Reading - the best state yet to keep absolute loneliness at bay.

William Styron

 
 
 
 
 
Tác giả: Albert Camus
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2681 / 146
Cập nhật: 2017-08-30 02:58:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Những Tường Thành Phi Lý
iống như các tác phẩm lớn, những cảm nhận sâu sắc luôn chứa đựng nhiều tầng nghĩa hơn những lời ta chủ tâm dùng để biểu đạt chúng. Cơn bốc đồng hoặc cảm giác thôi thúc trong tâm hồn thường xuyên trỗi lên trong nếp quen hành động hay suy nghĩ được tái hiện trong những hệ quả mà chính tâm hồn không hề hay biết. Những cảm nhận lớn lao cuốn theo chúng vũ trụ của riêng mình, huy hoàng hay thảm hại. Với sự mãnh liệt của mình, những cảm xúc ấy thắp sáng một cõi riêng biệt có môi trường phù hợp với chúng. Có vũ trụ của lòng ghen tị, vũ trụ của tham vọng, vũ trụ của thói ích kỷ, vũ trụ của lòng quảng đại. Một vũ trụ, nói cách khác là một khái niệm siêu hình, một thái độ tinh thần. Những đặc tính gắn với những cảm nhận đã được định danh, thậm chí còn mạnh mẽ hơn nơi những cảm xúc mà về cơ bản là bất định, vừa mơ hồ vừa “rõ rệt”, vừa xa vời lại vừa rất “hiện thực”; hệt như những cảm giác dễ chịu khi nhìn vẻ đẹp hoặc cảm giác bị kích thích khi vấp phải sự phi lý.
Cảm nhận về phi lý có thể ập đến với bất kỳ ai ở bất cứ nơi đâu. Nó hiện ra như là chính nó, trong sự trần trụi đến đau đớn, được soi rọi trong thứ ánh sáng không tô vẽ; thật khó mà nắm bắt nó. Nhưng chính sự khó khăn vô cùng đó đáng cho chúng ta suy nghĩ. Quả là có lẽ ta mãi mãi không hiểu hết một con người, cái cốt lõi tối giản trong anh ta cứ trượt khỏi chúng ta. Nhưng trên thực tế ta có nhận biết được những người khác; ta nhận dạng được họ thông qua cách cư xử, qua toàn bộ những việc họ làm, qua những hệ quả cuộc sống mà họ để lại trong kiếp hiện hữu của họ. Tương tự, mặc dù những cảm nhận bất duy lý nêu trên không cho ta cơ sở nào để phân tích chúng, nhưng trên thực tế ta vẫn có thể định danh chúng, nhận thức được về chúng, bằng cách thu thập mọi kết quả sinh ra từ chúng xét trong bình diện trí tuệ, bằng cách nắm bắt và ghi nhận mọi khía cạnh của chúng, và vạch nên đường viền cái vũ trụ bao quanh chúng.
Rõ ràng là dù đã xem một diễn viên biểu diễn hàng trăm lần, ta cũng không vì thế mà hiểu anh ta hơn chút nào. Nhưng nếu ta đúc kết mọi vai diễn anh đã hóa thân, rồi nói rằng khi xem anh diễn đến vai thứ một trăm thì tôi hiểu rõ anh hơn một chút, thì lời tuyên bố ấy nghe ra có phần nào sự thật. Bởi vì cái nghịch lý hiển nhiên đó cũng là một ngụ ngôn. Nó ẩn chứa bài học đạo đức. Rằng con người định nghĩa bản thân mình bằng sự giả vờ bên ngoài lẫn những thôi thúc rất chân thực bên trong. Do đó, có một nấc cảm nhận thấp hơn của cảm xúc, tuy vẫn không để ta tiếp cận tận cốt lõi của nó, nhưng được bộc lộ phần nào qua hành động và tính cách vai diễn của người diễn viên. Rõ ràng đó chính là một phương pháp. Nhưng hiển nhiên phương pháp đó là để phân tích chứ không phải để đạt đến tri thức. Vì bản thân các phương pháp đều hàm chứa yếu tố siêu hình, nên chúng thường khẳng định vẫn còn nhiều điều chưa biết ở ngay trong những kết luận rút ra từ chúng; cũng như nội dung của những trang đầu của một cuốn sách có chứa đựng phần nào nội dung những trang cuối cùng của cuốn sách đó. Mối liên hệ đó là đương nhiên. Xác định và vận dụng một phương pháp cũng có nghĩa là thừa nhận cảm giác rằng không thể nào đạt được toàn bộ mọi hiểu biết đích thực. Ta chỉ có thể liệt kê ra những biểu hiện đơn lẻ và bối cảnh khiến ta cảm nhận được chúng.
Có lẽ chúng ta sẽ nắm bắt được cảm giác phi lý khó nắm bắt đó trong những bình diện khác biệt nhưng có liên hệ mật thiết như trí tuệ, lối sống, hay cả nghệ thuật. Hoàn cảnh nảy sinh sự phi lý xuất hiện ở giai đoạn khởi đầu. Điểm kết thúc là vũ trụ phi lý và một thái độ tinh thần soi sáng thế giới với những màu sắc thực của nó, đưa lại cho thế giới một diện mạo rạng ngời và không lay chuyển mà ta chỉ thấy được khi nhìn nhận thế giới với thái độ ấy.
***
Tất cả những hành động và những tư tưởng vĩ đại đều khởi đầu có phần kỳ cục. Các tác phẩm lớn ra đời ngay sau ngã rẽ ở góc đường hay chỗ cửa xoay một nhà hàng. Vậy nên chúng gắn với sự phi lý. Khác với những môi trường khác, thế giới phi lý trích xuất được cái cao nhã từ hoàn cảnh ra đời tầm thường như vậy. Trong một số trường hợp nhất định, khi hỏi một người suy nghĩ hay cảm nhận về điều gì mà người đó trả lời “không gì cả”, thì có thể anh ta đang giả vờ. Những kẻ được yêu khá rõ điều ấy. Nhưng giả sử câu đáp ấy là thành thật, nếu nó quả thực tượng trưng cho một trạng thái lạ thường của tâm hồn khi mà cái phần “không” lại trở nên hùng hồn, khi chuỗi hành vi hằng ngày bị bẻ gãy, khi trái tim vô vọng tìm kiếm mối liên kết giúp kết nối chuỗi hành vi đó lại một lần nữa, thì khi ấy có thể coi đó chính là dấu hiệu đầu tiên của sự phi lý.
