A mere friend will agree with you but a real friend will argue."

Russian Proverb

 
 
 
 
 
Tác giả: Nguyễn Tuân
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3598 / 113
Cập nhật: 2016-03-10 08:46:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Truyện Ngắn Lỗ Tấn
ỗ Tấn dựng truyện ngắn, gồm tất cả hai mươi lăm truyện xếp làm ba tập. Nhiều truyện có thể chuyển sang truyện phim để quay. Một truyện ngắn đã được dựng thành kịch bản điện ảnh và phim truyện cũng mang đúng cái tên nguyên thủy của nó: phim Chúc phúc. Ở chương này, tôi muốn bàn về truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn mà theo chủ quan tôi, tôi cho là rất có khả năng thành truyện phim và phim truyện. Trước khi bàn về truyện Thuốc, hãy xin nói về Chúc phúc của Lỗ Tấn đã dựng lên thành phim màu.
Tôi vốn là một độc giả trọng và mến Lỗ Tấn và đối với một số truyện của Lỗ Tấn, tôi rất thích, có thể đọc đi đọc lại nhiều lần mà vẫn thấy hứng thú, như kiểu người ta đọc đi đọc lại nhiều lần một đoạn thơ. Chúc phúc để lại ở tôi một ấn tượng có cạnh góc. Cho tới lúc phim màu Chúc phúc ra đời, tôi đi xem ba lần, và sau đó lại về đọc lại truyện. Và cảm thấy tiểu thuyết văn học và điện ảnh, ra mỗi bộ môn nghệ thuật nó cũng có những cái đặc tính và cái khả năng riêng biệt của mỗi ngành thật. Cũng một đề tài ấy, cũng một chủ đề ấy, cũng một câu chuyện đó với những tình tiết éo le khúc mắc, ra văn chương vẫn có cách thể hiện riêng biệt của nó, cũng như điện ảnh vẫn có một nghệ pháp riêng để đưa cái thực tế đó lên màn ảnh.
Có người xem xong phim Chúc phúc bảo rằng phim vượt hẳn tiểu thuyết, vì câu chuyện rành rọt hơn, nhân vật đậm nét hơn về cái hướng đi tới, lập trường rõ hơn. Có người thì cho rằng phim chưa đạt được cái sâu thẳm và cái bao la của tiểu thuyết nguyên thủy Chúc phúc. Họ vừa kêu vừa bào chừa cho điện ảnh: "Tiếng nói của điện ảnh, bản chất nó không phải là nông nổi hời hợt, nặng ngoại cảnh và nhẹ nội tâm. Trong những cảnh ngộ nhất định nào đó, điện ảnh có những cái sâu sắc và khỏe mạnh hơn văn chương. Cũng như ngược lại, thì hình thức văn chương lại có dư ba và tác động tinh vi bao quát hơn hình thức xinêma". Chuyển một truyện văn học sang thành một vở kịch bản xinêma để quay phim, thực ra có nhiều cách. Có khi kịch tác gia điện ảnh tôn trọng từng chi tiết từng trình tự sự việc, từng câu đối thoại của nhân vật, từng chi tiết về đoạn gói câu chuyện. Ví dụ như trường hợp Bondartchouk Loukine dựng Số phận con người của Cholokhov. Có khi thì kịch tác gia làm khác đi, đánh nhòe mảng này, tô đậm mảng kia, đảo lên lộn xuống phớt mặt này của truyện mà nhấn mạnh vào yếu tố kia của truyện, nó cũng là tùy theo cái quan điểm nghệ thuật của người dựng xênariô. Như trường hợp Chúc phúc đây.
Ở tiểu thuyết, ngoài nhân vật chính là Tường Lâm, còn có một nhân vật chính nữa mà trong phim không thấy đưa ra. Ấy là nhân vật - tác giả, tức Lỗ Tấn. Nhân vật - tác giả ở tiểu thuyết nguyên thủy rất có quan hệ với nhân vật trung tâm Tường Lâm. Những mẩu đối thoại giữa Tường Lâm và tác giả, mặc dầu là vắn tắt, nhưng có một giá trị đặc sắc trong cái cơ cấu của truyện ngắn Chúc phúc. Chính những câu đó tác động mầu nhiệm đến nhỡn quan đến nhân sinh quan của người đọc sách, và chính cái đó tạo một cái khí hậu riêng biệt cho những phong cảnh và tâm tình do Lỗ Tấn cấu tạo nên. Ở truyện phim và phim truyện trên màn ảnh màu, cái ống thu hình camêra (phối hợp chốc lát với phần thuyết minh) đã thay thế cho vai trò nhân vật - tác giả. Và chính vì thế mà phim đã phần nào làm mất đi cái ý vị sâu sắc của văn chương Chúc phúc. (Nhắc tới điểm này, cũng là để bật lên khả năng của văn chương, khả năng của điện ảnh nó có những cái khác nhau, mỗi bộ môn nghệ thuật đều bị lệ thuộc vào những điều kiện diễn tả riêng biệt của nó).
