Books let us into their souls and lay open to us the secrets of our own.

William Hazlitt

 
 
 
 
 
Tác giả: Hồng Hà
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 144 / 12
Cập nhật: 2020-05-03 18:19:01 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3 - Lửa Đạn
hiến tranh đang bước vào thời kỳ ác liệt nhất. Quân Đức dùng đến những loại đại bác cỡ lớn. Chúng thả trên biển rất nhiều thủy lôi, một trong những thứ vũ khí khủng khiếp lúc đó. Bất chấp nguy hiểm, anh Thành vượt biển Măng-sơ đến Pháp và đến tuyến lửa. Anh quyết tâm đến đất nước này vì nhiều lẽ. Không như bên Anh, ở đây có hàng vạn người Việt Nam, phần lớn là công nhân và binh lính, một môi trường hoạt động thích hợp với anh. Và cũng không ở đâu thuận lợi bằng ở Pháp để anh vừa nghiên cứu kẻ thù từ trong sào huyệt của nó, vừa có những tin tức nhanh nhạy và thường xuyên về Tổ quốc của anh. Từ lâu anh muốn tìm hiểu về nền văn minh nước Pháp và nhân dân Pháp với truyền thống cách mạng cùng những tư tưởng tự do, dân quyền, dân chủ. Sau khi qua các đại dương và các lục địa, sống và làm thuê ở hai nước tư bản hùng mạnh là Anh và Mỹ, anh Thành muốn dừng chân trên đất Pháp, hoàn thành đợt khảo sát và rèn luyện đầu tiên của mình. Những kinh nghiệm và hiểu biết mà anh tích lũy được trong cuộc hành trình 6 năm ròng sẽ giúp anh so sánh, phân tích chính xác trong khi sống trên đất Pháp và cũng giúp anh tìm thấy nhanh chân lý.
Những cuộc báo động liên tiếp, những thị trấn, làng mạc bị tàn phá, những cán thương binh từ mặt trận đưa về Pa-ri, những đồng bào của anh lìa vợ con, quê hương phơi xác trên chiến trường châu Âu…, tất cả đã làm anh hiểu rỏ bản chất của chiến tranh đế quốc. Những người lính Việt Nam bị cưỡng ép sang Pháp dưới roi vọt, dùi cui của bọn thực dân. Và khi anh Thành thấy trên lưng hay cổ tay họ một con số do bọn thực dân thích vào da họ bằng chất ni-tơ-rát bạc thì anh lại nhờ đến cảnh tương tự trong những chợ buôn nô lệ ở châu Phi. Thời chiến cũng như thời bình, sự khốn khổ của người dân thuộc địa là nguồn lợi của bọn thực dân. Chỉ có điều khác là khi có chiến tranh, bị đẩy ra trận, những người da đen, da vàng hèn hạ ấy được các quan toàn phong cho cái danh hiệu là “chiến sĩ bảo vệ công lý và tự do”...
Lúc anh Thành tới Pháp chính là lúc nhân dân biết rõ sự lừa bịp của bọn tư bản và nhiều cuộc phản chiến đã xảy ra trong quân đội Pháp. Có những đại đội không tuân lệnh chỉ huy, vứt súng và không chiến đấu. Có những đơn vị khi có lệnh xung phong đã phản đối: “Không đến lượt chúng tôi mà đến lượt các chủ nhà băng”. Lính phản chiến đông, bọn chỉ huy bốc thăm lấy ra một số người đem đi bắn. Năm 1917, trong quân đôi Pháp có 554 án tử hình vì phản chiến.
