Some books are to be tasted, others to be swallowed, and some few to be chewed and digested.

Francis Bacon

 
 
 
 
 
Tác giả: Tony Blair
Thể loại: Tùy Bút
Nguyên tác: A Journey : My Political Life
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1655 / 31
Cập nhật: 2016-06-09 04:39:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1: Kỳ Vọng Lớn Lao
gày 2 tháng Năm năm 1997, lần đầu tiên tôi đặt chân đến phố Downing với tư cách Thủ tướng. Trước đó tôi chưa bao giờ có văn phòng làm việc riêng, thậm chí còn chưa làm phụ tá cho một công chức cấp cao nào. Đây là công việc đầu tiên và cũng là cuối cùng của tôi trong Chính phủ.
Đêm bầu cử ngày 1 tháng Năm đi qua trong sự huyên náo của những lời chúc tụng, niềm hân hoan và sự kỳ vọng. Lịch sử thường không được hình thành thông qua hàng loạt các thăng trầm và biến động. Mười tám năm cầm quyền của Chính phủ Bảo thủ đã kết thúc. Công Đảng – một Công Đảng mới đã giành chiến thắng áp đảo. Có lẽ một kỷ nguyên mới đang bắt đầu. Khi tôi bước qua cánh cổng sắt dẫn vào tòa nhà Chính phủ trên phố Downing và khi đám đông – được tập hợp và kiểm soát cẩn thận – lao về phía trước trong sự háo hức, bất chấp các hàng rào an ninh, bất chấp những mệt mỏi vì một đêm trắng, thì tôi cảm giác như có một dòng điện, không chỉ chạy qua đám đông đó mà qua cả đất nước này. Nó chạm đến tất cả mọi người, nâng họ lên, cho họ hy vọng, khiến họ tin rằng không có gì là không thể, rằng cách thức cuộc bầu cử diễn ra và khí thế của nó có thể thay đổi cả thế giới.
Tất cả mọi người đều ở trong trạng thái cảm xúc như vậy, trừ tôi. Bao trùm tâm trí tôi là một nỗi lo sợ, nỗi sợ mà tôi chưa bao giờ cảm nhận trước đó, nó lớn hơn cả nỗi sợ tôi đã trải qua vào ngày biết mình sẽ lãnh đạo Công Đảng. Trước đêm bầu cử, nỗi sợ ấy được nén lại bởi những bận rộn thường ngày, kỷ luật trong công việc, nỗ lực to lớn về thể chất và tinh thần trong chiến dịch tranh cử. Khi tham gia chiến dịch tranh cử, tôi có cảm xúc giống như khi hoạt động chính trị. Tôi đã vạch ra chiến lược để lãnh đạo đảng vượt qua đối thủ và tiến tới nắm chính quyền; tôi kiên định với chiến lược đó và biết rằng nếu làm được như vậy, tôi sẽ không thể thất bại. Tôi đã xây dựng lại hình ảnh của Công Đảng như một Công Đảng mới – một lực lượng chính trị tiên tiến, cải cách trên chính trường nước Anh; tiếp đó, tôi soạn ra bản đề cương chương trình hoạt động bao gồm những vấn đề quan trọng nhất đủ để thu hút mọi người, nhưng không quá chi tiết để đối thủ dựa vào đó mà chỉ trích; sau đó, tôi tiếp tục tiến hành một cuộc công kích mạnh mẽ nhưng thuyết phục nhằm vào Chính phủ và hình thành một bộ máy tranh cử cực kỳ hiệu quả.
Tôi như một chiến binh quả cảm chiến đấu chống lại sự tự mãn để duy trì kỷ luật trong đảng và ngay cả trong những người thân cận của mình. Tôi thường xuyên nói rằng việc dẫn trước đối thủ trong các cuộc trưng cầu dân ý lớn không nói lên điều gì, đừng bao giờ đánh giá thấp các thành viên của Đảng Bảo thủ và rằng vì sao chúng tôi lại gặp phải vấn đề này hay thách thức kia. Vì chúng tôi đã thất bại trong 4 kỳ bầu cử liên tiếp và chưa bao giờ giành chiến thắng trong hai nhiệm kỳ liền nhau nên những gì tôi làm được đang gieo niềm hy vọng cho Công Đảng. Các thành viên Công Đảng hầu như tin rằng họ không thể chiến thắng và rằng vì một lý do thần thánh hay quỷ quái nào đó mà Công Đảng không được phép giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử cho dù đảng này có làm được điều gì đi nữa. Với một số người, điều này giống như câu cách ngôn trong bóng đá: “Một quả bóng tròn, hai đội cùng chơi, mỗi đội 11 cầu thủ, trong hai hiệp, mỗi hiệp 45 phút và dù thế nào đi nữa thì người Đức vẫn giành chiến thắng.”
Tôi cho rằng niềm tin này là hoàn toàn vô căn cứ. Chúng tôi thất bại vì chúng tôi xa rời lớp cử tri hiện đại trong thế giới ngày nay. Nguyên tắc đầu tiên trong chính trị là không có nguyên tắc nào cả, chí ít là trong chuyện thắng hay bại được coi như tiền định. Nếu anh có chiến thuật và kế sách hợp lý, anh luôn có cơ hội chiến thắng, nếu không, anh vẫn thất bại cho dù đã gần như chạm tay vào vinh quang.
Bên ngoài, chúng tôi tỏ vẻ như mọi thứ vẫn đang ở ranh giới mong manh giữa thắng và bại, điều này khiến chúng tôi phải luôn nỗ lực, cố gắng và lèo lái con thuyền đảng đi đúng hướng. Thế nhưng, trong thâm tâm, mọi người không biết rằng tôi rất tự tin về chiến thắng của mình. Thêm vào đó, bản thân tôi cho rằng Thủ tướng đương nhiệm lúc đó, ngài John Major, là một nhà lãnh đạo xuất sắc hơn nhiều người vẫn tưởng. Xét trên phương diện cá nhân, ông ấy là người rất lôi cuốn. Nhưng may mắn cho chúng tôi, đảng của ông đã rời xa khỏi đường hướng đúng đắn, rơi vào tình thế nguy cấp và trở thành một đảng cánh tả cực đoan; và trong suốt quãng thời gian tưởng chừng như dài vô tận – gần ba năm – khi còn là lãnh đạo đảng đối thủ của ông, tôi đã học được cách công kích ông và nội bộ đảng của họ đấu đá lẫn nhau.
Major đã quyết định tham gia chiến dịch tranh cử dai dẳng kéo dài suốt ba tháng (thông thường chỉ kéo dài chưa đầy một tháng). Đương nhiên, cuộc chiến tranh cử rất cam go, nhưng nó không phải là trận địa hoàn toàn mới mẻ mà vẫn đi theo một khuôn mẫu nhất định nào đó. Ông ta hy vọng chúng tôi sẽ sơ sẩy, đột nhiên mất bình tĩnh và nhờ may mắn nào đó, thái độ của công chúng sẽ thay đổi. Nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra.
Trái lại, Đảng Bảo thủ đã bị chia rẽ, nhiều người có thể đoán trước được điều này. Mỗi khi Major cố gắng thúc họ tiến lên thì ai đó lại muốn bỏ cuộc, lại phát ngôn ngu ngốc, hay bị dính vào scandal. Thường thì cả ba sự việc cùng xảy ra một lúc, đôi khi lại do cùng một người gây ra. Nó giống như một vụ tự sát, hay một nghệ sĩ ảo thuật buộc đá vào chân, tay bị xích, chui vào một cái hộp chì bị khóa và nhảy xuống dòng nước sâu. Bạn nghĩ xem, ông ta làm cách nào để thoát khỏi chiếc hộp đó được? Và rồi bạn cũng nhận thấy rằng ông ta hoàn toàn bất lực, giãy dụa và ngộp thở. Việc một đảng chính trị rơi vào tình cảnh tương tự là điều khó tin, nhưng nếu đối thủ của họ đủ khôn ngoan thì việc dụ họ chui vào một cái bẫy như thế là điều hoàn toàn có thể và bằng việc chiếm lĩnh khu trung tâm, đối thủ đã khiến họ ngu ngốc tự đẩy mình ra bên lề cuộc chơi.
Vì vậy, chiến dịch tranh cử diễn biến dai dẳng và mệt mỏi – bản chất là vậy – những con số tăng, giảm không phản ánh đúng sự thật, những số phiếu thăm dò gây choáng váng và nhiều điều bất ngờ xảy ra nhưng cuối cùng, kết quả cũng rõ ràng. Tuy nhiên, tỷ lệ chiến thắng là bao nhiêu vẫn còn là một câu hỏi. Tôi chợt nghĩ, nếu như phải đặt cược cho canh bạc này, tôi sẽ đặt lớn, nhưng lớn đến bao nhiêu thì kết quả đêm 1 tháng Năm sẽ trả lời. Và đó cũng là lúc nỗi sợ hãi bắt đầu len lỏi trong tôi.
Ngày bầu cử thực sự đã trôi qua tốt đẹp, như tất cả các cuộc bầu cử khác, chiến dịch tranh cử kết thúc và bạn đi bỏ phiếu. Tôi bước ra khỏi nhà bỏ phiếu ở Trimdon Colliery – một làng mỏ cũ gần Sedgefield, Durham, nơi tôi từng là nghị sĩ, đại diện cho cử tri địa phương trong suốt 14 năm. Làng mỏ này đã bị đóng cửa theo quy định của Hội đồng Khoáng sản Quốc gia và Chính phủ vào những năm 1960, để tập trung khai thác ở những mỏ có trữ lượng lớn hơn. Tôi đến điểm bỏ phiếu cùng Cherie và bọn trẻ – hình ảnh một gia đình lý tưởng – trong khi đó, đám săn ảnh thi nhau chộp lấy bất kỳ khoảng khắc nào của chúng tôi. Tôi cười, nhưng không quá hồ hởi, nói chuyện nhưng không quá hào hứng. Trông tôi vẫn tự nhiên như mọi ngày, như thể bình thường bạn vẫn nắm tay vợ, mặc quần âu, áo sơ mi, cà vạt, cùng các con bạn đi bỏ phiếu trong một nhà bỏ phiếu bằng gỗ dựng tạm và tìm cho mình một chỗ đứng trong lịch sử.
Sau đó tôi về nhà, chờ đợi sự thất bại như ba lần trước đó, năm 1983, 1987 và 1992. Tôi tự hỏi thất bại có ý nghĩa gì với mình, làm thế nào tôi có thể chiến đấu với đối thủ trong lần kế tiếp, liệu tôi có thể lái con tàu của chúng tôi tránh khỏi thất bại hay không. Lúc này đây, tất cả những ánh mắt đang tập trung vào tôi, khi tôi bước những bước cuối cùng đến với thắng lợi. Sự lo lắng lấn át mọi cảm xúc, vì thế tôi không thể tĩnh tâm được. Tôi cố gắng tập trung vào việc lựa chọn một Nội các mới và gọi điện cho Gordon Brown, người sau đó là Tổng thư ký Nội các Đối lập (Nội các đối lập bao gồm các thành viên cấp cao của phe đối lập, giám sát những người ở vị trí tương đương trong Chính phủ cầm quyền) và Peter Mandelson – người phụ trách chiến lược, cùng với John Prescott từ Hull đến, để thảo luận với tôi về việc lựa chọn Nội các này. Tôi nói chuyện liên tục với Philip Gould – người phụ trách việc tổ chức thăm dò ý kiến và các thành viên khác trong đảng về khả năng giành đa số phiếu, tất cả cũng chỉ để giết thời gian. Mặc dù vậy, sự lo lắng, hồi hộp về những gì sắp diễn ra vẫn không hề nguôi ngoai.
Nhưng tất cả những trạng thái cảm xúc đó rồi cũng biến mất vào quá nửa đêm khi chúng tôi đến điểm kiểm phiếu, đặt tại trung tâm thể thao trong nhà, ở Newton Aycliffe – một thị trấn ở Durham, nơi tôi từng là đại diện cho cử tri của Sedgefield. Những lá phiếu cuối cùng được kiểm đã cho thấy chiến thắng áp đảo, các con số có thể có một chút chênh lệch, nhưng sai sót lớn ở đây là điều không thể xảy ra. Chúng tôi sắp chiến thắng, tôi sắp trở thành Thủ tướng. Suốt buổi tối, tâm trạng của tôi như thể đang chơi trò tung hứng mỗi khi kết quả mới được công bố. Dĩ nhiên, chặng cuối của cuộc hành trình này đã và đang làm thay đổi cả đất nước, nhưng trên con đường gian khổ dẫn đến đích, chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng mỗi bước đi để chắc chắn vượt qua thử thách, chúng ta phải đảm bảo rằng mình đã chọn được chiếc xe phù hợp, động cơ tốt, hành khách hoặc yên vị trên xe hoặc thúc giục khởi hành, chứ không tìm cách cản đường đi tới của cỗ xe. Để chắc chắn, chúng tôi đã thảo luận kỹ lưỡng cách lái bộ máy chính quyền mới nếu trúng cử. Ở thời điểm hiện tại, đó là việc của phe đối lập đang nắm chính quyền, nhưng những việc này luôn chiếm lĩnh tâm trí chúng tôi, chúng tôi đã quá hiểu và đã trải nghiệm trong nhiều năm vị trí của một Nội các Đối lập khi vị thế của Công Đảng vẫn còn mờ nhạt trên chính trường. Càng đến gần ngày bầu cử, toàn bộ tâm trí của chúng tôi càng tập trung vào việc tổ chức chính quyền và cảm xúc cũng vậy, luôn hồi hộp hướng đến ngày đó.
