Love is as much of an object as an obsession, everybody wants it, everybody seeks it, but few ever achieve it, those who do will cherish it, be lost in it, and among all, never… never forget it.

Curtis Judalet

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 744 / 5
Cập nhật: 2017-08-25 12:50:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
ọi nỗi buồn rồi cũng đi qua, mọi vết thương cuối cùng rồi cũng khỏi, nhưng thời gian chờ đợi vết thương lành thì không đơn giản. Và dù người bị thương được bác sĩ chăm sóc, an ủi và kê đơn thuốc, thì người ấy vẫn tự hỏi lòng: “Bao giờ mình mới hết đau?”.
*
Hạc không phải là cô gái xấu xí. Trái lại, cô sở hữu một vẻ mặt thánh thiện, đôi mắt to tròn, nước da trắng xanh, mái tóc ngang hông đen nhánh. Tôi nghĩ cô mới chỉ hai mươi, trong khi thực tế cô đã ba mươi tuổi rồi. Một phụ nữ ba mươi tuổi yêu hoa hồng và luôn tin mình là một con chim cánh cụt.
Khi tôi gặp Hạc, cô đang ngồi ngắm một đàn kiến. Đàn kiến đen băng qua kẽ tường, hối hả, và ngoài trời mưa đổ hết trận này sang trận khác.
Tôi đã trở về thăm lại ngôi nhà cũ của Phố trước khi đến Cẩm Xuyên. Vẫn còn đàn kiến đen năm xưa, với cuộc hành trình bất tận từ trên nhà xuống bếp trên con lộ khe tường đã nhẵn đến mức không một thân rêu nào mọc nổi. Tôi tin rằng đó là đàn kiến mà khi còn nhỏ, mỗi lần tôi sang chơi với Phố, hai chúng tôi lại chăm chỉ đập chết ruồi biếu chúng làm quà. Có thể tuổi đời của kiến không cao đến vậy, những con kiến này là hậu duệ của những con kiến ngày xưa, và hẳn nhiên là chúng chẳng quen biết gì tôi. Vì nhiều năm rồi, tôi đã là một cô gái trưởng thành, rong ruổi khắp phương trời với chiếc ba lô cũ kĩ trên vai, cuốn sổ nhỏ và những tản mạn đầy mặc cảm về những miền đất mà tôi đã đi qua.
Để rồi một hôm, tôi trở về ngôi nhà, đứng trước cánh cửa cũ mủn vì mưa nắng, mà cả cái mùi ẩm mốc cũ kĩ toát ra lạnh lẽo từ những đồ vật cũ không còn hơi ấm những người chủ cũ, nhìn đàn kiến như thể ngày xưa vẫn mê mải chạy tới chạy lui ở khe tường. Tôi nhớ tuổi thơ với những kỉ niệm miên man và buồn bã.
Phố bảo sẽ không bán ngôi nhà cũ, dù có thời kì những cơn sốt đất sầm sập chạy qua làng. Ngôi nhà chứa trong nó quá nhiều nỗi buồn.
Tại sao Phố không bán?
Phố không trả lời.
Tôi không biết lúc đó Phố nghĩ gì. Tôi cũng không muốn biết. Một nỗi buồn len khẽ vào lòng khi Phố ôm tôi thật chặt. Không hiểu tại sao khi ở bên nhau tôi lại có cảm giác đó. Hay là vì những kỉ niệm tuổi thơ giữa chúng tôi giống như cánh cửa kia, khép kín và chẳng hứa hẹn khi nào hé mở, và chìa khóa, có khi đã hoen gỉ dưới đáy một dòng sông thẳm sâu nào đó lâu rồi.
Mười tuổi, tôi được bố mẹ gửi về quê nội. Quê nội có một dòng sông trong vắt, đôi bờ nở trắng hoa hồng dại.
Bố không muốn gửi tôi về quê nội. Bố bảo tôi là một đứa bé trầm lặng, khó gần, ở quê nội, khi tôi đi học với những đứa trẻ đồng quê, sự xa cách của tôi khiến chúng có thể làm tôi tổn thương.