Ở tiểu thuyết Chúc phúc, chính những câu đối thoại giữa Tường Lâm và Lỗ Tấn đã có một vang hưởng thống thiết vào lòng người đọc. Sách gập lại rồi, mà vẫn văng vẳng dư âm những lời của Tường Lâm. Không riêng gì tác giả Lỗ Tấn phải lúng túng giải đáp cho Tường Lâm, mà ba câu hỏi của Tường Lâm kia cũng là cho tất cả độc giả chân chính của Lỗ Tấn phải bồn chồn. Chúc phúc là loại truyện đọc không phải "để giải trí để mua vui", mà nó là loại truyện đọc để mà không thể cầu an trong sự sống, để mà không thể cẩu thả tạm bợ với cuộc sống hàng ngày. Đọc Chúc phúc, thấy bồn chồn, muốn tìm thêm một điều gì quan hệ, muốn làm thêm một việc gì có nghĩa lý có tác dụng. Cái giá trị của Chúc phúc là thổi cái nghĩa khí vào những tâm hồn yêu sống, lay thức mọi thiện chí, và mớm cái hơi phẫn nộ nó dẫn tới hành động cách mạng.
Chúc phúc theo nghĩa hẹp của nó, là tên một ngày lễ cuối năm, mọi nhà, và nhất là những nhà giàu phong kiến đều cầu quỷ thần giáng phúc cho họ, mặc dầu họ đã vơ vét xí đoạt hết mọi hạnh phúc của chung quanh. Lễ chúc phúc pháo nổ rền trong nhà địa chủ chú Tư chủ nuôi Tường Lâm, pháo nổ ran trên sự chịu đựng đau khổ của số đông nông dân Trung Quốc trước đây, và "giời đất quỷ thần đã hâm hưởng những rượu thịt và hương khói, đều say gật gù đi khệnh khạng giữa khoảng không, sẵn sàng ban phát cho mọi người ở Lỗ Tấn nhưng hạnh phúc vô ngần". Phim ảnh đã nhấn mạnh vào những cảnh nổ pháo lấp liếm một thứ hạnh phúc giả tạo này. Và ba lần hành lễ Chúc phúc khét lẹt inh tai và khói mù pháo tan xác, cũng là bật lên ba cái đoạn đời tôi đòi Tường Lâm lộn ra lộn vào cửa nhà địa chủ ác nghiệt. Cái mảng này, tôi cảm thấy cái ưu thế của khả năng điện ảnh trong việc phản ánh thực tế Chúc phúc hơn hẳn câu văn của truyện nguyên thủy: ở phim, cũng thấy bật rõ lên cái phẩm chất của Tường Lâm, một người đàn bà nghèo, thiết tha với lao động, thiết tha với đời sống có hạnh phúc. Ở phim cũng bật tóe lên cái dơ bẩn và tàn khốc của phong kiến đối với tất cả những người đàn bà nghèo của Trung Quốc phong kiến: người phụ nữ lao động chỉ là một hóa phẩm dùng chưa hỏng đã vứt bỏ, một thứ hiện vật bán đi mua lại. Người ta bán đi một người con dâu trưởng để đi mua một người con dâu thứ cho em chồng Tường Lâm, người ta bóc lột một người đầy tớ gái cho tới lúc Tường Lâm đó kém sức lao động thì tống ra khỏi cửa cho nó phải trở nên một người ăn mày chết đường.
Ở truyện, cái đoạn người ăn mày Tường Lâm hỏi thẳng tác giả ba câu hỏi, nó chính là cái bi thống cao độ của văn chương Chúc phúc. Và đấy cũng là cái chỗ phải nói trắng ra là điện ảnh thua hẳn văn chương, ảnh pháp của điện ảnh có cao tay đến bực nào đi nữa cũng khó mà thể hiện được.