Cũng có khi cái quy trình định sẵn từng bước sụp đổ. Sáng dậy, lên xe đi làm, bốn giờ trong văn phòng hoặc nhà máy, ăn trưa, lên xe về chỗ làm, bốn giờ công việc chiều, ăn tối, ngủ nghỉ, và Thứ Hai Thứ Ba Thứ Tư Thứ Năm Thứ Sáu và Thứ Bảy cùng theo nhịp điệu này – cái lối mòn ta vẫn thường dễ dàng tuân theo. Nhưng một ngày nào đó, câu hỏi “tại sao” xuất hiện, thế là mọi sự bắt đầu trong cái mệt mỏi nhuốm màu kinh ngạc. “Bắt đầu” – đây là điều quan trọng. Sự mệt mỏi xuất hiện ở ngưỡng cuối cùng của chuỗi hành vi sống như cái máy, nhưng đồng thời nó kích khởi ý thức. Nó đánh thức ý thức và kích khởi những gì tiếp sau. Nghĩa là hoặc ta trở lại cái nhịp điệu đều đều trước đó của đời sống, hoặc đạt tới sự tỉnh thức hoàn toàn. Và khi sự tỉnh thức đã đi đến điểm tột cùng, thì kết quả chỉ có thể là tự sát hay hồi phục. Bản thân sự mệt mỏi chứa đựng trong nó cảm giác không thể chịu đựng nổi, mà ở đây, tôi phải kết luận rằng điều đó là tốt. Vì mọi sự đều bắt đầu với ý thức, và cái “không gì cả” chỉ trở nên có giá trị một khi người ta ý thức về nó. Những nhận xét trên không có gì là mới mẻ độc đáo. Nhưng chúng là hiển nhiên, thế đã là đủ cho quá trình ta khảo sát sơ qua nguồn gốc của phi lý. Chỉ có “nỗi bất an”, như Heidegger nói, mới là nguồn gốc của tất cả mọi thứ.
Tương tự, thời gian gánh đưa chúng ta trong dòng chảy của nó, ngày lại ngày trong suốt cuộc đời bình lặng. Nhưng thể nào cũng đến một khoảnh khắc mà chúng ta phải gánh lấy thời gian. Chúng ta sống bằng tương lai: “ngày mai”, “sau đó”, “khi ta đã định rõ được phương hướng”, “cứ sống đủ lâu đi rồi hiểu chuyện”. Những lời trì hoãn “chưa tới lúc” ấy thật hay ho, bởi nói cho cùng, sống là quá trình đi dần đến cái chết. Tuy nhiên, rồi đến một ngày người nọ được nhắc nhở hoặc tự nhận ra rằng anh ta đã đến tuổi ba mươi. Anh khẳng định sự trẻ trung của mình vào thời điểm đó. Nhưng đồng thời anh cũng đặt mình vào mối liên hệ với thời gian. Anh nhận lấy vị trí của mình trong đó. Anh thừa nhận mình đang đứng ở một điểm nhất định trên đường cong thời gian mà anh phải đi cho đến tận cùng. Anh ta thuộc về thời gian, và khi nỗi kinh sợ bóp nghẹt mình, anh ta nhận ra kẻ thù tồi tệ nhất. Ngày mai, anh ta khao khát ngày mai, trong khi chính bản thân anh phải chối bỏ nó. Cuộc nổi dậy đó của xác thịt chính là một sự phi lý.
Hay ở nấc thấp hơn là cảm giác xa lạ: Ta nhận thức rằng thế giới này “bất khả xâm nhập”, ta cảm nhận được cái hòn đá kia xa lạ, nó không hề vì ta mà đổi hình đổi dạng; thiên nhiên mãnh liệt hay phong cảnh kia đâu cần gì sự hiện diện của chúng ta. Cốt lõi của mọi vẻ đẹp đều chứa đựng một cái gì đó phi nhân tính; và những ngọn đồi này, bầu trời dịu êm kia, các đường viền của bóng cây nọ, tại chính giây phút này mất đi ý nghĩa hão huyền mà chúng ta đã khoác lên cho chúng, để rồi chúng trượt xa ta hơn cả một thiên đường đã mất. Qua hàng thiên niên kỷ, sự thù địch nguyên thủy của thế giới trỗi dậy để đối mặt với chúng ta, trong tích tắc ta thôi không còn hiểu được thế giới, bởi vì hàng nhiều thế kỷ nay, ta chỉ còn thấy được những hình ảnh và đường nét mà ta gán cho nó từ trước; và bởi vì từ tích tắc ấy trở đi chúng ta không còn sức mạnh để vận dụng cái mưu mẹo đó. Thế giới né tránh ta vì nó sẽ trở về là chính nó, một lần nữa. Tấm phông cảnh trí sân khấu từng bị che phủ bởi nếp sống theo thói quen lại một lần nữa lộ ra chân thực. Nó lùi ra cách ta một quãng. Cũng như có những ngày, dưới khuôn mặt quen thuộc của người phụ nữ trong gia đình, chúng ta thấy một phiên bản xa lạ của chính người mà chúng ta đã yêu thương nhiều tháng hoặc nhiều năm trước, và có lẽ chúng ta thậm chí sẽ khao khát chính cái điều đột nhiên khiến chúng ta trở nên cô đơn đến vậy. Nhưng thời khắc ấy vẫn chưa đến. Giờ ta chỉ thấy rõ: sự bất khả xâm nhập và xa lạ đó của thế giới là sự phi lý.
