If we are peaceful, if we are happy, we can smile, and everyone in our family, our entire society, will benefit from our peace.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Nguyễn Tuân
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3598 / 113
Cập nhật: 2016-03-10 08:46:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tônxtôi
ếu chúng ta ví văn học Nga như một cái rừng đại ngàn, thì văn học Nga thế kỷ XIX có những đỉnh chót vót mà ngày nay mỗi lần ngước lên cao và trông ra xa, hình như ta không bao giờ cạn hết được lời yêu mến quý trọng.
Tính theo trật tự ngày sinh thì Đôxtôiépxki ra đời năm 1820; Tônxtôi năm 1828; Sêkhốp năm 1860; Gorki năm 1868. Mỗi người một nhỡn quan riêng, một phong cách riêng, một cuộc phong ba riêng trong ý ăn nết ở cách làm, không ai dặn ai nhưng hình như họ chia nhau mà chạy tiếp sức cho tới cái tận cùng của thế kỷ XIX ở nước Nga và chạy lấn cả sang thế kỷ sau nữa.
Trong rừng văn đại ngàn nước Nga, Tônxtôi sừng sững và chót vót như một đỉnh Thái Sơn trường tồn cho đến ngày nhân loại du hành vũ trụ đi hết lên các tinh cầu khác.
Văn Tônxtôi không bốc nhưng mà ngấm dần, cứ bình bình mà dâng lên như nước triều biển đại dương. Một nhà văn trứ danh nước Áo có so đọ Tônxtôi với Đôxtôiépxki (cũng lại là một cái đỉnh Thái Sơn nữa!). Hai văn hào cùng một nước một thời này đều là những bậc tư tưởng tận tụy cả đời vì chân lý, hai người đều là những người hành hương đi tìm chân nhân, đi tìm chân lý để cứu thế độ nhân. Ở mỗi người, sự lĩnh hội chân lý có khác nhau, cái đúng cũng khác nhau, cái lầm cũng khác nhau, nhưng đều là tha thiết với cuộc sống thiên hạ. Tônxtôi và Đôxtôiépxki tâm tính và tài năng khác nhau. Bên này là một người thừa tiền bạc thừa lực cơ thể, cứ tuần tự mà lao động nghệ thuật, với sự kiên trì với cách nghệ cách làm rất lô gích. Bên kia là một người thanh bạch, bệnh hoạn kinh niên nan y, ngật ngưỡng như con lật đật mà viết, cảm xúc như nhân vật ốp đồng vào ngòi bút. Một người thì rất tỉnh, lấy cái tỉnh táo ngũ quan mà phản ánh thực tế. Một người thì hay mê sảng với nhân vật, tạo những trận mơ dữ dội cho tác phẩm, dựa lên não cân mà phát triển khí hậu văn. Tônxtôi viết văn (cho truyện ngắn cũng vậy, cho tiểu thuyết trường giang cũng vậy) cứ đều đều bước như người Mèo leo núi leo dốc, thong thả đều đặn và liền bước, đi ra đi, nghỉ ra nghỉ, không bị mỏi, không tỏ vẻ mệt, hơi thở và tim đập đều đều cho tới đỉnh; và khi tới đỉnh thì mới thấy cái bao quát vĩ đại chưa thấy được lúc bắt đầu leo. Còn như Đôxtôiépxki thì khác hẳn, hoàn toàn khác hẳn. Vào truyện của Đốt là thấy tối mặt xẩm mày lại ngay. Thấy nhân vật vất vả, thấy tác giả nó cũng khốn khổ vì đám người mình đẻ ra kia, và ngay cả người đọc cũng ù tai nước mắt nước mũi giàn giụa theo với hành trình vào đêm tối của nhân vật Đốt! Nhân vật Đốt thở hồng hộc, Đốt như lên chứng động kinh, hơi truyện vụt lóe như tia chớp đêm dông, rồi người độc giả Đốt cùng lăn ềnh ra chiếu với những nhân vật bất đắc kỳ tử của Đốt...
Nghệ thuật của Tônxtôi rất nhiều tưởng tượng rất nhiều nội tư nhưng cũng rất nhiều quan sát. Mỗi con người nhân vật của Tônxtôi là sự tập thành của nghìn cái chi tiết, và mỗi cái chi tiết đó là kết quả của sự quan sát hàng biết bao nhiêu cái vi ti khác. Nét bình dị kỳ diệu của truyện Tônxtôi là sự thành công tổng hợp lại mọi quan sát về mọi mặt sống quanh mình. Tônxtôi hành văn chính xác như soi kính hiển vi để tìm cái sâu sắc cho những chi tiết báo hiệu những chất tâm lý. Đã có biết bao người đàn bà trên thế giới, người lôi thôi cũng như người bình dị, đã phải sợ phải phục người đàn ông Tônxtôi đó sao lại tài đến thế, biết cả đến (mà lại biết rất sâu) những cái mà tưởng rằng chỉ trong giới nữ mình biết với nhau thôi. Chính tài và từ quan sát này đã giúp Tônxtôi phát triển những tài liệu lịch sử dùng trong Chiến tranh và Hòa bình; bên cạnh những sự kiện lịch sử vón cục, Tônxtôi đã đưa vào mọi chi tiết tâm lý cần dùng để sinh hóa và nâng cái tài liệu đó thành hòn máu sống. Thế giới tạo hình của Tônxtôi là một kho tàng nhân tình tích lũy sau một quá trình quan sát cả rộng cả sâu.