Đó là tất cả những gì chúng tôi biết, một vài tay lão luyện như Jack Cunningham và Margaret Beckett đã làm Thứ trưởng trong chính quyền Callaghan nhiệm kỳ 1976–1979, còn lại tất cả chúng tôi đều đi lên từ những tay “không chuyên”. Cho dù những tay lão luyện chỉ biết đến chính quyền Công Đảng trong giai đoạn “giãy chết”, nhưng tinh thần của năm 1997 đã khác xa năm 1970, như sao Hỏa với Trái đất.
Về phần mình, chúng tôi tự nhủ rằng “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”. Chúng tôi tự tin bước đi hiên ngang, gạt phăng tất cả các vật cản để đi đến những giây phút cuối cùng này. Có phải chúng tôi đã chiến đấu trong một cuộc chiến vĩ đại, đã đạp qua xác quân thù? Có phải chiến lược của chúng tôi đã được an bài, đập tan niềm kiêu hãnh trong trái tim phe đối lập? Có phải chính quyền chỉ là điểm đến tiếp theo trên một con đường xa hơn và không thể đoán trước? Với sự liều lĩnh, tự tin và tinh thần kiên định, những con người đã làm nên những điều tuyệt vời tính đến thời điểm này chắc chắn sẽ không mất đi những phẩm chất đó trên chặng đường tiếp theo.
Tôi có thể thấy điều đó ở tất cả những người xung quanh mình và sẽ luôn luôn như vậy. Vào đêm mà gần như chắc chắn sẽ trở thành Thủ tướng, tôi không còn nhìn cuộc sống qua lăng kính màu đen nữa, nhưng khi phải đối mặt với ánh sáng, tôi lại thấy lo sợ.
Tôi sợ vì biết rằng đây không phải chỉ là điểm đến tiếp theo trên cùng một con đường, mà giờ đây chúng tôi sẽ bước vào vùng đất xa lạ. Tôi lo sợ bởi bản năng cho tôi biết những chướng ngại tiếp theo sẽ vô cùng khó khăn và phức tạp. Tôi sợ với ý nghĩ rằng mình sẽ phá nát chính quyền. Cùng với thời gian, tôi biết rằng khi lòng dân không yên, họ sẽ không quan tâm việc Chính phủ đúng hay sai, cho dù thực ra là Chính phủ đúng. Khi người dân quay lưng và gây áp lực với chính quyền, họ thật tàn nhẫn, dửng dưng với mọi thứ ngoại trừ những điều làm thỏa mãn sự căm ghét của họ. Tôi sợ bởi vì ngay lúc đó, đột nhiên tôi cho rằng mình không phải là một người tháo vát, mạo hiểm và có tài tiên đoán, nhưng vẫn phải đứng mũi chịu sào, không biết đúng sai nhưng vẫn phải ra quyết định. Tôi nhận ra rằng mình đã không biết công việc đó khó khăn đến nhường nào, Chính phủ hoạt động ra sao và hoàn toàn không biết cá nhân mình phải xử sự thế nào khi công chúng quay lưng lại, nhưng tôi biết đó là những gì mình sẽ phải đối mặt.
Ở trụ sở chính của Milibank tại London (tòa nhà nơi Công Đảng bắt đầu chiến dịch tranh cử và bắt đầu biết đến sự khắc nghiệt của bầu cử), bữa tiệc mừng chiến thắng đã được mở màn. Trong hội trường tại điểm bầu cử Durham, nơi kiểm phiếu, bầu không khí đầy náo nhiệt. Không khí đó lan tỏa một cách tự nhiên giữa các thành viên Công Đảng, ngay cả Đảng Bảo thủ, Đảng Dân chủ Tự do và tất cả mọi người đều cảm nhận được thời khắc lịch sử ấy.
Trong hệ thống Nghị viện, Thủ tướng cũng chỉ như một nghị sĩ đứng khiêm tốn ở điểm bầu cử như các ứng cử viên khác, trong khi người phụ trách đọc kết quả – một hành động rất dân chủ. Tuy nhiên, khi có thêm nhiều thông tin được công bố về sự kiện đáng chú ý này, tại điểm bỏ phiếu của Thủ tướng và lãnh đạo đảng đối lập, không chỉ có thành viên của các chính đảng, mà còn vô số ứng viên khác xuất hiện với động cơ nào đó hoặc đơn giản chỉ để xuất hiện trước công chúng mà thôi. Họ có những cái tên thú vị và lạ lùng: Crewy Driver (Đảng Rock n’ Roll), Boney Maronie Steniforth (Đảng Monster Raving Looney), Jonathan Cockburn (Đảng Blair Must Go) và Cherri Blairout–Gilham (Đảng của người nhận trợ cấp). Mỗi đảng phái đều có quyền gửi một số người của họ đến điểm kiểm phiếu. Họ đứng lẫn vào nhau trong hội trường như trong một cuộc thi chạy việt dã toàn quốc mà tôi từng xem trên tivi.
Kết quả thắng cuộc rõ ràng ngay từ đầu. Đó không chỉ đơn thuần là một chiến thắng, mà một chiến thắng áp đảo. Sau 2 giờ kể từ khi tôi bắt đầu thực sự cảm thấy lo lắng, dòng tít chạy phía dưới màn hình tivi cho thấy có hơn 100 ghế cho Công Đảng, trong khi Đảng Bảo thủ chỉ có 6 ghế. Tôi bắt đầu nghĩ rằng mình đã làm một việc trái với Hiến pháp. Tôi muốn đánh bại Đảng Bảo thủ và đã thực hiện nó một cách hoàn hảo, nhưng sẽ thế nào nếu chúng tôi quét sạch họ? May thay, số phiếu của họ tăng lên sau đó. Nhưng chiến thắng áp đảo này rõ ràng đã đi vào lịch sử. Mọi người bắt đầu thư giãn và uống mừng. Tôi vẫn hoàn toàn tỉnh táo, còn nhiều việc phải làm. Tôi sẽ phải phát biểu, gửi tin nhắn vì vậy phải giữ giọng nói và thái độ phù hợp với tầm quan trọng của chiến thắng.
Đó là thời điểm cảm xúc của tôi trái ngược với hầu hết mọi người xung quanh. Khi họ càng lúc càng phấn chấn với quy mô áp đảo của chiến thắng, tôi lại cảm thấy ngày càng nặng nề bởi gánh nặng trách nhiệm đè lên vai. Tôi biết rằng điều này hơi kỳ quặc, vì thực sự tôi đã cảm thấy hơi tức giận, những người quanh tôi có biết rằng trách nhiệm tôi sắp phải đón nhận to lớn như thế nào không? Họ có nghĩ đến sự cần thiết của một bản tuyên bố để kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân? Họ phải cẩn trọng loại bỏ hoặc giới hạn những hành động nào để phù hợp với vai trò điều hành đất nước?
Một người lắc lư đi đến chỗ tôi – người đầu tiên trong số nhiều người đêm đó – “Thật là tuyệt, anh sẽ là một Thủ tướng vĩ đại, Tony ạ, chắc chắn như vậy”. Tôi nói “Ôi, thôi đi”. Làm sao mà anh ta hay tôi có thể biết được điều đó.
Khoảng nửa đêm, chúng tôi gọi David Hill, một người luôn đúng mực hiện đang phụ trách mảng báo chí của đảng tại Milibank và quát vào mặt anh ta rằng những đảng viên đang ăn mừng một cách quá đà và họ nên bình tĩnh lại. “Chúng ta sắp sửa giành chiến thắng lịch sử và chấm dứt 18 năm cầm quyền của Đảng Bảo thủ” – anh ta nói: “Thật khó để bảo tất cả bọn họ làm ra vẻ ủ rũ, thưa ngài”.
Tôi quay sang tập trung vào việc mình sẽ nói gì, sẽ có ba bài phát biểu: Một bài tại điểm kiểm phiếu trên cương vị một nghị sĩ; một tại cuộc mít tinh nội bộ ở CLB của Công Đảng tại làng Trimdon, cách điểm bỏ phiếu của tôi một con phố; và một tại Hội trường Royal Festival, London vào lúc 5 hoặc 6 giờ sáng, nơi một sự kiện lớn đã được chuẩn bị cho những người ủng hộ và giới truyền thông.
Tôi thảo luận về nội dung phát biểu với Alastair Campbell, người phụ trách truyền thông. Trong suốt ba năm qua, anh ta đã vững vàng như một hòn đá tảng. Theo kinh nghiệm của tôi, có hai kiểu người điên khùng: Kiểu thứ nhất rất nguy hiểm, kiểu thứ hai mang lại cho họ sự sáng tạo, sức mạnh, sự khéo léo và nghị lực. Alastair là kiểu điên khùng thứ hai. Thế nhưng kiểu người thứ hai lại không kiên định, khó nắm bắt và có thể bùng nổ bất cứ lúc nào với hậu quả khôn lường. Trên tất cả, bạn phải biết rằng không thể thuần hóa họ, nhưng có thể thuyết phục họ và điều khiến họ trở nên khác biệt và nổi bật là họ không lựa chọn làm việc theo cách thông thường và dễ đoán trước. Họ thường xuyên nổi cáu. Sau này, trước khi rời bỏ vị trí vào cuối năm 2003, Alastair hầu như đã đi quá giới hạn. Giống như những kẻ sáng tạo khác, anh ta có thể gây cho bạn những cú đau để đời nhưng trong hầu hết thời gian – đặc biệt trong những năm điều hành phe đối lập và giai đoạn đầu của Chính phủ Công Đảng – anh ta là một người khác, người không thể thiếu và không thể thay thế. Cùng với Gordon và Peter Mandelson, anh ta đã thực hiện xuất xắc các ý tưởng chính trị của Công Đảng mới và chịu trách nhiệm về các thông cáo báo chí trong thời đại thông tin này. Điều hài hước là, về mặt hoạch định chính sách thì tư tưởng của anh ta lại rất gần với Công Đảng Cũ. Đêm hôm đó, tâm trạng của anh ta cũng giống tôi: bình thản và kiềm chế. Chúng tôi duyệt lại những điều cần nói trong bài phát biểu: đầu tiên là về gia đình, tiếp theo là về đảng và cuối cùng là về đất nước.
Tôi thực sự xúc động khi nhắc đến cha mình. Khi phát biểu tại điểm kiểm phiếu, tôi thấy ông đứng đó với giọt nước mắt hãnh diện. Tôi nghĩ về cuộc đời ông: được nhận làm con nuôi ở Glasgow, cha nuôi của ông lúc đó là người dựng cột buồm tại bến tàu Govan, mẹ nuôi là một người có sự pha trộn kỳ quặc giữa chủ nghĩa xã hội và cuồng tín – bà đã từ chối trả ông lại cho mẹ ruột. Thời trẻ ông là Thư ký của Đoàn Thanh niên Cộng sản Glasgow, sau đó là binh nhì trong chiến tranh, kết thúc tuổi trẻ với hàm thiếu tá quân đội và là thành viên Đảng Bảo thủ, trong khi đó thì hầu hết những người khác đều đi theo con đường chính trị ngược lại.
Ông trở thành một nhà nghiên cứu và luật sư chuyên nghiệp, lúc này ông đã là một đảng viên tích cực của Đảng Bảo thủ. Ông giữ một ghế trong Nghị viện của Đảng Bảo thủ tại thị trấn Hexham, miền Bắc nước Anh và trong cuộc bầu cử năm 1964, ông là một ứng cử viên đầy tiềm năng. Thậm chí, ông còn có một chương trình riêng trên đài truyền hình địa phương. Ông thông minh, lôi cuốn và đầy tham vọng. Ông phù hợp với hình tượng mà Đảng Bảo thủ đang kiếm tìm trong một thế giới nhiều biến động: không ai có thể tranh luận về giai cấp với ông, ông hiểu về giai cấp mình đã thuộc về và cũng học cách để thoát khỏi giai cấp đó.
Một đêm nọ, sau những cuộc họp, các sự kiện xã hội và công việc nặng nhọc, ông bị đột quỵ và tưởng như không thể qua khỏi. Ông đã tỉnh lại, nhưng phải trải qua ba năm đau đớn học nói lại từ đầu. Tôi vẫn còn nhớ mẹ tôi đã giúp cha tôi như thế nào, ngày qua ngày, bà hướng dẫn ông học lại từng từ từng câu một cách khó khăn. Và tôi cũng không thể quên rằng gia đình chúng tôi đột ngột rơi vào cảnh khó khăn về tài chính như thế nào, ngay lúc đó một vài người bạn đã bỏ ông và thật phũ phàng khi giọng nói của ông không thể trở lại bình thường thì nghiệp chính trị của ông cũng chấm dứt.
Cha là người đã định hình quan điểm chính trị của tôi. Không phải vì ông đã dạy tôi rất nhiều về chính trị bằng cách hướng dẫn tôi trong các hoạt động chính trị (việc ông thuộc về phe chính trị đối lập đã dẫn đến một vài cuộc tranh luận nảy lửa giữa hai cha con, mặc dù không thường xuyên). Mà vì từ khi còn bé, tôi thường nghe những cuộc tranh luận của ông với bạn bè và tiếp thu những luận điểm, cảm nhận niềm đam mê trong giọng nói của họ và hiểu chút ít về sự rối rắm của chính trị.
