People say that life is the thing, but I prefer reading.

Logan Pearsall Smith, Trivia, 1917

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Thùy Linh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 29
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 136
hế giết Phục hậu, cưỡng ép Thiên tử
Ngày tận của hoàng hậu
Tháng Mười một năm Kiến An thứ mười chín, tiết trời mùa đông lạnh giá, gió bắc thổi điên cuồng khắp hoàng cung Hứa Đô. Lâu đài, cung điện vốn không mấy nguy nga vang lên những tiếng vù vù như than khóc một dòng suy thịnh của quốc đô. Mười chín năm trước, Hứa Đô vừa mới xây dựng, hào hoa phong nhã, vạn vật nảy sinh, trăm quan tận lực, nhân tài đông đúc, chẳng ai nghi ngờ về việc vương triều đại Hán sẽ bước vào cuộc phục hưng mới, nhưng giấc mộng đẹp đẽ đó chẳng kéo dài được bao lâu, khi Tào Tháo cháy nhà ra mặt chuột. Mười chín năm sau, Hứa Đô vẫn là Hứa Đô, trung tâm của vương triều đại Hán, nhưng linh hồn của nó sớm đã mục ruỗng.
Ngay cả các binh sĩ hổ bôn canh giữ cung đình cũng không nhớ nổi đã bao lâu thiên tử nhà Hán chưa tổ chức một buổi thiết triều, một năm hay hai năm? Từ khi Tuân Úc chết đi, triều đình chỉ còn là cái vỏ rỗng. Có thể không thiết triều lại là chuyện tốt, các quan đầu triều hoặc là tuổi già leo lét, hoặc là bị thế lực Tào thị chèn ép, hoặc là thân tín của Tào Tháo, sau khi thiết lập Ngụy quốc, không ít người tự nguyện hoặc bị Tào Tháo ép kiêm chức quan của nước Ngụy, lại càng có nhiều người nhất quyết đến Nghiệp Thành. Nhiều chức quan cao như Thị trung, Đại phu, thấp như Thượng thư, Lệnh sử đều để trống, đường đường là triều đình đại Hán mà lại rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, có chức mà không có quan, chẳng bằng một công quốc mà mình thống trị thì còn tổ chức thiết triều làm gì? Thiên tử bù nhìn, liệt khanh hữu danh vô thực, tướng lĩnh không có binh lính, hoàng thân quốc thích toàn là những kẻ gần đất xa trời, còn bàn luận gì đến đại sự trong thiên hạ?
Thượng thư đài dường như không có quan hệ gì với triều đình mà giống với một bộ máy giúp việc do Ngụy quốc đặt ra ở Hứa Đô, mỗi khi Tào Tháo có yêu cầu gì, Hoa Hâm, Đổng Chiêu lại bắt đầu bận rộn soạn thảo chiếu thư, sau đó đóng đại ấn của thiên tử, thế là xong việc - từ một bộ máy trị quốc bị biến thành nha môn bán nước, sang tên không biết bao nhiêu quyền lực, danh hiệu, tước vị, bổng lộc, nhân tài cho Ngụy quốc. Những quan viên có cảm tình với đại Hán đương nhiên trong lòng bất bình, hoặc là giam mình trong nhà hoặc là cáo lão về quê, trong hoàn cảnh này có thể bảo toàn được tính mạng đã tốt lắm rồi; đa số những quan lại vô danh được giữ lại thì cầm cự nuôi gia đình, cố kiếm miếng cơm, có thể nói tình cảnh của họ chỉ cần chạm nhẹ là sẽ đổ; còn một số kẻ có ít tiếng tăm, tài nâng tầm thường cũng rất căm hận, vì muốn đầu quân cho Tào Tháo nhưng không có cửa, chỉ biết ở nhà chửi rủa - Sao mà muốn bán nước cầu vinh cũng khó đến vậy?
Bắc quân bảo vệ kinh thành cũng không có, năm hiệu úy(*) thì có nhưng đều được giao cho các nguyên lão của Tào doanh là những người tuổi cao, từng lập công lớn như Vạn Tiềm đảm nhiệm, đây là vinh dự đặc biệt mà Tào Tháo dành cho họ khi về già. Nam quân vẫn còn, bảy vị quan viên(*) không thiếu một người, binh lính cũng không thiếu một ai, nhưng mở miệng nói thì đặc tiếng huyện Tiều, Bái Quốc, đều là đồng hương với họ Tào. Ngoài thành toàn là thuộc hạ của Phục Ba Tướng quân Hạ Hầu Đôn, trong thành thì có binh lính do Thừa tướng Trưởng sử Vương Tất cai quản, còn bọn Hiệu sự phân bố giám sát khắp đường lớn ngõ nhỏ, không có chuyện bí mật nào giấu được.
Hứa Đô thể hiện sự bá quyền của Tào Tháo, vừa giống một nhánh của Tào Ngụy, lại vừa giống viện dưỡng lão, doanh trại và nhà tù - chẳng có điểm gì cho thấy đây là một quốc đô.
Thiên tử Lưu Hiệp dường như đã quen với tất thảy điều này, tính ra từ khi lên chín tuổi, Lưu Hiệp đã bị Đổng Trác bế lên long vị làm con rối, đến nay đã ba mươi lăm tuổi, vẫn là con rối. Từ khi Bàn Cổ khai thiên lập địa đến nay, chắc cũng chỉ có một vị hoàng đế giống như vậy!
Nhưng Lưu Hiệp không phải người hồ đồ hay ngu xuẩn, ông ta từng hừng hực chí lớn, quan tâm đến thiên hạ, nhưng rất nhanh sau đó đã ý thức được rằng tất cả đều là uổng công vô ích, ngoài hư danh hoàng đế ra, ông ta cái gì cũng không có, ngay cả hư danh này cũng có thể mất đi bất cứ lúc nào. Từ Đổng Trác cho tới Lý Thôi, nay lại đến Tào Tháo, thiên hạ đen kịt một màu, kháng cự cũng vô dụng, lại còn càng đẩy mình vào thế khó khăn hơn. Cho nên cứ sống cho qua ngày, được ngày nào hay ngày ấy, đạo lý trị nước cũng không cần nghiên cứu, đọc Lão Tử chỉ để an ủi mà thôi. Vậy là cả ngày chỉ đọc “Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh,”(*) “Uyên hề tự vạn vật chi tông, tỏa kỷ nhuệ, giải kỹ phân, hòa kỳ quang, đồng kỳ tiêm,”(*) “Thái thượng, hạ tri hữu chi. Kỳ tự, thân nhi dư chi.”(*) Cuộc đời của Lưu Hiệp gửi gắm trong giấc mộng hư danh. May mà còn có Phục hoàng hậu và một vài cung nữ bên cạnh, nên cũng không đến mức giống cái xác không hồn, nhưng tỉ muội họ Tào vào cung đã làm thay đổi tất cả.
Hai quý phu nhân xinh đẹp như hoa như ngọc xuất hiện trước mặt Lưu Hiệp, khiến ông ta cực kỳ sợ hãi. Xưa, Vương Mãng gả con gái cho Hiếu Bình Đế làm hoàng hậu, không được mấy năm, Hiếu Bình Đế bị Vương Mãng đầu độc, sau đó lập con là Lưu Anh kế vị, hoàng hậu trở thành hoàng thái hậu. Phải chăng Tào Tháo cảm thấy vị hoàng đế đã trưởng thành như Lưu Hiệp sẽ khiến ông bị vướng chân vướng tay, nên muốn trừ bỏ để lập một đứa trẻ lên kế vị? Hay là Tào Tháo muốn soán quyền nhà Hán, không cần Lưu Hiệp làm con rối nữa? Lưu Hiệp và Phục hậu ngày ngày hoang mang, không dám gần gũi cũng không dám lạnh nhạt với tỉ muội họ Tào, lúc nào cũng như dò dẫm trên băng, cứ như họ mới chính là chủ nhân chân chính của hoàng cung, còn hoàng đế và hoàng hậu giống như tội nhân trong nhà tù của chính họ.
