To read without reflecting is like eating without digesting.

Edmund Burke

 
 
 
 
 
Thể loại: Trinh Thám
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2163 / 50
Cập nhật: 2016-06-26 15:55:14 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
ào lúc sáu giờ mười lăm, một người bồi đi làm, đến phòng nhân viên ở lầu ba, thấy cửa thang máy mở liền tạt qua định đóng lại.
Vài phút sau, nhận được cú điện thoại hốt hoảng của hắn, phó giám đốc Vesperini và Cadot, viên thám tử của khách sạn liền chạy đến nơi. Cadot nói ngay:
– Xin ông gọi báo thanh tra Devereaux, tôi ở đây canh chừng. Nên trương bảng “Có sự cố” ở các tầng lầu cho người ta khỏi sử dụng thang máy.
Trước khi chạy đi báo cảnh sát và ban giám đốc, Vesperini bảo người bồi phòng đang đứng chết sững đi làm các tấm bảng kia.
Khi còn lại một mình, Cadot quan sát kỹ xác chết. Cô gái bị thắt cổ trong thang máy chăng? Chuyện khó tin. Cô không phải là người trọ ở khách sạn, chắc là cô đến đây để tìm ai đó.
Hắn khép cánh cửa sắt, đứng dựa vào đó trong bụng tự hỏi cô gái đến tìm ai và vì lẽ gì cô lại bị giết.
Hắn còn đang suy nghĩ thì mười phút sau thanh tra Devereaux thuộc Đội Hình sự xuất hiện nơi cái thang máy thứ hai ở đầu bên kia hành lang, theo sau có bốn cảnh sát mặc thường phục.
Sau vài phút bàn luận ngắn ngủi, Cadot được phép đi cạo râu để thanh tra bắt đầu làm việc.
Thanh tra Devereaux người thấp bé, to bè, tuổi gần năm mươi. Ông ta có khuôn mặt tròn, mũi nhỏ khoằm, miệng mỏng mím lại và đôi mắt bé tí xíu nhưng long lanh sáng quắc. Ông là một thám tử tài ba nổi danh là người có tư cách. Ông đứng quan sát một lúc xác cô gái mà ông đã thấy thỉnh thoảng có hình đăng trên báo Jour de France và Paris Match. Vụ này thế nào cũng sẽ gây ồn ào và hẳn là không dễ giải quyết đâu.
Nhất định cô gái không phải chết trong thang máy. Như thế cô phải bị giết ở một trong năm trăm phòng của khách sạn. Nhưng khách sạn ở đây toàn là thuộc hạng giàu có sang trọng nên hẳn ông phải tiến hành công cuộc điều tra thật tế nhị và thận trọng.
Việc đầu tiên phải làm là đem cô gái ra khỏi thang máy. Sau khi ra lệnh chụp hình ngay, ông tiến đến chỗ ông phó giám đốc đang đi đi lại lại gần đó hỏi xem có nơi nào đặt nạn nhân sau khi thợ ảnh làm việc xong không.
Vesperini bảo chỉ có thể đưa vào một buồng tắm vì các phòng đều có người cả. Devereaux gật đầu ưng thuận.
Mười phút sau, xác cô gái được chuyển vào một buồng tắm, đặt nằm ngay trên sàn. Giữa lúc ấy người pháp y đã đến và Devereaux để mặc lão ta một mình xem xét.
Trong thang máy, các nhân viên của ông đang lấy dấu tay. Ông cũng để họ làm việc, đi xuống tiền sảnh cùng với phụ tá Guidet và Vesperini.
Ông này nhường văn phòng cho thanh tra có chỗ lấy khẩu cung tạm thời. Sau khi ngồi vào chiếc bàn gỗ hồ đào to tướng, Devereaux cho gọi người gác cửa.
Theo kinh nghiệm, ông biết rằng trong khách sạn bao giờ người gác cửa cũng là kẻ để ý đến người và việc nhiều nhất. Cảnh sát đã từng nhờ nhiều người gác mà khám phá ra các vụ án mạng xảy ra ngay trong khách sạn.
