A friend is someone who knows all about you and still loves you.

Elbert Hubbard

 
 
 
 
 
Tác giả: Thạch Lam
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 74
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 317 / 54
Cập nhật: 2020-06-25 08:33:03 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
n cơm sáng xong, bà phán gọi Trường bảo:
- Chiều hôm nay đằng bà Hai có kỵ, tối con lại ăn cỗ.
Trường chưa kịp đáp, bà mẹ lại tiếp:
- Cả mẹ cũng đến. Con chỉ đến có việc ăn mà thôi.
Trường lưỡng lự. Chàng không muốn đi, nhưng cũng không dám từ chối:
- Mẹ đi cũng đủ. Con không đến có được không ạ? - Trường vừa nói vừa nhìn mẹ. - Ăn cỗ phiền chết thế này này.
Chàng sắp sửa nhăn mặt để tỏ vẻ khó chịu lại phải đổi nét mặt đi, vì thấy mẹ đã hơi gắt.
- Thằng này rõ dở hơi. Đến ăn cỗ thôi chứ có làm việc gì mà sợ. Với lại thế nào mày cũng phải đến.
Trường lặng yên không dám trả lời. Bà phán nói chàng phải đến như là bổn phận bắt buộc tuy Trường không hiểu tại sao phải thế. Chàng rất sợ đi ăn cỗ, nhất là đi ăn cỗ ở nhà bà Hai. Đến những chỗ ấy, Trường tự thấy mình rụt rè và ngượng nghịu. Chàng phải vấn đáp với những người đạo mạo, giữ từng câu nói cho đúng phép, lễ bàn thờ trước mặt mọi người. Cái thế giới ấy không hợp với chàng, trong đó người ta giữ gìn lề lối một cách kiểu cách và câu nệ; chàng xưa nay chỉ quen nói chuyện tự nhiên với những người quê mùa giản dị thôi, ở nhà bà Hai ngày giỗ lại có những người cũng trẻ tuổi như chàng, nhưng chàng thấy họ khác hẳn. Họ ăn nói trong bữa cỗ và tiếp chuyện các ông già một cách rất dung dị, nói những câu thường và chẳng có ý nghĩa gì hết. Trường cũng muốn nói những câu như thế, nhưng không hiểu sao chàng trở nên lúng túng. Có những cử chỉ, những cách trả lời, những câu mời mọc trong bữa ăn, cách đón đỡ những miếng người ta gắp vào bát, mà Trường không biết. Cho nên bữa ăn cỗ nào cũng là một cái khó chịu đối với chàng và chàng muốn thoát ra cho mau.
Bà phán thấy con cau mặt nghĩ ngợi không khỏi băn khoăn. Nhưng bà không hiểu được những nỗi e ngại của Trường. Bà ngạc nhiên lấy làm lạ, cho là do sự muốn đi chơi chỗ khác của con. Bà dịu giọng bảo:
- Thế nào chiều con cũng lại nhé. Mẹ sẽ đi trước.
- Vâng!
Muốn cho con vui vẻ bằng lòng, bà phán còn cho biết:
- Hôm nọ, bác Hai đến đây đã có mời, hôm nay lại sai con Tuyết đến mời hai lượt nữa.
Tưởng được lòng con, bà cụ thêm:
- Với lại đến cho người ta mừng cậu Cử mới chứ. Chắc thế nào cũng có Chương ở đấy.
Chương là người có họ với bà Hai, đương học trường Bảo hộ năm thứ tư. Trường cũng không quen biết Chương lắm, nhưng không hiểu sao chàng nhận thấy giữa chàng và Chương như có một sự ganh nhau về việc học và thi cử. Nay thấy chàng thi đỗ chắc là Chương khó chịu lắm. Bà Phán coi việc chàng đỗ như một sự thắng trận đáng kiêu ngạo.
Không muốn mẹ để ý đến những chuyện ấy. Trường lại nhận lời lần nữa và hứa chắc chắn. Tuy vậy lúc ra đi, bà cụ vẫn còn áy náy và gọi Lan dặn thế nào cũng phải nhắc anh đi ăn cỗ.
Mẹ đi rồi, Trường bắt đầu hối hận đã làm mẹ phiền lòng. Đi ăn cỗ thì làm sao mà ngại? Chàng tự cười mình là vô lý, gọi em gái lên hỏi:
- Lan có đi ăn cỗ không?
- Có, các cô, các bà thì năm giờ, còn các ông ăn vào khoảng sáu giờ. Em sắp sửa phải đi làm giúp đây.
- Lan đi ăn cỗ có thích không?
Lan nhìn anh cũng cười đáp:
- Sao lại không thích? Ăn cỗ thì ai chả muốn. Anh không biết, cỗ đằng bác Hai ngon lắm, cô Hảo rất khéo tay.
Lan lại cười cho đôi má núng lại:
- Em phải cốc vì cô ta luôn đấy. Mẹ cứ mắng sao không bắt chước làm được như cô ấy.
Trường vui vẻ:
- Thế à? Vậy thì cô nên đi ăn cỗ lắm. Tôi cũng đi.
Chàng lại muốn đến ngay dự tiệc và nói chuyện. Lúc sắp đi, chàng ăn mặc rất tề chỉnh, thắt cái ca-vát đẹp nhất, và mở hộp đựng đồ trang điểm của Lan, nhỏ một giọt nước hoa vào khăn tay lụa. Chàng bỗng thấy mình bạo dạn và dễ chịu.
Nhà bà Hai trang hoàng và trần thiết một cách rất sang trọng, rực rỡ. Bàn thờ được chăm chút hơn hết. Các đỉnh đồng, cây nến mới đánh sáng loáng dưới ánh đèn. Hai bó sen trắng cắm trong bình tỏa ra mùi thơm mát lẫn với mùi trầm và mùi hương vòng. Cái khung ảnh ông cụ ngồi nghiêm trang trong ghế, cũng đã lau rửa sạch sẽ, như ăn sáng để dự tiệc. Một chiếc màn the đỏ che trước bàn thờ, treo từ bức hoành phi rũ xuống.
Khách đến đông, các cụ già lẫn với người trẻ, chức vị và tâm tính khác nhau, nhưng cùng chung một giai cấp, ngồi hỗn độn trên mấy dãy ghế kê sát tường, vừa uống nước chè vừa cắn hạt dưa. Trên chiếc sập gụ, sát tủ chè, mẹ Trường, bà Hai và mấy bà bệ vệ nừa, ngồi quanh lấy cơi trầu, tráp đỏ đựng thuốc lá. Các bà nói chuyện nhỏ nhẻ, và thong thả, thỉnh thoảng với tay lấy ống phóng để nhổ quết trầu, hay lấy điếu thuốc lào. Bà Hai mặt đỏ hồng, tiếng dõng dạc và to, đôi khi lại cười giòn như nắc nẻ, luôn tay pha nước và xếp trầu cau vào quả. Cô Tuyết chạy loanh quanh bên sập, tiếp nước và hạt dưa cho khách. Còn cô Hảo chốc chốc lại từ trong bếp đi ra, ghé tai mẹ hỏi thầm hiệu lệnh rồi vội vàng đi vào.
Ông Cửu là người huynh trưởng trong họ, ung dung ngồi xếp bằng trên ghế ngựa, trải chiếu cạp mới, bên cạnh ông phán Bích, ông đồ Tiên và vài ông cụ nữa. Bọn trẻ hơn ngồi ở ghế quanh bàn, ông phán Ty và cậu Tiến, em ông, học ở trường Luật, cậu Hiệp đã đi làm và cậu Sơn cùng nói chuyện cười đùa và vui vẻ. Họ đều mặc quần áo tây rất lịch sự và gọn ghẽ, trừ cậu Tiến. Cậu này mặc chiếc áo xa hoa, đội khăn lượt xếp, tóc chải mượt lật ra đằng sau. Người cậu mảnh dẻ yếu ớt như con gái, hai bàn tay trắng xinh xắn để duỗi trên đầu gối. Lẫn vào bọn đó có mấy người vẻ nhà quê, tuy kể thực bực chú bác, nhưng vì nghèo và vay mượn tiền bà Hai luôn, nên không được kính trọng lắm. Họ ngồi yên lặng nghe người khác nói chuyện, đợi chờ bữa ăn một cách kiên tâm.
Như trong mỗi buổi hội họp xã giao khác của người Việt Nam, câu chuyện không chung cho cả mọi người cùng dự. Có người nào khởi xướng lên vấn đề gì rất thông thường mà ai cũng có thể bàn được, thì chỉ cần vài câu rồi lại hết. Người ta lại quay ra bàn chuyện riêng trong một vài người với nhau, những người cùng một công việc hay quen biết nhau: có khi nói thì thầm như thuật một câu chuyện gì bí mật, trong khi những người khác làm như không nghe thấy gì, ngồi cắn hạt dưa đỡ buồn, và thỉnh thoảng đưa mắt nhìn lên mấy bức hoành phi câu đối treo ở tường.
Riêng có ông Cửu được mọi người kính ttọng và chú ý đến nhất. Tiếng ông nói vang khắp cả nhà, át hẳn những tiếng nói rụt rè của người khác. Thỉnh thoảng, ông hất đầu ra đằng sau, đưa hai ngón tay lên quét đôi môi đỏ vì quết trầu; rồi ông vuốt ria mép cong xuống, một cách thong thả và khoan khoái.
- Theo ý tôi - lời ông Cửu nói - thì đi xin làm thông phán tòa sứ là hơn cả. Dạy học chóng hại người lắm. Chính tôi đã dạy học một dạo ở nhà quê nên tôi biết.
Ông tắc lưỡi rồi hạ giọng thấp xuống như nói một điều kinh nghiệm riêng:
- Với lại bây giờ tình thầy trò bạc bẽo lắm, không có đằm thắm như ngày trước.
Cậu Sơn, với lòng hăng hái của tuổi trẻ, vội vã:
- Thưa cụ, miễn là mình làm hết bổn phận thời thôi, chứ còn sự đó cần gì. Làm giáo học thích nhất được tự do, không ai quản thúc mình.
- Thế đi làm thông phán thì ai quản thúc? Cậu nói không đúng. Đằng nào cũng có quan trên, còn tự do mình vẫn được tự do chứ.
Ông phán Ty, cậu Hiệp cũng đều cùng với ông Cửu một ý kiến: làm thông phán các sở sướng hơn làm giáo học. Họ hăng hái dẫn giải những cái lợi và danh giá của ông phán tòa sứ, chắc hẳn được ý tán thành của các bà và các cô. Cậu Sơn thấy mình kém thế, đành ngồi yên. Mặt cậu hơi đỏ, vì chính cậu học ở trường sư phạm.
Riêng cậu Tiến ngồi yên lặng nghe, không nói: câu chuyện ấy không bận gì đến cậu vì cậu sắp ra làm tham biện, một chức mà không ai bàn tán thiệt hơn nữa.
Ông Cửu muốn đẹp lòng cậu, ân cần hỏi:
- Cậu chỉ còn một năm nữa đã thi ra đấy nhỉ?
- Thưa vâng.
- Thôi, làm ông tham vài ba năm rồi xin xuất chính thì vừa. Quan huyện trẻ tuổi lúc bấy giờ đừng quên chúng tôi nhé?
Ông Cửu ngửa đầu ra đằng sau cười. Mọi người cũng cười theo. Riêng cậu Tiến sẽ mỉm cười miệng khiêm tốn, xếp lại vạt áo xa hoa trên lòng. Mấy ngón tay búp măng của cậu nâng chén chè nhỏ, khoan thai đưa lên miệng nhấp.
Còn mấy người nhà quê, suốt từ đầu không nói câu gì, chỉ lặng lẽ giương mắt nhìn các ông kia một cách kính trọng và khiếp phục.
Giữa lúc ấy thì Trường đến.
Ở trên xe xuống, Trường nhìn vào nhà bà Hai thấy đèn thắp sáng và bóng người tấp nập đang cười nói. Chàng ngần ngừ chưa bước qua ngưỡng cửa. Sự lưỡng lự ấy làm Trường lại thấy mất hết cái mạnh bạo từ lúc ở nhà đi. Chàng thành ra rụt rè như cũ.
Khi Trường vào trong nhà, mọi người đều quay lại nhìn chàng một cách chăm chú. Trường ngã mũ không biết chào ai trước, và không biết gọi những người đó thế nào; chàng chỉ lúng búng trong miệng mấy câu nói mà chính chàng cũng không hiểu là những câu gì.
May quá, bà Hai đến giúp chàng. Vừa trông thấy chàng vào, bà đứng ngay dậy, tươi cười đon đả chạy lại kéo ghế mời rối rít: “Cậu ngồi đây! Cậu ngồi đây!” rồi bà quát người nhà pha nước và mang thuốc lá lại.
Trường ngồi xuống ghế, thu chân vào trong, cái mũ vẫn để trên đùi. Bà Hai vừa đặt chén nước xuống bàn, vừa hỏi:
- Sao cậu bây giờ mới đến?
Rồi không đợi nghe câu Trường trả lời, bà ngơ ngác nhìn quanh, ngoảnh về phía trong và lớn tiếng gọi:
- Cậu Bình đâu, không ra tiếp khách à?
Sau bàn thờ có tiếng đáp lại, rồi Bình bước ra, xúng xính trong bộ quần áo mới. Bình là con trai út bà Hai, mới có mười một tuổi. Thật là một đứa trẻ con ẻo lả, có nước da xanh của người không mấy khi ra nắng. Cậu không có một tý gì là cái vẻ nhanh nhẹn và nghịch ngợm của trẻ ngần ấy tuổi. Trông cậu như một người lớn, đạo mạo, nghiêm trang, như hiểu rõ cái địa vị quan trọng của mình là người con trưởng trong một ngày giỗ.
Trường rất lấy làm cảm phục Bình, tuy cậu này nhỏ tuổi. Bởi vì Trường thấy cậu bé con ấy làm nhiều việc khó khăn một cách rất dễ dàng, những việc mà chàng không làm được. Cậu Bình biết cúi chào và thưa bẩm rất đúng phép, ăn nói rất mềm mỏng và đáp lễ những người đến thăm một cách rất trịnh trọng. Bình sửa lại khăn đội đầu cho tề chỉnh, đến bên Trường thân mật hỏi:
- Anh đến muộn thế. Mẹ em lại vừa cho người lại mời nữa, sợ anh quên. À, còn anh Xuân đâu anh? Sao không thấy đến. Cả chị ấy nữa.
- Anh ấy phải đi làm. Chị tôi về quê đã lâu.
Bình có vẻ sửng sốt: “Kìa, sao bảo chị Xuân về mua ruộng đã ra rồi kia mà!”. Rồi ghé sát Trường nói nhỏ: “Còn anh Xuân thì đi làm gì bây giờ. Anh ấy đi chơi thì có”. Bình nói xong nhìn Trường cười rất ranh mãnh.
Trường bắt đầu thấy khó chịu. Chị Xuân về mua ruộng? Chính chàng cũng không biết việc ấy, và lấy làm ngượng vì Bình hình như lại biết chuyện rõ hơn mình. Chàng quay người về phía trong chỗ các bà ngồi. Bà phán thấy con nhìn liền đưa mắt trông bàn thờ ra hiệu. Trường sực nhớ tới điều quan hệ nhất trong việc đi ăn cỗ là lễ bàn thờ. Chàng vội đứng dậy, nhưng nhìn đến bộ quần áo tây đang mặc, chàng lưỡng lự chưa biết làm thế nào. Bà phán tinh ý đón ngay:
- Con đứng vái cũng được.
Bà Hai vội đáp:
- Thôi, chả phải bày vẽ nữa. Các cậu ấy bây giờ tân thời, cụ cũng chước cho cả.
Tuy vậy bà vẫn đứng yên không làm gì ngăn trở Trường. Chàng đành phải đứng trước bàn thờ cúi đầu vái. Không biết vái mấy cái cho đúng lệ. Trường tự thấy ngượng nghịu lạ. Chàng tưởng như mọi người ở sau lưng đều đang để ý đến mình.
Khi ngửng mặt lên, Trường thấy thấp thoáng sau bức màn the đỏ, bóng cô Hảo đang đứng bên án thư sửa soạn cỗ cùng. Chàng hơi nghiêng mình đi: cô Hảo dưới ánh đèn, trông hồng hào và tươi tốt như đóa hoa mới nở. Mái tóc lòa xòa rũ xuống giữ ánh sáng trong sợi tơ. Cô đưa mắt ra thấy Trường nhìn, vội vàng cúi xuống rồi lẩn mặt sau cây hương có ý thẹn.
Trường vái xong ra ngồi bên bàn góp chuyện với mọi người, ông Cửu nhìn chàng tỏ ý có cảm tình, ân cần hỏi Trường bao giờ thì nộp đơn xin vào cao đẳng và định theo học ban nào. Lại những câu hỏi mà từ khi đỗ đến giờ chàng phải trả lời đã không biết bao nhiêu lượt.
Trường nhìn nét mặt tươi vui và tự túc của những người ngồi đấy, tưởng sắp được biết điều gì hay và lạ. Chàng chăm chú nghe mọi người nói, sợ mất những câu chuyện có bổ ích; mắt chàng đưa hết người nọ đến người kia, như một đứa trẻ trong căn hàng bày đồ chơi. Sau Trường lại gần bọn Sơn và Hiệp vì thấy họ bàn cãi hăng hái lắm. Chàng lặng yên nghe, đợi chờ một dịp để tỏ ý kiến mình.
Chợt Trường giật mình dưới một cái vỗ mạnh vào vai.
Chưa kịp quay lại, chàng đã thấy một bàn tay nắm chặt lấy tay mình lay mạnh, một cái bắt tay mạnh mẽ và thân mật. Sơn và Hiệp cùng reo:
- Anh Chương! - Rồi nói đùa - Thế nào hôm nay không phải “công sinh” trong trường à.
Chương cười không trả lời, vỗ vai Trường hỏi:
- Kỳ thi năm nay có khó hay không anh? Hình như vào vấn đáp hỏng nhiều lắm thì phải?
Chương ngẫm nghĩ, lại thêm:
- Tuy vậy mà năm nay số người đỗ hơn mọi năm nhiều lắm.
Trường tò mò nhìn người đối diện mình. Chàng thấy mặt Chương đỏ hơn mọi khi, mắt nhấp nháy luôn và cả cái mũi xù xì cũng hình như cử động để hợp không khí, Chương trông lúc nào cũng vui vẻ và nhanh nhẹn. Nhưng trên mặt thoáng lộ vẻ tự kiêu.
Trường nhận thấy trong giọng nói của Chương một ý ganh ghét và tức tối. Tiếng cười của anh ta gượng gạo và không thực thà, tuy lúc nào cũng vui vẻ, và vẫn nói chuyện với chàng một cách vồn vã.
Trường tự hỏi tại sao Chương lại có cái thái độ ấy. Chàng không thể hiểu sao người ta có thể ganh tị nhau về sự thi cử được, chàng xưa nay vẫn coi sự thi đỗ là một việc rất thường trong đời người học trò. Trường muốn nói rõ cho Chương biết rằng chàng không lấy sự đã thi đỗ làm kiêu và tự cho mình là hơn Chương đâu.
Nhưng mọi người khác như không nghĩ thế. Trường nhận thấy cái giá trị của Chương đã kém hẳn trong ý họ. Không như mọi ngày giỗ trước, ông Cửu lần này không hỏi han Chương về sự học hành của anh ta nữa. Ông lắng tai nghe câu chuyện của bọn trẻ, những câu trả lời của Chương, đầu thỉnh thoảng se sẽ gật gù và mỉm cười kín đáo sau bộ râu.
Các bà, nhất là bà Hai và mẹ Trường, nông nổi và bộp chộp hơn đàn ông, nên cái ý so sánh hơn kém của họ lộ ra rõ rệt trong lời nói. Trong lúc mải câu chuyện, Trường đã đứng ngay bên cạnh Chương, hai người cùng dựa vào cái tủ thấp kê sát tường. Bà Hai trông thấy vô tình nói:
- Cậu Trường đứng bên Chương trông lại càng xanh và gầy quá.
Ai nấy đều quay lại nhìn. Mẹ Trường vui vẻ cười, nói:
- Chuyện, người ta học đêm học ngày mà lại! Làm gì chẳng gầy.
Rồi bà cất tiếng cười sung sướng, cái sung sướng của người mẹ tự kiêu vì con. Bà Hai cũng híp mắt cười rất giòn giã, cái cười của bà ta tự nhiên và ngay thực, dễ lây, nên mấy bà khác ngồi cùng sập cũng cất miệng cười theo.
Bên đàn ông yên lặng không nói gì. Chương cúi xuống ngắm nghía đôi giầy, mặt hơi đỏ vì thẹn. Cậu Tiến vẫn thản nhiên như không, vẫn lạnh lùng, nghiêm trang ngồi nhìn thẳng phía trước mặt như không để ý đến ai.
Chỉ Trường vừa thấy ngượng vừa khó chịu. Lòng kiêu vì con của mẹ chàng rõ rệt quá, và câu nói lúc nãy mỉa mai Chương quá. Chàng không muốn cho mẹ thôi đừng nói đến chuyện ấy, nhưng không có cách gì, chàng đành cũng yên lặng. Rồi Trường thành ra tự giận dỗi mình. Chàng sợ người ta tưởng là chàng cũng nghĩ như mẹ chàng và bà Hai, nghĩa là so sánh sự thi đỗ, và lấy đấy làm một cớ để kiêu ngạo.
Một vài lần, Trường đã thấy thoáng trên môi Tiến một nụ cười khinh bỉ, cái nụ cười của kẻ tự biết mình giỏi hơn. Chàng chắc Tiến hẳn có ý chế nhạo mình và cả Chương. Cái cảm giác ấy càng làm tăng sự khó chịu của Trường, khiến chàng lại tự giận mình hơn nữa.
Thạch Lam Tuyển Tập Thạch Lam Tuyển Tập - Thạch Lam Thạch Lam Tuyển Tập