Đại quý nhân Tào Hiến là người biết phận, sớm tối vấn an, kính cẩn giữ lễ, quen với việc sống ở trong cung thất, lại sống nội tâm, kiệm lời. Nhị phu nhân thì ngược lại, không giữ lễ nghĩa, tính tình hào sảng, cả ngày cứ như con bọ xít bám chặt lấy hoàng thượng, Lưu Hiệp đọc sách thì nàng ta cũng theo đọc sách, Lưu Hiệp viết chữ thì nàng ta đòi ngồi bên mài mực, Lưu Hiệp bị ép phải thẩm duyệt tấu thư, nàng ta cũng ở bên cạnh xem. Lưu Hiệp cho rằng Tào Tháo phái nàng ta đến giám sát mình nên càng không dám chọc giận, ngay cả khi chơi cờ, ném thẻ vào bình cũng cố ý nhường, cho dù nàng ta có tươi cười thi lễ cũng sợ hãi từ chối, chứ đừng nói đến quan hệ gần gũi, đầu gối tay kề. Nếu “không cẩn thận” để nàng ta sinh được hoàng tử, Tào Tháo sẽ giống Vương Mãng đường đường chính chính trở thành ngoại tộc của nhà Hán, thì liệu Lưu Hiệp có còn giữ được mạng sống? Thấm thoắt, hai quị quý nhân đã vào cung gần được một năm, Lưu Hiệp sợ hãi như đi trên băng mỏng, cuộc sống mệt mỏi này khi nào mới kết thúc?
Cho đến buổi sáng một ngày, có một chiếu thư được gửi đến tiền điện, đường đường là thiên tử nhưng Lưu Hiệp lại bị binh sĩ thúc giục đến tiền điện để phê chuẩn. Thượng thư lệnh Hoa Hâm đã chờ trên điện rất lâu, hành lễ xong xuôi, không nói lời nào đứng lùi sang một bên; bên ngoài đại điện còn có Ngự sử đại phu Hy Lự đang đứng hầu, dáng người tiều tụy, vô hồn, tay cầm phù tiết; phía sau Hy Lự còn có Hiệu sự Lư Hồng, Triệu Đạt và một đội binh sĩ.
Cảnh tượng này Lưu Hiệp đã gặp nhiều, nếu muốn tiếm quyền gì lớn, Tào Tháo sẽ phái người thảo tấu thư để Lưu Hiệp đích thân phê chuẩn, sau đó tại điện sẽ phái sứ giả có quyền cầm phù tiết đọc chiếu. Chuyện này xảy ra quá nhiều nên Lưu Hiệp đã quen và cũng đã “thuộc bài”, tự giác ngồi xuống ngai vàng, mở chiếu thư đã được thảo sẵn trên long án, cũng chẳng buồn xem qua mà đóng luôn hoàng đế hành tỷ(*) - có duyệt cũng chẳng để làm gì, Tào Tháo đã muốn thì không ai cản được, có xem cũng chỉ thêm đau đầu, tốt nhất cứ làm theo.
Ai ngờ rằng vừa đóng xong chiếu thư, đã nghe thấy có tiếng quát:
— Phụng chiếu vào cung! - Đám binh sĩ vây quanh Hy Lự lập tức xông vào cung điện.
Lưu Hiệp kinh hãi, lúc này mới xem chiếu thư vừa rồi: Hoàng hậu Phục Thọ, xuất thân thấp kém, còn cho mình tôn quý, ngồi vào ngôi hoàng hậu, đến nay đã được hai mươi năm. Phục hậu đã không có đức hạnh tốt đẹp giống như hai bà Thái Nhậm, Thái Tự(*), lại còn thiếu sự chăm chỉ tiết kiệm, luôn ghen ghét đố kỵ, rắp tâm hãm hại người khác, không thể vâng theo thiên mệnh, thờ phụng tổ tông. Nay sai Ngự sử đại phu Hy Lự giữ phù tiết và chiếu thư, lệnh cho hoàng hậu trả lại ấn ngọc, rời khỏi hoàng cung chuyển đến nơi khác. Than ôi thương thay! Tất cả đều do Phục Thọ tự chuốc lấy, không giao nàng ta cho pháp quan xử lý đã là may lắm rồi!
— Phế… hoàng hậu? - Cánh tay Lưu Hiệp run lên lẩy bẩy, khiến tờ chiếu rơi luôn xuống đất, - Hoàng hậu mắc tội gì?
Hy Lự hai mắt thất thần, đứng ngay ra như tượng gỗ, Hoa Hâm lặng im cúi đầu, hai người không biết trả lời thế nào. Triệu Đạt lớn tiếng:
— Khi xưa Phục hậu cấu kết với hai tên giặc Đổng Thừa và Vương tử Phục tạo phản, lại ngầm viết thư cho phụ thân là Phục Hoàn phỉ báng Thừa tướng, can dự triều chính, lẽ nào bệ hạ không biết?
Vụ án chiếu thư trong đai ngọc là chuyện của mười lăm năm trước, Phục Hoàn cũng đã chết được hơn bốn năm, những tội lỗi trên đều đã qua. Nhưng muốn đổ thêm tội, lẽ nào lại khó? Mặc dù trước mặt chỉ là một tên Hiệu sự tép riu, nhưng Lưu Hiệp cũng không dám phản bác, đành vứt bỏ sự tôn nghiêm để cầu xin:
— Việc phế bỏ hoàng hậu liên quan đến vinh nhục quốc gia, hơn nữa Phục thị đã sinh hoàng tử, theo phép tắc không nên phế bỏ. Mong ái khanh xin Ngụy Công miễn tội cho nàng!
Triệu Đạt không thèm để ý đến nghĩa vua tôi, lạnh lùng cười khẩy rồi nói:
— Đây là chuyện nhà đế vương, Ngụy Công xuất chinh bên ngoài há lại liên quan đến ngài ấy? Chiếu thư không phải do bệ hạ ân chuẩn sao?
Lưu Hiệp uất giận, chửi mắng thậm tệ:
— Loạn thần tặc tử! Lẽ nào trẫm không ký chiếu thư, các ngươi sẽ bỏ qua cho hoàng hậu?
Lư Hồng hết nhìn Hy Lự lại nhìn Hoa Hâm, cười nhạo:
— Hai vị đại nhân, phụng chiếu làm việc chớ nên sai sót, đừng đứng ngây ra đó nữa. - Lư Hồng liền lệnh cho đám vệ quân “mời” hai đại nhân vào hậu cung.
— Loạn thần tặc tử! - Lưu Hiệp vẫn phẫn nộ chửi mắng nhưng không ai thèm để ý tới. Lưu Hiệp tận mắt nhìn chúng xông vào bao vây hậu cung mà chỉ có thể thất tha thất thểu chạy theo sau, miệng không ngừng kêu lên. - Tự ý xông vào cung sát hại hoàng hậu, thiên hạ há lại có chuyện này!… Há lại có chuyện này!…
Cung nữ kêu khóc inh ỏi, thái giám bỏ chạy trối chết, hoàng cung bị binh sĩ lật tung mọi thứ để tìm tung tích hoàng hậu. Hơn nửa canh giờ sau, cuối cùng cũng có người bẩm báo, hoàng hậu đang trốn đằng sau bức vách ở thiên điện trong cung Trường Lạc. Binh sĩ lập tức kéo đến bao vây cung Trường Lạc, khe tường quá chật, chỉ đủ cho một người chui vào, Triệu Đạt cao giọng:
— Các binh sĩ hổ bôn nghe lệnh, phá vách bắt ả tiện nhân kia ra cho ta! - Binh sĩ tay cầm búa rìu là nghi trượng tượng trưng cho uy quyền của thiên tử, ít khi dùng để giết người chứ đừng nói là phá tường. Nhưng hôm nay không cần để ý nhiều đến vậy, hai cây rìu bổ vào tường, trong nháy mắt đã phá thủng một lỗ, Phục hậu sợ hãi tóc tai rối bù, toàn thân run rẩy, cả người phủ đầy bụi. Triệu Đạt càng cười lớn:
— Khi xưa Tần Thủy Hoàng đốt sách, Bác sĩ Phục Thắng giấu Thượng thư giữa bức vách, cho nên Thượng thư mới được truyền lại cho hậu thế, và họ Phục nhà ngươi vì thế cũng mới được vinh hiển. Ngươi là cháu đời thứ mười sáu của Phục thị ở Lang Nha, không ngờ rằng chuyện tổ tông trốn trong vách còn truyền đến đời nay! Ha ha ha!…
Lư Hồng thét lớn:
— Bắt ả tiện nhân này đi cho ta!