Lỗ Tấn vốn là người đinh ninh rằng văn nghệ là thuốc cứu bệnh, và muốn lấy văn nghệ chữa cái bệnh tinh thần của dân tộc mình. Ông thầy thuốc Lỗ Tấn đã gặp con bệnh nặng Tường Lâm, và cái kẻ ăn mày đói khát hạnh phúc ở cuộc đời thực tại ấy liền chụp lấy mà hỏi luôn nhà kỹ sư tâm hồn Lỗ Tấn: "Sau khi một con người chết đi rồi, thực ra còn có linh hồn hay là không có?" Nhà kỹ sư tâm hồn phải miễn cưỡng trả lời một cách khẳng định, thì Tường Lâm lại hỏi dồn: "Vậy thì cũng phải có địa ngục chứ?". Rồi lại dồn nữa: "Vậy thì những người cùng trong một nhà mà chết đi thì có thể gặp mặt nhau chứ?". Sau khi hỏi xong thì mụ Tường Lâm yên tâm mà đi ra khỏi cuộc sống. Sau khi trả lời gượng gạo xong thì Lỗ Tấn cũng vội bứt đi khỏi cái nhà có kẻ vừa giết người vừa nổ pháo ăn mày phúc đức với quỷ thần. Chỉ có những người độc giả chúng ta là không an tâm chút nào, là không bỏ đi đâu được vì những câu hỏi của nạn nhân Tường Lâm day dứt đuổi theo mình như những lời giối giăng để lại cho người đọc cứ ám ảnh mãi không thôi. Cái hay của truyện, cái lớn của truyện, cái ý vị của truyện cũng là ở đó. Theo tôi, ở phim, vắng hẳn cái ý vị của cái ám ảnh tích cực đó. Và đây cũng là cái chỗ vừa giống nhau vừa khác nhau giữa một cái truyện ngắn Chúc phúc và một cái phim truyện Chúc phúc.
Nếu mà cho phép đi sâu vào chi tiết trong quan hệ giữa tiểu thuyết Chúc phúc nguyên thủy và truyện phim phát triển ra, thì có một vài điểm thứ yếu mà nhân đây tôi cũng muốn động tới. Có những chỗ phim tô đậm lên như cảnh hạnh phúc Tường Lâm Hạ Lục làm ăn và vui cái vui, mong cái mong của người dân lao động bình thường; như cảnh ghép hai cái chết Hạ Lục và A Mao dồn dập vào một lúc để tăng thêm mật độ cho cảnh ngộ oan trái; tôi cũng đồng tình với cách đó. Nhưng có những chỗ phát triển mà tôi phân vân tự hỏi xem ta có nên phát triển như vậy không. Chẳng hạn như cái đôi câu đối kèm hai bên bức đại tự chủ "Thọ" treo ở nhà địa chủ chủ nuôi chị Tường Lâm. Trong tiểu thuyết, Lỗ Tấn nói rành rọt là "hai bức liễn con thì một đã rơi xuống, cuộn lại phồng phồng trên chiếc bàn dài, một thì còn treo, nó là "Sự lý thông đạt tâm khí hòa bình". Trong phim thì lại cả hai bức cùng treo, rành rọt cả hai vế đối và theo kịch bản phim thì vế đối sau có những chữ "Phẩm tiết tường minh đức tính kiên định". Đây là Hạ Diễn phát triển ra, sáng tạo ra vế này, hay là tìm thấy vế đó ở trong bản thảo cũ nào của Lỗ Tấn? Cho là ở nguyên cảo Chúc phúc Lỗ Tấn có làm cả hai vế câu đối, thì có nên cho treo lên đủ cả đôi liễn, khi mà ở văn bản đã ấn định, Lỗ Tấn đã chua rõ "một bức đã rơi xuống cuộn phồng phồng lại"? Sự thật đây chỉ là một chi tiết nhỏ nhưng cái chi tiết ấy lại do chính tay Lỗ Tấn ghi vào văn kiện. Lỗ Tấn thường nói rằng tiên sinh không bối cảnh, không tả tỉ mỉ, đối thoại không dài dòng. Và tiên sinh dẫn chứng rằng đó là cái truyền thống dân tộc Trung Quốc: ở kinh kịch, chẳng là như vậy sao? Sân khấu không có bài trí phông cảnh, chỉ có vai tuồng là cái chính 1. Một người đã chủ trương như thế, đã có ý thức như thế về phương pháp diễn tả tân hiện thực, một khi phải sử dụng chi tiết cụ thể, hẳn là phải có một dụng ý nào đó.