Tôi nghĩ lại lần đầu tiên được gặp mặt các chính trị gia, họ đều không phải người Công Đảng, Micheal Spicer – thành viên Đảng Bảo thủ sau này, hay cả Patrick Jenkin (có thể tôi nhớ nhầm) – người phục vụ trong Nội các của bà Thatcher. Họ đã đến ăn tối tại nhà chúng tôi ở High Shincliffe, Durham. Lý do tôi lờ mờ nhớ lại chuyện này là bởi Micheal, khi đó là một thành viên trẻ triển vọng của Đảng Bảo thủ, muốn đấu tranh giành một ghế ở Nghị viện trong sự vô vọng mà cha tôi lại là người có ảnh hưởng đến các ghế tại Durham.
Nhưng những điều đó không tác động nhiều đến con đường đến với chính trị của tôi bằng những điều cha tôi đã dạy – một cách hoàn toàn vô thức rằng, tại sao những người như ông lại tham gia Đảng Bảo thủ. Ông nghèo, xuất thân từ tầng lớp lao động, luôn khao khát gia nhập tầng lớp trung lưu. Ông lao động chăm chỉ, hưởng thành quả lao động của chính mình và mong muốn con cái làm tốt hơn. Ông nghĩ – giống như nhiều người cùng thế hệ với mình – rằng làm việc chăm chỉ, nghiêm túc hơn thì sẽ nhận thành quả tốt hơn – và đây chính là một trong số những giá trị mà Đảng Bảo thủ bảo vệ. Bạn làm như vậy thì bạn chính là một thành viên của Đảng Bảo thủ: Điều này giống như hai mặt của đồng xu vậy, có mặt này thì phải phải có mặt kia và ngược lại. Chính từ đây đã hình thành tham vọng chính trị của tôi: Phá vỡ mối liên kết đó và thay thế chúng bằng những lựa chọn khác. Bạn có lòng trắc ẩn, bạn quan tâm đến những người kém may mắn hơn mình, bạn tin vào xã hội cũng như tin vào cá nhân. Và bạn có thể gia nhập Công Đảng nếu muốn. Bạn có thể thành công và thu hút được sự quan tâm, tham vọng và đam mê, trở thành một người tài năng và cấp tiến. Hơn nữa, những điều đó không xung đột với nhau mà là những phương tiện hoàn toàn thích hợp để đảm bảo mọi việc diễn ra trôi chảy. Chúng là câu trả lời cho những đòi hỏi thiết thực, không hề viển vông của con người.
Cha tôi ảnh hưởng sâu sắc đến tôi và mẹ theo một cách khác. Bà khác biệt với ông đủ để hai người chung sống với nhau. Tôi giống cha nhiều hơn: nhiệt huyết, dứt khoát, với một tham vọng cao độ – mà tôi e rằng có thể coi như một sự ích kỷ. Mẹ tôi, trái lại, là một phụ nữ khuôn phép, thánh thiện và đáng mến. Bà nhút nhát, ngay cả trong công việc. Bà ủng hộ cha tôi về mặt chính trị với tư cách một người vợ và một người bạn, nhưng thi thoảng với tôi, bà ứng xử như thể mình hoàn toàn không phải là một người của Đảng Bảo thủ. Vì một số lý do – có lẽ liên quan đến nguồn gốc Ireland của mình – bà cảm thấy mình bị cho ra rìa và bà cho rằng một vài người bạn của cha mang tinh thần bảo thủ hơn trong Đảng Bảo thủ đã rời bỏ cha khi ông bị bệnh.
Bà mất khi tôi vừa bước sang tuổi 22 vì ung thư tuyến giáp. Bà đã không qua khỏi, nhưng việc sống thêm được năm năm sau khi căn bệnh được phát hiện đã thật sự là một điều kỳ diệu.
Đó là một cú sốc, không gì có thể sánh được với nỗi đau mất người thân. Đó có thể không phải là điều tồi tệ nhất trên đời, nhưng nỗi đau đó tác động đến chúng ta theo cách mà chúng ta chưa bao giờ cảm thấy, nhất là khi ta còn trẻ. Mẹ mất làm tôi choáng váng bởi vì tôi chưa từng nghĩ đến điều đó. Bệnh tình bà xấu đi khi tôi học năm cuối đại học tại Oxford, chuẩn bị thi tốt nghiệp, cha tôi và anh trai Bill đã giấu tôi sự thật về tình trạng sức khỏe của bà. Tôi về nhà vào cuối tháng Sáu và cha đón tôi ở ga. “Bệnh của mẹ con thực sự rất nặng” – ông nói.
“Con biết, nhưng mẹ sẽ không chết phải không?” tôi nói, ngu ngốc mong chờ sự đảm bảo từ ông.
“Cha e mẹ con sẽ không qua khỏi.” – ông trả lời. Thế giới như chao đảo trước mắt tôi; tôi không thể hình dung được điều đó. Người nuôi tôi khôn lớn, chăm sóc tôi, luôn bên cạnh giúp đỡ và yêu thương tôi một cách vô điều kiện sẽ ra đi mãi mãi.
Kể từ lúc đó cuộc sống của tôi không bao giờ còn được như trước, khi sự gấp gáp, tham vọng đè nặng lên vai và nhận thức rằng cuộc đời là hữu hạn và phải tiếp tục sống với nhận thức đó. Nỗi nhớ mẹ chưa bao giờ nguôi ngoai trong trái tim tôi.
Trong lúc niềm vui và sự tán dương của mọi người trong đêm bầu cử bủa vây lấy tôi như một cơn sóng triều phấn khích, bất chấp tất cả những điều mà tôi phải nghĩ và làm trong thời khắc quan trọng đó để thực hiện tham vọng của mình, tôi vẫn nghĩ đến mẹ và biết rằng bà sẽ tự hào vô cùng về tôi, cũng như tôi biết tình yêu bà dành cho tôi không bao giờ thay đổi. Rồi mọi việc cũng hoàn thành, tất nhiên là phải đối mặt với thực tế sau những vui mừng ngắn ngủi trong ngày 1 tháng Năm năm 1997.
Lúc đó, tôi thấy cha đang ở Trimdon, nhìn tôi hạnh phúc vì những hy vọng của ông đã được tôi hoàn thành. Khi ánh mắt chúng tôi găp nhau, tôi cũng nhận ra rằng hai cha con đang có cùng một suy nghĩ: đáng lẽ mẹ phải ở đây lúc này.
Tôi hướng suy nghĩ của mình về công việc hiện tại. Có rất nhiều người ở đây. Câu lạc bộ Công Đảng tại Trimdon tràn ngập niềm vui. Chúng tôi có một chiếc máy bay đậu tại sân bay Teesside, kết quả bầu cử được gửi đến Alastair khi chúng tôi lên máy bay. Có cả những thành viên cấp cao trong Nội các Đảng Bảo thủ mất ghế, như Quốc vụ khanh Quốc phòng Micheal Portillo và Quốc vụ khanh Đối ngoại Malcolm Rifkind. Thực là một cơn địa chấn trên chính trường. Tôi ngồi cùng Cherie, tập hợp ý tưởng cho bài phát biểu tại Hội trường Festival, cô ấy biết tôi đang nghĩ gì và như mọi lần, nói với tôi theo cách không ai có thể làm, rằng cô ấy biết sẽ có nhiều khó khăn ở phía trước, chính trị đều bắt đầu như vậy nhưng lại có kết thúc không giống nhau, cô ấy cho rằng đây là một vinh dự lớn, chúng tôi sẽ cùng nhau cống hiến cho đảng với sự chân thành của mình.
Một sự cố nực cười đã xảy ra, chúng tôi bị lạc đường đến Hội trường Festival trong khi liên tục được giới thiệu trước đám đông đang chờ đợi bằng bài hát của chiến dịch tranh cử “Things Can Only Get Better” (tạm dịch: Mọi chuyện chỉ có thể tốt hơn), nhưng cũng giống như Von Trapps, đám đông vẫn chẳng thấy chúng tôi xuất hiện trên sân khấu. Cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi. Tinh thần của tôi đã hoàn toàn bình lặng. Đây là một chiến thắng vĩ đại, vì thế tôi càng phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình, không thể để bất kỳ việc gì gây ra những rối rắm trong đảng dù chỉ một giây. Phải hành xử xứng đáng với cương vị Thủ tướng, chứ không phải một cầu thủ vừa ghi bàn thắng trên sân vận động Wembley.
Nhưng việc đó không dễ dàng chút nào, thật khó chịu khi phải là người duy nhất tỉnh táo trong một cuộc vui như thế này, trong khi những người khác được chúc tụng, quát tháo, khóc rồi cười, còn bạn không được đụng đến một giọt rượu nào, mỉm cười và nói “Vâng, xin cảm ơn, đây là một thời khắc đặc biệt”. Máy quay chĩa vào bạn mọi lúc, những tay săn ảnh bấm máy liên tục, các nhà báo ghi ghi chép chép. Bạn cười, nhưng không được hòa vào khí thế chung, bạn ôm, nhưng với những cái vỗ nhẹ sau lưng, bạn cảm ơn, nhưng với một thứ tình cảm chừng mực. Có những gương mặt thân quen trong chiến dịch tranh cử, những người bạn lâu năm và có cả những người tôi chưa từng gặp trước đó. Với họ, mỗi lời chúc mừng là một khoảnh khắc để tận hưởng, còn với tôi, là khoảnh khắc phải làm nhiệm vụ.
Tôi gặp Neil Kinnock, lãnh đạo Công Đảng, người đã dạy tôi rất nhiều, gửi lời chúc mừng tới tôi rất chân thành và nồng ấm. Nhưng ngay cả khi trao đổi với ông, tôi vẫn nhận ra ánh nhìn lo âu của Alastair dõi theo tôi lên trên bục, trong khi mọi người thư giãn ở dưới, chúng tôi vẫn phải bước trên sân khấu để làm vừa lòng người nghe.
Như khi còn lãnh đạo phe đối lập, bạn phải gánh một trách nhiệm lớn lao, đó là nhiệm vụ vận động cho vị trí cao nhất của quốc gia. Bạn là người cầm trịch cho quan điểm chính trị của mình, cho đảng và cho niềm tin bạn đang nắm giữ. Những ai đã từng chạy đua tranh cử đều biết rằng đó là một công việc phức tạp đến nhường nào. Có hàng triệu ý kiến về tổ chức, truyền thông, nhân sự và chính sách phải được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả. Nếu bạn làm tốt, điều đó khẳng định sự chuẩn bị tốt và là dấu hiệu thực sự của khả năng lãnh đạo của bạn. Nhưng ngay cả khi bạn làm tốt chiến dịch tranh cử và chiến thắng thì điều đó cũng không thể hiện năng lực của bạn trong cương vị lãnh đạo tiếp theo. Bắt đầu từ thời điểm trọng trách Thủ tướng được đặt lên đôi vai, bạn mới hiểu rằng quy mô, tầm quan trọng và sự phức tạp của vị trí lãnh đạo này hoàn toàn khác so với những gì bạn tưởng tượng trước đó. Không giống như những vị trí lãnh đạo khác, bạn phải sống theo một cách hoàn toàn mới. Bạn có thêm nhiều sự hỗ trợ cho công việc, bạn có cả một đội ngũ dưới quyền hùng hậu. Vâng, bạn là lãnh đạo, nhưng với sự cộng tác chặt chẽ của đội ngũ của bạn, các mối quan hệ tin cậy của bạn được sàng lọc dựa vào sự trải nghiệm, giao tiếp của bạn được kiểm soát bằng giác quan thứ sáu của chính mình, bạn nhận thấy đội ngũ này như một gia đình, hay như một nhóm những kẻ có cùng âm mưu.
Khi bước lên bục, tôi cố gắng hướng tâm trí và nhiệt huyết của mình vào lời phát biểu, cuối cùng, tôi đã nhận ra nguồn gốc của nỗi sợ hãi lớn dần trong tôi ngày hôm đó: Tôi cô đơn. Không còn đội ngũ thân quen, không còn những cảm xúc được sẻ chia giữa những người bạn. Họ là họ và tôi là tôi. Ở chừng mực đó, họ không thể ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi và tôi cũng vậy, chẳng thể ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Tôi đứng trên bục và lướt nhìn qua đám đông phía dưới. Mọi người chen chúc trên cầu Waterloo, nêm chặt không chỉ bên ngoài Hội trường Festival mà còn xung quanh bờ sông Thames, tung hô, biểu đạt niềm vui, cảm xúc đang dạt dào trong họ. Ngay lúc đó và cả ngày hôm đó tôi đều cảm thấy nôn nóng, tôi nóng lòng mong tiệc liên hoan kết thúc và trở lại với công việc, để bắt đầu cương vị của một người đứng đầu Chính phủ. Thế nhưng, tôi vẫn thể hiện diện mạo và tinh thần tốt nhất của mình.
Khi tôi bắt đầu bài phát biểu, mặt trời cũng bắt đầu nhô lên và bình minh đến mang theo những tia nắng đủ màu sắc tuyệt đẹp, báo hiệu một ngày mới tốt lành. Tôi không thể cưỡng được, mặc dù hối hận ngay sau khi nói: “Một buổi bình minh đẹp đã bị phá hỏng, phải không các vị?”. Câu nói đó của tôi nhanh chóng kéo những con người đang lơ lửng trên mây xanh xuống mặt đất để nhấn mạnh rằng đảng trúng cử là Công Đảng mới và Chính phủ sẽ điều hành đất nước theo đường lối của Công Đảng mới. Có lẽ những điều tôi nói chẳng có nghĩa lý gì, nhưng tôi bắt đầu bị ám ảnh rằng nhân dân có thể sẽ lo sợ vì đã trao trọng trách cho chúng tôi và tin rằng chúng tôi sẽ quay trở lại là một Công Đảng già nua, chứ không phải một Công Đảng mới mà chúng tôi đã hứa hẹn. Tôi kiếm tìm những điều kiêu hãnh, ngạo mạn để giúp mình tĩnh tâm, tỉnh táo, tuy nhiên, sự lo lắng vẫn nhanh chóng quay lại ám ảnh chúng tôi.
