The smallest bookstore still contains more ideas of worth than have been presented in the entire history of television.

Andrew Ross

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Thùy Linh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 29
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 145
hế lực cũ ở Quan Trung rắp tâm mưu phản
Người cũ kẻ mới
Năm Kiến An thứ hai mươi mốt (năm 216 sau Công nguyên) là một năm kỳ quái, Trung Nguyên vừa bước vào tháng Giêng đã khốn khổ vì hạn hán, trời nắng như đổ lửa, sông ngòi cạn kiệt, ruộng đất nứt thành những khe to có thể luồn được cả bàn tay. Do thiếu nước tưới tiêu, hoa màu khô héo, nhiều châu quận còn xảy ra nạn châu chấu. Dân chúng khổ sở oán than không ngớt, triều đình cũng tìm đủ mọi cách cúng tế thần linh, nhưng mãi đến tháng Sáu mới đón được trận mưa đầu tiên. Nào ngờ, mưa triền miên không dứt như thể ông trời muốn trút hết lượng mưa dồn nén trong nửa năm, những giọt mưa to bằng hạt đậu xối xả tuôn xuống, chừng xới tung mặt đất. Gió lớn cuốn theo bụi cát, lúc lại nhổ bật gốc cây, đánh sập nhà; sấm chớp dữ dội, không phân biệt được sáng hay tối, ngày hay đêm. Chỉ trong nửa tháng ngắn ngủi mà có đến chín trận mưa lớn, ruộng đất nứt nẻ trước đó bị mưa lớn làm ngập úng, chẳng có được mấy ngày tạnh ráo, bùn đất nhão nhoét, chỗ trũng nước đọng ngập tận đầu gối, chưa nói ruộng nương của dân chúng, ngay đến đồn điền của triều đình cũng chẳng còn hy vọng gì. Can qua vừa có dấu hiệu tạm lắng, thiên tai đã liên tiếp ập xuống, muôn ngàn dân đen biết tới khi nào mới được hưởng thái bình?
Một sáng đầu tháng Bảy, ngoại thành Hứa đô vắng hoe. Lúc này trời đã tạnh mưa nhưng vẫn lạnh buốt; bầu không khí u ám, không trông thấy mặt trời, cũng chẳng nhìn rõ tầng mây, vạn vật chìm trong một thứ ánh sáng lờ mờ; gió không to lắm mà buốt thấu tận xương. Đáng lẽ ruộng nương được mùa, giờ lại thành những vũng nước lõm bõm, thi thoảng có con quạ sà xuống mò ăn. Cánh đồng hiu quạnh đằng xa có thân cây già trơ trọi sớm đã bị mưa lớn quật gãy cành, trông xơ xác, tiêu điều, chỉ còn sót lại vài chiếc lá khẽ đu đưa trong gió, dường như run rẩy vì lạnh. Còn chưa hết mùa hè mà lạnh thế này, thực khác thường.
Thời tiết quái gở như vậy, nhưng ở dịch trạm cách Hứa Đô mười dặm về phía đông vẫn có nhiều người tụ tập. Người mặc áo gấm bào thêu, ngồi xe thơm ngựa quý, đầu đội mũ cao vái chào nhau, quan viên đứng chật ních hai bên đường chuyện trò líu tíu giữa những tiếng ngựa xe không ngừng truyền đến. Quá nửa quan lại trong triều đều kéo tới đây - tiễn Trị thư thị ngự sử Trần Quần và Thị lang Trọng Trường Thống được điều đi nhận chức tại Nghiệp Thành.
Trần Quần tự Trường Văn, là nhân sĩ Hứa Đô. Trần thị ở Dĩnh Xuyên là danh môn vọng tộc. Trần Thật, tổ phụ của Trần Quần chỉ làm đến chức Huyện lệnh, nhưng lấy sự thanh tĩnh để tu đức, nổi tiếng nhân nghĩa thành tín. Ông ta cùng với ba người đồng hương là Chung Hạo - phụ thân của Chung Do, Tuân Thục - tổ phụ của Tuân Tức và tuần lại Hàn Thiều xưng là “Dĩnh Xuyên tứ trưởng”. Khi Trần Thật qua đời vì bệnh, có tới hơn ba vạn kẻ sĩ đưa tang, người mặc áo gai chở tang cũng hơn năm trăm, người đứng đầu vân đàn lúc bấy giờ là Sái Ung đích thân soạn văn bia, Đại tướng quân Hà Tiến cũng sai người đến viếng, để lại giai thoại trong vườn nho. Trần Kỷ, phụ thân Trần Quần đã qua đời nhiều năm trước, sinh thời cũng là một bậc hiền tài, trong thời gian Đổng Trác làm loạn, ông thiếu chút nữa bị ép nhận chức tam công, may là trốn được tới Từ Châu, trải qua nhiều trắc trở lại rơi vào tay Lã Bố. Sau này, Tào Tháo dẫn nước vào làm ngập thành Hạ Phì bắt Lã Bố, thấy Trần Kỷ như gặp được quý nhân, ngọt nhạt mời ông về Hứa Đô trao cho chức Đại hồng lư.
Trần Quần xuất thân là hậu duệ đời thứ ba nhà họ Trần, tất nhiên cũng có tiền đồ khá rộng mở, được Tào Tháo bổ nhiệm làm duyện thuộc, lại được Tuân Úc nhận làm con rể, đường làm quan thuận buồm xuôi gió, mới vài năm đã được cất nhắc làm trị thư thị ngự sử. So với nhạc phụ là Tuân Úc, Trần Quần không những có gia thế hiển hách, mà còn là người “thấu tình đạt lý”, đối với chuyện Tào thị đòi cắt đất phân phong, ông ta không hề chống đối, ngược lại còn tích cực phối hợp, càng làm vừa ý Tào Tháo. Trong sĩ lâm cũng không ai bắt bẻ được Trần Quần một phần vì tuổi tác của ông ta. Tuy ông ta là con của Trần Kỷ, nhưng lớn tuổi hơn những người cùng thời, từng đàm luận ngang hàng với Khổng Dung, bởi vậy các danh thần như Chung Do, Vương Lãng, Hoa Hâm đều coi ông ta như lão đệ; còn trong mắt đám hậu sinh như Tuân Uẩn, Bào Huân và Tư Mã Ý, ông ta là một vị huynh trưởng gần gũi, đáng kính. Một người đứng đầu nhóm danh sĩ sáng giá, thông gia với nhà quyền quý, thanh danh tài trí đều tốt cả, nối liền hai đời trên dưới, lại am hiểu đạo “hòa quang đồng trần”(*), thử hỏi làm sao không được Tào thị coi trọng?
Còn Trọng Trường Thống, nếu đem ra so với Trần Quần thì chẳng khác nào người thuộc thế giới khác, ông ta xuất thân hàn môn ở Duyện Châu, nổi danh nhờ chăm chỉ đèn sách và du lãm khắp nơi. Trọng Trường Thống dốc hơn mười năm tâm huyết viết nên bộ Xương ngôn, khoe là lời vàng ý ngọc, nhưng hiếm người đọc được. Ông ta cũng từng được Tào Tháo phong làm Tham quan, nhưng ngoài việc bới móc chính sự ra, ông ta ít lập được công, nên lại bị điều về kinh nhận chức Thượng thư lang, xét lý lịch được thăng làm Thị lang. Đường quan lộ của Trọng Trường Thống không mấy thuận lợi, hơn nữa ông ta nhận chức ở Hứa Đô đã mười năm mà chẳng có lấy một bằng hữu, thường ngày cứ lủi thủi đi về một mình.
Thực ra, vấn đề nằm ở chỗ người ta nghĩ Trọng Trường Thống cao ngạo vì viết được Xương ngôn. Trong bộ sách đó, ông ta phân tích chí lý sự thành công cũng như thất bại của các triều đại từ cổ chí kim, khiến người khác tỉnh ngộ, song lại cả gan ngờ vực thiên mệnh, quân quyền, công kích thế gia đại tộc, thậm chí phê phán kẻ sĩ trong thiên hạ đều có ba thói xấu: đề bạt sĩ nhân còn xét dòng tộc có công, kết giao theo hướng nhà phú quý, nể sợ không dám lại gần người tôn quý - Những lời lẽ gay gắt ấy há lại không gợi lên sự oán hận? Phần lớn quan viên trong triều đều cho rằng Trọng Trường Thống khác người, kính cẩn mà tránh xa. Còn trong lòng Tào Tháo nghĩ thế nào thực khó đoán, chỉ biết việc ông điều bọn người “vô cùng hung ác” như Trọng Trường Thống đến Nghiệp Thành, làm đám quan lại Hứa Đô vừa phẫn hận lại vừa ngưỡng mộ.
