân tín rồi nhưng muốn ông ấy tư vấn thêm. Ý kiến của ông ấy trong những tình huống như thế này rất có ý nghĩa, chặt chẽ và thẳng thắn.
Cụm từ ”Công nương của nhân dân”, giờ đây, có vẻ như đến từ một thời đại khác. Nó đã cũ rích. Nó là danh hiệu trên trời và đã mang theo dư âm của nó bay vào thinh không. Nhưng bây giờ thì tôi cho đó là điều hiển nhiên và chắc rằng Công nương đã chấp nhận danh hiệu đó rồi. Nó thể hiện cách bà nhìn nhận bản thân mình như thế nào và bà nên được tưởng nhớ ra sao. Tôi cũng muốn biết cách bà đã chạm vào đời sống của người dân và bà đã làm việc đó trong khi người dân biết rằng cuộc sống riêng của bà không hề suôn sẻ hay dễ dàng gì. Không thể đề cập đến những vấn đề của Công nương khiến tôi có cảm tưởng như mình không trung thực với bà; và hơn thế là phá hỏng ý nghĩa mà cuộc sống của bà đã mang lại cho người khác. Người ta yêu quý bà chính là vì tuy là một Công nương nhưng bà vẫn dễ bị tổn thương, vẫn dễ bị những chuyện vui buồn của cuộc sống tác động và bà có khả năng xoa dịu những vết thương của họ vì bản thân bà biết bị tổn thương là như thế nào.
Tôi lái xe vài dặm tới khu vực rừng cây xanh ngát ở trung tâm Trimdon nơi có một ngôi nhà thờ cổ. Đó là ngôi nhà thờ tuyệt đẹp với một vài mái vòm theo kiểu Norman xung quanh điện thờ chính, một khu vườn xinh xắn và có cả nghĩa trang mà Lily Burton và các bạn của cô đã từng chăm sóc. Cherie và lũ trẻ đi vào bên trong. Alastair sắp xếp để một nhóm nhà báo có mặt. Tôi ra khỏi xe và vừa bước lên vừa nói. Tôi có cảm giác rất lạ, đứng ở đây, trong một ngôi làng bé nhỏ tại Durham, trên thảm cỏ xanh ngay trước ngôi nhà thờ cổ, nói những lời mà tôi biết sẽ được truyền đi khắp đất nước và thế giới. Những lời nói này sẽ là một phần quan trọng ảnh hưởng đến suy nghĩ của mọi người về tôi. Thậm chí ngày nay người ta vẫn còn nhắc đến chuyện đó với tôi. Bạn có thể đang nghĩ về những bài phát biểu công phu, được chuẩn bị nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần trước đó, trong những sự kiện trọng đại hình thành nên lịch sử hiện đại mà trong đó tôi đã đóng góp một phần không nhỏ, với các cuộc chiến chính trị, các cuộc khủng hoảng, với những lúc hân hoan và cả những lúc thất vọng; tuy nhiên, một vài từ được viết nguyệch ngoạc trên mặt sau của một chiếc phong bì lại có thể ảnh hưởng sâu sắc ngang với tất cả những gì tôi đã từng làm. Điều cốt lõi là bạn phải bỏ mọi thứ ra khỏi đầu, không nên nghĩ đến công việc mình đang làm to lớn cỡ nào, đừng nghe theo những lời khuyên nội bộ cho rằng mọi chuyện có thể bị sai lệch. Hãy bước lên và thực hiện.
Ngoại trừ trong trường hợp này, ngay trước khi phát biểu, tôi đã dừng lại một lúc và nghĩ về Công nương, nhắc nhở mình rằng trên tất cả tôi phải nói vì bà:
Tôi cũng có cảm giác như toàn thể đất nước ngày hôm nay, vô cùng đau xót. Tâm hồn và lời cầu nguyện của chúng ta đồng hành cùng với gia đình Công nương Diana – nhất là hai con trai của bà, hai chàng trai – trái tim chúng ta đến bên họ. Không chỉ mỗi người chúng ta mà cả nước Anh hôm nay đang choáng váng, tiếc thương và bùi ngùi trước nỗi mất mát quá lớn này.
Công nương là một người nhân hậu và tuyệt vời. Cho dù bà phải trải qua nhiều nỗi đau buồn trong cuộc sống riêng, nhưng bà luôn đến với cuộc sống của rất nhiều người dân Anh – hay người dân trên khắp thế giới – bằng niềm vui và sự cởi mở của mình. Chúng ta nhớ đến bà theo nhiều cách, nhớ về cách bà thể hiện tình thương và lòng trắc ẩn của mình đối với những người ốm đau, người sắp qua đời, với trẻ em, với người cần giúp đỡ, chỉ bằng một ánh nhìn hay một cử chỉ nhỏ thôi nhưng ý nghĩa hơn vạn lần so với những lời nói. Mặc dù, Công nương phải đối mặt với nhiều khó khăn là thế nhưng người dân ở khắp nơi, không chỉ ở Anh vẫn giữ trọn niềm tin vào Công nương, họ quý mến bà, coi bà như là một trong số những người bình thường xung quanh họ. Bà là Công nương của nhân dân và đó là cách bà sẽ ở lại trong tâm trí và trái tim chúng ta mãi mãi.
