A book is a garden, an orchard, a storehouse, a party, a company by the way, a counsellor, a multitude of counsellors.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Tác giả: Albert Camus
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2681 / 146
Cập nhật: 2017-08-30 02:58:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Thần Thoại Sisyphus
ác vị thần đã phạt Sisyphus không ngừng vần một tầng đá lên đỉnh một ngọn núi, rồi tảng đá lại tự lăn xuống. Họ đã có lý khi cho rằng không có hình phạt nào khủng khiếp hơn lao động hoài công và vô vọng.
Nếu tin lời Homer thì Sisyphus là người khôn ngoan và hiểu biết nhất trong thế giới những loài khả tử. Tuy nhiên, theo một giai thoại khác, chàng bị cho là lục lâm thảo khấu. Bản thân tôi thấy không có gì mâu thuẫn ở đây. Có nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân chàng phải lao động khổ sai vô ích như vậy ở địa ngục. Trước hết, chàng bị kết tội khinh thường các vị thần. Chàng đã đánh cắp những bí mật của họ. Aegina, con gái của Aesopus, bị Jupiter bắt đi. Người cha rúng động vì chuyện đó và kể với Sisyphus. Chàng vốn biết rõ đầu đuôi vụ bắt cóc này, bèn hứa sẽ nói sự thật với điều kiện Aesopus cung cấp nước cho thành đô Corinth. Để có được dòng nước mát lành, Sisyphus bất chấp cơn thịnh nộ của trời. Vậy là chàng bị phạt phải đọa địa ngục. Homer còn kể thêm là chính Sisyphus đã xích thần Chết lại. Diêm Vương không thể chịu đựng nổi cảnh tượng trống trải im lìm trong đế chế của ông ta. Thế là ông ta đã phái thần Chiến tranh lên mặt đất, giải phóng thần Chết khỏi tay kẻ đã hàng phục được thần.
Người ta cũng nói rằng Sisyphus, lúc gần từ giã cõi đời, đã muốn thử thách tình yêu của vợ mình một cách thiếu suy nghĩ. Chàng ra lệnh cho nàng phơi xác mình lộ thiên ngay giữa quảng trường công cộng. Sisyphus tỉnh dậy ở cõi âm. Chàng giận dữ vì cô vợ quá mức vâng lời đến nỗi làm chuyện đi ngược lại cả tình cảm con người, chàng xin được Diêm Vương cho phép trở lại mặt đất để trừng trị cô vợ. Nhưng khi chàng nhìn lại được mặt đất, sung sướng vì lại được hưởng làn nước và mặt trời, những tảng đá ấm áp và biển cả, Sisyphus không muốn quay về địa ngục tối tăm nữa. Những lời triệu hồi, những dấu hiệu giận dữ, những lời cảnh cáo đều vô hiệu. Chàng sống thêm nhiều năm nữa để ngắm nhìn đường cong của bờ vịnh, mặt biển lấp lánh và những nụ cười của mặt đất. Cuối cùng phải cần đến một sắc dụ của các vị thần. Thần Mercury đến và túm lấy cổ áo kẻ trơ tráo, kéo chàng ra khỏi những niềm vui sướng, áp giải chàng trở lại địa ngục, nơi tảng đá hình phạt đang chờ sẵn.
Như vậy quý vị đã thấy Sisyphus là một anh hùng phi lý. Chàng là người hùng phi lý do những đam mê lẫn khổ hình chàng phải chịu, hai lý do này tương đương nhau. Sự khinh thường của chàng với các vị thần, nỗi thù ghét cái chết và tình yêu cuộc sống nồng nhiệt đã bắt chàng chịu hình phạt khôn tả, khi mà toàn bộ kiếp bình sinh bị dốc vào một việc không đạt đến gì cả. Đó là cái giá phải trả cho những đam mê trần thế. Không nghe nói gì thêm về cuộc sống Sisyphus ở cõi âm. Các thần thoại được tạo ra để trí tưởng tượng thổi sinh khí vào chúng. Trong thần thoại này, ta chỉ thấy nỗ lực của một thân hình gồng lên cố sức nâng tảng đá lớn, vần đẩy nó lên sườn dốc hàng trăm lần; ta thấy khuôn mặt rắn đanh lại, má tì chặt vào tảng đá, bờ vai đỡ lấy khối nặng phủ đầy đất sét, bàn chân chèn khối đá, mỗi lần đẩy lên là đôi cánh tay căng rướn, tất cả chỉ dựa vào hai bàn tay lấm đất. Đến tận cùng nỗ lực dài dằng dặc sánh với không gian không có bầu trời và thời gian không có chiều sâu, chàng đã đến đích. Thế rồi Sisyphus nhìn tảng đá lăn ào xuống dưới chỉ trong vài khoảnh khắc, về lại cái nơi mà từ đó chàng sẽ phải đẩy nó lên lại đỉnh núi. Chàng đi trở xuống chân núi.
