Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 744 / 5
Cập nhật: 2017-08-25 12:50:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
hi trái tim bị tổn thương, tôi cũng như nhiều người khác, vội vàng tìm cách lãng quên. Trái tim người ta ai chẳng làm ra từ máu thịt, nên khi đau, đàn ông hay đàn bà cũng thế cả thôi, có gì là khác biệt.
*
“Tớ sẽ về thành phố”.
Tôi thông báo cho Hải Đường tin đó. Cậu ta tròn mắt.
“Sao vội thế?”.
“Tớ chán rồi, không muốn ở lại thêm nữa”.
“Thế bao giờ cậu đi?”.
“Sang tuần”.
Chúng tôi nhìn khoảng trống sau quán cà phê. Con suối dưới khe hiền hòa chảy. Hai ngày rồi trời không mưa.
“Cậu còn nợ tớ một chuyện”.
Hải Đường khẽ lắc đầu, nhấp một ngụm bia vàng sánh.
“Chuyện này cậu chẳng để ý đâu”.
“Đừng vòng vo nữa”.
Hải Đường có vẻ miễn cưỡng.
“Thế này nhé. Cậu đừng có viết vào truyện của cậu mới được”.
“Cậu nói gì thế?”.
Hải Đường lại nhấp một ngụm bia nữa.
“Nàng chim ấy mà, cô nàng có con rồi đấy”.
Tôi không cần hỏi lại, không cần cậu ta nhắc lại. Thông tin được tiết lộ quá rõ ràng, rành mạch, không vấp váp một từ nào.
“Thế chồng con cô ấy đâu?”.
Hải Đường cười nhạt, đôi mắt rất gian.
“Làm gì có chồng. Có con là quá lắm rồi”.
“Thế con đâu?”.
“Chết rồi. Chết từ lúc vừa đẻ ra”.
“Sau đó cô ấy bị trầm cảm đấy à?”.
Hải Đường gật gù.
“Nếu cậu chiều tớ, chúng ta vui vẻ cùng nhau, tớ sẽ cho cậu biết những chuyện kinh khủng hơn cơ”.
Tôi nhìn Hải Đường.
Hải Đường nhìn tôi.
Tôi cười nhạt.
Hải Đường nheo mắt.
Cốc bia trên bàn, trước mặt tôi còn đầy nguyên, vàng sóng sánh. Tôi chưa nhấp một ngụm nào.
Cầm cốc bia lên tay, tôi từ từ đưa lên môi.
Mắt tôi không rời khỏi khuôn mặt Hải Đường. Cậu ta nhìn tôi, ánh mắt gạ tình.
Miệng cốc bia chạm lên môi. Tôi bất ngờ hắt thẳng vào mặt Hải Đường.
“Hải Đường. Cậu là thằng khốn!”.
Tôi đi bộ về khu nhà trọ trên đồi. Giữa đường, trời sụp mưa như trút.
Tôi đến cây cầu sắt bắc ngang con suối, nối hai quả đồi, một bên là thị trấn Cẩm Xuyên, một bên là khu nhà trên đồi nơi Hạc sống. Con suối chìm trong làn mưa trắng xóa. Từ trên những ngọn núi, tiếng những dòng thác nhỏ đổ xuống suối dào dạt.
Một chiếc xe máy tạt vào thành cầu, người lái xe khoác áo mưa trùm kín mít.
“Sao chị lại đứng đây, ướt hết rồi?”.
Là Tản.
Tản đưa tôi về. Cậu ta không chịu để tôi xuống từ dưới đường, mà bất chấp đường mưa trơn như đổ mỡ, phi xe máy lên tận sân nhà.
Hạc đang đứng dưới mái hiên, đôi mắt ngước nhìn bầu trời xám ngoét trong cơn mưa dữ dội.
Tản đứng lặng trong sân. Lần đầu tiên cậu ta thấy Hạc không còn tóc. Lần cuối họ gặp nhau, mái tóc Hạc vẫn rất dài.
Tôi chuẩn bị đồ đạc, quyết định rằng sẽ rời khỏi Cẩm Xuyên sớm hơn dự định. Gọi điện cho nhà xe, nhà xe bảo giữa trưa hôm sau sẽ đón tôi dưới chân đồi.