Tôi đã sử dụng cụm từ “giữ trọn niềm tin với Công nương” vì một lý do rất riêng. Trước khi bà mất – đặc biệt trong thời gian gần đây, do mối quan hệ của bà với Dodi – giới truyền thông cứ luôn rình rập săn tin. Giới báo chí (điển hình là tờ Mail) đang tính toán xem họ có nên công kích bà không. Tôi biết họ muốn vậy và tôi đã cảnh báo bà về chuyện này khi chúng tôi gặp nhau ở Chequers nhưng bọn họ vẫn còn lưỡng lự vì chưa biết phản ứng của công chúng sẽ ra sao. Vì thế, họ chấp nhận từ bỏ chủ đề chỉ trích béo bở này, có thể vẫn có những lời xì xèo bàn tán, những cuộc công kích trực diện thường xuyên nhưng không nổi lên thành phong trào. Lý do tờ Mail từ bỏ chủ đề công kích Công nương là do tầm ảnh hưởng và sự ủng hộ đối với bà quá sâu rộng và mọi người luôn tin tưởng vào bà. Người dân sẽ không để bà phải hy sinh cuộc sống riêng. Liệu người ta vẫn còn tiếp tục ủng hộ bà trong tương lai khi bà tái hôn, già đi, trở thành một nhân vật nổi tiếng hơn? Câu hỏi đó thật khó trả lời nhưng chắc chắn mọi người biết những sai lầm của bà và không vì thế mà giảm sự yêu mến đối với bà.
Đúng như những gì chúng tôi nghĩ, cả đất nước chìm đắm trong sự tiếc thương vô hạn, đan xen, pha lẫn sự hối tiếc và giận dữ vì sự ra đi quá sớm và đột ngột của Công nương. Trước hết, cơn thịnh nộ được trút lên những tên săn ảnh đã bám theo bà. Thật khó có thể diễn tả cảm giác của một nhân vật nổi tiếng bị săn lùng. Và vì những lý do hoàn toàn dễ hiểu, nhiều người không cảm thông với người nổi tiếng – những người có phong cách sống hoàn toàn khác biệt. Liệu họ có phải trả giá không?
Trường hợp của Diana, mọi chuyện đã vượt quá cái giá nhỏ phải trả đó. Bà thực sự bị dồn đến đường cùng. Bà là một món hời vô giá, một mỏ vàng thường xuyên bị cướp bóc. Họ đã đào cái mỏ ấy quá sâu và quá liều lĩnh và thu về những món lời không nhỏ. Tất nhiên, giới truyền thông nói rằng bà thích thú theo đuổi truyền thông khi nó phù hợp với bà, nhưng đây là một lý lẽ kém thuyết phục hơn nhiều so với thực tế. Thực tế, khi đã lọt vào mắt của giới truyền thông, bạn chẳng có sự lựa chọn nào khác hơn là phải vào guồng với họ, cố đưa những quan điểm của họ thành quan điểm của bạn, cố ngăn chặn những quan điểm không công bằng và không tốt, quan điểm trái chiều. Nói cách khác, đôi khi đó hoàn toàn làm một hành động tự nguyện. Trong khi đó, nhiều trường hợp – như của Diana – không còn sự lựa chọn nào khác: hoặc là cố gắng cho con quái vật ăn no hoặc là nó sẽ nuốt chửng bạn. Xét ở nhiều góc độ, bà đã cho chúng ăn nhiều hơn mức cần thiết nhưng điều đó không thay đổi được cục diện vấn đề: Bà là đối tượng chịu sự quấy rầy thô bạo, xâm phạm và dai dẳng mà đôi khi có thể nói là khủng khiếp, quá đáng và sai trái.
Sáng Chủ nhật hôm đó, Hoàng gia tham dự buổi lễ tại nhà thờ Crathie ở Balmoral như thường lệ. Không có Diana. Tôi biết Nữ hoàng, dù có Diana hay không, thì nghi lễ thường lệ này vẫn phải diễn ra. Trong đoàn tháp tùng không có Alastair, việc đó như một điềm báo chẳng lành. Nữ hoàng là một người chân thành, không giả dối, nhưng ý tôi không phải là bà hoàn toàn vô tư. Trong khi bà là người bận bịu với việc trông nom và bảo vệ các Hoàng tử bởi họ là người tiếp tục duy trì sự tồn vong của hoàng tộc thì người ta lại chẳng thắc mắc về việc họ không đến nhà thờ hôm đó, nhiều giờ đồng hồ sau khi mẹ họ qua đời. Đó là nghĩa vụ của họ với tư cách là những Hoàng tử. Tất nhiên, với một phần công chúng thì đây là một chuyện không thể tin nổi, họ cho rằng việc đó quá vô tình.
Tôi biết rằng những xúc động tình cảm có thể đến và đi. Tôi cũng biết rằng từ sâu thẳm bên trong, Nữ hoàng cũng bị ảnh hưởng và tác động sâu sắc. Nhưng đây là một trường hợp hiếm thấy. Mỗi ngày qua đi, đám đông đến chia buồn lớn dần lên. Ba cuốn sổ ghi lời chia buồn tại cung điện St James đã tăng lên thành 4, 15 và 43 cuốn. Những nỗi đau chuyển thành những phong trào của quần chúng. Đây là một khoảnh khắc vận động hàn gắn những rạn nứt quốc gia và điều đó cũng gây phiền hà cho Hoàng gia.
