Outside of a dog, a book is man's best friend. Inside of a dog it's too dark to read.

Attributed to Groucho Marx

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Thùy Linh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 29
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 143
rung thần chết oan, Tào Tháo lập uy
Tống giam Thôi Diễm
Nơi náo nhiệt nhất Nghiệp Thành chính là phủ Lâm Tri hầu, tuy nằm ở phía đông bắc, cách phủ Ngũ quan tướng hai con đường, nhưng lại khác nhau một trời một vực. Phủ đệ của Tào Phi yên tĩnh, thanh nhã, thậm chí có phần u tịch. Còn Tào Thực do nổi tiếng về thơ phú, nên trong phủ có nhiều kẻ phong nhã qua lại, thu hút nhiều văn nhân trong Nghiệp Thành, gần đây còn có không ít tử tôn của quan lại đến cửa yết kiến, người ra kẻ vào, ngâm thơ làm phú, đàn ca rộn ràng.
Lâm Tri hầu là người chuộng phong nhã, cảm thấy cảnh sắc trong phủ chưa hữu tình, năm ngoái đã sai người vận chuyển từ Duyện Châu đến nhiều giống mẫu đơn, trồng khắp hoa viên. Năm nay gặp hạn hán, Tào Thực gọi người đến chăm sóc, cắt tỉa để cây nhanh ra hoa, chẳng lâu sau, hoa tím, hoa vàng chen nhau khoe sắc, hương thơm tỏa khắp nơi như chốn bồng lai tiên cảnh, mới sáng sớm đã có đám văn nhân kéo đến thưởng lãm. Tuân Vĩ, Vương Tượng, Lưu Vĩ mỗi người đều làm một bài Mẫu đơn phú, mỗi bài dài ngắn khác nhau nhưng ai cũng tâm đắc. Thứ tử của Lưu Biểu là Lưu Tu cũng là thường khách trong phủ, giữ chức Nghị lang nhưng hữu danh vô thực, một thân một mình làm công tử ở Nghiệp Thành, nhưng vẫn còn may mắn hơn các huynh đệ khác đang làm quan bù nhìn ở Hứa Đô. Lưu Tu có chút tài thơ văn, so với kẻ dưới thì hơn mà so với người trên thì kém, nhưng lại thích bình luận thơ văn của người khác, cầm bài thơ tặc lưỡi:
— Không hay, không hay! - Lưu Tu lắc đầu nhưng chẳng chỉ ra điểm nào không hay, khiến ai cũng buồn cười. Tảng đá xanh bên kia có hai người trẻ tuổi đang thi tài với nhau, một người là tài tử Lạc An tên là Nhiệm Hỗ, một người là Hạ Hầu Vinh - con út của Hạ Hầu Uyên, cả hai đều nổi tiếng là thần đồng, đúng là kỳ phùng địch thủ gặp nhau, khiến mọi người ai cũng xúm lại xem.
Mọi người đang chuyện trò vui vẻ, chợt nhìn thấy Văn học thị tòng Trịnh Mậu vội vàng bước vào sân:
— Hầu gia có ở bên này không?
— Trịnh huynh đến đúng lúc quá. - Vương Tượng và Lưu Tu đang thi làm thơ, nhìn thấy ông ta vội kéo lại.
— Tiểu đệ vừa làm một bài, Lưu hiền đệ nói không hay, huynh phân xử xem.
— Không xem! - Trịnh Mậu đang vội vã, còn lòng dạ nào mà cười nói với họ:
— Hầu gia ở đâu?
Vương Tượng thấy ông ta từ chối, cụt hứng cằn nhằn:
— Không biết, từ sáng đã không gặp, chắc là vẫn đang ở trong thư phòng. - Những người này thường xuyên đến đây nên đã thành quen, không gặp Tào Thực thì vẫn tự nhiên tự tại, chuyện ta ta làm.
— Ôi trời… - Trịnh Mậu bực mình, chỉ vào đám người nói:
— Các ngươi quá tự nhiên, dẫu sao đây cũng là phủ Lâm Tri hầu! Có còn chút quy củ nào không? - Nói xong, phất tay áo bước nhanh vào sân sau.
Mọi người thi nhau bình luận:
— Tên này hôm nay trúng tà à? Kệ hắn ta, đánh cờ tiếp đi…
Lúc này đúng là Tào Thực đang ở trong thư phòng, gần đây phụ thân không giao cho việc gì, mười lần vào cung thì đến tám lần không gặp, thời gian rảnh rỗi không biết làm gì, đành cùng bằng hữu đi thăm thú khắp nơi. Nhưng hôm qua nhị ca Tào Chương đãi tiệc ở phủ, các huynh đệ kéo tới đó không ít, còn cho gọi thêm mấy ca kỹ đàn hát mua vui. Tào Thực về phủ đã rất muộn, không muốn về phòng, liền đến thư phòng ngủ nửa giấc, rửa mặt xong nghe nói mọi người đều đến cả, đang định ra ngoài thì bị Lưu Trinh, Tư Mã Phu ngăn lại, bắt xem gián thư:
Gia thừa Hình Ngung là hiền tài phương bắc, lúc còn trẻ phẩm hạnh thanh cao, tính tình điềm đạm, mặc dù ít nói nhưng câu nào cũng có lý, đúng là người nho nhã. Thuộc hạ không được cùng ngôi thứ với Hình Ngung, mà cũng được đặt cạnh ông ấy. Gần đây ngài hậu đãi thuộc hạ, mà xa cách ông ấy, sợ rằng người ta lại nói hầu gia thân thiết người bất hiền mà không giữ lễ với kẻ tài đức, chỉ coi trọng thứ tử như thuộc hạ mà xem nhẹ gia thừa(*) như Hình Ngung. Như vậy chẳng khác nào thuộc hạ gây ra điều tiếng cho người, tội đó không nhỏ, bởi vậy mà thuộc hạ luôn thấy bất an.
Tào Thực xem xong gián thư, dở khóc dở cười, nhìn Lưu Trinh thành khẩn quỳ bên cạnh, liền nói:
— Chuyện gì vậy? Sao hôm nay ngươi cũng học cách này?
Lưu Trinh trịnh trọng đáp:
— Là thuộc hạ nghĩ cho hầu gia.
Tư Mã Phu quỳ cạnh đó cũng nói giúp:
— Công Cán nói rất đúng.
“Coi trọng thứ tử như thuộc hạ mà xem nhẹ gia thừa như Hình Ngung”… Đúng là văn hay. Tào Thực đặt gián thư sang một bên, cười nói:
— Ta còn chưa tỉnh ngủ, có phải mặt trời mọc ở đằng tây không? Thúc Đạt mà nói những lời này ta mới cảm thấy không lạ, ngươi có còn là Lưu Công Cán phóng khoáng, hài hước xưa nay không?
Lưu Trinh sầu não - Từ khi mắc tội được thả ra đến nay, ông ta không dám phóng khoáng, không dám hài hước mà giống như viên đá đã được mài nhẵn. Chốn quan trường nào phải trò chơi, mà là nơi chứa đầy cạm bẫy, thị phi, người trong cuộc không thể cười nói, giận dữ, chửi bới tự nhiên. Ông ta đã hồ đồ nửa đời người, giờ phải nghiêm túc trở lại.
— Thuộc hạ thường ngày không cẩn thận, nghĩ lại mới biết trước sai nay đúng, khẩn cầu hầu gia chấp nhận gián thư, thuộc hạ cảm kích vô cùng. - Nói xong Lưu Trinh khấu đầu.
— Người với người quý nhau ở chỗ thẳng thắn, ngươi hà tất phải nói ra như vậy? - Tào Thực cảm thấy đáng tiếc:
— Hình Ngung là người tài, trước nay ta chưa bao giờ dám thất lễ. Ta trọng người bất hiền mà quên kẻ tài đức từ bao giờ vậy?
Lưu Trinh nói:
— Hầu gia đúng là luôn lễ phép với Hình Ngung, nhưng lúc nào ngài cũng cho một đám văn nhân tự do ra vào cửa phủ, cười nói không giữ phép, Hình công lẽ nào lại có thể cảm thấy thuận tai vừa mắt? Người có già có trẻ, đức có cao có thấp, ngài ấy được mệnh danh là “đức hạnh đường đường”, há có thể đứng cùng với đám Lưu Tu, Vương Tượng?
Tư Mã Phu cũng hùa vào:
— Lẽ nào hầu gia lại quên chuyện Hình công mật tấu lần trước? Đến nay đã được mấy tháng mà Dương Tu vẫn chưa dám đến phủ ta, huynh đệ Đinh Nghi cũng ít đến. Người ta đều tránh xa hiềm khích, điều tiếng, hầu gia cũng nên giữ kẽ như Ngũ quan tướng…
— Giống như đại ca thì còn có ý nghĩa gì? - Tào Thực cắt ngang, chắp tay sau lưng đứng dậy, - Sợ đông sợ tây, che giấu giả tạo, còn gì thú vị? Ta không có ý tranh giành với huynh ấy, chẳng qua là muốn làm một số việc phụng sự cho xã tắc, cho phụ thân, còn nếu để bụi trần thế tục vấy bẩn tâm tính, ta thà không làm còn hơn.
Tư Mã Phu lại nói:
— Nước trong dân vẩn đục, nước ngoài thôn thanh khiết. Cùng là nước một nguồn, nhưng có nước trong nước đục, do hoàn cảnh tạo nên, không liên quan đến tâm tính. Hầu gia là người đức hạnh, nhưng không hòa hợp với đời, vậy có ích gì? Chỉ sợ rằng hầu gia còn chưa làm trời đất cảm động thì đã bị người khác hãm hại. - Lời của Tư Mã Phu rất rõ ràng, không cần biết huynh trưởng ông ta có lập trường thế nào, ông ta cũng thực lòng muốn phò tá Tào Thực.
Tào Thực cười trừ. Từ khi Tư Mã Phu vào phủ, hầu như hôm nào cũng có gián thư, mặc dù y cảm kích ý tốt đó, nhưng đã không coi là chuyện quan trọng nữa.
Lưu Trinh thấy Tào Thực không để tâm, lại nói:
— Khắc chế bản thân, hành xử theo lễ là con đường trị lý quốc gia, lẽ nào hầu gia lại không nhận những lời can gián này?
— Ha ha ha!… Những lời này nói ra từ miệng Lưu Trinh, khiến Tào Thực cảm thấy quá buồn cười, - Công Cán cũng biết khắc chế bản thân, hành xử theo lễ? Những bằng hữu ngoài kia đang cười đùa, chẳng phải cũng do ngươi bày trò đó sao? - Câu này khiến cho Lưu Trinh không biết nói gì hơn. Không biết những năm qua, ông ta tâm đầu ý hợp với Tào Thực là giúp hay hại y.
Tư Mã Phu đang muốn khuyên can tiếp, bỗng nhìn thấy Trịnh Mậu bước vào:
— Khải bẩm hầu gia, Thôi công bị đại vương bắt giam vào ngục rồi!
Trong giây lát, ai cũng ngây ra, Lưu Trinh nghi ngờ hỏi:
— Thôi công nào?
— Còn Thôi công nào? Thôi Quý Khuê, Thôi đại nhân.
— Nói bậy… sao có thể… - Ba người nhìn nhau không ai tin điều này. Trong mắt họ Thôi Diễm luôn là một vị quan trung lương, còn là đại thần mà Tào Tháo từng tin tưởng, mười năm tận lực giữ đúng chức trách, sao có thể bị tống giam?
— Đúng là sự thật! - Trịnh Mậu cuống quýt, - Có người bất mãn thôi công, tìm được một bức thư ông ta viết cho Dương Huấn, dâng lên đại vương. Không biết trong thư viết những gì mà sau khi xem xong, đại vương chỉ trích lời lẽ vô lễ, sai người nửa đêm đến bắt giam Thôi công vào ngục. Sáng nay tin tức đã truyền đi, các quan tranh nhau vào cung để xin tha tội cho Thôi công!
Tào Thực chau mày một lúc mới nói:
— Chắc sẽ không lớn chuyện đâu, với bậc lão thần này, phụ vương sẽ không tùy tiện xử lý. Ngày trước chẳng phải Giả Quỳ cũng bị tống vào ngục đó sao? Mấy hôm trước Từ Dịch cũng bị dọa bãi quan, chẳng phải bây giờ vẫn giữ chức Nghị lang trong triều? Thôi công tính tình ngang ngược, khó tránh khỏi việc gây hờn kết oán với người khác, phụ vương sẽ điều tra cẩn thận, hơn nữa còn có quần thần nói giúp, chắc không có gì đáng lo.
— Thuộc hạ có câu này muốn nói. - Trịnh Mậu không để ý đến danh phận, kéo Tào Thực ra cửa, nói thầm vào tai, - Thuộc hạ nghe người trong cung nói, người hãm hại Thôi công dường như là Đinh Nghi.
Tào Thực ngạc nhiên, lúc này mới hiểu - Đinh Nghi muốn lật đổ Thôi Diễm để giúp ta lên ngôi, bảo sao gần đây không thấy đến phủ, đúng là cố ý tránh tai tiếng, nhưng Thôi Diễm là người trung nghĩa, nếu như bị Đinh Nghi lật đổ chẳng phải ta đã hại ông ta sao?