Trong con người cũng ẩn giấu yếu tố phi nhân tính. Vào những thời điểm nhất định, con người tuy vẫn sáng suốt nhưng những cử chỉ cứng nhắc như máy, những hành động như kịch câm vô nghĩa của họ khiến mọi thứ xung quanh nhuốm màu ngớ ngẩn. Ví như khi quan sát một người đang nói chuyện điện thoại sau bức vách bằng kính; ta không thể nghe ông ta, nhưng khi xem màn múa máy tay chân ngớ ngẩn ấy, hẳn ta phải tự hỏi ông ta sống trên đời vì cái gì. Vẻ nhăn nhíu trên mặt người đàn ông chứa đựng sự phi nhân tính, sự sụp đổ khôn lường hình ảnh của chúng ta, cái sự "buồn nôn” này, như một nhà văn ngày nay gọi nó, cũng là sự phi lý. Cũng như có những lúc thoáng qua ta ngỡ ngàng thấy trong gương là người lạ; hình ảnh thân thuộc mà vẫn khiến ta hoang mang trong những bức ảnh cũ của chính mình cũng là sự phi lý.
Cuối cùng tôi xin bàn tới cái chết và thái độ chúng ta trước cái chết. Cho đến thời điểm này, mọi điều xoay quanh chủ đề ấy đều đã được bàn tới, và điều duy nhất hợp lẽ bây giờ là tránh mọi phân tích lâm ly thống thiết. Điều vô cùng đáng ngạc nhiên chính là, mọi người trên đời đều sống như thể chẳng ai “từng biết” chết là gì. Đó là do chưa ai từng có kinh nghiệm về sự chết. Nói một cách chính xác, người ta chỉ có kinh nghiệm về những gì đã làm trong thời gian sống có ý thức. Không ai có thể nói về kinh nghiệm tử vong của người khác. Cái chết luôn là một ảo ảnh, một kinh nghiệm của ai khác, vì thế không bao giờ ta nhận thức được hoàn toàn. Cái thủ tục u sầu ấy của đời người không bao giờ có thể có tính thuyết phục. Ta cảm nhận được khía cạnh khủng khiếp của cái chết khi tính toán về nó. Thời gian gây nỗi kinh hoàng nơi ta vì nó làm nảy sinh vấn đề mà giải pháp thì đến sau đó. Tất cả những lời hay ho về linh hồn sẽ bị phủ định, ít nhất là trong một quãng thời gian nhất định. Trong cái thể xác trơ trơ đến nỗi cái tát cũng không còn có thể in dấu, linh hồn đã biến mất. Khía cạnh cơ bản và tột cùng này của chuyến hành trình cuộc đời chứa đựng cảm giác phi lý. Dưới ánh soi chiếu chết người của số phận, sự vô dụng của nó trở nên rõ ràng. Không có chuẩn mực đạo đức nào, không có nỗ lực nào có thể biện minh một cách tiên nghiệm cho phép tính tàn nhẫn quyết định hoàn cảnh của chúng ta.
Xin nhắc lại: tất cả những điều trên đã được nhiều người khác nói đến nhiều lần. Ở đây tôi chỉ phân loại nhanh những ý kiến ấy và chỉ ra những xu hướng rõ rệt, vốn xuất hiện trong mọi nền văn học lẫn triết học. Ta bàn về những chủ đề ấy hàng ngày, nên không cần thiết phải “phát minh” chúng lần nữa. Nhưng quan trọng là phải chắc chắn về những điều trên để có thể đặt câu hỏi tiếp theo dựa trên câu hỏi gốc. Điều tôi quan tâm, xin nhắc lại, không đi sâu vào khám phá phi lý là gì mà chú trọng hơn vào những hậu quả của chúng. Nếu có người chắc chắn được về những sự thật này, thì người đó có thể rút ra kết luận gì? Và người đó phải tiến xa đến đâu thì mới đến mức không còn phải tránh né câu hỏi nào nữa? Liệu khi ấy người đó sẽ chết một cách vui lòng tự nguyện, hay vẫn ôm ấp hy vọng bất chấp mọi điều mình biết? Trước tiên, ta cũng cần điểm nhanh qua những xu hướng tương tự trên bình diện trí tuệ.
***
Quá trình đầu tiên của tâm trí là phân biệt đâu là đúng đâu là sai. Nhưng khi ta biết nghĩ suy về những suy nghĩ của chính mình, thì phát hiện đầu tiên chính là sự mâu thuẫn. Mọi cố gắng chứng minh mình đúng trong trường hợp này là vô dụng. Nhiều thế kỷ nay, không ai diễn tả vấn đề này rõ ràng và súc tích hơn Aristotle: “Các ý kiến này thường đưa đến kết quả nực cười là chúng phủ định chính mình. Vì khi khẳng định tất cả đều đúng, thì có nghĩa là phản đề của nó cũng đúng, như thế chính đề của ta trở thành sai (bởi phản đề không thừa nhận là nó đúng). Còn nếu nói tất cả đều sai, thì chính bản thân lập luận đó đã sai rồi. Nếu ta cho rằng chỉ duy nhất lời khẳng định trái ngược với lập luận của chúng ta là sai hoặc chỉ duy có lập luận của ta là không sai, thì dù sao ta vẫn buộc phải thừa nhận vô số các nhận định hoặc đúng hoặc sai. Bởi người nêu lên một khẳng định đúng đồng thời cũng cho rằng nó là đúng, và cứ như vậy ad infinitum (vô cùng tận).”