Hoàng gia đã từ chối hạ cờ ở lâu đài Windsor và tháp London với lý do Diana không còn là thành viên của Hoàng gia nữa, danh hiệu Công chúa (Her Royal Highness) của bà đã bị tước bỏ. Cờ ở cung điện Buckingham không được treo nữa vì theo truyền thống, chỉ treo cờ cho Nữ hoàng và chỉ khi bà ở đó. Bà đang ở Balmoral và không đến London vào tháng Chín. Vẫn theo truyền thống, vẫn theo quy định mà không tính đến việc người dân không màng đến, thậm chí còn căm ghét những quy định đó, mặc dù chúng được xây dựng trong chuỗi sự kiện dẫn đến cái chết của Công nương Diana. Trong mối quan hệ cộng sinh kỳ lạ giữa người cai trị và người bị trị, người dân nhất quyết rằng Nữ hoàng phải thừa nhận rằng bà cai trị theo sự ưng thuận của họ và phải tuân thủ theo điều họ muốn đó.
Sự tức giận của công chúng đang hướng về Hoàng tộc, đồng thời sự tức giận đó dành cho báo chí cũng không kém, giới báo chí hiểu rằng họ cần phải hướng nó sang một mục tiêu khác. Và để công bằng, họ đang làm dịu sự phẫn nộ của công chúng và cũng giống như những người khác, đang đấu tranh để xem chuyện có thể dẫn đến đâu.
Trong Cung điện Buckingham cũng có hai phe. Một phe truyền thống và không coi Diana như một tài sản quốc gia mà coi bà như là mối hiểm nguy. Họ cho rằng việc tạo điều kiện cho giới báo chí và sức ép của công chúng là bắt đầu một con đường đầy gian nan tiến đến một chế độ quân chủ bị dân chúng kiểm soát, điều có thể đánh mất bản chất thực sự của vương triều và vì thế vương triều mất đi lý do tồn tại. Trong khi có thể hiểu được nỗi buồn của người dân, thì phe này lại không hiểu được nguy cơ xảy ra do sự phẫn nộ của họ.
Phe thứ hai trong Cung xét ở một góc độ nào đó đại diện bởi những người như Robert Fellowes, Thư ký riêng của Nữ hoàng và là anh rể của Diana, một người đàn ông rất nhạy cảm. Tôi không biết anh ta nghĩ gì về Diana – tôi nghĩ anh ta nhìn thấy cả hai mặt của Công nương, dành nhiều tình cảm cho khía cạnh mà anh ta thích và coi khinh khía cạnh kia – nhưng anh ta là một giáo sư và đôi khi bạn có thể tìm thấy ở những người thuộc tầng lớp thượng lưu có giáo dục cao sự thông minh và khôn ngoan hơn vẻ bề ngoài. Cấp phó của anh ta là Robin Janvrin, người sau này kế nhiệm anh ta, là một viên chức Văn phòng ngoại giao, cũng là người thông minh và thông thạo mọi thứ, cũng như biết được mọi chuyện sẽ đi về đâu.
Với đề nghị của Cung điện, tôi sẽ đón thi hài Công nương khi bà được đưa về từ Paris. Khi đứng với mọi thành viên trong giới quyền uy trước sảnh của tòa nhà Lực lượng Không quân Hoàng gia Northolt, tôi mới nhận thức sâu sắc về sự khác biệt giữa các phe phái đó. Tôi đã chắc chắn trong đầu mình rằng đây là khoảng khắc để đất nước được hợp nhất. Phải có tình yêu dành cho Diana; sự kính trọng dành cho Nữ hoàng; sự vinh danh một đất nước vĩ đại và niềm tự hào khi có một Công nương như vậy; và chúng tôi phải thể hiện khả năng tạo ra một điều gì đó khác biệt trong ký ức về bà trong sự ngưỡng mộ của toàn thế giới. Vì thế tôi nghĩ nhiệm vụ của mình là phải bảo vệ vương triều, xoa dịu nỗi tức giận của người dân trước khi nó biến thành sự phẫn nộ và hướng mọi chuyện theo phía tích cực và đoàn kết thay vì căng thẳng, chia rẽ và hiềm khích lẫn nhau.
Tôi cũng thực sự đồng cảm với Nữ hoàng, người đang ở trong tình thế cực kỳ khó khăn. Một mặt bà rất lo lắng về sự ảnh hưởng của Diana đối với nền quân chủ trong vai trò là một thể chế và mặt khác, tất nhiên bà đau đớn cho người mẹ của những đứa cháu tội nghiệp mà bà thực sự yêu mến; vì vậy bà không muốn giả vờ không nhận biết được rằng quan điểm về Diana đã gây ra nhiều xung đột hơn so với những gì công chúng có thể chấp nhận, do đó sự miễn cưỡng của bà khi giải quyết vấn đề Diana đến ít hơn từ sự tuân theo truyền thống và “kinh thánh” – mặc dù chắn chắn kinh thánh là một phần của truyền thống – và nhiều hơn là từ mong muốn chân thành được làm đúng với những gì bà thực sự cảm thấy. Sự trung thực của tôi và việc tôi thực hiện những gì cần thiết để lấp đầy khoảng trống trong quan điểm về Diana mà vương triều đã không thể, rõ ràng khiến bà không thoải mái. Một số người xung quanh bà, thậm chí còn khinh bỉ điều đó. Nó cũng nhấn mạnh sự không thoải mái của họ đối với tôi và với những gì mà tôi đại diện.