Hăng-ri Bác-buýt cũng đã cất cao tiếng nói phản chiến. Là một nhà văn, cũng bị tuyên truyền của giai cấp tư bản lừa bịp, khi chiến tranh nổ ra, Bác-buýt xung phong ra trận, mặc dù lúc đó ông đã 41 tuổi và người gầy yếu. Ông làm lính thường và ông chiến đấu ngoài mặt trận cùng các đồng đội là công nhân, nông dân, trí thức. Gần hai năm sống ở tuyền tuyến, trải qua nhiều thử thách và gian khổ, chứng kiến nhiều cảnh bất công đau lòng, nghe được nhiều nỗi tâm sự nhói trong tim, ông nhận ra không phải ông đang “bảo vệ Tổ quốc” như người ta nói mà chính đang bảo vệ két bạc cho bọn tư bản. Giác ngộ và phẫn nộ, ông viết tiểu thuyết “Lửa” đăng trên một tờ báo Pa-ri mà anh Thành rất chú ý đọc. Tiểu thuyết ấy miêu tả sinh động nổi khổ và tâm hồn của những người lính ngoài mặt trận. Và Bác-buýt đã kết luận: “Không thể thoát khỏi chiến tranh bằng cách thụ động buông súng xuống. Chỉ có thể thủ tiêu chiến tranh bằng cách quay súng lại bắn vào giai cấp tư sản thống trị của chính nước mình”. Anh Thành hiểu thêm một điều: trong chiến tranh của bọn đế quốc, nhân dân lao động ở chính quốc và nhân dân ở thuộc địa đều khổ như nhau, xương máu hi sinh chỉ phục vụ cho lợi ích của bọn cá mập tư bản thực dân. Gần một vạn đồng bào anh đi lính sang Pháp không bao giờ còn trông thấy mặt trời trên quê hương đất nước.
Thành phố Pa-ri mà anh đến lần đầu tiên năm 1917 ấy vẫn giữ được trong chiến tranh vẻ đẹp và những nét đáng yêu của nó. Pa-ri không phải là của riêng giai cấp tư bản tham tàn và ích kỷ. Pa-ri còn là của nhân dân lao động yêu đời và hồn hậu, cởi mở và phóng khoán, tha thiết với tự do, dân chủ, mang trong mình truyền thống cách mạng vẻ vang và những di sản văn hóa, tư tưởng tiến bộ.
Phố Ăng-xiên Cô-mê-đi vẫn còn quán cà phê Prô-cốp mở từ năm 1686, một trung tâm hoạt động chính trị, văn học và triết học, nơi thường lui tới ngày trước của La Phông-ten, Băng-gia-manh, Phrăng-clanh, Đăng-tông, Ma-ra, Rô-be-pi-e, Na-pô-lê-ông, Vích-to Huy-gô, Muýt-xê, La-mác-tin, Ban-dắc, Bô-đơ-le… Phố Pa-le Roay-an, nơi lập đại bản doanh Cách mạng 1789, ở đây nhà báo Ca-mii Đề-mu-lanh đã đứng trên bàn giữa phố kêu gọi nhân dân cầm súng nổi dậy kéo đi phá ngục La Ba-xti xóa bỏ chế độ quân chủ chuyên chế. Quảng trường La Công-coóc như còn âm vang tiếng trống của hàng vạn nhân dân rầm rập xuống đường năm 1793 chặt đầu vua Lu-i 16. Những dãy phố cổ kính ồn ào của khu Ma-re từng chứng kiến năm 1832 cuộc chiến đấu anh hùng của nhân dân trên các chiến lũy. Bức tường rêu phủ trong nghĩa trang Pe La-xe-dơ còn ghi sự tích cảm động của người chiến sĩ công nhân năm 1871 lập công xã Pa-ri, lần đầu tiên trong lịch sử tuyên bố thủ tiêu chế độ người bóc lột người, chính quyền thuộc về giai cấp vô sản, cuối cùng dũng cảm hy sinh trước mũi súng quân thù.
