You know you've read a good book when you turn the last page and feel a little as if you have lost a friend.

Paul Sweeney

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Thùy Linh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 29
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 138
iến đánh Hán Trung, khống chế Lưu Bị
Tiến đánh Hán Trung
Cho dù có xảy ra chuyện gì, kế hoạch chinh phạt vẫn phải tiến hành như dự kiến. Tháng Ba năm Kiến An thứ hai mươi, Tào Tháo nén mọi ưu phiền trong lòng, bắt đầu tiến quân đánh xuống phía tây lần thứ hai. Mục tiêu lần này chính là dư đảng của Mã Siêu, Hàn Toại, bộ lạc Khương, Đê và tên “giặc gạo” Trương Lỗ bấy lâu vẫn không chịu khuất phục.
Giống như mọi khi, Tào Tháo đích thân dẫn trung quân xuất phát từ Nghiệp Thành, hợp binh với Hạ Hầu Đôn ở quận Hoằng Nông, tiếp đến qua Đồng Quan hội hợp với Hạ Hầu Uyên và các bộ Ung Châu, rồi cùng tiến quân. Lần này chỉ khác ở chỗ có thêm nhiều tùy tùng, Trần Kiều làm Tùy quân trưởng sử, Lưu Hoa làm Hành quân chủ bạ, đây là nhiệm vụ thông thường; nhưng Thị trung Vương Xán, Đỗ Tập cũng được theo quân, những duyện thuộc như Tân Tỵ, Dương Tu, Lộ Túy, Tư Mã Ý, Vi Khang, Ứng Sướng, Đinh Nghi, Đổng Ngộ đều sung làm mưu sĩ, ngay cả Khổng Quế cũng đi theo, các văn sĩ của mạc phủ theo quân đến một nửa. Nhưng kỳ lạ là Tào Tháo chỉ cho nhị tử là Tào Chương tháp tùng, còn Tào Thực và Tào Phi đều phải ở lại Nghiệp Thành, hơn nữa ngày ông rời thành, cũng không chỉ định rõ ai phụ trách giám sát mọi việc, trên thực tế chuyện trong nước đã được giao cho các đại thần như Viên Hoán, Lương Mậu, Chung Do, hai nhi tử không ai có quyền gì.
Theo thông lệ, ngày xuất chinh tất cả quan lại đều đưa tiễn, nhưng lần này tiễn khá xa, hơn nữa người đưa tiễn cũng nhiều hơn mọi lần, ngoài các công tử ra, ngay cả mấy phu nhân như Biện thị, Hoàn thị, Vương thị cũng đều ngồi xe đến, càng ồn ào hơn khi một số quan địa phương đang ở Nghiệp Thành cũng hòa vào dòng người tiễn quân, còn có phu xe, nô bộc theo hầu chủ nhân của mình, tất cả đến hơn nghìn người.
Cũng không biết Tào Tháo cân nhắc chuyện gì mà mãi không nói câu “mọi người về đi”, Tào Phi và Tào Thực đang muốn lấy lòng phụ thân, há lại dám không tiễn nữa? Quần thần càng không dám kêu than, chỉ cúi đầu đi theo. Mọi người ăn uống, nghỉ ngơi dọc dường, tiễn hết đoạn này đến đoạn khác, qua Ngụy quận, vào Hà Nội, đến huyện Mạnh Tân ven sông Hoàng Hà, Tào Tháo vẫn không nhắc tới việc cho lui. Nhìn sang núi Mang Sơn ở bờ đối diện, trong lòng ai cũng lẩm bẩm - đã đi được nửa đường ra chiến trường rồi, Ngụy Công định lôi chúng ta cùng đi đánh trận sao?
Vào lúc quan trọng như thế này, vẫn là Khổng Quế nhanh trí, hắn hớn hở nói với Tào Tháo:
— Chúa công, qua sông này là tới Hà Nam rồi, quần thần văn võ vẫn đang đi theo, Nghiệp Thành không có ai trông coi, chẳng lẽ chúng ta lại dời đô đến Lạc Dương? - Câu nói đùa này làm Tào Tháo bật cười, lúc này mới hạ lệnh cho binh lính bắc cầu tạm qua sông, rồi từ biệt chúng nhân.
Thực ra, Tào Tháo cũng biết tính cố chấp của mình gây thêm phiền phức cho mọi người, làm lỡ dở nhiều việc, nhưng ông lại không muốn để họ về. Nguyên nhân ông muốn quần thần đi theo chẳng phải xuất phát từ việc cân nhắc điều gì, mà chỉ là lưu luyến bầu không khí náo nhiệt. Tào Tháo sống bằng này tuổi nhưng chưa bao giờ được trải qua không khí náo nhiệt như hôm nay, nếu được thì thậm chí ông còn muốn đem cả thiên hạ đi theo để ủ ấm tâm trí cô quạnh bao ngày qua. Đến lúc này, ông không thể không thừa nhận rằng mình đã già, bắt đầu mang bệnh tật, bắt đầu thể hiện tính nhỏ nhen, bắt đầu sợ sự vắng vẻ… Bản thân ông hiểu rõ hơn ai hết, rằng mình sẽ không kháng cự được mãi.
Các tiểu công tử như Tào Vũ, Tào Cứ, Tào Tuấn hiếm có dịp đi xa Nghiệp Thành thế này, nói là tiễn phụ thân nhưng chẳng khác nào đi vãn cảnh, mấy ngày nay đều vui chơi thỏa thích, lúc này mới nhớ ra chạy đến ôm chân phụ thân nói lời lưu luyến. Tào Tháo cũng vui vẻ ôm lấy từng đứa vừa nói vừa cười, sau này cũng sẽ ít gặp chúng. Xe của phu nhân Biện thị dừng trước ngựa của Tào Tháo, hai vợ chồng trò chuyện với nhau qua một tấm rèm.
Hai vợ chồng già cũng không có nhiều điều cần dặn dò, nhưng lần này Biện thị vẫn lưu luyến, nước mắt rơi lã chã:
— Phận nữ nhi không nên hỏi việc quân, nhưng nếu chiến sự thuận lợi, mong phu quân sớm trở về. Huyền nhi đã không còn, sức khỏe của Hùng nhi cũng không tốt, năm xưa khi Hoa Đà còn sống từng nói năm con lên mười sẽ mắc bệnh, hai tháng nay nó ho ngày càng nặng, phu quân đi sớm về sớm, nếu về muộn chỉ e… - Nói được nửa câu, Biện thị cảm thấy mình đã nhiều lời, trước trận chiến không nên rước thêm phiền muộn cho phu quân. Nhưng Tào Tháo cũng đã đoán được, Tào Hùng có thể sẽ không trụ được, nếu về muộn thì không kịp nhìn mặt con lần cuối.
— Ta để Lý Đương Chi ở lại, bảo hắn cố gắng trị bệnh cho Hùng nhi, nếu như không được… - Tào Tháo nhìn về phía huynh đệ Tào Phi và Tào Thực đứng ở đằng xa, - Nàng cũng đừng buồn, số trời đã an bài, khó mà chống lại được, con đi rồi có khi còn đỡ khổ, để cho chúng ta bớt nhọc lòng.
Không chỉ có nhà họ Tào nói lời từ biệt mà các đại thần ai cũng đến chào. Cuối cùng Tào Phi, Tào Thực, Tào Bưu dâng rượu mời các nhân sĩ theo quân. Tào Tháo quan sát cách họ dâng rượu - Tào Phi đối đãi công bằng, bất luận là người thân cận hay xa cách cũng đều mời rượu; Tào Thực trước nay chỉ ai thân mới chúc rượu, nhưng hôm nay lại giữ thái độ trung hòa; duy chỉ có Tào Bưu tùy tiện cẩu thả, chỉ mời rượu các huynh đệ là Tào Chân, Tào Hưu, lại còn đứng trò chuyện như chỗ không người.
Nhìn cảnh tượng này, Tào Tháo đột nhiên nghĩ rằng chuyện Hình Ngung mật tấu và ông dò hỏi ba người Hoàn Giai đã bị lộ. Nếu không tại sao Tào Thực lại hành động thận trọng như vậy? Ông lập tức đưa mắt tìm kiếm trong đám quan lại, quả nhiên trông thấy Dương Tu đang đứng ở một góc không nói năng gì, cũng không lại gần chỗ Tào Thực, như muốn tránh xa hiềm nghi.
Tào Tháo bỗng cảm thấy phẫn nộ vì bị lừa gạt, nhưng trước mắt vẫn phải nhẫn nại, chuyện này không thể công khai. Ai là người tiết lộ đây? Ông lại đưa mắt nhìn lướt qua Hoàn Giai, Lộ Túy, Dương Tuấn, những người có liên quan trong đêm hôm đó, thấy ai cũng thật đáng ngờ, nhưng bọn họ lại có vẻ rất tự nhiên. Khi bắt gặp ánh mắt của Hình Ngung, thấy sắc mặt ông ta u ám, khẽ lắc đầu với Hình Ngung - rất rõ ràng, Tào Tháo cũng cảm thấy sự việc đã bại lộ, có điều Hình Ngung thân là người tố giác tuyệt nhiên sẽ không làm điều này. Tào Tháo đang rơi vào thế lưỡng nan, không thể làm rõ được mọi việc.
— Các ngươi đến đây! - Tào Tháo chỉ tay gọi Hiệu sự Triệu Đạt và Lư Hồng, - Có mấy việc cơ mật, ta muốn các ngươi tìm…
Mấy ngày nay, Triệu Đạt và Lư Hồng không có việc gì làm, đang ngứa tay ngứa chân. Nghe vậy vội chạy đến quỳ dưới chân, còn nói khe khẽ:
— Chúa công yên tâm, nhất định sẽ tìm ra chân tướng.
— Tất cả phải tuyệt đối bí mật, không được để người khác biết. - Tào Tháo dặn đi dặn lại.
Lúc này lại nghe một tràng cười vui vẻ, Tào Thực đang chúc rượu với Vương Xán, họ không có ý riêng gì với nhau, mà chỉ đơn thuần là bạn văn thơ, nói mấy câu rồi cười. Nhưng Đinh Nghi lại chạy qua nói vui:
— Lần trước xuất chinh, Lâm Tri hầu đã làm bài thơ tiễn quân, hôm nay cũng ngâm mấy câu đi.
— Quả là nên như vậy. - Tào Thực gật đầu.
— Khoan đã. - Vương Xán cười tinh ranh, - mấy bài ca ngợi công đức tại hạ đều nghe chán rồi, trong phủ công tử lúc nào cũng có quan giúp việc, lúc cần đến chỉ cần bảo họ tùy cơ ứng biến sáng tác một bài, vậy thì có bản lĩnh gì? Ai biết được liệu có người đứng đằng sau viết hộ ngài không?
Tào Thực biết hắn cố ý trêu đùa, nên cũng hài hước đáp:
— Chẳng phải ta tự khen mình, ở đời này liệu có mấy người có đủ tư cách làm được văn thơ thay ta, nhưng chắc chắn với kiến thức của Trọng Tuyên huynh thì được. Lẽ nào Trọng Tuyên huynh lại không cần làm chức Thường bá mà muốn đến phủ ta làm một tiểu lại? - Những lời này làm mọi người không nhịn được cười.
Vương Xán vốn là người thông minh, hiện giờ ngoài Khổng Quế ra thì không ai nhận được sự sủng tín của Tào Tháo như Vương Xán, bởi ông ta giữ được phong thái như Đông Phương Man Sảnh(*), có tài văn chương, lúc nào cũng nói cười vui vẻ, không để ý chuyện gì, làm thơ văn ca phú đều biết cách đoán ý người khác, còn tìm cách tránh những chuyện liên quan đến Tào thị. Lúc này Vương Xán cảm thấy càng đùa càng lún sâu, bèn lập tức chuyển sang chủ đề khác:
— Không nói mấy điều vô dụng đó nữa, nếu công tử nói không ai có thể thay thế được ngài, vậy tại hạ xin ra đề, mời công tử lập tức ứng thơ.
Đinh Nghi cổ vũ Tào Thực:
— Rất hay, công tử hãy làm một bài cho ông ta, nếu không ông ấy không phục!
Tào Thực nói:
— Nếu ta làm được sẽ phạt Trọng Tuyên một chén, còn không làm được ta tự phạt ba chén.
— Ngài ba chén, tại hạ cũng ba chén. - Vương Xán ra đề:
— Bài thơ này dành cho tại hạ và Đinh Nghi, viết về việc tiễn biệt bằng hữu, nhưng không được có từ nào nhắc đến sự lưu luyến, chia ly. Nếu lời thơ thoát tục tại hạ sẽ nhận thua, còn lời thơ tầm thường xoàng xĩnh, có làm ra tại hạ cũng không phục.
— Ô… - Mọi người đều không khỏi thất vọng, đã không cho viết về sự lưu luyến chia ly, thì chỉ có thể là những lời ca tụng về tiền đồ rộng mở; nghĩ lại quả là không hề đơn giản, chủ đề này quá khó để viết ra ý mới, lại còn phải thoát tục nữa mới càng nan giải. Nhưng nào ngờ Tào Thực gọi mấy kẻ hầu dâng rượu lên, cầm bình vừa rót rượu vừa ngâm thơ:
Theo quân vượt Hàm Cốc,
Quất ngựa qua Tây Kinh.
Núi cao chừng vô hạn,
Sông Kinh, Vị đục trong
Nơi vua ở tráng lệ,
Đẹp hơn cả trăm thành.
Cửa cung cao vượt mây,
Gác mái chạm trời xanh,
Ơn vua Thừa tường giúp,
Bốn bể đều thanh bình.
Nhà binh tuy thích thắng,
Nhưng vì nước giữ danh.
Hai ông địa vị thấp,
Không ca tụng đức lành.
Đinh đệ chán ở triều,
Vương huynh thích tự tại.
Yêu ghét chẳng giống ai,
Trung hòa mới sống dai.(*)
Bài thơ làm xong thì ba chén rượu cũng được rót đầy, mọi người trầm trồ ca ngợi bài thơ thật độc đáo, mới mẻ. Đúng là dành tặng Vương Xán và Đinh Nghi, nhưng thực ra lại ca ngợi phụ thân dùng binh như thần, cho đến hai câu cuối mới vào đề, hơn nữa lại có ý chọc ghẹo bọn họ. Câu “Đinh đệ chán ở triều, Vương huynh thích tự tại”, cho thấy hai người họ đều khao khát muốn lập công, mong có cơ hội được thi thố; còn câu “Yêu ghét chẳng giống ai, Trung hòa mới sống dai” lại khéo nhắc nhở lần này theo quân xuất chinh, họ chớ suy nghĩ nhiều, phải vui buồn có độ, tu dưỡng bản thân.