Đối với những người trong giới quyền uy, tôi không phải là một nhân vật lớn. Từ đáy lòng mà nói, đó chính là lý do tôi tham gia vào Công Đảng và sẽ mãi là như thế. Tôi không bận tâm đến họ và qua nhiều ngày sau cái chết của Diana, tôi đã cố gắng hết sức để bảo vệ không chỉ Nữ hoàng mà là cả Hoàng tộc. Tôi cũng phải nói điều này, tôi thấy họ là những người lịch sự, thậm chí hấp dẫn và không làm gì ngoài việc giúp đỡ người khác. Vì vậy, những gì tôi muốn bổ sung có thể nói về tôi nhiều hơn về họ. Tôi luôn có cảm giác rằng họ thích các nhà lãnh đạo chính trị thuộc hai loại sau: hoặc là những người như họ hay hoàn toàn tán thành quan điểm của họ – hoặc là những người thuộc Công Đảng “xịn”, tuýp người mà họ luôn tìm đọc các bài viết về các nhà lãnh đạo này, những người ăn nói có gang có thép và phù hợp với quan điểm của họ về phong cách thực sự của các chính trị gia. Những người như tôi hơi giống kẻ mới phất, khó hiểu và vì thế là kẻ đáng nghi. Vì vậy, tôi cũng biết rằng trong những ngày này nếu tôi trượt ngã thì không nên mong được họ giúp đỡ.
Tôi có cảm giác thật lạ khi đứng ở Northolt chờ máy bay đến, chờ quan tài được đưa ra, cánh nhà báo chen chúc tốc ký sau hàng rào, tán chuyện với những người khác. Bạn phải hết sức cẩn thận ở những sự kiện như thế. Bạn đứng quanh quẩn đâu đó, nói chuyện, tâm trạng bồn chồn, người chào hỏi, người cười đùa, một số chụp vội những tấm ảnh. Trước khi bạn nhận ra điều đó, thì trong những tấm ảnh bạn trông như thể vừa cư xử không phù hợp, như thể việc duy nhất mà bạn có thể làm đó là cười mỉm vậy. Diana không gặp trục trặc với những tấm ảnh. Khi Cherie và tôi ra khỏi xe tại buổi lễ tưởng niệm hay vào một dịp trọng thể nào đó, tôi luôn nói với chính tôi cũng như Cherie rằng em không thể lúc nào cũng cười thoải mái được. Hãy cẩn thận.
Đối với thái tử Charles thì đó là một điều khủng khiếp. Ông và Camilla rõ ràng là tâm điểm của mọi sự chú ý và suy đoán. Ông ấy có thể làm được gì? Nếu ra vẻ kiệt sức vì đau buồn, ông ấy sẽ bị cho là đang diễn kịch. Tỏ vẻ bình thản thì ông bị coi là kẻ máu lạnh. Đúng là một tình huống bất khả, mọi cử chỉ của Thái tử đều được diễn giải theo hướng tiêu cực nhiều hơn và người ta sẵn sàng chộp lấy những khoảnh khắc sơ suất của ông.
Trong khoảng thời gian khó khăn và đặc biệt này, mối quan hệ của ông với hai cậu con trai đã cứu ông. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy họ đi cùng nhau nhưng sau này tôi thấy họ gần gũi nhau nhiều hơn và nhận thấy sự chân thành giữa cha con họ. Bạn có thể nói rằng điều đó là hiển nhiên vì họ là cha con; nhưng khi ấy có rất nhiều người cho rằng căng thẳng giữa vợ chồng có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ cha con. Tuy nhiên, mọi chuyện không phải vậy và khi thời gian trôi đi, mọi sự trở nên rõ ràng hơn và điều đó làm giảm đáng kể áp lực đối với Thái tử Charles.
Tôi đã biết ông ấy khá rõ trước khi trở thành Thủ tướng. Thái tử coi việc làm quen với các thành viên hàng đầu của những chính đảng có tiềm năng cầm quyền là nghĩa vụ của mình. Con người Thái tử là sự pha trộn lạ lùng giữa quan điểm chính trị truyền thống và cấp tiến (mặt nào đó có thể coi ông như là người của Công Đảng mới, mặt khác lại không thể xác định rõ quan điểm của ông), giữa phong cách hoàng tộc và sự thiếu chắc chắn. Ông cho rằng mọi người đều phải phục tùng mình và coi điều đó như một lẽ tự nhiên, bạn có thể cho rằng Thái tử không phải là người dễ gần như Diana nhưng ông ấy cũng khá nhạy cảm với sự chỉ trích và hay lo lắng về phản ứng của công chúng đối với mình.