Cuối cùng, tôi và Cherie về nhà tại Islington, bắc London vào lúc 7 giờ sáng, lúc đó, căn nhà đang có rất đông người vây quanh, chúng tôi dự định sẽ chợp mắt một chút trước khi đến cung điện gặp Nữ Hoàng và bắt đầu điều hành Chính phủ. Cảm giác khác lạ như thể chúng tôi quay trở về ngôi nhà mình đã gắn bó lâu năm, ngủ lại một hoặc hai đêm nữa, trước khi rời đi mãi mãi.
Giấc ngủ ngắn khiến tôi tỉnh táo hơn hẳn. Cuộc bầu cử đã có kết quả cuối cùng. Với 179 ghế áp đảo, nhiều hơn tất cả các đảng phái khác cộng lại, chúng tôi đã tạo ra một điều sửng sốt và vĩ đại nhất trong lịch sử Anh. Những ghế chưa bao giờ giành được trước đây, như tại Hove, cũng rơi vào tay chúng tôi. Một vài ghế quay trở lại lần đầu tiên kể từ thắng lợi lớn của Attlee năm 1945. Những nơi chúng tôi đinh ninh rằng thuộc về đội quân xanh và khó có thể thay đổi được thì đã thuộc về quân màu đỏ: Hastings, Crawley, Worcester, Basildon và Harrow. Còn lại những vùng đã thuộc quân đỏ thì vẫn như vậy trong cả hai kỳ bầu cử tiếp theo.
Không lâu sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc vào đêm trước và khi những lá phiếu cuối cùng đã chỉ ra người chiến thắng, John Major gọi cho tôi thừa nhận thất bại. Ông đã rất lịch thiệp, nhưng để làm điều đó với ông chắc hẳn cũng không hề dễ dàng gì. Ông có sức mạnh, nhưng đã bị tôi đánh bại vì những điểm yếu cá nhân của chính mình.
Có một điều kỳ lạ trong chính trị là các vị lãnh đạo cũng như các đảng phái có thể cảm thấy bị xúc phạm khi bị phe đối lập công kích và họ thường cho rằng sự công kích đó không “đẹp” (tôi dám nói rằng tôi cũng đã phải chịu đựng cảm giác này, mặc dù tôi luôn đấu tranh chống lại nó), nhưng họ lại hoàn toàn quên tịt điều đó khi tấn công đối thủ. Khi ngẫm lại cách chúng tôi cư xử với tư cách là phe đối lập, tôi vẫn lấy làm ngạc nhiên về sự chuyên nghiệp của chính mình, mặc dù cũng vẫn có một vài chiến thuật mang tính cơ hội và dễ dãi. Hơn nữa, những sự công kích này đã để lại những mầm mống có thể dẫn tới những hậu quả vô cùng nghiêm trọng mà chúng tôi không thể đoán trước được.
Những chỉ trích của tôi đối với cựu Thủ tướng Anh, John Major, luôn là những chỉ trích liên quan đến chính trị, chẳng hạn như ông ta là một nhà lãnh đạo kém năng lực và chia rẽ đảng phái. Thế nhưng, những lời chỉ trích của Đảng Bảo thủ đối với tôi thì luôn liên quan đến các khía cạnh cá nhân và đời tư, chẳng hạn tôi là một kẻ dối trá, lừa đảo và gian lận. Vì vậy, thật khó khăn cho Major khi gọi điện cho tôi, nhưng ông ta đã làm vậy và ngày hôm sau, tôi đã có những phát biểu tỏ lòng hết sức ngưỡng mộ ông (tôi không biết việc đó có xát thêm muối vào vết thương lòng của ông hay không).
Tôi nhận được một cuộc điện thoại khác từ Bill Clinton. Cảm giác thật dễ chịu do cách ông ấy nói chuyện nồng ấm và vui vẻ, nhằm lôi kéo đồng minh. Nhưng tôi cũng cần phải nói thêm rằng, ông ấy luôn biết được suy nghĩ của tôi và biết những cạm bẫy đang chờ tôi phía trước. Ông ấy nhẹ nhàng và thẳng thắn nhắc nhở tôi về những biến động có thể xảy ra.
Quãng đường từ Richmon Crescent tại Islington đến cung điện Buckingham thực sự khác ngày thường. Người dân đổ xô ra đường phố, nêm chật ních các con phố, vẫy tay và chào đón tân Thủ tướng. Máy bay trực thăng lượn lờ phía trên để ghi hình trực tiếp khoảnh khắc đó và vì thế mọi người biết chúng tôi đang di chuyển đến đâu và đổ ra đường để chào đón. Dường như cả đất nước đang trong ngày đại lễ. Một sự đoàn kết đáng kinh ngạc trong thời khắc chính trị thay đổi. Người ta bầu cử vì rất nhiều lý do. Tuy nhiên, lại có một số người chỉ luôn bầu cho một đảng phái dù bất kể lý do gì (Tôi đã từng bỏ phiếu cho Công Đảng vào năm 1983. Và mặc dù tôi là một ứng cử viên của Công Đảng, nhưng tôi không nghĩ chiến thắng của đảng này là điều tốt nhất cho đất nước). Nhiều người bỏ phiếu vì lòng trung thành với một đảng phái nào đó hay theo truyền thống từ trước đến giờ họ vẫn luôn làm như thế. Khi kết quả bầu cử được công bố, điều thực sự tốt cho một quốc gia cần có sự thay đổi và lúc đó ngay cả những người bỏ phiếu chống lại bạn cũng vẫn tham gia vào lễ chào mừng sự kiện chính trị trọng đại đó như thể họ có hai lá phiếu vậy: một lá phiếu họ bỏ trong hòm, còn lá phiếu kia, họ tự ấn định trong suy nghĩ của mình.
Khi xe chúng tôi đi qua cổng cung điện Buckingham, có rất nhiều người phấn khích và tìm mọi cách để có thể nhìn mặt tân Thủ tướng. Tôi có thể nhận thấy Cherie đã rất phấn khởi và hơn bao giờ hết, tôi cũng muốn được hòa mình vào không khí phấn khích này. Lúc đó, tôi cảm thấy hết sức mệt mỏi với hàng loạt những buổi họp hành, truyền thống hay những nghi thức kéo dài triền miên làm đình trệ các hoạt động khác.
Tôi được dẫn vào một gian phòng nhỏ, giáp phòng của Nữ hoàng. Đột nhiên, tôi cảm thấy rất hồi hộp. Tôi biết nghi thức cơ bản, nhưng biết rất lờ mờ. Nghi thức này được gọi là “Hôn tay”, tức là Thủ tướng quỳ gối xuống và hôn tay Nữ hoàng và Người sẽ trao quyền điều hành đất nước cho ông ta. Nữ hoàng là người đứng đầu một quốc gia, còn tôi là Thủ tướng của bà. Một quan chức dáng người cao lớn, tay cầm một chiếc gậy đứng ngay bên cạnh tôi. Và ông bắt đầu mở lời: “Thưa ngài Blair, tôi cần nói với ngài một điều” (người ta gọi tôi là “ngài Blair” trước khi được bổ nhiệm), “trong lễ Hôn tay, ngài không cần phải hôn tay Nữ hoàng thật đâu, ngài chỉ cần chạm nhẹ môi vào tay Nữ hoàng thôi”.
Tôi phải thú nhận rằng điều này làm tôi vô cùng bối rối. Tôi không hiểu ông ta nói vậy là có ý gì? Chả nhẽ tôi lại chà môi của mình vào tay Nữ hoàng như kiểu người ta đánh giầy hay chỉ cần khẽ chạm môi vào tay của bà? Tôi vẫn đang chưa biết phải làm gì thì cửa bật mở và tôi được đưa vào trong phòng, nhưng thật không may tôi lại bị trượt chân trên một tấm thảm nhỏ và gần như chúi ngay đầu xuống gần tay Nữ hoàng. Tuy nhiên, thật may là chưa tệ đến mức tôi đập mặt vào tay Nữ hoàng. Tôi lấy lại bình tĩnh và ngồi đối diện với bà. Mặc dù tôi đã gặp bà trước đó, nhưng cuộc gặp gỡ lần này hoàn toàn khác. Đây là cuộc diện kiến chính thức đầu tiên của tôi với Nữ hoàng trong tư cách Thủ tướng. Có rất nhiều điều tôi muốn nói về Nữ hoàng. Ở lần gặp này, tôi nhận thấy có hai điều đặc biệt: đầu tiên, tôi thấy khá lạ lùng vì với với một người giàu kinh nghiệm và có địa vị cao như vậy, Nữ hoàng lại khá ngượng nghịu. Tuy nhiên, bà lại là người rất thẳng thắn. Tôi nói thẳng thắn ở đây không phải là thô lỗ hay thiếu tinh tế mà đơn giản tôi chỉ cảm thấy như vậy thôi. Nữ hoàng bắt đầu nói: “Ông là Thủ tướng thứ 10 khi ta là Nữ hoàng, vị Thủ tướng đầu tiên là Winston, thời của Winston còn trước khi ông sinh ra”. Chúng tôi nói chuyện một hồi, không hẳn là một cuộc nói chuyện ngắn mà là một cuộc đối thoại khá cứng nhắc về các chương trình của Chính phủ. Sau đó Cherie được mời vào để thể hiện sự kính trọng và Nữ hoàng có vẻ thoải mái hơn khi họ nói chuyện (trái với những điều mọi người nghĩ, Cherie luôn có mối quan hệ tốt với Nữ hoàng). Lúc đó, Cherie đang giải thích những điều rất thực tế mà chúng tôi sẽ phải làm với bọn trẻ và việc chuyển đến phố Downing là một điều chúng chưa thể quen ngay được. Nữ hoàng tỏ vẻ đồng cảm nên tôi sợ rằng mình ngồi đó có vẻ thừa thãi, không biết làm thế nào và lúc nào thì nên kết thúc cuộc đối thoại. Tôi đang nghĩ xem mình nói gì trước khi bước vào tòa nhà trên phố Downing và cũng vì thiếu ngủ, nên tôi cảm thấy rất lơ mơ. Đương nhiên, Nữ hoàng cảm nhận được điều đó và bà chỉ tiếp tục cuộc nói chuyện một lát. Sau đó, bằng một cử chỉ rất nhẹ nhàng, bà kết thúc câu chuyện và tiễn chúng tôi ra cửa.
“Lối này, thưa ngài Thủ tướng” − Một người khá cao với cây gậy trong tay nói khi dẫn chúng tôi xuống nơi chiếc xe đang chờ đưa chúng tôi về phố Downing. Sau khi thoát khỏi đám đông, tôi tiến lên bục phát biểu, nơi tôi sẽ phải thường xuyên đứng trong những năm tới đây của nhiệm kỳ. Những gì tôi nói phản ánh khát khao thường trực trong tôi, đó là làm sao tránh khỏi trạng thái “mải mê với chiến thắng” – điều mà tôi biết rằng không giúp gì cho việc điều hành đất nước – và bắt đầu công việc của mình. Tôi nói về các kế hoạch, các chương trình cũng như những chính sách. Đó không phải là một bài diễn văn dài song tập trung cặn kẽ vào những việc chúng tôi sẽ phải làm khi lần đầu tiên đặt chân vào Dinh Thủ tướng.
Nhưng sự thật, những điều tôi nói đã không còn quan trọng. Tâm trạng vẫn là tâm trạng, tôi phải cố ngăn nó lại như ngăn một chiếc xe tải đang lao đến. Sự kỳ vọng dồn nén của cả một thế hệ được trao vào tay tôi. Họ muốn mọi thứ phải thay đổi, muốn được nhìn, cảm nhận sự bắt đầu của một kỷ nguyên mới và tôi là người mang đến những điều đó. Chúng tôi như thể một khối chuyển động, liên kết với nhau bởi một mối quan tâm chung: đó là đào thải cái cũ và đón nhận cái mới. Những tình thế khó xử trong việc hoạch định chính sách hay bản chất tàn nhẫn của việc đưa ra các quyết định không thể cản trở đám đông. Họ như đang được bay lên, qua khỏi những con phố xấu xí, nơi mà công việc chính trị thực sự đang diễn ra. Ở trên ấy, họ chỉ nhìn thấy triển vọng, cơ hội và chân trời tương lai rộng mở.
Khi Barrack Obama thành công trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2008 với chiến dịch tranh cử phi thường của mình, thì tôi có thể nói chính xác những gì ông ta đã nghĩ trong đầu. Ở một mức độ nào đó, sự phấn khích và sinh lực được tạo ra bởi kỳ vọng dành cho một ứng viên có thể nâng anh lên, đưa anh đi và mang đến mọi thứ cho anh tựa như một phép màu. Cả đất nước như ở trên mây và anh cũng ở trên đó cùng họ.
Tuy nhiên, sâu xa hơn, anh sẽ nhanh chóng nhận ra rằng mặc dù người ta đặt hy vọng vào anh và chính anh đã phần nào kiến tạo ra hy vọng ấy, nhưng bản thân niềm hy vọng ấy cũng có một đời sống riêng, có linh hồn riêng. Và linh hồn ấy nhiều khi vụt xa khỏi tầm kiểm soát của anh. Anh sẽ muốn chế ngự nó, kìm hãm nó vì anh biết rằng sự độc lập quá mức của nó sẽ khiến công chúng có những kỳ vọng quá lớn.