Ở rạp chiếu bóng ra, tôi tìm đến một hiệu cao lâu nhỏ của Hoa kiều Hà Nội. Ngồi trong hiệu ăn, lại cứ thấy phảng phất cái không khí truyện của Lỗ Tấn. Cái bà đi đi lại lại ở bếp than lò xèo xèo khói mỡ kia, trông hình thù sao cứ gợi gợi một cái gì của Tường Lâm nhỉ! Cái ông già bán phá sang ở ngoài phố chạy vào đây bán cho khách đang nhắm rượu, dáng điệu sao cũng cứ gợi gợi đến một Khổng Ất Kỷ, Khổng Ất Dĩ nào! Đủ thấy cái bút lực của Lỗ Tấn thừa sức đưa nhân vật mình qua mọi thời gian và qua nhiều biên giới, biên giới của bất tử. Hiệu cao lâu ồn ào, nhưng trong đêm lạnh tôi tưởng như vẫn còn nghe nổ rền những tràng pháo Chúc phúc bắt đầu châm ngòi từ ban nãy, từ trong bóng tối của các rạp chiếu bóng thủ đô đang chiếu Chúc phúc. Chao ôi, những tràng pháo của dĩ vãng, những tiếng pháo Chúc phúc đã thuộc về lịch sử.
Tiếng pháo ấy nổ ở Thiệu Hưng Hàng Châu quê Lỗ Tấn cách đây gần nửa thế kỷ, nhưng tại sao tôi cũng thấy nó như là rền kêu trong cái tuổi trẻ của tôi nó cũng đã từng có nhiều mảng xám xám và nhạt nhẽo một cách đen tối.
Tôi cầm chén rượu nhìn đêm lạnh ồn ào, thấy nhớ Lỗ Tấn như là trước đây chính mình đã có lần nắm vào bàn tay của đích thân Lỗ Tấn.
Văn phẩm Lỗ Tấn gồm nhiều mặt thể tài văn học.
Riêng về tiểu thuyết, thì những truyện này thường mang cái hình thù truyện ngắn. Song le có những truyện của Lỗ Tấn - theo chỗ thiển nghĩ của tôi về danh và hình thì gọi là truyện ngắn nhưng bản chất đúng là cái cốt của truyện dài. Không phải cứ đem tãi rộng ra hoặc đem pha loãng ra như cái kiểu bỏ một quả lê Trương Công Nghệ vào nồi ba mươi đầy nước ninh, thì nó sẽ thành ra truyện dài, mà thu gọn nó về đem cô nó lại thì nó thành truyện ngắn. Ở đây tôi muốn nói rằng có một số truyện ngắn rất đúc của Lỗ Tấn có thể gợi đến không khí truyện dài, nó tiềm tàng một sinh lực đòi hỏi sự phát triển, nó gợi đến bút pháp truyện dài và kích thích kỹ thuật truyện dài.
Cũng như một số truyện ngắn khác của Lỗ Tấn lại rất nhiều chất liệu về kịch nói, về điện ảnh, về các môn nghệ thuật tạo hình. Dưới một hình thái khiêm tốn nhưng bừng bừng nhiên lượng dưới cái danh từ nhẹ nhõm truyện ngắn, tiếng nói của Lỗ Tấn có sức dội tới và kích động những bộ môn nghệ thuật khác. Có lẽ đấy cũng là một cái chuẩn nếu không là một cái dấu hiệu để nhận chân những thiên tài văn nghệ. Và đấy cũng là khía để kính yêu thêm Lỗ Tấn. Nội dung tư tưởng của một số truyện ngắn Lỗ Tấn hình như đang chờ tiếng hòa điệu của các thể tài các bộ môn văn nghệ khác, nhất là chờ ở sân khấu và màn ảnh. Tôi không biết lúc viết ra cái truyện ngắn Chúc phúc cách đây ba mươi lăm năm cho tới lúc Lỗ Tấn vĩnh biệt phần đời để bước lên phần bất diệt cách đây hai mươi ba năm, không biết lúc học thuốc ở Nhật và xem chiếu bóng ở trường thuốc chiếu lên những con vi trùng bệnh, có khi nào Lỗ Tấn nghĩ rằng sau này, từ tờ giấy, văn của mình sẽ chuyển thành bóng người cử động hành động trên màn ảnh để phát triển cụ thể và linh hoạt hơn nữa cái phẫn nộ, cái khí tiết của mình gửi gắm vào cuộc sống Trung Quốc? Điều ấy tôi không được rõ, nhưng cái mà tôi thấy được rõ ở tiểu thuyết Lỗ Tấn là một số truyện ngắn Lỗ Tấn có rất nhiều kịch và tính điện ảnh. Tôi muốn bàn sang cái truyện ngắn khác của Lỗ Tấn. Một cái truyện ngắn Lỗ Tấn khác mà tôi cho là phẩm chất nó chứa đựng nhiều chất liệu điện ảnh. Truyện ngắn Thuốc (hoặc Vị thuốc) trong tập Nột hám của Lỗ Tấn. Ví đem dựng truyện Thuốc lên thành phim, thì phim truyện Thuốc sẽ thành công không kém gì Chúc phúc. Mà tôi tin nó còn có thể tác động quần chúng mạnh hơn Chúc phúc về ý thức về tất yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa, bồi dưỡng thêm phẩm chất chính trị và phát huy thêm nữa những cảm tình cách mạng.
