Bí mật của thiên tài là có được tinh thần của trẻ con khi mình đã lớn, có nghĩa là không bao giờ mất nhiệt huyết.

Aldous Huxley

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Thùy Linh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 29
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 132
ai con tranh ngôi, Tào Tháo ra đề
Công quốc(*) Tào Ngụy
Không có gì là lạ khi đại quân nam chinh về đến Nghiệp Thành, Tào Tháo vừa bước vào mạc phủ đã tiếp nhận chiếu thư của triều đình, thiên tử quyết định cắt mười quận của Ký Châu là Hà Đông, Hà Nội, Ngụy Quận, Triệu Quốc, Trung Sơn, Thường Sơn, Cự Lộc, An Bình, Cam Lăng, Bình Nguyên làm đất phong và sắc phong ông làm Ngụy Công, lại ban tặng cửu tích(*). Dù đây là điều mà Tào Tháo phải nghĩ trăm phương ngàn kế mới đạt được, ông vẫn phải diễn trò “từ chối mãi mới nhận”. Tào Tháo lập tức thể hiện thái độ:
— Nhận lễ cửu tích, mở rộng đất đai, xưa nay mới có Chu Công. Nhà Hán có tám vị khác họ được ban tước vương, xuất thân áo vải cùng với Cao Tổ đã lập lên vương nghiệp, công lao to lớn, thần đâu dám sánh bằng?
Câu nói này có vẻ khách sáo nhưng thực ra Tào Tháo đã suy tính sâu xa. Ông đem mình so với Chu Công, tiếp đến ca ngợi công lao của Chu Công thì khác nào ca ngợi chính mình. Hơn nữa, ông còn nói về việc sẽ xây dựng công quốc phỏng theo các vua chư hầu thời đầu nhà Hán - tức là lập đất tự trị, có quyền bổ nhiệm, bãi miễn các chức quan từ Tướng quốc trở xuống, và cũng dựng kinh đô giống như thiên tử.
Sau đó, hơn mười vị quan gồm Trung quân sư Lăng Thụ đình hầu Tuân Du, Tiền quân sư Đông Vũ đình hầu Chung Do, Phục Ba Tướng quân Cao An hầu Hạ Hầu Đôn, Phiêu Kỵ Tướng quân An Bình hầu Tào Nhân, Kiến Vũ Tướng quân Thanh Uyển đình hầu Lưu Nhược, Dương Vũ Tướng quân Đô đình hầu Vương Trung, Phấn Vũ Tướng quân An Quốc đình hầu Trình Dục, Quân sư tế tửu Thiên Thu đình hầu Đổng Chiêu, Trung hộ quân Minh Quốc đình hầu Tào Hồng, Phấn Uy Tướng quân Lạc Hương hầu Đặng Triển, Trung lệnh quân Hàn Hạo, Tả Tướng quân Lương Mậu, Hữu quân sư Mao Giới, Kiến Trung Tướng quân Tiên Vu Phụ, và mấy chục quan viên thuộc lại như bọn Vương Xán, Đỗ Tập, Viên Hoán, Nhậm Phiên cùng nhau dâng thư:
Xưa, thời tam đại(*) ban đất cho bề tôi, thời Vũ Đế ban tước cho cận thần, đều vì muốn phong thưởng cho những người có công lao và đức hạnh đã bảo vệ xã tắc. Nay, thiên hạ đại loạn, kẻ gian nổi lên, gây bao sóng gió, không thể nhẫn nhịn. Minh công đứng ra gánh vác trọng trách, giết được Viên Thuật, Viên Thiệu, dẹp loạn Khăn Vàng, giết thủ lĩnh tộc Di, dãi gió dầm sương hơn hai mươi năm, từ trước đến nay, chưa ai sánh bằng!
Đúng là ví Tào Tháo với Chu Công, tán dương công đức vang dội cổ kim, không ai sánh được, khiến cho việc cắt đất phân phong hoàn toàn hợp lẽ, nếu không nhận sắc phong thì “trên không những làm mất lòng thánh triều, dưới lại phụ lòng mong mỏi của bách quan”.
Tào Tháo làm bộ làm tịch, mặc dù từ chối nhưng lại tỏ vẻ dao động trước tấm “thịnh tình” của triều đình, bèn đưa ra quyết định mang tính tượng trưng: chỉ tiếp nhận Ngụy quận làm phong quốc của mình. Nhưng các quần thần tiếp tục dâng sớ, kiên quyết đề nghị Tào Tháo nhận hết mười quận của Ký Châu, còn nói:
— Nay Ngụy quốc có mười quận, nhưng vẫn nhỏ hơn so với Khúc Phụ(*), tính số hộ dân cũng chưa bằng một nửa, muốn dựng làm bức bình phong để bảo vệ vương thất cũng chưa đủ.
Quần thần đều khẩn cầu tha thiết, nhưng Tào Tháo vẫn tỏ ý khước từ, nói rằng theo nghĩa Đạo gia thì phải “công trục thân thoái, thiên chi đạo dã”(*), kiên quyết không chịu nhận. Thiên tử Lưu Hiệp lại hạ chiếu lần nữa, nói rằng Thừa tướng là người có công lao cái thế, xứng đáng được tấn phong tước công. Lần này, Tào Tháo đành tuân lệnh, lập tức dâng biểu lên triều đình, thề thốt chân thành: “Nay thần phụng mệnh nhận đất được phong, cả một vùng rộng lớn, không dám lo điều xa xôi, chỉ suy nghĩ cho hậu thế sau này. Phụ tử thần thề suốt đời trung thành với triều đình, cho dù có thịt nát xương tan cũng sẽ báo đền đại ân. Thiên uy trước mặt, cúi xin nhận chiếu!” Cuối cùng cũng “miễn cưỡng” nhận sắc phong.
Ngày bính dần, tháng Năm năm Kiến An thứ mười tám, thiên tử Lưu Hiệp phái Ngự sử đại phu mang ấn tín đến Nghiệp Thành, chính thức sắc phong Tào Tháo làm Ngụy Công. Tào Tháo cũng không làm bộ làm tịch nữa, truyền lệnh sửa sang, trang hoàng lại mạc phủ, toàn bộ số hoành phi cũ trong phủ được thay bằng những bức hoành phi do Lương Hồng tự tay viết, chính thức dùng cả bốn cửa ở tây viện trong mạc phủ. Thừa tướng dẫn đầu quân thần, quan lại của mạc phủ, Ngụy quận và liệt hầu của Tào thị tập trung ở điện Văn Xương, cung đón sứ giả của thiên tử đến.
