Books serve to show a man that those original thoughts of his aren't very new after all.

Abraham Lincoln

 
 
 
 
 
Tác giả: Nguyễn Tuân
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3598 / 113
Cập nhật: 2016-03-10 08:46:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 2: Thơ Tú Xương Vừa Hiện Thực Vừa Trữ Tình.
hữ thơ Tú Xương rất nôm na, nghĩa là rất ít chữ Hán. Tiếng thơ chân chất, rõ ràng, ít dùng điển cố. Và lúc cần tới, thì cũng rất là bay bướm, lâm ly. Nó đủ mùi vị ngọt chua, đắng chát, nghịch ngợm, trang trọng và nhiều khi trong bỡn cợt lại đọng nhiều thiện ý. Phong cách hiện thực, trào phúng của Tú Xương kèm theo một phong cách trữ tình. Nói chung thơ Tú Xương rất ít chữ ngoài, ưu điểm thơ Nôm Tú Xương cũng là ưu điểm một phái thơ nhiều tính dân tộc.
Ở đây, không nói hết được cái giàu sang của phương pháp hiện thực Tú Xương 4 mà tạm lọc ra ít nét ít bài, gọi là rao lên một số đức tính của tiếng nói Tú Xương. Trước hết xin nói về tài đối trong thơ Tú Xương.
Thơ bảy chữ tám câu, câu 3 và 4, câu 5 và câu 6, phải đối với nhau, mới là trúng cách. Đối ý, đối lời, đối chữ, đối câu. Cái khó ở đó và cái hay cũng ở đó. Mấy câu có đôi này lại là cái xương sống của bài thơ.
Đọc thơ tám câu của Tú Xương, ở nhiều bài bát cú Tú Xương, thấy nhiều câu đối nhau chan chát, mà chữ dùng xem ra như là không phải tìm kiếm vất vả, không phải chọn lọc công phu gì cả. Nó đáp nhau hơn là đối nhau, nó vẫn đối nhưng đức tính của nó là nối nhau hơn là đối nhau. Nó cứ trơn êm đi thôi.
...Ăn mặc vẫn ra người thiệp thế
Giang hồ cho biết bạn tương tri...
(Tự đắc)
...Tường mai ngõ hạnh tuy như cũ
Lá bướm cành chim vẫn thế nào...
(Cảm xuân)
...Công nợ bớp bơ hình chúa Chỏm
Phong lưu đài các tựa ông Hoàng...
(Bợm già)
...Khôn nghề cờ bạc là khôn dại
Dại chốn văn chương ấy dại khôn...
(Dại khôn)
...Lấy ảnh khắp người ai chẳng tỏ
Làm gương trên đất để soi chung...
(Trông giăng)
...Có lúc vểnh râu vai phụ lão
Cũng khi lên mặt đấng văn thân...
(Tự trào).
...Tròn tròn khuyết khuyết sao ra thế
Xuống xuống lên lên mãi vậy à...
(Hỏi giăng)
Hai câu cứ kèm nhau mà đối nhau, như bất cứ những câu nào phải đối nhau trong mọi bài bát cú tám câu chân chính. Nhưng cái đặc biệt của những câu thơ đối của Tú Xương là, lắm khi nó như là một câu văn xuôi nói liền một hơi. Nó như một câu nói dung dị nào, nó như một câu văn xuôi bình thường nào, gộp cả hai vế mười bốn tiếng lại làm một. Và cả hai vế dính nhau mà kéo đi một lèo. Thoải mái, nhẹ nhõm, êm lướt: Đây là một nét bản lĩnh độc đáo của tiếng nói Tú Xương. Ngay cả những từ đa âm, những chữ ghép nhịp ba Tú Xương vẫn cho đối nhau một cách khoái hoạt sướng tai:
Con tự không coi mù tịt mít
Giống người có lẽ sạch sành sánh.
Làm thơ khi phải đối, cái mạch thơ của nhiều người thường dễ bị mất tự nhiên, đâm ra gò, lên gân chữ. Nhịp câu đớ ra, hoặc kém buông nới êm mềm. Nó dễ bị câu nệ, quá nệ về đối, biến thành một cái kiểu trần trần lắp chữ, mà các cụ thơ xưa gọi là lối đối chân chõng. Tú Xương vẫn tôn trọng thi pháp, nhưng rất chủ động được lời tiếng mình mỗi lúc phải đối, và càng ứng đối càng lưu loát.