Tôi không thể nào tưởng tượng được việc ông ấy lại ngồi trong phòng ăn dưới tầng hầm trong nhà Maggie Rae tại Hackney như là Diana đã làm, cũng trêu đùa các vị khách khác bằng trò chơi đố tên, dùng một vài mánh nhỏ và cười vang khi mọi người mắc bẫy. Mặt khác, ông là một người rất tận tâm và nhiệt tình. Ông không ngồi chờ đợi cơ hội đến với mình mà tìm kiếm chúng, xem xét chúng và tận tâm với chúng. Ông suy nghĩ kỹ về chúng. Và khi hiểu hơn về ông, bạn sẽ thấy Charles gần gũi hơn các nhà lãnh đạo cao cấp khác bằng chính sự hài hước tự nhiên trong con người mình. Có lẽ Charles đánh giá thấp mức độ hiểu biết của công chúng về mình và cảm thấy thân thiện với ông. Họ có thể cười mỉm khi thấy ông làm những công việc bình thường và họ có thể thấy việc ông không chơi theo luật của họ là điều lạ thường và thiếu tự nhiên (như trong khoảnh khắc kỳ lạ khi ông và Diana vừa mới đính hôn và được hỏi là có yêu Diana không, ông trả lời rằng, “Có, cho dù từ “yêu” được hiểu như thế nào đi nữa”), nhưng họ cũng biết rằng ông làm rất tốt công việc của mình, tin tưởng vào trách nhiệm của mình đối với họ và đã tận tụy làm việc. Điều đó rất có ý nghĩa.
Cuối nhiệm kỳ thứ hai, tôi được đề nghị đưa ra lời khuyên về việc ông ấy và Camilla có thể kết hôn hay không. Tổn thương mà Diana để lại là quá lớn. Hoàng cung thực sự đau đầu với bất cứ chuyện gì liên quan đến vấn đề này. Tôi nói ngay rằng tôi nghĩ chuyện đó sẽ ổn thôi. Họ yêu nhau tại sao lại không thể kết hôn? Hay chúng ta nói rằng tốt hơn là họ không nên cưới nhau, cứ như thể hôn nhân là một điều gì đó khủng khiếp và đáng phỉ báng? Giới truyền thông từ trước đến nay luôn bám gót và có thể bêu rếu Camilla, nhưng công chúng cũng hiểu khá rõ về bà ấy. Họ hiểu rằng bà ấy là người đơn giản, thực tế và yêu Charles chân thành. Có phải bà ấy là Diana không? Câu trả lời là không. Bà ấy có giả bộ vậy không? Không. Vậy hãy để họ kết hôn. Bây giờ chúng tôi cảm thông hơn và nhận thức rõ hơn về sự thật rằng người của Hoàng tộc vừa có thể xuất thân từ Hoàng tộc nhưng cũng có thể xuất thân từ bên ngoài Hoàng tộc. Bằng cách nào đó, những tranh cãi xung quanh sự ra đi của Diana là tiêu điểm trong thời gian sau đó. Người ta không chỉ cảm thấy vương triều đã có những biện pháp cần thiết để cởi mở hơn với công luận, nhưng họ cũng nhìn thấy được cả điểm yếu và điểm mạnh của những đại diện hàng đầu của mình và chấp nhận cả hai điều đó. Vương triều nhận ra rằng họ có thể cởi mở hơn trong khi vẫn giữ được nét riêng của Hoàng gia.
Nhưng trong những ngày đó, mọi người luôn có cảm giác khó hoàn thành công việc. Do Nữ hoàng ở lại Balmoral còn London thì trở thành “thủ đô lễ tang” của cả thế giới, nên hố sâu ngăn cách giữa vương triều và nhân dân lại càng lớn hơn. Alastair và Anji được giao nhiệm vụ trong ban lễ tang Hoàng cung để lo liệu đám tang và quản lý mọi chuyện ở cấp độ cao nhất. Cả hai người họ rõ ràng là một lựa chọn rất phù hợp đối với tầm cỡ của sự kiện. Alastair cũng đang hướng dẫn giới báo chí trong khi nhận thức rõ về những lời buộc tội về việc đã thao túng báo chí, thẳng thắn mà nói thì trong những cuộc khủng hoảng như thế này, sự khác biệt giữa hai người là rất nhỏ. Tôi muốn Anji ở đó vì tôi biết rằng nếu Alastair là người có thể chia sẻ một tin vắn trên báo chí về những việc cần làm, thì Anji thể hiện chính xác điều đó bằng một giọng Anh cổ điển của mình. Với họ, chúng ta có cơ hội để có được sự cân bằng. Một số người trong Hoàng gia nghi ngờ về việc ”can thiệp” này nhưng mặc dù vậy hầu hết họ vẫn thấy điều đó rất thực tế và đặc biệt Robert Fellowes rất đồng thuận với điều đó.
Lễ tang được tổ chức vào thứ Bảy tuần tiếp theo là chủ đề chính của cuộc tranh luận. Lễ tang phải diễn trong không khí trang trọng, khác biệt và mang phong cách của Diana. Đã có những cuộc thảo luận bất tận về con số chính xác những người được mời đến đám tang, tùy theo các nhóm khách mời khác nhau, thứ tự của buổi lễ và vai trò của gia đình Diana. Em trai Diana, Charles Spencer là một nhân vật có tầm ảnh hưởng và rất mạnh mẽ, ông cảm thấy vô cùng tức giận trước cách giới truyền thông và Hoàng tộc đối xử với Diana. Mỗi quyết định đều có tính nhạy cảm cao với nhiều ý kiến thuận và chống, vì thế những người tham gia phải cân nhắc kỹ lưỡng. Đã có một cuộc tranh luận nảy lửa về việc liệu hai cậu con trai có nên đi sau đoàn đưa tang cùng với Thái tử Charles hay không và người ta bận tâm xem liệu công chúng sẽ phản ứng thế nào đối với Thái tử và hai cậu con trai.