Bên dưới lớp vỏ của một Pa-ri nhộn nhịp, đông đúc, hoa lệ và có vẻ tự do ấy là sự bất công, sự bóc lột, sự nhơ bẩn và sự tàn nhẫn của xã hội tư bản. Pa-ri, thành phố của những mâu thuẫn, của những nhà triệu phú kếch xù và những người nghèo xác xơ; của những người ăn bám và những người lao động cực nhọc; của những biệt thự tráng lệ và những nhà ổ chuột ẩm thấp; của những mụ chủ người cuốn đầy vàng và những người thất nghiệp nằm co quắp trên sàn chợ Mô-be; của những cửa hàng lộng lẫy và những cổ xe khấp khểnh đẩy bán hạt dẻ rang; của những khóm hồng vườn Ba-ga-ten và những đống giẻ rách hôi hám trong khu chợ Rận…
Nhiều nhà cách mạng từ khắp nơi trên thế giới đến Pa-ri lắng nghe ở đấy tiếng rì rào của những bài học lịch sử, nhìn thấy ở xã hội ấy một vài tia sáng cho tư duy và phương thức hoạt động của mình, rút ra từ thành phố ấy những tinh hoa trí tuệ cần cho cuộc đấu tranh ngày mai. Các-mác đến Pa-ri tháng 11-1843 giữa lúc giai cấp tư sản Pháp đang giàu lên, xây nhà cao cửa rộng và những khu phố sang trọng trong khi quần chúng lao động đói rét, thất nghiệp, bệnh tật sống chui rúc ở những căn nhà chật hẹp. Nước Đức nửa phong kiến, lạc hậu về kinh tế so với nước Pháp, không có sự tập trung to lớn người lao động như ở Pháp, những con người buột phải bán sức lao động để sống. Học thuyết của Mác về đấu tranh giai cấp hình thành chủ yếu do kinh nghiệm Pháp. Các cuộc cách mạng đánh đổ chế độ nô lệ và chế đô phong kiến ở Pháp đã chứng minh rằng đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của lịch sử. Các Mác dựa trên kinh nghiệm của Công xã Pa-ri để sửa lại một điểm trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản theo ý mới là: giai cấp công nhân phải phá hủy, phải đập tan bộ máy nhà nước phản động sẵn có và không thể chỉ giản đơn chiếm lấy bộ máy ấy.
Sau Các Mác, Ăng-ghen đến ở Pa-ri nghiên cứu phong trào công nhân Pháp đi tới những nhận xét tài tình: “Ở đây, cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản cách mạng chống giai cấp tư sản thống trị mang hình thức gây gắt chưa từng thấy ở một nước nào” và “giai cấp vô sản không phải là một vết thương nhơ bẩn của xã hôi như cách nhìn của một nhà triết học mà chính là giai cấp cách mạng nhất sẽ đem lại chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản cho loài người”.
Sau Mác và Ăng-ghen, Lê-nin đến ở Pa-ri nhìn thấy qua phong trào công nhân Pháp đà tiến mới của cách mạng vô sản. Và từ Pa-ri, Người viết bài cho báo chí cách mạng Nga ca ngơi Công xã Pa-ri, coi Công xã Pa-ri là hành động đầu tiên của cách mạng vô sản để đập tan bô máy nhà nước tư sản, là hình thức chính đã được tìm ra mà người ta có thể và phải dùng để thay thế bộ máy đã bị đập tan.
Sau Mác, Ăng-ghen và Lê-nin, anh Thành đến với Pa-ri với tên gọi mới: Nguyễn Ái Quốc, với chí lớn tìm ra con đường đạp đổ cả một chế độ áp bức nhân dân. Nguyễn Ái Quốc – một bí danh mới, một thời kì mới và cũng là lời công khai tuyên chiến của anh với chủ nghĩa thực dân. Khác với điều kiện hoạt động của Mác, Ăng-ghen và Lê-nin, anh là một người dân mất nước, sống cuộc sống của người lao động giữa Pa-ri, làm việc ngay dưới nanh vuốt của chính kẻ thù.
Vừa tới Pa-ri, anh Nguyễn Ái Quốc đến ở nhà số 6 phố Vi-la đề Gô-bơ-lanh, một phố yên tĩnh của quận 13. Đây là nhà luật sư Phan Văn Trường, cùng ở có cụ Phan Chu Trinh mà anh Nguyễn Ái Quốc có thư từ thăm hỏi luôn khi anh còn ở Luân Đôn. Ông Trường nhường cho anh ở nhờ một buồng con trên gác ba, vừa đủ kê một cái bàn, một cái giường và một cái tủ con.