Những kỳ vọng theo kiểu như vậy không bao giờ có thể đạt được. Đó là điều anh luôn muốn nói với người dân và anh thường xuyên nói với họ, song đừng quá kìm nén niềm hy vọng của họ. Để rồi cuối cùng, khi niềm hy vọng ấy mất đi, đẩy những người ủng hộ anh trở lại với thực tại, một thực tại mà anh chưa bao giờ chối bỏ – khác với thực tại mà thậm chí anh đã hứa sẽ mang lại để đáp ứng sự kỳ vọng của họ. Đó là lúc ảo tưởng tan vỡ. Sự tan vỡ này còn nguy hại, đau đớn hơn bởi niềm kỳ vọng đã đến trước đó.
Dù sao thì đó cũng là những gì mà tôi đã cảm nhận được.
Những gì vừa nói có vẻ không có thực, vì nó vốn đã không có thực rồi. Có thể hiểu được rằng tại sao con người lại có cảm nhận như vậy, tại sao tôi muốn là người dẫn dắt và hiểu được rằng chúng tôi sẽ cùng nhau là một thế lực bất khả chiến bại. Thế nhưng, từ trong sâu thẳm, đó là sự tự lừa dối có sẵn trong mỗi người, không phải là sự lừa dối có chủ tâm hoặc xuất phát từ ý đồ xấu xa hay động cơ không trong sáng. Mà sự tự lừa dối này được sản sinh từ niềm hy vọng rằng bằng cách nào đó, sự thành công không đi kèm với những lựa chọn khó khăn, có lẽ nên gọi nó là ảo tưởng thì đúng hơn. Nhưng khi người cảnh sát đứng sang một bên và cánh cửa Số 10 phố Downing mở ra, dường như việc tôi đắc cử giống như một sự giải phóng, sự ra đời của một cái gì đó tốt hơn so với những cái trước đây.
Tuy nhiên, điều ấy lại là một sự bất ngờ đối với những thành viên già nua tội nghiệp ở ngôi nhà Số 10 này. Theo lệ thường, cựu Thủ tướng, John Major chỉ bước ra ngoài vài phút trước khi tôi đến. Theo truyền thống, khi tân Thủ tướng tới, các nhân viên sẽ xếp hàng vỗ tay dọc hành lang dẫn đến phòng Nội các. Một vài người trong số họ lờ mờ nhớ được Chính phủ Công Đảng cuối cùng, nhưng lúc đó họ còn trẻ. Giờ đây họ chỉ biết nói lời tạm biệt với 18 năm cầm quyền của Đảng Bảo thủ.
Đi giữa 2 hàng người, những người tôi chưa từng gặp mặt – những người sẽ làm việc cùng tôi trong những sự kiện tới đây và nhiều người trong số đó trở thành bạn bè của tôi vài người trong số họ trên khuôn mặt vẫn phảng phất nỗi buồn cho sự ra đi của cựu Thủ tướng, số ít phụ nữ còn sụt sùi. Khi đi đến cuối hàng, tôi bắt đầu cảm nhận rằng chính tôi là nguồn cơn của nỗi buồn ở đây. Nói gì cũng bằng thừa, tôi bỏ qua việc ấy.
Sau đó tôi vào phòng Nội các, nơi tôi chưa từng đặt chân tới. Ngay lập tức tôi đã bị ấn tượng, không chỉ bởi căn phòng mà còn bởi bề dày lịch sử của nó. Tôi đứng lại một lúc, nhìn xung quanh căn phòng và chợt thấy xúc động trước sự linh thiêng nơi đây. Hàng ngàn hình ảnh xốn xang trong tôi như một thước phim quay chậm, những hình ảnh của Gladstone, Disraeli, Asquith, Lloyd George, Churchill, Attlee, những sự kiện lịch sử thời chiến cũng như thời bình, những hình ảnh người Ireland và Michael Collins, đại diện của một số nước thuộc địa Anh bước qua cánh cửa này để đòi quyền độc lập. Căn phòng này cũng là chứng nhân cho một trong những vương triều vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới và vương triều vẫn còn đây cùng với thời gian. Tôi nghĩ về những cuộc khủng hoảng và các tai họa mà chúng tôi từng gánh chịu, những quyết định cũng như những cuộc tranh cãi, các cuộc hội đàm về những vấn đề cốt lõi trong việc điều hành một quốc gia. Tất cả những hình ảnh ấy chạy dọc qua căn phòng dài và hẹp hướng ra khu vườn phố Downing và hai chiếc cột tượng trưng đánh dấu điểm cuối của bàn họp. Macmillan là người quyết định thiết kế chiếc bàn này theo hình oval để Thủ tướng, khi ngồi giữa trung tâm, có thể nhìn thấy nét mặt cũng như từng cử chỉ của các thành viên Nội các, thậm chí cả những dấu hiệu nhỏ của sự tán thành hay phản đối. Ghế của Thủ tướng là chiếc ghế duy nhất có tay vịn, có thể bởi vì nó trang nghiêm hơn, hay có lẽ Thủ tướng cần nhiều sự trợ giúp hơn những người khác.
Ngồi bên cạnh tôi trong một căn phòng trống khác là Thư ký Nội các, ngài Robin Butler, vốn nổi tiếng vì quyền lực và những kinh nghiệm mà ông có được, là người đã từng làm việc thân cận với cả Margaret Thatcher và John Major. Ông ấy chỉ cho tôi ghế của Thủ tướng, tôi ngồi xuống, thả lỏng người để thư giãn sau 24 giờ căng thẳng với những cảm xúc buồn vui lẫn lộn.
“Vậy”, ông ta lên tiếng, “Giờ thì sao?”. Đó là một câu hỏi hay. “Chúng tôi đã nghiên cứu bản phương hướng hoạt động”, ông tiếp tục và một điều gì đó bất chợt làm tôi xao nhãng. “Và chúng tôi đã sẵn sàng để cùng ngài thực hiện bản phương hướng đó.” (Bản phương hướng hoạt động là một tài liệu công chứa đựng chương trình về vấn đề lập pháp trọng yếu của một đảng chính trị).
Sau khi cân nhắc điều mà về sau sẽ trở thành mối bất đồng sâu sắc về bản chất của việc đưa ra quyết định trong chính phủ của tôi, và về cái gọi là phong cách “sofa” – một cụm từ mà giới truyền thông dùng để diễn tả những cuộc hội đàm của chính phủ diễn ra bên cạnh những cuộc họp của Nội các – phải nói rằng ngay từ phút đầu, tôi đã cảm nhận được rằng Robin là người hết sức chuyên nghiệp, nhã nhặn và tích cực. Tuy không thích một vài cải cách trong đó, nhưng ông vẫn làm hết mình. Ông là người công bằng theo cách truyền thống nhất của Chính phủ Anh, thông minh và tận tụy với đất nước.
Nhưng ông hội tụ cả ưu cũng như nhược điểm của người quá tôn sùng truyền thống. Ở điểm này, ông đại diện cho phần lớn các công chức cấp cao. Ngay từ đầu, tôi cũng biết rằng ông không thực sự ủng hộ vị trí phụ trách nhân sự của Jonathan Powell, Alastair và dù không gay gắt bằng, nhưng ông cũng không ủng hộ người bạn cũ của tôi đồng thời là trợ lý chung, Anji Hunter. Mặc dù, Jonathan đã từng là công chức, nhưng trong chiến dịch tranh cử của tôi họ đều là những “cố vấn đặc biệt” và hiện nay họ được chính phủ mới tiến cử. Hệ thống chính trị của Anh được vận hành bởi những công chức có trình độ cao nhất. Cố vấn đặc biệt thì khá ít, không giống như ở Mỹ với số lượng cố vấn đặc biệt có thể lên tới cả nghìn người. Sau một vài năm trong Chính phủ, tôi có trong tay 70 cố vấn đặc biệt. Điều này, với một số người, có thể coi là vi phạm Hiến pháp.
Tuy nhiên, những cố vấn đặc biệt này lại là một phần không thể thiếu của nhà nước hiện đại. Họ mang tới cam kết chính trị, điều này không hẳn là xấu (tôi luôn tin rằng những cam kết này không nên được tán đồng khi chúng xuất phát từ cánh tả, nhưng có thể điều đó là nỗi lo sợ vô căn cứ!); họ mang đến kiến thức chuyên sâu, công việc của họ thường xuyên phải liên hệ với các công chức, những người được hưởng lợi từ mối quan hệ với họ. Tôi cần nhấn mạnh rằng rất nhiều công chức không mấy hợp tác với các cố vấn đặc biệt, nhưng họ không thấy phiền vì điều đó và giữa họ vẫn nảy sinh tình bạn chân.
Robin và Jonathan đã có một cuộc thảo luận về việc liệu Alastair hay Jonathan sẽ là người hướng dẫn các công chức trong cơ quan Chính phủ và cuối cùng chúng tôi cũng đã đi đến một thỏa hiệp. (Và nhân tiện nói thêm rằng trong suốt thời gian họ ở phố Downing này, không có bất cứ lời phàn nàn nào về họ cả.) Tôi không thể tin và vẫn chưa thể tin được rằng những người tiền nhiệm của tôi lại không có một người phụ trách nhân sự (phụ trách hoạt động của các công chức). Nhưng Jonathan là người đầu tiên được chấp nhận một cách công khai và là người được chỉ định làm người phụ trách nhân sự. Robin không thích những việc này lắm và trong suy nghĩ của anh, vẫn phân vân một vấn đề: các quyết định được đưa ra như thế nào. Ở đây, anh ta có một vị trí chắc chắn. Thành thực mà nói, khoảng một năm đầu tiên, khi đã tìm được chỗ đứng và vật lộn với những khó khăn trong việc quản lý Nhà nước, chúng tôi có khuynh hướng vận hành Chính phủ như là một bộ máy thống nhất mà ở đó, một số công chức lâu năm cảm thấy như bị cho ra rìa.
Về phía mình, chúng tôi thẳng thắn đưa ra hàng loạt những cam kết cải cách và nhanh chóng nhận ra khoảng cách giữa lời nói và việc làm. Ở phe đối lập, điều đó không quan trọng bởi tất cả những việc anh có thể làm chỉ là “nói”, nhưng trong chính phủ, nơi mà anh phải làm, khoảng cách đó bỗng nhiên xuất hiện như một lỗ hổng quan liêu và thất vọng. Vì thế, trong những tháng điều hành đầu tiên, chúng tôi tập trung vào thực hiện, hơn là chỉ biết nói khi vận động tranh cử và cải cách Công Đảng.
Tuy nhiên, Robin chỉ làm việc với chúng tôi 8 tháng. Trong thời gian đó, chúng tôi đã mở rộng, học tập và điều chỉnh. Các bộ trưởng đồng tình với những thay đổi của chúng tôi, giữ vững vị trí lãnh đạo của mình. Cung cách làm việc thay đổi, Nội các và các thành viên làm việc tốt hơn, những đóng góp ý kiến của các cố vấn đặc biệt và công chức Chính phủ cân bằng hơn.
“Chính phủ sofa” luôn phải đối mặt với những luận điệu bài xích và được thổi phồng lên một cách lố bịch. Đầu tiên là những nhà lãnh đạo luôn có nhiều cố vấn thân cận xung quanh. Mặc dù Robin đã từng nhiều lần nhấn mạnh rằng những người tiền nhiệm của tôi luôn gắn bó mật thiết với Nội các, theo một cách truyền thống, luôn giải quyết tất cả công việc chính phủ trong nội bộ Nội các, còn theo trí nhớ của mình, tôi nhận thấy một ngoại lệ, đó là bà Thatcher với Nội các của bà.
Quan trọng hơn, nguyên nhân của sự khác biệt tác động đến cách vận hành của Chính phủ hiện đại. Như tôi sẽ nói ở phần sau, việc tập hợp các kỹ năng cần thiết để điều hành hiệu quả một đất nước hiện đại rất khác so với thời điểm giữa thế kỷ XX: quan tâm ít hơn đến tư vấn chính sách theo kiểu truyền thống, và để tâm nhiều hơn đến việc quản lý dự án và chuyển giao kết quả. Điều này đúng với cả các công chức và cả các chính trị gia. Những kỹ năng này khá giống với những kỹ năng cần thiết của khu vực tư nhân. Những kỹ năng giúp anh leo lên đỉnh chiếc cột mỡ của Quốc hội không nhất thiết giống những kỹ năng mà anh phải trang bị để điều hành một bộ máy với hàng nghìn nhân lực và một ngân sách tính theo con số hàng tỉ.
Hơn nữa, nhịp độ của nền chính trị hiện đại và sự giám sát gắt gao của giới truyền thông – giờ đây đã hoàn toàn khác so với 20 năm và thậm chí 15 năm trước – điều đó có nghĩa là những quyết định phải được đưa ra, quan điểm phải được nêu lên, kế hoạch phải hiệu quả và thông tin phải được truyền đạt với một tốc độ vượt trội so với trước kia.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng những quyết định được đưa ra mà không được cân nhắc kỹ càng. Nhưng theo quy tắc cũ, các chính sách được những công chức Chính phủ đệ trình lên Nội các – sau đó sẽ thảo luận và ra quyết định cùng với Thủ tướng – người đóng vai trò một chủ tọa độ lượng. Quy trình này giờ không đáp ứng được đòi hỏi trong một thế giới đang thay đổi rất nhanh và cả bối cảnh chính trị cũng đang thay đổi chóng mặt. Trong hoàn cảnh ấy, việc thu nạp những cố vấn đặc biệt không có gì là bất bình thường mà trái lại hoàn toàn hợp lý để thu thập thêm những lời khuyên và giúp Chính phủ tiến bộ. Như tôi đã khám phá ngay từ đầu, vấn đề của bộ máy công chức không phải là sự bế tắc mà là sự trì trệ.