Khác với những người non tay thơ, mỗi khi đối thì thấy như là vật nhau huỳnh huỵch với từng tiếng thơ đem vào. Tú Xương cũng mồ hôi vã ra, cũng lao động như ai mỗi khi tìm vần mỗi khi gieo chữ, nhưng không giống ai, ở chỗ lời đối thơ của Tú Xương nghe nhiều lúc lại như là không đối đáp gì cả. Hai vế đối trong câu thơ đối Tú Xương, nối nhau mà có một quan hệ bình thường, mặc dầu vẫn chọi từ chọi ý. Cái thanh thoát đó trong nghệ thuật đối của Tú Xương, đã tăng thêm sức hấp dẫn cho phong cách hiện thực Tú Xương.
Lối đối của Tú Xương nói chung là mềm dẻo tự nhiên, và có những lúc rất táo bạo. (Ví dụ: võng điều võng thắm đối với khối đỏ khố xanh, lọng cắm đối với váy lê, đầu rồng đối với đít vịt). Cũng trong một bài thơ về thi cử, Tú Xương đối câu Tế đổi làm Cao, mà chó thế với câu Kiện trông ra Tiệp, ối giời ôi. Tú Xương bạo đối đến nỗi một người quen lỡm chọc sự sống như Tam Nguyên Yên Đổ 5 mà cũng còn phải kêu lên rằng: "Rằng hay thì thật là hay - Giời đem đối Chó lão này không ưa!".
Một đặc điểm nữa của phương pháp hiện thực Tú Xương là dùng những hình tượng thanh thoáng khi phản ánh một số sự việc u nặng hoặc bí đọng. Kể đến nông nỗi một người quen bị đi tù, thơ Tú Xương gọi cái bất hạnh đó là "bỗng đâu gặp những chuyện đâu đâu". Những u hoài trong cảnh buồn tình khi nhớ tình nhân, cũng chỉ thoáng nhẹ như thế mà vào thơ Tú Xương: "Nhắn hỏi người kia cái chuyện này"!.
Những chữ đâu, đâu đâu, kia, này rất là nhẹ (về thanh từ) nhưng mà cũng rất là nặng (về động cảm). Mặt mỹ học đó của thơ hiện thực Tú Xương có lúc đã bị hiểu lầm thành ra giọng lưỡi khinh bạc của một nhà thơ kém sĩ hạnh(!).
Cách nhìn phóng khoáng cợt bỡn của Tú Xương làm giàu thêm cho cách cảm của người đọc thơ Tú Xương. Nghĩ về một người chửa hoang đẻ hoang giữa một xã hội Khổng Tử chau mày nghiến răng, Tú Xương cười cười:
Chưa cưới nhưng mà hãy đẻ chơi
(...) Bà mụ lầm trao nắm bột rời.
Nghĩ thay và cảm đề hộ cho một người đàn bà buồn vì chồng đi tù "một ngày nằm trong tù dài tợ ba năm ở ngoài hề", Tú Xương vẫn ỡm ờ trong cách ăn nói hiện thực kiểu Tú Xương và, vẫn không quên mắc vào song sắt nhà tù nọ một vài sợi mây trữ tình.
Cơn cớ làm sao đến nỗi này
Bỗng chốc xui nên cơn vạ gió
Vì đâu mà phải cái tai bay
Nhác xa một bước như ngàn dặm
Thương nhớ ba thu khác một ngày (...)
Giọng trữ tình Tú Xương có lúc cũng ầm ĩ như ai, nhưng cái ồn ào đó vẫn không phải là thứ ồn ào rẻ tiền mất giá:
Dang tay trỏ nguyệt bên bờ liễu
Đội bóng thề hoa trước cửa lầu
(Xuân tình)
Non nước thề bồi thôi xúy xóa
Quỷ thần nào chứng ở hai vai
(Thương tiếc)
Non non nước nước tình tình
Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ
(Áo bông che mưa)
Có những vang hưởng trữ tình của Tú Xương như còn ngân tới hôm nay:
Tương tư lọ phải là trai gái
Một ngọn đèn xanh trông điểm thùng
(Nhớ bạn phương trời)
Đây là một cái đêm dài của hai người đàn ông mà nó day dứt hơn bất cứ nỗi niềm trai gái vạn cổ nào. Tiếng trống đêm tương tư như ngân nga hộ cho một tiếng chuông chiều. Và dựa vào bút lực trữ tình của Tú Xương mà chuông trống ấy đã đồng vọng qua mười mấy ngàn buổi chiều thơ rồi. (Tú Xương chết trên nửa thế kỷ rồi, và sở dĩ không chết đi trong tiếng nói ta, cũng là ăn nhờ vào những tiếng sóng ngân âm như thế đó).