Dạo ấy, nhà số 6 phố Vi-la đề Gô-bơ-lanh là một trung tâm gặp gỡ của nhiều Việt kiều ở Pa-ri. Có khi bà con đến chơi, ăn ngủ liền mấy ngày. Trong số đó có ông Khánh Ký mở hiệu ảnh dưới tỉnh thường hay về Pa-ri. Ông Khánh Ký tên thật là Nguyễn Văn Xuân, quê ở Nam Định, sang Pháp đã lâu, buôn bán lúc thì ở Tác-bơ – miền Nam nước Pháp, lúc thì ở Gơ-răng Công-bơ. Ông đi lại nhà số 6 như người nhà và truyền lại nghề ảnh cho cụ Phan Chu Trinh. Gần 10 năm ở Pháp, đời sống eo hẹp dần, cụ Phan phải kiếm thêm một nghề để có đồng ra đồng vào. Cụ làm nghề ảnh tư ngay tại nhà số 6. Để sống, anh Nguyễn – cả người Việt lẫn người Pháp quen gọi anh Nguyễn Ái Quốc như thế - cùng với một kiều bào khác tên là Tuyết giúp việc cho cụ Phan đồng thời học nghề rửa ảnh và phóng đại ảnh.
Cụ Phan là một nhà yêu nước chân thành, nổi tiếng ở Việt Nam và nước ngoài. Cụ hơn anh Nguyễn 19 tuổi. Còn ông Trường vốn là thông ngôn, học đến tiến sĩ luật học, làm nghề luật sư ở Pa-ri. Ông giỏi tiếng Pháp, vào quốc tịch Pháp, có nghiên cứu chủ nghĩa Mác, quen biết nhiều nhà trí thức và chính trị Pháp. Điều mà anh Nguyễn băn khoăn hỏi hai người lúc đó là làm gì cho đất nước khi đồng bào khao khát cách mạng thì không được trả lời thỏa đáng, rõ ràng.
Anh Nguyễn vừa làm nghề ảnh vừa chăm chỉ học thêm ông Trường tiếng Pháp. Anh mở rộng mọi tiếp xúc với bà con kiều bào. Anh nói về Tổ quốc, về sự tàn ác của bọn thực dân xâm lược và nỗi khổ của nhân dân. Anh tâm sự và khêu gợi mọi người cần làm một cái gì cho việc giải phóng đất nước. Sống giản dị và trong sạch giữa Pa-ri, hàng ngày anh đi bộ từ đường Gô-bơ-lanh lên phố Mông-giơ và nhiều nơi trong khu La-tinh đông người Việt Nam ở, tìm gặp bà con kiều bào để tuyên truyền tinh thần yêu nước. Anh thường xuyên đến những quán báo đường Xanh Mi-sen đọc nhờ mấy tờ báo từ Đông Dương gửi sang để theo dõi tình hình nước nhà, lui tới thư viện Xanh-tơ Giơ-nơ-vi-e-vơ ở đường Păng-tê-ông để đọc sách. Anh niềm nở đón tiếp những thủy thủ Việt Nam về Pa-ri chơi vả hỏi chuyện công việc làm ăn của họ. Anh dành chủ nhật vào bệnh viện Cô-sanh thăm kiều bào ta nằm chữa bệnh.
Những người Việt Nam tại Pháp lúc đó thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo và thiếu lý tưởng. Trong giới kiều bào thanh niên, phần lớn là học sinh đại học sống bằng học bổng của chính phủ Pháp hoặc bằng tiền của gia đình ở trong nước gửi sang. Ỷ lại vào những nguồn tài chính đó, nhiều người học thì ít, dành nhiều thời giờ vào việc chơi bi-a hoặc những thú vui khác nhằm thỏa mãn tính tò mò của tuổi trẻ. Anh Nguyễn bằng kinh nghiệm của mình thuyết phục các bạn thanh niên cố học một nghề, tự lao động để sinh sống, coi việc không dựa vào tiền của chính phủ Pháp, không xin tiền của gia đình là một vấn đề danh dự của người thanh niên. Cùng nhau lập quỹ tương trợ ra báo, tạp chí để thông báo tin tức, kinh nghiệm cho nhau, kết đoàn, dùm bọc nhau để trở thành một sức mạnh. Và nhất là định cho mình một mục đích sống và làm việc: giúp ích Tổ quốc, đồng bào. Sự lười biếng cũng tệ hại như sự bàng quan đối với vận mệnh của đất nước.