Con người tài hoa quán thế Tônxtôi cũng là một con người đau khổ không bờ bến, có những lúc tự mình phải chôn khóa súng đi săn của mình lại cho kỹ, đề phòng cho những lúc phải lấy quyên sinh ra mà giải quyết đấu tranh tư tưởng trong mình. Rồi phân phối hết đi ruộng đất rồi cho đi tiền bạc, cúng đi tiền tác giả vào hội thiện (lúc bấy giờ có đến nửa triệu rúp). Rồi cày lấy ruộng, may lấy áo vải, khâu lấy giày da, tuyệt đối không ăn đến thịt vì sợ tội sát sinh. Trong tập Sám hối, có những trang như: "... Trong chiến tranh, tôi đã giết nhiều người; tôi đánh kiếm, tôi phá tán tiền bạc đã lột ở tay nông dân, tôi đánh đập hình phạt nông dân, tôi ăn nằm với những phụ nữ nhẹ dạ và gạt lừa chồng họ. Lừa đảo, trí trá, ăn cắp, hủ hóa, rượu chè cờ bạc, thô bạo hết cách nói...". Rồi cùng xuống với nhân dân, vào làng ở với những nông nô vừa được bãi bỏ luật nô lệ, mở trường dạy con em họ học chữ v.v...
Đọc tác phẩm Tônxtôi mà đọc đến Chiến tranh và Hòa bình cùng là tiểu thuyết Anna Karênin đó là cần, nhưng chưa đủ để thấy cái giày vò tâm khảm và thấy cái ác liệt thảm kịch của nhà tư tưởng Tônxtôi. Có lẽ thấy điều đó rõ nhất trong vở kịch năm màn Ánh sáng lóe trong tăm tối Tônxtôi viết chưa xong hẳn năm mình gần sáu mươi tuổi, tức là hơn hai chục năm trước lúc chết.
Sau này, Tônxtôi trốn nhà ra đi rồi chết ở một cái ga xép.
Nhưng cái cảnh tượng khủng khiếp đó đã được phản ánh một cách tiên tri vào vở kịch Ánh sáng lóe trong tăm tối, trong đó nhân vật lãnh chúa Nicolas Sarint Zeff lại cũng vẫn là đích thân Tônxtôi thôi, cũng như trước đây Pie và Angđơrê đã thay tác giả mà ngôn mà hành trong Chiến tranh và Hòa bình cũng như Lêvin đã là hóa thân của tác giả trong Anna Karênin. Trong vở kịch năm màn, nhân vật chính kêu la lên rằng: "... Không được giữ ruộng đất chớ có sống bám vào sức lao động của những người nông dân. Nhưng mà tổ chức tất cả những cái đó, tôi chả biết làm ra sao cả..." Rồi y xuống cùng làm việc với ông phó mộc, vừa bào vừa tâm sự: "Trước kia, tôi không thấy xấu hổ vì đã sống như thế đó".
Muốn hiểu Tônxtôi tài, lụy, lầm, khổ như thế nào, và vẫn đáng quý như thế nào, có lẽ chúng ta xem ngay vào sáu bài báo của Lê nin viết vào chỗ Tônxtôi thượng thọ tám mươi tuổi và nhất là lúc chết sau ngày thượng thọ đó. Tôi trích ra ở đây mấy đoạn (không theo đúng trật tự của từng bài). Lê nin đã giảng cho ta về trường hợp Tônxtôi:
"Một cách kỳ diệu, Tônxtôi am hiểu nước Nga nông thôn, đời sống của tên địa chủ và của ngư nông dân. Trong tác phẩm văn chương của ông, đã có những thiên mô tả đời sống ấy ngày nay đã trở thành những thiên kiệt tác trong văn học thế giới. Sự biến đổi kịch liệt của tất cả các "nền móng cũ của nước Nga nông thôn đã kích thích sự chú ý của ông, làm cho ông quan tâm sâu sắc đến các biến cố xảy ra chung quanh ông, khiến toàn bộ thế giới quan của ông thay đổi. Do nguồn gốc xuất thân và giáo dục của ông, Tônxtôi thuộc về tầng lớp đại quý tộc địa chủ Nga. Ông đã đoạn tuyệt với tất cả các quan niệm thịnh hành trong giới đó, và trong những tác phẩm cuối cùng của ông, ông đã kịch liệt phê phán chế độ đương thời về các mặt: Nhà nước, giáo hội, xã hội và kinh tế, dựa trên sự cùng khổ của họ, trên sự phá sản của nông dân và của các tiểu chủ nói chung, trên bạo lực và giả nhân giả nghĩa là những cái suốt từ trên xuống dưới đều thấm sâu vào toàn bộ cuộc sống đương thời (...). Sự phê phán của Tônxtôi không phải là mới lạ. ông không nói điều gì mà, trong văn học châu Âu cũng như trong văn học Nga, những người đứng về phía những người lao động lại không nói trước ông từ lâu. Nhưng cái độc đáo trong sự phê phán của Tônxtôi và tầm quan trọng lịch sử của sự phê phán đó là ở chỗ nó diễn tả được một cách mạnh mẽ - mà chỉ riêng những nghệ sĩ thiên tài mới làm nổi - sự chuyển biến trong tâm trạng của quần chúng nhân dân hết sức rộng lớn ở nước Nga, trong thời kỳ nói trên, tức là ở nước Nga nông thôn nước Nga nông dân. Vì sự phê phán của Tônxtôi đối với chế độ đương thời khác với sự phê phán của những đại biểu của phong trào công nhân hiện đại đối với cùng một chế độ đó, là ở chỗ Tônxtôi đứng trên quan điểm người nông dân chất phác thời gia trưởng.
