Nghị lực và sự kiên nhẫn cần có cho bất kỳ ai, ở bất kỳ vị trí nào.

Theodore F. Merseles

 
 
 
 
 
Tác giả: Thạch Lam
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 74
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 317 / 54
Cập nhật: 2020-06-25 08:33:03 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
hông muốn ở lại phố, Trường rẽ xuống cánh đồng, men theo các bờ cỏ mà đi. Gió từ quãng ruộng đưa lại, trong sạch và mát mẻ. Ruộng lúa xanh rờn trải mãi tận chân trời, đến những làng mạc thẳm xa xa. Trên các con đường nhỏ quanh co giữa cánh đồng, từng đám người đi chợ thong thả len theo bờ lúa. Gió đưa lại tai Trường tiếng cười nói của họ, vang trong không khí buổi ngày rực rỡ này.
Đến sông Tiên, chàng đi ngược lên về phía huyện. Nóc nhà bà Nhì dần hiện sau lũy tre ven sông, mấy ngọn cau cao vút, yên lặng giữ trong khe lá những mảnh trời xanh. Hình ảnh Trinh lại dịu dàng trước mắt chàng. Trường thấy bao nhiêu tình cảm trong tâm rung động, như sắp gặp một hạnh phúc đẹp đẽ, nhưng chàng không rõ đấy là cái vui sống của tuổi trẻ hay là lòng yêu. Hai thứ ấy hình như cùng hòa hợp làm một.
Trường dừng lại trên mấy bực gạch từ trong vườn bà Nhì đi xuống sông. Bên kia bờ, mấy người đánh cá đang cất những mảnh lưới sáng loáng dưới ánh nắng; dòng sông chảy lặng lờ và thong thả, nên những giọt nước ở lưới rơi xuống nghe rào rào như mưa nhẹ. Trong chỗ bóng rợp của dẫy cây men bờ, nước trong và mát, khiến Trường lại muốn như lúc còn bé, hứng nước lên bàn tay để giữ lấy cái mát rượi ít lâu.
Trong vườn bỗng thấp thoáng bóng người đi ra phía sông. Không ngửng mặt trông lên, Trường cũng biết chắc đấy là Trinh. Tâm hồn chàng yên lại như đợi chờ. Nước sông Tiên trong hơn, cỏ tươi hơn và ngày rực rỡ khác thường. Cảnh vật chung quanh chàng trở nên đẹp đẽ, đáng yêu. Nàng ở gần, ngay bên chàng. Nhìn lên chàng thấy Trinh đứng bên khóm mộc, đang nhặt trong khe lá những chùm hoa nho nhỏ, để đem về ướp chè. Trường lặng yên nhìn thân hình mềm mại của Trinh trên nền cành lá: nàng bận một chiếc áo trắng mỏng; trên vành khăn nhung, trong mái tóc đen có giắt mấy bông hoa sói. Những buổi vui đùa ngày trẻ với cô bé có đôi mắt to và đen thoáng qua trong trí nhớ, dậy nổi trong lòng chàng nguồn tình cảm yêu mến đằm thắm.
Say sưa và mạnh bạo Trường bước lên vườn. Trinh ngoảnh ra thấy chàng, nàng luống cuống và e lệ. Nàng muốn tránh ra chỗ khác, nhưng vẫn cứ đứng yên. Trường lại gần. Chàng ngượng nghịu vịn một cành cây xuống, hồi hộp không biết nói gì. Hai người đứng yên lặng như trong giấc mộng, hơi thở hòa nhịp với nhau, với mùi thơm kín đáo và dịu dàng của bông hoa mộc lấm tấm trắng trong cành lá.