Vòng luẩn quẩn này chỉ là mắt xích đầu tiên của hàng loạt trường hợp khi mà trí tuệ tự nghiền ngẫm về chính nó thì bị lạc trong vòng xoáy choáng váng. Chính sự đơn giản vô cùng của những nghịch lý này khiến không thể quy giản chúng hơn nữa. Dù đó có là trò lắt léo của ngôn ngữ hay lý luận đi nữa, thì trên hết, sự lĩnh hội đồng nghĩa với sự quy nhất. Mong muốn sâu thẳm nhất của tâm trí, ngay cả khi đang tư duy ở mức tinh vi phức tạp nhất, là cố gắng làm đồng bộ những xúc cảm vô ý thức trong thế giới nó nhận thức được: nó khăng khăng hướng về cái thân thuộc, nó khao khát sự rõ ràng. Đối với con người, lĩnh hội thế giới chính là quá trình quy giản nó về hệ quy chiếu của loài người, đóng con dấu cá nhân vào nó. Vũ trụ của con mèo không phải là vũ trụ trong tổ kiến. Sự thật hiển nhiên “Tất cả tư duy đều theo thuyết nhân hình” đúng chính xác là như vậy. Cũng như khi trí óc muốn lĩnh hội thực tế, thì nó chỉ thỏa mãn khi quy được cái thực tế ấy về giới hạn của tư duy. Nếu con người thấy rằng vũ trụ cũng biết yêu và đau khổ như anh ta, thì anh ta được an lòng. Còn nếu, qua những tấm gương soi chiếu – chính là các hiện tượng xảy ra, tâm trí nhìn thấy được những mối tương quan vĩnh hằng có thể tổng quy tư tưởng cũng như tổng quy chính chúng theo cùng một nguyên tắc đơn nhất, thì tâm trí sẽ được hưởng niềm vui trí tuệ là nhận ra huyền thoại về các đấng thánh thần chẳng qua chỉ là sự mô phỏng nực cười. Nỗi hoài vọng về nhất nguyên và niềm khát khao về cái tuyệt đối minh họa cho đường dây vận động cốt lõi trong vở kịch loài người. Nỗi hoài vọng đó tồn tại, nhưng không có nghĩa là nó sẽ được đáp ứng ngay tức thì. Vì, nếu lấp đi được vực sâu cách biệt giữa khao khát và chinh phục, thì coi như ta đã khẳng định trước Parmenides sự tồn tại của Nhất Thể (bất kể đó là gì), và khi đó ta lại rơi vào mâu thuẫn lố bịch khi khẳng định sự thống nhất toàn thể, rồi dùng chính sự thống nhất đó chứng minh sự khác biệt của nó, cũng như sự đa dạng mà nó muốn quy nhất lại. Thêm cái vòng luẩn quẩn này nữa là đủ để dập tắt hy vọng của chúng ta.
Những điều trên cũng là sự thật rõ rành rành. Xin nhắc lại rằng bản thân những điều hiển nhiên đó không có gì mới lạ, nhưng những hệ quả rút ra từ chúng thì lại đáng quan tâm. Ví như tôi biết một sự thật hiển nhiên: rằng người ta ai cũng chết. Có biết bao bộ óc từng rút ra những kết luận cực đoan từ điều hiển nhiên đó. Khi đọc tiểu luận này, luôn phải ý thức cái khoảng cách giữa điều ta muốn biết và điều ta thực sự biết được, giữa sự chấp nhận trên thực tế và thái độ vờ như không biết, nhờ đó ta sống an ổn với những tư tưởng mà, nếu ta thật sự kiểm nghiệm chúng, thì hẳn là toàn bộ cuộc sống của ta sẽ bị xáo lộn. Đứng trước nỗi mâu thuẫn của tâm trí không bao giờ có thể dứt bỏ đi này, ta hiểu được trọn vẹn vực sâu phân cách giữa chúng ta với những gì chính ta sáng tạo ra. Chừng nào mà tâm trí còn ngủ yên trong thế giới tĩnh tại như nó mong muốn, thì mọi vật hãy còn được phản ánh và sắp đặt đúng theo nếp hằn trước nay nó từng biết. Nhưng chỉ cần tâm trí thức động, là cái thế giới ấy rạn nứt rồi sụp đổ, bày ra muôn vàn mảnh vỡ lấp lóa dội vào hiểu biết. Chúng ta phải mãi mãi từ bỏ hy vọng tái dựng tại cái bề mặt quen thuộc, bình lặng khiến ta yên lòng đó. Bao nhiêu thế kỷ kiếm tìm đã thất bại, bao nhiêu nhà tư tưởng phải bỏ cuộc, như thế đủ khiến ta nhận rõ rằng: thực tế đó là chắc chắn, trong tất cả mọi mảng tri thức con người. Và ngoại trừ những người chuyên theo hẳn con đường duy lý, thì đa phần con người ngày nay không mong gì đạt được sự thấu tỏ thật sự. Và nếu chỉ được ghi lại một quá trình lịch sử quan trọng duy nhất của tư tưởng con người, thì đó hẳn phải là lịch sử của những hối tiếc kế tiếp tiếc nuối và nỗi bất lực đi kèm.
Tôi có thể thực sự tuyên bố “Tôi có biết” về ai hay về vật gì được đây. Trái tim này đập trong lồng ngực tôi, tôi có thể cảm thấy nó, và tôi cho rằng nó tồn tại. Tương tự, tôi có thể chạm vào thế giới này, nên tôi cho rằng nó tồn tại. Hiểu biết của tôi chỉ tới đó, phần còn lại là do tôi tự dựng lên. Vì nếu tôi cố gắng để nắm bắt lấy bản chất của thứ mà tôi ngỡ mình đã biết chắc, nếu tôi cố gắng định nghĩa nó, khái quát hóa nó, thì chẳng khác nào cố dùng tay nắm bắt làn nước, nước cuối cùng cũng chảy hết qua kẽ tay. Tôi có thể phác họa tất cả các đặc tính nó có, những diện mạo nó mang, như sự giáo dục này, nguồn gốc ấy, sự nhiệt tình như vậy, những khoảng lặng kia, vẻ cao quý hoặc đồi bại nọ. Nhưng những khía cạnh ấy không thể cộng gộp lại đúng bằng một “nó” chính xác. Tôi không thể xác định rõ ngay cả chính trái tim mình. Giữa sự chắc chắn mà tôi biết về sự tồn tại của mình với những nội dung tôi cố gắng đưa ra để xác nhận sự chắc chắn đó là một khoảng cách, và khoảng cách ấy không bao giờ có thể lấp đầy. Mãi mãi, tôi là một người xa lạ với chính mình. Trong tâm lý học, cũng giống như trong logic, có nhiều chân lý nhưng không có sự thật. Như câu Socrates nói “Hãy tìm biết chính mình” cũng có giá trị như lời răn “Hãy sống đạo đức” ta nghe trong phòng xưng tội. Những lời ấy thể hiện sự hoài vọng cũng như sự thiếu hiểu biết. Chúng là những bài luyện tập vô ích trước những chủ đề lớn. Chúng chỉ có lý trong chừng mực tiệm cận chân lý.