Vương Xán sớm biết là Tào Thực sẽ thắng, làm bề tôi chỉ muốn bề trên được vui vẻ, cũng không muốn ra đề khó. Nhưng ông ta nghĩ rằng Tào Thực sẽ dùng những lời văn hoa mĩ, không ngờ bài thơ lại khiến chúng nhân vui vẻ như vậy, chỉ tặc lưỡi:
— Tâm phục khẩu phục, vui lòng uống ba chén rượu.
Tào Thực cầm chén rượu, dõng dạc nói:
— Ta làm bài thơ này không chỉ để chúc Vương Xán và Đinh Nghi mà còn chúc phụ thân và tướng sĩ ba quân mã đáo thành công! - Tào Thực tỏ ra rất phóng khoáng nhưng trong lòng cũng đang bồn chồn. Chuyện Hình Ngung mật cáo, y đã biết, nay có giải thích cũng vô ích, đành thể hiện chút tài năng, bù đắp ấn tượng xấu của mình trong lòng phụ thân.
— Đa tạ Lâm Tri hầu. - Quần thần thi nhau đáp lễ, uống cạn chén rượu.
Khổng Quế không biết nguyên do sâu xa, thấy Tào Tháo không biểu cảm gì, bèn bước đến lại gần, lẩm bẩm một mình:
— Người con vừa có tài có đức như vậy, còn phải tìm đâu xa? Chuyện đại hỉ tự tìm đến chúa công rồi. - Nào ngờ Tào Tháo vẫn không thèm để ý.
Tào Phi từ từ đi đến, chắp tay hành lễ:
— Phụ thân…
— Có gì bẩm báo? - Tào Tháo cố ý làm mặt lạnh. Chuyện của Dương Tu đã bại lộ, cũng không biết Tào Phi đã biết hay chưa, lúc này ông không thể tỏ ra quá thân thiết, nếu không y sẽ lại kiêu căng.
Tào Phi cúi đầu nói nhỏ:
— Nhi tử tài ít, đức mỏng, lần này không được theo quân ra trận tiền, cũng không giúp được gì. Nhưng gần đây thấy phụ thân ngày càng gầy yếu, chuyện thành bại thuận nghịch chỉ là nhất thời, mấy tên giặc nhãi nhép kia cũng không làm nổi trò trống gì, nếu chỉ vì chúng mà phải phải lao lực, ảnh hưởng đến sức khỏe… Nhi tử thường nghĩ, phụ thân đã nhiều tuổi rồi mà vẫn phải đích thân ra chiến trường đánh đuổi kẻ thù, vỗ yên xã tắc, lo nghĩ cho tử tôn, thì… - Tào Phi nói đến đây giọng chợt nghẹn ngào, - Nay Duệ nhi cũng đã lớn, nhi tử mới biết được nỗi khó nhọc của phụ thân, đúng là chưa nuôi con… chưa hiểu lòng phụ mẫu…
Mặc dù Tào Phi cúi đầu rất thấp, nhưng Tào Tháo vẫn nhìn thấy khóe mắt y ươn ướt, trong lòng không kìm được xúc động. Hơn hai mươi năm qua, có đứa con nào nói với ta những lời như thế? Trưởng tử đúng là hiểu chuyện… Nhưng ông lập tức nghĩ rằng đây có thể chỉ là diễn kịch, nên kiềm chế xúc động, khẽ nói:
— Đang làm gì vậy? Gần ba mươi tuổi rồi, sao vẫn khóc thút thít thế?
Tào Phi vội lau nước mắt:
— Nhi tử sai rồi, trước lúc xuất quân không nên bi ai.
Khổng Quế quan sát cử chỉ, lời nói của hai người rồi xen vào:
— Không còn sớm nữa, mời chúa công xuất phát.
— Được, phải lên đường thôi, con đưa bá quan về đi. - Tào Tháo dặn dò Tào Phi, cúi đầu nhìn cánh tay phải vẫn còn tê nhức, từ tối hôm đó đến nay vẫn chưa đỡ, cũng không biết có phải là điềm báo gì không? Nghĩ đến đây ông không kìm được, nói, - Vì ta, con cũng phải bảo trọng, con thân là trưởng tử cũng chính là trụ cột của Tào thị chúng ta.
— Dạ. - Tào Phi cung kính đáp.
— Truyền ba quân, lập tức xuất phát. - Tào Tháo không muốn chúng nhân thấy được biểu cảm của mình, bèn thúc ngựa tiến nhanh về phía trước, tách xa đoàn người. Là một người cha, tất nhiên ông cũng luôn mong các con yêu quý, ca tụng, quan tâm đến mình, cho nên vừa rồi dù Tào Phi có diễn kịch thật, ông cũng cam tâm tình nguyện bị mắc lừa. Có cha mẹ nào trên đời này mà không như vậy?
Tướng sĩ lần lượt kéo nhau qua cầu tạm, đi xa dần. Những người đưa tiễn cũng thở phào nhẹ nhõm, tụm năm tụm ba tìm người của mình. Tào Phi đến trước mặt Ngô Chất, chắp tay hành lễ, cười nói:
— Đa tạ Ngô huynh đã chỉ giáo.
Những biểu lộ vừa rồi của Tào Phi thực ra là xuất phát từ chủ ý của Ngô Chất. Tào Thực xuất khẩu thành thơ, đang chiếm ưu thế, nếu nói về mặt này Tào Phi khó thắng nổi, cho dù tài năng của hai người kẻ tám lạng người nửa cân cũng chẳng ăn thua. Cho nên nhân lúc đám đông đang huyên náo, Ngô Chất đã lẻn ra sau Tào Phi, nói nhỏ vào tai:
— Công tử hãy ra chào từ biệt Ngụy Vương, chớ nói chuyện chính sự, đừng nhắc đến văn thơ, chỉ cần căn dặn bảo trọng sức khỏe là được, nếu có thể nói được những lời cảm động là tốt nhất.
Ngô Chất nhìn xung quanh không thấy ai mới nói tiếp:
— Chuyện của Dương Tu tuy đã bị bại lộ, nhưng Ngũ quan tướng và tam công tử mới chỉ trở lại cục diện cân bằng trước đây. Hôm nay, có thể ngài chiếm ưu thế, nhưng vẫn mong ngài cố bảo vệ ưu thế này để làm lay động tâm tư của lệnh tôn.
— Hiểu rồi, hiểu rồi. - Tào Phi vui mừng khôn tả, - Mong Quý Trọng huynh ở lại Nghiệp Thành thêm mấy hôm.
Ngô Chất đáp rằng:
— Không được, tại hạ phải quay về Triều Ca nhận chức.
— Đi ngay bây giờ sao?
— Đúng vậy. - Ngô Chất nhìn y chăm chú, - Chúa công ở đây phải cẩn thận, chúa công không ở đây lại càng phải cẩn thận hơn, không những tại hạ phải tránh mặt mà những người khác cũng phải lưu tâm. Tam công tử và Dương Tu hình như đã biết chuyện Hình Ngung mật cáo, chắc là do người của ta đã tiết lộ, hiện nay người có thể đi lại thoải mái giữa hai phủ chỉ có huynh đệ nhà Tư Mã Ý, tám phần là do Tư Mã Phu nhiều lời! Chuyện này nói to là to, nói nhỏ là nhỏ, ngài phải chú ý xử sự.
Tào Phi chưa vui được bao lâu, lúc này trong mắt lại lộ lên vẻ sợ hãi - Nếu như Tư Mã Ý tiết lộ với Tư Mã Phu, Tư Mã Phu lại nói cho Tào Thực và Dương Tu biết thì chuyện này còn phức tạp hơn. Một khi Triệu Đạt tìm ra sự thật, phụ thân nhất định sẽ trách tội huynh đệ nhà Tư Mã, mà người câu kết với Hình Ngung cũng chính là Tư Mã Ý, nếu chuyện này đều bị khui ra thì gay go to! Bất luận thế nào, ta cũng phải bảo vệ huynh đệ nhà Tư Mã, nhưng Tư Mã Ý đã theo quân xuất chinh, trong thời khắc quan trọng này nên làm thế nào? Nói là phải chú ý xử sự, nhưng rốt cục là xử sự thế nào?
Ngô Chất có vẻ khó mở lời, quay đầu ngựa nói thầm:
— Tiền của có thể trói tay bọn nô tài, bạc vàng có thể làm thông mọi chuyện! - Nói xong quất ngựa mà đi…
Nghi ngờ trước đại chiến
Chuyện bị tiết lộ liên quan đến lợi ích của Tào Phi và Tào Thực, nên cả hai đều không khỏi lo lắng, Tào Tháo vẫn đang suy xét chuyện này. Trên đường hành quân xuống phía tây, qua sông Mạnh Tân, trong lòng Tào Tháo vẫn ngổn ngang tâm sự, có điều ông không nghĩ là do huynh đệ nhà họ Tư Mã, mà chỉ nghi ngờ Hoàn Giai, Dương Tuấn và Lộ Túy. Tào Tháo có thể sẽ công khai chuyện này với Dương Tu, nhưng ông không còn coi nặng việc Tào Thực làm bậy, mà chỉ để ý xem ai đã phản bội mình. Là người nắm đại quyền trong tay, chuyện này khiến Tào Tháo không thể nhẫn nại thêm nữa! Ông cứ suy đi tính lại nửa ngày trời, cho đến tới giờ Thân, Tả hộ quân Tiết Đễ bẩm báo:
— Bẩm chúa công, quân của Phục Ba Tướng quân đã qua Lạc Dương, không lâu nữa sẽ hợp quân.
— Ồ. - Tào Tháo đang mải mê suy nghĩ, thuận miệng hỏi, - Đây là nơi nào?
Tiết Đễ hỏi kỹ quân lính mới trả lời:
— Quân ta đang ở phía bắc ải Hàm Cốc, là nơi giao nhau giữa đất Hoằng Nông và Hà Nam, còn một dặm nữa là tới lăng mộ của Hoằng Nông Hoài Vương.
Hoằng Nông Hoài Vương chính là thiếu đế Lưu Biện năm xưa bị Đổng Trác phế giết, vì bị giáng làm Hoằng Nông Vương nên không được chôn cất bên cạnh lăng mộ của các đời hoàng đế ở Manh Sơn. Đổng Trác tàn phá kinh thành và các vùng lân cận, đào mồ mả các gia đình vương công lên để lấy ngọc, tất nhiên cũng không bỏ qua mộ của Lưu Biện, chỉ để lại cỗ quan tài rồi lấp đất lại. Sau này Lưu Hiệp thoát được khỏi vuốt quỷ, dời đô đến huyện Hứa mới đề nghị xây lại lăng mộ, rồi gia phong thêm tụy hiệu là chữ “hoài” (nhân từ nhưng đoản mệnh gọi là “hoài”) cho hoàng huynh của mình. Lúc đó Tào Tháo cũng đang bị Viên Thiệu và Lã Bố tấn công liên tục, còn tâm trí đâu mà để ý đến phế đế của triều trước? Cho nên cũng chỉ làm qua loa. Do vậy, mộ của Lưu Biện không những không thể so với lăng mộ của các vương công khác, mà vòng mộ cũng kém xa các danh gia vọng tộc, phong thủy lại không tốt, nằm ngay giữa khu đất hoang ven sông là nơi giao nhau giữa Hoằng Nông và Hà Nam, trông chẳng khác nào ngôi mộ hoang.
Lần trước chư tướng Quan Trung gây loạn, Tào Tháo xuất quân dẹp loạn, có ý không qua Lạc Dương mà đi thẳng đến Đồng Quan, nhưng lần này đánh xuống phía tây thì khác, phải thảo phạt tàn quân ở Kinh Châu, Trương Lỗ ở Hán Trung, chấn uy quân Hung Nô, cho nên đại quân phải tiến dọc bờ sông, vô tình giữa đường lại đi qua chỗ này. Lúc này Tào Tháo đang không để tâm, nghe thấy lời tấu này thì vô cùng ngạc nhiên, lập tức dặn dò:
— Đã là mộ của Hoằng Nông Vương, ta sẽ đích thân đến bái tế…
Nhưng ông chưa kịp nói hết câu, đã nghe có tiếng người từ đằng sau:
— Bẩm Ngụy Công, thuộc hạ có chuyện muốn bẩm tấu.
Ai lại dám cất lời vào lúc này? Tào Tháo cảm thấy kỳ lạ, nhìn mãi mới thấy có một người đứng ra khỏi đám tùy tùng, đó chính là văn sĩ Đổng Ngộ - người thị giảng cho thiên tử. Ông ta thông hiểu phép tắc, đến gần xuống ngựa, hành lễ xong xuôi mới nói:
— Theo nghĩa Xuân Thu, vua của một nước tại vị chưa được một năm mà đã chết, thì chưa được coi là vua. Hoằng Nông Vương mặc dù đã lên ngôi nhưng thời gian tại vị quá ngắn, lại bị bạo thần khống chế, giáng xuống làm vua của nước chư hầu, không nên đến viếng mộ.
— Nói rất có lý. - Tào Tháo thầm cười bản thân đã hồ đồ. Hoằng Nông Vương năm xưa vốn là huynh trưởng của thiên tử, nhưng bị Đổng Trác phế ngôi, nay đến viếng mộ chẳng phải là trọng người xưa mà coi thường người nay sao? Nếu ngay cả hoàng đế hiện nay mà ta cũng vô lễ thì sao xứng với danh tiếng là Thừa tướng đây?
Nghĩ đến đây, Tào Tháo tự thấy mình đã suy tư quá nhiều, chiến sự đang cấp bách không nên nghĩ đến những chuyện vặt vãnh, lập tức truyền lệnh:
— Mấy ngày nay ba quân đều vất vả, hôm nay hạ trại nghỉ sớm, đợi Phục Ba Tướng quân đến, ngày mai sẽ hợp binh cùng tiến quân!