Chính vào lúc trở lại đó, trong khoảng khác ngừng tay đó, Sisyphus lôi cuốn sự chú ý của tôi. Một khuôn mặt cực nhọc luôn phải áp sát mặt đá đến nỗi trông cũng như đá! Tôi nhìn thấy con người đó đi trở xuống bằng những bước chân nặng nề nhưng đều đặn, về phía khổ hình mà chàng không bao giờ biết đến sự kết thúc. Giờ khắc đó cũng giống như quãng tạm nghỉ, vốn chắc chắn sẽ lặp lại như sự hành xác, đó chính là giờ khắc của ý thức. Tại mỗi khoảnh khắc trên chặng đường từ đỉnh cao từ từ ngập dần vào sào huyệt của các vị thần đó, chàng vượt lên cao hơn số phận mình. Chàng mạnh hơn tảng đá.
Thần thoại này bi đát là do nhân vật chính ở đây tỉnh thức. Quả vậy, nếu có niềm hy vọng đạt tới thành công nâng từng bước chân anh thì đâu còn gì là hành xác? Ngày nay người lao động cũng phải làm đi làm lại suốt đời những việc giống nhau, số phận như thế cũng chẳng kém phần phi lý. Bi kịch bùng lên ngay trong những khoảnh khắc hiếm hoi khi nó được ý thức tới. Sisyphus, kẻ vô thần vô thánh, không quyền lực mà dám phản kháng, thấu hiểu hoàn toàn số phận cùng cực của mình: đó hẳn là những gì chàng nghĩ ngợi trong lúc xuống núi. Sự sáng suốt làm nên khổ hình của chàng lại cũng đồng thời đội cho chàng vòng hoa chiến thắng. Không có số phận nào không thể vượt qua bằng sự khinh ngạo ấy.
Nếu chặng đường đi xuống đó đôi khi diễn ra trong sầu thảm, thì nó cũng có thể đi hết trong niềm vui. Nói như vậy không hề quá. Một lần nữa, tôi hình dung thấy Sisyphus quay trở lại tảng đá của chàng ta, và nỗi đau khổ lại bắt đầu. Khi hình ảnh trần gian bám quá chặt trong ký ức, khi tiếng gọi của hạnh phúc trở nên quá dai dẳng, thì sự u sầu trào dâng trong trái tim con người: đây là chiến thắng của tảng đá, đây chính là tảng đá. Nỗi thương đau vô hạn quá là nặng nề quá sức chịu đựng. Đây là những đêm ở vườn Gethsemane. Nhưng những sự thật nghiền nát con người ấy sẽ tàn lụi đi sau khi được nhận chân. Cũng như Oedipus, lúc đầu tuân phục số phận mà không hề hay biết. Nhưng từ lúc ông ta phát hiện ra thì bi kịch của ông mới bắt đầu. Cùng từ thời điểm đó, giữa mù loà và tuyệt vọng, ông ta nhận ra liên kết duy nhất nối mình với thế giới là bàn tay của một người con gái. Thế rồi ông cất lên nhận xét lớn lao: “Dù phải chịu bao nhiêu thử thách, tuổi tác dãi dầu và sự cao quý của tâm hồn ta làm cho ta kết luận rằng mọi sự đều tốt đẹp.” Oedipus của Sophocles, hệt như Kirilov của Dostoevsky, đã đưa ra công thức cho sự chiến thắng phi lý. Sự khôn ngoan cổ xưa khẳng định cho chủ nghĩa anh hùng hiện đại.