Tuy nhiên, tất cả những điều đó là chuyện của sau này, hiện tôi ngồi đây và suy ngẫm về đường đi nước bước của nước Anh lừng danh này. Quyết định đầu tiên liên quan đến việc Bộ Tài chính làm việc độc lập với Ngân hàng Trung ương Anh. Ngày hôm đó trôi qua với chút ít căng thẳng, lo lắng với việc bổ nhiệm thành viên Nội các và các chức vụ bộ trưởng. Đó là giây phút vui sướng với một số người, nhưng lại thiểu não với số khác. Những chức vụ trọng yếu đã được xác định, nhưng số thành viên Nội các Đối lập lại nhiều hơn số thành viên giới hạn của Nội các (Nội các Đối lập ở đây là Nội các được Công Đảng lập ra trước khi lên cầm quyền). Tôi đã phải nói chuyện với ba thành viên rằng mặc dù có thể trở thành bộ trưởng, nhưng họ có thể không nằm trong Nội các. Hai người trong số đó đồng ý nhậm chức bộ trưởng, người còn lại muốn ngồi “ghế sau ở Nghị viện”, vị trí mà đa số nghị sĩ không phải bộ trưởng ngồi trong Hạ viện. Hừm, chào mừng các vị ngồi lên ghế nóng, tôi nghĩ, trong những năm tới đây, số thành viên bị loại khỏi Chính phủ, bất tín nhiệm Chính phủ, bác bỏ Chính phủ sẽ chỉ có tăng lên mà thôi.
Nhưng trong thời gian mới bắt đầu, tư cách thành viên Chính phủ đã mang đến một cuộc sống tuyệt vời, như anh vẫn hằng mong đợi. Tối đầu tiên làm Thủ tướng, tôi trở về Richmon Crescent để nghỉ đêm cuối cùng ở đó. Những ngày sau đó, vợ chồng tôi thường đi ăn ở một nhà hàng Trung Quốc có bán thức ăn mang về ở phố Downing. Cha tôi cũng xuống đó với vợ chồng tôi, việc đó làm ông vui và khiến tôi tự hào.
Tôi nhận được chiếc hộp đỏ đầu tiên – chiếc cặp chính thức mà tất cả các thành viên Chính phủ dùng để mang giấy tờ – trong đó là những hướng dẫn và thư tín đầu tiên mà tôi phải ký. Tất cả những nhân viên thân cận của tôi cũng bắt đầu công việc của mình, chuyển từ việc công kích phe đối lập sang việc ngồi trong tòa nhà chính quyền, thực thi những điều đã được nghiên cứu trước đó. Ban tham mưu cốt lõi của tôi là một nhóm tập hợp những thành viên xuất chúng nhất, khác biệt về tính cách cũng như cách nhìn nhận, nhưng gắn kết với nhau như một đội quân cùng hướng tới mục tiêu chung và một tình cảm gắn bó keo sơn bền chặt. Tôi có vài nguyên tắc đối với những người thân cận như: công việc được ưu tiên hàng đầu, không có việc đổ lỗi cho nhau, vui vẻ đúng chỗ, không có chỗ cho lòng phàn trắc, giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết, tôn trọng và quý mến nhau.
Nhìn chung, mọi người đều thực hiện được những điều trên. Ban đầu, Jonathan đã gặp không ít khó khăn với vị trí giám đốc nhân sự trong văn phòng của lãnh đạo phe Đối lập, tìm cách thích nghi với sự thay đổi từ một nhà ngoại giao sang một nhà chính trị mưu mẹo. Khi đã thích ứng với vị thế mới, ông thể hiện rất xuất sắc. Ta sẽ bàn về những đóng góp của ông về vấn đề hòa bình Bắc Ireland sau. Những đóng góp chủ yếu của Jonathan trong công việc thể hiện qua hiểu biết về hệ thống cơ quan Chính phủ, tiến độ làm việc đáng kinh ngạc (ông ta có khả năng tiếp thu thông tin rất nhanh) và là một thành viên Công Đảng mới triệt để và thuần khiết. Ông ta và Anji thuộc phe không đảng phái ủng hộ Công Đảng mới. Họ thông hiểu nghiệp vụ, với vẻ bề ngoài thuộc tầng lớp trung lưu và dễ dàng làm việc trong mọi thể chế phi chính trị, là những người ủng hộ mạnh mẽ Công Đảng, nhưng không phải thành viên của Công Đảng.
Sally Morgan, Thư ký chính trị và sau đó là Giám đốc điều phối các mối quan hệ trong Chính phủ và ngoại giao, một Công Đảng viên rất mạnh mẽ và có khả năng vươn tới những nấc thang chính trị mà người khác không thể, tất cả là nhờ vào khát vọng mạnh mẽ và tính nguyên tắc cao. Mặc dù, cô là một nhà tổ chức đảng đáng gờm, nhưng lại không có mối liên hệ gì với Công Đảng cũ. Nhưng cô và Alastair cùng với Bruce Grocotte, Thư ký riêng của tôi trong Nghị viện từ năm 1994, luôn tường tận quan điểm của Đảng. Họ không nhất thiết phải đồng ý với những quan điểm ấy nhưng luôn hiểu và đưa ra những lời khuyên cải cách vô giá.
Ngay từ đầu tôi đã khám phá ra một điều ở Alastair, anh ta có khả năng làm lan tỏa lòng trung thành tuyệt vời. Đội ngũ truyền thông của anh ta là sự hòa trộn giữa những công chức và những cố vấn đặc biệt, trong vòng vài tuần, họ đã gắn kết với nhau để tạo nên những hoạt động vô cùng hiệu quả. Họ yêu mến anh ta và anh ta luôn ở bên cạnh, truyền cảm hứng cho họ với óc hài hước, thái độ thẳng thắn và sự can đảm đến lạ kỳ.
Kate Garvey là “người gác cổng”, chịu trách nhiệm quản lý lịch làm việc. Có cả một luận án tiến sĩ do một số sinh viên giỏi chuyên ngành chính trị viết về tầm quan trọng của việc lên lịch cho một vị Thủ tướng hay Tổng thống trong thời hiện đại. Vai trò của người quản lý lịch làm việc cũng giống như vai trò “viết bài hát” của Lennon và McCartney: so sánh như vậy là đúng, nhưng không truyền đạt được tầm quan trọng sâu xa của công việc này. Cách sử dụng thời gian là điều vô cùng quan trọng và sau này tôi sẽ cho các bạn biết, với tôi, thời gian được sử dụng như thế nào. Kate duyên dáng và vui vẻ, ẩn bên trong là một tính cách mạnh mẽ. Cô quản lý lịch làm việc của tôi rất chặt chẽ và khá chu đáo, cô sẵn sàng trừng trị ai can thiệp vào công việc của mình và tất nhiên, cùng với một nụ cười chiến thắng.
Liz Lloyd, người đã đến làm việc cho tôi sau khi tốt nghiệp đại học như một nhà nghiên cứu và sau đó thăng tiến lên vị trí phó giám đốc nhân sự. Cô như một đóa hồng nước Anh, rất hiểu biết, khéo léo, nhưng trên hết là chân thành và công bằng với tất cả mọi người mà cô đã lay chuyển họ bằng sự điềm tính của mình.
James Purnell, vô cùng thông minh, một bậc thầy về các vấn đề chính trị và đã dành tất cả thời giờ để học tập về chính trị, phục vụ cho công việc tương lai mà tôi mong muốn giao cho anh ta.
David Miliband, một người đứng đầu về chính sách, trẻ măng. David đã thể hiện sự chuyên nghiệp thông qua việc sắp xếp các chương trình của Chính phủ, giữ tâm trạng thoải mái cho các bộ trưởng ngay cả khi hướng dẫn họ, đôi khi như ép buộc họ theo một hướng mới thay vì hướng đã định trước. Cậu ấy thật hoàn hảo trong thời kỳ đầu: thực sự thông minh, bộc trực và am hiểu về các đảng phái chính trị. Cùng một phe với Sally và Alastair nhưng tất nhiên là thành viên Công Đảng mới.
Pat McFadden chịu trách nhiệm tổ chức đảng, nhưng chúng tôi có thể sớm nhận thấy rằng ông ấy có tài năng chính trị nổi bật cũng như trí tuệ để trở thành một bộ trưởng hàng đầu.
Peter Hyman, người có cách xử sự linh hoạt và giao tiếp ngắn gọn, luôn nhanh nhẹn và hào hứng với các ý tưởng mới, không ngại nói ra suy nghĩ của mình và thẳng thắn tranh luận với tôi hay bất kỳ ai khác, nhưng đó cũng là một người có tính cách rất ôn hòa mà sau này từ bỏ chính trường để trở thành giáo viên (và là một giáo viên rất giỏi).
Tim Allan đã khiến Alastair trở nên nổi bật với tư cách Phó Chủ nhiệm Văn phòng báo chí và có dự định rõ ràng cho những điều lớn lao (lẽ ra anh ấy nên làm việc trong lĩnh vực chính trị, nhưng lại quyết định khởi nghiệp kinh doanh và trở thành một doanh nhân thành đạt).
Sarah Hunter, con gái một người bạn của Chủ tịch Thượng viện, Derry Irvine và Jonathan Pearse đều đến làm việc cho tôi khi còn trẻ, khi đó tôi là lãnh đạo phe đối lập, họ giúp tôi những công việc ở văn phòng và ở bên tôi cho đến khi Sarah nghỉ sinh con. Cả hai đều rất chăm chỉ và là những người tuyệt vời. Hilary Coffman, người đã phụng sự tất cả những người đứng đầu Công Đảng kể từ thời Micheal Foot đến những người sau này, cũng là một thành viên trong nhóm, là một người có nhiều kinh nghiệm và điềm tĩnh. Từ khi thường xuyên phải giải quyết những vấn đề liên quan đến con người trên truyền thông, cô ấy đã nhận được những ý kiến trái chiều từ các phía và phải sàng lọc thông tin như kiểu đãi cát tìm vàng.
Hai người mà tôi đã nói đến trong mục riêng là Anji và Derry. Anji là bạn thân nhất của tôi. Chúng tôi biết nhau từ khi mới 16 tuổi khi tôi cố gắng chui vào bên trong cái túi ngủ của cô trong một bữa tiệc tổ chức ở Bắc Scotland (nhưng đã không thành công). Cô đã chăm sóc tôi khi tôi học đại học và một lần nữa bước vào cuộc đời tôi khi tôi là một nghị sĩ và ở bên cạnh tôi kể từ đó. Cô quyến rũ, cởi mở và đã sử dụng hai thứ đó để gây ấn tượng mạnh mẽ, có thể người khác đánh giá thấp cô ấy trong những tình huống khó khăn. Thế nhưng, cô là người có trực giác chính trị tốt nhất mà tôi từng gặp, cô rất, rất thông minh và có thể trở nên vô cùng khó hiểu đối với chúng ta, nếu cô cảm thấy cần thiết phải bảo vệ tôi và những việc cần làm.
Derry, cùng với Peter Manderson và Phillip Gould, không thuộc văn phòng nhưng nằm trong nhóm nòng cốt. Trong thời kỳ đầu, điều mà Derry mang đến là khả năng phân tích chính xác, rất quan trọng với những người gặp phải vấn đề cần đến sự phân tích, Như tôi đã từng nói, thỉnh thoảng có những người thắc mắc về thái độ tôn kính tôi dành cho Derry – ông ấy có đầu óc tuyệt vời. Khi ông qua đời, họ sẽ đặt bộ não ấy vào viện bảo tàng. Nó là thứ mà lẽ ra tiến sĩ Frankenstein nên đánh cắp. Ông có thể không biết gì về chính trị, nhưng về mặt trí tuệ, ông hiểu tất cả, cùng với sự trong sáng và tập trung – những phẩm chất quý giá và đáng được trân trọng trong thế giới chính trị nhập nhằng và tùy tiện này. Nếu ai đó dù là trong hay ngoài các cơ quan Chính phủ tự kiêu về trí tuệ của mình và tỏ thái độ kiêu ngạo, tôi sẽ đẩy Derry đến và khép nép nhìn ông xử lý họ như có một chiếc máy đúc công nghiệp tinh vi, nện và dập họ cho đến khi thành khuôn và ném ra ngoài.
Peter Mandelson là bạn thân và đồng minh của tôi. Anh thông minh, bảnh bao và hài hước, những điều làm nên một người bạn, một người đồng hành tuyệt vời. Có hai điều khiến anh trở thành một cố vấn chính trị nổi bật. Anh có thể chỉ ra diễn biến của mọi chuyện chứ không phải chỉ tình trạng của nó. Như Gordon đã nói, Peter không chỉ nói cho bạn biết mọi người đang nghĩ gì hôm nay mà cả những suy nghĩ ngày mai. Với chính trị, đó là điều vô giá.
Một đặc trưng khác ở Peter Mandelson là khí phách kiên cường. Về mặt cảm xúc, giống như bất kỳ ai khác anh ấy cũng có thể dễ dàng bị tình cảm chi phối, nhưng khi được đặt vào vị trí của người tiên phong, dưới sức nóng của những cuộc chiến chính trị thì anh trở thành một chiến binh La Mã cổ đại điềm tĩnh, kỷ luật và chiến đấu hiệu quả một cách phi thường. Khi địch thủ lồng lên thì anh không hề nao núng. Peter sẽ tập hợp quân lính và các vị tướng để tìm cách phản công. Chính những lúc như thế trông anh lại có vẻ như đang thỏa mãn với niềm vui thích của mình. Đó là một phẩm chất rất hiếm có. Và nếu bạn tìm ra phẩm chất ấy, bạn sẽ thật sự trân trọng nó.