Tônxtôi đem tâm lý người nông dân đó vào trong sự phê phán của mình, trong học thuyết của mình (...) Sự phê phán đó thực sự phản ánh được sự chuyển biến trong quan điểm của hàng triệu nông dân là những người thoát khỏi ách nông nô vừa mới được hưởng tự do thì đã thấy tự do đó có nghĩa là những khủng khiếp mới, là phá sản, là chết đói, là sống không nhà cửa giữa bọn xoay xở quỷ quyệt ở thành thị v. v... Tônxtôi phản ánh tâm trạng của họ trung thực đến nỗi chính ông đã đưa nào trong học thuyết của ông sự ngây thơ của họ, sự xa rời chính trị của họ, chủ nghĩa thần bí của họ, ý muốn xa lánh người đời "không chống điều ác", những lời nguyền rủa bất lực đối với chủ nghĩa tư bản và "quyền lực đồng tiền".
Lại nghe nữa đi những lời Lê nin phân tích những mâu thuẫn trong con người Tônxtôi, một con người có công lớn phản ánh tất cả những mâu thuẫn của thế kỷ XIX ở Nga "(...) Nhưng đồng thời, nhà phản kháng nhiệt liệt, nhà tố cáo hăng say, nhà phê bình vĩ đại lại tỏ ra, trong những tác phẩm của mình, là không am hiểu gì về những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng đang xảy ra trên nước Nga và về những phương sách để thoát khỏi cuộc khủng hoảng đó; không am hiểu như thế, chỉ có anh nông dân ngây thơ thời gia trưởng mà thôi, chứ một nhà văn có học vấn châu Âu thì sao lại như thế được.
Đấu tranh chống Nhà nước phong kiến và cảnh sát, chống chế độ quân chủ, đối với Tônxtôi, rút lại chỉ là phủ nhận chính trị, là đưa tới chỗ tuyên truyền "không chông lại điều ác" (...)
Đấu tranh chông Giáo hội nhà nước thì lại kèm theo việc thuyết giáo một tôn giáo mới, được tinh lọc, tức là một món thuốc độc mới, tinh lọc, tế nhị dùng để đầu độc quần chúng bị áp bức.
Phủ nhận chế độ tư hữu về ruộng đất thì lại là dẫn đến chỗ không phải là tập trung tất cả cuộc đấu tranh chống kẻ thù thực sự là chế độ sở hữu ruộng đất của bọn địa chủ và công cụ thống trị chính trị của nó là chế độ quân chủ, mà là thở dài mơ mộng, mơ hồ và bất lực.
Tố cáo chủ nghĩa tư bản và những tai họa do nó đưa đến cho quần chúng, thì lại kèm theo thái độ hoàn toàn thờ ơ với cuộc đấu tranh giải phóng thế giới mà giai cấp vô sản xã hội chủ nghĩa quốc tế đang tiến hành (...).
Nhưng những mâu thuẫn đó, trong quan niệm và những lời thuyết giáo của Tônxtôi, thì không phải ngẫu nhiên mà có, đó là biểu hiện của những điều kiện đầy mâu thuẫn chi phối đời sống ở Nga trong khoảng thời gian hơn ba mươi năm cuối thế kỷ XX. Nông thôn dưới chế độ gia trưởng vừa được thoát khỏi chế độ nông nô thì lại rơi ngay vào tay tư bản và sở thuế nên bị rút rỉa đến cùng cực(...)".
o O o
Trừ những tập Nhật ký và các tập Xưng tội, kể về những truyện dài truyện ngắn và kịch nói của Tônxtôi mà nhiều người trên thế giới và ở nước ta đều có đọc cả, thì phải kể đến tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình và tiểu thuyết Anna Karênin 1.
Anna Karênin bàn về hạnh phúc gia đình. Cốt truyện nổi rõ hai đường gân chính. Một bên là một đôi vợ chồng thấy được hạnh phúc, một bên là một cặp vợ chồng của thứ luyến ái bất hạnh. Nàng Anna có một người chồng tốt và Anna ngoại tình với một người khác bay bướm lịch sự, và kết thúc đoạn đời cảm giác vị kỷ của mình bằng một tấn thảm kịch; còn như cặp vợ chồng Lêvin thì tới được bờ hạnh phúc. Thực ra, cũng sau nhiều phen bão táp tâm tư mà Lêvin mới thấy được hạnh phúc. Có những lúc Lêvin đã muốn tự tử, luôn luôn tự hỏi rằng mình sống để làm gì? "Và Lêvin quả quyết rằng mình không thể sống như thế được. Hoặc mình tìm ra được một ý nghĩa cho đời sống, hoặc là mình sẽ tự vẫn". Lêvin muốn đi sâu vào ý nghĩa sự sống và thấy rằng ý nghĩa sự sống là lòng tin, tin vào một tôn giáo, vào một đức Thượng đế. Địa chủ Lêvin là một trong những nhân vật chủ chốt truyện dài.
Lêvin đây cũng là hóa thân của tác giả Tônxtôi. Cuộc sống nội tâm của nhân vật Lêvin chẳng qua cũng chỉ là cái tâm tư của đích thân Tônxtôi. Tônxtôi đã mượn bụng mướn miệng Lêvin mà đi ra cái thắc mắc của mình, nói ra cái băn khoăn của mình trước sự khủng hoảng của cuộc sống lúc bấy giờ.