Mẹ lại thực tế hơn. Mẹ bảo với khả năng kinh tế của hai người làm công nhân một nhà máy chè đang chung chiêng giải thể thế này, bố mẹ không thể nuôi ba chị em tôi tốt được. Quê nội giống như một thảm cỏ xanh mát với bầu trời thoáng đãng, sẽ dung dưỡng tâm hồn một bê non ngơ ngác như tôi một cách tốt nhất.
Các cô giáo của tôi lo ngại, và họ thực sự quan tâm đến tôi theo cách họ cho là tốt nhất. Họ nói với bố mẹ tôi tất cả những gì họ chứng kiến. Rằng tôi không hề nói chuyện với bạn bè cùng lớp. Tôi nhìn thế giới đang diễn ra với đôi mắt thờ ơ. Đôi khi tôi nhìn những cuộc vui như đứa trẻ bị bỏ đói lâu ngày bên bữa ăn thịnh soạn đang bày ra trước mặt, nhưng tôi không bao giờ tham gia những cuộc vui đó lâu được. Luôn là chỉ trong chốc lát, tôi tìm cách trở lại chỗ ngồi quen thuộc, cách xa và mơ về một thế giới khác.
Mẹ có vẻ đau lòng vì tôi. Mẹ trách mình quá bận rộn, không có thì giờ quan tâm đến tôi, rằng mẹ đã vô tâm đến nỗi không biết một đứa trẻ từ một đến mười tuổi thì nghĩ gì. Trẻ con không phải thời nào cũng giống nhau, và không phải đứa trẻ nào cũng giống đứa trẻ nào. Trong khi đó, tôi lại là một đứa trẻ khác biệt. Tôi không thích nói chuyện và không thích chơi đùa. Và như chuyện xảy ra ở lớp mẫu giáo, cô giáo cho chúng tôi bế một em búp bê biết nhắm mắt nếu đặt nằm và mở mắt nếu dựng dậy, một em búp bê khác biết cười, trong khi những bạn khác thích thú với em búp bê phát ra tiếng cười, thì tôi khóc nức nở.
Bố có một chiếc đài lắp chạy bằng pin con thỏ. Mỗi lần đài nói bé đi, tiếng nói khọt khẹt như người cảm cúm bị tịt mũi, nghĩa là pin đã yếu. Để hồi pin, bố phơi pin ra nắng, từ trưa tới chiều, lắp vào và đài lại nói tiếng thật to, rổn rảng.
Tôi hỏi bố rằng ai đã nói trong đài vậy?
Bố bảo đó là những người ở trong đài.
Tôi ngồi nhìn chiếc đài, và tưởng tượng những người ở trong đài bé xíu, họ cũng giống như những người ngoài đời thực, cũng mặc quần áo như bố mẹ khi đi làm, cũng có em bé và đưa chúng đi nhà trẻ, cũng nấu ăn và chuyện trò.
Tôi hoàn toàn đau khổ khi đài hỏng và bố tháo tung nó ra, trước chiếc đài bị tháo tung, không hề có một con người tí hon nào trong đó cả, tôi đã có cảm giác mình bị lừa dối.
Đó có phải là tổn thương đầu tiên tôi gặp trong đời và nó dữ dội đến nỗi tôi từ chối tiếp xúc một cách bình thường với mọi người không? Tôi không biết.
Khi tôi gặp Phố lần đầu tiên.
Nhà Phố kế bên bờ rào nhà bà nội tôi. Nhà Phố và nhà bà nội được cách ngăn bởi một bờ rào cây ô rô.
Trước ngõ nhà bà nội rợp bóng cây. Bà nội trồng chúng từ thuở xa xưa nào đó. Cây hồng bì, cây ổi, cây na, cây mít, cây xoài. Tất cả chúng đều già, nhưng xanh tươi và tỏa bóng.
Bọn trẻ trong xóm trưa nào cũng tụ tập chơi dưới bóng những tàng cây ấy. Chúng chơi đủ trò mà những đứa trẻ đồng quê có thể nghĩ ra lúc bấy giờ: bắn bi, ném cù, nhảy dây, ô quan hay trò trốn tìm đuổi bắt. Trò chơi nào cũng có thể khiến chúng phấn khích, hò hét inh ỏi. Nghĩa là chúng làm ồn, có thể lôi kéo sự chú ý của bất kì một đứa trẻ tò mò nào đó.
