Có người biết cách biến những trở ngại trong cuộc đời mình thành những bệ phóng, nhưng cũng không ít người lại biến chúng thành những viên đá chắn lối đi.

R. L Sharpe

 
 
 
 
 
Tác giả: Albert Camus
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2681 / 146
Cập nhật: 2017-08-30 02:58:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Don Juan
ếu chỉ yêu là đủ thì sự đời quá ư đơn giản. Tình yêu càng lớn thì sự phi lý càng tăng. Don Juan không ngừng trêu đào ghẹo nguyệt chẳng phải vì gã thiếu tình yêu. Thật ngớ ngẩn khi coi gã là một tín đồ truy tầm tình yêu tuyệt đối. Nhưng quả thực cũng chính vì gã yêu mọi người tình bằng niềm đam mê cháy bỏng như nhau và với toàn bộ con người gã, nên mỗi lần yêu gã phải lặp lại sự cho đi và cuộc tìm kiếm thăm thẳm ấy. Do đó mỗi phụ nữ quen gã đều hy vọng đem lại cho gã điều mà không cô nào khác có thể. Nhưng lần nào họ cũng sai, và chỉ khiến gã cảm thấy cần phải yêu lần nữa. “Cuối cùng,” một trong số các nàng ấy phải thốt lên, “em đã cho anh tình yêu”. Nếu Don Juan bật cười trước câu ấy thì chúng ta có đáng ngạc nhiên không? “Cuối cùng sao? Không đâu,” gã đáp, “phải là lần nữa mới đúng.” Tại sao cứ phải ít yêu thì mới yêu được sâu?
Don Juan liệu có u sầu? Điều này không có khả năng. Tôi không tin lắm vào các truyền thuyết về anh chàng này. Cái cười đó, sự chinh phục xấc xược, sự vui đùa đó và sự tái hiện nhân vật này trên sân khấu đều rõ ràng và vui vẻ.
Mọi sinh vật khởe mạnh đều có xu hướng nhân giống chính mình. Don Juan cũng vậy. Người ta thường u sầu vì hai lý do: hoặc là họ không biết, hoặc là họ ôm hy vọng. Còn Don Juan rất biết và không hy vọng. Anh gợi cho ta nghĩ đến người nghệ sĩ biết đâu là giới hạn của mình và không bao giờ cố vượt qua, và trong quãng đời hữu hạn nơi đặt cái bệ đỡ tinh thần đó, họ được hưởng sự thanh thản tuyệt diệu của người làm chủ. Như thế là rất khôn ngoan, cái trí tuệ biết được giới hạn của nó. Trước giới hạn là cái chết của thể xác, Don Juan không biết thế nào là u sầu. Anh ngộ ra, và từ đó trở đi chỉ có cười, tiếng cười làm cho người ta tha thứ mọi điều. Anh từng u sầu khi anh hy vọng. Còn bây giờ, từ miệng người phụ nữ đó, anh nhận ra vị đắng cay lẫn an ủi của hiểu biết duy nhất. Cay đắng ư? chẳng đáng gì: sự bất toàn cần thiết đó khiến ta cảm thấy hạnh phúc!