Nhìn lại nửa tháng đã qua, tôi đã không thể làm được gì. Cuốn sách viết dở về người đàn bà quyền lực kia chưa hoàn thành. Có thể ngay từ đầu tôi đã không chọn Cẩm Xuyên để hoàn thành nốt cuốn sách ấy, mà tôi đã chọn nó trong lúc trong lòng trống rỗng nhất.
Trống rỗng.
Trời ơi! Giá như có thể phân tích rạch ròi, chia rõ ràng các thư mục a, b, c về cái cảm giác gọi là trống rỗng, để như có một hình hài, khiến người ta có thể chạm tay vào được.
Tôi không nhìn thấy cái gọi là trống rỗng. Tôi chỉ thấy mình chìm trong nó, trôi trong nó, tan trong nó. Cảm giác ấy giống như khi ta nằm trong lòng một dòng sông trong vắt, nhìn thấy người trên bờ đang đau đớn gọi tên ta, mà ta không thể nào với tay chạm vào người được.
Năm mười hai tuổi, tôi sống với bà nội ở ngôi làng nhỏ bên sông. Dòng sông nhỏ, bắt nguồn từ một dãy núi đá vôi, nơi mà đứng trong sân nhà mình, tôi có thể nhìn thấy dáng nó sừng sững phía chân trời. Bà nội bảo đó là một ngọn núi thần, và dòng sông bắt đầu từ đó.
Có thể dòng sông bắt nguồn từ dãy núi thần, trong hình hài ban đầu là một dòng suối nhỏ, nước trong veo. Nên khi chảy qua làng tôi, nó vẫn mang vẻ diễm lệ trong trẻo như thiên thần. Hai bên bờ sông có thứ hoa hồng dại, thân và lá giống cây hoa hồng, trổ nụ thành từng chùm, và khi hoa nở, chúng tỏa trắng xóa đôi bờ.
Tôi và Phố không có bạn, nên chỉ chơi với nhau. Hai tuần một lần, bố Phố từ phố huyện về thăm mẹ con Phố, mỗi lần về thăm con, ông ấy lại mang cho cậu con trai một gói kẹo hoa hồng.
Phố mang gói kẹo sang nhà rủ tôi đi chơi. Tôi nói với bà là ra bờ sông hái rau cải trời. Bà bảo không được ra sông. Dưới sông có nhiều oan hồn chết trẻ, họ chết lâu rồi, có khi cả nghìn năm về trước, nhưng vì sao đó họ không được đầu thai làm kiếp khác, nên đời đời ở dưới lòng sông, trở thành những thủy thần. Họ cô đơn lắm, cô đơn kinh khủng, vì cô đơn, họ thường tìm cách bắt hồn những cô gái, những người đàn bà chốn dương gian để làm vợ, làm thiếp. Bà bảo không được ra sông chơi vào khi vắng người, nhất lại là con gái.
Nhưng tôi chỉ là một đứa trẻ. Tôi mới mười hai tuổi đầu, gầy gò và xấu xí. Tôi cũng chẳng bận tâm đến ma quỷ thủy thần, tôi chỉ mê mẩn bờ sông hoa nở trắng xóa. Tôi và Phố hay ra bờ sông chơi, chúng tôi cùng nhau khám phá đôi bờ, và một hôm phát hiện một mỏm đá lớn chìa ra mặt nước. Chỗ mỏm đá nước không quá sâu và trong vắt nên vẫn nhìn thấy rong tóc tiên mờ mờ dưới đáy, vùng nước trong veo đó có nhiều cá nổi lên bơi lội.
Những con cá chép, cá trắm to như cổ chân người lớn thường nổi lên đớp không khí và bơi lượn. Chúng có khoảng dăm bảy con, gần như lúc nào khi chúng tôi ra đó cũng thấy chúng đang bơi lội, trò chuyện với nhau. Chúng đẹp và vô cùng mềm mại trong làn nước biếc. Tôi và Phố cứ ngồi ngắm chúng bơi lội mải mê không bao giờ biết chán. Chúng tôi thường gặp những người chèo thuyền đi đánh cá, tôm ở phía thượng nguồn về vào cuối chiều, khi mặt trời sắp lặn. Họ đi thành từng đoàn, từng đoàn, mỗi đoàn có dăm ba chiếc thuyền, đôi khi chỉ một chiếc bơi về lẻ loi. Bà nội bảo họ ở trong một ngôi làng bên kia sông, đời này sang đời khác chỉ sống bằng nghề đánh cá. Dòng sông là cuộc đời họ, là lẽ sống của họ.