o O o
Trong vốn dân tộc ta, về đồ chơi trẻ em, có một cái đèn, thường gọi là đèn kéo quân (có nơi gọi là đèn chạy quân). Trong thơ Tú Xương cũng có một cái đèn kéo quân:
Tiết rằm chẳng biết hắn vây ai?
Bán mặt quanh co kéo dại dài
Đứt nhạc ngựa Ô dong nước đại
Ngậm tăm quân đội kéo hàng hai
Hẳn rằng chúng nó cùng quên chết
Nên chẳng thằng mô chịu tháo lui
Động địa chừng còn chờ tướng lệnh
Cờ chưa thấy phất, trống chưa hồi.
Đây là một cái đèn hiền lành của thiếu nhi chơi cỗ rằm tháng tám Tết Trung thu. Mà đây cũng lại là một thứ đèn cù, trong đó thời và thế lúc ấy đã được phản ánh vào. Từ một nhà thơ nôm yêu nước Tú Xương, thấy hiện ra một người thắp đèn, một người chiếu đèn rất lành nghề. Giữa một thiên lịch sử tối mịt lúc ấy, người thắp ảo đăng Tú Xương mượn cái đèn đám trẻ, mà gửi vào ánh sáng kim đồng kia tất cả nỗi u hoài trí lự của một người trí thức bực dọc. Và đây cũng là một nét độc đáo về nghệ thuật ẩn dụ trong văn học cổ điển của ta, lấy một cái đèn chơi của con nít đưa ra và, nhân đó, nói sang chuyện người lớn. Đây là một nét tài tình của phép hiện thực Tú Xương: lấy cái trước mắt bé bỏng mà phản ánh cái xa cái to, lấy đồ chơi con trẻ phản ánh lịch sử, lấy mắt hồn nhiên mà nhìn ra, mà đụng đến việc người tráng sĩ đương thời.
Ở Nam bộ, Trương Định chống Pháp liền bốn năm (1861 - 1864). Ở Trung bộ, thực dân tưới dần lửa đốt thành Ba Đình năm 1887. Phan Đình Phùng người Hà Tĩnh đánh Tây ròng rã mười một năm (1885 - 1896), và cuối cùng bị tên Nguyên Thân tâng công với Tây, đào di hài Phan Đình Phùng, trộn lẫn vào thuốc súng mà bắn ra bốn phương tám hướng trời Nam. Ở Bắc, bốn năm khởi nghĩa Bãi Sậy (1885 - 1889) đã tạc tên tuổi Tán Thuật vào tâm tư sĩ phu. Rồi ngọn cờ chống Pháp ấy bắt đầu chuyển sang tay Hoàng Hoa Thám. Và riêng tỉnh Nam Định quê hương Tú Xương, cũng vọng lại dư âm của nhiều cuộc khởi nghĩa non của quan Nghè Rao Cù, của cụ phó bảng Lã Xuân Uy sau tịch ngoài Côn Đảo. Và nhất là cuộc khởi nghĩa hụt của Kỳ Đồng lan rộng ra ba tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Dương. Người làm thơ là một cái cần điện ăng ten nhạy cảm, và thơ Vịnh đèn kéo quân đã nháy nháy mãi lên những cái chớp xanh thu thanh đó về những thời sự chiến sự xa gần.
o O o
Cô Ký sao mà đã chết ngay
Ô hay, trời chẳng nể ông Tây!
