The worth of a book is to be measured by what you can carry away from it.

James Bryce

 
 
 
 
 
Tác giả: Thạch Lam
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 74
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 317 / 54
Cập nhật: 2020-06-25 08:33:03 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
ột tháng sau, Trường xin phép mẹ về An Lâm chơi. Đã ba, bốn năm chàng không có dịp về thăm quê nhà, thăm những người thân thuộc vẫn còn lại ở đấy. Trường muốn trở về nhìn lại những chỗ đã giữ bao kỷ niệm êm đềm trong quãng đời trẻ thơ của chàng. Với lại, chàng muốn xa cách ít lâu cái náo nhiệt trong căn phố chàng ở, và quên những bộ sách khô khan mà chàng đã nghiền ngẫm mấy tháng trước khi thi.
Trên chuyến tầu đưa chàng đi, Trường vui vẻ nhìn đống ruộng đằng xa kéo lại, tấm thảm lúa xanh thẫm mà cơn gió làm nổi lên những làn sóng bạc. Thỉnh thoảng, một mảnh ruộng có nước, sáng như một tấm gương phẳng lặng, phản chiếu vùng trời xanh ngát và rộng rãi.
Trường thở hít mạnh không khí trong sạch, lắng tai nghe những câu chuyện mộc mạc và tiếng cười nói của các hành khách trên tầu. Chàng cảm thấy tâm hồn mình trở nên giản dị và trong sáng như những ngày còn trẻ ở quê nhà.
Gần đến An Lâm, tầu đi trên cầu sông Tiên, và tiếng ầm ầm rung động nhắc Trường nhớ lại khi còn đi học ở trường làng, chàng thường cùng với anh em bạn ra đứng dựa vào thành cầu để nhìn xe hỏa đi qua. Chàng lại nhớ bấy giờ nhìn các người đi trên tầu một cách thèm thuồng, bởi họ đang đi tới những tỉnh thành xa lạ mà chàng hằng mơ ước được để chân đến.
Trường nghiêng người ra ngoài cửa toa tầu nhìn xuống, thấy mấy chiếc thuyền gỗ đang chen nhau đỗ bên bờ; một vài đứa trẻ đang bơi lội dưới nước đều dừng lại, giương những con mắt ngạc nhiên nhìn chiếc xe qua.
Mấy dẫy nhà ở đầu phố huyện, thấp thoáng sau lũy tre xanh hiện ra, rồi xe đỗ. Trường xuống ga, theo con đường trải đá đi khuất sau rặng cây. Một cơn gió mát ở cánh đồng ruộng đưa tới bay tung vạt áo Trường, đem lại cho chàng cái mùi dễ chịu của đất ải mới cày lẫn với hương thơm của cỏ xanh. Buổi chiều rất yên lặng tỏa xuống cảnh quê; một cảm giác êm đềm như ở dưới đất bốc lên, bao phủ lấy mọi vật.
Qua hai dãy phố chợ, Trường men bờ sông Tiên tìm đến nhà bà Nhì. Chàng định nghỉ hè ở nhà bà và để kèm dạy người con bà như lời chàng đã hứa trước. Và chàng cũng muốn sống lại trong mấy căn nhà cổ và trong mảnh vườn hồng ven sông những ngày ngây thơ khi còn nhỏ.
Lên hết mấy bực xếp bằng gạch cũ. Trường đẩy hai cánh cửa tre của một cái cổng nhỏ nấp sát vào rặng cây xanh tốt làm hàng rào. Bà Nhì đương ngồi trên chiếc chõng tre ở ngoài sân, nghe tiếng động ngoảnh lại nhìn. Thấy Trường, bà vội vàng đứng dậy, nét mặt vui tươi hẳn lên và nói líu cả lưỡi:
- Kìa cậu Trường, cậu về bao giờ thế? Sao không gửi giấy báo tôi để cho em nó ra đón. Cậu ngồi xuống đây đã.
