Trên mỗi ngọn núi đều có những lối đi mà khi đứng dưới thung lũng, bạn không thể nhìn thấy được.

James Rogers

 
 
 
 
 
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 147 / 39
Cập nhật: 2020-06-24 21:50:29 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Gió Dại
ày không phải là con tao, tao nói cho mày biết thế. Tao phải chịu đựng mày từng ấy năm đủ rồi. Mày là con hoang, con dại, làm động mồ động mả nhà tao. Mày đi khỏi nhà tao đi. Đi tìm đứa đẻ ra mày đi.
Những lời chửi rủa cay độc ấy thốt ra từ miệng một người đàn bà có đôi mắt toét nhoèn và mái tóc rối bù hôi như tổ cú.
- Chị đi tìm đứa đẻ ra chị đi - Lũ con gái của người đàn bà kêu lên, hòa cùng mẹ chúng - Nhà tôi chẳng có cơm gạo mà nuôi báo cô chị. Chị ám nhà tôi đến chết hết hay sao.
Những lời chửi rủa như thế đã hành hạ cô gần một năm rồi. Lần nào cô cũng im lặng để tối ra đầu ngõ khóc một mình.
Từ lúc ra đời cho đến khi mười bảy tuổi, cô vẫn đinh ninh người đàn bà hôi như tổ cú kia là người đẻ ra cô, và người đàn ông đã mất cách đây gần một năm là bố cô. Nhưng bây giờ thì không phải thế. Cô không hề dính líu một chút máu mủ nào với những người đàn bà bẩn thỉu, xấu xí và cay độc suốt đêm ngày nguyền rủa cô.
Bao nhiêu năm qua, cô sung sướng sống trong ngôi nhà này với những người đàn bà ấy. Những buổi trưa mùa hạ, họ ngồi bới chấy cho nhau. Có khi họ gội chung một nồi nước lá bưởi. Những buổi chiều mùa hạ họ xuống sông tắm. Họ kỳ cọ cho nhau. Đùa nghịch té nước vào nhau, rồi cùng thi nhau vỗ bum bum vào mặt nước. Mỗi lần cô từ lòng sông bước lên thì cả ba cô gái mà một thời gian cô xưng chị, xưng em và yêu thương, sững sờ nhìn cô. Những lúc ấy cô đẹp như con gái thần sông. Đến bây giờ thì cô hiểu cô không phải của gia đình này. Khi biết điều đó cô khóc trắng đêm. Cô không hiểu tại sao cô lạc vào gia đình này, và tại sao bây giờ người ta nguyền rủa và đuổi cô đi.
Với người đàn bà mà hơn hai mươi năm qua cô gọi bằng mẹ. Cô đã hết lòng yêu thương bà ta. Cô cố gắng đỡ đần bà. Đôi khi cô thấy bà đẹp và linh thiêng như bao nhân vật trong các vở chèo, tuồng cổ mà cô đã được xem.
Và đã bao nhiêu đêm, khi cô đã đóng cửa đi ngủ thì có một bàn tay vô hình giật tung cánh cửa ra. Người cô chớm lạnh. Cô đứng lặng nhìn ra ngoài xa. Những vòm lá trong vườn xôn xao lên rồi lạnh ngắt. Hình như có bóng người loáng sân nhà ra qua vườn và khuất vào bóng tối của cây lá. Hình như có tiếng người gọi cô:
- Ào... ào... ào. Con... con... con... co... o... on.
Có nhiều đêm trong mơ cô nghe thấy tiếng gọi đó. Tiếng gọi đôi lúc âm âm như tiếng lòng bàn tay vỗ vào mặt sông.
Bây giờ thì cô ra đi sau bao ngày tháng chịu đựng và chờ đợi. Cô đi tìm người đẻ ra cô. Cô không biết họ là ai và đang ở đâu, còn sống hay đã chết. Cô đi tìm họ để làm gì? Cô không cần. Cô chỉ biết rằng tiếng gọi mơ hồ đã cuốn hồn cô. Cô cần được xưng với ai đó tiếng "con" và được gọi một tiếng "mẹ".
Cô đi ra bờ sông. Sông chảy phờ phạc. Mặt sông váng bẩn. Sông thì thào mỏi mệt kể cho cô nghe về bố cô - một người đàn ông hầu như suốt ngày không nói. Ông chỉ trò chuyện với con trâu cụt sừng nhà ông. Ông đã cùng nó làm quần quật tháng ngày để nuôi lũ con sớm mồ côi mẹ.
Nhưng cô không nghe thấy lời sông. Cô hình dung bố cô là một người vạm vỡ, trắng trẻo và đẹp như những người đàn ông trong tranh treo bán ở thị trấn đã có lần cô nhìn thấy. Phải là người đàn ông như thế mới đẻ ra được một đứa con đẹp như cô. Cô nghi ngờ tất cả nhưng chưa bao giờ nghi ngờ sắc đẹp của mình.
Cô đi lên đê. Cô khẽ bật cười buồn bã vì tên cô trùng với tên cỏ may mọc xơ xác trên đê. Cỏ may cuốn lấy chân cô và găm vào cô những lời gan ruột của cô. Cỏ kể về mẹ cô. Một người đàn bà điên khi bước vào tuổi dậy thì. Bom Mỹ đã giết sạch gia đình bà. Nỗi đau đớn ấy làm bà hóa dại. Suốt ngày bà đuổi cào cào, châu chấu và đổ dế mèn trên đê nướng ăn. Tối đến bà ngủ trong chiếc điếm canh đê bẩn thỉu và nồng nặc mùi phóng uế. Bà cười và hát suốt ngày. Những bài hát của một người điên.
Nhưng cô không hiểu được lời cỏ. Cô tin mẹ cô là người đàn bà đẹp và giỏi nhất thế gian này, thì mới có thể để lại cho riêng cô một di sản quý báu, đó là sắc đẹp của cô.
Dọc theo đê sông Đáy cô đi. Con đê dẫn cô ra đường quốc lộ. Cô đi về phía thị xã. Đói lả và lạ lẫm. Cô tựa cửa một ngôi nhà mặt đường thị xã và ngủ. Sáng sớm một bà chủ mở cửa để dọn hàng. Bà thấy cô dựa cửa ngủ mê mệt. Bà cầm chổi đập đập vào vai cô:
- Này, này dậy đi. Ở đâu mà đến tựa cửa nhà người ta ngủ thế này.
Cô choàng tỉnh, ngơ ngác.
- Cháu đi tìm mẹ cháu.
- Mẹ nào ở đây, rõ dở hơi.
- Cháu... cháu đi tìm mẹ... Nói xong cô òa lên khóc.
- Mẹ nào? Nói tao xem.
- Người ta bảo cháu là con hoang, đuổi cháu đi. Cháu chẳng biết mẹ cháu là ai... Cháu đi tìm.
- Tao chả biết ngô khoai thế nào cả. Thôi đứng dậy, tao quét đã.
Cô đứng dậy, mệt mỏi:
- Cháu chào bà, cháu đi.
- Đi đâu bây giờ? Bà chủ quán ngừng quét hỏi.
- Cháu... cháu cũng không biết.
- Vào nhà đã, tao hỏi cái này. Bà chủ quán hạ giọng sau khi đã quan sát kỹ cô. Thấy cô còn đứng nguyên tại chỗ bà gắt - Vào đi.
Sau khi uống xong chén nước. Cô kể lại hoàn cảnh của mình cho bà nghe. Bà chép miệng rồi nói:
- Nhà tao không thiếu con cái, cũng chẳng thiếu người làm. Tao thấy hoàn cảnh của mày đáng thương tao muốn giữ lại ở đây, rồi thì dò hỏi dần, chứ đi tìm bây giờ như tìm kim đáy bể, có mà mục thất. Thấy ở lại được thì ở, không thì đi, không ai ép.
- Cháu cảm... ơn bà - Cô nấc lên.
- Đừng khóc nữa cháu ạ, mỗi người một hoàn cảnh. Đi rửa mặt mũi chân tay đi, bác mua cho nắm xôi mà ăn, chắc đói rồi chứ gì.
Rồi cô ở lại nhà bà. Những ngày đầu cô sợ sệt, dò xét nhưng sau thì quen. Cô không biết là cô sẽ đi đâu nữa. Cô nguyện không trở lại cái gia đình của những người đàn bà đã hắt hủi cô. Thế là cô yên tâm ở lại nhà bà chủ quán. Hàng ngày cô giặt giũ tất cả quần áo cho gia đình và nấu cơm. Cô quá quen với những công việc như thế hơn mười năm nay rồi. Tối tối cô ngủ trong buồng cùng với bà chủ quán. Có một lần cô bị cảm. Bà mua lá xông cho cô. Buổi tối đó bà bưng bát cháo sườn đến bên giường cô:
- Con ơi! Mẹ mua cho con bát cháo. Dậy mà ăn. Dậy đi con, ăn xong nó nhẹ người ngay đấy.
Nghe bà gọi, người cô run lên. Tiếng "Mẹ" nghe ngọt ngào và sự yếu đuối của một cơ thể ốm làm cô òa khóc. Cô muốn ngồi dậy ôm lấy bà mà nói "Mẹ ơi! Con chẳng phải đi đâu nữa, con sẽ ở lại đây mãi mãi với mẹ".
Nhưng cô không nói được. Cô quay vào tường khóc. Lát sau cô quay lại bưng bát cháo. Cô sung sướng húp từng thìa cháo, và cảm thấy sau mỗi thìa cháo bệnh tật tan đi và hạnh phúc cứ lấp đầy lòng cô.
Sau ngày đó cô thấy hạnh phúc hơn nhiều. Chỉ có một điều làm cô đôi lúc thấy sợ hãi. Đó là đứa con trai tàn tật của bà chủ quán. Hàng ngày cô phải vào buồng của anh để lấy quần áo của anh mang đi giặt. Trong căn phòng nửa sáng nửa tối, lúc nào anh cũng mở to đôi mắt của kẻ bệnh tật nhìn cô. Mỗi khi thấy cô vào anh sung sướng nẫng người lên như một đứa trẻ và gọi "ơi... cho cho... cốc cốc... nước". Hầu như suốt ngày bà chủ quán nhốt anh ở trong buồng. Thỉnh thoảng bà mới cho anh ra nhà ngoài. Anh dẹo dọ bám vào tường cố lần ra. Anh lật bật ngồi xuống chiếc ghế xa lông. Anh mở đôi mắt đờ dại nhìn ra đường phố náo nhiệt và cả cơ thể bị tật cứ co quắp, run rẩy. Anh chỉ được ngồi đó chừng mười lăm phút. Bà chủ quán đuổi anh vào:
- Này, đứng dậy vào buồng đi - Bà gắt lên. Lúc nào bà cũng gắt với anh như thế - Vào buồng cho khuất mắt. Đã không giúp đỡ được gì mà ngồi đấy mắt cứ trố lên. Sốt cả ruột. Hàng họ thì đầy rẫy ra đấy. Con già này mà bỏ đây thì chúng mày bán cả váy đi cũng không đủ ăn.
Bà quát tháo ầm ĩ. Anh lại lặng lẽ đứng dậy. Run rẩy, lập cập mãi anh mới mò được vào giường của mình. Anh nằm xuống và khóc tu tu. Tiếng khóc của người tàn tật cũng tàn tật. Bà chủ quán không hề xúc động với tiếng khóc của anh. Bà dửng dưng hơn là nghe tiếng của hai con chó cảnh của bà cắn nhau hay nghe tiếng gà mổ nhau trong chuồng.
Một hôm bà bảo cô chuyển chiếc giường một cô vẫn nằm vào buồng của đứa con trai tàn tật.
- Con vào đó mà ngủ cho yên tĩnh. Nằm ngoài này gần đường ầm lắm. Và mẹ thì hay tỉnh giấc. Con gái như chúng mày đang tuổi ăn tuổi ngủ.
Cô hoảng hốt nhưng không dám nói gì. Đêm đầu tiên ngủ chung trong căn buồng với anh, cô không thể nào chợp mắt. Cô ngồi trên giường tựa vào tường. Cả đêm anh cũng không ngủ. Đối với anh không có ngày đêm. Anh ăn ngủ không có giờ giấc nào cả. Những lúc anh thức tha thẩn chơi với những đồ vật trong buồng. Đêm ấy, thỉnh thoảng anh xoay người về phía cô. Đôi mắt bệnh tật nhìn cô rất lâu rồi nhoẻn cười. Cái cười méo mó và khốn nạn.
- Ngủ ngủ... đi đi... kẻo kẻo... mệt mệt!...
Anh vất vả nói với cô. Cô bậm môi cho khỏi khóc vì sợ hãi và vội vàng gật gật đầu. Cô len lén nằm xuống. Trời nóng mà cô vẫn lấy tấm vỏ chăn trùm kín người. Anh ngồi nhìn cô một lúc rồi quay ra với những trò chơi lẩn thẩn. Thỉnh thoảng anh lại cười nấc lên với những ý nghĩ và sự thích thú bí ẩn của mình.
Lâu dần mọi sự thành quen. Cô không còn thấy sợ hãi gì anh nữa mà chỉ thấy anh đáng thương. Thỉnh thoảng ngứa ở đâu đấy anh lại co quắp chân tay và rối rít gọi cô "ôi ơi... gãi gãi... hộ hộ... cái cái... " "nào ngứa ở đâu nào? ". Cô hỏi anh và kéo áo anh lên. Cô lấy chiếc quạt nan hay một vật gì đó cạo lên tấm lưng xanh bủng của anh. Một lần khi cô đang gãi cho anh thì bà chủ quán nhìn thấy. Bà đứng lại bên cửa mỉm cười.
Rồi một buổi tối sau đó ít ngày bà dọn hàng sớm. Bà bảo cô:
- Tối nay mẹ muốn nói chuyện với con.
Cô thưa "dạ" và hồi hộp chờ đợi.
Buổi tối sau khi cơm nước xong. Bà kéo cô vào buồng bà và nói:
- Con ạ, mẹ có ba đứa con trai. Chúng nó có vợ con cả rồi, mẹ muốn tính chuyện cho nó...
- Chuyện gì ạ? Cô tò mò hỏi.
- Chuyện riêng tư, chuyện vợ con ấy mà.
- Mẹ lấy vợ cho anh Tấn? - Cô tròn mắt hỏi.
- Ừ, tuy nó hình thức méo mó, nhưng cũng là đứa hiền lành. Mẹ muốn lo cho nó. Mẹ chẳng thiếu gì vàng bạc đâu, cũng đủ thuê người trông coi nhà cửa và chăm sóc nó đầy đủ cả đời...
- Nhưng mà... mẹ đã chọn cho anh ấy đám nào chưa? Cô hỏi và hết sức ngạc nhiên với ý định của bà định cưới vợ cho anh con trai tàn tật như thế.
- Ấy thế mẹ mới gọi con vào đây mà nói chuyện với con...
- Chuyện ấy là do mẹ quyết định. Con làm sao mà giúp được gì cho mẹ và anh Tấn.
- Nói gần nói xa chẳng qua nói thật. Mẹ muốn hỏi ý con, nếu... con đồng ý, nếu con thương nó...
- Mẹ! Cô kêu lên. Cô cảm thấy chân tay rã rời - Con... con là em anh Tấn, là... là con của mẹ.
- Mẹ con mình không cùng máu mủ, có gì mà con phải suy nghĩ. Mẹ đã chuẩn bị chục cây vàng cho chúng mày làm vốn riêng. Cái nhà này mẹ sẽ làm giấy tờ cho con đứng tên sở hữu...
- Mẹ! - Cô kêu lên và òa khóc.
- Con cứ suy nghĩ kỹ đi, rồi trả lời mẹ - Bà nói và tỏm tẻm nhai trầu - Mẹ cũng chỉ muốn mày hạnh phúc, no đủ. Thấy hoàn cảnh của mày mẹ thương, chứ... chứ....
May im lặng. Cô ngồi như hóa đá. Đầu óc cô mê muội như không còn nghe thấy gì nữa. Đến khuya thấy cô vẫn ngồi như thế, bà chủ quán ngọt nhạt. "Đi ngủ đi con, ngồi thế muỗi nó đốt cho thì khổ". Cô lặng lẽ đứng dậy đi vào buồng. Khi đẩy cánh cửa buồng bước vào thì thói quen ngủ chung buồng với anh con trai tàn tật kia lâu nay chợt biến mất. Cô hoảng sợ. Gai ốc sởn khắp người. Anh con trai thấy có người bước vào lại nẫng như muốn nhảy lên sung sướng.
- Không! Cô kêu lên và lùi lại. Nụ cười bệnh tật từ từ tắt trên gương mặt bủng xanh của anh.
- Mẹ mẹ... mắng mắng à à...?
Anh vất vả hỏi cô. Cô im lặng lên giường. Cô ngồi thu vào góc giường và trùm vỏ chăn kín người. Đêm ấy cô không dám chợp mắt. Nghe tiếng động từ bên chiếc giường của anh cô lại giật mình hoảng hốt.
Sáng hôm sau bà chủ quán lại mang câu chuyện tối hôm trước nói với cô. Cô nhìn bà òa khóc. Cô quỳ xuống nền nhà lạy bà:
- Con van mẹ, mẹ thương con...
- Mẹ thương con thì mẹ mới nói chuyện đó với con. Vợ chồng mày muốn gì mẹ cũng cho.
- Con... con... không thể, con xin mẹ cho con đi...
- Ái chà - Bà chủ quán nghiến răng - Hóa ra là tao nhầm mày. Tao thấy mày có vẻ tử tế và hoạn nạn tao thương, tao nuôi mày. Bây giờ mày trả ơn tao thế đấy hả.
- Con mang ơn mẹ cả đời con. Nhưng còn chuyện với anh Tấn... con... không thể...
- Mày khinh tao, khinh con tao phải không? Nó méo mó còn hơn chán vạn đứa không cha không mẹ kia đấy.
Bà ngừng nói và đứng dậy. Bà nhìn May rồi cười khẩy.
- Tùy mày thôi. Tao chỉ thương con tao là mang tiếng đã ăn ngủ với mày mấy tháng nay rồi.
- Không! Mẹ đừng độc mồm thế.
- Cả phố họ biết là mày đã ngủ trong buồng với nó chán ra rồi đấy.
- Trời ơi! May kêu lên nức nở - Mẹ cho con đi khỏi đây, con lạy mẹ, con van mẹ...
- Mày không đi đâu ra khỏi cái nhà này được. Mày đi, tao báo mấy thằng anh mày nó giết mày với tội lừa lấy vàng nhà tao.
May không biết nói gì nữa. Cô chạy vào buồng gục xuống khóc mê man.
Anh con trai tàn tật nhìn cô. Đôi mắt anh ánh lên một thứ ánh sáng lạ. Thứ ánh sáng như từ mắt của một loài khỉ nhìn thấy đồng loại mình trúng tên quằn quại. Chợt anh cùng òa khóc tu tu. Tiếng khóc bệnh tật như của một oan hồn.
Đêm ấy trong lúc bà chủ quán đi xuống nhà vệ sinh cô đã rời khỏi ngôi nhà trốn đi. Trước lúc ra đi cô quay vào buồng nhìn Tấn và nói:
- Tôi đi nhé. Cầu Phật cho anh khỏi bệnh. Tôi không ghét anh đâu.
Cánh tay tàn tật của anh quơ quơ trong không khí như muốn giữ cô lại và cũng như xua xua ý bảo cô đi thật nhanh. Khi cô bước ra khỏi buồng thì anh nằm quay ra giường, người giãy như con cá trên cạn. Tiếng khóc của anh như gió thổi vào ống tre.
Ra khỏi thị xã cô vừa đi vừa chạy ngược phía con đường trước kia dẫn cô ra thị xã. Trời đã sang đông. Gió thổi lạnh. Mỗi khi có ánh đèn ô tô đến gần, cô dừng lại và vẫy như điên dại. Nhưng những chiếc xe cứ rú máy lướt qua cô. Đến khi kiệt sức cô chỉ nâng được cánh tay lên thì một chiếc xe com măng ca dừng lại. Người bước ra khỏi xe là một phụ nữ khoảng 50 tuổi, người khô quắt và giọng nói ồm ồm như giọng đàn ông.
- Cháu đi đâu một mình đêm hôm khuya khoắt thế này?
- Cô ơi! Cô cho cháu đi nhờ với. Người ta giết cháu mất - Cô kêu lên hổn hển.
- Bình tĩnh lại đi cháu, ai giết cháu? Ừ mà thôi lên xe đã nào, đứng dưới này gió chết.
Người đàn bà đi lại gần đầu xe và nói:
- Đồng chí lái xe cho cô này đi nhờ. Chắc cô ấy có chuyện gì đó, để tôi hỏi xem sao. Trông mặt mũi thế này là con nhà lành đây.
Anh lái xe không nói gì. Dìu cô vào trong xe. Anh nhấn ga. Chiếc xe lầm lũi lao đi.
- Cháu tên là gì?
- Cháu tên là May.
- Quê cháu ở đâu?
- Cháu ở làng Chùa.
- Có chuyện gì xảy ra với cháu? Cướp à?
- Dạ... không...
Nghỉ một lát rồi May kể lại cho người đàn bà nghe về cuộc đời mình. Nghe xong bà im lặng rất lâu rồi nói:
- Đồng chí lái xe cho cô ấy về nhà tôi nhé. Mai tôi sẽ giải quyết trường hợp này.
Anh lái xe không nói gì. Chân vẫn giữ đều ga. Chiếc xe lầm lũi chạy về phía thị trấn huyện.
Gần mười giờ đêm thì xe về đến nhà. Bà mở cửa và bật điện. Một ngôi nhà nhỏ nhắn nhưng lịch sự và sạch sẽ.
- Ngồi xuống đi cháu. Cơm nước gì chưa? Cô đun ấm nước cho mà rửa ráy.
Vừa nói bà vừa làm thoăn thoắt. May khép nép ngồi xuống ghế và đưa mắt nhìn ngơ ngác quanh nhà.
- Cô ở có một mình thôi. Cháu cứ thoải mái nhé.
Sau khi dọn giường chiếu xong bà bảo May:
- Cháu đi ngủ trước đi. Cô cháu mình nói chuyện với nhau sau. Cô phải tranh thủ làm việc một lúc. Sáng mai cô có cuộc họp ở ủy ban huyện.
Nói rồi bà mở tủ lấy cặp tài liệu và ngồi vào bàn. May rón rén lên giường. Chăn chiếu sạch sẽ tỏa vào cô dễ chịu. Nằm trong chăn một lúc cô xoay người nhìn về phía bàn làm việc của bà. Bà đang im lặng cúi xuống một đống giấy tờ. Tự nhiên cô thấy yên tâm. Cô khẽ nhoẻn cười một mình và ngủ thiếp đi.
Mãi hai hôm sau bà mới có thời gian ngồi nói chuyện với May. Bà hỏi cô hết sức tỉ mỉ về hoàn cảnh của cô. Cuối cùng bà nói:
- Bây giờ cô giải quyết thế này nhé. Nếu cháu muốn thì cháu ở lại đây với cô. Bước đầu cháu ở nhà đọc sách, xem báo. Muốn làm gì thì làm. Sau này cô sẽ tìm cho cháu một việc làm ở huyện. Còn việc tìm mẹ cháu thì đáng hoan nghênh. Làm con phải giữ chữ "hiếu", nhưng để cô dò hỏi dần dần, và cả hai cô cháu. Cô sẽ cho người về gia đình mẹ nuôi cháu để hỏi xem thế nào. Đấy, vấn đề là thế, cháu thấy có được không?
May nấc lên vì xúc động. Cô nhìn bà với ánh mắt đầy biết ơn.
Buổi tối hôm đó từ cơ quan huyện trở về bà nói với cô:
- Cô đã báo cáo lãnh đạo ủy ban về trường hợp cháu. Cô nhận cháu làm con nuôi. Các anh trong ban thường vụ đồng ý cả... Vì hoàn cảnh cô...
- Cô... Mẹ. Con cám ơn mẹ...
Từ ngày đó cô vui vẻ hẳn lên. Cô cũng ít nghĩ lại những gì đã xảy ra trong gia đình bà chủ quán. Mà có nghĩ đến cô cũng chỉ thấy thương đứa con trai tàn tật của bà. Bây giờ hàng ngày cô dậy sớm lo cơm nước cho bà mẹ nuôi ăn để đi làm sớm. Sau khi bà xách cặp đến cơ quan huyện, cô ở nhà để giặt giũ, lau chùi bàn ghế, nhà cửa. Tối đến, cô ngủ chung với bà trên chiếc giường đôi. Bà thường ôm cô vào lòng vuốt ve cô. Cô dụi đầu vào ngực bà tin cậy và hạnh phúc.
- Ngủ với con như thế này mẹ lại nhớ lại ngày trước - Bà thủ thỉ, giọng trầm trầm - ngày còn chiến tranh ấy. Đơn vị thanh niên xung phong của mẹ toàn là con gái. Tất cả sống với nhau mấy năm liền trong những căn hầm ở Trường Sơn. Mùa rét cứ ôm ghì lấy nhau mà ngủ cho ấm...
Đúng, cái ngày ác liệt và thiếu thốn tưởng không sống nổi. Cái họ thiếu nhất là giọng nói và bóng dáng của đàn ông. Nhiều lúc buồn quá, họ tổ chức chơi trò lễ cưới. Ngày ấy bà thường phải đóng đàn ông. Vì bà có dáng người cứng và khuôn mặt thô. Mỗi lần như thế bà phải giả giọng nói đàn ông. Bà phải tỏ tình, phải nâng cô dâu, phải sửa soạn phòng cô dâu. Phòng cô dâu thường là một căn hầm nhỏ được trang trí bằng những tấm dù pháo sáng và hoa rừng. Nhiều khi các cô gái bắt "chú rể", "cô dâu" phải sống với nhau một đêm trong "căn hầm cô dâu" như thế. Những ngày đầu thì buồn cười lắm. Nhưng sau đó, mỗi khi bà dắt tay "cô dâu" của mình vào buồng "cô dâu" thì tự nhiên trái tim của bà đập rộn lên. Giọng nói của bà tự nhiên cứ ồm ồm mặc dù bà không có ý định bắt chước. Bà đỡ "cô dâu" xuống giường và vuốt ve "cô dâu". Nhiều lúc cả hai, "cô dâu" và "chú rể", chợp ngợp đi trong một tình cảm lạ lùng. Họ chợt nhìn nhau đắm đuối. Họ cảm thấy hơi thở phả vào nhau nóng hổi. Và cả hai nghe thấy từ đâu tiếng trẻ sơ sinh. Tiếng trẻ sơ sinh xuyên qua tiếng bom đạn rền rĩ, mơ hồ vọng về làm họ nghẹt thở. Rồi sau đó họ chợt tỉnh, ngơ ngác và ngượng ngùng nhìn nhau rồi cả hai bỏ chạy vào rừng, gục đầu vào thân cây âm thầm khóc.
Rồi một ngày, "cô dâu" của bà hy sinh. Bà đã chạy vào căn hầm làm "phòng cô dâu". Bà vừa khóc vừa cào xé tấm vải dù pháo sáng và đập nát tất cả những "đồ mừng đám cưới" của họ. Những ngày sau đó, những "đám cưới" như thế vẫn được tổ chức. Tất cả những người tham dự đám cưới khóc cười như điên dại trong cơn ác mộng của sự đau khổ và hạnh phúc ấy.
Chiến tranh kết thúc, bà trở về làm văn thư cho văn phòng ủy ban huyện. Bây giờ bà trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo của ủy ban nhân dân huyện. Bà không lấy được chồng bởi vì dáng người gầy quắt và khô cứng cùng giọng nói đàn ông của bà. Và đêm đêm, bà mơ thấy "đám cưới" của mình trong cánh rừng khắc nghiệt của Trường Sơn. Bà thấy "cô dâu" của bà trở về. Cả người "cô dâu" đẫm máu và được cài kín bằng những bông hoa dại của rừng Trường Sơn. Ban ngày bà lăn xả vào công việc. Đến đêm bà vật vã trong những cơn mơ kỳ dị. Đôi lúc bà mê đi trong một nỗi đau khổ rằng "người vợ" yêu thương của bà đã bị chiến tranh cướp mất.
Sau nhiều lần May nhận ra sự không bình thường trong vòng tay ghì chặt của bà. Cô cảm thấy sợ hãi nhưng vẫn nằm im. Sau những lần như thế bà lại ngồi dậy đến bên bàn làm việc. Bà lôi từ cặp ra hàng trăm thứ giấy tờ và ngấu nghiến đọc. Có lần tỉnh giấc, May thấy bà ngủ gục trên đống giấy tờ, tài liệu. Những lúc ấy cô thấy thương bà hơn cả là nỗi lo sợ mơ hồ.
Rồi đến một hôm nỗi sợ hãi mơ hồ của cô thành cụ thể. Hôm ấy là ngày hai mươi bảy tháng bảy. Buổi sáng bà cùng lãnh đạo huyện và các ngành đi đặt vòng hoa viếng ở nghĩa trang liệt sĩ huyện. Tối trở về nhà bà không ăn uống gì. Bà lên giường nằm sớm. Bà cứ nằm im lặng và hai mắt mở to không chớp nhìn lên trần nhà. Đến khi còi đài phát tín hiệu chín giờ tối bà nhắc May đi ngủ. Cô rụt rè nằm xuống cạnh bà. Cả hai người im lặng.
Ngôi nhà im ắng chỉ còn nghe thấy tiếng thở ngắn và gấp của hai người đàn bà. Rồi đột nhiên bà quay lại phía cô. Bà ghì xiết cô vào lòng. Bà mê dại hôn lên mặt cô. Bàn tay bà lần cởi cúc áo cô. Người cô nhún đi trong sự sợ hãi. Bàn tay khô héo của bà xoa lên đôi bầu vú cô căng tròn và trắng hồng như viên ngọc. Rồi bà lần cởi cúc áo mình. Bà cầm lấy tay cô đặt vào bầu vú khô héo của mình. Bà ghì cô vào bằng một cánh tay. Bàn tay kia của bà run rẩy, điên loạn lần cởi quần áo cô. Cô mê đi trong sự sợ hãi kinh hoàng. Trong nỗi kinh hoàng ấy cô nghe thấy tiếng bà "Em ơi, anh yêu em... Trời... chúng nó lại ném bom đấy. Em... có nghe... thấy... con khóc... không".
May như choàng tỉnh. Cô đẩy bà ra và vùng ngồi dậy. Cô ngồi thu vào một góc giường và khóc. Bà gục đầu vào gối òa khóc theo. Một lát sau bà ngồi dậy bước xuống đất. Bà mở cửa và đi vào đêm tối mênh mông. May ngồi trên giường mãi đến khuya vẫn không thấy bà quay về. Cô thức và mong trời sáng.
Sáng dậy cô thu dọn nhà cửa và đến cơ quan huyện tìm bà. Từ gốc cây nhãn ngoài sân nhìn vào, cô thấy bà đang ngồi trước một đống giấy tờ cao gần lấp mặt. Một lát sau cô lặng lẽ quay ra. Cô gửi chìa khóa nhà lại cho bà ở phòng thường trực.
Cô trở về làng Chùa. Bàn chân cô nặng trĩu trên con đường đất gồ ghề đầy bụi. Trời oi nồng như sắp có bão. Tiếng ve bỏng rát từ những bụi tre trong xóm ven đường kêu miên man.
Qua đò Áng thì trời nổi giông. Mưa đổ xuống ào ạt. Mưa như trăm ngàn viên sỏi nhỏ bắn vào cô. May chạy về phía cây đa đầu chợ. Cô ngồi xuống rễ cây đa già nổi trên mặt đất như lưng một con nghé tơ. Trên đầu cô mưa xối dữ dội vào tán lá. Trời tối sẩm như mù mịt nước. Gió nổi lên mỗi lúc một to. Nước mưa như chui qua tán lá dày của cây đa ròng ròng chảy xuống ướt đầm người cô. Trước mặt cô có một cái quán nhỏ, trong đó năm bảy thanh niên làm nghề xe thồ đang trú mưa. Họ vừa hút thuốc vừa dõi mắt về phía cô và tán chuyện gì đó. Thỉnh thoảng cả bọn lại phá lên cười. Họ nhìn cô trêu chọc. Có đứa lè lưỡi về phía cô rồi rú lên. Có đứa giơ tay làm một động tác thô tục. Có hai đứa ôm nhau ngoáy mông một điệu nhảy. Cô xoay người về phía chân đê. Bỗng một thằng rời khỏi lều chạy lại phía cô. Nó vừa vuốt nước mưa trên mặt vừa nhe răng cười. Đôi mắt nó dò dẫm trên cơ thể bết dính một lớp vải mỏng của cô vì nước mưa.
- Lại lều với bọn anh đi - Nó nói và cầm lấy tay cô.
Cô giật tay mình ra khỏi bàn tay của nó và quay về phía đê. Trời mỗi lúc một tối. Mưa vẫn xối xả trút xuống. Thằng thanh niên phá lên cười và ôm chầm lấy cô. "Chúng mày đâu". Nó kêu lên. May cố vùng vẫy thoát khỏi vòng tay nó. Cả bọn đạp xe thồ từ trong quán lều ùa ra như một lũ chuột cống bẩn thỉu. Chúng xúm vào khiêng cô về lều. Cô kêu gào. Tiếng cô bị tiếng mưa gió nuốt chửng. Cô cắn mạnh vào một cánh tay gần đó. Tiếng một thằng rú lên. Cô quẫy mạnh người thoát ra những cánh tay đang tua tủa như vòi bạch tuộc quấn lấy cô. Cô chạy như điên như dại về phía chân đê. Cả đám thanh niên sững lại rồi một số đứa lao theo cô. Cô băng qua những bụi dứa dại ven chân đê. Gai dứa sắc nhọn cào ngang dọc trên cơ thể cô. Cô lao lên mặt đê. Gió thổi tốc vào ngươi làm cô lảo đảo. Cô đứng lại rồi cứ theo mép cỏ lên mặt đê chạy thục mạng. Đến lúc mệt quá, cô ôm ngực thở hổn hển. Cô quay lại phía sau. Cả một triền đê dài mù mịt mưa. Không thấy bóng một thằng xe thồ nào đuổi theo nữa. Lúc ấy cô mới òa khóc. Nước mắt của cô tan vào trăm ngàn giọt mưa đang ràn rạt ném vào mặt cô. Trời sập tối. Cô lập cập đi từng bước trên mặt đê trơn.
Đi mãi, bỗng cô nhận phía trước có ánh lửa. Ánh lửa mơ hồ trong đêm mờ mịt. Lòng cô chợt thấy ấm lại. Người cô đỡ run. Bước đi của cô vững vàng hơn. Cô vội vã đi về phía ánh lửa.
Khi chỉ cách mươi bước chân, cô mới nhận ra ánh lửa hắt ra từ một điếm canh đê. Những cái điếm canh đê như thế có rải rác dọc những con đê sông. Cô bước đến bên cửa điếm. Trong cái điếm khuất gió có một người đàn bà đang ngồi co ro bên đống lửa nhỏ. Cô đứng rất lâu mới cất tiếng được. Giọng cô run cầm cập.
- Bà cho cháu vào ngồi nhờ một chút ạ.
Nghe tiếng cô, người đàn bà quay lại. Bà nhe răng ra như cười. Bà nhìn cô một lát rồi lại quay về phía ngọn lửa. Cô lặng người đi vào, nhận ra đó một người đàn bà điên. Khi bà bình tĩnh trở lại, cô khẽ khàng đến bên đống lửa và ngồi xuống. Người đàn bà điên như không hề để ý đến cô, bà nhặt những mẩu củi nhỏ bỏ vào bếp lửa. Bà cời từ đống lửa ra những quả chuối xanh đã nướng chín. Bà cầm một quả đưa cho cô. Cô vội đón lấy. Bà ra hiệu cho cô ăn và bà cũng bóc một quả ăn ngon lành. Cô nhìn bà ăn và rụt rè bóc lớp vỏ. Mùi chuối nướng chín tỏa ra thơm ngậy. Cô cảm thấy khỏe lại và đỡ lạnh.
Sau khi dùng xong bữa tối đặc biệt. Cô cảm thấy vui vẻ hẳn lên. Mọi ngày nhìn thấy người điên cô cảm thấy hoảng sợ. Nhưng bây giờ bên cạnh một người điên cô cảm thấy yên tâm. Dù sao cô cũng có một người bạn và một bếp lửa trong đêm mưa bão lớn và ở trong một cái điếm canh đê chơi vơi như thế này. Cô nhìn người đàn bà điên và nhoẻn cười.
- Cháu cám ơn bà, bà ạ.
Người đàn bà nhe răng ra cười. Bà ra hiệu cho cô cởi quần áo và chỉ vào ngọn lửa.
- Vâng, vâng - Cô vội vã trả lời. Cô hiểu ý bà. Cô ngượng ngùng cởi áo và vắt kiệt nước. Bà bỏ thêm những que củi vào bếp. Một lát sau ngọn lửa bùng cao lên. Bà đứng dậy và lấy thêm chiếc áo rách nát như một mớ giẻ lau đưa cho cô và ra hiệu cho cô mặc áo vào.
- Mưa lắm - Bà chợt cất tiếng nói. Lúc này cô mới biết là bà không bị câm.
- Cháu cảm ơn bà, cháu xin bà. - Cô nói và loay hoay mặc chiếc áo vào người. Khi da thịt cô chạm vào những sợi vải thì cô thấy trong người ấm rực lên. Bà nhìn cô, đôi mắt sáng lên sự thích thú dài dại. Rồi bà chỉ vào góc điếm có lót những tàu lá chuối khô và nói:
- Ngủ đi.
- Bà ngủ đi. Cháu ngồi đây cũng được.
Bà xua tay như không đồng ý và rối rít ra hiệu cho cô đi ngủ. Vì quá mệt mỏi và cũng vì cô cảm thấy yên tâm lạ thường. Cô đi lại ổ lá chuối và nằm xuống. Bà nhìn cô và bật cười khanh khách.
Chỉ một lát sau cô đã chìm vào giấc ngủ ngon lành. Gương mặt ngây thơ và ngơ ngác của cô nghiêng về phía bếp lửa. Người đàn bà điên đứng dậy đi quanh bốn góc tìm bất cứ cái gì có thể bỏ vào bếp được. Ngọn lửa vươn cao hơn một chút tỏa ánh sáng hồng hào trên gương mặt cô. Bà đi như bò đến bên cô và ngồi xuống. Bà nhìn trân trân vào gương mặt cô. Rồi như vụng trộm bà đưa bàn tay của mình chạm rất khẽ vào cánh tay cô. Trên cánh tay thon thả, mịn màng đọng những vệt máu do gai cứa, cào. Bà lấy ngón tay trỏ di di vết máu rồi từ từ đưa lên mũi ngửi. Đôi mắt bà từ từ mở to hơn. Đôi mắt của một người điên chợt như đổi thay kinh hoàng. Bà quay lại nhìn cô như nhìn một vật lạ. Rồi bà đưa ngón tay di di vào vết máu còn ướt nước mưa. Bà đưa lên mũi ngửi rất lâu. Cánh mũi bà phập phồng, cả bầu ngực gầy lép của bà cũng phập phồng theo. Người bà bỗng run lên. Đôi mắt mở to đến man dại. Bà run rẩy đứng dậy đi ra phía cửa điếm. Trời vẫn mưa. Gió hắt vào bà những bụi nước lạnh. Gương mặt điên của bà chợt buồn. Mưa và gió vẫn rít trong đêm. Và cái phần trí óc lành lặn nhỏ nhoi còn sót lại trong đầu bà bắt đầu cựa quậy. Phần trí óc đó dần dần thực hiện chức năng của mình. Nó đưa lại cho bà những dữ kiện đặc biệt của đời bà trước kia.
... Cũng một cái điếm canh đê, cũng những tàu lá chuối khô lót ổ, cũng những bữa ăn như của con người buổi sơ khai, bà đã sống gần 20 năm trước đây như thế. Hàng ngày có một người nông dân góa vợ và con trâu cụt sừng của ông trên đường từ ruộng về ghé qua điếm canh đê. Ông ngồi hóng gió và hút thuốc lào. Khác tất cả những người làng gặp bà, ông không nói hỏi gì cũng chẳng nhìn bà. Trước cửa điếm là con trâu cụt sừng của ông nằm nhai cỏ. Nhưng đến một buổi chiều mưa gió dữ dội. Ông ngồi thu lu trong góc điếm và hút thuốc lào nhìn mưa. Cơn mưa chiều ấy làm tan đi cái nóng oi nồng của một ngày hạ. Con trâu cụt sừng sung sướng ngửa mặt lên trời kêu. Bà cũng sung sướng trước cơn mưa như loài vật. Bà bình thản trút bỏ quần áo và ra tắm dưới mái điếm canh đê. Mưa mùa hạ rửa sạch bụi bặm và những vết bẩn trên cơ thể bà. Trong làn mưa mờ trắng, mênh mông, bà hiện lên xinh đẹp đến lạ kỳ. Bà vùng vẫy trong mưa. Bà ngửa mặt lên trời kêu lên sung sướng. Cơ thể của một cô gái tuổi đôi mươi trinh bạch tỏa ra một thứ hào quang bí ẩn làm người nông dân góa vợ choáng váng. Ông đứng dậy bước đến gần bà. Ông mê dại ngắm nhìn và ông nắm lấy tay bà. Ông dắt bà vào trong điếm. Bàn tay thô nháp của ông run rẩy trên da thịt bà. Ngoài cửa điếm trời vẫn mưa dào dạt. Con trâu cụt sừng lim dim đôi mắt trong mưa, thỉnh thoảng nó ngửa mặt lên trời rống lên sung sướng.
Sau chiều mưa ấy bà mang thai. Khi họ hàng nhà bà biết chuyện đó thì họ làm ầm lên. Họ tìm mọi cách để truy hỏi một người điên về người đàn ông đã chung đụng với bà. Khi bà bình thường chẳng ai quan tâm đến bà. Nay bà có thai sắp đến ngày sinh nở thì họ điên cuồng tìm ra thủ phạm của cái thai để bắt người đó gánh vác lấy trách nhiệm thay cho trách nhiệm của họ hàng nhà bà. Bà không nhớ được mặt ông. Bà chỉ nhớ con trâu cụt sừng. Bà chỉ con trâu cụt sừng. Họ hàng nhà bà phao ầm làng lên. Dân làng hiểu rằng, người chung đụng với bà là chủ của con trâu một sừng. Suốt ngày đêm họ nói bóng nói gió và cuối cùng thì họ tuyên bố thẳng rằng, trách nhiệm đó thuộc về gia đình có con trâu cụt sừng.
Tiếng đồn đến tai người nông dân góa vợ. Ông hoảng hốt và lo lắng. Đã bao nhiêu năm nay ông được dân làng khen ngợi là âm thầm ở vậy nuôi con. Người con trai cả của ông hiểu được nỗi hoảng hốt và đau khổ của bố mình. Anh biết bố anh đã hy sinh hạnh phúc riêng để vun đắp cho anh em nhà anh. Tiếng đồn đại, xì xào càng lan rộng thì ông càng lâm bệnh nặng. Cuối cùng người con trai cả của ông đã đứng ra nhận là mình đã ăn nằm với người đàn bà điên. Anh đã đón đứa bé về nhà nuôi khi nó sinh ra được ba ngày. Lúc đó vợ anh cũng đang nuôi con nhỏ. Chị gào thét chửi rủa anh. Chị cương quyết không cho đứa bé bú. Anh cầm con dao dùng để chặt tre đến trước và nói: "Nếu cô không nuôi đứa bé này, tôi sẽ chém chết cô và cả đứa bé nữa".
Một thời gian sau bố anh mất. Ông chết vì nỗi đau buồn giày xé trái tim ông. May cứ lớn và hòa đồng vào cuộc sống của gia đình ấy. Chỉ khi người đàn ông mà May vẫn gọi là bố qua đời, cô mới được biết cô không phải là con của họ.
Trời vẫn mưa, gió rít mạnh, chân trời dựng lên rách nát bởi những tia chớp đục trắng trong mưa. Người đàn bà điên lặng lẽ quay lại ổ lá chuối. May vẫn ngủ ngon lành. Bà ngồi xuống bên cô.
- Co..o..on.
Bà gọi. Tiếng gọi méo mó và tội nghiệp biết chừng nào. Bà từ từ cởi chiếc áo cáu bẩn... hai bầu vú ốm yếu chảy thẳng xuống. Bà đưa bàn tay nâng vú mình lên.
Gần 20 năm trước. Sau ngày sinh ra May, bà vẫn lang thang trên đê và tối về điếm ngủ. Ngày ấy đôi bầu vú bà căng sữa. Sữa nhiều quá trào ra và chảy ướt cả áo bà. May không được bú sữa mẹ. Chỉ có những con kiến ở góc điếm bò đến ăn sữa khi bà ngủ.
Và bây giờ bà nhận ra May là con bà, có thể bằng một giác quan kỳ lạ của người điên hay bằng mùi máu đã khô do gai dứa cào trên cánh tay cô. Bà cúi người sát xuống bên cô, và tay nâng bầu vú đặt vào đôi môi mọng đỏ của cô.
Ở trong mơ May thấy mình như một đứa trẻ mới sinh còn đỏ hỏn. May ngửi thấy mùi sữa mẹ ngọt ngào, ấm nóng. Cô quờ tay tìm vú mẹ và ngậm lấy bú ngon lành. Cô nuốt từng ngụm sữa lớn. Và cứ sau mỗi ngụm sữa ấy cô lại lớn vụt lên. Bầu vú của mẹ cô cũng lớn lên theo và rộng như bầu trời. Bầu vú lớn như làm cô nghẹn lại. Cô cựa mình và kêu ú ớ trong mơ.
Người đàn bà điên thẫn thờ nhìn cô một hồi lâu rồi đứng dậy đi về phía đống lửa nhỏ. Ngọn lửa đã tắt chỉ còn những cục than nhỏ tỏa hơi lửa ấm áp. Bà vơ lấy những mảnh lá chuối khô bỏ vào bếp, lửa bùng cháy lên ngay sau đó. Lửa hắt bóng bà chập chờn trên bức tường xám mốc của điếm canh đê. Một lát sau bà từ từ đứng dậy và đi ra khỏi điếm. Trời đêm mưa tối đặc và mênh mông nuốt chửng lấy bà.
Tập Truyện Ngắn Nguyễn Quang Thiều Tập Truyện Ngắn Nguyễn Quang Thiều - Nguyễn Quang Thiều Tập Truyện Ngắn Nguyễn Quang Thiều