Truyện Thuốc, như tên truyện đã trực tiếp gợi lên, là câu chuyện của một số người tìm thuốc bán thuốc và uống thuốc (đúng với truyện, thì là ăn thuốc). Thuốc chữa bệnh lao. Con bệnh là một đứa nhỏ bị lao. Người bán thuốc là một thằng cha đao phủ. Vị thuốc lấy ở máu tim một chính trị phạm vừa bị thi hành án tử hình. Mới nghe tưởng đâu như Thuốc là một truyện của văn phái siêu thực kỳ quái hoặc của một trường phái tượng trưng nào, nhưng chính là một truyện hiện thực phản ánh thực tế Trung Hoa cách đây nửa thế kỷ. Đọc xong nó, ví người độc giả kia có là một anh cầu an yên thân, cũng cứ thấy nó day dứt thế nào ấy. Thuốc, đọc xong gấp lại, càng thấy bồn chồn cái bồn chồn của loại truyện Chúc phúc.
Trước khi đi thêm vào cơ cấu và phẩm chất truyện Thuốc, ta cũng nên nhớ lại một chút về con người và những hoài bão sinh bình của tác giả tiểu thuyết Thuốc.
Hẳn những độc giả của Lỗ Tấn kính yêu, hẳn những người nghiên cứu nhiều ít về tiểu sử văn hào Lỗ Tấn đều nhớ rằng lúc sống, trước khi chọn nghề văn, Lỗ Tấn đã đi vào một nghề khác nó cũng rất gần gũi với sự sống như nghề văn. Lỗ Tấn đã từng học thuốc, đã học trường thuốc ở Nhật Bản, mong rằng sau này về nước, sẽ mang cái nghề ấy ra mà cứu người mà chữa chạy cho đời sống quanh mình. Về mặt này thấy đời Lỗ Tấn có một cái gì đáng yêu quý nó giống như cuộc đời văn hào Nga Tchekhov vậy.
Nhưng Lỗ Tấn đã bỏ y tế một cách có ý thức, mà chạy sang văn nghệ cũng rất là có ý thức. Đành thôi không đi theo con đường của Hoa Đà, Lỗ Tấn có bảo rằng: "... Tôi thấy học thuốc cũng không phải là việc cần kíp: hễ là thứ quốc dân hèn yếu, thì dù cho thân thể có mạnh mẽ đến đâu, vạm vỡ đến đâu, cũng chỉ có thể làm tài liệu và khán giả của cuộc thị chủng không có ý nghĩa gì hết, đau và chết đi bao nhiêu kẻ, cũng không cần cho đó là sự đáng buồn. Thế thì cái điều cần kíp thứ nhất của chúng ta là ở sự biến đổi tinh thần của họ, mà muốn biến đổi được tinh thần, bây giờ tôi nghĩ không gì bằng dùng văn nghệ...". Nhìn ra chung quanh một cái xã hội Trung Quốc trước và sau Cách mạng Tân Hợi, trước và sau phong trào Ngũ Tứ (4-5-1949), Lỗ Tấn thấy không biết bao nhiêu là con bệnh thời đại, người nước và thế nước đều đắm chìm trong u mê oan trái. Bóng tối lễ giáo phong kiến trùm lên thời bệnh. Xã hội nấu nung một áng khổ, buồn, cái môi trường ấy cứ ngày tấy lên như một nhọt bọc khổng lồ, như một ung thư gan ruột. Ông thầy thuốc Lỗ Tấn đã cầm bút. Lòng sôi lên yêu dấu nhưng tay lạnh lùng, óc tỉnh táo. Lỗ Tấn giải phẫu.
Nghệ thuật và phẫu thuật. Đoản thiên tiểu thuyết Thuốc là một chặng của một quá trình giải phẫu ấy.