Ngự sử đại phu Hy Lự mặc dù không có thực quyền nhưng lại có giá trị lợi dụng, cuối cùng cũng không dễ dàng được cáo lão về quê, ông ta đành phải tiếp nhận cái sứ mệnh vừa bị hạ nhục, lại vừa vẻ vang là đọc sắc lệnh của thiên tử trước điện:
Trẫm vì thiếu tu dưỡng đức hạnh, lúc nhỏ chịu nhiều hoạn nạn, phải chạy về phía tây, lang bạt đến tận Đường quốc, Vệ quốc. Lúc bấy giờ, trẫm bị thao túng tựa như dải cờ, tông miếu không ai tế tự, xã tắc không được trị lý, gian thần âm mưu tạo phản, chỉ chực xâu xé giang sơn, bách tính không ai theo trẫm, cơ nghiệp của Cao Tổ tưởng như bị hủy hoại từ đây. Trẫm lo lắng ngày đêm, lòng đau khôn xiết: “Đời tổ phụ có đại thần chính trực phò tá, đến đời ta ai có thể giúp đây?” Tiếng than thấu trời động đất, may thay Thừa tướng xuất hiện, bảo vệ hoàng gia, cứu trẫm thoát khỏi hoạn nạn, trẫm chỉ có thể dựa vào Thừa tướng. Nay làm lễ phong tước cho Thừa tướng, hãy lệnh ta…
Cả một sắc phong dài liên miên nhắc đến mười công lao lớn của Tào Tháo: tập hợp nghĩa quân, đánh dẹp Đổng Trác; tiêu diệt giặc Khăn Vàng, ổn định Quan Đồng; dời đô đến huyện Hứa, khôi phục lễ tế; uy vang miền nam, diệt trừ Viên Thuật; thu hồi Hà Nội, giết được hai tướng Trương, Dương; điều quân đông chinh, diệt được Lã Bố; đại chiến Quan Độ, quét sạch Viên Thị; viễn chinh Ô Hoàn, danh chấn ngoại tộc; nam chinh Lưu Biểu, Kinh, Tương đầu hàng; giao chiến Mã, Hàn, dẹp yên Nhung, Địch. “Mặc dù Y Doãn có phẩm chất của hoàng thiên, Chu Công vang danh bốn bể cũng không thể sánh với Tào Tháo... Nhưng ai có thể ngờ rằng, văn phong hùng hồn của sắc lệnh này cùng với bài văn bia xuề xòa dành cho Tuân Úc lại do cùng một người viết ra, đó chính là Phan Húc. Ông ta đúng là biết tùy cơ hạ bút.
Nhưng vinh dự nhất phải là việc được ban cửu tích. Cửu tích gồm, xe ngựa, y phục, nhạc cụ, chu hộ, bậc thềm, hổ sĩ, búa rìu, cung tên, rượu cúng, đây đều là những phần thưởng cao quý mà thiên tử ban tặng cho các quan. Xe ngựa là loại đại lộ (xe dùng làm lễ), giới lộ (chiến xa), phối với hai cỗ xe màu đen (ngựa vàng kéo), theo nghiên cứu về lễ pháp, người có thể an dân thì được ban tặng xe ngựa; y phục là lễ phục triều đình, áo cổn mũ miện thêu chín hoa văn, dùng ban thưởng cho người có thể giúp cho trăm họ sung túc; nhạc cụ gồm có ngũ nhạc định âm, múa sáu hàng, dùng để ban thưởng cho người hòa thuận với dân chúng; chu hộ là cho phép sơn đỏ lên cửa chính, dùng ban thưởng cho người tập hợp được dân chúng; bậc thềm là chỉ bậc thềm nạm ngọc trong cung điện, là lối đi riêng, dùng để ban thưởng cho người có công tiến cử nhân tài; hổ sĩ là ba trăm dũng sĩ gác cửa dùng để ban thưởng cho người có công dẹp loạn; búa rìu là vũ khí để ban thưởng người có công diệt trừ kẻ có tội; cung tên chỉ loại cung màu đỏ có trăm mũi tên và loại cung màu đen có nghìn mũi tên, dùng để ban thưởng người có công diệt trừ kẻ bất nghĩa; rượu cúng là loại rượu lên men từ kê đen và uất thảo chuyên dùng để cúng tế tổ tiên, ban thưởng cho những người hiếu thảo với tổ tông. Theo nghiên cứu về lễ pháp, tất cả các quan lại bất kể chức vụ lớn nhỏ đều được ban thưởng khi có công, nhưng xưa nay rất hiếm có chuyện được ban cửu tích, chỉ mới có Tấn Văn Công lập công lớn trong trận Thành Bộc và Vương Mãn thay Hán Đế cai quản chính sự mới được nhận lễ này.
Còn theo Chu lễ: Quan nhất mệnh(*) được nhận chức vụ, quan nhị mệnh được nhận y phục, quan tam mệnh được nhận tước vị, quan tứ mệnh được nhận đồ tế, quan ngũ mệnh được thưởng đất, quan lục mệnh được tự bổ nhiệm quan lại, quan thất mệnh được phong quốc, quan bát mệnh được làm châu mục, quan cửu mệnh được đứng đầu chư hầu một phương. Trên thực tế, Tào Tháo không chỉ là vua của một nước chư hầu, mà còn đứng đầu trong các nước chư hầu, ông vừa là Thừa tướng nhà Hán, vừa là quân chủ công quốc, vừa là bá chủ chư hầu, cách ngôi thiên tử chỉ một bước. Chỉ cần ông thích thì lúc nào cũng có thể dễ dàng bước qua ranh giới đó.
Hy Lự đọc xong sắc phong bèn lui xuống dưới điện, mặc dù là khâm sai nhưng vẫn cùng các quan Ngụy quốc quỳ lạy. Những người muốn bám vảy rồng, núp cánh phượng để leo lên làm công thần khai quốc đâu thèm để ý đến những quy tắc do Hiếu Vũ Đế đặt ra, kẻ nào kẻ nấy nhất loạt tung hô “vạn tuế”, âm thanh vang dội khắp nơi. Mười quận Ký Châu đổi thành Ngụy quốc, trở thành tài sản riêng của nhà họ Tào. Trong mười quận đó, có Triệu quốc từng là đất của vua chư hầu nhà Hán, Triệu Vương Lưu Khuê đành nghe theo sắp xếp dời đến Bác Lăng, ngoan ngoãn nhượng lại đất đai. Bình Nguyên hầu Tào Thực chuyển thành Lâm Tri hầu, con không thể tranh đất với cha, muốn chiếm thì chiếm đất của nhà Hán, đúng là tính toán chi li!