— Đinh Chính Lễ làm việc quá manh động, chuyện này đáng lẽ phải bàn bạc với chúng ta. - Trịnh Mậu muốn nói nhưng lại sợ Lưu Trinh nghe thấy, thì thào, - Nghe nói những lời viết trong thư rất hệ trọng, đại vương rất tức giận, chắc sẽ không dễ dàng tha cho Thôi công. Chuyện này liên quan đến danh dự của hầu gia, bất luận thế nào ngài phải vào cung nói đỡ, để tránh người khác đặt điều!
— Cái này… - Tào Thực đúng là khó xử.
Luận về tình về lý, Tào Thực đều phải ra mặt nói đỡ cho Thôi Diễm mấy câu, dẫu sao thì y cũng lấy cháu gái của Thôi Diễm, nhưng trong thư viết gì cũng không rõ, mà lại hấp tấp đến nói giúp, chẳng phải là vì tình riêng ư? Tào Thực bực mình oán trách Đinh Nghi làm việc không thỏa đáng, giờ không biết làm thế nào cho phải, lại có nô bộc đến bẩm báo:
— Phu nhân cho mời hầu gia đến nhà sau nói chuyện.
— Các ngươi chờ ở đây. - Tào Thực đẩy Trịnh Mậu sang một bên, đi vội xuống nhà sau, vừa bước qua cửa thùy hoa đã nhìn thấy thê tử Thôi thị đang quỳ dưới sân, đằng sau còn mấy người phụ nữ, đều là người nhà họ Thôi cũng đang quỳ ở đó, - Các ngươi ….
Thôi thị lê gối đến trước mặt chồng, nói giọng khẩn khoản:
— Tiện thiếp khẩn cầu phu quân cứu mạng thúc phụ!
Tào Thực và Thôi thị tuy không đến nỗi ân ái mặn nồng, nhưng cũng là nghĩa phu thê tương kính, y vội vàng đỡ dậy:
— Nàng hà tất phải làm vậy, ta sẽ nghĩ cách, chuyện này không vội vàng được.
Người nhà Thôi gia sao không vội được? Con gái của Thôi Diễm cũng đang quỳ khóc lóc:
— Hầu gia lẽ nào lại không biết phụ thân tiện thiếp là bậc trung lương? Đêm qua binh lính xông vào phủ, không nói lý do đã dùng dây thừng trói rồi giải đi. Đại vương thiên uy khó đoán, nếu không nhanh cứu, chỉ sợ… chỉ sợ… - Chưa nói hết câu đã bật khóc nức nở lên, đám người nhà cũng khóc theo.
Có một bà lão y phục sang trọng, không biết có địa vị gì trong nhà Thôi Diễm, nhưng cũng khấu đầu cầu xin:
— Thôi đại nhân phản đối việc lập hầu gia kế vị, lão nô xin thay mặt nhận tội. Chỉ cầu xin hầu gia niệm tình quan hệ thông gia với họ Thôi, ngài giơ cao đánh khẽ, tha cho đại nhân… Sau này dòng họ Thôi ở Thanh Hà xin trung thành với hầu gia…
— Ây dà! Sao lại nói vậy? - Tào Thực vốn sợ có người sẽ đoán này đoán nọ, nhưng nay cả người nhà cũng cho rằng Thôi Diễm là do Tào Thực hại thì làm sao có thể tránh khỏi miệng lưỡi thế gian? Muốn tránh rắc rối thì lại bị gây rắc rối, Tào Thực nôn nóng sốt ruột, dìu không được, đỡ không xong đám đàn bà con gái trong sân, thê tử cũng khóc theo họ mãi không thôi.
Tào Thực hạ quyết tâm:
— Thôi thì ta đi cầu xin là được chứ gì! - Đoạn rảo bước quay về sân trước gặp Trịnh Mậu, thấy ngựa cũng đã chuẩn bị xong. Ông ta nghe nói phu nhân tìm Tào Thực nên đoán thể nào cũng xảy ra chuyện này.
Hai người dắt ngựa ra khỏi sân, bên ngoài khách khứa vây quanh hành lễ. Lưu Vĩ cười nói:
— Tại hạ kính mời Lâm Tri hầu đi dự tiệc, Chung công vừa mới tiến cử một tài tử, cùng quê với tôn gia, tên là Ngụy Phúng, có tài ăn nói, xuất khẩu thành thơ, đã được tuyển vào Tây tào. Hôm nay tại hạ và huynh trưởng chủ trì, mời bằng hữu đến, ngay cả Tống Trọng Tử tiên sinh cũng đến, mời hầu gia đến dự. - Huynh trưởng của Lưu Vĩ chính là Lưu Dực, theo hầu văn học cho Lâm Tri hầu, vừa được điều làm quan triều đình.
Lúc này làm gì có thời gian mà dự tiệc, Tào Thực nói ngắn gọn vài câu về chuyện của Thôi Diễm. Những người này dù sao cũng đều có chức vụ trong triều, tuy chưa được giao việc gì chính thức nhưng vào yết kiến đại vương cũng không vấn đề gì, nghe nói Tào Thực muốn nói đỡ cho Thôi Diễm, ai cũng có ý muốn đi, không vì Thôi Diễm thì cũng vì thể diện của Lâm Tri hầu! Lập tức có hơn mười người xin theo, Tư Mã Phu nhân lúc hỗn loạn đi về phía sân bên cạnh, mời Hình Ngung ra. Lúc này không phân biệt già trẻ, chức vụ cao thấp, một đoàn người cưỡi ngựa, kẻ đi xe cùng vào cung. Vừa mới đến Hiển Dương môn đã nhìn thấy người đứng đông đúc, mấy chục quan viên đã đến đây từ sớm để xin yết kiến.
Thôi Diễm là nhân vật cỡ nào? Trong triều xảy ra chuyện lớn như vậy, các quần thần lẽ nào không đến? Liệt khanh có Chung Do, Vương Lãng, Vương Tu, Quốc Uyên; Thượng thư đài có Viên Hoán, Kinh Mậu, Mao Giới, Dương Tuấn, Hà Quỳ, Thường Lâm, Phó Tốn, ngay cả Từ Dịch đã bị bãi chức cũng đến; ngoài ra còn có Hoàn Giai, Tân Tỵ, Trần Kiều, Tư Mã Ý, Giả Quỳ, Dương Tu, nhiều không kể hết. Các trọng thần của triều đình, mạc phủ đều đông đủ, chỉ thiếu có Tây tào duyện Đinh Nghi. Tào Phi cưỡi ngựa đi đầu bị cản lại, lóng ngóng không biết phải làm sao.
— Đại ca, sao không vào? - Tào Thực tách đám người chen lên phía trước.
Tào Phi không nói gì, Tân Tỵ đứng bên cạnh, lạnh lùng đáp:
— Đại vương không cho phép mọi người vào nói giúp Thôi công, Lâm Tri hầu vào chắc không việc gì nhỉ?
Tào Thực nghe rõ Tân Tỵ có ý nhạo báng, chắc chắn là đã hiểu lầm mình, vội vàng nói lớn với quần thần đang có mặt ở đó:
— Thôi công là đại thần cương trực của Đại Ngụy ta, còn mạnh mẽ hơn Tỷ Can(*), chính trực hơn Sử Ngư(*), dù thế nào chúng ta cũng phải bảo vệ Thôi công bình yên vô sự! - Đám Lưu Tu, Lư Vĩ cũng họa theo:
— Đúng, Lâm Tri hầu nói đúng! - Nói xong cũng xông lên trên, gào thét quan nội thị cho gặp đại vương.
Tào Phi phẫn nộ liếc nhìn vị đệ đệ của mình: Vừa hại Từ Dịch lại hại cả Thôi Diễm mà còn làm bộ làm tịch! Tam đệ ơi, tam đệ, cùng một mẹ đẻ ra, ta không thể ngờ đệ lại xảo quyệt đến vậy!
Quần thần nôn nóng chờ đợi nửa canh giờ mới nhìn thấy một tên nội thị mười mấy tuổi, ngẩng đầu bước nhanh đến:
— Đại vương có lệnh, những ai định nói giúp cho Thôi Diễm không được vào, lệnh cho các quan nhanh chóng giải tán, không được ồn ào! - Nói xong quay người bỏ đi.
Tào Thực nhớ ra đây chính là tiểu thái giám Nghiêm Tuấn, được phụ vương yêu quý, vội vàng ngăn lại:
— Nghiêm công công xin dừng bước, huynh đệ chúng ta có được vào không?
Nghiêm Tuấn tuy chỉ là đứa trẻ nhưng rất nhanh ý, cười nói:
— Đại vương nói không gặp, tiểu nhân không dám quyết, hai vị xin hãy về đi.
Tào Phi lại hỏi:
— Hiện nay, ai đang ở cạnh phụ vương?
Nghiêm Tuấn đáng ra không được nói, nhưng không dám đắc tội Ngũ quan tướng, bèn nói nhỏ:
— Kỵ đô úy Khổng đại nhân và Đinh Tây tào đang ở trong… Tiểu nhân phục mệnh, xin thất lễ, thất lễ. - Rồi không để huynh đệ họ hỏi thêm, vội vàng chạy mất.
Quần thần không được vào lại càng cảm thấy lo lắng, có người còn bảo rằng:
— Chúng ta cứ quỳ ở đây, hôm nay dù thế nào cũng phải cứu được Thôi công!
— Không được! Không được! - Lại có người nói, - Tính khí đại vương nóng nảy, đừng nói là không cứu được Thôi công mà có khi cả chúng ta cũng bị kéo vào. Chi bằng… chi bằng Ngũ quan tướng và Lâm Tri hầu ở lại, chúng ta đến đại lao xem thế nào, kể cả khi không gặp được Thôi công, thì cũng có thể dặn dò quan cai ngục! Thôi công năm nay cũng đã lớn tuổi, chúng ta cứ chăm sóc ngài ấy cho tốt, rồi sẽ nghĩ cách.
— Đi, đi thôi. - Quần thần đã có chủ ý, dần dần tản đi hết, chỉ còn lại hai huynh đệ Tào Phi và Tào Thực, một người đứng ở mé đông, một người đứng ở mé tây cửa Hiển Dương, cả hai chẳng ai nói với ai câu nào…
Tư Mã Ý sớm đã nhìn thấy Tư Mã Phu trong đám quần thần, nhân lúc mọi người đang hỗn loạn, kéo hắn đến chỗ vắng vẻ, lén lút hỏi:
— Chuyện Đinh Nghi gài bẫy Thôi Diễm, Lâm Tri hầu có biết không?
Tư Mã Phu còn chưa nhận ra ai, định kêu lên. Tư Mã Ý vội vàng bịt miệng hắn lại:
— Không biết càng tốt, chuyện này chớ có nói ra.
Tư Mã Phu chưa hết sợ hãi:
— Chuyện này chẳng phải đẩy hầu gia vào chỗ bất nghĩa sao?
— Hừ! - Tư Mã Ý cười nhạt, - Cái gì mà bất nghĩa với không bất nghĩa? Ít nói những lời cổ hủ đó đi, Từ Dịch, Thôi Diễm đều bị hắn lật đổ, nếu sau này Mao Giới cũng lại bị chỉ trích trách tội, các quan văn võ trong triều đều khiếp sợ, ai dám theo Ngũ quan tướng nữa? Đinh Chính Lễ đúng là độc ác… Gần đây đệ có can gián Lâm Tri hầu không?
Tư Mã Phu lắc đầu:
— Gián thư không ít, nhưng Lâm Tri hầu không nhận, vẫn giao du với đám Lưu Tu.
Tư Mã Ý rất hài lòng:
— Nhận hay không nhận là việc của hầu gia, còn can gián vẫn là việc của đệ. Chỉ cần chúng ta tận sức tận lực, để lại ấn tượng chính trực, ngay thẳng cho Lâm Tri hầu là được.
— Ăn cây nào rào cây đấy, cũng là thỏa đáng! Tiểu đệ theo Lâm Tri hầu đương nhiên sẽ dốc sức phò tá hầu gia, còn huynh trưởng?
— Ta? - Tư Mã Ý cười, - Ta vẫn giúp Ngũ quan tướng.
Tư Mã Phu ngờ vực không hiểu:
— Huynh trưởng giúp Tần, nhưng lại sai tiểu đệ giúp Sở, rốt cuộc là vì sao? Cuối cùng huynh vì Ngũ quan tướng hay Lâm Tri hầu?
— Đệ ngốc của ta! - Tư Mã Ý vỗ vỗ vai Tư Mã Phu, - Thời cuộc chưa rõ, tiền đồ chưa sáng, không thể chết chung một cây, ta cũng vì tiền đồ của Tư Mã thị thôi!