Người ta không khám phá ra cái phi lý khi chưa bị lôi kéo vào việc viết sách hướng dẫn cho hạnh phúc. “Sao chứ! Bằng những phương cách thiển cận như vậy ư...?”. Dù sao thì cũng chỉ có một thế giới. Hạnh phúc và phi lý là hai đứa con của cùng một thế gian. Chúng không thể nào phân chia ra được. Thật sai lầm khi nói rằng hạnh phúc nhất thiết sẽ nảy ra từ việc khám phá cái phi lý. Cũng tương tự khi nói rằng cảm giác phi lý nảy sinh từ hạnh phúc. “Ta kết luận rằng mọi sự đều tốt đẹp”, Oedipus nói, nhận xét này thật thiêng liêng. Nó vang vọng trong vũ trụ hoang dại và bị giới hạn của con người. Nó dạy rằng mọi sự không phải, chưa phải, đã cùng kiệt. Nó đuổi khỏi thế giới này một đấng thánh thần đã đến trong sự bất mãn và ưa những khổ đau vô ích. Nó biến số phận thành một vấn đề của con người, mà phải được dàn xếp bởi con người.
Chính trong điều này chứa đựng niềm vui lặng lẽ của Sisyphus. Số phận của chàng thuộc về chính chàng. Tảng đá kia là công việc của chàng. Cũng như vậy, con người phi lý, khi suy tư về sự đau khổ của mình, làm im tiếng tất cả thần tượng. Trong vũ trụ đột nhiên được hoàn lại sự tĩnh lặng, vô vàn những tiếng nói nhỏ bé của thế gian cất lên. Vô thức, những thôi thúc bí mật, những lời mời gọi từ đủ khuôn mặt, chúng là mặt trái và cái giá cần thiết của chiến thắng. Không có mặt trời nào không có bóng, và hiểu biết về đêm tối là điều cốt yếu. Con người phi lý đáp lời và từ đó về sau, nỗ lực của anh ta sẽ không ngừng nghỉ. Nếu có cái gì gọi là số phận cá nhân, thì không còn định mệnh nào cao hơn, hoặc giả nếu có thì đó là định mệnh mà anh ta xác định là không tránh khỏi và đáng khinh. Ngoài ra, anh ta biết bản thân mình là chủ nhân của mọi ngày trong cuộc đời mình. Vào giây phút mơ hồ khi con người liếc nhìn lại cuộc đời mình sau lưng, Sisyphus trở về phía tảng đá, trong cái quay đầu nhẹ bẫng ấy chàng ta suy ngẫm lại chuỗi hành động không liên quan với nhau đã trở thành số phận của mình, do chính chàng tạo ra, kết hợp lại dưới con mắt của ký ức chàng, và chẳng bao lâu bị phong kín lại bởi cái chết của chàng. Vì vậy, khi hoàn toàn tin rằng nguồn gốc của tất cả những gì thuộc về con người đều mang tính con người, một người mù sẽ hăm hở muốn gặp ai đó biết rằng bóng đêm dài vỏ hạn, nhưng anh ta vẫn tiếp tục bước đi. Tảng đá lại tiếp tục lăn.
Tôi bỏ đi, để lại Sisyphus dưới chân núi! Người ta sẽ luôn luôn tìm thấy lại gánh nặng của mình. Nhưng Sisyphus dạy cho ta một sự chân thật cao hơn, đến độ có thể phủ nhận các vị thần và nâng những tảng đá lên. Chàng cũng kết luận mọi sự đều tốt đẹp. Vũ trụ từ đây không còn chủ nhân dường như không còn trơ trụi hay vô ích đối với chàng. Mỗi nguyên tử của tảng đá kia, mỗi vảy khoáng vật trong ngọn núi ngập bóng đêm kia, trong bản thân nó tạo thành một thế giới. Bản thân cuộc tranh đấu hướng tới đỉnh cao là đủ đế lấp đầy trái tim con người. Ta phải tưởng tượng là Sisyphus hạnh phúc.
Thần Thoại Sisyphus Thần Thoại Sisyphus - Albert Camus Thần Thoại Sisyphus