"Tell me what you read and I'll tell you who you are" is true enough, but I'd know you better if you told me what you reread.

François Mauriac

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Thùy Linh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 29
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 140
ánh bại Tôn Quyền, Trương Liêu vang danh khắp bến Tiêu Dao
Mật lệnh ở Hợp Phì
Tháng Tám năm Kiến An thứ hai mươi, trong khi quân Tào đang tiến vào Nam Trịnh thì Hoài Nam cũng bùng phát chiến sự.
Hai lần trước, quân Tào đánh xuống phía tây, cục diện thiên hạ là Tào Tháo và Tôn Quyền đối đầu ở Giang Hoài, Lưu Bị thừa cơ lấy Tây Thục, nhưng do sự thay đổi trong chiến lược của Tào Tháo, tình hình giờ đã thay đổi. Lưu Bị bận ổn định đất Thục để ngăn chặn quân phương bắc, còn Tào Tháo lại mưu đoạt Hán Trung để khống chế Lưu Bị, hai nhà Lưu, Tào dần hình thành thế đối đầu, vô tình đã tạo ra cơ hội nghìn năm có một cho Tôn Quyền.
Lâu nay, Tôn Quyền luôn đau đáu hai ý đồ lớn: Một là lấy được Kinh Châu để có được toàn bộ Trường Giang; hai là dựa vào Hoài Nam để tính kế đánh lên phương bắc. Hai mưu đồ này có quan hệ mật thiết với nhau, ý trước là việc tất yếu phải làm, ý sau là hướng phát triển sau này, nên việc lấy Kinh Châu là nhiệm vụ quan trọng nhất. Lần trước xuất chinh xuống phía nam, Tào Tháo chưa đánh đã rút, Tôn Quyền đã có dự cảm cơ hội sẽ đến. Quả đúng như vậy, Tào Tháo bắt đầu tây chinh lần hai, Tôn Quyền cũng bắt đầu ra tay lấy Kinh Châu. Đầu tiên, Tôn Quyền sai Chu Cát Cẩn đến Thục đòi đất Kinh Nam, sau khi bị từ chối đã phái quân đến Công An đón muội muội về, chính thức đoạn tuyệt mối liên hôn vì chính trị; sau đó nhận được tin báo, quân Tào đang mải đánh Tản Quan không có thời gian chú ý đến mạn phía đông, nên đã sai Lã Mông dẫn hai vạn quân đến chiếm đánh ba quận Trường Sa, Quế Dương và Linh Lăng.
Phía Kinh Châu bị đánh bất ngờ không kịp trở tay, trấn thủ Trường Sa là Triệu Vân đã đến đất Thục, còn Thái thú Quế Dương là Liêu Lập bỏ thành tháo chạy, hai quận đã rơi vào tay Tôn Quyền, chỉ còn có Thái thú Linh Lăng là Hách Phổ kiên trì giữ thành, tình hình rất nguy cấp. Quan Vũ hay tin lập tức cấp báo về Thục Trung, phái ba vạn binh tiến quân vào Ích Dương, định dùng vũ lực cướp lại những quận đã mất; nhưng Tôn Quyền sớm đã phái Lỗ Túc dẫn một vạn quân tiến vào Ba Khâu để đề phòng có biến, lại đích thân thống lĩnh các bộ đóng quân ở Lục Khẩu để chi viện, đại chiến đã ở ngay trước mắt.
Nhưng cả hai nhà Tôn, Lưu đều biết Tào Tháo mới là kẻ thù lớn, đề phòng mọi việc tiến triển xấu hơn, tướng lĩnh của hai nhà là Lỗ Túc và Quan Vũ đã một mình hội kiến ở Ích Dương, bàn cách giải quyết. Song mỗi bên một ý, không có cách nào thống nhất được, nên cuối cùng ai về nhà nấy. Đến tháng sáu, Lưu Bị dẫn quân từ Thành Đô trở về Kinh Châu, đại quân đóng ở Công An, thể hiện rằng sẽ dùng vũ lực để giải quyết sự việc, quân của Lỗ Túc ít hơn, rơi vào tình thế khó khăn.
Tôn Quyền dự liệu tình hình không mấy khả quan, vội gửi văn thư cho Lã Mông đang bao vây Linh Lăng trở về cứu viện Lỗ Túc. Nhưng Lã Mông giờ đã khác xưa nhiều, từ khi được Tôn Quyền giáo huấn, ông ta ngày đêm dùi mài kinh sách, nghiên cứu binh pháp, không còn là viên tướng “Ngô hạ A Mông” của ngày nào. Sau khi nhận được văn thư cấp báo, Lã Mông không dám bất tuân, nhưng cũng không đành vứt bỏ ba quận, vì vậy tính kế tìm đến Đặng Huyền Chi là bằng hữu cũ của Hách Phổ, cho ông ta xem tin quân báo đã được làm giả, nói rằng Quan Vũ bị Tôn Quyền tập kích bại trận, sau đó sai ông ta đến khuyên Hách Phổ đầu hàng. Kết quả Hách Phổ trúng kế phải dâng Linh Lăng, Lã Mông sắp xếp xong đâu đấy mới nhanh chóng đưa quân đến Ích Dương hợp lực với Lỗ Túc - Hai nhà vẫn ở thế đối đầu, nhưng ba quận thì đã đổi chủ.
Lúc này Lưu Bị như ngồi trên đống lửa: Ba quận Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng đã rơi vào tay Tôn Quyền, Lỗ Túc và Lã Mông hợp sức, xem ra khó có thể đánh nhanh thắng nhanh. Trong khi đó, các quan lại cũ của Lưu Chương ở đất Thục vẫn chưa quy thuận, cấp bách hơn là quân của Tào Tháo đã đến Hứa Đô, càng lúc càng gần.
Không còn cách nào khác, Lưu Bị đành phải sai người sang giảng hòa với Tôn Quyền, chỉ yêu cầu Tôn Quyền trả lại Linh Lăng; lúc này Tôn Quyền đã nắm đằng chuôi nên dễ bề ra giá, yêu cầu lấy quận Giang Hạ thuộc đất Giang Bắc đổi lấy Linh Lăng. Cuối cùng hai nhà cũng thống nhất lấy Tương Thủy làm ranh giới, Nam quận, Linh Lăng, Vũ Lăng ở phía đông Tương Thủy thuộc về Lưu Bị, còn Giang Hạ, Trường Sa, Quế Dương ở phía tây thuộc về Tôn Quyền, hai nhà lại cùng liên minh chống Tào.
Lưu Bị cũng qua loa phân định lại ranh giới, chuộc lại Hách Phổ rồi vội vàng trở về đất Thục. Tôn Quyền được như ý nguyện, thuận lợi nhổ được ba sợi lông của “con gà sắt”, ung dung tự tại trở về tiếp tục xây dựng cơ nghiệp. Tôn Quyền đã đạt được mục đích đòi đất, hơn nữa quan hệ giữa hai nhà Lưu, Tôn cũng không bị hủy hoại, chỉ cần giơ cao đánh khẽ mà vẫn xử lý được mọi việc, nên sau khi đã thủ lợi từ chỗ Lưu Bị, Tôn Quyền tiếp tục nghĩ kế ra tay với địa bàn của Tào Tháo.
Nửa tháng sau nhận được tin báo chính xác rằng quân Tào đã đến ải Dương Bình, Tôn Quyền vui mừng khôn xiết, lúc này Tào Mạnh Đức có cánh cũng chẳng bay kịp về Hoài Nam, không chiếm lấy còn đợi khi nào nữa? Để chuẩn bị tốt cho trận này, Tôn Quyền đã tập trung tất cả binh sĩ tinh nhuệ, Hổ Uy Tướng quân Lã Mông, Phấn Vũ Tướng quân Hạ Tề, Chiết Xung Tướng quân Cam Ninh, Bình Nam Tướng quân Lã Phạm, Thiên Tướng quân Trần Vũ, Thừa liệt hiệu úy Lăng Thống, Vũ mãnh hiệu úy Phan Chương, Thảo việt trung lang tướng Tưởng Khâm, Bình tặc trung lang tướng Từ Thịnh đều dẫn quân ra trận, xưng là mười vạn quân, do Tôn Quyền đích thân thống lĩnh, đại quân thủy bộ hùng dũng tiến vào Hợp Phì…
— Mười vạn đại quân? Hừm! - Trương Liêu đập bàn thét lớn, - Năm xưa bại trận ở Ô Lâm, Tôn Quyền đem quân đánh Hợp Phì cũng xưng danh là mười vạn đại quân nhưng thực ra không quá hai, ba vạn. Nay lại xưng là mười vạn đại quân, Trương mỗ ta không tin đất Giang Đông bé tẹo kia lại có nhiều quân đến thế! Tôn Trọng Mưu sao không đổi thành “Tôn mười vạn” cho xong!