Những cây cối này, tôi biết bề mặt xù xì của chúng; làn nước này, tôi nếm được vị mát lành của nó. Mùi cỏ tươi và những ngôi sao trong đêm, cả những buổi chiều yên ả cho cõi lòng ta nguôi dịu; vậy thì làm sao phủ nhận thế giới này, khi mà ta vẫn cảm nhận thấy năng lượng và sức mạnh của nó? Tuy nhiên, mọi hiểu biết trên đời đều không đảm bảo được với tôi rằng thế giới này là của tôi. Người ta miêu tả thế giới cho tôi, dạy tôi phân loại những gì có trong nó. Người ta liệt kê ra những quy luật của nó và trong cơn khát hiểu biết, tôi thừa nhận rằng chúng là sự thật. Đến lúc người ta chia nhỏ cấu trúc của nó ra từng phần để xem xét, hy vọng của tôi càng tăng. Rồi cuối cùng người ta dạy tôi rằng vũ trụ kỳ diệu được tạo thành từ các nguyên tử và bản thân nguyên tử cũng có thể được quy thành các điện tử. Hay quá, tôi tiếp tục chờ được biết thêm. Nhưng rồi người ta lại nói đến một hệ thống gồm các điện tử quay quanh và hướng về hạt nhân, mà cái hình ảnh đó không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Thế hóa ra người ta dùng một hình tượng để giải thích thế giới này cho tôi. Hóa ra rốt cuộc ta quy về địa hạt thơ ca: tôi sẽ không bao giờ biết rõ (bản chất của thế giới). Tôi có thời gian để phẫn nộ không? Những học thuyết đã thay đổi. Thế là khoa học vốn nhằm dạy tôi hiểu biết mọi điều cuối cùng quy về một giả thiết; cái rõ ràng minh bạch sa xuống sự ẩn dụ, và điều không chắc chắn ấy được làm rõ bằng một tác phẩm nghệ thuật. Vậy cần gì tôi phải nỗ lực nhiều đến vậy? Đường viền mềm mại của những ngọn đồi và niềm an ủi của buổi chiều tà với trái tim bối rối này còn cho tôi biết nhiều hơn thế. Tôi trở về điểm khởi đầu. Tôi nhận ra rằng cho dù có thể thông qua khoa học nắm bắt và liệt kê các hiện tượng, thì tôi vẫn không thể nhờ đó mà thấu tỏ được thế giới. Dù có ra sức tìm hiểu thật kỹ những gì khoa học cung cấp cho, thì tôi vẫn sẽ không biết gì thêm. Người ta bắt tôi lựa chọn giữa một bên là mô tả chắc chắn nhưng không dạy tôi điều gì, một bên là những giả thuyết có thể cho tôi kiến thức nhưng bản thân chúng lại không có gì chắc chắn. Tôi là người lạ ngay với bản thân mình và với thế giới, trong tay chỉ có duy nhất một ý định vốn tự phủ định ngay khi nó trỗi lên. Vậy tình trạng này là gì, khi mà tôi chỉ có thể sống yên ổn khi từ chối hiểu biết và từ chối sống, khi mà khát khao chinh phục va phải những tường thành chẳng xem nỗ lực đó vào đâu? Tỏ ý chí đồng nghĩa với việc khuấy lên nghịch lý. Tất cả mọi thứ được sắp xếp chỉn chu theo một trật tự nhằm đưa lại sự yên bình bị đầu độc, được sản sinh ra khi óc không nghĩ suy, tim không thúc giục hay bao nhiêu lần buông xuôi theo cái chết.