Trường cảm động nhìn những ngón tay xinh xắn của Trinh hái hoa. Chàng cũng đưa tay lên, rồi không biết mình làm gì nữa, nhẹ nhàng giữ lấy tay Trinh hái hoa trên chùm nụ. Chàng thấy Trinh rung động cả người. Nàng ngước đôi mắt đen lên đắm đuối nhìn chàng, miệng khẽ ấp úng:
- Anh... Rồi bỗng rút tay ra, nàng vùng quay đi chạy qua vườn như con bướm trên cỏ mùa xuân.
Từ hôm ấy trở đi, sự giao thiệp giữa hai người bắt đầu thay đổi. Trường và Trinh ở vào cái trường hợp của hai người còn trẻ, cả hai cùng ngây thơ và trong sạch, thấy yêu mến nhau và muốn gần gụi nhau luôn.
Khi Trường đương ngồi nói chuyện với bà Nhì trên ghế trường kỷ ngoài hiên, mà Trinh ở trong nhà bước ra, hay có thấp thoáng bóng nàng ở trong vườn, thì tất cả mọi vật đối với chàng sáng sủa hẳn lên, cuộc đời như rực rỡ, vui tươi. Trong những lúc ấy, câu chuyện nói với bà Nhì đậm đà hơn, và tự nhiên hơn đối với bà. Trường thấy kính trọng và thân yêu như đối với người mẹ hiền. Không chỉ những lúc Trinh có mặt hay nghe tiếng nói trong trẻo của nàng, Trường mới cảm động; chỉ cái ý nghĩ nàng có ở đấy, nàng sống cạnh mình là đủ làm cho chàng thấy sung sướng, vui vẻ rồi. Và khi chàng có sự gì buồn bực chàng chỉ nghĩ đến Trinh, là nỗi buồn tiêu tán đi mất cả. Về phần Trinh, nàng cũng thấy cảm giác như thế.
Từ lúc gặp nhau trong vườn, mà lần đầu Trường hưởng cái thú vị say sưa của tình yêu, chàng với Trinh không mấy khi giáp mặt nhau nữa. Những câu chuyện giữa chàng với nàng vẫn có bà Nhì chứng kiến, những buổi nói chuyện như thế, hai người cùng ham thích, bởi vì qua những câu nói tầm thường, họ cảm thấy cái tình yêu dịu dàng và tha thiết. Còn những lúc chỉ có hai người gặp nhau, câu chuyện đôi bên lại trở nên ngượng nghịu. Hai người cùng thấy e thẹn và muốn tránh xa nhau ngay.
Tình yêu của Trường và Trinh cứ mỗi ngày một trở nên đằm thắm, suốt thời kỳ Trường nghỉ ở An Lâm. Bà Nhì cũng biết hai người yêu nhau, nhưng bà không nói gì, bởi vì lòng nhân từ của bà cho rằng không có sự gì xấu có thể xẩy ra được. Đối với bà, một đôi trai gái yêu mến nhau là một sự tự nhiên, không có gì đáng ngại. Mà Trường yêu Trinh bằng một lòng yêu trong sạch của tuổi trẻ, không nghĩ ngợi, không suy đoán. Trường thấy mình tự nhiên yêu, cũng như tự nhiên sống.
Những ngày ở An Lâm cứ đều đặn qua. Buổi sớm, Trường đã trở dậy, men bờ sông Tiên ra cánh đồng, đi trên những bờ cỏ còn ướt sương. Những gió mát từ đằng xa đưa lại, ánh sáng rực rỡ của mặt trời lên, tiếng chim sẻ đồng hót trong bụi, cho đến những câu chuyện của người cầy ruộng hay người nhặt cỏ, Trường cũng tưởng như để ca tụng đến tình yêu chàng thấy man mác trong lòng. Trời đối với chàng xanh hơn, ruộng lúa xanh hơn, và cảnh vật cũng tươi tốt hơn; tất cả mọi sự đối với chàng cùng là sung sướng và vui vẻ.