Mặc dù chưa nhất thống thiên hạ, nhưng việc phong quốc này vẫn được tiến hành chẳng khác gì đại lễ mừng thiên hạ, chỉ thiếu có quốc mẫu và thái tử là chưa được lập. Các phu nhân của Tào công ai cũng thấp thỏm, Biện thị theo Tào Tháo lâu nhất, nghiễm nhiên là chủ mẫu trong nhà, lại có ba con là Tào Phi, Tào Chương, Tào Thực đã trưởng thành, Tào Tháo anh minh nửa đời người cũng không đến nỗi về già lại hồ đồ, bất công với thê thiếp. Tạm thời ông không ban cho Biện thị danh phận, có thể là do sự tôn trọng với người vợ đầu là Đinh thị, nhưng chọn ai làm thái tử thì khó mà đoán được. Tào Phi sớm đã định danh Ngũ quan trung lang tướng, Phó thừa tướng, theo lý mà nói thái tử của Ngụy quốc phải là Tào Phi, nhưng Tào Tháo vẫn chưa quyết chuyện này, hơn nữa lại tung tin hỏa mù. Ông ban bố giáo lệnh, cử Lô Dục là nhi tử của Thượng thư tiên triều Lô Thực, con rể Hạ Hầu Thượng, viên bộc tòng thạo việc Quách Hoài đến phủ Tào Phi, lại cử Trịnh Mậu là nhi tử của danh thần Trịnh Thái, Ký thất Lưu Trinh cùng nhân sĩ mới nổi của văn đàn là Nhậm Hỗ đến làm thuộc hạ cho Tào Thực. Đến lúc này, có thể nói nhân tài ở phủ Ngũ quan trung lang tướng và phủ Lâm Tri hầu đã ngang sức ngang tài.
Từ xưa đến nay, vị trí trữ quân(*) được coi như “quốc bản”, không chỉ liên quan đến sự hưng vong của một quốc gia mà còn kéo theo vận mệnh, hoạn lộ của không biết bao nhiêu quan lại. Ai cũng có thể nhìn thấy, Tào Tháo đang nhọc tâm cân nhắc chuyện đại sự này…
Tiểu thư loạn phủ
Kể từ khi trở về Nghiệp Thành, Tào Phi chẳng có ngày nào được yên, đầu tiên thì chuẩn bị cho nghi lễ lập quốc, tiếp theo nhận lệnh giám sát việc xây dựng tông miếu, sau đó lại nhận được tin dữ, Gián nghị đại phu Trương Phạm qua đời. Trước kia, Tào Tháo đã phái Trương Phạm và Bính Nguyên đốc thúc, dạy bảo Tào Phi, làm bất cứ việc gì cũng phải thỉnh giáo hai vị lão thần này, nên y phải giữ lễ đệ tử với Trương Phạm, đứng ra lo liệu tang lễ cho thầy. Còn Bính Nguyên kể từ khi nhận chức Ngũ quan tướng Trưởng sử đến nay chưa bao giờ làm đúng phận sự, không dám ngông cuồng chỉ giáo trưởng tử của Thừa tướng nên chỉ đóng cửa ở nhà an dưỡng. Thái độ này gây không ít phiền phức cho Tào Phi, gặp chuyện gì cũng phải thỉnh giáo ông ta theo lời phụ thân dặn dò, Tào Phi nào dám không theo? Nhưng Bính Nguyên lại không đến, cũng chẳng thể mách tội ông ta, y đành cất công đến tận phủ. Chẳng dễ dàng gì mới kết thúc được chuyện sắc phong, tông miếu cũng xây sắp xong, phụ thân lại sai một đám liêu thuộc mới về phủ, những người này Tào Phi đều không quen thân, chạy đi chạy lại mãi mà vẫn chưa sắp xếp ổn thỏa, phụ thân lại truyền lệnh - chuyển phủ!
Huynh đệ Tào Phi ở phía nam mạc phủ, hai bên đường lớn có năm ngôi phủ đệ giống nhau, ngoài ba ngôi do huynh đệ họ Tào ở, còn lại hai ngôi trống. Cả năm phủ đệ đều có chính đường rộng, hai mái hiên đối xứng, trước to sau nhỏ, làm nha đường thì phù hợp hơn tư dinh. Lúc đầu mới chuyển đến, cả Tào Phi lẫn Tào Chương đều cảm thấy chỗ ở này không hợp quy cách, bây giờ mới biết là phụ thân đã mưu tính sâu xa, sớm có kế hoạch phong công lập quốc, lúc đầu xây là để làm nha đường, chuẩn bị cho liệt khanh quan viên. Tào Phi và gia quyến, thuộc hạ chuyển đến khu mới xây ở phía đồng bắc Nghiệp Thành.
Nửa năm nay, Tào Thực giám sát việc xây dựng cung điện nên sớm có chuẩn bị, đồ đạc đã chuyển đến gần đủ; Tào Chương thì cũng đơn giản, không có chức phận gì, ngoài vợ con ra thì chẳng có người ngoài, chỉ cần dắt theo đám ngựa quý với chó săn qua là được. Nhưng Tào Phi thì khá vất vả, vừa mới đi đánh trận về, thuộc hạ, nô bộc một đống người, cũng không được báo trước, chỉ riêng chuyển kinh thư, sách vở đã hết mười mấy xe, đến chỗ ở mới lại còn phải bố trí phòng cho mọi người. Phụ thân lệnh chuyển là phải chuyển, phải thu dọn sạch sẽ thì quan được bổ nhiệm mới có thể làm việc. Thế là kinh thư ở tiền đường cho vào tủ, y phục thì gói vào túi nải, các quan giúp việc tìm kiếm công văn do mình phụ trách, nô bộc chuyển mấy bức bình phong ra ra vào vào, bận đến mờ mắt tối mũi.
Lúc này, Tào Phi cũng không để ý đến dáng vẻ của Phó thừa tướng nữa, khoác bộ tiện y mỏng, tay chống nạnh rảo bước về phía nhà chính, nhìn ngó xung quanh rồi căn dặn:
— Cầm nhẹ tay, đặt nhẹ tay, đây là tấm bình phong phỉ thúy mà Lưu Uy tặng ta đó!
— Bách Bích đao đâu? Sang bên kia vẫn phải treo lên đấy!
— Mấy quyển Trung luận của Từ Cán vừa mới viết xong, ta mượn đọc, chớ làm mất.
— Vật tròn tròn kia là cái gì? Hừm, là quả cầu da của Duệ nhi, bảo nó cầm lấy.
— Chu Thước! Chu Thước! Tên tiểu tử này chạy đâu rồi?
Chu Thước bây giờ không còn là tướng lĩnh thuộc trung quân nữa, từ khi bị truất quan về làm sai nha ở phủ Tào Phi, trên danh nghĩa chỉ là một quản gia, nhưng còn thân thiết hơn cả đám duyện thuộc. Hắn nghe thấy tiếng gọi, vội vàng chạy lên nhà chính:
— Tại hạ đi tìm xe cho ngài, phủ ta chỉ có vài con ngựa, còn phải vận chuyển không biết bao nhiêu chuyến! Tại hạ đến hành dinh mượn bộ hạ cũ mấy cái xe ngựa, như vậy cũng tiện.
— Làm liều! - Tào Phi trách tội, - Để việc dùng xe quân truyền ra ngoài chẳng phải chuốc thêm phiền phức sao?
Chu Thước lại xuề xòa nói:
— Dạ, có đáng gì đâu, mượn tạm ấy mà! Dù sao tại hạ cũng từng giữ chức tư mã, mấy tên nhãi đó năm xưa dắt ngựa, khiêng đao cho tại hạ, muốn nịnh tại hạ còn không xong nữa là. Hôm nay được tại hạ nhờ chút việc là vinh dự cho chúng lắm!
— Có câu “Hảo hán mạc để đương niên dũng”(*), mau đem trả xe, ta thà chuyển đồ ba ngày ba đêm chứ nhất định không mượn xe quân.
— Ngũ quan tướng nói chí phải. - Một giọng nói sang sảng từ xa vọng lại, Bào Huân tay ôm đống văn thư đi đến, - Từ xưa đến nay, bậc chính nhân quân tử không bao giờ vì việc riêng mà bỏ việc công. Mượn xe tuy chỉ là chuyện nhỏ, nhưng nếu việc xấu mà không trừ bỏ, lâu dần tất sẽ thành kiêu ngạo, xấc láo. Quân tử phải hành sự thận trọng, há có thể tùy tiện được?
Bào Huân là nhi tử của Bào Tín, tính cách khác hẳn phụ thân, có dáng vẻ của một tên mọt sách. Hắn tuy nhỏ tuổi hơn Tào Phi nhưng hễ mở miệng ra là lại thao thao về đạo đức quân tử, những lời vừa rồi là muốn nhân cơ hội để tán tụng Tào Phi, nhưng lại hàm ý giáo huấn, ai mà thích nghe cho được? Tào Phi rất ghét, mặc dù miệng nói với hắn nhưng mắt lại chú ý đến đống đồ đạc đang chuyển:
— Thúc Nghiệp có chuyện gì chăng?
— Thưa, đây là công văn hôm nay mạc phủ chuyển tới, xin ngài xem qua.
Thư án đã được chuyển đi rồi, còn xem công văn cái nỗi gì? Hơn nữa đây chỉ là hình thức, có chuyện nào mà một Phó thừa tướng hữu danh vô thực như y có thể thực sự làm chủ? Tào Phi kiềm chế không nói ra, chỉ sang một chiếc hòm lớn chưa chuyển đi bên cạnh:
— Cứ đặt ở đấy đi. - Cũng không thèm để ý tới Bào Huân nữa, đi xuống dưới quát tên nô bộc đang quét sân, - Đồ đạc còn chưa chuyển, quét làm gì? Việc gì nên làm cũng không biết, nhà ngươi không có mắt à?
Bào Huân không nghe ra Tào Phi đang chửi mèo mắng chó hay cố ý không đi, lại lo lắng nói:
— Chiến sự ở Ký Thành cấp báo, viện binh chậm trễ chưa xuất phát, Vi Khang sắp không trụ nổi nữa rồi!
Tào Phi đã chán ngấy những lời hắn nói, thầm nghĩ có phát lệnh cứu viện hay không là việc của Hạ Hầu Uyên, liên quan gì đến ta? Bào Huân vô duyên đến luyên thuyên mấy câu rồi mới ngơ ngác bỏ đi. Chu Thước không nhịn được cười:
— Tên mọt sách này thật phiền phức.
— Hừ! Nếu không phải do phụ thân đưa đến thì ta đã sớm đuổi đi rồi! - Tào Phi chưa nói hết câu đã thấy Hạ Hầu Thượng và Tư Mã Ý cùng nhau đi đến.
Hạ Hầu Thượng vốn thân thiết với Tào Phi, nay lại nhận lệnh đảm nhiệm chức Văn học thị tòng của Ngũ quan trung lang tướng, cũng gọi là được như ý nguyện, hai hôm nay mặt mày hớn hở, tinh thần hân hoan:
— Tử Hoàn, tại hạ mang theo hai mươi tên đầy tớ, còn có hai mươi cỗ xe lớn, đang đợi ở bên ngoài.
Chu Thước quen đùa với Hạ Hầu Thượng, trêu rằng:
— Giao thiệp với huynh lâu như vậy mà không biết huynh gia tài giàu có, có đến hai mươi cỗ xe lớn kia đấy!
Hạ Hầu Thượng gãi đầu gãi tai, cười nói:
— Nhà ta lấy đâu ra nhiều thế, đây là của Tử Đan, Văn Liệt mang đến góp chung, bảo ta đem qua đây đỡ việc.
Tào Phi mỉm cười ngầm hiểu: Tào Chân và Tào Hưu tuy thân với ta hơn, nhưng các huynh đệ khác đều cùng chuyển nhà, không thể thiên vị được. Người không tiện đến, nhưng mang xe cho ta mượn thì rất ổn thỏa.
Tư Mã Ý không nói gì, thờ ơ bước tới bên cạnh chiếc hòm, tiện tay lật giở mấy công văn mà Bào Huân để lại, đột nhiên nhớ ra việc gì, ngẩng đầu lên hỏi Hạ Hầu Thượng:
— Tối qua Ngụy Công triệu huynh vào phủ, nghe nói còn giữ lại dùng bữa, rốt cuộc dặn dò điều gì?
— Ồ, cũng không có gì quan trọng. - Hạ Hầu Thượng hớn hở nói, - Không phải tìm ta, mà do mấy vị tiểu thư trong phủ muốn gặp vợ ta, nên xin Ngụy Công cho truyền cả hai vào. Tỷ muội họ tề tựu ở hậu đường, ta đi theo hưởng chút thơm lây, hầu Ngụy Công ăn một bữa cơm. - Thê tử của Hạ Hầu Thượng là muội muội của Tào Chân, tuy không phải là con ruột của Tào Tháo nhưng lớn lên trong mạc phủ, được phu nhân Đinh thị và Biện thị xem như con ruột.
Chu Thước cười nói:
— Chức quan này của huynh càng làm càng bất lợi, mấy năm trước còn được trọng dụng, đến bây giờ lại phải nhờ vợ chống lưng. Không cần hỏi cũng biết sợ vợ một phép! - Hạ Hầu Thượng cười gượng. Kỳ thực hôn sự này cũng không được mĩ mãn, chí hướng cả đời hắn là lấy được một mỹ nhân sắc nước hương trời, nhưng muội muội Tào Chân dung mạo tầm thường, tính tình đanh đá, hai vợ chồng bấy lâu không hòa hợp. Nhưng do ngại Tào Tháo và quan hệ với Tào Chân nên Hạ Hầu Thượng không dám đắc tội với vợ, chưa kể lại bị xem là cùng hội cùng thuyền với Tào Phi, Tào Tháo cũng không tín nhiệm hắn như trước, may nhờ vợ giao thiệp giỏi nên cũng yên ổn. Đại trượng phu nhờ vợ làm quan, há lại cảm thấy dễ chịu? Nay được theo hầu Ngũ quan tướng, sau này tiền đồ thăng tiến đều nhờ cả vào Tào Phi.
Ánh mắt Tư Mã Ý không rời khỏi công văn, tán chuyện mãi mới hỏi:
— Không phải dịp lễ tết, đám đàn bà con gái tụ tập làm gì? Tẩu tẩu không kể với huynh sao?
— Tối qua mấy vị phu nhân sai tỷ nữ đến chuyển lời, giữ vợ ta ở lại, sáng nay lúc ta ra khỏi nhà vẫn chưa về. Nói chuyện gì ta cũng chưa biết.
— Kỳ lạ thật… - Tư Mã Ý đột nhiên ngẩng đầu hỏi, - Ngụy Công nói với huynh những chuyện gì?
Hạ Hầu Thượng nghĩ lại:
— Đều là những câu bình thường… Ngài nói Kim Hổ đài sắp xây xong, Lâm Tri hầu quán xuyến không tồi, còn nói sắp xây một đài cao ở phía bắc Đồng Tước đài, sẽ giao cho Lâm Tri hầu giám sát. - Tào Phi cau mày, nghĩ bụng: Chuyện béo bở này đến lượt tam đệ là do cữu cữu mắc bệnh, nên đệ ấy mới có cơ lập được chút công. Chuyện xây dựng cung điện vốn do Biện Bỉnh phụ trách, năm trước do bại lộ đại án tham quan, Biện Bỉnh vô can nhưng bị trách tội nên uất ức đổ bệnh, cũng là cố ý giận Tào Tháo, từ đó viện cớ đang bệnh mà cả ngày nằm trên giường, từ chối làm việc. Tào Tháo cũng không buồn nài nỉ, lang cữu hai người vẫn luôn ương ngạnh như vậy.
Tư Mã Ý khẽ mỉm cười:
— Hạ Hầu huynh sơ ý quá. Ngụy Công vì cớ gì mà khen Lâm Tri hầu trước mặt huynh? Những lời nói đó chắc chắn là cố ý nói với huynh, để huynh nói với Ngũ quan tướng. Huynh mà không chuyển lời thì bữa cơm hôm qua khác nào mất không cho huynh?
Tào Phi ngơ ngác:
— Dụng ý của phụ thân là sao?
— Hẳn là Ngụy Công cố ý khích ngài. - Ánh mắt của Tư Mã Ý lại nhìn vào đống công văn, - Nếu như tại hạ đoán không nhầm, chắc chắn Ngụy Công cũng sẽ khen ngài theo quân chinh chiến tận tâm tận lực trước mặt bọn Dương Tu…
Tào Phi bán tính bán nghi:
— Lại có chuyện này sao?
— Những sắp xếp gần đây, ngài còn không nhìn ra sao? Ngụy Công muốn huynh đệ ngài tranh đấu! Để xem tài cán ai cao hơn, đức tính ai tốt hơn. Thực ra, lão ngài trong lòng vẫn chần chừ do dự, nếu không cho các ngài đấu đá lẫn nhau, sao biết được ai sẽ hơn ai? Ngụy Công cố ý muốn khích các ngài, từ đó lão ngài có thể quan sát, so sánh được tài cán của hai người.
Hạ Hầu Thượng và Chu Thước nghe được những lời này không khỏi giật mình: Tình thân trong thiên hạ không gì bằng tình phụ tử huynh đệ, vậy mà Tào Tháo vẫn cố ý khích hai con so tài cao thấp, ý đồ thật là đáng sợ!
Tư Mã Ý khẽ nói:
— Có thể sẽ có những việc không hợp đạo lý, nhưng vị trí này lại liên quan đến vận mệnh quốc gia, há có thể truyền đạt qua loa được? Lão ngài cũng là vì bất đắc dĩ, không còn cách nào khác.
Trên nhà dưới nhà tất bật huyên náo, còn bốn người lúc này chỉ im lặng không nói. Mãi lâu sau, Tào Phi mới cắn răng nói nhỏ:
— Đấu thì đấu, há có thể thua Tử Kiến?
Nào ngờ Tư Mã Ý cười nhạt:
— Nếu có suy nghĩ này, không cần đấu, ngài cũng đã thua.
— Lời này có ý gì? - Tào Phi giật mình nhìn Tư Mã Ý.
— Người trong cuộc không rõ bằng người ngoài cuộc, Ngụy Công không chỉ muốn thử thách tài cán, trí tuệ mà còn muốn xem chí hướng, hoài bão của hai người. Đấu không có nghĩa là tranh nhau công trạng, so kè thế lực, nếu đấu theo kiểu này thì khác gì mỗi bên kéo bè kết đảng, làm sao lão ngài có thể chấp nhận điều này? Cho nên Ngụy Công càng khích, ngài càng phải vững vàng, kiên định, nhớ là một mình hành sự đừng quản người khác, tuyệt đối không được tức giận với Lâm Tri hầu, mà trái lại còn phải đối xử thật tốt với ngài ấy! Luận về tài văn chương, ngài và Lâm Tri hầu người tám lạng kẻ nửa cân, luận về kinh nghiệm quan trường, ngài vượt xa Lâm Tri hầu, luận về chí khí, hoài bão, ngài càng không thể thua Lâm Tri hầu. Đúng như lời của Lão Tử: “Phu duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh.”(*) - Tư Mã Ý chỉ nói nửa chừng. Trong mắt của Tư Mã Ý thì Tào Phi là người có tài cán, nhưng nhược điểm lớn nhất chính là bụng dạ hẹp hòi.
Tào Phi đã hiểu ra vấn đề, không khỏi nhìn lão đệ Tư Mã với con mắt khác. Mưu sĩ trước đây được y tin cẩn nhất là Ngô Chất đã bị điều đến Triều Ca làm Huyện lệnh, mỗi khi hành sự y đều cùng Ngô Chất luận bàn, trao đổi kế sách, nay những lời Tư Mã Ý vừa nói lại tình cờ trùng hợp với lời của Ngô Chất khi xưa.
Hạ Hầu Thượng và Chu Thước đều gật gù, chưa kịp nói gì thì nghe thấy bên ngoài có tiếng ồn ào, hình như có tên nô bộc làm vỡ đồ. Ngẩng mặt lên nhìn, không thấy ai đến nhận tội, chỉ nhìn thấy nô bộc ngoài sân hốt hoảng trốn núp. Bốn người đang kinh ngạc, lại nghe thấy giọng nữ vị nhi lanh lảnh:
— Tử Hoàn ca ca!… Tử Hoàn ca ca mau ra đây! Muội có chuyện muốn nói với huynh!
Tào Phi bỗng hoảng sợ: Nha đầu lỗ mãng này sao lại chạy đến chỗ ta?
Đó chính là Tào Tiết, con gái Tào Tháo và cũng là muội muội cùng cha khác mẹ của Tào Phi. Phong tục nhà Hán trọng nam khinh nữ, Tào Tháo cũng câu nệ thế tục, nhưng do con trai thì nhiều, con gái thì ít, dù không phải là con gái do Biện Thị sinh ra nhưng cũng rất yêu chiều, từ nhỏ đã để những cô con gái khác học thêu thùa, duy Tào Tiết là ngoại lệ. Chỉ vì từ nhỏ nàng ta đã không thích an nhàn, thanh tịnh mà tính cách chẳng khác gì nam nhi, những tỉ muội khác thì yêu hoa mến cỏ, còn Tào Tiết chỉ thích trèo cây bắt chim, chọi gà đá cầu, nên hay chơi cùng mấy đứa nhóc cùng tuổi là Tào Chỉnh và Tào Quân. Tào Tháo thấy khá kỳ lạ, nhưng cũng vì dung mạo hơn người của Tào Tiết nên ông càng thêm yêu chiều, còn cho nàng ta đọc không ít kinh thư. Năm nay Tào Tiết vừa tròn mười sáu, mặt hoa da phấn, xinh đẹp mỹ miều nhưng tính cách lại mạnh mẽ, cương trực, các phu nhân cũng không quản nổi, Tào Tiết trở thành “nữ bá vương”, trên dưới mạc phủ không ai không sợ.
Nhắc đến vị tiểu muội này, Tào Phi lại đau đầu, hôm nay sao bỗng dưng chạy đến phủ mình? Y bước ra cửa nhìn - đúng là khiến người ta phải khiếp sợ! Tào Tiết búi tóc hai bên, chiếc trâm ngọc cài trên đầu đung đưa vắt vẻo, dáng người đầy đặn, mình mặc áo màu xanh, bên ngoài khoác áo mỏng, thân dưới mặc quần hồng; mày ngài nhỏ nhắn, mắt mở trừng trừng, bĩu môi chúm chím; tay trái dắt một nữ nhi dáng vẻ yểu điệu, mặt mày nhỏ nhắn, vừa e thẹn vừa sợ hãi khóc thút thít, là a tỉ Tào Hiến; còn tay phải kéo một nha đầu cũng đang khóc lóc tỉ tê, là a muội Tào Hoa. Ban ngày ban mặt, ngay cả bọn a hoàn cũng không mang theo, ba tỉ muội khóc lóc ầm ĩ chạy đến phủ Ngũ quan tướng. Nam nữ thụ thụ bất thân, hơn nữa lại là con gái của Ngụy Công, nô bộc đã ai gặp qua chuyện này? Kẻ nào kẻ nấy sợ hãi lui ra hết.
Chu Thước nhìn thấy cảnh này bèn lần ra cửa sau, ngay cả Tư Mã Ý lúc này cũng không dám nói gì, quay người lánh đằng sau chiếc hòm. Hạ Hầu Thượng thì càng không phải nói, dù thế nào cũng là quan hệ thông gia, hắn buộc phải theo Tào Phi xuống thềm nghênh tiếp.
Tào Phi gặp phiền phức nhưng vẫn nói giọng nhỏ nhẹ:
— Ba tiểu muội của ta, rốt cuộc có chuyện gì?
Tào Tiết vỗ ngực, cất giọng lanh lảnh:
— Ta có phải là muội muội của huynh không?
Tào Phi vội vàng trả lời:
— Đúng, tất nhiên là đúng! Cho dù chúng ta không phải cùng mẹ sinh ra, nhưng ta luôn coi muội là em gái ruột của ta!
— Vậy muội hỏi huynh, muội muốn xin huynh giúp một việc, huynh có đồng ý không?
— Muội muội tốt của ta! Chỉ cần muội không làm chuyện chuốc họa vào thân thì chuyện gì ta cũng đồng ý.
Tào Tiết dường như đã nguôi giận, lại nói:
— Vậy thì được, muội không đồng ý gả cho người ta, bây giờ huynh hãy đi gặp phụ thân nói…
— Có gì thì chúng ta vào trong nói. - Không đợi Tào Tiết nói hết câu, Tào Phi vội chặn lại.
— Không! Chúng ta nói rõ mọi chuyện ở đây!
Tào Phi cuống hết cả lên: Ba vị cô nương đứng giữa sân kêu gào, hòm tủ thì chất đầy sân, nô bộc, a hoàn trốn hết sau cửa thùy hoa, không thể vạch áo cho người xem lưng, Tào Tiết lại làm ầm ĩ giữa sân, chẳng phải là để người khác cười cho sao? Nghĩ đoạn, y cũng không để ý nhiều nữa, liền nắm tay Tào Tiết:
— Mau vào trong, để xem muội có chuyện gì! - Rồi không nói gì thêm, kéo nàng ta vào trong nhà.
Tư Mã Ý vẫn đứng sau chiếc hòm, nhìn thấy cảnh này thầm kêu khổ, cũng không tiện bỏ ra ngoài, đành đứng im tại chỗ. Tào Hiến cũng dẫn theo Tào Hoa vào trong, ở đây muốn ngồi cũng chẳng có chỗ, chỉ đứng thút thít lau nước mắt.
Tào Tiết lại bất cần, nhấc váy sang một bên tựa vào tủ lớn cạnh cửa, gắt:
— Khóc cái gì mà khóc! Các ngươi chỉ biết khóc!
— Muội muội à, rốt cuộc là có chuyện gì? - Tào Phi tìm một cái hòm để ngồi xuống.
— Phụ thân muốn gả mấy tỉ muội, muội không đồng ý gả cho họ. - Tào Tiết sắc mặt không đổi, nói giọng tức tối. Hạ Hầu Thượng nghe thấy chậc lưỡi, nghĩ bụng: Lệnh của phụ mẫu to bằng trời, làm gì có chuyện phụ mẫu làm chủ mà con gái không đồng ý? Hơn nữa phụ thân họ lại là “đệ nhất phụ thân” trong thiên hạ.
— Lời này mà muội cũng thốt ra được. - Tào Phi dở khóc dở cười, - Phụ thân định gả cho ai, sao ta không biết?
Tào Tiết nhếch miệng đáp:
— Lưu Hiệp!
Tào Phi suýt chút nữa ngã ngửa ra khỏi hòm, ở đâu ra kiểu dám gọi thẳng tên húy của hoàng đế? Tư Mã Ý ở phía sau cũng giật mình: Ngụy Công muốn dâng con gái cho thiên tử, chả trách tối qua tỉ muội họ tụ họp, thì ra là cáo biệt trước khi thành thân. Chẳng lẽ Ngụy Công có ý để con gái làm chủ hậu cung để khống chế thiên tử?
Sau thời khắc hoảng sợ, Tào Phi dần dần hiểu ra, y một lòng muốn nối nghiệp phụ thân nên chuyển từ kinh ngạc sang vui mừng:
— Thừa ân thiên tử luôn là niềm vinh dự của các nữ nhân trên thế gian. Muội muội ngốc, đây là chuyện tốt!
— Hừ! - Tào Tiết đứng bật dậy, tay chỉ vào hai tiểu muội, - Tốt cái gì? Phụ thân muốn đưa cả ba tỉ muội muội vào cung.
Tào Phi kinh ngạc, ba tỉ muội cùng vào cung?
Y quan sát tỉ mỉ: Cả ba đều là con của vợ lẽ, Tào Hiến tính cách dịu dàng, ít nói, nhất cử nhất động đều mang phong thái của tiểu thư khuê các, nhưng đã hơn mười tám. Đáng lẽ đã phải gả đi lâu rồi, chỉ là phụ thân nói Tào Hiến phải chọn nhà danh gia vọng tộc, lúc đầu kết thân với họ Tuân, ông đã không chọn Tào Hiến vì vẫn muốn chọn nhà cao quý hơn. Hôm nay mới rõ, hóa ra là muốn gả cho thiên tử, xem ra phụ thân đã sớm có ý đồ về chuyện này! Còn về Tào Tiết, mặc dù tính tình không thuần nhưng dung mạo như hoa như ngọc, như vậy cũng hợp; còn tiểu muội Tào Hoa mới mười một tuổi. Hiện nay đã có Phục hoàng hậu làm mẫu nghi thiên hạ, ba tỉ muội phải khuất phục sau một người, sắp xếp như vậy quả là không hợp tình cho lắm.
Tào Hiến giữ đức khuê nữ, làm theo ý lệnh của phụ thân nên không nói gì, chỉ là lấy chồng xa nhà khó tránh được buồn tủi; Tào Hoa tuổi còn nhỏ, nào có hiểu lấy chồng là gì? Chủ yếu là bị các tỉ tỉ dọa sợ phát khóc. Người chính thức phản đối chỉ có một mình Tào Tiết, hai tỉ muội kia không hiểu đầu cua tai nheo, liền bị dắt đến đây:
— Biết đó là thiên tử, nhưng muội nhất định không lấy!
Tào Phi đương nhiên đứng về phía phụ thân:
— Nói năng liều lĩnh, nữ nhi trong thiên hạ, ai mà không muốn sánh đôi với bậc chí tôn?
— Chí tôn? - Tào Tiết đột nhiên cười nhạt, - Lời này có thể lừa gạt người ngoài, nhưng có lừa được người nhà không? Hắn có còn là bậc chí tôn thiên hạ ngày nay?
Tào Phi nghe được những lời này thì giật mình sợ hãi, vội bịt miệng Tào Tiết, nhưng Tào Tiết nào chịu? Càng không cho nói, càng phải tranh luận cho rõ ràng:
— Hắn sớm đã lập hậu, còn muội chưa đến tuổi trưởng thành, xứng đôi vừa lứa thế nào? Phụ thân chuyên quyền đã lâu, muội vào cung liệu còn được ân sủng? Phục hoàng hậu nuôi dạy hoàng tử nhưng lại không được phong vương, lẽ nào bà ấy không hận muội? Hơn nữa Tào thị đã cắt đất lập quốc, long vị của Lưu Hiệp còn có thể ngồi được bao lâu? Khi xưa Tử Anh dâng ấn mà cũng không thoát khỏi việc bị Hạng Vũ tru diệt, Bình Đế nhỏ dại cũng bị Vương Mãng hạ độc, huynh và phụ thân nỡ lòng nhìn chúng muội sống cả đời cô quả? - Nàng ta xưa nay vẫn mạnh mẽ, cứng rắn, vậy mà nói đến đây cũng nước mắt lưng tròng.
Nói đến đạo lý ai ai cũng hiểu, nhưng lời này không thể nói thẳng, Tào Phi nghe mà cảm thấy sợ hãi, định thần lại rồi nói:
— Im miệng! Muội ăn nói vớ vẩn gì thế? Mau về cung!
— Không! - Tào Tiết vỗ đùi, - Huynh đi nói với phụ thân, chúng muội không muốn lấy, cũng không thể lấy.
Lời của phụ thân Tào Phi làm theo còn không xong, nào dám quản chuyện không liên quan tới mình, lắc đầu nói:
— Chưa đọc qua Nữ giới phải không? Phận nữ nhi là phải phục tùng, chưa nói đến chuyện đại hỷ là kết duyên với hoàng thượng, mà ngay cả bắt muội lấy tên phá gia chi tử muội cũng phải làm theo. Đạo lý này còn không hiểu, muội điên rồi phải không?
— Muội điên? - Tào Tiết cười nhạt, - Muội thấy chính các huynh mới điên, điên đến mức không biết mình là ai. Là con gái phải nghe lời phụ thân, là thần tử phải nghe lời quân vương! Muội có sai cũng là bắt chước kẻ trên, nề nếp gia phong của nhà họ Tào này cũng chỉ đến thế!
Tào Phi bị muội muội chặn họng, không thể nói rõ đạo lý với nàng ta, hơn nữa cũng không có gì để nói:
— Ta… Ta… Không thèm phí lời với muội, để gọi tẩu tẩu đưa các ngươi về, ngươi có lý lẽ gì cứ đi nói với phụ thân. - Nói xong sai nô bộc đi gọi Chân thị và Quách thị.
Tào Tiết cố ngăn không cho nước mắt rơi, nhưng khi nghe thấy những điều này, nước mắt lại rơi lã chã, nàng ta có bướng bỉnh thế nào thì cũng làm sao chống lại được với người nghiêm khắc và cố chấp như phụ thân mình? Những lời này có nói đi nói lại bao nhiêu lần, phụ thân cũng không để ý, hôm qua Tào Tiết đã triệu tập các tỉ muội đến để xin kế sách, không ngờ mọi người lại đều thuận theo ý của phụ thân, một mực khuyên bảo nàng ta. Đúng là không còn cách nào khác mới chạy đến làm loạn phủ của huynh trưởng, rồi lại bị bắt quay về, lẽ nào đúng là do số trời đã định? Tào Tiết quỳ xuống cạnh tủ, khóc to:
— Tiết nhi không muốn, Tiết nhi không muốn, thà rằng ở vậy cả đời!… - Nàng ta vừa khóc thì Tào Hiến cũng khóc theo, Tào Hoa kêu gào ầm ĩ.
Hạ Hầu Thượng nãy giờ mải nghe đến ngây cả người, thấy Tiết cuối cùng đã bật khóc, Tào Phi cũng chẳng nói năng gì, vội làm mặt cười đến dỗ dành:
— Lời muội nói đều là trong lúc tức giận, há có thể là thật, con người ta sống mà không thành gia lập thất thì còn ra thể thống gì, muội của ta đáng yêu là thế, lẽ nào cả đời lại không lấy chồng?
Nào ngờ nha đầu này nói đạo lý không được, mà khuyên bảo cũng không xong, tức giận lau nước mắt nói:
— Những chuyện nhà họ Tào không đến lượt ngươi xía vào! Tự lo cho mình đi! - Câu này làm Hạ Hầu Thượng tức đến mặt đỏ tía tai, nhưng cũng đành câm nín.
— Muội, muội…! - Tào Phi cũng muốn đôi co một hai câu, nhưng không biết phải mở lời thế nào, đành quay người đi thẳng.
Tào Tiết bỗng nhiên đứng bật dậy:
— Huynh không quản, muội đi tìm nhị ca, tam ca! Bọn họ đều có lương tâm hơn huynh!