Truyện Thuốc nằm trong một tập tiểu thuyết mang một nhan đề thật là hàm dưỡng thật là kích động, nhất là đối với số độc giả Trung Quốc nào mà lòng chưa tuyệt đối dửng dưng với mọi bệnh trạng mình. Ấy là tập Hò reo. Hò reo lên cùng người đồng bệnh đồng điệu, hò reo làm hậu thuẫn cho các lực lượng chính trị mới, hò reo mà chẩn mạch, hò reo mà gọi bệnh mà kê đơn cho một nước Trung Hoa phong kiến nửa thuộc địa và mại bản.
Trong cái khí hậu ẩm ướt một thứ máu lạnh lên mốc như thế, trong cái không khí lịch sử ấy, ta đọc truyện Thuốc. Truyện Thuốc rất có tính kịch và theo chủ quan tôi, đưa lên màn ảnh rất có triển vọng. Cũng là thể truyện ngắn như Chúc phúc... nhưng lại còn ngắn hơn nữa. Nó ngắn, vì chất nó đúc lại, nó hội tụ lại những cái gì là sự sống bị trùm bít và phủ lấp đi. Truyện Thuốc là thứ truyện có tính chất phát động quần chúng nổi lên, và như tôi hằng nghĩ và nói, nó có tác dụng xô nhào các thứ tượng đá tượng đồng xây trên vô lý trên bất công và trên áp bức bưng bít. Nó giông giống cái kiểu thơ - mìn nổ chậm của Bertold Brecht. Truyện chia thành bốn đoạn. Tôi tạm tóm tắt câu chuyện lấy thuốc xin thuốc bán thuốc ấy.
Ấy là một đứa trẻ bị ho lao. Bố mẹ con bệnh lao mở tiệm trà và cũng mê tín như số đông ở nước Tầu hồi ấy.
Chủ tiệm tin rằng máu người sẽ chữa bệnh lao phổi.
Những dịp có án chém tù là cơ hội có một không hai để mua thứ thuốc máu. Đao phủ đã chốc lát trở nên một thứ ông lang có người đặt thuốc từ trước.
Không hiểu tại sao cứ đến mùa thu người ta mới đem chém người. Gọi là thu quyết. Vậy là một buổi sớm mùa thu, chủ tiệm ra pháp trường mua "thuốc" từ tay đao phủ, đem về cho con. Nhưng máu người chết chém vẫn không chữa khỏi chứng lao như họ mê tưởng. Cho nên mặc dầu có dùng đến thuốc máu, đứa bé lao vẫn chết.
Ấy là truyện xảy ra trong một mùa thu tử hình. Kế đến một ngày mùa xuân tiếp thừa cái mùa thu đó. Lại cũng vẫn cảnh buổi sớm. Cuối cảnh là một bãi tha ma.
Nhân vật, nếu không kể cả những người chết trong mả dưới mả, thì vẻn vẹn chỉ có hai người. Hai bà mẹ. Bà mẹ thứ nhất chính là người đã tin và đã mua máu tử tù làm thuốc hoàn sinh cho đứa con đang nằm trong cái mả mới kia. Bà mẹ thứ hai, chính là người đã sinh ra người con bị chết chém, chính là mẹ cái người mà máu mất đầu đã được bán đi làm thuốc chống lao. Hai bà mẹ. Hai nấm mộ trong một ngày tết Thanh minh mà một thì có bó hoa.
Một mẩu đối thoại ngắn giữa hai người mẹ. Một đoạn độc thoại của bà mẹ tử tù tự hỏi sao mộ con mình lại có hoa tươi, thân thích bạn bè sợ liên lụy, còn ai dám thăm viếng đưa hoa; "Vậy thì, thế là thế nào?". Hết.