— Khoan đã, - Triệu Đạt cười nhếch mép ngăn lại, - Huynh quên lời Ngụy Công dặn rồi sao? Hoa lệnh quân, Tào công đã giao việc giết phế hậu cho ngài.
Mặt Hoa Hâm giật giật mấy cái. Tào Tháo đặc biệt dặn dò Hoa Hâm phải đích thân giết Phục hậu, ông ta thân là bề tôi nhà Hán mà lại lăng nhục chúa thượng, chẳng phải sau này sẽ bị thiên hạ chửi rủa? Nay còn chặt đầu Phục hậu thì cả đời này cũng không rửa hết tội.
Hoa Hâm đường đường là một danh sĩ, tuyệt đối sẽ không thể chịu nỗi nhục này, nhưng ông ta bản tính nhu nhược, hay phải chịu nhịn để tự bảo vệ mình. Năm xưa ở Dự Chương, ông ta đã mở thành đầu hàng Tôn Sách, chịu bao lời lăng nhục, từ khi vào Thượng thư đài ông ta lại phải nhẫn nhục chịu đựng Tào Tháo, không dám trái lời. Vừa không muốn mất đi danh tiết, lại phải bảo vệ sự phú quý của gia tộc, Hoa Hâm bắt buộc phải hy sinh một chút. Việc chia lại chín châu, sắc phong Tào công chẳng phải do ông ta trợ giúp? Cái thể diện này sớm đã chẳng còn, không muốn thờ hai chủ cũng đã phải thờ hai chủ rồi! Vì tiền đồ, vận mệnh của bản thân và cả gia tộc, ông ta không còn sự lựa chọn nào khác là dựa vào Tào Tháo…
— Sao chậm chạp thế, còn không ra tay đi? - Lư Hồng thúc giục.
Hoa Hâm nghiến ráng nghiến lợi, bước lên hai bước, tay run rẩy nắm lấy búi tóc của hoàng hậu - làm vậy có thể giết được người sao? Chỉ cần có điệu bộ dám làm là đủ rồi, Lư Hồng nháy mắt ra hiệu với đám quân lính, hai tên võ sĩ lập tức xông lên, mỗi tên một bên lôi hoàng hậu ra ngoài.
Lưu Hiệp vội vàng bước vào cửa điện, bị quân lính chặn ở bên ngoài. Thiên tử sao thắng nổi mấy tên võ sĩ? Ông ta thấy Hy Lự đứng lặng lẽ dưới bậc thềm, trong tay cầm cờ trắng, vội bước tới khẩn cầu:
— Si công, có thể thay trẫm nói với Tào công không?
Hy Lự như không nghe thấy, vẫn đứng im như tượng gỗ, chỉ cúi đầu lẩm bẩm:
— Đừng hỏi thần… không liên quan đến thần… không liên quan đến thần…
Đám lính tách ra, Phục hậu hồn bay phách lạc bị quân lính kéo ra ngoài, vừa nhìn thấy thiên tử đã thất thanh cầu xin:
— Bệ hạ cứu thiếp! Bệ hạ cứu mạng!…
Lưu Hiệp nhìn dáng vẻ tiều tụy bi ai của hoàng hậu, lại nhìn Hy Lự vô dụng đứng ngây ra, rồi lại thấy vẻ hổ thẹn của Hoa Hâm đang nắm tóc mai của hoàng hậu, đám sai nha hung bạo của Tào thị quát tháo ầm ĩ… tất cả cảnh tượng này sao lại quen thuộc thế? Mười lăm năm trước, con gái Đổng Thừa là Đổng quý nhân đang mang thai cũng bị bắt như vậy, nay lại tới hoàng hậu. Trời ơi! Đúng là cơn ác mộng vẫn đang kéo dài, đến lúc nào mới có thể kết thúc?
Phục hậu đau đớn khóc lóc:
— Xin bệ hạ cứu mạng!…
— Cứu mạng nàng? - Lưu Hiệp lắc đầu, - Trẫm còn không biết sống được đến lúc nào, thì sao cứu được nàng?
Hoa Hâm hổ thẹn không biết chui vào đâu, cảm thấy mình như bị ném ra giữa chợ cho mọi người soi mói. Ông ta buông nhẹ tóc của Phục hậu, run rẩy nói:
— Đi thôi… đi thôi…
Triệu Đạt thờ ơ nói:
— Chúng thần cáo lui! - Đoạn thúc quân lính áp giải Phục hậu đi. Lưu Hiệp lòng đau như cắt, quay lại nhìn hoàng hậu lần cuối. Đồng cam cộng khổ hơn hai mươi năm, Phục hậu chưa một ngày nào được sống trong vinh quang, sung sướng của hoàng gia, mà ngược lại toàn đau khổ, bất hạnh, đến cuối đời còn phải chịu cảnh này.
Lưu Hiệp cúi đầu, toàn thân run rẩy, nghe tiếng khóc thảm thiết của hoàng hậu xa dần, quay mặt lại vẫn thấy Hy Lự đứng ngây ra tại trận. Ông ta càng tức giận, gằn giọng hỏi:
— Giữa thanh thiên bạch nhật, há có thể xảy ra chuyện này?
Hỏi Hy Lự thì làm được gì? Hy Lự cũng giống như triều đình này, sớm đã biến thành cái xác không hồn, ông ta không nói không rằng, thẫn thờ nhìn Lưu Hiệp, tay vẫn cầm phù tiết, thất thểu ra về. Đi khá xa mới nói vọng lại, giọng sầu muộn:
— Trên đời này đã không còn Si Hồng Dự học trò của Trịnh thị, cũng không còn Hoa Tử Ngư đức cao vọng trọng… Ha ha… không còn nữa… - Cái xác không hồn kia đi chậm lại. Đúng vậy, ai mà không biết Hy Lự là học trò của Trịnh Huyền, ai mà không biết Hoa Hâm là danh sĩ Bình Nguyên? Chính vì thế Tào Tháo mới bức họ phải ra tay. Nếu ngay cả Hy Lự và Hoa Hâm cũng làm được chuyện này thì danh sĩ trong thiên hạ ai không thể vứt bỏ danh tiết để xin góp sức soái ngôi làm phản? Có ai không thể vứt bỏ liêm sỉ của bản thân để làm tay sai cho họ Tào? Tào Tháo một công đôi việc, sau khi phế bỏ hoàng hậu, lại dựng được hai tấm gương “biết nghĩ cho đại cục” giúp sức cho tân triều, đạo đức quyền uy tất thảy đã bị đập vỡ tan tành.
Lưu Hiệp muốn khóc mà không khóc nổi, tự vấn: Nếu không làm hoàng thượng mà chỉ là một nam nhân bình thường, một phu quân bình thường thì trẫm có thảm hại như vậy không! Trẫm có thể thay đổi tất cả điều này được không? Ai có thể giúp trẫm? Tuân Úc đã chết, hoàng hậu đã bị phế, ngay cả một người thành tâm thật lòng với trẫm cũng không có, vậy sống có ý nghĩa gì?…
— Ông trời, người hãy giương mắt mà nhìn xem! Trẫm là thiên tử, được giao trọng trách thống trị thiên hạ, nhưng giờ trẫm không muốn làm hoàng đế nữa… trẫm không muốn phục hưng nhà Hán, nối dài vận nước nữa, chỉ mong được làm người dân áo vải, lẽ nào ngay cả điều này cũng không được?!… - Lưu Hiệp kêu gào xé ruột xé gan, vừa đấm vào ngực vừa xé hoàng bào. Xung quanh ông có nhiều cung nữ và hoạn quan, nhưng không ai dám khuyên nhủ. Không phải bọn họ không có lương tâm, nói mấy câu an ủi thiên tử, mà họ sợ nếu để đến tai Ngụy Công thì sẽ khó giữ nổi mạng.