Tuy nhiên, ghen ghét thì mặc ghen ghét, người đến tiễn vẫn không ít, nhất là những viên quan nhàn rỗi như Thị lang, Nghị lang hầu như đều có mặt đông đủ. Kể ra, Trần Quần cũng có chút tiếng tăm, nhưng chưa tới mức kinh động chúng nhân, còn Trọng Trường Thống không đáng nhắc đến, người bọn họ muốn nịnh là Ngụy Vương - Cổ nhân có câu “Không được lợi hơi đâu dậy sớm”, cục diện chính sự hiện giờ rất rõ ràng, nước Ngụy nắm thực quyền, triều đình nhà Hán chỉ là bù nhìn, Tào thị lên thay nhà Hán là chuyện sớm muộn. Làm quan ở Hứa Đô không những không có tiền đồ, mà có thể đánh mất phú quý hiện có bất cứ lúc nào. Cho nên ai cũng muốn luồn lọt để đến Nghiệp Thành, mỗi khi có người được điều sang triều đình Ngụy quốc, những kẻ bất đắc chí trong triều lại lũ lượt đi tiễn, tỏ vẻ thân thiết, ân cần và còn không ngại đút lót, nhờ người ta sau khi đến nhận chức sẽ nói tốt cho mình mấy câu trước mặt Ngụy Vương, để cũng được điều đi, lột xác báo ơn triều đình mới.
Hôm nay cũng vậy, con đường sau mưa lầy lội khó đi, xe kẹt bánh, ngựa mắc chân, nhưng vẫn không cản được quyết tâm của các vị quan lại, dù người dính đầy bùn đất, trong bộ dạng nhếch nhác thì họ vẫn tươi cười đon đả - không phải tất cả kẻ sĩ trong thiên hạ đều đê tiện, chỉ vì phần lớn người có tài trí đều được mời đến nước Ngụy, người có tiết tháo không bị bức chết thì sống ẩn dật, người có chí lớn chạy sang Tôn, Lưu, nên Hứa Đô mới chỉ còn lại một đám dung tục, trơ trẽn. Đó là điềm báo cho thời mạt vận nhà Hán!
Uống xong chén rượu từ biệt, Trần Quần muốn khẩn trương lên đường nhưng bị mọi người vây chặt, ông đành chào hỏi lấy lệ. Còn Trọng Trường Thống đã “dạn mặt”, chỉ khoanh tay đứng nhìn những “bằng hữu” không mời mà đến, nhếch miệng cười nhạt: Nhân tình thế thái thay đổi, ta bàn về ba thói xấu của kẻ sĩ há phải hư ngôn hay sao?
Hai người đang mải ứng phó, bỗng thấy trên đường trạm lại có hai cỗ xe ngựa chầm chậm tiến tới, đều là xe bốn ngựa kéo, thuộc quy chế hàng công khanh - hai quan lớn trong triều là Trung úy Hình Trinh và Tư trực Vi Hoảng cũng tới. Không thể phớt lờ bọn họ được, Trần Quần vội gạt mọi người ra để bước lên thi lễ:
— Bỉ chức nào có ân đức để nhị công phải đến tiễn thế này? Thật đáng trách, đáng trách!
Tư trực là thuộc quân của Thừa tướng, phụ trách giám sát quân lại kinh sư, tố giác những việc làm không theo phép tắc, vốn không được xếp vào hàng công khanh. Năm Kiến An thứ chín, Tuân Úc tiến cử một vị quan có tài tên là Đỗ Kỳ, được Tào Tháo trọng dụng bổ nhiệm làm Tư trực, sau đó Tào Tháo còn sửa đổi quân chế, nâng địa vị của Tư trực lên ngang với Tư lệ hiệu úy, tỏ ý ân sủng. Nhưng Đỗ Kỳ ngồi ở vị trí này chưa đầy một năm đã được điều tới vùng cát cứ Hà Đông làm Thái thú thay Vương Ấp. Sau khi nhận chức, ông ta trừng trị cường hào, chống lại Cao Cán, được dân chúng vô cùng yêu mến, quận Hà Đông đứng đầu thành tích. Tào Tháo muốn nêu gương cho trăm quân, không nỡ phá hỏng hình tượng hoàn hảo là “quận thú đệ nhất thiên hạ” của Đỗ Kỳ, vì vậy chỉ tăng bổng lộc chứ không đổi chức quan suốt hai mươi năm qua. Đỗ Kỳ nở mày nở mặt, nhưng vị trí Tư trực mà ông ta để lại vẫn bỏ trống, mãi hai năm trở lại đây mới rơi vào Vi Hoảng.
Vi thị ở Kinh Triệu là hào tộc một phương, nhưng nhánh nhà Vi Hoảng lại không hưng thịnh, bản thân ông ta càng tầm thường. Ban đầu Tào Tháo mưu tính Quan Trung nên mới đưa ông ta vào mạc phủ, hơn chục năm lăn qua lăn lại các chức Tế tửu, Lệnh sử, lặng lẽ cúi đầu làm việc, an phận thủ thường. Hai năm trước, Thứ sử Ung Châu là Vi Khang bị giết chết, vận mệnh của ông ta mới thay đổi. Vi thị cố nhiên không phải tâm phúc của Tào Tháo, nhưng dù sao hai đời Thứ sử Vi Đoan, Vi Khang đều coi việc triều đình, cũng không thể bạc đãi được; vả lại xét ở góc độ quan trường, Tào Tháo đưa một nhân vật nhỏ bé, tầm thường như Vi Hoảng vào vị trí Tư trực cũng là để tỏ ý coi trọng danh môn Quan Trung.
Quan cao lộc hậu từ trên trời rơi xuống, Vi Hoảng quá đỗi vui mừng, nhưng đến lúc nhận chức ông ta mới biết đây là một chức quan bị người ta khinh bỉ - chức trách của Tư trực là giám sát trăm quan, tố giác những việc làm trái phép, nhưng những việc này đều bị bọn Hiệu sự Triệu Đạt, Lư Hồng và Lưu Triệu nhúng tay vào, Vi Hoảng là người thật thà, không muốn nhập bọn với chúng, lâu dần thành người nhàn rỗi, vô sự. Làm một kẻ nhàn rỗi cũng được, khổ nỗi đồng liêu không hiểu, phần lớn quan lại Hứa Đô đều cho rằng ông cùng một giuộc với đám Hiệu sự, trước mặt thì tỏ ra kính cẩn khách sáo, sau lưng lại ngấm ngầm chửi rủa. Không làm chuyện thất đức mà vẫn bị ăn chửi, thế là ý gì? Rủi hơn, ông được điều từ Nghiệp Thành đến Hứa Đô, mang tiếng thăng quan, nhưng rời khỏi triều đình nước Ngụy, tiền đồ chẳng còn hy vọng gì.
Vi Hoảng buồn mãi không dứt, làm quan to mà bị khinh bỉ chẳng bằng về Nghiệp Thành giữ chức duyện thuộc cỏn con.
Ông ôm mộng được trở lại Nghiệp Thành, song mấy lần dâng thư đều bị Tào Tháo gạt sang một bên, không còn cách nào đành phải hạ mình đến nhờ cậy Trần Quần.
Trên đường đến đây, Vi Hoảng đã chuẩn bị sẵn những lời muốn nói, nhưng lúc này thật sự gặp được Trần Quần, ông ta lại có chút do dự. Dù sao quan cao hưởng lương những hai ngàn thạch, được liệt vào hàng công khanh mà lại đi nhờ vả hạ liêu trước mặt chúng nhân, chẳng mất mặt lắm sao? Trong lúc ông ta còn đang ngần ngừ, trung úy Hình Trinh ngồi xe bên cạnh mở lời trước:
— Trường Văn không cần khách sáo, chúng ta cùng làm quan trong triều nhiều năm, tình cảm gắn bó thân thiết, đâu phải người ngoài? - Nói đoạn Hình Trinh nhảy xuống xe, bước thẳng lên phía trước, nắm chặt tay Trần Quần. Vị lão thần ngấp nghé lục tuần, râu tóc đã ngả màu hoa râm thế mà vẫn không ngại thân phận công khanh của mình để đi cầu cạnh bề tôi nước Ngụy, thực đến thế là cùng!
— Hình công làm thế này bỉ chức không dám nhận. - Trần Quần hốt hoảng.
Hình Trinh vẫn nắm chặt tay Trần Quần không buông:
— Trường Vân được Ngụy Vương coi trọng, đảm đương chức Trung thừa ngự sử nước Ngụy, tiền đồ rộng mở vô cùng.