Cuộc đời tám mươi hai năm, Tônxtôi có được mười sáu năm yên ổn, yên ổn nếu đem so với những năm sau đó, càng về sau càng dằn vặt, bão táp trong tâm trong trí "ngồi không yên ổn đứng không vững vàng". Và lấy ngay nội tâm và tư tưởng mình ra làm một chốn đoạn tràng mà đêm đêm tìm đến, vừa tìm vừa ghi vào tập Nhật ký và tập Xưng tội. Những nhà nghiên cứu Tônxtôi thường nói đến cái năm 1874 bước rẽ ngoặt của Tônxtôi, của nhà nghệ sĩ và nhất là nhà tư tưởng Tônxtôi! Tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình cùng là tiểu thuyết Anna Karênin đều sáng tác ra vào thời kỳ tác giả nó có cái vẻ bình yên, nhưng thực ra cũng đã mang những cái dấu hỏi, hỏi chung quanh, tự hỏi mình để xác định một thái độ sống. Thời kỳ khủng hoảng xã hội và khủng hoảng cá nhân Tônxtôi này cũng là cái thời kỳ hoạt động của chủ nghĩa dân túy của những nhà báo nhà văn dân túy. Đúng vào giai đoạn những người dân túy thâm nhập xuống nhân dân Nga 2 thì cũng là cái năm 1874 bước ngoặt của Tônxtôi. Sau thời kỳ bước ngoặt này, suốt ba mươi năm, Tônxtôi không lúc nào ngớt cái tiếng kêu khủng khiếp: "Tôi sống thế nào đây? Ta tự cứu ta ra sao đây". Những băn khoăn tư tưởng của Tônxtôi bắt đầu chớm lên thì đồng thời cũng được gửi vào tiểu thuyết và gửi vào nội tâm nhân vật Lêvin trong truyện Anna Karênin. Lo cho những điều trông thấy về kinh tế xã hội, nhân vật Lêvin thốt lên: "Ở ta hiện nay, một khi mà tất cả những điều đó đã bị đảo lộn và chỉ mới đang được sắp xếp".
Lê nin đã đem phân tích câu nói đó của nhân vật Lêvin: "Ở ta hiện nay, một khi mà tất cả những điều đó đã bị đảo lộn và chỉ mới đang được sắp xếp", - thật khó mà tưởng tượng được một sự nhận định nào đúng hơn về thời kỳ từ 1861 trên 1905. Cái đã bị "đảo lộn" thì bất cứ người Nga nào cũng đều biết rõ hay ít ra cũng thấy là hoàn toàn quen thuộc. Đó là chế độ nông nô và toàn bộ "chế độ cũ" phù hợp với nó. Cái chỉ mới đang được sắp xếp thì tối quảng đại quần chúng nhân dân đều hoàn toàn không biết, nó là xa lạ đối với họ, và không thể hiểu được (...).
Chủ nghĩa bi quan, sự không kháng cự, việc viện đến "tinh thần", là một hệ tư tưởng nhất định phải xuất hiện trong một thời đại mà toàn bộ chế độ cũ "đã sụp đổ", mà quần chúng là những người đã từng được nuôi dạy dưới chế độ cũ đó và đã hấp thụ được cùng với sữa mẹ. những nguyên tắc, tập quán, truyền thông, tín ngưỡng của chế độ đó thì nay họ không nhìn thấy và cũng không thể nhìn thấy được cái chế độ mới được sắp đặt ra là chế độ gì những lực lượng xã hội nào "đang sắp đặt ra nó" và sắp đặt như thế nào, những lúc tượng xã hội nào có khả năng để giải thoát họ khỏi những đau khổ không sao kể xiết được và đặc biệt là sâu sắc, mà Chỉ những thời kỳ "chuyển biến dữ dội mới có".
Đốtxtôiépxki là một người đồng thời và đồng nghiệp của Tônxtôi, cũng đã cảm thấy cái tư tưởng của Tônxtôi xuyên qua nhân vật Lêvin, Đốt đã viết: "Những người như Lêvin, có thể ăn ở với nhân dân lâu dài cho đến mấy đi nữa, cũng không bao giờ trở thành nhân dân: sự hợm mình và cái ý chí đó, dù có là đột hóa đến đâu, cũng không đủ để mà ôm lấy và thể hiện được lòng muốn chan hòa vào nhân dân".
Tiểu thuyết An na Karênin, sau này chính Tônxtôi cũng lại phủ nhận luôn nó và gọi nó là "những sự đểu giả dâm bôn được chế biến và tưới bằng một thứ nước chấm văn chương ngon miệng".
Phân tích tác phẩm Tônxtôi, Lê nin đã phân tích tư tưởng Tônxtôi và hoàn cảnh lịch sử của nó:
"Tônxtôi bắt đầu hoạt động trước tác, dưới chế độ nông nô, nhưng thời kỳ ấy đã là một thời kỳ mà rõ ràng chế độ đó đang sống những ngày tàn. Hoạt động chính của Tônxtôi là ở vào thời kỳ lịch sử Nga nằm vào giữa hai bước ngoặt, 1861 và 1905. Trong thời kỳ đó, những dấu vết của chế độ nông nô, những tàn dư trực tiếp của chế độ đó ăn sâu vào toàn bộ sinh hoạt kinh tế (nhất là ở nông thôn) và chính trị trong nước. Đồng thời, chính thời kỳ đó lại có đặc điểm là chủ nghĩa tư bản phát triển nhanh chóng ở dưới và thâm nhập vào ở bên trên.