— Các ngươi đều câm, đều điếc hết rồi sao? - Một giọng nói sắc lạnh vang lên làm mọi người kinh sợ - Quý nhân Tào Tiết hay tin liền chạy đến đây.
Cung nữ, thái giám sợ mất vía, có thể đắc tội với thiên tử chứ không thể đắc tội với Tào gia, vội vã quỳ hết xuống. Tào quý nhân quắc mắt nhìn, lớn giọng nói:
— Là kẻ thân cận của thiên tử mà không thể chia sẻ buồn đau với chủ, giữ các ngươi phỏng có ích gì? Cút, mau cút hết cho ta!
— Dạ! - Đám nô tài trong cung nào đã từng gặp một phi tử hống hách như vậy? Ai cũng sợ sệt, luống cuống, vừa bò, vừa lết ra ngoài.
Lưu Hiệp không gào thét nữa, mà tức giận nhìn trừng trừng vào con gái của kẻ thù. Mấy canh giờ trước ông còn sợ nàng ta như đao phủ, giờ không sợ nữa, dù có quay đầu lại cũng không tránh được cảnh nước mất nhà tan, sợ còn có ích gì! Lưu Hiệp bước lên hai bước, giáng một cái tát vào mặt Tào Tiết.
— Bệ hạ!… - Tào Tiết loạng choạng, quỳ sụp xuống đất, - Tiện thiếp biết tội, nhà họ Tào nhận ân huệ của triều đình nhưng lại làm chuyện ức hiếp thiên tử. Có chặt hết trúc ở Nam Sơn cũng không ghi hết tội, dùng hết nước ở Bắc Hải cũng không rửa sạch vết nhơ! Thần thiếp ở đây, bệ hạ muốn đánh cứ đánh, muốn chửi cứ chửi, chỉ mong bệ hạ đừng tự giày vò bản thân…
Lưu Hiệp giơ tay toan đánh tiếp, nhưng lại chầm chậm hạ xuống. Khuôn mặt xinh đẹp của Tào Tiết vẫn hằn đỏ dấu tay, hai mắt chỉ chăm chăm nhìn Lưu Hiệp. Có thể thấy nàng ta không thông đồng với phụ thân của mình, mặc dù tính cách bộp chộp, không màng lễ nghĩa nhưng lại rất biết quan tâm tới người khác.
Dẫu sao Lưu Hiệp cũng là người thông tình đạt lý, hơn nửa đời sống trong đau khổ, giày vò đã tạo nên tấm lòng trách trời thương người, ông ta lặng lẽ thở dài: Lưu Hiệp à Lưu Hiệp, ngươi sao thế? Đừng nói nàng ta không có ý xấu, cho dù là do Tào Tháo phái đến giám sát thì cũng chỉ là một nữ nhi chưa đầy hai mươi tuổi, sao ta lại nỡ nhẫn tâm làm vậy? Đường đường là một trang nam nhi, lại là một hoàng đế, phải biết bao dung thiên hạ. Cứ cho là kết mối hận ngàn thu với Tào tặc thì sao có thể đổ lên đầu một nữ nhi yếu đuối? Nếu giơ tay đánh, mở miệng chửi thì ta cũng đê tiện khác nào nòi giống xấu xa của hoạn quan? Thật nhục nhã thay!
Lưu Hiệp từ từ buông tay:
— Mau đứng dậy đi…
— Thiếp đã vào cung thì là người họ Lưu. Thần thiếp có tội! - Tào Tiết dập đầu.
— Hừ! Tội không do nàng. - Lưu Hiệp chậm rãi đưa tay đỡ Tào Tiết đứng dậy. Không biết vì sao khi nắm lấy đôi tay mềm mại, nhìn vào đôi mắt to tròn của nàng ta, trong lòng ông lại thấy tin tưởng, - Nàng… có thể cầu xin phụ thân nàng tha cho hoàng hậu không? - Mở miệng cầu xin phi tử, đúng là thật khó.
Tào Tiết bị đánh đập, chửi rủa cũng không khóc, nhưng khi vừa nghe thấy lời này, nước mắt chợt giàn giụa, nói giọng nghẹn ngào:
— Thần thiếp lực bất tòng tâm… nếu thần thiếp có thể khuyên được phụ thân, thì đã không vào cung hầu hạ bệ hạ.
Ở đời sao lại có một phi tử giống như nàng ta, dám to gan nói rằng không muốn gả cho thiên tử? Nếu đây là một triều đình quy củ thì chỉ cần dựa vào câu nói này, Tào Tiết sẽ bị đẩy vào lãnh cung, cả đời không được gặp mặt vua. Nhưng Lưu Hiệp không những không giận mà còn bật cười: Đúng vậy, nàng ta chỉ đáng tuổi con trẫm, lại sinh ra trong nhà công hầu, từ nhỏ đã được nuông chiều, hưởng vinh hoa phú quý, sao có thể cam tâm tình nguyện hầu hạ trẫm? Nếu hầu hạ một vị vua trong thời thịnh trị thì không nói làm gì, nhưng lại phải hầu hạ một kẻ hết thời như trẫm thì có gì hay ho? Đúng là ý trời, ý trời! Trẫm cả đời mệt mỏi bởi người cha vô đạo, còn nàng lại bị người cha tàn nhẫn ép buộc, đúng là đôi uyên ương số khổ…
Tào Tiết càng khóc thì Lưu Hiệp càng cười. Cho đến lúc bước ra khỏi nỗi bi ai, Lưu Hiệp khẽ cúi xuống ôm chặt lấy Tào Tiết, gục vào vai nàng thổn thức, tựa như tìm được người tri kỷ.
Nước mắt của Tào Tiết cũng dần khô: Thôi, cả đời này cứ sống như vậy đi! Sinh ra làm kiếp đàn bà trong thời tao loạn thì biết làm sao? Hãy bầu bạn với thiên tử bù nhìn này vậy… Đang mải suy nghĩ lại nghe thấy tiếng nói khàn khàn của Lư Hồng:
— Đánh rắn phải đánh dập đầu, hoàng hậu đã bị phế, con của ả ta sao có thể ở trong cung? Mau đi bắt hai nghiệt tử do ả ta sinh ra!
Phụ tử tình thâm, Lưu Hiệp vừa tức vừa hận nhưng không biết làm sao, chỉ biết đau đớn nắm chặt lấy cánh tay Tào Tiết. Tào Tiết cũng vậy, ngoài việc ôm chặt người đàn ông khổ mệnh kia, nàng còn biết làm gì hơn?
Điều quân về Nghiệp Thành
Tháng Mười một năm Kiến An thứ mười chín, hoàng hậu Phục Thọ bị phế, giam vào trong lãnh cung, ít lâu sau cũng bị bí mật xử tử, hai vị hoàng tử do Phục hậu sinh ra cũng bị đầu độc chết. Huynh đệ tông thất của hoàng hậu đều bị khép vào tội mưu phản, xử chết hơn trăm người, thân mẫu của hoàng hậu là Lưu Doanh - trưởng công chúa An Dương, con gái Hán Thuận Đế, tuy may mắn bảo toàn được tính mạng nhưng cũng bị đày tới quận Trác, bị quản thúc sống còn khổ hơn chết. Danh gia vọng tộc Đông Châu “Phục bất đầu”(*) xưa nay có truyền thống về kinh học, không bao giờ tranh chấp với đời lại gặp phải kết cục diệt môn, thật khiến cho người đời thương tiếc! Đương nhiên, những chuyện này đều xảy ra khi Tào Tháo đang lui binh, nên tất cả đều là “chủ ý” của thiên tử, không liên quan gì tới ông.