Anh Nguyễn tích cực hoạt động để thu hút kiều bào vào Hôi những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Anh trở thành linh hồn của hôi với tất cả nhiệt tình sôi nổi, đức tình kiên trì và nhãn quan sáng suốt của anh. Người thanh niên ấy cống hiến tất cả cho tập thể và cho hoài bão lớn của mình. Và so với mọi thanh niên lúc bấy giờ, anh có một sự nhạy cảm đặt biệt về chính trị và tính sáng tạo thiên tài. Anh từng sống với nỗi khổ của nhân dân lao động cho nên anh hiểu hơn ai hết nguyện vọng của họ.
Phải nói rằng trong nhà anh ở, mỗi người một tính nết và một tác phong, một lối sống và một quan điểm. Cụ Phan ít chịu học tập và nghiên cứu. Cụ hay đi chơi đánh bi-anh ở nhà Lu-đô, số nhà 14 phố Xoóc-bon. Cụ luôn luôn cho rằng nguyên nhân mọi sự đau khổ của nhân dân ta là bọn quan lại phong kiên sâu dân mọt nước, chứ không phải bọn thực dân xâm lược Pháp. Dân ta có thể dựa vào Pháp để cầu tiến bộ, dân chủ và cụ tin ở chính phủ Pháp sẽ mang lại một số cải cách cho nhân dân Việt Nam. Cụ phản đối bạo lực cách mạng, sợ những cuộc đảo lộn lớn. Cụ thường nói: “Bất bạo động, bạo động đắc tử, bất vọng ngoại, vọng ngoại giả ngu” (Đừng bạo động, bạo động là chết, đừng trông ngoài, trông ngoài là ngu).
Còn ông Trường thì không muốn hoạt động với quần chúng, tự phụ, nông nổi, nhút nhát, hay sợ liên lụy đến bản thân. Anh Nguyễn không tán thành quan điểm của cụ Phan và ông Trường. Còn cụ Phan và ông Trường thì cho rằng hoạt động của anh Nguyễn và Hội những người Việt Nam yêu nước là quá khích và trẻ con. Nhiều cuộc tranh luận chính trị giữa ba người đã diễn ra. Hai viên mật thám Đơ-ve-dơ và Đê-dia-rê chuyên theo dõi nhà số 6 báo cáo lên cấp trên: “gần đây, cứ tối đến thường có những cuộc tranh luận to tiếng trong nhà số 6, phố Vi-la đề Gô-bơ-lanh. Có dấu hiệu cho thấy tư tưởng của Phan Chu Trinh khác xa tư tưởng Nguyễn Ái Quốc”. Một báo cáo của Bộ thuộc địa Pháp lúc đó nhận xét: “Nguyễn Ái Quốc nổi lên là một người lãnh đạo có uy tín đối với người Việt tại Pháp trong khi vai trò của Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường lu mờ dần”.
Các nhà cách mạng dân tộc tư sản lớp trước anh Nguyễn mang theo những màu sắc của chủ nghĩa cải lương vào chủ nghĩa yêu nước. Còn anh Nguyễn đã đem đến cho kiều bào ta lòng hăng hái của tuổi trẻ và chủ nghĩa yêu nước chân chính.
Anh Nguyễn khám phá dần cái thế giới mới đối với anh là Pa-ri. Nhiều khu trong thành phố chưa có điện, những tàu thủy chở củi rúc tàu chạy nối đuôi nhau trên sông Xen nước trong vào lúc xuân sang; những bà nội trợ đứng chờ lấy nước ở những vòi nước ngoài đường, những quán cà phê nhan nhản lúc nào cũng đông khách; những cổ xe ngựa chạy lóc cóc trên đường phố lớn; những quầy bán sách cũ trên bờ sông Xen; tiến rao của hàng nghìn thứ quà rong và của thợ chữa rong. Và như người ta nói: “Tất cả mọi tiếng động của Pa-ri là một bài thơ”. Mỗi quận, mỗi khu phố của nó có lịch sự riêng, có màu sắc độc đáo, có đặc điểm xã hội và chính trị không gì lẫn được.