Từ đây, trí tuệ cũng mách bảo tôi theo cách của nó, rằng thế giới này là phi lý. Trái ngược với nó, lý trí mù quáng cũng có thể khẳng định hùng hồn không kém rằng tất cả đều rõ ràng; tôi chờ đợi bằng chứng và khao khát mong nó là đúng. Nhưng bất kể sau bao nhiêu thế kỷ ồn ào, bao nhiêu nhân vật giỏi hùng biện và thuyết phục, tôi vẫn biết điều đó là sai. Ít nhất trên phương diện này, tôi không hạnh phúc nếu tôi không thể hiểu biết. Lý trí phổ biến trong thực tế hay trong đạo đức, thuyết tất định, những phạm trù giúp lý giải tất cả mọi thứ đó đủ khiến một người lịch sự mấy cũng phải phì cười. Chúng chẳng giúp được gì cho trí tuệ. Chúng phủ nhận sự thật sâu xa, đã bị xích xiềng của tâm trí. Rồi trong cái vũ trụ bị giới hạn và không thể lý giải đó, số phận con người được khoác cho ý nghĩa của nó. Rồi hàng loạt những điều phi lý bung nở và bao bọc con người cho đến tận cuối đời. Rồi khi sự sáng suốt được phục hồi, và giờ đây đi kèm với sự cân nhắc có chủ tâm, cảm giác phi lý càng chắc chắn và rõ ràng. Tôi có nói rằng thế giới là vô lý, nói vậy là quá vội vàng. Thế giới chứa đựng điều không thể lý giải được, ta chỉ có thể nói vậy. Cái phi lý nằm ở xung đột giữa sự không thể lý giải này và nỗi khát khao mãnh liệt được hiểu biết rõ ràng về thế giới vốn luôn dội trong trái tim con người. Sự phi lý phụ thuộc vào con người cũng nhiều như phụ thuộc vào thế giới. Tạm thời nó là tất cả những gì liên kết con người và thế giới lại với nhau. Cũng như có khi nỗi hận thù là mối dây duy nhất gắn kết hai con người. Đây là tất cả những gì tôi có thể nhận thức rõ ràng trong vũ trụ khôn lường này, nơi chuyến phiêu lưu của tôi diễn ra. Chúng ta hãy dừng lại ở đây. Nếu tôi coi sự phi lý đang điều chỉnh mối quan hệ của tôi với cuộc sống là thật, nếu tôi triệt để thấm nhuần quan điểm neo tôi lại trong thế giới này, với sự sáng suốt đặt lên tôi do theo đuổi một tri thức, thì tôi phải hy sinh tất cả mọi thứ cho những điều chắc chắn này, và phải luôn chuyên chú vào chúng mới có thể duy trì chúng. Trên tất cả, tôi phải điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp và lần theo mọi hậu quả sinh ra từ chúng. Phép tắc đúng theo lý phải là như vậy. Nhưng trước hết tôi muốn biết liệu tư duy có thể sống trong những sa mạc này hay không.
***
Tôi đã biết rằng ít nhất, tư duy xâm nhập được vào những sa mạc ấy. Ở đó, nó tìm thấy thứ nuôi sống nó thực sự. Và cũng ở đó, nó nhận ra rằng trước đó nó chỉ được nuôi bằng ảo tưởng. Nó đã lấp liếm biện hộ cho một số chủ đề suy ngẫm bức bách nhất của con người.
Từ thời điểm sự phi lý được nhận ra, nó trở thành một niềm đam mê đau đớn nhất. Nhưng vấn đề là liệu có ai sống được với những đam mê của mình, có ai chấp nhận được quy luật của chúng, những quy luật đốt cháy con tim mà chúng đang đồng thời chắp cánh, toàn bộ vấn đề là ở đó. Nhưng ta chưa đặt ra câu hỏi đó ngay bây giờ. Nó đứng ở cốt lõi trải nghiệm này. Sẽ có lúc ta trở lại với nó. Thay vào đó, ta hãy cảm nhận những chủ đề và những thôi thúc bắt nguồn từ sa mạc này. Chỉ cần liệt kê chúng ra là đủ. Bởi ngày nay chúng cũng đã được biết đến rộng rãi. Luôn luôn có những người đứng ra bảo vệ quyền của những điều không thể lý giải. Những suy nghĩ làm hạ thấp con người luôn tồn tại xuyên suốt lịch sử. Những chỉ trích nhằm vào chủ nghĩa duy lý xuất hiện thường xuyên đến nỗi có vẻ như không cần thiết khơi lại nữa. Tuy nhiên, kỷ nguyên của chúng ta được đánh dấu bằng sự hồi sinh của những hệ thống nghịch lý nỗ lực cản đường lý trí, như thể nó thực sự luôn tiến về phía trước. Nhưng điều đó không hẳn là một bằng chứng về sự hiệu quả của lý trí như ta thiết tha hy vọng. Trên bình diện lịch sử, sự tồn tại bền bỉ hai thái độ như thế là điển hình cho niềm đam mê trong bản chất của con người, bị giằng xé giữa một bên là thôi thúc ngả về nhất nguyên và một bên là cái nhìn rõ ràng về những tường thành vây quanh con người.
Nhưng có lẽ chưa bao giờ cuộc tấn công vào lý trí lại khốc liệt như trong thời của chúng ta. Kể từ sự bùng nổ của Zarathustra: “Sự ngẫu nhiên là điều cao quý lâu đời nhất thế gian. Ta gán đặc tính này cho vạn vật khi tuyên bố rằng ở trên vạn vật không có ý chí bất diệt nào được thực thi cả,” kể từ căn bệnh chết người của Kierkegaard, “chứng bệnh đưa đến cái chết, không có gì khác theo sau nó”; những chủ đề quan trọng và gây nhiều trăn trở về tư duy phi lý đã nối nhau ra đời. Hoặc ít nhất, và đây là điều kiện cốt yếu, là những đề tài mang tính tôn giáo và không thể lý giải. Từ Jaspers đến Heidegger, từ Kierkegaard đến Chestov, từ những nhà hiện tượng học đến Scheler; trên bình diện logic lẫn bình diện đạo đức, những trí tuệ nói trên phần nào chung nỗi hoài vọng, nhưng khác nhau ở phương pháp và mục đích, đã kiên trì ngăn chặn đại lộ hoàng kim của lý trí và khơi lại những nẻo đường trực tiếp dẫn đến sự thật. Ở đây tôi giả sử những tư tưởng này đã được biết đến và được duy trì. Bất kể họ muốn đạt được điều gì, thì những điều đó hẳn đều bắt nguồn từ cái vũ trụ không thể mô tả này, nơi mà mâu thuẫn, nghịch lý, sự dằn vặt đau đớn, hay nỗi bất lực ngự trị. Và điểm chung giữa những tư tưởng ấy chính là những chủ đề ngày nay đã được phơi bày. Phải nói rằng, đối với họ, điều quan trọng hơn hết chính là những kết luận họ rút ra được từ những khám phá đó. Điều đó quan trọng đến nỗi ta cần đặt nó riêng ra để xem xét. Nhưng ở đây chúng ta chỉ quan tâm đến những khám phá và những thử nghiệm ban đầu của họ. Chúng ta chỉ quan tâm đến những điểm họ đồng thuận với nhau. Nếu như nỗ lực mổ xẻ triết lý của các vị ấy bị cho là quá mức tự tin, thì ta khả dĩ làm được một việc là giới thiệu xu hướng chung của họ.