Trên đường rút quân, Tào Tháo lại nhận được chiếu thư của thiên tử, tuyên bố Tào Tháo có thể chọn cờ tiên phong, Ngụy cung cũng có thể dựng giá treo chuông. Hai vật này đều chỉ có thiên tử được dùng, nay nghi trượng của Tào Tháo cũng không khác thiên tử là bao. Tháng Mười hai, đại quân cuối cùng cũng đến Diên Tân, chỉ cần qua sông Hoàng Hà là đến địa phận của Ngụy quốc.
Trong lần thứ ba Tào Tháo chinh phạt phía nam, tính từ lúc xuất quân đến khi quay về tổng cộng hơn bốn tháng. Quân Tào đặt chân đến bờ sông Trường Giang, vẫn chưa nhìn thấy mặt mũi của quân địch đã vội vã thu binh, không những tốn công vô ích mà còn lãng phí bao nhiêu quân lương, trọng thần Tuân Du lại chết trong doanh trại, trận đánh đầu tiên kể từ khi Tào Ngụy lập quốc “không thua mà bại”. Hơn nữa, trong lần xuất chinh này, từ văn võ quần thần cho đến binh sĩ ba quân đều có dị nghị, bọn Hiệu sự Lư, Triệu hành sự hà khắc, vì vậy Tào Tháo đã ban giáo lệnh:
Hình pháp, liên quan đến tính mạng của bách tính, nhưng người nắm giữ hình phạt trong quân ngũ lại không xứng với chức trách của mình, đem chuyện liên quan đến sự sống chết của ba quân đặt vào tay bọn họ, khiến ta rất lo lắng. Xét theo thời thế, phải chọn người tinh thông pháp luật, am hiểu lý lẽ để cai quản hình pháp.
Sau đó Tào Tháo liền đặt ra chức Lý tào duyện ở mạc phủ, từ đó trị tội quân pháp đã có Lý tào duyện xử lý, Hiệu sự không được can dự vào. Tướng sĩ ba quân vốn đã căm ghét hai tên tiểu nhân gian ác Triệu Đạt và Lư Hồng, nên nghe tin này bọn họ không những vui như mở cờ trong bụng mà còn hô lớn vạn tuế, Tào Tháo cũng coi như bù lại được chút thể diện.
Đại quân chuẩn bị xuống thuyền, chưa qua sông đã nhìn thấy bên bờ bắc cờ xí tung bay phấp phới - hóa ra Tào Thực nghe tin phụ thân trở về, đã phái các quan viên ra đón. Thái phó Vương Tu, Thiếu phủ Vương Lăng, Thị trung Hòa Hiệp dẫn đầu, theo sau có hơn trăm Lang trung, Nghị lang, Hổ bôn nghênh giá; phía mạc phủ cũng có Trưởng sử Trần Kiều, Tây tào duyên Từ Dịch, Môn hạ đốc Trần Lâm. Đúng lúc trời đông giá lạnh, mặt sông Hoàng Hà đóng một lớp băng mỏng, Thái thú Ngụy quận Triệu Nghiễm tập trung bách tính phá băng kéo thuyền, giúp binh lính vận chuyển xe lương. Tào Tháo cũng cảm thấy an ủi, dẫn theo Tào Phi, Tào Chương, Tào Hưu qua sống trước để gặp mặt quần thần.
— Cung nghênh Tào công thắng lợi về triều!… - Mọi người đều đồng thanh chúc mừng, ai cũng biết trận này kết quả ra sao, nhưng ngoài miệng vẫn phải hô lớn.
Tào Tháo cười gượng - Lúc xuất quân, ta còn cho rằng thiên hạ đã nằm trong lòng bàn tay, nào ngờ Lưu Bị không những không chết mà còn lấy được đất Thục, chuyện thành bại quả là không thể đoán trước được, xem ra thực sự không nên bỏ ngoài tai lời can gián! Nghĩ đến đây ông không khỏi hổ thẹn, tự cảm thấy cần vỗ về, an ủi quần thần.
Tây tào duyện Từ Dịch tâu:
— Chúa công ra chiếu cầu hiền, nhân sĩ tài đức do các địa phương tiến cử đã đến, hôm nay cũng cùng đi đón chúa công, không biết ngài có muốn gặp họ luôn không?
— Tốt quá. - Dựng nước ban ơn phải bắt đầu từ việc chiêu nạp hiền tài, hơn nữa bây giờ lại biết tin kẻ địch chưa bị diệt, Tào Tháo càng không dám chậm trễ, lập tức mời các nhân sĩ tiến lên phía trước - Hơn ba mươi người trong đó có Dương Huấn là văn sĩ Cự Lộc, Lý Đàm là văn sĩ An Bình, Trương Cố là nhân sĩ Nam Dương, Mậu Tập là con của Thái y lệnh Mậu Phỉ đã qua đời, Đông Lý Cổn là người Tân Trịnh, Trịnh Xứng là nho sĩ Khai Phong do Thôi Diễm tiến cử. Tào Tháo ban chiếu cầu hiền trong thiên hạ không chỉ có một lần, mỗi lần ít nhất cũng hơn trăm người ra làm quan; nhưng kể từ khi Tào Ngụy dựng nước, số người được mời ra làm quan không tăng mà lại giảm, đây có lẽ không phải dấu hiệu tốt.
Ai cũng hiểu rằng Tào Tháo tấn vị khai quốc, lại được dùng lễ cửu tích đã là vượt quá quyền hạn, huống hồ còn giết hại cả gia tộc hoàng hậu, hiền sĩ trong thiên hạ người thì căm hận, kẻ thì sợ hãi, vào lúc quan trọng thế này mấy ai dám đến xu nịnh? Mặc dù nghĩ vậy nhưng chúng nhân đâu tiện nói ra, chỉ giữ nụ cười trên môi.
Tào Tháo lẽ nào lại không biết? Ông sớm đã có chủ ý, phải trọng dụng toàn bộ đám người này, Yên Chiêu Vương vì muốn cầu hiền đã không tiếc vàng bạc để mua bộ xương ngựa, chỉ cần hậu đãi đám người này thì lo gì đám ẩn sĩ không nóng mắt? Tào Tháo hạ mình tiếp đãi nhân tài, đàm đạo với từng người một, mọi người thấy Tào công tôn trọng mình như vậy, ai cũng cảm tạ đại đức. Tào Thực nhìn thấy Tư Mã Ý đứng sau lưng Hòa Hiệp, trong bụng tính sẽ nói chuyện với Tư Mã Ý, khổ nỗi nhiều người không tiện nói, nên đành tính thầm.
Đột nhiên, Tào Tháo nhìn về phía một nhân sĩ áo vải đứng sau - người này thấp bé, tiều tụy, ba chòm râu đã ngả màu hoa râm, khuôn mặt dài chi chít nếp nhăn, lưng còng chân khuỷnh, mới ngoài bốn mươi tuổi nhưng nhìn như bảy mươi, trông còn già hơn cả Tào Tháo. Ông ta vận một chiếc áo vải thô bạc phếch, không biết bộ y phục này đã mặc bao nhiêu năm, gấu áo sờn lông, ống tay còn có mấy miếng vá. Mặc dù không câu nệ tiểu tiết nhưng khi gặp Thừa tướng đầu triều, chúa công hầu quốc há có thể xuể xòa như vậy?
Tào Tháo không những không giận mà còn lấy làm vui:
— Chao ôi! Đây chẳng phải Cát tiên sinh sao?