Tôi đứng xem chúng chơi và tuyệt nhiên không hề có ý định tham gia, tuyệt nhiên không thấy trò nào hấp dẫn. Trái lại, chúng khiến lòng tôi tràn ngập một nỗi buồn. Một nỗi buồn tê dại, thứ mà đến tận khi trưởng thành, tôi vẫn không sao lí giải nổi.
Đúng lúc tôi quyết định quay vào nhà, thì bất ngờ tôi nhìn qua bờ rào ô rô được cắt tỉa không cao quá tầm mắt một đứa trẻ mười tuổi là tôi. Điều đầu tiên tôi nhìn thấy là một đứa bé trai, nó chừng năm, sáu tuổi, đang say sưa mê mải với một trò chơi nào đó trong sân. Nó mê mải tới nỗi tất cả những tiếng ồn mà đám trẻ đang chơi ngoài ngõ kia gây ra cũng không làm nó bận tâm chú ý. Nó mê mải tới nỗi tôi lại gần nó, nhìn nó đang điều khiển đoàn binh kiến xung trận chiếm lương thực (là những con ruồi bị đập chết) mà không hề hay biết. Nó bày trận đồ như một nhà quân sự thực thụ. Xe tăng là những mảnh vỏ trai, tướng lĩnh là những cọng lá sắn, và chiến binh dĩ nhiên là lũ kiến hăng máu tranh công kia rồi.
Đột nhiên, từ khi đứng đằng sau lưng đứa bé (sau tôi mới biết tên nó là Phố) đang mê mải bày trận đồ một mình ấy, lòng tôi dâng lên một niềm yêu thương kì lạ. Cái lưng bé bỏng của nó, bờ vai bé bỏng của nó, cái gáy với những sợi tóc đen được cắt bởi một bàn tay vụng dại qua quýt của nó, tất cả trở nên thân yêu đến nỗi, tôi quyết định rằng tôi sẽ che chở cho nó, bảo vệ nó suốt cuộc đời.
Tôi dắt tay Phố đi học.
Từ nhà bà nội đến trường không xa lắm. Chúng tôi đi bộ trên một con đường có hai hàng phi lao luôn rụng những quả nhỏ màu nâu, đen và vỏ nhám. Bọn trẻ làng nhặt những quả ấy để thành một đống nhỏ bên đường rồi say sưa đốt cháy chúng. Bọn trẻ làm như việc đốt quả phi lao là công việc đáng hãnh diện nhất quả đất, còn hơn là việc lớn lên sẽ làm chiến binh hay thủy thủ.
Bàn tay bé nhỏ của Phố nằm gọn trong bàn tay tôi, ấm áp và đầy tin tưởng. Chốc chốc nó lại rời tay tôi, chạy lon ton ra phía trước, nhặt lên hay đặt xuống một viên sỏi nhỏ, một bông hoa dại ven đường hay một cành cây khô, rồi chạy lại phía tôi, bắt tôi xòe tay ra và nó đặt bàn tay bé xíu của mình lên đó.
Chúng tôi đến trường làng. Trường làng của tôi nằm cạnh trường mẫu giáo của Phố. Trường mẫu giáo của Phố nằm sát trạm y tế của xã. Trạm y tế của xã, mẹ Phố làm việc ở đó.
Mẹ Phố là một người phụ nữ vui vẻ. Suốt ngày cô ấy nở nụ cười trên môi. Cô có một mái tóc xoăn tự nhiên, lúc nào cũng bồng bềnh như sóng, như mây vậy. Bà nội bảo những người tóc xoăn tự nhiên, bất luận đàn ông hay đàn bà thì đều đa tình, đa đoan và nói chung là có đường tình duyên lận đận.
Mẹ Phố có lận đận đường tình duyên không?
Phố có một ông bố trên phố huyện. Mỗi tháng hai lần ông ấy đi chiếc Cup 82, trước giỏ xe đựng toàn rau, lúc su hào, khi cải bắp, khi thì rau muống, đậu phụ đến thăm mẹ con Phố.