Cứ mỗi lần những người chèo thuyền ấy đi qua, tôi lại hỏi họ tại sao không bắt những con cá kia. Họ chỉ cười. Họ là những cô gái, những người đàn bà chèo thuyền. Thi thoảng tôi mới gặp một người đàn ông chèo thuyền trong số họ.
Những người đàn bà, con gái chèo thuyền chỉ cười trước câu hỏi của tôi. Họ đi qua mỏm đá nơi chúng tôi ngồi chơi và bầy cá đang bơi, bầy cá tuyệt nhiên không vì hai đứa trẻ trên bờ và những người đi thuyền kia mà lặn xuống nước. Chúng cứ bơi đi bơi lại, bình thản và vô tâm trước mọi sự trên đời.
Một buổi chiều, trời trong và mây trắng, khi tôi và Phố đã xếp đầy hoa hồng dại lên những chiếc thuyền bẹ chuối và thả xuống chỗ bầy cá đang bơi lội, tôi thấy một thiếu niên trẻ tuổi gánh một gánh củi đến bên chỗ chúng tôi ngồi. Tôi không thể nào nhớ rõ khuôn mặt thiếu niên ấy. Cảm giác còn lại trong mơ hồ là một thiếu niên rất đẹp, anh ta mặc áo cánh nâu, quần nâu và đi chân đất. Anh ta bảo đã quen tôi từ lâu, muốn rủ tôi đến chơi nhà.
“Nhà anh ở chỗ nào cơ?”.
Thiếu niên trả lời: “Gần thôi, chỗ kia kìa”.
Tôi nhìn theo tay thiếu niên, thấy một ngôi nhà nhỏ lợp tranh, trước cửa có rất nhiều hoa nở.
Tôi nhận lời anh ta và quay sang bảo Phố đi cùng.
Nhưng không chờ Phố nhận lời, anh ta nhấc gánh củi lên vai và cầm tay kéo tôi đi. Tôi đi theo anh ta, còn ngoái lại nhìn Phố. Tôi thấy Phố nhìn tôi bằng đôi mắt to tròn kinh ngạc. Phố với tay đòi theo tôi. Nhưng tôi thấy mình nhẹ bẫng, vụt bước đi rất nhanh.
Thoắt chốc, tôi không thấy ngôi nhà, không thấy thiếu niên cùng gánh củi của anh ta đâu nữa, tôi chỉ thấy mình nằm trong làn nước sông trong vắt. Hàng ngàn sợi rong tóc tiên mềm mại đỡ lấy lưng tôi. Tôi thấy bầy cá bơi trên mặt nước, chúng bình thản lượn lờ. Và tôi nhìn thấy Phố, Phố đang đứng trên mỏm đá, ra sức gọi tên tôi, rồi khóc.
Mặt nước đột nhiên xao động mạnh. Đàn cá hốt hoảng lặn xuống đáy sâu. Chúng vụt qua tôi, chạm khẽ vào má tôi những cái đuôi mềm mại.
Và tất cả tối sầm lại.
Tôi thấy mình nhẹ bẫng và trôi đi.
Đám đàn bà con gái dừng thuyền, xúm lại trên bờ. Người đàn ông chèo thuyền vớt tôi lên khỏi mặt nước, đặt tôi xuống vệ cỏ. Tôi mở to đôi mắt nhìn ông ta và những người khác.
Tôi nghe tiếng Phố nức nở. Phố vẫn ngồi trên mỏm đá, trong tay là những viên kẹo hoa hồng.
Người đàn ông chèo thuyền đưa tôi và Phố về nhà. Ông dặn bà nội tôi rằng đừng bao giờ để chúng tôi ra bờ sông nữa. Nếu còn rơi xuống sông lần nữa, tôi sẽ không bao giờ trở về.
Tôi rủ Phố ra bờ sông chơi vào một buổi chiều sau đó, tôi không sợ những lời dọa dẫm của ngư dân ấy. Tôi chỉ bị mê hoặc bởi loài hoa nở trắng bên sông và đàn cá, và những chiều thật êm dịu. Phố đi cùng tôi ra bờ sông. Nhưng khi đến nơi mỏm đá nhô ra và bầy cá đang bơi, Phố đột nhiên òa khóc, như phải đòn.