Gái tơ đi lấy làm hai họ
Năm mới vừa sang được một ngày
Hàng phố khóc bằng câu đối đỏ
Ông chồng thương đến cái xe tay
Trong bài thơ Mồng hai Tết, viếng cô Ký khóc mướn thương vay đó, người làm thơ điếu có nhắc đến một "ông Tây" và một cái "xe tay". Tôi cho rằng hai cái hình ảnh đó mới là cái hứng vị chính của cả bài thơ hiện thực một cách mỉa mai này. Còn cái chuyện mất Tết của ông Ký và chuyện trăm năm đứt gánh giữa đường của một cô Ký trẻ đi lấy lẽ người ta, tất cả đều là cái phụ. Hiện thực của Tú Xương sâu sắc ở chỗ như gọi được ra cả một chặng đường kinh tế thuộc địa, và lôi được từ cái chết Tết ấy ra một chiếc xe tay, và một ông cẩm Tây (cẩm tức là cò, cò mít xe, một ngạch quan lại trật tự an ninh của thực dân Pháp). Bà con thành Nam khóc cô Ký bằng câu đối đỏ; và bằng một nụ cười hiện thực tỉnh táo, Tú Xương đã ai điếu cô cai xe đó. Phải, cô vợ lẽ thầy Ký sở Cẩm tỉnh Nam Định kia là một cô cai xe. Phải, người đàn bà chết đó là vợ một thầy Ký kiêm cai xe. Không hơn không kém, mụ cai xe đó còn là một me Tây chính thức của viên Cẩm. Trong cái quan hệ nam nữ này, trong cái quan hệ Pháp Nam này, trong cái quan hệ bộ ba này cơ sở chính là cái gì? Là tình thương ư? Là tình yêu ư? Không, động cơ chính là cái xe tay, thứ máy vận tải thô sơ chạy bằng sức người. Động cơ là tiền, là đồng tiền buôn bán giữa lúc Tây mở tỉnh. Thầy Ký mở hiệu xe tay hàng ngày thu thuế cu li xe; quan Cẩm hàng ngày khám xe, rút đi số xe chạy hoặc cho tăng thêm xe chạy.
Thầy Ký cho cô Ký vào chài ông Cẩm, vợ chồng thầy Ký tỉnh nhỏ cùng coi đó như một thứ thuế đóng một cách trắng trợn cho một ông Tây cai xe có quyền lực tối cao đối với tất cả bao nhiêu xe tay trong cả tỉnh. Vì có cái xe tay mà thầy Ký làm bạn với cô Ký hai. Vì có cái xe tay mà quan cẩm được sóng soài lên cô Ký. Vì có cái xe tay do cô ký kéo vào cửa sau sở cẩm, mà quan hệ chủ tớ giữa quan Cẩm và thầy ký sở Cẩm ngày càng được thêm khăng khít. Cái xe tay là hạnh phúc vật chất của bộ ba này. Nay thiếu cô Ký, cô Ký chết tức là cả cái cơ nghiệp xe tay ông Ký cũng lăn kềnh ra. Theo chỗ tôi biết, có một số tư sản nước ta đã xuất thân từ con đường cai xe, thầu xe, trưng xe, đóng xe, chạy cạnh tranh với xe tay lùn OMIC của Tây. Tôi tin rằng những vị tư sản đó, hẳn là rất thấm câu thơ "Ông chồng thương đến cái xe tay" đây lắm!
o O o
Tú Xương đi dạy học ở tỉnh Thái Bình. Thiết trướng căng màn tại các tư gia tỉnh Thái để "cho chữ" thánh hiền, không rõ thầy đồ Tú Xương đã đào tạo ra được bao người tài đức sau này, và trong đám môn sinh thầy Xương, không rõ đã có bao nhiêu người hiển đạt? Cái này, cũng không thấy ai kể lại cho biết. Chỉ biết có một bài thơ Tú Xương ghi lại những ngày gõ đầu trẻ:
(...) Có cả hòn son có cả roi
Mô phạm tiên sinh quần dính đít
Bô xu tiểu tử khố cong bòi
Thôi thôi tươm chán còn chi nữa
Đem cái xuân đi cũng đủ mài.
Bài thơ hiện thực lên tất cả nỗi thầy đồ kiết và cảnh trò nghèo. Nó hiện thực bằng giọng tự trào, mỉa mình, mỉa trò, mỉa đời. Trong những từ dùng làm nguyên liệu bài thơ, tôi lọc ra những từ "hòn son", "đít quần, bồi, khố", "xuân", mài". Trong mấy tiếng chỉ vật chỉ việc lọc ra đó, tôi muốn nêu lên giá trị thần hiệu và đức tính kiến thiết của động từ mài.