Trời vẫn còn sớm, quân sĩ ung dung hạ trại, nổi lửa nấu cơm; Tào Tháo tựa vào soái án, cùng Trần Kiều, Lưu Hoa phân tích tình hình chiến sự. Chưa đến một canh giờ, đội quân ở Hứa Đô cũng tới kịp để hợp binh, quân của Lưu Nhược, Vương Đồ, Nghiêm Khuông tự hạ trại, Hạ Hầu Đôn lập tức qua yết kiến Tào Tháo. Năm nay Hạ Hầu Đôn cũng đã gần sáu mươi tuổi, khuôn mặt đen sạm, mái tóc hoa râm, râu ria bạc trắng, hai bên tóc mai trắng dài xoăn tít, lại thêm con mắt bên trái bị hỏng, đeo một miếng vải đen che mắt, hùng dũng đi vào trong trại, kẻ nào nhát gan mà trông thấy ắt sợ phát khiếp. Với một vị tướng lai lịch tôn quý, lập nhiều chiến công như Hạ Hầu Đôn, mặc dù đã lâu không phải thân chinh lâm trận, nhưng không ít tướng lĩnh hiện nay đều là thân cận do ông ta cất nhắc. Cả trong và ngoài Hứa Đô có không biết bao nhiêu kẻ oán hận Tào thị, chư tướng cũng có khi vì việc này mà tranh chấp, nhưng chỉ cần Hạ Hầu Đôn đứng về phía nào, cho dù người đó là ai cũng phải chịu nhường vài phần.
Hạ Hầu Đôn được Tào Tháo rất trọng vọng, coi là cánh tay phải đắc lực, lại vừa là tộc đệ, vừa là thân gia, người của Lưu Hoa không dám chậm trễ, vội vàng tránh ra ngoài để hai người trò chuyện. Hạ Hầu Đôn chưa ngồi xuống ghế đã hỏi:
— Vì sao Mạnh Đức lại để Diệu Tài một mình dẫn quân?
Tào Tháo cười nói:
— Diệu Tài đã đánh bại quân của Hàn Toại ở Lương Châu, tiêu diệt được Tống Kiến, chẳng phải lập được công lớn sao? Hai ngày trước ta còn nhận được tin, Hàn Toại nghe nói ta viết thư cho Diêm Hành, sợ hắn làm phản nên có ý gả con gái cho hắn. Nào ngờ lại khiến Diêm Hành sinh nghi, hai bên trở mặt đánh nhau, Diêm Hành thất bại đã chạy đến đầu quân cho Diệu Tài, nghe nói bọn chúng lần đầu gặp mặt mà đã như quen biết từ lâu, đối đãi với nhau rất tốt. - Diêm Hành là một tướng giỏi, thông thạo chiến thuật ở dưới trướng của Hàn Toại, nay lại quy hàng Tào Tháo, thế lực của Hàn Toại gần như đã tan rã.
Hạ Hầu Đôn vốn là tộc huynh của Hạ Hầu Uyên, nên lo lắng nói:
— Diệu Tài tuy anh dũng nhưng lại không có tài thao lược, tính tình nóng nảy, thô lỗ, chỉ biết đánh nhau, nếu giao cho làm thống lĩnh chỉ e không làm tròn chức trách. Bọn Hồ, Lỗ(*) không biết mưu mẹo, Diệu Tài mới có thể dương oai múa võ. Mạnh Đức chưa kịp dạy bảo mà đã khen ngợi trước ba quân, chỉ e khiến Diệu Tài càng kiêu ngạo, sau này nếu gặp phải kẻ địch gian xảo sẽ rước họa vào thân!
— Việc này không khó, đợi ta gặp mặt sẽ dạy bảo hắn là được. - Tào Tháo không thấy chuyện này có gì nghiêm trọng, - Năm nay hai ta đều đã sáu mươi tuổi, khó mà có được dũng khí giống như xưa, đám hậu bối mặc dù có tài nhưng kinh nghiệm còn thiếu. Diệu Tài và Tử Hiểu vừa có thực lực lại vừa có danh tiếng, cần phải trọng dụng. Sau này ta còn phải thăng chức cao hơn cho họ, đây cũng là nghĩ cho đại cục.
Hạ Hầu Đôn ngạc nhiên khi thấy ông nhắc đến Tào Nhân, tiện tay móc từ trong áo giáp ra một tấu thư:
— Đây là thư của Tử Hiểu gửi đi từ Tương Dương, định chuyển đến Nghiệp Thành, nhưng khi đến Hứa Đô bị mạt tướng lấy lại, tiện đường mang luôn cho ngài.
Ồ - Tào Tháo đặc biệt chú ý, liền giở ra đọc: Hóa ra Tôn Quyền phẫn nộ vì Lưu Bị lấy được đất Thục, lại chiếm luôn bốn quận của Kinh Châu không trả, bèn sai Chu Cát Cẩn làm sứ giả đến Thục quốc để đòi Kinh Châu. Lưu Bị giả bộ niềm nở, hứa lấy được Lương Châu xong sẽ trả lại Kinh Châu, Chu Cát Cẩn nhiều lần giao thiệp nhưng đều bị từ chối, đành ngậm ngùi tay không trở về. Tôn Quyền nghe tin nổi giận, bèn phái năm trăm binh lính lẻn đến Công An, đón em gái là Tôn phu nhân về Giang Đông, quan hệ thông gia giữa hai nhà Tôn, Lưu bị phá vỡ từ đây, bắt đầu trở mặt thành thù.
Hạ Hầu Đôn nói:
— Kết giao vì lợi, lợi hết tình tan, giặc tai to và thằng nhãi Tôn Quyền cuối cùng cũng có ngày hôm nay. Nếu hai nhà bọn chúng vì việc này mà đánh nhau thì đúng là cơ hội tốt để ta làm ngư ông đắc lợi!
Nhưng Tào Tháo lại không mấy vui vẻ, trầm ngâm nói:
— Tôn Quyền biết phân rõ lợi hại, tuyệt đối sẽ không làm chuyện ngu xuẩn, để ta thừa cơ đoạt lợi. Giặc tai to tuy không giữ chữ tín, nhưng bọn chúng có mối thù chung, hai nhà cùng chống lại chúng ta. Nếu Tôn Quyền tấn công Lưu Bị, quân ta khi bình định được Quan Tây nhất định sẽ đánh xuống phía nam, Lưu Bị khó mà bảo toàn. Mà một khi Lưu Bị bị tiêu diệt, chúng ta sẽ có được đất Thục, trên đà thắng lợi đánh xuống Giang Hán, có thêm được lực lượng từ Kinh, Tương và Thanh, Từ thì cho dù Tôn Quyền có lấy được bốn quận cũng liệu có thể một mình kháng cự? Với trí tuệ của Tôn Trọng Mưu tuyệt đối sẽ không kết thù với Lưu Bị, cứ cho là hai bên có xích mích thì lúc này cũng sẽ tạm hoãn, hơn nữa tên giặc tai to rất ranh ma, chỉ cần thấy cục diện bất ổn có khi còn tính đến chuyện nhường bước.
Hạ Hầu Đôn chau mày:
— Theo ý của ngài, thì đây không phải là cơ hội của chúng ta?
— Chẳng những không phải là cơ hội, mà còn là họa lớn. - Tào Tháo quẳng quân báo sang một bên, vuốt râu nói, - Đông lạnh đang tới, xuân tươi bao xa? Tôn Quyền và Lưu Bị đều là những kẻ tinh ranh, đã có thể vạch rõ ân oán thì việc hóa giải nó chắc cũng chẳng còn lâu, tình thế đúng là bức bách người ta mà! Theo như ta thấy, nếu hai nhà cầu hòa thì cho dù Tôn Quyền có lấy được Kinh Châu hay không, chắc chắn hắn cũng sẽ quay ra đánh ta. Đường xuống phía tây xa xôi vạn dặm, lại nghe Hán Trung bốn bề nguy hiểm, Trương Lỗ dùng kế nhân từ để mê hoặc lòng người, sợ rằng chúng ta khó có thể phá được trong ngày một ngày hai. Nếu quân ở Hoài Nam dấy binh thì quân ta sao có thể chi viện? Phòng họa khi chưa xảy ra, phải sớm có chuẩn bị.
— Tăng quân cho Hợp Phì? - Hạ Hầu Đôn cho rằng mình đã hiểu ra.
Nhưng Tào Tháo lắc đầu, chỉ lẳng lặng đưa tay lấy một tờ giấy, hạ bút viết quân lệnh. Hạ Hầu Đôn ghé mắt nhìn, chỉ thấy được một dòng, ý nói không tăng quân, bèn do dự hỏi:
— Sắp xếp qua loa như thế, liệu có được không?
— Có câu “Binh tại tinh, bất tại đa; tướng quý mưu, bất quý dũng đạt.”(*) Ta tin Trương Liêu, Lý Điển có thể dùng được, ngay cả khi không thắng cũng sẽ không có trở ngại gì. - Tào Tháo vừa nói vừa niêm phong thư, lại chấm mực đỏ viết bốn chữ lớn “tặc chí nãi phát(*)” ở bên ngoài, ngẩng đầu gọi lớn, - Trọng Khang! Mau gọi Hộ quân Tiết Đễ đến đây!
Không lâu sau Tiết Đễ có mặt, Tào Tháo dặn dò:
— Không thể không phòng ngự Tôn Quyền ở Giang Đông, bức thư này là mật lệnh, ngươi phụng mệnh ta dẫn theo hai trăm kỵ binh nhanh chóng đến Hợp Phì, cùng Trương Liêu bảo vệ Hoài Nam.
Tiết Đễ vốn là một viên khốc lại, xưa nay nổi tiếng cương nghị, khi loạn lạc ở Duyện Châu đã cùng với Trình Dục bảo vệ Đông A. Tiết Đễ mặt không chút biểu cảm, lạnh lùng đáp “tuân lệnh” rồi nhận lấy bức thư, nhìn thấy bốn chữ “tặc chí nãi phát” trên đó, không hỏi gì thêm, nhét thư vào ngực, thi lễ rồi ra khỏi trướng.
— Chuyện quan trọng như vậy, sao ngài không dặn dò hắn cẩn thận? - Hạ Hầu Đôn cảm thấy không ổn:
— Lý Điển, Trương Liêu vốn rất bất hòa, cãi nhau mười mấy năm nay, dễ gì bọn họ bắt tay với nhau?
— Bất hòa thì là việc xấu sao? - Tào Tháo cười bí hiểm, - Trương Liêu anh hùng quả cảm, Lý Điển làm việc chín chắn, Nhạc Tiến kiên cường dứt khoát, nếu phối hợp tốt, có thể đẩy lui được mười vạn đại quân. Tiết Tử Uy là thân tín của ta, bản tính cương nghị lại cẩn thận, tự khắc sẽ biết xử lý mọi chuyện. Ta hiểu thấu tính cách của họ mới dùng, lẽ nào có thể sai sót?
Hạ Hầu Đôn biết gần đây Tào Tháo hay thích khoe khoang, bèn không nói gì nữa, trong lòng thầm nghĩ: Dùng Trương Liêu, Tiết Đễ còn có lý, nhưng phó thác trọng trách cho Diệu Tài, liệu có hợp lý không?
Ngũ đấu Mễ đạo(*)
Chiều tối một ngày chính hạ, tiết trời oi nóng, vầng dương nhuộm đỏ một vùng trời phía tây. Còn ở phía đông, trăng lưỡi liềm lờ mờ nhú lên, khói mây lúc ẩn lúc hiện như đã chờ đợi từ rất lâu. Khung cảnh giao thoa giữa mặt trăng và mặt trời bao trùm cả một vùng núi rừng, nơi có một ngọn đồi trọc, ở trên đồi có một đống củi lớn, xung quanh là dân chúng với y phục đủ màu sặc sỡ; trong tay họ đều đang cầm thẻ tre chi chít chữ, nhưng ai cũng im lặng, như thể đang đợi chờ một vị thần linh nào đó xuất hiện.
Phía bắc ngọn đồi dựng một lều trại, trước trại có hai chàng trai đang dùng củi lấy lửa, hai bên còn có mười mấy người nghiêm chỉnh đứng xếp hàng. Những người này ăn vận khác với dân thường, ai cũng đầu bù tóc rối, mặc áo đen, đi giầy đỏ. Hai mắt họ nhắm chặt, tay bắt quyết, mồm lẩm bẩm:
— Một lòng giữ đạo, tu dưỡng lâu dài, báo hiệu công danh, coi trọng phép tắc… vẻ vang mãi mãi, đời đời thông suốt, càn khôn thái hòa, vạn sự thành công…
Sau khi đã lấy được lửa, người cầm đuốc châm lửa vào chậu than, sau đó cung kính lùi vào trong đám đông. Lúc này, ở trong trại có một vị trưởng giả bước ra. Người này khoảng hơn sáu mươi tuổi, thân cao bảy thước, tai to mặt lớn, tướng mạo cao ngạo, đầu đội mũ vàng, mình mặc áo bào màu đen thêu hình bát quái, lưng đeo kiếm và túi nải, tay phải cầm đuốc đã nhúng nhựa thông.
Tất cả người dân lúc này đều quỳ sụp xuống, những người áo đen kia cũng im lặng, mọi ánh mắt tôn sùng đều hướng về vị trưởng giả. Sau khi đốt đuốc, người này lập tức bước lên bước xuống, miệng đọc thần chú, tay trái bắt quyết, tay phải cầm ngọn đuốc đung đưa… Cứ như vậy một lúc, cuối cùng ông ta cũng dừng lại, chậm rãi đi về phía đống củi, ngửa mặt nhìn trời, cất tiếng hô lớn:
— Trời xanh ở trên, anh minh soi xét, ta cùng bách tính, thành tâm cầu nguyện! Xin tam quan cửu phủ mở lòng hồng ân, đại xá lỗi lầm, che chở cho bách tính Hán Trung mãi mãi thoát khỏi tai họa! - Hô xong, tay đung đưa ngọn đuốc rồi ném vào đống củi.
Những người đứng sau ông ta cũng lần lượt đốt đuốc, xếp thành hàng từng người một ném đuốc vào đống củi. Mỗi lần họ ném, dân chúng đứng xung quanh đều đọc theo: “Đại xá lỗi lầm, thoát khỏi tai họa.” Mười mấy bó đuốc ném vào khiến đống củi cháy ngùn ngụt, ánh lửa đỏ rực hòa vào màu đỏ của ráng chiều.