Bà giật cái va-li của Trường để lên thềm nhà rồi quay lại thu xếp các đồ dùng để trên chõng. Sự vui mừng thành thực và vẻ luống cuống của bà khiến Trường cảm động và buồn cười. Chàng thấy đầm ấm trong lòng, vì bà Nhì đối với chàng đã thân mật như người trong một nhà.
Trường nhìn quanh mình. Cảnh vật trước mắt chàng vẫn y nguyên, không thay đổi. Căn nhà năm gian vẫn còn rộng rãi; thềm gạch rêu phủ, cả cái bể nước con con, mấy chậu cây si dưới gốc cau cũng y nguyên như hồi còn nhỏ chàng đến chơi.
Bà Nhì vào trong nhà bưng một bộ khay chén ra để trên chõng. Trường toan hỏi, bà đã cất tiếng gọi:
- Trinh đâu ra mẹ bảo.
Thoáng có tiếng người thưa, rồi từ phía vườn đầu nhà, một thiếu nữ sau giàn cây bước ra. Thấy có người lạ, thiếu nữ đứng sững lại ngạc nhiên giương mắt nhìn.
Trường nhận ra cô gái có đôi mắt to và đen vẫn thường chơi với chàng và Lan ngày trước.
Thấy con khép nép dưới giàn hoa, bà Nhì quay lại bảo:
- Cậu Trường đấy mà, có phải ai lạ đâu? - Rồi quay lại phía Trường, bà thân mật hỏi: “Em Trinh đấy, cậu còn nhớ không?”.
Trường vừa đáp: “Thưa, có ạ” vừa đứng dậy nghiêng mình cúi chào. Trinh ngượng nghịu chào lại. Hai má nàng ửng đỏ và e thẹn, nhưng mắt nàng sáng lên như thoáng qua một sự vui mừng. Rồi nhanh nhẹn nàng bước vào trong nhà.
Bà Nhì âu yếm nhìn theo con, bảo Trường:
- Hôm nọ tôi lên chơi trên bà, em nó cứ khẩn khoản đòi theo lên để gặp cô Lan nói chuyện. Nhưng nhà vắng người nên nó không đi được.
Trường thừa biết rằng vì nghèo, nên bà Nhì không muốn đưa con gái đến nhà ai. Mấy mẹ con chỉ quây quần sống với nhau trong nếp nhà cũ này; ngay đến những người ở An Lâm bà cũng không giao thiệp với.
Trường hỏi:
- Anh Bích đâu nhỉ, con không thấy.
Bích là cậu con trai thi trượt mà bà Nhì nhờ chàng dạy học.
- Tôi cho em nó sang bên sông khất nợ từ sớm. Dễ bây giờ em nó cũng sắp về đấy.
Trường ngồi xuống chõng uống nước chè do bà Nhì pha lấy. Chén chè thoang thoảng hương vị hoa mộc, mùi thơm mát và dịu dàng. Chàng hỏi:
- Chè này bà ướp lấy phải không ạ?
Bà Nhì mỉm cười:
- Vâng, mộc ở vườn nhà đấy. Em nó vẫn lấy ướp chè cho tôi uống.
Rót thêm vào chén của chàng bà tiếp:
- Cậu uống nữa đi. Giờ tôi chỉ còn cái thú này thôi. Nhớ ngày trước đi cân gạo với bà phán chẳng sáng nào là không dùng hết một ấm chè.
Bà đứng dậy vào nhà. Trường ngồi yên lặng, linh hồn thư thả và nhẹ nhàng. Chiều đã xuống. Da trời tím lại, và gió mát nổi lên rào rào trong mấy khóm tre gần ngõ. Qua bờ cây, về phía xa, còn thấp thoáng mấy tia nắng vàng yếu ớt. Từ dưới sông Tiên đưa lên tiếng nước róc rách đổ vào bờ, như tiếng kêu của buổi chiều rộng rãi.
Một cảm giác thấm thía và êm đềm như từ những ngày đã qua đưa lại mối dịu dàng. Chiều ở thôn quê đối với Trường vẫn giữ vẻ bí mật ngày xưa. Chàng nhớ lại tất cả các buổi chiều khi còn nhỏ, trong cửa hàng của mẹ: mấy cái quả sơn đen loáng dưới ánh lờ mờ của ngọn đèn dầu nhỏ, tiếng muỗi vo ve kêu bên tai, và cái yên lặng buồn nản của ngày tàn đè nén lên tâm hồn trẻ của chàng.