Những tàn dư của chế độ nông nô biểu lộ ra ở chỗ nào? Trước hết và rõ ràng nhất là trong truyện này nước Nga là nước chủ yếu nông nghiệp, thì nông nghiệp thời đó lại ở trong tay những nông dân phá sản, bần cùng hóa, dùng những phương pháp canh tác lỗi thời cổ lỗ, trên những mảnh đất cũ của thời nông nô, đã bị cắt xén cho địa chủ năm 1861. Mặt khác, nông nghiệp lại ở trong tay bọn địa chủ, bọn này, ở trung bộ nước Nga, dùng nông dân, cày của nông dân, ngựa của nông dân để canh tác ruộng đất, ngược lại chúng cho nông dân được sử dụng "đất nhượng lại", cho quyền được cắt cỏ, quyền được cho súc vật đen trong nước v.v... Thật ra. đó là chế độ kinh tế cũ của thời nông nô. Chế độ chính trị của nước Nga suốt trong thời gian đó cũng thế, hoàn toàn thấm sâu tinh thần chế độ nông nô. Điều đó, người ta thấy rõ cả ở tổ chức của Nhà nước cho đến khi có những toan tính đầu tiên năm 1905 đinh sửa đổi tổ chức đó, cả ở ảnh hưởng chiếm ưu thê của bọn quý tộc địa chủ trong các công việc Nhà nước, lẫn ở toàn quyền thao túng của bọn quan lại mà phần lớn - nhất là ở bên trên, - đều xuất thân từ giai cấp quý tộc địa chủ.
Nước Nga gia trưởng cũ, sau 1861, bắt đầu tan rã mau chóng dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản thế giới. Nông dân đói khổ, chết chóc, phá sản, từ trước tới nay chưa từng thấy bao giờ cả, đã bỏ ruộng đất, trốn ra thành thị. Nhờ "nhân công rẻ tiền" của các nông dân phá sản, người ta kiến thiết mạnh mẽ đường xe lửa, công xưởng và nhà máy. Đại tư bản tài chính, đại thương nghiệp và đại công nghiệp đều phát triển ở nước Nga".
Giới văn học nước ta gần đây nhiều bạn đồng nghiệp hay bàn tán đến chất lượng của sáng tác và dùng tới danh từ đỉnh. "Làm sao cho văn học Việt Nam chúng ta phải có được đỉnh này đỉnh khác nó vút lên trên cái bình nguyên của cánh đồng phong trào thơ truyện v.v..." Nhân đây tôi cũng muốn nói đến một ít chi tiết về một cái đỉnh văn học sừng sững mây năm sắc trên địa dư văn học thế giới. Tức là pho tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình của Tônxtôi mà, theo ý kiến của những nhà bình luận văn học quốc tế, chưa có tác phẩm nào đọ được trong lĩnh vực dựng chủ đề hòa bình trên cơ sở đề tài lịch sử về chiến tranh.
Pho truyện ấy dài hai nghìn trang, bao gồm một cái thiên hạ năm trăm năm mươi chín con người nhân vật do Tônxtôi chế tạo ra vì mục đích bảo vệ hòa bình, nhất là để chửi bới chiến tranh và phản đối nó với tất cả trí tuệ của một nhà tiểu thuyết của một nhà tư tưởng. Tônxtôi, trong bốn năm ròng nghiên cứu, đã ngồi tháo tất cả bánh xe dây cót bộ máy chiến tranh, tháo ra, lắp lại, tháo ra, bản thảo chữa tới bảy lần. Chưa có bản cáo trạng nào chống chiến tranh xâm lăng dài đến thế, hay đến thế, lớn đến thế. Gần một thế kỷ sau, loài người mới nghĩ ra được và tổ chức được Phong trào Bảo vệ Hòa bình Thế giới, nhưng năm 1869 Tônxtôi đã hoàn thành bản án đó, đem tất cả cái tinh hoa ở tài nghệ tuệ trí mình ra mà chống đối chiến tranh. Hãy nghe đây trang đầu Tônxtôi vào truyện: "Ngày 24 tháng sáu, những binh đoàn Tây Âu vượt biên giới Nga và chiến tranh đã nổ ra. Nghĩa là đã xảy ra một sự biến nó trái cả với đạo lý và cả với bản tính con người. Vì dối lừa, vì phản phúc, vì trộm cướp, thiêu cháy, hủy giết, hàng triệu con người bắt đầu làm hại lẫn nhau tới cái mức đủ cho mọi tòa án khắp trái đất họp xử ròng rã hàng thế kỷ".
Nghệ thuật tiểu thuyết cao siêu của Chiến tranh và Hòa bình đã hút cuốn ngàn ngàn vạn vạn độc giả châu Âu. Có những độc giả hậu sinh của Tônxtôi như Roger Martin du Gard phải thốt lên rằng trường đại học duy nhất của nhà văn trẻ viết tiểu thuyết là tìm đọc Tônxtôi.