Thành viên cuối cùng trong nhóm nòng cốt của tôi là Philip Gould. Anh ấy có thể được coi là một người chuyên dò đường. Công việc của anh là nói cho bạn biết một cách chính xác nhất những sự việc xảy ra lúc bấy giờ. Lúc đầu, tôi cảm nhận anh ấy là một người điển hình về thăm dò ý kiến. Nhưng thời gian trôi qua, tôi dần phát hiện ra rằng anh ấy thực sự giống một nhạc cụ điện tử có thể tạo ra những âm thanh thể hiện tâm trạng của dân chúng. Philip phân tích những cảm nhận ấy, lý giải chúng và cuối cùng là tiên đoán những hậu quả có khả năng xảy ra như thể là anh đang nhìn thấu được những cảm nhận yêu và ghét của mọi người. Điều này thật sự giúp ích cho việc tìm ra điều có thể đáp ứng nhu cầu của đông đảo quần chúng nhân dân, cũng như điều gì thực sự đem đến cho họ sự thoải mái. Với những phẩm chất này, anh trở thành một nhà chiến lược chứ không chỉ là một người thăm dò dư luận.
Philip cũng là người góp ý cho những bài phát biểu quan trọng, được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng của tôi tại Hội nghị thường niên của Đảng. Năm nào cũng thế, trong suốt 13 năm, quy trình này khiến các cộng sự và tôi đều cảm thấy mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần, kinh hoàng, loạn trí như nhau. Và chúng tôi đã phải đổ không ít chất xám vào quy trình này. Tôi ngập chìm trong công việc từ một tuần trước khi diễn ra bài phát biểu. Một bài phát biểu thông thường sẽ có khoảng từ 15 đến 20 bản dự thảo. Mỗi năm tôi đều hy vọng rằng việc này sẽ diễn ra một cách thuận lợi hơn. Nhưng thực tế, mỗi năm nó lại càng trở nên khó khăn hơn. Đối với tôi mà nói thì bài phát biểu thành công nhất là vào năm 2006, nhưng cũng như những bài phát biểu khác, vẫn khó khăn như vậy.
Vào năm 1995, khi vẫn ở phía Đối lập, trước khi bài phát biểu diễn ra vào thứ Ba, thì thứ Hai tôi chợt nhận ra rằng tất cả rơi vào vô vọng, các bản dự thảo đều vô ích, đầu óc tôi quay cuồng, xáo trộn. Và tôi có thể phải từ chức với lý do thiếu năng lực. Tôi cũng đã đồng ý chụp một bức ảnh tại một ngôi trường vào buổi sáng với Kelvin Keegan, sau này là Giám đốc của Newcastle United (đội bóng yêu thích của tôi). Trên đường đi tới đó, tôi gần như tuyệt vọng khi nghe Kevin đề nghị: “Chúng ta hãy làm một cú đánh đầu trước mặt bọn trẻ đi (và trước các phương tiện truyền thông đại chúng)”, trước sự hốt hoảng của Alastair và các cộng sự của mình, tôi đáp: “Chắc chắc rồi, tốt thôi, sao cũng được”. Lúc đó, tôi dường như bất cần mọi thứ. Tất nhiên, việc một nhà lãnh đạo chơi thể thao trước mặt công chúng, thực sự là một mối rủi ro không thể lường trước được. Không ai hy vọng rằng bạn phải chơi thật sự xuất chúng, nhưng chí ít cũng không được thể hiện rằng bạn chơi quá tệ. Nếu không thì đơn giản là bạn không thích hợp để điều hành một quốc gia. Việc này không đơn thuần chỉ là đá một quả bóng, rất khó để có thể làm hỏng mọi chuyện. Nhưng những cú đánh đầu thì lại khác, thật dễ để biến bản thân thành một kẻ ngớ ngẩn trước mặt mọi người.
Tuy nhiên, tôi đã vượt qua tất cả những điều đó. Đương nhiên, Kevin là một cầu thủ chuyên nghiệp và anh ấy hoàn toàn có thể trả bóng bằng đầu tới vị trí mà tôi có thể nhận được. Và chung cuộc chúng tôi đã có được 29 cú đánh đầu. Thật ấn tượng! (Việc này còn thu hút sự chú ý của công luận hơn cả bài phát biểu của tôi!).
Thách thức lớn nhất mà tôi gặp phải trong thể thao xảy ra vào một vài năm sau đó. Tôi đồng ý chơi một trận với Llie Nastase, Pat Cash và Alistair McGowan, biên kịch kiêm diễn viên hài kịch tại câu lạc bộ Nữ hoàng để quyên góp từ thiện. Quần vợt là môn thể thao mà bạn có thể chơi tốt hoặc chơi dở và nếu bạn quá lo lắng thì bạn sẽ phải chơi theo cách mà cánh tay không tuân theo lời bạn nữa. Hôm đó tôi đã phải chơi quần vợt bằng cả ba cách trên. Tôi là Thủ tướng vì thế tôi thường rất bận bịu. Tôi chưa bao giờ ghé chân tới câu lạc bộ Nữ hoàng trước đó và chưa được chơi trên sân cỏ từ hồi còn học đại học. Tôi tới đó mà không hề chuẩn bị trước. Bất chợt, tôi nhận ra rằng trận đấu của mình sẽ diễn ra ngay sau khi kết thúc trận chung kết hàng năm của câu lạc bộ Nữ hoàng. Tim Henma đang chơi trên sân, trước đám đông khoảng 6 nghìn người. Sự thiếu chuẩn bị là con đường ngắn nhất dẫn tới sự hoảng sợ vào lúc này. Và hoảng sợ chính là trạng thái tâm lý tồi tệ nhất đối với việc chơi quần vợt và chắc chắn sẽ dẫn tới thất bại. Nhờ trận chung kết của Tim diễn ra dài hơn dự định, tôi đã được cứu thoát khỏi việc bị bẽ mặt một phen. Llie Natase thật tốt bụng khi đồng ý chơi với tôi một trận nhỏ để khởi động. Chúng tôi đã luyện tập với nhau khoảng hai tiếng đồng hồ trước khi trận đấu bắt đầu. Nhờ có việc này mà tôi trở nên hào hứng hơn, nỗi sợ hãi dần vơi đi và tôi đã chơi khá tốt. Tuy vậy, tôi thề rằng tôi sẽ không bao giờ mạo hiểm như thế lần hai.
Dẫu sao, tôi đã lạc đề. Vai trò của Philip trong các bài phát biểu ở hội nghị là giúp tôi truyền đạt một cách tốt nhất thông điệp của mình. Trong những âm thanh cạnh tranh và hỗn loạn của dàn nhạc đang được đẩy lên cao trào sẽ có sự xuất hiện thật mạnh mẽ và rõ ràng của một giai điệu hoàn hảo. Tôi không thể kể hết bao nhiêu lần anh ta đã cứu những bài phát biểu của tôi, vực chúng dậy và cho chúng thêm sức mạnh.
Bạn có thể thấy niềm tự hào của tôi về đội ngũ của mình thông qua những gì tôi vừa kể. Họ là một nhóm gồm những người có tài năng phi thường. Điều mà tôi thích nhất ở họ ư? Đó là họ không thuộc vào bất cứ một sự phân loại nào. Họ có những nét rất riêng, không giống bất cứ ai. Họ là những người bình thường, nhưng lại không tuân theo truyền thống. Họ rất con người, nhưng có sự tác động của phép thuật để phân biệt giữa người luôn phấn đấu không ngừng nghỉ với kẻ chỉ biết lao động một cách đơn thuần, giữa kẻ muốn sống một cuốc sống bình lặng với người quan niệm cuộc sống là một chuyến phiêu lưu. Tôi thấy mình thật sự rất may mắn khi có họ ở bên.
100 ngày đầu tiên nắm quyền điều hành đất nước xét theo một cách nào đó đã trôi qua cực kỳ hiệu quả. Chúng tôi liên tục đưa ra các chỉ thị và cuối cùng chúng cũng tạo ra không chỉ sự thay đổi về bộ mặt của Chính phủ mà còn cả những thay đổi trong văn hóa điều hành của Chính phủ.
Ngày 2 tháng Năm, chúng tôi công bố xóa bỏ sự hỗ trợ từ ngân sách cho các trường tư thục, để dành tiền cho các chương trình giúp đỡ trẻ sơ sinh.
Ngày 3 tháng Năm, chúng tôi thành lập mới Bộ phận Phát triển Quốc tế (Department for International Development) để tách các công việc này khỏi Bộ Ngoại giao. Điều này có thể không hợp với ý của Bộ Ngoại giao do họ đã mất quyền kiểm soát đối với phần lớn nhất của ngân sách và một số mục tiêu mà họ đạt được chỉ bằng vào sự cảm thông của tôi. Clare Short là Quốc Vụ Khanh của Bộ phận Phát triển Quốc tế mới này. Và dưới sự lãnh đạo của bà, bộ phận này đã mở rộng các chính sách phát triển ra toàn cầu và người ta xếp hàng dài để được vào làm việc ở đó. Bộ phận này giống như một tổ chức phi Chính phủ (NGO) nằm trong Chính phủ và đôi lúc đó cũng là nguyên nhân của một số vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, đánh giá một cách toàn diện, tôi cho rằng những vẫn đề đó là có thể chấp nhận vì Bộ phận Phát triển Quốc tế đã giúp cho Vương quốc Anh vươn xa tới thế giới đang phát triển. Mặc dù tôi có thể thấy được cái nhìn chán ghét mà Alastair dành cho mình khi viết những điều này (Alastair không có khả năng lãnh đạo bằng Clare), tôi đã nghĩ rằng bà có tài năng lãnh đạo thực sự; nhưng vấn đề của Clare là luôn cho rằng những người bất đồng quan điểm với mình là những người thiếu khả năng. Đây là một sai lầm rất phổ biến của các chính trị gia. Tuy nhiên, chúng ta nên tự hào về kỷ lục viện trợ có phần đóng góp của Clare.
Ngày 6 tháng Năm, Gordon thông báo quyền độc lập của Ngân hàng Nhà nước Anh.
Ngày 9 tháng Năm, chúng tôi cải tổ Hội đồng chất vấn Thủ tướng (PMQs – Prime Minister’s Questions), đổi thành một phiên họp kéo dài 30 phút hàng tuần thay vì hai phiên họp 15 phút mỗi tuẫn.
Ngày 11 tháng Năm, chúng tôi tuyên bố bồi thường cho các cựu chiến binh tham gia cuộc chiến vùng Vịnh.
Ngày 12 tháng Năm, chúng tôi thông báo cải tổ công ty Xổ số Kiến thiết để phục vụ mục đích chăm sóc sức khỏe và đầu tư cho giáo dục. Thêm vào đó, Gordon cắt giảm thuế giá trị gia tăng đối với nhiên liệu xuống 5% để hỗ trợ chi phí năng lượng cho nền kinh tế.
Ngày 14 tháng Năm, chúng tôi xác nhận cam kết nghiêm cấm quảng cáo thuốc lá.
Ngày 15 tháng Năm, chúng tôi phục hồi quyền gia nhập các tổ chức tương mại đối với nhân viên của GHCQ, đi ngược lại với quyết định của Đảng Bảo thủ về việc cấm những nhân viên làm việc trong các lĩnh vực nhạy cảm – thậm chí khi họ đã từ bỏ hết mọi lợi ích liên quan – gia nhập các tổ chức thương mại.
Ngày 16 tháng Năm, mẫu đơn cho cuộc trưng cầu dân ý về việc phân quyền ở Scotland và Wales được đưa ra, nội dung của nó là giao một số quyền lực của Chính phủ trung ương cho chính quyền địa phương ở Scotland và Wales. Thêm vào đó, chúng tôi công bố một kế hoạch bảy điểm nhằm phục hồi nền công nghiệp điện ảnh của Vương quốc Anh.
Tuần thứ tư, chúng tôi cấm sản xuất hay xuất khẩu mìn và tổ chức một cuộc bỏ phiếu tự nguyện về việc có nên cấm sử dụng súng hay không sau vụ thảm sát ở Dunblane, Scotland khiến 17 người bị sát hại. (Trong một cuộc bỏ phiếu tự do, các nghị sĩ có quyền bỏ phiếu theo những gì họ nghĩ và không bị điều khiển hay chỉ dẫn bởi đảng phái của mình).
Cuối tháng Năm, Bộ trưởng Quốc phòng, George Robertson tổ chức xem xét lại về chiến lược quốc phòng. Tuần sau đó, chúng tôi bổ nhiệm lãnh đạo của Ủy ban Lương cơ bản, bộ phận chịu trách nhiệm thành lập mức lương tối thiểu của Vương quốc Anh.
Đến cuối tuần thứ sáu, chúng tôi đã bắt đầu đặt ra những kế hoạch về văn học và toán học để nâng cao trình độ cho học sinh tiểu học về các kỹ năng đọc hiểu, viết và làm toán.
Ngày 16 tháng Sáu, chúng tôi gia nhập Hiệp ước Xã hội châu Âu (European Social Chapter). Hơn một thập kỷ qua, nó đã được cho là đường ranh giới giữa chúng tôi và Đảng Bảo thủ, họ cho rằng nó làm giảm tính cạnh tranh của nước Anh. Chúng tôi cho rằng nó bàn về những quyền lao động cơ bản như nghỉ lễ vẫn hưởng lương và đó là một nhân tố cần thiết của một xã hội công bằng. Thực sự, tôi đã dùng những ủng hộ cho hiệp ước này để không ủng hộ cho vấn đề closed shop1. Khi chúng tôi ký kết, Robin Cook, Bộ trưởng Ngoại giao, hân hoan thông báo rằng việc chúng tôi làm đã mang đến niềm vui cho các đảng viên và các công đoàn (những người sau đó đã lãng quên vấn đề closed shop).
