Books had instant replay long before televised sports.

Bern Williams

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Thùy Linh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 29
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 134
ao thấp phân minh, Tào Thực được lòng phụ thân
Cao thấp phân minh
Chớ nhìn vẻ ngoài bình thản, mặt không biến sắc của Tào Tháo, thực ra trong lòng ông đang rối bời vì chuyện lập người kế vị. Tào Phi và Tào Thực mỗi người đều có sở trường và danh tiếng riêng, thật khó phân cao thấp. Bởi thế, Tào Tháo đã cố ý hoán đổi chức vị của hai con, hy vọng dựa vào sở đoản của họ để đánh giá, so sánh. Khi biết Tào Phi đã đôn đốc việc xây dựng lầu đài một cách ổn thỏa, còn Tào Thực cũng đã kiểm tra thống kê ruộng đất khai khẩn một cách khéo léo, cả hai đều vượt được qua cửa ải khó khăn, Tào Tháo đành tìm cách khác. Ông kiểm tra tài ứng biến, sự quyết đoán của các con bằng cách cố ý cho họ cầm thư tay của mình, mỗi người đi theo một hướng, trong khi đó âm thầm dặn dò Dương Bái không được để binh sĩ lơ là. Nước cờ bất ngờ này quả nhiên đã phân rõ được cao thấp. Tào Phi bị quân lính chặn lại, không dám trái ý, còn Tào Thực đã giết viên gác cửa và xông ra khỏi thành. Phụng mệnh hành sự há có thể bỏ dở giữa chừng? Tào Thực đã giành được thế thắng, hơn nữa Tào Tháo vốn yêu quý Tào Thực nên qua lần thi này, cán cân trong lòng ông càng nghiêng về phía Tào Thực.
Tào Phi và Tào Thực đúng là được một phen vất vả, nhưng chuyện thiên tử ban thưởng cũng không hẳn là lời đồn vô cớ. Mấy ngày sau, các quan trong triều gồm Trung úy Hình Trinh, Tả trung lang tướng Dương Tuyên, Yết giả bộc xạ Bùi Mậu cầm phù tiết đến Nghiệp Thành, ban thưởng cho Tào Tháo ấn vàng, lụa đỏ, mũ viễn du và truyền đạt chiếu lệnh của thiên tử - Vị trí của Tào Tháo đứng trên các vua chư hầu. Từ đó, Tào Tháo tuy không có tước vương nhưng quyền lực lại trên cả các chư hầu tông thất.
Tào Tháo mặc dù thích thú nhưng việc này đã nằm trong dự liệu của ông. Các quan của Ngụy quốc ân cần khoản đãi ba vị khâm sai, giữ họ ở lại thêm mấy ngày, đặc biệt Yết giả bộc xạ Bùi Mậu và nhi tử là Bùi Tiềm vốn từng phò tá Lưu Biểu, sau này đầu quân cho Tào Tháo và được trọng dụng, đã được phong chức Thái thú Đại quận. Khi xưa phụ tử họ bất hòa, mỗi người một nơi, cả hai không muốn quay về chốn cũ, đến nay đều thành người của Tào Tháo.
Mọi sự tiếp đãi vừa được sắp xếp ổn thỏa thì nhận được tin cấp báo từ Ưng, Lương, Hạ Hầu Uyên liên tiếp thắng trận, đã đánh tan Mã Siêu, Hàn Toại, Mã Siêu theo Trương Lỗ nhưng vẫn không nguôi lòng phục thù, bèn mượn một vạn quân của Hán Trung quay lại đánh quân Tào. Dương Phụ, Triệu Ngang, Khương Tự trấn thủ Kỳ Sơn quân ít địch đông, qua nhiều ngày số binh sĩ thương vong càng tăng, nên đã xin Hạ Hầu Uyên cứu viện. Hạ Hầu Uyên phái Trương Cáp chia quân khẩn cấp tới Kỳ Sơn, hợp binh với các bộ Ưng, Lương, hai bên giao chiến ác liệt, Mã Siêu lại thua trận, đành rút về Hán Trung. Hàn Toại cũng bắt đầu gặp vận đen, ông ta đưa hơn vạn quân về đóng tại huyện Hiển Thân, thành trì nơi đây kiên cố không dễ tấn công, lại thêm Đê tộc ở huyện Hưng Quốc tiếp ứng, rất khó thất bại. Nhưng cái khó ló cái khôn, Hạ Hầu Uyên - vị “bạch đinh tướng quân” từng bị Tào Tháo khiển trách, lần này cũng đã nghĩ ra mưu kế, ông ta tự mình dẫn một toán quân đột kích sông Trường Lý, bắt một số bộ lạc Khương tộc làm con tin. Dưới trướng Hàn Toại phần lớn là người Khương, gia quyến của họ bị bắt lẽ nào lại không cứu? Hạ Hầu Uyên cho đắp tường cao hào sâu quần nhau với địch, chờ quân cứu viện đến để quyết chiến một trận, cuối cùng Hàn Toại thua trận rút về quận Tây Binh. Ngay sau đó, quân của Tào Tháo lại bao vây huyện Hưng Quốc, thủ lĩnh Đê tộc là Dương Thiên Vạn một mình đơn độc khó chống đỡ nổi, đành dẫn quân xông lên phá vòng vây, chạy đến Hán Trung. Đến lúc này, mảnh đất Ưng, Lương mới lấy lại sự yên bình.
Tin Hạ Hầu Uyên liên tiếp thắng trận khiến Tào Tháo vui mừng khôn xiết, ông không ngờ rằng vẫn còn có một chuyện đại hỷ như vậy từ trên trời rơi xuống. Chư tướng ở Kỳ Sơn lại tiết lộ tin cơ mật - Lưu Bị đã chết! Hóa ra chuyện Lưu Chương và Lưu Bị bất hòa là có thực, Lưu Bị hợp binh với quân Bạch Thủy quan tiến vào Thành Đô, mới đầu thuận buồm xuôi gió, vây khốn Huyện lệnh Vương Liên ở Tử Đồng, đánh bại mấy đội binh mã của Lưu Quý, Linh Bao, Đặng Hiền ở huyện Phù, Thành Đô lệnh Lý Nghiêm, Tham quân Phi Quan trấn thủ Miên Trúc còn chưa bắn mũi tên nào mà cửa thành đã mở. Lưu Bị tận mắt nhìn thấy Thành Đô gần trong gang tấc, không ngờ lại bị chặn lại ở huyện nhỏ Lạc Thành. Thành này do nhi tử của Lưu Chương là Lưu Tuần trấn thủ, đây là việc liên quan đến sự tồn vong của đất nước, hơn nữa còn có hãn tướng Thục Trung là Trương Nhiệm đóng quân phòng bị, nên Lưu Tuần đã tử thủ chặn đứng Lưu Bị ở ngoài thành, hai bên giằng co suốt nửa năm. Có lẽ Lưu Bị nôn nóng muốn thắng nhanh nên tự mình thúc quân phá thành, bị trúng tên mất mạng.
Ban đầu Tào Tháo không tin, nhưng lại nhận được tin báo của Tào Nhân đang trấn thủ Tương Dương: Kinh Châu gần đây vội vã điều động binh mã, Trương Phi, Triệu Vân, Gia Cát Lượng lần lượt đưa binh vào đất Thục, xem chừng có việc hết sức nguy cấp. So sánh quân báo của hai bên, Tào Tháo không thể không tin, nếu Lưu Bị chưa chết tại sao các bộ của Kinh Châu lại vội vàng đến Thục? Chắc là vội đi cứu viện đám quân đang bị vây trong đất Thục, xem ra Lưu Bị đã chết thật rồi!
Lúc này trong thiên hạ, kẻ có thể đối đầu với Tào Tháo chỉ có Tôn Quyền và Lưu Bị, nay Lưu Bị đã chết, người kế vị còn nhỏ, chư tướng Kinh Châu ắt sẽ có ý phân rã, Tôn Quyền mất đi chỗ dựa vững chắc, cũng khó lòng đối địch với Giang Bắc, Trương Lỗ ở Hán Trung quân ít tướng yếu, Lưu Chương ở Thục Trung Nguyên khí đã hao tổn, không đáng lo ngại, số mệnh nhất thống thiên hạ chắc chắn đã định sẵn cho Tào thị.
Trên dưới Nghiệp Thành vui mừng hân hoan, quan viên Ngụy quốc, thuộc liêu mạc phủ đều đến chúc mừng Tào Tháo, duy chỉ có Lang trung lệnh Viên Hoán không đến chúc mừng. Tào Tháo sai người đến mời, thì ra khi xưa Lưu Bị nhận chức Duyện Châu mục từng tiến cử Viên Hoán làm Mậu tài, ông ta niệm ân tình cũ nên không đến chia vui. Tào Tháo cũng không tính toán mà còn khen ông ta là người có tình có nghĩa, hỏi ông ta những việc cơ yếu với tư cách là một Liệt khanh kiêm chức Ngự sử đại phu nước Ngụy. Viên Hoán tâu rằng:
— Nay đại nạn trong thiên hạ đã được trừ bỏ, phải coi trọng bồi dưỡng cả văn lẫn võ, đó mới là đạo trị lý lâu dài. Vì vậy, chúng ta có thể thu thập văn chương điển tịch, làm sáng giáo huấn của các bậc tiên thánh để thay đổi kiến văn của dân chúng, từ đó giúp xã tắc hình thành phong khí quy củ. Được như vậy thì ngay cả những dị tộc ở xa cũng sẽ thuần phục vì giáo hóa tốt đẹp của ta mà không cần phải dụng binh. - Tào Tháo nghe theo lời ông ta, lập tức truyền lệnh cho các châu quận tiến cử nhân tài, một là xây dựng văn đức, hai là để bổ sung quan lại cho nhà Ngụy.
Việc chúc tụng đã xong, chuyển sang bàn việc quân, mặt mũi ai nấy đều vui vẻ. Tào Tháo tuyên bố:
— Thứ sử Ưng Châu Vi Khang mở cửa hàng địch, bị giết vẫn chưa hết tội, nhưng niệm tình là hậu thế của công thần, hơn nữa lại do Lệnh quân Tuân Úc lúc sinh thời tiến cử, nên được tha miễn. Nay phong cho đệ đệ là Vi Diên hiện đang ở Nghiệp Thành làm Lang trung, tộc huynh của Vi Khang là người trong mạc phủ, cho làm Thừa tướng Tư trực, phái đến Hứa Đô để giám sát các quan. Ta phải cử một người đến Ưng Châu tiếp nhận chức Sứ quân, không biết ai có thể gánh vác trọng trách này?
Chung Do bẩm tấu:
— Trương Ký người Cao Lăng, huyện Phùng Dực, hiện đang giữ chức Thượng thư lang, xuất thân gia giáo, thanh liêm chính trực, từng giữ chức Quận lại Phùng Dực, Huyện lệnh Tân Phong, Kinh Triệu doãn, trong trận Bình Dương năm xưa đã giúp tại hạ du thuyết Mã Đằng, tài đức vẹn toàn, chính tích nổi bật, có thể gánh vác được trọng trách này.
— Vậy cứ theo lời Nguyên Thường. - Tào Tháo vui mừng, cho triệu Trương Ký lên điện nhận chức rồi nói, - Ngươi là người Quan Trung, nay nhận chức Thứ sử Ưng Châu, rạng danh áo gấm, vinh hoa phú quý trở về quê hương. Phải dốc sức báo ân triều đình. - Tất nhiên “triều đình” này là triều đình của Ngụy quốc, không phải triều đình nhà Hán.
Từ thời Hiếu Hoàn Đế đã có “Tam hỗ pháp”(*), người của địa phương không được làm Thứ sử tại quê mình, mặc dù từ khi chiến loạn đã không còn quy định hà khắc như vậy, nhưng trở về quê làm Thứ sử, nắm quyền giám sát và quân vụ quả là niềm vinh dự và tín nhiệm rất lớn. Trương Ký dập đầu khấu tạ:
— Tại hạ quyết không phụ hậu ân của minh công, mong minh công chỉ bảo thêm, tại hạ xin rửa tai lắng nghe.
Đúng lúc Tào Tháo đang có việc muốn nhắc nhở, nghe thấy lời này gật đầu rồi nhìn Tào Thực và Tào Phi đang đứng hầu cùng quần thần, ông đưa mắt liếc nhìn một lượt - Giặc bên ngoài đã không cần phải lo lắng, bây giờ việc nội chính quan trọng nhất là sớm lập người kế vị, sao không nhân cơ hội này thử thách hai nhi tử một lần nữa? Nghĩ đến đây, Tào Tháo ho một tiếng rồi nói:
— Tử Hoàn, Tử Kiến bước ra khỏi hàng… Trương Sứ quân sẽ đến Ưng Châu, hỏi ta có nhiệm vụ gì quan trọng gì cần giao phó, nhất thời ta chưa nghĩ ra, các con cho rằng Ưng Châu sau khi lập lại thì việc gì là quan trọng?
Tào Phi lần trước bị thua, lần này cướp lời nói trước:
— Hàn Toại mặc dù thất bại, nhưng dư đảng vẫn còn sót lại; huyện Bao Hãn còn có nghịch tặc Tống Kiến, tự xưng là “Hà Thủ Bình Hán Vương”, tự lập chế độ bách quan, nghe nói đã tồn tại hơn ba mươi năm. Trương Sứ quân có thể nhân thế thắng, cùng giúp Hạ Hầu tướng quân diệt trừ, Tây Châu sẽ được yên bình.
— Có lý. - Tào Tháo gật đầu. Việc quân chính trưởng tử quả là có kinh nghiệm.
Tào Thực mỉm cười, chắp tay nói:
— Những lời của huynh trưởng có lý, nhưng nhi tử cho rằng, việc đánh thành có thể để sau, đánh vào nhân tâm mới phải đặt lên hàng đầu. Nếu những kẻ ở xa không đầu hàng thì tu dưỡng văn đức để chúng tự thuần phục… - Tào Tháo nghe thấy câu nói đầy văn vẻ này đã lặng lẽ lắc đầu, nhưng nào ngờ Tào Thực lại chuyển giọng, - Từ thời Hiếu An Đế, chiến sự tây cương đã trải qua hơn trăm năm, nguyên nhân dẫn đến chiến tranh liên miên chính là người Hồ, Hán không hòa thuận, bộ lạc Khương, Đê không tuân theo luật lệ, chư tướng vùng biên ải ức hiếp các dân tộc khác, bọn tiểu nhân gian thần gây chia rẽ nên nảy sinh mâu thuẫn. Do vậy muốn làm chủ tây cương thi phải trị được bộ lạc Khương, Hồ, muốn trị được Khương, Hồ phải dùng văn đức, nếu có thể khiến các dân tộc khác một lòng quy phục, coi như sẽ thống nhất được xã tắc, mà lại giải quyết tận gốc của vấn đề, vậy có gì phải lo Tây Châu không yên?
Tào Tháo nghe xong chợt tư lự: Lời này rất hay! Nếu để so sánh, lời Tào Phi chẳng qua chỉ là tùy việc mà xét, còn Tào Thực biết xiển phát đại đạo, há không cao hơn một bậc? Trong lòng ông nghĩ như vậy, nhưng ngoài mặt lại không hề để lộ ý vui, chỉ nói:
— Tử Kiến đọc nhiều kinh sách, xem ra được lợi không ít.
Tào Thực mỉm cười nói:
— Thưa, cổ nhân đã truyền thi thư cho đời sau thì đó chính là đạo lớn trị quốc. Về chuyện cai quản Tây Châu, vừa hay Mạnh Kha đã nói “Vực dân bất dĩ phong cương chi giới, cố quốc bất dĩ sơn khê chi hiểm, uy thiên hạ bất dĩ binh cách chi lợi”(*), những câu này thật thiết thực. Nếu có thể vận dụng vào đạo vi chính, thông hiểu đạo lớn thì đâu cần phải tính kế sách gì nữa?
— Ha ha ha!… - Tào Tháo ngửa mặt cười lớn, - Lời của con có lý, nhưng thông hiểu đạo lớn há lại dễ dàng vậy? Con tự cho mình tìm được cách cai trị Ưng Châu, vậy ta hỏi con, làm thế nào để thu phục được lòng người Khương, Đê?
Tào Thực buột miệng đáp:
— Người Khương, Hồ tuy hung hãn nhưng tính tình thành thật, chất phác, có thể thương lượng, lấy ân đức để làm yên lòng, không được ức hiếp họ. Nay nếu Trương Sứ quân đến Ung Châu, hợp binh với Hạ Hầu tướng quân, xử lý một hai tên không chịu đầu hàng để thị uy, những kẻ còn lại sẽ khiếp sợ mà đến xin quy thuận. - Nói đến đây Tào Thực nhấn mạnh, - Sau đó nếu người Khương, Hồ muốn quy thuận, ta đợi cho họ phái người đến, không được phái người đi. Nếu ta phái người đến trước, người nhận mệnh muốn được lập công, tất sẽ dạy người Khương, Hồ cách nói lời hay ý đẹp khi xin hàng, như vậy việc quy hàng chỉ là giả tạo, không xuất phát từ thực tâm, bên ngoài tuy cung kính nhưng bên trong không tâm phục, lâu ngày tất lại tạo phản, xin phụ thân xem xét.
Tào Tháo có nằm mơ cũng không ngờ những lời này lại thốt ra từ miệng Tào Thực - khi xưa Dương Thu quy hàng, thu hồi quận An Định, Tào Tháo phong cho Quán Khâu Hưng làm Thái thú An Định, trước lúc đi nhận chức, ông ta đã nhắc nhở rằng “Người Khương, Hồ muốn liên kết với Trung Nguyên ắt sẽ tự phái người đến, ta không được phái người đi. Hiền tài khó kiếm, nhỡ lại gặp phải kẻ vì muốn kiếm công mà dạy người Khương, Hồ xin hàng thì khác nào làm hỏng mưu đồ, tốn công vô ích?” Kết quả Quán Khâu Hưng lại sai Hiệu úy Phạm Lăng đến bộ lạc người Khương, tên này cũng muốn lập công, liền xúi giục người Khương đầu hàng triều đình, còn khăng khăng yêu cầu cho Phạm Lăng làm Đô úy thuộc quốc. Quán Khâu Hưng biết được nội tình đã không đồng ý, sau đó Mã Siêu, Hàn Toại quay lại, quả nhiên người Khương đã theo họ tạo phản. Mấy hôm trước, Tào Tháo còn bí mật bàn bạc chuyện này với Thượng thư bộc xạ Lương Mậu nhằm tìm cách thu phục lòng dân ngoại tộc, không ngờ hôm nay những lời Tào Thực nói lại trùng với ý ông.
Tào Tháo quả thật không dám tin vào tai mình, liệu có kẻ nào đã dạy cho Tào Thực? Ông đưa mắt nhìn Lương Mậu, nhưng Lương Mậu lắc đầu - Tất nhiên là không, Lương Bộc xạ là người hành sự cẩn thận, há có thể tiết lộ quân cơ? Tào Tháo dằn lòng, quay ra nói tiếp:
— Chuyện Tây Châu tạm thời không bàn nữa, ta nghe nói Tôn Quyền đã dẹp yên được loạn Dự Chương, sợ rằng sẽ đến quấy nhiễu Giang Bắc, nên dùng kế nào để ứng phó?
Tào Phi đã ngầm cảm thấy sự việc hôm nay có gì kỳ lạ, vội vã cướp lời:
— Lư Giang mặc dù có Trương Liêu và Nhạc Tiến trấn thủ, nhưng binh mã ít ỏi, cần phải điều thêm binh sĩ trung quân đến chi viện.
— Nếu Tôn Quyền không đến thì sao? - Tào Tháo hỏi.
Tào Phi nói:
— Thưa, chúng ta cần lo trước tính sau, đề phòng chu đáo.
— Quân thay đổi thế như nước thay đổi hình, địch gần mà xa ta, chỉ e binh sĩ mỏi mệt không còn sức lập công. - Tào Thực chắp tay nói, - Theo ý của nhi tử, ngoài quân dân quận biên thùy, ta nên chiêu mộ thêm võ sĩ thiết lập lại quân đội, chuẩn bị lâu dài cho tương lai. Nếu chiến sự xảy ra thì trước mắt có thể chống cự, sau lại phái đại quân đi đánh, lo gì không thắng?
Lần này Tào Tháo hoàn toàn tin tưởng vào kiến văn của Tào Thực - Từ khi Hán Vũ Đế phục hưng cho đến nay, nhà Hán vẫn chưa xây dựng quân đội địa phương, việc phục dựng quân đội ở các quận cũng mới chỉ là kiến nghị do Huyện lệnh Đường Dương là Tư Mã Lãng tấu thư. Vì vậy, Tào Tháo đã cất nhắc Tư Mã Lãng làm Thứ sử Duyện Châu, bản tấu thư này hiện đang để ở hậu điện, ông vẫn chưa nói với ai về chuyện này. Nghĩ tới việc Tư Mã Lãng là bậc lão thần lâu năm, kinh nghiệm dạn dày mà Tào Thực lại có thể suy nghĩ giống ông ta, chẳng phải là đáng khen ngợi lắm sao?
— Có tiến bộ… Không quên những lời ta dạy trước đây, quả nhiên là có tiến bộ… - Tào Tháo vuốt râu lẩm bẩm.
Trên đại điện vẫn đang nghị sự, nhưng chỉ có rất ít người hiểu được sự cảm khái của Tào Tháo từ đâu mà có, còn phần lớn đều ngơ ngác nhìn nhau không hiểu; Tào Thực ánh mắt châm chú nhìn thẳng, còn Tào Phi sắc mặt xám xịt. Im lặng hồi lâu, Tào Tháo đột nhiên đứng dậy, bước xuống bậc vỗ vai Trương Ký:
— Những lời của Lâm Tri hầu nói ngươi đều nghe rồi chứ? Hành sự chớ kiêu ngạo, vội vã, trọng trách này ta giao cho ngươi, chớ phụ lòng ta… - Câu nói này dành cho Trương Ký, nhưng ánh mắt của ông lại nhìn về phía Tào Thực.
Trương Ký không dám nhìn lên, chỉ cúi gằm mặt, sao hiểu được hàm ý của những lời này là gì? Chưa kịp đáp lại thì đã nghe Tào Tháo nói:
— Chuyện hôm nay bàn đến đây thôi, rất tốt… rất tốt! Giặc ngoài đã diệt, việc nhà cũng không còn lo lắng nữa, ta có thể an lòng rồi, chư công bãi triều! Ha ha ha!…
Quần thần lui ra trong tiếng cười sảng khoái của Tào Tháo. Tào Phi mặt mũi thất thần, đứng thẫn thờ trên điện, rất lâu sau mới biết những người bên cạnh đã đi hết, ngửa mặt nhìn lên, phụ thân cũng đã vào hậu điện, y ra về mà đầu óc như ở trên mây.
Tin Lưu Bị đã chết truyền đi khắp nẻo đường góc phố của Nghiệp Thành, không chỉ các quan lại mà người dân cũng ăn mừng - Đánh nhau gần ba mươi năm trời, những ngày loạn lạc cũng sắp kết thúc rồi! Già trẻ trai gái ai nấy vui mừng khôn xiết, tranh nhau mua rượu thịt chúc mừng. Đến cả kẻ hung bạo, tàn ác như Nghiệp Thành lệnh Dương Bái cũng tươi cười hớn hở, những chuyện thị phi trên đường ông ta không quản nữa, dẫn Lưu Từ đi dạo khắp thành chung vui cùng bách tính. Tào Phi thì ngay cả tiếng đàn nhạc huyên náo cũng chẳng buồn nghe, cúi đầu buồn bã trở về phủ, trong lòng thầm nghĩ giấc mộng tiền đồ kiếp này coi như chấm hết!
Buổi tối hôm ấy có mấy vị khách đến phủ Ngũ quan tướng, toàn là những bằng hữu thường xuyên qua lại như Vương Xán, Lưu Trinh, Ứng Cừ và các tướng lĩnh thân cận là Vương Trung, Đoàn Chiêu, Nhậm Phúc. Những người này gần đây do ngại thân phận của Tào Phi nên ít qua lại, nhưng hôm nay cả thành cùng chúc tụng vui như ngày hội, nên có giao Lưu thế nào cũng không phạm vào điều kỵ. Nhưng Tào Phi còn lòng dạ nào mà tiếp đãi? Miễn cưỡng uống hai chén rượu rồi viện cớ trong người không khỏe, để Hạ Hầu Thượng, Chu Thước tiếp đãi thay, còn mình về phòng nằm, thở vắn than dài.
Một lúc sau, Chu Thước nhẹ nhàng bước vào:
— Công tử, Hiệu sự Lưu Triệu cũng đến.
Tào Phi nằm im trên giường, không động đậy:
— Phụ thân ta có gì sai khiến sao?
— Không phải. Hắn chỉ đến chúc mừng, nói là muốn vấn an ngài, một lát nữa sẽ đến gặp các công tử khác.
— Nếu không có việc gì thì ta không gặp, các ngươi thay ta tiếp đón. Tuy chỉ là một Hiệu sự, nhưng người ta đã đến đây, giữ lại uống vài chén rượu rồi hãy đi. - Tào Phi nói như hết hơi, - Hãy gọi Duệ nhi và Chân thị ra ngoài chào các vị đại nhân, chớ được vô lễ…
Chu Thước lại nhẹ nhàng bước đến trước giường:
— Ngài có tâm sự gì sao?
— Không có! - Tào Tháo quay người đi.
Chu Thước nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh giường:
— Tại hạ theo ngài đã hơn mười năm, ngài có chuyện gì có thể giấu người khác chứ làm sao qua được mắt tại hạ? Ngài hẳn là đang có tâm sự.
— Hừ! Không uổng công ta kết giao với ngươi. - Tào Phi thở dài, đem chuyện sáng nay kể lại hết cho Chu Thước.
Chu Thước nghe xong nhíu mày hồi lâu, nói:
— Có một chuyện, tại hạ hơi nghi ngờ… Lưu Trinh lúc nãy uống quá chén, vô tình nói với tại hạ, mấy ngày trước Dương Tu vào phủ của Lâm Tri hầu, nửa đêm ông ta đi tiểu nên vô tình nhìn thấy, đến khi trời sáng hỏi mọi người lại chẳng ai hay biết. Hình như Dương Tu lén đến rồi lại lén đi…
Chu Thước chưa nói dứt câu, Tào Phi đã ngồi bật dậy - Dương Tu là Thừa tướng chủ bạ, giúp phụ thân xử lý văn thư, lại thường xuyên cùng tham gia nghị sự, hẳn sẽ hiểu phụ thân hằng ngày để tâm đến việc gì. Có khi nào ông ta tiết lộ câu hỏi khảo hạch cho tam đệ? Trước đó không lâu ta có nghe đồn, hôm phụ thân gọi ta và tam đệ mỗi người đi một nơi để nghênh đón khâm sai, lúc đầu tam đệ bị quân lính ngăn lại đã muốn quay về, nhưng có một văn sĩ nói giọng Hoằng Nông chạy đến khuyên đệ ấy bạo gan hành sự, không được bỏ lỡ nhiệm vụ, cho nên tam đệ mới giết tên lính canh để ra tây môn. Chuyện này do một tên lính ở tây môn đồn ra ngoài, cũng không biết có đáng tin không, nếu tối hôm đó quả thực có người như vậy cũng khó mà nhìn rõ. Nhưng Dương Tu chẳng phải người họ Dương ở Hoằng Nông đó sao? Lẽ nào sự tiến bộ của tam đệ gần đây là do sau lưng có người chỉ điểm…
— Nếu đúng như vậy có gì phải sợ? - Tào Phi lấy lại tinh thần, - Đi!
— Dạ, đi đâu? - Chu Thước chưa hiểu.
— Ta vào cung, tố cáo Dương Tu!
Chu Thước vội kéo lại:
— Chỉ là nói miệng sao đủ làm chứng, ngài có chứng cứ rõ ràng không?
Câu này hỏi đúng điểm yếu của Tào Phi - Đúng vậy, ta tố cáo như vậy chắc chắn Dương Tu sẽ không nhận, ngoài việc cắn răng chịu đựng, ta còn có cách nào khác? Lưu Trinh là một văn sĩ không gần cũng chẳng xa, lại là thuộc hạ của tam đệ, nếu chuyện không thể giải quyết đành bắt hắn ra làm chứng, liệu khi đó hắn có chịu giúp ta? Ngay cả khi chứng minh được Dương Tu có đến chỗ tam đệ thì ai biết được bọn họ nói gì, nếu việc tố cáo không thành, phụ thân sẽ đối xử với ta thế nào? Chuyện này cần phải tính toán lâu dài… Nhưng tam đệ đã được yêu mến, nếu phụ thân dốc lòng bồi dưỡng, sau này có thể luyện được bản lĩnh thật sự, lúc đó ai còn tính đến chuyện thật giả trước đây?
Vội vã không được mà từ từ cũng chẳng xong, rốt cuộc nên làm thế nào? Tào Phi suy nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác:
— Tư Mã Trọng Đạt sao vẫn chưa đến, nếu có ông ấy ở đây thì tốt.
— Có cần… để tại hạ đi mời?
— Không cần, ông ấy không đến chắc là có lý do, để mai tính. Ngươi cứ tiếp tục đi tiếp khách, ta vẫn muốn nghỉ ngơi chút, đừng để người khác biết ta giả vờ. - Mặc dù nói như vậy, nhưng làm sao Tào Phi có thể ngủ được? Y trằn trọc cả đêm, trời vừa sáng đã thay y phục, chuẩn bị ngựa, đích thân đến bàn bạc với Tư Mã Ý.
Nào ngờ vừa mở cửa phủ đã nhìn thấy ngay một cỗ xe ngựa đi từ phía tây lại, đang đi qua cửa. Hóa ra là Từ Dịch, cũng là lão thần thân cận xưa nay.
— Ngũ quan tướng sớm thế này đã ra ngoài, chẳng hay định đi đâu?
— Ây dà. - Tào Phi không nói thật, - Đêm qua khắp nơi đều mở tiệc chúc mừng, chắc hẳn trong cung cũng vậy, không biết phụ thân uống có nhiều không. Ta sợ rằng người không khỏe, nên muốn vào cung xem sao.
— Ngũ quan tướng quả là hiếu thảo. - Từ Dịch che miệng ngáp, - Cũng không cần đi đâu, ta vừa mới từ trong cung về. Tinh thần của chúa công phấn chấn, trời chưa sáng đã gọi liệt khanh vào cung. - Nói đến đây, Từ Dịch nhìn đông ngó tây, không thấy có người mới nói nhỏ, - Không giấu gì ngài, chúa công trưng cầu ý kiến liệt khanh về việc lập người kế vị, lệnh cho mọi người dâng mật tấu. Ngài cứ yên tâm, luận tài, luận đức, luận tông pháp, luận giao tình, lão phu sẽ ủng hộ công tử, ngài…
Tào Phi đứng ngây như khúc gỗ, ngay cả những lời sau đó của Từ Dịch cũng không nghe rõ nữa - tính tình phụ thân y rõ hơn ai hết, chỉ cần trong lòng đã quyết thì người khác có nói gì cũng không thể lay chuyển được. Chuyện đã đến nước này, đúng là không hay rồi!
Tính một đằng ra một nẻo
Từ xưa tới nay, việc lập người kế vị rất ít khi trưng cầu ý kiến của các đại thần. Thứ nhất, chuyện này vừa là việc nước cũng lại là việc nhà, không thích hợp bàn luận công khai; thứ hai, nếu đem ra trưng cầu kiểu đó sẽ dẫn đến việc các quan xu nịnh, lập bè kéo cánh, tranh giành lẫn nhau. Nhưng mục đích trưng cầu của Tào Tháo lần này khá rõ ràng, vì Tào Phi sớm đã là Ngũ quan trung lang tướng, Phó Thừa tướng nên được ngầm thừa nhận là người kế vị, vì vậy ở đây không còn tồn tại vấn đề lập ai làm người kế vị nữa. Nay Tào Tháo lại đem vấn đề này ra hỏi mọi người, chủ yếu là muốn ám thị với quần thần: Tào Phi không hợp ý ta, ta phải chọn người khác. Vậy nên tiến cử ai? Không cần suy nghĩ nhiều, ngay đến bách tính cũng biết Lâm Tri hầu là nhân vật ngang hàng với Ngũ quan tướng. Trên điện, Tào Tháo cũng công khai khen ngợi Tào Thực, rõ ràng đã ngầm tiết lộ ý định. Cho nên đối với Tào Tháo, việc quần thần tiến cử Tào Thực kế vị chỉ là chuyện nước chảy về sông mà thôi.
Nhưng thực tế lại khác xa so với Tào Tháo nghĩ, khi nhìn thấy quần thần lũ lượt kéo nhau dâng biểu chương, Tào Tháo đã cau có mặt mày - đa số các quan đều không thay đổi việc lập Tào Phi, trong đó có sáu liệt khanh và mấy vị trọng thần của Thượng thư đài, hầu hết đều đứng về phía Tào Phi. Chung Do, Mao Giới, Tân Tỵ, Từ Dịch… những vị nguyên lão đại thần đều ca ngợi đức hạnh của Ngũ quan tướng, tán dương Tào Phi như rồng như phượng, trong đó Mao Giới còn nghiêm giọng tâu:
— Trước đây Viên Thiệu không phân thứ trưởng nên đã hủy hoại tông miếu, xã tắc. Phế trưởng lập thứ là không hợp lẽ thường! - Ngay cả mấy người thể hiện thái độ trung lập như Lương Mậu, Thường Lâm trong tấu chương cũng nhiều lần nhắc rằng việc lập người kế vị liên quan đến vận mệnh quốc gia, mong Ngụy Công tuân theo tông pháp, chọn lựa đúng đắn. Mặc dù không nói thẳng ra nhưng ý tứ rất rõ ràng, bọn họ chỉ ngại vì từng làm quan trong phủ Ngũ quan tướng, nên cố ý tránh hiềm nghi - Chốn quan trường nhiều lúc cũng thật nực cười, cứ chuyện gì liên quan đến mình thì tỏ ra lưỡng lự không quyết, còn chuyện gì không quan hệ đến mình lại tỏ thái độ rõ ràng, tất cả đều quan sát tình hình rồi mới bàn.
So ra, những người ủng hộ Lâm Tri hầu rất ít, tước vị cũng rất thấp kém, hầu như toàn là mấy nhân vật giữ chức Ký thất, Lệnh sử, ca tụng Tào Thực cũng chỉ dừng lại ở chỗ văn chương xuất chúng, phong nhã vô cùng, tiếng nói không có sức nặng. Cũng có Viên Hoán, Quốc Uyên, Hà Quỳ, lời lẽ khéo léo nhưng không trả lời, hoàn toàn muốn đứng ngoài cuộc. Tào Tháo không hài lòng với kết quả này, nhưng không biết làm thế nào, đành âm thầm sai Hiệu sự Lưu Triệu theo dõi hành động của quần thần, nếu phát hiện ra có chuyện cấu kết phải lập tức phản ánh, nhưng không phát hiện được điều gì vì đó đều là suy nghĩ thật của mọi người.
Dẫu vậy, Tào Tháo vẫn không tuyệt vọng, trong đám quần thần còn có Thượng thư lệnh Tuân Du, Vệ úy khanh Trình Dục, Thị trung Thôi Diễm vẫn chưa bày tỏ thái độ, tâm tư của ba người này Tào Tháo cũng đoán được, Tuân Du từ sau cái chết của Tuân Úc thì tỏ ra thận trọng, tránh xa mối họa; Thôi Diễm có cháu gái là thê tử của Tào Thực, khó mở lời; còn Trình Dục tuổi tác đã cao, có ý rút lui từ lâu, lại từng giúp Tào Phi dẹp loạn Hà Gian, không muốn tự chuốc họa để cuối đời không yên. Tào Tháo không dễ dàng bỏ qua cho họ, chỉ cần có một tia hy vọng cũng quyết không để lọt, nhiều lần sai người đi đốc thúc, bắt họ dâng thư thị ý. Ba người này đều là những đại thần có tiếng nói, chỉ cần một người ủng hộ Tào Thực thì cũng có thể làm nên chuyện.
Nhưng sự việc lại tiến triển ngoài dự liệu của Tào Tháo, ba ngày sau Thôi Diễm công khai gửi bản tấu chương ủng hộ Tào Phi, trong tấu chương có viết:
— Theo nghĩa Xuân Thu, phải lập trưởng tử làm người kế vị. Hơn nữa, Ngũ quan tướng hiếu thuận, thông tuệ, hợp với chính thống, tại hạ xin lấy cái chết để bảo vệ điều này. - Thư phúc đáp của quần thần trong lần trưng cầu này đều là biểu chương mật, nhằm tránh việc các quan thông đồng với nhau, và cũng là để bảo vệ mọi người - nếu sau này người kế vị biết được đại thần nào không ủng hộ mình, khó tránh khỏi sinh lòng thù oán, hãm hại. Nhưng nay Thôi Diễm lại dâng biểu chương công khai, thư chuyển đến trung đài, các quan đều không hiểu vì sao ông ta ủng hộ Tào Phi đến vậy, lại còn đem danh vị và tính mạng của mình ra đảm bảo; điều này cũng chưa nghiêm trọng bằng việc Thôi Diễm mượn đại nghĩa Xuân Thu để biểu tấu, tuyên bố lấy cái chết để bảo vệ tông pháp, chẳng khác nào nói rõ ý đồ của Tào Tháo với cả thiên hạ, đưa chuyện vốn chỉ ngầm hiểu ra bố cáo bên ngoài.
Tào Tháo đọc xong biểu chương thì nổi cơn đại nộ:
— Giả như không nghe lời ngươi, ta thành hôn quân đi ngược lại đạo nghĩa Xuân Thu nếu nghe lời ngươi, ta là công thần bảo vệ chính thống. Nói đi nói lại đều là ngươi đúng, thật là ngông cuồng quá đỗi! - Theo cách nghĩ của Tào Tháo, Thôi thị đã kết thông gia với Tào Thực, nên tận tâm tận lực ủng hộ, nhưng Thôi Diễm lại công khai đứng về phía Tào Phi. Sau này nếu Tào Phi lên ngôi, Thôi Diễm chính là công thần phò tá; còn nếu Tào Thực lên ngôi, ông ta sẽ nhờ mối quan hệ thông gia mà bình yên vô sự, đây chẳng phải giống như con lật đật, đẩy bên nào cũng không ngã sao? Trước đây trong mắt Tào Tháo, Thôi Diễm luôn là người khẳng khái, chính trực, nhưng chuyện lần này đã khiến Tào Tháo cảm thấy ông ta vừa gian xảo vừa vô lễ, do Thôi Diễm đã công khai gây phiền phức cho Tào Tháo, Tào Tháo bắt đầu chán ghét lão già râu rậm này. Nhưng lúc này Tào Tháo vẫn chưa có cách nào xử lý Thôi Diễm, đành ghi nhớ món nợ này trong lòng, ngoài mặt vẫn tán dương Thôi Diễm chí công vô tư, quang minh lỗi lạc. Lần thăm dò lập Tào Thực làm người kế vị đã thất bại hoàn toàn, hơn nữa vấn đề đã được công khai. Không cần nói cũng biết, sau này mâu thuẫn giữa hai phe ủng hộ hai công tử Tào thị ngày càng kịch liệt, những thuộc hạ của phủ Ngũ quan tướng và phủ Lâm Tri hầu chắc chắn sẽ bắt đầu công khai tranh đấu, sự việc đến bước này hoàn toàn vượt qua dự liệu của Tào Tháo, ngay chính ông cũng không thể khống chế được.
Lúc này, trong lòng Tào Tháo, Tào Thực là sự lựa chọn duy nhất, nhưng trong mắt phần lớn các đại thần thì lại không như vậy, cũng không biết họ thật lòng cho rằng Tào Phi là người kế vị xứng đáng hay chỉ xuất phát từ quan niệm bảo vệ tông pháp, hoặc vì không muốn can dự vào chuyện này. Từ khi Thôi Diễm dâng tấu thư, Tào Tháo nhiều ngày liền không tiếp kiến quần thần, các cận thần như Hòa Hiệp, Đỗ Tập, Vương Xán, Dương Tu đều bị ngăn không cho vào cung, sự việc đến mức này, ông không biết làm sao để kết thúc vở kịch trưng cầu ý kiến ồn ào. Nếu Thôi Diễm không xử trí như vừa rồi, ông có thể lờ đi các tấu chương mật của quần thần để sau này tìm cơ hội khác, nhưng giờ đã bị Thôi Diễm làm cho xôn xao khắp nơi, lập ai kế vị phải trả lời rõ ràng. Ông không gặp quần thần vì sợ có họ nhắc đến chuyện này, phải nghĩ được đối sách rồi mới tính toán tiếp; nhưng hậu cung cũng không phải nơi bình yên, Biện thị là thân mẫu của Tào Phi và Tào Thực, luôn dõi theo việc hai nhi tử tranh đấu, ngay cả Hoàn thị, Đỗ thị, Tần thị có quan hệ thân thiết với Biện thị cũng quan tâm đến việc này, lúc nào cũng vòng vo quan sát sắc mặt của ông. Trong lòng Tào Tháo càng cảm thấy phiền phức, không muốn gặp những cơ thiếp này, hàng ngày chỉ ở cùng Trần thị - người mới được nạp vào cung, xem nàng ta đàn hát, nhảy múa, giải sầu. Điều duy nhất an ủi Tào Tháo lúc này chính là mặc dù Trần thị không ra khỏi cung nhưng cũng nghe danh tiếng của Tào Thực, cách xa bên ngoài mà vẫn ngâm được hai bài thơ do Tào Thực viết.
Khổng Quế không nằm trong danh sách ngoại thần mà Tào Tháo không gặp, nên mỗi sáng vẫn vào cung vấn an, hoặc chơi đùa cùng các tiểu công tử, hoặc đến trò chuyện trên trời dưới bể với ông, đều là những lời mua vui. Có lần trong lúc vô ý, Tào Tháo than vãn chuyện khó quyết định lập người kế vị, Khổng Quế vẻ mặt tươi cười, vừa bóp vai cho ông vừa nói:
— Từ xưa tới nay, quan phải tuân lệnh vua, con phải nghe lời cha, hơn nữa chuyện lập ai kế vị là chuyện trong nhà, ngài nói lập ai thì lập người đó, hà tất phải hỏi người ngoài? - Khổng Quế vốn rất láu cá, hắn mà đoán không đúng tình hình chẳng lẽ lại dám nói tùy tiện?
Tào Tháo nghe được câu này thấy rất vui mừng, nhưng đáng tiếc là chỉ nghe cho vui tai - Được dễ như vậy đã tốt, Ngụy quốc mới lập, lòng dân chưa theo về, nếu ông nhất quyết chọn Tào Thực kế vị, chẳng khác nào làm ngược lại ý của các nguyên lão đại thần, sau này liệu triều đình nhỏ bé này còn có thể yên ổn không? Khi xưa Hiếu Vũ Đế oai hùng một thời, đến cuối đời cũng không tránh được họa vu cổ, phải tự phản tỉnh lỗi lầm của mình ở Luân đài; Quang Vũ Đế anh minh khắp trời, muốn phế trưởng lập thứ cũng chịu bao sóng gió. Đó đều là những chân mệnh thiên tử thống trị cả thiên hạ mà còn gặp biến cố, huống hồ Tào Tháo, giặc ngoài còn chưa trừ được lại chỉ là “thiên tử” của một nước chư hầu? Ngụy quốc vẫn chưa thể chịu nổi cơn biến cố này.
Không dám quyết ý lập Tào Thực, mà lập Tào Phi thì trong lòng sẽ bất mãn, Tào Tháo nghĩ ngợi rất lâu vẫn chưa đưa ra được quyết định. Một hôm, khi Tào Tháo đang xem Trần thị ca múa, nội thị vào tâu, có Hiệu sự Lư Hồng, Triệu Đạt từ Hứa Đô đến cầu kiến. Hai kẻ này làm việc cơ mật, Tào Tháo muốn nghe tin từ chúng nhưng không muốn lên điện gặp các quan đại thần, nên cho gọi vào ôn phòng.
Triệu và Lư đều nổi tiếng xấu xa, nhưng lại là thân tín của Tào Tháo, ở Hứa Đô giám sát bách quan ai dám chọc giận? Hai kẻ này đúng là đã làm mưa làm gió, hống hách lộng hành, chỉ cần Tào Tháo chỉ đích danh đại thần cần chỉnh đốn, họ sẽ nghiễm nhiên làm theo, thậm chí có những quan lại dù không liên quan nhưng muốn sống yên ổn cũng phải mang tiền đến nói chuyện! Triệu Đạt cậy có Tào Tháo nên sống xa hoa hưởng lạc, hai năm gần đây ngày càng béo tốt, khuôn mặt béo hồng bóng nhẫy, lúc nào cũng có kiểu cười thô bỉ. Còn Lư Hồng lại ngày càng gầy gò, mặt dài hốc hác, đầy các vết nhăn, thực ra hắn cũng là tay cướp của tống tiền, chẳng từ việc gì, nhưng trời không cho mệnh phát tướng, của ngon vật lạ đều nhét đầy bụng nhưng khổ nỗi không béo nổi.
— Từ khi Ngụy quốc được lập đến nay, quần thần Hứa Đô ai cũng phục tùng, không dám nhiều lời. Thiên tử cũng phải vui mừng trong lòng, không có điều gì phải oán giận… - Lư Hồng kể lại tỉ mỉ thái độ của quân thần trong Triều với vẻ đắc ý.
Tào Tháo nghe xong chỉ cười nhạt:
— Do bọn họ không phẫn nộ, hay là các ngươi ăn no đút lót nên che giấu thay cho họ? - Câu này làm Lư, Triệu sợ hãi quỳ xuống, không dám nói gì. Tào Tháo cũng không truy cứu nhiều, trầm ngâm nói, - Người đời ai cũng có hai mặt, có kẻ nào bên ngoài thì phục tùng, nhưng bên trong lại không nghĩ ngược lại? Quân thần Hứa Đô mặc dù không nói ra miệng, nhưng trong lòng họ sớm đã nguyền rủa ta gấp trăm ngàn lần Vương Mãng, Đổng Trác! Bịt miệng người thì dễ, thu phục lòng người mới khó… Con gái ta vào cung có được thiên tử sủng hạnh không?
Không đợi Lư Hồng trả lời, Triệu Đạt đã tranh nói trước:
— Thưa, thiên tử nhà Hán há có thể bạc đãi công chúa Đại Ngụy chúng ta được? Đại quý nhân sống trong cung có quan lại hộ vệ, đãi ngộ còn hơn cả hoàng hậu; Nhị quý nhân còn thường xuyên hầu hạ đại giá, cùng thiên tử đọc sách đánh cờ, nghe nói mấy ngày trước còn chơi ném thẻ vào bình rượu thắng cả hoàng thượng!
— Ồ? - Tin này khiến Tào Tháo cảm thấy bất ngờ, Tào Tháo dâng hai con lên thiên tử chẳng qua là để khống chế hậu cung, nào ngờ lại được sủng ái? Lưu Hiệp ném chuột sợ vỡ bình, không nổi giận đã là may mắn lắm rồi, nếu thật sự quân phi hòa hợp, hóa giải dần mối thù chẳng phải việc tốt sao. Đặc biệt, điều khiến Tào Tháo không ngờ tới là lúc đầu ông cho rằng Hiến nhi tính cách hiền dịu có lẽ sẽ được Lưu Hiệp yêu mến, nào ngờ thiên tử lại sủng ái cô nương mạnh mẽ như Tiết nhi, tình cảm nam nữ nhân gian thật khó đoán, - Con gái ta có vinh hạnh hầu thiên tử đọc sách, quả là điều hiếm có, họ đọc những sách gì vậy?
Lư Hồng nói:
— Gần đây thiên tử thường triệu Hoàng môn thị lang Đổng Ngộ vào cung thị giảng, toàn giảng Lão Tử của Đạo gia…
Chưa kịp nói hết câu thì Triệu Đạt cũng không chịu kém, liền bổ sung:
— Khi xưa Thị trung Tuân Duyệt thị giảng, nói nhiều điều trong Hán kỷ, toàn chuyện ân oán đúng sai của triều trước, làm hoàng thượng hoang mang, mới cùng đám loạn thần Vương Tử Phục, Đổng Thừa làm chuyện hồ đồ. Còn Đổng Ngộ là một thư sinh thật thà, lại là người Quan Tây, không có thân hữu, giảng Lão Tử còn hay hơn sách sử, đạo lý vô cùng, thanh tịnh vô vi, thật tốt biết mấy!
— Vô vi? Vô vi tức là không gì không làm, sau này không cần ngoại thần thị giảng nữa. Thiên tử đã trưởng thành, có thể tự học, không cần người khác phải dạy. Tên Đổng Ngộ kia nếu đúng là học vấn không tồi thì điều đến mạc phủ giúp sức cho ta. - Tào Tháo không dám khinh suất, Lưu Hiệp không giống những tiểu hoàng đế hèn nhát đời trước chỉ biết dựa vào ngoại thích, vụ án chiếu thư trong đai ngọc thật nguy hiểm, ngay đến cận thần đắc lực như Tuân Úc cũng bị Lưu Hiệp cảm hóa, vị thiên tử này nếu sống trong thời bình lẽ nào lại là một người tầm thường? Nực cười ở chỗ lão tặc Đổng Trác, lúc đầu cho rằng tiểu tử này dễ khống chế, do vậy đã phế truất thiếu đế Lưu Biện vô dụng; bây giờ nhìn lại nếu như Đổng Trác không phải chết trong tay Vương Doãn, Lã Bố thì với mưu kế tầm thường của hắn liệu có thắng nổi Lưu Hiệp? Đúng là ngày rộng tháng dài càng hiểu rõ, Tào Tháo không phải đoạt được giang sơn từ tay một quân vương vô dụng, mà là tranh thiên hạ từ tay một vị vua có tài nhưng không gặp thời, há lại không thận trọng cho được? Ông mãi mãi không bao giờ quên được chiếu thư trong đai ngọc, quên được những kẻ như Đổng Thừa, quên được dòng chữ “giết tên nghịch thần ngông cuồng này”. Chiếu thư đó cứ quanh quẩn trong từng cơn ác mộng của Tào Tháo, còn câu nói trên cứ vang lên rất lâu, đó là nỗi hận ngàn đời của Lưu Hiệp, dường như vẫn đang nhỏ máu…
Triệu Đạt không chú ý đến thần sắc của Tào Tháo, chỉ chăm chú vào việc tán dương:
— Chúa công nói chí phải, đã có đại Ngụy Công tước, đại Hán Thừa tướng ở đây, thiên tử chỉ cần khoanh tay đứng nhìn, cần gì phải triệu kiến ngoại thần thị giảng? Phép tắc này thừa quá rồi!
Tào Tháo lấy lại thần thái, hỏi:
— Con gái ta được thiên tử sủng ái, thái độ của hoàng hậu thế nào?
Lư Hồng nói:
— Phục hoàng hậu rất thân thiết với hai quý nhân, nghe nói không chỉ rất tôn trọng mà còn xưng tỉ muội với các quý nhân.
— Sao? - Tào Tháo liếc nhìn Lư Hồng, - Lẽ nào hoàng hậu không có gì bất mãn?
Triệu Đạt đáp:
— Hoàng hậu chẳng qua là một nữ nhân, phụ thân đã chết, tự bảo vệ mình còn khó nào dám tạo phản?
Tào Tháo thấy bọn chúng chưa hiểu được ý mình, bèn gằn giọng:
— Có thật là không có chỗ nào thất đức?
Lư Hồng thấy mặt ông biến sắc, lúc này mới suy đi nghĩ lại, vội đổi giọng:
— Dạ, dạ… Tất nhiên cũng có chỗ thất đức. Khi xưa hoàng hậu cùng với phụ thân là Phục Hoàn thường xuyên can dự vào việc Triều chính, chuyện Đổng, Vương làm giả mật chiếu mưu phản có thể đã cùng tham gia, may nhờ chúa công khoan dung không truy cứu đến cùng. Gần đây hoàng hậu lại vì nhị hoàng tử không được phong vương nên cũng có nhiều lời oán trách, việc quý nhân được sủng ái mặc dù bên ngoài hoàng hậu không tỏ thái độ gì, nhưng trong lòng khó tránh được việc cảm thấy bất mãn. - “Bất mãn” ở đây ý nói Phục hậu ôm hận trong lòng, rủa thầm Tào thị, toàn những lời phỏng đoán vô căn cứ, đúng là muốn đổ thêm tội cho người khác. Lư Hồng đã hiểu được tâm tư Tào Tháo - Con gái Ngụy công vào hầu thiên tử lẽ nào lại chỉ có thể ở ngôi quý nhân? Ngay từ đầu đã tính đến việc tranh ngôi hoàng hậu, hơn nữa Tào Tiết đã được sủng hạnh, ngôi vị hoàng hậu nên thay, nào cần biết Phục hậu có thất đức hay không?
Triệu Đạt lĩnh hội ý của Tào Tháo, đi thẳng vào vấn đề:
— Phục thị do tặc thần Đổng Trác mang về cho thiên tử, vốn thiếu đức hạnh, không xứng làm hoàng hậu, lại còn can dự vào việc triều chính, nhiều lần tỏ ý ghen tức, oán giận. Theo tiểu nhân thấy chi bằng nên sớm phế ngôi, để quý nhân làm chủ chính cung!
Hai tên tay sai này kể ra cũng không đần… Tào Tháo cười thầm, rồi nói:
— Nói như vậy, nhưng ả ta đã làm hoàng hậu hơn hai mươi năm nay, hơn nữa Phục Hoàn còn lấy An Dương trưởng công chúa - con gái Hiếu Hoàn Đế, xét cho cùng vẫn là hoàng thân, không nên tùy tiện xử lý… Tốt nhất là tạm thời không phế truất, nhưng hãy bãi miễn hết huynh đệ thân thích của ả ta hiện đang làm quan trong triều, nhất loạt làm ngay, lấy đó để cảnh cáo. - Phục Hoàn có tất cả sáu người con trai, sau khi ông ta chết, trưởng tử là Phục Đức đã kế thừa tước Bất Kỷ hầu. Tử tôn ông ta làm quan trong triều cũng không ít, tuy chỉ là những chức quan hữu danh vô thực nhưng danh tiếng không hề nhỏ. Tào Tháo từ lâu đã có ý muốn phế truất hoàng hậu, lẽ nào cam tâm chịu để yên cho họ? Hành động lần này chẳng qua là muốn cắt đứt vây cánh của Phục thị, xóa bỏ trở ngại cho việc lập hậu sau này, ngôi vị hoàng hậu sớm muộn cũng về tay nhà họ Tào.
Hai người hiểu rõ dụng ý của Tào Tháo nhưng không dám vạch trần, cảm thấy hoang mang, lo sợ nên quay ra tán dương:
— Chúa công nhân đức độ lượng, đúng là may mắn cho Phục thị.
Tào Tháo liếc nhìn hai tên tay sai, trầm ngâm hồi lâu mới hỏi:
— Hai ngươi xưa nay đều thận trọng, thường chỉ có một người đến bẩm báo với ta, còn người kia ở lại Hứa Đô đề phòng sơ sảy, cớ sao lần này lại cùng đến?
Lư, Triệu khẽ đưa mắt nhìn nhau, đoạn Lư Hồng đáp lời:
— Chúng tiểu nhân ở kinh sư đã lâu, xa cách chúa công, trong lòng mong nhớ. Lần này cùng đến Nghiệp Thành báo tin, cũng muốn vấn an chúa công để thể hiện lòng thành.
Tào Tháo há lại không đoán ra suy nghĩ của bọn chúng? Tính ra Lư Hồng, Triệu Đạt cũng đã ở mạc phủ hơn mười năm nay, kinh lịch dày dặn, nay Tào Ngụy lập quốc phong quan, bọn chúng chạy đến đây, một câu hai câu đều xưng “Đại Ngụy”, rõ ràng là muốn đòi hỏi chức quan. Tào Tháo không hồ đồ, triều đình Ngụy quốc vẫn còn chức quan trống, những chức như Nghị lang, Lang trung còn nhiều, chẳng lẽ lại không sắp xếp được cho hai bọn chúng? Nhưng ông sớm đã có chủ ý, những chỗ trống phải dành cho hiền tài, để mua chuộc lòng người, tuyệt đối không thể để cho hai tên thối tha này làm dơ bẩn triều đường của mình. Ngay cả Đổng Chiêu còn không được chọn, huống hồ hai tên chó săn này? Nghĩ đến đây, Tào Tháo làm bộ làm tịch thở dài:
— Ôi, thật khó có được tấm lòng như hai ngươi.
Triệu Đạt ngỡ là thật, vội thu lại nét mặt hớn hở thường thấy, làm ra vẻ đau khổ nói:
— Chúng tiểu nhân đội ơn chúa công đã tin tưởng giao phó. Hơn mười năm qua, chúng tiểu nhân luôn làm tròn bổn phận, không dám phụ sự ủy thác của ngài, nhưng thân ở Hứa Đô nên luôn nhớ mong chúa công, nếu có thể cho tiểu nhân trở về bên cạnh ngài, để được ngày ngày hầu hạ thì tốt biết mấy!
Tào Tháo gật đầu liên tục:
— Đúng là như thế… Nếu đã như thế, các ngươi hãy quay lại đi. - Lư, Triệu quá đỗi vui mừng, đang dập đầu cảm tạ bỗng nghe Tào Tháo nói tiếp, - Gần đây không có chiến sự, chỉ sợ các quan văn võ lười biếng. Hai ngươi về đấy lĩnh chức Hiệu sự, giám sát quan lại Nghiệp Thành. Như thế vừa có thể đốc thúc quan lại tận tâm tận lực, lại có thể hoàn thành tâm nguyện của các ngươi, đúng là vẹn cả đôi đường.
Bọn chúng thầm kêu khổ: Cái gì mà vẹn cả đôi đường, không được phong quan trong triều đình nhà Ngụy thì ở Nghiệp Thành hay Hứa Đô có gì khác nhau? Ở Hứa Đô còn kiếm chác được ít tiền của quan viên, chứ ở đây, dưới con mắt của Tào Tháo muốn làm gì cũng khó, phải nhận chức quan này thì thà chẳng đổi còn hơn! Nhưng những lời thương nhớ chúa công vừa thốt ra há có thể thu lại được? Lư Hồng lại nói:
— Như vậy tốt quá, nhưng nếu rời Hứa Đô ai sẽ tiếp quản công việc của chúng tiểu nhân? - Hắn chỉ mong Tào Tháo hồi tâm chuyển ý, thu lại quyết định đó.
Nào ngờ Tào Tháo đã có sắp xếp:
— Việc này không cần các ngươi phải bận tâm, gần đây Lưu Triệu ở cạnh ta làm việc đâu ra đó, ta định phái hắn đến Hứa Đô, cũng là để rèn giũa. Các ngươi không còn trẻ nữa, cũng không thể làm chức đó cả đời, chờ hai năm nữa thăng quan, công việc cũng cần có người tiếp quản.
Lư, Triệu nghe vậy lại có thêm hy vọng, nghĩ rằng Tào Tháo sẽ không ném họ ra ngoài cửa cung, nên kính cẩn nói:
— Chúng tiểu nhân sẽ gắng hết sức khuyển mã.
— Bọn chúng thông thạo việc tay sai nhưng lại không hiểu lòng người. Ở Hứa Đô giám sát bách quan, danh tiếng xấu xa suy cho cũng là do dốc sức cho Tào Tháo, nhưng ở Nghiệp Thành, người mà chúng giám sát đều là quan viên Tào Ngụy, nếu đắc tội với quan lại thì sao có thể thăng quan, phát tài?
Đúng là giáng một cái tát rồi lại vuốt ve dỗ dành, Tào Tháo qua quýt nói:
— Các ngươi cũng chớ vì chuyện này mà lo lắng, những công lao vất vả của các ngươi ta đều hiểu cả. Thừa Hoàng Cứu vừa nhận thêm rất nhiều ngựa tốt từ U Châu, lát nữa các ngươi dắt mấy con về, cứ tùy ý chọn, ta thưởng cho đấy…
Tào Tháo chưa kịp nói xong thì nghe thấy tiếng thị vệ bên ngoài điện bẩm báo:
— Khải bẩm chúa công, Hổ bôn trung lang tướng Hoàn đại nhân cầu kiến. - Hoàn đại nhân mà tên thị vệ nhắc tới chính là Hoàn Giai, từ khi quy hàng Tào Tháo ở Kinh Châu đến nay rất được trọng dụng, từng giữ chức Thừa tướng chủ bạ, Thái thú Triệu quận, nay lại được phong làm Ngụy quốc Hổ bôn trung lang tướng, chủ trì các buổi Triều hội của Ngụy cung.
Tào Tháo nhíu mày, nói vọng ra bên ngoài:
— Ta đã truyền lệnh, nếu không cho phép thì không gặp.
Nội thị lại nói:
— Dạ, Hoàn đại nhân nói bên ngoài cung xảy ra chuyện, muốn bẩm báo với chúa công.
Tào Tháo lưỡng lự:
— Vậy thì… cho ông ta vào. - Hổ bôn trung lang tướng cũng xét là ngoại thần, nếu không có phép thì không được bước chân vào Thính Chính đường.