Trên tất cả, áp lực đang đè lên vai Nữ hoàng. Tôi đã nói chuyện và động viên bà hãy mạnh mẽ, điều quan trọng bây giờ là bọn trẻ. Tuy nhiên, những gì tôi đang khuyên bà chỉ càng nhấn mạnh vào sự thật là bà không phải như vậy. Quả thực, nếu tôi không nói chuyện vào ngày Chủ nhật và cả tuần sau đó, thì sẽ không có bất kỳ ai, ở bất kỳ vị trí nào trong Chính phủ nói chuyện với bà. Trong khi đó, mặc dù Alastair và Anji tập trung chủ yếu vào lễ tang thì tôi vẫn phải tham dự các sự kiện của Chính phủ. Chúng tôi đang bận rộn với công việc ở Bắc Ireland nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn với IRA (Quân đội Cộng hòa Ireland) và chuyện này khá tốn thời gian; tôi có bài phát biểu chính tại Đại hội Công đoàn (TUC) vào tuần tới; tham gia một hội nghị giáo dục lớn tại phố Downing vào thứ Năm; và tất nhiên còn bận bịu với các cuộc điện thoại hỏi thăm chia buồn của các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới.
Vào chiều thứ Tư, tôi quyết định gọi điện cho Thái tử Charles. Tôi gặp khó khăn khi nói chuyện và chia sẻ quan điểm với Nữ hoàng do sự chênh lệch về tuổi tác, thế hệ, quan điểm và sự thân quen. Tôi kính trọng và hơi e ngại bà; nhưng là một Thủ tướng mới nên tôi chưa có thời gian tiếp xúc và tìm hiểu về bà hay việc bà sẽ đón nhận những lời khuyên trực tiếp của tôi như thế nào. Tôi hiểu bà phải đối mặt với chuyện này ra sao và cảm thông với điều đó, nhưng bạn không phải là một thiên tài chính trị để nhận ra rằng đây là dòng thủy triều mạnh mẽ mà cần phải khơi dòng cho nó. Không thể bị phớt lờ dòng nước đó, ngăn nó lại hay lội ngược dòng. Tôi không đủ tự tin đối diện với bà và nói thẳng như mình muốn. Vì thế, tôi đã đến gặp Charles.
Tôi gọi cho Thái tử từ phòng làm việc phố Downing và nhận ngay ra rằng đây là việc cần làm. Thái tử có cùng suy nghĩ với tôi; Nữ hoàng phải đưa ra ý kiến; Hoàng gia phải ra mặt. Mặc dù, Thái tử có cảm thấy khó khăn đến mức nào, vì những lý do hiển nhiên, Thái tử và hai Hoàng tử cũng không nên trốn tránh. Charles đồng ý với ý kiến đó. Ngày tiếp theo, thứ Năm, sẽ có buổi phát sóng về chính Nữ hoàng. Alastair có thể chỉ dẫn cánh nhà báo tập trung theo hướng đó và ngay lập tức sự căng thẳng dần được xua tan và bạn sẽ thấy mọi người lại hướng về phía Nữ hoàng.
Theo yêu cầu của Nữ Hoàng, tôi gọi cho bà vào giờ ăn trưa thứ Năm và chúng tôi đã nói chuyện, bàn tính xem cần phải làm gì vào ngày tiếp theo và phải xoay xở mọi chuyện như thế nào. Lúc đó, bà rất tập trung và hoàn toàn bị thuyết phục. Điều đó không dễ dàng gì nhưng khá chắc chắn. Ngày sau đó, Nữ hoàng, Thái tử Charles và các con trai đã xuất hiện trước Cung điện Buckingham, nơi tổ chức lễ tang. Chúng tôi đã bàn về những lời lẽ trang trọng sẽ được trình bày trong bài phát biểu. Buổi thu phát sóng diễn ra khá hoàn hảo. Bà vừa thể hiện vai trò của một Nữ hoàng cao quý đồng thời cũng là một người bà nội yêu thương các cháu hết mực.
Tôi nói chuyện với Thái tử Charles một lần nữa để bàn lại chuyện bố trí lễ an táng. Ban Chủ trì lễ tang của Hoàng cung đã mời tôi đọc bài phát biểu. Điều đó khẳng định vai trò quan trọng của tôi trong thời gian diễn ra lễ tang nhưng tôi cũng biết điều này cũng mang lại cho tôi nhiều thử thách hơn. Thực ra, chúng tôi cũng gặp khá nhiều khó khăn để sắp xếp mọi việc. Và trong khoảng thời gian yên bình hiếm hoi đó chỉ Chúa mới biết được chuyện gì sẽ xảy ra nếu Diana ra đi mấy năm sau đó.
Đám tang diễn ra suôn sẻ. Thật lạ khi Elton John hát bài “Candle in the wind” (Ngọn nến trước gió) thật da diết cùng với đội hợp xướng Tu viện Westminster. Charles Spencer đã giáng một đòn tấn công mạnh vào cánh báo chí (tôi đã nhắc Alastair rằng họ sẽ chờ cơ hội phản công và nếu có thì họ sẽ tận dụng nó một cách triệt để và tàn nhẫn). Lời diễn văn của anh ấy thật mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng lớn mặc dù ẩn chứa trong đó là cả sự trách móc đối với Hoàng gia.