Cát Mậu, tự là Thúc Sướng, người huyện Trì Dương, quận Phùng Dực, người này tuy giản dị nhưng là một nhân vật có tiếng tăm. Quách thị, Điền thị, Cát thị đều là những họ lớn ở Phùng Dực. Cát Mậu cũng từng rất giàu có, tộc huynh ông ta là Cát Bản vốn là lão thần của hai triều, nay đang giữ chức Thái y lệnh ở Hứa Đô, nhưng Cát Mậu thì ngày càng nghèo. Chỉ vì ông ta có sở thích sưu tập sách, tìm kiếm thư tịch khắp nơi trong thiên hạ, nào là thiên văn địa lý, tuyển tập kinh sử, văn thao võ lược, thậm chí cả sấm vĩ, y bốc, sử thư đều thu thập hết, kết quả là hầu hết gia sản trong nhà đều bị Cát Mậu đổi lấy những cuốn thẻ tre. Cát Mậu không kén ăn, kén mặc, chỉ ngồi không mà gia trạch ngày càng nhỏ lại, cuối cùng thì sách cũng đã chất đầy cả phòng ngủ, cánh cửa cũng bị chắn, vì vậy mà thê tử ngày nào cũng mắng chửi ông.
— Thật hổ thẹn, hổ thẹn… - Cát Mậu trông thấy Tào Tháo bỗng xấu hổ đỏ hết cả mặt. Khi xưa, Tào Tháo đánh Quan Trung đã gặp Cát Mậu, có ý muốn trọng dụng, nhưng Cát Mậu nhiều lần từ chối ra làm quan, lần này lại mặt dày chủ động tìm đến.
Từ Dịch sợ Cát Mậu mất mặt, vội vàng cười nói:
— Cát tiên sinh lần này đến khác với trước đấy. Năm xưa ông ấy chỉ là người đọc sách, nay đã là hiếu liêm.
— Nói đúng lắm. - Tào Tháo cười nói, - Xem ra Trương Ký không những thông thạo sách lược mà còn có mắt nhìn người, một cao nhân như Cát tiên sinh mà không cử làm hiếu liêm thì còn chọn ai nữa? Hơn hai mươi năm trước, Quan Trung loạn lạc, mạng sống còn khó bảo toàn, nói gì đến thư tịch? Nếu không nhờ có Cát tiên sinh yêu quý sách vở, thì e rằng bao nhiêu sách quý đã bị hủy hết bởi chiến hỏa. Công lao sửa loạn tạo phúc một thời, công lao trị quốc tạo phúc một đời, công lao văn giáo tạo phúc ngàn đời, đây chẳng phải là công lao lớn nhất đó sao?
— Đúng vậy, đúng vậy… - Mọi người đều gật đầu phụ họa.
Cát Mậu suýt chút nữa thì rớt nước mắt, để bảo vệ thư tịch sưu tầm, bao nỗi khổ cực chỉ mình ông biết, nhưng giờ được người đời đánh giá thế này, cũng coi như không còn gì phải hối tiếc, ông thẳng thắn nói những suy nghĩ trong lòng với Tào Tháo:
— Tại hạ không dám lừa gạt Thừa tướng, tại hạ ham mê đọc sách không muốn làm quan, nhưng sống trong vỏ ốc đã lâu không có kế sinh nhai, mà nhờ vả người thân thì cũng không phải kế lâu dài, nay muốn xin chút bổng lộc để nuôi sống gia đình cho qua ngày. Cho dù không phải vì mình thì cũng vì đống thư tịch chất đầy nhà kia…
Lời này khiến cho những người có mặt ở đó không khỏi lo âu: Lại có kiểu nói thẳng vậy sao? Nếu đúng như ông ta nói, triều đình Ngụy quốc há chẳng phải nơi kiếm cơm? Bao nhiêu ẩn sĩ tên tuổi không chịu xuống núi, khó khăn lắm mới tìm được một người thì lại nói vì kế mưu sinh, Ngụy Công liệu có vui vẻ?
Nào ngờ Tào Tháo ngẩng mặt cười:
— Việc này có gì khó? Tiền của trong thiên hạ dồi dào là thế, lẽ nào lại không nuôi nổi một kho tàng sách sống? Tiên sinh đã có lời, ta cũng sẽ ban ơn. Nhưng chưa có công mà nhận thưởng, nếu tin này truyền ra ngoài sẽ ảnh hưởng tới danh dự của tiên sinh. Như thế này đi, ta sẽ biểu tấu tiên sinh về quê làm Huyện lệnh, tiên sinh nhận lấy sáu trăm thạch bổng lộc, vừa được làm quan lại không phải rời xa đống sách, đúng là vẹn cả đôi đường, tiên sinh thấy sao?
— Ôi, thế này… - Cát Mậu không biết nói thế nào.
— Không cần từ chối. - Tào Tháo không muốn làm khó ông ta, - Sau này ta sẽ dặn dò Trương Ký chọn mấy thuộc hạ thạo việc đến huyện của tiên sinh, tiên sinh không cần phải động chân động tay, cứ để chúng xử lý công việc, nếu xảy ra chuyện gì, ta sẽ hỏi tội chúng. Nếu tiên sinh muốn làm việc thì cứ đến đại đường ngồi, còn không thích thì về nhà nghỉ ngơi, chúng sẽ không ngăn cản.
Cát Mậu có không hài lòng cũng không được:
— Xin đa tạ minh công.
Tào Tháo cũng thoải mái, thực ra ông coi trọng danh tiếng của Cát Mậu hơn tài năng, những người như vậy phải nghĩ đủ cách để khiến họ nhận lấy chức quan thì mới dễ dàng cho người đời thấy mình là người yêu mến hiền tài. Tào Tháo nói thêm vài câu rồi đi gặp người khác, nhưng chỉ chắp tay chào hỏi, đến khi Từ Dịch giới thiệu:
— Vị này là Đổng Ngộ, Đổng Lý Trực người Hoằng Nông, đảm nhiệm chức Hoàng môn thị lang, nhận lệnh của Thừa tướng chuyển đến Nghiệp Thành.
— Ồ, các hạ chính là người giảng giải cho thiên tử về Lão Tử. - Tào Tháo nhìn kỹ từ đầu tới chân, chỉ sợ người này ở gần thiên tử dễ nảy sinh lòng thù hận. Đổng Ngộ khoảng trên dưới bốn mươi tuổi, dáng người chắc nịch, tướng mạo bình thường, không giống với người có tài năng xuất chúng, thậm chí trông còn hơi cổ hủ. Nhưng Tào Tháo vẫn không hề khinh suất, khi xưa thầy của Hiếu Linh Đế là Lưu Khoan, Dương Tứ, thầy của Lưu Hiệp trước đây cũng là Tuân Duyệt, Tạ Cai; những người này tuổi đã cao vẫn có vinh dự thị giảng, chắc không phải hạng tầm thường. Do vậy, Tào Tháo mới hỏi, - Đổng đại nhân tinh thông sách nào?
Đổng Ngộ trầm giọng, lời lẽ khiêm tốn:
— Tại hạ kiến thức hạn hẹp, chỉ chuyên Lão Tử và Tả truyện, không dám nói là tinh thông, cố lắm thì tàm tạm.
— Có ai theo học đại nhân? - Lời Tào Tháo nghe qua có vẻ hờ hững, nhưng lại rất thâm sâu. Nếu có môn sinh theo học thì Đổng Ngộ không đơn thuần chỉ là nghiên cứu học vấn, mà có thể là chủ của cả một đám nhân sĩ học thuật, cho nên đề phòng bất trắc, Tào Tháo phải hỏi cho kỹ càng.
Đổng Ngộ đáp:
— Thưa, không có môn sinh nào.
— Vậy có dạy cho bằng hữu nào đang làm quan không?
— Đóng cửa khép mình, không gần ai cả.
— Đệ tử tông tộc thì sao?
— Cũng không có.
Tào Tháo không tin:
— Người giỏi giang như đại nhân, há lại chẳng có ai đến cửa xin học?
— Người đến xin học đúng là không ít, nhưng đều bị hạ quan từ chối. - Nói đến đây trong mắt của Đổng Ngộ lộ vẻ đắc ý, nhưng chỉ là thoáng qua.
— Tại sao? - Tào Tháo liên tiếp hỏi, không để cho Ngộ có cơ hội suy nghĩ.