Nét lớn câu chuyện có vậy, mạch lạc truyện dung dị, nhưng sự việc bên trong rất phiền phức. Phải nói luôn ra rằng người bị chém trong truyện đây là một người hoạt động cách mạng mà để tránh kiểm duyệt, Lỗ Tấn đã phải thay đổi tên họ và kín đáo bóng gió mà biểu hiện. Máu chiến sĩ cách mạng, sự mê muội đương thời đã biến thành ra thuốc nước, thành bánh bao, thành thứ nước chấm, chấm cái bánh bao vào (như ta thì có thể nói: chan máu vào bát cơm và và ùa đi) mà nuốt để chống lao. Cái bánh bao còn nóng máu người ấy "đầy rẫy một mùi thơm quái lạ" đến nỗi những người đói bụng chung quanh phải kêu lên "Thơm quá! Món điểm tâm gì thế? Cái bánh bao tẩm máu cách mạng, vỏ cháy sém, trong tay những người nghèo khổ lạc hậu, "phụt ra một luồng hơi trắng" và con bệnh thiếu nhi cầm lấy cái bánh bao dính máu "như là tóm được tánh mạng mình". Từ cái bánh-bao-vị-thuốc-máu, truyện lại hết ở một cái nghĩa địa mà mồ mả kẻ chết chém kẻ nghèo hèn đều san sát như "bánh bao của nhà sang trọng khi làm lễ chúc thọ". (Tôi gạch dưới câu này. Ng.T) Chua thay! Khích nộ thay! Dữ thay? Cái nhìn tạo hình của Lỗ Tấn, tôi phải gọi là bậc thầy, cái nhìn tạo hình của Lỗ Tấn, ở một vài cái chấm phá, y hệt lối khắc bản gỗ và hao hao một cái gì của Cổ Nguyên Như dựng thêm không khí cho những cái-mả-bánh-bao. Lỗ Tấn khắc nét gỗ mộc bản vào cái nghĩa địa của người bất đắc kỳ tử: "Cỏ khô đứng thẳng như những sợi tơ bằng đồng", hoặc "giữa cảnh trơ trụi, rụt cổ con quạ trông như là bằng sắt đúc". Rồi "trên nấm, cỏ còn chưa khô", lại thấy "rõ ràng có một vòng hoa đỏ và trắng trùm lên", cho đến nỗi chính bà mẹ hiền người nằm dưới đó cũng phải kêu lên rằng: "Hoa này không có gốc, không phải tự nó nở ra... Trẻ con cũng không đến chơi. Còn bà con họ mạc cố nhiên là không đến rồi. Vậy thì thế là thế nào?". (Tôi gạch chữ cố nhiên. Ng.T.). Cái câu "như thế là thế nào", trong đoạn cuối truyện láy đi láy lại như là một điệp khúc nó cũng tác động đến cảm nghĩ của người đọc y như điệp khúc kể khổ trong Chúc phúc: "... Tôi thật khờ, khờ quá... Tôi chỉ biết lúc sa tuyết, những thú rừng không có gì ăn trong hốc núi, nó mới xuống đến làng. Tôi có ngờ đâu qua mùa xuân rồi...". Trong Chúc phúc, cũng là một bà mẹ đau khổ, bâng khuâng mà tự trách. Trong Thuốc, lại một bà mẹ đau khổ khác, cũng vấn vương mà tự hỏi "như thế là thế nào?". Người đọc yên sao được trước những câu hỏi như thế của nhân vật truyện. Hình như nhân vật truyện hỏi thẳng ngay vào chính mình. Có những câu hỏi của nhân vật nó ám ảnh độc giả rất là bền lâu. Tôi đọc truyện Thuốc cách đây lâu và tồn tại mãi trong đầu một câu hỏi đó của bà mẹ nước Tàu cũ. Cho tới một ngày gần đây, tôi đọc một bài thơ ta gửi từ miền Nam Việt Nam ra đăng ở tạp chí Văn nghệ miền Bắc. Bài thơ Mồ anh hoa nở của Thanh Hải. Tự nhiên, tôi cảm thấy như có mối liên quan thiêng liêng gì giữa hai sự kiện văn học rất là xa cách nhau trong không gian thời gian. Tôi cảm thấy như lời và ý thơ Mồ anh hoa nở (làm ra trong năm 1956) là để giải đáp trực tiếp cho một bà mẹ Trung Quốc khoảng năm Tân Hợi thấy vòng hoa đỏ và trắng trên mộ con mình mà cứ tự hỏi mãi rằng "Như thế là thế nào? Sao lại còn có ai dám đến tận đây mà đặt hoa?".
Tôi trích bài thơ Mồ anh hoa nở, coi đó như trả lời câu hỏi của bà mẹ ở truyện Thuốc nọ:
...
Thằng này là cộng sản
Không được đứa nào chôn!
...
Mộ anh trên đồi cao
Cành hoa này em hái
Vòng hoa này chị đơm
...
Bông hồng nở và nở
Hương thơm bay và bay
...
Bông hồng đỏ và đỏ
Như máu nở thành hoa
...