Thật sai lầm khi cố tìm ra trong Don Juan những nét tính cách con người được nuôi lớn theo Ecclesiastes. Bởi đối với gã, chính cái hy vọng vào một cuộc sống khác (sau khi chết) mới là điều hư ảo duy nhất. Gã chứng minh cho điều này bởi gã cược rằng cuộc sống khác ấy không phải thiên đường. Nỗi khát khao được vùi chết trong cảm giác thỏa mãn, điều thường thấy ở con người bất lực, không lặp lại nơi gã. Nhưng điều đó đúng với Faust, kẻ tin ở Chúa đủ nhiều đến mức bán mình cho quỷ. Với Don Juan, mọi chuyện đơn giản hơn. Burlador của Molina thậm chí còn đáp trả lời đe dọa phải đọa địa ngục sau khi chết: “Thế thì ngài dành cho tôi thời gian trì hoãn khá dài đấy!” Điều đến sau cái chết chẳng ích gì, và với bất cứ ai biết cách sống thì thời gian ngày nối ngày trên đời này mới dài làm sao! Faust khát thèm những điều trần tục; kẻ nghèo khó chỉ biết chìa tay xin. Kể từ lúc đó không còn có thể đem lại niềm vui cho tâm hồn mình, anh ta coi như đã bán nó rồi. Còn sự thỏa mãn mà Don Juan luôn đòi hỏi thì trái lại. Gã từ bỏ một người phụ nữ hoàn toàn không phải vì gã thôi không còn khao khát nàng. Người phụ nữ đẹp lúc nào cũng đáng ước ao. Mà vì gã khao khát thứ khác, và không, không phải là cùng một thứ.
Cuộc sống này làm hài lòng mọi mong muốn của gã, không gì là tồi tệ hơn mất đi nó. Gã đàn ông điên rồ này thật ra khôn ngoan tuyệt vời. Nhưng những kẻ sống bằng niềm hy vọng thật ra không được huy hoàng lắm trong vũ trụ này, nơi mà sự tử tế nhường chỗ cho lòng độ lượng, niềm yêu chuộng nhường cho sự im lặng nam tính, và sự đồng cảm lui lại trước lòng dũng cảm đơn độc. Tất cả đều thúc ta phải nói rằng: “Anh ấy là một kẻ yếu đuổi, một người theo chủ nghĩa lý tưởng hoặc một vị thánh.” Người ta buộc phải miệt thị sự vĩ đại chứa điều sỉ nhục.
***
Người ta đã khá bực mình (hoặc mỉm cười đồng lõa hạ thấp cái điều mà chính nụ cười ấy ngưỡng mộ) trước những tuyên ngôn của Don Juan cũng như nhận định chung rằng gã lợi dụng mọi phụ nữ. Nhưng với tư cách là người đi tính đếm số niềm vui của gã, ta chỉ quan tâm đến vấn đề hiệu quả. Tác dụng của những mật lệnh phức tạp đã trụ vững sau bao nhiêu thử thách là gì? Không có ai, dù là đàn ông hay đàn bà, lắng nghe chúng, mà chỉ nghe giọng nói tuyên cáo chúng. Chúng là quy tắc, ước lệ, và những cử chỉ xã giao lịch sự. Sau khi chúng đã được nói ra, thì điều quan trọng nhất vẫn còn chờ được hoàn thành nốt. Don Juan đã sẵn sàng thực hiện. Vì sao gã phải tự rước vấn đề về đạo đức vào thân? Gã đâu phải như trong Manara của Milosz, vị tác giả đã nhấn chìm gã ta trong khát vọng trở thành vị thánh sống. Đối với gã, địa ngục là thứ để mà trêu cợt. Gã chỉ có duy nhất một lời đáp trả trước cơn giận của thánh thần, và đó chính là danh dự của con người: “Tôi có danh dự,” gã nói với Viên chỉ huy, và “tôi đang thực hiện lời hứa của mình bởi tôi là hiệp sĩ.” Nhưng nếu coi gã là người theo thuyết phi đạo đức thì đúng là sai lầm lớn. Về mặt này, gã “cũng như mọi người khác”: Gã có chuẩn mực đạo đức về những điều thích hay không thích làm. Chỉ có thể hiểu đúng về nhân vật này nếu ta tự liên tục nhắc mình gã thường xuyên tượng trưng cho điều gì: một kẻ quyến rũ bình thường và vận động viên giường chiếu. Gã chính là một kẻ quyến rũ bình thường. Chỉ khác rằng gã có ý thức, vì vậy gã trở nên phi lý. Kẻ quyến rũ không thay đổi bản tính khi trở nên sáng suốt. Quyến rũ và gạ gẫm là thân phận của gã trong cuộc đời này. Chỉ trong tiểu thuyết thì con người ta mới thay đổi thân phận hay trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng phải nói là tuy không có gì thay đổi, nhưng mọi thứ đều biến đổi. Điều Don Juan nhận ra trong hành động của gã là đạo lý về số lượng trải nghiệm, trong khi ngược lại, bậc thánh sống coi trọng chất lượng trải nghiệm. Không tin vào ý nghĩa sâu xa của sự vật là đặc tính của con người phi lý. Vì trước những gương mặt chân thành hay sững sờ choáng váng, anh ta quan sát, tích lũy, nhưng không dừng lại ở đó. Thời gian song hành với anh ta. Con người phi lý không đứng ngoài thời gian. Don Juan không nghĩ đến chuyện “sưu tầm” phụ nữ. Gã kiệt sức với số lượng đến cùng những cơ hội khác nhau trong đời gã. “Sưu tầm” có nghĩa là có khả năng sống nhờ vào quá khứ. Còn gã khước từ sự hối tiếc, một hình thức khác của hy vọng. Gã không thể nhìn ngắm những tấm chân dung.