— Hừ! - Lý Điển ngồi cạnh mặt lạnh như tiền, chỉ cười nhẹ một tiếng, không nói gì.
Nhạc Tiến thì mặt đầy lo lắng. Gần đây ông ta béo ra, không chịu được nóng nên cởi áo ngoài ra, dáng người thấp lùn, béo trắng lù lù một đống ở góc trướng trông chẳng khác gì một tảng thịt lớn. Tay cầm quạt, nói chậm rề rề:
— Không đến mười vạn, chỉ sáu bảy vạn đúng không? Nhưng chúng ta có thêm quân cũng chỉ được sáu bảy nghìn binh, một có chống lại được mười không?
Trương Liêu hiểu câu hỏi có lý, nhưng lại chống chế:
— Ta chẳng vấn đề gì, chỉ sợ người khác không làm được.
Thực ra, Trương Liêu có ý nói binh sĩ không phải ai cũng ngang sức như nhau, không phải ai cũng có thể một địch mười, không ngờ Lý Điển ngồi bên cạnh nghe thấy lời này, tưởng Trương Liêu chế giễu mình không đủ dũng mãnh, tức giận đứng phắt dậy:
— Trương Văn Viễn, ông ngông cuồng cái gì? Quân của Lý gia ta ai cũng dũng mãnh, huynh đệ tử tôn cùng vào sinh ra tử, sao ông ăn nói hồ đồ vậy?
Hai người vốn có hiềm khích, chẳng có chuyện gì mà vẫn sinh sự với nhau, Trương Liêu nghe giọng Lý Điển cũng bực mình:
— Ông ngông cuồng hay ta ngông cuồng? Đang yên đang lành lôi cả gia tộc ra để ép người! Bình thường có bao giờ thấy ông thể hiện gì ngoài việc lấy lòng lôi kéo người khác. Còn giả bộ thanh cao!
— Ông chẳng qua là con chó theo đuôi Lã Bố, một tướng theo hàng như ông có xứng nói chuyện với ta?
— Nhưng nay ta có quyền cầm phù tiết.
— Nực cười, ông cứ thử động vào ta xem? - Lý Điển vỗ ngực, - Ông dám lấy đầu ta? Hay là cướp doanh của ta? Ông cho rằng ông được như Vu Cấm sao?
— Tức chết mất! Ngươi… ngươi thực là chanh chua ngoa ngoắt!
— Hừm! Đúng là gã thất phu Tịnh Châu!… - Hai tướng không ai nhường ai, cãi nhau ầm ĩ.
— Các ông thôi đi! - Nhạc Tiến uể oải khuyên, - Cãi nhau đã mười mấy năm, có nghĩa lý gì không? Các ông không chán, nhưng ta chán lắm rồi. - Nói xong thấy hai người họ không thèm để ý, vẫn tranh cãi không thôi, đành thở dài, tiếp tục phe phẩy quạt. Thực ra, Nhạc Tiến cũng không biết khuyên hai người này thế nào, năm xưa Trương Liêu ở dưới trướng Lã Bố, trong trận Duyễn Châu đã giết nhiều người của dòng họ Lý, Lý Điển vẫn chưa nguôi mối hận cũ, còn Trương Liêu cũng cứng đầu cứng cổ, ngay cả nở một nụ cười để chuộc lỗi cũng không chịu. Nếu có thể đánh nhau tơi bời một trận thì chắc cũng xong, nhưng dẫu sao hai người cũng ở trong cùng một nồi nước, vẫn phải để ý tới sắc mặt của Tào Tháo. Chuyện Chu Linh bị tước quân quyền đã trở thành tấm gương cho chúng tướng, bọn họ không thể đánh nhau bằng tay chân, nên chỉ có thể dùng võ mồm. Hai người cũng đóng quân ở Hợp Phì, một người ở phía đông, một kẻ ở phía tây, gặp nhau thường xuyên cũng không bao giờ chào hỏi; gặp chuyện cần thương lượng, mới nói được vài câu đã cãi vã ầm ĩ, Nhạc Tiến chứng kiến mãi cũng thành quen. Vì có khuyên cũng chẳng ai nghe, nên ông ta đành đứng xem.
— Tất cả câm miệng hết! - Một tiếng quát khiến ba người giật mình kinh ngạc, - Quân địch đang ở trước mặt không nghĩ cách chống cự, lại còn cãi nhau, nếu Hợp Phì thất bại các ông sẽ ăn nói thế nào? - Hộ quân Tiết Đễ sắc mặt hằm hằm tiến vào trong trại.
Lý Điển, Trương Liêu lập tức yên lặng - Tiết Đễ là một quan văn nhưng lại giữ chức hộ quân, Tào Tháo phái ông ta đến đây có nghĩa là ông ta sẽ nắm quyền cai quản chư quân. Hai tướng không gây chuyện cũng vì nể chút thể diện của Tiết Đễ. Lý Điển thở phì phì lùi sang đứng một bên, Trương Liêu nhường lại soái án, còn Nhạc Tiến chỉnh lại y phục.
Kỳ thực, ba tướng cũng có ý kiến đối với sự sắp xếp này của Tào Tháo: Hợp Phì là một trấn trọng điểm, can qua liên miên, phái một quan văn trong tay chẳng có lấy một binh tốt đến để tạo thêm rắc rối chăng? Hơn nữa, Tiết Đễ mặt mày lúc nào cũng nghiêm nghị, mũi chim cắt mắt diều hâu, không bao giờ nở một nụ cười, chỉ nhìn thôi cũng đã thấy không vui vẻ gì.
Nhưng Tiết Đễ cũng là người biết điều, không dám thể hiện uy phong của thống soái trước mặt ba viên đại tướng, không ngồi vào chỗ của chủ soái mà đi đến phía trước, rút từ trong ngực ra một mật thư đặt lên soái án:
— Đây là bức thư do đích thân Ngụy Công viết, liên quan đến việc Tôn Quyền đến xâm phạm, ta và ba vị hãy cùng xem.
Ba người bất giác e dè: Ông ta đến đây đã cả tháng trời, cầm theo mật lệnh của chúa công, sao giờ mới đưa ra?
Trương Liêu định mở mồm trách, nhưng nhìn thấy bên ngoài phong thư có bốn chữ đỏ “tặc chí nãi phát”, đành nuốt nước miếng, không dám tỏ thái độ. Tiết Đễ mở niêm phong lấy thư ra, ba tướng lập tức đứng vây xung quanh, thò cổ nhìn, nhưng chỉ thấy viết đúng một câu: Nếu Tôn Quyền đến, hai tướng Trương, Lý xuất quân; Nhạc Tiến phòng thủ, hộ quân không được tham chiến.
Ba tướng im lặng hồi lâu, ngay cả Tiết Đễ cũng không nói gì: Lúc cầm mật thư, ông ta còn nghĩ rằng chúa công có diệu kế gì, hoặc có đội kỳ binh tiếp viện ở đâu, nhưng lúc này thấy cái gì cũng chẳng có, chỉ đơn giản là sắp xếp ai ra trận. Nói thì dễ nhưng trận này biết đánh thế nào?
Mãi lâu sau, vẫn là Trương Liêu mở lời trước:
— Chúa công chinh chiến ở xa, đợi cứu viện đến nơi thì quân ta chắc cũng thua trận, nên đã lệnh cho chúng ta nhân lúc địch chưa ổn định phải hành động trước, làm nhụt nhuệ khí của chúng, nếu có thể giáng đòn phủ đầu, binh sĩ cũng sẽ yên lòng, sau đó sẽ không khó để trấn thủ.
Không cần Trương Liêu phải giải thích, ai cũng đều hiểu dụng ý của Tào Tháo, nhưng Tôn Quyền xưng rằng có mười vạn quân, trong khi quân trấn giữ Hợp Phì chỉ có bảy nghìn, lực lượng hai bên chênh nhau một trời một vực, chủ động khiêu chiến có khác nào lấy trứng chọi đá? Lý Điển không nói đánh, cũng chẳng nói không đánh mà quay ra hỏi:
— Ôn Thứ sử, Thương Đô úy có bao nhiêu binh mã?
Nhạc Tiến thầm nhủ Trương Liêu biết rõ những vẫn cố hỏi:
— Bộ quân của Ôn Khôi có không quá một nghìn người, còn dưới trướng Thương Từ đều là lính đồn điền, không phải quân chính quy nên không thể trông đợi gì. Trừ phi… trừ phi Ôn Thứ sử lập tức chiêu binh, có thể được hai, ba nghìn người.
Lý Điển bĩu môi lắc đầu:
— Giờ có chiêu binh e rằng cũng không kịp, đợi tập hợp được quân rồi lại từ Thọ Xuân kéo tới thì sớm đã bị Tôn Quyền bao vây, đến lúc đó chẳng phải lại đem quân dâng tặng địch sao. Nếu cố thủ chờ quân cứu viện thì cũng chẳng trông mong được gì vào Ôn Thứ sử, còn Chinh Nam Tướng quân đang ở đâu?
Nhạc Tiến bản tính vốn thật thà, nhưng mấy năm làm việc cùng Lý Điển nên cũng thông minh hơn, thấy Lý Điển lại làm bộ làm tịch, nên vội vàng đáp:
— Chinh Nam Tướng quân đang ở Tương Dương thống soái các bộ quân của Lã Thường, Ngưu Kim, Hầu Âm, Vệ Khai, lại có Mãn Sủng tương trợ. Nhiệm vụ chính của họ là phòng ngự Quan Vũ, nhưng nhất thời điều động chắc cũng… Đám Tang Bá ở Thanh, Từ cũng có ít binh mã… - Nói xong bèn đưa mắt nhìn Tiết Đễ.
Tiết Đễ làm quan đã lâu, sao lại không biết họ đang bày trò gì? Hai người kẻ xướng người họa chẳng qua là có ý ám chỉ binh mã ít để Tiết Đễ nghĩ cách xin cứu viện từ Tào Nhân. Nhưng quân của Tào Nhân cũng không nhiều, hơn nữa đường sá xa xôi, Tương, Phàn cũng là hai trấn quan trọng phòng ngự Kinh Châu. Nhạc Tiến, Lý Điển không nói rõ nhưng rõ ràng muốn ép “thống soái” phải ra mặt. Dẫu vậy Tiết Đễ cũng không dám làm, đừng nói là mật lệnh của Tào Tháo còn bày trên bàn, mà có mặt dày đến tìm Tào Nhân, liệu ông ta có chịu giúp không? Nếu Tương, Phàn xảy ra chuyện, họ sẽ phải chịu trách nhiệm. Còn đám Tang Bá, Tôn Quan ở Thanh, Từ đều không phải là quân chính quy của Tào Tháo, hơn nữa xét theo quân luật, nếu không có lệnh của chủ công không thể tùy tiện điều quân, chẳng may xảy ra họa thì phải làm thế nào?
Nghĩ đến đây, Tiết Đễ nghiêm mặt, thể hiện phong thái của hộ quân:
— Chúa công đã có mật lệnh, chúng ta phải dựa vào đó mà tính kế hành sự, mọi người cùng cố gắng, nếu đại sự không thành cũng chẳng có gì phải hổ thẹn. Vả lại, nơi nào có thể phát binh cứu viện là chuyện sau này tính, chúng ta phải quyết định chuyện trước mắt đã. - Giọng ông ta không to, không nhỏ nhưng lại chắc như đinh đóng cột, không có kẽ hở để thương lượng.
Lý Điển cúi đầu, còn Nhạc Tiến phe phẩy quạt, không để ý tới những lời này. Tiết Đễ tuy là hộ quân nhưng trong tay không có lính nên cũng chẳng làm gì được họ. Ba người đứng ngây ra đó, Trương Liêu tức giận nói:
— Chần chừ mãi vẫn không quyết, chậm một khắc, Tôn Quyền tiến gần thêm một dặm, mau ra quyết sách thôi.
Lý Điển thấy ông ta nói năng khí thế, bèn buột miệng hỏi:
— Vậy ông có quyết sách gì?
— Đánh! - Trương Liêu vỗ đùi đen đét, - Thành bại là ở trận này, có gì phải thương lượng?
Tiết Đễ thấy cuối cùng cũng có người chịu nghe lời mình, lén lau mồ hôi trên trán, mỉm cười khen ngợi:
— Tốt. Tướng quân rất thẳng thắn!
Nhạc Tiến liên tục tặc lưỡi, còn Lý Điển có vẻ hậm hực. Tiết Đễ sớm đã nhìn thấu tâm tính của các tướng, nghĩ thầm: Hai tướng Trương, Lý bất hòa, ta khen Trương Liêu để khích Lý Điển, Lý Điển nhất định sẽ tranh công, chỉ còn lại Nhạc Tiến sẽ phải chấp nhận. Nghĩ đến đây, ông ta càng cao giọng khen:
— Văn Viễn trung nghĩa quả cảm, đúng là trụ cột của nước nhà, đứng đầu trong chúng tướng! Không biết tướng quân định sắp xếp binh mã dưới quyền thế nào? - Tiết Đễ nửa đời làm quan, nhưng những lời tâng bốc này chưa từng nói bao giờ.
Trương Liêu tùy tiện đáp:
— Hộ quân không cần phải khen ngợi, thân là tướng lĩnh ta sẽ dốc hết sức mình, nếu những kẻ khác không đồng lòng thì Trương mỗ sẽ một mình quyết chiến với địch!
Tiết Đễ cười thầm, ông ta chỉ chờ câu nói này. Quả nhiên Lý Điển lập tức đập bàn đứng dậy:
— Chuyện quốc gia đại sự, phải xem ông sắp xếp như thế nào, Lý mỗ há lại là kẻ vì ân oán cá nhân mà dẹp bỏ chuyện công?
— Sắp xếp của ta như thế nào sao? - Trương Liêu nói thẳng:
— Theo ý của ta, lập tức chọn cảm tử quân, tối nay xuất kích, sáng mai tới nơi, cho dù bọn chúng có mười vạn quân hay tám vạn quân, cứ đánh phủ đầu uy hiếp rồi tính tiếp!
Lý Điển cũng không chịu kém phần:
— Ông dám đánh, ta cũng dám đánh! Hơn nữa chúa công đều muốn cả hai ta tiến công, cứ vậy mà làm!
— Điều binh ngay bây giờ?
— Đi! - Hai người hùng hổ định đi ra.
— Khoan đã. - Giờ chỉ còn mỗi Nhạc Tiến, không thể hiện quan điểm cũng không được, - Nếu các ông đều có chung ý kiến, ta nguyện xả thân cùng. Tốt nhất chúng ta nên cùng tiến quân!
Tiết Đễ ngăn lại:
— Không cần, cứ theo lời chúa công sắp xếp. Nhạc tướng quân nếu sợ binh ít, có thể chia nửa số binh mã từ doanh của ông cho Lý tướng quân, chúng ta ở lại trấn thủ. - Nói xong, Tiết Đễ thở phào, nhưng trong lòng vẫn lo lắng: Chuyện xuất binh đã được thống nhất, nhưng có thể đánh thắng không? Hai quân chênh lệch quá nhiều, nhưng cũng không thể để Nhạc Tiến theo họ; ngộ nhỡ họ không quay về kịp, Tôn Quyền vây thành, một mình ta sao chống đỡ được? Chúa công ơi chúa công, ngài quả là chu đáo!…
Đánh đòn phủ đầu
Tôn Quyền cai quản Giang Đông từ khi còn rất trẻ, kinh qua nhiều gian nan, trắc trở nên hiểu rằng cục thế thiên hạ sẽ có nhiều biến đổi, trong tương lai nếu muốn có được thế chủ động trong các cuộc chiến với Tào Tháo, nhất định phải nắm chắc cơ hội lần này. Thế nên từ khi đại quân vượt sông đến nay, trên đường tây tiến qua các huyện Lịch Dương, Tuấn Tù, Tôn Quyền đều bỏ qua mà cho quân tiến thẳng đến Hợp Phì, chỉ cần lấy được trọng trấn này, toàn bộ bố trí quân sự tuyến đông nam của Tào Tháo sẽ bị tê liệt, việc đoạt Hoài Nam sẽ trở nên dễ dàng.
Mặc dù hành quân vất vả, nhưng nhờ uy danh sau khi lấy được ba quận mà quân Giang Đông vẫn bừng bừng khí thế, quên hết mệt nhọc. Đặc biệt, Tôn Quyền còn đích thân đốc thúc tiến quân, khiến các tướng ai cũng phấn chấn, hăng hái, dọc đường lại thấy đồn dân Giang Bắc hoảng hốt tháo chạy, nên họ lại càng hung hăng, kiêu ngạo, coi thường quân Tào ở Hợp Phì.
Chỉ trong năm ngày, quân Giang Đông đã vượt qua địa giới huyện Tuấn Tù, lương thảo chở bằng đường thủy cũng theo kịp, chỉ mất nửa ngày nữa, qua bến Tiêu Dao ở phía tây sông Phì Thủy là đã đến dưới chân thành Hợp Phì. Tôn Quyền vốn tính cẩn thận, biết đã vào sâu địa phận của quân Tào nên sớm cho dựng trại để quân sĩ nghỉ ngơi. Tôn Quyền thầm tính: Sáng sớm mai sẽ tiến quân, chỉnh đốn binh mã ở bến Tiêu Dao, sau giờ ngọ đến Hợp Phì thong thả hạ trại, quân Tào chắc không dám ra. Mặc dù thành Hợp Phì không dễ đánh như thành Hoản, nhưng tình hình lúc này đã có nhiều lợi thế hơn so với lần đánh thành Hoản năm trước, Tào Tháo đang ở xa không thể tới kịp, quân cứu viện còn ở tận đâu, đánh thành Hoản mất có nửa ngày, Hợp Phì khó đánh thì cũng mất nửa tháng là cùng!
Đêm đó Tôn Quyền mải nghĩ ngợi viển vông, hưng phấn quá độ nên không ngủ được; binh mã các bộ được bố trí trật tự, tuần tra cẩn thận đề phòng bị tập kích, nhưng cuối cùng cũng chẳng thấy bóng dáng quân Tào đâu, xem ra quân trấn thủ Hợp Phì đã bị dọa sợ vỡ mật. Tờ mờ sáng, Tôn Quyền truyền lệnh chuẩn bị, chư tướng và quân sĩ nhổ trại, Thiên Tướng quân Trần Vũ dẫn quân xuất phát trước.
Vì Trần Vũ là người Lư Giang, quân dưới quyền cũng đa phần là người Giang Bắc, cho nên lần xuất chinh này lĩnh ấn tiên phong, kỳ thực chỉ làm hướng đạo.
Tôn Quyền thong thả chuẩn bị, ăn uống xong xuôi, thu dọn lều bạt rồi mới nhổ trại. Nào ngờ còn chưa kịp dàn binh thì đột nhiên nghe thấy phía tây có tiếng la hét ầm ĩ, sau đó có mấy binh sĩ hoảng hốt chạy lại. Lúc đầu Tôn Quyền không buồn để ý, còn cho rằng họ đi truyền lệnh, nhưng nào ngờ người chạy đến mỗi lúc một đông, không theo phép tắc gì cả, gọi nhau ầm ĩ có vẻ rất hoảng sợ. Lúc này Tôn Quyền không dám chậm trễ, lệnh cho quân dàn trận phòng bị, binh sĩ quay về bẩm báo mới hay tiền quân đang bị tập kích.
Tôn Quyền sợ hãi, vội gọi đám bại binh đến hỏi cặn kẽ, họ trả lời:
— Trần tướng quân dẫn đầu tiền quân, còn chưa kịp đến bến Tiêu Dao đã bất ngờ gặp một đội binh mã xông ra chặn đường. Do trời còn chưa sáng, đội binh mã kia ít người, ban đầu quân ta không sợ, nhưng nào ngờ kẻ địch quá nhanh, quân ta chưa kịp dàn trận, kẻ địch đã lao đến trước mặt, bọn chúng ai cũng đánh bạt mạng, mặc sức chém giết, trong nháy mắt quân của ta bị đánh tan tác… - Họ chưa nói dứt lời đã bị âm thanh hỗn loạn bên ngoài cắt ngang, Tôn Quyền ngẩng đầu nhìn về phía tây: Đồi núi nhấp nhô, cây cỏ điêu tàn, binh sĩ của Trần Vũ như cát rải khắp núi, đang từ từ tiến về hướng đông; trong đám quân hỗn loạn đó, đột nhiên xuất hiện một đội quân Tào, nhanh chóng dàn hàng chỉnh tề, quân Giang Đông vừa bị đánh bại nên thấy địch như nhìn thấy hổ dữ, lập tức rút quân tháo chạy tán loạn.
Ý nghĩ đầu tiên của Tôn Quyền là: Tướng địch đúng là bị điên! Mấy vạn đại quân của ta đang tập trung ở đây, đội quân của hắn e là không quá nghìn người, chẳng phải tự tìm đến chỗ chết hay sao?… Nhưng ngay lập tức, Tôn Quyền ý thức được rằng không thể coi thường, quân của Trần Vũ có hơn ba nghìn người, chẳng phải vẫn bị đánh cho không kịp trở tay đó sao? Nghĩ đến đây, ông ta vội lệnh cho Tư mã trung quân Tống Khiêm, Giả tư mã Giả Hoa dẫn theo hai nghìn binh mã đi giết giặc. Không lâu sau lại thấy bại quân trở về kêu gào thảm thiết:
— Trần tướng quân chết rồi!
— Cái gì? - Trần Vũ không chỉ là thân tín của Tôn thị mà còn là người Giang Bắc, là quân cờ dùng để chiêu nạp dũng sĩ phương bắc, không ngờ lại bị tập kích mất mạng như vậy. Tôn Quyền lập tức nổi cơn đại nộ, rút gươm thét lớn, - Toàn quân xuất kích, giết chết bọn chúng để báo thù cho Trần Vũ!
Lệnh đã truyền đi, nhưng binh lính còn chưa kịp chuẩn bị thì phía trước đã hỗn loạn - Tống Khiêm cũng được coi là một danh tướng trong quân của Tôn Quyền, có thể làm đến chức Tư mã trong trung quân há lại là kẻ tầm thường? Tôn Quyền lấy nhiều địch ít, cho rằng sẽ không có vấn đề gì, nhưng nào ngờ kẻ địch chưa đến đã thấy quân mình bỏ chạy nháo nhác, chen nhau tán loạn. Quân Tào không cần biết phía trước là quân Trần hay quân Tống, cứ mặc sức chém giết. Chỉ do dự chốc lát, quân Ngô đã phải hứng tên nhận đao, đội quân này của Tào doanh tuy ít nhưng sĩ khí đang hăng, binh lính kẻ nào kẻ nấy như hổ dữ, ngựa như giao long, vung đao múa kiếm bạt mạng xông lên. Quân Ngô vừa giao đấu đã thấy đánh không lại, thế trận lập tức bị dồn ra cửa núi, quân Tào nối đuôi nhau xông lên, Giả Hoa bị ngựa giẫm chết tại trận! Tống Khiêm thấy phó tướng chết thì vô cùng phẫn nộ, cầm đao quay lại quyết chiến. Nhưng quân Tào lại không để ý đến ông ta, đội quân của họ vô cùng nhanh nhẹn, Tống Khiêm dẫn theo tùy tùng đánh vào bên sườn, nhưng không cắt được đội hình của họ, chỉ nhìn thấy chiến kỳ thoáng chốc lướt qua, phía trên viết chữ “Trương” to đùng.
Cảnh tượng này Tôn Trọng Mưu cả đời sẽ không quên, trong lúc Tôn thị còn đang đứng chửi rủa, đại quân chia làm hai cánh đánh bọc sườn từ hai phía chưa kịp hợp lại đã thấy trước mặt binh lính vòng ra ngoài chạy tán loạn, quân Tào vừa chém giết vừa giẫm đạp, khí thế bừng bừng xông vào trận, lao thẳng đến Ngô doanh!
— Trương Liêu ở đây! Thằng nhãi Tôn Quyền mau ra nộp mạng! - Tiếng thét vang dội cả doanh trại. Chưa bao giờ có trận đánh nào như vậy, hai quân giáp chiến, đại tướng há có thể đích thân dẫn đầu đội cảm tử quân? Cam Ninh đánh úp trại Tào còn phải đánh vào ban đêm, còn Trương Liêu giữa ban ngày xông thẳng vào trại địch! Hơn nữa lại còn dám xưng danh, nếu bị quân Ngô hợp lực tấn công chẳng phải cả đội binh mã sẽ chết hết?
Nhưng lúc này quân Ngô đang hoảng sợ, quân địch xông thẳng vào trận địa, nếu chúa công có mệnh hệ gì thì Giang Đông biết làm thế nào? Đại quân ầm ĩ nháo nhác, chen nhau xông vào giữa trận.
Tôn Quyền nghe danh Trương Liêu đã lâu, trong lòng mặc dù hoảng sợ nhưng vẫn ngẩng đầu ưỡn ngực, muốn thể hiện chí khí anh hùng, nhưng không biết kẻ đáng chết nào lại hô lớn “Bảo vệ chúa công!”, thế là mấy chục binh sĩ xông tới, tay chân luống cuống giằng lấy dây cương, kéo Tôn Quyền đi; Tôn Quyền mất hết tự tin, cũng không vùng ra, quay ngựa bỏ chạy dưới sự bảo vệ của binh lính - ngay cả chút dũng khí vừa được nhen nhóm cũng bị mấy tên lính ngu đần này làm tiêu tan cả!
Nếu Tôn Quyền không chạy thì binh lính sẽ tiếp tục chống cự, nhưng nếu chạy thì mọi việc còn nghiêm trọng hơn. Khi hai quân đối trận, điều quan trọng nhất là phải “bất động như sơn”, nay chủ tướng dao động, tướng sĩ ắt sẽ hoảng loạn - không biết nên chặn Trương Liêu hay là phải bảo vệ chúa công? Hai cánh quân đã vây xung quanh quân Tào, nhưng lại bị đánh một trận trở tay không kịp. Quân của Trương Liêu thực ra chỉ có tám trăm quân, nhưng tám trăm quân này đều được tuyển chọn kỹ lưỡng từ ba bộ, có thể lấy một chọi mười, đêm qua ba vị tướng quân đã tế rượu thịt làm lễ tuyên thệ, mọi người ăn uống no say, hôm nay dùng mạng ra đánh cược một trận.
Tám trăm tráng sĩ xông vào trận địa, ngoài Trương Liêu ra thì những binh sĩ khác đều chẳng nói chẳng rằng, chỉ nóng lòng vung đao múa kiếm, xông lên chém giết; quân Giang Đông người chết ngựa đổ, tiếng gào thét vang lên tứ phía. Trương Liêu chẳng cần biết ai là Tôn Quyền, cứ nhìn thấy ở đâu có treo cờ tướng là xông đến, đám thân binh bên quân Ngô hỗn loạn, quay người bỏ chạy, Liêu thấy có vẻ như chúng đang bảo vệ nhân vật quan trọng nào đó, nên lập tức đuổi theo. Trong chớp mắt, Tôn Quyền chạy trước, Trương Liêu theo sau, một đội trước một đội sau chạy ra khỏi trận địa.
Chư tướng Giang Đông sớm đã nhận được tin, không buồn nhổ trại dàn hàng, lập tức xông ra cứu chủ. Lúc này đầu óc Tôn Quyền hoảng loạn, không phân biệt được đâu là đông tây nam bắc, cứ thấy chỗ nào có đường là chạy về phía đó. Trương Liêu theo sát phía sau, thét lớn:
— Trương Liêu đến đây, Tôn Quyền nộp mạng! - Các tướng Cam Ninh, Lăng Thống, Lã Mông, Lã Phạm đều nhanh chóng điều quân vây bốn phía, nhưng cục diện đã không thể khống chế được, Tôn Quyền chạy tới đâu, Trương Liêu đuổi theo tới đó. Tuy vẫn không thể chặn được đường của Tôn Quyền, nhưng ngộ nhỡ đi vào đường cụt, Trương Liêu bắt kịp là xong! Các tướng Giang Đông đành tìm cách để cắt đuôi, nhưng nào có dễ dàng? Đội quân của Trương Liêu ít người lại vô cùng nhanh nhẹn, đuổi theo rất sát - hai đội quân chẳng khác nào đàn cá, đuổi nhau quanh núi, mỗi bên chia nhau chặn hai bên trái phải, đằng trước đằng sau, nhưng vẫn không giải quyết được việc gì, mấy vạn đại quân bị Trương Liêu quay như chong chóng.
Tiếng người la hét bốn phương tám hướng, đều bảo chúa công trốn đi. Tôn Quyền lúc này không nghe rõ, cũng không biết nên nghe ai, chỉ biết nằm rạp trên lưng ngựa mà chạy bạt mạng, trong lúc hoang mang Tôn Quyền chợt nhìn thấy bên phải có một doanh trại còn chưa dỡ, quan sát kỹ thì nhận ra đó là trại trung quân của mình - thì ra nãy giờ chạy một vòng rồi quay lại! Tôn Quyền nhanh chóng phi ngựa thẳng vào trại, Trương Liêu cố sống cố chết đuổi theo. Mấy binh sĩ đang nhổ trại chuyển lương, nhìn thấy chúa công chạy đến há có thể không cứu? Tuy không phải là quân thiện chiến nhưng dẫu sao cũng là binh sĩ của trung quân, trong tay cầm bất kể thứ gì như dao bếp, củi gỗ, bó đuốc đều xông ra ngăn quân Tào. Trương Liêu đang thừa thế xông lên, đâu thèm để ý đến họ, hết đâm trái lại chém phải, xộc thẳng vào doanh, nhưng do Tôn Quyền thuộc đường nên vòng mấy vòng là ra đến cửa hậu, bỏ lại Trương Liêu khá xa.
— Tùng, tùng, tùng!… Cheng, cheng, cheng!…
Tôn Quyền chợt nghe thấy phía trước có tiếng trống lớn, thì ra Trưởng sử Chu Cát Cẩn trông thấy thế trận hỗn loạn, đã lấy cờ chỉ huy của Tôn Quyền cắm lên trên đồi. Tôn Quyền lập tức tỉnh ngộ, thúc ngựa chạy lên, quay đầu lại nhìn, thấy thân binh đã bị thương vong quá nửa.
Quân Tào xông ra khỏi trại nhìn thấy đội vệ binh của Tôn Quyền đã lên núi, quân sĩ cầm kích dài dàn trận kín mít, cung tên trong tay, phong tỏa đường lên đồi, người ngựa vây xung quanh. Lúc này đừng nói có tám trăm quân mà tám nghìn quân cũng chưa chắc đã đánh lên đồi được. Trương Liêu cầm đại đao, thét lớn:
— Thằng nhãi Tôn Quyền! Có dám quyết chiến một trận không?
Tôn Quyền mồ hôi nhễ nhại, tháo bỏ mũ áo, thở hổn hển, nấp sau lưng Gia Cát Cẩn, lúc này bị chửi thế nào cũng nhất quyết không xuống!
Trong nháy mắt, các cánh quân của Cam Ninh, Lăng Thống, Lã Mông, Lã Phạm, Phan Chương đã xông đến, Trương Liêu không mảy may sợ sệt, dẫn tám trăm binh sĩ tả xung hữu đột chém giết bạt mạng. Ánh đao sáng quắc, tiếng người kêu ngựa hý, cả một quả đồi hoang đầy mùi chết chóc, máu tanh nồng nặc phun lên như mưa, trận địa nóng như chảo lửa. Quân Giang Đông đổ ra chặn đánh nhưng không có tổ chức, không phân biệt được ai với ai, tám trăm tráng sĩ bên quân Tào cũng không để ý đội quân trước mặt là của ai, cứ gặp người tới là chém giết, là gào thét… Trương Liêu rạng sáng xuất quân, sáng sớm giao tranh, đánh trận này chắc phải đến tối.
Tráng sĩ dù anh dũng nhưng cũng đã mệt đứt hơi khản tiếng, đến tầm trưa quân Tào bị tử thương khá nhiều, máu chảy lênh láng, người ngựa đổ gục liên tục. Trương Liêu cũng biết không thể cố sức mãi, vội tìm phía tây để phá vòng vây. Quân Giang Đông liệu có buông tha? Nhưng quân Ngô thấy địch dũng mãnh nên trong lòng sợ sệt, hơn nữa quân sĩ đang rải rác khó mà hợp lực, nên đành để Tào quân cưỡi ngựa chạy thoát.
Trương Liêu tuy đã thoát khỏi vòng vây nhưng trong lòng vẫn bực tức: Đêm qua đã bàn với Lý Điển, ta dẫn quân cảm tử đột kích trước, hắn thúc đại quân theo sau, nhưng đánh nhau nửa ngày rồi mà không thấy bóng dáng hắn đâu, lần này về sẽ không tha cho hắn! Ông ta đang định quất ngựa chạy thì nghe thấy có tiếng binh lính gọi:
— Tướng quân! Định bỏ lại chúng tôi sao?
Quay lại nhìn còn hơn trăm binh sĩ nữa vẫn bị bao vây. Trương Liêu không hề do dự, lập tức quay ngựa lại xông vào trận.
Lúc này khắp người Trương Liêu đã nhuộm đỏ màu máu, quân Ngô đang định giết nốt đám địch còn lại, không ngờ ông ta lại dám quay lại phá vây, nỗi sợ hãi càng tăng, quân Ngô kẻ nào kẻ nấy chân tay mềm nhũn lùi lại đằng sau, đứng trơ ra nhìn ông ta cứu người của mình.
Chư tướng Giang Đông đều là những kẻ kiên gan, hôm nay bị Trương Liêu tập kích bất ngờ, mấy vạn đại quân lại chịu thua tám trăm quân, há có thể chịu để yên? Tưởng Khâm, Từ Thịnh dẫn đầu hai đội quân, mặc dù vòng ngoài còn đang hỗn loạn, nhưng vừa thấy Trương Liêu xông ra, lập tức hai bên trái phải xông ra chặn lại. Lúc này quân Tào cật lực đánh tiếp, Trương Liêu dẫn quân lính xông thẳng vào trận, lách qua khe hở giữa hai quân, chạy thẳng về phía bắc bến Tiêu Dao. Hai đội quân Ngô bắn tên giết mấy chục mạng quân Tào, sau đó hai tướng Tưởng, Từ vẫn không chịu bỏ cuộc, thúc ngựa truy sát, các tướng khác thấy vậy cũng đuổi theo sau.
Trương Liêu chém giết suốt nửa ngày trời, người mệt ngựa mỏi, chạy qua bến Tiêu Dao, đến được cây cầu gỗ thì ghìm ngựa, thở hổn hển nhìn lại phía sau - các cánh quân Giang Đông vẫn đuổi theo sát, cũng sắp đến bên cầu, tám trăm dũng sĩ giờ còn không đến hai trăm người, kỵ binh còn có thể tiếp tục, chứ bộ binh đâu còn sức mà cự lại.
Trương Liêu nghiến răng nghiến lợi, chửi:
— Lý Mạn Thành, tên bỉ ổi nhà ngươi! Lẽ nào muốn mượn tay giặc để lấy mạng ta? Nếu chúng đuổi đến chân thành, quân ta mở cửa cho ta vào, chẳng phải sẽ gây họa lớn sao? Còn nếu không vào thành, ta biết phải đi đâu? Thôi thì hôm nay chết tại đây cũng coi như là… - Nói xong ông ta định quất ngựa, bỗng nhìn thấy xa xa phía tây bắc có cờ xí thấp thoáng, Trương Liêu giật mình, thét lớn, - Quân Ngô đến rồi!
Tiếng thét vừa dứt thì trống trận rầm rập vang lên, Lý Điển dẫn năm nghìn binh mã từ trong rừng xông ra, nhập quân với Trương Liêu. Trương Liêu xông đến trước mặt Lý Điển, lau vết máu nơi khóe miệng rồi mắng:
— Ngươi là tên gian xảo! Hẹn cùng nhau đánh địch, vậy mà để ta một mình đối phó với chúng!
Lý Điển cười khẩy:
— Chẳng phải ông vẫn sống đó sao?
Lúc này, quân Giang Đông cũng đã kéo đến, Tưởng Khâm, Từ Thành đuổi đến trước mặt, nghe thấy tiếng trống trận biết là tình hình không ổn, muốn ép địch cũng không được. Nơi này cách Phì Thủy có gang tấc, cách bến Tiêu Dao có một cây cầu, quân Ngô vừa qua sông đã chạm trán với quân Tào, cũng không thể dàn binh bố trận, một bên đã chiến đấu nửa ngày, còn một bên vẫn tràn trề sức lực. Hai bên giao tranh một hồi thì quân Ngô dần lâm vào thế yếu, tự giẫm đạp lên nhau, người chết mỗi lúc một nhiều, kẻ rơi xuống nước cũng không ít, thi nhau chạy qua cầu thoát thân, ùn tắc hết cả.
Nhân lúc quân Ngô đang cứu và dìu người bị thương, Lý Điển giơ đao thét lớn:
— Hậu quân đổi làm tiền quân, về thành!
Quân Tào thong dong tự tại lui quân.
Tưởng Khâm, Từ Thịnh mất bao công sức mới khống chế được cục diện hỗn loạn, nhìn thấy đội hình của quân Tào chỉnh tề, không thể công kích, còn đánh đấm gì nữa? Chư tướng Giang Đông đừng nói là ùn ứ không đi được, mà lúc này có qua được sông cũng không muốn đánh nữa. Cả một đội quân hùng mạnh bị tám trăm người chém giết tan tác, đã bại trận lại còn không kịp truy kích, sĩ khí sớm đã tiêu tan.
Uy trấn bến Tiêu Dao
Tuy lúc này đã là tháng Tám nhưng tiết trời ở Giang Hoài vẫn rất nóng, nhất là khi trời vừa mưa xong, ánh nắng bỏng rát chiếu xuống miền điền dã, khiến trời đất chẳng khác nào cái lồng hấp. Tôn Quyền cởi bỏ áo giáp, chỉ mặc độc chiếc áo mỏng màu trắng, cưỡi ngựa đi về phía tây bến Tiêu Dao, xuyên qua lớp lớp lau sậy, nhìn sang bên sông thấy quân mình đang rút, trong lòng bồn chồn lo lắng.
Quân Giang Đông đến nhanh, nhưng không ngờ cũng phải rút quân nhanh đến thế. Trương Liêu, Lý Điển tuân theo mật lệnh của Tào Tháo, nhân lúc Tôn Quyền mới đến còn chưa ổn định đánh phủ đầu một trận, giết chết hai tướng giặc, làm Tôn Quyền cong đuôi chạy trốn, đánh nhụt sĩ khí quân Ngô. Sau trận đánh lần này, Tôn Quyền không dám khinh địch, đại quân từng bước áp sát quân Tào, qua bến Tiêu Dao bao vây thành Hợp Phì. Nhưng quân Tào khí thế ngút trời, phòng ngự cẩn mật. Hơn nữa, thành Hợp Phì cũng khác với thành Hoản, Thứ sử Dương Châu trước đây là Lưu Phức đã bỏ mười năm tâm huyết vào mảnh đất này, ông ta xây tường thành cao, cất giữ gỗ đá, tích trữ lương thực, chế tạo binh khí, biến ngôi thành cổ bốn phía trống trải này thành một tòa thành vững trãi như đồng ở Giang Hoài. Tôn Quyền nghĩ hết cách này đến cách khác mà vẫn không thể khiến thành bị suy suyển chút nào.
Tôn Vũ Tử nói: “Thượng binh trượng mưu, kỳ tự trượng giao, kỳ tự trượng binh, kỳ hạ công thành đạt.”(*) Tôn Quyền vốn định mượn uy danh của chiến thắng Kinh Châu, nhưng gặp phải khó khăn vừa rồi, bao nhiêu nhuệ khí đã tan biến cả, lúc này giao tranh chỉ là sự giằng co giữa hai bên. Khó khăn nhất là đúng lúc này lại có bệnh dịch. Trong trận Xích Bích, căn nguyên lớn nhất khiến Tào Tháo bại trận là do bệnh dịch hoành hành, nay đến lượt Tôn Quyền nếm mùi. Chỉ trong mười mấy ngày, gần một nửa quân Ngô bị nhiễm bệnh không thể tác chiến, ngay cả đội quân chủ lực công thành của Cam Ninh cũng chỉ còn hơn nghìn người có thể cầm vũ khí lâm trận, tình hình quá đỗi nghiêm trọng. Sau đó, lại nhận được tin tiệp báo, Tào Tháo đã lấy được Hán Trung, khí thế quân địch càng mạnh, Dự Châu, Từ Châu cũng rục rịch chiêu mộ binh mã để giải vây thành, nếu cứ kéo dài thời gian chỉ e sẽ mất cả chì lẫn chài.
Không còn cách nào khác Tôn Quyền đành phải từ bỏ, nhân lúc nửa đêm nhổ trại. May mà quân Ngô đông, quân Tào ít nên bọn Trương Liêu không dám truy kích. Đến sáng ngày hôm sau đại quân Giang Đông đã rời khỏi ranh giới Hợp Phì, đến bến Tiêu Dao. Chỉ cần qua cầu là có thể hội hợp với thủy quân của Hạ Tề, an toàn rút về Giang Đông.
Ôn dịch hoành hành, sĩ khí giảm sút, Tôn Quyền trong lòng nóng như lửa đốt, nhưng để vượt qua lúc này cần phải bình tĩnh. Tôn Quyền đóng ở phía tây bắc bờ sông, đợi binh mã các bộ qua sông trước. Các tướng lĩnh cũng tận sức, vừa đi vừa đưa người bệnh qua cầu, quân Giang Đông vốn ít, không thể bỏ lại người nào. Cứ chậm chạp như vậy hết buổi sáng, đến gần trưa thì phần lớn đại quân đã qua cầu. Lã Phạm, Tưởng Khâm, Phan Chương cũng đã sang cầu, bờ tây chỉ còn chưa đến vạn người.
Trung quân Tư mã Tống Khiêm đến gặp Tôn Quyền:
— Quân của Từ Thành đã qua cầu được hơn một nửa, mời chúa công qua sông.
Tôn Quyền nói:
— Ngươi dẫn quân của mình đi trước đi. - Nói xong, đưa mắt nhìn về phía Hợp Phì.
Tống Khiêm khẽ nhắc:
— Lúc này bờ tây ít người, sợ rằng quân Tào sẽ đánh lén, chúng ta không thể lơ là.
Tôn Quyền chỉ tay về phía các tướng Lã Mông, Cam Ninh, nói giọng cảm khái:
— Đừng nói là quân Tào không đến, mà chúng có đến thì bọn họ sẽ hộ vệ, có sao đâu? Ta ở đây binh sĩ mới yên lòng, lúc này khí thế quân ta đang xuống, ta nhất định phải đợi binh sĩ qua cầu hết rồi mới đi.
— Chỉ sợ các tướng bảo vệ không chu đáo.
Tống Khiêm vừa nói hết câu thì Cam Ninh đứng bên cạnh nói lớn:
— Họ Tống kia, ngươi là Tư mã có thể bảo vệ chúa công, còn chúng ta không thể bảo vệ ngài hay sao?
Tôn Quyền cười nói:
— Đúng vậy, có Hưng Bá bảo vệ, ta ắt bình yên vô sự, ngươi cứ đi đi! - Tống Khiêm không muốn tranh cãi, đành để lại vệ quân rồi tự mình dẫn trung quân sang sông.
Mặc dù Tôn Quyền bề ngoài cười nói vui vẻ nhưng trong lòng vô cùng thất vọng: Đại quân của Tào Tháo không có ở đây còn không đoạt được Hợp Phì, nếu chúng có ở đây thì còn không biết thảm bại đến mức nào? Hợp Phì uy hiếp Giang Hoài, luôn là mối họa bên trong của Giang Đông, không biết khi nào mới phá nổi? Lẽ nào Tôn thị chỉ hùng bá được một phương, không thể với tới Trung Nguyên sao? Nghĩ ngợi một lúc, Tôn Quyền bỗng cảm thấy thư thái, tuy đánh Tào Tháo phải chịu nhiều tổn thất, nhưng vẫn còn được lợi từ Lưu Bị, nửa năm nay coi như không bị lỗ, những chuyện sau này từ từ giải quyết, thời gian còn dài, lo gì không thắng.
Nghĩ đến đây, Tôn Quyền bỗng nhìn thấy từ ngọn đồi phía tây bắc có một xích hầu đang chạy đến, cách còn xa đã hét lớn:
— Quân Tào đến!… - Chưa kịp nói dứt lời đã trúng một mũi tên sau lưng, ngã ngựa chết ngay tại trận. Không lâu sau đã có một đội binh mã từ trong núi rầm rập lao tới…
Quân Ngô nháo nhác hoảng sợ, Cam Ninh cất giọng chửi lớn:
— Quân Tào chó chết, tha cho các ngươi đường sống mà còn dám đến quấy rối! Xem ta giết các ngươi đây, mau bảo vệ chúa công đi trước!
Lăng Thống nói:
— Muốn tranh công à? Ta cũng đến đây! - Phụ thân của Lăng Thống là Lăng Tháo, khi xưa cùng Tôn Quyền đánh Giang Hạ, năm đó Cam Ninh còn ở dưới trướng của Hoàng Tổ, hai quân giao chiến, Cam Ninh giết chết Lăng Tháo, vì vậy mà Lăng Thống và Cam Ninh có mối thù không đội trời chung. Mối thù này còn sâu sắc hơn mối thù của Trương Liêu và Lý Điển. Nay họ đều là trợ thủ cho Tôn thị nhưng vẫn luôn cãi vã, tranh công với nhau. Lúc này quân của Lăng Thống đã qua sông gần hết, chỉ còn lại ba trăm thân binh, nhưng vẫn muốn lập công.
Hai tướng cãi nhau, quân Tào đến càng gần, lại nhìn thấy cờ xí có chữ “Trương” bay phấp phới trong gió. Hóa ra sáng sớm Trương Liêu đã thấy Hợp Phì được giải vây, bèn sai xích hầu đi thăm dò, nhưng do quân Tào ít nên không dám đuổi theo tấn công, đợi đến khi đại quân Giang Đông qua bến Tiêu Dao gần hết mới đến đánh úp. Trận trước uy danh của Trương Liêu lừng lẫy, quân Ngô vừa nhìn thấy cờ có chữ “Trương” đã nháo nhác hoảng sợ. Tôn Quyền sợ toát mồ hôi, định qua sông chạy trốn, nhưng nhìn binh mã quân mình đang xếp hàng qua cầu nên giờ vẫn chưa qua được.
Lần xuất quân này không thể thủ thắng, Cam Ninh sớm đã tức đến sôi gan, thấy quân Tào đến, ông ta vừa chỉ huy binh lính dàn hàng, vừa thét lớn:
— Sao không khua chiêng trống lên? - Ông ta hỏi hai lần nhưng không ai trả lời. Xe lương nặng nề, ngay từ đầu đã chuyển xuống thuyền rồi, ai còn để ý đến việc gõ trống? Lăng Thống muốn lập công nên nóng vội, dẫn thân binh dàn hàng phía trước Cam Ninh.
Lúc này ở bờ phía tây, quân Ngô chưa đầy bốn nghìn người, nhưng có rút quân cũng không kịp, Lã Mông vội dẫn đội binh mã bảo vệ Tôn Quyền ở giữa. Quân của Cam Ninh nhiễm bệnh dịch nhiều nhất, lúc này chỉ còn khoảng nghìn người có thể chiến đấu, họ đang căm hận quân Tào, muốn liều mạng đến cùng nên nhanh chóng xông lên đón đánh.
Trương Liêu giáp chiến Cam Ninh, mỗi bên đều một nghìn người, đều là những kẻ thây mặc sống chết, muốn phân cao thấp, Lăng Thống cũng muốn lập công nên khi hai quân lao vào nhau, trận thế lập tức trở nên quyết liệt. Tôn Quyền hận Trương Liêu, cũng thét lớn để trợ uy Cam Ninh, nhưng Lã Mông đột nhiên gào lên:
— Không xong rồi! Nhìn bên kia!
Thì ra quân Tào định cắt đuôi quân Ngô nên Lý Điển đã nghĩ ra một kế, cho Trương Liêu dẫn một nghìn quân đi trước, còn mình dẫn ba nghìn người ngựa theo sau. Nếu biết quân Tào kéo đến đông, quân Ngô nhất định sẽ điều động binh mã quay lại, đề phòng cẩn thận; nhưng vừa rồi quân Ngô chỉ thấy một nghìn binh mã của Trương Liêu, nghĩ rằng có thể địch được, ai ngờ vừa giao chiến, Lý Điển đã đi vòng quanh núi xuất quân ra chặn hậu. Lã Mông dự cảm không lành, nơi này thuộc bãi sông rất khó phòng ngự, vội gọi hai tướng rút quân, nhưng hai bên đang thả sức đánh nhau, tiếng chém giết hỗn loạn khiến họ không thể nghe được lời Lã Mông nói, Lã Mông đành hộ tống Tôn Quyền đi trước, rồi gọi quân ở bên kia sông sang tương trợ.
Mặc dù phải bảo vệ chúa công nhưng do địa hình bất lợi, có thể bảo vệ bản thân là may lắm rồi, phần lớn quân Ngô đều nhụt chí, kéo nhau bỏ chạy về phía đông. Trung quân và hai tướng Tống Khiêm, Từ Thành đã qua sông, chỉ còn mấy trăm người vẫn ở lại, nhìn thấy cảnh binh sĩ bỏ chạy, chen lấn qua cầu, nhiều người rơi xuống nước, những kẻ khác cũng chạy theo, tự giẫm đạp lên nhau. Vũ mãnh hiệu úy Phan Chương đang qua cầu, nghe thấy có biến vội dẫn quân đến cứu, nhưng cầu quá hẹp, bại quân chạy về khiến binh lính của Phan Chương hỗn loạn. Do tình thế nguy cấp, Phan Chương bèn vung đao chém hai tên lính bỏ trốn, đoạn thét lớn:
— Chúa công còn ở bờ bên kia! Kẻ nào lâm trận bỏ trốn, chém không tha! - Lúc này mới có thể chặn được đà tan vỡ.
Nhưng trong chớp mắt lại nghe tiếng la hét ngày càng rõ, đội binh mã của Tào quân ào ào xông đến - Hôm nay đánh rắn phải đánh dập đầu, Nhạc Tiến há lại chịu đứng nhìn? Ông ta để lại cho Tiết Đễ năm trăm lính rồi cũng xua quân đuổi theo! Chẳng lâu sau đã tới nơi. Lăng Thống, Cam Ninh chiến đấu quả cảm nhưng quân cô thế độc, muốn từ từ rút lui nhưng địa hình bất lợi, chưa lùi được mấy bước đã bị quân Tào xông lên đánh cho tan tan tác. Hai tướng thấy tình thế nguy hiểm, vội cùng Lã Mông bảo vệ Tôn Quyền thúc ngựa bỏ chạy. Thấy chủ soái đã bỏ chạy, binh sĩ cũng cởi bỏ áo giáp chen nhau lên cầu, ai biết bơi thì nhảy xuống sông mà trốn. Tôn Quyền thúc ngựa đến bờ sông, trông thấy trên cầu đang chen chúc, quay đầu nhìn thấy Trương Liêu đã sắp đuổi tới nơi!
Lã Mông, Cam Ninh không để ý gì nữa, chỉ vung đao múa kiếm giết binh sĩ của mình, binh sĩ thấy tướng quân tức giận, sợ hãi nhảy cả xuống nước để nhường đường. Tôn Quyền nằm rạp trên lưng ngựa, cúi thấp đầu, thúc ngựa phi bạt mạng. Đột nhiên ngựa dừng lại, tung vó suýt chút nữa hất Tôn Quyền xuống sông. May mà theo sát phía sau có một tiểu hiệu tên là Cốc Lợi, hắn nhanh tay lẹ mắt, giật lấy dây cương ghì ngựa lại. Cam Ninh, Lã Mông mỗi người một bên đỡ lấy, Tôn Quyền mới không bị ngã ngựa.
Tôn Quyền ngẩng đầu nhìn, hóa ra là do nhiều người vội vã bỏ chạy, trong lúc hoảng loạn đã giẫm đạp rơi cả ván cầu, từ đó xuất hiện một lỗ hổng lớn dài cả trượng, quay đầu nhìn lại thấy Trương Liêu uy phong lẫm liệt như ác quỷ đòi mạng đã đuổi gần tới nơi!
— Các ngươi rút đi, lão già này sẽ liều mạng với hắn! - Lăng Thống giận dữ quay ngựa lại, dẫn theo thân binh liều mạng xông thẳng vào quân Tào, muốn kéo dài thời gian. Nhưng do Lăng Thống ít quân, cộng thêm cả số quân Ngô phòng ngự cũng không quá ba trăm người, nên nhanh chóng bị Lý Điển vây khốn, quân của Trương Liêu, Nhạc Tiến kéo đến như nước lũ. Lã Mông nhìn thấy tình thế cấp bách, dẫn theo thuộc hạ lui về đầu cầu, quân Tào dùng cung tên, đao, kích xông đến, không chịu buông tha. Tôn Quyền sợ quá không biết làm gì, Cốc Lợi nắm lấy dây cương:
— Chúa công hãy lùi ngựa lại, nới nhẹ dây cương, ôm chặt yên ngựa rồi nhảy thẳng qua!
— Hả? - Tôn Quyền thấy việc này quá khó, xa hơn một trượng liệu có nhảy qua được không? Nhưng sau lưng Lã Mông sắp không cầm cự nổi, chẳng còn cách nào khác, đành thử vậy.
Tôn Quyền xốc lại tinh thần, nới nhẹ dây cương, đai yên rồi lùi ngựa lại. Phía sau lưng mưa tên ào ào bay đến, lúc này Tôn Quyền không mang khôi giáp, quân Can Ninh tận trung bảo vệ, vung đao múa kiếm gạt tên, khắp người đều bị trúng tên. Tôn Quyền hít một hơi thật sâu, vung roi thúc ngựa tiến lên. Cốc Lợi cũng quất vào mông ngựa, khiến chiến mã của Tôn Quyền đau quá, hí một tiếng dài rồi lao về phía trước. Tôn Quyền ném cả dây cương, quắp chặt lấy mình ngựa - áo trắng ngựa trắng, trong chớp mắt tựa như cầu vồng trắng lóe lên, cú nhảy đã thành công!
Thấy Tôn Quyền qua bên kia cầu đã được Phan Chương, Từ Thành bảo vệ, Cam Ninh thở phào nhẹ nhõm, vội vàng gọi Lã Mông, Cốc Lợi rút nhanh. Lúc này, quân Ngô ở phía tây hầu như đã bị giết sạch, Lăng Thống sống chết không rõ, ba người bị quân Tào đuổi đến đường cùng, nhếch nhác thảm hại, cũng nhảy qua lỗ hổng sang bên kia sông, nhiều thân binh đi theo bị rơi xuống sông. Quân Ngô chạy qua cầu, kỵ binh của quân Tào cũng đuổi tới, hai bên lại giáp chiến một trận, kéo dài từ tây sang đông.
Từ Thịnh muốn đánh tiếp, nhường đường cho ba tướng đi qua, nhưng một chút bất cẩn đã để ngọn thương của quân Tào đâm thấu cổ tay, lại trúng một thương nữa vào chiến mã, ngã vật xuống đất. Quân Tào vung đao múa thương xông lên định đoạt mạng Từ Thịnh, nhưng trong nháy mắt một trận mưa tên từ phía sau bắn ra, quân Tào trúng tên chết hàng loạt. Hóa ra Hạ Tể đã đưa chiến thuyền cập bờ Phì Thủy. Quân Tào không có thuyền, Tôn Quyền phi ngựa tháo chạy, nhảy lên thuyền của Hạ Tể, coi như thoát nạn; binh sĩ xông lên cũng cứu được Từ Thịnh. Trương Liêu nhìn thấy quân Giang Đông nhiều nên không truy đuổi nữa, quay đầu tàn sát hết số quân Ngô còn lại ở bờ tây. Lúc này Hạ Tể muốn cứu họ cũng không được, đành đốc thúc các quân thủy bộ men theo sông rút lui…
Tôn Quyền chạy được lên thuyền nhưng vẫn hồn bay phách lạc, lại lo cho sự sống chết của các tướng nên đứng ngồi không yên. Rút quân được nửa ngày thì dừng lại đóng trại gần sông, đề phòng quân Tào lại tập kích. Đến tối mới nhìn thấy một đám bại binh lóp ngóp dưới sông lên bờ tập trung, Lăng Thống bị thương tập tễnh lội sông từ phía tây trở về, vừa trông thấy Tôn Quyền đã kêu lên thảm thiết:
— Quân của thần đều chết cả rồi!
Tôn Quyền vỗ về an ủi, thu nạp tàn quân, sai người bày thịt rượu trên thuyền để an ủi các tướng. Nhưng chúng nhân nuốt sao nổi? Hạ Tể nâng chén, giọng nghẹn ngào:
— Thân là bậc chí tôn nhân chủ nên hành sự cẩn trọng. Hôm nay quân ta bất cẩn nên gây ra họa này, chúng thần vẫn còn kinh sợ, những mong trận này sẽ giúp chúa công từ nay về sau cân nhắc cẩn thận, như vậy mới không phụ linh hồn của các tướng sĩ đã chết…
Chưa nói hết câu, các tướng sĩ đều khóc sụt sùi.
— Hổ thẹn, thật hổ thẹn… - Tôn Quyền xúc động thở dài, - Thất bại này ta sẽ mang theo suốt đời, không bao giờ quên. Người chết đã chết rồi, chúng ta may mắn còn sống, mối thù này há có thể không báo? - Các tướng ai nấy đều sụt sùi cảm khái.
Trận Hợp Phì, Tôn Quyền tổn binh hại tướng, mất nhiều xe lương, binh sĩ nhiễm bệnh và bị thương vô số, tổn thất không thể hồi phục trong ngày một ngày hai, đây là một đòn nặng nề giáng vào Giang Đông. Tôn Quyền cũng hiểu rõ, Tào Tháo có mặt ở Hoài Nam sẽ khó đánh thắng, nhưng không có mặt cũng chẳng thể xem thường, Giang Đông đang đà thịnh vượng, muốn mở rộng lãnh thổ vẫn phải ra tay lấy Kinh Châu, nhưng trước mắt chưa đủ sức để đánh thắng được Tào Tháo, mà phải phòng ngự thật chắc chắn.
Nhưng Tôn Quyền không nhụt chí, tin chắc sẽ có một ngày đánh thắng Tào Tháo, bởi vì Tôn Quyền có thứ mà Tào Tháo không có. Nếu không có ưu thế này thì dù dọc ngang bốn bể, nhổ núi nhấc rừng cũng chẳng giải quyết được việc gì - đó chính là tuổi trẻ.
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9