Người gác cửa Plazza vừa đến nhận việc trong ngày xong. Lão bước vào, bắt tay thanh tra vì vốn quen biết trong những chuyến đánh boule có thanh tra gặp dịp rảnh rang tham dự. Người gác cửa đã biết chuyện gì xảy ra rồi nên Dèvereaux khỏi mất công thuật lại đầu đuôi. Ông bắt đầu cuộc thẩm vấn ngay không cần vòng vo.
– Anh biết cô gái vào khách sạn lúc nào không? Người gác cửa nhíu mày suy nghĩ một lúc rồi nói:
– Vào khoảng bốn giờ chiều.
– Bốn giờ chiều à? - Devereaux ngạc nhiên lặp lại. - Vậy ra cô gái đã ở trong khách sạn đến hơn mười bốn tiếng đồng hồ? Cô ta có nói vào thăm ai không?
– Không. Cô ta đi qua tiền sảnh, bước thẳng lên thang gác rất tự nhiên như đã biết chắc là đến đâu vậy.
– Cô ấy không sử dụng thang máy à?
– Không.
– Như thế có thể là cô ta lên lầu một hoặc lầu hai vì nếu lên cao hơn tất cô phải dùng thang máy.
Người gác cửa gật đầu đồng ý.
– Chắc là đúng đấy.
– Có ai tìm cô ta không?
– Khoảng sáu giờ ba mươi, một nhà báo hỏi cô ta rời khách sạn chưa. Người gác cửa trả lời sau một lúc suy nghĩ. - Tôi có nói là chưa.
– Ai thế?
– Ông Joe Kerr. (Nghe giọng của người gác cửa, Devereaux biết rằng lão ta không coi trọng anh nhà báo này lắm). Hắn ta làm cho một tờ báo con heo, Nhòm lỗ khóa, hình như vậy thì phải. Tôi không thích thấy hắn lảng vảng nhiều trong khách sạn. Hắn luôn luôn say sưa và dơ bẩn hết chỗ nói.
Devereaux nắn nót viết trên tờ giấy để trước mặt: Joe Kerr. Phóng viên nhiếp ảnh. Hỏi thăm L.B. lúc mười tám giờ ba mươi.
– Ông ta có nói vì sao đi tìm con bé không?
– Không. Trước đó một chút, hắn cho tôi một ngàn quan để tôi báo cho hắn biết khi một người trong gia đình Delaney trở về. Vốn biết thằng cha đó quá, tôi cũng hơi ngạc nhiên là tại sao hắn dám nhả ra một ngàn quan. Devereaux vốn là dân say mê điện ảnh nên biết tên tất cả đào kép cùng những nhà sản xuất phim.
– Delaney à? Nhà sản xuất người Mỹ phải không?
– Đúng vậy. Ông Delaney, vợ ông ta và người con trọ ở đây. Devereaux ghi lại.
– Có ai khác hỏi cô gái không?
– Không.
Devereaux nhíu mày, ngẫm nghĩ mân mê cây bút chì. Ông ta cứ tưởng là có thể moi ở người gác cửa những tin tức có ích hơn các thứ vừa qua. Tất nhiên là bước đầu cũng có đấy nhưng thằng cha Joe Kerr có quan tâm tới con bé thì hẳn cũng chỉ là trong vòng nghề nghiệp mà thôi. Với lại hắn ta hỏi vào lúc sáu giờ rưỡi nghĩa là lúc cô kia đã ở trong khách sạn hai tiếng rưỡi đồng hồ rồi.
Ông cảm ơn người gác cửa và hứa rằng nếu cần thì ông sẽ nhờ thêm.
Sau khi người nhân viên bước ra, Devereaux bốc máy xin liên lạc với buồng tắm trên lầu ba nơi người pháp y đang khám xét xác chết.
– Sao, có gì mới không, - ông thanh tra lên tiếng hỏi viên y sĩ đến đầu dây.
– Các anh thì lúc nào cũng nôn nóng! - Ông thầy thuốc càu nhàu. - Tôi chỉ có thể nói là cô ta chết vào khoảng ba giờ, ba giờ rưỡi đến bốn giờ rưỡi chiều hôm qua. Không sớm không muộn. Cô ta vào khách sạn lúc bốn giờ kém vài phút. Như vậy là người ta giết cô ta trong khoảng bốn giờ đến bốn giờ rưỡi.
– Chỉ có thế thôi à?
– Cô ta bị thắt cổ, rất có thể là dây treo màn. Có dấu xoắn in nơi cổ.
– Chắc có thể dễ tìm nơi nào có sợi dây đó.
– Nhờ ông nói với Benoit chụp ảnh ngay vết xoắn đó. Bảo hắn rửa ảnh ngay và đưa cho tôi một tấm. Còn ướt cũng được.
– Để tôi bảo hắn, nhưng như thế thì lại trễ việc của tôi mất.
– Quan trọng lắm đấy. Còn gì nữa không?
– Tôi còn tìm thấy những mảnh da dưới móng tay phía phải của nạn nhân. Chắc là cô ta cào cấu tên sát nhân lúc bị giết. Xem xét số lượng da tôi chắc là tên tội phạm hẳn phải có đến ba vết cào sâu dưới cổ tay hoặc là cánh tay gì đó.
Devereaux gật đầu, nháy mắt.
– Tốt lắm.
Ông gác máy quay lại nhìn Guidet đang ngồi trên cạnh bàn theo dõi câu chuyện. Ông nói:
– Chắc không khó như tôi tưởng đâu. Tôi muốn anh tìm xem cô ta trọ nơi đâu. Cô ta làm việc cho Công ty điện ảnh Paris đây. Anh hỏi nơi đó thì người ta sẽ cho biết. Anh cố gắng tìm xem thời biểu của cô ngày hôm qua, nhất là từ lúc hai giờ đến bốn giờ chiều. Tập trung tất cả mọi người cần thiết vào vụ này nhưng phải làm thật kỹ. Anh cũng lo đi tìm một người tên là Joe Kerr đem về đây cho tôi. Lúc xuống dưới nhà, anh bảo Cadot đến gặp tôi.
Guidet bước nhanh ra cửa.
Vài phút sau Cadot bước vào, râu tóc đã cạo và chỉnh tề trong bộ y phục kẻng nhất. Khi hắn ngồi xuống, Devereaux lên tiếng hỏi:
– Anh có thấy cô gái đi vào khách sạn không?
– Rất tiếc là không. Theo thường lệ lúc bốn giờ tôi rảo một vòng quanh các hành lang. Lúc đó gần như không ai ở trong phòng cả nên tôi phải đi tuần để tránh biến cố. Trong thời gian có Đại hội, với bao nhiêu khách ngoại quốc đến trọ ở đây, bọn trộm cắp rất có thể dễ dàng lẻn vào các tầng lầu để tính chuyện khua khoắng.
Devereaux nhăn mặt gật đầu.
– Nếu tôi hiểu đúng thì người ngoài dễ dàng đi vào đây sử dụng một phòng để giết người rồi đi ra phải không?
– Nói dễ dàng thì cũng hơi quá nhưng mà nhiều khách trọ cũng quá lơ đễnh cứ để quên chìa khóa nơi ổ rồi ra đi. Có thể sử dụng một phòng vắng người nhưng như vậy là liều quá.
– Điều đó cũng có thể xảy ra, không nên bỏ qua nhưng mà tôi không nghĩ là sự việc đã hẳn như vậy. Tôi cho là cô gái bị một người trong khách sạn giết. Và vì cô ta chết vào khoảng bốn giờ đến bốn giờ rưỡi thì chắc tên sát nhân đã giấu xác cô ta đến khi có dịp thuận tiện để lùa nó vào thang máy. Cứ kể ra thì hắn tính cũng khéo đấy. Dù sao thì tôi cũng có thể cam đoan với anh là cô ta không phải bị giết ở lầu ba đâu. Lúc vào cô ta không đi thang máy, chỉ riêng điều đó đã khiến tôi nghĩ là cô ta lên lầu một hoặc lầu hai thôi. Anh có thể tìm xem ai đã sử dụng thang máy lần chót trước khi phát hiện xác chết không?
Cadot mỉm cười nhũn nhặn.
– Tôi đã làm rồi. Thang máy vận hành tự động không có người theo từ ba giờ sáng trở đi. Vào giờ đó nó nằm ở tầng trệt trong tầm mắt của người gác đêm. Vào khoảng ba giờ rưỡi hay bốn giờ gì đó không nhớ rõ hắn thấy đèn đỏ bật sáng chứng tỏ bên trên có người gọi. Khoảng mười phút sau, đèn lại sáng lần thứ hai chứng tỏ là có người sử dụng để đi lại giữa các tầng lầu. Tôi có thể xác quyết không sai lầm là tên sát nhân đã sử dụng thang máy vào lúc đó. Sau đó thang máy không thấy đi chuyển lần nào.
Devereaux cắm cúi ghi chép.
– Lúc đi tuần anh có gặp ai không? Kẻ nào đó không có lý do lảng vảng trên các hành lang?
Cadot gật đầu xác nhận.
– Ở lầu hai tôi gặp một phóng viên nhiếp ảnh. Tôi tóm được hắn đang nghe ngóng trước cửa căn hộ số 27.
– A! Ai thế? - Devereaux giật mình hỏi.
– Một người tên là Joe Kerr. Tôi…
– Ờ, tôi biết rồi, - Devereaux ngắt lời. - Tôi có nghe được vài điều về hắn. Tôi bắt đầu chú ý đến hắn rồi đó. Hắn làm gì trước cửa nhà Delaney?
– Hắn phân trần là phía dưới văn phòng người ta nói ông Delaney có mặt ở nhà.
– Đúng không?
– Không. Người con Delaney có mặt thực nhưng anh ta đã đi ra vài phút trước khi tôi bắt gặp Kerr đứng trước cửa.
– Vậy là bên trong không còn ai khác?
– Không.
– Lúc đó là mấy giờ?
– Năm giờ kém mười lăm.
Devereaux lấy đầu bút chì gãi mũi, cất tiếng nho nhỏ như để nói với mình:
– Lúc đó không cách xa giờ cô gái bị giết là mấy. Tên Kerr như vậy là đã có mặt bên trong khách sạn gần với giờ chết của cô kia.
– Tôi thấy hình như vậy.
– Anh có biết hắn rời khách sạn lúc mấy giờ không?
– Tôi đang nghĩ đến chuyện đó. Tôi sẽ đi hỏi người gác đêm xem. Cadot trở lại vài phút sau đó.
– Người gác đêm nói rằng hắn thấy tên Kerr đi ra lúc bốn giờ kém năm sáng nay.
Devereaux đang gõ gõ cây bút chì trên bàn thấm nghe đến đó vụt ngồi bật lên.
– Hắn có nói làm gì trong khách sạn vào giờ ấy không?
– Không. Hắn ta đi xuống thang gác và người gác đêm thấy hình như hắn đã quá chén. Nghĩa là hắn đi liểng xiểng. Đi ra không nói một tiếng nào.
– Khớp rồi. Chính vào khoảng giờ ấy có ai nhét xác cô gái vào thang máy. (Devereaux xem lại các điều ghi chép). Cô gái bị thắt cổ bằng một sợi dây treo màn. Phòng nào cũng có dây ấy phải không?
Cadot tỏ dấu không biết.
– Tôi không rõ nhưng cũng dễ kiểm tra.
– Anh đi hỏi xem, - Devereaux nói. - Nếu mỗi lầu có một loại dây riêng thì mang mẫu lại đây cho tôi.
Cadot nói sẽ cố gắng hết sức rồi bước ra.
Devereaux ngồi dựa ngửa vào lưng ghế da. Ông châm điếu thuốc, lông mày nhíu lại và mắt đăm đăm nhìn vào bức tường trước mặt.
Benoit - người thợ ảnh của sở cảnh sát bước vào để lên bàn một tấm âm bản còn ướt.
– Đây rồi ông thầy. Phải trở về labô mới có thể làm hơn được.
Devereaux quan sát bức ảnh. Ông lấy ra một kính lúp rồi chúi mình trên tấm ảnh. Rồi ông ngửng đầu lên, đặt cái lúp xuống.
Không đến nỗi nào. Sợi dây đã bị giãn ra: có vết rạn rất rõ, thế thì ta tìm ra sợi dây kia không khó lắm.
Lúc Cadot trở lại thì ông đang còn xem xét tấm âm bản. Cadot cầm hai sợi dây, một xanh lá, một màu đỏ.
– Lầu một và lầu hai chỉ có các loại này mà thôi. Ông cần những thứ này phải không?
Devereaux xem xét hai sợi dây, bỏ sợi dây xanh sang bên, nhìn lại sợi dây đỏ thật kỹ rồi ngửa người trên ghế mỉm cười nhìn Cadot.
– Sợi này ở đâu?
– Lầu hai.
– Gấp lên! Bây giờ thì chúng ta đã biết cô gái bị giết bằng một sợi dây thuộc loại này, tức là vụ sát nhân đã xảy ra trong một phòng ở lầu hai đấy. Tôi muốn có một danh sách các khách trọ ở lầu hai!
Chuông điện thoại reo.
Cadot bốc máy lên rồi đưa ông thanh tra.
– Gọi ông. Guidet đang ở đầu dây.
– Tôi đang ở khách sạn con bé thuê, - Guidet nói. - Jean Thiry, bầu của cô ta, sẽ đến gặp ông ngay. Người ta thấy con bé nói chuyện với một người thanh niên trên bãi vào lúc bốn giờ kém mười lăm chiều qua. Hai nhân chứng đều xác nhận đó là Jay Delaney, con của nhà sản xuất điện ảnh.
Devereaux im lặng khiến Guidet lo lắng hỏi:
– Ông nghe tôi nói không, ông thầy?
– Nghe… Tôi đang suy nghĩ. Tôi muốn nói chuyện với anh chàng Joe Kerr. Gấp lên. Anh cố tìm cho ra hắn. Động viên tất cả những người ta có thể có được.
Ông bỏ máy xuống quay sang Cadot.
– Jay Delaney… Anh biết gì về hắn không? Gadot nhún vai.
– Hắn tuổi chừng hăm mốt, hăm hai gì đó. Hắn có dáng hiền lành, có giáo dục. Cả nhà Delaney đều khá dễ chịu. Ông Delaney thì giàu khỏi nói rồi.
– Anh đi xem thử người thanh niên đó có mặt ở khách sạn này vào giờ có vụ giết người không.
– Để tôi xem, - Cadot nói và đi ra.
Devereaux cầm cây bút chì và vẽ ngoằn ngoèo trên tờ giấy thấm. Ông vẫn còn vẽ và hút thuốc lúc Cadot trở vào.
– Người con trai của Delaney về nhà đúng ngay trước bốn giờ. Sau đó bà Delaney cũng về tiếp theo.
– Bà Delaney à?
– Phải. Nhân viên tiếp khách nhớ rằng bà ta hỏi chìa khóa, người ấy trả lời là cậu Delaney vừa bước lên nhà.
Devereaux bĩu môi rồi lấy bút chì gõ lên.
– Như vậy là bà Delaney có mặt với cậu con ghẻ vào giờ cô gái bị giết à?
Cadot nhìn ông với đôi mắt dò hỏi.
– Ông có vẻ như nghĩ rằng ta có chuyện phải làm với…
Devereaux nhún vai.
– Chuyện gì cũng phải nghĩ tới, nhưng gần như chắc chắn là hắn ta không can dự gì đến đó cả. Được rồi, ta sẽ xem Kerr có điều gì hay để kể lại cho chúng ta nghe không. Tuy nhiên, hắn lại là một thằng nghiện rượu… (Ông nhíu mày). Điều tôi thắc mắc là không biết vì cớ gì người ta giết cô gái ấy.
Ông giở máy điện thoại gọi người pháp y:
– Ông có thấy dấu vết cưỡng dâm không? - Ông nói khi người thầy thuốc đến trả lời.
Ông lắng nghe một lúc rồi buông máy đánh cụp lầu bầu:
– Không có hiếp dâm, không có toan tính hiếp dâm. Thế thì vì lẽ gì cô gái bị giết?
Ông lại nhíu mày vẽ nguệch ngoạc không suy nghĩ trên tờ giấy.
^b***$b
Sau tám giờ một lúc, Jay mới thoát ra giấc ngủ nặng nề. Hắn ngóc đầu nhìn đồng hồ, nhăn mặt lại trùm kín dưới chăn rồi nhắm mắt lại.
Hắn đang nghĩ tới Ginette thì bỗng nhiên ý nghĩ lại chuyển qua Lucille Balu.
Trong một thoáng, hắn rùng mình khó chịu nhưng lại nhún vai lặp đi lặp lại rằng chẳng có gì đáng lo đâu. Hắn đã mang xác đi rồi, cảnh sát không có lý do gì nghi ngờ hắn cả. Giết người vô cớ là cả một bài toán khó giải quyết vô cùng.
Hắn tự hỏi không biết người ta đã tìm thấy xác chưa. Hắn bỗng cảm thấy óc tò mò thúc đẩy nên nhỏm dậy giở điện thoại gọi mang bữa ăn sáng lên phòng.
Hắn bước ra khỏi giường và đi tắm. Đang chải tóc thì người bồi phòng bước vào đặt lên bàn mâm bữa sáng.
Jay nhìn với vẻ tò mò thích thú gương mặt của người nhân viên có dáng lầm lì khó tả.
– Sáng nay có chuyện gì thế? - Hắn làm vẻ thản nhiên vừa xỏ tay vào áo vừa hỏi.
– Xin lỗi, ông hỏi gì?
– Hình như tôi có nghe một chút náo động trong khách sạn. Có ai bệnh chăng?
– Thưa ông, tôi không biết.
Jay nóng nảy phẩy tay cho hắn ra rồi bước đến bên cánh cửa sổ đã mở rộng.
Hai chiếc xe cảnh sát đang đậu trước khách sạn. Jay lùi lại buông tấm màn xuống, miệng điểm một nụ cười nhợt nhạt. Vậy là người ta đã phát hiện xác chết rồi!
Bụng hắn như thắt lại, Jay rót ly cà phê nốc một hơi. Sau đó hắn bước qua phòng tắm cạo râu thật nhanh.
Hắn mặc một cái áo sơ mi, cái quần vải, đi đôi giày nhẹ rồi hướng về phía cửa.
Chợt nhớ đến ba vết cào xước trên cánh tay, hắn liền cúi xuống nhìn. Chúng hơi sưng lên, vết đỏ nổi bật lên trên lớp da rám nắng. Hắn nghĩ nên cẩn thận che chúng đi liền lấy áo vét tông mặc vào.
Khi bước ra hành lang điểm đầu tiên đập vào mắt hắn là tấm bảng “có sự cố” treo trên cửa thang máy. Như vậy là cuộc điều tra bắt đầu rồi. Hắn nhận thấy mình càng lúc càng hoang mang hơn. Dù sao thì có lẽ sự việc xảy ra càng lúc càng sôi động hơn là hắn tưởng.
Hắn lừng lững theo thang gác bước xuống. Trong tiền sảnh hình như nhịp điệu hoạt động điều hòa thật trơn tru ngày thường vẫn tiến triển đều đặn. Tất cả nhân viên đều người nào việc ấy.
Hắn đi ngang qua dãy cabin điện thoại rồi tiến đến một chỗ từ đó có thể nhìn thông suốt cả tiền sảnh. Không thấy có một cảnh sát viên mặc sắc phục nào khiến cho Jay hơi thất vọng. Cả khách sạn hình như coi việc phát giác một xác người trong thang máy là chuyện bình thường không có gì quan trọng.
Hắn bước đến mua tờ New York Time rồi chọn một cái ghế ngồi đọc báo mà có thể quan sát được cửa ra vào không ai nghi ngờ gì.
Hắn ngồi đấy khoảng mười lăm phút lơ đãng đọc tờ báo thì có một người bước vào, cao lớn, vai ngang, gương mặt nghiêm khắc, mắt sắc long lanh. Lão đi qua Vesperini, nhận cái chào của viên phó giám đốc rồi đi vào văn phòng đặt phía sau quầy tiếp khách
“Thế là đúng rồi, Jay nói với mình. Họ đang ở trong ấy tranh luận về phương sách phải thi hành. Nhưng mình cam đoan rằng bọn họ tha hồ lúng túng”
Hắn rút bao thuốc lấy ra một điếu đốt lên vừa lúc cánh cửa thang máy đầu kia mở ra nhả Jean Thiry và Guidet. Người bầu vừa đi xác nhận cô gái được anh ta bảo hộ đã chết. Jay đoán như thế vì thấy mặt anh ta tái xanh.
Jay thấy hai người đó đi vào văn phòng đặt phía sau quầy tiếp nhận. Hắn tiếc rẻ vô chừng là không được nghe người ta bàn tính gì vì ghế ngồi ở xa nhưng hắn cũng tự khen đã chọn chỗ có thể thấy một phần diễn biến xảy ra.
Thiry phải chịu một cuộc điều tra của Devereaux và ông này rất nương nhẹ vì thấy sự xúc động mạnh mẽ hiện trên nét mặt anh ta. Thiry kể rằng anh ta có nhận một lời nhắn tin của cô gái nói rằng cô đi chơi ở Monte Carlo. Devereaux bảo Guidet hỏi các nhân viên chuyển thì không ai nhớ rằng kẻ nào đã đọc lời nhắn ấy qua điện thoại. Devereaux nói:
– Chắc chắn là không phải cô gái đã gửi bức điện ấy. Kẻ sát nhân gửi đi để trì hoãn thời gian truy lùng thôi. Anh có thấy nguyên nhân nào cô ta bị giết không?
Thiry lắc đầu.
– Không. Đây chỉ là hành động của một thằng điên mà thôi. Ai lại có thể làm hại một cô gái như thế. Cô ta gần như chỉ là một đứa bé con.
Anh ta xì mũi thật to để che giấu xúc cảm. Devereaux nhìn lại trong quyển sổ ghi chép rồi tiếp:
– Anh có cho biết là ông Delaney quan tâm đến tương lai nghề nghiệp của cô ta phải không? Hai người có hẹn vào lúc chín giờ, đúng không?
– Đúng. Ông ấy muốn gặp cô ấy. Tôi và Balu đã hẹn nhau trước là sẽ gặp ở quầy rượu vào lúc sáu giờ nhưng khi đến đó thì tôi nhận được lời nhắn tin kia. Vì cảm thấy ông Delaney sẽ giao cho cô một vai nên tôi đi Monte Carlo ngay để đem cô ấy về nhưng không gặp.
– Còn gì nữa! Cô ta đã chết rồi. Anh chia tay với cô ta ngoài bãi biển vào khoảng ba giờ rưỡi chiều rồi anh đi xem phim và gặp ông Delaney, có phải thế không?
– Phải.
– Tôi xin chia buồn với anh, anh Thiry.
Gương mặt của Thiry hiện lên vẻ chua chát tràn trề.
– Đúng. Đó là dịp may độc nhất trong đời cô và cả đời tôi. Chúng ta phải tìm ra kẻ giết cô và trừng phạt nó.
– Tất nhiên rồi, nhưng muốn được như vậy anh phải giúp chúng tôi mới được, - Devereaux nói tiếp. - Trước tiên xin anh cho biết cô ấy có thường mang xắc tay không? Khi tìm thấy cô ta trong thang máy thì không có nó, tôi lấy làm ngạc nhiên lắm. Thường thì phụ nữ nào cũng có xắc tay hay là một cái gì đại loại như thế.
– Cô ta có xắc, chính tôi đã tặng cô… Một cái xắc nhỏ làm bằng da tắc kè, có in tên tắt của cô trong ấy chứa hộp phấn, một khăn tay và ống son môi.
– Cũng có thể là cô ta để ở nhà trọ… Để tôi bảo họ tìm lại.
– Nhất định là cô ta không để lại khách sạn đâu. Tôi thấy lúc nào ra đi cô cũng có mang theo.
Devereaux ghi vài dòng trên tờ giấy để trước mặt ông.
– Còn điều này nữa, - Thiry nói tiếp. - Cô ấy luôn luôn mang theo một chuỗi ngọc nơi cổ. Tôi chắc là người pháp y đã tháo ra để kiểm xét xác cho kỹ vì tôi không thấy trên cổ của cô.
– Dây chuỗi à? Khi phát hiện trong thang máy, tôi không thấy cô ấy mang dây chuỗi. Tôi bảo đảm là đúng như thế. Anh còn có gì nói nữa không? Cô ta không có bạn trai à?
– Không. Cô ấy rất đứng đắn, chỉ nghĩ đến công việc thôi.
Thiry ra về xong, Devereaux ra lệnh đi tìm cái xắc của Lucille. Sau đó ông qua tiền sảnh gặp người gác cửa, hỏi:
– Anh có nhớ là cô Balu mang một vòng chuỗi khi cô ta đi vào khách sạn không?
Người gác cửa suy nghĩ một lúc, mặt nhăn lại vì cố gắng, cuối cùng gật đầu xác nhận:
– Đúng rồi, cô có mang xâu chuỗi. Tôi nhớ có nghĩ rằng màu xanh của ngọc rất hợp với màu da rám nắng của cô. Đó là loại lam ngọc, từng viên khá to.
– Anh có trí nhớ thật tài, xin có lời khen anh đấy.
Người gác cửa khoái trá nghiêng mình chào, cảm tạ.
Từ chỗ của mình, Jay rình rập tự hỏi không biết kẻ đang nói chuyện với người gác là ai. “Chắc là một thanh tra cảnh sát.” Lão ta đầy nét quan trọng và oai quyền: chắc lão ta phụ trách cuộc điều tra này.
Hắn chợt thấy người thám tử riêng của khách sạn mà hắn biết nhưng không quen vừa bước vào tiền sảnh và liếc mắt thật sắc về hướng của hắn. Người thám tử bước nhanh về hướng viên thanh tra. Jay lạ lùng nhìn hai người thầm thì rồi bỗng nhiên cả hai đều cùng nhìn một lượt về phía hắn.
Jay vì ham muốn tò mò xem diễn biến nên không biết rằng ngoài các nhân viên khách sạn lúc bấy giờ chỉ còn có hắn ngồi trong tiền sảnh và điều này khiến người ta phải chú ý.
Tim hắn vụt như thắt lại, hắn quay mặt nhìn nơi khác và giả cứ tiếp tục đọc tờ báo đang cầm nơi tay. Tuy nhiên hắn không nén được khỏi giật mình khi thấy viên thanh tra để người thám tử đứng tại chỗ và tiến thẳng về hướng hắn ngồi.
Jay cảm thấy nổi lên cơn hoảng loạn chạy khắp toàn thân. Hắn sững người không nhúc nhích, mặc cho điếu thuốc cháy đến đầu ngón tay còn người hắn thì lạnh buốt.
Người thanh tra vẫn giữ vẻ mặt dửng dưng khi dừng lại trước mặt Jay và nhìn với ánh mắt thật sắc.
– Ông Delaney à?
– Đúng tôi, - Jay đáp giọng khàn đục.
– Tôi là thanh tra Devereaux của Sở cảnh sát Cannes. Tôi rất sung sướng nếu ông cho được tiếp chuyện một vài phút.
Jay đưa lưỡi liếm trên đôi môi khô khốc.
– Tại sao? Có gì xảy ra thế? - Mãi mãi hắn mới lên tiếng.
– Xin ông chịu khó theo tôi, ta vào văn phòng trong kia nói chuyện tiện hơn, - Devereaux nói. - Xin mời ông…
Nói xong, ông ta quay lưng đi, không cần biết Jay có theo hay không. Trong khoảng mươi giây đồng hồ, Jay như dán người trên ghế.
Chuyện gì thế này? Hắn đã phạm phải sơ hở nào à? Họ đã bám theo vết của hắn rồi chăng? Người này có sắp bắt nhốt hắn không?
Hắn lấy lại bình tĩnh, đứng dậy, đĩnh đạc bước qua tiền sảnh.
Bây giờ mới là lúc hắn đứng trước thử thách lâu nay vẫn ao ước. Họ đâu có thể tìm ra bằng cớ nào để buộc tội hắn?
Tuy nhiên sự lo sợ bóp nghẹt hắn khiến hắn thấy muốn nôn mửa và tim hắn đập mạnh khi bước vào nơi có người thanh tra đang chờ hắn.
Thằng Khùng Thằng Khùng - James Hadley Chase Thằng Khùng