***
Như vậy, phải chẳng Don Juan là kẻ ích kỷ? Có lẽ vậy, theo cách của gã. Nhưng cũng như trên, điều cốt yếu ở đây là phải nhìn thấu được một điều khác.
Có người sinh ra để sống và có người sinh ra để yêu. Ít nhất là Don Juan sẽ có ý nói như vậy. Nhưng nếu có nói, hẳn anh ta dùng rất ít lời lẽ, cũng như anh ta có rất ít khả năng lựa chọn. Vì thứ tình yêu ta đang nhắc tới ở đây được khoác lên ảo tưởng về sự vĩnh hằng. Như các bậc thầy hiểu rõ thế nào là đam mê dạy ta, tình yêu vĩnh cửu chỉ có thể là tình yêu bị cách ngăn. Không có đam mê nào không cần tranh đấu. Tình yêu chỉ lên đỉnh điểm trong sự đối ngược tột cùng là cái chết.
Người ta phải là một Werther, hoặc chẳng là gì. Có rất nhiều cách để tự sát, một trong số đó là hoàn toàn cho đi và quên đi cái tôi. Don Juan, cũng như bất cứ ai khác, biết rằng điều này gây xúc động lòng người. Nhưng gã là một trong rất ít người biết rằng đây không phải là điều quan trọng. Gã cũng biết rằng ai quay lưng lại với cuộc đời riêng vì một tình yêu vĩ đại không chắc sẽ làm giàu cho chính họ, nhưng chắc chắn sẽ làm hao mòn cùng kiệt đối tượng họ yêu thương. Một người mẹ đầy tình thương hay một người vợ say đắm tất yếu có một trái tim khép kín, vì nó quay lưng lại với thế giới. Chỉ còn một cảm xúc duy nhất, nhưng tất cả đều bị giày vò. Tình yêu của Don Juan thì khác hẳn, tình yêu này có tính giải phóng. Nó hé lộ mọi khuôn mặt cho thế giới, và sự rung động của nó xuất phát từ một thực tế nó biết rõ, rằng tình say ắt có lúc tàn. Don Juan đã lựa chọn không trở thành gì cả.