Tôi không bao giờ hiểu được nguyên do những chuyện kì lạ đó. Lẽ ra tôi mới là đứa cần sợ nước, lẽ ra tôi phải tránh xa dòng sông, nhưng tại sao lại là Phố?
Nhiều năm sau, khi đã trưởng thành, tôi về quê nội và tìm sang bên kia sông để gặp người đàn ông đã cứu tôi khỏi chết đuối năm nào. Ông ấy đã thôi đi thuyền. Ông bảo những người làm nghề đánh cá, cả cuộc đời gắn bó với dòng sông, sẽ không bao giờ cứu người đuối nước. Không phải họ tàn nhẫn, mà là họ tôn trọng giao ước với thủy thần. Nếu họ cứu người, thì chỉ còn cách bỏ nghề sông nước, nếu không, cũng chẳng có một kết cục tốt đẹp.
Lần ấy, khi thuyền qua mỏm đá, thấy cậu bé ngồi khóc và gọi tên tôi, ông đã hiểu rằng cô bé hay ngồi chơi cùng cậu bé trên mỏm đá mà ông thường gặp đã bị đuối nước. Vì nước rất trong, nên ông nhanh chóng nhìn thấy tôi nằm dưới đáy sông, trên tấm thảm rong tóc tiên mềm mại.
Cuộc gặp lại ấy, ông nhìn tôi rất lâu, cuối cùng, khi chia tay, ông bảo: Điều kì lạ là khi chìm xuống nước, tôi đã không vẫy vùng để thoát thân theo bản năng như những người khác. Khi ông đưa tôi lên bờ, tôi đã mở mắt nhìn ông như vừa thức dậy sau một giấc ngủ. Kì lạ hơn, dù bị ngã xuống nước, tôi không hề uống một giọt nước nào.
Tất cả đã diễn ra rất nhanh, như một giấc mộng.
Tôi đã rất nhiều lần mơ về khoảnh khắc tôi nằm trong nước và nhìn thấy Phố trên bờ. Phố khóc và giơ tay níu tôi lại. Tôi cũng giơ tay để chạm vào tay Phố. Nhưng tôi không có cách nào chạm vào cậu ấy.
Tôi nhớ về giấc mơ rất rõ ràng, rành rọt vào mỗi sáng hôm sau, để tràn ngập trong lòng là nỗi trống rỗng vô bờ. Nó hoang hoải đến nỗi tôi có cảm giác tay chân mình đang tan rời, không thuộc về mình nữa.
Và rồi, tôi lại nghi hoặc, có thật tôi đã nhìn thấy Phố trên bờ khóc gọi tên tôi không, hay chỉ là giấc mơ? Sự thật là tôi vừa rơi xuống nước thì người đánh cá tốt bụng kia đã vớt tôi lên, tôi không kịp làm gì, kể cả uống một ngụm nước sông.
Tôi cũng không biết nữa.
*
Mùa đông.
Thành phố chìm trong mưa phùn. Những cây bằng lăng lá đỏ lặng lẽ dưới muôn hạt mưa nhoáng ướt. Từ một phòng trong tòa soạn báo đi ra, tôi bần thần trước những căn phòng trống của tòa nhà.
Tòa soạn nổi tiếng, nhưng trụ sở đang được xây mới, vì thế, toàn bộ các phòng ban được chuyển sang tạm thời ở tòa nhà này. Tôi đến đây khá nhiều lần, nhưng không bao giờ để ý xem tòa nhà bao nhiêu tầng. Song nó cũng cũ lắm rồi, cũ đến mức trong khi dành một vài căn phòng cho tòa báo kia thuê tạm thời để xây trụ sở mới thì chính nó cũng đang được dỡ ra, từng phần một để được xây mới.
Những căn phòng không còn cánh cửa. Những bức tường loang lổ dấu vết của giấy dán tường, sơn màu và cả những hình vẽ hoặc vô cùng trừu tượng, hoặc vô cùng bậy bạ, những vết khoan đục và cả những mảng tường tróc ra, trông như một cơ thể lở loét.