Trong một lớp học tư dạy chữ Hán thiết tại hàng hiên hoặc nơi đầu chái nhà nọ, thấy nào bục, hoặc phản, hoặc chõng, hoặc tràng kỷ, ghế đẩu, án thư. Nhưng thường là cả thầy cả trò đều bò nhoài ra trên gỗ ván, trên tre cật mà giảng, mà chép, mà tô, mà chấm. Thầy đồ mài son, học trò mài mực. Những cái nghèo ấy đang phủ phục xuống mà học mà dạy học. Ông thầy nghèo quá, cái quần ta cổ truyền có chân què, gần như mất đũng, nó cứ dán vào cái mông đít hà tiện vải đang nằm phục xuống kia. Phục xuống hơn nữa, là lũ trò đóng khố, cái khố ngắn quá thít vào rốn vào bẹn. (Chú ý Tú Xương dùng chữ rất chính xác về liều lượng gia lên hoặc giảm nhẹ đi. Những từ chỉ bộ phận sinh dục đàn ông, có cả một bảng cấp, từ cái của con nít đến cái của người bạc đầu. Vào cái tuổi đi học vỡ lòng tam thiên tự đó, Tú Xương dùng tiếng bòi, khác chi gọi được tuổi cho sự sinh dục của một đám thơ dại còn để chỏm kia).
Trong cả một lớp học của hai lớp người, hai lớp tuổi đó xen vào tiếng ê a ngân nga đọc to học to là những tiếng mài mực. Không những chỉ mài mực mài son, mà còn mài cả khố cả quần. Học là một sự khổ luyện, một sự cần lao, một sự dùi mài kinh sử, và tuổi xanh của người học trò cũng coi như là một thỏi mực thơm đem tới đó mà mài. Cả đến thầy đồ ăn cái thứ chu cấp "thầy khóa tư lương nhấp nhổm ngồi" của người ta đó, cả đến ông đồ trẻ như Tú Xương cũng phải đem cái tuổi xuân của mình ra mà mài một cách trữ tình thật là quá ngao ngán vậy.
Để còn có thể tiếp tục mài tuổi mình ở khắp các khoa thi, anh đồ Xương đem cái xuân đi mà mài nó ở chỗ thiên hạ; đổi cái xuân mài đó lấy cơm lấy áo độ nhật mà ngóng chờ ngày mở hội khoa thi.
Bài thơ đi dạy học tư đây, ý và ảnh và chữ đều mang những đức tính hiện thực. Trên những chất hiện thực đó, người thơ Tú Xương thả đưa vào một động từ mài: Động từ mài làm sống động lên những nguyên liệu tập hợp lại để dựng bài thơ. Ở bài thơ đây, giả thử không có cái biểu tượng mài đó, nhất định các nguyên liệu rời rạc kia không cất nổi đầu lên thành một công trình gì đáng kể. Mài cái gì ở bài thơ? Mài quần thầy, mài khố trò khi cùng dùi mài kinh sử, mài mực mài son. Nhưng nếu chỉ có mài có bấy nhiêu thứ thôi, thì cái công trình văn vần đó vẫn chỉ mới là một cái nhà chữ một tầng xoàng xoàng nho nhỏ thế thôi, ở tạm thì vẫn cứ được, nhưng nó vẫn chưa hút được người chọn nhà. Câu thơ cuối bài, "Đem cái xuân đi cũng đủ mài", đã cất thêm lầu gác cho cái nhà một tầng. Cái xuân mài đưa vào, còn như thêm cửa kính cửa chớp cho lầu thơ giờ mới thấy rộng khí thở và gió sáng. Và nhà tàm tạm một tầng một cách thực thà ban nãy của anh, nay trở thành một công trình kiến trúc duyên dáng ý nhị, làm vừa lòng người ở và làm nức lòng thơ những khách qua nhà.
Trở lại một số từ hòn son, quần, khố, xuân, mài dùng trong bài "đi dạy học" đó, thấy người làm thơ Tú Xương như đã giao cho mỗi từ đó một vị trí và một chức năng riêng. (Thấy nó khác hẳn với cái cách của những nhà thơ tồi hay mắc bệnh bình quân, san bằng chữ nào cũng như chữ nào). Những từ hòn son, quần, khố coi như là những chữ quân; từ mài coi như là chữ chủ tướng (những bậc nghề về thơ xưa, thường gọi là chữ cõng, chữ gánh), và từ xuân coi như là chữ chỉ đạo. Những người trong nghề thơ đã bảo rằng khiến chữ khiến câu khi làm thơ, không khác gì động binh điều tướng lúc xung trận. Những trận địa giấy trắng hòa bình, nhưng tốn rất nhiều tâm huyết mới hạ nổi vật chất nó cưỡng lại, mới chinh phục được từng con chữ một mà khuôn nó vào cái trật tự tạo nên bởi mỹ lý mỹ học?