— Hình công quá khen. Ngự sử đại phu Viên công gần đây nhiều bệnh, Ngụy Vương điều bỉ chức làm Trung thừa cũng chỉ là tạm thời thay ngài ấy lo liệu công chuyện mà thôi. Bỉ chức cố làm tròn chức trách đã khó, nào dám mong thăng quan tiến chức? - Dựa vào danh vọng và kinh lịch của mình, Trần Quần chắc chắn sẽ được trọng dụng khi đến Nghiệp Thành, đó chỉ là mấy lời khách khí.
Hình Trinh giả đò nói với những người xung quanh:
— Các vị nghe thấy không! Đây mới là người quân tử khiêm tốn, không kiêu ngạo, không nóng vội, Trường Văn không thành danh thần một đời, thì làm gì còn thiên lý?
— Đúng vậy, đúng vậy!… - Ai nấy đều đến nhờ vả, nên cũng hùa theo.
Trần Quần không muốn vòng vo thêm nữa, bèn nói:
— Hình công không cần quá khen, ngài có gì sai bảo xin cứ nói chớ ngại.
Bấy giờ Hình Trinh mới buông tay Trần Quần ra, vuốt râu, cười ha hả:
— Nào dám phiền đến Trường Văn? Ta chỉ muốn đến tiễn ngài thôi, gần đây thời tiết lúc nóng lúc lạnh, đi đường nhớ bảo trọng… - Nói đến đây, ông ta hơi ngập ngừng, rồi lại nói tiếp, - Sau khi đến Nghiệp Thành, nếu được yết kiến riêng Ngụy Vương, xin cho ta gửi lời vấn an… - Nói nửa buổi mới đi vào việc chính. Công khanh thì sao nào? Khanh nhà Hán chẳng bằng lại nước Ngụy, nói toạc ra là ông ta cũng muốn đổi chủ.
Người tinh tường chỉ cần nghe thoáng qua là hiểu, Trần Quần không đợi Hình Trinh nói hết câu đã nhận lời:
— Hình công không cần lo lắng, bỉ chức nhất định sẽ truyền đạt tâm ý của ngài đến đại vương.
— Đa tạ, đa tạ! - Hình Trinh mừng rỡ, liên tục chắp tay cảm tạ.
Vi Hoảng ban nãy khó mở lời, giờ có Hình Trinh làm trước, đã biết phải nói thế nào. Đúng lúc ông ta nghiến răng nghiến lợi, định bước xuống xe, lại thấy quan viên dạt sang hai bên, vái chào một văn sĩ trẻ tuổi, nho nhã đi vào giữa đám người: Thì ra là Tuân Uẩn, thê đệ(*) của Trần Quần.
Trước giờ Trần Quần luôn có quan hệ thân thiết với vị thê đệ này, nhìn thấy Tuân Uẩn, ông ta liền tỏ ra rất vui mừng:
— Vốn tưởng đệ không đến được, ta còn cho rằng công chúa quản chặt lắm, không cho đệ ra ngoài cơ!
Tuân Uẩn mủm mỉm cười, lấy từ trong ngực ra một chiếc túi gấm, đưa cho Trần Quần:
— Đây là thư tiểu đệ viết cho Lâm Tri hầu, phiền tỷ phu gửi giúp. - Tuân Uẩn không giống phụ thân, thân là con rể nhà họ Tào, sao có thể phản đối việc họ Tào lên thay nhà Hán? Huống chi từ nhỏ ông ta đã chơi đùa cùng con cháu Tào thị, có tình cảm từ lúc tóc còn để chỏm; nhất là ông ta còn cùng chung chí hướng với Lâm Tri hầu Tào Thực, hai người thường xuyên thư từ qua lại.
Trần Quần đưa tay nhận thư, Tuân Uẩn bước lên ghé sát tai ông ta, nói nhỏ:
— Tỷ phu làm quan nhiều năm, tài trí xuất chúng, không cần tiểu đệ lo bò trắng răng, có điều trước mắt có chuyện vô cùng hệ trọng, e là xử lý không khéo lại thành rước họa…
— Phải chăng là chuyện lập người kế vị Ngụy Vương?
— Trần Quần đã sớm đoán ra. Nếu nói Tào Ngụy tiếm quyền là nỗi lo của nhà Hán, thì chuyện truyền ngôi chưa rõ ràng lại là mối lo của Tào Ngụy. Tào Tháo tuổi đã cao, sức khỏe lại không tốt, nền móng đất nước chưa vững, vạn nhất ông có mệnh hệ gì thì sẽ kéo theo bao nhiêu hỗn loạn? Tào Phi và Tào Thực âm thầm tranh đấu gần chục năm, đến nay vẫn chưa biết thế nào, chuyện này trở thành nỗi lo trong lòng quan viên. Nhưng không ai dám nói thẳng ra, ngay cả các bậc nguyên lão như Mao Giới, Thôi Diễm, Từ Dịch cũng lần lượt ngã ngựa vì chuyện tranh giành ngôi vị, kẻ nào còn dám công nhiên nhắc đến?
Quan viên đã lùi ra xa, nhưng Tuân Uẩn vẫn nhỏ tiếng:
— Đại vương chưa định rõ người kế vị, nhân sĩ trong ngoài triều đều tranh đấu cho chủ nhân của mình. Nếu ngài ấy hỏi ý kiến của tỷ phu về chuyện lập thái tử, huynh nhất định phải nghĩ kỹ hãy nói.
— Nghĩ kỹ hãy nói… - Trần Quần chăm chú nhìn Tuân uẩn, xét kỹ ý tứ của bốn từ này, ông ta cảm thấy bị thê đệ đang chơi trò đoán ý với mình, vì vậy cũng thuận nước đẩy thuyền, - Theo ý hiền đệ, giữa Ngũ quan tướng và Lâm Tri hầu ai hợp với ngôi vua hơn?
Tuân Uẩn ngần người ra, do dự giây lát rồi mới nói:
— Không phải tiểu đệ và Lâm Tri hầu là chỗ thân thiết nên thiên vị. Nếu luận về tài đức, Lâm Tri hầu thực sự hơn một bậc, văn chương thơ phú của ngài ấy truyền khắp thiên hạ, triều đình và dân chúng có ai không biết? Huống chi bên ngoài đồn rằng, Ngụy Vương có ý phế trưởng lập thứ, vừa rồi hai vị đại thần là Thôi Diễm và Mao Giới liên tiếp gặp nạn, thực ra là do hai người bọn họ ra sức bảo vệ Ngũ quan tướng tới cùng… Tuy nhiên, đại vương xưa nay hành sự khó dò, tới những cận thần cũng khó đoán được, tin đồn chưa chắc là thật. - Ông ta không dám kéo căng dây cung, - Hai nhà Tuân, Trần chúng ta là dòng dõi nhân sĩ Dĩnh Xuyên, phụ thân đệ đã qua đời, vinh nhục của tỷ phu giờ không chỉ liên quan đến sự hưng vong của hai nhà, mà còn ảnh hưởng tới tiền đồ của môn sinh cố lại và cả những người đồng hương. Theo ý tiểu đệ, chớ nên mạo hiểm…
— Tuân Uẩn bảo không thiên vị, nhưng lại lôi chuyện hai lão Thôi, Mao vì bảo vệ Tào Phi mà chết ra để nói và chủ trương “chớ nên mạo hiểm”, nghĩ tới nghĩ lui vẫn là ý ủng hộ Tào Thực.
— Ừ, đệ nói có lý… - Ngoài miệng Trần Quần nói vậy, chứ trong lòng lại nghĩ khác. Tuân Uẩn không biết rằng, người mà ông ta vẫn gọi là tỷ phu đã thầm góp sức cho Ngũ quan Trung lang tướng từ mấy năm trước.
Không chỉ quan lại Hứa Đô, Nghiệp Thành không biết việc này, ngay cả những tâm phúc khác của Tào Phi cũng chưa chắc hiểu rõ. Nói mấy năm nay Trần Quần dốc sức cho Tào Tháo không chính xác bằng nói ông thay Tào Phi quan sát cục diện triều đình, ngay tới Thượng thư lệnh Hoa Hâm, Quang lộc đại phu Đổng Chiêu nằm dưới sự theo dõi của ông ta cũng đã sớm trở thành những trợ thủ không thể thiếu của Tào Phi. Theo lý mà nói, ông ta và Tuân Uẩn vừa là hai nhà thông gia vừa là chỗ đồng hương, nên nói rõ lập trường của mình cho đối phương biết, nhưng với thế đạo hiện giờ, mọi việc đều phải hết sức cẩn thận. Tuân Uẩn có quan hệ mật thiết với Tào Thực, lại lấy con gái Ngụy Vương, cứ cho là Tuân Uẩn không tiết lộ chuyện này với Tào Thực, thì cũng không thể không đề phòng ông ta sẽ nói với thê tử khi ở trong ngọa trướng. Bởi vậy, Trần Quần quyết định giấu nhẹm vị thê đệ thân thiết, càng không hé răng nửa lời trước mặt thê tử của mình.