Tôi sắp xếp tiệc trưa để tiếp các vị vua chúa, hoàng hậu, nữ hoàng, các nguyên thủ quốc gia và các viên chức cao cấp. Hillary Clinton cũng tới, bà đại diện cho nước Mỹ và được gặp bà quả là một vinh hạnh đối với tôi. Toàn bộ sự kiện có tầm ảnh hưởng rất sâu rộng. Trong những dịp như thế này, tôi đã dồn hết sự tập trung của mình vào việc thực hiện nó và bỏ ngoài tai những chuyện xung quanh và luôn cảm thấy rất thoải mái khi sự kiện kết thúc.
Sang ngày tiếp theo tôi gần như mệt nhoài nhưng mọi chuyện rồi cũng ổn, sau đó tôi đi Balmoral như thường lệ vào dịp cuối tuần theo truyền thống, tất nhiên, chỉ trừ lần này ra, lần nào cũng chỉ là một chuyến đi nghỉ chẳng có gì đặc biệt.
Lâu đài Balmoral được Hoàng tử Albert xây dựng vào những năm 1840 cho mẹ và vợ mình. Tòa lâu đài nằm giữa hai ngôi làng Ballater và Braemar. Nó rất tráng lệ, khu vườn xung quanh tòa lâu đài trông thật đơn giản nhưng tuyệt đẹp. Thời tiết quanh năm rất tuyệt vời chỉ trừ tháng Chín. Vào những ngày nắng đẹp, không có nơi nào trên thế giới có thể đẹp hơn nơi này của xứ Scotland. Tòa lâu đài mang hơi hướng thời Victoria. Không có các hội trường hay phòng lớn, những căn phòng thì có kích thước trung bình và một số nhà vệ sinh vẫn theo phong cách cũ; không có nhiều phòng có nhà bếp như người ta nói.
Tôi phải nói rằng trải nghiệm của tôi về việc tham quan và dành kỳ nghỉ cuối tuần vào những trò tạo cảm giác hấp dẫn có gì đó thật xa lạ. Tất nhiên, là do toàn bộ nét văn hóa nơi đây chứ không phải là do Hoàng gia không nhiệt tình chào đón. Nhưng tôi chưa bao giờ đi nghỉ cuối tuần ở những ngôi nhà ở nông thôn hay trong những gia đình cao quý quyền lực và cũng không thích kiểu nghỉ cuối tuần đó.
Trên tường của cung điện treo những bức tranh hươu, nai, những cảnh đi săn và tất nhiên là cả ngài Brown của Nữ hoàng Victoria. Cũng có cả người hầu – họ rất đẹp, nhưng vẫn chỉ là những người hầu. Khi tới đó lần đầu tiên vào Chủ nhật, một người giúp việc hỏi tôi xem liệu cậu ta có thể gấp quần áo và là quần đùi, đồ lót cho tôi được không và sau đó cậu ta làm tôi bối rối khi hỏi tôi liệu có thể để cậu ta “chuẩn bị nước tắm” được không,” suy nghĩ một lúc tôi mới hiểu ra rằng cậu ấy muốn “đi tiểu tiện nhờ”. Việc sử dụng phòng tắm phía bên kia hành lang là cả một vấn đề nếu không muốn nói là một sự can đảm phi thường, vì thế cậu ta lén lút mở cửa vào phòng vệ sinh, liếc trái, liếc phải không có ai và tiểu tiện thật nhanh.
Bất cứ điều gì nơi đây cũng có thủ tục. Thường có một bữa trà chiều do đích thân Nữ hoàng pha, rót trà cho khách, với một dụng cụ lọc trà, một ấm nước đun sôi để pha trà. Bữa sáng rất cầu kỳ bao gồm trứng, thịt xông khói, xúc xích, bầu dục, cà chua, cơm với cá, trứng hành (món ketri), cá hồi hun khói, tất cả đều nóng hổi. Cả ba bữa, sáng, trưa và tối đều đầy ắp các món ăn. Nếu cứ ăn thoải mái, bạn sẽ tăng cân trông thấy, nhưng các thành viên, Hoàng gia lại không hề thế. Tôi thấy họ ăn rất ít.
Có một loại rượu mà bạn có thể dùng trước bữa tối. Nếu là thời tiết khô hanh, nếu Nữ hoàng là người không thích rượu, thì tôi không nghĩ rằng mình có thể uống loại rượu đó liên tục trong mấy ngày cuối tuần. Nhưng đây chính là loại tôi đang cần đến, tuy không biết chắc đó là loại rượu gì. Loại rượu thật mạnh. Khi uống vào, mọi gánh nặng dường như tiêu tan, đầu óc tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Sự can đảm trở lại và vì thế nó giúp tôi giao tiếp với các thành viên Hoàng gia được tự nhiên hơn. Hai chuyến thăm thường niên đầu tiên vì thế mà diễn ra tốt đẹp.
Dịp cuối tuần tiếp theo vào năm 1998 là ngày giỗ Diana và có thánh lễ ở nhà thờ Crathie nơi cả Hoàng tộc cùng tụ họp vào dịp lễ này và theo tôi thấy thì chỉ có một lần duy nhất đó trong năm. Tôi khá căng thẳng khi đi với gia đình họ; toàn bộ những người tham dự là các thành viên Hoàng gia ngoại trừ tôi và Cherie. Cherie gợi ý rằng chúng tôi nên mang theo Euan, Nicky và Kathryn, nhưng tôi đã cười ồ lên. Vì bọn nhóc khá nghịch ngợm, chúng sẽ đùa nghịch ầm lên như ở nhà với Cherie, nhưng ở đây có sự xuất hiện của Nữ hoàng, vì thế hãy để bọn nhóc ở nhà.