Bài thơ đi dạy học vừa hiện thực một cách mỉa mai, vừa trữ tình một cách yêu đời. Nói được câu "mình còn có cả một cái xuân đem theo đi để mà mài ở đây ở đó", phải là một người còn tin sự sống lắm. Và mặc dù thế nào đi nữa trong cái đời ông đồ dạy thuê, ta vẫn tự tin xuân lòng ta mài đi nhưng khó mòn hết, và lòng xuân ta vẫn là một hòn son không chịu phai.
Hình như qua bài thơ dạy học, Tú Xương để lại được một kinh nghiệm của người làm hiện thực. Là trữ tình không phá hiện thực. Biết đưa trữ tình vào hiện thực, thì nhà chữ với cửa thơ của anh không những đã có cái mái vừa tiện nghi vừa đẹp, mà còn ngoi cao trên toàn cảnh đám nhà thơ ụp xụp chung quanh.
o O o
Bài Lạc đường dưới đây man mác một nỗi trữ tình của một tâm hồn lẻ chiếc:
Một mình đứng giữa quãng đường xa
Có gặp ai không để đợi chờ
Nước biếc non xanh coi vắng vẻ
Kẻ đi người lại dáng bơ vơ
Gọi người chỉ thấy mây xanh ngắt
Soi nước càng thêm tóc bạc phờ
Đường đất xa khơi ai mách bảo
Biết đâu mà ngóng đến bao giờ.
Bài thơ lả xuống như một cái lá trĩu buồn. Và buồn như một cuộng lá trôi chỉ một mình trên cả một dòng trữ tình. Nói theo giọng người tin đạo say kinh Thiên Chúa, thì nó buồn như một trang Sáng thế ký lúc sự sống chỉ mới có một mình ông A Dong mà chưa có bà Evà. Giảng đến bài Lạc đường, thường có những ý kiến cho rằng Tú Xương mượn lối ẩn dụ để kín đáo bộc bạch chút lòng ái quốc của mình. Tôi không biết có thật chắc là như vậy không, khi Tú Xương làm bài đó. Ở đây, cái tôi cầm chắc được, là một cái chất buồn, một cái kiểu buồn nên thơ trong thời đó của Tú Xương. Buồn trên tinh thần cả bài, buồn trong từng tiếng của chữ thơ. Nó là cái buồn của một người có ý thức về cái buồn của mình. Nó là cái khổ não của một người bộ hành vẫn bước đi nhưng chưa biết rồi đi tới đâu. Một người bộ hành không muốn đơn độc, nhưng chưa biết là sẽ đồng hành với những ai đây! Cũng muốn chờ bạn đường, nhưng phân vân không biết có nên chờ không? Tâm trạng nửa tin nửa ngờ của người làm thơ, đã khuôn cho nhịp thơ cái dáng dấp của một ông khách nhỡ độ đường, bước đi một bước một chờ. Nói đến phong cách trữ tình, ta thường hình dung tới những cái gì sải dài sải dài, những bước lớn câu dồn. Nhưng phong cách trữ tình, cũng có những cái chuyển chỗ ngắn ngắn, chân như còn nghe đất rồi mới đặt xuống. Âu cũng là một tư thế trữ tình của Tú Xương, nhất là ở bài Lạc đường đó.
o O o
Lại trở lại thi pháp Tú Xương phối hợp cả hiện thực cả trữ tình, lấy cái hơi trữ tình mà làm sống động lên những đồ vật thường dùng và sự việc hàng ngày. Như trong bài Đi hát mất ô:
Đêm qua anh đến chơi đây
Giày giôn anh dận, ô tây anh cầm
Rạng ngày sang trống canh năm
Anh dậy em hãy còn nằm trơ trơ
Hỏi ô, ô mất bao giờ
Hỏi em, em cứ ỡm ờ không thưa
Chỉn e rày gió mai mưa
Lấy gì đi sớm về trưa với tình
Ở tám câu lục bát này thì bốn mươi hai tiếng trắc bằng của sáu câu đầu, tôi gạt sang cho phần hiện thực với những tiếng choang choang lên chất tả thực: giày giôn, ô tây, nằm trơ, hỏi ô mất, ỡm ờ, không thưa. Sáu câu đầu nói rành rọt về một chuyện mất ô, mất ở đâu, mất trong trường hợp nào, và có thể đoán được người ăn cắp và thấy hiển hiện nỗi ấp úng lúng túng của kẻ gian đó. Câu chuyện kể lại bằng thơ ít lời, nhưng đủ sự việc tình tiết không kém gì lời văn xuôi, có thể làm thỏa mãn được một ông quan tòa dự thẩm, và có thể làm mẫu cho một cách giảng văn ở một lớp văn nào. Có thể ngừng ở đó. Nếu làm văn xuôi (làm một cách xuôi xuôi), được phép ách lại đó. Nhưng đây là làm thơ, chưa ngừng được chưa thấy gì là mùi thơ tiếng thơ, chưa thấy ló ra thi sĩ. Cho nên phải đi bước nữa, nếu thật sự muốn làm thơ. Chỉ thêm có hai câu nữa mà cứu được đoạn văn xuôi xuôi dễ dàng đó, và chuyển tất cả sang phạm vi thơ.
Chuyển thể tài, chuyển đề tài và chuyển cả chủ đề. Bài thơ nổi gió lên từ hai câu cuối cùng. Từ một chuyện ăn cắp đồ vật, đáng lý chỉ gây nổi một chút tiếc của, Tú Xương trang trọng nâng nó lên thành một nỗi niềm hồi hộp xót thương của những cặp tình nhân muôn thuở.
Vẫn trên cái cơ sở thực tế đê hạ ấy mà nâng lên, vẫn từ cái vòng bo bíu khốn khổ đó mà mở rộng nó ra, cho nó có được ít nhiều chân giời. Bên cái lụy tục, Tú Xương lồng vào một nét thanh tâm, Tú Xương lấy một cái trong trắng mà gạn lọc cái vẩn đục, và hút nó theo lên với thơ mình. Nếu ta có soạn san lại Tình sử của ta, tôi nghĩ rằng ta họ nên không để bài thơ này vào?
Bài thơ Đi hát mất ô đây, "nghe" rằng còn có sáu câu lục bát trả lời cho tám câu hỏi trên kia:
Mưa thời mưa cũng có khi
Nắng thời nắng cũng có kỳ mà thôi
Ví dù anh có thương tôi
Thì anh hãy cứ đội giời mà lên
Ví dù anh bắt em đền
Thì em đền cái hơn tiền bằng ba
Sáu câu đây, hồi tôi còn nhỏ tuổi, ngồi hầu đóm hầu trà các bạn của cha tôi, nghe các cụ bảo là của Tú Xương. Lớn lên, những lúc đi hát ở một vài giáo phường, lại thấy các cụ nhà nho bảo ả đào ngâm sáu câu đó lên, và không hết lời khen Tú Xương đã khéo mượn lời chủ nhà hát mà trả lời ông khách thật tài. Vậy như thế là toàn bài Đi hát mất ô có những mười bốn câu: tám câu vẫn đăng và sáu câu phát hiện kia, nó là hai vế của một cuộc đối thoại tình tứ. Sáu câu của người trả lời, thật là xứng đáng quá, ăn giọng quá với tám câu của người hỏi ô mất. Gần đây, ông bạn Chu Thiên, cho biết rằng ở Nam Định, cũng nhiều người nhắc đến sáu câu đó của Tú Xương. Thực hư ra sao, tôi chưa dám khẳng định, và chỉ xin ghi ra đây, để những bạn yêu thơ Tú Xương rộng thêm đường tham cứu. Riêng tôi, tôi cũng cho sáu câu đó rất có thể là của chính Tú Xương. Vẫn một hơi trữ tình đó, vẫn một giọng ỡm ờ dễ thương dễ luyến đó, vẫn cái phong cách cởi mở ra đó của một thứ thi nhơn hay đùa chữ mà cột người, ý tốt mà lời nhả.
Thơ là mở ra một cái gì mà trước câu thơ đó trước nhà thơ đó, vẫn như là còn bị phong kín. Bài Sông lấp dưới đây càng rõ cái điệu "mở vào mở ra" đó:
Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ giồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng riêng ai gọi đò.