Trung thần chết oan
Quần thần đều biết Thôi Diễm mắc tội, nhưng không ai hiểu tình tiết sự việc. Hóa ra, họa này bắt đầu từ việc tuyển quan một năm trước, lúc đó Thôi Diễm tiến cử văn sĩ Cự Lộc là Dương Huấn vào làm quan trong mạc phủ, người này ngay thẳng nhưng tài cán không cao, lại kết nhiều ân oán từ khi tuyển quan, nên khó tránh được có nhiều lời dị nghị. Tháng trước, Tào Tháo được phong vương, Dương Huấn là người đầu tiên dâng tấu chúc mừng, có nhiều lời ca tụng, vì vậy bị kẻ khác nói là xiểm nịnh, khiến ông ta rất ấm ức. Dù sao là người cất nhắc Dương Huấn là Thôi Diễm cũng không thể coi nhẹ chuyện này, bèn tìm Dương Huấn để xem bản biểu tấu, phát hiện tuy có mấy lời lẽ tốt đẹp nhưng đều hợp tình hợp lý, cũng không có chuyện gì to tát, nên mới viết cho ông ta một bức thư an ủi trên khăn lụa.
Đây vốn là chuyện bình thường, nhưng lại có người bên trong giở trò. Đinh Nghi hận Thôi Diễm, Mao Giới đã lâu, lại muốn giúp Tào Thực loại bỏ được tảng đá ngáng chân. Hà Quỳ nhận chức Đông tào duyện đã có lời can gián Tào Tháo, được Tào Tháo nghe theo, chuyện tuyển chọn quan lại sau này không cần phải làm theo cách của Thôi Diễm và Mao Giới nữa. Đinh Nghi nhận thấy đây là cơ hội tốt, nên đã câu kết với Hiệu sự, nghĩ trăm phương ngàn kế để xử hai lão thần này.
Chuyện này kể cũng ly kì, sau khi nhận được thư của Thôi Diễm, Dương Huấn cảm thấy được an ủi phần nào, bèn bỏ thư sang một bên. Khăn lụa không là gì đối với các quan viên, nhưng với đám nô bộc, nó rất quý giá, thông thường những chiếc khăn trong nha môn không dùng đến nữa đều được họ lấy đi sử dụng. Tư gia Dương Huấn có một nô bộc, lấy được chiếc khăn này đã không giặt đi mà đem làm khăn chít đầu. Người này đi làm việc, đi trên đường phố Nghiệp Thành, trên đầu hiện rõ hai chữ “Thôi Diễm” màu đen nên bị Hiệu sự bắt lại để kiểm tra, vội vàng giật lấy chiếc khăn mang đi nộp, thế là bức thư rơi vào tay của Đinh Nghi. Đinh Nghi thắp đèn soi từng câu từng chữ, chỗ nào có vấn đề đều khoanh lại rồi trình lên Tào Tháo. Tào Tháo xem xong thì nổi trận lôi đình, hạ lệnh nhốt Thôi Diễm vào ngục.
Quần thần không hiểu đầu đuôi nên hỏi dò tin tức, cuối cùng cũng biết được đôi chút nguyên do. Hóa ra là trong thư của Thôi Diễm có một câu động chạm đến Tào Tháo như sau: “Tỉnh biểu, sự giai nhĩ! Thời hồ thời hồ, hội đương hữu biến thời.” Câu này được hiểu theo nhiều nghĩa. Có thể hiểu là an ủi Dương Huấn: “Ta đã đọc biểu tấu của ngươi, thấy rất hay! Ngày rộng tháng dài, những lời bàn tán của chúng nhân sẽ rơi vào quên lãng.” Nhưng cũng có thể coi câu này là lời nhận xét tình hình thời cuộc: “Ta đã đọc biểu tấu của ngươi, thấy thời thế vẫn khá tốt! Ngày rộng tháng dài, cục diện của triều đình ắt sẽ thay đổi.” Đương nhiên, cũng có thể coi đây là cách nói ám chỉ Tào Tháo: “Ta đã xem biểu tấu của ngươi, cảm thấy không tồi! Ngày rộng tháng dài, họ Tào kia cũng sẽ thay đổi thôi.” Ý nói chẳng bao lâu nữa Tào Tháo sẽ soán ngồi nhà Hán để xưng đế.
Tất nhiên, Tào Tháo hiểu theo cách cuối cùng nên mới cảm thấy phẫn nộ. Ông đã biến chuyện nhỏ của Thôi Diễm trở thành tội lớn, quần thần vào can gián đều bị từ chối hết, không nói rõ nội dung bức thư động chạm điều gì. Thôi Diễm bị giam trong ngục hai ngày, sau đó bị đưa đến Tả hiệu thự làm khổ sai. Các quan ai cũng có lòng tốt, hơn nữa còn có nhiều người do ông ta cất nhắc, lũ lượt kéo nhau đi thăm hỏi vị đồng liêu bị oan, hôm nay mang y phục, ngày mai lại mang cơm nước, Tả hiệu thự cũng không dám làm khó vị đại quan này, Thôi Diễm coi như không phải chịu uất ức.
Chuyện đã qua coi như xong, mọi người đến thăm đều nghĩ rằng Lưu Trinh từng chịu khổ sai ở đây sau lại được phục chức, vậy thì Thôi Diễm chắc cũng không sao, chỉ cần đợi Đại vương nguôi giận là được. Nhưng nào ngờ sau bảy ngày, Tào Tháo đột nhiên triệu tập triều hội, lật lại chuyện này…
Vì chuyện này mà Tào Tháo phải thiết triều ở điện Văn Xương trang nghiêm, rộng lớn thuộc Tây cung, ông ngồi trên vương vị, mặt lạnh như băng, tức giận nói hơn nửa canh giờ. Ngoài Viên Hoán bệnh nặng không đến, tất cả quan viên trong triều đều có mặt, ngay cả huynh đệ Tào Phi, Tào Chương, Tào Thực, Tào Bưu cũng đến dự, mọi người ai nấy đều cúi đầu im lặng, nghe Tào Tháo hùng hổ giáo huấn.
— Từ khi thiên hạ hỗn loạn, tam cương ngũ thường(*) cũng mất, kẻ dưới công kích người trên, kiêu căng ngạo mạn, càng làm cho mọi thứ hỗn loạn thêm. Khi xưa Hiếu Chương hoàng đế triệu tập các học sĩ bàn luận học thuật, đã soạn ra cuốn Bạch hổ thông làm chuẩn mực về tam cương ngũ thường của thế gian, có câu “quân vi thần cương(*)” đến nay vẫn không thể thay thế… Ta dọc ngang nửa đời người, quần thần tướng lĩnh không ai là không do ta tự tay cất nhắc. Có kẻ theo ta từ đầu, có người quy hàng, có kẻ được tiến cử, ta đều tin dùng cho hưởng phú quý, nay người được làm quan, kẻ được làm tướng, chẳng lẽ lại phụ sự hậu đãi của ta? Buông lời gièm pha, ngỗ nghịch ngang ngạnh, vong ân bội nghĩa… Xưa, Chủ Phụ Yển kiêu ngạo vì lập được công, vơ vét tài sản, Hiếu Vũ Đế đã chu di tam tộc; Hàn Hâm coi trời bằng vung, hủy hoại triều chính, cũng bị Quang Vũ Đế chặt đầu. Gần đây có Thiếu phủ Khổng Dung, Nghị lang Triệu Ngạn ăn nói xằng bậy bị xử tội, còn chưa đủ sức răn đe sao? Những kẻ buông lời phỉ báng tất sẽ khó có được kết cục tốt đẹp!…
Tào Tháo khẩu khí đanh thép, dù đã là vua của thiên hạ, nhưng những lời nói liên quan đến lễ pháp trung quân được thốt ra từ miệng ông vẫn có vẻ khập khiễng. Một người khi quân phạm thượng, giẫm đạp lên tam cương ngũ thường như ông lại có ngày đột nhiên hồi tâm chuyển ý nói những lời này, liệu ai có thể tiếp nhận? Có lẽ bi kịch của cuộc đời Tào Tháo chính là ở đây.
Quần thần đều hiểu cả bài lý lẽ dài dằng dặc này vì đâu mà có, chỉ biết cúi đầu nghe trách tội, không dám thở mạnh, đợi đến khi Tào Tháo nói xong, trên đại điện ngay cả tiếng ho cũng không có, tiết trời vừa nóng vừa khô, ai cũng đầm đìa mồ hôi. Lúc lâu sau, Thượng thư Mao Giới cầm hốt(*) bước ra khỏi hàng:
— Lời của đại vương thần xin khắc cốt ghi tâm, nhưng chuyện của Thôi Quý Khuê…
— Có phải ngươi định cầu xin cho ông ta?
Mao Giới nuốt nước bọt, nói tiếp:
— Thần không dám cầu xin, nhưng Thôi Quý Khuê là trung thần thanh minh liêm khiết, học vấn uyên thâm, thẳng thắn, trung thực, tài đức song toàn, lần này vì phát ngôn mà mắc tội nhưng là do vô ý, mong đại vương khoan dung, sớm phục chức cho ông ta.
— Ha ha ha!… Tào Tháo cười nhạt, - Phục chức là điều không thể. Không giấu gì các ngươi, giờ này Hiệu sự đã qua Tả hiệu thự, truyền lệnh xử tử ông ta rồi!
— Hả!… - Các quần thần kinh hãi, không tin vào tai mình.
Mao Giới mặt mũi tối sầm mắt lại, thẻ hốt rơi khỏi tay, ngã khuỵu xuống đất nhưng vẫn cố đứng dậy:
— Đại vương khai ân!
— Đại vương khai ân!… Đại vương khai ân!… - Liệt khanh Vương Tu, Quốc Uyên, trung đài Lương Mậu, Hà Quỳ, Nghị lang Tân Tỵ, Tư Mã Ý cùng bốn vị công tử cũng bước ra khỏi hàng quỳ xuống.
— Muộn rồi! - Tào Tháo phất tay áo, ánh mắt hiện lên vẻ đắc ý.
Mao Giới run rẩy nói:
— Thôi công cớ sao lại bị xử tội chết?
Tào Tháo nhắm hờ mắt, nói:
— Lời lẽ trong thư quá ngỗ nghịch. Sinh con gái thôi… sinh con gái thôi… - Bảy ngày nay, chữ “thôi” cứ quanh quẩn trong đầu ông, không chỉ có Thôi Diễm viết chữ này mà mười sáu năm trước, chiếu thư trong đai ngọc cũng nói “Giết tên nghịch thần ngông cuồng này thôi”, chữ “thôi” ở cuối câu ngân mãi, tựa như tiếng máu chảy, nay Thôi Diễm cũng viết giống như vậy. Tào Tháo mở mắt, không dám nghĩ tiếp, tất nhiên ông không thể nói ra những lời này, chỉ chậm rãi nói:
— Chữ “thôi” vẫn là một từ không may mắn, trong nhân gian sinh con trai sẽ được tặng ngọc, còn sinh con gái nếu có ai hỏi đến, chỉ dám đáp rằng “sinh con gái thôi”, Thôi Diễm hẳn là đang nguyền rủa ta!
Quần thần đều mơ hồ, sao lại lôi cả chuyện sinh con trai con gái ra? Tào Tháo lại nói:
— Tên họ Thôi này cậy mình là danh gia vọng tộc phương bắc mà ngạo mạn, ta vốn chỉ định làm giảm uy phong của ông ta. Nào ngờ ông ta không biết hối cải, mấy ngày nay ta bí mật sai người nhiều lần đến Tả hiệu thự quan sát, nhưng ông ta vẫn án nói ngang ngược, cố chấp làm theo ý mình. Còn các ngươi nữa!
— Dạ… - Quần thần đều sợ hãi.
— Các ngươi ngày ngày đến chỗ ông ta, nói giúp cho ông ta, nghe ông ta than phiền, có còn coi ta ra gì? Các ngươi cho rằng ta là ai? Ta là đại vương của các ngươi! - Tào Tháo đập ngự án ầm ầm. Quần thần trong lòng hối hận, vốn muốn đến chăm sóc Thôi Diễm, nay lại thành hại chết người ta.
— Nghe cho rõ đây! - Tào Tháo đứng dậy, vai trái vẫn đang run rẩy, - Chuyện của Thôi Diễm sau này chớ nhắc đến nữa, ai còn dám nói gì thì sẽ xử cùng tội với hắn, bãi triều!…
Quần thần rơi vào thế khó xử, người sợ hãi, kẻ đau buồn, người mừng thầm, tất cả từ từ đứng hết lên. Huynh đệ Tào Phi sợ hãi không dám ngẩng đầu lên, vịn vào tường định đi ra ngoài.
Tào Tháo liếc nhìn:
— Bốn người các ngươi đứng lại cho ta!
Bốn huynh đệ khựng lại, rón rén quỳ thành hàng.
Tào Tháo nghiêm giọng nói với Tào Thực:
— Họ Thôi có quan hệ thông gia với con, nay đã bị xử tội, sau này ít qua lại với họ! Con phải chuyên tâm đọc sách rèn tài, sau này còn có chuyện để kẻ khác hiến kế qua mắt ta, ta tuyệt đối sẽ không bỏ qua!
— Vâng. - Tào Thực ủ rũ khấu đầu.