Vị trưởng giả gật gù, đột nhiên dang hai tay nói với người dân:
— Đốt lửa cúng tế, sám hối lỗi lầm. Thiên quan hóa nghiệp, tất ban ơn trạch. Không giải thoát mọi nghiệp chướng của chúng ta, còn đợi đến lúc nào? - Trong chốc lát, tiếng người nói vang lên ồn ã, mọi người quỳ xuống bái lạy, rồi cùng nhau đứng lên ném thẻ tre trong tay vào đống lửa…
Đây là nghi thức “phần tài”(*) bắt nguồn từ thời thượng cổ, là nghi lễ tế trời. Tuy nhiên, buổi tế lễ hôm nay lại không giống với nghi lễ thời nhà Chu đã được lưu giữ từ bao đời nay, mỗi người tham gia tế lễ đều chuẩn bị một mảnh thẻ tre, viết những lỗi lầm của mình đã gây ra, thông qua việc đốt chúng để sám hối, giảm nhẹ tội lỗi, cầu xin ông trời hóa giải ban phúc. Sở dĩ có sự thay đổi nghi thức như vậy là do những người chủ trì cúng tế không phải là lễ quan triều đình, mà là người tế rượu của đạo Thiên sư; trưởng giả chủ trì buổi lễ này là giáo chủ của Thiên sư đạo, Trấn dân trung lang tướng, Thái thú Hán Ninh Trương Lỗ.
Trương Lỗ tự là Công Kỳ, người Phong huyện, Bái Quốc, là hậu duệ của Trương Lương - công thần khai quốc của nhà Hán. Tổ phụ của ông ta là Trương Lăng, từng là Thái học sinh, học vấn uyên bác, nhân phẩm đoan chính, không những thông hiểu kinh sách Nho gia mà ngay cả bách gia chư tử(*), thiên văn địa lý, y thuật tướng số, tiên tri sấm vĩ thứ gì cũng biết; vì bọn hoạn quan, ngoại thích lộng quyền nên Trương Lăng không muốn làm quan mà đến núi Hộc Minh thuộc đất Thục ở ẩn, viết hơn hai mươi cuốn sách, trong đó có một cuốn Lão Tử tưởng nhĩ chú, giải nghĩa Đạo đức kinh bằng cả học thuyết của Nho gia và Đạo gia, được Lưu truyền khắp đất Thục; sau đó ông có thu nhận đệ tử, chữa bệnh cho bách tính, được nhân gian tôn làm “Thiên sư”, có rất nhiều người theo, dần dần tạo thành một tôn giáo, lấy hiệu là “Thiên sư đạo”. Vì các đệ tử khi nhập học phải nộp năm đấu gạo, nên còn được đặt tên là “Ngũ đấu mễ đạo”, triều đình gọi là “giặc gạo”.
Sau khi Trương Lăng chết, nhi tử của ông ta là Trương Hành kế thừa việc truyền giáo lý, lại có Trương Tu là pháp sư quận Ba tham gia và truyền đạo rộng rãi, từ đó hình thành một thế lực tôn giáo không thể xem thường trong đất Thục. Trương Lỗ là con của Trương Hành, sau khi Trương Hành mất, Trương Lỗ tiếp tục truyền đạo. Lúc Lưu Yên vào Thục quốc diệt trừ cường hào, âm mưu cát cứ, đã phong cho Trương Lỗ làm Thúc nghĩa tư mã, Trương Tu làm Biệt bộ tư mã, phái họ tập kích Thái thú Hán Trung là Tô Cố. Trương Lỗ đánh một trận đã giết được Tô Cố, cắt đứt đường núi Bao Tà, nhưng đã không về Thành Đô phục lệnh Lưu Yên mà quay ra đánh úp và giết chết Trương Tu, sáp nhập giáo chúng, tự mình chiếm lấy Hán Trung. Lưu Yên có ý muốn làm một hoàng đế độc lập ngay tại đất Thục, việc Trương Lỗ cát cứ và cắt đứt con đường Bao Tà vừa hay giúp Lưu Yên có cái cớ để không phải cống nạp cho triều đình, mặc kệ mọi việc. Sau khi Lưu Yên chết, Lưu Chương tiếp tục cai quản đất Thục, oán hận Trương Lỗ không theo nên đã giết hết gia quyến của Trương Lỗ ở trong thành, hai nhà vì thế mà quay lưng với nhau. Do thế lực của Trương Lỗ lớn mạnh, Lưu Chương không thể đánh lại được; triều đình Tây Kinh cũng không có khả năng đánh dẹp nên đành phong cho Trương Lỗ làm Trấn dân trung lang tướng, tước Thái thú Hán Ninh, ngầm thừa nhận sự cát cứ của Trương Lỗ.
Trương Lỗ tuy trên danh nghĩa là Thái thú, nhưng thực tế lại xóa bỏ pháp lệnh của nhà Hán, dùng giáo lý để thống trị. Người mới nhập môn được gọi là “quỷ tốt”, người hiểu đạo sâu sắc gọi là “tế tửu”. Tế tửu cai quản giáo dân bộ chúng, ai cai quản nhiều quân được gọi là “trị đầu đại tế tửu”, Trương Lỗ dựa vào họ để quản lý người dân. Giáo lý của Thiên sư đạo đòi hỏi người theo phải thành tín, các tế tửu đều xây dựng kho cứu, cất trữ nhiều gạo thịt, người qua đường có thể tùy ý lấy dùng; phàm người có bệnh sẽ phải tự kể lại những lỗi lầm trong cuộc đời, cúng tế tam quan(*); người phạm pháp thì tha lỗi hai lần, về sau còn tiếp tục phạm pháp mới dùng hình, hình phạt áp dụng cũng chủ yếu là tu tâm sửa tính, tạo phúc cho mọi người. Những giáo lý này mặc dù có nhiều điều hão huyền nhưng lại giản dị, công bằng, bảo vệ những người dân nghèo khổ trong thời loạn lạc, vì vậy Trương Lỗ có thể hùng cứ được ở Hán Trung gần ba mươi năm, tuy không đến mức của rơi ngoài đường không ai nhặt, nửa đêm không cần cửa đóng then cài, nhưng lòng dân đều thấy bình yên vô sự.
Nhưng giấc mộng lấy đạo trị dân này cũng sắp kết thúc, Hán Trung đang phải đối mặt với nguy cơ chưa từng có. Trương Lỗ sớm đã dự đoán được việc Tào Tháo sẽ tới xâm phạm, cho nên ông ta đã chi viện cho Mã Siêu, Hàn Toại và bộ tộc Khương, Đê quấy nhiễu vùng Quan Lũng nhằm tự bảo vệ mình. Nhưng đến nay, những lá chắn này đều bị đánh cho tan tác, đất Quan Tây không cách nào giữ nổi đã rơi vào tay Tào Tháo, Trương Lỗ chỉ có thể tự mình đối mặt với kẻ địch hùng mạnh.
Trương Lỗ liệu có khả năng đó sao? Kỳ thực ông ta chỉ có một nửa quận Hán Trung, tuy nắm được sở trị huyện Nam Trịnh và các thành tây bộ, nhưng hai huyện Thượng Dung, Tây Thành thuộc Trung bộ lại bị cường hào địa phương là Thân Đam và Thân Nghĩa lũng đoạn, chẳng khác gì một biệt khu trong vùng cát cứ; đến vùng đất ở phía đông ngay từ hai mươi năm trước cũng đã bị Lưu Biểu chiếm giữ, lập thành quận Phòng Lăng do dòng dõi gia tộc quyền thế ở Kinh Châu là Khoái Kỳ làm Thái thú, cùng với việc Lưu Biểu bị tiêu diệt thì nơi đây cũng biến thành địa bàn của Tào Tháo. So với kẻ địch hùng mạnh thì nửa quận Hán Trung chẳng khác nào mảnh đất bé xíu, mặc dù có dãy núi Tần Lĩnh làm bình phong, nhưng có thể cầm cự được bao lâu?
Đầu tháng Ba, đại quân của Tào Tháo xuất phát từ Nghiệp Thành đã tiến xuống phía tây, hợp binh với quân ở Ung Châu và quân của Hạ Hầu Uyên. Tháng Tư, đại quân đến Trần Thương, một người túc trí đa mưu, dày dặn kinh nghiệm như Tào Tháo không chọn đường núi Bao Tà mà đi về phía tây Tản Quan, tiến vào quận Vũ Đô. Thủ lĩnh của Đê tộc là Đậu Mậu chiếm giữ Hà Trì không chịu khuất phục, phái quân ra nghênh chiến, bị đội quân tiên phong của Trương Cáp, Chu Linh đánh cho tơi bời. Sau hơn một tháng ác chiến, cuối cùng Đậu Mậu đại bại, ông ta và một vạn quân dưới trướng đều bị quân Tào giết sạch.
Trận chém giết ở Hà Trì gây chấn động tây cương, các thế lực của bộ tộc Khương, Đê lâu nay không chịu khuất phục, giờ tận mắt chứng kiến sự tàn ác của Tào Tháo nên không dám làm càn, lần lượt phái người đến quy thuận, từ đó Vũ Đô rơi vào tay Tào Tháo - Hơn nữa, Hà Trì và Hán Trung chỉ cách nhau gang tấc, chỉ cần quân Tào phá được ải Dương Bình nằm ở phía đông nam Kỳ Sơn, Hán Trung coi như xong!
Ở phía nam, Lưu Chương vừa mới đầu hàng Lưu Bị, quyền lực các nơi đang được chuyển giao, vẫn chưa ổn định; quân Hàn Toại thất bại bỏ chạy về Tây Bình; Mã Siêu cũng đã đầu hàng Lưu Bị, lúc này cho dù Trương Lỗ có muốn liên minh cũng chẳng còn ai. Địch ngày càng đến gần, nhân tâm Hán Trung ngày càng dao động, đừng nói là dân thường mà ngay cả giáo chúng trung thành cũng đứng ngồi không yên, nếu quân Tào Tháo kéo đến đồ sát thì sẽ có kết cục thế nào? Phải chăng cũng chung số mệnh như Đậu Mậu? Không còn cách nào khác, Trương Lỗ đành tăng thêm quân đến ải Dương Bình, mặt khác triệu tập các đại tế tửu ở khắp nơi đến núi Hán Sơn ở Nam Trịnh tổ chức lễ đốt lửa, cầu xin thần linh che chở, vỗ về nhân tâm.
Lúc này, nghi lễ cúng tế tôn nghiêm đã kết thúc, ngọn lửa bập bùng dường như đã xua đi nỗi lo lắng của chúng nhân, những giáo chúng trung thành nắm tay nhau nhảy múa quanh đống lửa, cao giọng ca hát và niệm chú cầu xin. Họ sớm đã quen với việc thống trị của Thiên sư đạo, cũng yên tâm với kiểu thống trị này, tin tưởng rằng chỉ cần tuân thủ giáo lý, chân thành cầu nguyện thì các vị thần linh sẽ giáng phúc ban lộc bảo vệ họ. Nhưng khi nhìn thấy ánh lửa đỏ rực và cảnh tượng các giáo đồ đang nhảy múa, giáo chủ kiêm thủ lĩnh Hán Trung là Trương Lỗ trong lòng vẫn vô cùng bất an. Cúng tế thiên quan liệu có giải trừ được họa này không? Trong lòng ông ta hiểu rõ hơn ai hết.
— Sư tôn…
Tiếng gọi phá tan dòng suy nghĩ của Trương Lỗ, quay đầu lại nhìn, không biết ba tế tửu mặc áo đen là Công tào Diêm Phố, lòng sự Lý Hưu và tam đệ của ông ta là Trương Quý đã lặng lẽ đứng phía sau lưng từ lúc nào:
— Các ngươi muốn nói gì?
Trương Quý và Lý Hưu không nói gì, cũng không dám nhìn thẳng vào Trương Lỗ mà đưa mắt sang nhìn Diêm Phố - Diêm thị là dòng họ lớn ở quận Ba Tây, Diêm Phố mặc dù tuổi tác chưa nhiều nhưng lại là thủ lĩnh của gia tộc, khi xưa lập công lấy Hán Trung cùng với Trương Lỗ, được phong làm Công tào, hơn nữa cũng giữ chức tế tửu trong giáo phái, là tâm phúc tin cậy của Trương Lỗ.
Nhưng hôm nay vị Công tào họ Diêm này cũng băn khoăn, do dự hồi lâu mới nói:
— Mời sư tôn vào trong trại nói chuyện.
Trương Lỗ tu đạo đã lâu nên cũng rất thông minh, nghe những lời này của Diêm Phố cũng đoán được tám chín phần, liền gật đầu cùng ba tế tửu vào trại, còn dặn dò những tế tửu khác:
— Ta cùng các tế tửu đây niệm mật pháp, không ai được vào.
Sau khi đuổi hết những người xung quanh đi, Diêm Phố, Lý Hưu tự mình buông rèm, che cửa rất cẩn thận mới quay lại uốn gối, định quỳ xuống thì Trương Lỗ đã xua tay:
— Không cần sợ hãi, có gì cứ nói, có phải các ngươi muốn khuyên ta đầu hàng Tào Tháo?
Câu này khiến Diêm Phố, Lý Hưu trở tay không kịp, hai người cứ đứng ngây ra, không biết nói gì. Trương Lỗ bước đến cửa trại, giật mạnh rèm trướng, bước ra ngoài nhìn, thấy người dân vẫn đang vây quanh đống lửa cầu khấn, những tế tửu khác cũng tuân mệnh đứng cách xa trại; lúc này mới quay người thở dài, cười khổ:
— Nếu dân chúng biết giáo chủ thần thánh của họ sắp dâng đất cho kẻ khác thì trong lòng sẽ phẫn uất đến thế nào?
Lý Hưu nghe giáo chủ nói ra câu “dâng đất cho kẻ khác”, bèn thở dài, nói:
— Thái thượng lão quân(*) có dạy: “Khúc tắc toàn, uổng tắc trực, oa tắc doanh, tệ tắc tân; thiếu tắc đắc, đa tắc hoặc đạt.”(*) Sư tôn là người ái mộ thánh đạo lại thường cứu tế dân đen, không nhẫn tâm nhìn binh đao loạn lạc làm hại dân, đó là đại đức. - Những lời lẽ lấy lòng đương nhiên vẫn phải nói, nhưng Trương Lỗ đầu hàng cũng là việc đặng chẳng đừng, Lý Hưu không biết lúc này nên buồn hay vui, chỉ cúi đầu ra vẻ trầm tư.
Trương Lỗ lắc đầu:
— Chúng ta đều là người tu đạo, há có thể nói những lời đó? Thánh nhân có câu “Thượng đức bất đức, thị đức hữu đức.”(*) Chuyện đã đến nước này phải thuận theo tự nhiên, chẳng qua chỉ là để bảo toàn tính mạng, vậy còn nói gì đến chuyện có đức hay không?
Diêm Phố dập đầu cúi lạy:
— Chúc mừng sư tôn. Thanh tịnh vô vi, lòng không tạp niệm, không bị mê hoặc bởi vinh nhục, ngài đúng là đã đạt tới cảnh giới thâm sâu. - Lý Hưu thấy họ đối đáp như vậy, trong lòng tự cảm thấy hổ thẹn.
Trương Lỗ chăm chú nhìn Diêm Phố, trầm ngâm nói:
— Những lời năm xưa ông nói với ta, e rằng nay đã thành hiện thực… - Diêm Phố gật đầu, nhớ lại chuyện mười mấy năm trước.
Lúc đó Trương Lỗ được triều đình “bổ nhiệm” làm Trấn dân trung lang tướng, Bàng Hi mấy lần sai quân đến giao chiến nhưng đều bị đánh bại, ngay cả cường hào họ Thân ở Thượng Dung cũng phải xin thề thành tâm quy phục, chẳng mấy chốc tiếng tăm oai hùng, mỗi ngày đều có nạn dân trèo đèo lội suối đến quy thuận; trùng hợp thay, lại có một người đào được miếng bảo ngọc óng ánh, trong suốt, người theo đạo đều nói đó là điềm lành, nên đã khuyên Trương Lỗ tự phong vương, xây dựng thiên đường, khiến Trương Lỗ trong lòng dao động. Nhưng Diêm Phố lại can ngăn: “Mười vạn dân ở Hán Xuyên, đất đai phì nhiêu, của cải giàu có, bốn mặt hiểm trở. Nếu xưng thiên tử, có thể sẽ trở thành bá chủ như Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công; nhưng nếu sự việc không thành, sẽ có kết cục giống Đậu Dung, cuối cùng mất hết vinh hoa phú quý. Nay các quan dưới trướng đều đức hạnh, tài năng, có tín đồ trung thành, như thế là được rồi, cần gì phải xưng vương? Nếu tự lập riêng một triều đình, không những lạm quyền của triều đình đại Hán mà còn là kẻ thù của cả thiên hạ, ngài chớ nên gây ra họa này.” Trương Lỗ thấy lời khuyên của Diêm Phố chân thành, nên mới từ bỏ ý định xưng vương.
Nghĩ đến chuyện này, Trương Lỗ thở dài nói:
— May nhờ lời khuyên của ông mà ta mới không dẫm vào vết xe đổ của Viên Thuật, mấy năm nay ta đã lĩnh ngộ nhiều điều, cũng biết thế nào là đủ rồi. Tam đệ nghĩ sao? - Thực ra mấy năm gần đây Trương Lỗ chuyên tâm tu đạo, bổ sung cuốn sách gia truyền Lão Tử tưởng nhĩ chú, không còn cai quản nhiều việc quân chính, công việc trong quận do hai đệ là Trương Vệ và Trương Quý chủ trì. Hai người họ mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng có tài, đã biết bắt tay với các thế lực ở Ung, Kinh, nhưng dẫu sao cũng chưa phải là đối thủ của Tào Tháo. Việc đã đến mức này, Trương Quý cũng im lặng, gật đầu đồng ý.
— Nếu đã như vậy… - Trương Lỗ lấy ra ấn tín Thái thú Hán Ninh trong túi nải cạnh sườn, - Xin làm phiền Diêm Tào công vất vả đến Vũ Đô một chuyến. Nhưng chuyện này, trước mắt đừng để giáo chúng biết, đợi ta dùng lễ cúng từ từ giảng giải.
— Xin tuân theo pháp chỉ. - Diêm Phố đưa tay nhận lấy ấn tín, đột nhiên tấm rèm vén lên, có hai người từ bên ngoài vội vàng xông vào. Người đi phía trước mặc áo đen, tóc tai rối bù, vẻ mặt lo lắng, đó là Trương Vệ - nhị đệ của Trương Lỗ, hắn đã muốn vào trại thì không ai có thể ngăn cản; hơn nữa Trương Vệ còn dẫn theo một tướng lĩnh thân mặc khôi giáp, mắt hổ râu rậm, thân hình to lớn, đó chính là Bàng Đức - cựu tướng Lương Châu.
Trương Lỗ biết là nhị đệ không giống tam đệ, tính khí cục cằn, chắc chắn không tán thành việc đầu hàng, vội vàng giấu ngay ấn tín:
— Nhị đệ không ở ải Dương Bình trấn thủ, đến đây làm gì?
Trương Vệ lạnh lùng đáp:
— Đệ có chuyện gấp cần báo cáo huynh trưởng.
— Chuyện gì?
— Hàn Toại chết rồi. - Trương Vệ nghiến răng nghiến lợi, kể rõ sự tình: Thì ra Hàn Toại bất hòa với Diêm Hành, quân ít khó cầm cự, liền trốn đến Tây Bình nương nhờ bạn cũ là Quách Hiến. Sau đó, Hạ Hầu Uyên phát binh đánh Tống Kiến, Hàn Toại muốn cứu nhưng lực bất tòng tâm, lo lắng sinh bệnh, lại nghe đại quân của Tào Tháo đang đến, vừa sợ hãi vừa tức giận quá độ mà chết. Sau khi Hàn Toại qua đời, các thuộc hạ là Cúc Diễn, Tưởng Thạch, Điền Lạc, Dương Quỳ sợ quân Tào đến đánh nên đã cắt đầu Hàn Toại mang đến Vũ Đô đầu hàng Tào Tháo. Kể từ đó, thế lực của Hàn Toại hoàn toàn kết thúc.
Trương Lỗ nghe tin này sợ hãi tột độ, sau đó dần dần tĩnh tâm lại - cái gì đến cũng đến rồi, cái gì đi cũng đi rồi, quả là thời thế xoay vần. Nghĩ vậy, ông ta điềm tĩnh nói:
— Ta biết rồi, mời tam đệ mau trở về Dương Bình, canh phòng cẩn mật.
Trương Vệ đáp:
— Tiểu đệ binh ít, xin huynh trưởng phái tất cả binh mã nam chinh và quân các bộ ở Kinh Châu đến ải Dương Bình nghe lệnh.
Trương Lỗ đương nhiên không đồng ý:
— Dương Bình là nơi hiểm yếu, chỉ cần một vạn quân là đủ chống cự, quân Tào không thể công phá.
— Hừ! - Trương Vệ liếc nhìn Diêm Phố:
— Tiểu đệ không sợ quân Tào đến, chỉ sợ có kẻ luồn ra! - Vừa rồi hắn đã nhìn thấy hai người trao đổi ấn tín.
Trương Lỗ biết không thể giấu được nên nói:
— Thái thượng lão quân nói: “Thượng thiện nhược thủy, lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ố, cố cơ vu đạo đạt.”(*) Chúng ta đều là những người tu đạo, lúc này cần lo lắng cho sự an nguy của giáo chúng, hà tất phải cố tranh đấu để mất cả chì lẫn chài?
Trương Vệ tức giận:
— Nếu đã như vậy, năm xưa nên về núi Hộc Minh ẩn cư, cần gì phải đến đây truyền đạo, phí hoài hai mươi năm?
Trương Lỗ điềm đạp đáp:
— Đệ nói cũng đúng, ngu huynh năm xưa đúng là chưa hiểu thấu danh lợi. Nếu đã biết những việc làm trước đây đều là vô nghĩa thì nên quay về thâm sơn cùng cốc, ở ẩn tu đạo thì hơn.
— Huynh… - Trương Vệ nổi trận lôi đình, không kiêng dè gì nữa:
— Huynh tưởng mình là Thiên sư thật sao? - Hắn vừa nói dứt lời, Diêm Phố sợ hãi thất sắc, vội vã kéo rèm xuống.
Trương Lỗ hơi cau mày, trong lòng bị dày vò ghê gớm, nhưng vẫn nén giận nói:
— Thật cũng được, giả cũng xong. Nhìn lên núi cao, tuy không thể trèo tới nơi, nhưng lòng đã hướng lên trên đó. Thái thượng lão quân dạy rằng: “Dũng vu cảm tắc sát, dũng bu bất cảm tắc hoạt đạt.”(*) Dựa vào thực lực của chúng ta, há có thể chống lại Tào Tháo?
— Vậy cũng phải thử! - Trương Vệ siết tay, gằn giọng nói, - Đại trượng phu dọc ngang ở đời, sao chưa đánh đã hàng, khom lưng uốn gối trước địch?
Lý Hưu nói chen vào:
— Thái thượng lão quân có dạy…
— Đủ rồi! Ta không muốn nghe mấy lời này của các ông! - Trương Vệ chỉ thẳng vào Bàng Đức, - Ngay cả khi tiểu đệ đồng ý đầu hàng, thì huynh hãy thử hỏi xem họ có đồng ý không?
Bàng Đức mặc dù lỗ mãng nhưng vẫn biết lễ nghĩa, chắp tay nói:
— Trước đây chúng tại hạ là quân của Kinh Châu, bị đẩy vào đường cùng chạy đến đầu quân cho sư tôn, đáng lẽ phải tuân theo lệnh của sư tôn. Nhưng chúng tôi năm xưa đã kết mối thù với Tào Tháo, sợ rằng không thể nín nhịn. Huống hồ Mã Siêu, Hàn Toại vốn có hận thù cũ với Tào Tháo, nay quân của Hàn Toại lại đầu hàng Tào Tháo, tất sẽ dùng những lời lẽ không hay để hãm hại chúng tại hạ, nên dù có quy hàng Tào Tháo thì tính mạng cũng khó bảo toàn. Đứng giữa sự sống và cái chết, chúng tại hạ buộc phải quyết chiến một phen! - Nói đoạn Bàng Đức lùi lại, đẩy Diêm Phố đang đứng ở cửa, vén rèm che cửa trại, lại nhìn thấy các cựu tướng của Quan Trung là Trình Ngân, Hầu Tuyển đang quỳ ngoài trại, thỉnh cầu đánh trận.
Kỳ thực những người này đều thật đen đủi, ban đầu bị Dương Phụ, Triệu Ngang đuổi khỏi Lũng Tây, không có gì trong tay mới theo Mã Siêu đến Hán Trung. Lúc mới đầu, Trương Lỗ rất trọng dụng Mã Siêu, thậm chí muốn gả con gái cho hắn, nhưng bị các nguyên lão trong giáo phái ngăn cản, cuối cùng bị nhỡ nhàng. Trong lòng Mã Siêu không vui lại thêm Lưu Bị phái Lý Khôi đến lôi kéo, Mã Siêu liền nhân cơ hội đến Vũ Đô đóng quân, sau đó đi đường vòng đến Ba Trung đầu quân cho Lưu Bị. Nhưng lúc đi quá vội vàng, Mã Siêu chỉ mang theo tộc đệ là Mã Đại và huynh trưởng của Bàng Đức là Bàng Nhu, còn không thể lo nổi cho nhi tử và trắc thất ở Nam Trịnh, nói gì đến những người này.
Trương Lỗ nhìn những kẻ đứng xung quanh mình, không biết nên cười hay khóc, lại nhìn xuống dưới thấy các tướng Dương Ngang, Dương Nhiệm cũng đang quỳ ở đó, bèn hỏi:
— Sao các ngươi cũng…
Dương Ngang nói:
— Dương Bình núi cao vực sâu, là nơi vô cùng hiểm trở, chẳng khác nào mười vạn binh mã, hà cớ gì phải đầu hàng? Xin ngài điều đại binh đến trấn thủ, mạt tướng sẽ điều động bố trí, đảm bảo không xảy ra sơ suất! - Giọng của Dương Ngang trầm bổng đầy khí thế, như thể không coi quân Tào ra gì. Rất nhiều giáo đồ và dân chúng không hiểu việc gì, nhưng cũng lũ lượt vây quanh.
Lý Hưu thấy tình hình như vậy, cũng vội vàng tranh luận với Dương Ngang:
— Mảnh đất bé tí ấy có thể giữ được một lúc, nhưng liệu có giữ được cả đời? Năm xưa Cao Cán ở Tịnh Châu có ải Hồ Quan thuộc dãy Thái Hành nổi tiếng hiểm trở, cuối cùng vẫn bị…
— Thôi đi! - Trương Lỗ đưa tay ngăn Lý Hưu, - Nếu vẫn có ý muốn đánh, vậy các ngươi đi lĩnh quân đi. Nhưng khi chiến loạn xảy ra, dân chúng là người khổ nhất, các ngươi phải xem tình hình, có thể đánh hãy đánh, không thể đánh thì phải lấy tính mạng của bách tính làm trọng.
— Xin tuân lệnh pháp chỉ! - Các tướng đồng thanh, vây quanh Trương Vệ, Dương Ngang rồi cùng đi.
Đợi chúng nhân đi xa hẳn, Lý Hưu mới hỏi:
— Ý sư tôn đã quyết, sao còn nghe theo đám phàm phu tục tử kia để rước lấy họa?
Trương Lỗ không muốn nghe, chỉ lắc đầu thở dài:
— Đã muộn rồi, ông hãy dẫn giáo chúng về thành đi. - Nói xong liền ra khỏi trại, dẫn theo các tế tửu xuống núi.
Lý Hưu vẫn muốn đuổi theo để hỏi, nhưng bị Diêm Phố kéo lại:
— Thái thượng lão quan đã dạy: “Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện đạt.”(*) Hà tất ông phải tranh cãi với đám người đó làm gì?
— Nhưng…
Diêm Phố bịt miệng Lý Hưu:
— Luật lệnh ban ra, không thể thay đổi. Chúng ta hãy thuận theo tự nhiên, xem thời cơ mà hành động.
— Ây dà! Lý Hưu cũng chẳng còn cách nào khác, thở dài rồi bỏ đi.
Diêm Phố bề ngoài vẫn tỏ vẻ thâm sâu khó lường, nhưng trong lòng đã cảm thấy lo sợ: Vừa rồi có bao nhiêu giáo đồ vây quanh, nếu họ thấy huynh đệ Trương Lỗ tranh chấp thì sẽ suy nghĩ thế nào? Lý Hưu hiểu biết nông cạn, những chuyện thế này há có thể hỏi sư tôn trước mặt bao người? Lẽ nào Trương Lỗ lại thừa nhận không đấu với Tào Tháo trước mặt mọi người? Thần thánh không thể không được tôn trọng, một khi sự thật được lôi ra, cả tín ngưỡng sẽ sụp đổ, giáo chúng cũng sẽ bỏ đi hết! Hán Trung khó mà bảo toàn, nhưng Thiên sư đạo vẫn phải Lưu truyền, ngay cả đến đạo còn không giữ được thì tâm huyết ba đời của Trương thị chẳng phải sẽ tan thành mây khói? Cung đã lên dây không thể không bắn, đành đi bước nào hay bước đó!
Gặp trở ngại tại ải Dương Bình
Sáng lên Tản Quan san,
Đường đi thật gian nan!
Trâu mệt không buồn bước,
Xe trượt xuống khe núi.
Ta nghỉ trên phiến đá,
Gảy đàn cầm năm dây.
Làm một điệu Thanh giác(*),
Nhạc say sưa buồn bã.
Lời ca tỏ lòng này,
Sáng lên Tản Quan san…
Muốn lên núi Thái Hoa,
Theo thần tiên du ngoạn.
Qua núi Côn Luân,
Đến chốn Bồng Lai.
Phiêu diêu tám cực,
Cùng với thần tiên.
Muốn có thuốc lạ,
Thọ mãi không già.
Lời ca tỏ lòng này,
Muốn lên núi Thái Hoa…(*)
Tiếng ngâm cao vút, thê lương vọng lại trong thung lũng, lũ chim giật mình đập cánh loạn xạ, bay lượn mấy vòng nhưng không tìm được đường thoát khỏi nơi sơn cốc tựa như chiếc lồng hẹp này, lao hết vào vách núi này đến vách núi khác, cuối cùng lọt xuống giữa rừng núi âm u, kêu chí chách mấy tiếng rồi hoảng loạn chải vuốt lại bộ lông.
Có lẽ sự chống cự của Trương Lỗ chỉ là do bị ép buộc, không còn cách nào khác, nhưng thực tế điều đó lại đem lại cho Tào Tháo không ít phiền phức. Theo như lời của Trương Vệ, Dương Ngang, địa thế hiểm trở cửa ải Dương Bình đúng là hiếm gặp, phía bắc là dãy Tần Lĩnh trải dài vô tận; nếu tấn công từ quận Vũ Đô, chỉ có thể đi theo con đường phía đông nam Kỳ Sơn, hơn nữa con đường này chạy theo hình núi, càng đi càng hẹp, quanh co cho đến phía trước ải Dương Bình, chẳng khác gì đi vào mê cung, chưa kể núi Ba và núi Kê Công án ngữ hai bên trái phải, không có cách nào qua được.
Quân Tào ra khỏi ải Tản Quan từ tháng Tư, trèo đèo lội suối tấn công Đậu Mậu, mặc dù đánh nhanh thắng nhanh nhưng cũng chịu không biết bao nhiêu vất vả, lại gặp phải cửa ải hiểm hóc này nên cũng cảm thấy lực bất tòng tâm. Điều khiến Tào Tháo phiền muộn nhất là khi hợp quân với Hạ Hầu Uyên, cựu tướng của Ung Châu là Khương Tự và Lương Khoan lại khăng khăng nói ải Dương Bình dễ đánh, vì khoảng cách giữa hai ngọn núi ở hai đầu bắc nam cách xa nhau, đủ để đại quân bày binh bố trận. Nhưng khi đến đây, Tào Tháo mới tận mắt chứng kiến mọi việc không phải như vậy. Ải Bình Dương nằm ở trong khe núi, khoảng cách giữa hai đầu bắc nam cách nhau không quá nửa dặm, chiến hào, cự mã bố trí dày đặc, trên thành chất đầy gỗ đá, một người giữ ải vạn kẻ khó qua, hoàn toàn không thể ra tay, chỉ có một cách duy nhất là đánh phá hai bên chân núi rồi tấn công từ ba mặt.
Nhưng Trương Vệ và Dương Ngang đã dự liệu được mưu đồ của Tào Tháo, nên đã điều tất cả binh mã từ Hán Trung, ngay cả quân còn lại ở Lương Châu cũng được điều đến để tu sửa lại hơn mười dặm công sự ở hai bên sườn núi ải Bình Dương để phòng ngự. Phóng mắt ra xa, cung nỏ, hàng rào bố trí xen kẽ, khắp núi đều cắm cờ trận, canh phòng cẩn mật, không có chỗ nào sơ hở. Quân Tào dựng trại ở ngọn núi phía tây, nhưng đối đầu như vậy cũng chẳng giải quyết được việc gì, Tào Tháo đành sai Trương Cáp, Chu Linh, Từ Hoảng, Ân Thự, Lộ Chiêu dẫn theo một số binh lính ngày đêm thay nhau tấn công. Khó khăn nhất là quân lương không đủ, lương thực vận chuyển từ Quan Trung đến đây qua bao nhiêu cửa ải, tiêu hao sức lực đã đành, mỗi ngày chỉ tính riêng số xe lương bị rơi xuống vực cũng nhiều vô kể; may mà sau khi đầu hàng, các bộ lạc của tộc Đê đã dâng không ít bò dê, bằng không quân Tào sớm đã không cầm cự nổi. Đối mặt với tình hình này, tâm trạng Tào Tháo ngày càng khó chịu. Cố nhiên chiến sự khó khăn, nhưng so với việc năm xưa đánh Cao Cán ở Hồ Quan, hay đánh Ô Hoàn ở ngoài biên ải thì tình thế lúc này vẫn còn sáng sủa hơn. Khi xưa, ông không ngại gian khổ, đích thân chỉ huy trận đánh, nhưng nay không thể có lại dũng khí đó.
Ngay từ khi khởi binh ở Nghiệp Thành, có quá nhiều chuyện chất chứa trong lòng giày vò Tào Tháo, lại thêm đường xa mệt nhọc, không hợp thổ nhưỡng, nóng lạnh thất thường, khiến tâm trạng ông càng thêm ủ dột. Ngày trước khi ở trong quân, dù có gặp khó khán bằng trời ông cũng không để ảnh hưởng tới việc ăn uống, ngủ nghỉ; nhưng bây giờ đã khác, có lẽ sức khỏe của ông ở tuổi ngoài sáu mươi đã kém đi nhiều, chỉ cần nhắm mắt lại là mọi chuyện phiền muộn cứ hiện ra trước mắt, thường trằn trọc mất ngủ cả đêm, nếu như không có huynh đệ Hạ Hầu san sẻ gánh nặng, và những thân tín như Khổng Quế, Vương Xán, Đỗ Tập ở bên hầu hạ thì ông cũng không biết vượt qua những ngày tháng này bằng cách nào.
Các tướng luân phiên đánh trận hai ngày hai đêm, binh lính tử thương đã quá năm nghìn người mà công sự phòng thủ của kẻ địch vẫn không hề suy chuyển. Buổi sáng ngày thứ ba, Tào Tháo đến dốc núi quan sát, ngâm một bài Thu hồ hành; đúng là một bài thơ hay, đoạn đầu ca thán sự vất vả của việc hành quân, đoạn sau ca ngợi cảnh tượng thần tiên, tiếng ngâm cô tịch, thê lương vang khắp sơn cốc, đã ảnh hưởng đến tâm trạng của quân sĩ.
Thế nhưng, Ngụy Công có thơ thì mọi người phải khen. Vương Xán nghĩ nát óc hồi lâu mới ca ngợi rằng:
— Câu: “Muốn lên núi Thái Hoa, Theo thần tiên du ngoạn” thật xuất thần. Chúa công lòng luôn hướng về bách tính và nỗi thống khổ của họ, nên không màng đến chuyện du hý cùng thần tiên, quả là đáng kính, đáng kính. - Tuy ngoài miệng nói vậy, nhưng trong lòng Vương Xán lại bồn chồn không yên: Tào Mạnh Đức vốn không tin vào thiên mệnh, nay lại ca ngợi thần tiên, chẳng phải mâu thuẫn sao? Đúng là già rồi nên cũng thay đổi tính khí.
Tào Tháo không nghĩ nhiều như vậy, chỉ nói lấy lệ mấy câu rồi quay đầu nhìn Khổng Quế:
— Vẫn chưa có hồi âm của Hoàng Phủ Long sao? Rốt cuộc đã có chuyện gì?
Khổng Quế lúc đầu cũng chỉ thuận mồm nhắc đến ông ta để làm vui lòng Tào Tháo, ai biết được Hoàng Phủ Long còn sống hay chết, mà dù còn sống thì ở trong thời tao loạn này có lẽ ông ta cũng đã chuyển chỗ ở, Dương Thu biết gửi thư đi đâu? Nhưng Tào Tháo lại cho là thật, hai ba hôm lại hỏi, khiến cho Khổng Quế cũng phải nói bừa:
— Xin chúa công đợi thêm, năm xưa Chu Văn Vương mời Lã Vọng còn tự tay dắt ngựa, mặc dù ngài không có nhiều thời gian như Chu Văn Vương hay Chu Công, nhưng xin hãy nhẫn nại. - Nói xong lén nháy mắt với Vương Xán.
Vương Xán sớm đã thấy chuyện này có gì đó bí ẩn, nhưng cũng không thích kiểu nịnh nọt thái quá của Khổng Quế nên vờ như không thấy, cũng chẳng nói gì thêm, khiến Khổng Quế run lập cập. Tào Tháo nghiêm giọng khiển trách:
— Tên tiểu tử nhà ngươi chỉ biết nói lời ngọt xớt, lời nói chỉ đáng tin nửa phần! Nếu còn dám lừa gạt ta, hãy xem ta lột da rút gân nhà ngươi! - Thực ra cũng khó trách Tào Tháo nóng tính, vì từ sau đêm hôm đó, tay của ông vẫn chưa hết đau nhức. Nhưng Tào Tháo rõ hơn ai hết, chuyện bệnh tật không thể nói với bất cứ người nào, nếu truyền ra ngoài, không những làm lòng quân lo ngại mà văn võ bá quan ở Nghiệp Thành cũng sẽ tìm đường thoát cho riêng mình, chuyện hai con tranh vị càng khó khống chế.
Tào Tháo đang khiển trách Khổng Quế, thì Đổng Tập đột nhiên chỉ về phía trước:
— Chúa công hãy xem, quân ta lại bắt đầu tấn công. - Quân Tào đã thay nhau tấn công ngày đêm, cứ nghỉ nửa canh giờ lại ra trận, đây cũng là một lợi thế khi có đông quân, mười mấy vạn quân giao chiến với hai vạn quân địch, luân phiên giáp công khiến Trương Vệ hao binh tổn tướng.
Tiếng chém giết vang lên tứ phía, cờ xí lắc lư, một đội quân năm nghìn người đang từ chân núi phía bắc Dương Bình xông lên. Tào Tháo nhìn thấy trên cờ có chữ “Triệu”, đoán là quân của Triệu Ngang xuất trận. Sau khi Vi Khang chết, trong đám quân ở Ung Châu chiến đấu với Mã, Hàn có Triệu Ngang và Dương Phụ lập công lớn nhất, đặc biệt là Triệu Ngang, nhi tử của ông ta bị Mã Siêu bắt làm con tin, nhưng vẫn không dè dặt mà cùng thê tử là Vương thị ra trận, chiến đấu kịch liệt với Mã Siêu hơn ba mươi ngày ở Ký Thành, cuối cùng được Hạ Hầu Đôn cứu viện. Tất nhiên, họ đã phải trả cái giá rất lớn. Vì chư tướng Ung Châu đã giết cả nhà Mã Siêu nên gia quyến của họ cũng bị giết sạch. Nhi tử của Triệu Ngang bị giết, thân mẫu của Khương Tự cũng bị Mã Siêu giết, gia quyến của Doãn Phụng cũng bị giết không chừa một ai, Dương Phụ dẫn theo tám huynh đệ đồng tộc ra trận, kết quả bảy người bỏ mạng trên sa trường. Chính vì vậy mối thù giữa họ và Mã Siêu là không đội trời chung, càng hận Trương Lỗ đã kích động Mã Siêu làm loạn, do đó đã cố tình tô vẽ những lợi thế, tìm đủ mọi cách để dụ Tào Tháo đến đây, Tào Tháo biết Triệu Ngang dốc toàn tâm toàn lực nên cũng mỏi mắt trông chờ.
Giữa thâm sơn cùng cốc vang lên tiếng gào thét chấn động, Triệu Ngang đích thân dẫn quân điên cuồng xông lên đồi. Nhưng địch ở trên cao, tên bắn xuống như mưa, binh sĩ leo lên đồi đã mất nhiều sức lực, chỉ có thể đỡ được phần nào mưa tên, vừa phá được hai đường cự mã đã bị thương và chết một phần. Triệu Ngang gạt những mũi tên bắn tới, không hề sợ hãi, nhưng tướng sĩ mỗi lúc lại bị thương nhiều hơn, khi lên được trên đồi chỉ còn lại hơn trăm người. Số quân ít ỏi này không thể chống đỡ nổi, quân địch xếp thành hàng, thọc mâu dài qua hàng rào, đẩy lui được bọn họ. Triệu Ngang dường như cũng trúng tên, ôm lấy bả vai, ngậm ngùi chạy xuống núi. Quân lính tan tác, bị thương phải đến ba phần.
Không đợi cho quân của Triệu Ngang rút hết, thống soái tiền quân là Hạ Hầu Uyên sớm đã sai đội thứ hai do mãnh tướng Hà Bắc là Chu Cái xuất chiến. Chu Cái vẫn dùng năm nghìn người tấn công vào khe hở mà Triệu Ngang đã mở ra. Mặc dù quân chính quy của Tào doanh không mạnh nhưng trận thế bố trí trật tự, phía trước dựng khiên, ở giữa mâu dài, phía sau cung nỏ, vững vàng bày trận tiến lên. Nhưng quân của Chu Cái chưa lên được lưng chừng núi, đã nghe thấy tiếng ầm ầm của những tảng đá từ bên trên lăn xuống. Không cần biết có va phải ai hay không, chỉ nhìn đá lăn cũng đủ kinh hãi, quân Tào vừa rồi còn điềm tĩnh, lúc này đã cuống cuồng, dao động. Có người kinh qua trận mạc, biết cách trốn chạy, vội vàng tìm cây to để nấp sau; có kẻ không biết thì chạy đông chạy tây; có người quay đầu bỏ chạy, đá còn chưa lăn đến đã tự mình ngã lăn quay xuống núi. Binh đao vung vãi khắp nơi thì còn đánh đấm gì?
Đội quân của Chu Cái vừa lăn vừa trèo xuống, lại nghe tiếng gào thét ầm ĩ, Lộ Chiêu thống lĩnh đội quân thứ ba lại nhất tề đánh lên. Nhưng quân địch sớm đã nhân lúc quân Tào bỏ chạy để di chuyển hàng rào, cự mã, che lấp những khe hở, nên có bị tấn công cũng chẳng sao.
— Hồi doanh! - Tào Tháo không thể quan sát thêm được nữa, ôm chặt lấy cánh tay trái đang tê buốt, Hứa Chử đỡ ông lên ngựa; trên đường về cũng không thèm để ý Khổng Quế, Vương Xán nói gì, cho đến khi về trước trướng trung quân mới nói, - Gọi Lĩnh quân hướng đạo Tô Tắc đến đây cho ta.
Tô Tắc tự là Văn Sư, nhân sĩ Quan Trung, ban đầu nhận chức Thái thú Tửu Tuyền, sau chuyển đến các quận An Định, Vũ Đô, những nơi này đều xa xôi, triều đình không quản lý hết được, nhưng Tô Tắc luôn một dạ trung thành. Tào Tháo nể tình ông ta thông thuộc địa hình nơi đây, lại có tài cán, nên lệnh cho làm hướng đạo, sau này còn muốn giao phó thêm trọng trách. Tô Tắc được đối đãi trọng hậu, mọi người tự nhiên cũng tôn kính ông ta, Vương Xán cười nói:
— Không cần sai cận vệ, để tại hạ đi. - Vừa quay người đi đã thấy Lộ Túy dắt theo một con vật hình dáng kỳ quái tiến vào doanh.
Vương Xán tò mò hỏi:
— Đây là con gì?
— Con lừa.
— Lừa nào có hình thù như vậy?
Lộ Túy cười nói:
— Đây là loài lừa rừng chỉ có ở đây, to hơn lừa ở Trung Nguyên nhưng tai ngắn hơn, đuôi dài hơn, toàn thân lông vàng, bước đi chắc nịch, sức kéo hơn cả trâu ngựa. Trong trại của Khương Tự cũng có mấy con, đều đã được huấn luyện. Ta thấy hay hay nên cưỡi đến đây.
Vương Xán nghe thấy vậy hai mắt sáng lên, tiện tay ngắt mấy ngọn cỏ, dứ dứ miệng lừa, rồi cầm roi ngựa khẽ cọ vào mũi nó. Con lừa bị chọc tức, rướn cổ kêu “í ò… í ò..” Nó kêu một tiếng, Vương Xán cũng bắt chước kêu theo, khiến con lừa lại càng kêu dài hơn.
Đỗ Tập cũng bật cười:
— Không thích nghe đàn sáo, bát âm mà lại thích nghe tiếng lừa, Vương Trọng Tuyên đúng là kỳ lạ! Vừa nhận lệnh của Ngụy Công mà nghe tiếng lừa đã quên sạch, thôi để ta đi mời Tô tiên sinh vậy.
Tào Tháo bất giác nhíu mày, nhưng mấy trò vặt vãnh này cũng chẳng sao, nên lắc đầu đi vào trướng. Chưa kịp ngồi xuống thì Chủ bạ Lưu Hoa đã vội vã chạy vào:
— Thưa, tướng quân Tào Nhân ở Kinh Châu có tin cấp báo, hai nhà Tôn, Lưu đã đánh nhau!
Sau khi đón được muội muội về, Tôn Quyền bắt đầu dụng binh với Kinh Châu, ông ta lệnh cho Lã Mông dẫn hai vạn quân tinh nhuệ của Tiên Vu Đan, Từ Trung, Tôn Quy, tập kích ba quận Trường Sa, Linh Lăng, Quế Dương. Thái thú Trường Sa Liêu Lập ở dưới trướng Lưu Bị, do binh ít không chống cự được nên đã bỏ thành mà chạy; Quế Dương vốn là vùng quản hạt của Triệu Vân, nhưng số quân đang đóng rất mỏng nên bị Lã Mông đánh bại; duy chỉ có Thái thú Linh Lăng là Hách Phổ kiên quyết giữ thành, bị quân Giang Đông bao vây. Quan Vũ đóng ở Kinh Châu nghe tin này lập lực điều ba vạn binh mã đến Ích Dương, nhưng Tôn Quyền sớm đã phái Lỗ Túc dẫn một vạn quân đóng tại Ba Khâu, trận huyết chiến giữa hai nhà Tôn, Lưu khó mà tránh khỏi.
Tào Tháo đọc xong quân báo, trầm giọng nói:
— Quân ta qua Vũ Đô, Tôn Quyền bèn cướp ba quận. Lưu Bị sợ ta cướp Hán Trung, một khi đánh nhau sẽ không thể chiếu cố hết mọi việc, chắc chắn sẽ giảng hòa với Tôn Quyền, đất đã mất khó lấy lại được. Ta nóng ruột nóng gan đích thân đến biên cương, để thằng nhãi Tôn Quyền nhân cơ hội chiếm được ưu thế, quả là đáng hận!
Lưu Hoa nói:
— Tôn Quyền đã chiếm được hai quận, Lưu Bị không thể không cứu, nếu quay lại Kinh Châu sẽ mất thời gian, chúng ta cứ nhân cơ hội này đoạt lấy Hán Trung, sau đó tiến thẳng vào đất Thục, Lưu Bị ắt phải thất bại.
— Ây dà… Tin báo này mãi mới đến nơi, ít nhất cũng đã qua nửa tháng, hiện nay tình hình ra sao cũng không biết chắc. Hơn nữa, ải Dương Bình dễ đánh thế sao? Cho dù lúc này có đoạt được Hán Trung, tình thế thay đổi, Tôn Quyền sẽ mưu lấy Hoài Nam của ta, cuộc đọ sức giữa ba nhà càng trở nên rắc rối, há có thể dễ dàng? - Tào Tháo càng nghĩ càng rối, đành thở dài ngồi xuống, chỉ tay lên vai trái, Khổng Quế lập tức chạy đến bóp vai.
Đúng lúc này, Đỗ Tập đưa Tô Tắc đến, theo sau là Dương Tu cúi đầu không dám lại gần. Tô Tắc chắp tay hành lễ:
— Chúa công có gì dặn dò?
Tào Tháo chỉ chăm chú nhìn Dương Tu, lúc sau mới định thần lại, - Quân ta đã tấn công ải Dương Bình hai ngày nay, thương vong nhiều mà chưa có kết quả. Ngươi có biết con đường nào khác có thể vòng ra sau lưng địch, đánh thẳng vào Nam Trịnh không? Thà mạo hiểm một chút còn hơn là chôn chân tại đây.
Tô Tắc cũng chẳng có cách nào:
— Nếu có đường khác thì tại hạ sớm đã nói, thực sự chỉ có duy nhất con đường này. Hán Trung vốn có nhiều núi, nhưng đoạn từ Dương Bình đến Nam Trịnh là hiểm trở nhất, phía bắc có dãy núi lớn chắn ngang. Phía đông là Thượng Dung, thung lũng khúc khuỷu, rừng sâu kín lối, ngay cả phát binh từ Phòng Lăng cũng không dễ tiến vào. Phía tây chính là ải Dương Bình, dựa vào núi Kê Công, bốn bề hiểm trở, nếu đi về phía nam còn có núi Mễ Thương, núi Thiên Đãng, núi Định Quân, núi Ba…
— Thôi, thôi! - Tào Tháo xua tay, lúc này chỉ cần nghe thấy từ “núi” đã đủ đau đầu, - Mấy tên tướng Ung Kinh nói năng bừa bãi, khăng khăng rằng Hán Trung dễ lấy, xem ra là đoán bừa rồi.
Lưu Hoa hiến kế:
— Quân ta có gần mười vạn, còn binh mã của Trương Lỗ rất ít, sao ta không chia quân tiến đánh từ hai ngả bắc nam, quyết chiến lâu ngày tất sẽ phá được ải này.
— Tiến công kịch liệt sẽ phải trả cái giá rất lớn, để giết được một nghìn quân địch, quân ta sẽ mất gấp đôi số quân, cho dù có lấy được ải Dương Bình nhưng bị tổn thất quá nhiều sẽ làm tổn hại sĩ khí, nếu đánh tiếp Miến Dương, Nam Trịnh sẽ càng khó khăn. Huống hồ người Đê tuy đã đầu hàng nhưng vẫn chưa phục, nếu cứ kéo dài sẽ phát sinh nhiều chuyện… Khó… khó thay! - Tào Tháo nhíu mày.
Lưu Hoa thăm dò ý tứ, thấy tình hình này vội nói:
— Mấy ngày nay chúa công đã vất vả, cần chú ý giữ gìn quý thể, tại hạ sẽ cùng các tướng bàn bạc xem có cách gì không. - Nói rồi ra hiệu cho Đỗ Tập, Tô Tắc lui ra ngoài, để Tào Tháo được yên tĩnh một mình. Ba người nhanh chóng hành lễ cáo lui.
— Khoan đã! - Tào Tháo chỉ tay, - Đức Tổ ở lại.
— Rõ. - Dương Tu nuốt nước miếng, cúi đầu tiến lên phía trước.
Tào Tháo giận dữ nhìn Dương Tu, cơn thịnh nộ bỗng chốc trào lên. Khổng Quế đang bóp vai cho ông cũng cảm thấy không khí có phần khác lạ, không dám nói gì. Trong trại yên ắng, chỉ nghe thấy tiếng lừa kêu bên ngoài.
Một lúc sau, Tào Tháo đột nhiên đẩy Khổng Quế ra:
— Ngươi cũng đi ra!
Khổng Quế ngã phịch xuống đất, lúc bò dậy cũng không dám đáp lời, vội vã ra ngoài.
Trong trướng lúc này chỉ còn Tào Tháo và Dương Tu, Dương Tu không dám chậm trễ, lập tức quỳ xuống dập đầu:
— Hạ thần có tội! - Câu này thật khó thốt ra, ông ta tự biết mình tội nghiệt quá nặng, trên đường mấy lần muốn thỉnh tội với Tào Tháo nhưng chưa có cơ hội. Mấy ngày nay mất ăn mất ngủ, dò đoán tâm ý của Tào Tháo, cuối cùng cũng quyết định lộ diện.
— Hừ! - Tào Tháo nhìn Dương Tu đang quỳ mọp dưới đất, cơn giận từ từ dâng lên, chỉ hận không thể bắt đến nha môn lập tức chém đầu. Thực tế ông không thể làm như vậy, vì phải hỏi rõ xem tại sao Dương Tu lại biết chuyện Hình Dung mật tấu, và quan trọng hơn là vì chuyện lập người kế vị còn chưa có quyết định rõ ràng, mà ai cũng biết Dương Tu và Tào Thực có quan hệ thân thiết, nếu lúc này giết Dương Tu, các quan lại khác nghe thấy động tĩnh sẽ lại kéo hết theo Tào Phi!
Bên ngoài tiếng lừa vẫn kêu từng hồi, Tào Tháo hằm hằm đứng dậy, vòng qua soái án đến bên cửa trướng, nói giọng lạnh lùng:
— Còn để nó kêu nữa, ta sẽ đánh chết hai ngươi và con lừa kia! - Vương Xán và Lộ Túy sợ xanh mặt, vội vàng dắt lừa đi thẳng, ngay cả Hứa Chử đứng bên cạnh trướng cũng giật mình sợ hãi.
Tào Tháo kéo rèm trướng, nhìn chằm chằm vào gáy Dương Tu, im lặng hồi lâu mới gằn giọng hỏi:
— Ngươi biết mình mắc tội gì chứ?
— Tự tiện bàn việc quân cơ, kết giao với chư hầu. - Dương Tu không trốn tránh.
— Tội này xử lý thế nào?
— Tội này đáng chết… Nhưng trước khi chết, xin cho hạ thần được nói lời thật lòng.
— Nói đi!
— Đa tạ chúa công. - Dương Tu không dám đứng dậy mà vẫn quỳ dưới đất nói:
— Thuộc hạ khẩn cầu chúa công sớm quyết định lập Lâm Tri hầu làm người kế vị!
— Sao? - Tào Tháo ngạc nhiên, - Chuyện đến mức này mà ngươi vẫn còn dám nói những lời đó?
Dương Tu đã nghĩ kỹ, lúc này nếu yếu mềm sẽ càng dễ chết, thà rằng cứ mạnh dạn đứng về phía Tào Thực, không những quang minh chính đại mà còn có thể được nhìn nhận như một trung thần, chưa biết chừng việc xấu sẽ thành tốt. Nghĩ đến đây, Dương Tu vững dạ hơn, thao thao bất tuyệt:
— Thần không sợ bị giết, nhưng chỉ mong Đại Ngụy có một bậc minh chủ hiền năng, xứng đáng làm người kế thừa cơ nghiệp của chúa công! Lâm Tri hầu tận tâm với nước, trí tuệ hơn người, ân đức ban phát khắp nơi, phóng khoáng độ lượng. Chẳng những thơ phú phong nhã xưa nay đứng đầu, ca ngợi đại nghĩa, lời lẽ trau chuốt mà phẩm hạnh cao khiết, là người tài đức song toàn, khôi ngô tuấn tú. Nếu tam công tử có thể làm minh chủ của thiên hạ thì hạ thần chết cũng có gì đáng tiếc?
Tào Tháo lạnh lùng đáp:
— Lẽ nào ngươi chưa từng nghe câu: “Thị quân số, tư nhục hĩ; bằng hữu số, tư sơ hĩ đạt.”(*) Cớ sao ngươi lại muốn giúp Lâm Tri hầu đến vậy?