Tôi không được tường về năm sinh tháng đẻ chính xác của bốn câu lục bát này, nhưng theo ý riêng tôi, đây là ngữ ảnh của những thanh điệu chín nhất, tròn nhất, viên mãn nhất ở tiếng thơ Tú Xương của cả đời thơ Tú Xương.
Nếu chúng ta cùng thỏa thuận rằng nói chung trong thơ Tú Xương có cả hiện thực có cả lãng mạn, thì trong riêng bài Sông lấp này, lại càng rõ cả hai cái phần thể phách hiện thực và linh hồn lãng mạn ấy. Hai câu đầu không có gì là "mở cửa sổ thấy núi" cả, bình thường thế thôi, các bạn làm vè bình thường và tôi làm văn nhật trình tường thuật đưa tin, mọi người chúng ta đều làm được cả Nhưng đó mới chỉ là đếm việc kể việc, như cái kiểu đi thực tế mà nô lệ chi tiết thực tế, chưa biết nâng thực tế lên, còn lệ thuộc vào nét vặt mà chưa có tí gì là sự hóa sinh do tâm hồn mình thổi vào. Nếu con sông lấp Vị Hoàng mà chỉ có hai câu đầu lục bát ấy thôi, thì con sông Tây lấy đi kia có thể coi là tuyệt tự rồi, và tên tuổi nhà thơ của nó cũng có thể phần nào lấp theo đi với con sông cạn. Nước "con sông thời thế" Vị Hoàng bất chấp mọi sự cạn lấp, đến ngày nay vẫn còn chảy tới thế hệ chúng ta hợp lưu được với lòng chúng ta, chính là do cái nguồn mạch trữ tình của hai câu thơ sau tiếp đẩy nó đi.
Và mạch nước ngầm ấy còn chảy xa lắm. Tôi nghĩ đến một tương lai Việt Nam mà sông cái sông con, suối chị, suối em, trên khắp Tổ quốc ta sẽ hết cả đò ngang mà chỉ còn có toàn là cầu sắt cầu bê tông, hoặc cùng giả lắm là phà máy. Cho là mười kế hoạch năm năm nữa thì căn bản có thể tuyên bố là đã hết đò ngang chứ gì! Và lúc ấy đò ngang không là hình ảnh của vận tải quốc doanh, mà chỉ còn là những vốn dân tộc giữ lại cho những cặp tình nhân nhàn tản trên mặt sông hồ sau những đợt dài lao động vì mọi người. Tôi cho rằng tới ngày đó và sau đó nữa, trong lòng những người Việt Nam của năm 2000, của năm hai nghìn lẻ mấy chục chi đó, càng vang hưởng cái tiếng u hoài Tú Xương gọi đò trên sông lấp. Những thế hệ sau này thật là không thể nào hình dung được đầy đủ cái thảm kịch gọi đò đêm sông vắng và cái thảm kịch đợi nước gọi đò - hiểu theo cả nghĩa đen kinh tế lạc hậu, hiểu theo cả nghĩa bóng chính trị của những người yêu nước trước đây nói bóng gió về thời cục bằng hình tượng thơ. Nhưng tôi tin rằng những thế hệ sau đây được nâng cao vật chất và tinh thần, được học nhiều học rộng gấp mấy mươi chúng ta bây giờ, họ có một quan niệm rộng rãi hơn về xử sự xử thế của những con người đợi nước ngóng đò trước đây, và họ cảm thông nhiều hơn là lên án. Cái học lực của họ sẽ tạo cho họ nhiều độ lượng nhân ái hơn, tình cảm rộng rãi và trong lắng hơn, và họ có thể còn cảm thông thâm thúy và xúc động sâu sắc hơn nữa với hiện tại gần đây của lớp chúng ta. Thực ra cái lớp chúng ta đây, cũng là một lớp người còn xơi mới thoát đò ngang, cũng là vừa sang xong một vài chuyến, có những chuyến thuận chèo trót lọt, bến đông rộn lên như hội mùa, nhưng cũng có chuyến gian nan, tay lái mà không dẻo không cứng, thì cũng dễ đắm con đò có lúc đã thấy chiềng hẳn đi.
Tiểu Luận Và Chân Dung Văn Học Tiểu Luận Và Chân Dung Văn Học - Nguyễn Tuân Tiểu Luận Và Chân Dung Văn Học