Khi đã đi mệt mỏi, Trường lại theo bờ sông trở về nhà, không muốn đi qua phố để thấy cảnh nghèo khổ của người ở chung quanh chợ và nhất là khỏi trông thấy cái dinh cơ sang trọng của bác, khỏi nghĩ đến cuộc đời toàn những sự hà hiếp, nhỏ nhen của các người ấy. Trường thích xuống dòng sông Tiên tắm mát, rồi bước những bực gạch lên vườn sau nhà bà Nhì, đứng lặng yên lúc lâu, để hưởng cái mùi thơm dịu dàng của hoa mộc hòa lẫn với cái mát mẻ của buổi mai. Chàng đứng đấy để thấy thấp thoáng qua các cành lá, cái dáng điệu mềm mại của Trinh trong lúc nàng làm những việc vặt hàng ngày rồi chàng đột nhiên gần bên nàng, trong lúc Trinh cho chim ăn hay hái hoa sớm, để trao đổi một cái nhìn hay một nụ cười.
Rồi sau khi uống nước chè với bà Nhì ở ngoài hiên, Trường dạy Bích học. Chàng đã kê một cái bàn nhỏ bên cạnh chiếc giại tre gần giàn hoa lý. Vừa dạy học, xem sách, Trường vừa ngắm những bông hoa hồng trong vườn, hay nhìn theo mấy con chim sâu chuyền từ cành nọ sang cành kia. Thỉnh thoảng, Trinh mang đến cho chàng một bông hoa đẹp nàng đã chọn lựa, hay một bó những hoa mộc mạc của cánh đồng Trinh hái trong khi đi thăm ruộng. Bó hoa cắm trong bình để đầu bàn học, nhắc đến sự có mặt của nàng.
Những buổi chiều tối, sau bữa cơm ăn, là những thời khắc mà Trường muốn sống mãi; bên ngọn đèn, chàng ngồi nói chuyện với bà Nhì và Bích trên trường kỷ; mỗi khi Trường nhìn lên lại thấy đôi mắt đen của nàng long lanh nhìn mình; lúc chàng cùng bà Nhì nhắc lại những ngày chàng còn bé đến chơi đùa trong vườn và ngắt trộm hoa trong luống hồng, Trường lại thấy Trinh mơ màng nghĩ ngợi, hình như nàng đương diễn lại trong trí những hình ảnh đó. Các kỷ niệm chung ấy lại càng khiến hai người yêu mến nhau hơn. Trong những lúc ấy, Trường thấy mình như một người con thân yêu trong gia đình bà Nhì. Chàng lại nhớ đến những buổi sum họp rất hiếm ở nhà, trước khi anh Xuân chưa bắt đầu chơi bời, cả nhà quây quần chung quanh ngọn đèn, cùng chung một cái không khí đầm ấm. Chàng tưởng tượng Trinh ngồi bên cạnh Lan, hai chị em cùng nhau dịu dàng nói chuyện. Có ý nghĩ ấy làm chàng hồi hộp hy vọng.
Trường thấy bồng bột trong hăng hái của một người trẻ tuổi, lần đầu, tự hiểu biết tất cả cái quan trọng và vẻ đẹp của cuộc đời đầy đủ vì tình yêu. Thường khi về những đêm trăng sáng, chàng không ngủ được, bởi cảm thấy tràn ngập cả người cái vui sống trẻ trung. Chàng trở dậy ra ngoài vườn ngắm bóng trăng yên lặng chiếu trên các lá cây. Sương ướt thấm lạnh người, Trường mới trở vào nghỉ, có khi còn ngoảnh lại nhìn một lần nữa cảnh vườn đầy ánh trăng, như mến tiếc. Ái tình mỗi ngày một thấm thía trong lòng chàng. Những ngày ở An Lâm là những ngày sung sướng trong đời Trường, những ngày sau này, chàng thường nhớ đến như một cái nguồn những tính tình thanh khiết và cao quý.
Thạch Lam Tuyển Tập Thạch Lam Tuyển Tập - Thạch Lam Thạch Lam Tuyển Tập