Tôi bỗng dưng như người mộng du, cứ đi hết căn phòng này đến căn phòng khác. Tôi hình dung một cuộc sống trước đây hẳn đã diễn ra rộn ràng đa dạng trong những căn phòng kia. Những cuộc đời, những số phận, những tình yêu. Những con người đã ghim dấu vết cuộc đời mình trong những căn phòng đó, hoặc chẳng còn thì giờ để nhung nhớ, hoặc nhớ nhung trong đau đớn vô vọng. Những bức tường lưu dấu tất cả, và rồi sắp sửa tan loãng, vĩnh viễn biến mất trên cõi đời, đúng với quy luật sinh ra rồi chết đi.
Một làn khói thuốc lá nhẹ bẫng, vẩn vơ trôi trong không khí. Có thể hơi lạnh của mùa đông khiến nó không thể tan ra và bay đi nhanh được. Từ một trong những căn phòng vừa trống trải vừa nham nhở đó, tôi đoán có ai đó đang hút thuốc.
Tôi định quay đi. Có thể là những nhân viên được thuê làm việc phá dỡ, hay cũng có thể nhân viên của tòa soạn, hoặc ai đó vô gia cư, sống dặt dẹo, chui lủi. Hoặc là một đôi tình nhân đang lén lút tình tự.
Bước chân tôi ngập ngừng, và khi tôi quyết định quay xuống thì một tiếng ho vang lên. Tiếng ho của một người phụ nữ.
Vì tiếng ho ấy mà tôi bước vào căn phòng trống đó. Tôi thực sự cũng không hiểu sự tò mò nào thôi thúc tôi. Và khi tôi bước vào trước cánh cửa đã bị dỡ đi, bên ô cửa sổ cũng không còn cánh cửa, một thiếu nữ đang đứng tựa lưng vào tường, trên tay là một điếu thuốc lá đang cháy đỏ.
Thiếu nữ có mái tóc nhuộm nâu, uốn xù. Khuôn mặt khá đẹp, được trang điểm cầu kì, rất sành điệu. Đôi khuyên tai tròn to màu đỏ đậm toát lên một sự ấm áp trẻ trung. Cô ấy mặc chiếc váy dài chấm mắt cá chân, xòe rộng như váy của những cô nàng vũ công Flamenco. Chiếc váy màu nâu non, có viền đăng ten trắng nhỏ, chiếc áo len mỏng khoác ngoài cũng màu nâu non, trên cổ tay cô gái là những chiếc vòng nhỏ, nhưng rất nhiều, khi cô gái cử động, chúng kêu lên một hồi xủng xoảng.
Trông cô giống một người đàn bà Digan trong những bộ phim hành động bí hiểm, có thể nhìn xuyên suốt cuộc đời người khác.
Cô mặc khá mong manh trong thời tiết giá lạnh như thế, khi ngoài trời, những hạt mưa lạnh buốt như châm kim vào da thịt.
Không nói gì, tôi định quay đi, thì bất ngờ cô ấy hỏi tôi: “Chị tìm ai đấy?”.
Tôi dừng chân, nhìn cô hững hờ.
“À, mình xin lỗi, mình chỉ…”.
Tôi chỉ định làm gì nhỉ? Tôi lang thang trong các căn phòng trống đang sắp bị đập đi, và vô tình phá vỡ không gian riêng tư của cô gái chăng.
“Chị có còn điếu thuốc nào không?”.
Cô gái hỏi tôi về thuốc. Điều đó, thật sự, lại khiến tôi thêm một lần ngạc nhiên.
“Mình không hút thuốc”.
Tôi trả lời. Cô gái xoay người lại, vịn tay vào thành cửa sổ, cúi nhìn xuống con đường bên dưới.
“Ý mình là… chỉ thi thoảng mình mới hút thuốc, không thường xuyên, nên…”.
Chẳng hiểu sao tôi lại giải thích với cô gái như thế.
“Chị mang máy ảnh trong ba lô phải không?”.
“Gì cơ?”.
Khỏi phải nói, tôi kinh ngạc như thế nào. Cô gái biết tôi có chiếc máy ảnh trong ba lô.
Thế là tôi mở ba lô, mang chiếc máy ảnh ra, đứng nhìn nó trên tay và hoang mang, không hiểu rút cuộc tôi đang làm gì ở một nơi sắp bị phá bỏ giữa lòng thành phố, trong một căn phòng bị bỏ hoang và cô gái lạ hết sức liêu trai này.
“Chị chụp cho em vài pic được không? Hôm nay em muốn chụp ảnh”.