Người độc giả nói câu đó là một nhà văn trứ danh nước Pháp được giải thưởng văn chương Nôben và là tác giả pho tiểu thuyết Dòng họ Ti bôn kết thúc bằng lên án chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Nhân vật của Tônxtôi và đời sống của Tônxtôi là một cảm xúc lớn dư vang đến ngay cả trong tiểu thuyết Xô viết hiện nay. Trong một tiểu thuyết bộ ba của Constantin Fédine, một nhân vật của Fédine trong cảnh ngộ Liên Xô bị phát xít Đức tấn công 1941, lúc sắp tản cư về hậu phương, còn cố gắng thăm viện bảo tàng Tônxtôi ở Isnaia-Pôliana mà suy nghĩ giữa viện bảo tàng đang đóng hòm chuyển đi những sách và bản thảo và mọi hiện vật về Tônxtôi: "Tônxtôi có thể bớt bỏ đi bất cứ một tác phẩm nào trong toàn tập trứ tác của ông mà danh ông vẫn toàn vẹn. Nhưng nếu không sáng tác ra Chiến tranh và Hòa bình thì ông ắt sẽ trở thành một tác giả khác. Bởi cái lẽ rằng pho sách đó đề cập đến từng người Nga, và vì thế mà nó mật thiết với cả thế giới. Nhân vật kịch tác giả năm 1941 đó của Fédine lại còn tần ngần trước mặt chị thuyết minh nhà bảo tàng, nhớ lại những đoạn trong tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình mà liên hệ thêm: "Trong những cái người ta bỏ lại, có Mạc Tư Khoa... Cháy... Mạc Tư Khoa giờ đây lại làm mồi cho khói lửa một lần nữa chăng? Có nộp thủ đô cho giặc nữa không? Mọi sự đều tái diễn: bọn thanh niên ra trận, bọn già rồi xa mặt trận mà khóc cho những thứ phải bỏ lại. Nước mắt vẫn chưa ráo cạn hết. Trong các gia đình người ta khóc than, in hệt như dòng họ Rôstốp đã khóc than. Nhưng, nếu mọi việc đều là diễn lại, thì ta phải cầm cự được, ta phải chiến thắng chứ lại?". Trong khi đó, vẫn có một số binh sĩ đóng ở rừng quanh khu bảo tàng và họ cũng nằn nì bà giám đốc bảo tàng Tônxtôi cho họ vào xem, mặc dù là hiện vật bảo tàng đã đóng hòm sắp chuyển lên xe cam nhông hết.
Chị nhân viên vội vã và có vẻ bực:
- Ở đây chả có gì mà xem nữa, chỉ còn có mấy bức tường.
Mấy anh binh sĩ trả lời:
- Thì xem mấy bức tường? Cái người đã từng ở trong tường đó, không phải là một kẻ xoàng xĩnh nào.
Chị nhân viên:
- Có thế, không phải là một kẻ tầm thường nào!
Những bức tường trong đó Tônxtôi đã sống, không phải là chỉ đứng ngó bức tường, mà nay phải bảo vệ lấy?
Chiến tranh và Hòa bình là một tiểu thuyết dài dựa hẳn vào thực tế lịch sử mà dựng nên. Dựa vào thực tế lịch sử, nhưng Tônxtôi lại còn tưởng tượng nữa, lại còn vận dụng tột độ cái quyền lực hư cấu cần phải có ở mỗi nhà văn, nhất là nhà văn viết tiểu thuyết, nhất là nhà tiểu thuyết ấy lại là nhà văn lớn Tônxtôi. Đối với thiên tài Tônxtôi, thực tế lịch sử là cần, nhưng lịch sử vẫn là một cái bệ phóng để phóng lên cái tên lửa hư cấu lớn lao của mình. Trong cơ cấu tác phẩm Chiến tranh và Hòa bình, có những nguyên liệu chuyển tới bằng lịch sử với những tiên đề của nó; lại có cả những nguyên liệu của riêng Tônxtôi tự mình xe đến. Những nguyên liệu do hai nguồn cung cấp khác nhau đó, Tônxtôi đem hỗn hợp lại, tỷ lệ pha trộn tính theo những yêu cầu xây dựng nhất định của nhà kiến trúc Tônxtôi. Công thức chế biến đó cũng là đặc điểm riêng của kỹ thuật của nghệ thuật kiểu Tônxtôi, một thứ nghệ thuật của hiện thực phê phán áp dụng đắc địa vào cõi tiểu thuyết vào thế giới Tônxtôi. Có thể nói rằng Tônxtôi đã phân bố lực lượng nhân vật của mình theo hai tuyến nhất định. Một tuyến gồm những nhân vật lịch sử, những con người thật mang theo những việc thật của họ. Một tuyến khác gồm những nhân vật không dính dáng mảy may đến lịch sử đương thời; những con người này là do tác giả tùy tiện huy động tới. Nói giọng nhà nghề thâm niên, tức là trong Chiến tranh và Hòa bình, có cả người thật có cả người bịa, có cả tuyến nhân vật hiện diện của lịch sử cung cấp cho, lại có cả một tuyến nhân vật do hư cấu mà bịa nặn ra. Hai dòng người thật và người bịa ra ấy, đều cho tiến lên một cách song hành. Thường là hai bên đối chọi nhau nhưng vì cần thiết của diễn biến câu chuyện, nhiều lúc hai đám người thật và giả ấy lại lèo vào nhau mà nghĩ mà nói mà hành.
Lúc khởi thủy, Chiến tranh và Hòa bình không mang cái hình thù văn chương như ta đọc hiện nay. Thoạt kỳ thủy Tônxtôi định viết về nhóm Tháng Chạp chống nga Hoàng năm 1825 và muốn viết về phong trào và nhân vật này, phải nghiên cứu các trận đánh quân sự, nhất là những trận mạc Nã Phá Luân. Tônxtôi cứ bám xoáy mãi vào tài liệu, ngừng lại quanh những đề tài trận mạc Nã Phá Luân. Và bắt đầu hình thành cái chủ đề chiến tranh cùng là hòa bình.