Khi nào ông ấy đến, bất luận là Phố đang chơi ở đâu, bận rộn việc gì, nhất định là phải về khoanh tay trước ngực chào bố. Ông ấy sẽ lôi trong chiếc túi đen rất lịch sự ra một gói kẹo Hoa Hồng, mà những viên kẹo ngọt ngào được gói rất đẹp bởi những vỏ giấy nhỏ xinh in hình bông hoa hồng đỏ thắm. Gói kẹo được đưa cho Phố cùng với một cái xoa đầu rất khẽ, cái đẩy tay rất khẽ, và Phố, với gói kẹo trên tay, hoan hỉ chạy đi tìm tôi.
Chúng tôi dắt tay nhau ra bờ sông, nơi có những bụi hoa hồng dại rậm rạp um tùm, mùa xuân, chúng nở trắng đôi bờ. Tôi và Phố ăn kẹo Hoa Hồng và ngắm những con cá nhỏ trong làn nước sông xanh biếc. Những đàn cá hoặc mình tròn xoay như chiếc đĩa, hoặc dài ngoẵng như một chiếc chuôi thìa. Chúng vui vẻ bơi lội, đôi lúc thích chí, chúng búng mình lên khỏi mặt nước, phô tấm thân dát bạc lấp lánh dưới ánh nắng vàng rực rỡ.
“Chị Hàm Yên, lớn lên chị sẽ đi đâu?”.
Phố hỏi tôi như thế, và tôi trả lời: “Lớn lên chị sẽ đi lấy chồng”.
Phố tỏ vẻ suy nghĩ, một đứa trẻ sáu tuổi thì biết gì về việc lấy chồng cơ chứ. Ngay cả tôi cũng thế, năm ấy tôi mười một tuổi và tôi thực sự không biết việc lấy chồng có ý nghĩa trọng đại như thế nào, chỉ biết rằng con gái khi lớn lên thì sẽ lấy chồng như những người trong làng vẫn nói với nhau.
Nhưng sau khi nhăn trán tỏ ra nghĩ ngợi, Phố tuyên bố rất nghiêm túc: “Chị Hàm Yên, lớn lên em sẽ cưới chị”.
Sau này, khi tôi nhắc lại chuyện đó, Phố cười, và nói rằng thực sự không hề nhớ gì cả, nhưng có lẽ Phố tin rằng khi cưới nhau, người ta có thể được sống vui vẻ bên nhau mãi mãi.
Bố mẹ của Phố không cưới nhau. Những người trong làng bảo vậy. Mẹ Phố là một người phụ nữ vui vẻ, được rất nhiều người đàn ông trên đời yêu, nhưng cô ấy lại yêu một người đàn ông đã có vợ. Một người đàn ông đã có vợ thì rất ghê gớm, vì ông ta bị ràng buộc bởi rất nhiều thứ. Cuối cùng, họ không cưới nhau, nhưng Phố đã ra đời.
Có phải vì không cưới nhau, nên họ không thể được ở bên nhau mãi mãi hay không? Giá như khi mười hai tuổi tôi có thể lí giải được điều đó.
Tôi không nhớ đã từng chứng kiến người đàn ông có vợ đi chiếc xe máy Cup 82 với những loại rau củ đầy ắp giỏ xe dựng trong sân nhà Phố bao nhiêu lần, song có lẽ không nhiều lắm. Lần nào cũng vậy, sau cuộc ghé thăm, mẹ con Phố cũng tiễn ông ta ra tận ngõ. Phố luôn đứng trước mẹ, và cô ấy đặt bàn tay bé nhỏ, với những ngón thon dài hồng hào lên mái tóc Phố. Hai mẹ con nhìn theo chiếc xe và người đàn ông khuất hẳn mới quay vào nhà. Lần nào chứng kiến cảnh đó, bà nội tôi cũng thở dài. Tại sao bà lại thở dài cơ chứ, và tôi hiểu, rõ ràng khi thở dài, nghĩa là người ta cảm thấy có cái gì đó thật đáng chán, ngao ngán cả người. Tiếng thở dài gây cảm giác chán nản, buồn bã, và bất lực.