Trong một truyện ngắn của Lỗ Tấn, thường thấy rằng cái ngán ấy chứa chất bao nhiêu sự sống, bao nhiêu là cuộc đời nhân dân lao động Trung Hoa úa héo đi như đám cỏ bốn nghìn năm bị đè dưới đá tảng lịch triều. Lỗ Tấn viết truyện ngắn, đứng vào chỗ cái đám cỏ úa ấy mà viết, và muốn đem sinh khí sự sống nguyên chất đến cho cỏ kia xanh tươi lại thổi lùa cái chất sống tiềm tàng vào cho đám cỏ hất hòn đá kia đi mà vồng ngọn lên. Truyện Thuốc, theo tôi nghĩ, đã đem được cái xanh rất khỏe vào đám cỏ úa, cái đám cỏ lụi của nước Tàu cũ, của nước Tàu xưa mà quần chúng đông đảo còn bị sống trong u tối và mê tín. Truyện Thuốc cũng như những truyện khác trong các tập Hò reo và Bàng hoàng, mới đọc, thấy nó như u uất bi phẫn suông, nhưng thực ra nó phát động ý thức cách mạng và báo hiệu một bình minh, cái bình minh sau mỗi làn đêm sầm tối hẳn lại. Trong truyện Thuốc, cái người bị chém đầu kia, thật ra vẫn không chết, cái tinh thần người ấy vẫn còn sống trong chung quanh, vì hoa vẫn tươi trên mộ, đúng như Lỗ Tấn vẫn thường nói:
"Người chết chỉ thật là chết, khi nào họ chết hẳn trong lòng người sống".
Trở lại cái phần tính nghệ thuật của truyện Thuốc viết ra từ trước ngày Ngũ Tứ một tháng. Thuốc tuy là phong cách truyện, nhưng phẩm cốt thật là của sân khấu và màn ảnh. Thời gian và không gian của Thuốc rất được lọc chọn công phu. Ở Thuốc có cả một ngày mùa thu và một ngày mùa xuân. Có ba buổi sáng sớm. Mỗi buổi sáng nằm ở một bài trí khác nhau. Một buổi sớm pháp trường. Một buổi sớm tiệm trà. Một buổi sớm bãi tha ma.
Buổi sớm pháp trường mở đầu cho buổi sớm tiệm trà, đông người và đều ồn ào hơn buổi sớm nghĩa trang. Thuốc dựng cái không khí tiệm trà Trung Quốc thật là độc đáo.
Tôi chắc chắn không phải là do ngẫu nhiên mà Lỗ Tấn lồng truyện vào cái khung tiệm trà điển hình của cuộc sống Trung Quốc. Giữa cái tiệm nước - cái nơi tụ họp hàng ngày của nhiều thứ người đủ các tầng lớp xã hội - nghênh ngang một anh đao phủ đang dương dương tự đắc về chỗ máu đem từ pháp trường vào đây.
Với tất cả những điều kiện tạo hình sẵn như thế trong truyện Thuốc, với tất cả một nội dung tư tưởng mà tôi cho là dựng được người đọc lên mạnh hơn cả Chúc phúc, tôi thấy thèm làm phim truyện cho truyện Thuốc quá. Bởi vì tôi vẫn tin rằng trong một số trường hợp nhất định, điện ảnh có khả năng hỗ trợ cho tác phẩm văn chương. Và điện ảnh có một cách để diễn tả được một số khía cạnh của vấn đề của câu chuyện mà ở văn học nó chưa bật lên thật là cụ thể, thật là trực tiếp bằng khối hình và ảnh động. Tôi rất tin ở cái chất tốt của truyện Thuốc về tính liệu điện ảnh. Và song song với truyện văn học, phim Thuốc rồi sẽ làm cái việc truyền cảm về tư tưởng và nghệ thuật của Lỗ Tấn một cách có hiệu lực.
Tôi cũng mới chỉ được đọc Lỗ Tấn một phần nào thôi, và am hiểu Lỗ Tấn cũng mới có bấy nhiêu thôi. Nhưng, về tiểu thuyết Lỗ Tấn, tôi có thể tự nhận gọn ghẽ ngay rằng tôi không bỡ ngỡ chút nào với nhân vật truyện Lỗ Tấn. Có lúc tôi đã tự nhủ rằng hình như mình đã từng chung chạ va đụng với những nhân vật này ở quanh quất đâu đây. Hình như tôi cũng đã phần nào sống quen thuộc lắm với cái không khí tỏa lên ở các truyện Lỗ Tấn. Phải chăng đấy là cái lớn và cái tài tình của người sáng tạo Lỗ Tấn? Mắt đọc, mà lòng mà chân mình cứ bước theo mãi vào cái thế giới Lỗ Tấn - một cái thế giới thức gợi sự khám phá thêm nữa của xinêma.
Văn học, tháng 10-1959
Chú thích
1.Theo Vladimir Dneprov, bài "Phương pháp và những bút pháp" ở Tạp chí Văn học Xô viết.
Tiểu Luận Và Chân Dung Văn Học Tiểu Luận Và Chân Dung Văn Học - Nguyễn Tuân Tiểu Luận Và Chân Dung Văn Học