Tônxtôi muốn đưa ra cảnh sinh hoạt của những gia thế thượng lưu quý tộc xã hội Nga và thái độ họ khi họ phải đứng trước những sự biến lớn của lịch sử. Trong bản nháp bỏ đi của một cái tự tựa tác giả định mào cho tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình, Tônxtôi đã nói rõ là chỉ khung vào cái đám gia thế quý tộc đó mà thôi bởi vì "tôi không quan tâm và cũng không biết gì về đời sống đám quan lại, con buôn, tăng lữ và nông dân". Lúc đầu là cũng chỉ định dựng nên cung cách sinh sống của hai gia đình quý tộc Bôncôngski và Rôstốp và lấy lịch sử giai đoạn Nã Phá Luân và Nga Hoàng Alếchxăng tương tranh làm bức màn hậu cho tập ký sự có tính chất của các dòng họ. Ý Tônxtôi là muốn vẽ nên bức tranh sinh hoạt Nga tại gia và tại ngũ trong thời kỳ những năm đầu của thế kỷ XIX.
Từ chỗ đó, rồi Chiến tranh và Hòa bình chuyển sang thành tiểu thuyết lịch sử, rồi cuối cùng trở thành một bản hùng ca của dân tộc.
Dựng xong Chiến tranh và Hòa bình Tônxtôi mất vào đó trên bốn năm ròng. Trước khi cầm bút bắt đầu viết, Tônxtôi đọc sách này sách nọ, như là để luyện để tập dượt tâm trí trước khi vào thí võ đọ nghệ với trang giấy trắng lạnh. Có khi vì một chi tiết quân sự, Tônxtôi ngồi trên mình ngựa, tay cầm bản đồ mà đi đi lại lại mấy ngày liền để xem xét đối chiếu lại với thực địa chiến trường. Công trình nghiên cứu và sưu tầm tài liệu của Tônxtôi chuẩn bị vào trận viết dài hơi, cũng là một công việc phức tạp. Vào viện bảo tàng nghiên cứu chân dung các tướng tá Nga Hoàng. Đọc các sử gia quân sự.
Đến các thư viện. Đọc những gia phả những thư tín riêng của các nhà quý tộc. Đi thăm và hỏi chuyện các nhà sử học. Rồi lấy ngay người nhà, lấy ngay thân thích họ hàng, họ gần cũng như họ xa ra mà làm mẫu người.
Lấy máu mủ ruột rà lấy người nhà còn sống ra làm mẫu nhân vật, lấy cả đến những bậc đã quá cố đi rồi. Bản thảo Chiến tranh và Hòa bình chép đi chép lại đến nỗi người chép không còn sức chép nữa, đến nỗi rã rời cả tay vợ cả tay con gái. Thợ nhà in ở Mạc Tư Khoa luôn luôn nhận được những bức điện dài ngoẵng bắt phá đi những bát chữ in đã lên khuôn và thay vào những trang Chiến tranh và Hòa bình mới, khác hẳn.
Trong tiểu thuyết dài trường giang Chiến tranh và Hòa bình, Tônxtôi đã đem ánh sáng của hiện thực phê phán ra mà soi vào kẻ thù. Dưới ánh sáng hiện thực Tônxtôi, danh tướng bách chiến bách thắng châu Âu Nã Phá Luân chỉ là một tội nhân, một tù binh. Và ngòi bút sắc sảo Tônxtôi cứ vây lấy kẻ thù, mà phá dần cái tượng, hạ bệ dần cái tượng lịch sử đó xuống cho tới lúc thần tượng chiến tranh đó lăn nhào trên bùn cỏ sa trường. Bức tranh trận mạc điểm lên những mảng đám đông nhân dân chiến tranh và những chân dung du kích. Bức tranh chiến tranh cuốn lên những đám lửa khói Mạc Tư Khoa tiêu thổ. Trong phần đầu pho tiểu thuyết, nhân vật nghĩ lấy nói lấy, tự thân họ hành động; phần sau Chiến tranh và Hòa bình, hình như năm trăm năm mươi chín nhân vật của nó nói vẫn chưa đủ mà chính Tônxtôi cũng chấp cả luật lệ xưa nay của hiến pháp trong tiểu thuyết mà chen vào mà xông ra giữa tiểu thuyết để triết lý, để chứng minh thêm cho luận đề chiến tranh và hòa bình của mình.
Nhân vật chính của truyện dài có hai nam một nữ Pie, Angđơrê, và cô nữ hầu tước Natasa, Natasa lúc đầu là đính hôn với Angđơrê, rồi lại thoái hôn, Angđơrê chết trận, Natasa thành ra vợ của Pie.
Angđơrê không tin thần quyền, tâm tính khi thì ngạo mạn nghi ngờ, khi thì ích kỷ táo tợn; Pie thì hay tư lự một cách trì trệ về lẽ thiện điều ác, và muốn lấy đó mà tìm thêm nữa cho một thứ giáo lý cơ đốc. Cả hai nhân vật chính Angđơrê và Pie này cũng đều là đích thân Tônxtôi cả mà thôi. Angđơrê là hóa thân của tác giả cũng ngang hàng với Pie phân thân của Tônxtôi. Con người Tônxtôi có hai mặt: một mặt thiết thực và một mặt lý tưởng.
Angđơrê đại diện cho con người Tônxtôi thiết thực cũng như Pie đại diện cho mặt lý tưởng của Tônxtôi. Ở những vị trí đối lập nhau, hai nhân vật chính ấy đều chống gậy lên đường mà đi tìm chân lý của sự sống. Angđơrê lao vào đời hoạt động. Pie thì trầm ngâm suy tưởng. Có những đoạn Chiến tranh và Hòa bình mà Angđơrê và Pie gặp nhau chuyện trò luận bàn thế sự, và dĩ nhiên là tác giả Tônxtôi phải theo sát những cuộc đối thoại này giữa hai cái phân thân của mình. Càng về cuối truyện, càng thấy nhân vật Pie tìm dần được ra phía sáng và tìm được bình an cho tâm hồn mình. Cũng là nhờ ở Carataép.