Tôi mười hai tuổi. Buổi chiều hôm ấy, một buổi chiều mùa hạ, tôi tan học và đón Phố. Hai chị em vui vẻ tay trong tay trở về nhà trên con đường có hai hàng phi lao xào xạc. Đó là một ngày mà Phố rất vui. Phố tung tăng chạy trước tôi, nhặt những quả phi lao và ném vào tôi với tiếng cười trong veo, vang dội. Những bước chân sải dài, sôi nổi và có phần hấp tấp, Phố kéo tôi về nhà thật nhanh.
Một cơn giông từ phía những rặng núi mờ xanh kéo đến, gió bắt đầu nổi lên, gió mang hơi nước của một cơn mưa xa xôi nào đó lại, ẩm ướt và mát lạnh.
Ngôi nhà của Phố cửa không khóa ngoài, trong sân, lá cây khô từ vườn nhà bà nội tôi được gió đưa sang, chúng phập phồng nôn nao, không chiếc nào chịu nằm yên một chỗ, như những cánh bướm đầy phân vân.
Chiếc xe Cup 82 dựng ở đó từ bao giờ, chỉ khác là không có loại rau củ nào trong giỏ xe, và đó không phải là một ngày bố Phố về thăm hai mẹ con như thường lệ.
Tôi và Phố đứng trong sân, im lặng nhìn cánh cửa khép chặt và những chiếc lá phập phồng thở trên nền gạch nâu. Bằng một dự cảm rất đặc biệt, tay Phố tìm tay tôi. Tôi nắm chặt bàn tay bé nhỏ ấy trong tay mình.
Chúng tôi cùng nhau tiến về phía cánh cửa. Cơn giông sầm sập đổ về từ phía sau lưng, gió mang hơi nước mát lạnh và ẩm ướt phả lên má, lên tóc tôi. Hẳn là ở một nơi xa xôi nào đó có một cơn mưa lớn đã trút xuống trần gian.
Cánh cửa khẽ mở ra bởi tay Phố. Và bất thần, một cơn gió ập vào. Gió mở toang cánh cửa, nhanh đến nỗi cả tôi và Phố đều bàng hoàng.
Cảnh cửa mở ra. Giữa nhà, trên nền gạch vuông màu hồng luôn được quét và lau sạch sẽ, mẹ của Phố, người phụ nữ có mái tóc xoăn tự nhiên, bồng bềnh như mây như sóng đang nằm ngủ thật say. Một tay để lên bụng, bàn tay nắm hờ một con dao nhỏ sắc lạnh như con dao bà nội tôi thường dùng để bổ cau. Cánh tay kia duỗi thẳng, lòng bàn tay hờ hững. Và từ cổ tay trắng ngần, tròn trịa, một dòng máu đỏ lênh láng chảy. Máu chảy tràn trên sàn, thấm đẫm vạt áo trắng y tá của cô ấy.
Bên cạnh cô ấy, bố của Phố, người đàn ông đã có vợ cũng đang say ngủ. Hai tay đặt trên bụng. Đôi mắt khép chặt, miệng mím hờ, tựa như đang mơ về một cõi Never Land kì ảo.
Mưa sầm sập đổ xuống, vội vàng, cuống cuồng và dữ dội. Gió cuồng điên cuốn những hạt mưa to và nặng từ ngoài hiên hắt vào trong nhà, sùng sục lật tung mọi ngõ ngách trong ngôi nhà ấy. Những chiếc áo quần phơi trên mắc đong đưa dữ dội, như những con người quằn quại vì đau đớn, những tờ lịch bứt tung khỏi tường, soàn soạt lao xuống nền nhà.
Trong cơn giông, căn nhà đảo điên như người đau tình khóc nấc.
Phố được cậu ruột về đón đi sau cái chết của bố mẹ. Nhưng vì cậu ruột Phố rất nghèo, nên tôi được biết rằng sau đó Phố được đưa vào một trại trẻ. Ở đó Phố có nhiều người mẹ, nhiều anh chị em và sống trong những căn phòng khác nhau.
Tôi đã dành rất nhiều tháng năm của tuổi thơ bên ngôi nhà hoang vắng đó. Ngôi nhà được khóa cửa, đồ đạc phần lớn do cậu Phố mang đi. Chỉ còn ngôi nhà cô đơn, cánh cửa bạc dần vì nắng mưa gió bão, mái ngói phủ dày lá cây rụng, và trong sân, cỏ xanh tua tủa mọc.
Tôi một mình ngắm đàn kiến đen hành quân hết ngày này sang ngày khác ở khe tường nhà Phố. Đàn kiến mê mải đi, tưởng như suốt cuộc đời chúng không bao giờ có một giây dừng lại.
Tại sao bố mẹ Phố lại chết như thế, giữa một vũng máu đỏ lênh láng trên sàn?
Chiếc đài pin của bố, cứ sáu giờ chiều, khi tôi nhặt rau hoặc nấu cám cho lợn là có chương trình tin tức. Tiếng những nam nữ phát thanh viên rổn rảng và rành rọt với những từ khóa “chiến hạm”, “phi cơ”, “bom”… Những từ khóa ấy lấy ra từ những bản tin về tình hình chiến sự đâu đó trên thế giới, với những cuộc bắn phá thanh trừng. Nó làm mắt tôi hoa lên, hình ảnh mẹ Phố nằm trên vũng máu từ cổ tay trắng ngần lại hiện lên rành rọt, tựa như vừa mới xảy ra kia, như gió từ năm nào, như mưa từ năm nào đang sầm sập đổ sau lưng. Tai tôi ù lên. Cảm giác bàn tay bé bỏng của Phố trong bàn tay tôi vẫn còn đó. Đôi mắt Phố mở to, tròn xoe và thất thần. Phố im lặng. Tôi im lặng. Chỉ có gió mưa ra sức gầm gào.
Tôi bảo bố tắt đài. Bố đang lắng tai nghe tình hình vùng vịnh, nơi người ta đánh nhau chí tử vì dầu lửa.
Bố ngạc nhiên: “Sao thế?”.
“Con bị đau đầu”.
“Vậy bố vặn đài nhỏ được không?”.
Bố vặn nhỏ đài đi, rồi như không yên tâm, vẫn sợ những tiếng nói ra rả kia, dù nhỏ bớt âm lượng vẫn còn làm con gái bố đau đầu, bố tắt đài hẳn, rồi ngồi nhìn hoàng hôn sập xuống trong sân, hẳn bố tự hỏi, không biết chúng đánh nhau thế nào nhỉ, có bao nhiêu thường dân thiệt mạng từ những cuộc chiến tranh vô nghĩa như thế rồi.
Đến bây giờ tôi vẫn rất thương bố, thương cái đài lắp pin tội nghiệp năm nào. Vì cứ đến giờ tin tức, khi nó mong được thông báo nhất và bố mong được đón nghe nhất, thì tôi lại lấy cớ đau đầu và yêu cầu bố tắt đài đi. Hẳn là bố sẽ tự hỏi: Tại sao con gái bố lại đau đầu vào đúng sáu giờ chiều, tất cả các ngày trong tuần cơ chứ?
Tôi không biết chứng sợ những cụm từ liên quan đến chiến tranh của tôi khỏi từ lúc nào, song có lẽ nó kéo dài vài năm gì đó. Cứ nghe thấy bất kì một từ ngữ nào liên quan đến chiến tranh, là hình ảnh mẹ Phố nằm chết lại hiện lên rõ mồn một. Tôi đau khổ, dù đã rời khỏi làng của bà nội về sống với bố mẹ ở thành phố. Tôi nhớ thương Phố nữa. Nỗi thương nhớ ấy chưa bao giờ nguôi ngoai, ngay cả khi tôi đã lớn lên thành một cô gái.
Tôi lớn lên thành một cô gái. Vào kì nghỉ hè của năm cuối đại học, bà nội nhắn tôi về chơi và nói rằng Phố đã trở về.
Tôi vác ba lô lên vai và về quê. Điều đầu tiên tôi mong nhìn thấy là ngôi nhà của Phố và Phố nữa. Phố đã mười tám tuổi rồi, giờ trông cậu ấy ra sao, chắc hẳn là khác rất nhiều.