Heidegger lạnh lùng xem xét thân phận con người và cho rằng kiếp thế nhân quả thực tồi tàn. “Nỗi bất an” là điều duy nhất có thật phủ lên toàn bộ chuỗi hiện hữu. Đối với con người lạc giữa thế gian thường biến với bao điều khiến họ nhãng tâm, thì nỗi bất an chỉ là cảm giác sợ hãi thoáng qua. Nhưng nếu nỗi sợ hãi ý thức được về chính nó, thì nó sẽ chuyển thành nỗi thống khổ dai dẳng đeo bám con người sáng suốt “chứa đựng sự tồn tại đậm đặc”. Vị giáo sư triết học này viết không run tay, bằng thứ ngôn ngữ trừu tượng nhất đời rằng “tính chất hữu hạn và bị hạn chế trong sự tồn tại của con người còn nguyên thủy hơn chính con người”. Ông quan tâm đến triết lý của Kant chỉ để nhìn nhận sự hạn chế trong khái niệm “Lý tính thuần túy” của triết gia này. Điều này khớp với phần cuối trong phân tích của ông rằng “thế giới không còn có thể ban thêm bất cứ điều gì cho con người một khi anh ta đã bị nỗi thống khổ chất đầy.” Đối với ông, nỗi bất an này dường như quan trọng hơn mọi phạm trù khác, nên ông chỉ suy ngẫm và bàn luận về nó. Ông liệt kê ra mọi khía cạnh của nó: nỗi buồn chán khi con người bình thường cố gắng dồn nén và làm tê liệt cảm giác ấy trong tâm; nỗi khiếp sợ khi tâm trí chiêm ngắm cái chết. Ông cũng không tách bạch ý thức và sự phi lý. Ý thức về cái chết là tiếng gọi của nỗi thống khổ mà “kiếp hiện hữu gửi cho chính nó lời hiệu triệu thông qua trung gian là ý thức.” Đó là tiếng nói tột cùng của nỗi thống khổ và nó khẩn thiết gọi tồn tại “trở về đi, để khỏi mất hút giữa cõi Người Ta vô danh”. Đối với ông, con người không được yên ngủ mà phải luôn tỉnh thức sẵn sàng cho đến cùng. Ông đứng giữa thế giới phi lý này và chỉ ra tính chất phù du của nó. Ông tìm lối đi giữa những đổ nát.
Jaspers không trông mong gì vào mọi quan điểm của bản thể học vì ông tuyên bố rằng chúng ta đã mất đi “tính ngây thơ”. Ông biết con người không thể đạt tới điều gì siêu việt, vượt lên khỏi trò chơi chết chóc khi người ta phải lần lượt ra rồi vào sân khấu thế gian. Ông biết rằng kết cục của tâm trí là thất bại. Ông dừng lại khá lâu để nghiền ngẫm những cuộc phiêu lưu tinh thần ghi lại trong lịch sử, và vạch ra không thương tiếc lỗ hổng trong mỗi hệ thống, cái ảo tưởng cứu rỗi mọi điều, những bài thuyết giáo không che giấu được gì. Trong cõi thế gian bị tàn phá này, nơi mà kiến thức vấp phải sự bất khả, dường như hư vô vĩnh cửu là thực tế duy nhất, và nỗi tuyệt vọng không sao cứu vãn là thái độ duy nhất, ông cố công kết lại sợi chỉ của nàng Adriane để lần đến những điều thiêng liêng còn ẩn giấu.
Về phần Chestov, trong tác phẩm đơn điệu tuyệt vời của mình, ông cũng không ngừng hướng về những chân lý tương tự. Ông đã ra sức chứng minh một cách không mệt mỏi rằng ngay cả hệ thống quan niệm chặt chẽ nhất, chủ nghĩa duy lý phổ quát nhất cuối cùng cũng luôn phải vấp ngã trên điều mà tư duy con người không thể lý giải. Ông không bỏ sót bất kỳ một chân lý mỉa mai nào, hay một mâu thuẫn nực cười nào mà trong đó lý trí bị hạ thấp. Ông chỉ quan tâm đến một ngoại lộ duy nhất, dù trong tâm trí hay trái tim con người. Qua những trải nghiệm của con người bị trừng phạt trong tác phẩm Dostoevsky, qua cuộc phiêu lưu cuồng nộ trong tâm trí Nietzsche, qua những lời nguyền rủa của Hamlet, qua địa vị quý tộc chát đắng của lbsen, ông lần theo, nắm bắt, làm sáng tỏ, và phóng chiếu những cuộc nổi dậy của con người chống lại những điều không thể cứu vãn. Ông khước từ những lý lẽ của lý trí và quyết định lại dấn bước giữa sa mạc trơ trọi không sắc màu kia, nơi mà mọi điều chắc chắn đều biến thành đá sỏi.