Dương Tu giật mình, đáp:
— Thần không dám lừa gạt chúa công, quả là thần và Lâm Tri hầu giao thiệp thân thiết, nhưng thần không phải là kẻ hạnh tiến, không toan tính vinh hoa, không cầu mong bổng lộc, mà chỉ động lòng trước phẩm hạnh và tài đức của Lâm Tri hầu. Mỗi lần cùng Lâm Tri hầu bàn luận chuyện trong thiên hạ, thần đều cảm thấy rất tâm đắc, càng tiếp xúc càng thấy công tử là một người lương thiện, thực là viên ngọc trong đá. Thần có thể bị giết, nhưng nếu chúa công vì sự gian lận của thần mà tức giận Lâm Tri hầu thì nghìn năm sau thần vẫn không hết tội!
Tào Tháo nghe xong, chậm rãi ngồi xuống ghế, thầm nghĩ Dương Tu không màng đến phúc họa của bản thân, một lòng trung thành với Tào Thực, có thể coi là kẻ dám làm dám chịu: Những người nắm đại quyền trong thiên hạ đều coi trọng chữ “trung”, chỉ cần không làm trái với chữ “trung” thì tất cả những lỗi lầm khác đều có thể khoan dung; những lời của Dương Tu đã đánh đúng vào điểm yếu của Tào Tháo, giọng ông cũng không còn gay gắt như trước:
— Ngươi nói ngươi không dám lừa gạt ta, vậy việc tiết lộ quân cơ, làm giúp đáp án, có được coi là lừa gạt không?
Dương Tu đã tính đến việc sẽ bị hỏi câu này nên nhanh chóng đáp:
— Thưa, đương nhiên là không được phép, nhưng Lâm Tri hầu được thừa hưởng sự sáng suốt của chúa công, nói năng ngay thẳng, không nịnh nọt bề trên, không cấu kết với kẻ dưới, không biết làm bộ làm tịch, càng không biết luồn cúi kiếm lợi, chỉ biết dốc sức làm việc vì chúa công, cho nên thần không đành lòng, sợ chúa công sẽ không nhận thấy điểm này của Lâm Tri hầu, nên thần mới mạo phạm… - Những lời này có đến ba phần là thật, nếu nói về việc kết giao thì đúng là Tào Thực không giỏi làm bộ làm tịch.
Lời đáp của Dương Tu không chút sơ hở, Tào Tháo cũng không biết nói gì hơn, đặc biệt là khi nghe bốn từ “làm bộ làm tịch”, trong lòng ông lại có chút nghi hoặc: Lẽ nào hôm tiễn ta, Tử Hoàn lại cố tình giả bộ?
Dương Tu vẫn quỳ mọp dưới đất, mặc dù không quan sát được sắc mặt của Tào Tháo nhưng thấy không khí bỗng im lặng, cho rằng ông đã nghĩ thông, bèn mạnh dạn lết gối lên phía trước, nói:
— Họ Dương nhà thần là danh gia vọng tộc ở Hoằng Nông, nhưng trong thời tao loạn có chút công lao. Gia phụ che chở cho thiên tử, sau lại xin cáo bệnh xin về ở ẩn, lại có hiềm khích với chúa công nên thần vốn chẳng trông mong gì về tiền đồ. Tuy nhiên, chúa công đã không để bụng chuyện trước đây, vẫn nhận thần làm thuộc hạ, trọng dụng giao việc cho thần, thần luôn cố gắng tận lực báo đền ân đức đó…
Tào Tháo nghĩ bụng: Ta suýt nữa quên mất, Dương Tu là hậu duệ của họ Dương ở Hoằng Nông. Dương Chấn, Dương Bỉnh, Dương Tứ, Dương Hổ, bốn đời làm Tam công, thanh danh nổi khắp thiên hạ, ta cho Dương Tu làm quan cũng là muốn tôn thêm hình tượng của mình, nếu hôm nay giết hắn thì khác nào tự bôi nhọ mặt mình?
Dương Tu đoán chuyện này không còn trở ngại gì nữa, nhưng lời ngọt dễ nghe, hơn nữa Tào Tháo vốn thích được khen ngợi, cần phải nói nịnh mấy câu:
— Sự anh minh của Ngụy công thiên hạ ai ai cũng biết, soi sáng khắp bốn bề! Mấy trò tiểu xảo vớ vẩn của thần há có thể qua được mắt của chúa công? Đúng là tự cho mình thông minh, để người đời chê cười…
— Được rồi, được rồi. - Tào Tháo sớm đã nguôi giận, - Ta chỉ hỏi ngươi một câu, chuyện mật tấu của Hình Ngung, ai nói với ngươi?
— Là Tư… - Dương Tu thông minh cả đời, hồ đồ một chốc, buột miệng nói ra hai từ, đột nhiên nghĩ ra chuyện này sẽ liên quan đến tính mệnh của kẻ khác, nhưng không kịp nữa.
— Ai? - Tào Tháo gặng hỏi.
Dương Tu không thể che giấu thêm:
— Là Tư Mã Thúc Đạt nói.
— Tư Mã Phu? - Tào Tháo càng cảm thấy kinh ngạc, - Sao lại liên quan đến hắn?
— Tư Mã Phu thẳng thắn dâng thư can gián, nhắc đến chuyện này cũng là có ý tốt, khuyên Lâm Tri hầu không nên mắc thêm sai lầm, lúc đó thần ở bên ngoài nghe thấy.
— Vậy Tư Mã Phu nghe được từ ai? - Tào Tháo tức giận, trong mắt ông, Hình Ngung sẽ không tự gây phiền phức cho mình, hẳn chỉ là một trong số ba người Hoàn Giai, Dương Tuấn, Lộ Túy.
— Việc này thần thực sự không rõ.
— Có thật là không rõ?
— Đúng là thần không rõ.
Tào Tháo nhìn chằm chằm Dương Tu, thấy hắn bủn rủn, sợ sệt, nghĩ chắc là hắn nói thật, bèn đổi giọng:
— Tội của ngươi đáng ra không thể tha, nhưng vì trung thành với con ta nên xem xét lại. Niệm tình ngươi có tài, lại nể mặt phụ thân ngươi, ta tha cho ngươi lần này.
— Tạ ơn chúa công! Hu hu hu!… - Dương Tu giác nước mắt lã chã, thoát được quỷ môn quan há phải chuyện dễ dàng?
— Chớ khóc lóc trước mặt ta nữa. - Tào Tháo mệt mỏi xua tay, - Về làm việc của ngươi đi, nhưng nhớ phải cẩn trọng. Chuyện ngày hôm nay không được để cho kẻ thứ ba biết, ngươi cùng với Vương Trọng Tuyên, Lưu Công Cán làm bạn văn thơ với con ta, ta sẽ không can dự. Nhưng tục ngữ có câu: “Bồng sinh ma trung, bất phù tự trực. Bạch sa tại nê, dữ chi cự hắc,”(*) phải hướng con ta theo chính đạo, nếu lại dùng mấy trò lừa bịp trục lợi, thì hãy xem ta lấy mạng ngươi!
Dương Tu thề thốt, cảm tạ ân đức rồi mới cáo lui; bước ra khỏi trại thở phào nhẹ nhõm, cảm thấy có chút đắc ý: Từ xưa đến nay, có ai đùa bỡn được dưới lưỡi đao của Tào Tháo như ta kia chứ? Đúng là Dương Tu quá thông minh, nhưng người thông minh thường sẽ mắc phải lỗi của người thông minh…
Sau khi hỏi rõ mọi chuyện, Tào Tháo vẫn chưa cảm thấy nhẹ nhõm, mà trái lại càng thấy nghi hoặc. Dương Tu nhắc đến chuyện làm bộ làm tịch, chẳng lẽ hôm tiễn quân Tào Phi cố ý khóc lóc? Ông không có cách nào xác minh… Dương Tu nói Tào Thực tài đức song toàn, nhưng ngoài chuyện gian lận ra thì Thực nhi liệu có tài quân chính hay không? Tào Tháo cũng chẳng có cách nào khẳng định… Cơn đau đầu lại ập đến, thậm chí ông cũng không thể khẳng định mình có hiểu các con hay không. Người ta đều nói phụ tử đồng tâm, nhưng liệu có đúng vậy không?
Con lừa đã được Lộ Túy dắt đi, nhưng khắp núi rừng đều có ve sầu, loài bọ đáng ghét này dường như chui vào đầu Tào Tháo, phát ra âm thanh ong ong khó chịu, khiến đầu ông như muốn nổ tung, hơn nữa tay phải lại đau nhức. Ông chật vật ngồi xuống ghế.
Nhưng không lâu sau, ngoài trướng lại có người cầu kiến. Tào Tháo cố đứng lên nói:
— Vào đi!
Hạ Hầu Đôn, Tân Tỵ, Lưu Hoa, Đỗ Tập cùng bước vào:
— Bẩm chúa công, hai tướng của Ung Châu là Khổng Tín, Vương Linh không nghe quân lệnh, xông vào trận giặc, bị trúng tên chết ngay tại chỗ. Các tướng Lương Khoan, Triệu Cù vô cùng căm tức, đang muốn lĩnh đại quân tấn công.
Tào Tháo chưa kịp nói gì thì Tào Chương đã ầm ầm xông vào, nói lớn:
— Đáng ra nên làm sớm! Con nguyện lĩnh một đội binh mã, tấn công cùng họ!
— Câm miệng! - Tào Tháo quát lớn:
— Mới vài tuổi đầu biết gì mà nói?
Tào Chương không phục, vỗ ngực nói:
— Công Tôn Khởi ra trận từ lúc còn nhỏ, Hoắc Khứ Bệnh mười chín tuổi đã được phong làm Phiêu Kị Tướng quân. Trong doanh của ta số tướng lĩnh tuổi ngoài hai mươi đã lĩnh hơn nghìn binh mã đâu có ít, nay con cũng đã hai sáu tuổi, sao phụ thân lại nói là vài tuổi đầu?…
Tào Chương chưa kịp nói hết câu, Hứa Chử, Khổng Quế đã vội vàng ngăn lại:
— Nhị công tử à, cầu xin ngài! Chớ làm loạn nữa! - Không để Tào Chương có cơ hội phân bua, họ đã đẩy y ra khỏi trướng.
Tào Tháo mệt mỏi day day trán:
— Nguyên Nhượng, ngươi và Hứa Chử vất vả một chuyến, đến tiền quân ngăn các tướng lại, nếu còn trái lệnh cứ xử theo quân pháp. - Hạ Hầu Đôn tiếng tăm lừng lẫy, còn Hứa Chử được mệnh danh là hổ hầu, có hai người này ai không dám theo?
Dặn dò xong xuôi thì cũng đến chính ngọ, kẻ hầu dâng cơm lên, nhưng Tào Tháo còn tâm trạng nào mà nuốt trôi? Ông lúc thì nghĩ đến chuyện ở Nghiệp Thành, lúc lại nghĩ đến cục diện chiến sự, đầu đau tay nhức, thẫn thờ suy nghĩ mất cả buổi chiều, vừa buồn bực vừa nóng ruột, đứng ngồi không yên, ngay cả có Khổng Quế ở bên cạnh, ông cũng không thèm đếm xỉa tới.
Tào Tháo như ngồi trên đống lửa từ chiều cho đến tận lúc lên đèn, Lưu Hoa, Đỗ Tập lại đến bẩm báo:
— Quân lương không đủ, xin chúa công truyền lệnh giết trâu, dê.
— Thu binh thôi… - Tào Tháo không thể chịu thêm được nữa.
Đỗ Tập ngăn lại:
— Không thể, không thể được! Hôm nay lương thảo không đủ, nhưng Thái thú Hà Đông là Đỗ Kỳ đã lệnh cho năm nghìn dân phu ngày đêm vận chuyển lương thảo, chỉ có điều đường đi khó khăn nên chưa đến kịp, chỉ cần đợi thêm hai ngày nữa sẽ không có vấn đề gì.
— Không chỉ do việc vận chuyển lương thảo khó khăn, mà trận này không có cách nào đánh được. - Tào Tháo lắc đầu tuyệt vọng, - Đất Xuyên Thục quá khó công đoạt, có cố đánh cũng không biết phải mất bao nhiêu lâu… - Tào Tháo nói rất có lý, hơn nữa tâm tư và bệnh tình của ông đang ngày càng nặng.
Khi xưa trận Quan Độ kéo dài một năm, nay trận đánh ở ải Dương Bình mới được ba ngày sao đã nói không thể đánh? Đỗ Tập là người thẳng tính, muốn tranh luận với Tào Tháo, nhưng Lưu Hoa mỉm cười ngăn lại:
— Ta thấy chúa công nói có lý, chi bằng… chi bằng chúng ta đi kiểm tra tiền quân, nếu sĩ khí mạnh mẽ, tướng lĩnh không mệt mỏi thì đánh tiếp cũng chưa muộn. Còn nếu thương vong nhiều, nguyên khí suy giảm thì chúng ta… quay về bàn bạc thêm!
— Đi thôi, đi thôi. - Tào Tháo tiện tay thu dọn văn thư, thẻ lệnh trên soái án, dường như có ý đứng lên đi cùng, - Nguyên Nhượng, Trọng Khang đi nửa ngày mà chưa về, ngươi đi gọi họ. Chúng ta nhân lúc nửa đêm, nhổ trại rời khỏi đây để tránh kẻ địch tấn công…
Hai người đành ra về. Đỗ Tập thở dài:
— Chúa công muốn rút, chúng ta phải làm thế nào?
Lưu Hoa cắn răng nói:
— Theo ta thì… kéo dài thời gian. Dù sao chúng ta cũng nhận lệnh hành sự, cứ đi lòng vòng, nửa đêm hãy về. Đợi qua đêm nay, nếu không được thì tìm người can gián.
— Đành như vậy. - Đỗ Tập thở dài, tự nhiên cảm thấy lạnh, - Ôi! Đúng là nơi dị thường, hai ngày trước nóng như thiêu như đốt, vậy mà đêm nay lại trở lạnh…
Lưu Hoa dẫn theo mười mấy tên lính xuống núi đi tuần. Chuyến đi này vốn chẳng kỳ vọng gì, nhưng ông ta không hề biết rằng có bất ngờ lớn đang chờ đợi mình. Không biết có phải do Tào Tháo thân mang bệnh mà vẫn quyết ý xuất chinh đã làm cảm động trời đất hay không, đúng lúc chúng nhân đang lo lắng thì một biến cố xoay chuyển cục diện bất thần xuất hiện…
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9