Pa-ri bắt đầu có những cơ sở công nghiệp lớn, nhiều nhất là thuộc ngành cơ khí, chế tạo xe hơi, hóa chất. Bộ mặt xã hội và chính trị còn thay đổi nhanh hơn bộ mặt kinh tế của nó. Trong lòng nó, một đội ngũ công nhân ngày càng phát triển đông, hăng hái và mạnh mẽ với những buổi mít tinh, luận chiến, những cuộc bãi công và biểu tình, với cả một truyền thống đấu tranh của nhiều thế kỷ.
Là người yêu nước, anh Nguyễn ham mê tìm hiểu lịch sử cách mạng của nhân dân Pháp và Pa-ri. Anh như được thấy những hình ảnh và nghe rõ hơi thở của nó trong các bảo tàng và khu di tích. Kể từ năm 1880, đã trở thành tục lệ, cứ vào hạ tuần tháng 5, nhân dân Pa-ri đến nghĩa trang Pe La-se-dơ mít tinh tưởng nhớ các chiến sĩ công xã. Anh Nguyễn cũng đến đây viếng những người anh hùng của chính quyền vô sản đầu tiên trên đất Pháp. Anh sống với nhửng cuộc vùng lên của công nhân chống giai cấp tư sản trong Viện bảo tàng cách mạng 1848 ở phố Coóc-đơ-li-e. Anh gặp lại những nhân vật và sự kiện lịch sử dựng bằng sáp tại Viện bảo tàng Grê-vin.
Là công nhân, anh quan sát với mối cảm tình lớn lao những công nhân Pháp nghèo khổ và đói rét mà anh thường gặp ở ngoại ô, đi bộ rất xa từ nhà máy về nhà, vai đeo túi vải, mệt mỏi và buồn nản. Anh Nguyễn từng sống với giai cấp công nhân nhiều nước khác nhau không thể không đến với giai cấp công nhân Pháp. Và anh đã đến một cách giản dị, tự nhiên và chân thành. Nhiều người Pháp quen anh lúc đó đến ngày nay vẫn còn nhớ mãi đôi lòng bàn chai của anh lúc mới đến Pa-ri.
Anh thông thường nhanh chóng với giai cấp vô sản trên đất Pháp và anh thấy ngay những chỗ giống nhau giữa giai cấp ấy và nhân dân anh: cả hai cùng một nổi khổ, cùng một kẻ thù và cùng một lợi ích. Điều phát hiện ấy là bướt ngoặc lớn trong quá trình phát triển tư tưởng cách mạng của anh và trong lịch sử cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ 20, khác xa và tiến bộ rất xa so với những nhận thức của các nhà yêu nước đi trước anh. Cuộc đấu tranh của nhân dân thuộc địa gắn bó với cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chính quốc. Tư tưởng ấy đưa anh Nguyễn đi với bộ phận cách mạng của giai cấp công nhân.
Đảng xã hội Pháp, tổ chức duy nhất lúc đó ở Pháp bênh vực quyền lợi của nhân dân thuộc địa, có sức thu hút anh. Anh Nguyễn tìm đến các cuộc mít tinh, hội họp, diễn thuyết do Đảng xã hôi tổ chức. Anh nghe một cách hứng thú những diễn giả người Pháp lên án thực dân Pháp ở các thuộc địa và cả những lời công kích các ông chủ tư bản. Đảng xã hội Pháp dạo ấy có một bộ phận chuyên tuyên truyền tổ chức những người thuộc địa sống ở Pháp. Những lần đi nghe nói chuyện, anh Nguyễn có dịp làm quen với những cán bộ Đảng xã hội, trong số đó có Pôn Vay-ăng Cu-tuya-ri-ê. Pôn hỏi thăm anh Nguyễn, đời sống và đất nước của anh, làm cho anh có nhiều cảm tình ngay từ đầu.