Tuân Uẩn hoàn toàn không biết tỷ phu ngồi khác thuyền với mình, lại còn thay ông hiến kế:
— Tốt nhất là vậy, nhưng tỷ phu cũng chớ đắc tội với Ngũ quan tướng.
Nếu chuyện không giải quyết được, đệ sẽ giúp tỷ phu chu toàn, dù sao tiểu đệ cũng là con rể nhà họ Tào mà.
Trần Quần nhìn vẻ mặt chân thành của nội đệ, trong lòng có chút áy náy: Chuyện tranh giành ngôi vị này ồn ào từ chốn thâm cung cho đến triều đường, từ Nghiệp Thành cho đến Hứa Đô, đến mức quan lại trong triều tình thân như thủ túc còn có ý khác, phu thê đồng sàng dị mộng, đúng là dở khóc dở cười! Huynh đệ tốt, ta có chỗ khổ tâm, đệ là con rể Tào thị, ta lại là con rể Tuân thị nhà đệ, chúng ta tuyệt đối không thể chết chung một cây. Nếu Tào Phi làm người kế vị, họ Trần hưng thịnh, họ Tuân suy vong, ta nâng đỡ đệ; còn nếu Tào Thực nối ngôi, họ Tuân hưng thịnh, họ Trần suy vong, khi đó đệ giúp đỡ ta. Sự hưng vong của hai nhà Tuân, Trần liên quan đến sĩ nhân Dĩnh Xuyên, bất luận thế nào cũng phải đứng vững không đổ, rồi đệ sẽ dần hiểu được ẩn tình bên trong. Không phải tỷ phu không tin đệ, chỉ là đệ còn trẻ, đường sĩ hoạn khác nào chiến trường, có đao thương thật sự, cũng có cung tiễn ngấm ngầm, lỡ không khéo che chắn mà mắc trúng ám tiễn, một người ngã ngựa là kéo cả đàn xuống. Sao không cẩn thận cho được?
— Tỷ phu, sao thế? - Tuân Uẩn thấy Trần Quần hơi lơ đãng liền gọi giật.
— Không sao. - Trần Quần nặn ra một nụ cười nhăn nhó, hướng mắt nhìn về phía đám quan lại đằng xa, nói thầm, - Ta đang nghĩ… những di thần Hứa Đô kia tranh nhau đến tiễn ta, nhìn có vẻ kính cẩn thuận tòng, nhưng ai mà biết trong lòng bọn họ đang tính toán điều gì. Ở đời, khó đoán nhất chính là lòng người!
Quạt gió thổi lửa
Hai lang cữu Trần Quần, Tuân Uẩn nói chuyện riêng, đồng liêu đến tiễn không tiện nghe, đều lùi lại rất xa, trong lòng ai nấy đều mang tâm sự. Người đã lén nhờ cậy được Trần Quần thì hy vọng ông giữ lời nói giúp vài lời tốt đẹp, còn người chưa tìm được cơ hội cứ nhìn chằm chằm vào Trần Quần, chỉ chực hai người họ nói xong sẽ tiến ngay lại. Duy có Vi Hoảng trong lòng mâu thuẫn, khi nãy đã hạ quyết tâm mở miệng nhờ vả, nhưng Tuân Uẩn chen ngang một lúc, ông lại bắt đầu dao động, danh tiếng quan trọng hay lợi ích quan trọng, thực khó chọn lựa.
Vi Hoảng đang tự đấu tranh với chính mình, chợt nghe một tiếng gọi lọt vào tai:
— Không phải Vi huynh đây sao, huynh cũng đến tiễn à? - Giọng nói không thể quen thuộc hơn ấy chính là của Thiếu phủ Cảnh Kỷ, người qua lại rất thân với ông gần hai năm nay.
Danh môn đại tộc cùng một địa phương thường là chỗ thâm giao, làm quan trong triều ắt sẽ kết thành hương đàng, liên thủ giúp đỡ lẫn nhau, càng bất đắc chí càng đoàn kết. Tào thị vi chính cũng dựa vào hương đàng, mưu sĩ chủ chốt là người Dĩnh Xuyên, quan lại địa phương phần lớn là người Duyện Châu, nắm giữ binh mã là đồng hương đất Bái, người ở ba nơi đó dễ được trọng dụng, còn người thuộc châu quận khác khó tránh khỏi một chút thiệt thòi. Nhân sĩ Quan Trung có thế lực yếu, nhất là từ sau cái chết của các vị đại thần như Vi Đoan, Đoàn Quýnh, quan lại Hứa Đô chỉ còn lại Thiếu phủ Cảnh Kỷ, Thái y lệnh Cát Bản được xem là những nhân vật trên, một người Phủ Phong, một người Phùng Dực, nhưng đều không nhận được nhiều sự tín nhiệm của Tào Tháo, Vi Hoảng được điều đến Hứa Đô, lập tức bị bọn họ kéo vào cái vòng tròn nhỏ của mình. Vi Hoảng không quen với cuộc sống ở Hứa Đô, có đồng hương quan tâm thăm hỏi, cũng cảm thấy khuây khỏa, dần thân với hai người Cảnh, Cát.
Cảnh Kỷ tướng mạo không tầm thường, mặt trắng râu dài, mắt sáng như sao, mũi thẳng miệng ngay, tai to ngực ưỡn, thân hình cao lớn, vạm vỡ, tóc ít sợi bạc, khó có thể đoán được ông ta đã ngoại ngũ tuần. Thiếu phụ là trọng thần cửu khanh, nhưng hôm nay ông ta không mặc triều phục, cũng không ngồi xe ngựa, chỉ vận tiện phục màu xanh, đầu đội mũ vố nhân, chân xỏ giày đơn, một mình cưỡi ngựa đến. Vi Hoảng ngạc nhiên hỏi:
— Cảnh công sao lại ăn mặc thế này?
Cảnh Kỷ vuốt râu cười:
— Ta không định đến tiễn họ Trần, chỉ ra ngoài dạo chơi thôi.
— Đất đai ướt nhoẹt, có gì đáng xem chứ?
— Ai nói không có? - Cảnh Kỷ chỉ roi ngựa về phía đám người đang đứng túm tụm, - Đám quan lại hỗn xược, nịnh bợ kia chẳng phải cảnh lạ à?
Câu này chọc đúng điểm yếu của Vi Hoảng, tim ông ta đập loạn:
— Lời Cảnh công nói khó tránh khỏi hà khắc, vì tiền đồ công danh còn cách nào khác? Mong ngài thông cảm cho.
Cảnh Kỷ không chấp nhận luận điệu này:
— Đại Hán là nước uy nghiêm, sĩ phu trước đây có khi nào hèn hạ như bây giờ? Bề trên đã thích, kẻ dưới tất a dua, âu cũng là cái sai của người vi chính. - Tuy ông ta không chỉ rõ, nhưng đã chĩa mũi dùi vào Tào thị.
— Băng dày ba thước đâu phải do lạnh một ngày, hoạn quan và ngoại thích làm loạn chính sự đã lâu, không thể đổ hết tội cho thói đời ngày nay được. - Vi Hoảng xuất thân là duyên lại phủ Thừa tướng, không thể không nói đỡ cho Tào thị.
Cảnh Kỷ không buồn phân bua, quay sang nói:
— Vi huynh làm Tư trực, chấn chỉnh kỷ cương và tác phong hành sự là chức trách của ngài, nhưng cũng không nên đến tiễn chứ?
Vi Hoảng càng thấy xấu hổ, vội lấp liếm:
— Ta và Trường Văn vốn xuất thân là duyện thuộc phủ Thừa tướng, cũng có chút tình đồng liêu, đến tiễn một đoạn có gì sai?
Cảnh Kỷ đã sớm đoán được trong lòng Vi Hoảng tính toán điều gì, còn cố làm ra vẻ bỗng nhiên ngộ ra:
— Hóa ra ta hiểu nhầm. Ta cứ tưởng Vi huynh cùng một giuộc với bọn vô lại như Hình Trinh, muốn nịnh Tào thị để được thẳng tiến đấy! Ha ha ha!… Ta lấy bụng tiểu nhân đo lòng quân tử rồi.
Mặt Vi Hoảng biến sắc:
— Sao, sao có thể như vậy được! Ta thân là Tư trực há lại luồn cúi hạ liêu? Ngài thực biết nói đùa. - Vi Hoảng rặn cười mấy tiếng rất gượng gạo.
Cảnh Kỷ cũng cười theo:
— Ta không biết mà. Vi huynh xuất thân danh môn, tổ tiên Vi Hiền, Vi Huyền là danh tướng hai đời, hết lòng trung thành phò tá nhà Hán, sao có thể chịu luồn cúi quyền thần? Những người có gia thế như ta với ngài phải giữ lương tâm chứ!
Vi Hoảng là hậu duệ danh môn, gia thế của Cảnh Kỷ lại càng không tầm thường. Cảnh thị ở Phù Phong là công thần nhà Hán, tổ tiên của Cảnh Kỷ là Cảnh Yểm, danh tướng phục hưng theo Quang Vũ Đế đánh dẹp thiên hạ, phá Đổng Mã, phạt Xích My, dẹp Trưởng Bộ, đánh Quy Ngao, bình định bốn mươi sáu quận, hạ hơn ba trăm thành, làm quan đến chức Kiến Uy Đại tướng quân, tước Hiếu Chi hầu; huynh đệ tử điệt có đến sáu người được phong hầu, kết thân với hoàng thất, vinh sủng vô cùng. Nhưng vật cùng tất phản, dưới thời Hiếu An Đế trị vì, hai thế lực ngoại thích là Đại tướng quân Cảnh Bảo và Xa Kỵ Tướng quân Diêm Hiển tranh giành quyền lực, Cảnh thị lụn bại, phần lớn gia tộc đều bị biếm chức, đày đi nơi xa; về sau lại vì đắc tội với “tướng quân hống hách” Lương Kỳ mà bị giết đến hơn mười nhà. Sau hai phen lao đao, Cảnh thị không thể chấn hưng nổi, người hiện làm quan trong triều chỉ còn Cảnh Kỷ và tộc thúc của ông ta là Cảnh Viên tập tước Hiếu Chi hầu.
Cảnh Kỷ tuyệt nhiên không phải người thật thà, cố chấp và biết giữ lương tâm như lời ông ta nói, để dựng lại hùng phong của gia tộc, thuở trẻ ông cũng từng cam tâm tình nguyện phò tá Tào thị, nhưng Thượng thư lệnh Tuân Úc luôn coi ông ta không ra gì, nghi ngờ ông ta lòng dạ nham hiểm, làm việc cùng nhau nhiều năm mà chẳng hòa hợp. Sau khi Tuân Úc chết, Cảnh Kỷ mừng thầm, cứ tưởng có ngày được ngóc đầu lên, ai ngờ những người bên cạnh lần lượt được điều đến Nghiệp Thành, chỉ mình ông giậm chân tại chỗ, làm quan cửu khanh không hề thấp, nhưng chẳng có chút thực quyền nào. Thời gian qua đi, Cảnh Kỷ dần hiểu ra, Cảnh thị sa sút vì là công thần nhà Hán, hơn nữa thê tử của tộc thúc Canh Viễn là Trường Xã công chúa, muội muội của Hiếu Hoàng Đế, hoàng thân quốc thích khó được Tào thị tiếp nhận; huống chi quần liêu nước Ngụy chủ yếu là bè đảng Dĩnh Xuyên, Bái Quốc, bắc tám cây sào cũng chẳng tới lượt sĩ nhân Quan Trung như ông. Từ khi hiểu rõ những điều này, Cảnh Kỷ không còn ôm kỳ vọng, mà bắt đầu nảy sinh oán hận với Tào thị, chẳng qua ông ta ẩn giấu trong lòng. Hai năm nay Vi Hoảng rất thân với ông ta, lại là chỗ đồng hương, nhưng cũng không thực sự hiểu được suy nghĩ của Cảnh Kỷ.
Trong lúc hai người nói chuyện, Trần Quần và Trọng Trường Thống đã cáo biệt chúng nhân, lên ngựa khởi hành. Vi Hoảng cuống lên giậm chân, muốn đuổi theo gửi lời mà không biết làm sao vì Cảnh Kỷ đang nhìn chằm chằm vào mình, mới ban nãy còn được ông ta đưa lên mây, sao có thể nuốt lời ngay trước mặt được? Cảnh Kỷ nhìn thấy hết vẻ cuống quýt của Vi Hoảng, nhưng ngoài miệng lại nói:
— Những kẻ nên đi đều đã đi rồi, đỡ làm bẩn triều đường, thanh giả tự thanh, trọc giả tự trọc, ta với Vi huynh nguyện giữ trọn khí tiết không chịu khuất phục quyền quý, ngàn năm sau ắt được bình luận công bằng!
Nghe Cảnh Kỷ nói vậy, Vi Hoảng càng không thể đuổi theo, chỉ biết ngồi nhìn cơ hội tuột mất, không nén được tiếng thở dài:
— Ây dà… về thôi.
— Hiếm khi ra ngoài, chúng ta cùng đi dạo một vòng, Vi huynh thấy sao?
— Mấy hôm nay mưa to, khắp nơi lầy lội, đồn điền Hứa Hạ không thu hoạch được hạt thóc nào, thời tiết kỳ quái có gì đáng xem đâu? - Vi Hoảng buồn bã nói.
Cảnh Kỷ chỉ tay về phía chân trời nói:
— Trời và người vốn là một thể. Mưa nắng thất thường, âm dương mất cân bằng, đó là do bề tôi lộng hành, trời ra điềm báo…
Vi Hoảng giật mình: Trong ngoài triều từ lâu dị nghị thiên văn không tốt là do Tào thị xưng vương, Tào Tháo hận chuyện này, bắt bớ không ít người tung tin đồn, những phát ngôn kiểu này của Cảnh Kỷ mà truyền ra ngoài thì thực nguy hiểm. Ông vội ngắt lời:
— Cảnh công chớ có phao tin.
— Chẳng lẽ ta nói sai sao? - Cảnh Kỷ nhỏ tiếng, giọng không đổi, - Năm đầu Hiếu Chương Đế Chương Hòa có hạn hán lớn bởi họ ngoại Đậu Hiển làm loạn chính sự, đến những năm Hiếu Hoàng Đế Nguyên Gia có hạn hán lớn cũng vì Lương Ký gây họa cho đất nước. Ngũ hành truyện chép rằng: “Mạo chi bất cung, thị vị bất túc, quyết cao cuồng, quyết phạt hằng vũ. Giản tông miếu, bất khởi từ, phế tế tự, nghịch thiên thời, tắc thủy bất nhuận hạ đạt.”(*) Hạn hán là điềm báo chính sách tàn bạo, lũ lụt là do tiếm quyền, phản nghịch mà nên, nay hai nạn thiên tai ấy liên tiếp xảy ra chứng tỏ Tào thị trên lừa vua, dưới ép dân, đắc tội với trời đất, thần và người đều căm phẫn.
Vi Hoảng nghe Cảnh Kỷ nói mà tim đập chân run. Theo lý mà nói, với chức trách của mình, đáng ra ông ta phải tố giác Cảnh Kỷ, nhưng ông ta là người đôn hậu không muốn hãm hại người khác, hơn nữa ông ta coi Cảnh Kỷ là đồng hương thân thiết, nên chỉ khuyên rằng:
— Ngài chớ thốt ra lời này với người khác!
— Bịt miệng dân còn khó hơn ngăn sông, thiên tai rõ rành ra đây, chẳng lẽ không ai nói đến nghĩa là không phải? Vi huynh thử đặt tay lên ngực tự hỏi xem, có phải Tào thị làm nhiều điều ác trái với trời không?
Bất luận Vi Hoảng nghiêng theo bên nào, cũng không thể phủ nhận chuyện Tào Tháo tiếm quyền, diệt trừ những người ngáng chân mình không từ thủ đoạn nào, vì vậy Vi Hoảng chỉ biết cúi đầu thở gấp, không đáp.
Cảnh Kỷ thấy ông ta im lặng không nói gì, lại càng bạo gan:
— Thiên hạ hữu đạo, lễ nhạc chinh phạt do thiên tử đặt ra; còn thiên hạ vô đạo, lễ nhạc chinh phạt do chư hầu làm. Bề tôi mà được tôn kính như nhà vua, trên dưới không rõ ràng; nhà vua mà bị đối xử như bề tôi, trên dưới mất trật tự. Xã tắc nhà Hán bốn trăm năm, đạo lý công bằng nằm ở nhân tâm, những kẻ ngỗ ngược làm phản chẳng được lâu dài. Đắc tội với trời, cầu đảo đâu cũng vô ích, người không dung, trời cũng không dung! Mấy ngày trước, Thượng thư hữu thừa Phan úc mắc bạo bệnh mà chết, người trong Tào doanh đều nói là đáng tiếc, riêng ta lại thấy hả hê. Nếu chẳng phải hắn nịnh nọt Tào thị, làm giả chiếu thư sắc phong Ngụy Công, há có thể chết giữa lúc đang sung sức? Điều này đủ thấy trời không giúp họ Tào!
Vi Hoảng bất lực than thở:
— Phải trái thế nào ai nấy đều hiểu, nhưng thói đời là vậy, ai làm gì được? Con người quý ở chỗ tự biết mình, ta xuất thân danh môn nhưng tự biết mình tài trí kém cỏi, không mong vin rồng núp phượng, cũng muốn tính lối thoát, trên không thẹn với tổ tông, dưới không phụ lòng con cháu là được.
— Hừ! - Cảnh Kỷ cười nhạt, - Vi huynh nói cũng có lý, tiếc là tầm nhìn hạn hẹp. E dè cảnh giác không tránh được họa. Huynh nghĩ rằng không trái lệnh Tào Tháo là có lối thoát hay sao? Hiện những kẻ thân tín của Tào thị đều là bè đảng Dĩnh Xuyên, Tào Tháo lại cho nhân sĩ Duyện Châu lo việc dân chính, người đất Bái nắm giữ binh lực, nhân sĩ Quan Trung như ta với ngài có hy vọng gì? Huống chi tướng tá Quan Trung nhiều lần tạo phản, vốn đã là cái gai trong mắt Tào thị, nếu có ngày thay triều đổi đại, e là chúng ta đều bị đuổi hết!
— Không đến mức ấy chứ? - Ngoài miệng Vi Hoảng nói vậy, nhưng trong lòng lại liên tưởng đến việc mình bị ghẻ lạnh, bị điều từ Nghiệp Thành đến Hứa Đô, không tránh khỏi lưỡng lự.
Hai người còn muốn nói nữa, chợt nghe phía sau có tiếng vó ngựa dồn dập truyền đến, liền ngoái lại nhìn thì thấy một đội kỵ binh lao nhanh như tên bắn. Chúng sĩ mình mặc khôi giáp, hừng hực khí thế, dẫn đầu là một viên tướng xấp xỉ ngũ tuần, râu hùm ngả màu hoa râm, lưng hổ eo gấu, tướng mạo oai phong, vừa thúc ngựa chạy vừa quát nhường đường. Ở Hứa Đô, không ai không biết người này là Trưởng sử tướng phủ Vương Tất - thuở trẻ theo Tào Tháo lập cơ đồ, trải nhiều vất vả, có công lao lớn. Mười hai năm trước, Tào thị dời đến Nghiệp Thành, dựng phủ Ký Châu, sau sửa làm Ngụy đình, phủ Thừa tướng ở Hứa Đô chỉ còn lại cái nhà trống. Tào Tháo sợ lặp lại chuyện “chiếu thư trong đai ngọc” năm xưa, cho nên bổ nhiệm Vương Tất làm Trưởng sử giữ phủ, xử lý tạp vụ, nhưng thực ra là thống lĩnh một đội binh mã trấn áp quan lại, nhằm ứng phó những chuyện bất trắc.
Vi Hoảng vừa nói mấy câu cấm kỵ, trong lòng bất an, giờ lại trông thấy Vương Tất phóng tới, tưởng là đến bắt mình, suýt nữa ngã khỏi xe. Chỉ chốc lát, Vương Tất đã đến gần, nhưng lướt qua xe của ông, gọi to:
— Trường Văn, Công Lý! Đi chậm một chút, ngu huynh đến tiễn các đệ đây! - Thì ra, ông ta cũng đến tiễn hành.
Đây mới là người đến tiễn vì tình bằng hữu, không toan tính. Trần Quần, Trọng Trường Thống nghe tiếng gọi lập tức ghì cương quay ngựa lại, ba người dừng lại một chỗ, vừa nói vừa cười. Lúc này Vi Hoảng mới thở phào, Cảnh Kỷ lại rót vào tai ông:
— Ngài nhìn đi, bọn họ mới là người cùng thuyền. Cái tên họ Vương đó là tay sai của Tào thị, Trần Quần là bè đảng Dĩnh Xuyên, còn Trường Thống tuy chưa có nhân duyên, nhưng cũng xuất thân từ quận Sơn Dương, Duyện Châu. Đúng là một bọn đắc chí với nhau.
Ngài muốn đi theo người ta, nhưng người ta có tâm phúc rồi, nào coi ngài là người mình?
Vi Hoảng bực bội, nhưng cũng cảm thấy những lời này có lý, ông ta nhìn thấy bên cạnh Vương Tất ngoài binh lính ra còn một nhân sĩ mặc áo đen, khoảng ngoài ba mươi tuổi, to lớn cường tráng, tướng mạo anh tuấn, trông rất quen nhưng không nhớ đã gặp ở đâu:
— Người trẻ tuổi đứng cạnh Vương Tất là ai vậy?
— Vi huynh đúng là hay quên, đó là tử đệ đồng hương Quan Trung chúng ta, nhi tử của Thái thú Vũ Lăng Kim Toàn trước đây, Nghị lang Kim Y, Kim Đức Vĩ.
— Ồ. - Vi Hoảng sực nhớ ra, ông ta thường tới phủ Thái y lệnh Cát Bản làm khách, Kim Y là bằng hữu thân thiết của Cát Mạc, Cát Mục - hài nhi tử của Cát Bản, cũng từng chạm mặt, nhưng vì chênh lệch về tuổi tác và địa vị nên chưa nói chuyện lần nào.
Cảnh Kỷ bĩu môi lắc đầu:
— Tiểu tử đó cũng khá lắm, văn thao võ lược đều tinh thông cả, lại rất giỏi cưỡi ngựa bắn cung, tiếc là xử thế hồ đồ, suốt ngày quấn lấy Vương Tất.
Nói ra thật đáng tiếc, Kim thị cũng thuộc hàng danh môn ở Kinh Triệu, là hậu duệ của Kim Nhật Đế, trọng thần được Hán Vũ Đế ủy thác phò tá tiểu hoàng thượng. Kim Thượng, bá phụ của Kim Y có phẩm hạnh thanh cao, cùng với hai người đồng quận là Vi Đoan và Đệ Ngũ Tuần xưng là “tam Hưu.”(*) Năm đó Tào Tháo cử binh, nhân vì Viên Thiệu truyền chiếu thư giả mới trở thành Thứ sử Duyện Châu, chứ đúng ra người được triều đình Tây Kinh bổ nhiệm làm Thứ sử là Kim Thượng. Tào Tháo không chịu nhượng quyền, phái quân đánh đuổi Kim Thượng ra khỏi Duyện Châu, khiến ông ta phải lưu lạc khắp nơi, sau về dưới trướng Viên Thuật. Khi Viên Thuật tiếm quyền xưng đế, Kim Thượng buộc phải nhận chức quan giả, cuối cùng bị hại chết. Sau này, Tào Tháo nghênh đón thiên tử, dựng lại kinh đô nhà Hán, thấy áy náy về chuyện năm xưa nên có ý cất nhắc Kim Toàn là đệ đệ của Kim Thượng, cũng chính là phụ thân của Kim Y. Năm Kiến An thứ mười ba quân triều đình đánh dẹp Kinh Châu, Lưu Tông đầu hàng, Tào Tháo nhận mệnh Kim Toàn làm Thái thú Vũ Lăng, muốn trọng dụng ông ta; ai ngờ trận Xích Bích thảm bại, không giữ được Giang Nam, Lưu Bị đoạt mất bốn quận, Kim Toàn bại trận chôn thân nơi chiến trường. Tào Tháo vốn dĩ muốn bù đắp cho nhà họ Kim, ngờ đâu lại hại thêm một mạng người, không thể không cho Kim Y ra làm quan, nhận mệnh làm Nghị lang. Có điều, Kim Y còn quá trẻ, nên Tào Tháo tạm giữ lại ở Hứa Đô, chưa chuyển nhiệm. Vương Tất hiểu sự tình, lại mến Kim Y võ nghệ xuất chúng, thường dẫn theo bên mình, bàn chuyện văn võ, dần kết thành bạn vong niên.
Vi Hoảng nhìn đằng xa thấy khuôn mặt Kim Y hiện rõ sự vui vẻ, bỗng cảm thấy chạnh lòng:
— Hắn ta tuổi còn trẻ mà đã được ưa thích hơn đám người già chúng ta, thật hổ thẹn…
— Hổ thẹn cái gì? Tiền đồ của hắn do cha chú đánh đổi hai mạng mà có, ta thấy hổ thẹn thay cho hắn! - Cảnh Kỷ vỗ nhẹ vào má mình, - Nếu hắn thực sự hiểu lý lẽ, thì phải hận họ Tào mới đúng.
Vi Hoảng nhíu mày:
— Hà tất phải tính toán những chuyện đã qua, tuổi trẻ coi tiền đồ là nhất. Hơn nữa, chuyện giữa hai nhà họ Tào và họ Kim là do ý trời, cũng không thể oán hận người ta được.
— Con người sống vì thể diện, huống chi bản thân có tài há lại uổng phí? Kim Y mà có khí tiết thì nên tự mưu tính tiền đồ của mình, dẫu có nương theo người khác cũng không được nương theo Tào thị. Ta cũng chỉ có ý tốt, sợ tiểu tử đó thiếu hiểu biết, bị người đời chửi rủa.
Theo họ Tào thì sẽ bị người đời chê cười? Vi Hoảng càng cảm thấy bất an:
— Cảnh huynh nói năng phải thận trọng, giữa hai ta thì không nói làm gì, nhưng để những lời này lọt ra ngoài ắt gây họa cho cả gia môn!
— Sao phải sợ? Ta còn nhiều điều để trong lòng chưa nói lắm! - Cảnh Kỷ đưa mắt nhìn xung quanh thấy quan lại đến tiễn đều đã đi xa, bèn nhảy lên xe Vi Hoảng, ghé sát tai ông ta, - Nòi giống xấu xa của hoạn quan như Tào thị là bề tôi bất chính, hào kiệt Quan Trung như ta sao có thể phò tá nhà đó? Nói thực cho ngài biết, ta đã có ý phản họ Tào từ lâu, tiếc là chưa gặp thời.
— Hả! - Vi Hoảng sợ đến nỗi ngây người ra.
— Sợ cái gì? - Cảnh Kỷ nắm cổ tay Vi Hoảng, - Kẻ mới cười người xưa khóc, mỗi triều vua một triều bề tôi. Thất bại cùng lắm là chết, Tào thị xưng đế có lợi gì cho chúng ta? Làm một kẻ tầm thường chẳng bằng buông tay quyết một trận. Từ lâu ta đã nghĩ, Tào thị giả bộ xưng thần với nhà Hán, nếu chúng ta phò tá thiên tử rồi hạ lệnh hô hào, chắc chắn có thể làm kinh động chín châu, tan rã loạn đảng. Vi huynh không cùng phe với Tào thị, nhưng cũng là Thừa tướng Tư trực, Tào Tháo có đề phòng thế nào cũng không đề phòng được chỗ ngài, ta nhân đó mà cài tai mắt liên hệ bên trong; Cát Bản cai quản ngự y, tùy tiện ra vào cung cấm, đến lúc hành sự có thể khống chế thiên tử; Kim Y nhận được sự tín nhiệm sâu sắc của Vương Tất, nếu kéo được hắn ta cùng tham gia thì việc trừ khử Vương Tất dễ như trở bàn tay, Hứa Đô chẳng phải nằm trong tay chúng ta sao? Lúc đó, hiệu lệnh thiên hạ thảo phạt Tào thị, tất có thể…
— Ta không nghe, không nghe! - Vi Hoảng vùng khỏi tay Cảnh Kỷ, run rẩy bịt lỗ tai.
— Ngài đã nghe được rồi.
— Ta không biết… Ta chưa nghe được gì hết! - Vi Hoảng nơm nớp lo sợ, ánh mắt toát lên vẻ hoảng hốt, không dám nhìn Cảnh Kỷ.
Cảnh Kỷ trông biểu hiện khác thường của ông ta, sợ người khác sinh nghi, bèn nhảy về ngựa của mình miệng vẫn lải nhải:
— Đại trượng phu có thù báo thù ơn báo ơn, sao phải sợ sệt co rúm?
— Ta không làm… Không làm!… - Vi Hoảng run lẩy bẩy.
Cảnh Kỷ đảo mắt một vòng, lại cười giả lả:
— Người ta đều nói Vi huynh là người vô dụng, muốn nịnh Tào Tháo cũng nịnh chẳng xong, trước đây ta vốn không tin, nhưng giờ đã hiểu những lời ấy quả không sai. Thôi bỏ đi, dù sao ta cũng nói hết với ngài những lời gan ruột, ngài chớ ngại tố giác với họ Tào, không biết chừng còn đổi được vinh hoa phú quý đấy! Chỉ e sau này ngài ngồi được vào chức quan to, cưỡi ngựa tốt, lúc vinh quy bái tổ phụ lão Quan Trung lại xì xào ngài đã bán đứng đồng hương, đổi lấy công danh ra sao!
Người chịu ấm ức cũng có ba phần khí khái, Vi Hoảng cảm thấy như dao cứa vào tim, xua tay nói:
— Ngài coi thường Vi mỗ quá. Bỏ đi, bỏ đi, ngài muốn làm thế nào thì tùy, ta không hỏi gì hết, chỉ xin ngài chớ nói với ta.
Cảnh Kỷ lén quệt mồ hôi, muốn che đậy tai mắt của Tào thị, buộc phải có Vi Hoảng cùng tham gia, dù thế nào cũng phải kéo ông ta xuống nước:
— Ngài dại quá, hãy nhìn xa một chút. Tào tặc tuổi tác đã cao, còn chưa lập người kế vị, kỳ thực cục diện cũng nguy hiểm lắm. Năm ngoái hắn viễn chinh Hán Trung, giữa đường phải bỏ về, chỉ để một tên võ biển lỗ mãng là Hạ Hầu Uyên ở lại trấn giữ; cách đây không lâu Trương Cáp lại bị Trương Phi đánh lui, cứ cái đà này làm sao bảo toàn được Hán Trung? Huống chi Mã Siêu đã quy thuận Thục quốc, người này luôn được lòng người Khương, Đê ở Ưng Lương. Ta chỉ cần nắm đúng thời cơ khống chế Hứa Đô, rồi truyền hịch xuống hào kiệt Quan Trung để bọn họ đồng loạt dấy binh, khi ấy Lưu Bị khởi quân đánh Hán Trung, Mã Siêu kêu gọi thế lực cũ ở Tây Lương, lại thêm bọn người Khương, Đê cùng hưởng ứng, vị trí thống trị Quan Tây sẽ không còn thuộc về Tào thị nữa. Các tướng Tang Bá, Tôn Quan ở vùng duyên hải Thanh, Từ có thành tự trị, vốn không lệ thuộc Tào doanh, bọn Khoái Kỳ, Thân Đam ở các quận mé tây nam cũng chưa khi nào chịu thuần phục. Hơn nữa, Giang Đông còn có Tôn Quyền, tất cả đồng tâm hiệp lực lo gì không đánh bại được Tào tặc? - Nói đến đây Cảnh Kỷ đưa tay lên vuốt râu, khuôn mặt thoáng lộ vẻ đắc ý, - Ta với ngài giờ không có thực quyền, nhưng lúc đó sẽ khác. Tiến thì đánh Hà Bắc diệt Tào thị, lui thì dời đô về Trường An giữ gìn hương thổ; thành thì nắm giữ triều cương, hiệu lệnh thiên hạ, bại thì dâng thiên tử cho Lưu Bị, tất được luận công phong hầu. Đây không phải con đường nguy hiểm, mà là đường rộng thênh thang, Vi huynh không động lòng sao? - Cảnh Kỷ tính kế sâu xa, phân tích thời cuộc tinh tế, song lại để lộ bộ mặt thật của mình - Tào Tháo dối vua cướp nước đương nhiên trái với cương thường, Cảnh Kỷ cũng đâu phải người tốt? Những câu ban nãy nói về đạo nghĩa vua tôi đều là dối trá, ông ta phản Tào thực ra do thù hận và dã tâm!
— Không, không… - Không biết Vi Hoảng có nghe lọt những lời này không mà cứ một mực xua tay.
Cảnh Kỷ muốn nói nữa, nhưng trông thấy Vương Tất dẫn Kim Y quay lại, vội dặn dò:
— Ta đột nhiên nói ra chuyện này khiến ngài khó tránh khỏi sợ hãi. Không sao, ngài cứ về nghỉ thêm, hôm khác chúng ta lại bàn tiếp… - Nói đến đây, Vương Tất cách họ không còn xa nữa, Cảnh Kỷ đổi sang vẻ mặt niềm nở, chắp tay cao giọng nói, - Vương Trưởng sử, lâu nay vẫn bình an chứ?
Vương Tất không muốn tiếp chuyện Cảnh Kỷ, nhưng ngoài mặt vẫn phải tỏ ra vui vẻ, chắp tay đáp lễ:
— Cảnh công khách khí rồi.
Cảnh Kỷ cố tỏ vẻ quan tâm:
— Toán quân ban nãy Trưởng sử dẫn theo đâu rồi? Sao chỉ còn lại bốn năm người thế này?
— Ta phái hai chục tiểu tốt bảo vệ Trần Quần, đề phòng bọn họ xảy ra chuyện bất trắc.
— Trưởng sử quả là người chu đáo. Nhưng ngài gánh trên vai sự an nguy của kinh sư, chẳng may có kẻ liều mạng hành thích thì không phải chuyện nhỏ, vẫn nên mang nhiều quân bên mình!
Vương Tất quay đầu chỉ Kim Y, cười nói:
— Có Đức Vĩ bên cạnh, ta chẳng còn lo gì nữa.
— Gần đây thời tiết không tốt, Vương Trưởng sử có được mạnh khỏe không? - Cảnh Kỷ chỉ vào Vi Hoảng đang ngồi thất thần, - Vi công lúc này không được khỏe.
Vương Tất cầm quân trấn áp trăm quan, không phải người khinh suất, đã sớm nhận ra thần sắc Vi Hoảng không bình thường, nghe Cảnh Kỷ nói vậy cho là thật:
— Chả trách sắc mặt tái mét, Vi công bị cảm lạnh rồi chăng?
Vi Hoảng lúng túng, cố sức gật đầu. Cảnh Kỷ sao có thể cho ông hé miệng được, vội nói chen vào:
— Gần đây nhiều người nhiễm bệnh, mấy hôm trước Phan hữu thừa vừa qua đời vì bệnh, giờ Vi công lại bị cảm lạnh, Vương Trưởng sử cũng nên chú ý giữ gìn thân thể, Ngụy Vương còn phải trông cậy vào ngài. - Ông ta tỏ ra quan tâm, lo lắng như xuất phát từ tận đáy lòng.
— Đa tạ ngài quan tâm. - Vương Tất cảm kích, - Bên ngoài ẩm ướt, hai ngài không nên ở lại lâu, ta còn có công chuyện, xin đi trước. - Nói rồi quay đầu gọi đám thân binh đi tiếp.
— Tiễn đại nhân. - Cảnh Kỷ thi lễ lần nữa, nhưng lại liếc sang phía Kim Y, nháy mắt một cái.
Người khác chào hỏi chưa chắc Kim Y thèm đáp lại, nhưng Cảnh Kỷ là trưởng bối đồng hương, há lại không hiểu chuyện? Kim Y ngỏ ý với Vương Tất:
— Vi công không được khỏe, tại hạ xin ở lại đưa ngài ấy về phủ.
Vương Tất cũng không để tâm, chỉ gật gật đầu, dẫn quân đi trước. Lúc này Kim Y mới hỏi:
— Cảnh công có gì chỉ bảo?
— Ây dà! - Cảnh Kỷ chưa nói đã thở dài, - Người trẻ tuổi như ngươi bảo ta nên nói gì đây? Ban nãy nhiều người bàn luận sau lưng, nói ngươi… nói ngươi… Ây dà, thôi không nói ra thì hơn.
Kim Y trẻ tuổi hiếu thắng, sao chịu được những lời ấm ớ này? Vội truy hỏi:
— Họ nói tại hạ thế nào? Cảnh công không cần giữ kẽ.
Cảnh Kỷ cố ý gợi lên sự hiếu kỳ của hắn:
— Chuyện thị phi do nhiều lời mà ra, không nên nhắc đến thì hơn.
Bàn luận sau lưng người khác ắt chẳng phải những lời tốt đẹp gì, Kim Y nôn nóng xoa nắm tay:
— Ngài cứ nói ra! Chúng ta đều là người Quan Trung, xét theo chỗ tiên phụ, tại hạ còn phải gọi ngài một tiếng thúc phụ, có gì thúc phụ không thể nói với tiểu điệt chứ?
Cảnh Kỷ nhăn mày như thể hạ quyết tâm lớn lắm, hồi lâu mới nói:
— Có người nói ngươi bất trung bất hiếu, nhận giặc làm cha!
— Đáng ghét! - Kim Y há có thể không tức giận, - Kẻ nào sỉ nhục tiểu điệt như thế? Tiểu điệt phải giết hắn!
— Ngươi xem ngươi xem, ta không muốn nói chính là vì sợ ngươi mất bình tĩnh. Có bao nhiêu người nói lời này, ngươi giết hết được không? Cây ngay không sợ chết đứng, hãy cứ kiên định là được.
— Tiểu điệt giận lắm! - Hai mắt Kim Y long sòng sọc, nắm tay siết chặt kêu răng rắc.
— Ngươi khờ quá, ở đời lắm kẻ thối tha, không đáng để tức giận với chúng. - Cảnh Kỷ vỗ vai Kim Y, - Ngươi có tiền đồ, ta nghe nói tử tôn nhà họ Tào, họ Tuân đều mạnh cả, chỉ tiếc là thiếu một chút bao dung, hành sự không chu toàn.
Kim Y đấm ngực, gầm ghè:
— Tiểu điệt tự hỏi sinh thời không làm chuyện gì phải hổ thẹn, sao lại bị bọn vô sỉ bôi nhọ? Tiểu điệt quyết không chịu để yên!
Cảnh Kỷ lắc đầu quầy quậy:
— Hiền điệt đã nhận ta là thúc phụ, vậy ta có mấy câu muốn nói với hiền điệt. Cầu hàn mạc như trọng cầu, chỉ bàng mạc như tự tu.(*) Một khi có người bàn luận về hiền điệt hẳn là hiền điệt còn có chỗ chưa thỏa đáng. Nghĩ lại năm xưa bá phụ của hiền điệt nhận chức Thứ sử Duyện Châu, nếu không phải bị Ngụy Vương đuổi đi thì đâu đến nỗi chết trong tay Viên Thuật? Còn lệnh tôn nữa, nếu không bị Ngụy Vương phái đến Giang Nam thì làm gì bị Lưu Bị giết hại? Tất nhiên đó đều do cơ trời tạo ra, nhưng người ta vẫn thường nói “thù giết cha không đội trời chung”, nay hiền điệt và Vương Tất có quan hệ gần gũi như vậy, khó tránh khỏi việc bị người đời chỉ trích…
Kim Y không quên cái chết của phụ thân và bá phụ, nhưng những chuyện đó không phải do Tào Tháo cố ý, vả lại nhờ sự chiếu cố của Vương Tất, đường làm quan của hắn cũng thuận lợi, nghĩ đến tiền đồ xán lạn, Kim Y đã tạm gác lại mối thù năm xưa. Giờ bị Cảnh Kỷ khơi lại, vết sẹo trong lòng Kim Y lại lộ ra, nhất là câu “thù giết cha không đội trời chung” càng làm hắn bừng tỉnh, lòng như lửa đốt.
Cảnh Kỷ miệng nở nụ cười, giọng nói càng nhẹ nhàng, ôn tồn:
— Hiền điệt còn trẻ, chớ nên hành động theo cảm tính, người nào giúp đỡ cháu, người nào hãm hại cháu, phải biết phân biệt rõ ràng. Quan trường hiểm ác, lòng người khó lường, sau này gặp chuyện khó xử cứ đến tìm ta, lão phu tuy không có thực quyền, nhưng dù sao cũng đã làm quan ba mươi năm, việc chỉ đường cho người trẻ không thành vấn đề. Chao ôi! Bá phụ và phụ thân cháu không may mất sớm, để lại một mình cháu không chỗ nương tựa, thật đáng thương…
Kim Y nhìn ánh mắt Cảnh Kỷ ân cần thương xót, cũng cảm thấy ấm áp trong lòng:
— Đa tạ thúc phụ quan tâm. - Nói rồi cúi đầu thầm nghĩ: Thù giết cha không đội trời chung! Đường đường là một đấng nam nhi không thể chịu tiếng xấu ở đời!
Cảnh Kỷ nhìn ra tâm tư Kim Y, trong lòng mừng thầm, lại vỗ vai căn dặn:
— Tuổi trẻ không được quên gốc, danh tiếng rất quan trọng nhưng tuyệt đối không được quên những việc Tào Mạnh Đức đã làm với nhà họ Kim cháu!
— Đương nhiên tiểu điệt không quên. - Kim Y bị Cảnh Kỷ nói khích mấy câu, mặt mày đỏ gay, nghiến răng nghiến lợi, mãi một lúc lâu sau mới lấy lại được bình tĩnh, ngẩng đầu lên nhìn thì thấy Cảnh Kỷ đã thúc ngựa đi rồi, chỉ còn lại một mình Vi Hoảng vẫn ngồi ngây ra từ nãy, sắc mặt trắng bệch, hai mắt vô hồn, không biết đang nghĩ gì…
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9