Khi học trò đã sẵn sàng, thầy giáo sẽ xuất hiện.

Ngạn ngữ cổ Trung Hoa

 
 
 
 
 
Tác giả: Nguyễn Tuân
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3598 / 113
Cập nhật: 2016-03-10 08:46:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 6: Nếu Tú Xương Đỗ Cử Nhân.
ếu lúc đi thi, Tú Xương đỗ cử nhân?
Trên kia tôi đã dám khẳng định rằng chả bao giờ Tú Xương đỗ cử nhân đâu. Nhưng thôi, chiều lòng một số người cứ muốn Tú Xương phải đỗ ít ra là cử nhân, ta cũng thử cứ cho Tú Xương đã đỗ cử nhân, cái đó không quan trọng lắm. Cái đáng bàn, có cái chiều quan trọng của nó là: có vì cái cử nhân thêm thắt vào đời mình đó, mà Tú Xương làm thơ khác đi không? Có vì đỗ cử nhân mà thơ Tú Xương biến chất hoặc mất hẳn chất đi không? Có thể Cử Xương sẽ duyệt lại tất cả những bài thơ của Tú Xương đã làm ra trước đó không? Có thể Cử Xương sẽ cải chính hoặc công khai từ bỏ những bài thơ Tú Xương đã được truyền tụng không?
Muốn trả lời được những câu hỏi này, tôi thấy cần nhớ lại một số nhận định của một số độc giả Tú Xương.
Về Tú Xương, thường vẫn lưu hành một kiểu dư luận. Rằng, Tú Xương là một tay chơi không được toại nguyện về vật chất, và là một nhà nho thèm khát địa vị xã hội.
Trước mắt số độc giả này, thì tất cả chùm thơ Tú Xương chỉ là kết quả của một thứ cây bất mãn, bất mãn hiểu theo cái nghĩa rất xoàng xĩnh thông tục của nó. Chỉ vì đỗ thấp mà Tú Xương bất mãn về vật chất đời tư, bất mãn về sự công danh một thời, và cuối cùng viết ra những câu phá đám, những dòng những chữ không có tí gì xây dựng cho chung quanh. Cả đời và cả sự nghiệp Tú Xương chỉ là cái vòng luẩn quẩn của một anh thích hành lạc, thích công danh, càng hành lạc càng thèm công danh, và chưa có được sự công danh thì còn là nói đổng, còn là chửi bới mãi cuộc đời. Tất cả Tú Xương chủ yếu là có bấy nhiêu thôi, còn ngoài ra, câu thơ câu phú có còn khuyên được câu nào, thì chẳng qua cũng chỉ là cái phụ ở một tay có kỹ xảo thơ Nôm.
Trên cái cơ sở nhận định thông tục đó về Tú Xương, nay chúng ta thử mặc cho Tú Xương một cái áo tấc cử nhẩn màu lơ da trời, và chính thức đun Tú Xương vào hẳn cái lớp người quan lại hồi đó. Có thể phân phối cho "Cử" Xương, theo quy định quan lại triều đình, một cái chức hành tẩu ở Lục bộ trong kinh, một chức kinh lịch ở tỉnh, hoặc một chức giáo thụ ở phủ huyện nào. Được vào quan chế vua, được ăn cái lương vua, không rõ "Cử" Xương đã hết "cao lâu, thổ đĩ, tổ tôm, ả đào" chưa? Đã nắn lại cái sinh hoạt bừa bãi của một ông Tú bất mãn chưa? Cái đó tôi chưa dám phác vẽ ra như thế nào, nhưng tôi có thể dứt khoát mà nói rằng, khi Tú Xương đã thành Cử Xương và đi làm quan nằm trong quan chế nhà vua, thì đời sống vật chất, dù có bạc bẽo ít ỏi đến đâu, vẫn cứ là đỡ bấp bênh hơn cái hồi chỉ là tú tài sống bằng cái lương gạo lần hồi của người vợ tần tảo hàng ngày.
Nhưng thôi, tất cả những điều đó, vẫn chưa là cái điều chính yếu chúng ta cần biết về "Cử" Xương. Nếu giả tỉ Tú Xương đỗ cử nhân, rồi vì thế mà được xuất chính, thì cái thắc mắc ghê gớm của mọi người là muốn hỏi xem vậy thì, thơ Tú Xương có thay đổi gì về nội dung tư tưởng và về hình thức nghệ thuật không?
Theo tôi nghĩ, dù có đỗ cử nhân, dù có được bổ nhậm chức gì quan gì, "Cử" Xương vẫn lại làm thơ như Tú Xương mà thôi. Đây không phải là đem thột thứ định mệnh ra mà cắt nghĩa cho con đường thơ của một nhà thơ độc đáo. Mà đây là vấn đề nhìn cho rõ cái bản chất của Tú Xương. Chuyện cử nhân cử nhiếc đem ra làm giả thuyết kia, chẳng qua cũng chỉ là vấn đề hiện tượng vặt thêm vào cho một cuộc đời đã sẵn một bản lĩnh. Cái hiện tượng, cái sự kiện cử nhân ấy thêm vào cho Tú Xương, vẫn không thể lái nổi và buộc Tú Xương rẽ sang một đường thơ khác, một dòng thơ khác. Thơ Tú Xương biếm họa và trữ tình, là cái phát tiết của một con người Tú Xương vừa phóng khoáng vừa khát nhớ một nếp trật tự trong sự sống. Cái nếp trật tự ấy đã không còn nữa từ lúc Tú Xương vào đời. Càng lớn lên, Tú Xương càng thấy thêm những phức tạp mới do xâm lăng Pháp đem thêm vào một trật tự cũ vốn đã biến chất đi nhiều.
Nếu nói rằng một cái cử nhân có thể chuyển được phẩm chất người và phẩm chất thơ của một người, nếu cứ khư khư nói rằng Tú tài Trần Tế Xương làm thơ chống đối (chống đối sự sống hàng ngày, phủ nhận mọi giá trị của sự sống đó) vì đỗ thấp vì bất mãn, nếu kết luận như vậy, thì trong cái thời đó, còn làm gì có những sự việc những con người để tên cho mai sau văn học như là Cao Bá Quát, như là Nguyễn Thượng Hiền, như là Nguyễn Khuyến?
Cao Bá Quát chả là cử nhân của trường hương thí Hà Nội đấy ư? Tại sao "Cử" Quát vẫn nổi "loạn" cầm đầu "giặc châu chấu", tại sao ông quan giáo dục Cao Bá Quát tỉnh Sơn Tây, phủ Quốc Oai đó lại đi làm tham mưu cho nông dân hai tỉnh Bắc Ninh Sơn Tây chống lại sự áp bức của đời vua Tự Đức?
Nguyễn Thượng Hiền không phải là đỗ thấp, mà đỗ rất cao, đỗ tiến sĩ, rồi cuối cùng Tây bổ nhiệm cho làm đốc học chữ Hán tại Nam Định. Theo cái nghĩa thông thường, thì đời ông nghè đó, không còn có gì đáng bất mãn nữa về danh về lợi. Thế thì tại sao, ông nghè Nguyễn Thượng Hiền đó lại gói tất cả chỗ bạc lương bấy lâu làm đốc học, hoàn trả lại cho Tây, và treo ấn từ quan và cuối cùng, bỏ ra nước ngoài?
Yên Đổ Nguyễn Khuyến đi thi hương, đi thi hội, vào thi đình, ở đâu cũng đỗ đầu. Triều đình Tây thuộc địa, triều đình vua quan ta đều mời ra làm quan. Quan kinh lược nọ mời về làm gia sư, quan khâm sai kia mời ra chấm thi văn học, rồi lại còn được giao cho làm văn tế tướng Tây Gạc nhe, Rivie chết trận. Danh vọng Nguyễn Khuyến có thiếu đâu, tại sao thơ văn ấy vẫn bàng bạc cái cười phủ nhận mọi thực tế chung quanh?
Cho nên tôi vẫn tin rằng cuộc đời lúc bấy giờ có quàng vào cổ Tú Xương mấy thứ bằng sắc cử nhân, tiến sĩ và mấy thứ quan chức bổng lộc gì đi nữa, thì thơ Tú Xương vẫn là thơ Tú Xương và có khi, lại càng Tú Xương hơn nữa.
o O o
Nghĩ về kiếp người Tú Xương và nghiệp thơ Tú Xương, tôi cho rằng ở Tú Xương, thật sự có một thảm kịch, thật sự có những mâu thuẫn trong nội tại một con người thơ ấy.
Trong lớp nhà nho cũ có tên tuổi ở sử văn thơ ta, người để lại cho hậu sinh chúng ta nhiều ấn tượng sâu sắc nhất về thi cử chữ Hán, có lẽ không ai bằng Tú Xương, cả về mặt lượng, cũng như về mặt chất. Tú Xương là một người rất tin vào nguyên tắc thi cử (thi cử chữ Hán là phương pháp chính thống để lọc tài chọn hiền ra giúp chúa phò vua), nhưng lại rất nghi ngờ mỉa mai đến sự tổ chức thi cử. Thơ phú Tú Xương về thi cử, thường gài vào đấy cái quan niệm hiếu (đền ơn cha mẹ sinh thành), cái quan niệm trung (phò vua giúp nước) của mình. Tú Xương đi thi liền liền mấy chục năm, và đến lúc chết, buông tay lều tay chõng ra, vẫn chưa giải quyết được cho đích thân mình cái tâm sự của một người đi thi. Suốt đời lụi hụi lóc cóc với trường thi, mà cuối cùng vẫn không trang xong chút nợ công danh: cái luân lý thông thường đương thời coi công danh là một món nợ danh dự mình mắc vay của đời sống, và phải lấy đỗ đạt trường ốc ra để trả ơn nhà và đền nợ nước. Cái tiếng tú tài ấy vẫn chỉ là một cái danh, có danh mà không có phận (cái phận của người muốn được phân công gánh vác xã hội tổ chức theo lúc đó) Cái tiếng tú tài ấy là một cái có tiếng mà không có miếng (sinh kế gieo neo). Con người tú tài ấy vui tin đạo học, lạc đạo nhưng cũng khó bề an bần. Cũng trà, rượu, lầu ca, thuyền hát, cũng trai gái thư đi thư về nhưng có chơi mà không hẳn là thú, con người Tú Xương hành lạc một cách thật là sục sặc, lòng hậu mà lời thì bạc khinh ra mặt.
Nhưng theo tôi nghĩ, cái khía đau xót nhất trong thảm kịch Tú Xương, là con người chuyên thơ Nôm ấy (tôi chưa từng nghe ai đọc thơ chữ Hán Tú Xương. Thường thường các nhà thơ hồi đó làm cả thơ Nôm, làm cả thơ chữ Hán, rồi có khi lại tự mình dịch thơ Hán của chính mình thành ra thơ Nôm. Trong cái tình hình chung đó trường hợp chuyên thơ Nôm của Tú Xương cũng là một trường hợp đặc biệt) - lại là một người không hòa mình được vào với chữ quốc ngữ (như những nhà nho Đông Kinh nghĩa thục cùng thời) và vì thế, càng làm nặng nề thêm cái phần thương tiếc của người thức giả lớp sau, mỗi lần đọc lại thơ Tú Xương, và nghe lại cái tiếng "gọi đò" xưa đó.
o O o
Về nhà thơ Tú Xương, một số sách thường hay đưa ra một số tên tuổi những bậc ái quốc và những nhà hoạt động cách mạng lúc bấy giờ, hoặc là dẫn ra một số sự việc riêng Tú Xương có quan hệ ít nhiều với các bậc chí sĩ ấy.
Mặc dù tất cả tấm lòng kính trọng của tôi đối với các bậc yêu nước tiền bối ấy, tôi thấy nhiều dẫn chứng dẫn việc đó là không cần. Mà nó chỉ tạo cho người đọc các sách nghiên cứu tiểu luận kia một ấn tượng khó chịu: hình như sự nghiệp thơ của một thi sĩ đó chưa đủ thành trọng lượng rồi sao mà thuốc thang còn cứ phải gia thêm bốc thêm vị này vị khác vào!
Không khi nào tôi lại đi nói rằng chớ có đưa các bậc chí sĩ cách mạng vào trong sách đang nói về nhà thơ Tú Xương. Chúng ta hoan nghênh những dẫn chứng dẫn việc đó nếu những cái dẫn đó làm cho ta thấy được cách mạng hồi đó (xuyên qua sự việc đã dẫn ra) có trực tiếp gián tiếp ảnh hưởng như thế nào đến tư tưởng và nhỡn quan Tú Xương, đến thi thuật đến mỹ học Tú Xương, đến cách cảm nghĩ diễn tả của riêng từng thời kỳ sáng tạo của nhà thơ. Nhưng khi mà tất cả mọi cái dẫn đó không mảy may dính líu gì đến cơ cấu, đến bút pháp thủ pháp thơ Tú Xương, đến phần hậu trường của mỹ lý mỹ học trong thơ Tú Xương, thì tôi cho mọi cái dẫn đó chỉ là những thứ việc có tính chất vơ vào. Tôi nghĩ rằng nếu thơ Tú Xương mà đã không hay, thì có đưa thêm gì gì đi nữa vào đời Tú Xương, cuối cùng vẫn không vực nổi được Tú Xương. Thơ Tú Xương và con người Tú Xương không cần đến những thứ biện trợ không cần thiết đó. Những ý tứ và tình cảm, những từ, những âm, những ảnh, những vần, những nhịp trong thơ Tú Xương, cả tập thơ Nôm Tú Xương độc đáo ấy, tự nó đủ để bảo vệ khá vĩnh cửu rồi cho tất cả những gì gọi là giá trị Tú Xương.