Khi tôi về đến ngõ nhà bà nội, bên nhà Phố cửa đã khóa ngoài, và trong sân, cỏ đã được dọn sạch, trên mái nhà, lá khô đọng nhiều năm rồi cũng đã được dọn đi.
Sáng hôm sau, tôi đứng bên bờ dậu và nhìn sang nhà Phố. Bên sân nhà ấy, một người trẻ tuổi đang quét sân. Lá từ những cái cây nhà bà nội bay sang và đậu ngoan lành trên nền gạch sân ấy.
Người thanh niên mang một vẻ đẹp thanh thoát, kì lạ như một người từ bé đã lớn lên nơi cửa thiền vậy. Có một cái gì đó rất mơ hồ bao bọc lấy cậu, và bằng một trực giác nhạy cảm, tôi cảm nhận thấy.
Tôi bước vào sân nhà Phố.
“Phố phải không?”.
Phố ngừng tay quét lá, quay sang nhìn tôi. Phố có một đôi mắt dài và hàng mi dày đẹp, đôi lông mày thanh tú, vầng trán cao thông minh và bờ môi đầy gợi cảm.
“Em còn nhớ chị không?”.
Tôi chờ đợi một tiếng reo ồ, một ánh mắt ngạc nhiên vui mừng, một nụ cười chào đón.
Nhưng Phố im lặng. Phố nhìn tôi như nhìn một người từ trên trời rơi xuống, từ bé chưa trông thấy bao giờ.
“Em không nhận ra chị à?”.
Tôi hỏi thêm một câu nữa, giọng tôi hẳn đầy thất vọng. Phố nhìn tôi thêm giây lát, rồi khẽ lắc đầu.
Giá như Phố nói thẳng thừng: “Không. Chị là ai? Tôi chưa gặp chị bao giờ”, thì có lẽ tôi đã không buồn nhiều đến thế. Phố chỉ đáp lại tôi bằng một cái lắc đầu khe khẽ, rồi tiếp tục quét sân, như cô gái từ trên trời rơi xuống kia chẳng có một chút nghĩa lí gì.
Tôi đứng nhìn đàn kiến đang mải mê khuân mồi và chạy trên khe tường ngoài hiên nhà Phố. Thật kì lạ. Bao nhiêu năm trôi qua, mọi thứ đều thay đổi, thay đổi đến nỗi Phố không còn nhớ tôi là ai, mà sao đàn kiến thì vẫn vậy. Vẫn những con kiến giống hệt những con kiến năm xưa, chúng vẫn làm một việc y hệt như những năm trước đã làm, tựa như với chúng, với khe tường và con đường bất di ấy, thời gian hoàn toàn không có tác động gì.
Tôi quyết định sẽ gợi cho Phố nhớ ngày còn bé, suốt ba năm trời tôi và Phố đã là một đôi bạn thân như thế nào.
Tôi nói với Phố rằng chúng tôi đã ngồi chơi bên bờ sông và ngắm những con cá bơi trong làn nước. Tôi ra bờ sông. Hoa hồng dại đã bị đốn trụi, nơi chúng tôi ngồi chơi ngày trước giờ mọc lên một lò gạch, và đất ven bờ bị đào tung nham nhở, còn dòng sông, nước đã vẩn màu đất, lờ đờ đục như thế quanh năm.
Tôi nói với Phố rằng tôi đã dắt tay Phố đi học trên con đường có hai hàng phi lao rụng những quả màu nâu đen. Hàng phi lao không còn, và con đường ngày xưa giờ đã được đổ bê tông, bên đường đang xanh một hàng phượng vĩ.
Thế là Phố nhìn tôi bằng đôi mắt hồ nghi kì lạ. Tại sao tôi lại nói những điều đã xảy ra từ rất lâu rồi, mà thực tế chúng chỉ còn sống trong lòng tôi thôi, chúng đã hoàn toàn đổi thay với hiện tại. Phố cũng thế, Phố đã quên tôi rồi. Mười một năm đã trôi qua. Mười một năm rồi, sao tôi chỉ thấy mọi thứ còn vẹn nguyên ở đó.