Bà Nhì lên tiếng gọi chàng vào ăn cơm. Bích đã về, vừa rửa chân tay xong ở bên bể cạn. Ba người ngồi chung quanh chiếc án thư cũ kê gian giữa, dưới một cái đèn treo. Trường tuy không thấy đói, nhưng chàng cũng phải gượng ăn mấy miếng trong mâm cỗ đầy mà bà Nhì và con gái đã ra công làm cho ngon lành. Mặc lời chàng từ chối, bà Nhì cứ chốc chốc lại gắp vào bát chàng những món ăn: chàng vừa ăn vừa trả lời những câu hỏi của bà Nhì về tin tức Hà Nội, về gia đình chàng. Được một lát, Trinh lặng lẽ ngồi bên mẹ. Bữa cơm trở nên vui vẻ và thân mật, trong một không khí đậm đà.
Sau bữa ăn, Trường xin phép đi nghỉ. Bà Nhì đã dành riêng cho chàng một căn buồng ở đầu nhà, chỗ có giàn hoa lý. Tuy đi đường mệt mỏi, mà Trường cũng không thấy buồn ngủ. Chàng ngồi tựa vào cửa sổ, nhìn ra vườn. Muôn tiếng khe khẽ rì rầm khiến chàng nhận thấy cái hoạt động của ban đêm. Trường sung sướng nghĩ đến mấy tháng được ở đây. Phong cảnh của mảnh vườn trước mắt, với xa xa dòng sông Tiên thấp thoáng trong cánh đồng lúa xanh tươi, đối với chàng như đã quen thuộc.
Sáng sớm hôm sau, Trường đã trở dậy. Ánh nắng xiên qua khe cửa chiếu vào các xà ngang và mái ngói làm sáng cả gian buồng. Tiếng cánh bay vụt và tiếng kêu ríu rít của đàn chim sẻ từ các kẽ ngói đưa ra làm sang sảng vang động cả buổi ban mai. Trường tự nhiên thấy vui vẻ vô cùng.
Chàng bỏ giầy cho mát chân, mở cửa bước ra ngoài, len qua mấy luống hồng và gốc khế, đi xuống phía sông Tiên. Hơi mát lạnh của nước sông như bốc lên thấm thía vào cảnh vật. Trường men theo bờ ra cánh ruộng. Mùi thơm của cỏ làm chàng nhẹ nhõm và say sưa. Khoảng rộng và trời xanh khiến chàng nhẹ nhõm và khoan khoái. Trường ngồi trên thảm cỏ, tay rứt, miệng nhai những cánh lá thơm; tất cả giác quan như chờ đợi những cái thú và hương vị của cánh đồng quê mà chàng sợ không hưởng được hết.
Trở về, Trường đã thấy bà Nhì ngồi pha chè trên chiếc trường kỷ, đang đợi chàng. Trường ngồi xuống ghế, đưa chén chè nóng lên miệng. Mùi thơm ngát của cánh chè đầu xuân nhắc Trường nhớ lại những buổi uống chè khi sáng sớm trời còn tối, trước khi mẹ chàng và bà Nhì ra hàng cân gạo, những buổi sớm mà cách đồng còn mờ sương đã vang động những tiếng xì xào của các người nhà quê hàng xóm gánh gạo lên chợ bán. Trường hỏi bà Nhì xem sự hoạt động ấy có còn đến bây giờ không, nhưng bà buồn bã trả lời:
- Mấy năm nay ở đây buôn bán kém lắm, không được như trước. Bây giờ kiếm ăn mỗi ngày một khó hơn.