— Các bậc tiên hiền, bác sĩ đọc sách là để nghiên cứu học vấn, viết sách là để bày tỏ chủ trương, sở kiến của mình với hậu thế. Từ họa bè phái đảng cố, giết hại các thái học sĩ của triều trước cho đến nay, chính giáo suy bại, kinh học sa sút, chiến tranh loạn lạc, lòng người thay đổi, đến nay mười người hiểu biết kinh học thì có tám người mong ra làm quan, muốn dùng việc nghiên cứu học vấn để trục lợi. Những kẻ như thế đến xin học, cho dù hạ quan có tận tâm dạy dỗ thì cũng có ích gì? Hạ quan bảo họ đem sách đọc đủ một trăm lần rồi hãy quay lại.
— Sao kia? Ha ha ha!… - Tào Tháo nghe câu này không còn thấy ác cảm nữa, - Đọc đủ trăm lần, quả là cách từ chối khéo. - Nhưng ông lại nghĩ, đóng cửa khép mình cũng chưa hẳn là một ý hay để giữ sự bình an.
Đổng Ngộ lại nói:
— Cũng không phải hạ quan cố ý trả lời qua loa, lấy lệ. Đọc sách một trăm lần, cốt là để mình tự hiểu. Nếu có thể chuyên tâm đọc sách, tự mình lĩnh hội những đạo lý quan trọng trong đó thì hà tất phải đi câu cạnh người khác giảng giải làm gì?
— Đọc sách một trăm lần, cốt là để mình tự hiểu. Mọi người đều cảm thấy buồn cười.
Tào Tháo nhìn Tư Mã Ý một lúc mới định thần lại, nghe thấy câu này thú vị, bèn chậm rãi nói:
— Một quyển sách đọc một trăm lần tốn biết bao thời gian, người sống ở đời không thể thiếu được chuyện ăn ở, đi lại, cưới hỏi, ma chay, tính kế sinh nhai, ai có thể bỏ ra nhiều thời gian đến thế?
Đổng Ngộ vuốt râu, cười nói:
— Tại hạ chọn ba thời điểm nhàn rỗi để đọc sách.
— Ba thời điểm nhàn rỗi là khi nào?
— Mùa đông, hết vụ nông là mùa nhàn rỗi nhất trong năm; ban đêm không phải lo việc, là lúc nhàn rỗi nhất trong ngày; và trời mưa, không tiện ra ngoài, cũng là lúc nhàn rỗi nhất. - Câu nói của Đổng Ngộ khích lệ nhân sĩ nên trân trọng những khoảng thời gian rảnh rỗi trong mỗi năm, mỗi ngày, mỗi khắc để chăm chỉ đọc sách.
Tào Tháo bỗng đưa mắt nhìn Tào Phi - Đã nghe rõ chưa? Đọc sách là phải cần mẫn, chăm chỉ, bây giờ đang là mùa đông, là khoảng thời gian nhàn rỗi nhất. Con hãy về đóng cửa đọc sách, chớ nên làm những việc linh tinh.
Tào Phi đang yên đang lành bỗng bị phụ thân tạt cho gáo nước lạnh. Đóng cửa đọc sách nói cho hay chứ thực ra là muốn nhắc y chú ý làm việc, và cũng không cho phép qua lại với bất cứ ai. Nếu đúng như vậy, chẳng phải Tào Phi càng bị tụt lại so với Tào Thực?
Tào Hưu nhìn thấy sắc mặt Tào Phi lộ vẻ bất mãn, vội vàng giải vây:
— Mùa đông đọc sách đúng là rất hợp lý, nhưng hợp lý nhất vẫn là đọc vào ngày mưa trong mùa đông hoặc khi đêm tối, mà nếu đọc được vào đêm của ngày mưa mùa đông thì quả là phù hợp với ba ý trên! - Câu đùa này làm mọi người đều cười nghiêng ngả, ngay cả Đổng Ngộ cũng thấy vui vẻ.
Cuối cùng thì Tào Tháo cũng nhìn rõ được chân tướng của Đổng Ngộ, quả nhiên chỉ là một thư sinh mặt trắng thật thà, nên trong lòng thấy nhẹ nhõm hơn. Từ Dịch lại kéo một người đốn rồi nói:
— Chúa công, đây chính là người do ngài chỉ đích danh ra làm quan, Tư Mã Thúc Đạt.
Tào Tháo và Tào Phi đều chú ý đến người này, Tư Mã Phu dáng người không cao, mặt mũi khôi ngô, tuấn tú nhưng lại thiếu vài phần lanh lợi, cử chỉ toát lên vẻ thận trọng. Huynh trưởng của Tư Mã Phu là Tư Mã Lãng đoan chính, nho nhã, nhị huynh là Tư Mã Ý phóng khoáng, hào hoa, còn Tư Mã Phu thì chẳng có chút phong thái nào của hai huynh, thậm chí trông còn khá nhút nhát, khoanh tay cung kính, tướng mạo có nét giống Đổng Ngộ.
— Có biết tại sao ta vời ngươi ra làm quan không? - Tào Tháo hỏi thẳng
Tư Mã Phu thẳng thắn, khẽ nói:
— Thưa, hạ quan không biết.
— Vì ngươi đóng cửa đọc sách, có chút tài năng, hơn nữa họ Tư Mã và ta cũng có quan hệ. - Tào Tháo vuốt râu, - Nhị huynh của ngươi đều ở nơi triều đường, nay ngươi cũng nên tận lực phù quốc. Ta nghe nói Tư Mã Kiến Công có tám người con, sau này nếu không có gì thay đổi, ta sẽ trưng vời hết huynh đệ nhà các người. Tìm được người phò tá việc nước không phải dễ dàng gì, họ Tư Mã nhà ngươi có tiếng lâu đời, nay phải tận trung với Ngụy đình, làm tấm gương sáng cho thiên hạ noi theo. Đã nhớ chưa?
— Dạ. - Tư Mã Phu liên tiếp gật đầu.
— Tốt lắm. Bây giờ ta sẽ phong cho người làm Văn học thị tòng của Lâm Tri hầu, sau này siêng năng đèn sách với con ta, nếu hắn có điều gì không đúng, phải lập tức chỉ giáo, khuyên gián…
Tào Phi đột nhiên sợ hãi, quay đầu nhìn Tư Mã Ý, tuy nhiên Tư Mã Ý có vẻ khó xử nên đã cúi đầu, không nhìn rõ thần sắc.
Tào Tháo nhìn chúng nhân rồi nói
— Khi xưa Chu Công cầu hiền, đang ăn cơm, gội đầu cũng phải dừng lại. Ta mặc dù không thể so với bậc thánh hiền thời xưa, nhưng cũng có suy nghĩ giống Bá Nhạc(*). Thế gian này có bao kẻ theo đuổi danh vọng, nhưng không biết rằng danh vọng đó có thể là giả, và bản thân họ cũng chưa hẳn đã là người tài. Bá Di hẹp hòi, Lưu Hạ Huệ vô lễ, những hiền sĩ ngày xưa còn bị chê trách, huống hồ người khác? - Nói đến đây Tào Tháo lại chuyển giọng, - Trần Bình, công thần dựng lên nhà Hán từng tư thông với chị dâu. Tô Tần, nhân sĩ chấn hưng nước Yên, chỉ giỏi mỗi khua môi múa mép, nhưng đều làm nên sự nghiệp. Vậy nên, kẻ được coi là hiền sĩ mà không giúp ích được cho xã tắc thì không ban thưởng, còn người bất hiền nhưng không làm ảnh hưởng tới việc trị quốc thì không trừng phạt. Đối với ta, có tội thì mới phạt, giả như có chút tài cũng sẽ được trọng dụng. Cho nên sau này các châu, quận tiến cử người không cần quá câu nệ đến thanh danh môn đệ, hình dáng thường ngày, cổ nhân có câu “Mệnh quý, tòng tiện địa tự đạt đạt.”(*) Không bỏ sót bất kỳ người tài nào thì xã tắc mới hưng thịnh.