Pôn Vay-ăng Cu-tuya-ri-ê kém anh Nguyễn hai tuổi. Pôn là một nhà văn, nhà báo hiểu biết rộng, đồng thời là một họa sĩ và nhạc sĩ, trong chiến tranh đã từng chỉ huy một đơn vị xe thiết giáp. Pôn thuộc cánh tả Đảng xã hội, là một nghị sĩ trẻ trong quốc hội Pháp, có đức tính hồn hậu, khiêm tốn và một lối nói hấp dẫn. Pôn giới thiệu anh Nguyễn làm quen với Mác-sen Ca-sanh, một nhà cách mạng nổi tiếng, và nhà văn hào Hăng-ri Bác-buýt. Anh Nguyễn còn quen với nhiều nhà hoạt động công đoàn cách mạng như Ga-xtông Mông-mút-xơ, chủ bút báo. Đời sống công nhân, Mô-nát và Buốt-đơ-rông, với nhiều nhà báo như Giăng Lông-ghê, cháu ngoại Các-mác, chủ nhiệm báo Dân chúng. Tất cả những người bạn mới ấy đều quan tâm hỏi thăm anh tình hình đời sống khổ cực của nhân dân Việt Nam, đồng tình với nguyện vọng chính đáng của đồng bào anh và đã giúp cho anh rất nhiều lời khuyên, kinh nghiệm…, bài học và tin tức bổ ích.
Những mối quan hệ xã hội mới ấy đưa dần anh Nguyễn vào một môi trường hoạt động chính trị sôi động. Nhưng, đối với anh, niềm phấn khởi duy nhất trong những sự quen biết ấy là anh đã thấy trên đất Pháp rất nhiều người Pháp và một chính đảng Pháp ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào anh để giành độc lập, tự do.
Pôn Vay-ăng Cu-tuya-ri-ê cùng Ma-ri-anh Lê-ô-ni, một cán bộ của Đảng xã hội, thường rủ anh Nguyễn đi dự những buổi nói chuyện về chính trị. Một đêm tan buổi họp chính trị ở hội trường Muy-chuy-a-li-tê, cả ba người đi trên hè phố Pa-ri khuya vắng, chỉ còn tiếng vó ngựa thong thả kéo xe chở hàng đến chợ Han-lơ, Ma-ri-anh bảo Pôn: “Nguyễn đúng là Phéc-đi-năng…” không ai trả lời. Ma-ri-anh nói thẳng điều thắc mắt của chị với anh Nguyễn: Chị đọc một cuốn chuyện trinh thám tả một người châu Á bị cảnh sát lùng bắt ráo riết. Anh ta liền cải trang thành một người châu Âu lấy tên là Phéc-đi-năng, giống đến nỗi hoạt động ngay trước mặt cảnh sát mà cảnh sát không biết. Và chị Ma-ri-anh bị cuốn tiểu thuyết ám ảnh, không biết anh Nguyễn có phải là Phéc-đi-năng thật không. Pôn liền bảo: “Cô muốn yên tâm thì cứ gọi Nguyễn là Phéc-đi-năng để đừng thắc mắc nữa”. Từ đó, Ma-ri-anh gọi anh Nguyễn là Phéc-đi-năng.
Cả Ma-ri-anh và Pôn đều mừng rỡ khi biết tin anh Nguyễn được kết nạp vào Đảng xã hội Pháp. Đấy là người Việt Nam đầu tiên vào một chính đảng Pháp. Khóa đảng viên Đảng xã hội năm 1918 anh Nguyễn vừa gia nhập đưa tổng số đảng viên trong toàn Đảng thành 11.970 người so với 100.000 người trước năm 1914. Cả một lớp đảng viên đông đảo chết trong số gần hai triệu người Pháp chết vì chiến tranh. Khóa đảng viên vào cuối năm 1918 ấy, lịch sử Đảng xã hội Pháp gọi là “Thế hệ lửa đạn”. Một thế hệ trẻ, trong đó có anh Nguyễn, lớn lên trong chiến tranh thế giới, với những suy nghĩ mới và sự hăng say mới, sẽ tác động sâu sắc đến chiều hướng chuyển biến về sau trong nội bộ Đảng xã hội Pháp.
Thời Thanh Niên Của Bác Hồ Thời Thanh Niên Của Bác Hồ - Hồng Hà Thời Thanh Niên Của Bác Hồ