Ngày 2 tháng Bảy, Gordon đưa ra khoản dự thảo ngân sách đầu tiên gồm một gói trợ cấp được hỗ trợ bởi một khoản thuế đánh vào vật dụng cá nhân. Hai ngày sau, Derry thông báo những điều sau đó trở thành kế hoạch của chúng tôi cho Luật về quyền Quyền con người, đưa Hiệp định châu Âu về quyền con người vào bộ luật Vương quốc Anh. Tessa Jowell, Bộ trưởng Y tế mới trình bày các đề xuất để giải quyết tình trạng bất bình đẳng về chăm sóc sức khỏe. Giải quyết tình trạng bất bình đẳng về chăm sóc sức khỏe là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ của chúng tôi, tập trung thu hẹp khoảng cách về chăm sóc sức khỏe giữa những nhóm người khó khăn và phần còn lại của đất nước. Mọi việc đã được tiến hành theo cách đó, có quá nhiều công bố và tham vọng được đề cập đến ở đây.
Đó không chỉ đơn thuần là những thay đổi về chính sách mà là sự chuyển hướng cơ bản trong cách điều hành nước Anh, cả trong thể chế và quan điểm.
Một trăm ngày ngày đầu tiên cầm quyền kết thúc với việc công bố kế hoạch bầu Thị trưởng London cho những năm đầu của thế kỷ XXI. Đến ngày thứ 100 thì chúng tôi được nghỉ ngơi. Ít nhất là tôi đã làm thế. Đầu tiên tôi đến Tuscany và sau đó là miền Nam nước Pháp để nghỉ dưỡng sau những biến động của những tháng đầu tiên trên cương vị Thủ tướng.
Ở điểm chuyển tiếp quan trọng sau 100 ngày cầm quyền thì đã có thể đánh giá gì về phong cánh lãnh đạo của tôi chưa? Tôi có một triết lý rất rõ ràng, hoàn toàn khác so với những nhà chính trị của Công Đảng truyền thống. Tôi thuộc tầng lớp trung lưu và quan điểm chính trị của tôi phần nhiều theo cách của tầng lớp trung lưu. Cương lĩnh mà tôi đề ra hợp với nguyện vọng, những mối quan tâm và lo âu của những người nghèo túng trong xã hội. Một phần vì lý do đó và để nhấn mạnh thêm rằng đảng mà tôi đang lãnh đạo không chống lại chính nguồn gốc từ đó nó ra đời, mà bài phát biểu đầu tiên của tôi bên ngoài Hạ viện là ở Aylesbury Housing Estate, phía nam London vào ngày 2 tháng Sáu, một nơi đã bị bỏ quên trong những năm Đảng Bảo thủ cầm quyền. Tôi đã phác thảo những điểm cơ bản có thể được nhìn thấy từ bên ngoài của nền chính trị một quốc gia. Tất cả được đưa ra một cách thống nhất và rõ ràng. Tôi không muốn chiến tranh giai cấp diễn ra. Tôi không muốn sự chia rẽ hay sự bất hòa. Tôi muốn thấy liên minh của tầng lớp khá giả và kém khá giả được xây dựng trên cơ sở những lợi ích chung. Tôi không thể kiên nhẫn với kiểu chính trị bao gồm các đảng phái như những bộ lạc, trong đó những sự khác biệt bị phóng đại quá mức, những cuộc tranh cãi chứa đầy hiềm khích và không thiếu gì những định kiến phi lý.
Hàm ý trong triết lý chính trị của tôi rất rõ ràng: sự thịnh vượng phải do tự tay mình làm ra chứ không phải là thứ được bố thí, trách nhiệm phải đi kèm với cơ hội; mong muốn làm mới lại Chính phủ và thúc đẩy Chính phủ đạt hiệu quả thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ phận của nó; những dịch vụ công có chất lượng phải được cung cấp dựa trên nhu cầu của người dân chứ không phải được cung cấp thừa mứa; các cộng đồng phải thoát khỏi nỗi lo sợ về nạn bạo lực và các hành vi phản xã hội. Có thể đánh giá một cách tổng quát rằng, công việc của nhà chính trị gần với công việc của các nhà tu hành, ở đó nhà chính trị – cũng như nhà tu hành, tự do lựa chọn niềm tin của mình, sau đó là thiết lập những kế hoạch để biến niềm tin đó thành sự thực nhằm thúc đẩy đất nước tiến đến sự thịnh vượng.
Bây giờ, đọc lại những điều này, ta có thể thấy tất cả đều là những điều tốt đẹp. Nó gợi lại rất nhiều quan điểm của Bill Clinton. Và đúng là một sự khôi hài, tháng Năm năm 1997, ông tới thăm Anh trong cuộc gặp cấp cao NATO. Tôi đã đưa ông ấy vào thăm Nội các, nơi mà mọi người đều nể ông. Bill đã dành cho chúng tôi những lời cổ vũ, động viên tuyệt vời nhất, viện dẫn một vài chiến dịch của chúng tôi (như thể là ông đã nghiên cứu nó vậy) và đã gắn kết chúng lại một cách rất khéo léo bằng chính những trải nghiệm của mình. Tôi luôn luôn nhớ câu nói của ông “Đừng bao giờ quên rằng: truyền thông chiếm đến 50% chiến thắng của mỗi trận chiến trong thời đại thông tin này. Cho dù nói điều đó một lần, hai lần hay bao nhiêu lần đi nữa thì khi kết thúc công việc của mình, bạn sẽ biết mình vẫn chưa nói đủ.”
Tôi đã đưa Công Đảng đến vinh quang. Tôi đã vực nó dậy. Tôi đã biến nó trở thành một đảng cầm quyền thực thụ. Và điều đó chứng tỏ sự dũng cảm và sự nhạy bén trong các vấn đề về chính trị của chúng tôi. Và tôi không ngốc đến mức sau đó tưởng tượng rằng mọi việc sẽ không khó khăn, đáng sợ và cần tôi khéo léo hơn. Tôi biết mình mới chỉ đang chập chững những bước đầu tiên và không có bất cứ ảo tưởng nào về tương lai, cho dù các cộng sự của tôi có thể như thế. Viễn cảnh đó khiến tôi cảm thấy sợ hãi và cảm giác mình như đang đứng trên bờ vực thẳm. Mặc dù, mọi thứ tôi làm dường như không hề có sai sót và không có một thử thách nào mà tôi không thể vượt qua, tính đến thời điểm đó.
Vậy tôi đã bỏ qua điều gì? Tôi đã ngây thơ tin rằng chỉ cần đi trên con đường được xây dựng trên sự hợp lý và sự thận trọng, con đường bắt nguồn từ một niềm tin lý tưởng, thì mọi vấn đề khó khăn có thể được giải quyết, mọi vướng mắc phức tạp có thể được tháo gỡ và những chia rẽ sẽ được hòa giải. Nhưng sự thực thì cách tiếp cận vấn đề như vậy chỉ phù hợp ở mức tổng quan, khái quát; nó không đủ để giải quyết những vấn đề phức tạp. Trên thực tế, cách tiếp cận vấn đề như vậy chỉ phù hợp với một tư duy cởi mở. Cách tiếp cận này không loại bỏ nhu cầu phân tích, kiểm tra tỉ mỉ các lựa chọn chính sách để đi thẳng vào vấn đề và tập trung tìm cách giải quyết. Khi bạn đứng trên đỉnh cao, nhìn bao quát mọi vấn đề, đồng thời chia sẻ những giá trị và những mục đích chung nhất rồi mà đột nhiên bạn bị mắc cạn. Cảm giác của bạn lúc đó thế nào? Bạn sẽ thấy rằng đó là những khó khăn bất ngờ, không lường trước được, là những bãi mìn mang tính kỹ thuật và trên hết là những quyền lợi về cơm ăn áo mặc hàng ngày chỉ chực kéo bạn xuống bùn đen. Tất cả những tranh chấp về những lợi ích tầm thường đó lúc này chẳng có nghĩa lý gì. Rồi rất sớm, phe đối lập – những kẻ muốn hất văng bạn ra ngoài sẽ lại liên minh dựa trên những lợi ích bất di bất dịch để chống đối bạn. Cuộc chiến quay trở lại.
Có điều họ không muốn chiến đấu một cách lành mạnh. Bạn là một nhà lãnh đạo, bạn có những ước muốn chân thành về những điều tốt đẹp, vâng, tất nhiên, bạn là người quan trọng nhất và sẽ là người đưa ra quyết định. Dù sao, sự chân thành của bạn sẽ chỉ làm thế giới này tốt đẹp hơn mà thôi. Bạn nghĩ: nếu chúng ta có bất đồng, hãy nói ra. Chúng ta sẽ cùng bàn luận. Chúng ta thậm chí có thể thuyết phục nhau, còn nếu không chúng ta có thể cân nhắc và cuối cùng chốt lại thì vì tôi là Thủ tướng nên tôi sẽ phải ra quyết định.
Nhưng thực tế thì không hẳn vậy. Họ sẽ đứng đằng sau bạn, họ sẽ lạm dụng những lập luận của bạn, bóp méo, xuyên tạc động cơ của bạn. Và họ sẽ nhạo báng sự chân thành và sự cam kết của bạn về lợi ích chung. Đối với những nhà chính trị tiến bộ nắm quyền thì điều đó sẽ luôn là một cú sốc lớn nhất. Họ dõi theo bạn từ đầu chí cuối với những lời phản biện khốc liệt, thái độ miệt thị và cả những lời nói cay độc. Bạn sẽ thấy kinh sợ, bị xúc phạm nhưng hơn tất thảy là sẽ vô cùng ngạc nhiên vì điều đó. Tự nhiên, trong những tình huống đó, những lời chỉ trích sẽ trở thành những lời buộc tội, sự bất đồng sẽ trở thành những rào cản và những nỗ lực thay đổi sẽ trở thành những cuộc tấn công. Bạn tưởng rằng mình đang sống trong một xã hội tôn trọng tranh luận nhưng đột nhiên bạn lại thấy rằng mình đang ở trong một sàn đấu với những đối thủ hung hăng và những tiếng la ó bên ngoài trong một trận đấu có cá độ.
Tôi đã học bài học đầu tiên về lòng can đảm chính trị nhiều năm trước: cân nhắc cẩn thận; sau đó tôi học được bài thứ hai: chuẩn bị kỹ càng khi lãnh đạo và ra quyết định. Giờ đây tôi học được bài học thứ ba: tính toán mức độ rủi ro. Tôi sẽ phớt lờ một số người, dù muốn hay không. Giây phút bạn quyết định cũng là lúc bạn làm phật lòng một số người. Tuy nhiên, ta có thể tính toán sự xáo trộn, ước lượng, nắm bắt được chiều hướng, mức độ của nó và đi đến cải thiện kết quả. Và vì thế tôi vượt qua được sự công kích và quen dần với những lời nhạo báng, bắt đầu hình thành một “cơ chế sinh tồn” là gần như thờ ơ với những cuộc tranh cãi, một điều rất nguy hiểm đối với người lãnh đạo.
Nhờ tất cả những điều đó, tôi dần nắm bắt những chiều hướng khác nhau của Chính phủ mà ở đó, sự can đảm chính trị không bao giờ là đủ: khả năng chuyên môn để đưa ra những chính sách đúng. Tôi nhận ra rằng mình sẽ phải lựa chọn giữa một bên là lẽ phải và một bên là chính trị, nhưng lẽ phải bản thân nó đã rất phức tạp và gây tranh cãi. Càng ngày tôi càng khám phá thêm rằng, việc thay đổi một dân tộc khó hơn nhiều so với thay đổi một đảng phái. Những rủi ro cố hữu tiềm ẩn trong đó và lòng can đảm dám làm hoàn toàn khác nhau về mức độ.
Tôi sẽ cố gắng hết sức mình và sẽ thật thận trọng, nhưng ngay những tháng đầu tiên, cho dù có chuyện gì xảy ra, chúng tôi dường như vẫn chỉ là những bậc thầy thông hiểu về bối cảnh chính trị, vì thế tôi đã phát hiện ra bài học tiếp theo: Điều gì sẽ xảy ra khi anh không lường trước được rủi ro? Điều gì sẽ xảy ra khi những đối thủ của anh không liên minh lại vì những lợi ích bất di bất dịch, những âm thanh nghe thấy không phải là tiếng huyên náo bình thường từ những kẻ cố gắng thay đổi bất kỳ điều gì, mà là tiếng nói của thời đại? Điều gì sẽ xảy ra khi sự bất đồng không xảy ra trong nội bộ một đảng hay một nhóm nhỏ nào đó, mà là trong phần đông nhân dân.
Tôi biết mình là một nhà lãnh đạo của công chúng. Nó giống như chuyện tình yêu với công chúng và ngược lại là sự yêu mến mà công chúng dành cho tôi. Như đôi vợ chồng son, chúng tôi muốn trưởng thành cũng nhau, học tập cùng nhau, lượn lờ ngoài phố suốt ngày, như cách các đôi tình nhân vẫn làm. Nhưng vẫn còn thiếu một điều sâu xa để tình yêu đó thành hiện thực và trọn vẹn, đó là luôn bù đắp phần khiếm khuyết cho nhau. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi phát triển tách biệt hoàn toàn?
Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi - Tony Blair Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi