I would never read a book if it were possible for me to talk half an hour with the man who wrote it.

Woodrow Wilson

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Thùy Linh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 29
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 142
áo Tháo được tấn phong làm Ngụy vương
Cơ hội không chờ đợi ai
Mặc dù việc tạm thời ngừng đánh đất Thục vẫn vấp phải nhiều tranh cãi, nhưng Tào Tháo kiên quyết tuyên bố rút quân, lệnh cho Hành Đô Hộ Tướng quân Hạ Hầu Uyên, Đốc Bình Khấu Tướng quân Từ Hoảng, Bình Địch Tướng quân Trương Cáp, Thứ sử Ích Châu Triệu Ngang ở lại trấn thủ Hán Trung. Sau đó bổ nhiệm Dương Phụ làm Thái thú Vũ Đô, Tô Tắc làm Thái thú Bình Tây, vỗ về dân chúng quy hàng, đảm bảo lương thực cho quân đội, còn ông dẫn đại quân quay về Ngụy quốc.
Tháng Hai năm Kiến An thứ hai mươi mốt (năm 216 sau Công nguyên), Tào Tháo trở về Nghiệp Thành đúng như ý nguyện sau một năm chinh chiến. Mặc dù chúng tướng có người vẫn muốn đánh tiếp, nhưng được trở về nhà vẫn là một việc vui, hơn nữa đã bình định được người Khương, Đê, lại lấy được Hán Trung, không thể nói là không có công tích, còn được ban thưởng hậu hĩnh, nên ai cũng phấn khởi, khải hoàn trở về. Ngay đến Vương Xán dường cũng quên nỗi đau mất bạn, đã viết một bài thơ ca ngợi lần chinh chiến này:
Tòng quân sướng hay khổ,
Phải xem theo người nào.
Theo tưởng quân thần vũ,
Còn vất vả được sao?
Thừa tướng đánh Quan Hữu,
Khí thế ngút trời cao.
Một trận diệt Huân Lỗ,
Hai trận hàng Khương Di.
Tây chinh bắt giặc ngoài,
Dễ như cúi nhặt đồ.
Khen thưởng cao hơn núi,
Rượu thịt rải bờ sông.
Trong quân nhiều lương thảo,
Người ngựa đều béo tròn.
Xe đi những hàng hai,
Chở của cải dồi dào.
Mở đất ba ngàn dặm,
Đi về nhanh như bay!
Ca hát vào Nghiệp Thành,
Nguyện tuân theo lễ pháp.(*)
Kết quả trận này cũng tạm làm hài lòng chúng nhân, chỉ trong một năm mà có thể bình định được Ưng, Kinh, lại lấy được Hán Trung, đúng là vượt cả mong đợi, nhưng Tào Tháo vừa về đến Nghiệp Thành đã nhận được một tin tốt và một tin xấu. Tin tốt là tì thiếp Trần thị mấy năm gần đây được Tào Tháo sủng ái, đã mang thai trước lúc ông xuất chinh, vừa mới sinh được nhi tử. Tào Tháo vừa vào đến cửa đã nhận được lời chúc mừng sinh quý tử, do vậy đặt tên con là Tào Cán, lập tức phong làm Cao Bình đình hầu. Đứa trẻ này có phúc phận không nhỏ, như Tào Chương hai mươi sáu tuổi vẫn không có danh vị, còn đứa bé này vừa chào đời đã có ngay tước hầu. Còn tin xấu cũng liên quan đến con của Tào Tháo, Tào Hùng mắc bệnh nhiều năm, cuối cùng cũng hết mệnh…
Cung uyển của Biện thị luôn là nơi giản dị nhất trong Tào cung, bình phong cổ kính, bày biện gọn gàng, không có đồ chạm khắc, rèm che còn có chỗ vá, nhưng có một điểm trái ngược rất lớn, đó là vị trí của Biện thị trong cung không thể bị động đến. Có lẽ trên đời này, chỉ có Biện thị là người hiểu được những suy nghĩ của Tào Tháo, mặc dù bà không có danh phận là đích thê, nhưng lại giữ vị trí nữ chủ nhân trong gia tộc và cung đình này, tuyệt đối không chỉ vì Biện thị sinh được mấy người con trai.
Giường bệnh của Tào Hùng kê sát giường ngủ của Biện thị, tuy Tào Hùng đã sắp được mười tuổi nhưng vẫn mãi là đứa trẻ không chịu lớn, thân thể gầy gò, yếu ớt luôn cần sự che chở của mẹ, lúc nào cũng nồng nặc mùi thuốc. Nhưng hôm nay lại khác, chẳng lâu nữa cậu bé sẽ không còn cần đến những thứ này. Lúc này đây, Tào Hùng đã chìm vào giấc ngủ, không ai có thể đánh thức cậu, dù có cạy miệng để bón thuốc cũng không được. Có thể việc cậu đến thế gian này là một sai lầm, cuối cùng cũng sắp được giải thoát.
Thực ra chính Biện thị cũng sắp được giải thoát, vì bà sẽ không cần phải thấp thỏm lo âu cho đứa con này nữa, cũng không cần phải nửa đêm canh ba thức giấc vì cơn ho của nó. Nhưng bà vẫn khóc không thôi, hai con mắt đỏ au. Bà vẫn lưu luyến cái cảm giác lo âu, gò bó, thậm chí có thể nói là sự ỷ lại, bận rộn khiến con người ta quên đi cảm giác phiền muộn kia. Sau này sẽ không phải lúc nào cũng lo lắng cho Tào Hùng nữa, nhưng bà biết đối diện như thế nào với sự tranh chấp của hai đứa con trai kia đây?
— Hạ quan y thuật kém, không thể cứu được công tử, tội đáng muôn chết… - Lý Đương Chi thở dài, cúi đầu nhận tội.
— Không cần phải làm vậy. - Sắc mặt Tào Tháo không chút biểu cảm, - Hùng nhi vốn chỉ còn bộ xương, ngươi có thể khiến Hùng nhi sống được lâu như vậy, đã là không dễ gì. - Sau bao lâu, cuối cùng Tào Tháo đã cảm nhận được giá trị của lương y, ông không còn xử tội Lý Đương Chi như đã xử chết Hoa Đà.
— Hùng nhi! - Biện thị thảng thốt kêu lên, - Con cử động rồi… còn thở mạnh. Có thể cứu được không?
Ánh sáng lóe lên khi ngọn đèn sắp tắt. Lý Đương Chi liếc nhìn là hiểu chuyện gì xảy ra, nhưng vẫn lấy từ trong túi ra hai cây kim châm. Tào Tháo nói:
— Thôi, đã không ăn uống được gì nữa thì cứ để Hùng nhi ra đi được thanh thản, càng giày vò nó càng khổ. - Nói xong chống tay xuống bàn đứng lên.
Biện thị gục xuống cạnh giường khóc lóc không thôi, Hoàn thị, Vương thị, Tần thị đều đến an ủi, vỗ về. Tào Tháo chỉ vỗ nhẹ lên vai của Biện thị, lẳng lặng đưa mắt nhìn Tào Phi, Tào Chương, Tào Thực, Tào Bưu đang đứng chờ ở phía dưới:
— Các con chuẩn bị tang lễ đi.
Tào Phi và Tào Thực dường như có điều muốn nói, nhưng thấy thái độ cương quyết của phụ thân nên lại thôi. Tào Tháo vẫy tay gọi Lý Đương Chi:
— Ngươi theo ta.
Không có ai theo hầu, hai người ra khỏi hậu cung, qua cửa ngách phía tây, lại từ hậu điện Văn Xương đi đến vườn Tây Uyển. Tào Tháo bất giác dừng lại, nhìn ra mặt hồ tĩnh lặng, ngắm hàng cây đang đâm chồi, phóng mắt ra xa là Đồng Tước đài nguy nga tráng lệ, rồi thở dài: Lúc này đang là tiết xuân, vạn vật sinh sôi, căng tràn nhựa sống, nhưng người đã chết và tuổi thanh xuân thì không bao giờ có thể trở lại. Nói một cách công bằng, vị trí của Tào Hùng ở trong lòng Tào Tháo cũng không mấy quan trọng, mặc dù là phụ tử tình thân, nhưng phần nhiều là lạnh nhạt. Tào Thước, Tào Thừa, Tào Cần, Tào Kinh, Tào Cúc, có đứa sống chưa được mười tuổi, có đứa vừa sinh ra đã chết yểu, năm ngoái Tây Hương hầu Tào Huyền chết cũng không khiến Tào Tháo quá đau lòng, chỉ có Tào Xung là được yêu mến hơn cả.
Nhưng Tào Tháo cũng không ngờ rằng, cái chết của Tào Hùng lại khiến ông đau lòng như vậy. Ngoài mặt thì không thể hiện gì, nhưng trong lòng lại chất chứa sầu muộn, có điều đó không phải là cảm giác lưu luyến đứa con chết yểu mà là sự cảm thán về thế thái vô thường. Trước đây Tào Tháo tự tin là thế, ông nói với cả thiên hạ rằng mình không tin vào số mệnh, không màng đến sống chết, nhưng bây giờ có nhiều chuyện khiến ông nghĩ không thấu suốt, cuộc đời ngắn ngủi của Tào Hùng lẽ nào chỉ để chịu đau đớn, bệnh tật? Có lẽ do Tào Tháo đang cảm thấy mệt mỏi, sức lực cạn kiệt nên bắt đầu suy nghĩ đến những vấn đề xưa nay chưa từng nghĩ đến, như cả đời mình đang theo đuổi cái gì? Trước đây, ông luôn nghĩ chỉ sau khi bình định được thiên hạ mới có thể đường hoàng bước lên ngôi chí tôn, nhưng nay ý niệm này đang dao động. Ai biết được ngày mai sẽ ra sao?
Ai biết thiên hạ còn có thể thống nhất được không? Ông đã làm trung thần của nhà Hán cho đến ngày hôm nay, chẳng lẽ cũng không thể thực hiện được ước muốn mở nước xưng vương? Nếu những năm còn lại không bình định được thiên hạ, há chẳng phải đời này không có được gì? Tuy nói là để lại cho hậu thế, nhưng bản thân ông vẫn không cam tâm…
Lý Đương Chi khom lưng đi đằng sau, thấy Tào Tháo đứng lại cũng đứng lại, ngay cả thở cũng không dám thở mạnh, phải khá lâu sau mới thấy Tào Tháo nói:
— Bên kia có con thuyền, chúng ta lên đó.
— Vâng. - Lý Đương Chi bước theo Tào Tháo.
Đó là con thuyền dùng để bơi ra hồ ngắm hoa phù dung, có thể chở được ba bốn người, không có người neo lại nên con thuyền lẻ loi trôi dọc bờ hồ. Vừa ngồi xuống thuyền, Tào Tháo liền đưa tay trái ra, nói:
— Gần đây ta cảm thấy không khỏe, y lại trong quân y thuật không giỏi, chỉ nói ta bị phong hàn, ngươi hãy khám kỹ cho ta.
— Dạ. - Lý Đương Chi sớm đã nhìn ra sắc diện Tào Tháo không tốt, đi lại chậm chạp, nên vội quỳ xuống ván thuyền đang lắc lư, bắt mạch cho Tào Tháo.
Tào Tháo nói:
— Ngồi lên khám, cứ từ từ, chớ vội vàng. - Ông suy nghĩ đến chuyện này từ lâu, nên cũng đã chuẩn bị tâm lý.
— Đội ơn chúa công. - Lý Đương Chi bình tĩnh lại, nhắm hai mắt, bắt mạch cho Tào Tháo, rất lâu sau mới mở mắt, cẩn thận hỏi han:
— Cổ tay bên trái, vai trái của chúa công…
— Tê nhức, ngày càng nhiều. - Tào Tháo nói thẳng.
— Vậy đúng rồi. - Lý Đương Chi thở dài, đáp, - Chúa công đúng là bị phong hàn, do phong bệnh phát tác, nhưng nặng hơn lúc trước…
— Không phải ngập ngừng, có gì cứ nói.
— Bệnh này… - Lý Đương Chi dường như phải hạ quyết tâm lắm mới nói ra:
— Theo như Trương Trọng Cảnh ở Nam Dương nói thì đây là “trúng phong”. Biểu hiện của bệnh này có thể là bán thân bất toại, hoặc một bên vai không cử động được, gây ra tê nhức, khi mạch đập yếu, bệnh càng hiện rõ. Nhưng tình trạng bệnh của chủ công không có gì nghiêm trọng, có thể nói là “tiểu trúng phong”.
— Ai cần ngươi đọc sách y thuật cho ta? Ta chỉ hỏi một câu, bệnh này có chết không?
Lý Đương Chi lại quỳ xuống:
— Không giấu gì chúa công, tại hạ trị bệnh nhiều năm, bệnh của chúa công hẳn đã ủ bệnh rất lâu mới phát tác, hơn nữa rất khó chữa được khỏi. Trong lúc bệnh phát tác, nếu may mắn thì ngoài tê nhức ra sẽ không gặp trở ngại gì, tại hạ sẽ kê đơn thuốc, điều chỉnh kinh mạch, loại trừ phong tà, không lâu sau sẽ có chuyển biến. Nhưng từ nay về sau chúa công phải chú ý điều dưỡng, ăn uống, đi lại đều không nên quá sức, nếu không bệnh sẽ tái phát. - Lý Đương Chi nói rất lạc quan, nhưng trong lòng cũng đang bồn chồn: Sao có thể dễ dàng khỏi được? Sáu bảy mươi tuổi mắc bệnh này đã khó chữa, lại còn thêm bệnh đau đầu, tê liệt, rõ ràng là dấu hiệu của trọng bệnh.
Tào Tháo bán tín bán nghi, nhưng do không hiểu y thuật, dù có hỏi cặn kẽ cũng có thể thay đổi được gì? Chỉ nói:
— Bệnh tình của ta đều giao cho ngươi chữa, nhưng chuyện này không thể nói với người khác, ngay cả các phu nhân, công tử có hỏi cũng không được nói, nếu không …
— Tại hạ nhất định sẽ giữ kín! - Lý Đương Chi vội dập đầu. Cái chết của Hoa Đà chưa đủ để làm gương sao?
Tào Tháo lại nói:
— Dù sao ngươi cũng là thầy thuốc, nếu biết ai khác cũng tinh thông y đạo, biết cách dưỡng sinh, hãy tiến cử vào phủ, ta sẽ ban thưởng cho.
— Rõ. - Thấy Tháo đứng lên, Lý Đương Chi vội vàng đỡ, - Chúa công làm việc gì cũng cần phải nghĩ thoáng hơn, chớ giận dữ mà tổn hại tinh thần.
Tào Tháo rời thuyền lên bờ, quay đầu nói:
— Nghe nói ngươi muốn viết một bộ y thư?
— Việc này… - Lý Đương Chi cười ngại ngùng, - Y thuật của tại hạ không thể sánh được với tiên sư, chỉ nghiên cứu một chút về đặc tính của cây thuốc, nên muốn viết một bộ sách về các vị thuốc. - Lý Đương Chi làm việc gì cũng cẩn thận, nói xong thấy không hài lòng, bèn bổ sung, - Đó là mấy việc lúc nhàn rỗi, sẽ không ảnh hưởng tới việc trị bệnh cho chúa công.
— Ồ, hãy viết cho tốt. - Tào Tháo ngửa mặt nhìn lên trời, không biết là nói với Lý Đương Chi hay nói với bản thân, - Con người sống ở đời, nếu muốn làm thì phải làm từ sớm, nếu để lâu sẽ phải hối tiếc… - Nói xong chậm rãi bỏ đi.
Lúc Tào Tháo quay lại hậu cung, Tào Hùng đã bất tỉnh, Biện thị cũng khóc cạn nước mắt. Ông thẫn thờ ngồi cạnh giường, lại nhìn thấy nhi tử của Tống thị là Tào Cổn, năm nay mười tuổi, đang cầm một quyển sách trong tay, đứng ở dưới phòng đọc lớn. Bình thường Tào Tháo không thích Tào Cổn chỉ vì tính tình cổ quái, không bao giờ chơi đùa với các huynh đệ, cả ngày đóng cửa đọc sách, không để ý chuyện gì, ngay cả những buổi yến tiệc gia đình cũng rất ít khi tham gia, phụ tử gặp mặt nhau cũng chỉ nói đôi ba câu, luôn tỏ ra bí hiểm, khó gần.
— Nay con của quý nhân, sống nơi lầu son gác tía, trong có bảo mẫu, ngoài có sư phó, muốn giao du với người khác cũng không được. Đồ ăn hầm nóng thơm giòn, thịt ngon rượu nồng. Y phục mềm mại…
— Con đang đọc gì thế? Vân tế? - Tào Tháo nhíu mày hỏi.
Tào Cổn ngập ngừng nói:
—Dạ, là Thất phát(*).
Tào Tháo vừa giận lại vừa buồn cười:
— Cái này có thể chữa được bệnh của Hùng nhi?
Tào Cổn đáp:
— Bệnh của thái tử còn chữa được, huống hồ bệnh của một công tử là Hùng nhi? - Nói xong cũng không để ý tới phụ thân, tiếp tục đọc, - Cây ngô đồng ở trên núi Long Môn, cao trăm thước mà không chia cành. Thân cây xù xì, gai góc, rễ cây lan khắp bốn phía. Phía trên có núi cao nghìn thước, phía dưới có khe sâu trăm trượng…
Tào Tháo im lặng, nhìn chằm chằm vào đứa bé mọt sách này, trong đầu miên man suy nghĩ. Ông nghĩ đến người chú Tào Dận đã chết cách đây mấy chục năm, người em trai Tào Đức chết ở núi Thái Sơn. Kể cũng lạ, nhà họ Tào luôn có những người như thế, chỉ biết chìm đắm với thơ ca sách vở, không màng đến nhân tình thế thái, tính cách quái dị này như được kế thừa… Đột nhiên Tào Tháo lại cảm thấy đứa trẻ này thật đáng yêu, có thể do hằng ngày ông còn bận chuyện đại sự nên không để ý, nay nghĩ lại mỗi đứa con đều có ưu điểm riêng. Ông gánh trên vai cả gia tộc Tào thị, phải làm cho họ được hưởng phú quý, cho họ được hạnh phúc hơn. Có những chuyện không phải suy xét vì bản thân thì cũng phải suy xét vì bọn họ.
— Hu hu hu!… Hùng nhi… Đứa con đáng thương của ta…
Tiếng gào khóc xé gan xé ruột của Biện thị cắt ngang dòng suy nghĩ của Tào Tháo, Tào Hùng đã trút hơi thở cuối cùng. Tào Tháo cũng không nán lại nữa, chậm rãi bước ra khỏi hậu cung, qua cửa hành lang, đi đến chính điện. Công văn, quân báo trên thư án chất cao như núi, thị vệ bước lên bẩm tấu:
— Ngũ quan tướng và Lâm Tri hầu đều xin yết kiến, Khổng đại nhân cũng đến, xin chúa…
— Không gặp, bảo bọn chúng đi lo tang lễ! - Tào Tháo ngồi xuống bàn nói, - Hôm nay không gặp ai hết… chỉ triệu Đại phu Đổng Chiêu lên điện, càng nhanh càng tốt!
Tấn phong Ngụy Vương
Năm Kiến An thứ hai mươi mốt, sau hai năm rưỡi được tấn phong Ngụy Công, việc soán ngôi nhà Hán, cai quản thiên hạ của Tào Tháo đột nhiên được đẩy nhanh. Ngày Tân Mùi tháng Hai, Tào Tháo dùng lễ thái lao cúng tế Ngụy quốc, ban bố Xuân từ lệnh giải thích các nghi lễ cúng tế tông miếu, ngày Nhâm Dần tháng Ba, lại tổ chức lễ tịch điền ở Nghiệp Thành, và đặt ra lễ giảng võ(*) vào mùa thu.
Những người hiểu biết đều có thể đoán được ý nghĩa của việc đặt ra các quy định nghi lễ này, bên phía Hứa Đô cũng đang khẩn trương hành động. Không lâu sau, dưới sự dẫn dắt của Đổng Chiêu, Hoa Hâm, Phan Húc và sự phối hợp của thiên tử Lưu Hiệp, chiếu thư sắc phong vương vị cho Tào Tháo được ban bố khắp thiên hạ:
Các bậc đế vương từ xưa đến nay, danh hiệu thay đổi, tước vị cũng khác, nhưng việc khen thưởng công thần, xây dựng công đức, làm vẻ vang dòng họ, truyền cho con cháu, gần gũi bách tính, há có sự khác biệt. Khi xưa, Thái Tổ triều ta vâng theo mệnh trời, kiến lập sự nghiệp, mở mang Trung Nguyên, đã xem xét các chế độ cổ kim, hiểu được sự khác nhau về tước vị, nên ban thưởng đất đai để dựng bình phong… Nay ta tấn phong Thừa tướng làm Ngụy Vương, sai Tông chính Lưu Ngải cầm phù tiết, thay quyền Ngự sử đại phu làm sứ giả mang ấn tỉ của đất bắc ban cho Thừa tưởng, đồng thời trao kim hổ phù từ bậc một đến bậc năm, trúc sứ phù từ bậc một đến bậc mười. Thừa tướng ở ngôi vương, vẫn làm Ký Châu mục như trước. Hãy kính phục lệnh trẫm, chăm sóc chúng nhân, bắt đầu cơ nghiệp, để làm sáng mệnh lệnh của tổ tông nhà Hán.
Chiếu thư khuếch trương công lao của Tào Tháo đã “nỗ lực hết mình vì chính nghĩa, uy phong lừng lẫy, bảo vệ tông miếu, trung thành với Hoa Hạ”, còn ví ông là Y Doãn, Chu Công của thời nay; ngang nhiên phủ nhận lời dạy của Hán Cao Tổ là “không phải họ Lưu thì không được phong vương”, muốn “ban thưởng đất đai để dựng bình phong, khiến cho các chư hầu khác họ cũng được phong đất”, khuyên Tào Tháo sớm lên vương vị. Tóm lại một câu: Nếu không làm vua của Ngụy quốc, Tào Tháo sẽ có lỗi với tổ tông Đại Hán.
May là có đám đại thần và văn sĩ xu nịnh này mới có thể thêu hoa dệt gấm một cách hợp lý về công lao của Tào Tháo.
Tào Tháo cũng vẫn dùng cách cũ, khiêm tốn không nhận, ba lần dâng tấu thư từ chối, để thiên tử phải ba lần hạ chiếu thư khuyên dụ. Cuối cùng khiến cho hoàng đế Lưu Hiệp không biết làm thế nào, đành ngự bút viết rằng: “Thừa tướng không được trái lệnh trẫm, mặc dù khanh đã khẩn thiết từ chối, nhưng đây là tấm lòng của trẫm và là tấm gương để dạy hậu thế.” Đường đường là thiên tử mà bị ép đến mức phải tự tay viết thư, khuyên đại thần xưng vương nhận đất, thì còn gì đau khổ hơn?
Trước lời thỉnh cầu như vậy, cuối cùng Tào Tháo không thể không “chấp nhận”. Ngày Giáp Ngọ, tháng Tư năm Kiến An thứ hai mươi mốt, Tào Tháo được triều đình ban ấn tỉ, hổ phù, tấn phong vương vị. Nhưng điều đáng nói là Ngự sử đại phu Hy Lự sau nhiều lần đi đi về về để truyền sắc phong đã ngã bệnh không dậy được, thay vào đó Tông chính Lưu Ngải - người có quan hệ thân thiết với Ngụy quốc lại thay quyền Ngự sử đại phu, mang theo tín vật đến Nghiệp Thành hoàn thành sắc lệnh.
Tước vương và tước công chỉ khác nhau có một chữ, nhưng về bản chất thì không giống nhau. Trước đây, nhà Hán chỉ thực hiện chế độ có năm tước vị là công, hầu, bá, tử, nam, nay tự nhiên có thêm một ông vua không mang họ Lưu thì biết xử trí thế nào? Rõ ràng, thần tử không thể có được tước vị này, tất cả quyền hành của thiên tử đều do Tào Tháo thay quyền thi hành, cho dù ông không xưng là thiên tử nhưng đã làm chủ thiên hạ, thiên tử là giả, còn Ngụy Vương mới là thật. Nực cười ở chỗ, mấy kẻ có học thức luôn khoe khoang phải tôn sùng điển chê của nhà Chu, khôi phục chế độ cổ xưa, thì nay đúng là đã phục cổ thật, đáng tiếc cái được khôi phục lại không phải chế độ chính trị thời Chu Vũ Vương, mà là thời Đông Chu của Chu Ư Vương, thiên tử lơ là, chư hầu xưng bá.
Cùng với việc địa vị của Tào Tháo được nâng cao, Ngụy đình từ một nước “thuộc quốc” trở thành “thượng quốc”, không cần phải kiêng dè đến thể diện của triều đình Hứa Đô, ngay cả các chức quan đại diện cho xã tắc như Phụng thường, Tông chính cũng đã được bổ nhiệm, còn địa vị của con cái Tào Tháo cũng được nâng lên mọi mặt - Ngay cả nhị công tử Tào Chương trước nay không được phong danh vị gì cuối cùng cũng được tấn phong làm Yên Lâng hầu, những người con khác như Tào Bưu phong làm Thọ Xuân hầu, Tào Cổn phong làm Bình Hương hầu, Tào Tuấn phong làm Mi hầu, lại cho Tào Tán - con của Nhiêu Dương hầu Tào Lâm làm con thừa tự của Tây Hương hầu Tào Huyền để được tập tước; tiếp đến để Tào Chỉnh, Tào Quân, Tào Huy lo hương hỏa cho ba vị huynh đệ chết yểu của Tào Tháo, tông thất của Tào Ngụy cũng bắt đầu được hình thành. Duy chỉ có một điều chưa đầy đủ đó là Ngụy quốc vẫn chưa lập thái tử, đến nay Tào Tháo vẫn chưa xác định rõ người kế vị hợp ý mình.
Có nhiều đại thần chủ chốt ủng hộ Tào thị vẫn chưa cảm thấy hài lòng về kết quả, họ cho rằng đã làm phải làm cho đến cùng, phải kéo Lưu Hiệp ra khỏi ngôi rồng để Tào Tháo đăng cơ, như vậy chẳng phải là xong sao? Nhưng Tào Tháo cũng có nỗi khổ riêng, mỗi lần nhận sắc phong ông đều “từ chối ba lần rồi mới nhận”, là muốn thể hiện sự khiêm tốn, cũng là muốn tuyên bố trung thành với nhà Hán, nên mới bỏ ra nhiều công sức để diễn kịch như vậy. Lời nói còn văng vẳng bên tai, nếu bây giờ mà nuốt lời thì còn mặt mũi nào? Hơn nữa, nếu Tào Tháo xưng đế cũng đồng nghĩa với việc nhà Hán kết thúc, vậy thì kẻ khác cũng có thể xưng đế. Đừng nói đến Tôn Quyền ở Giang Đông lúc nào cũng có dã tâm nhòm ngó, mà ngay cả Lưu Bị đã cướp đất của họ hàng cũng đang chờ đợi ngày này, đến lúc đó Lưu Bị sẽ đường đường chính chính lấy danh nghĩa kế tục nhà Hán. Nghĩ đến cảnh mình sẽ phải đứng ngang hàng với họ, Tào Tháo há có thể chịu nổi?
Cho nên phải tiến hành song song cả hai việc soán quyền và chinh chiến, kế hoạch này Tào Tháo định tiến từng bước một, đến lúc cuối đời sẽ tiến bước cuối cùng. Nhưng ông trời không tán thành, Tào Tháo vừa tấn phong vương tước chưa được một tháng thì Thái sử lệnh bẩm báo xuất hiện nhật thực!
Từ thời Hán Vũ Đế bãi truất bách gia, các bậc đế vương thường đề cao mối quan hệ tương thông giữa con người và trời đất, Vương Mãng và Quang Vũ Đế đều rất tin chuyện này. Cứ chuyện gì liên quan đến tai họa, dịch bệnh là sẽ có điềm báo trước, mà nhật thực lại là một trong những điềm báo nghiêm trọng mà trời sắp giáng xuống: Năm Kiến Vũ thứ ba thời Quang Vũ Đế xuất hiện nhật thực, Phàn Sùng của quân Xích Mi làm phản; nhật thực năm Kiến Vũ thứ bảy, Ngỗi Ngao mưu phản; Hiếu Minh Đế năm Vĩnh Bình thứ tám xuất hiện nhật thực, Quảng Lăng Vương Lưu Kinh mưu phản; Hiếu An Đế năm Vĩnh Bình nguyên niên xuất hiện nhật thực, mưa bão gây đại nạn; Hiếu Thuận Đế năm Vĩnh Hòa thứ năm xuất hiện nhật thực, tộc Khương ở Lương Châu bắt đầu gây loạn; Hiếu Linh Đế năm Hy Bình thứ hai xuất hiện nhật thực, Thập thường thị làm loạn; Hiến Đế năm Sơ Bình thứ tư xuất hiện nhật thực, Lý Thôi, Quách Dĩ gây họa ở Trường An; đến năm Kiến An thứ mười ba lại xuất hiện nhật thực, quân triều đình đại bại trong trận Xích Bích… Tào Tháo vốn không tin rằng những tai họa này lại có liên quan đến trời đất, nhưng những lời đồn đại, bàn tán nổi lên rất phiền phức. Lẽ nào lần nhật thực này ngụ ý Tào Tháo sẽ lật đổ đại Hán?
Chiếu theo quy định của tiên triều, nếu trời giáng điềm báo thì phải bãi chức Tam công để chịu tội thay cho thiên tử. Nhưng nay không làm được điều đó vì chức Tam công sớm đã bị Tào Tháo bãi bỏ, lẽ nào ông lại tự từ bỏ chức Thừa tướng? May mà còn có Ngự sử đại phu Hy Lự hữu danh vô thực, hơi tàn lực kiệt vẫn còn sống, Tào Tháo vội vàng bãi chức của ông ta. Nhưng mối nguy vẫn chưa chấm dứt, từ đó đến tháng Năm, đất Hà Bắc không mưa lấy một giọt, đại hạn cũng bắt đầu…
Địch quốc làm loạn còn có thể sai binh đi đánh dẹp, quan lại làm loạn còn có thể dùng hình phạt chém đầu, nay ông trời làm loạn, Tào Tháo có thể làm được gì? Đối mặt với những tin đồn ngày một lan rộng, nếu chỉ đơn thuần dựa vào việc bắt bớ thì cũng không thể diệt trừ được tận gốc, hơn nữa càng làm hỏng việc, Tào Tháo muốn phải có cái kết rõ ràng cho những sự việc không đầu không cuối này. Trong lúc chưa nghĩ ra cách gì, Tào Tháo đã triệu tập các trí sĩ và tâm phúc đến bàn bạc kế sách dưới danh nghĩa mời họ đến Đồng Tước đài ngắm cảnh.
Tống Trung, Bính Nguyên, Đổng Ngộ chỉ biết bàn chuyện kinh sách, lần này được mời đến đều cảm thấy vinh hạnh, tất nhiên không thể thiếu Trương Lỗ là giáo chủ của một phái có thể nối liền thiên - nhân, ngay cả những người từ lâu không còn phụng sự như Trình Dục, Giả Hủ, Lâu Khuê, Trần Lâm cũng đến, Chung Do chủ trì buổi tiệc. Mọi người đọc thơ làm phú, rượu thịt no nê, Tào Tháo cũng chẳng có tâm tư mà ngồi trò chuyện với họ, thấy thời cơ đã tới vội nhắc đến những bàn tán của dân gian về hiện tượng biến đổi của thiên văn, mời những người có mặt tìm cách giải quyết.
Những người này vốn không bao giờ hỏi chuyện thế sự, rất ít tham gia bàn luận, nhưng hôm nay rượu vào chếnh choáng nên tỏ ra rất tích cực. Ngũ quan tướng Trưởng sử Bính Nguyên nói:
— Đất nước có những chuyện hủ bại đi ngược lại đạo đức, trời sẽ giáng tai họa để khiển trách, nhưng nếu không biết tự răn mình, trời lại xuất hiện hiện tượng kỳ quái để cảnh cáo. Việc này thể hiện đạo lý “thiên nhân tương thông”, phù hợp với đạo nghĩa trong sách Thượng thư, là bề tôi phải biết chừng mực, xin đại vương hãy tự răn mình.
Nếu là người khác nói câu này Tào Tháo đã nổi trận lôi đình, nhưng Bính Nguyên cũng đã có tuổi, lại nhiều tiếng tăm nên khó nói lại, tự răn thì tự răn vậy. Tuy nhiên, trước mắt ắt phải có vài cách giải quyết, hoặc là cúng tế ruộng đất, hoặc là cắt giảm nô dịch, hoặc là ân xá tội nhân… Mấy thứ lễ nghĩa đó chẳng phải là họ hiểu hơn Tào Tháo sao? Đương nhiên trong mắt Tào Tháo, nếu như đám người này không tiếc bút mực để viết những bài tán dương Tào Tháo, tạo cảnh thái bình thì còn mong gì hơn, nhưng tiếc thay họ đều là những người quá nguyên tắc.
— Đúng như lời Bính phu tử nói. - Không biết tự lúc nào, một vị vân sĩ râu dài phất phơ đã đứng dậy nói, đó là nho sĩ Kinh Châu Tống Trung. Ông ta là nhân sĩ Chương Lăng, vốn là thuộc hạ của Lưu Biểu, từng ở Tương Dương xây dựng trường học cho các quan, hiệu chỉnh ngũ kinh, được coi là một đại nho. Mọi người thấy ông ta nói, đều tập trung chú ý, ông ta vừa nói vừa khoa tay hùng hồn:
— Khi xưa Tống Cảnh Công, thấy hỏa tinh nằm gần sao tâm, vội triệu đại thần Tử Vi đến hỏi, Tử Vi nói: “Hỏa tinh xuất hiện là do trời phạt; sao tâm chỉ nước Tống sẽ tan rã, họa ứng vào vua, nhưng có thể để Tể tướng chịu thay.” Cảnh Công nói: “Tể tướng là người giúp ta trị quốc, nếu chết sẽ không may mắn.” Tử Vi nói: “Vậy có thể để dân chịu thay.” Cảnh Công nói: “Để dân chết, ta không nhẫn tâm, thà để một mình ta chết.” Tử Vi lại kiến nghị: “có thể đổ họa sang cho mùa màng.” Cảnh Công đáp: “Bách tính đói khát, rồi cũng sẽ phải chết. Làm vua há lại hại bách tính của mình để bản thân được sống?” Tử Vi lùi lại một bước, quay mặt về hướng bắc, vái Cảnh Công mà chúc mừng rằng: “Ngài đã nói ba câu mà bậc quân vương nên nói, trời cao tất sẽ ban thưởng ba lần. Hỏa tinh chắc chắn sẽ dời tới ba nơi khác, mỗi lần di chuyển phải đi qua bảy ngôi sao, mỗi sao mất một năm, bảy ba hai mươi mốt, nên tuổi thọ của ngài sẽ được thêm hai mươi mốt năm. Thấy trời giáng tai họa, quân vương cần phải chuộc lỗi, tích đức hành thiện.” - Tống Trung đọc điển cố thuộc làu làu, nhưng lời nói có chút bảo thủ.
Tào Tháo trước nay không bao giờ tin vào sự cảm ứng giữa trời và người, hơn nữa ông mời bọn họ đến là để nghĩ cách giải quyết chứ không phải để nghe họ giáo huấn, cảm thấy không vui vẻ gì, liền cắt ngang:
— Tống phu tử xin hãy nghỉ ngơi, đạo lý trong kinh sách tất nhiên có lý, nhưng quả nhân trị quốc há lại phải dựa cả vào ý trời? - Mặc dù mới được hơn một tháng nhưng Tào Tháo sớm đã quen xưng cô gia, quả nhân, như thể sinh ra đã như vậy.
— Đại vương lẽ nào không tin vào trời? - Tống Trung đúng là cố chấp, vẫn không chịu buông tha, muốn làm rõ trắng đen, - Khổng Tử nói: “Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên đạt.”(*) Lỗ Bình Công muốn gặp Mạnh Tử, nhưng có người nói xấu, gièm pha Mạnh Tử với Lỗ Bình Công nên ông ta không gặp nữa, Mạnh Tử nói: “Do ý trời!” Cao Tổ từng nói: “Ta áo vải khởi binh lấy được thiên hạ, chẳng phải là thiên mệnh sao?” Hàn Tín luận việc quân với Cao Tổ, nói rằng: “Bệ hạ đã được trời trao quyền, không cần tốn sức mà vẫn có được thiên hạ.” Minh quân thánh hiền các đời không có ai không tin vào trời, đại vương lẽ nào lại coi nhẹ việc này?
Chung Do nói chen vào:
— Tống Trung nói có lý, cổ nhân có câu: “thiên tử kiến quái tắc tu đức, chư hầu kiến quái tắc tư chính đạt.”(*) Chúng ta vẫn nên bàn về việc sửa sang chính sự như thế nào mới phải. - Chung Do thấy Tống Trung càng nói càng xa, nên vội vàng kéo trở lại.
— Đúng vậy. - Tống Trung thuận nước đẩy thuyền, - Theo như tại hạ thấy, chính sự trong thiên hạ do quan lại nắm quyền, để làm tốt phải chú ý việc tuyển chọn quan lại. Đại Ngụy mới xây dựng cơ nghiệp, muốn cho bốn bề yên ổn, nên thay đổi quy định tuyển chọn quan chức, kiểm tra sự hiểu biết về kinh nghĩa(*); bãi bỏ khốc lại, Hiệu sự, đuổi bọn tiểu nhân, bỏ công trạng trong chiến đấu, không để kẻ tàn ác, không có đức hạnh làm quan!
Những lời này vừa nói ra, Đồng Tước đài bỗng trở nên yên ắng đến nỗi cái kim rơi xuống cũng có thể nghe thấy. Lời Tống Trung nói không tầm thường, nó chẳng phải đã phủi sạch tiêu chuẩn chọn người dựa vào công trạng, không đặt nặng đức hạnh, chỉ lấy tài năng của Tào Tháo sao?
Lúc này Tào Tháo đã thực sự nổi giận. Năm xưa, chính vì Khổng Dung khiển trách cách dùng người của Tào Tháo mà đã bị chém đầu, những người khác cũng không dám có ý kiến gì, không ngờ được mấy năm luận điệu này đã quay trở lại.
Nhưng Tống Trung không giống như Khổng Dung, đã từng qua hai đời chủ là Lưu Biểu và Tào Tháo, nên tính cách cũng khéo léo hơn Khổng Dung, biết được Tào Tháo không vui đã chuẩn bị tâm lý từ chức, cúi xuống hành lễ, giọng điệu khiêm tốn:
— Thần không phải là không kính trọng, cũng không dám coi thường chiến công của các lão thần, mà chỉ nghĩ cho xã tắc của Đại Ngụy. Những người lập được chiến công, mặc dù có công với quân đội, trung thành với đại vương, nhưng đều là những kẻ thô lỗ, ít học, không xem xét điển lễ của tiên vương, không thông hiểu luật lệnh, khó mà đảm bảo không làm những chuyện hoang đường. Các lão lại cửa công thường hay hà khắc, đi lên từ dưới thư án, trưởng thành trong quan phủ, không đọc kinh sách nho nhã, chỉ vì lợi cá nhân. Còn nói về việc chọn người chỉ dựa theo tài năng, không xem đức hạnh của họ thì sẽ sinh ra những mánh khóe lừa bịp. Sức mạnh của gân cốt xét cho cùng cũng không bằng sức mạnh của nhân nghĩa! - Tống Trung nói đến đây thì quỳ sụp xuống đất, - Tại hạ là người Kinh, Tương quy hàng, may được đại vương khoan dung, còn hỏi chuyện quốc chính, chỉ mong cơ nghiệp của Đại Ngụy vững bền mãi mãi, xin to gan nói thẳng như vậy! - Những lời này khiến cho mọi người đang nơm nớp lo sợ cũng thở phào nhẹ nhõm. Ông ta không hổ danh là người dạn dày kinh nghiệm, một tràng phản đối kịch liệt được chỉnh sửa thành những lời lẽ trơn tru không góc cạnh, còn tung hô cơ nghiệp Đại Ngụy vững bền mãi mãi, đưa chữ “trung” đặt lên hàng đầu, như vậy cũng chỉ mang danh ngang ngược chứ không đến mức phải chịu tội.
Tào Tháo cũng không ngờ rằng cuộc trưng cầu ý kiến lại biến thành như thế này, chủ đề nói đến lúc này không còn là thiên tai địch họa mà đã thành Ngụy quốc có nên thay đổi tiêu chuẩn chọn quan hay không. Chỉ trong một thời gian ngắn, đây đã là lần thứ hai có người phản đối cách dùng lại trị của Tào Tháo, nên ông cũng không thể không nghi ngờ, đưa mắt nhìn về phía Trương Lỗ, thấy ông ta vẫn ngồi ngay ngắn; lại tiếp tục nhìn về phía đám người Bính Nguyên, thấy ai cũng gật gù. Đám người này mặc dù không để ý đến nhân tình thế thái, cũng không quan tâm đến chính sự, nhưng vẫn không tán đồng cách làm của Tào Tháo, họ chỉ biết tỏ ra nghiêm chính phong nhã, khôn khéo giữ mình, nay Tống Trung dám nói ra những điều trong lòng, bọn họ tất nhiên sẽ họa theo. Lúc này, ngay đến Chung Do cũng cúi đầu không nói. Dù sao Chung Do cũng xuất thân từ danh gia vọng tộc ở Dĩnh Xuyên, từ nhỏ đã học kinh thư nên những điều suy nghĩ trong lòng chẳng lẽ lại không giống Tống Trung. Chỉ có Trình Dục và Giả Hủ vẫn an nhiên tự tại, uống hết chén này đến chén khác, hai người họ chủ động tránh xa những chuyện thị phi, chỉ chuyên tâm ăn uống để tránh bị lôi vào chuyện này.
— Tống phu tử xin hãy đứng lên… - Tào Tháo cũng không chê trách ý tốt của Tống Trung, nghĩ ngợi một lúc lâu mới nói, - Thế gian này, mỗi người có một khả năng khác nhau, có người hiền lành đơn giản, có kẻ ham muốn lập công, có người giàu phẩm hạnh, cũng có kẻ kỳ quái, ta chỉ dựa vào đặc điểm của từng người mà bố trí chức vụ, có gì là không được?
Tống Trung lại nói:
— Ca ngợi người tốt nhưng không tín nhiệm, căm ghét kẻ xấu nhưng không trừ bỏ. Những người tốt biết mình được coi trọng nhưng lại không được dùng, họ sẽ oán trách ta. Còn kẻ xấu biết ta không thích họ, cũng sẽ thù ta. Để cho người tốt oán trách ta, kẻ xấu hận thù ta thì thiên hạ sao có được thái bình?
Nếu đấu miệng thì Tào Tháo khó thắng được Tống Trung, liên tiếp ba lần bị phản bác, cơn giận của Tào Tháo đã bốc quá đỉnh. Không cần biết Tống Trung xuất phát từ ý tốt, Tào Tháo hất chén rượu, đang định thét lớn, đột nhiên nghe thấy dưới lầu có tiếng người hét:
— Có người tạo phản!
Mọi người đều giật mình kinh hãi, vội bám vào lan can nhìn xuống. Đồng Tước đài cao mười trượng, đứng từ trên có thể thấy hết Ngụy cung, phía đường Tây Giáp có mười mấy vệ binh đang vung đao múa kiếm, xông đến cửa đại môn ở Tây Uyển giáp chiến với quân gác cổng.
Tây Uyển vốn là nơi thưởng cảnh, không có nhiều lính gác, chỉ có một đội thị vệ ở cổng, thấy đám người đi tới đều là người của mình nên không kịp phòng bị đã bị chém gục gần hết, cửa đại môn hỗn loạn. Trong nháy mắt, đám người kia đã xông đến dưới Đồng Tước đài, mọi người ai cũng sợ hãi, mặt cắt không còn giọt máu.
Trình Dục vẫn còn ngây ngất men rượu, chếnh choáng nhìn xuống dưới, cười nói:
— Bọn phản tặc ngu xuẩn, mười mấy người mà dám xông vào Đồng Tước đài, chẳng phải là tự tìm chỗ chết sao? - Quả nhiên đúng như Trình Dục dự liệu, dưới lầu Đoàn Chiêu, Nhậm Phúc dẫn theo đám thân binh, thị vệ xông ra bảo vệ cửa đài, vừa nhìn thấy bọn phản tặc lập tức lao tới kịch chiến. Kho cất bảo vật và chuồng ngựa quý nằm ở phía nam Đồng Tước đài cũng có mấy binh lính giữ cửa, thấy có biến cũng vung đao xông tới. Lính hộ giá tuy không nhiều nhưng đám tạo phản cũng chỉ mười mấy tên, hai bên kịch chiến, trong cung đại loạn. Tiếng chuông, tiếng trống vang lên tứ phía, lang trung, dũng sĩ hổ bôn, hổ báo kỵ từ các nơi xông ra đông như kiến, hơn trăm người đều chạy đến Tây Uyển. Đám phản tặc biết rõ không thể đối đầu nên tỏa ra bốn phía chạy trốn: có người bị Đoàn Chiêu bắt sống, có kẻ vừa chạy về đường Tây Giáp đã bị lính hổ bôn chém chết tại trận, có người sợ hãi nhảy luôn xuống hồ sen, có kẻ nhanh chân trèo lên cây ngô đồng ở góc vườn để nhảy lên tường trốn thoát. Chỉ trong chốc lát, bên ngoài cung cũng hỗn loạn, thị vệ lần theo chân tường mà chặn đường phản tặc…
Tào Tháo cũng giống Trình Dục, không coi mấy tên lính tạo phản kia ra gì, nhưng trận binh biến này lại xảy ra ngay trước mắt nên cũng khiến ông suy nghĩ. Không lâu sau, cả đội quân hộ giá có mặt, đứng kín chân lầu, Đoàn Chiêu đứng bên dưới nói vọng lên:
— Binh trưởng Tả Dịch môn là Nghiêm Tài làm loạn, đã bị giết quá nửa, xin đại vương yên tâm!
— Nghiêm Tài? - Tào Tháo công việc bận rộn, sao có thể nhớ được tên lính tép riu này, chỉ cười gằn rồi xua tay:
— Truyền lệnh đóng cửa thành, sĩ dân về nhà không được phép ra đường, gọi Dương Huyện lệnh phái quân bắt hết phản tặc về, không được để lọt tên nào!
— Rõ. - Dưới đài giải tán binh sĩ, Đoàn Chiêu, Nhậm Phúc áp giải phạm nhân đi, các binh sĩ khác trở về vị trí của mình.
Chuyện thiên tai còn chưa tìm được hướng giải quyết, lại xuất hiện trận hỗn loạn, lát nữa các quan nghe thấy tiếng trống đều sẽ kéo vào trong cung, buổi tiệc không thể tiếp tục. Tào Tháo đang phiền muộn, bỗng quay lại nhìn rồi cười - Các học sĩ đang có mặt trên đài đều hồn vía lên mây, có người run lẩy bẩy, có kẻ trốn sau cột trụ, Tống tiên sinh vừa nãy còn hùng hồn rao giảng đạo nghĩa lúc này đã chui vào gầm bàn.
— Ha ha ha!… - Tào Tháo bật cười đắc ý, cơn giận vừa rồi cũng biến mất, nói móc:
— Mấy tên lính tép riu làm loạn còn chưa lên đến đây, vậy mà các ngài đã sợ xanh mặt như vậy, uổng công ngồi đây luận đạo, còn đòi bãi bỏ chức quan của tướng sĩ dũng cảm trên sa trường? - Nói xong phất tay áo bỏ đi.
Chung Do xấu hổ, chỉ gật đầu chào mọi người rồi vội vàng đi theo. Tào Tháo đến cầu thang lại nhìn xuống dưới - binh lính đã đi bắt những tên đào thoát, đường lớn ngõ nhỏ đông như mắc cửi, trước cổng các phủ quan đã chuẩn bị xe để vào cung vấn an, đặc biệt có một người đang chạy trên đường Trung Dương. Người này mặc y phục đỏ sẫm, lưng đeo túi da, đầu đội mũ quan, tay cầm kiếm, rõ ràng là sắc phục của liệt khanh, đang nhấc vạt áo chạy thẳng về phía cửa cung.
Mặc dù đứng cách khá xa, nhưng Tào Tháo vẫn đoán ra đó là Vương Tu, người vừa được phong là Phụng thường, liền chỉ tay nói:
— Đây ắt là Vương Thúc Trị. Trong lúc binh hoảng mã loạn, phúc họa khó lường mà vẫn không màng an nguy chạy vào cung hộ giá, đúng là trung thần!
Nhưng Tào Tháo vừa mới khen xong, sau lưng lại có tiếng thì thào:
— Vương Tu là quan cũ của họ Viên, lại được Khổng Dung cất nhắc, chưa chắc đã phải là người đức hạnh…
— Sao kia? - Tào Tháo quay đầu trợn mắt nhìn.
Đám Tống Trung đang thì thầm, bỗng thấy ông quay đầu lại, sợ như chuột thấy mèo, không dám động đậy.
— Hừ! - Tào Tháo phất ống tay áo, quay người bước xuống lầu, trong lòng càng thấy mông lung.
Bãi chức Từ Dịch
Tào Tháo xưng vương, Ngụy quốc đáng lẽ phải bừng bừng khí thế, vui mừng hân hoan, nào ngờ điềm lành không xuất hiện, lại còn xảy ra một trận binh đao hỗn loạn. Chuyện này bắt nguồn từ binh trưởng Nghiêm Tài gác cổng, người này từng là quân hầu bị Tào Tháo giáng xuống làm quân lại nên đã lôi kéo mười mấy binh lính canh giữ Tả Dịch môn làm loạn. Tả Dịch môn là một cửa ngách nằm ở phía tây cửa Chỉ Xa môn, trong Tây cung, thông với đường Tây Giáp. Bình thường Tào Tháo xử lý chính sự ở Đông cung, nếu không có nghi lễ gì trọng đại thì điện Vãn Xương ở mé tây sẽ không mở, cửa Chỉ Xa môn cũng thường xuyên đóng kín, đi về phía tây lại có vườn Đồng Tước chỉ dành riêng cho gia đình Tào Tháo, nên bình thường Tả Dịch môn cũng không mở.
Năm xưa, Nghiêm Tài lĩnh chức ở bãi khai thác đá của Tả hiệu thự uy phong biết bao, nay lại bị giáng xuống một chỗ rách nát, ngày nào cũng phải canh giữ cánh cửa không bao giờ mở, đừng nói là không có hy vọng thăng quan tiến chức, mà ngay cả cơ hội được tiếp xúc với một viên quan quèn cũng chẳng có, cả ngày chịu sự sai khiến của Vệ úy, gia sản cũng bị Khổng Quế lừa lấy hết nên vô cùng bất mãn, những kẻ theo Nghiêm Tài cũng ôm oán hận trong lòng. Đám người này cũng không biết trời cao đất dày, muốn giết Tào Tháo để rửa hận, nhưng chỉ dựa vào mấy người mà đòi xông lên đài Đồng Tước giết Ngụy Vương, đúng là chuyện nực cười.
Đối với việc làm loạn hoang đường này, không cần phải điều cả đại quân ở bên ngoài thành, chỉ cần thị vệ của các nơi trong vương cung ra tay là có thể dẹp yên. Nghiêm Tài bị bắt và phanh thây ngay tại trận, hơn mười tên đồng đảng bị giam vào ngục, còn những kẻ chạy ra khỏi cung cũng đã bị Dương Bái tóm gọn. Sự việc tuy không lớn nhưng náo loạn trong ngoài cung làm mọi người hoang mang, mưu sát Ngụy Vương bất luận thế nào cũng là vụ án lớn, Tào Tháo tức giận, muốn truy cứu ra hung thủ đứng sau, lệnh cho Đại lý tự xét xử. Chung Do không dám chậm trễ, đích thân xét hỏi, nhưng hỏi mấy lần mà vẫn không tìm ra được âm mưu đằng sau. Chuyện này vốn do Nghiêm Tài oán hận mà làm, không có ai xúi giục.
Nhưng kết quả này không làm cho Tào Tháo hài lòng. Theo cách nghĩ của ông, nếu không có ai đứng đằng sau thì làm sao mấy tên lính nhãi nhép có thể làm chuyện tày trời như vậy? Không phải là bọn chúng thông đồng với địch, mà có thể liên quan đến quân thần ở Hứa Đô. Chung Do không có cách nào khác, đành miễn cưỡng xét hỏi tiếp, dùng hết cực hình mà kết quả không có gì tiến triển. Đám phạm nhân này biết mình khó thoát khỏi cái chết, phải chịu cực hình thì thà chết còn sung sướng hơn, cuối cùng đều khai ra câu “Tận trung với nhà Hán, diệt gian thần giúp nước.” Tào Tháo nghe được sợ đến nỗi không dám làm to chuyện, vội giết hết để kết thúc vụ án.
Nhưng Tào Tháo vẫn chưa nguôi giận, giao cho Lang trung thự, Vệ úy thự tiến hành điều tra triệt để, chỉ cần tra ra người có sai phạm nhỏ cũng đều bị xung quân, binh trưởng của các cửa được thay bằng người Bái Quốc. Dần dần điều tra đến cả nhân sĩ mạc phủ và triều đình, nghiêm ngặt xét hỏi đồng hương, gia tộc, cộng sự của các binh lính phản nghịch, hỏi đi xét lại hơn mười ngày. Điều tra xét hỏi các quan vốn là những chuyện nhạy cảm, gây nhiều ân oán, khó tránh khỏi nhiều người trước nay không hài lòng mượn cớ nổi giận, bất bình.
— Chỉ tuyển người tài gì chứ, ta thấy cứ thân là được nhận chức, Lã Chiêu xuất thân chỉ là nô bộc nhà họ Tào, nay làm đến chức Hiệu úy, đây là đạo lý gì?
— Ta chỉ là một Công tào tép riu ở huyện, nhưng cháu ta là Biệt giá, lẽ nào khi gặp nó ta phải quỳ sao?
— Mao Giới tuyển quan chỉ chuộng sự giản tiện, lần trước ta dự tuyển chỉ vì mặc đẹp một chút mà cuối cùng cũng không được nhận chức duyện thuộc…
— Còn nhớ Lý Phu không? Năm xưa đại chiến giữa Viên thị và Tào thị, Lý Phu đã ra vào Nghiệp Thành giữa thiên binh vạn mã, ngay cả chúa công cũng coi trọng, năm ngoái tự nhiên bị đưa đến tận một huyện nhỏ xa xôi. Thôi Diễm lại tiến cử một tên Dương Huấn chẳng ra gì, lúc chúa công xưng vương, hắn là người dâng thư chúc mừng đầu tiên, rặt những lời nịnh bợ, đúng là đồ xu nịnh!
Kẻ nói vô tình người nghe hữu ý, nhất là những kẻ đang mở to mắt để bới lỗi. Tây tào thuộc Đinh Nghi lâu nay không thích các trưởng quan, trong lòng lại ghét Thôi Diễm, Mao Giới không bảo vệ Tào Thực, nghe thấy những lời đó thì rất đỗi vui mừng, lập tức bẩm báo với Tào Tháo. Tào Tháo lại rất mực yêu quý hậu duệ của Đinh Xung, có lời nào mà không nghe lọt tai, do vậy càng chỉ trích Đông Tây tào duyện, chuyện này ầm ĩ từ thuộc hạ lên quan trên. Kết quả là Tây tào duyện Từ Dịch bị bãi quan vì tội thiếu đôn đốc giám sát. Đinh Nghi cầu được ước thấy, thăng chức Tây tào duyên cùng với Đông tào duyên Hà Quỳ nắm giữ nhiệm vụ tuyển quan.
Lệnh này vừa được truyền xuống, quần thần thi nhau suy đoán: Sau khi tây chinh trở về, thái độ của Tào Tháo về việc lập người kế vị hết sức mềm mỏng, lúc xưng vương cũng không lập thái tử, thậm chí cũng rất ít gặp Tào Phi và Tào Thực, càng không giao cho nhiệm vụ gì, làm cho mọi người càng khó hiểu, không thể biết được ông đang nghĩ gì. Hiện nay, việc bổ nhiệm này đã giải đáp nghi ngờ của họ, Đinh Nghi thuộc phe Tào Thực, còn Hà Quỳ xưa nay là người làm việc thận trọng không tham gia các chuyện thị phi, nên cũng không thể hiện thái độ về việc lập người kế vị, coi như đứng giữa. Thế cân bằng giữa hai phe phái Đông Tây tào bị phá vỡ, Tào Phi thất thế, vì vậy nhiều người phán đoán đại vương đã chọn Tào Thực.
Tào Tháo không để ý quần thần suy nghĩ như thế nào, điều ông quan tâm nhất lúc này là làm thế nào ổn định được tình hình rối ren trước mắt. Ông vốn định sau khi phong vương xong sẽ tự thưởng cho bản thân, may thêm y phục đế vương, nhưng lúc này không còn tâm trạng nghĩ việc đó, nhật thực, hạn hán, tạo phản xảy ra liên tiếp ảnh hưởng đến tiếng tăm của ông, dân đen ngu muội sẽ có dị nghị, hơn nữa việc tuyển quan đang nhận được chú ý, Tào Tháo không thể xóa bỏ việc này, nên đã truyền lệnh triệu Hà Quỳ, Đinh Nghi đến dặn dò…
Đinh Nghi cung kính đứng trên đại điện, tuy ngoài mặt tỏ ra kính cẩn, nhưng trong lòng đang dậy sóng. Đinh Nghi vừa được phong chức Tây tào duyện, các nhân tài, quan lại Nghiệp Thành đều nói hắn tuổi trẻ đắc chí, tiền đồ rộng mở. Nhưng Đinh Nghi cũng hiểu rất rõ, để ngồi lên vị trí này, ngoài tài cán của bản thân ra thì còn do phụ thân phù hộ. Đinh Xung, phụ thân của Đinh Nghi vừa là bằng hữu vừa là đồng hương của Tào Tháo, nếu xét đến nguyên phối Đinh thị của Tào Tháo, ít nhiều còn có quan hệ thân thích. Đinh Xung khi nghênh đón thiên tử về phía đông đã có nhiều công lao, từng giữ chức Tư lệ hiệu úy, nhưng vì nát rượu mà chết, Tào Tháo đã dành sự đãi ngộ này cho tử tôn của ông ta. Vì vậy không chỉ có Đinh Nghi làm Tây tào duyện mà đệ đệ Đinh Dực gần đây cũng được nhận chức Hoàng môn thị lang, trở thành cận thần của Ngụy Vương. Cho nên, hắn luôn nhắc nhở bản thân phải dốc lòng báo đáp ân đức của Tào thị, tận tâm tận lực phục vụ xã tắc này; nhưng trước mắt vẫn còn một sứ mệnh chưa hoàn thành, đó là phò tá Lâm Tri hầu lên ngôi. Trong tâm niệm của Đinh Nghi, phò tá Tào Thực chính là tận trung với Tào Ngụy, đây không chỉ liên quan đến vinh nhục của Ngụy quốc mà còn gắn liền với họa phúc của bản thân.
Đinh Nghi đánh đổ được Từ Dịch không có nghĩa là thắng lợi, vì Mao Giới và Thôi Diễm vẫn còn đó. Mặc dù họ đã chuyển sang làm Thượng thư, nhưng Thôi Diễm từng đảm đương nhiệm vụ tuyển chọn quan lại gần mười năm, Mao Giới còn làm được hai mươi năm, uy vọng và giao thiệp vô cùng rộng rãi, sau này bất luận là ai kế nhiệm đều không thoát khỏi cái bóng lớn này. Nếu Đông tào duyện, Tây tào duyện được so sánh là thiên tử, thì Mao Giới, Thôi Diễm giống như Ngụy Vương, mặc dù không tại vị nhưng uy danh rất lớn.
Nghĩ đến đây, Đinh Nghi lén nhìn Hà Quỳ, không biết ông ta như thế nào? Đinh Nghi tuy tuổi còn trẻ nhưng đến Nghiệp Thành đã nhiều năm, nhờ quan hệ của phụ thân mà cũng được nghe không ít chuyện quan trường, nhưng ấn tượng về Hà Quỳ thì luôn mơ hồ. Hắn chỉ biết Hà Quỳ Hà Thúc Long là người trong gia tộc quyền quý ở quận Trần, năm xưa từng bị Viên Thuật ức hiếp, sau đó chạy theo Tào Tháo. Con người này tuy có tiếng tăm nhưng rất ít khi nhận xét về tình hình chính sự, cũng không đếm xỉa đến tranh chấp giữa Tào Phi và Tào Thực. Từ khi Ngụy quốc được lập, ông ta về làm ở trung đài nhưng không để lộ điều gì, nhiều lúc người khác còn quên mất sự tồn tại của ông ta, nhưng có một điểm trái ngược là cách sống xa hoa: quần áo là lượt, xe ngựa lộng lẫy, phủ đệ đẹp đẽ, nghe nói đồ ăn thức uống trong nhà cũng rất được xem trọng, một bàn tiệc tốn hết một vạn tiền. Nhưng gia tài của Hà Quỷ không phải dựa vào bổng lộc mà nhờ vào sản nghiệp giàu có của nhà họ Hà ở quận Trần. Không thể tưởng tượng được, một người luôn đề cao tiết kiệm như Tào Tháo lại có một đại thần như thế, lại còn làm việc nhiều năm với những quan viên nổi tiếng thanh bần là Viên Hoán, Mao Giới một cách bình yên vô sự. Trước khi được Tào Tháo triệu vào cung, Đinh Nghi cũng nghĩ đủ cách để tiếp cận người này, nhưng Hà Quỳ không gần không xa, rất khó đoán biết.
Thực ra, không chỉ có Đinh Nghi mà ngay cả Tào Tháo cũng không thật sự hiểu con người này, ông vừa dặn dò lại vừa suy xét Hà Quỳ - Trong mắt Tào Tháo, vị lão thần đức hạnh ngời ngời này làm việc không theo quy tắc của ông, nhưng lại luôn mang đến cho ông sự ngạc nhiên, thích thú. Khi xưa, hải tặc Quảng Thừa câu kết với Công Tôn thị ở Liêu Đông làm phản, gây mất ổn định tại các vùng ven biển Thanh, Từ, Tào Tháo đã bổ nhiệm Hà Quỳ làm Thái thú Trường Quảng, cùng với Nhạc Tiến, Lý Điển tấn công tiêu diệt bọn chúng. Nhưng sau khi nhận chức, ông ta lại sai một Huyện lệnh có quan hệ thân thiết với Quảng Thừa đến chiêu hàng, mặc dù không tiêu diệt tận gốc hải tặc như Tào Tháo mong muốn, nhưng đã thu được không ít thuyền bè và thủy binh, nếu không muốn nói là thu hoạch lớn. Sau này, Tào Tháo đề ra luật thu thuế mới, không nơi nào không tuân theo, song đến quận Trường Quảng, Hà Quỳ lấy lý do chiến loạn chưa ổn định nên không thực thi, Tào Tháo không còn cách nào khác đành điều ông ta về mạc phủ. Không lâu sau, quận An Lạc xuất hiện phản loạn, Tào Tháo lại sai Hà Quỳ đi đánh dẹp, nhưng lần này không biết ông ta dùng cách gì mà từ chuyện lớn hóa thành chuyện nhỏ, dần dần dập tắt được phản loạn. Mặc dù Hà Quỳ luôn làm những chuyện không hợp ý của Tào Tháo, nhưng ông cũng không có cách nào chê trách được, vì vậy khi lập quốc, Tào Tháo đã căn cứ vào công lao và danh vọng để đưa Hà Quỳ vào hàng Thượng thư.
Tào Tháo từ đầu đến cuối nói toàn những lời cũ rích, nhắc lại tầm quan trọng của việc tuyển quan, dặn dò hai người họ phải tận lực vì đại cục, nhưng chủ yếu vẫn phải học hỏi kinh nghiệm từ Mao Giới, tuân thủ chủ trương “có tài mới chọn”. Sau cùng, Tào Tháo nhấp xong chén nước, mỉm cười hỏi:
— Các ngươi còn có điều gì chưa rõ không?
Đinh Nghi vừa nghe giáo huấn nửa ngày, cũng đã chuẩn bị lời để nói, nhưng Hà Quỳ lại tranh nói trước:
— Thần có điều xin khởi tấu.
— Nói đi. - Tào Tháo cũng khá bất ngờ.
— Thần có kiến giải khác với cách chọn người tài của Mao công và Thôi công… - Hà Quỳ nói rất bình thản, nhưng nghe câu “có kiến giải khác” thì hẳn không phải là cách nhìn tốt. Đinh Nghi nghe xong thấy phấn chấn hẳn.
— Sao kia? - Tào Tháo mỉm cười. Cách tuyển người của Mao Giới thể hiện chủ trương nhất quán của Tào Tháo, nói có ý kiến với Mao Giới chẳng khác nào có ý kiến với Tào Tháo, chỉ là cách nói khéo.
Hà Quỳ chậm rãi nói:
— Từ khi dụng binh đến nay, chiến loạn liên miên, ta vừa mới đặt ra các loại chế độ, nhưng dùng người không rõ lai lịch, chủ yếu là tiến cử, nhiều khi quên mất phẩm hạnh, đạo đức. Nếu lấy tài đức để xét tước vị thì dân chúng sẽ chú trọng tu dưỡng đạo đức; còn nếu lấy công lao để xét bổng lộc, thì dân chúng sẽ tranh nhau lập công. Theo như thần thấy, nên xem xét tuyển cử từ trong làng mạc, từ già đến trẻ, để tài đức tương xứng, danh đúng với thực. Khen ngợi người trung thành chính trực, biểu dương người công bằng thật thà, như vậy có thể phân biệt người hiền kẻ ngu. Trên thì học hỏi tiết tháo từ triều thần, dưới thì ngăn chặn tận gốc sự tranh đoạt, để đôn đốc quần thần, thống lĩnh dân chúng, như vậy thiên hạ sẽ an ổn.
— Ha ha ha!… Theo như ngươi nói thì có cần phải thi kinh nghĩa, xem xét gia thế, đánh giá nhân phẩm gì đó nữa không? - Tào Tháo tuy đang cười nhưng rõ ràng là có ý trách cứ.
— Thần không dám. - Hà Quỳ vẫn rất bình thản, cúi người hành lễ:
— Chỉ là thần cảm thấy cách chọn người như hiện nay có sai lầm…
— Có sai lầm gì? - Giọng Tào Tháo trở nên nghiêm khắc.
Hà Quỳ nói giọng từ tốn nhưng không rụt rè:
— Từ xưa, dùng người luôn lấy đức làm đầu, sau mới xét đến hành sự, cuối cùng mới là tài năng. Nhưng đại vương lấy tài năng làm đầu, khó tránh khỏi sẽ có nhiều người vì may mắn nên được làm quan. - Đinh Nghi đứng bên cạnh mặt mày nghiêm túc, nhưng trong bụng cười thầm - Hà Quỳ còn chưa chính thức nhận chức, ấn Đông tào còn chưa cầm nóng tay, đại vương chắc chắn sẽ thay người khác.
Nhưng Tào Tháo không hề nổi giận, duy chỉ có cánh tay trái khẽ run run, cau mày nhìn chằm chằm vào Hà Quỳ. Những lời này ông nghe đã nhàm tai rồi, Cao Nhu nói, Tào Tháo có thể cười vì ông ta dám thẳng thắn; Trương Lỗ nói, Tào Tháo có thể coi là những lời lẽ tà đạo; Tống Trung nói, Tào Tháo có thể coi là lời lẽ của bọn mọt sách; nhưng Hà Quỳ bây giờ cũng lại nói như vậy, chẳng lẽ tư tưởng "chỉ cử người tài" của ông lại không hợp lý? Mọi người đều cho rằng chọn người phải dựa vào đức hạnh, liệu có thể coi là công bằng? Thực chất là như thế nào? Tào Tháo cũng không muốn vòng vo, bèn nói thẳng:
— Các ngươi luôn miệng nói là phải lấy đức để chọn người, thực ra chẳng phải là muốn khôi phục lại việc tuyển chọn dòng dõi thế gia khi xưa hay sao? Nếu lại làm như vậy thì nho gia, học sĩ có thể tiến thân, còn những kẻ bần hàn thì lại bị bỏ sót, danh gia vọng tộc các châu quận đều sẽ làm quan, cả triều đình này sẽ toàn quý tộc sao?
Những lời Tào Tháo giữ trong lòng đã bị Hà Quỳ ép phải nói ra, ông không thể để cho đám danh gia vọng tộc, hào cường quý tộc nắm giữ đại quyền.
Nhưng thực ra, Tào Tháo cũng chưa nói hết ý, nếu luận về gia thế thì họ Tào có xuất thân thế nào? Đó là dòng dõi của hoạn quan, chỉ biết nịnh nọt để tiến thân, nếu Tào Tháo cũng xuất thân từ dòng dõi danh gia vọng tộc như Viên Thiệu, có lẽ sẽ không thấy ác cảm như vậy chăng? Những lời này Hà Quỳ không dám nói ra, chỉ chậm rãi râu:
— Nếu đại vương đã nghĩ như vậy, cũng không có gì là không đúng. Mạnh Kha có câu: “Vô hoàn sản nhi hữu hoàn tâm giả, duy sĩ vi năng. Nhược dân, tắc vô hoàn sản, nhân vô hoàn tâm. Cẩu vô hoàn tâm, phóng bách tà xỉ, vô bất vi dĩ đạt.”(*) Từ thời tiên đế cho đến nay, hủy kinh diệt đạo, trọng dụng tiểu nhân, ai ai cũng mong được công danh, nhà nhà đều muốn được phong hầu. Vậy nên dồn dập xuất hiện những kẻ muốn nhờ vào may mắn để tiến thân, kẻ dựa thế người khác, kẻ mua quan bán chức, kẻ tà đạo, kẻ xu nịnh, hỏi sao xã tắc không loạn?
Tào Tháo cũng thầm công nhận luận điệu này, năm xưa chẳng phải ông cũng đứng về một bên với Hà Tiến, Viên Ngỗi mà đối đầu với Kiển Thạc? Chẳng phải ông cũng lên án đám đại thần thăng quan tiến chức nhờ vận may như Hứa Huấn, Phàn Lăng, Nhiệm Chi? Nếu tìm hiểu sâu xa, thì phụ thân của Tào Tháo là Tào Tung và mấy vị thúc phụ chẳng phải cũng là những nhân vật như vậy?
Nhưng Tào Tháo lại đi ngược lại với con đường của gia tộc, công khai bảo vệ đạo lý chính thống, dù sắp nắm trong tay đỉnh cao quyền lực nhưng ông vẫn đang cố che giấu xuất thân này. Ông không dám nghĩ tiếp nữa, bèn xua tay:
— Đủ rồi! Không nhắc chuyện xưa nữa, lúc này thiên hạ rối ren, có thể dựa vào những tên thư sinh cổ hủ, vô dụng để đi diệt Tôn Quyền, đánh Lưu Bị, thống nhất thiên hạ được không?
Hà Quỳ thấy Tháo giận dữ, bèn từ từ quỳ xuống:
— Thời loạn dựa vào binh, thời bình dựa vào sĩ. Trong thời loạn lạc, khen thưởng quân công, coi trọng tài trí không có gì phải bàn, nhưng nay cơ nghiệp của Ngụy Quốc đã lập, nên thay đổi quy định, giương cao đạo nghĩa giáo hóa, để sĩ nhân đi con đường riêng của mình, như vậy mới có thể trị nước ổn định, lâu dài. Giả như không tôn trọng chính đạo, không thi hành đức chính, đất nước không có phép thường, dân chúng sẽ không nghe theo. Mà một khi bách tính không nghe theo quan phủ, người dưới không nghe theo bề trên, lúc đó toàn kẻ tà đạo, nịnh nọt thăng tiến, còn người có tài, có đức đều sẽ ẩn cư. Thần chỉ e Đại Ngụy khó được bình yên mãi mãi…
— Im miệng! - Tào Tháo biết Hà Quỳ nói có lý, nhưng vẫn gằn giọng quát, - Định dọa ta sao! Ta nắm trong tay quyền sinh quyền sát, có gì phải sợ? Ngươi chẳng phải cũng là dòng tộc danh giá ở Trung Nguyên sao, lẽ nào ngươi cũng muốn vào rừng ẩn cư? Ta cho ngươi đi đấy! - Lúc này mới là những lời hăm dọa thực sự.
Lời này không chỉ khiến Hà Quỳ giật mình mà ngay cả Đinh Nghi cũng sợ tới mức mặt cắt không còn giọt máu. Lúc này không thể đứng nhìn được nữa, hắn vội quỳ xuống:
— Những lời của Hà Đông tào cũng đều xuất phát từ tấm lòng trung, đại vương hà tất…
— Đại vương tha tội… - Hà Quỳ run rẩy mở miệng, rồi dập đầu với Tào Tháo, - Thần có một vật, xin to gan trình lên đại vương.
— Vật gì?
Hà Quỳ lập cập rút từ trong tay áo ra một lọ gốm màu xanh.
Tào Tháo tò mò:
— Đây là cái gì?
— Rượu độc…
Tào Tháo càng tức giận:
— Nhà ngươi đem rượu độc vào cung, có phải là muốn uy hiếp quả nhân? Muốn dùng cái chết để can gián sao?
— Thần không dám, rượu độc này không phải hôm nay mới chuẩn bị, nó đã ở trong tay áo thần gần hai mươi năm. - Hà Quỳ lấy lại sự bình tĩnh, chậm rãi nói, - Thần biết đại vương là nhân tài cứu thế, vì vậy thần luôn một lòng trung thành. Nhưng đại vương cai trị quá hà khắc, đặt nhiều chức quan không giống lẽ thường. Duyện thuộc, Tòng sự chỉ hơi thất trách đã bị trách phạt, lại thêm việc trọng dụng Hiệu sự để giám sát, theo dõi gian thần. Thần xuất thân trong sạch, quý trọng danh tiết, thường lo rằng nếu mình xử lý công việc không cẩn thận sẽ bị lăng nhục, vì vậy lúc nào cũng mang theo lọ thuốc độc này, thà chết chứ không thể chịu nhục! Nếu có một ngày, đại vương cũng trách tội nói thẳng, nói thật này của thần, thần cũng sẽ tự sát chứ quyết không chịu nhục!…
Giọng nói sầu muộn của Hà Quỳ vang trong đại điện. Tào Tháo ngây người nhìn lọ rượu độc - nó tựa như một cái gương soi sáng kẻ sĩ, cũng là soi sáng bản thân Tào Tháo. Ông bỗng nhiên cảm thấy cô độc, bên cạnh chẳng có một ai, như thể tất cả quần thần phụng sự ông không phải vì tài trị quốc của ông, không phải vì công danh lợi lộc, mà vì Tào Tháo dù có tài cứu vãn thế đạo trong thời loạn, cũng không có nhiều người khâm phục, ca ngợi ông thật lòng. Có thể hiện nay ông đã là vua chư hầu, nhưng trong mắt của những danh gia vọng tộc, Tào Tháo vẫn là người dị biệt, vẫn là dòng dõi xấu xa của lũ hoạn quan đã làm bẩn chốn quan trường, suy nghĩ này chưa bao giờ thay đổi.
Im lặng hồi lâu, cuối cùng Tào Tháo mới mở miệng:
— Ây dà… Hà công đứng lên đi, ta hiểu rồi…
Hà Quỳ run rẩy cầm lấy lọ rượu độc, cất vào trong tay áo:
— Thần thất lễ…
— Hiểu rồi… hiểu rồi… - Tào Tháo lẩm bẩm hồi lâu mới nói, - Giờ ngươi đã là Tây tào, nắm quyền hành trong tay, vậy tùy ý ngươi sắp xếp.
Đinh Nghi không dám tin vào tai mình - Tùy ngươi sắp xếp? Đây chẳng phải có ý muốn sửa đổi lề lối sao? Chẳng phải là muốn thỏa hiệp với cao môn thân sĩ sao? Quy định tuyển chọn quan lại đã được thực hiện hai mươi năm nay kể từ khi cử binh tại Duyện Châu, lẽ nào lại thay đổi?
Đinh Nghi liếc nhìn Hà Quỳ một cách tôn kính, thực không ngờ một người hằng ngày làm việc thận trọng, tỉ mẩn như ông ta lại có thể khiến Tào Tháo phải khuất phục… Không! Có lẽ Hà Quỳ chỉ là người can gián, còn đây là nguyện vọng của mọi người? Nghĩ đến đây, Đinh Nghi hai mắt sáng lên - nếu như tiêu chuẩn “chỉ cử người tài” thay đổi, vậy thì chế độ cũ mà Mao Giới, Thôi Diễm thực hiện và cả uy danh của họ chẳng phải sẽ không còn nữa sao?
Đinh Nghi có chút nghi ngờ, cẩn thận dò xét:
— Khải bẩm đại vương, Thị trung Hòa Hiệp từng nói Mao công tuyển quan quá chuộng sự giản dị, có thể bỏ sót người tài, vậy sau này có thể sửa đổi luật này chăng?
— Tất nhiên là như vậy. - Tào Tháo gật đầu.
Đinh Nghi trong lòng hoan hỉ, nói giọng phấn khởi:
— Người mưu trí nghĩ ngàn việc cũng phải có một hai việc sai. Cách chọn người của Thôi công tuy tinh tường, công chính nhưng đôi khi cũng khó tránh khỏi sai lầm. Lần trước chọn Dương Huấn người quận Cự Lộc, không đủ tài mà may mắn được tuyển, nhiều người rất không vừa ý.
— Hừ. - Tào Tháo cười gằn, không thể hiện thái độ gì. Tuy vậy chỉ cần tiếng cười lạnh lùng là đủ. Lần trước, Thôi Diễm công nhiên dâng tấu về chuyện lập thái tử, khiến ông vẫn chưa nguôi cơn giận.
Hà Quỳ hành lễ cáo từ, Đinh Nghi cũng theo ra. Ra khỏi đại điện trong lòng không giấu nổi vui mừng, cười không thành tiếng: Quá hoàn hảo, đúng là cơ hội ngàn năm có một! Mao Giới, Thôi Diễm chưa bao giờ lại yếu thế hơn lúc này, cơ hội loại bỏ cái gai của Lâm Tri hầu cuối cùng đã đến!
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9