God be thanked for books! they are the voices of the distant and the dead, and make us heirs of the spiritual life of past ages.

W.E. Channing

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Thùy Linh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 29
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 141
hông tham đánh trận, Tào Tháo mất cơ hội diệt Thục
Thiên sư hàng Tào
Trận chiến trên bến Tiêu Dao làm cho uy danh của Trương Liêu lừng lẫy khắp nơi, binh sĩ bại trận trở về thi nhau kể chuyện, do đó danh tiếng của Trương Liêu cả đất Giang Đông không ai không biết. Nghe nói ngay đến trẻ con ở Giang Đông nửa đêm quấy khóc, chỉ cần cha mẹ dọa “Trương Liêu đến đấy!” là chúng sẽ lập tức im bặt, còn sợ hơn cả ma!
Tin thắng trận truyền đến Hán Trung, Tào Tháo vui mừng hân hoan. Nhưng chuyện vui không chỉ có vậy, đến tháng Chín, Đổng Chiêu cầm theo chiếu thư của thiên tử đến Hán Trung, tuyên bố từ ngày hôm nay, mọi việc liên quan đến bổ nhiệm quan lại địa phương, gia phong hầu tước sẽ do Tào Tháo tự quyết định, không cần phải thỉnh tấu triều đình. Chiếu thư này ca ngợi công đức và khuếch trương tài cán của Tào Tháo:
Phàm là chuyện đại sự trong quân đều nằm ở thưởng phạt. Khuyến khích điều thiện, trừng trị điều ác, phải được làm ngay. Bởi vậy, sách Tư Mã pháp nói "khen thưởng chớ để đến hôm sau" là bởi muốn dân chúng mau chóng nhận được lợi ích khi làm việc tốt… Vua có thể nhận mệnh cho nhị bá, cửu khanh, nhưng những khi hành quân ngoài vùng kinh kỳ, thành bại chỉ nằm trong chốc lất, mà lại trì hoãn khen thưởng để đợi chiếu thư đến, tất sẽ làm lỡ việc. Đó vốn không phải ý của trẫm. Từ nay về sau, Tào công tùy việc mà xét ban thưởng phong hiệu, tạm khắc ấn chương, để cho các bậc trung lương khuyến khích lẫn nhau, không còn hoàn nghi nữa.
Không nghi ngờ gì nữa, đây là điều mà Tào Tháo mong muốn, cũng là kế sách mà đám Đổng Chiêu vẽ ra, và cũng là sự thỏa hiệp của thiên tử để bảo vệ chính mình. Lưu Hiệp vừa là thiên tử lại vừa là con rể, để bảo toàn được mạng sống đành phải nịnh bề tôi kiêm nhạc phụ của mình, nên đã nhường cả quyền phong quan phong tước. Chúng nhân đều ý thức rõ, thiên hạ nhà Hán thực sự đã diệt vong!
Tào Tháo từ lâu đã nóng lòng, sau khi nhận chiếu thư lập tức tuyên bố xây dựng bốn tước gồm Ngũ đại phu, Quan ngoại hầu, Quan trung hầu, Danh hiệu hầu để khen thưởng tướng sĩ lập công, cộng thêm chức Liệt hầu, Quan nội hầu đã có thì trong quân đội có tất cả sáu tước vị, như vậy cơ hội được phong tước trong triều đình mới sẽ nhiều hơn, ai cũng có phần. Tào Tháo lại đem của cải ở kho phủ Nam Trịnh phân phát, khao thưởng tướng sĩ chịu nhiều vất vả. Mọi người vừa được phong tước, vừa được thưởng tiền, ai cũng vui mừng khôn xiết, tung hô Tào công vạn tuế.
Không lâu sau lại có thêm tin vui, dưới sự hòa giải của các tế tửu trong Thiên sư đạo, Trương Lỗ cuối cùng đã dẫn theo huynh đệ tử tôn ra khỏi núi, cam tâm tình nguyện khuất phục Tào Tháo. Hơn nữa, đi cùng ông ta không chỉ có các nguyên lão trong giáo phái, mà còn có Thất tính Di Vương Phác Hổ, Tống ấp hầu Đỗ Hoắc. Một nước hùng mạnh phải có phiên quốc quy thuận, Trương Lỗ đầu hàng còn dẫn theo hai thủ lĩnh Man Di, đúng là lễ vật hậu hĩnh, khiến cho Tào Tháo nở mày nở mặt. Tào Tháo chính thức đổi lại quận Hán Ninh thành quận Hán Trung, nhập hai huyện Phân Tích, Thượng Dung thành quận Thượng Dung, hai huyện An Dương, Tây Thành thành quận Tây Thành; bổ nhiệm Thân Dam làm Thượng Dung đô úy, Thân Nghi làm Thái thú Tây Thành; đất quận Ba núi non trùng điệp lại có nhiều thổ dân, nên quyết định chia đôi, bổ nhiệm Phác Hồ làm Thái thú Ba Đông, còn Đỗ Hoắc làm Thái thú Ba Tây. Tất nhiên, sự bổ nhiệm này chỉ là trên danh nghĩa, thực tế họ không nắm nhiều quyền hành, Tào Tháo muốn mượn sự trợ giúp từ các hào tộc địa phương và thủ lĩnh bộ lạc để lôi kéo lòng người. Vì Lưu Bị đang ở Thành Đô, nếu Tào Tháo khinh thường, tất sẽ đẩy họ quay sang ủng hộ Lưu Bị. Mấy tên đầu mục này tuy không thể làm được chuyện lớn, nhưng vẫn có thể dùng để phá đám kẻ khác.
Chuyện khiến người ta ngạc nhiên nhất chính là việc Tào Tháo ân phong cho cả gia tộc Trương Lỗ, đây rõ ràng là một việc vô tiền khoáng hậu. Trương Lỗ từ chức Trấn dân trung lang tướng thăng quan thành Trấn Nam Tướng quân, gia phong làm Lang trung hầu, hưởng ấp phong một vạn hộ; Trương Lỗ có bảy người con trai, Quý làm Nam quận Thái thú, đều hưởng lương hai ngàn thạch. Vẫn chưa thì năm người đã trưởng thành, Trương Phú, Trương Quảng, Trương Thịnh, Trương Dật, Trương Cự đều được phong làm Liệt hầu, trong đó con cả là Trương Phú còn được phong làm duyện thuộc; lại phong cho nhị đệ của Trương Lỗ là Trương Vệ làm Chiêu Nghi Tướng quân, tam đệ là Trương Quý làm Thái thú Nam quận, Tào Tháo còn định kết thông gia với Trương Lỗ, cưới con gái của Trương Lỗ cho Hương hầu Tào Vũ; tiếp tục phong cho tâm phúc của Trương Lỗ là Diêm Phố làm Lạc đình hầu, phong cho Tòng sự Lý Hưu làm duyện thuộc… Các tế tửu của Thiên sư đạo đều được vời làm quan trong Ngụy đình, số người bước vào phủ Thừa tướng nhiều không kể hết.
Trương Lỗ có phong ấp vạn hộ, bảy người con thì năm người được phong hầu, huynh đệ, con cái, tâm phúc đều được thơm lây, nếu sớm quy hàng thì chắc chắn không được đãi ngộ như thế này, ngay cả các nguyên lão triều đình, công thần Tào doanh cũng chẳng ai được như vậy. Người có tước vị cao nhất trong số các tướng Tào doanh là Hạ Hầu Đôn mà cũng chỉ có ấp phong hai nghìn năm trăm hộ, vậy mà Trương Lỗ rõ ràng từng là kẻ địch lại được hưởng ấp phong lớn gấp bốn lần, trên danh nghĩa ông ta là chư hầu có một vạn hộ, nhưng nếu cộng thêm phong thưởng của năm người con trai, e rằng chỉ đứng sau họ Tào. Chúng tướng bàn tán xì xào, cho rằng chúa công đã quá vội vàng, không dễ gì có được quyền phong hầu, nhưng có vẻ hơi quá đá!
Mùa xuân quân Tào xuất binh, đến khi giao mùa giữa hạ và thu thì vào đến Hán Trung, chớp mắt trời đã sang đông. May mà khí hậu ở Thục Trung không lạnh, quân sĩ phương bắc cảm thấy dễ chịu, chúng tướng được ban thưởng nên không ngừng cố gắng, cả ngày đòi xuất quân đi đánh Lưu Bị. Tân Tỵ, Lưu Hoa gấp rút thu thập quân báo, phái người đi do thám để chuẩn bị chiến đấu. Nhưng Tào Tháo lại không vội vàng, mấy ngày liền quanh quẩn luận đạo, rồi lại bàn chuyện phong thổ thế thái của đất Thục với vị bằng hữu mới Trương Lỗ.
Một ngày trời nắng nhẹ, Tào Tháo tinh thần phấn chấn, mời Trương Lỗ ra ngoài đi dạo. Hai người chỉ mang theo Hứa Chử và mười mấy vệ binh cưỡi ngựa đi đến núi Hán Sơn thì dừng lại ngắm cảnh.
Lên trên đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xa, những dãy núi trùng trùng điệp điệp nối dài đến tận chân trời, vách núi dựng đứng cao vút giữa trời xanh, rừng sâu rậm rạp che phủ khắp núi đồi, sương khói giăng nhẹ trên thung lũng, thác nước tuôn chảy như rèm châu, đường hẹp quanh co uốn lượn, những tảng đá, cây cổ thụ hình thù kỳ quái, xen lẫn tiếng gọi nhau của dã thú, tiếng chim hót xuyên qua tầng mây, tạo nên một khung cảnh tráng lệ, kỳ diệu.
Tào Tháo mặc dù leo núi thở hổn hển, nhưng cũng phải hết lời khen ngợi:
— Tạo hóa thật khéo vẽ, đã có dòng Trường Giang cuồn cuộn dài nghìn dặm, biên ải phía bắc mênh mông tuyết trắng, nào ngờ vẫn còn có một nơi cảnh trí hiểm trở, kỳ vĩ như đất Thục. Một người giữ ải vạn kẻ khó qua, mai phục tập kích hư hư thực thực, nếu không phải là bậc anh hùng thì không thể cai quản được đất này!
Trương Lỗ tuy xưng là “Thiên sư” nhưng cũng có lúc phải vướng bụi trần, nịnh rằng:
— Ngụy Công không hổ danh là người đã chú giải binh pháp, nắm rõ mọi nơi trong non sông này, quả là đệ nhất anh hùng thời nay!
— Quá khen rồi! - Một luồng gió mát thổi tới, Tào Tháo nới lỏng tà áo, - Trương công cát cứ đã ba mươi năm, không những du ngoạn hết cảnh đẹp nơi này mà còn được bách tính yêu mến, đúng là phúc lớn.
Trương Lỗ nhún nhường:
— Ngụy Công tung hoành khắp thiên hạ, những điều thu được chẳng phải nhiều gấp trăm lần tại hạ sao? Tại hạ chẳng qua chỉ là ếch ngồi đáy giếng, được hưởng phong ấp vạn hộ, năm con được phong hầu, quả thực không dám nhận… - Chuyện phong hầu, Trương Lỗ đã nhiều lần từ chối.
— Chớ nhắc lại nữa. - Tào Tháo vẫn không rút lại quyết định, - Trương công khiến dân chúng quy thuận đã là tấm gương sáng trong thiên hạ. Hơn nữa ông tu đạo nhiều năm, cho dù không thể thành tiên thì cũng phải hưởng chút phú quý chứ? Nếu như ngay cả phú quý cũng không có, chỉ e những giáo chúng như ông uổng công tu đạo rồi.
— Ồ? Ha ha ha!… - Hai người cười lớn.
Cười xong Tào Tháo lại trầm ngâm. Kỳ thực có một chuyện ông muốn thỉnh giáo Trương Lỗ, nhưng sợ người khác chê cười nên chưa tìm được cơ hội mở lời, lúc này xung quanh không có ai, mới nói:
— Lão phu có một chuyện chưa hiểu, muốn thỉnh giáo Trương công.
— Không dám, xin Ngụy Công cứ nói.
— Từ thời Lão Tử đến nay, thường nhắc đến đạo lý nhưng lại không mấy rõ ràng. Vậy rốt cục đạo lý là gì? Lại còn nói người tu đạo có thể thành tiên, trường sinh bất lão, không bị bệnh tật, không bị gặp nạn, có chuyện đó chăng? - Những lời này nói ra từ miệng Tào Tháo quả là kỳ lạ, cả đời ông không tin vào số mệnh, nay lại thấy hoài nghi, bảo sao lại sợ người khác chê cười.
Trương Lỗ từng nghe Tào Tháo đã đọc cuốn Lão Tử tưởng nhĩ chú của gia tộc mình, trong lòng có chút tự đắc, vui vẻ truyền đạo cho ông:
— Đại đạo biến hóa vô thường, trông xa vạn dặm, vô cùng vô tận, truyền khắp mọi nơi. Tuân theo thì gặp may mắn, không tuân theo sẽ gặp họa. Tin vào có đạo, con người sẽ lương thiện, thọ cùng trời đất. Con người có mặt tốt xấu, mọi chuyện có đầu đuôi, bất cứ việc gì cũng nên làm theo đạo. Người vượt qua được sẽ nhận cái thiện, kẻ thất bại thì nhận lấy cái ác, cũng như đất đai, đất màu thì tốt, đất cằn sẽ xấu.
— Đất màu thì tốt, đất cằn sẽ xấu? Cách so sánh này thực hay. - Tào Tháo vừa nghĩ vừa lẩm bẩm, - Nói như vậy chẳng phải sự thành bại của con người là do trời định sao?
— Không liên quan đến công danh thành bại, chỉ nói việc tu đạo.
Tào Tháo nhíu mày:
— Vậy lời ông vừa nói “thọ cùng trời đất”, chẳng phải là điều trái với tự nhiên sao?
— Đúng vậy. - Trương Lỗ cười bí hiểm, - Khí cốt của thần tiên, không phải cứ tu hành là đạt được.
Tào Tháo đã hiểu ra, bèn phá lên cười: Đúng là khiến cho con người ta mông lung, thực ra có dùng hết tâm huyết, sức lực cũng không thể tu thành tiên; nhưng Trương Lỗ không thừa nhận việc tu thành tiên là viển vông, mà nói rằng do tố chất của con người không đủ nên chưa có khí cốt của thần tiên. Người như thế nào mới có khí cốt của thần tiên? Có ai từng nhìn thấy người nào thực sự tu thành tiên? Dù sao cũng đáp án cũng nằm ở một câu “đạo mà có thể nói ra được, thì không phải là đạo thường”, nói đi nói lại cũng đều là lời hão huyền.
Trương Lỗ nhận ra có vẻ Tào Tháo đang coi thường đạo học, vội vàng nói:
— Đại đạo tuy không thể khiến ai cũng trở thành tiên, nhưng có thể giúp ích cho việc tu dưỡng bản thân và trị dân. Từ xưa tới nay, bậc thần nhân đều lấy việc tu dưỡng bản thân làm gốc, việc trị dân là thuật lớn.
— Ta muốn nghe thuật lớn đó. - Tào Tháo rất hứng thú với chuyện này, Trương Lỗ có thể cai quản dân chúng Hán Trung khiến họ không có ham muốn, không có tham cầu, an phận thủ thường, há có thể không thỉnh giáo?
— Đạo trời mênh mông, phép trời cũng vậy, không thể nói hết.
Lại là những lời mông lung, Tào Tháo kiên nhẫn gặng hỏi:
— Cho dù mênh mông nhưng cũng có thể tiết lộ chút ít, Trương công thân là Thiên sư, thử nói vài điều xem sao.
Trương Lỗ vốn không muốn bàn quá sâu về việc này, nhưng Tào Tháo cứ gặng hỏi, đành nói thẳng:
— Người trị quốc phải là kẻ hiểu biết, nếu không biết được căn nguyên và kết quả của sự việc thì há có thể cai quản được giang sơn? Người hiểu biết phải là người nắm vững điểm cốt yếu. Để vạn vật phát triển theo đúng quy luật của nó thì khắp nơi đều vui vẻ, vạn vật không bị gò ép, phát triển tự nhiên. Còn như người phàm, làm thế nào để bách tính yên lòng an cư, tuyệt đối tuân theo đạo trời, làm điều thiện, tạo nhiều ân huệ? Không thể chỉ dùng một trong bảy cách trị nước là đức, nhân, nghĩa, lễ, văn, pháp, võ, nhưng cũng không cần dùng tất. Bởi mỗi cách đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng, không được vứt bỏ hoặc sử dụng riêng rẽ một cách nào đó. Tựu chung, phải dùng chính nghĩa để trị quốc, dùng kế sách để dụng binh, dùng sự thái bình để có được thiên hạ.
Tào Tháo nghe xong, thở dài chán nản: Bề ngoài Trương Lỗ giả thần giả quỷ, thực tế là người rất tinh anh. Chuyện gì cũng không thể cầu toàn, phải biết cân đối để giữ lấy đại cục. Trương Lỗ không bác bỏ tác dụng của hình phạt, võ lược mà cân nhắc lợi và hại của nó, ứng biến khéo léo linh hoạt, chẳng trách ông ta vừa có thể truyền đạo, vừa có thể quản lý quân ngũ mà không xảy ra mâu thuẫn nào. Dùng chính nghĩa để trị quốc, dùng kế sách để dụng binh, dùng sự thái bình để có được thiên hạ, đạo lý này nếu không được đúc rút từ những thành công và thất bại từ nhiều đời thì sao có thể tóm lược được? Rõ ràng về bản chất, Trương Lỗ có tài làm chính trị, hơn nữa còn là bậc đại tài về chính trị, chỉ là che mắt người ngoài bằng tấm áo thần linh.
Nghĩ đến đây, Tào Tháo không những cảm thấy khâm phục mà còn có chút chột dạ, nói giọng cảm khái:
— Những lời của ông rất có lý, từ thời tiên đế đến nay, thiên hạ hỗn loạn, muôn dân rơi vào cảnh lầm than, gốc ngọn của mọi việc đều bắt nguồn từ thời Hiếu An Đế, các bậc quân vương không hiểu được đời sống của dân chúng, không xem xét cẩn thận cái được và mất…
Trương Lỗ thấy Tào Tháo tán đồng với ý kiến của mình thì rất vui mừng, tiến đến bên cạnh nói:
— Thiên hạ vốn do tiên đế cai quản, hậu thế làm theo, nhưng dần dần để mất kỷ cương, tai họa liên tiếp xảy ra, báo ứng thiện ác, tích tiểu thành đại, do vậy mà sinh ra gian tặc, gây nhiều họa lớn. Biến động kỳ quái cứ nối tiếp xuất hiện, sinh ra những điều không lành, gây hại cho giang sơn. Quân vương do không biết nên không thể ngăn cản tai họa, để khắp thiên hạ tiếng oán thán không dứt. Chính đạo mất đi địa vị, ảnh hưởng đến sự cai quản của quân vương, không có được thiện báo, nhân tâm không trong sáng nên rất khó giáo hóa, tà khí chiếm ưu. Đế vương mặc dù lo lắng, muốn ngăn cản việc này nhưng không thể thay đổi được. Cho dù đế vương có tấm lòng nhân đức cao cả đến mấy cũng không ngăn cản được. - Những lời Trương Lỗ nói tuy xuất phát từ quan điểm của Đạo giáo nhưng đều là những lời trị quốc, chủ trương thanh tịnh vô vi, tuân theo phép xưa, đúng là học từ Lão Tử nhưng không hề xa rời thực tế.
Tào Tháo tán thành với suy nghĩ của Trương Lỗ về căn nguyên gây ra tai họa trong thiên hạ, nhưng không tán thành tư tưởng bảo thủ không thay đổi phép xưa, nên có lúc gật đầu, có lúc lắc đầu:
— Tên đã bắn đi thì không thể thu lại, thiên hạ đã đến bước này còn có thể làm sao được? - Lời nói đầy vẻ xót xa, dường như cũng là lời Tào Tháo nói với chính mình, ta chẳng phải cũng mù mờ bước đến ngày hôm nay, không thể quay đầu lại được nữa đó sao?
Trương Lỗ không biết Tào Tháo đang nghĩ ngợi xa xôi, nên trong lòng có điều gì cũng muốn nói ra hết:
— Thiên hạ đại loạn, quân vương u mê, cho rằng làm việc thiện không có lợi gì, đạo lý nào cũng chẳng biết. Muốn ngăn cấm người dân làm việc ác, để bọn họ đi theo giáo hóa mà siết chặt hình phạt, vội vàng chém đầu kẻ phạm tội. Không chỉ trừng trị một người mà ngay cả hàng xóm cũng chịu liên lụy, oan ức ngày càng nhiều, oán giận ngày càng tăng! - Nói đến đây ông ta dang hai tay lên trời, - Quân vương luôn nói rằng đạo đức là vô dụng, nhưng không thể xóa bỏ nó, chọn quan lại chỉ đề cao tài năng, để họ làm quan xu lợi, đúng là loạn đạo lý! Kiểu trị quốc vô đạo như vậy, há có thể hợp với ý trời?
Người nói vô tâm, người nghe hữu ý, Tào Tháo giật mình: Chọn quan lại chỉ đề cao tài năng, để họ làm quan xu lợi, câu này chẳng phải nói ta sao? Lẽ nào hắn cố ý chế giễu ta?
Tào Tháo lạnh lùng đưa mắt nhìn, thấy Trương Lỗ dáng vẻ sầu khổ tột độ, xem ra không có ý ám chỉ mình. Điều này càng làm cho ông nghi hoặc - Lẽ nào “xét tài mà cử” là sai? Lẽ nào mấy chục năm nay ta áp chế bọn cường hào cũng đều là sai? Ta chính là kẻ làm loạn đạo lý sao? Không đúng, có sai là hắn sai, nói toàn những lời mông lung hão huyền! Viên Thiệu chẳng phải là dựa vào bọn cường hào để củng cố cho bản thân sao? Nếu như ta sai, sao ta có thể đánh bại được Viên Thiệu? Khoan đã! Trận chiến Quan Độ lẽ nào không có may mắn? Rốt cục vì sao mà ta thắng được Viên Bản Sơ? Thắng hắn ở tài chính sự hay chỉ là thắng ở tài binh lược? Chuyện gì vậy? Chuyện gì vậy?…
Trước đây Tào Tháo chưa từng suy nghĩ tỉ mỉ những chuyện này, nay đột nhiên nghĩ đến, đầu óc bỗng chốc quay cuồng, lờ mờ không thể hiểu nổi, dường như ông đang rời xa khỏi hiện tại để về một nơi rất xa, không phải nói chuyện với Trương Lỗ mà là Viên Thiệu, người đó không phải bằng hữu cũ, mà là địch thủ của ông. Tào Tháo cảm thấy chóng mặt hoa mắt, tay trái mỗi lúc một đau nhức, lần này không chỉ bàn tay mà cả cánh tay đều đau.
Kỳ thực trước khi xuất binh Tào Tháo đã có bệnh, tuy ra khỏi ải Tản Quan, đánh tan được quân Khương, Đê, nhưng do dọc đường vất vả, bệnh tình ngày càng nặng. Khi đến ải Dương Bình, ông đã không chịu nổi, nếu không may mắn thắng trận thì lúc này đã về Nghiệp Thành. Chỉ vì bình định được Hán Trung, ông quá đỗi vui mừng, trời lại chuyển lạnh nên trong lòng thoải mái mới cảm thấy đỡ hơn. Nhưng bệnh chưa trừ tận gốc, hôm nay Tào Tháo ra ngoài du ngoạn, gió núi thổi từng trận, tâm tư lại lo lắng, cuối cùng bệnh lại tái phát.
— Ngụy Công… Ngụy Công! - Trương Lỗ khẽ kéo áo Tào Tháo.
— Bản Sơ, là ngươi sao… - Ánh nhìn Tào Tháo thoáng chốc vô định, - À, Trương công.
— Thần sắc ngài không tốt, có chỗ nào khó chịu chăng?
Tào Tháo lấy lại tinh thần, có ý muốn che giấu, chỉ tay về ngọn núi cao phía nam:
— Núi này hiểm trở thật, muốn đánh Thành Đô không phải chuyện dễ. - Ông không thể thừa nhận mình có bệnh, nếu công khai ra tất sẽ ảnh hưởng đến lòng quân. Hơn nữa, ở trước mặt kẻ vừa mới quy hàng mà lại rên rỉ thì thật mất mặt.
— Ngụy Công lúc nào cũng nhớ tới việc quân, thật đáng khâm phục. - Trương Lỗ chắp tay nói, - Vừa rồi minh công có hỏi về chuyện thần tiên, tại hạ đã nghĩ lại, đúng là người phàm rất khó trở thành tiên, nhưng chú ý dưỡng sinh thì rất có lợi. Mọi vật trên thế gian đều do khí sinh ra, dưỡng sinh chính là dưỡng khí. Khí dày thì cơ thể khỏe mạnh, khí mỏng thì cơ thể yếu ớt. Chú ý tu dưỡng tinh thần thì khí huyết Lưu thông, điều hòa ăn uống sẽ bổ khí, còn thanh thản vô ưu sẽ thuận khí. - Ông ta sợ Tào Tháo không nhớ hết, nên nói chậm từng từ một, cuối cùng bổ sung, - Điều này không chỉ nói riêng Đạo gia, mà ngay cả Luận hành của Vương Doãn cũng đã thừa nhận.
— Được, ta xin lĩnh giáo. - Mặc dù miệng nói như vậy, nhưng trong lòng Tào Tháo vẫn hoài nghi: Đúng là tà môn, ngươi cho rằng ngươi biết hết những điều ta nghĩ gì sao?
Trương Lỗ nhìn xung quanh, cười nói:
— Chư tướng Kinh Châu được ân xá của Ngụy Công, hôm nay chắc đã đến Nam Trịnh rồi. Phong cảnh ở đây rất đẹp nhưng không tiện lưu lại lâu, xin Ngụy Công hồi doanh. - Nói đoạn cùng mấy thân binh đi trước dẫn đường xuống núi.
Lúc này Tào Tháo đang thấy không thoải mái, tất nhiên muốn hồi doanh, nhưng Trương Lỗ lại giành nói trước nên ông thấy không vui: Người này vừa có tài trị thế, lại biết dùng đạo thuật để cảm hóa người khác, bách tính Hán Trung coi ông ta là thần linh nên không thể dung túng, xem nhẹ. Nếu không phải vì muốn lấy lòng dân chúng ở đây, mua chuộc lòng người, ta há lại tha cho ông ta? Trương Lỗ có ý niệm về trị lý giống Viên Thiệu, nhưng Viên Thiệu chỉ biết cai trị người khác, còn ông ta không những có thể cai trị mà còn có thể cảm hóa người khác, tài năng của ông ta vượt xa cả Trương Giác. Nếu không phải vì xuất thân bình thường, thăng tiến hơi muộn, lại chỉ cát cứ ở quận này, thì e rằng ông ta còn làm mưa làm gió, lợi hại hơn cả Viên Thiệu và Trương Giác! Phải cảnh giác mới được…
Dọc đường Tào Tháo ghìm cương ngựa, đi không nhanh không chậm, cảm thấy dễ chịu hơn. Trương Lỗ vẫn dùng lời lẽ của Đạo gia để trò chuyện, thi thoảng Tào Tháo phụ họa mấy câu, nhưng cũng không dám nói quá nhiều. Đến giữa trưa thì về đến doanh, các tế tửu lần lượt ra nghênh đón. Khổng Quế vội vàng chạy đến, cầm dây cương cười nói:
— Chúa công thật là thánh minh, những kẻ nắm quyền cai quản trong Thiên sư đạo đa phần đều có sở kiến, hôm nay Trần Trưởng sử bàn chuyện chính sự với Diêm tiên sinh. Tiểu nhân đứng bên cạnh mà nghe không hiểu gì! - Khổng Quế xu nịnh nhưng không biết gió đã đổi chiều, Tào Tháo lúc này đã đổi ý.
Tào Tháo càng đi chậm lại, khẽ cười rồi từ từ xuống ngựa, quả nhiên thấy Diêm Phố đang quỳ ở bên cạnh, ông đưa tay ra đỡ:
— Diêm tiên sinh mời đứng dậy.
Diêm Phố mặc dù tuổi tác chưa nhiều nhưng lúc nào cũng buồn rầu:
— Xin Ngụy Công miễn chức Đình Hầu, tại hạ bất tài vô đức, thực lòng không dám nhận.
Tào Tháo vừa mến lại vừa ghét con người này: Ông ta là tâm phúc của Trương Lỗ, nhưng lúc đầu chính ông ta đã khuyên ngăn Trương Lỗ không xưng vương, nên không thể nói là không có công. Nghe nói lúc ải Dương Bình thất thủ, Trương Lỗ định đầu hàng, nhưng Diêm Phố lại nói:
— Lúc này tức tốc quy hàng sẽ được xét công trạng ít, chi bằng Thiên sư cứ đến Ba Trung nương nhờ Phác Hổ và Đỗ Hoắc một thời gian, sau đó mới quy hàng, công trạng tất sẽ lớn hơn. - Do vậy mới kéo dài đến ba tháng, khiến Tào Tháo phải nhờ người mời Trương Lỗ về. Hay nói cách khác, nếu không có ông ta hiến kế để Trương Lỗ chạy về Ba Trung, Phác Hồ và Đỗ Hoắc không thể dễ dàng đầu hàng như vậy. Diêm Phố có thể lật mặt như cắt, mặc dù là mưu sĩ của họ Trương nhưng cũng giúp ích được cho Tào Tháo, khiến ông không biết nói gì hơn.
Tuy vậy, Tào Tháo kiên quyết không để Diêm Phố từ chức, nhẫn nại vỗ về:
— Xưa nay, việc thưởng phạt là để khen ngợi người tốt, trừng trị kẻ xấu. Ngươi đã can gián Trương công không xưng vương, là việc làm trung thành với xã tắc, nên biểu dương trước thiên hạ để làm gương cho người đời, từ đó khiến các thế lực cát cứ khác nghĩ đến việc quy thuận. Ta còn hy vọng trong thiên hạ sẽ có được nhiều người giống ngươi, lẽ nào lại không nhận tước hầu? - Lời này của ông nửa thật nửa giả.
Diêm Phố dường như còn do dự:
— Ngụy Công nhất định ban ơn, tại hạ không dám không nhận. Nhưng tại hạ xin được đưa cả nhà dời đến Ký Châu, dốc lòng phụng sự Đại Ngụy. - Ông ta quả là thông minh, bản thân là người đứng đều Diêm thị tại đất Thục, nay xin cả gia quyến chuyển đến Nghiệp Thành, còn đáng tin hơn việc để nhi tử làm con tin. Toàn gia quyến của Diêm Phố chuyển đến Hà Bắc, những tử tôn trong gia tộc cũng đồng lòng như vậy, coi như đã giải trừ được lo lắng của Tào Tháo.
Câu nói này đã nhắc nhở những người khác cũng đang có mặt ở đây. Cùng lúc, các quan văn võ như Trương Vệ, Trương Quý, Dương Ngang, Lý Hưu đều quỳ lạy:
— Chúng tại hạ cũng nguyện chuyển nhà đến Ngụy quốc, dốc sức phò tá minh công!
Tào Tháo chỉ mong có thế:
— Rất tốt, rất tốt, ta sẽ ban thưởng phủ đệ. - Nói xong giả bộ thân thiết, dắt tay Trương Lỗ bước vào đại doanh. Nhìn thấy bên trong có không ít già trẻ, trai gái mình mặc y phục phạm nhân, tự trói hai tay. Thì ra họ đều là những bộ tướng của Kinh Châu và thân quyến vừa mới quy thuận Tào Tháo.
Mâu thuẫn giữa Tào Tháo với họ còn sâu sắc hơn Trương Lỗ, họ vốn kết mối hận thù với Tào Tháo từ cuộc tạo phản ở Quan Trung, sau lại cùng với Mã Siêu chống Tào bao nhiêu năm, mặc dù được chiêu hàng nhưng có thể yên lòng không? Họ ở núi Ba do dự mãi không biết nên hàng Tào Tháo hay hàng Lưu Bị, sau đó đắn đo suy nghĩ, thấy thế lực của Tào Tháo lớn hơn, dù hàng Lưu Bị sẽ có Mã Siêu giới thiệu, nhưng nếu Lưu Bị mà thất bại, chẳng phải lại gánh thêm tội? Bọn họ nghe nói Trương Lỗ được phong hầu, nên cũng xiêu lòng đến hàng.
Tào Tháo nhìn thấy Trình Ngấn, Lý Kham bèn cười hỏi:
— Các ngươi định nhận tội với ai?
— Xin nhận tội với Tào công.
— Sai rồi! - Tào Tháo đưa tay chỉ về phía Dương Phụ, Khương Tự, Doãn Phụng, - Những chuyện trước đây ta sẽ xóa bỏ, các ngươi hãy nhận tội với họ.
Đúng vậy, những kẻ này không chỉ giết chết chủ nhân của bọn Dương Phụ là Vi Khang, mà còn giết bao nhiêu gia quyến của họ, lẽ nào lại không nhận tội sao? Đã cam tâm đến đây phải làm yên mọi chuyện, Trình Ngân quỳ xuống lê hai bước dập đầu trước các tướng Ưng Châu:
— Đại nhân không để bụng kẻ tiểu nhân, huynh đệ chúng tôi xin khấu đầu trước chư vị… Nếu chư vị chưa hết giận, có thể chém tôi, nhưng xin tha cho gia quyến chúng tôi! Chúng tôi mặc dù đã giết người nhà của các vị, nhưng khẩn cầu các vị khoan dung, tha mạng cho họ… - Nói xong còn rơi mấy giọt nước mắt. Vợ con ở đằng sau nghe thấy những lời này cũng xót xa, người lớn khóc trẻ con quấy, ai ai cũng tự trói mình như lũ gà vịt chờ giết thịt, lòng dạ sắt đá đến mấy nhìn cảnh này cũng mềm lòng.
— Hừ! - Dương Phụ, Khương Tự nhìn nhau thầm nghĩ: có giết hết các ngươi cũng không hóa giải được mối hận này! Nhưng oan oan tương báo biết đến bao giờ mới dứt? Ta giết cả nhà Mã Siêu, các ngươi lại giết cả nhà ta, nếu như hôm nay chúng ta lại giết cả nhà các ngươi, liệu có hồi kết không? Hơn nữa, Tào Tháo đứng ra làm chủ, muốn giết cũng không được, thôi thì đành ban ơn lấy lòng.
— Nếu đã như vậy thì phải tìm Mã Siêu báo thù. Nể mặt Ngụy Công, ngươi cũng không cần nhiều lời nữa. - Triệu Ngang phất tay áo, không truy cứu chuyện này nữa.
— Thế là tốt rồi. - Tào Tháo truyền lệnh cởi dây trói, nhìn thấy một người cao lớn vạm vỡ, tuy đang quỳ dưới đất nhưng vẫn không mất đi vẻ dũng sĩ, mặt mũi khá quen, - Ngươi là Bàng Lệnh Minh, túc tướng của họ Mã?
— Vâng, chính là tại hạ. - Bàng Đức đứng lên.
Tào Tháo nắm lấy cổ tay Bàng Đức:
— Có còn nhớ chuyện ở Vị Thủy năm xưa?
Bàng Đức sao có thể quên? Năm đó, Tào Tháo qua Vị Thủy, Bàng Đức tháp tùng Mã Siêu tập kích, suýt nữa thì lấy được mạng Tào Tháo. Sau đó Tào Tháo giả bộ giảng hòa, Bằng Đức đứng cạnh Mã Siêu, mấy lần định thừa cơ đoạt mạng Tào Tháo, nhưng vì có Hứa Chử đứng bên cạnh nên không thể ra tay. Nay nghe Tào Tháo nhắc lại chuyện cũ, Bàng Đức không thể nói là không biết, mở to mắt nói:
— Muốn giết muốn chém, xin cứ tùy ý!
— Đúng là coi thường ta rồi! - Tào Tháo vuốt râu, - Tào mỗ dụng võ một đời, lẽ nào lại giết hại dũng sĩ? Ta ban cho ngươi tước Đình hầu, lập tức phong làm Lập Nghĩa Tướng quân, sau này hãy dốc sức phò giúp trung quân.
Bàng Đức ngơ ngác:
— Ngài, ngài muốn thăng chức cho tại hạ, lại còn ban tước?
— Đúng vậy! - Tào Tháo vỗ vai Bàng Đức, - Nghìn quân dễ có, một tướng khó cầu.
Bàng Đức buột miệng nói thẳng:
— Nhưng huynh trưởng tại hạ đã theo Lưu…
— Ngươi là ngươi, lệnh huynh là lệnh huynh, lão phu tin tưởng ở ngươi, lẽ nào chính ngươi cũng không tin ở mình?
— Cái này, cái này… - Bàng Đức không biết nói thế nào, chỉ dập đầu cảm tạ, - Ngày xưa, tại hạ suýt nữa đã lấy mạng ngài, không ngờ ngài lại ban cho tước vị, còn cho tại hạ theo giúp trung quân, tiền đồ rộng mở, tại hạ còn nhớ tới chủ cũ đã vứt bỏ mình làm gì? Cả đời còn lại xin báo đáp ân tình của minh công!
Tào Tháo chỉ nhẹ nhàng nói:
— Tướng quân khống chế đã là may mắn cho ta lắm, cần gì phải như vậy? - Nói xong bèn quay người đi. Rõ ràng Tào Tháo đã quá hiểu suy nghĩ của đám dũng sĩ lỗ mãng này.
Lý Kham bước lên trước tấu:
— Khải bẩm Ngụy Công, gia quyến của tên Mã Siêu cũng ở đấy.
— Hả? - Tào Tháo cười nhạt, - Dẫn đến trại trung quân, ta muốn đích thân xét xử. Còn các ngươi dẫn theo gia quyến đến ở các trại, mau sắp xếp đi… Huynh đệ Trương công và Diêm tiên sinh đi theo ta.
Huynh đệ Trương Lỗ và Diêm Phố không biết Tào Tháo cho gọi có chuyện gì, đành đi theo đến đại trướng, Khổng Quế cũng muốn đi theo nhưng bị Tào Tháo cho lui. Không lâu sau, Lý Kham dẫn người nhà của Mã Siêu đến, nhưng chỉ có một người phụ nữ trẻ ăn mặc rách rưới ôm theo một đứa bé - Người nhà họ Mã không còn một ai, năm xưa cha con Mã Đằng, Mã Hưu vào kinh, vì Mã Siêu làm phản nên đều bị Tào Tháo xử chết; còn lại một số họ hàng xa của Mã Siêu ở Ký Thành cũng bị Lương Khoan, Triệu Cù giết sạch. Hơn ba trăm mạng người đều xuống hoàng tuyền, nay chỉ còn lại người tiểu thiếp là Đổng thị, vì tướng mạo xinh đẹp nên Mã Siêu mang theo, may mắn thoát khỏi kiếp nạn, sinh được nhi tử đặt tên là Mã Thu, còn chưa đầy ba tuổi.
Tào Tháo không nói không rằng, lặng lẽ nhắm nghiền mắt, đợi Lý Kham ra ngoài, các tướng cũng giải tán hết mới mở mắt, mỉm cười lạnh lùng:
— Nữ nhi này xem ra cũng yểu điệu…
Đổng thị run rẩy sợ hãi, hai mắt dán chặt vào lão già vừa lùn vừa ác kia, đột nhiên thấy ông ta đứng dậy tiến lại, trong lòng sợ hãi tột độ, đứa trẻ bị giằng khỏi tay. Đổng thị vội vàng quỳ xuống:
— Cầu xin ngài, cầu xin ngài! Trả con lại cho tôi!…
Mã Thu hoảng sợ kêu khóc ầm ĩ, Tào Tháo lại cười gằn:
— Ngươi đúng là không biết điều, con của tội nhân có thể để lại trên thế gian này sao, giữ lại mạng ngươi là tốt lắm rồi. Diêm tiên sinh!
— Có. - Diêm Phổ run lẩy bẩy trả lời.
Tào Tháo cười khẩy:
— Ta thấy nữ nhi này dung mạo xinh đẹp, còn ngươi đang tuổi trẻ phong lưu, ta tặng ả ta cho ngươi làm thiếp!
— Việc này… - Đa mưu túc trí như Diêm Phố cũng không đoán được Tào Tháo còn chiêu này. Đường đường là trưởng lão của Thiên sư đạo lại cướp vợ lẽ của người khác, chẳng phải sẽ làm nhục danh tiếng sao? Nhưng Diêm Phố không dám không nhận, Tào Tháo ghét danh tiếng của ông ta nên muốn vấy bẩn. Diêm Phố trong lòng khó xử, nói không ra lời, chỉ lặng lẽ gật đầu.
— Rất tốt. - Tào Tháo bế đứa bé tiến lên hai bước, đoạn nhét vào lòng Trương Lỗ, - Đứa bé này giao Trương công xử lý.
— Đưa cho tại hạ? - Trương Lỗ ngơ ngác, đợi xem Tào Tháo nói gì, nhưng chỉ thấy ông đi thẳng về ghế ngồi, mắt nhìn chằm chằm vào mình.
Trong trướng chỉ còn lại tiếng khóc lóc thảm thương của Đổng Thị và đứa trẻ, tất cả mọi người đều hiểu sự tàn nhẫn của Tào Tháo. Ông nói rõ ràng “Con của tội nhân không thể giữ lại trên đời”, giờ lại nhét đứa bé vào lòng Trương Lỗ, chẳng phải có ý muốn Trương Lỗ tự tay giết chết Mã Thu ư?
Trương Lỗ ôm lấy đứa trẻ, toàn thân toát mồ hôi lạnh: Thiên sư đáng lý phải là người làm việc thiện cứu người, không làm hại người khác, nếu giết đứa trẻ này chẳng phải là đi ngược lại đạo lý? Cứ cho rằng tu tiên là chuyện viển vông, nhưng đạo lý từ thiện nhân đạo cũng là giả sao? Nếu như hôm nay giết đứa trẻ này, công đức ba đời tu hành có còn ích gì? Danh tiếng của Thiên sư đạo còn có thể tồn tại? Nhưng nếu không giết thì liệu Tào Mạnh Đức có tha cho ta không?
Tào Tháo nhìn chằm chằm Trương Lỗ, ánh mắt mỗi lúc một gay gắt.
Trương Lỗ run rẩy, do dự không quyết. Trương Vệ đứng sau lưng ông ta thấy sự việc không ổn, chẳng nói chẳng rằng bước lên giật phắt lấy đứa bé, nhấc bổng lên rồi ném bịch xuống đất.
— Ối! - Đổng thị thét lên một tiếng rồi ngất lịm đi.
Trương Vệ khom lưng hành lễ:
— Đứa nghiệt tử này có chết cũng không hết tội.
— Hừ. - Ánh mắt gay gắt của Tào Tháo trở lại bình thường, ông xua tay, - Lui ra hết đi...
— Rõ. - Trương Vệ, Diêm Phố như được đại xá, đỡ lấy Trương Lỗ, rồi ôm lấy người phụ nữ đang ngất, nhặt xác đứa trẻ ra ngoài.
Sự việc vừa rồi vẫn không làm Tào Tháo hài lòng. Trong mắt Tào Tháo, Trương Lỗ vẫn là một người quá coi trọng danh dự, coi trọng danh dự là còn có mưu đồ, còn có mưu đồ là còn có dã tâm! Không thể để cho một kẻ vừa có dã tâm, lại có thể cảm hóa được người khác như hắn tiếp tục tồn tại, nếu ngay cả tước vạn hộ hầu mà vẫn chưa mua được sự quy phục của hắn thì phải dùng đến đao! Nhưng trước mắt, ta chưa thể ra tay, phải đợi thu phục hết giáo chúng, rồi mới tìm cơ hội…
Đúng lúc Tào Tháo suy tư, Đổng Chiêu và Tư Mã Ý đến cầu kiến. Tư Mã Ý vừa vào trướng đã tâu:
— Tàn quân của Kinh Châu đã hàng, giờ chính là cơ hội tốt để chiếm đất Thục. Chúa công chắc đã nghe nói, lúc Trương Lỗ tháo chạy, Lưu Bị đã phái Hoàng Quyền đi đón, may mà chúng ta đến sớm một bước, nếu không thì không thể tưởng tượng việc gì sẽ xảy ra! Chuyện phá Thành Đô không thể kéo dài thêm nữa!
Tào Tháo cảm thấy chán nản:
— Bây giờ ta không muốn bàn chuyện này, ngươi lui đi.
— Dạ… - Tư Mã Ý đành thở dài ra về.
Tào Tháo nhìn theo dáng Tư Mã Ý, trong lòng nghĩ đến chuyện khác: Tên tiểu tử này giao thiệp thân thiết với Tử Hoàn, nhưng có lúc lại tỏ ra xa cách.
Tư Mã Ý đi được một quãng xa, không biết có phải cảm thấy Tào Tháo đang dõi theo mình không mà quay đầu lại nhìn, mỉm cười đầy kính cẩn.
Tào Tháo thấy vậy lại nghi ngờ: Điệu bộ quay đầu của tên tiểu tử này thực kỳ lạ. Cả người không động, chỉ quay cổ lại nhìn, chẳng phải rất giống dáng hung ác của ưng sói? Lẽ nào hắn có lòng dạ nham hiểm gì chăng? Ây dà, hắn có tham dự vào chuyện để lộ mật tấu, tuy không giận hắn, nhưng truyền qua lại những chuyện phiếm giữa hai phủ cũng chẳng phải điều gì hay ho. Huynh trưởng hắn đứng đắn, tao nhã, đệ đệ cũng thật thà, chất phác, nhưng không thể đảm bảo hắn không có lòng tham cầu hạnh tiến, cho dù thế nào cũng phải đánh động…
Đổng Chiêu vẫn đang chắp tay cung kính, thấy Tào Tháo im lặng hồi lâu, đợi đến lúc Tư Mã Ý ra khỏi viên môn mới tiến lên hành lễ.
— Công Nhân lại có chuyện gì?
Đổng Chiêu cười nói:
— Chúa công bình định được Hán Trung, Hợp Phì lại đánh thắng Tôn Quyền, uy chấn khắp thiên hạ. Nếu không… - Nói đến đây bèn hạ giọng, - Cho dù không làm thiên tử, tước vị có lẽ cũng cần thêm một bậc nữa.
— Lúc này ta không nghĩ đến chuyện đó nữa. - Tào Tháo cảm thấy mệt mỏi, cánh tay ngày càng đau nhức, nhưng ông không đuổi Đổng Chiêu đi như Tư Mã Ý, chỉ uể oải nghiêng người, - Nhưng ngươi đã nhắc đến, thì cứ ngồi xuống từ từ nói… Trọng Khang truyền lệnh, ta có việc cơ mật cần bàn, không ai được phép vào trướng!
— Rõ. - Hứa Chử buông rèm bạt, tay cầm mâu sắt đứng gác trước cửa…
Được voi đòi tiên
Lưu Bị bình định Tây Thục đã được một năm, nhưng cục diện đất Thục vẫn không có gì lạc quan, thậm chí có thể nói là muôn phần gian khó.
Nhớ một năm trước tiến quân vào Thành Đô khí thế vẻ vang đến nhường nào? Lưu Bị lận đận nửa đời người, ăn nhờ ở đậu kẻ khác, đến tận bây giờ mới cảm thấy đôi chút an toàn, có thể cởi bỏ mặt nạ để ăn mừng. Lưu Bị dung túng cho bộ hạ cướp của cải trong kho phủ; khám xét, lấy tiền của bách tính để chia cho binh sĩ; ban thưởng cho Quan Vũ, Trương Phi, Gia Cát Lượng, Pháp Chính mỗi người năm trăm cân vàng, một nghìn cân bạc trắng, năm vạn tiền đồng, một vạn xúc vải; thậm chí còn muốn cắt đất từ các ruộng vườn xung quanh Thành Đô chia cho chư tướng, may mà Triệu Vân kịp thời khuyên ngăn nên mới thôi. Ngày nào Lưu Bị cũng tổ chức yến tiệc linh đình, ca xướng đàn hát, chẳng khác gì hào cường mới nổi.
Nhưng cảnh đó không kéo dài bao lâu, những rắc rối lần lượt kéo đến, Lưu Bị lấy hết tài sản công tư của Thành Đô để chia cho tướng sĩ, bách tính bắt đầu cảm thấy bất mãn, ngân khố giờ đã trống rỗng. Người giàu mặc dù cũng chịu tổn hại nhưng trong nhà còn có lương thực dự trữ, còn người nghèo không biết lấy gì để sống. Lưu Bị nhận thấy đây không phải là kế lâu bền, nghĩ mọi cách nhưng vẫn không giải quyết được, cuối cùng đành mặt dày đến tìm Lưu Ba là quan cũ dưới trướng Lưu Chương. Lưu Ba vốn là thuộc hạ của Tào Tháo, vì trận Xích Bích thất bại mới phải lưu lạc đến Thục, được Lưu Chương nhiệt tình giữ lại, ông ta vốn tìm cách dâng đất Thục để trở về Tào doanh, nên cực lực phản đối việc đón Lưu Bị vào Thục, nhưng Lưu Chương nhu nhược hồ đồ không phân biệt được ngay gian, cuối cùng Thành Đô phải đổi chủ. Nhưng Lưu Ba không ngờ rằng, Lưu Bị đã không truy cứu tội của mình, còn vỗ về và muốn trọng dụng mình. Ông trời thật biết trêu đùa, người muốn theo thì không thể theo, người mời ông ta lại chính là người mà ông ta luôn coi là kẻ thù, Lưu Ba cũng thừa nhận cuộc đời này nực cười, và chấp nhận ra làm Tây tào duyên cho Lưu Bị.
Khi Lưu Bị hỏi về sách lược liên quan đến lương thực và tiền tệ, Lưu Ba lập tức kiến nghị đúc tiền lớn “đương bách(*)” và nêu ra sách lược “bình chuẩn thị giá”. Lưu Bị làm theo kế sách này, quả nhiên không bao lâu ngân khố lại đầy, bách tình dần lấy lại lòng tin.
Qua lần này Lưu Bị cũng cảm thấy mình đã hành sự tùy tiện, nên dần tiết chế tâm tính, tìm cách cai quản đất nước. Đầu tiên, ông cất nhắc Gia Cát Lượng làm Quân Sư Tướng quân, Thự sự phủ Tả Tướng quân; Pháp Chính làm Dương Vũ Tướng quân, Thái thú Thục quận, ngoài thì quản lý kinh kỳ, trong thì làm mưu sĩ, để hai người họ trở thành cánh tay đắc lực trong việc cai quản Ích Châu. Tiếp đến, bổ nhiệm Trương Phi làm Thái thú Ba Tây. Để tri ân Mã Siêu đã có công trợ giúp lấy Thục, Lưu Bị phong cho làm Bình Tây Tướng quân; bổ nhiệm Hoàng Trung làm Thảo Lỗ Tướng quân, Triệu Vân làm Dực Quân Tướng quân; phong cho các lão nguyên trước đây đã có công lập nghiệp như Mi Chúc làm An Hán Tướng quân, Giản Ung làm Chiêu Đức Tướng quân, Tôn Càn làm Bẩm Trung Tướng quân, Lưu Diễm làm Thái thú Cố Lăng. Cất nhắc bộ khúc Ngụy Diên làm Nha Môn Tướng quân, Hoắc Tuấn làm Thái thú Hạnh Đồng, nghĩa tử Lưu Phong làm Phó quân trung lang tướng. Còn Trần Đáo, Mã Lương, Y Tịch, Trần Chấn, Hướng Lang, Phụ Khuồng, Ẩn Quan, Tiết Vĩnh, Tập Trinh, Trương Tồn đều được thăng chức, ngay cả Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu cũng được bổ nhiệm làm Đãng Khấu Tướng quân, đốc thúc mọi việc ở Kinh Châu.
Sau đó, Lưu Bị dốc sức lấy lòng nhân sĩ nước Thục và các thuộc hạ cũ của Lưu Chương, ngoài Lưu Ba ra, còn có Đổng Hòa vốn là Thái thú Ích Châu cũng được trọng dụng, bổ nhiệm làm Chưởng quân trung lang tướng, cùng với Gia Cát Lượng làm việc trong phủ Tả tướng quân; Chủ bạ Ích Châu là Hoàng Quyền từng kịch liệt phản đối việc mời Lưu Bị vào đất Thục cũng được bổ nhiệm làm Thiên Tướng quân, Lý Nghiêm không đánh mà hàng cũng được phong làm Hưng Nghiệp Tướng quân; con rể của Lưu Chương là Phí Quan được phong làm Tỵ Tướng quân, thân tộc Ngô Ý được phong làm Thảo Nghịch Tướng quân, Lai Mẫn làm Điển học hiệu úy; một số trí sĩ được Lưu Bị thu nạp trên đường đến Thục quốc, như Bành Dạng cũng được phong làm Trị trung, Lý Khôi làm Công tào, những quan lại cũ của nước Thục là Mạnh Đạt, Trương Duệ, Phí Thi, Tần Mật, Vương Mưu, Dương Hồng, Châu Quần, Trương Dụ, Vương Liên, Nghiêm Nhan đều được phong chức, ngay cả quyền thần dưới trướng Lưu Chương là Bàng Nghĩa, hay thủ lĩnh nhóm dân di cư vùng Tam Phụ là Tạ Viên, danh sĩ nửa đời người sống lưu vong là Hứa Tĩnh cũng được thu nạp và phong quan. Tất nhiên, tất cả những sự sắp xếp này đều không được triều đình Hứa Đô thừa nhận.
Ngoài ra, Lưu Bị còn có một “kế hoạch lớn”. Sau nhiều năm chinh chiến, thê thiếp lần lượt mất mạng, Mi thị tự sát trong trận Đương Dương, Cam thị đổ bệnh qua đời ở Giang Hạ, sau khi bình định được đất Thục, ngay cả Tôn phu nhân, người vợ đồng sàng dị mộng với ông ta cũng bị Tôn Quyền đón về mất, đường đường là Tả tướng quân, Ích Châu mục, Đại Tư mã, Tư lệ hiệu úy mà vẫn độc thân. Quần thần khuyên Lưu Bị nạp thêm thê thiếp, không ngờ dưới sự mai mối của Pháp Chính, ông lại lấy muội muội của Ngô Ý, quả phụ của huynh trưởng Lưu Chương là Bình Khấu Tướng quân Lưu Mạo, chỉ riêng chuyện này đã khiến bách tính đất Thục cảm nhận được sự khoan dung, độ lượng của chủ nhân mới. Hành động nhân nghĩa của Lưu Bị chính là hạ mình cầu hiền, hơn nữa nhân sĩ nước Thục đều chê Lưu Chương nhu nhược bất tài, nên dần dần chấp nhận sự cai quản của Lưu Bị. Hiền tài trong phủ Tả tướng quân ngày càng đông đúc, kẻ mới người cũ chung sống hòa thuận, minh chủ và quần thần cùng nhau mưu tính xây dựng bá nghiệp.
Nhưng tình hình tốt đẹp này cũng không duy trì được bao lâu, cùng với việc Tào Tháo đánh xuống phía tây, cơn ác mộng của Lưu Bị cũng bắt đầu xuất hiện. Lưu Bị vốn có ý cắm rễ ở Ích Châu, càng biết rõ vị trí quan trọng của Hán Trung, nếu không nắm chắc được cánh cửa đi vào đất Thục này thì địa bàn của ông ta sẽ mãi mãi mở cửa đón Tào Tháo, hay nói cách khác, nếu không có Hán Trung thì sẽ không giữ được đất Thục. Do vậy, sau khi tình hình ổn định, Lưu Bị nghe theo kiến nghị của Pháp Chính, tính kế đánh Trương Lỗ, nhưng tiếc là Tào Tháo lại tranh trước một bước.
Nghe tin Tào Tháo tiến đánh Hán Trung, Lưu Bị vô cùng kinh hãi, mọi kế hoạch ban đầu đều trở nên vô dụng. Kế sách tốt nhất lúc này là phải liên kết với Trương Lỗ, hợp lực đánh Tào Tháo, cùng Trương Lỗ đánh đuổi được Tào Tháo rồi mới tính. Nhưng do trước đó nhân lúc Lưu Bị và Lưu Chương giao chiến, Trương Lỗ đã mưu đồ đánh Bạch Thủy quan, còn Lưu Bị cũng vì nóng lòng muốn hạ được Thành Đô nên đã lôi kéo Mã Siêu ra khỏi Hán Trung, nên hai nhà kết mối hận thù không nhỏ, khó mà liên minh trong ngày một ngày hai. Trong lúc Lưu Bị còn đang đau đầu suy tính, Kinh Châu lại xảy ra hỗn loạn, Tôn Quyền nhân lúc ông ta nguy khốn bèn phát quân tập kích lấy mất ba quận, Trường Sa và Quế Dương lần lượt bị thất thủ, Lưu Bị không thể không quay về Kinh Châu cứu viện; nhưng do đường xa vạn dặm, Tôn Quyền lại lắm mưu nhiều kế nên vẫn để mất ba quận. Ngay cả khi Lưu Bị đủ sức giải quyết việc này thì lại bị Tôn Quyền nắm được điểm yếu, cuối cùng đành chấp nhận hiệp ước phân chia Kinh Châu, vất vả quay về Thành Đô.
Nhưng trong thời gian Lưu Bị đi đi về về giữa Kinh Châu và Thành Đô, cục diện càng thêm bất lợi vì Tào Tháo đã phá được ải Dương Bình, chiếm được Hán Trung. Lưu Bị lập tức sai Hoàng Quyền đến quận Ba để chiêu mộ Trương Lỗ, nhưng đã bị Tào Tháo ra tay trước. Kể từ lúc này, Thành Đô hoàn toàn rơi vào thế bị động.
Chí hướng của Lưu Bị không phải là không lớn, tài năng cũng không phải là tầm thường, nhưng ông ta chỉ mới thay thế Lưu Chương được một năm, trong thời gian ngắn như vậy không thể khiến bách tính đất Thục đồng lòng với mình. Thời phụ tử Lưu Yên cai trị Thục quốc, đã có phái Tây Châu gồm những nhân sĩ của Ích Châu và phái Đông Châu gồm những nhân sĩ từ nơi khác đến, các quan viên của hai phái vốn không hòa hợp, nội bộ lục đục, lúc này Lưu Bị lại dẫn theo phái Kinh Châu đến. Không có chuyện gì mọi người còn có thể yên ổn sống chung, nhưng nếu đại nạn ập đến các phái sẽ mạnh ai nấy lo. Người Đông Châu hận Lưu Bị sao không sớm diệt vong, họ sẽ hồi hương để mưu tính quan lộ; còn với phái Tây Châu, người đắc thế thì hy vọng Lưu Bị đặt toàn bộ tâm sức vào Ích Châu, vứt bỏ mấy người Kinh Châu mà trọng dụng họ, người thất thế lại mong Tào Tháo đến thật nhanh; chỉ có các nhân sĩ Kinh Châu mới là những người thân thiết với Lưu Bị, nhưng họ lại chùn bước giữa đường, cũng không phải là không có người muốn trở lại Kinh Châu… Thế là Thành Đô lại rơi vào tình trạng nội bộ lục đục, đấu đá lẫn nhau, bách tính trăm họ cũng vì thế mà cảm thấy lo lắng, bất an, thậm chí còn có người phao tin nói rằng Tào Tháo đã đánh đến nơi. Lúc Lưu Bị trở về Thành Đô, đủ kiểu tin đồn lan truyền khắp nơi, lòng người hoang mang vô cùng, hễ nói đến Tào Tháo là thay đổi sắc mặt, mỗi ngày xử quyết đến hơn mười người vì tội tung tin đồn, bách tính lại càng bất an.
Một khi Thành Đô không giữ được thì Lưu Bị sẽ phải rút về Kinh Châu, còn Tào Tháo mà lấy được đất Thục coi như đã có cả thiên hạ. Nếu Tào Tháo phát binh từ Xuyên Thục xuôi theo sông đi xuống, lại đưa quân từ trung châu đến Tương, Phàn thì đừng nói là Lưu Bị gặp họa diệt vong mà Tôn Quyền cũng sẽ đi đời! Chùn bước tất sẽ diệt vong, do vậy Lưu Bị chỉ có thể liều lĩnh đánh cược một phen, ông ta tăng cường binh mã cho các nơi phòng thủ, lệnh cho Trương Phi dẫn theo ba vạn quân đóng ở Ba Tây, chuẩn bị chống địch. Nhưng hiện nay đất Thục đang có loạn trong giặc ngoài, liệu ba vạn binh mã kia có thể địch lại với mười mấy vạn quân Tào đang hừng hực khí thế không?
Ngay cả Lưu Bị và Gia Cát Lượng cũng không thể ngờ rằng, chính vào lúc Thục quốc nguy nan thì lại có người trợ giúp. Mà người cứu họ không ai khác chính là kẻ thù lâu năm Tào Tháo.
Tháng Bảy, quân Tào lấy được Hán Trung, ổn định cục diện, có người đưa ra ý kiến lập tức xua quân đánh Thục, nhưng Tào Tháo vẫn chần chừ chưa dám xuống tay; mãi đến tháng Mười một, khi Trương Lỗ, Phác Hồ quy hàng, mọi mặt đã đi vào ổn định, Tào Tháo mới không còn lo lắng về việc người Hán Trung không quy thuận. Nhưng ông lại bắt đầu e dè, để bàn chuyện đánh Thục, Tào Tháo đã tổ chức hai cuộc hội bàn, nhưng vẫn chưa quyết ý…
Không khí trong trướng trung quân rất căng thẳng, văn võ bá quan đứng hầu hai bên đều chau mày không nói, chỉ chăm chú quan sát sắc mặt của Tào Tháo. Chủ bạ Lưu Hoa thao thao bất tuyệt nửa ngày trời, nói đi nói lại khiến mọi người phát chán:
— Minh công khi xưa khởi binh có năm nghìn binh mã, thế mà phía tây giết được Đổng Trác, phía bắc đánh bại Viên Thiệu, phía nam đánh dẹp Lưu Biểu, chín châu trăm quận đã chiếm được tám phần, uy danh lẫy lừng, chấn động bốn phương… - Lưu Hoa vốn giỏi thăm dò ý tứ người khác, nên vừa nói vừa đoán ý Tào Tháo, muốn dùng mấy câu tâng bốc để tác động đến ông, sau đó mới vào chủ đề chính:
— Nay quân ta đã lấy được Hán Trung, người Thục nghe tin đang lo sẽ thất thủ. Cứ như thế này, có thể truyền hịch bình định đất Thục…
Tào Tháo ngồi sau soái án trầm ngâm không nói, như thể những lời vừa rồi của Lưu Hoa không lọt vào tai, chỉ mãi suy nghĩ đến chuyện riêng. Tay trái ông cứ liên tục mở ra, nắm vào, như thể làm như vậy sẽ giảm bớt cơn đau nhức ngày càng nặng, đợi Lưu Hoa nói xong, ông mặt mày trầm ngâm, nói:
— Lấy được Hán Trung đã không phải chuyện dễ dàng, đất Thục địa thế hiểm yếu, chỉ e không dễ như lời ngươi nói. - Tào Tháo đã thấm thía bài học này, lần trước chư tướng Ung Châu cũng nói ải Dương Bình dễ lấy, nếu không phải vì may mắn thì đã không lấy được, lần này Lưu Hoa lại nói chiếm Thục dễ dàng, càng không thể tin.
Lưu Hoa thấy nói kiểu này không hiệu quả, bèn đổi giọng bắn tiếng hù dọa:
— Lưu Bị là kẻ tài ba, biết tiến biết lùi, nhưng thời gian ở Thục còn ít, chưa thu phục được nhân tâm. Nay quân ta đã lấy được Hán Trung, người Thục kinh sợ thế lực quân ta ắt sẽ phải theo. Chúa công anh minh, xin hãy quyết nhanh việc này, không có gì là không thể. Còn nếu cứ do dự, Lưu Bị sẽ có thêm thời gian phòng bị. Gia Cát Lượng nổi tiếng biết trị dân, Quan Vũ và Trương Phi đều là những mãnh tướng, lại có thêm các trợ thủ đắc lực là thuộc hạ cũ của Lưu Chương. Đất Thục sông núi hiểm trở, có thể dựa vào địa hình mà phòng thủ, để lâu chỉ e khó có thể xâm phạm. Nếu hôm nay không lấy, tất sẽ thành hậu họa ngày sau!
Tào Tháo chỉ cầm lệnh bài ngắm nghía, không nói không rằng. Thực ra, những điều mà Lưu Hoa nói ông đều đã dự liệu được, nhưng càng nghĩ càng thấy nhiều điều bất lợi. Lúc này thực lực Lưu Bị có yếu hơn, nhưng nếu dựa vào địa thế để cự lại thì không phải ngày một ngày hai là có thể lấy được Thục, đại quân cứ chôn chân ở đây trong thời gian dài, khó tránh được việc Tôn Quyền sẽ lại nảy sinh ý đồ cướp đất, có thể thắng được trận Hợp Phì, nhưng ai dám đảm bảo lần sau sẽ ra sao? Dân Hán Trung sùng bái Trương Lỗ hơn cả ông, nếu đánh nhau mà dựa vào họ thì thật đáng lo. Hơn nữa, mới đây Đổng Chiêu có nói chuyện với Tào Tháo, đề nghị sớm hoàn thành đại nghiệp soán ngôi nhà Hán, trong mắt Tào Tháo, thiên hạ chưa thống nhất thì thời cơ cũng chưa chín muồi, vì vậy ông không muốn xem xét việc đánh Thục, nhưng gần đây tình trạng sức khỏe cũng nhắc nhở ông phải biết ứng biến linh hoạt, Tôn Quyền ở ngay sát vách, Lưu Bị vẫn chưa bị diệt, con đường nhất thống còn rất xa, lẽ nào ông bôn ba cả đời, đến cuối cùng ngay cả tâm nguyện cũng không hoàn thành được? Nghĩ đến chuyện xưng đế, tất phải liên quan đến chuyện người kế vị, Tào Thực và Tào Phi biết chọn ai, đến nay còn chưa quyết định rõ ràng… Những lo lắng, suy tư cứ luẩn quẩn trong đầu, khiến cho ông còn lòng dạ nào nghĩ đến chuyện đánh Thục?
Lưu Hoa nói gãy lưỡi cũng không thấy kết quả, đành thi lễ cáo lui, sau đó Tư Mã Ý lại đứng ra nói thêm:
— Lưu Bị lừa gạt bắt Lưu Chương, người Thục không phục, gây chiến ở Giang Lăng, cơ hội này không thể để mất. Nay ta đã lấy được Hán Trung, cả Ích Châu nhân tâm chấn động, lúc này cho quân tiến đánh, địch nhất định sẽ tan rã, việc lấy Thục sẽ dễ như trở bàn tay. Thánh nhân không nên để vuột mất cơ hội, xin chúa công anh minh. - Thấy Tư Mã Ý đưa thêm cả thánh nhân vào lời nói, có người lén che miệng cười.
Tào Tháo chỉ liếc nhìn Tư Mã Ý, không phản đối mà chỉ cười nhạt:
— Con người khổ vì không biết thế nào là đủ, có được Lũng lại mong có Thục ư?
Ông nói ra câu này, mọi người đều đưa mắt nhìn nhau. Đó không phải là lời của Tào Tháo mà là câu nói của Quang Vũ Đế thời trung hưng. Khi xưa, Lưu Tú san phẳng Hà Bắc, bình định Trung Nguyên, đánh dẹp Giang Hoài, duy chỉ có Ngỗi Hiêu cát cứ Kinh Châu và Công Tôn Thuật chiếm giữ Ích Châu là dựa vào địa hình hiểm trở để chống lại, gắng gượng duy trì tình thế. Sau này, đại quân nhà Hán thảo phạt, Ngỗi Hiêu không thể đánh lại, lo sợ mà chết, Lưu Tú sai Ngô Hán, Sẩm Bành bao vây phe phái của họ Ngỗi ở Tây Thành, lại cử Cảnh Yểm, Cái Diên ngăn chặn Công Tôn Thuật cứu viện. Lưu Tú ở Lạc Dương thấy chiến sự thuận lợi, đã viết một bức thư cho Chinh Nam Đại tướng quân Sầm Bành đang công phá Tây Thành, thư nói:
— Nếu hạ được hai thành, thì hãy đem binh xuống phía nam đánh Thục. Con người khổ vì không biết thế nào là đủ, vừa được Lũng lại muốn có Thục. - Quang Vũ Đế bề ngoài thì than thở con người không biết đủ, nhưng trên thực tế là muốn thể hiện khát vọng sớm thống nhất thiên hạ, mong Sầm Bành nhanh chóng tiến quân. Nay Tào Tháo mặc dù dẫn lời của Quang Vũ Đế, nhưng lại ngầm phản đối cách làm của tiên nhân, trách rằng cớ sao có được Lũng rồi lại muốn lấy Thục, như vậy vẫn không đủ sao? Lúc này văn võ bá quan mới hiểu ra tâm tư của ông. Theo Tào Tháo nghĩ, có thể dễ dàng chiếm được ải Dương Bình là đã vượt ngoài mong đợi, còn chuyện bình định đất Thục, ông tạm thời không muốn nghĩ đến.
Tào Tháo đã nói như vậy thì biết can gián thế nào đây? Hạ Hầu Đôn muốn dàn hòa mọi chuyện:
— Chúng ta có thể sai người đi thám thính xem thực hư ra sao, rồi sau này hãy bàn tiếp việc lấy Thục. - Kỳ thực, Hạ Hầu Đôn cũng rất hy vọng sớm được tiến quân.
Các quan văn võ lặng lẽ lui ra, Tư Mã Ý trong lòng e sợ: Con người khổ vì không biết thế nào là đủ, cớ sao lại nói câu này? Có phải đang ám chỉ đến ta không? Tam đệ ở trong phủ Lâm Tri hầu, ta lại kết giao với Ngũ quan tướng, lẽ nào chúa công oán trách họ Tư Mã ta bắt cá hai tay, không biết đủ? Xem ra sau này phải cẩn trọng…
Nhưng việc kéo dài thời gian vẫn không làm Tào Tháo thay đổi ý định rút quân, quân Tào phái thám mã đi thăm dò, bảy ngày sau lại tổ chức hội bàn. Lần này không chỉ có văn võ trung quân mà ngay các bộ ở Ung Châu và chư tướng Kinh Châu, Hán Trung quy hàng cũng tham dự, Tân Tỵ, Trần Kiều có ý nói nếu không lấy được Thục sẽ không dừng lại. Nhưng Tào Tháo vẫn giữ thái độ như trước, thậm chí còn tỏ vẻ chán nản hơn, nghiêng người tựa vào soái án. Khổng Quế đường đường là một Kỵ đô úy mà lại chạy ra đấm lưng bóp vai cho Tào Tháo trước mặt mọi người, chẳng khác gì một tên nô bộc.
Xích hầu được Hạ Hầu Đôn phái đi trinh sát đang báo cáo tình hình, ngoài ra còn có một số dân Thục đến đầu hàng cũng kể về tình hình trong đất Thục. Khi nghe chuyện mỗi ngày Lưu Bị xử đến cả chục người tung tin đồn, ai nấy đều đồng thanh xin đánh, trong đó các tướng Ung Châu là hăng hái nhất.
Tào Tháo vẫn không tỏ thái độ, Tư Mã Ý cũng trầm tư, không dám phát biểu tùy tiện. Xích hầu báo cáo xong, Lưu Hoa hành lễ bước ra khỏi hàng, các tướng ai cũng vui mừng, nghĩ Lưu Hoa chắc lại có cao kiến gì, nhưng nào ngờ ông ta lại nói:
— Thuộc hạ cho rằng không thể đánh được Thục.
Không chỉ các tướng chết lặng mà ngay cả Tào Tháo cũng ngạc nhiên không kém, cớ sao Lưu Hoa lại thay đổi thái độ nhanh như vậy? Nhưng chính câu nói này đã mở cho Tào Tháo một lối thoát, ông lập tức nắm lấy thời cơ:
— Những lời Tử Dương nói rất hợp với ý ta, đất Thục đúng là khó có thể phá. Nếu đánh Thục không thuận lợi, quân ta sẽ chôn chân ở đó, khi ấy Tôn Quyền, Quan Vũ tập kích phía sau, chỉ e sẽ khó chống lại được, hơn nữa năm ngoái vừa sáp nhập lại các châu, quận, huyện, lòng người Hung Nô vẫn chưa quy phục, bọn người Khương, Hồ ở Lũng Tây, người Đê ở Vũ Đô đều có thể gây họa, thế nên rút binh về vẫn là thượng sách.
— Chúa công nói rất đúng. - Lưu Hoa hùa theo. Tân Tỵ, Trần Kiều đều trợn mắt nhìn ông ta.
Các quan văn có thể nín nhịn, nhưng các quan võ thì không chịu được, Triệu Ngang tức giận xông lên trước:
— Chúa công không nghĩ cho bách tính Ung Châu của mạt tướng bị thảm sát sao? Những tên gian tặc như Lưu Bị, Mã Siêu cấu kết với nhau tất sẽ là mầm họa của Tây Châu! Nếu lúc này không lấy đất Thục, mạt tướng xin tự tìm cách! - Bọn họ muốn lập công cũng là để báo thù, đánh Lưu Bị chỉ là nguyên nhân thứ yếu, giết được Mã Siêu mới là mong ước. Tào Chương đứng bên cạnh, nếu không có Tào Chấn, Tào Hưu kịp thời ngán lại, suýt nữa cũng nói “Ta sẽ đi cùng ngươi!”
Hạ Hầu Đôn mặc dù muốn đánh, nhưng vẫn phải giữ thể diện cho Tào Tháo:
— Triệu Vĩ Chương! Ngươi dựa vào mấy nghìn binh mã có thể lấy được Thành Đô không? Bình tâm mà đợi, không được vô lễ!
Triệu Ngang cũng biết mình đã quá lời, đành thở dài lui xuống. Tào Tháo thấy vậy bèn vỗ về:
— Triệu tướng quân đừng nóng vội, sớm muộn sẽ có ngày ta báo thù giúp chư tướng Ưng Châu các ngươi. Nay quân ta cũng đã mất sức, không thể mạo hiểm thêm. Như vậy đi, ta bổ nhiệm ngươi làm Thứ sử Ích Châu, sau này lúc đánh Thục sẽ do ngươi làm tiên phong. Ta để Hạ Hầu Uyên và Trương Cáp ở lại, tuy ta không ở đây, nhưng các ngươi có thể tùy thời cơ mà hành sự, ý ngươi thế nào?
— Được! - Hạ Hầu Uyên râu ria xồm xoàm đáp lời, - Tên giặc tai to hèn mọn ấy, nhắc đến làm gì? Mạt tướng sẽ đấu với hắn, không cần chúa công phải ra tay, mạt tướng nhất định sẽ lấy được Thành Đô! - Ông ta dương dương tự đắc.
Trương Cáp chắp tay nói:
— Nếu đã như vậy, mạt tướng nguyện đem quân tiên phong đánh vào quận Ba phá thế phòng bị của chúng, sau này có đánh Thục cũng sẽ dễ dàng.
Trương Ngang lại gằn giọng:
— Mạt tướng chỉ mong tên Mã Siêu mau tới nộp mạng. Nếu hắn không đến, mạt tướng sẽ cùng Hạ Hầu tướng quân đánh cho hắn khôi giáp chẳng còn!
Mặc dù chư tướng lưu thủ ai cũng đầy niềm tin, lại rất giỏi ứng chiến, nhưng khi đại quân của Tào Tháo rời đi, ngọn núi Thái Sơn để nương tựa chẳng còn, Hán Trung và Thục Trung sẽ lại rơi vào cục diện đối đầu lâu dài. Có điều Tào Tháo đã quyết ý, những vị tướng quân này cũng đã thể hiện thái độ, Lưu Hoa còn hùa theo thì ai có thể nói gì? Vậy là quân Tào tạm thời từ bỏ việc phá Thục, kế hoạch trở về Nghiệp Thành nhanh chóng được quyết định.
Tào Tháo tuyên bố hôm sau bãi quân, bá quan văn võ buồn bã ra về. Tân Tỵ vừa ra ngoài liền quở trách Lưu Hoa:
— Ông làm hỏng chuyện lớn! Sao đến lúc quan trọng lại thay đổi?
Lưu Hoa chỉ trả lời qua loa:
— Quân ta không nắm chắc mười phần, đúng là không nên đánh.
Tư Mã Ý cũng chen vào:
— Không được mười phần thì cũng được bảy phần. Hai bên giao chiến tránh sao được việc bại trận, nhưng nếu không mạo hiểm, làm sao năm xưa quân ta có thể đánh bại Viên Thiệu trong trận Quan Độ, hàng phục Ô Hoàn trong trận Bạch Lang? Lời của Tử Dương huynh không hợp lý, phải chăng có nỗi khổ nào?
Tân Tỵ tuổi tác đã cao nên không thể nói được những lời khách sáo như Tư Mã Ý, chỉ hận không thể tát cho Lưu Hoa một cái:
— Đây là đại kế để dựng nước, lẽ nào lại có thể bỏ đi như vậy? Thật hoang đường!
Lưu Hoa bị mắng nhưng không nói gì, chỉ cúi đầu đi thẳng, đến khi ra khỏi viên môn mới đứng lại, quay đầu thì thào với hai người:
— Các ngài không thấy điều gì sao?
Tân Tỵ vẫn còn tức giận:
— Mỗi ngày ở Thục xử mười kẻ tung tin, Lưu Bị mặc dù xử chém nhưng không thể dẹp yên bên trong. Như vậy đại cục đã quyết, còn có gì phải chú ý?
— Ta không nói việc đấy. - Lưa Hoa vừa xua tay, vừa thận trọng nhìn xung quanh.
Tư Mã Ý hình như đã hiểu ý, đợi mọi người xung quanh đi hết mới hỏi:
— Ông phát hiện ra điều gì?
Lưu Hoa thấp giọng, chau mày đáp:
— Đùi bên trái của chúa công cứ run rẩy liên tục, tay trái cũng giật nhẹ, không biết có phải là chúa công đã ý thức được không… Trận này ta không dám đánh, vì ta chỉ sợ… chỉ sợ… - Mắt Lưu Hoa lộ rõ vẻ lo lắng, cuối cùng cũng không đủ can đảm nói hết câu.
Tân Tỵ, Tư Mã Ý lặng người, dường như suy nghĩ của Lưu Hoa đang làm cho họ cảm thấy sợ hãi, nếu suy diễn theo hướng này, nơi đáng lo nhất không phải ở ngay trước mắt mà là tận Nghiệp Thành xa xôi. Tề Hoàn Công lên ngôi bá chủ hợp nhất chư hầu, nhưng cuối cùng thì sao? Nghĩ đến thế lực của hai vị công tử ngang tài ngang sức nhau, họ bất giác sởn hết tóc gáy.
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9