Theo ngụ ý của Tônxtôi, cuộc gặp gỡ giữa người lính nông dân Carataép và Pie, chính là sự bắt tay giữa nhân dân Nga và nhà quý tộc Pie. Tônxtôi muốn cho nhân vật lính nông dân Carataép là hình ảnh của tính nhẫn trước sức ép của số phận, cái hình ảnh của tinh thần chịu đựng, bình dị mà nhận lấy cái chỗ của mình đã được an bài trong cái sống trong cái chết, không cần phải suy nghĩ gì lắm. Chính vì thấy được cái triết lý ấy tỏa ra từ phong thái và cách nói cách nghĩ của Carataép đang hành quân kia mà Pie tìm thấy được lối thoát, thoát khỏi chiến tranh và trở về với hạnh phúc gia đình.
Chiến tranh và Hòa bình là một cái đỉnh văn học tiểu thuyết dựng nên để biểu dương cái nhẽ sống cái ý sống trong đó những con người yêu hòa bình bảo vệ hòa bình như tất thảy chúng ta đều xúc động trước mọi cảnh đau khổ đem lại bởi chiến tranh, trong đó chúng ta đều xúc động trước mọi tiếng than và mọi bài hát của những con người trầm lặng và hùng dũng nước Nga thời cũ, dưới cái bầu trời mênh mông những câu hỏi giữa thảo nguyên một nước Nga chưa có cách mạng.
o O o
"Tônxtôi đã mất rồi, và nước Nga trước Cách mạng đã chìm vào dĩ vãng. Nước Nga mà tính chất yếu đuối và bất lực đã được biểu hiện trong triết học, cùng là diễn tả trong các tác phẩm của nhà nghệ sĩ thiên tài. Nhưng trong di sản của ông để lại, có cái không chìm vào dĩ vãng, có cái thuộc về tương lai" (Lê nin).
Tônxtôi là một cái tài lớn nay thuộc về di sản chung của nhân loại chúng ta. Và đúng như Lê nin đã nói đó, trong cái di sản vốn cũ ấy, có những cái không chìm vào dĩ vãng mà lại còn thuộc về tương lai. Cái tài lớn của Tônxtôi nghệ sĩ thì rõ rồi. Nhưng còn phải thấy Tônxtôi lớn ở những điều nghĩ về nhân loại, vì nhân loại cho nhân loại Trong một lúc tối tăm của nhân loại mà cuộc sống chưa biết nói thẳng chưa dám nói thật ở nước Nga, thì Tônxtôi đã là một trong những người dám đứng lên và nhân danh cái sống có lý lẽ mà nói. Trong nhiều điều Tônxtôi nói qua dòng sách qua miệng nhân vật, có những điều không ổn và có những cái sai mà Lê nin đã phân tích kỹ lưỡng chứ không hồ đồ máy móc như Plêkhanov. Mặc dầu những vụng về bạc nhược lầm lẫn của Tônxtôi, Tônxtôi vẫn lớn, lớn ở cái tài, nhất là còn lớn ở cái tâm nữa. Nó đúng như cái cách nhận định giá trị con người của một nhà thơ lớn nước ta. Trong khi châu Âu khói lửa không có biên thùy và cuộc giết chém đó sau này đem chế biến vào tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình thì Nguyễn Du của văn học Việt Nam thung dung đi sứ sang Bắc Kinh. Rồi Nguyễn Du đưa về nước ta một nàng Kiều kèm theo 3.254 câu thơ. Và hai câu lục bát cuối cùng của Truyện Kiều lại như là làm ra để cho ai sau này muốn tập Kiều về cái thiện căn trong lòng Tônxtôi. Đúng thế, Tônxtôi đã lớn về văn tài mà lại còn những là "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài".
Tạp chí Văn nghệ 1960
Chú thích
1.Anna Karênin đã được dịch ra tiếng Việt Nam từ trước Cách mạng, do ông Vũ Ngọc Phan dịch và phiên âm tên sách là An Na Kha Lệ Ninh.
2.Những người dân túy chống chế độ Nga Hoàng, cho nông dân là lực lượng chủ yếu của cách mệnh chứ không phải là công nhân; cho chủ nghĩa tư bản ở Nga chỉ là một hiện tượng ngẫu nhiệm cho lịch sử không phải là do quần chúng làm ra, không phải là do đấu tranh giai cấp tạo ra, mà lịch sử là do một số cá nhân anh hùng làm nên. Họ tin tưởng vào "cuộc cách mệnh xã hội chủ nghĩa nông dân". Họ cho rằng lực lượng nông dân đó là phải do những trí thức như họ đứng ra lãnh đạo. Đến khi thấ~7 nông dân không theo họ, không hiểu họ mà theo, thì họ dựa vào lực lượng riêng của tầng lớp trí thức họ không cần tổ chức đấu tranh của quần chúng, họ không cần đến nông dân, họ chống Nga Hoàng bằng những vụ khủng bố cá nhân.
Tiểu Luận Và Chân Dung Văn Học Tiểu Luận Và Chân Dung Văn Học - Nguyễn Tuân Tiểu Luận Và Chân Dung Văn Học