Trong số các vị tôi liệt kê ở đây, có lẽ người dấn sâu nhất là Kierkegaard, vì ít nhất một phần sự tồn tại của ông hiến cho việc trải nghiệm sự phi lý chứ không chỉ khám phá nó. Con người đã viết nên dòng chữ: “Cách công hiệu nhất để giữ im lặng không phải là ngậm miệng mà là cất lời” khẳng định ngay từ đầu rằng không sự thật nào là tuyệt đối hoặc có thể làm thỏa mãn kiếp hiện hữu mà sự bất khả ở ngay trong bản thân nó. Là một Don Juan của nhận thức, ông tạo ra rất nhiều bút danh và những sự mâu thuẫn; ông viết tác phẩm Những bài thuyết giảng Khai sáng của mình cùng một thời gian với cuốn cẩm nang của thuyết duy linh yếm thế, Nhật ký của kẻ quyến rũ. Ông từ chối mọi sự xoa dịu, đạo đức và những nguyên tắc chắc chắn. Ông luôn chú ý không dập tắt nỗi đau từ cái gai nhức nhối trong tim mình. Ngược lại, ông xoáy vào nó, và trong niềm vui tuyệt vọng của người tìm thấy hạnh phúc khi bị đóng đinh câu rút, ông dựng nên từng mảnh ghép một của con người ám ảnh: sự sáng suốt, sự từ chối, những giả tưởng ẩn dụ. Khuôn mặt vừa hiền dịu vừa khinh nhạo ấy, những quay cuồng được nối tiếp bởi tiếng thét từ con tim là tinh thần phi lý đang vật lộn với thực tế ngoài tầm nắm bắt của nó. Và cuộc phiêu lưu tinh thần đưa đẩy Kierkegaard tới những vụ tai tiếng (do quan điểm cũng như đời tư) bị dư luận hăm hở xâu xé, cũng bắt đầu từ những xáo trộn khi mà trải nghiệm nhân sinh tuột khỏi phông màn lớp lang dàn sẵn cho nó và trở về trạng thái trơ vơ nguyên thủy.
Trên một bình diện hoàn toàn khác về mặt phương pháp, Husserl và các nhà hiện tượng học, với sự ngông cuồng rất mực, khôi phục lại thế giới trong trạng thái muôn màu muôn vẻ của nó và phủ nhận sức mạnh siêu việt của lý trí. Qua cách nhìn của họ, vũ trụ tinh thần trở nên phong phú vô chừng. Cánh hoa hồng, cột mốc chỉ dẫn, hoặc bàn tay con người cũng quan trọng như tình yêu, khát vọng, hoặc định luật hấp dẫn. Suy nghĩ không còn thống nhất hoặc đội danh một nguyên tắc phổ quát nào đó để tạo ra vẻ quen thuộc bề ngoài ở vạn vật. Tư duy trở thành quá trình học hỏi lại tất cả một lần nữa để thấy, để chuyên chú, để tập trung ý thức; nó biến mọi ý tưởng và mọi hình ảnh thành khoảnh khắc đặc quyền theo một cách rất Proust. Biện minh cho tư tưởng là ý thức cực đoan của nó. Cách thức tiến hành của Husserl mặc dù tích cực hơn Kierkegaard hoặc Chestov, nhưng ngay từ giai đoạn đầu đã phủ nhận phương pháp duy lý cổ điển, dập đi niềm hy vọng, mở ra vô số hiện tượng cho trực giác và trái tim cảm nhận, mà sự đa dạng tràn trề đó ẩn chứa nét gì đó phi nhân tính. Những nẻo đường tư duy này sẽ dẫn đến mọi tri thức hoặc không gì cả. Cũng có nghĩa là trong trường hợp này phương tiện là quan trọng hơn kết quả. Điều xét đến ở đây là “một thái độ trước sự hiểu biết” chứ không phải sự xoa dịu. Xin được nhắc lại: ở giai đoạn đầu trong phương pháp của ông, ít nhất là vậy.
Làm sao có thể không nhận ra mối liên hệ căn bản giữa những trí tuệ nêu trên! Làm sao có thể không thấy rằng họ định một chỗ cho mình xung quanh khoảnh khắc đặc quyền mà cay đắng, trong đó niềm hy vọng không còn chỗ để lùi? Tôi muốn được giải thích rõ ràng về mọi thứ, hoặc không gì cả. Và lý trí đành bất lực khi nghe tiếng thét ấy từ trái tim. Trí tuệ bị kích thích bởi đòi hỏi khăng khăng ấy, ra sức tìm kiếm nhưng chẳng thấy gì ngoài những mâu thuẫn và rối rắm vô nghĩa. Điều tôi không hiểu chính là sự vô nghĩa đó. Thế giới đầy những phi lý như vậy. Mà một khi tôi không hiểu bất kỳ ý nghĩa nào trong thế giới này, thì bản thân thế giới cũng chính là một bất hợp lý khổng lồ. Nếu ai có thể tuyên bố, dù chỉ một lần rằng: “Điều này là rõ ràng,” thì tất cả sẽ được vãn hồi. Nhưng các vị nói trên đều tranh nhau khẳng định ngược lại, rằng không có gì (có thể giải thích) rõ ràng, tất cả đều hỗn loạn, và rằng con người chỉ có thể giữ được sự sáng suốt và nhận biết nhất định về những bức tường thành vây quanh mình.
Tất cả những trải nghiệm nói trên hòa hợp và khẳng định lẫn nhau. Khi trí tuệ bị đẩy tới giới hạn, nó phải đưa ra đánh giá và chọn kết luận cho mình. Đó cũng là thời khắc có lời giải đáp hay tự sát. Nhưng tôi muốn đảo ngược quá trình truy vấn ấy, bắt đầu từ cuộc dấn thân của trí tuệ và trở lại xem xét những hành vi thường ngày, Những trải nghiệm khiến tâm trí phải lay động sinh ra giữa sa mạc nơi ta không được phép tụt lại đằng sau. Hay ít nhất cũng phải biết những người khác đã tiến xa đến đâu rồi. Ở điểm này, nỗ lực của con người đối mặt trực tiếp với sự bất hợp lý. Con người cảm thấy trong lòng nỗi khát khao hạnh phúc và lý trí. Sự phi lý được sinh ra từ xung đột giữa nhu cầu con người và sự im lặng vô lý của thế giới. Điều này không được phép lãng quên. Phải luôn bám chặt lấy nó bởi toàn bộ hệ quả phát sinh trong đời có thể phụ thuộc vào nó. Sự bất duy lý, niềm hoài vọng của con người, và sự phi lý phát sinh từ cuộc đối đầu của chúng – đó là ba nhân vật trong vở kịch nhất thiết sẽ tới lúc phải hạ màn với tất cả các logic mà một kiếp hiện hữu biết được.
Thần Thoại Sisyphus Thần Thoại Sisyphus - Albert Camus Thần Thoại Sisyphus