Sau đó, chúng tham dự một bữa tiệc ngoài trời do đích thân Hoàng thân Philip chuẩn bị, bữa tiệc được tổ chức tại một điền trang có nhà mái lá. Đây cũng là một hoạt động theo nghi thức truyền thống. Thành viên trong hoàng tộc phải đích thân vào bếp và phục vụ khách. Sau bữa ăn họ còn phải rửa bát đĩa. Có thể bạn cho rằng tôi đang đùa, nhưng thực tế là vậy. Tôi thấy họ đi găng tay vào và rửa bát đĩa trong bồn rửa bát. Nếu bạn dự tiệc ở đó, bạn sẽ thấy Nữ hoàng đến và hỏi bạn ăn xong chưa và thu dọn bát đĩa giúp bạn.
Tôi cũng nói chuyện với William, người lúc đó không chỉ vẫn còn đau xót mà còn khá giận dữ. Theo lý trí, cậu ấy biết tại sao vào tuần lễ ngay sau cái chết của mẹ mình và lễ tang thì mình lại phải ở đây, phải diễn các nghi thức, nhưng cậu cũng nhận thức sâu sắc được rằng đó là sự xung đột giữa vai trò đối với công chúng của mình và tình cảm cá nhân. Nếu trước đây cậu ấy chưa hiểu thì bây giờ cậu đã hiểu được làm một vị vua và một hoàng tử nghĩa là gì. Với tất cả ý nghĩa về trách nhiệm đó, thì truyền thống cha truyền con nối trong Hoàng tộc để gánh vác ngai vàng hẳn là phải trả một cái giá quá cao.
Trong chuyến thăm đầu tiên vào năm 1997, ngay sau lễ tang của Diana, tôi đã được gặp Nữ hoàng ở phòng khách, đây chính xác là nơi mà Nữ hoàng Victoria đã ra đi. Khi đang định ngồi vào chiếc ghế trông có vẻ như là dọn sẵn chờ tôi thì một tiếng khóc nghẹn ngào từ một người hầu và một bộ lông mày trông như của Nữ hoàng dựng đứng khiếp sợ đã làm tôi khựng lại. Điều đó nói cho tôi biết rằng đó là chiếc ghế mà trước đây Nữ hoàng Victoria đã ngồi và rằng kể từ ngày bà ra đi thì không có ai ngồi vào chiếc ghế đó nữa.
Chỉ có hai chúng tôi và sau khi tất cả mọi chuyện xảy ra, tất nhiên, xuất hiện những bài báo với các dòng tít như ”Blair chỉ bảo Nữ hoàng”, v.v… Cho dù người ta có nhạy cảm đến đâu hay vị trí của họ có cao đến mấy – và Nữ hoàng là người rất nhạy cảm và vị trí của bà rất cao quý – thì mọi chuyện cũng không có vẻ dễ dàng cả. Thực ra, một trong những điều gây bối rối nhất ở Balmoral thường là những bài báo Chủ nhật được bày trên bàn ở phòng khách khi bạn ngồi uống nước trước bữa trưa. Không thể tránh khỏi những cái tít nghe tức cười về tôi, về bà hoặc đôi khi là cả hai chúng tôi, toàn là những câu giật tít thiếu thực tế. Không ít lần truyền thông muốn gây rắc rối mà không cần phải tính toán nhiều đến việc họ làm điều đó thế nào, họ dành riêng những câu chuyện cho những dịp cuối tuần về tôi và liên quan đến Nữ hoàng; hay việc tôi không tham gia Highland Games, hay một số sự kiện thể thao và ở đây có mấy lần ống kính đã chụp được cảnh Cherie ngáp ngủ.
Về điểm này, tôi không hiểu Nữ hoàng cho lắm. Nếu tất cả chuyện này xảy ra một vài năm sau đó thì tôi cũng chẳng ngại và thấy đó là chuyện bình thường. Ở cuộc đấu trí này, với những sự kiện vừa qua, do chưa có nhiều kinh nghiệm và mối quan hệ của chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn đầu, tôi cảm thấy chưa tự tin. Có lẽ bà cũng vậy. Sau này tôi vẫn lo lắng rằng bà có thể sẽ nghĩ tôi đang lên lớp bà hay tôi quá tự tin, trong khi nói chuyện bà làm ra vẻ kiêu kỳ; nhưng cuối cùng bà cũng thú nhận rằng mình cần phải học hỏi thêm và vì vậy tôi đã học hỏi được sự khôn khéo của bà khi làm việc, đó là nhìn nhận, xem xét, phản ánh và điều chỉnh.
Đây là một kết thúc kỳ lạ cho một tuần kỳ diệu: Bi kịch, thu hút, khó phai mờ.
Còn tôi đã vượt qua được sự phê chuẩn chung. Một cuộc bỏ phiếu đạt kết quả khó tin, với tỷ lệ 93% tán thành. Tôi không thể tin vào những gì mình đang thấy; và cũng nhận ra rằng sự ra đi của Công nương Diana, dù đã gây xáo trộn tình hình trong nước và quốc tế theo một khía cạnh nào đó, nhưng các phép thử về thành tựu đối với một Thủ tướng và một Chính phủ là hoàn toàn khác biệt.
Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi - Tony Blair Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi