People sacrifice the present for the future. But life is available only in the present. That is why we should walk in such a way that every step can bring us to the here and the now.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Thùy Linh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 29
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 137
ào Thực gian dối, Tào Tháo mất niềm tin
Nơm nớp lo sợ
Tháng Giêng, năm Kiến An thứ hai mươi (năm 215 sau Công nguyên), chưa đầy hai tháng kể từ khi gia tộc của Phục hậu bị tàn sát, Tào Tháo đã ép thiên tử lập con gái mình là Tào Tiết làm hoàng hậu. Một hôn lễ hoang đường được tổ chức náo nhiệt tại Hứa Đô, cặp chồng già vợ trẻ - hai con rối lấy nhau trong sự chúc mừng của bách quan Hứa Đô, mặc dù không cam tâm tình nguyện, nhưng họ lại đồng cảm với nhau, trong buồn có vui, trong vui có buồn, cảm xúc hỗn độn khó tả. Nhân dịp này, Tào Tháo làm lớn chuyện, mượn danh nghĩa của triều đình ban thưởng chức tước cho nam tử có công trong thiên hạ, ban thưởng lương thực cho vương hầu, công khanh và quan viên các cấp, trắng trợn mua chuộc lòng người. Lúc này, Tào Tháo đã có ba danh phận là quyền thần, công tước và quốc trượng, chẳng khác gì so với Vương Mãng.
Tuy nhiên, Tào Tháo có thể thao túng con rể là thiên tử, nhưng lại không thể bắt người trong thiên hạ cúi đầu ngoan ngoãn nghe theo. Quân của Lưu Bị đang ở Thục công thành đoạt đất, nhưng Tào Tháo cũng hết cách. Còn Tôn Quyền hòa hoãn nhưng không ổn định, ông cũng không biết tính thế nào, phiền muộn nhất vẫn là chuyện quan lại Nghiệp Thành không làm Tào Tháo thỏa mãn được nguyện vọng.
Lần nam chinh vừa rồi Tào Tháo chỉ mang theo Tào Phi, để Tào Thực ở lại trấn thủ là có dụng ý rõ ràng, muốn để Tào Thực nhân cơ hội này lôi kéo lòng người, thống nhất tư tưởng của quần thần. Nhưng không hiểu do thời gian quá ngắn hay do các đại thần nguyên lão ngoan cố, mà chẳng có lấy một người thay đổi lập trường, Thôi Diễm, Mao Giới, Từ Dịch vẫn công khai đòi lập con trưởng. Đối với những người phản đối việc Tào Ngụy lên thay nhà Hán, Tào Tháo có thể thẳng tay giết họ, nhưng với các đại thần nguyên lão đức cao vọng trọng này, nếu sát hại bọn họ chẳng khác nào tự mình đạp đổ tín nghĩa, nên chỉ có thể dùng sự hòa nhã, gần gũi để cảm hóa.
Trong tâm trạng bế tắc, Tào Tháo mở tiệc chiêu đãi bách quan tại ba tòa Đồng Tước đài vừa mới xây xong, với lý do chúc mừng Tào Tiết được phong hậu, nhân đó khen ngợi tài đức song toàn của Tào Thực, lệnh cho y mời rượu quần thần và làm một bài thơ:
Cung điện sáng sủa lộng lẫy,
Đúng là nhà của mẹ cha.
Phía trước có dựng Tam đài,
Thêm cao vút tận không trung.
Theo lối nhỏ lên gấc mây,
Lầu đài một góc thành Nghiệp.
Đứng trên hành lang nhìn ngắm,
Tụ lại tan những đám mây.
Núi Tây nhạc nằm trên cao,
Gần sông Chương Hà, Phủ Dương.
Núi non chạy vút tẩm mắt,
Mù mịt mà thu hút thay
Thấy rõ nơi linh hậu ở,
Nào có phòng nhỏ cho ta.(*)
Rượu đã uống, thơ cũng đã nghe, lúc này các nguyên lão đại thần đều đang rất vui vẻ, nhưng lại chẳng có ai chủ động hùa theo ý nguyện của Tào Tháo, khiến ông vừa lo vừa giận. Tào Tháo nghĩ tình hình ở đất Thục không mấy lạc quan, chuyện đánh xuống phía tây sẽ buộc phải nhắc đến, chỉ mong giải quyết được vấn đề trước mắt là lập người kế vị, vậy mà cũng không xong, đành điều động Lưu Dực vốn là Văn học thị tòng của Ngũ quan tướng làm Hoàng môn thị lang, lại bổ nhiệm môn hạ của Ngũ quan tướng là Tặc tào Quách Hoài làm Binh tào lệnh sử, chuẩn bị việc quân tây bắc, từng bước thu hẹp thế lực của Tào Phi.
Đúng vào dịp đầu tháng Giêng, không ít quan lại ở các quận huyện hết nhiệm kỳ đến Nghiệp Thành yết kiến. Nếu là các kế lại thông thường sẽ giao cho Thượng thư tiếp đãi, nhưng do đám quan viên này nhận chức ở bên ngoài đã lâu, một là muốn trực tiếp báo cáo tình hình, hai là nhân cơ hội này chúc mừng Ngụy Công, việc họ được thăng chức, đi hay ở đều đặt hết hy vọng ở lần yết kiến này; Tào Tháo cũng không muốn làm qua loa, nên lệnh cho họ lần lượt vào yết kiến, từ sáng đến tối lắng nghe chính sự các nơi. Cứ như thế liên tục trong ba ngày, đến tận sáng ngày thứ tư, Tào Tháo vẫn ngồi trên chính điện nghe, nhưng đã cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng. Ông ngáp dài mấy cái, vừa uống canh sâm, chưa kịp tuyên bố quần thần vào gặp thì đã giật mình hoảng sợ, toàn thân đầm đìa mồ hôi vì một tấu thư do người hầu mang tới.
Để giải quyết việc Hiệu sự giám sát tướng sĩ quá hà khắc, Tào Tháo đã đặt ra chức Lý tào duyện, chuyên cai quản quân pháp, và cho Cao Nhu là người dạn dày kinh nghiêm tư pháp toàn quyền phụ trách. Để động viên Cao Nhu chăm chỉ làm việc, Tào Tháo còn đích thân viết thư ủy thác:
Xã tắc yên bình, thì thực hiện giáo hóa, lấy lễ làm đầu; đất nước rối loạn, thì dùng hình pháp trước tiên. Bởi vậy, vua Thuấn mới Lưu đày tứ hung(*), cho Cao Dao làm hình quan; Hán Cao Tổ bãi bỏ luật pháp hà khắc của nhà Tần, sai Tiêu Hà chế định luật pháp của nhà Hán. Lý tào duyện kiến thức sâu rộng, xử án công bằng, thông thạo luật lệ, cần dốc sức phụng mệnh!
Cao Nhu là người hết lòng với công việc, được Thừa tướng khích lệ nên lại càng cố gắng, tuy nhiên cũng hơi thái quá, nhận chức chưa đầy một tháng đã lôi ra hơn mười vụ án oan sai, lật lại toàn bộ phán quyết trước đây của Hiệu sự, lại tấu thư lên Tào Tháo: đề nghị bãi bỏ chức quan Hiệu sự, xóa bỏ sự giám sát bất công đối với quan viên, trừng phạt nghiêm khắc bọn Triệu Đạt, Lư Hồng; đồng thời yêu cầu cách chức Nghiệp Thành lệnh Dương Bái, đuổi bọn thuộc hạ tàn độc của Dương Bái như Lưu Từ ra khỏi nha môn, xử lý tận gốc đám khốc lại.
Tào Tháo đọc bản tấu thư mà như ngồi trên đống lửa, hai kiến nghị này không có gì phải hoài nghi, nhưng nó lại động đến việc cơ mật. Ông há lại không biết Lư, Triệu là bọn tiểu nhân, Dương Bái làm việc quá hà khắc? Nhưng lúc này đang là thời kỳ quá độ để Tào Ngụy lên thay nhà Hán, ông cần dựa vào đám tiểu nhân để giám sát, uy hiếp những ai bất đồng ý kiến với mình, cần dựa vào đám khốc lại để áp chế thế lực hào tộc đang ngóc đầu lên. Nhưng quần thần đã bắt đầu bất mãn với họ, kiến nghị này chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa, một khi công khai tất sẽ được mọi người phụ họa, làm to chuyện càng khó thu dọn.
Tào Tháo cấp tốc triệu Cao Nhu vào cung, vỗ về giải thích:
— Ngươi nói bọn Triệu Đạt là lũ tiểu nhân vô sỉ, ta không có ý kiến gì, nhưng e rằng ngươi chưa hiểu hết đạo dùng người của ta. Những việc như điều tra bất pháp, dò xét chuyện riêng của người khác thì hiền nhân, quân tử chắc chắn không bao giờ làm, ta không dùng bọn tiểu nhân thì biết dùng ai? Chuyện bãi bỏ chức Hiệu sự sớm muộn gì cũng sẽ làm, nhưng trước mắt thì chưa được, những lời này chớ để truyền ra ngoài. - Tào Tháo tốn bao công sức mới khiến Cao Nhu nguôi ngoai, lại sai ông ta đem tấu thư vừa rồi đốt đi, ý muốn dập tắt luôn chuyện này.
Giải quyết xong đâu vào đó, Tào Tháo cũng chẳng còn tâm trạng nào mà gặp ngoại thần, đối mặt với đại điện vắng vẻ, trong lòng cảm thấy có chút bất an. Từ nhỏ đọc sách, ông đã biết đạo lý “Trị đại quốc nhược phanh tiểu tiên,”(*) nhưng chỉ hai năm gần đây mới tự mình nếm trải, khi xưa đánh giặc bên ngoài, không cần lo lắng đến chính vụ vì đã có Tuân Úc giúp sức. Bây giờ thì khác, Tào Tháo đã có một nước chư hầu rộng lớn của riêng mình, những chuyện tưởng như nhỏ nhặt lại liên quan đến tương lai sau này, còn những chuyện đau đầu nhức óc cũng ngày càng nhiều. Hoa Hâm, Phan Húc ở Hứa Đô thì chỉ đâu đánh đấy, Viên Hoán, Lương Mậu tuy là mưu thần của đất nước nhưng cũng không thể sánh bằng danh tiếng của Tuân Úc năm xưa. Tào Tháo cảm thấy bản thân đã thay đổi quá nhiều, mặc dù không còn Tuân Úc, nhưng nếu là Tào Tháo của ngày xưa thì nhất định sẽ dám nghĩ dám làm, bây giờ thì không được nữa rồi. Cổ nhân có câu: “Như thiết như tha, như trác như ma,”(*) nhưng lẽ nào trị lý chính sự càng lâu, gan lại càng nhỏ đi? Có được giang sơn rồi thì những thứ không dám buông tay càng nhiều? Hay là chỉ vì…vì ta đã già?…
Ý nghĩ về tuổi tác vừa xuất hiện, Tào Tháo liền nhắm mắt, lắc đầu như muốn quẳng ý nghĩ đó ra khỏi đầu. Đúng lúc đó, kẻ hầu lại bẩm tấu:
— Bẩm Ngụy Công, Kỵ đô úy Khổng Quế xin gặp.
— Mau cho hắn vào. - Tào Tháo như vớ được cọng rơm để đuổi ý nghĩ đen tối trong đầu. Đúng là chỉ cần có Khổng Quế ở bên cạnh cười nói, nịnh nọt vài câu là Tào Tháo sẽ không cảm thấy già lão nữa, dù hắn là một kẻ a dua nhưng cũng chẳng ảnh hưởng gì đến đại cục.
Kẻ hầu vừa bước ra thì Khổng Quế bước vào, hắn ôm một đống quyển trục trong lòng, gần che kín hết cả mặt, với bộ dạng này thì không cần thi lễ nữa, nhưng hắn vẫn quỳ, vừa khom lưng xuống thì toàn bộ quyển trục đã rơi tứ tung. Khổng Quế vội vàng nhặt lại, làm Tào Tháo phải buồn cười, cảm giác u ám trong lòng chợt tan biến:
— Tên du thủ du thực kia, hôm nay sao lại mang nhiều sách đến thế, không phải đều là sách do ngươi viết đó chứ?
Khổng Quế cố giả bộ lúng túng để làm Tào Tháo cười, xếp xong đám sách mới tấu rằng:
— Thưa, tiểu nhân làm gì có tài cán như vậy, đây là tác phẩm của Từ Cán, Từ Vĩ Trường, nhờ tiểu nhân trình lên chúa công.
— Ồ. - Tào Tháo ngạc nhiên, - Nghe nói hai năm nay sức khỏe của ông ta không tốt, ở phù Phi nhi cũng không làm việc gì quan trọng, sợ bệnh nặng khó qua, thời gian còn lại cũng ngắn ngủi, nên trong lúc dưỡng bệnh chỉ sửa một bộ chính luận, chẳng lẽ đã viết xong rồi?
— Đúng vậy, cuốn sách này tên là Trung luận, tất cả gồm hai mươi thiên, mời chúa công xem. - Khổng Quế tiện tay lấy một cuốn dâng lên bàn.
Tào Tháo nghi ngờ nhìn hắn:
— Từ Cán là thuộc hạ của Ngũ quan tướng, không có quan hệ gì với ngươi, tại sao lại nhờ ngươi dâng sách?
Khổng Quế đáp:
— Dạ, Từ tiên sinh biết mấy ngày nay chúa công bận rộn, sợ không được diện kiến ngài, lại biết tiểu nhân được ngài hậu đãi nên nhờ chuyển giúp.
Tào Tháo bán tính bán nghi, mở sách ra đọc:
— Phàm là người không ai không có đạo trị lý, chỉ là cách dùng khác nhau. Có người dùng để hoàn thiện mình, có người dùng để sửa dạy kẻ khác. Dùng đạo trị lý để hoàn thiện mình, thì gọi là chuyên chú vào gốc; còn dùng đạo trị lý để sửa dạy kẻ khác, thì gọi là theo đuổi cái ngọn. Người quân tử xử lý sự việc, trước tiên phải chuyên tâm dốc sức vào gốc, nên có thể dựng đức hạnh mà rất ít kết oán với người khác; kẻ tiểu nhân xử lý sự việc, trước tiên phải theo đuổi cái ngọn, nên không thể dựng công, lại còn gây ra nhiều thù oán… - Chỉ đọc qua hai câu Tào Tháo đã mất hứng. Những điều mà Từ Cán viết đều liên quan đến việc tu dưỡng và coi trọng đạo đức, mặc dù đặt vào hoàn cảnh nào cũng đúng, nhưng vẫn thấy cũ rích, đơn điệu, còn kém xa so với Xương ngôn của Trọng Trường Thống, và cũng có phần bất đồng với nguyên tắc “không cần câu nệ hành trạng khi tiến cử nhân sĩ” của Tào Tháo. Có điều, ông ta bệnh tình nghiêm trọng mà vẫn viết được mấy thứ này, mong muốn để người đời ca tụng, Tào Tháo cũng không thể dội gáo nước lạnh vào, nhưng cũng không chú ý mà chỉ đọc qua loa.
— Ồ, đây là cái gì? - Tào Tháo phát hiện ra trong đống quyển trục có kẹp một tờ giấy lụa.
Khổng Quế vươn cổ ra ngó, rồi nói:
— Chắc là Từ Cán không cẩn thận lại kẹp thơ vào trong thôi ạ.
Từ Cán được coi là bậc thầy trong thi đàn nên Tào Tháo cũng muốn xem, đó là một bài thơ ngũ ngôn, đề ba chữ “Đáp Lưu Trinh”, nội dung là:
Xa nhau mới mấy ngày,
Mà ngỡ như cả năm.
Ta ngày mong đêm nhớ,
Nỗi sầu chất ngất đầy.
Đoạn đường tuy rất ngắn,
Nhưng bước thật khó khăn.
Mong trời mưa mùa hạ,
Cho cây lá tươi xanh.
Tào Tháo nhẩm đi nhẩm lại:
— “Ta ngày mong đêm nhớ, nỗi sầu chất ngất đầy.” Xem ra giao tình giữa Từ Cán và Lưu Trinh quả là sâu đậm.
Khổng Quế cười:
— Đám văn sĩ đó, cứ rảnh ra là lại tụ tập uống rượu luận thơ, nếu không phải vì quá chén thì Lưu Trinh cũng đâu đến nỗi phải vào ngục?
Câu nói này đã nhắc nhở Tào Tháo, lần trước tại bữa tiệc ở phủ của Tào Phi, Lưu Trinh đã có cử chỉ vô lễ, dám nhìn thẳng vào Chân thị nên bị giam vào ngục. Tào Tháo đã quên mất chuyện này, bèn thuận miệng hỏi:
— Lưu Trinh được đưa đến Đại lý tự, sau đó bị xử thế nào?
— Dạ, nghe nói Chung công bắt đi khổ sai ở mỏ đá ngoại thành.
Thì ra Lưu Trinh chịu khổ sai, bảo sao ông ta lại viết “Đoạn đường tuy rất ngắn, Nhưng bước thật khó khăn.” Tào Tháo đặt bài thơ xuống, từ từ đứng dậy lẩm bẩm:
— “Mong trời mưa mùa hạ, cho cây lá tươi xanh.” Xuân đến cây cối tốt tươi, trời cũng nắng ráo, mấy ngày nay chỉ tiếp các quan, thật là chán ngán. - Nói rồi bước qua cửa điện, ngẩng đầu nhìn lên trời.
Khổng Quế vội vàng bước phía sau Tào Tháo, thấy ông không nói gì, bèn bạo gan:
— Lưu Trinh chẳng qua chỉ là một văn nhân ngông cuồng, không để ý đến tiểu tiết, chúa công cần gì phải để bụng? Cho một kẻ chỉ biết cầm bút như ông ta chịu khổ sai, thế cũng được rồi, hay là… tha cho ông ta. - Nói đến đây, giọng của Khổng Quế nhỏ dần.
— Ha ha ha! - Tào Tháo bỗng cười lớn rồi quay đầu lại, - Tên tiểu tử này nói ta xem, Từ Cán cho ngươi những gì?
— Dạ? - Khổng Quế cố ý giật mình thảng thốt, - Tiểu nhân không dám…
— Hừm! Hắn dâng sách, cố ý kẹp bài thơ, chẳng phải là muốn nhờ ngươi nhân dịp này nói giúp Lưu Trinh sao? Hai mươi tập sách bày ở đây, nhà người sao lại chọn đúng quyển kẹp bài thơ rồi đưa ta xem? Ngươi nhận được gì từ Từ Cán, khai mau! - Tào Tháo gằn giọng.
— Chúa công đúng là thần tiên, cứ như là nhìn thấu mọi việc! - Khổng Quế quỳ mọp xuống, từ trong người móc ra một cái hộp, hai tay dâng lên, - Đây là đồ hối lộ tiểu nhân đã nhận.
Tào Tháo mở hộp, nhìn ngắm cẩn thận. Ông không để bụng chuyện Khổng Quế nhận hối lộ, mà đang suy nghĩ xem hắn nhận hối lộ của ai, việc Lưu Trinh phạm tội đều từ Tào Phi mà ra, Tào Phi chắc chắn muốn cứu. Khổng Quế nói là chủ ý của Từ Cán cũng chưa chắc đáng tin. Nhìn thấy mấy viên ngọc lấp lánh khá đẹp nhưng cũng không thể gọi là đồ trân bảo, Tào Tháo thở khẽ:
— Có cái này thôi à?
— Dạ, đích thực là chỉ có vậy, tiểu nhân không dám giấu, có thể đối chứng với Từ Cán.
Tào Phi dù sao cũng là Ngũ quan trung lang tướng, nếu đã ra tay cũng không đến mức bủn xỉn như vậy, xem ra việc này đúng là do Từ Cán làm, không liên quan gì đến Tào Phi. Nghĩ đến đây Tào Tháo thấy yên tâm hơn đôi chút, nhưng lại làm bộ giận dữ:
— Tên tiểu tử nhà ngươi đúng là vô dụng, có chút lợi nhỏ này cũng không bỏ qua!
Khổng Quế sớm biết mấy thứ vụn vặt này không qua được mắt Tào Tháo, nhưng cũng biết ông tuyệt đối không vì chút đồ này mà trị tội mình, nên giả vờ run rẩy tự tát vào mặt mình:
— Tiểu nhân nhất thời hồ đồ, không ngờ chúa công lại có thể đoán được chuyện này. Xin chúa công trách tội!
— Niệm tình nhà ngươi thật thà, ta tha cho, nếu còn có lần sau, đừng có trách! - Tào Tháo quẳng cái hộp lại cho Khổng Quế, - Nhưng có điều vật này ngươi phải trả lại cho Từ Cán. Chức vị của ông ta không cao, bổng lộc cũng ít, lại đang ốm đau, vậy mà ngươi cũng nhẫn tâm lấy của ông ta sao?
Khổng Quế lòng tham không đáy, món đồ chẳng đáng là bao nhưng vẫn tiếc, đành phải dối lòng:
— Vâng, tiểu nhân vốn cũng không muốn nhận, nhưng ông ấy sợ tiểu nhân không giúp nên cứ nhét bằng được, bắt tiểu nhân nghĩ cách nói giúp Lưu Trinh.
Tào Tháo cảm thấy đôi chút thất vọng - chuyện của Lưu Trinh ông vốn đã có sắp xếp, nhưng muốn thể hiện với chúng nhân nên định đợi lúc nào thích hợp sẽ đặc xá, nhưng sau lần xuất chinh đã quên khuấy mất. Xử lý công việc lớn nhỏ mấy chục năm nay, Tào Tháo đã tính toán chuyện gì thì ít khi quên, nhưng lần này lại quên sạch, xem ra đúng là già rồi… Ông ngây ra như khúc gỗ, hồi lâu mới nói:
— Từ Cán có lòng cứu bạn, dù bệnh tật mà vẫn hoàn thành cuốn Trung luận, niệm tình ông ta, ta cũng không làm khó Lưu Trinh. Nhưng ông ta giao thiệp thân thiết với Lưu Trinh, sau này không cần ở phủ Ngũ quan tướng nữa, điều đến phủ của Tào Thực. - Tào Tháo sớm không điều muộn không điều, lại nhằm vào đúng lúc Từ Cán viết xong chính luận thì điều chuyển đến phủ Lâm Tri hầu, đây chẳng phải rõ ràng muốn làm rạng danh cho tam tử của mình sao?
Khổng Quế sáng dạ sáng mắt, đương nhiên sớm đã nhận ra Tào Tháo muốn lập Tào Thực làm người kế vị, nhưng Thôi Diễm, Mao Giới lại phản đối nên cũng không thể coi nhẹ, kết quả thế nào vẫn chưa đoán được. Nhưng hôm nay ở cạnh Tào Tháo, tận mắt nghe thấy sự sắp xếp vừa rồi, lại liên tưởng đến những lời năm ngoái Tào Tháo dặn dò Tào Thực trước khi xuất chinh, hay buổi hội hợp tại Đồng Tước đài, rồi sự điều chuyển Lưu Dực, Khổng Lễ, hắn thầm tính toán - Tào Tháo đã già, xem ra ngôi vị này cũng không giữ được bao lâu nữa, còn hắn vẫn trẻ, bình thường nịnh nọt xum xoe không biết trơ trẽn, những ngày tháng về sau còn phải suy nghĩ nhiều! Tất nhiên gió chiều nào che chiều ấy, nhưng cũng phải có giới hạn, nếu không mạo hiểm thì không có thu hoạch, đợi đến lúc thời cơ chín muồi mới chạy đi quan hệ thì chẳng còn ích gì. Nếu muốn làm công thần phò tá, để sau này nở mày nở mặt trong triều thì phải nắm bắt cơ hội… Đang lúc miên man suy nghĩ, bỗng nghe thấy Tào Tháo dặn dò:
— Ngươi đi nói với các quan viên đang đợi ở ngoài, hôm nay ta không gặp họ nữa.
— Rõ. - Khổng Quế vội lấy lại tinh thần, quay người định đi.
— Khoan đã, ngươi nhân tiện gọi Hứa Chử chuẩn bị xe, tìm thêm mấy vệ sĩ tâm phúc để cùng ta đi dạo. Ta muốn yên tĩnh, đừng làm gì phô trương.
Khổng Quế lập tức kiến nghị:
— Dạ, hay là chúa công đi một vòng tới phía đông bắc thành, ngắm núi non, tiện thể đến bãi đá xem Lưu Trinh ra sao…
Tào Tháo cười:
— Ngươi đúng là hết lòng vì sự nhờ vả của kẻ khác, xem ra chút tiền của Từ Cán cũng tiêu đúng chỗ! Mau đi!
Khổng Quế vui vẻ lĩnh mệnh mà đi, Tào Tháo quay lại hậu cung thay y phục, cũng không gọi người hầu đi cùng, tự mình tản bộ theo con đường phía đông - Từ khi huynh đệ Tào Phi chuyển đến phía đông thành, để thuận tiện cho họ ra vào cung, Tào Tháo đã hạ lệnh mở cửa ngách ở đường phía đông; bình thường Ngụy Công sẽ không đi qua những đường nhỏ, cửa ngách, nhưng hôm nay cải trang ra ngoài muốn được tĩnh tâm nên lần đầu xuất cung bằng con đường này.
Khổng Quế nhanh nhẹn sắp xếp ổn thỏa mọi việc, một xe hai ngựa kéo đã chờ sẵn bên ngoài, đi cùng có tám vệ sĩ hổ báo kỵ cải trang thành người hộ tống bình thường, để tránh sự chú ý. Nhưng người đánh xe không phải Hứa Chử mà là một võ quan râu dài khoảng ba mươi tuổi - Tào Tháo tất nhiên biết người này, đó là Điển Mãn, con trai của Điển Vi.
Điển Mãn là con của liệt sĩ trong quân nên được Tào Tháo quan tâm, từ nhỏ đã được triệu làm thị lang, sau được phong quân vị, con đường sĩ đồ rất thuận lợi. Mặc dù có tướng mạo giống cha nhưng tính cách Điển Mãn lại hoàn toàn khác, cẩn thận, kiệm lời, nhìn thấy Tào Tháo liền quỳ xuống cung kính hành lễ.
— Hứa Trọng Khang phải không?
Điển Mãn chưa kịp mở lời, Khổng Quế đã giành nói:
— Bẩm Ngụy Công, sáng sớm trong doanh truyền tin, Tư mã Văn Tắc ốm chết. Hứa tướng quân và Đoàn Chiêu đều đã đi viếng. - Văn Tắc cũng là người huyện Tiều, Bái Quốc, đã theo Tào thị nhiều năm, mặc dù chiến công không nhiều nhưng xét cho cùng vẫn là đồng hương.
— Ôi… - Tào Tháo thở dài, - Phái người gửi thư cho Chương nhi, dặn nó thay ta chia buồn. Ta nhớ là Văn Tắc có một người con trai làm sai dịch trong doanh, tên… là gì nhỉ?
— Dạ, là Văn Khâm. - Điển Mãn cúi đầu nhắc.
— Phải rồi, niệm công lao của phụ thân hắn, thăng quan cho hắn. - Tào Tháo sợ quên mất việc này, còn dặn dò Khổng Quế, - Ngươi hãy nhớ việc này, đợi Văn Khâm chôn cất cho phụ thân hắn xong, quay lại sẽ tính. - Nói xong, Điển Mãn đỡ ông lên xe, nhưng bước được một chân lên thì bỗng dừng lại, quay đầu nhìn chăm chú vào cổng lớn.
— Chúa công có gì dặn dò? - Đám binh lính không hiểu.
— Vừa rồi ta không để ý, cửa ngách kia do ai mở?
Khổng Quế nhớ rất rõ:
— Lâm Tri hầu đôn đốc việc xây Băng Tỉnh đài, tiện sai người làm luôn. Ngài xem, cửa này làm thật đẹp, đúng là chu đáo! - Đã nắm trúng thời cơ nên hắn cố nói mấy câu ca ngợi Tào Thực, đặc biệt có mặt Điển Mãn, lại càng cố ý nói to.
Tào Tháo lại rút chân xuống, đi đến trước cửa ngắm nghía - cửa này cao hơn một trượng, giống với cửa chính của Ngụy cung, hai cánh đều sơn son thếp đỏ, khá là tráng lệ. Ông nhíu mày, định nói gì lại thôi, quay sang hỏi Khổng Quế:
— Ngươi có đem theo bút không?
Khổng Quế quen hầu hạ Tào Tháo, nhưng có chu đáo thế nào cũng không chuẩn bị đủ, mặt mũi lấm lét sợ sệt; may mà Điển Mãn đứng phía sau nói:
— Thuộc hạ có mang. Nói rồi mở chiếc túi đang đeo trên người lấy bút, hai tay dâng lên Tào Tháo. Tào Tháo ngạc nhiên nhìn Điển Mãn - Điển Vi không biết chữ, vậy mà con hắn lại chăm chỉ đèn sách, làm việc quân mà lúc nào cũng mang theo bút mực, đúng là không giống phụ thân chút nào. Thói đời đã thay đổi, ngày xưa chỉ cần biết cầm đao múa thương là có thể được giàu sang phú quý, nhưng nay nếu không có chút học thức nào thì dù thiện chiến đến mấy cũng khó mà leo cao được, tiểu tử này hẳn là đã nhận ra điều đó.
Tào Tháo cầm lấy bút, nhẹ nhàng chấm mực, xắn tay áo, viết lên trên cánh cửa một chữ “hoạt” rất to.
Khổng Quế không hiểu:
— Chúa công có ý gì?
— Nhà ngươi chẳng phải rất thông minh sao? Đoán thử xem. - Tào Tháo cố tỏ ra thần bí.
Khổng Quế nhìn mãi vẫn không hiểu, cười nói:
— Chúa công cao thâm khó lường, tiểu nhân sao có thể đoán ra được.
Tào Tháo nhìn “kiệt tác” của mình, cảm thấy rất đắc ý:
— Ta thấy tài mọn của ngươi không đủ để hiểu, phải đợi bậc cao minh đến giải câu đố của ta rồi… Chúng ta đi thôi!
Lưu Trinh mài đá
Cách phía đông bắc thành khoảng năm, sáu dặm có một ngọn núi rất nổi tiếng, mặc dù núi không cao, cũng chẳng có tên, nhưng bách tính Hà Bắc mỗi khi nhắc đến nó đều không tránh khỏi sợ hãi, vì đây là thung lũng giam giữ các phạm nhân chịu án lao dịch.
Theo chế độ cải cách hình luật kể từ thời Tần, Hán đến nay, ngoài tử hình, nhục hình, tù đày ra thì thường cho phạm nhân đi lao dịch. Tả hiệu thự là đơn vị cấp dưới của Tướng tác đại tượng, Tướng tác đại tượng phụ trách các công trình bằng gỗ của đất nước, trong đó Tả hiệu thự là nơi điều động các phạm nhân đi lao dịch, lấy việc lao động không công để chuộc tội, thường áp dụng cho các quan viên phạm tội hoặc gia quyến của họ. Vì chiến tranh liên miên, không ít thành trì cần phải tu sửa, Nghiệp Thành lại liên tục có những công trình mới, nếu thường xuyên trưng dụng dân phu sẽ làm mất lòng dân, nên những người được đưa đến Tả hiệu thự trở thành lực lượng lao động dự bị chủ chốt. Phán quyết này cũng không chỉ bó hẹp ở quan viên, bất luận là có người thân phận như thế nào, chỉ cần phạm tội, miễn là không phải tội mưu phản thì nơi xét xử cũng sẽ phán quyết cho đi lao dịch. Hơn nữa, Nghiệp Thành lệnh Dương Bái chấp pháp hà khắc, Hiệu sự Lư, Triệu lúc nào cũng rình rập bới lông tìm vết, cho nên hiện nay số lượng phạm nhân ở Tả hiệu thự ngày càng đông. Sau khi Tào Ngụy dựng nước, Tào Tháo đã đặt ra chức Tài quan hiệu úy, chuyên phụ trách quản lý Tả hiệu thự và Hữu hiệu thự, phạm nhân trở thành nhân công thường xuyên của Ngụy quốc.
Ngọn núi này cách Nghiệp Thành không xa, lại có mỏ đá, do đó Tài quan hiệu úy rất nhanh chóng cho người đến khai thác ở bãi đá, họ phần lớn là các phạm nhân ở Nghiệp Thành. Tất nhiên danh tính, thân phận các phạm nhân khác nhau, luôn có binh sĩ giám sát, chỉ cần lơ là, lười biếng là sẽ bị ăn roi da, trọng phạm còn phải đeo gông làm việc. Cửa núi có doanh trại, thường có ba trăm lính đóng quân tại đây để đề phòng phạm nhân bỏ trốn, thậm chí tạo phản.
Thống lĩnh đội quân này là Nghiêm Tài, mặc dù chỉ là chức quân hầu dưới quyền của Tài quan hiệu úy, nhưng trong núi này đố ai bằng hắn, chỉ cần Hiệu úy đại nhân và Tả hiệu lệnh không đến thì hắn chính là hoàng đế của núi này, mọi chuyện lớn bé đều do hắn quản. Thực ra, phạm nhân cũng được phân theo cấp bậc, nhưng không phải dựa vào tội trạng để phân mà dựa vào thân phận - Nếu người phạm tội là dân thường thì được xếp là hạ đẳng, bị đánh đập, chửi rủa liên tục; nếu người phạm tội đã từng làm chức quan nhỏ hoặc ông chủ nhỏ thì là trung đẳng, chỉ cần nhét tiền là dễ giải quyết, được nới lỏng hình phạt; còn nếu người phạm tội là quan lớn thì xếp loại thượng đẳng, không những không bắt lao động mà còn phải để ý hầu hạ, vạn nhất có tội với họ, họ hàng thân thích của họ ở bên ngoài xử lý thì coi như đi đời!
Nghiêm Tài vốn là một lão binh lõi đời, lại làm việc ở đây lâu năm, sớm đã luyện được “tuệ nhãn”, phạm nhân thuộc thân phận gì, hắn chẳng cần hỏi han, chỉ cần quan sát cử chỉ, lời nói là có thể đoán trúng tám phần, nên bấy lâu nay hắn được ăn uống phè phỡn, kiếm không ít lợi lộc mà chưa từng gặp rắc rối. Nghiêm Tài tận dụng triệt để sức lực của những phạm nhân hạ đẳng, đừng nói đến những việc như tu sửa doanh trại, nấu cơm, cắt cỏ, nuôi ngựa mà ngay cả những việc cá nhân như trải giường, gấp chăn, giặt quần áo, pha trà đêm cũng giao cho phạm nhân làm, ngày tháng qua đi rất an nhàn, thoải mái! Kẻ thông minh suy nghĩ ngàn lần cũng phải có lần sai, Tào Tháo và đám quan lại hà khắc dưới trướng chủ trương trừng trị nghiêm khắc những hành động bất pháp, thế nhưng nơi đây lại nằm ngoài sự cai quản của nhà lao, ai mà biết được việc giam giữ phạm nhân lại có nhiều cửa đến thế - đúng là “góc tối dưới chân đèn”, mọi chuyện khó mà quản hết được!
Hôm đó, Nghiêm Tài cơm no rượu say, đang nằm phè phỡn trong trại, xung quanh là bốn phạm nhân đang đấm chân, bóp vai cho hắn, đột nhiên có binh sĩ vào báo:
— Có một vị Đô úy đại nhân đến.
— Hả? - Nghiêm Tài bật dậy, - Có nói đến làm gì không?
— Nói là muốn gặp một phạm nhân.
— Ồ! - Nghiêm Tài lại nằm xuống, - Thời buổi này Đô úy một tay có thể tóm được mười mấy phạm nhân, chẳng phải đến đấy để gặp phạm nhân sao? Mời ông ta vào.
— Không cần mời, ta tự vào. - Rèm trướng vén lên, một vị quan viên chừng ba mươi tuổi bước vào.
Nghiêm Tài vừa nhìn qua, thấy người này mặc áo đen, đầu đội võ biền, đúng là một quan võ nhưng mặt mũi thanh tú, môi hồng răng trắng. Hắn thầm ngạc nhiên, trẻ thế này mà đã là Đô úy, văn sinh nhưng lại làm quan võ, không thể đắc tội được!
Hắn vội vàng đứng dậy toan nói mấy lời lễ độ, nào ngờ người kia đã tranh nói trước:
— Kẻ hèn này xin bái kiến đại nhân, tại hạ từ xa đến không hiểu quy tắc lễ nghĩa, đã gây phiền phức cho ngài.
Nghiêm Tài đảo mắt, lại nghĩ người này hạ mình như vậy chắc cũng không phải người có thế lực, bèn chắp tay thăm dò:
— Đại nhân đa lễ quá, không biết quý tính đại danh của ngài là gì, ngài làm ở bộ quan nào?
— Ây dà! - Người này cười nói, - Kẻ hèn này họ Khổng, vốn chỉ là một người làm việc ở Tạp bộ Quan Trung, nhưng được triều đình ban ân cho giữ chức Đô úy, thực ra một tên lính hầu, ở Nghiệp Thành cũng không có mấy bằng hữu, việc này vẫn phải nhờ ngài giúp nhiều.
Nghiêm Tài không biết Khổng Quế đang là tâm phúc của Tào Tháo, nên nghe thấy vậy liền cười thầm: Tên này vừa nhìn là biết lanh lợi, chắc là làm ở Tạp bộ không có chỗ dựa, kiểu người này đừng nói là Đô úy, dẫu là tướng quân cũng có gì đáng sợ? Nghĩ đến đây, hắn liền hỏi:
— Khổng đại nhân, ta chỉ là người cai quản phạm nhân của địa phương, ngài hạ cố đến đây không biết ta có thể giúp gì?
Khổng Quế cũng xấu tính, muốn cố ý trêu đùa hắn, bèn thở dài than vãn:
— Ôi… Tại hạ có một người bằng hữu được đưa đến chỗ ngài, cũng không biết có phải chịu ấm ức gì không, muốn xin ngài tạo điều kiện, để ta gặp ông ấy một lúc.
— Hóa ra là vậy. - Nghiêm Tài vuốt râu giả bộ suy tư, cố ý làm khó, - Muốn gặp mặt cũng không khó, chỉ có điều…
Khổng Quế nghe câu này, biết sẽ có chuyện vui sắp xảy ra - Tiểu tử à, moi tiền là nghề của ta! Muốn kiếm tiền của ta ư? Đợi mà xem, hôm nay nếu không phải ta moi được tiền của nhà ngươi thì ta làm con cho nhà ngươi! Hắn bèn quay ra nói:
— Đại nhân có gì khó khăn xin cứ nói.
Nghiêm Tài nào biết Khổng Quế đang suy tính gì, liền lên giọng:
— Tả hiệu thự này tuy không bằng nhà lao của huyện nha, nhưng trọng phạm thì nhiều hơn, nên không thể tùy tiện gặp được.
Khổng Quế chỉ đợi câu này của hắn, lập tức cười nói:
— Đại nhân không thể linh hoạt được sao?
— Linh hoạt? - Nghiêm Tài thở dài, - Không dễ đâu… Trong trại này, trên dưới còn bao nhiêu huynh đệ giữ trọng trách, linh hoạt đâu có dễ đến thế? Chuyện này của ngài làm khó ta quá!
Khổng Quế suýt nữa thì cười thành tiếng, cố nhịn cười móc tay vào trong túi - nén vàng, nén bạc không lấy ra, mà chỉ móc ra năm đồng tiền xu, cười hi hi rồi nói:
— Ngài xem, ta có chút lòng thành…
Nghiêm Tài đưa mắt nhìn, còn chưa đủ mua nổi hai bình rượu! Lập tức trừng mắt:
— Nhà ngươi có ý gì? Đường đường là công trường của Tả hiệu thự, lẽ nào lại là nơi ăn hối lộ? - Nói rồi vung tay hất mấy đồng tiền rơi lẻng xẻng xuống đất. Tướng thế nào quân thế ấy, Nghiêm Tài chê ít nhưng hai cận vệ đứng bên cạnh thì không, thấy tiền lăn đến đâu vội vàng nhặt lại.
— Ấy, ấy! Ngài chớ giận. - Khổng Quế cười, - Tại hạ là người nhà quê, không biết quy định ở đây.
Nghiêm Tài không để ý tới hắn, quay sang mắng bốn tên phạm nhân:
— Các ngươi còn đứng ngây ra đó làm gì? Tiếp tục bóp chân cho ta! Không có mắt à?…
— Ây dà! - Khổng Quế giả bộ mặt mũi khổ sở, đi đi lại lại, muốn nói lại thôi.
Nghiêm Tài hé mắt nhìn Khổng Quế, thấy hắn cứ ở lỳ đây, bèn tặc lưỡi nói:
— Khổng đại nhân, chỗ này là nơi quản lý phạm nhân, nếu ngài không có việc gì khác, xin đi cho, đến từ đâu thì mời về đó.
Khổng Quế lại giả bộ ấp úng:
— Ngài… ngài nói rõ xem, làm thế nào để tại hạ gặp được ông ta?
Nghiêm Tài chỉ cười mà không đáp, tên cận vệ nhìn bộ dạng Khổng Quế buồn cười, bèn khẽ nói:
— Vị đại nhân này trông thông minh nhưng thật ngốc. Mấy đồng bạc vừa rồi thì làm được gì? Thôi nói thẳng nhé, ít nhất cũng phải hai nén bạc.
Khổng Quế chơi xỏ, nhếch mép nói:
— Nhiều quá! Đại nhân xem có thể giảm được không?
Nghiêm Tài thấy Khổng Quế trả giá như vậy, bực mình nói:
— Khốn kiếp! Hôm nay không móc được một nén bạc ra thì đừng có mơ gặp người!
— Gì cơ? - Khổng Quế giả bộ không nghe rõ, - Bao nhiêu?
Nghiêm Tài nói:
— Không có một nén bạc thì đừng mơ gặp người!
— Ồ. - Khổng Quế nghiêm mặt, quay lại vén cửa mành, - Chúa công, ngài đều nghe thấy rồi đúng không?
Nghiêm Tài giật mình, nhìn thấy ở ngoài trướng một người dáng vóc không cao, râu dài mai trắng, mặt mũi hằm hằm tức giận, hai con mắt diều hâu đang quắc lên nhìn hắn; đằng sau là các binh sĩ quỳ sạp dưới đất, không dám ngẩng đầu lên. Mặc dù Nghiêm Tài không biết mặt, nhưng nghe hai từ “chúa công” lẽ nào lại không biết đó là ai? Hắn sợ đến nỗi toàn thân run lẩy bẩy, đứng đơ như tượng. Hai tên cận vệ cũng sợ quá quỳ mọp xuống đất, còn bốn tên phạm nhân cũng chơi khăm, hận hắn từ lâu nên vẫn cố tình đấm vai.
— Uy lớn quá nhỉ! - Tào Tháo thét lớn, - Quả nhân muốn gặp người, cũng phải móc bạc chăng?
Nghiêm Tài sợ đến tè ra quần, vội vàng quỳ xuống:
— Chúa công tha mạng! Chúa công tha mạng!
Tào Tháo cười gằn:
— Ta không có thời giờ lấy mạng ngươi. Người đâu, đeo gông vào cho hắn, để hắn nếm mùi khổ sở của phạm nhân, đợi lát nữa sẽ xử! - Nói đoạn dắt theo Điển Mãn đi tìm Lưu Trinh.
Thực ra đám lính đều là người trong doanh của Nghiêm Tài, nhưng lúc này, cho dù giao tình bao năm vẫn phải cầm gông cùm đeo cho hắn. Khổng Quế cũng không vội đi, chắp tay cười nói:
— Ngài đại hỉ rồi nhỉ?
Nghiêm Tài vội ôm lấy chân của Quế:
— Đại nhân cứu mạng!
Khổng Quế nói giọng sợ sệt:
— Muốn cứu ông cũng không khó, nhưng…
— Đại nhân khai ân… - Nghiêm Tài nước mắt nước mũi giàn giụa.
Khổng Quế kéo tai hắn nói:
— Tiểu tử, ta cũng không vòng vo với ngươi nữa, ngươi dám đòi bạc của lão gia, muốn sống cũng dễ thôi, mau đưa cho ta mười nén vàng.
— Tiểu nhân lấy đâu ra nhiều thế…
— Hừ! Nhà ngươi vơ vét bao năm ở đây, lẽ nào đến mười nén vàng cũng không có? Vậy hãy gọi huynh đệ đến mà nhận xác ngươi về!
— Đại nhân! - Nghiêm Tài sợ hãi khẩn cầu, - "Thôi thì đập nồi bán sắt, tiểu nhân sẽ trả dần ngài. - Mười nén vàng không phải là ít, để giữ được tính mạng, công sức tích góp bao năm nay của Nghiêm Tài đã thuộc về Khổng Quế.
— Ồ, xem ra mạng vẫn quan trọng, phải không? Vậy thì ta giúp ngươi vậy. - Khổng Quế đứng dậy, - Có điều ngươi nhớ lấy, nếu để chuyện này lọt ra ngoài, ta sẽ lấy mạng chó của ngươi!
— Không dám, không dám. - Nghiêm Tài dập đầu liên tục.
— Thôi, yên tâm. Ta muốn ngươi sống thì ngươi sẽ không chết được, cùng lắm thì chịu đau da xót thịt một chút… - Khổng Quế cười lớn rồi đi.
Tào Tháo vừa vào trại đã xử lý Nghiêm Tài, những binh sĩ khác thấy vậy đều câm như hến, ra sức hầu hạ, vội vàng đi lấy sổ sách quản lý phạm nhân, Tào Tháo cũng không thèm xem qua, đi thẳng đến bãi đá. Điển Mãn lo sợ, vội dẫn vệ quân bảo vệ xung quanh.
Đám ngục binh cũng không biết Lưu Trinh lúc này ở đâu, chỉ đại khái một hướng. Tào Tháo phóng mắt nhìn, tuy có không ít phạm nhân đang làm việc, nhưng ông vừa nhìn đã phát hiện ra Lưu Trinh - Ông ta là phạm nhân do Đại lý khanh Chung Do đưa đến, lại từng là Văn học thị tòng của Lâm Tri hầu và thường khách của phủ Ngũ quan trung lang tướng, người như vậy Nghiêm Tài không những không dám đắc tội mà có khi còn hầu hạ chẳng khác gì tổ tông của mình.
Giữa đống gạch đá lộn xộn ở phía tây, Lưu Trinh xõa tóc ngồi trên một tảng đá lớn, quấn áo rách tả tơi, không đội mũ quan, cổ tay đeo xích, đang ngồi chăm chú nghịch thứ gì đó. Tào Tháo lấy làm thích thú:
— Chung công quả là yêu quý ông ta. - Đoạn mỉm cười bước qua.
Các phạm nhân xung quanh mặc dù không biết đó là Tào Tháo nhưng họ đều hiểu là quan lớn, nên ông đi đến đâu đều chắp tay dập đầu bái lễ đến đấy. Theo lý mà nói, Lưu Trinh sớm phải nhận ra được việc này, nhưng ông ta vẫn tiếp tục ngồi trên tảng đá nghịch đồ, không ngẩng đầu lên. Điển Mãn đứng bên cạnh định la rầy thì bị Tào Tháo ngăn lại, lặng lẽ bước lên phía trước, lúc này đã nhìn rõ, thứ mà Lưu Trinh đang nghịch chẳng qua chỉ là một viên đá tròn hình quả trứng.
Tào Tháo biết ông ta xưa nay vốn hài hước, không câu nệ tiểu tiết, chắc chắn là đang muốn chơi trò gì, bèn cười nói:
— Ồ! Đây chẳng phải là Lưu Công Cán đó sao? Ông đang làm gì vậy?
Lưu Trinh lúc nãy đã nhìn thấy Tào Tháo, nhưng lại giả bộ ngạc nhiên:
— Chúa công, thất lễ quá, thất lễ quá. - Nói xong lại bắt đầu mân mê viên đá.
Tào Tháo thấy rất kỳ lạ:
— Ông mân mê viên đá vớ vẩn này làm gì?
Lưu Trinh đáp:
— Chúa công, đây không phải là viên đá bình thường! - Ông ta cầm viên đá lên, nhìn ngắm cứ như đang xem một viên dạ minh châu vậy.
— Ồ, viên đá này có gì lạ?
Lưu Trinh cười đáp:
— Chúa công không biết rồi, viên đá này sinh từ mỏm núi Huyền Nham của Hình Sơn, bên ngoài ngũ sắc nhưng bên trong kiên cố, có khắc cũng không thêm vân, có mài cũng không bóng nhoáng, vẻ tự nhiên của nó, có vần vò thế nào cũng không thay đổi! - Lưu Trinh nào có nói về viên đá, rõ ràng đang nói về bản thân - Lưu Trinh ta tính cách vốn phóng khoáng, ông có nhốt ta cả đời cũng chẳng thay đổi được.
— Ha ha ha! - Tào Tháo ngửa mặt cười lớn. Thực ra, Lưu Trinh được Tào Tháo trọng dụng cũng bởi chính văn phong vừa hài hước vừa phóng khoáng, Tào Tháo chưa từng lấy quy chuẩn của văn nhân chính thống ra so đo với ông ta, chưa bao giờ đánh đồng ông ta với đám Khổng Dung, Tuân Duyệt, Trọng Trường Thống, thậm chí là cả Vương Xán, Từ Cán, ông ta chỉ là người ngâm thơ, làm phú, kể chuyện hài với mấy đám văn nhân. Lúc đầu, Lưu Trinh bị giam vào ngục vì Tào Tháo muốn lấy cớ để nhắc nhở Tào Phi, hà tất phải để ông ta tưởng thật?
— Để chúa công chê cười rồi. - Lưu Trinh thấy giả bộ đủ rồi, lúc này mới nghiêm chỉnh hành lễ.
— Đúng là viên đá kỳ lạ! - Tào Tháo vỗ vai ông ta:
— Nghĩ mấy chuyện kỳ lạ chẳng phải cũng vẫn chỉ là hư danh thôi sao? Hãy tiếp tục làm Văn học thị tòng của Lâm Tri hầu đi.
— Đa tạ chúa công. Sau này thuộc hạ sẽ hành sự cẩn thận hơn. - Lưu Trinh nói câu này lại hiện nguyên tính cách hài hước của mình.
Tào Tháo thấy câu này thú vị, nên bực tức trong người cũng tan biến, cười lớn rồi quay lại dặn dò:
— Lát nữa xem sổ sách, nếu có người nào đáng được tha thì phóng thích cho họ.
Khổng Quế sớm biết Tào Tháo muốn phóng thích Lưu Trinh, nên nhân lúc ông đang cao hứng, liền tâu:
— Dạ, nếu chúa công vui vẻ thì cũng phóng thích cho tên quân hầu vừa rồi.
Tào Tháo liếc hắn:
— Tên quan tham lam đáng ghét như hắn, lẽ nào lại tha?
Khổng Quế đáp:
— Loại người vô liêm sỉ như hắn phải trừng trị nghiêm khắc, nếu giết đi chẳng phải quá nhẹ nhàng cho hắn?
— Vậy ý ngươi thế nào?
— Theo tiểu nhân thì bãi chức quan của hắn, sau đó để hắn làm khổ sai ở đây ba tháng, cử quân hầu mới giám sát, làm gương răn đe kẻ khác. Tiếp đến lại cho hắn làm binh sĩ, rồi đưa hắn và bọn thuộc hạ đày đến trấn giữ một cửa thành rách nát nào đó, để mọi người nhìn thấy loại người như vậy sẽ có kết cục thế nào!
Tào Tháo há lại thèm quan tâm đến chuyện lấy mạng Nghiêm Tài? Nghe Khổng Quế nói có lý bèn gật gù:
— Được, cứ thế mà làm. - Nói rồi quay ra cười với Lưu Trinh, - Mấy ngày nữa ta sẽ xuất chinh, ông hãy viết mấy bài thơ chúc ta mã đáo thành công.
— Tuân lệnh. - Lưu Trinh mỉm cười hành lễ.
Tào Tháo vui vẻ đi xem sổ sách quản lý phạm nhân, Khổng Quế nán lại, cười thâm thúy:
— Công Cán huynh, thoát khỏi cảnh lao tù, thật đáng chúc mừng!
— May mà chúa công vẫn còn yêu quý. - Lưu Trinh đắc ý.
— Yêu quý? Càng yêu quý, ông càng gặp hạn thôi! - Khổng Quế bắn tiếng hù dọa, - Tội của ông nói nhỏ là nhỏ, nói to là to. Ông ở đây không biết đấy thôi, bao nhiêu người lo ông bị phạt nặng! Đều là vì ông hằng ngày gặp ai cũng đùa mới nên cơ sự này. - Nói rồi vỗ ngực, - Nếu như không phải ta ra sức bảo vệ ông trước mặt chúa công, ông liệu có thoát được tội? Ông còn không biết đường cảm ơn ta? - Khổng Quế đã có tính toán, lễ vật của Từ Cán đã bị Tào Tháo bắt trả lại, còn tiền của Nghiêm Tài là chuyện khác, ít nhiều cũng phải lấy của Lưu Trinh, lẽ nào một đồng hắn cũng không nhả ra, như vậy chẳng phải là giúp không công sao?
Lưu Trinh nháy mắt, kính cẩn đáp lời:
— Được! Sau này ông chết, viết ván bia cứ để ta lo.
— Ồ! Ông đúng là đồ vắt cổ chày ra nước!
Lưu Trinh lắc lắc còng xích trên tay, kêu leng keng:
— Khổng Thúc Lâm, muốn tống tiền thì cũng phải tìm đúng người chứ, kẻ chỉ biết múa bút vẩy mực như ta đây đành phải để ông chịu thiệt rồi.
Khổng Quế chỉ tay:
— Còn lăn lộn trên chốn quan trường thì chẳng có ai không phải cầu cạnh người khác, chúng ta cứ chờ xem.
— Ái chà. - Lưu Trinh cười, - Ông đừng có dọa ta, lẽ nào ông lại gièm pha ta? Nói cho ông biết, ta vui thì cười, tức thì chửi, vậy mà chúa công còn không làm gì ta, ông thì có bản lĩnh gì?
— Hừm! Ta không trị nổi ông sao? - Khổng Quế cười nhếch mép, - Ông qua đây, ta nói nhỏ…
Lưu Trinh ghé mặt vào:
— Nói gì?
— Ông đã làm thế nào mà khiến chúa công khai ân?
Lưu Trinh gật gù đắc ý:
— Ta nói ta đang mài viên đá ở Hình Sơn.
— Đá ở Hình Sơn là gì?
— Điều này mà ông cũng không hiểu? Chính là “ngọc bích họ Hòa”.
— Ta nghe nói ngọc bích họ Hòa do Biện Hòa dâng tặng, còn gọi là “Biện thị chi ngọc”, có đúng không?
— Đúng, không sai. - Lưu Trinh gật đầu.
— Ồ. - Khổng Quế cũng giả bộ gật gù, - Lưu huynh vì sao mà phạm tội?
— Không phải vì nhìn trộm Chân thị đó sao, ông biết rồi còn hỏi?
— Ồ. - Khổng Quế làm bộ tỉnh ngộ, tiếp tục tóm lấy bả vai của Lưu Trinh, - Lưu Công Cán ông đúng là to gan lớn mật! Ông bị phạt vì dám nhìn trộm Chân thị, giờ lại động chạm đến viên ngọc nhà họ Biện, Chân thị là vợ của Ngũ quan tướng, còn Biện thị là vợ của ai chứ?
— Hả! - Lưu Trinh giật mình, sợ đến nỗi tê cứng cả người.
— Rõ ràng ông có ý muốn nhạo báng chúa công! - Khổng Quế kéo Lưu Trinh, sẵng giọng nói, - Đi, đi nhanh! Chúng ta phải làm rõ chuyện này trước mặt chúa công!
— Ấy đừng! Đừng! - Lưu Trinh vội vàng cười hòa, - Thúc Lâm hiền đệ, ta cả ngày ăn nói hồ đồ, làm gì có kiến thức thâm thúy như ông? Ta chẳng qua là tùy tiện nói mấy câu, hà tất phải nghiền ngẫm từng chữ một?
— Khà khà! - Khổng Quế buông tay ra, cười nói, - Vậy ta có thể nắm trong tay sự sống chết của ông không?
— Có, có, có. - Lưu Trinh không dám coi thường hắn nữa, - Ta phục ông rồi. Mai ngu huynh đến phủ của ông, tất sẽ có vật quý dâng tặng!
— Thế còn được! - Khổng Quế coi như đã tống tiền thành công, nhìn xung quanh không thấy tên lính canh nào, mới hạ giọng thì thào, - Thấy ông cũng biết điều, ta nói cho ông nghe câu này…
— Xin Khổng đại nhân chỉ giáo. - Lưu Trinh vâng vâng dạ dạ.
Khổng Quế nói giọng bí hiểm:
— Ông bị phạt không phải vì nhìn trộm ai, mà vì ông qua lại quá thân thiết với Ngũ quan tướng. Sau này cứ chuyên tâm theo Lâm Tri hầu, những nơi không nên đến thì phải hạn chế! - Nói xong nhặt hòn đá nhét vào tay Lưu Trinh, cười châm chọc, - Khắc không thêm vấn, mài không bóng nhoáng? Lão đệ sẽ chống mắt xem ông thể hiện tài năng như thế nào, cố mà vo cho tròn viên đá, bằng không lại có lúc chọc tức chúa công thật, thì chỉ có ngọc nát đá tan! - Nói rồi nghênh ngang bỏ đi.
Diêm vương hiếu chiến, quỷ sứ khó hầu. Lưu Trinh cầm viên đá thở dài ngao ngán, vừa rồi còn dương dương tự đắc, vậy mà bây giờ càng nghĩ càng sợ...
Do dự không quyết
Tháng Hai năm Kiến An thứ hai mươi, vừa về đến Nghiệp Thành không lâu, Tào Tháo đã nhận được tin đất Thục đổi chủ.
Bàng Thống chết trong khi giao chiến, đại quân của Lưu Bị chôn chân ở Lạc Thành đã được một năm, sau mấy lần trù tính cũng giết được Thục tướng Trương Nhiệm, phá vỡ tuyến phòng thủ cuối cùng bảo vệ Thành Đô. Cùng lúc đó, Gia Cát Lượng dẫn quân công phá Đức Dương, Triệu Vân lấy được Giang Dương, Kiên Vi, Hoắc Tuấn cũng đánh lui được đội quân Hán Trung muốn làm ngư ông đắc lợi. Đặc biệt quân của Trương Phi thần tốc tiến công, không những đánh tan quân Ích Châu của Tư mã Trương Duệ, mà trong lúc tấn công Giang Châu còn bắt sống được Thái thú Ba Quận là Nghiêm Nhan. Nghiêm Nhan là lão thần của nước Thục, rất có tiếng tăm, Trương Phi hạ mình đối đãi, cuối cùng cũng khiến Nghiêm Nhan cam tâm quy phục; sau đó, cứ gặp thành nào không đánh được, Nghiêm Nhan lại đi thuyết phục, các tướng giữ thành thấy lão trưởng quan cũng đầu hàng rồi, không cần đánh cũng hàng.
Lưu Bị liên tiếp giành được thắng lợi, nhưng Thành Đô vẫn còn ba vạn binh mã, lương thực cũng đủ trong một năm nên không dám chậm trễ; hơn nữa, Lưu Bị lo ngại Trương Lỗ ở Hán Trung nhân cơ hội này làm loạn, nghe tin Mã Siêu mặc dù ở dưới trướng của Trương Lỗ nhưng không hòa hợp, bèn phái mưu sĩ Lý Khôi đến du thuyết. Mã Siêu và Lưu Bị đều là kẻ thù không đội trời chung với Tào Tháo, thế nên cả hai nhanh chóng bắt tay nhau, Mã Siêu dẫn theo binh mã quay lưng lại với Trương Lỗ, nam tiến đầu quân cho Lưu Bị. Lúc này quân Kinh Châu liên tục thắng lợi, nhanh chóng tiến thẳng vào Ích Châu, Thành Đô giờ là một tòa thành bị cô lập. Mã Siêu cùng binh sĩ người Khương đóng tại phía bắc thành, ngày ngày đánh trống khua chiêng khuyên hàng, khiến người trong thành hoang mang, lo sợ, ngay cả danh sĩ Hứa Tĩnh nửa đời người nương nhờ đất Thục cũng không dằn lòng được, trốn ra khỏi thành đầu hàng. Lưu Chương nản lòng thoái chí, chẳng thiết chống đỡ, than rằng: “Cha con ta giữ Thục Trung hơn hai mươi năm, chẳng để lại ân đức gì cho bách tính. Dân chúng chịu khổ vì chiến tranh suốt ba năm nay, không biết đã có bao nhiêu người tử thương, phơi thây đầy đồng, đều là do ta gây ra, giờ nỡ lòng nào để chiến tranh lại xảy ra?” Rồi hạ lệnh mở cửa thành đầu hàng Lưu Bị. Cuối cùng, đất Thục cũng rơi vào tay Lưu Bị.
Với Tào Tháo, đây là một tin cực xấu. Đất Thục Trung đã đổi chủ, Lưu Bị cát cứ cả một vùng Kinh, Ích. Hơn nữa, Mã Siêu có quan hệ thân thiết với bộ lạc Khương, Hồ ở mạn tây bắc, lại từng ở dưới trướng của Trương Lỗ, có những điều kiện này, Lưu Bị sớm sẽ ra tay với Hán Trung. Mà một khi Hán Trung thất thủ, Lưu Bị không những nắm được cứ điểm quan trọng để ra vào đất Thục mà còn có thể tạo quan hệ với người Khương, Hồ; nếu bọn họ liên kết với nhau gây loạn thì e rằng Tào Tháo chưa chắc đã giữ được đất Quan Tây. Vả lại, lúc đó có thể Lưu Bị sẽ phát quân từ hai đường Kinh, Ích, quân Tào ở phía đông tây bị tấn công không thể chống đỡ được, nếu Tôn Quyền cũng lại dấy binh đánh vào Hoài Nam thì cả một vùng phương bắc khó khăn lắm mới thống nhất được sẽ rơi vào thế tan rã, đừng nói là Hứa Đô khó giữ mà ngay cả đất Ngụy cũng sẽ rơi vào cảnh ngàn cân treo sợi tóc.
Để ngăn chặn cục diện bất lợi này xảy ra, chỉ có một cách duy nhất là phải nhanh chóng bình định tây bắc trước, tốt nhất phải giành được Hán Trung, không để cho thế lực của Lưu Bị mở rộng. Tào Tháo vốn định giải quyết xong việc tiếp kiến các quan viên, nhưng không ngờ lại nhận được tin dữ, nhi tử của Tần thị là Tào Huyền ốm chết. Tào Huyền đã đến tuổi thành thân, được phong làm Tây Hương hầu, đang tuổi xuân xanh mà lại qua đời khiến Tào thị ai cũng xót xa. Nhưng cục diện trước mắt quan trọng hơn, Tào Tháo đành phải nén nỗi đau, bắt đầu bàn bạc chiến sự. Các tướng sĩ chuẩn bị vũ khí, lương thực, quan viên mạc phủ thu thập tin báo, xử lý công văn, trong ngoài Nghiệp Thành đều bận rộn…
Lúc này đã qua canh một, nhưng trung đài của Ngụy quốc vẫn ồn ào, Lệnh sử ra ra vào vào dâng văn thư từ các nơi đến.
— Lương thực ở Ưng Châu không đủ, lại còn phải cung cấp cho Hạ Hầu tướng quân, nếu đại quân xuất chinh sẽ tiêu tốn rất nhiều tài lực, ít nhất cũng thâm hụt mấy vạn thạch.
— Chinh Nam Tướng quân dâng thư, hai bộ quân của Hầu Âm và Vệ Khai ở Uyển Thành vẫn phải chi viện cho Tương Dương, không thể điều động.
— Ô Hoàn chỉ giao nộp năm trăm con ngựa, không có Diêm Nhu, Điền Dự ra mặt thực sự không cải thiện được tình hình!
— Đồn điền ở Dương Châu mới được khai khẩn, nếu chỉ dựa vào đám quân ít ỏi của Trương Liêu thì sẽ không kham nổi việc phòng thủ…
Giữa những tiếng ồn ào, Viên Hoán, Lương Mậu, Dương Tuấn ngồi trong góc nhìn đống sắc lệnh, mặt ủ mày chau - Đây đều là những sắc lệnh liên quan đến việc sửa đổi quận huyện, do Lộ Túy mang từ Thính Chính đường về. Tào Tháo có ý muốn hợp nhất bốn quận Tịnh Châu là Vân Trung, Định Tương, Ngũ Nguyên, Sóc Phương làm một quận, lấy tên là Tân Hưng, lại thiết lập thêm quân hộ vệ cấp quận. Nếu chỉ nhìn qua thì sửa đổi quận huyện là chuyện rất bình thường, nhưng quan sát kỹ thì việc này đều có ẩn ý. Tịnh Châu là mảnh đất mà người Hung Nô cư trú rải rác, ngày trước Mã Siêu, Hàn Toại làm loạn, Thiền vu Hồ Trù Tuyền ngoài mặt thì không tham gia, nhưng các bộ lạc dựa theo Hung Nô lại âm thầm thêm dầu vào lửa, thủ lĩnh Đê tộc là Dương Thiên Vạn cũng thông đồng với Hung Nô. Nhưng những chuyện này không thể vạch trần, vì dù sao Hung Nô đã quy phục Đại Hán nhiều năm nay, nếu không có bằng chứng chính xác thì không dễ hỏi tội. Sách lược này của Tào Tháo rõ ràng có ý nhằm vào Hô Trù Tuyền, chính lệnh ban bố ắt sẽ càng kích động mâu thuẫn, ai biết điều gì bất trắc có thể xảy ra?
Nghĩ cả nửa ngày, Lương Mậu mới gãi đầu gãi tai, mở miệng:
— Chuyện tây chinh đang ở trước mặt, không thích hợp chen ngang như vậy. Nếu sắc lệnh này được ban xuống, Hung Nô tạo phản thì phải làm thế nào? Ung Châu vừa ổn định được ít lâu, đám người Khương, Đê luôn tôn sùng Hung Nô, nếu như Hô Trù Tuyền chó cùng rứt dậu, khó tránh được việc gây sự với ta. Chẳng những công sức trước đây của Hạ Hầu Uyên đổ xuống sông xuống bể mà còn làm lỡ việc chinh phạt Trương Lỗ, thiệt hại khôn lường. Chi bằng khuyên chúa công suy nghĩ lại.
— Nếu Hung Nô không tạo phản thì sao? - Dương Tuấn chỉ nhẹ nhàng hỏi lại Lương Mậu một câu. Nhưng ông ta ngậm miệng lắc đầu, xem ra có vẻ không lạc quan.
Viên Hoán tựa vào bàn, mặt mũi trắng bệch, dáng người tiều tụy. Ông ta mặc dù là Lang trung lệnh, nhưng từ khi Tuân Du chết thì cũng tham gia vào công việc của trung đài, hơn nữa còn kiêm chức Ngự sử đại phu, gánh vác bao nhiêu trách nhiệm nặng nề, mấy ngày này bận rộn từ sáng tới tối, ăn uống không trôi nên cũng chẳng có hơi sức nói to:
— Theo ta thì… chuyện không thích hợp thì cứ ban bố chậm.
— Làm qua loa sao? - Lương Mậu không khỏi băn khoăn.
Viên Hoán nói giọng yếu ớt, nhưng suy nghĩ không mềm yếu chút nào:
— Thừa tướng chẳng phải cũng biết Hung Nô có tính toán sao? Mà vẫn cố ý hành động như vậy. Nay mười vạn đại quân sắp đánh xuống phía tây, lại còn có Hạ Hầu Uyên và quân ở Ung, Kinh, ta nghĩ với chút binh mã đó, Hô Trù Tuyền sẽ không dám ngông cuồng gây sự. Mong muốn duy nhất của hắn là quân ta sẽ gặp khó khăn ở Tần Xuyên, bắt buộc phải đánh Thục, trong lúc quân sĩ mệt mỏi, hỗn loạn sẽ âm mưu làm phản. Nếu Thừa tướng thắng lợi, chế ngự được nhuệ khí của người Khương, Đê thì Hô Trù Tuyền chẳng thể làm gì. Hơn nữa, vương triều của hắn còn nằm trên lãnh thổ đại Hán ta.
Lương Mậu nghĩ thầm: Đại Ngụy công quốc đã có rồi, nói lãnh thổ đại Hán chỉ là sáo rỗng, chẳng qua Hung Nô có lý lẽ của họ, họ quy thuộc đại Hán chứ không phải là thần dân của Ngụy quốc, nếu thực sự đánh nhau thì họ cũng có danh chính ngôn thuận. Những câu này muốn nói mà lại không thể nói.
Viên Hoán tuy đau ốm, đứng tựa ở đó nhưng chỉ cần liếc qua cũng nhìn thấu suy nghĩ của Lương Mậu, lại bổ sung rằng:
— Là phúc thì không phải họa, mà đã là họa thì cũng không tránh được. Rõ ràng là biết có nốt nhọt nằm sâu bên trong mà chẳng làm được gì. Thánh nhân có câu “Thời hồ mệnh hồ,”(*) có lúc phải xem xem số mệnh thế nào. Hơn nữa, lão hủ tin rằng Thừa tướng có thể đánh thắng, các ông thì sao?
Viên Hoán hỏi như vậy, Lương Mậu đương nhiên không dám nói lời xui xẻo:
— Tất nhiên là thế rồi, vậy cứ làm theo lời của Diệu Khanh huynh. - Dương Tuấn lần đầu xử lý công việc này, kinh nghiệm còn ít nên không có ý kiến khác.
— Được. - Viên Hoán tay vịn mép bàn, run rẩy đứng lên, - Chúng ta đi gặp chúa công, làm rõ mọi việc thì mới an giấc được.
Dương Tuấn nhắc nhở:
— Lộ Văn Úy vẫn đang nghỉ ở phòng bên, sắc lệnh do ông ta đưa đến, hay là gọi ông ta đi cùng để làm chứng?
— Vẫn là Quý Tài cẩn thận, rất tốt, rất tốt. - Viên Hoán gật đầu.
Dương Tuấn đánh thức Lộ Túy đang mơ màng ngủ, bốn người mũ mão chỉnh tề, chuẩn bị lên Thính Chính đường phục lệnh. Vừa ra khỏi cửa trung đài, thấy bên ngoài còn ồn ào hơn bên trong. Tào Tháo không gặp các quan địa phương nên Thôi Diễm, Mao Giới phải tiếp đãi thay, đài gác vốn đã đủ bận, lại không tiện để những ngoại quan kia vào, hai người khoác áo lông cừu, đứng nói chuyện với họ trong sân; bên cạnh có Đinh Nghĩa, Từ Mạc ghi chép, Từ Dịch ôm một đống sách, vừa tiếp kiến vừa phát điều lệnh theo thứ tự rõ ràng.
Viên Hoán không muốn chào hỏi mấy vị quan địa phương, bèn nói nhỏ:
— Chúng ta đi vòng qua sân. - Chưa nói hết câu đã nghe thấy tiếng cười, ngẩng lên thì thấy Khổng Quế đang thong dong bước vào sân.
Lộ Túy thủ thỉ với Dương Tuấn:
— Tên đáng ghét này lại đến rồi. - Lập tức cao giọng, đổi khẩu khí, - Khổng lão đệ, hôm nay có cơn gió nào đưa đệ đến đây? Sao không ở cạnh hầu hạ Ngụy Công?
Khổng Quế biết Lộ Túy đang chế giễu mình, nhưng cũng coi như không, cười nói:
— Lâm Tri hầu Gia thừa Hình Ngung yết kiến, nói có chuyện cơ mật muốn tâu, người ngoài không được nghe. Chúa công đuổi ta ra ngoài.
Câu nói này làm bốn người khó xử, định đi bẩm tấu nhưng nếu Hình Ngung không lui thì họ sẽ không gặp được Ngụy Công. Dương Tuấn nói với Viên Hoán, Lương Mậu:
— Hình Đức Ngang vào yết kiến, một chốc một lát cũng chưa xong. Hai vị đều đã có tuổi, lại bận nhiều chuyện quốc sự, thôi cứ về sớm nghỉ ngơi, ta và Văn Úy huynh sẽ chờ ở đây, nếu chúa công có dặn dò điều gì, sáng sớm mai sẽ báo cho hai vị.
Cả hai người Viên, Lương đều đã mệt, nói mấy câu khách khí rồi ra về. Mặc dù nói là về nghỉ nhưng họ cũng không nghỉ được, những ngày này còn không về được nhà, cùng lắm là chợp mắt một chút ở lầu bên. Còn Dương, Lộ tựa vào cửa, nhìn Mao Giới và mọi người làm việc, thỉnh thoảng lại nói chuyện phiếm với Khổng Quế.
Không lâu sau, số quan viên ở sân đã lui hết, Từ Dịch lật sách, cao giọng đọc:
— Triều Ca Huyện lệnh Ngô Chất.
— Có hạ quan. - Ngô Chất bước lên hành lễ. Ba năm trước, hắn âm thầm giúp Tào Phi mưu tính việc kế vị, bị Tào Tháo điều ra ngoài làm Huyện lệnh, từ đó đến nay, đây là lần đầu được quay về Nghiệp Thành, ở lại nửa tháng rồi nhưng vẫn chưa đến phủ Ngũ quan tướng, sợ người khác lời ra tiếng vào.
Từ Dịch khách sáo đáp lễ:
— Ngô hiền đệ tại nhiệm chính tích rất khá, nhưng lần này Thừa tướng chưa có lệnh điều chuyển, ngài vẫn giữ chức cũ, chịu khó nhé! - Thực ra cả hai người đều thuộc phe Tào Phi, ánh mắt gặp nhau là lòng đã hiểu, không điều chuyển chính vì Tào Tháo vẫn chưa tin tưởng Ngô Chất, giữ chức cũ cũng là điều không thể khác được.
Không ngờ Từ Dịch vừa nói hết câu, Đinh Nghi cầm bút đứng bên cạnh nói:
— Chính tích của Ngô huynh ba năm qua cũng không kém gì đám Tư Mã Chi, Vương Lăng. Nay Vương Lăng đã được tấn phong làm Thái thú Trung Sơn, Tư Mã Chi là Đại lý tá quan, chỉ có mỗi lão huynh là không được thăng chức, nguyên nhân vì sao, xin tự suy nghĩ.
Có thể bước vào trong sân này đều không phải người hồ đồ, ai cũng nhận ra trong lời của Đinh Nghi có ý châm biếm - Lý do ông không được thăng chức chẳng phải vì theo Tào Phi không theo Tào Thực ư? Tuy chỉ là một lớp vải thưa, nhưng cũng không ai dám vén lên!
Mọi người không biết Đinh Nghi muốn lôi kéo Ngô Chất hay chỉ đơn thuần giễu cợt, nên đều ngẩn mặt ra. Mặt Từ Dịch lúc này rất khó coi, ông ta là Tây tào duyện, Đinh Nghi là Tây tào thuộc, trưởng quan nói mà phó quan đứng bên cạnh lại dội cho gáo nước lạnh, thể diện biết để đi đâu? Nhưng trong lòng Từ Dịch cũng hiểu rất rõ, Tào Tháo biết ông ta bảo vệ Tào Phi nhưng vẫn giữ lại vì tài năng, Đinh Nghi tuy là trợ thủ, nhưng khác nào người giám sát để cân bằng lực lượng giữa hai phái. Lúc này, chỉ cần ông ta có chút thiên vị nào với thân tín của Tào Phi, họa lập tức đổ lên đầu. Phải làm sao đây? Từ Dịch đành nhẫn nhịn chịu đựng.
Nhưng chỉ có Từ Dịch nhịn được, còn Thôi Diễm thì không thể, ông ta lập tức nổi giận:
— Đinh Chính Lễ, Từ tây tào đang nói sao dám vô lễ nói chen vào? Chớ cho rằng ngươi có Lâm Tri hầu chống lưng thì có thể muốn làm gì thì làm! Người khác không dám quản ngươi, nhưng ta thì dám. Làm nhục Huyện lệnh, vô lễ với quan trên là có tội! Nếu ngươi không phục, chúng ta đến trước mặt Ngụy Công nói lý lẽ! - Thôi râu dài hùng hổ đi đi lại lại, chỉ hai câu nói đã tung hê hết cả, các Lệnh sử xung quanh thấy vậy sợ sẽ bị kéo vào cuộc nên lần lượt lui hết.
— Ấy… Thôi công bớt giận, chuyện nhỏ nhặt này hà tất phải làm phiền chúa công. - Mao Giới khuyên can rồi quay sang lạnh lùng nhìn Đinh Nghi, - Còn không mau xin lỗi Ngô Huyện lệnh? - Mặc dù giọng nói không lớn nhưng lại vô cùng có uy.
Đinh Nghi có thể chọc giận Từ Dịch, nhưng không thể chọc giận hai lão thần Thôi, Mao. Một người hung dữ, nóng nảy, động một chút là trừng mắt lên, còn một người công chính nghiêm minh, cả đời cũng chẳng nở một nụ cười. Họ đều là những công thần của mạc phủ há lại không sợ? Nhưng trước mặt bao người lại phải xin lỗi một tên Huyện lệnh, chẳng phải nhục nhã sao? Thấy ánh mắt chúng nhân đang đổ dồn về mình, Đinh Nghi cảm thấy tủi thân: Nhớ trước đây phe của Tào Phi được sủng ái đã ngăn cản ta trở thành con rể nhà họ Tào, rồi sắp xếp cho làm chức Lệnh sử, bị chèn ép không biết bao năm nay. Nay thời thế đã thay đổi, xả chút bực dọc cũng không được! Ngô Chất bị làm khó một chút, họ thấy không thuận mắt, còn ta khi xưa chịu bao ấm ức, họ có thèm để ý không? Dựa vào cái gì mà đè đầu cưỡi cổ ta?
Thôi Diễm chưa nguôi cơn giận, giơ tay bước lên phía trước, mọi người vội vàng kéo lại:
— Thôi Tây tào, bớt giận, bớt giận!
Ngô Chất không muốn làm to chuyện thành tranh chấp giữa hai phe, mới khuyên rằng:
— Lời của Đinh hiền huynh không có ý gì, đại nhân hà tất phải coi đó là thật? Nếu vì tại hạ mà hai bên cự cãi, sau này tại hạ còn mặt mũi nào đến trung đài làm việc? Mong nể tình tại hạ… - Từ Mạc cũng khuyên vào, cuối cùng cũng khiến Thôi Diễm nguôi ngoai.
Dương Tuấn nhân lúc đang hỗn loạn cũng giữ lấy Đinh Nghi, nói giọng trách móc:
— Còn đứng ngây ra đấy, không đi mau!
— Ồ… - Lúc này Đinh Nghi mới bừng tỉnh, vội rảo bước trốn đi, lúc sắp qua cửa sân còn quay đầu lại nhìn Thôi Diễm và Mao Giới, trong lòng chửi thầm: Lão già khốn kiếp mãi không chết, cái gì mà lão thần trung quân, rõ ràng đều là phe của Tào Phi, đúng là ngu độn! Chúng ta cứ chờ xem, sẽ có một ngày ta sẽ lật đổ hai lão già các ngươi…
Đinh Nghi đi rồi nhưng Thôi Diễm vẫn vểnh râu, trừng mắt, muốn tố cáo Đinh Nghi, mọi người khuyên can thế nào cũng không được. Lúc này Lộ Túy mới cười khà khà đi vào chỗ đám đông, nói:
— Mọi người đừng ầm ĩ nữa, hãy nhìn theo tay tại hạ.
Mọi người nhìn theo hướng ông ta chỉ, thấy Khổng Quế đang nằm chổng vó trên phiến đá xanh, ngáy khò khò. Đúng là hắn đã quá mệt, xung quanh ồn ào như vậy mà hắn vẫn ngủ say như chết, nước dãi chảy cả ra ngoài.
Cảnh tượng này hoàn toàn tương phản với những tiếng cãi nhau ồn ã, mọi người ngơ ngác rồi cười ầm lên, ngay cả Thôi Diễm đang tức giận cũng không nhịn được cười. Mao Giới vuốt râu nói:
— Chúng ta có mệt cũng không mệt bằng hắn, chỉ cần chúa công chưa đi nghỉ thì hắn vẫn phải ở cạnh hầu hạ. Chúng ta mệt vì chuyện xã tắc, còn hắn mệt vì mưu mô nịnh nọt, mặc dù chí hướng không giống nhau nhưng tài năng cũng không kém phần. Nếu có thể dùng sự khéo léo, nịnh nọt vào việc chính nghĩa thì việc gì hắn cũng có thể làm được, quả là đáng tiếc. - Lâu lâu Mao Giới mới bình luận về việc tuyển chọn quan lại, nhưng đều nhìn thấu đặc điểm của mỗi người.
Thôi Diễm ngưng cười:
— Loại người bất chấp liêm sỉ để được thăng quan tiến chức như hắn, thì có chết vì mệt cũng không oan! - Tuy nói như vậy, nhưng Thôi Diễm vẫn cởi áo ngoài đắp cho Khổng Quế, còn nói:
— Không phải ta lo ngươi lạnh, mà sợ ngươi chết vì lạnh sẽ làm ô uế đất này - Khẩu xà tâm phật vốn là tính cách của Thôi Diễm, chuyện vừa nãy ông ta đòi tố cáo cũng không nhắc nữa.
Dương Tuấn chọc vào sườn Lộ Túy, nói nhỏ:
— Chúng ta đi bẩm tấu chúa công thôi, đợi lúc nữa, nhỡ tên tiểu tử kia tỉnh dậy, nhất định sẽ làm rối rắm. Chi bằng nhân lúc hắn ngủ chúng ta nên đi trước để đỡ phiền phức. - Lộ Túy gật đầu đồng ý.
Hai người cầm sắc lệnh ra khỏi sân trung đài, rẽ phải qua cửa Hiển Dương, đến cửa Tuyên Minh thì không dám tùy tiện bước vào, định nghe ngóng tình hình từ đám lính gác xem Hình Ngung đã ra về chưa, thì nhìn thấy phía trước có ánh đèn đang di chuyển qua vườn ngự uyển, tận đến khi sát mặt mới thấy hai người chầm chậm bước đến - người đi trước cầm đèn là Hổ bôn trung lang tướng Hoàn Giai, theo sau là một người khoảng năm mươi tuổi, vẻ mặt nặng nề, chính là Lâm Tri hầu Gia thừa Hình Ngung.
Dương Tuấn hỏi han ân cần:
— Hóa ra là Hình công, tại hạ còn đang định hỏi xem ngài đã về chưa để xin gặp chúa công. Hoàn đại nhân, ngài cũng chưa nghỉ sao?
Hoàn Giai cười đáp:
— Chúa công chưa nghỉ, tại hạ nào dám lười biếng?
Hình Ngung có vẻ trong lòng nhiều tâm sự, cười trừ:
— Muộn thế này mà các ngài vẫn muốn cầu kiến sao?
Dương Tuấn vỗ vào đống sắc lệnh đang ôm trên tay:
— Chúng tôi đã bàn bạc về các điều lệnh của chúa công, giờ còn phải đợi hồi tấu nữa.
— Ồ. - Hình Ngung hiền từ gật đầu, nói, - Chỉ sợ tâm trạng của chúa công không tốt, các ngài hãy hết sức thận trọng… - Ông ta nói một câu không đầu không cuối rồi bỏ đi.
Dương Tuấn và Lộ Túy cảm thấy ngạc nhiên, nhưng Hoàn Giai nhiệt tình:
— Tôi sẽ đi cùng các ngài, nếu có chuyện gì thì sẽ nói đỡ.
— Vất vả cho ngài quá. - Hai người cùng bước vào cửa Tuyên Minh, nhưng chỉ nhìn thấy chính điện tối om.
Hoàn Giai nói:
— Vừa rồi, chúa công và Hình công nói chuyện trong ôn phòng, các ngài muốn báo cáo chỉ e hơi khó đấy.
— Rốt cuộc Hình công đã nói gì với chúa công? - Lộ Túy lo lắng.
— Cũng không biết nữa, tôi vừa mới gặp ông ấy bước ra nên không tiện hỏi. - Thực ra Hoàn Giai chưa biết đầu đuôi ra sao, nên cũng muốn xem mọi chuyện thế nào.
Ba người không nói gì, tâm trạng thấp thỏm không yên, đi thẳng về phía con đường tối rồi rẽ vào hậu cung, lúc này mới nhìn thấy vài tia sáng - Trong ôn phòng chỉ thắp một cây đèn nhỏ, bóng người lờ mờ đung đưa, tiếng xào xạc của lá ngô đồng trong đêm nghe như oan hồn đang kêu khóc, cảnh tượng này khiến người ta không khỏi sợ sệt. Ba người ai cũng hồi hộp, lo lắng, cố trấn an bản thân, gần tới nơi thì thấy Tào Tháo đang khoác chiếc áo gấm ngồi một mình sau chiếc bàn, hai mắt vô hồn nhìn về phía trước.
Rốt cuộc Thừa tướng có nhìn thấy chúng ta không?
Ba người sợ sệt, nhưng vẫn bạo gan đến quỳ trước điện, Hoàn Giai nói trước:
— Khải bẩm chúa công, hai vị đại nhân Dương Tuấn và Lộ Túy muốn bẩm báo. - Vì quá hồi hộp nên giọng ông ta hơi run.
Nào ngờ Tào Tháo chẳng hề nói gì, Hoàn Giai đưa mắt nhìn, vẫn thấy ông đang ngồi đó, lại không dám nhìn lâu, bèn hắng giọng:
— Khải bẩm chúa công, chúng thần muốn bẩm báo. - Nhưng ông vẫn không có động tĩnh gì.
Hoàn Giai, Dương Tuấn, Lộ Túy không hẹn mà gặp, trong lòng nghĩ ngay đến điều tồi tệ nhất - Lẽ nào chúa công đã chết?
Ba người cùng hoảng hốt đứng dậy:
— Chúa công!
— Ta nghe thấy rồi…
Ba người lúc này mới khuỵu xuống, toàn thân tê cứng vì sợ hãi. Đúng là được phen hú hồn. Thiên hạ còn chưa thống nhất, việc lập người kế vị chưa xong, đại chiến đang cận kề, đương lúc quan trọng thế mà Tào Tháo chết thật thì những việc này phải giải quyết thế nào? Nghĩ thôi cũng đã phát hoảng!
— Các ngươi vào đi. - Giọng Tào Tháo nghe thật yếu ớt, không còn chút sức lực.
Lúc này ba người mới dám lau mồ hồi, vội bước lên điện:
— Chúa công không khỏe sao?
— Không… chỉ là có chút tâm sự…
Có tâm sự? Ba người vừa nghe đã đoán ra chuyện này không hề tầm thường. Từ sau trận đại bại Xích Bích, họ chưa bao giờ thấy Tào Tháo tiều tụy đến vậy. Tào Tháo gập người, hai cánh tay duỗi thẳng, cả người như ngả hết lên bàn, chỉ cần chạm nhẹ là có thể đổ nhào; sắc mặt trắng bệch, lấm tấm mồ hôi, đôi mắt bình thường có thần, sáng quắc giờ vô hồn, đờ đẫn, vẫn đang nhìn ra khoảng tối bên ngoài điện, chòm râu bạc rối bù; dưới ánh đèn lờ mờ càng hiện rõ khuôn mặt đầy vết nhăn, vết nào cũng hằn rất sâu. Bình thường nhìn ông lúc nào cũng nghiêm trang, cao quý, nhưng con người quan trọng nhất là tinh thần, khi tinh thần suy sụp thì diện mạo sẽ lập tức già nua.
Ba người lúc này đều đã hiểu ra, Hình Ngung là Gia thừa của Tào Thực, chuyện bẩm tấu đã khiến Tào Tháo bị đả kích mạnh, hẳn là có liên quan đến sự tranh giành giữa các công tử, nhưng cụ thể là chuyện gì thì không ai dám hỏi. Quân thần nhìn nhau chốc lát, rồi chính Tào Tháo chủ động phá vỡ sự im lặng này:
— Các ngươi có chuyện gì?
— Dạ. - Dương Tuấn lo lắng đáp, - Thuộc hạ cùng với Viên công và Lương công đã bàn bạc về chuyện hợp nhất các quận Tịnh Châu, thậm chí còn phái…
— Các ngươi cứ bàn nhau mà làm. - Lúc này Tào Tháo chẳng có tâm trạng xử lý chính sự.
Lại một bầu không khí nặng nề, im ắng, ba người nghĩ mãi không biết nói gì, cuối cùng Hoàn Giai ấp úng nói:
— Cho dù có xảy ra chuyện gì… mong chúa công hãy nghĩ rộng hơn.
Mấy câu nói mơ hồ này xem ra cũng có chút hữu dụng, Tào Tháo từ từ ngẩng mặt lên, ánh mắt đờ đẫn nhìn lướt qua ba người:
— Có một câu ta muốn hỏi các ngươi, phải trả lời rõ ràng, không được nói cho qua chuyện.
— Rõ. - Ba người đều không biết Tào Tháo sẽ hỏi gì, trong lòng bất giác sợ hãi.
Tào Tháo đột nhiên đứng dậy:
— Theo các ngươi, Ngũ quan tướng và Lâm Tri hầu, ai được ai không được? Ai xứng đáng làm người kế vị?
Ba người sợ run cầm cập. Những lời này dù có hỏi riêng còn không dám nói nhiều, huống chi lại bị hỏi ngay trước mặt? Ba người đều quỳ xuống:
— Chúng thuộc hạ thực sự không dám…
— Ta chẳng phải nói rồi sao, phải trả lời rõ ràng không được trả lời qua loa!
Ba người vẫn run rẩy không nói.
Nhưng Tào Tháo nhất quyết muốn làm rõ chuyện này:
— Ta có ý lập Tử Kiến làm người kế vị, các ngươi thấy sao?
Không thể không trả lời, Dương Tuấn đành lết hai bước về phía trước:
— Thuộc hạ làm quan địa phương nhiều năm, vừa mới được chuyển đến Nghiệp Thành, không dám nói về chuyện lập người kế vị. Nhưng theo tin thần nghe được bên ngoài, tài năng của Lâm Tri hầu ai ai cũng biết, nhân phẩm đường hoàng, thẳng thắn, phóng khoáng, lại được sự dạy dỗ của chúa công. Khi xưa công tử theo quân đến huyện Tiều, việc gì cũng biết, sách sử thuộc làu, nhân sĩ Trung Nguyên ai cũng ngưỡng mộ, đến nay nhiều câu chuyện vẫn còn được truyền tụng… - Ông ta chỉ nói đến đây, mặc dù không nói rõ là ủng hộ, nhưng trên thực tế là đồng tình.
Hoàn Giai ngơ ngác, giương mắt nhìn Dương Tuấn, cứ như không quen biết người này - Mặc dù Dương Tuấn đã làm quan nhiều năm, nhưng về bản chất vẫn là văn nhân. Ông ta là môn sinh của danh sĩ Biên Nhượng từng bị Tào Tháo giết oan, chính tích lớn nhất từ khi nhận chức ở các nơi đến nay là xây dựng trường học, tuyên truyền đức giáo. Ông ta coi trọng tài văn chương nên đương nhiên ủng hộ Tào Thực, những người được ông ta tiến cử cũng đều là văn nhân như Vương Tượng, Tuân Vĩ, cho nên trong cách nghĩ của ông ta, Tào Thực sẽ là người phù hợp nhất. Hơn nữa, ông ta cũng không chia phe phái sống chết như Đinh Nghi, Dương Tu mà thật lòng ủng hộ Tào Thực.
Những lời này có vẻ làm cho tâm trạng của Tào Tháo thoải mái hơn đôi chút, định hỏi hai người còn lại thì đã thấy Hoàn Giai bước đến phía mình, cất giọng nói:
— Ngũ quan tướng là trưởng tử, tiếng tăm lừng lẫy bốn phương, hiểu biết mọi việc, thiên hạ ai ai cũng ngưỡng mộ. Chúa công muốn hỏi về việc lập người kế vị, thuộc hạ xin thành tâm bày tỏ như vậy.
— Ngươi… - Tào Tháo chau mày nhìn Hoàn Giai, lúc này Hoàn Giai cũng không lui xuống mà dùng ánh mắt cầu xin nhìn Tào Tháo.
Tào Tháo dường như bị dao động bởi sự thành thật của ông ta nên cũng tạm buông tha, quay sang hỏi Lộ Túy:
— Còn ngươi thì thế nào?
Lúc này Lộ Túy không dám nói gì thêm, một người ủng hộ Tào Thực, một người ra sức bảo vệ Tào Phi, giờ chỉ còn mình ông ta, không dám thiên về bên nào. Kỳ thực, Lộ Túy cũng từng rút ra được một bài học, năm đó theo ý của Tào Tháo, ông ta đã cùng với Hy Lự dâng thư đàn hặc Khổng Dung, khiến cả nhà Khổng Dung bị hại, từ đó chúng nhân đều chê trách Lộ Túy, nên cho đến nay cũng không dám dây vào mấy chuyện thị phi này. Bị Tào Tháo chất vấn, Lộ Túy dập đầu nói:
— Ngũ quan tướng là trưởng tử, lại nhân nghĩa song toàn, còn Lâm Tri hầu tài năng có tiếng, chúa công anh minh sáng suốt, hẳn đã có lựa chọn riêng…
— Chết tiệt! - Lộ Túy chưa nói hết câu, Tào Tháo đã nổi cơn thịnh nộ, - Cái gì mà anh minh, sáng suốt? Ta là kẻ đần độn! Cái gì ta cũng không biết! Việc gì cũng hỏi ta! Ta không biết… - Ông gầm lên mấy tiếng rồi giọng nhỏ dần, ngồi xuống thở dốc.
Ba người run bần bật không dám ngẩng đầu lên, phải một lúc sau mới dám bạo gan khuyên nhủ:
— Chúa công bớt giận… giữ gìn quý thể…
Tào Tháo bóp trán, dần dần tĩnh tâm lại - đúng là vội quá hóa hồ đồ, đây là giang sơn của ta, con của ta thì ta phải tự mình quyết định, nổi giận với họ làm gì?
— Các ngươi mau đứng dậy đi. - Sức lực của Tào Tháo dường như đã bị vắt kiệt, ông vẫn ngồi đó tựa như một cụ già cô độc đang cố thổ lộ hết tâm sự, - Ta trước nay làm việc gì cũng rõ ràng dứt khoát, không có khi nào phải ngập ngừng, lưỡng lự, duy chỉ có chuyện lập người kế vị là khó quyết định… Tử Hoàn là trưởng tử, bề ngoài nhân nghĩa nhưng bên trong đố kỵ, túc trí đa mưu nhưng không quá xuất chúng, chỉ được cái siêng năng, chuyên nhất là hợp ý ta; còn Tử Kiến tính cách khoáng đạt, lại có tài văn thơ, có phần giống ta, chỉ có điều kinh nghiệm quân vụ và chính sự còn kém, tuy nhiên có thể bồi dưỡng… Trước đây ta vẫn có ý muốn thử tài hai con, chắc các ngươi cũng đều biết. Ta tưởng rằng Tử Kiến đã có tiến bộ, có thể kế vị, nào ngờ… - Nói đến đây Tào Tháo đột nhiên cười gượng, không biết là cười chuyện này hay cười bản thân hồ đồ, - Vừa rồi Hình Tử Ngang gặp ta, nói rằng trong thời gian ta thử thách bọn chúng, Chủ bạ Dương Tu nửa đêm đã đến gặp Tử Kiến, tiết lộ việc quân, kỳ thực những lời đối đáp với ta… đều được hắn chỉ bảo từ trước!
Ba người nghe xong vừa sợ hãi vừa bất an.
— Ngày trước đã có tin đồn, nói rằng đêm hôm Tử Kiến cầm thư của ta ra khỏi thành, Dương Tu đã âm thầm trợ giúp, ta chỉ coi đó là tin đồn nhảm, nay xem ra… Người khác nói ta không tin, nhưng Hình Tử Ngang là Gia thừa… Ta nhiều lần căn dặn Tử Kiến phải coi trọng Hình Ngung, chú ý đến hành động của mình, nhưng nó đều đã bỏ ngoài tai… - Tào Tháo cười nhạt, - Ông trời thật biết trêu ngươi, nếu đứa con đó của ta không chết tại Uyển Thành, thì hôm nay ta đâu phải phiền muộn… Đúng là chẳng ra gì! Các ngươi thấy như vậy có khó cho ta không? Tào Tháo ta một đời anh hùng, lẽ nào lại đem cả cơ nghiệp giao cho chúng? - Điều khiến Tào Tháo đau lòng nhất chính là vậy, ông quá mạnh mẽ, quá bá đạo nên luôn coi mình là đúng, giờ các con đều yếu kém, nếu giao cả cơ nghiệp này cho một kẻ không mấy xuất chúng thì không cam lòng. Tào Ngang và Tào Xung phù hợp với tâm ý của ông đều đã chết, những đứa con khác thì càng không được. Cho nên, khi phát hiện ra tính cách của Tào Thực có chút giống mình ngày xưa, ông đã đặc biệt để mắt tới, khi thấy Tào Thực có tiến bộ trong việc quân chính, ông đã vô cùng vui mừng, chính vì đặt quá nhiều kỳ vọng nên giờ thất vọng càng lớn.
Nghe những lời tâm sự của Tào Tháo đêm nay, cả ba người đều vô cùng kinh sợ, không ai dám nói câu nào.
Sau khi đã trút bầu tâm sự, Tào Tháo cảm thấy được an ủi phần nào, nhưng khi nhìn xuống ba vị đại thần đang đứng trước mặt, ông lại chột dạ hối hận - Ây dà! Ta đúng là già rồi, sao không biết giữ miệng! Chuyện này đáng lẽ không nên nói ra, bọn họ có người theo Tử Hoàn, lại có kẻ theo Tử Kiến, nếu chuyện này truyền ra ngoài, không những tổn hại đến thể diện của Tào gia mà hai phái sẽ càng tranh đấu kịch liệt…
Dương Tuấn vắt óc suy nghĩ, muốn nói mấy câu an ủi, bỗng thấy thấy Tào Tháo đột nhiên đứng dậy, chỉ chốc lát đã lấy lại được uy nghiêm thường ngày.
— Ta đã thất lễ rồi, để các ngươi cười chê.
— Không dám…
— Không còn sớm nữa, các ngươi lui đi. - Tào Tháo chắp tay sau lưng, nói, - Chuyện hôm nay là chuyện xấu trong nhà, có câu “Quân bất mật tắc thất thần, thần bất mật tắc thất thân đạt.”(*) Những lời vừa rồi, các ngươi chớ truyền ra ngoài.
Mặc dù Tào Tháo nói đùa, nhưng ba người đều lạnh hết cả tóc gáy - Nếu sớm biết Hình Ngung mật tấu như vậy thì tối nay họ đã không vào yết kiến, chuyện lớn tày trời thế này, không cẩn thận để lộ ra ngoài, liệu Tào Tháo có bỏ qua cho không? Họ vội vàng hành lễ:
— Chúa công giữ gìn quý thể, chúng thuộc hạ xin cáo lui… - Ba người ra khỏi phòng mới thở phào nhẹ nhõm, Lộ Túy thì không sao, nhưng Hoàn Giai và Dương Tuấn không khỏi khó xử. Bình thường hai người đều là đồng liêu, giờ cả hai đều đã hiểu rõ, một người theo Tào Thực, một người theo Tào Phi, sau này biết đối xử với nhau thế nào, cả hai đều cười gượng, chào nhau vài câu khách khí rồi ra về.
Khi họ đi rồi, nỗi khổ tâm của Tào Tháo vẫn chưa được giải quyết. Cho đến giờ ông vẫn nghiêng về Tào Thực, đó là sự thiên vị của một người cha. Tào Tháo mặt ủ mày chau, đi đi lại lại trong điện, chỉ hận một điều Dương Tu không lập tức xuất hiện để làm rõ mọi chuyện, chỉ cần hắn dập đầu nhận tội, ông cũng tha cho. Nhưng Dương Tu không biết chuyện đã bại lộ thì sao biết đường đến?
Cứ như vậy nửa canh giờ, Tào Tháo không chịu nổi, muốn đi tìm Tào Thực để hai cha con thành thực với nhau.
Nghĩ đến đây, ông cũng chẳng nghĩ ngợi thêm nữa, vội bước ra khỏi ôn phòng, đi thẳng về phía đông. Trong cung có không ít thị vệ, nhìn thấy nửa đêm nửa hôm Tào Tháo ra ngoài một mình, nào dám không hộ tống? Chỉ chốc lát đã có hai mươi người đứng xung quanh, có tên quan hầu chưa hiểu thế nào đã hỏi:
— Thưa, trời đã muộn, chúa công định đi đâu?…
Chưa nói hết câu đã bị Tào Tháo vung tay tát thẳng vào mặt:
— Chuyện của ta ai cho ngươi quản? - Tào Tháo đang nổi cơn thịnh nộ, chẳng ai dám nói gì nữa. Những thị vệ khác không dám lại gần, nhưng vì nhiệm vụ không thể không hộ tống, bèn cầm đèn đi sau khoảng mười bước chân, Tào Tháo đi đến đâu họ đi đến đó, chỉ sợ xảy ra sơ suất.
Lúc này Tào Tháo chỉ muốn làm rõ mọi chuyện với Tào Thực, ông hằm hằm đi đến cửa ngách phía đông. Chỉ cần qua cửa này, đi sang đường là đến phủ của Lâm Tri hầu. Nhưng khi vừa bước đến cửa ngách, ông đột nhiên dừng lại.
Lối vào cửa đã khác, hơn mười ngày trước cánh cửa còn rộng hơn một trượng, sơn son thếp đỏ, không biết từ khi nào đã được sửa nhỏ lại, hai người phải kẻ trước người sau mới qua được, vì lấp thêm tường nên bậc thềm tam cấp cũng bị dỡ bỏ, chỉ để lại một bậc cửa, nếu không có binh sĩ cầm đuốc đứng gác, Tào Tháo cũng không tìm được đường.
Lính gác cửa bất ngờ khi thấy đêm hôm Tào Tháo còn đích thân đến, vội quỳ xuống:
— Tham kiến chúa công.
Tào Tháo hỏi:
— Cửa này sửa khi nào?
Một tên lính mạnh dạn đáp:
— Hôm qua vừa sửa xong ạ.
— Ai truyền lệnh sửa?
— Dạ, Lâm Tri hầu đốc thúc làm. - Tên lính đáp, - Mấy ngày trước, Lâm Tri hầu và Chủ bạ Dương Tu đi qua đây nhìn thấy chữ của chúa công để lại, Dương đại nhân nói, bên trong chữ “môn” mà thêm chữ “hoạt” sẽ thành chữ “khoát,”(*) hẳn là chúa công có ý nói cửa ngách này quá rộng. Lâm Tri hầu nghe vậy vội cho thợ sửa lại như thế này.
Cửa ngách cho gia quyến và người hầu dùng, há có thể quá phô trương? Cửa này đã được sửa đúng ý của Tào Tháo, nhưng ông không cảm thấy vui - lại là Dương Tu!
Tào Tháo dĩ nhiên oán giận Dương Tu đã bày mưu giúp Tào Thực gian lận, nhưng còn tức chuyện Tào Thực nghe theo lời của Dương Tu hơn. Thân làm đế vương không thể hoàn toàn tin tưởng vào ai cả, nếu cứ như vậy lâu ngày sẽ bị họ che mắt! Nay mọi chuyện Tào Thực đều ỷ vào Dương Tu thì những việc vừa rồi có mấy phần là bản lĩnh thực sự của Tào Thực? Đúng là Tào Thực là người tài hoa, nhưng với tính cách tự do phóng túng, y liệu có hợp để làm quân vương?
Trước đây Tào Tháo chưa nghĩ nhiều đến những chuyện này, nhưng đứng trước cánh cửa này, quyết tâm muốn lập Tào Thực làm người kế vị bắt đầu bị dao động. Hình ảnh một Tào Thực ưu thế nhiều mặt dần dần biến mất. Chuyện lập người kế vị có liên quan đến vận mệnh của xã tắc, không thể vội vàng, Tào Thực có ưu điểm của mình, nhưng Tào Phi cũng không hề kém cạnh, không dễ phân tài cao thấp… Nói đến đây, Tào Tháo thay đổi chủ ý, bỏ hẳn dự định lập Tào Thực, cần phải thận trọng để xem xét ưu nhược điểm của hai con, lần này phải kiềm chế tình thân phụ tử, chỉ đơn thuần xem xem ai có tài quyền biến hơn.
Đám thị vệ chỉ đứng nhìn từ xa, không ai dám lại gần, đột nhiên có một bóng đen mò mẫm đi đến, đó chính là Khổng Quế. Hắn đang nằm ngủ ngon lành ở trung đài thì bị thị vệ gọi dậy, nói chúa công đêm hôm còn muốn ra ngoài, cũng không biết ông giận dữ với ai, chúng nhân đều không khuyên được, mời hắn mau qua xem thế nào. Khổng Quế không dám chậm trễ, vội vàng chạy đi, khi cách Tào Tháo một quãng khá xa, liền quay ra mắng nhiếc ầm ĩ quân lính:
— Các ngươi mù hết cả rồi sao? không nhìn thấy chúa công mặc phong phanh thế kia à? Đêm tháng Hai rét như vậy! - Vừa nói xong thì cởi áo ra khoác lên vai Tào Tháo, - Chúa công đừng chê áo bẩn, cứ mặc tạm cho ấm. Chúa công là vua của một nước, là chủ của ba quân, sau này còn phải cầm quân đi đánh giặc, nếu bị cảm lạnh há chẳng thành trò cười?
— Hừ, hồi cung. - Lúc này Tào Tháo đã hạ quyết tâm, nghe Khổng Quế nói vậy mới nhận ra gió lạnh đang thổi tê tái, vừa nãy nóng vội nên không để ý.
— Chúa công… có chuyện gì mà phiền não vậy? - Khổng Quế đứng bên cạnh ngập ngừng hỏi.
— Không có gì, vừa nãy ta đau đầu quá, nên muốn đi dạo một chút. - Tào Tháo mặc dù tin tưởng Khổng Quế, nhưng cũng biết hắn là kẻ nịnh bợ, tinh ranh, không muốn đem chuyện trong nhà ra nói. Khổng Quế cũng không dám hỏi nhiều, chỉ kể mấy câu chuyện vui.
Về tới ôn phòng, Tào Tháo ngồi xuống một chỗ, người dần ấm lên nhưng lại thấy tay phải hơi tê nhức, nghĩ là do vừa rồi tát tên thị vệ nên cũng không để ý nữa. Khổng Quế biết điều, thấy Tào Tháo không khỏe bèn chạy đến bóp vai, đấm chân cho ông. Tào Tháo chau mày nói:
— Nhà ngươi đường đường là một Kỵ đô úy, sao lại làm những việc của đám nô bộc?
— Tiểu nhân văn không hay, võ không giỏi, chỉ biết mỗi việc trung thành với chúa công, dốc hết sức lực phò tá. - Khổng Quế lại bắt đầu nịnh nọt. Ngày xưa hắn cũng dựa vào thủ đoạn này để lấy lòng Dương Thu.
Được Khổng Quế xoa bóp một lúc, Tào Tháo thấy dễ chịu hẳn, nên cũng không ngăn lại, chỉ nói:
— Bình thường ta chưa hề sợ tuổi già, bệnh tật, nhưng gần đây thực sự cảm thấy sức lực đã cạn.
Khổng Quế cười nói:
— Thưa, chúa công chưa già chút nào.
— Ngươi chỉ được cái nịnh bợ, ta đã hơn sáu mươi tuổi, há lại chưa già?
— Sáu mươi sao đã gọi là cao tuổi, khi tiểu nhân còn là thuộc hạ của Dương Thu, có gặp một lão tướng quân ở quận An Định, lúc đó đã hơn trăm tuổi, hình như tên là… Hoàng Phủ Long.
— Thật sao? - Mắt Tào Tháo sáng lên, - Thái thú Đôn Hoàng Hoàng Phủ Long triều trước vẫn còn sống sao?
— Còn sống! Chính mắt tiểu nhân nhìn thấy, ông ta sắc diện hồng hào, thể trạng tráng kiện, chẳng khác gì một tiên ông. Người một trăm tuổi mà còn sống thì ngài mới sáu mươi há có thể gọi là già?
Tào Tháo đột nhiên đứng dậy nói:
— Ngươi mau thay ta tìm người này! Ta muốn nhờ ông ta dạy thuật dưỡng sinh.
Khổng Quế ngây ra, thầm trách mình nhiều lời, chuyện gặp Hoàng Phủ Long xảy ra nhiều năm về trước, bây giờ không biết ông ta còn sống hay đã chết, chẳng qua là muốn làm Tào Tháo vui lòng, ai ngờ ông lại coi là thật. Khổng Quế mơ hồ đáp:
— Lâu rồi tiểu nhân không quay về đó, không rõ Hoàng Phủ Long hiện sống ở chỗ nào…
Tào Tháo vẫn không bỏ qua:
— Ngươi không rõ thì bảo Dương Thu đi tìm.
Khổng Quế đảo mắt:
— Ông ta đã hơn trăm tuổi, nếu chúa công cho triệu đến Nghiệp Thành, chỉ e không chịu nổi đường xa vất vả.
— Không ngại việc này. - Tào Tháo lôi tín thư ra, - Ta sẽ viết một bức thư cho ông ta, ngươi đưa cho Dương Thu, bảo hắn tìm cách gửi đi, mấy hôm nữa ta cũng xuất chinh xuống phía tây, đến Kinh Châu chưa biết chừng sẽ gặp mặt. - Ông nói xong bèn lập tức cầm bút viết thư.
Khổng Quế ngậm ngùi than khổ, cũng không dám thoái thác, đành đứng cạnh nhìn: Nghe tin khanh đã hơn trăm tuổi nhưng thân thể vẫn tráng kiện, trí tuệ vẫn minh mẫn, sắc diện vẫn hồng hào, thực là chuyện ly kỳ hiếm thấy. Những mong khanh có thể truyền thụ lại cho ta cách ẩm thực, vận động để kéo dài tuổi thọ. Nếu được, mong khanh chỉ giáo trong mật thư.
Tào Tháo từ khi nắm quyền triều chính đến nay đã hành văn nhiều lần, tất thảy đều là mệnh lệnh, có mấy lần lại khiêm tốn xin được chỉ bảo? Đúng là ông mong muốn được mạnh khỏe, trường thọ, nhưng không phải vì sợ chết, mà vì trước mắt không thể đổ bệnh, càng không thể chết. Vì sự nghiệp thống nhất thiên hạ, vì hai đứa con chưa thành tài, dù thế nào ông cũng phải sống thật lâu.
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9