Câu đó của cô gái vớt vát trong tôi ý nghĩ rằng ít ra cô không phải là ma quỷ, chỉ là một cô gái hơi lạ mà thôi.
Cô gái tạo dáng rất chuyên nghiệp, như cô là người mẫu và chúng tôi đang tác nghiệp cho trang bìa một tạp chí thời trang. Khung cảnh này, như đã gặp đâu đó, như trong một thước phim ca nhạc nào đó mà tôi từng xem.
“Chị gửi vào ai meo cho em nhé. Meo là diep-hoang-một-không-bảy-một-chín-tám-sáu-a-còng-gờ-meo-chấm-com”.
Cô gái nhìn tôi viết địa chỉ mail của cô vào sổ tay rồi mới tỏ ra yên tâm.
Tôi và cô đứng nhìn đường phố bên dưới được che khuất bởi những tán cây bằng lăng lá đỏ và nói vài câu chuyện chung chung về một vài ý nghĩ xoay quanh cuộc sống thành phố. Không một câu hỏi nào khai thác sự riêng tư được đặt ra. Mưa phùn lây phây. Chúng tôi đứng nhìn đường phố rất lâu, đến khi ánh sáng trong căn phòng sẫm dần. Trời sắp tối.
“Chị này, nếu chị đang tìm ai đó, thì chị đã tìm thấy rồi đấy”.
“Gì cơ? Mình à?”.
Tôi hoàn toàn bị động, tôi chẳng thể hiểu được. Đầu óc tôi như mê mị, như sắp sửa chìm vào một giấc ngủ thật sâu.
“Nhưng hai người không nhận ra nhau”.
Cô gái xoay người đi ra cửa. Đôi gót giày nhọn hoắt của cô nện cồm cộp trên nền nhà. Tiếng gót giày vang lên, dội vào những bức tường của những căn phòng trống. Tưởng như chỉ trong thoáng chốc là cả khu nhà sẽ sập đổ vì âm thanh đó được nhân lên cả tỉ lần.
Lúc đó, đột nhiên tôi bừng tỉnh. Tôi đi theo cô gái, tôi sải bước thật nhanh, chỉ chốc lát, tôi đã đến sát phía sau cô.
“Liệu rằng cuối cùng chúng mình có gặp lại nhau không, có nhận ra nhau không?”.
Cô gái không dừng lại, tiếp tục bước xuống những bậc cầu thang.
“Có thể. Hiện giờ người đó vẫn đang tìm chị, trên mặt nước”.
Phía tầng dưới là mấy căn phòng được tòa báo thuê, và nhân viên tòa báo đang trở về nhà. Tiếng khóa cửa và những tiếng chào nhau.
Tôi đứng rất lâu trong hành lang tối. Rồi khi tôi bước ra khỏi cổng tòa nhà đó, những con đường bừng sáng dưới muôn ánh đèn. Thành phố ướt nhẹp trong mưa. Mưa như tơ trời, giăng qua muôn ánh điện.
Tôi trở về nhà, đứng trước những bức tranh của Hurt gửi nhờ, trong lòng trống trải. Đổ người lên chiếc giường lạnh như băng, tôi tìm trong list điện thoại. Tôi muốn gọi cho ai đó, bố, mẹ, các em, một người bạn, một đồng nghiệp, hay bất cứ ai.
Hai trăm số điện thoại lướt qua, cuối cùng, tôi không chọn được ai để kết nối. Giả sử tôi bấm kết nối với ai đó, liệu tôi sẽ nói với họ điều gì. Họ có thể đang ở bên những người quan trọng hoặc không quan trọng với họ, nhưng liệu họ có chờ một cuộc gọi hay tin nhắn của tôi không.
Tôi dừng lại rất lâu trước dãy số của Phố. Tôi có nên gọi cho Phố không? Gọi rồi, tôi sẽ làm gì, tôi sẽ nói gì?
Tôi sẽ nói gì với Phố?
Tôi sẽ nói gì với Phố?
Tôi nằm như thế rất lâu, đến khi một vật thể mềm như nhung, ấm như bông chạm khẽ vào bàn tay, và hơi ấm từ nó đánh thức tôi. Đó là Hổ, con mèo hoang cô độc đã tự tìm đến và tự cho phép mình sống trong căn phòng của tôi.
Hổ là tên mà Hurt đặt cho con mèo đó.
Tôi ôm Hổ vào lòng.
“Hổ à Hổ. Mày có biết muốn khóc mà không khóc được khủng khiếp như thế nào không? Tao những tưởng là tao không khóc được, nhưng thực ra không còn nước mắt để khóc nữa rồi. Nếu ông trời không cho tao nước mắt để khóc nữa, thì có nghĩa ông ấy muốn tao hiểu rằng chẳng có lí do ở trên đời này đáng phải khóc nữa, phải không?”.
Hổ đáp lại tôi chỉ bằng một tiếng meo khan nhẹ. Nó quá hiểu đời, để biết rằng cách chia sẻ hữu hiệu nhất là im lặng.
Tôi mở máy ảnh. Hàng chục bức hình về cô gái ban chiều hiển thị. Tôi không hỏi tên cô. Cô là Hoàng, hay Điệp? Hoàng Điệp hay Điệp Hoàng? Đó là tên cô, hay tên người cô yêu dấu. Cô là ai, tại sao chúng tôi lại gặp nhau trong buổi chiều ma mị này. Tại sao cô nói với tôi như thể cô nắm cuộc đời tôi trong tay cô vậy?
Tôi tải ảnh lên máy tính, và gõ địa chỉ e-mail của cô gái để gửi ảnh. Nhưng khi tôi vào e-mail, mạng đột nhiên ngắt và tôi không thể gửi cho cô được.
Nhìn dòng địa chỉ e-mail của cô gái, tim tôi đập dồn, cứ như trên màn hình thình lình xuất hiện bức ảnh người yêu cũ tay trong tay với một cô gái khác. Chẳng vì lí do gì hết, chỉ là dòng địa chỉ “diephoang1071986@gmail.com” và, con số 1071986 kia trùng khớp với ngày sinh của Phố - 10/7/1986.
Mạng internet nhà tôi bị ngắt ba ngày. Trong ba ngày đó, tôi tạm chưa thể gửi ảnh cho cô gái được.
Buổi sáng. Mưa tạnh từ đêm hôm trước, đường phố khô lạnh, những chiếc lá vàng rụng cuốn theo xe xào xạo. Từ trong ngõ, người bán báo dạo với bản tin đặc trưng oang oang, như thể cả thế gian này trao cho anh ta cái đặc quyền được rao to những điều khiến thiên hạ đau lòng. Nói chung, cứ phải khiến thiên hạ đau lòng mới được. Một người con giết mẹ chỉ vì một cái nhẫn vàng. Một người vợ giết chồng, một người chồng giết vợ, một kẻ hiếp dâm rồi giết chết kẻ bị hiếp dâm, một vụ cướp của giết người rồi đốt nhà để phi tang. Nói chung chẳng có gì êm dịu và tốt đẹp. Con người quá đông trên thế gian này, để không thể một ngày không xảy ra chuyện xấu.
Bản tin tóm lược hôm đó của chiếc loa báo dạo là một cái tin giật gân, theo kiểu vẫn như mọi khi, tin nóng hôi hổi vừa thổi vừa đọc: Một cô gái rơi từ tòa nhà N xuống đường phố ST, đây là một vụ tự tử hay bị hiếp dâm rồi mưu sát?
Tòa nhà N, phố ST, tôi đã ở đó mấy ngày trước, cùng một cô gái kì lạ.
Chỉ ý nghĩ ấy thôi, và tôi gọi người bán báo, mua cái tờ báo đăng tin đó. Trên trang báo, hình một cô gái nằm chết trên đường, trong vũng máu của chính cô.
Cô gái nằm chết trên đường, trong tư thế đầy đau khổ. Bộ váy của cô xòe rộng như váy của vũ nữ Flamenco.
Suốt nhiều ngày liền tôi chỉ nghĩ về cô gái đó. Tôi đã gửi cho cô những bức ảnh, và không hề nhận được hồi âm rằng cô có ổn không, đã nhận được những bức ảnh đó hay chưa.
Cô gái đã chết được đoán định rằng rơi từ cửa sổ tầng bốn xuống đường phố. Báo chí đoán định cô ta tự tử. Nếu không tự tử thì là một tai nạn, sơ xảy chẳng hạn. Nếu không tự tử hoặc sơ xảy thì là bị mưu sát, vậy ai là kẻ mưu sát?