Đối với gã, vấn đề là phải nhìn thấu. Chúng ta gọi điều gắn kết ta với người nào đó là tình yêu chỉ do căn cứ trên quan niệm về tình yêu trong sách vở hay truyền thuyết. Nhưng trong tình yêu tôi biết, chỉ có sự hòa trộn của khát khao, niềm yêu thích và trí tuệ gắn kết tôi với người này hay người khác. Sự hòa trộn đó ở mỗi người mỗi khác. Tôi không có quyền đặt chung một cái tên cho trải nghiệm của mọi người. Như vậy người ta không phải yêu theo một cách giống nhau. Con người phi lý một lần nữa nhân lên cái điều mà anh ta không thể hợp nhất. Do đó anh ta phát hiện ra một phương pháp tồn tại mới có thể giải thoát anh ta, ít nhất cũng bằng mức nó giải phóng những người tiếp cận anh ta. Tình yêu chỉ có thể vươn lên tầm cao quý khi nó tự thừa nhận rằng nó ngắn ngủi và nó là độc nhất vô nhị. Tất cả những sự lụi tàn và tái sinh ấy hợp thành bó hoa cuộc đời cho Don Juan. Đó là cách cho đi và trao quyền sức sống của gã. Tới đây tôi xin nhường quý vị quyết định xem như thế có phải là ích kỷ không.
***
Tới đây, tôi lại nghĩ đến những người khăng khăng muốn Don Juan bị trừng phạt. Không chỉ ở kiếp lai sinh, mà cả ở cuộc đời hiện tại. Tôi nghĩ về những truyện kể, truyền thuyết và những lời cười nhạo về nhân vật Don Juan tính đến nay hẳn là đã già lão lắm. Nhưng Don Juan đã sẵn sàng. Với một con người có ý thức, tuổi già và những gì nó báo trước không có gì bất ngờ. Thật ra, ý thức của gã thể hiện ở chừng mực gã không không che giấu nỗi kinh hoàng trước nó. Ở Athens có một ngôi đền dành riêng dành cho tuổi già. Từ nhỏ trẻ em đã được đưa đến đó. Đối với Don Juan, càng có nhiều người cười gã, hình tượng của gã càng nổi bật. Bởi thế, gã từ chối điều mà những nhà lãng mạn thêm thắt vào cho gã. Không ai nỡ cười một Don Juan bị hành hạ và đáng thương. Gã được xót thương, thiên đường sẽ cứu rỗi gã chăng? Nhưng không phải như thế. Cái vũ trụ mà Don Juan thoáng nhìn thấu được chút gì này, cũng bao hàm sự nhạo báng. Hẳn gã cho rằng bị trừng phạt thì cũng bình thường thôi. Luật chơi là thế. Mà thật ra, chấp nhận mọi luật chơi cũng là tính cách điển hình ở người có địa vị cao quý như gã. Nhưng gã biết mình đúng, và thật ra không có gì gọi là trừng phạt. Số phận không phải là sự trừng phạt.
Đó là tội lỗi của gã, cũng dễ hiểu vì sao những người con của Chúa kêu gọi phải giáng sự trừng phạt xuống đầu gã. Gã đạt được sự hiểu biết không dung chứa ảo tưởng và hiểu biết ấy phủ định mọi thứ những kẻ kia tuyên xưng. Tình yêu và sở hữu, chinh phục và hưởng thụ, đó là phương cách Don Juan tìm biết. (Trong Kinh thánh từ “tìm biết” này còn có nghĩa chỉ quan hệ xác thịt) Gã là kẻ thù tồi tệ nhất đối với những kẻ kia, dù gã chẳng biết gì về họ. Một nhà chép sử thuật lại rằng nhân vật Burlador ngoài đời bị ám sát bởi những tín đồ dòng Fransciscan; những người này muốn “đặt dấu chấm hết cho sự thái quá và phỉ báng của Don Juan, nhân vật này ra đời đảm bảo cho kẻ ấy không bị trừng phạt.” Sau đó, họ tuyên bố rằng trời trừng phạt anh ta. Không ai làm rõ được cái chết kỳ lạ đó. Không ai cố chứng minh khác đi. Nhưng dù không thắc mắc chuyện đó có khả năng xảy ra thật hay không, thì tôi cũng thấy rằng nó nghe khá hợp logic. Ở đây tôi chỉ nhặt ra từ “ra đời” để mà chơi chữ chút đỉnh: chính việc sống trên đời mới đảm bảo sự vô tội của anh ta. Còn tội lỗi giờ đã trở thành huyền thoại của anh được rút ra từ cái chết.