Hà Nội, 5-10-1962.
Chú thích
1.Thơ Tú Xương mừng người trong họ cất nhà mới ở tỉnh Nam, cũng có câu: Nhà gỗ năm gian lợp lá gồi - Trông dòng sông Vi tựa con Côi.
2.Cung Trùng Quang, cung Trùng Hoa nay không còn nữa, phủ Thiên Trường cũ của nhà Trần nằm giữa thành phố Nam Định mở rộng ngày nay, chính là cái chỗ đang đào ba mươi hai vạn thước khối đất để làm hồ bơi Vị Xuyên đó.
3.Cái sờ sờ ra ở thơ Tú Xương là ít dùng tới chữ Hán. Nay tôn trọng và kỷ niệm cái tài thơ Nôm đó, có nên đưa vào lòng bia những cái thứ mà chính nhà thơ ấy vốn không ưa thích không?
4.Về bút pháp hiện thực của Tú Xương, xem tiếp ở chương 4: Thực tế thi cử chữ Hán trong thơ Tú Xương.
5.Yên Đổ Nguyễn Khuyến mến tiếc tài trào phúng Tú Xương, nên có câu đối phúng Tú Xương:
Kìa ai chín suối xương không nát
Ắt hẳn nghìn thu tiếng vẫn còn.
6.Tú Xương mới chết cách đây năm mươi lăm năm. Vậy mà toàn bộ trứ tác Tú Xương không lưu lại một tự tích gì, chỉ toàn là truyền khẩu lại. Người truyền ra thế này, người truyền ra thế khác, mạnh ai thì nấy truyền. In thơ Tú Xương, nơi in 64 bài, nơi thì in 128, rồi 140, rồi 193, có nơi thì đến 199. Cái sự lộn xộn đau đớn ấy của một nền văn học cận đại rõ ràng đã có văn tự từ lâu, có lẽ cũng lại phải vin vào thứ hoàn cảnh nói chung giấu giếm bí mật đó mà tìm cho nó một lý giải gì.
7.Không rõ những nhan đề từng bài thơ (bài này, và tất cả những bài khác nữa của Tú Xương) là do chính Tú Xương tiêu nó lên như thế, hay là do người đồng thời đặt hộ cho Tú Xương, và cứ thế mà "truyền khẩu tới chúng ta". Tác phẩm Tú Xương vốn không có bản thảo và tự tích, hỡi ôi!
8.Sau vụ án đó, Phan Bội Châu vào kinh (Huế) giả danh vào xin với Bộ xét lại án cấm thi, nhưng chính là để tìm gặp Nguyễn Thượng Hiền (Thơ văn Nguyễn Thượng Hiền của Lê Thước, Vũ Đình Liên).
9.Làm bồi bếp nấu nướng cho quan Tây, ngoài nghĩa đen, nó còn có cái nghĩa bóng của nó nữa. Ví dụ chuyện một ông quan ta ăn mừng thăng chức. Một nhà nho liền mừng hai chữ đại tự cho bức hoành phi. Hai chữ "Quần thần" mừng đó, cả tiệc khao đều cho là khen chủ nhà làm quan to. Nhưng chính nó là một câu chửi độc của nhà nho thâm. Ông quan đó nguyên làm bồi bàn cho một viên công sứ, sau nó cho làm quan. "Quần thần" dịch ra là bầy tôi. Nói lái lại, thì bầy tôi = bồi Tây!
10.Vì hoàn cảnh lịch sử đưa dân tộc mình mà nhiều nhà văn da đen yêu nước ở châu Phi ngày nay vẫn viết và phát ngôn bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Bồ Đào Nha. Trả lời một cuộc phỏng vấn, thi sĩ và kịch tác gia người Angiên là Kateb Yacine đã nói về cái tiếng Pháp và chữ Pháp mình vẫn dùng: "Giữa nước Pháp và chúng tôi, đã xảy ra chiến tranh. Được rồi! Nhưng mà cái người đang chiến đấu không khi nào lại tự hỏi xem khẩu súng mình đang dùng là súng Pháp, súng Đức hay súng Tiệp. Nó là súng của mình, nó là võ khí của mình. Ấy là mình phụng sự cuộc chiến đấu của mình (...) Đặt vấn đề ở một phương diện cao hơn thì, viết bằng tiếng Pháp, tức là giống như giành lấy súng từ tay tên lính nhảy dù xuống".
11.Tức là Trung Quốc, phiên âm qua tiếng Pháp.
Tiểu Luận Và Chân Dung Văn Học Tiểu Luận Và Chân Dung Văn Học - Nguyễn Tuân Tiểu Luận Và Chân Dung Văn Học