— Còn con! - Tào Tháo đưa mắt sang nhìn Tào Phi, - Tên họ Thôi bảo vệ con đúng không? Phải nhớ không được dựa dẫm kẻ khác, nếu còn dám kéo bè kết cánh, cẩn thận ta phế chức quan của con. Nghe nói Tư Mã Ý dạo này thường xuyên qua lại với con, bảo hắn hãy liệu hồn. Ta đã giết tên họ Thôi ở Thanh Hà, thì có giết thêm họ Tư Mã huyện Ôn cũng không sao!
Tào Phi không dám nói gì, chỉ khấu đầu im lặng.
— Còn Tử Văn, được phong hầu vẫn chưa thỏa mãn sao? Cẩn thận ta lột da đấy!
— Vâng. - Tào Chương đáp giọng hững hờ, cứ cách vài ngày lại bị phụ thân dạy bảo một lần, y đã quen rồi.
— Còn con! - Tào Tháo chỉ tay vào mặt Tào Bưu, - Đừng tưởng ta không biết con nghĩ gì, ta mắng bọn chúng, con vui mừng lắm hả? Rồi sẽ có lúc phải khóc đấy!
— Nhi tử không dám, không dám… - Tào Bưu sợ hãi, dập đầu liên tục.
— Toàn là một lũ không ra gì, cút hết cho ta! - Tào Tháo quát mắng khản cổ, ngồi bệt xuống đất thở hổn hển. Sao vậy? Rốt cuộc làm sao vậy? Tháng Tư xưng vương, tháng Năm đã có nhật thực! Ông trời không chịu cho mưa, dân chúng bàn tán, thêu dệt, không diệt được Tôn Quyền, Lưu Bị, bệnh cũng không khỏi, con cái tranh giành, đại thần không nghe lời! Trời giận người oán, chẳng có chuyện nào suôn sẻ! Trong lòng Tháo bỗng cảm thấy bất an…
Quần thần thở dài bước ra khỏi Ngụy cung, ai nấy cũng đều cảm thấy rùng mình. Tào Tháo không chỉ giết Thôi Diễm mà còn có ý giết gà dọa khỉ, hôm nay Tào Tháo đã xưng vương, họ không thể tùy tiện thân thiết như trước, cũng không thể thẳng thắn như trước nữa. Thiên hạ rối loạn đã hơn ba mươi năm nay, từ nay về sau họ sẽ trải qua những ngày chơi với vua như chơi với hổ.
Lúc này, người đau buồn nhất phải là Mao Giới, ông ta cùng Thôi Diễm giữ chức tuyển quan đã mười năm trời, có phúc cùng hưởng có họa cùng chịu, nay phải khoanh tay đứng nhìn vị bằng hữu già bị giết, chỉ biết ngậm ngùi ngửa mặt nhìn bầu trời nóng như thiêu như đốt.
— Đi mau! Chậm chạp lề mề, định làm gì? - Tiếng chửi mắng, đánh đập từ đâu vọng lại.
Quần thần quay ra nhìn, thấy Lưu Từ cùng đám binh lính đang giải một đám phạm nhân đầu óc rối bù, mặt mũi sợ hãi đi về phía cửa đông, đây đều là những tội nhân tung tin thất thiệt, bị Huyện lệnh bắt được trong gần hai tháng nay. Tào Tháo hận lũ người này dám nói trời giáng tai họa xuống, mà Dương Bái lại là một viên khốc lại hà khắc, những tội nhân này không chỉ bị xử tử mà vợ con cũng bị bắt làm nô tì cho các phủ quan. Đám phạm nhân rách rưới đeo gông cùm bị giải đi trên đường, người nào cũng bị ăn những trận đòn roi của binh lính dẫn giải, cái nóng như thiêu đốt càng làm họ đau đớn, tiếng khóc than không ngớt.
Mao Giới nhìn đám phạm nhân lại nghĩ đến Thôi Diễm vô tội mà bị giết sáng nay, trong lòng đau đớn vô cùng, chỉ tay về phía đám phạm nhân mà than rằng:
— Chính sự hà khắc như hổ dữ, trời không cho mưa cũng chính vì cách làm này! - Tiếng ai oán của ông ta nghe rất rõ, các đại thần ai cũng lắc đầu cảm thán. Nhưng trong đám quần thần ấy, Tây tào duyện Đinh Nghi hai mắt sáng lên, khẽ nở một cười xảo trá…
Trong khi quần thần đang than vãn, Triệu Đạt, Lư Hồng cũng phụng lệnh đến bãi đá:
— Thôi công, ngài còn không hiểu tâm ý của đại vương sao? Ngài đường đường là danh gia vọng tộc họ Thôi ở Thanh Hà, sao lại mặt dày như vậy, bọn ta biết làm thế nào với ngài?
— Hừ! - Thôi Diễm tuy phải đeo xích, mặc quần áo phạm nhân nhưng râu hùm mắt hổ, uy phong lẫm liệt, - Bọn tiểu nhân các ngươi có xứng động vào lão phu? Hãm hại trung lương, món nợ máu này sớm muộn cũng phải trả, sẽ có ngày các ngươi không được chết yên lành!
— Hay, hay, hay lắm. - Triệu Đạt cười khẩy, - Không cần ngài phải bận tâm xem ta chết có được yên hay không, nhưng chuyện của ngài phải làm thế nào đây?
— Ta phải gặp chúa công! - Thôi Diễm thét lớn, giằng vòng xích như lên cơn điên loạn, - Thôi mỗ trung thành với xã tắc, chưa bao giờ tư lợi việc gì, sao lại làm nhục ta như vậy? Ta mắc tội gì, rốt cuộc là mắc tội gì?
Thôi Diễm giận dữ bổ nhào về phía Lư Hồng, hai tên lính đứng bên cạnh không kịp lôi lại.
Lư Hồng làm việc này đã mười mấy năm, nhưng vẫn chưa bao giờ gặp người ngang ngược như vậy, bị dọa đến nỗi mặt mày xanh lét:
— Ngài… ngài chớ có nổi điên với ta!
— Thôi, ngài nghỉ ngơi đi. - Triệu Đạt cười nhạt, - Chúa công dặn bọn ta đưa cho ngài một thứ, ngài nhìn thấy sẽ hiểu ngay. - Nói xong rút một thanh bội kiếm trong tay binh sĩ đứng phía sau.
Thanh kiếm xanh biếc, dưới ánh mặt trời chói chang lại càng sáng rực - Thôi Diễm nhận ra đó là Thanh Cang kiếm, Tào Tháo muốn chấn uy sẽ dùng Ỷ Thiên kiếm, muốn giết người sẽ dùng Thanh Cang kiếm!
— Muốn ta chết ư?… - Thôi Diễm lặng người đi.
Triệu Đạt cười nói:
— Nói thật với ngài, nếu ngài sớm biết hối cải thì đã không có ngày hôm nay. Nhưng ngài cứ thích vất vả, ngày ngày vênh mặt, hất hàm sai khiến, vuốt râu trừng mắt, đại vương không giết ngài thì để làm gì? Hơn nữa còn bao nhiêu vị đại nhân ngày nào cũng đến thăm, họ cứ nghĩ thế là tốt cho ngài, thực ra chính là hại ngài.
Thôi Diễm chăm chú nhìn Thanh Cang kiếm, đột nhiên ngửa mặt lên trời cười lớn:
— Ha ha ha!… Bản tính của Thôi mỗ chính là như vậy, chuyện đúng sai, công bằng đều ở trong tâm. Ngọc có thể vỡ, nhưng không thể hủy được bản chất; trúc có thể đốt, nhưng không thể phá được tiết tháo. Đại trượng phu đức hạnh không rời, chí hướng không đổi, thân này có chết nhưng tiếng thơm Lưu danh thiên sử. Chết có gì đáng sợ! Còn như Tào Mạnh Đức, ắt sẽ bị đời sau chửi rủa, ha ha ha!… - Tiếng cười man dại của Thôi Diễm vang lên không trung, khiến ai cũng sợ hãi.
— Vậy thì tốt, ngài đã hiểu rồi, bọn ta cũng không phải mất thời gian. - Triệu Đạt thở phào, đưa kiếm cho Thôi Diễm, - Ngài tự xử đi. - Tào Tháo không dám để đao phủ giết danh sĩ, mà dặn dò phải ép Thôi Diễm tự xử.
Thôi Diễm giơ tay đón kiếm, sắc mặt bỗng trở nên u buồn, thở dài:
— Thôi Diễm ơi Thôi Diễm, ngươi cả đời cương trực, nay lại chết như vậy. Đáng tiếc… đáng tiếc…
Triệu Đạt thấy Thôi Diễm mãi không động tay, thúc giục:
— Ngài nhanh lên, còn tiếc nuối gì nữa?
— Tiếc gì sao? - Thôi Diễm cầm kiếm trong tay, hai mắt trợn trừng, - Đáng tiếc cho tấm lòng của ta, cho tài văn, tài võ của ta, không thể giết hết được đám gian thần như các ngươi!
Nói xong giương kiếm đâm hắn một nhát.
— Mẹ ơi!… - Triệu Đạt không ngờ Thôi Diễm lại manh động như vậy, ba chân bốn cẳng bỏ chạy, nhưng do chạy chậm nên vẫn bị đâm một nhát vào mông.
Quân binh lập tức hỗn loạn, ai cũng cầm đao kiếm xông lên. Thôi Diễm lại nói:
— Thanh kiếm này dùng để giết gian thần xu nịnh, giết quân phản nghịch, há có thể giết kẻ có đức như ta, trả cho ngươi đấy! - Đoạn ném thẳng về phía Lư Hồng. May mà hắn chạy kịp, nhưng cũng bị chém bay mất vành tai, máu chảy ròng ròng.
Triệu Đạt ôm mông, Lư Hồng ôm đầu, bọn chúng sợ tè cả ra quần, trốn sau binh lính hô lạc cả giọng:
— Giết… giết!… Mau giết lão ta!
— Không phiền các ngươi! - Thôi Diễm thét lớn, đẩy đám binh lính ra, lấy hết bình sinh đập đầu vào tảng đá.
Trong nháy mắt máu tươi phọt ra, dần dần nhuộm đỏ khoảnh đất.
Án của Mao Giới
Thôi Diễm trung thành phò tá Tào Tháo hơn mười năm, cúc cung tận tụy, thẳng thắn trung thực, cuối cùng bị ép đến mức phải tự sát, văn võ bá quan nước Ngụy đều cảm thấy vô cùng sợ hãi. Trong lúc mọi người vẫn đang đau buồn thương tiếc, lại xảy ra một vụ đại án kinh thiên động địa - có người tố cáo Thượng thư Mao Giới phỉ báng triều đình, chửi rủa đại vương. Tào Tháo lại nổi trận lôi đình, đem nhốt Mao Giới vào ngục, lệnh cho Đại lý tự nhanh chóng điều tra. Quần thần sau khi đã nhận được lời giáo huấn, không ai dám tùy tiện đến cầu xin cho ông ta, cũng vì sợ lòng tốt lại làm hỏng việc, nên không một ai dám đi hỏi han, chỉ âm thầm theo dõi việc thẩm tra xử lý vụ án.
Điểm khác biệt lớn nhất của Đại lý tự so với các nha môn khác đó là “càng ít việc càng tốt”, thường thì hình ngục đều do các quận huyện xử lý, trừ phi có vụ án nào kinh động thiên triều, quan đại lý mới ra tay. Chung Do đã giữ chức này được hơn ba năm, ngoài vụ làm phản của Nghiêm Tài lần trước thì ông ta cũng chưa phải đích thân xét hỏi thêm vụ nào. Hơn nữa, từ khi Tào Tháo tấn phong chư hầu vương đến nay, sớm đã ngầm định Chung Do giữ chức Tướng quốc nước Ngụy, tử tôn họ Tuân đã chết hết, lúc này dù xét về xuất thân, kinh nghiệm hay tài đức đều không ai sánh bằng ông ta, đảm nhiệm chức Tể tướng cũng là sự kỳ vọng của mọi người. Ngụy Vương là Tể tướng của nhà Hán, Chung Do là Tể tướng của nước Ngụy, một nước có những hai Tể tướng, vinh dự biết bao! Ấy nhưng chiếu thư bổ nhiệm sắp đến thì lại gặp phải vụ án nan giải.
Ngày xét thẩm trời nắng rực rỡ, ngoài sân còn náo nhiệt hơn bên trong, người dưới công đường còn đông hơn trên công đường, đoàn người đông đúc xếp hàng từ ngoài đường vào, thì thầm to nhỏ, bàn tán xôn xao.
Trống điểm ba tiếng, binh lính nha dịch đứng ngay ngắn hai bên, quan đại lý Chung Do chậm rãi bước lên công đường. Phía tây công đường có ba tả quan bồi thẩm là Đại lý chính, Đại lý giám và Đại lý bình. Phía đông công đường còn có Thượng thư bộc xạ Lương Mậu, Tây tào duyện Đinh Nghi, Kỵ đô úy Khổng Quế đang ngồi, ba người này nhận lệnh của Tào Tháo đến giám sát. Chung Do tay đặt lên án, nhìn khắp trên dưới công đường mà lòng dạ rối bời, nhắm hai mắt lại, hít thật sâu, sau đó mới đập bàn, thét lớn:
— Yên lặng!
Mọi người ai cũng nể sợ Chung Do, trong công đường lập tức im lặng, nhưng im lặng còn căng thẳng hơn cả huyên náo, chúng nhân đều mở to mắt nhìn Chung Do. Ông đưa tay vuốt râu, định thần quan sát xung quanh - Lương Mậu hai mắt nhìn xuống, vẻ mặt rất bi ai; Khổng Quế liếc ngang nhìn dọc, chắc là đến xem ồn ào; Đinh Nghi bình tĩnh cười mỉm, có vẻ rất đắc ý.
Mặc dù Tào Tháo không nói, nhưng Chung Do sớm đã biết người hãm hại Mao Giới chính là Đinh Nghi, họa này bắt nguồn từ câu than “Trời không cho mưa, cũng chính vì cách làm này!” mà Mao Giới đã nói khi nhìn thấy đám phạm nhân hôm ấy. Chuyện thiên tai, hạn hán đã khiến Tào Tháo lo nghĩ, đúng lúc này Mao Giới lại vô tình thốt ra câu đó, có khác nào chọc vào tổ kiến lửa? Nhưng chỉ vì câu nói này mà phải tống giam xử tội sao? Hẳn là Đinh Nghi đã thêm mắm dặm muối, buông lời gièm pha, Khổng Quế thì gió chiều nào xoay chiều ấy, cũng chẳng giúp được gì.
Chung Do suy xét hồi lâu, Đại lý chính Tư Mã Chi ở bên cạnh nói:
— Khải bẩm đại nhân, vụ án này liên quan đến đại quan giữ chức Thượng thư, hơn nữa lại có lời nhạo báng, liên quan đến thể diện của vương quyền, hạ quan nghĩ nên cho những người dưới công đường ra ngoài, đóng cửa thẩm vấn. - Tư Mã Chi là người họ Tư Mã ở Hà Nội, có họ hàng với huynh đệ Tư Mã Ý, năm ngoái vừa được điều đến Đại lý tự, ông ta làm quan chính trực, nghiêm minh nên được Chung Do coi trọng. Những lời này đều được Đại lý giám và Đại lý bình đồng tình.
— Rất tốt, rất hợp ý ta. - Chung Do lập tức xua tay, binh lính cầm trượng tiến lên, đưa hết những người đứng ở dưới công đường ra ngoài. Đây là nơi thực hiện vương pháp, bất kể người có thân phận thế nào cũng phải tuân lệnh, có mấy vị đồng liêu thân cận cũng phải ra về.
Mọi người đi hết, cửa lớn đóng lại, Chung Do cảm thấy tự tại hơn, cúi đầu xem kỹ hồ sơ vụ án. Kỹ thực vụ án này rất đơn giản, câu nói này chắc chắn thốt ra từ miệng Mao Giới, nhưng ngoài câu này ra liệu Đinh Nghi có gièm pha thêm câu nào không thì chẳng ai biết. Nếu lúc này Mao Giới nhận tội thì liệu có mất mạng như Thôi Diễm không? Luận về công trạng, Mao Giới là trung thần của trung đài, lại là nguyên thần của Tào cung, chỉ vì mấy lời oán than mà bị xử tội thì không công bằng; nếu luận tình riêng, Chung Do và Mao Giới kết thân tình đã lâu, hơn hai mươi năm làm đồng liêu, Mao Giới thẳng thắn, trung hiếu thế nào ông rất rõ, nếu không giúp đỡ thì không đành. Nhưng chuyện lần này lại không giống chuyện của Thôi Diễm, Đinh Nghi chỉ nghe được nên tố cáo, không có bằng chứng gì, đây cũng có thể coi là còn đường sống. Chung Do muốn tìm cách giúp Mao Giới, nhưng lại không muốn trái ý Tào Tháo, nên suy nghĩ rất cẩn trọng…
— Chung công! - Đinh Nghi đột nhiên phá vỡ sự im lặng, - Thăng đường đã lâu sao không thẩm tra? Đại vương đang chờ kết quả, không thể chậm trễ.
— Ồ. - Chung Do không dám kéo dài thời gian, truyền lệnh cho nha dịch, - Đưa phạm nhân lên!
Đinh Nghi đoán Chung Do có ý thiên vị, nheo mắt cười nói:
— Chung công, lúc phụ thân ta còn sống từng nói ngài là một vị quan tốt, chí công vô tư. Tiểu điệt lần đầu tiên được xem ngài xử án, nếu ngài cảm thấy không ổn thì đừng cố, để tiểu diệt nói với đại vương thay người khác…
Chung Do liếc nhìn Đinh Nghi, trong lòng chửi thầm: Tên nát rượu Đinh Xung, ở trên trời có linh thì mở to mắt xem ngươi dạy con thế nào!
Tiếng leng keng vang lên, Mao Giới đeo xiềng xích, bị bốn tên lính áp giải, lảo đảo bước lên công đường. Không nhìn thấy Mao Giới, Chung Do còn bình tĩnh, vừa nhìn thấy Mao Giới, tự nhiên ruột gan nóng như lửa đốt - Hôm qua còn là trung lương của xã tắc, hôm nay đã thành phạm nhân. Mao Hiếu Tiên đã hơn sáu mươi tuổi, đầu tóc bạc phơ, mặt mũi đầy nếp nhăn và lấm bẩn, hai con mắt đờ đẫn vô hồn dường như đã nản lòng thoái chí, tay chân đều đeo cùm, lưng còng bước thấp bước cao, khiến người khác không khỏi cảm thấy thương hại.
Thỏ chết cáo khóc thương, Chung Do xúc động lệnh cho binh lính:
— Tháo gông xiềng ra…
— Tạ ơn đại nhân… - Mao Giới thều thào, binh sĩ tháo gông xong, lại ấn Mao Giới quỳ xuống.
Chung Do không biết xử lý vụ án thế nào, nhưng Đinh Nghi ngồi bên cạnh luôn thúc giục, đành hỏi:
— Phạm quan Mao Giới đã biết tội chưa?
Mao Giới thẳng lưng, nói lớn:
— Tại hạ không biết mình phạm tội gì!
Người trong công đường đều nghĩ: Mao Hiếu Tiên cứng đầu, vậy là lại có một người thà chết không nhận tội.
Chung Do vừa mừng vừa lo, mừng là vì tâm tư của Mao Giới chưa chết, vẫn còn có thể hồi chuyển, còn lo là vì việc này sẽ khó giải quyết. Ông không nhẫn tâm ép cung, nhưng cũng không thể kết luận vô tội, bèn thuật lại sự việc:
— Mao Giới, có người đã bẩm báo mấy ngày trước ông có nói những lời bình luận, trong đó có những từ phỉ báng triều đình, có chuyện này không?
— Không nhớ. - Mao Giới rất thông minh: Nếu nói có tức là nhận tội, nói không có thì nếu bị nhân chứng xác thực sẽ chồng thêm tội. Tốt nhất là cứ trả lời mơ hồ.
Chung Do lại nói:
— Ông từng nói hình luật của đại vương hà khắc, không tha cho cả vợ con phạm nhân, cho nên trời mới cảnh cáo giáng nạn hạn hán, có lời lẽ như vậy không?
— Không nhớ.
— Có phải là ông có tư tình gì với những phạm nhân đó?
— Không quen những phạm nhân đó.
— Ông có biết nói những lời đó là có tội không?
— Không biết.
Sau khi hỏi ba câu này, Chung Do tin chắc rằng đầu óc Mao Giới vẫn rất tỉnh táo. Lúc này chẳng còn gì để hỏi, nếu nhất quyết không nhận tội sẽ phải dùng hình, nhưng Chung Do há có thể xuống tay với Mao Giới? Vì vậy cố ý hăm dọa:
— Ông là quan lớn của trung đài, sao lại không biết nói những lời này là có tội? Rõ ràng là giảo biện! - Nói xong vuốt râu, từ từ giải thích, - Các bậc thánh đế minh vương từ cổ chí kim, xử tội phạm nhân xử luôn cả vợ con là điều thường tình. Thượng thư có câu: “Tả bất công vu tả, nhữ bất cung mệnh; hữu bất công vu hữu, nhữ bất cung mệnh. Dụng mệnh, thưởng vu tổ; phất dụng mệnh, lục vu xã, dư tắc nô lục nhữ.”(*)
Ba quan của Đại lý tự ngạc nhiên: Thẩm tra vụ án sao lại lôi cả Thượng thư ra, Chung công có ý gì vậy?
Chung Do có tật những lúc căng thẳng thường không biết biểu đạt thế nào, thôi đã trót nói thì đành nói tiếp:
— Theo hình pháp thời thượng cổ, đàn ông phạm tội sẽ phạt làm nô lệ, phụ nữ bắt đi giã gạo, cắt cỏ. Theo vương pháp thời nhà Hán, vợ con của phạm nhân bị bắt làm nô tì, bị thích chữ vào mặt, luật này có từ thời xưa. Vì tổ tiên của những nô tì hiện nay có tội, nên mặc dù đã qua hàng trăm năm, nhưng vẫn có người phục dịch trong phủ quan, có vết thích chữ trên mặt, cớ sao lại vậy? - Chung Do tự hỏi tự trả lời, - Một là khoan dung với dân phu hiền lành, hai là dùng nhiều cách khác để trị tội… - Lúc này dường như không phải là thẩm tra nữa, mà là kể lể dài dòng những điều tâm đắc của Chung Do về luật pháp.
Tư Mã Chi ngồi ở mé đông trong lòng sốt ruột bèn giả vờ ho lên một tiếng.
Chung Do nghe thấy vội vàng quay lại chuyện chính:
— Nếu ngay cả chuyện thích chữ lên mặt cũng không làm trái ý thần linh, sao có thể dẫn đến hạn hán?
Mao Giới mấp máy môi chưa kịp mở lời, Chung Do đã đập bàn nói tiếp:
— Nếu xét đến ngũ hành theo thiên Hồng phạm, chính sự hà khắc thì trời lạnh giá, cho nên mưa dầm; chính sự lỏng lẻo thì trời nóng nực, cho nên khô hanh. Những lời phỉ báng của ông căn bản không đúng với ý nghĩa trong kinh sách, nếu như nói pháp chế của đại vương hà khắc thì trời phải mưa gió ngập lụt, nhưng lúc này chẳng phải đang hạn hán sao? - Lời này nói ra, Đinh Nghi cau có mặt mày. Hắn đoán thể nào Chung Do cũng bênh vực Mao Giới, do vậy mới xin làm giám sát, nhưng những lý luận bát nháo này cũng khiến Đinh Nghi mơ hồ. Chung Do không xét đến lời lẽ của Mao Giới, mà lại đào sâu những căn cứ kinh nghĩa trong lời phỉ báng đó, rốt cuộc có ý gì? Không chỉ có Đinh Nghi, mà ngay cả Lương Mậu, Khổng Quế cũng mơ hồ.
Chung Do lại nói tiếp giáo lý trong kinh sách, càng nói càng xa:
— Vua Thành Thang, Chu Tuyên đều là những bậc thánh quân, vậy mà trong thời gian trị vì, dân gian cũng từng gặp hạn hán. Từ khi chiến tranh xảy ra cho đến nay, hạn hán liên tục đã ba mươi năm, nhưng ông lại quy kết do hình phạt thích chữ vào mặt, ông nói xem thế có đúng không? Khi xưa nước Vệ đánh nước Hình, vừa xuất binh trời đã đổ mưa lớn, vẫn chưa kịp gây ra tội ác gì, sao ông trời đã giáng mưa xuống? - Hai câu hỏi này chẳng liên quan gì đến vụ án, cũng không giống như đang tra hỏi, mà đơn giản là điểm lại kinh nghĩa.
Ba quan Đại lý tự và đám người Lương Mậu hôm nay đúng là được mở mang đầu óc. E rằng từ thời Bàn Cổ khai thiên lập địa cho đến nay chưa từng có ai xử án như vậy. Thẩm án đều là người bên trên hỏi, người bên dưới trả lời, nhưng hôm nay thì hoàn toàn ngược lại, Chung Do ở trên lý luận một tràng, phạm nhân ở dưới nghe đến mức hai mắt căng ra. Hỏi toàn thứ trong kinh sách thì Mao Giới biết trả lời thế nào?
Mao Giới không biết nói gì, chỉ im lặng nghe. Chung Do đã có chủ ý, chuyển chủ đề rất nhanh:
— Những lời phỉ báng của ông nay đã Lưu truyền trong dân gian, đại vương nghe thấy rất phẫn nộ. Ông không thể tự nói một mình, lúc nhìn thấy đám phạm nhân bị thích chữ vào mặt, ngoài ông ra còn có ai? Ông đã nói với ai? Người đó trả lời ra sao? Đó là vào ngày nào? Ở đâu? - Ông ta tuôn một tràng dài, hoàn toàn không để cho Mao Giới có cơ hội trả lời. Sau khi hỏi xong, Chung Do đập bàn, - Ông nghe cho rõ! Người tố cáo ông đã làm chứng, đại vương đang nghi ngờ, ông liệu mà nghĩ cho kỹ… phải khai cho thành thật. - Nói xong câu này, Chung Do nhìn chằm chằm vào mắt Mao Giới.
Người khác không hiểu, nhưng Tư Mã Chi vừa nghe đã hiểu, liếc nhìn Đinh Nghi còn đang mơ hồ, trong lòng cười thầm: Chung công thật lợi hại! Dùng “mê hồn trận”, khiến kẻ khác không bắt kịp suy nghĩ.
Cả công đường im lặng, Mao Giới cúi đầu suy nghĩ: Chung Nguyên Thường rốt cuộc có ý gì? Ông ấy hỏi ta hôm đó có ai khác, đã nói gì, nhưng lại không cho ta trả lời ngay? Trừ phi… trừ phi ám chỉ ta không được nhận tội, mà phải lôi người tố cáo ra? Đúng rồi, ta ở trong ngục không biết người tố cáo là ai, nhưng kẻ này chắc chắn đã thêm thắt, gièm pha ta, nếu ta nhận tội, vô hình chung đã thừa nhận tất cả; nếu ta không nhận tội, kéo những kẻ có mặt ngày hôm đó ra làm chứng, chỉ sợ liên quan đến nhiều người sẽ càng khó làm rõ. Chung Nguyên Thường ám chỉ ta nên lôi người tố cáo ra, tố tội hắn vu cáo người khác, như vậy sẽ có cơ hội lật lại vụ án…
Nghĩ đến đây, Mao Giới bỗng thấy tinh thần phấn chấn, giọng điệu trở nên mạnh mẽ:
— Tại hạ nghe Tiêu Vọng Chi chết là do Thạch Hiển hãm hại; Giả Nghị bị giáng chức là do Chu Bột, Quán Anh gièm pha; Bạch Khởi vì lời nói của Phạm Thư mà phải cầm kiếm tự sát; Triều Thác vì Viên Áng gài mưu mà bị xử trảm ở ngoài chợ; Ngũ Tử Tư bị Bá Hi vu hại mà chết ở đất Ngô. Những trung lương này đều chết do bị kẻ khác đố kỵ hãm hại… - Nói đến đây, Mao Giới cảm thấy khổ tâm, ông cúc cung tận tụy, trung thành với Tào Tháo hai mươi năm, nay lại phải vào hình ngục há không đau xót cho được? Nước mắt lưng tròng, cắn răng nói tiếp, - Ngay từ khi còn trẻ, tại hạ đã phụ trách việc văn thư, tấu sớ của mạc phủ, nhờ cần cù chăm chỉ mà được chọn làm quan. Việc công giao phó cho tại hạ, không có người quyền thế nào được bỏ qua; Việc oan khuất đến tai tại hạ, không oan tình nào không được điều tra. Chuyện hôm nay, chắc chắn có người gài bẫy, dùng những lời vu cáo để hãm hại tại hạ, khẩn cầu đại nhân đưa người tố cáo đó lên đây, tại hạ sẽ đối chất với hắn, nếu đúng là tại hạ có ý phỉ báng, tình nguyện bị xử, còn nếu không… - Mao Giới đột nhiên gằn giọng, - Cũng không thể bỏ qua tội vu cáo này!
Chung Do thở phào nhẹ nhõm: Nói hay lắm, không phụ ý tốt của ta!
Đinh Nghi giật mình kinh hãi. Thực sự mà nói, Mao Giới đúng là đã nói câu “Trời không cho mưa, cũng chính là vì cách làm này”, đây rõ ràng là lời than vãn, nhưng cũng chỉ có thế mà thôi; có điều hắn không chỉ kể với Tào Tháo có vậy, mà còn phóng đại thành lời chửi rủa. Nếu đối chất trên công đường, cả hai chỉ nói mồm mà không có chứng cứ, diễn biến cáo trạng thành hai bên chỉ trích nhau. Tiếng tăm của Mao Giới lớn hơn Đinh Nghi gấp bội, việc hắn hại chết Thôi Diễm khiến nhiều người phẫn nộ, nếu lại lôi ra chuyện này, chưa biết chừng có người sẽ nhảy ra giúp Mao Giới làm chứng, như vậy chẳng những không trừ bỏ được người ta mà còn làm hại mình! Đang lúc không biết làm thế nào, lại nghe tiếng Chung Do lạnh lùng nói:
— Việc đối chất này bản quan không thể làm chủ! Đợi ngày mai bẩm báo lên đại vương rồi quyết định. - Nói xong đập bàn, - Giải phạm nhân về ngục, bãi đường!
Vậy là vụ án được xử lý mơ hồ như vậy, ba quan của Đại lý tự thở phào nhẹ nhõm.
Chung Do tạm bỏ bộ mặt sắt, cười nói với ba vị quan giám sát:
— Lão phu đã gắng hết sức, việc đối chất xin ba vị về tấu lại với đại vương. Vì người tố cáo là ai, lão phu cũng không biết, chỉ e xử qua loa sẽ khiến mọi người bất phục!
— Có lý, có lý! - Lương Mậu không ủ rũ nữa, mà họa theo, - Phải đối chất trực tiếp để hỏi rõ ràng hơn.
Đinh Nghi thấy bọn họ kẻ xướng người họa, trong lòng bực tức, xem kỹ sổ bạ ghi chép của thư lại. Đinh Nghi ngờ rằng Chung Do đã xui Mao Giới khai như vậy, nhưng tìm mãi vẫn không ra sơ hở, trong lòng vô cùng tức tối. Lương Mậu vỗ vai:
— Đinh tây tào, đại vương đang đợi chúng ta về bẩm báo, còn không mau đi?
— Ây dà! - Đinh Nghi không can tâm rời đi.
Chung Do cố ý chọc tức hắn, vuốt râu cười nhạt:
— Hiền điệt, lão phu tra hỏi trên công đường thế nào?
Đinh Nghi thở dài, chắp tay nói:
— Bái phục, bái phục!
Chung Do về đến thư phòng, mồ hôi lạnh túa ra: Vụ án này thực quá nguy hiểm, quan thẩm án còn mệt hơn cả phạm nhân! Trước mắt coi như qua được cửa ải này, tiếp theo phải làm sao? Tào Tháo liệu có để Đinh Nghi và Mao Giới đối chất không? Đinh Nghi liệu có chịu lộ diện? Ông xem lại từ đầu đến cuối lời khai, tin chắc không tìm ra được sơ hở nào mới thở phào. Khẽ tựa vào thư án, Chung Do mải miết suy nghĩ đối sách, lão bộc tâm phúc đến bẩm báo:
— Đại nhân, Ngũ quan tướng sai Chu Thước đến cầu kiến.
— Sao? - Chung Do đoán chắc là chuyện liên quan đến Mao Giới, - Không gặp!
Lão bộc lại nói:
— Chu tiên sinh nói, đại nhân không gặp cũng không dám làm phiền, nhưng có một thứ nhất định phải đưa ngài xem. - Nói xong quay ra hành lang ôm vào một túi vải. - Chu tiên sinh còn nói, ông ấy đợi ở cửa sau, ngài xem xong nhất định sẽ gọi vào. - Lão bộc rất biết điều, nói xong liền lui ra bên ngoài.
Chung Do mở túi vải, nhìn thấy có một chiếc ngũ phủ đỉnh(*) làm bằng đồng xanh, vật này không lớn không nhỏ, giống đồ bày biện. Chung Do nhìn chiếc đỉnh, chợt nhớ đến câu nói của Lão Tử: “Trị đại quốc nhược phanh tiểu tiên,”(*) người đầu bếp phải biết chỉnh lửa, chỉnh vị sao cho khéo. Ngũ quan tướng có ý chúc mừng ta đảm nhiệm chức Tướng quốc, tặng vật này cũng rất ý nghĩa.
Tiếp đến, ông nhìn xuống phía dưới chiếc đỉnh còn có một cuốn sách, mở ra xem, vẫn là nét bút của Tào Phi, dùng chữ tiểu triện viết ngay ngắn thẳng hàng:
Khi xưa, Hoàng Đế có tam đỉnh, nhà Chu có cửu đỉnh(*), nhưng đều được đúc liền một khối để điều chỉnh một hương vị, nay đỉnh này có thể điều chỉnh được năm hương vị, chẳng phải rất tiện lợi sao? Dùng đỉnh nấu ăn, dâng lên thượng đế, nuôi dưỡng thánh hiền, tạo đức cầu phú, tốt đẹp biết bao. Cho nên, người làm được vật này chỉ có thể là bậc đức cao; cũng giống như chỉ có vật này mới hợp với người đức cao, mà chiếc đỉnh năm ngăn đây lại tốt hơn tất cả những chiếc đỉnh ba chân kia. Xưa, chỉ có bốn bề tôi là quan chủ sự nhà Chu, Khảo Phụ nhà Tống, Khổng Khôi nước Vệ, và Ngụy Khỏa nước Tấn, được khắc tên trên đỉnh đồng để ghi công đức. Nay, Chung đại nhân kính cẩn phụng sự Đại Ngụy, mở rộng giáo hóa ra khắp nơi. Đức cao vòi vọi ấy, chẳng ai sánh bằng. Đảng lẽ, quan thái thường nên làm một bài minh về ngài, khắc trên đồ tế khí. Nghĩ vậy, ta đã viết bài minh, và cho khắc trên miệng chiếc đỉnh này để ca ngợi công lao của ngài, đời đời không quên.
Chung Do thấy không nhắc đến chuyện của Mao Giới, nên cũng thấy thoải mái hơn, quan sát kỹ chiếc đỉnh - mặc dù không to nhưng chạm trổ hết sức tinh tế, chắc chắn phải do một người thợ tài hoa làm ra, ở trên còn viết mấy chữ có ý ca ngợi Chung Do là tấm gương của bách quan, và là trụ cột của vương triều.
Khi chạm tay vào từng đường nét trên chiếc đỉnh, Chung Do cảm thấy đôi chút băn khoăn. Nếu nhận thì có nghĩa là có quan hệ riêng tư với Ngũ quan tướng; mà nếu không nhận có nghĩa là gây hiềm khích với Ngũ quan tướng, rốt cuộc phải làm thế nào?
Chung Do đặt chiếc đỉnh xuống, cầm tín thư xem lại một lượt, từ đầu đến cuối đều là những lời chúc, chỉ có ý khen ngợi nhân đức công trạng của ông, không có lời lẽ nào lôi kéo. Chung Do cau mày suy nghĩ: Thôi Diễm đã chết rồi, nếu Mao Giới lại gặp họa, ai còn dám bảo vệ Tào Phi? Nhưng, chuyện này không chỉ dừng lại ở việc tranh ngôi đoạt vị nữa, hai vị lão thần lần lượt gặp nạn, nếu tính trước đây còn có cả Từ Dịch. Đinh Nghi một lúc kéo đổ cả ba người, chuyện gì cũng dám làm, thử hỏi có còn đạo lý tình người không? Quần thần phẫn nộ nhưng không dám nói ra, ta thân là Tướng quốc, nếu cũng không bảo vệ được các trung thần thì nói gì đến việc phò tá thiên tử, chủ sự triều chính? Tào Phi dù sao cũng là trưởng tử, vừa hợp với tông pháp lại không mắc tội lỗi gì, nên không thể từ chối. Hơn nữa, Đinh Nghi đã dám vu cáo làm hại Mao Giới, thì cũng không biết sau này có làm hại ta không? Hôm nay ta xét xử như vậy cũng có khác nào đã gây thù với hắn, nếu phải nhẫn nhịn hắn thì thà rằng…
Chung Do hai mắt sáng lên, không do dự nữa. Ông đặt chiếc đỉnh lên trên thư án, quay ra dặn dò lão nô bộc:
— Nói với Chu Thước, đỉnh này ta nhận, nhờ hắn chuyển lời tạ ơn đến Ngũ quan tướng.
— Rõ. - Lão nô bộc nhận lệnh.
— Khoan! Ngươi tiễn tên họ Chu này đi, rồi tìm Tư Mã đại nhân đến đây cho ta. - Nói xong Chung Do cất kỹ thư tín, tìm một chiếc khăn lụa trắng tinh, viết nhanh một bức thư, đợi mực khô liền nhét khăn vào túi gấm.
Vừa làm xong thì Tư Mã Chi cũng đến:
— Chung công có gì dặn dò?
Chung Do cười nói:
— Tử Hoa không cần đa lễ, theo ngươi vụ án của Mao Giới nên làm thế nào?
— Mặc dù có nói lời oán than, nhưng không nên xử tội. - Tư Mã Chi thẳng thắn, - Mao công phò tá đại vương hai mươi năm trời, một lòng trung thành lẽ nào lại nói lời phỉ báng? Chẳng qua là vì tức giận. Nửa năm nay trời giáng tai họa, binh lính nổi loạn, lòng người không yên, muốn bịt miệng dân còn khó hơn lấp sông ngăn bể, nếu ngay cả mấy câu than phiền cũng không được nói, xã tắc ắt tích thành họa lớn.
— Nói rất đúng, rất hợp ý ta! - Chung Do nhét túi gấm vào tay Tư Mã Chi, - Lão phu định cứu mạng Mao công, nhưng vì thẩm lý vụ này nên không thể ra mặt, hơn nữa hôm nay Đinh Nghi giám sát, hẳn cũng biết ta có nể tình riêng. Đây là mật thư, ngươi thay lão phu mời người khác đến giúp.
— Mời ai?
— Theo ta tính thì chỉ có một người có thể cứu được Mao công. - Chung Do cười bí hiểm, - Thị trung Hòa Hiệp.
Cố cứu lão thần
Từ thời Hiếu An Đế đến nay, vẫn không ngăn được việc hoạn quan can dự vào triều chính, Tào Tháo từng tận mắt chứng kiến sự tham ô, càn quấy của bọn Thập thường thị như Vương Phủ, Tào Tiết, Trình Hoàng, Kiển Thạc, cũng đã từng trải qua cuộc chính biến vây bắt hoạn quan, nên không có ấn tượng tốt đẹp gì với đám hoạn quan. Nhưng, đến khi Tào Tháo lên làm vua một nước, ông cảm thấy vẫn cần phải giữ chế độ hoạn quan. Bởi vì trong vương cung có nhiều thê thiếp, Tào Tháo lại ngày một già yếu, vạn nhất có vị phu nhân nào tặng cho “cái sừng” thì biết giấu mặt vào đâu? Thế là, Ngụy cung cũng bắt đầu dùng hoạn quan, nhưng chỉ cho làm nô bộc tạp dịch, bỏ chức Trung thường thị, chỉ để lại Tiểu hoàng môn, không được phép tham gia hộ vệ, sửa soạn văn thư để hạn chế thế lực của hoạn quan. Quan nội thị do sĩ nhân, hoạn quan cùng đảm nhiệm, cũng coi như khôi phục chế độ cũ thời Quang Vũ Đế trung hưng nhà Hán, nghĩ đến tổ phụ Tào Đằng của mình cũng là hoạn quan, nên Tào Tháo đã để cho họ con đường sống, cũng coi như để xứng đáng với tổ tông.
Cho đến lúc này, Tiểu hoàng môn được Tào Tháo sủng tín nhất là Nghiêm Tuấn, hắn tuy ít tuổi nhưng rất lanh lợi, lại là người Bái Quốc, nói giọng địa phương, không chỉ được Tào Tháo yêu quý mà các phu nhân hậu cung cũng rất quý mến, thường ban cho hoa quả ăn. Trong nội cung, khi gặp các quan lớn Nghiêm Tuấn thường tỏ ra là một đứa trẻ hay làm nũng, nhưng nếu gặp các quan có chức vụ nhỏ thì không tròn mắt nhìn họ nữa mà tỏ ra rất kiêu căng.
Nhưng hôm nay, Nghiêm Tuấn lén nhìn một vị đại thần rất nhiều lần, hắn đi trước dẫn đường, cứ hai bước lại quay lại nhìn, đúng là chưa bao giờ gặp ai xấu đến thế. Người này khoảng hơn năm mươi tuổi, mặt dài như trái dưa, trán rộng, mũi tẹt, mày trái cao, mày phải thấp, mắt tam giác, miệng rộng, râu ngắn, ngực dô ra phía trước lưng cong về phía sau. Chưa hết, Nghiêm Tuấn quay lại nhìn xem vị đại nhân này đi đứng thế nào - Chân vòng kiềng, bước đi hình chữ bát, đúng là chưa bao giờ trông thấy ai có dáng đi như vậy.
Nhưng y phục thì khác hoàn toàn với tướng mạo, áo quan làm từ gấm Minh Hoàng, đầu đội mũ điêu đương có gắn bạc và đuôi lông chồn ở bên trái, lưng thắt đai xanh, đây là trang phục của quan Thị trung bổng lộc hai nghìn thạch. Đi khắp thiên hạ, chắc chỉ có duy nhất một người vừa xấu lại vừa làm quan to như vậy, đó chính là Hòa Hiệp, tự Dương Sĩ.
Hiện nay, ngoài Khổng Quế ra thì đại thần được Tào Tháo yêu mến nhất chính là ba người Vương Xán, Đổng Tập và Hòa Hiệp, trong đó Hòa Hiệp chiếm được nhiều cảm tình nhất. Hòa Hiệp vốn là nhân sĩ Nhữ Nam, từng được đem ra bình phẩm trong “nguyệt đán bình.”(*) Ngay từ khi còn trẻ, Hòa Hiệp đã có tiếng tăm nhưng không ra làm quan. Hà Tiến, Viên Thiệu có ý chiêu mộ, Hòa Hiệp cũng không theo; thiên hạ loạn lạc, ông ta phải chạy đến Kinh Châu, nhưng cũng không ra giúp Lưu Bị, cho đến khi Tào Tháo bình định được Kinh Châu mới ban cho làm duyện thuộc. Tính ra trước khi làm quan cho Tào Tháo, ông ta cũng chưa làm quan bao giờ, vậy mà từ khi bắt đầu dốc sức cho Tào Tháo vào năm Kiến An thứ mười ba đến năm Kiến An thứ mười tám, nước Ngụy được lập, ông ta đã được bổ nhiệm làm Thị trung ngay trong lần đầu Ngụy quốc phong quan. Ông ta từ một kẻ áo vải chỉ mất có năm năm đã lên được chức Thường bá(*), trong cung Tào không có người thứ hai được như vậy! Vương Xán có tài văn chương nên được yêu mến, Đỗ Tập có lòng trung thành, chính trực nên được trọng dụng, nhưng Hòa Hiệp thì lại khác, mặc dù giữ chức Thị trung nhưng rất ít khi vào cung hầu vua, ngoài những buổi triều hội lớn ra thì rất ít khi lộ diện. Người trong triều đều biết Hòa Hiệp được Tào Tháo tín sủng, nhưng không rõ là Tào Tháo xem trọng điểm nào từ ông ta, hay xấu quá cũng là lợi thế?
Nghiêm Tuấn vừa trông thấy Hòa Hiệp đã cảm thấy buồn cười, nhưng không dám cười thành tiếng, chỉ he hé miệng dẫn ông ta vào ôn phòng. Trời nóng nên tất cả các cửa đều mở, trong điện chỉ treo một mảnh lụa mỏng để ngăn côn trùng, Hòa Hiệp nhìn vào trong thấy Tào Tháo mặc một bộ tiện y, ngồi sau bức rèm đánh cờ vây. Người đánh cờ cùng Tào Tháo khoảng ba mươi tuổi, dáng người cao ráo, cử chỉ cung kính, đó chính là Đinh Nghi; tất nhiên bên cạnh Tào Tháo không thể thiếu Khổng Quế, tay cầm quạt phe phẩy; ở góc điện vẫn còn một người nữa, nhưng chỉ nhìn thấy bóng, không rõ là ai.
Không cần hỏi cũng biết, Đinh Nghi sau khi giám sát buổi thẩm vấn đã quay lại bẩm báo Ngụy Vương, lúc này quân thần hai người đã bàn bạc xong, nhưng chắc đoán có người đến cầu xin nên cố ý bày ra cảnh này để từ chối can gián, phải làm thế nào đây? Hòa Hiệp đảo mắt, đột nhiên véo tai Nghiêm Tuấn:
— Tên tiểu tử này! Ngươi vừa cười cái gì?
— Dạ, không có! úi da, úi da!… - Nghiêm Tuấn bất thần bị véo, đau quá hét lên, - Xin ngài buông tay! Buông tay!
Tiếng ồn bên ngoài làm kinh động bên trong, Tào Tháo nhìn ra ngoài, cất giọng hỏi:
— Có phải Dương Sĩ không? Có chuyện gì vậy?
— Chính là vi thần. - Hòa Hiệp nói, nhưng vẫn không buông tay, - Khải bẩm đại vương, tên thái giám này cười nhạo tướng mạo của thần!
Nghiêm Tuấn the thé cãi lại:
— Tiểu nhân vẫn là nội thị của đại vương, ngài làm nhục tiểu nhân trước mặt mọi người… Vô lễ! Làm nhục tiểu nhân là làm nhục đại vương… Ái da, ái da! - Tên tiểu tử này thật biết ăn nói.
Khuôn mặt xấu xí của Hòa Hiệp giật giật mấy cái tựa như đang cười:
— Ngươi chưa từng nghe câu “Không biết vẻ đẹp của Vô Diệm(*) là bởi vô tâm” hả? Nhà ngươi chỉ là tên nội thị nhãi ranh, vậy mà dám nhìn tướng mạo để đánh giá người khác, đáng phải đánh!
Tào Tháo cười vui vẻ:
— Ngươi bằng đấy tuổi, sao lại chấp nhặt một tên tiểu tử?
— Đi mau! Đi mau! - Lúc này Hòa Hiệp mới buông tay, quay sang bẩm tấu, - Thần cho rằng những kẻ ít tuổi thế này cần phải được dạy bảo, từ bé đã nuông chiều dễ sinh ra vô lễ, trên thì đánh mất công đạo, dưới thì làm trái ý người, há chẳng phải sẽ khiến những bậc chính trực cảm thấy thất vọng?
Tay Đinh Nghi đang cầm quân cờ bất giác run lên - Câu này là nói ai?
Tào Tháo cười nói:
— Dương Sĩ đến đây vì vụ án của Mao Giới? Ta đã có chủ ý, chớ nhiều lời.
Hòa Hiệp cười nói:
— Thần đến vì chuyện của Hán Trung.
— Chuyện Hán Trung?
Hòa Hiệp vừa nói vừa bước vào trong điện:
— Chúa công tuy đã có được Hán Trung nhưng chưa lấy được đất Thục, gần đây nghe nói Trương Cáp dẫn quân vào quận Ba giao chiến với Trương Phi, sợ rằng khó thắng. Hán Trung gần địch mà xa ta, đại quân vừa mới rút về, lâu ngày sẽ thành thế địch tấn công, ta phòng thủ, cục diện này sẽ làm tiêu hao binh lực, chi bằng hãy để cho quân dân Hán Trung cùng dời về Quan Trung, tạm thời ngừng chuyện binh đao.
Tào Tháo suýt chút nữa thì cười thành tiếng: Nói như vậy chẳng phải là hai tay dâng Hán Trung cho Lưu Bị sao? Ông đoán là Hòa Hiệp không có chuyện gì mới cố ý tìm lời để nói, không thèm để ý đến, chỉ đáp:
— Để ta nghĩ thêm. - Rồi lại tiếp tục đánh cờ.
Hòa Hiệp trong lúc nói mới nhìn rõ, hóa ra người đứng trong góc điện là Hổ bôn trung lang tướng Hoàn Giai, nhìn thấy bộ mặt bất lực của ông ta, Hòa Hiệp đoán chắc là đến đây vì việc của Mao Giới, nhưng đã bị Tào Tháo cự tuyệt. Hòa Hiệp thầm nghĩ: Được lắm Hoàn Bá Tự, ai cũng biết ông theo Tào Phi, lúc này các quan đều cúi đầu ngậm miệng, riêng ông lại không tránh hiềm nghi, vẫn xuất đầu lộ diện, đúng là anh hùng!
Hòa Hiệp trong lòng nghĩ vậy nhưng không tỏ ra mặt, nếu để Ngụy Vương hiểu nhầm họ thông đồng với nhau thì càng khó giải quyết. Hòa Hiệp đã có chủ ý, không nói không rằng đứng sang bên cạnh, ngẩng mặt nhìn Ngụy Vương. Hòa Hiệp nhìn Tào Tháo lẽ nào Tào Tháo không nhìn ông ta? Vấn đề ở chỗ khuôn mặt Hòa Hiệp quá xấu không thể nhìn lâu. Tào Tháo biết vì sao Hòa Hiệp đến, nhưng ông ta lại nói vòng vo, còn phô cái bản mặt xấu xí ra đối diện với mình, chẳng mấy chốc Tào Tháo đã không còn tâm trí đâu để đánh cờ.
— Không đánh nữa… - Tào Tháo bỏ quân cờ sang một bên, - Hòa Dương Sĩ, những lời phỉ báng của Mao Giới chỉ là chuyện nhỏ, nhưng ông ta cố ý tỏ thái độ bất bình vì vụ của Thôi Diễm, làm tổn hại thanh danh của ta! Khi xưa Tiêu Hà, Tào Tham cùng Cao Tổ dẹp loạn lập công. Mỗi lần Cao Tổ gặp khó khăn, hai tướng đều kính cẩn nghe theo, giữ trọn đạo làm tôi, cho nên không những bản thân mà tử tôn đều được hưởng vinh hoa phú quý suốt đời. Thôi Diễm chẳng qua chỉ là quan cũ của Viên Thiệu, nhưng Mao Giới theo ta từ ngày còn ở Duyện Châu, luận về tình cảm thì cũng thân thiết với ta hơn, huống hồ còn có nghĩa quân thần. Ta đã nhiều lần nhắc nhở không được nhắc lại chuyện của Thôi Diễm, nhưng Mao Giới vẫn cố tình nói ra những lời lẽ ngông cuồng như thế, hỏi sao ta không giận?
Hoàn Giai liếc nhìn Hòa Hiệp: Ông giỏi thật! Ta khuyên nửa ngày, đại vương chẳng đoái hoài, ông vừa đến, đại vương đã nói ra hết.
Đinh Nghi trong bụng trách thầm Tào Tháo: Đại vương hồ đồ rồi, tên xấu xí này mới là kẻ biết can gián nhất, khó ứng phó nhất, tốt nhất chớ nên để ý đến hắn!
Quả nhiên như vậy, Hòa Hiệp không quan tâm đến lý do của Tào Tháo, chỉ hấp háy mắt, giả bộ như tỉnh ngộ:
— Đại vương không nhắc, thần cũng quên mất chuyện này, nhưng đã nhắc đến, thần cũng xin có đôi câu…
Tào Tháo vừa tức vừa buồn cười, ném quân cờ trong tay vào hộp:
— Nói, nói đi.
— Mao Giới vì sao phải vào ngục thần không rõ, nhưng vụ án này đã được đem ra xét xử thì phải hỏi cho rõ ràng. Theo như thần nghĩ, đại vương nên cho gọi người tố giác đến Đại lý tự đối chất với Mao Giới, như vậy mọi chuyện sẽ sáng tỏ. - Hòa Hiệp đã nhận được tin tức từ Đại lý tự, nên đánh vào điểm yếu này.
Tào Tháo hối hận vì đã nhiều lời với Hòa Hiệp, để cho ông ta lật ngược ván cờ, chau mày nói:
— Không được! Vụ án cần làm rõ, nhưng người tố giác cũng xuất phát từ lòng trung, ta sao có thể để hắn xuất đầu lộ diện? - Vừa nói vừa khẽ liếc nhìn Đinh Nghi.
Hòa Hiệp quyết không buông tha:
— Lời của đại vương sai rồi! Đúng sai phải rõ ràng, nếu đúng như lời người tố giác nói thì chuyện Mao Giới phỉ báng là có thật, hơn nữa tội này không thể dung thứ; còn nếu lời của người tố giác là vu cáo, thì tên tiểu nhân đê tiện này phải bị trừng trị. Thần không dám bênh vực Mao Giới, nhưng Mao Giới ngay từ khi còn trẻ đã dốc lòng phụng sự đại vương, lại là trung thần ai ai cũng biết, theo lý mà nói thì sẽ không có chuyện này…
Đinh Nghi nghe xong câu này, cơn giận dâng lên tận họng: Ông nói không bênh vực Mao Giới mà nói những lời này, chẳng phải là bênh vực sao?
Đinh Nghi vừa định xen vào chất vấn thì lại nghe Hòa Hiệp nói:
— Mao Giới có thể nhất thời vì một chút tình riêng mà nói ra những lời ngỗ nghịch, cũng khó biết được, vì vậy thần mới muốn hai bên đối chất để tìm ra sự thật. Đại vương muốn bảo vệ người tố giác, tuy xuất phát từ tấm lòng ân đức, nhân hậu nhưng sẽ không phân biệt được đúng sai, ngay gian, chỉ sợ quần thần hoài nghi, thất vọng.
Lý lẽ nước đôi của Hòa Hiệp có ý không thiên vị một ai, Tào Tháo bất đắc dĩ phải đáp:
— Ta không muốn hai bên đối chất, chính vì muốn được lưỡng toàn, vừa có thể làm rõ sai trái của Mao Giới, lại có thể bảo vệ người tố giác. - Trong lòng Tào Tháo đã có suy tính, vì việc bãi quan Từ Dịch, rồi ép Thôi Diễm tự vẫn, Đinh Nghi đã không được lòng người, nay lại để hai bên đối chất thì chắc chắn dư luận sẽ dìm chết Đinh Nghi.
— Chuyện trong thiên hạ đều có cái được và cái mất, khó có thể vẹn toàn. - Hòa Hiệp bước lên mấy bước, - Nếu Mao Giới quả thực phạm tội phỉ báng, tất phải chặt đầu thị chúng; còn nếu không phải, kẻ vu oan cho đại thần càng phải nghiêm trị. Nếu hai bên không đối chất mà người thẩm tra làm việc hồ đồ, lòng người không phục, thần thấy bất an thay!
— Không được! - Tào Tháo bất giác lớn tiếng với Hòa Hiệp, - Triều đình vừa mới dựng lên, can qua còn chưa dứt, há có thể để hai người cùng triều tranh cãi lẫn nhau? Khi xưa, Hồ Xạ Cô nước Tấn giết Dương Xử Phụ ngay ở trên triều, chính là bài học cảnh tỉnh các bậc quân vương(*)!
Hòa Hiệp lại bước lên hai bước nữa, đến bên cạnh tấm rèm, chỉ vào Đinh Nghi:
— Đại vương hà tất phải dẫn chuyện xưa, đúng sai phân minh mới là công lý. Nói thẳng ra, phải chăng đại vương có ý bảo vệ người này?
Đinh Nghi mặt cắt không còn giọt máu, không biết làm thế nào, Khổng Quế cũng giật mình kinh ngạc.
Tào Tháo không ngờ Hòa Hiệp lại chỉ thẳng ra, vừa ngượng vừa giận, hất tung hộp cờ:
— Không sai! Chính Lễ là người đó, vừa có tài lại vừa trung thành với quả nhân, ta bảo vệ hắn có gì không được?
Hòa Hiệp chậm rãi quỳ xuống:
— Lời đại vương nói đều có lý, thần không có gì không phục. Nhưng thần chỉ có một điều không rõ, xin thỉnh giáo đại vương.
— Nói đi. - Tào Tháo cảm thấy phiền toái vô cùng.
Hòa Hiệp đột nhiên hạ thấp giọng, ngẩng đầu nhìn thẳng Tào Tháo, từ tốn nói:
— Được đại vương tín sủng là vinh dự của bề tôi, ngài che chở bề tôi cũng là xuất phát từ tình cảm và đạo lý, không có gì là sai. Nhưng ngài có thể che chở cho vãn sinh thì hà cớ gì không che chở cho lão thần đã phò tá ngài hơn hai mươi năm qua?
— Ây dà. - Tào Tháo không còn gì để nói!
Đúng vậy, người vất vả dốc sức cho ông hai mươi năm qua thì ông không yêu quý mà lại đi yêu quý một kẻ vãn sinh, như thế có hợp tình hợp lý không? Thực ra Tào Tháo không hồ đồ, thái độ của ông đối với Mao Giới và Thôi Diễm không giống nhau, Thôi Diễm có công lao đến đâu cũng vẫn là người của Viên thị quy hàng, còn Mao Giới đã theo ông ngay từ khi khởi binh ở Duyện Châu. Cũng chính vì vậy, Tào Tháo mới không thể chịu được việc Mao Giới vì Thôi Diễm mà oán than mình, đây không phải là chuyện phỉ báng hay không, mà là quan hệ tình cảm, ai quan trọng hơn ai. Bình tâm mà xét, không phải ông không biết những lời Đinh Nghi nói có phần thêm thắt, nhưng Đinh Nghi cũng dựa trên những lời của Mao Giới. Tào Tháo cũng không muốn xử Mao Giới như đã xử Thôi Diễm, chỉ cần Mao Giới chịu nhận tội thì nhiều nhất cũng chỉ bãi quan mấy ngày, đợi trời yên biển lặng, qua một thời gian sẽ được phục chức. Tiêu Hà còn phải vào ngục thì Mao Giới sao lại không thể? Chẳng phải chỉ cần nhận sai thôi sao?
Tào Tháo nghĩ đơn giản như vậy, nhưng Mao Giới lại không chịu nhận tội. Ngộ nhỡ lại bị xử tử giống Thôi Diễm thì sao? Huống hồ chuyện này còn liên quan đến việc lập người kế vị, sau lưng ông ta còn có Ngũ quan tướng.
Mao Giới càng không nhận tội, Tào Tháo càng tức giận, quân thần xích mích nhưng lại không thể nói thẳng ra. Lúc này, Hòa Hiệp không luận việc công mà chỉ xét đến tình riêng, nên hay không nên che chở cho Mao Giới? Tào Tháo nhớ lại hai mươi năm công lao của Mao Giới, chưa nói đến việc ông ta đưa ra mưu sách tuyển chọn quan viên, mà chỉ nghĩ đến câu nói chấn động "phụng mệnh thiên tử mà thảo phạt kẻ bất thần” của Mao Giới năm xưa, đã giúp Tào Tháo từ đó bắt đầu xây dựng nghiệp bá vương, lẽ nào còn chưa đủ sao? Lúc đầu, Tào Tháo từng rất trọng dụng Mao Giới, coi trọng phẩm chất trung thành, thẳng thắn của ông ta, từng ca ngợi ông ta là “người giữ sự chính trực của một nước, và là Chu Xương(*) của ta”. Nay Mao Giới còn hơn Chu Xương, nhưng Tào Tháo thì không phải là Hán Cao Tổ!
Đã nói đến mức này, công tư cũng nghĩ đến cả, còn tức giận làm gì nữa? Tào Tháo nhìn bộ mặt xấu xí của Hòa Hiệp, cười khổ:
— Đúng là ngươi chỉ cần mở miệng là sẽ hỏi cho đến khi ta không còn gì để nói… Ta đúng là đã hơi thiên vị, thôi thì tha cho Mao Giới vậy.
— Đại vương anh minh! - Hoàn Giai cao giọng tung hô.
Khổng Quế liếc nhìn ông ta: Hừ! Dám qua cả mặt ta!
Đinh Nghi hậm hực nói xen vào:
— Những lời phỉ báng của Mao Giới là có thật, thần nguyện đối chất với ông ta! - Đinh Nghi sao có thể để yên? Nếu cứ mập mờ thả người như vậy, chẳng phải hắn sẽ thành người vu khống?
— Thôi đi… - Tào Tháo cười khổ, - Người có thể thả, nhưng ăn nói xằng bậy chuyện triều chính, phỉ báng miếu đường, tội này không thể không trị, phải đuổi cổ ông ta về quê.
Đinh Nghi không có gì để nói nữa, thực ra theo cách nghĩ của hắn, Mao Giới có chết hay không cũng không quan trọng, dù sao Mao Giới cũng đã bị vào ngục, sau này không thể khoa chân múa tay trong việc tuyển chọn quan lại, mục đích đánh động những người bảo vệ Tào Phi đã đạt được.
Khổng Quế càng không nói gì, hắn không thù không oán với Mao Giới, chỉ muốn chọn phe đúng thời điểm, dù sao lúc xử lý Thôi Diễm, Mao Giới, Khổng Quế cũng đã khua chiêng trợ uy cho Đinh Nghi, lúc này cũng miễn cưỡng được coi về phe của Tào Thực, chỉ cần tiền đồ sau này không phải lo nghĩ là được, còn việc Mao Giới có làm sao cũng không liên quan. Vì vậy, Khổng Quế chỉ luôn miệng khen “Đại vương độ lượng.” Trong mắt hắn lúc này, cứ bước được sang phe của Lâm Tri hầu là an toàn!
Hoàn Giai cũng vội vàng bẩm tấu:
— Trong ngục không phải là nơi có thể ở lâu dài, mong đại vương nhanh chóng ban lệnh phóng thích, thần sẽ lập tức phụng mệnh! - Hoàn Giai không muốn chậm trễ hơn nữa.
Tào Tháo không còn cách nào khác, đành hạ bút viết lệnh phóng thích, Hòa Hiệp và Hoàn Giai cảm tạ rối rít, cùng nhau đi ra. Hoàn Giai vô cùng ngưỡng mộ Hòa Hiệp. Trước lúc ông ta đến, Hoàn Giai tốn bao công sức, nào là ca ngợi Mao Giới trung thành, có công lao, có uy vọng, đảm bảo Mao Giới không có lời nào phỉ báng, đều vì việc công, không chút tư lợi. Còn Hòa Hiệp chỉ nói hai ba câu, cũng không phủ nhận việc thiên vị che chở cho người khác là sai, từng bước từng bước đưa Tào Tháo vào bẫy. Cuối cùng chỉ nói một câu nhẹ nhàng đó mà làm rung chuyển cả núi Thái Sơn - Đúng vậy, có những việc cứ theo phép công mà làm thì rất rắc rối, nhưng dùng tình người giải quyết lại rất dễ lay chuyển.
Kết quả này khiến Hoàn Giai, Hòa Hiệp, Chung Do rất mãn nguyện, với uy vọng của Mao Giới thì có bãi quan cũng bãi được bao lâu? Cùng lắm là vài tháng đến một năm, mây mù ắt sẽ tan…
Nhưng sự thật lại không tươi sáng như vậy. Lúc Mao Giới đi từ Đại lý tự ra, trong lòng đã nguội lạnh, ông ta không thể hiểu nổi, mình vất vả hai mươi năm qua, một lòng cúc cung trung thành, cớ sao lại phải nhận lấy kết cục đen đủi và nhục nhã như vậy? Ngay cả một câu than vãn cũng chẳng thể thốt ra, nỗi oán hận trong lòng biết tỏ cùng ai? Vị lão thần mông lung trở về nhà như cái xác không hồn, không ăn, không ngủ, mở mắt nhìn lên trần nhà… cứ như vậy chưa được ba ngày thì chết.
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9