“Vậy vì sao mẹ em mất, em có nhớ không?”.
Tôi vớt vát hi vọng cuối cùng, về kí ức đau buồn ấy. Có thể Phố đã quên tôi cùng những kỉ niệm thơ bé, nhưng kỉ niệm buồn thương ấy thì lẽ nào Phố quên được.
“Mẹ em à? Mẹ em bị cảm, chết rồi”.
“Bị cảm à? Bị cảm thế nào?”.
“Thì em chỉ nhớ khi em đi học về nhà, mẹ em nằm trên giường, mãi đến tối em mới biết mẹ chết rồi”.
Tại sao lại có thể như thế được nhỉ? Tại sao một sự thật hẳn nhiên như thế lại có thể bị thay đổi chóng vánh như vậy được?
“Còn bố em?”.
“Bố em? Em không biết”.
Trời ơi! Tại sao người đàn ông nằm chết bên người phụ nữ tội nghiệp kia lại có thể biến mất, như ông ta chưa hề chết?
“Vậy em có nhớ chiều hôm đó em đi học về cùng với ai không?”.
Phố nhìn tôi chăm chú. Hẳn Phố đang tự hỏi, lạ nhỉ, cô gái kia sao cứ hỏi những điều ngớ ngẩn đến thế. Tại sao cứ bắt mình phải nhớ những chuyện không hề xảy ra?
“Không”.
Và đó là câu mà Phố trả lời.
Ấm ức. Tôi hỏi bà nội rằng có đúng là năm xưa hai người bất hạnh đó đã chết bên nhau, họ tự sát hay không? Bà nội bảo hình như là thế, bà già quá rồi, chẳng nhớ được gì nhiều nữa. Ngay cả tôi, bà cũng nhớ nhớ quên quên, mơ mơ hồ hồ, thực hư kì ảo. Rồi suy nghĩ rất lâu, bà bảo: Không phải, họ bị bắn chết, bởi một người mang súng và đi đôi giày rất to.
Bà khóc, nước mắt trong veo lăn trên gò má hóp sâu. Ở làng ai cũng biết ông nội tôi bị giết bởi một người mang súng và đi đôi giày rất to. Năm ấy giặc càn qua làng.
Mùa hè năm sau, tôi về chịu tang bà. Bên nhà Phố một lần nữa cánh cửa khóa kín.
Không tìm lại được cậu bé ngày xưa với bờ vai bé nhỏ, cái lưng bé nhỏ và khoảng gáy thân yêu mà ngay cả trong mơ tôi cũng muốn mình hôn lên đó, tôi trở về thành phố. Chuyến xe đường dài đưa tôi xa tít khỏi ngôi làng thơ bé với những kỉ niệm buồn thương.
Ngồi bên cạnh tôi là một cậu trai làng lên thành phố học đại học. Cậu chăm chú đọc một tờ báo. Tôi vô tình liếc nhìn tờ báo trên tay cậu. Một dòng chữ nhỏ, lời thoại của một nhân vật trong một truyện ngắn. Nó được khoanh trong ngoặc kép:
“Nếu thuộc về nhau sẽ có ngày trở lại”.
Một giọt nước mắt lăn trên má tôi. Tôi hiếm khi khóc ra nước mắt, và lần này nước mắt đã rơi. Tôi để giọt nước mắt duy nhất ấy chảy trên má, lăn xuống cổ, tạo thành một vệt dài rất lạnh
Là tôi hay Phố mơ hồ?
Hạc ngồi ngắm đàn kiến đang vội vàng đuổi nhau. Dân gian vẫn truyền nhau kinh nghiệm khi nào kiến hành quân nghĩa là trời sắp mưa. Mưa ngụ ở Cẩm Xuyên đã nửa mùa rồi, và những cơn mưa kia chưa thể là những cơn mưa cuối cùng của mùa mưa sũng nước.
Ngoài vườn, đám hoa hồng tỏa một mùi thơm ngọt ngào và mát lạnh.
Theo Đuổi Theo Đuổi - Phạm Thanh Thúy Theo Đuổi