Tôi không biết vì sao cô chết, cô gái kì lạ mà tôi đã gặp.
Có một câu chuyện dài phía sau kia, và tôi không bao giờ được biết đó là chuyện gì. Nhưng không một cô gái bình thường nào đứng hút thuốc một mình trong một căn phòng trống loang lổ dấu vết của một cuộc phá dỡ như thế.
Tôi đã nghĩ về cô gái rất nhiều. Càng nghĩ về cô, tôi càng thấy mình buồn hơn, càng lúc càng chìm vào một nỗi buồn hoang lạ mới. Tôi như người đi lạc, sợ những ngã tư đường, vừa bước chân ra khỏi nỗi buồn này đã vội sa vào một nỗi buồn khác.
Nỗi buồn đưa chân tôi đến cây cầu Tương Tư bắc ngang dòng Ngân Hà cuộn chảy. Lâu rồi tôi không trở lại cây cầu ấy.
Chẳng một gương mặt thân quen nào lướt qua tôi. Tôi đi ngược với dòng người qua cầu. Dưới chân cầu, dòng sông đang cuồn cuộn chảy. Một đoàn tàu sầm sập lao qua. Trên các toa xe, muôn ánh đèn lộng lẫy.
Những con tàu đưa người đi xa mãi, trên hành trình dài rộng bất tận của mình. Con tàu nhóm lên trong lòng tôi khát vọng xa xôi được đến một chân trời lạ, cùng với một người, chỉ một người thôi.
Ánh sáng.
Ánh sáng.
Ánh sáng.
Mùa đông, các cặp tình nhân không đưa nhau lên cầu tình tự. Những cơn gió quá lạnh từ bốn bề lồng lộng thổi về khiến tình yêu thu mình lại, họ tìm về hơi ấm các căn phòng khép cửa, những tiệm cà phê đèn màu nhấp nháy hay bất kì nơi nào đó, không phải ở trên cầu.
Chỉ có những con người cô đơn bất tận, hoài cổ bất tận mới đứng lặng lẽ trên cầu, trong cái lạnh cắt thịt da của mùa đông, sau lưng là dòng người hối hả xuôi và ngược, trước mặt là khoảng mênh mang ngời ngợi của dòng sông, của những ánh đèn xa xôi đôi bờ lấp lánh. Họ thu hai tay trong túi áo, co mình lại và nghĩ suy, và trầm mặc.
Họ có thể đã mất điều gì đó, một ai đó, như một tình yêu, như một cuộc đời.
Hoặc họ đứng đó, không nghĩ về điều gì cả.
Người thanh niên đứng trước mặt tôi cũng vậy. Anh ta thu mình trong chiếc áo khoác đen dài ngang gối, đứng nhìn xa xôi dòng sông cuộn chảy. Một chiếc tàu thủy lướt dưới chân cầu, ánh đèn le lói. Một hồi còi tàu rúc lên. Những con tàu đêm tối trên sông nước.
Người thanh niên kia đang nghĩ gì, đang chờ đợi điều gì, hay ai đó, mà sao toát lên một nỗi cô đơn đến đau thắt trong lòng. Tôi muốn lại gần anh ta, con người xa lạ kia, để ngả đầu vào bờ vai cô đơn ấy, để nước mắt rơi xuống đôi bàn tay cô đơn ấy, để hỏi anh đang chờ điều gì, đang muốn nhớ hay quên điều gì, hay ai đó.
Anh ta cũng nhìn thấy tôi. Chúng tôi đứng nhìn nhau ở một khoảng cách vừa đủ để nghe tiếng trái tim trong ngực người kia đập dồn. Tôi không biết anh ta nghĩ gì, anh ta có đặt câu hỏi về tôi, như tôi đã đặt câu hỏi về anh ta, rằng người phụ nữ kia đến đây làm gì, trong đêm mùa đông buốt gió? Cô ấy tìm điều gì đã mất hay đợi cái gì sẽ đến?
Chúng tôi đứng nhìn nhau rất lâu, rất lâu, khi những con tàu với những toa chất đầy ánh sáng trôi qua cầu.
Những toa tàu chất đầy ánh sáng.
Những toa tàu chất đầy ánh sáng.
Theo Đuổi Theo Đuổi - Phạm Thanh Thúy Theo Đuổi