Liệu Viên chỉ huy bằng đá đó còn có thể ám chỉ điều gì khác, khi mà khối đá lạnh lẽo được cho cất bước đi để trừng phạt máu nóng và lòng can đảm dám tư duy? Mọi quyền năng của Lý trí vĩnh cửu, của trật tự, của đạo đức phổ quát, trước tất cả vẻ hùng vĩ xa lạ của một Đấng tối cao đang phẫn nộ kết tinh trong hình tượng đó. Khối đá khổng lồ và vô hồn đó tượng trưng cho mọi lực lượng mà Don Juan mãi mãi phủ nhận. Nhưng sứ mệnh của Viên chỉ huy chỉ tới đó. Sấm sét có thể quay lại cõi thiên đường mô phỏng nơi chúng được triệu hồi. Bi kịch thực sự diễn ra chẳng liên quan gì đến những phương tiện trừng phạt đó. Không, Don Juan không chết dưới bàn tay đá ấy. Tôi muốn tin vào dáng vẻ ngông ngạo đã thành huyền thoại, tin vào tiếng cười khinh cuồng của con người khởe mạnh trêu ngươi một Thượng đế không tồn tại. Nhưng trên hết, tôi tin rằng vào cái đêm Don Juan ngồi đợi ở nhà Anna, Viên chỉ huy thật ra không đến, và sau nửa đêm, kẻ ăn nói báng bổ chắc hẳn cảm nhận được nỗi đắng cay đáng sợ của những người trước nay luôn luôn đúng. Thậm chí tôi càng sẵn lòng chấp nhận một kịch bản khác về cuộc đời Don Juan, rằng gã ta đến cuối đời lánh mình trong tu viện. Nhưng không phải vì lý do đạo đức. Gã còn có thể cầu xin chỗ nương náu nào từ Thượng đế nữa? Nhưng kịch bản đó tượng trưng cho kết quả hợp logic của một cuộc đời hoàn toàn thấm nhuần sự phi lý, đó là kết cục nghiệt ngã cho một kiếp tồn tại luôn hướng về niềm vui sống ngắn ngủi. Khi đó niềm khoái lạc xác thịt trỗi lên trong nếp tu hành khổ hạnh, cần thấy rằng chúng có thể là hai mặt thể hiện của cùng một sự cùng quẫn. Còn gì khủng khiếp hơn cảnh tượng người đàn ông bị chính thân xác mình bội phản, mà lý do đơn giản chỉ vì ông ta đã không chết vào đúng thời điểm; giờ phải kéo nốt với vở hài kịch chờ phút hạ màn, đối mặt trực tiếp với vị Chúa trời ông ta không hề tôn sùng, và phụng sự vị ấy như ông ta từng phụng sự cuộc sống, quỳ gối trước cái trống rỗng và giang tay về phía thiên đường thiếu vắng sức thuyết phục mà ông biết là đối với mình, nơi đó chẳng có chiều sâu?
Tôi như thấy Don Juan trong hốc phòng nhỏ tại một trong những tu viện Tây Ban Nha nằm khuất dạng trên đỉnh đồi. Và nếu gã ta có chiêm ngắm thứ gì, thì hẳn đó không phải là bóng ma của những cuộc tình trong quá khứ, mà có lẽ qua khe hẹp trên bức tường đang tắm mình dưói nắng, gã thấy cảnh bình nguyên yên tĩnh ở đâu đó trên đất nước Tây Ban Nha, miền đất xinh đẹp, vô hồn, nơi gã nhận ra chính mình. Phải, màn phải buông xuống ngay cảnh u sầu mà rực rỡ này. Kết cục cuối cùng, được chờ đợi nhưng không bao giờ trở thành điều ao ước, kết cục đó không có gì đáng kể.
Thần Thoại Sisyphus Thần Thoại Sisyphus - Albert Camus Thần Thoại Sisyphus