Bà Nhì yên lặng, có vẻ nghĩ ngợi. Nụ cười âu sầu và an phận lại thoáng nở trên môi, và đôi mắt hiền từ của bà như nhìn đăm đăm tới những ngày nào, xa lắm. Trường thương hại: bà vẫn lận đận với cái nghèo trong khi quanh mình bà, những người cũ đã trở nên khá giả và sang trọng. Chàng muốn tìm câu chuyện để nói, thì bà Nhì bỗng hỏi:
- Ban sáng cậu đi chơi đâu? Đã vào trong nhà chưa?
- Chưa ạ.
Bà Nhì có nhắc, Trường mới nhớ đến. Trong nhà là họ ngoại của chàng. Trước kia, khi chưa lên Hà Nội, gia đình Trường vẫn còn bên cạnh xó nhà của họ ngoại. Đó là một cái trại rộng rãi, vườn trồng đầy cây hoa lạ, mấy nếp nhà gạch dựng chung quanh một cái sân lát. Qua rặng găng tây, người đi đường có thể trông thấy mấy cái mái lợp ngói tây, với chòm lá của một cây mít lớn. Câu “nhà ngói, cây mít” ở cửa miệng các người nhà quê thật là đúng với cái dinh cơ to tát ấy, ngạo nghễ đứng giữa phố chợ, trong đám nhà tranh lụp xụp và xơ xác của bọn nghèo hèn ở chung quanh. Họ ngoại nhà Trường toàn những người giầu có, nhưng rất kiêu và hà tiện, xưa nay đối với nhà chàng nghèo túng, vẫn lãnh đạm và dửng dưng. Mẹ chàng khi xưa không chịu nhờ vả, chỉ một mình tần tảo nuôi con. Cho đến bây giờ Xuân và Trường đã đỗ đạt, mẹ chàng coi đó như một cách đáp lại những lời mai mỉa mà trước kia họ hàng đã dùng để chê bai cái cảnh nghèo nàn của gia đình chàng.
Vì có mối ác cảm ấy, nên tuy đã lâu lắm Trường chưa về quê, mà chàng cũng không muốn vào thăm trong họ. Bà Nhì cũng biết thế, nên khi thấy chàng lưỡng lự và tỏ ý ngần ngại bà vội giục:
- Cậu vào chơi trong ấy đi rồi về ăn cơm thì vừa.
Tính giản dị hồn nhiên, bà không ghen ghét hay ganh tỵ ai bao giờ, tuy người ta lãnh đạm với bà. Đối với ai bà cũng muốn thân thiện và tử tế. Lòng hiền hậu của bà khiến Trường quên tất cả những nỗi ngần ngại. Chàng quả quyết đến thăm ông bác, và nhân thể xem căn phố chợ An Lâm mà lúc còn đi học trường làng ngày nào chàng cũng đi qua.
Vừa bước ra khỏi cổng, Trường gặp Trinh đi chợ về. Nàng cắp bên người cái rổ con đựng mấy mớ rau xanh tốt. Một con gà trống nằm ép mình trong rổ, thò đầu ra ngoài. Trông thấy, Trường vui vẻ hỏi đùa:
- Cô đi chợ về đấy à? - Chàng buồn cười khi nghĩ đến con gà ấy lát nữa sẽ là bữa tiệc của mình. - Cô mua gì mà nhiều thế?
Trinh khép nép đứng lui vào bờ giậu. Nàng nhấc vành nón lên nhìn Trường, khẽ trả lời một câu không rõ. Một nụ cười rất duyên ở trên cặp môi đỏ và hai lúm đồng tiền in rõ trên má hồng hào. Nàng trông dịu dàng và tươi thắm. Lòng yêu mến, Trường thấy mạch máu chạy mạnh trong người và một niềm vui ham sống tự nhiên tràn ngập cả tâm hồn. Trường muốn nói một câu để tỏ rõ cái bồng bột sung sướng trong lòng, nhưng ngượng nghịu lại thôi. Lặng lẽ chàng tránh sang bên cho Trinh đi, rồi quay lại nhìn theo dáng điệu mềm mại của Trinh cho đến khi nàng khuất sau khóm cây đầu vườn.
Thạch Lam Tuyển Tập Thạch Lam Tuyển Tập - Thạch Lam Thạch Lam Tuyển Tập