Quần thần đồng thanh hưởng ứng, Tào Tháo không để lỡ việc, lập tức đọc khẩu lệnh cho Trần Lâm chép lại, truyền đến khắp các châu quận:
Người có đạo đức, chưa hẳn sẽ làm nên việc; người làm nên việc, chưa hẳn là người có đạo đức. Trần Bình há phải người có đạo đức, Tô Tần há phải kẻ giữ chữ tín? Nhưng Trần Bình lập lên cơ nghiệp của nhà Hán, còn Tô Tần giúp sức được nước Yên. Từ đó có thể thấy, người tài cũng có khuyết điểm, há có thể không dùng? Xét kỹ được điều này thì người tài mới không bị bỏ sót, quan viên mới không trễ nải công việc.
Bốn năm trước, Tào Tháo từng ban một đạo Cầu hiền lệnh, trong đó có câu “xét tài mà cử, để ta dùng họ” đã trở thành chủ đề bàn tán. Nay lại ban bố lệnh này, có vẻ như đã giải thích rõ về việc tuyển chọn nhân tài trước kia, nhưng một số người cũng nhận ra rằng, sắc lệnh này so với trước kia còn thêm ý khác. Cầu hiền lệnh được Tào Tháo ban bố sau trận đại bại Xích Bích, lòng người không yên, một là muốn giành giật nhân tài với Tôn Quyền và Lưu Bị, hai là cất nhắc những nhân sĩ bần hàn để khống chế hào tộc. Nhưng sắc lệnh lần này lại chú trọng vào khuyết điểm của người khác, ý nói những người có tài mà thiếu đức vẫn sẽ được trọng dụng, có thể lấy chuyện Hoa Hâm, Hy Lự bức thiên tử, phế hoàng hậu làm ví dụ. Điều này càng chứng tỏ nguyên khí của Tào Ngụy không thịnh nên phải mở đường quan lộ cho người trong thiên hạ. Nói ngắn gọn một câu: Chỉ cần ngươi chịu dốc sức cho Tào mỗ, thì dù tiếng tăm không tốt hay từng phạm phải lỗi lầm, ta cũng quyết không bạc đãi!
Quần thần đồng thanh hô thánh minh, tướng lĩnh các bộ cũng lục tục qua sông, lúc này mới dàn hàng ngũ cùng về Nghiệp Thành. Tào Tháo cũng không gọi dũng sĩ hộ vệ, bên phải có Cát Mậu, Trịnh Xứng, bên trái có Đổng Ngộ, Mậu Tập và các nhân sĩ mới đi cùng. Đúng là cảnh tượng người tôn kính người, tán thưởng lẫn nhau, Tào Tháo cho họ chút vinh dự, còn bản thân ông thì được tiếng là yêu mến người tài. Lần nam chinh này mặc dù tốn công vô ích, nhưng lại có thể dàn hàng oai phong, vui mừng trở về Nghiệp Thành, cũng đủ giữ thể diện rồi.
Nhưng Tào Phi ở phía sau thì không thoải mái như vậy, y không ngờ phụ thân lại phái Tư Mã Phu đến phủ tam đệ - Người nhà họ Tư Mã đã vào cửa phủ của Tào Thực, liệu sau này còn có thể tin tưởng được nữa không? Ta theo quân hơn bốn tháng nay, Tào Thực đã cai quản Nghiệp Thành như thế nào? Thôi Diễm, Mao Giới có thay lòng đổi dạ?
Tào Phi chẳng còn tâm trạng bắt chuyện với người khác, từ từ đi chậm lại phía sau, nhìn xa về bãi sông mà trong lòng u ám - Mùa đông nước cạn, để trợ giúp đại quân vận chuyển xe quân nhu, Huyện lệnh các vùng lân cận phải điều động dân chúng kéo thuyền theo kênh đào hai bên bờ sông. Bất kể đàn ông, đàn bà, trẻ nhỏ, mọi người đều hò dô kéo thuyền. Tiết trời rét đậm nhưng mồ hôi ai nấy vẫn chảy đầm đìa. Ông trời vốn không công bằng, người thì cưỡi ngựa ngồi xe, ung dung tự tại, kẻ thì vất vả khổ sở; cách đó không xa có một chiếc thuyền chở lương thảo, một đôi nam nữ đang vất vả kéo thuyền, còn có một đứa bé, xem ra cũng trạc tuổi Tào Duệ - con trai Tào Phi, bé loắt choắt không cầm nổi sợi dây, nhưng cũng cố đẩy thuyền, nước lạnh ngập ngang bụng, vừa đẩy vừa thở, đầu sắp cắm xuống mặt nước.
Lúc này, Tào Phi thấy mình cũng giống gia đình kia, mặc dù không sinh ra trong bần tiện nhưng cũng có lúc thời vận không thuận, vất vả cực nhọc, không ngóc lên nổi, bèn thuận miệng ngâm rằng:
Bên sông cây rậm rạp,
Đám cỏ dại xanh xanh.
Xa cố hương làm khách,
Bước tới vạn dặm xa.
Vợ khóc con níu áo,
Lau nước mắt ôm nhau.
Dúi con vào lòng vợ,
Quay lại chào anh chị.
Lưu luyến giờ biệt li,
Ngựa sẵn sàng lên đường.
Vai kéo con thuyền màu,
Bao năm dài đói khất.
Ai làm mình nghèo khổ?
Nỗi lòng này ai hay?(*)
— Ai khiến thời vận của ngươi không thuận, ai làm cho mệnh ngươi khổ, giờ biết làm sao đây?…
— Ngũ quan tướng trách trời thương dân, là phúc của muôn dân trăm họ. - Không biết Tư Mã Ý đã lặng lẽ đứng phía sau Tào Phi từ lúc nào.
Tào Phi quay đầu nhìn ông ta, không nói câu nào.
Tư Mã Ý đã nhìn thấu tâm can của Tào Phi, biết được vị công tử này trong lòng buồn bực, vội nói mấy câu an ủi:
— Ngũ quan tướng làm thơ rất hay, Lâm Tri hầu mặc dù xuất khẩu thành thơ, hạ bút thành văn, nhưng trong tất cả các bài thơ đã làm có bài nào viết về nỗi khổ của dân chúng? Ông trời muốn giao trọng trách cao cả cho ai, tất sẽ làm cho người đó lao tâm khổ tứ, vất vả cực nhọc, héo mòn thân xác. Chịu được sự sỉ nhục thì mới là bậc minh chủ xã tắc; yêu nước thương nòi ngay cả khi hoạn nạn thì mới là vua thiên hạ! - Câu nói này ý tứ rất rõ ràng.
Tào Phi cảm thấy được an ủi, nhưng vẫn không thoải mái:
— Ta và ngươi giao thiệp đã lâu, lệnh tôn và phụ thân ta cùng giúp việc triều đình, nay lệnh đệ lại thành người của tam đệ, chúng ta cũng coi như bạn thế giao rồi.
Tư Mã Ý tất nhiên hiểu ý thăm dò của Tào Phi, nhìn trái ngó phải, thấy không ai để ý mới nói thầm vào tai y:
— Tại hạ xin dốc toàn lực phò tá Ngũ quan tướng, nhưng có câu “Binh vô thường thế, thủy vô thường hình,”(*) biết mình biết người mới là thượng sách. Lẽ nào Thúc Đạt sang bên đó lại không tốt?
Tảng đá đè nặng trong lòng Tào Phi đã được dỡ xuống, y thở phào nhẹ nhõm, mặt tuy chưa lộ nét vui nhưng cũng thuận miệng nói:
— Xa cách đã lâu, hôm nào đến phủ ta uống vài chung rượu nhé. - Tào Phi đứng cách Tư Mã Ý mấy bước, nhưng không giấu nổi sự suốt ruột trong lòng, bèn nói thêm, - Ta còn có một việc muốn nói riêng, tối nay đến nhé…
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9