Nửa ngày nay ba người đều nhắc tới những chuyện xấu xa, dơ bẩn nên cửa ôn phòng luôn khép kín, đến lúc này mới mở ra. Triệu Đạt, Lư Hồng chưa kịp cáo từ bỗng nhìn thấy Hoàn Giai vội vã bước vào, chưa tới cửa điện đã hành lễ:
— Thần tham kiến chúa công… - Không đợi Tào Tháo nói miễn lễ liền lập tức bẩm báo, - Ngoài cung có tranh chấp, sứ giả Hứa Đô là Trung úy khanh Hình Trinh muốn vào cung bái kiến, không ngờ đi đến cửa cung thì gặp Vệ úy Trình Dục. Đội xe của Trình Dục không chịu nhường đường cho quan Hứa Đô, hai bên tranh cãi, lính của Trình đại nhân đánh phu xe của Hình đại nhân, còn cướp lấy nghi trượng của sứ giả triều đình.
— Cái gì? - Tào Tháo đứng phắt dậy, - Trình Trung Đức đúng là lão già hồ đồ, tự nhiên lại làm chuyện ngang ngược coi trời bằng vung! Thực mê muội! - Mặc dù việc này không lớn, nhưng lại gây ảnh hưởng quá xấu. Hình Trinh là liệt khanh triều đình nhà Hán, Trình Dục lại là liệt khanh Ngụy quốc, bây giờ liệt khanh Ngụy Quốc lại dám tranh chấp với mệnh quan triều đình giữa thanh thiên bạch nhật, không những đánh người mà còn cướp cả nghi trượng, há phải chuyện tầm thường? Tào Tháo đã phải diễn trò “từ chối ba lần mới nhận”, cố gắng che đậy để quần thần hai bên Hán, Ngụy hòa hợp với nhau, nay lại bị Trình Dục phá hỏng hết. Các quan nước Ngụy đã tác oai tác quái trên đầu quan triều đình, tâm địa soán ngôi vị chẳng phải quá rõ ràng? Ai cũng biết triều đình nhà Hán chỉ là bù nhìn, nhưng suy nghĩ ấy chỉ được để trong lòng, còn bề ngoài vẫn phải giả bộ cung kính, ngang nhiên coi thường là có tội!
— Chúa công bớt giận, giữ gìn quý thể… - Hoàn Giai vội vàng khuyên can.
Nhưng cơn giận của Tào Tháo há có thể vơi được? Ông chắp tay sau lưng đi đi lại lại:
— Mê muội! Đúng là lão già hồ đồ! Lúc trẻ thì chỉ thích tranh giành, về già rồi còn không bỏ được tính khí ấy! Cứ tưởng rằng trong các tướng chỉ có hắn biết suy nghĩ, xem ra cũng chỉ là kẻ vô dụng không thể uốn nắn nổi! Gây ra chuyện này rồi người khác sẽ bàn luận thế nào? Chẳng phải sẽ đánh đồng cả triều đình nhà Ngụy ta thành một lũ đạo tặc? Thể diện của Tào Tháo ta đã bị hắn bôi tro trát trấu rồi!…
Lư Hồng thấy Trình Dục mắc lỗi, theo thói quen định kiến nghị Tào Tháo trị tội, nhưng chưa kịp mở lời thì bị Triệu Đạt kéo lại, lừ mắt: Chớ có tham gia, Trình Dục là nhân vật cỡ nào kia chứ? Khi xưa ông ta cùng với Tào Tháo dấy binh ở Duyện Châu, chúng ta vẫn còn chẳng có gì để ăn. Vu tội cũng phải nhìn cho rõ là ai, chớ có hại người chưa xong mà mình đã sứt đầu mẻ trán!
Lư Hồng hiểu ý, vội cùng Triệu Đạt lui xuống. Tào Tháo tức giận đi đi lại lại hơn chục vòng, chửi mắng đủ rồi mới thở phì phò đứng lại, liếc nhìn Hoàn Giai:
— Còn ai trông thấy chuyện này?
— Chỉ là chuyện xảy ra trong chốc lát, cũng không nhiều người trông thấy. Hình đại nhân chỉ hơi kinh sợ, sau đó đã được Dương Huyện lệnh hộ tống về dịch quán, còn Trình đại nhân thì về phủ, người xem cũng đã giải tán. - Khẩu khí của Hoàn Giai rất rõ ràng, muốn chuyện lớn hóa nhỏ.
Cơn giận đã nguôi, Tào Tháo nói:
— Ngươi mau đến dịch quán, thay ta xin lỗi Hình Trinh, mời ông ta tối nay vào cung. Ta chuẩn bị tiệc rượu, tặng cho tùy tùng của ông ta lễ vật, nói lời an ủi, không thể để việc vừa rồi truyền ra ngoài.
— Thần đã rõ, nhưng còn về phía Trình đại nhân…
— Hừ! Gây ra chuyện tày đình thế này, không xử không được! - Tào Tháo gằn giọng, - Đem hắn… đem hắn… đem hắn… - Nói liên tiếp ba lần nhưng không biết nên xử lý thế nào cho hợp lý. Luận về công lao, kinh nghiệm và quan hệ, Trình Dục không có gì phải bàn, trong lần làm phản ở Duyện Châu năm xưa, nếu không có ông ta giữ được hai huyện thì đầu của Tào Tháo không biết chôn nơi đâu rồi! Ông ta không giống Tuân Úc phản đối chuyện Tào thị lên thay nhà Hán, nhưng lại hay hành động theo cảm tính, huynh đệ cùng nhau đoạt giang sơn, đồng cam cộng khổ hơn hai mươi năm trời, Tào Tháo biết xử trí thế nào? Hiện nay, nhi tử của Trình Dục là Trình Vũ đang làm Lệnh sử, điệt tử là Trình Hiểu cũng đã trưởng thành, vinh hoa phú quý của cả nhà họ đều gắn liền với Tào gia. Theo luật thì phải xử tội chết, nhưng sao có thể ra tay?
Tào Tháo siết chặt đôi tay, chậm rãi ngồi xuống trường kỷ:
— Bãi chức Trình Dục cho ta, cho về nhà đóng cửa suy nghĩ… Ngươi nói với Trình Vũ trông coi phụ thân hắn cho cẩn thận, không được phép ra ngoài, kẻo làm ta mất mặt! Nếu còn để xảy ra chuyện, ta sẽ hỏi tội hắn! Cho lăng trì xử tử thay phụ thân!
— Rõ! - Hoàn Giai nghe thấy Tào Tháo xử trí như vậy, muốn cười nhưng không dám cười, nhận lệnh rồi đi.
Tào Tháo vốn đã phiền muộn vì chuyện lập người kế vị, bị Thôi Diễm kích động, giờ lại bị Trình Dục chọc giận, càng cảm thấy chán nản. May mà bệnh đau đầu chưa phát tác, ông cho gọi Lý Đương Chi sắc thuốc nhuận khí bổ phổi, buổi tối vẫn còn phải cười nói tiếp Hình Trinh, tan tiệc cũng không còn tâm trạng ve vuốt mỹ nhân Trần thị, mà một mình về phòng nghĩ lại chuyện sáng nay, đột nhiên tỉnh ngộ: Không đúng, ta bị Trình Dục lừa rồi! Cố nhiên thuở trẻ ông ta ham tranh công, nhưng những năm gần đây đã thận trọng hơn nhiều; cho dù bản tính khó đổi, nhưng lỗi lầm ấu trĩ như vậy lẽ nào ông ta lại có thể phạm phải? Tám phần là cố ý! Ông ta lâu nay đã nhắc tới chuyện cáo lão, gần đây lại bị ta thúc hỏi chuyện lập người kế vị, hẳn là cố ý gây ra việc này để ta bãi chức quan. Như thế thì chức quan cũng không phải gánh vác, mà việc chọn người kế vị cũng không cần bận tâm, sau này nếu nhà Ngụy thay nhà Hán cũng sẽ không can hệ đến ông ta, tử tôn đã được sắp xếp đâu ra đấy, phú quý vững vàng, giờ ông ta định trốn về quê hưởng phúc!
Tào Tháo bật dậy, muốn lập tức triệu Trình Dục vào cung, nhưng lại nghĩ: Thôi, đâu cần ép người ta… Dưa chín ép không ngọt, nếu đã muốn đi thì cứ để ông ta đi. Cũng không làm khó nữa, Trình Dục đã nghĩ ra kế thoái ẩn này, nhưng cũng để lại tử tôn giúp sức cho ta, sau này chú ý đề bạt chúng là được. Ông ta không phụ ta, ta cũng không phụ ông ta, đấy có khi lại là kết cục viên mãn… Nghĩ đến đây Tào Tháo nằm xuống, cười mỉm:
— Lão già này, đến cách này cũng nghĩ ra được! Đúng là Trình Dục…
Nhưng cười xong, Tào Tháo lại trầm ngâm - Trình Dục trốn rồi, nhưng việc lập người kế vị vẫn chưa định được, lần trưng cầu này phải kết thúc ra sao? Làm sao mới có thể đảm bảo cho Thực nhi lên ngôi?
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9