Câu nói này động chạm đến Tào Phi, cơn đại nộ sắp bừng lên thì lại nghe thấy có tiếng nói sau lưng vang lên:
— Tại hạ to gan, xin có mấy lời với tiểu thư. - Quay đầu lại nhìn, thấy Tư Mã Ý đứng dậy từ phía sau hòm.
Tào Tiết kinh ngạc, cũng không tra hỏi xem đó là ai, mà chỉ lạnh lùng nói:
— Ngươi muốn nói gì?
Tư Mã Ý từ trong đống công văn rút ra một quyển trúc, nói:
— Mời tiểu thư xem.
— Có gì cứ nói, ta không xem!
— Đây là chính lệnh do Ngụy Công ban bố, trưng nạp quả phụ của tù nhân ở đất Tam Phụ. - Dù sao cũng là nói chuyện với con gái của Tào Tháo, Tư Mã Ý không dám ngẩng mặt, hai tay dâng công văn.
— Chuyện này có liên quan gì đến ta? - Tào Tiết định bước đi, nhưng lại hiếu kì, quay đầu hỏi, - Trưng nạp quả phụ làm gì?
— Để làm kỹ nữ cho quan tướng và binh sĩ. Bao năm chinh chiến, binh sĩ không được lấy vợ, Ngụy Công ban những cô gái này cho tướng sĩ để giúp họ khuây khỏa. - Tào Phi còn chưa xem công văn này nên nghe thấy vậy khó tránh khỏi sợ hãi. Mặc dù trước nay đều có kỹ nữ cho các quan lại, nhưng há lại có chuyện phát lệnh cưỡng bức quả phụ làm việc này?
Tư Mã Ý định thần phân tích:
— Ngụy Công mưu lược hơn người, mưu tính chuyện lớn trong thiên hạ, từ triều đình đến dân đen không ai là không thể sai phái, ngay cả đàn bà con gái cũng thế, không ai được phép trái ý. Tại hạ khuyên tiểu thư hãy nghe theo lệnh của phụ thân, vào cung hầu hạ quân vương, giữ trọn đức quan thư(*), đừng chống đối nữa. Ngụy Công sớm đã có ý này, ngay cả Ngũ quan tướng, Lâm Tri hầu cũng chịu bó tay, tiểu thư chớ nên uổng phí công sức…
Dáng người xinh xắn của Tào Tiết khẽ nghiêng ngả, nhưng ngay sau đó đã đứng vững lại, ánh mắt khắc khoải nhìn ra sân, lòng dạ rối bời: Tư Mã Ý nói không sai, trên đời này có ai thay đổi được chủ ý của phụ thân? Hơn nữa, phụ thân có coi đàn bà con gái ra gì không? Đại ca phải lòng quả phụ nhà họ Viên, bất luận lễ pháp thế nào cũng phải lấy cho bằng được; nhị ca thì đổi thê thiếp lấy một con ngựa, phụ thân cũng có trách hỏi câu nào; các phu nhân trong phủ, có được mấy người là không phải do phụ thân cướp về? Sái Chiêu Cơ rõ ràng là con gái do vương phi Hung Nô nuôi dưỡng, chỉ vì bà ấy ghi chép kinh thư mà phụ thân chuộc về để gả cho người khác; còn bắt quả phụ ở Tam Phụ làm kỹ nữ mua vui cho binh lính. Đó chính là cách nhìn đàn bà con gái của phụ thân, chỉ để thỏa mãn dục vọng, làm công cụ để tranh đoạt thiên hạ, ngay cả tỉ muội chúng ta cũng thế…
Tào Phi im lặng nhìn bóng dáng thẫn thờ của muội muội, cơn tức giận vừa rồi cũng tiêu tan, trong lòng cảm thấy thương xót, muốn dùng lời lẽ mềm dẻo để an ủi, nhưng thấy Tào Tiết dắt tay các muội muội đứng phắt dậy bước ra ngoài, đành thở dài ngao ngán:
— Không tranh cãi nữa, đó là số mệnh! Chúng ta đi thôi...
— Muội muội! - Tào Phi đuổi theo, - Để ta bảo tẩu đưa các muội về.
— Không cần! - Tào Tiết không quay đầu lại, nói giọng đầy trách móc, - Huynh không cần quản muội, huynh chỉ biết tranh quyền đoạt lợi, nhị ca cả ngày cưỡi ngựa săn bắn, ăn chơi đàn đúm, còn tam ca thì ngày ngày cùng đám văn nhân hủ lậu ngâm thơ họa phú, các người đều không có nhân tâm! Muội hận các huynh!… - Ba tỉ muội tấm tức khóc rồi bỏ đi.
Tào Phi ngỡ ngàng không biết nói gì, Hạ Hầu Thượng giảng hòa nói:
— Chớ để tâm làm gì, chẳng qua là các muội ấy làm chuyện dại dột. Bây giờ nói mấy câu không đầu không cuối, sau này vào cùng hưởng phú quý rồi sẽ không làm ầm ĩ nữa.
— Đúng, đúng vậy. - Tào Phi ngại ngùng gật đầu, đoạn liếc nhìn Tư Mã Ý, - Chuyện hôm nay may nhờ có Trọng Đạt, nếu muội muội ta đi cầu cứu Tử Kiến, Tử Văn, họ mà gật đầu, chẳng phải ta thành người vô tình vô nghĩa rồi sao?
Tư Mã Ý dường như không nghe thấy, vẫn đang mải mê suy tư: Họ Tào thay thế nhà Hán là có thật, nhưng Ngụy Công dâng con gái cho vua không phải là do nóng vội, muốn bức vua thoái vị. Tào Hiến có phẩm chất của bậc mẫu nghi, Tào Tiết mạnh mẽ có thể làm khiếp sợ hậu cung, nhưng lại dâng cả một nha đầu nhỏ tuổi để làm gì? Đây không chỉ là giám sát thiên tử, mà còn có ý muốn nịnh bợ lấy lòng, hai cô gái một cương một nhu, hẳn sẽ có một người hợp với tâm ý của thiên tử? Sau này Tào Hoa lại ở tuổi dậy thì, có thể tiếp tục được sủng ái. Nếu đúng như suy đoán này, Ngụy Công đã có tính toán lâu dài, ngai vàng của nhà Hán vẫn tiếp tục thoi thóp…
Đọ sức so tài
Chuyển phủ đệ bận rộn mất hai ngày, đến tận chiều tối ngày thứ hai mà mọi thứ vẫn còn bừa bộn. Tào Phi cũng không để ý đến việc sắp xếp đồ đạc trong nhà, mấy việc lặt vặt này giao cả cho Chu Thước, trước hết dẫn Chân thị, Nhiệm thị và Quách thị vào cung bái kiến phụ mẫu, tạ ơn vì đã ban thưởng phủ đệ mới.
Trước đây phủ đệ cách mạc phủ một con đường, bây giờ thì phiền phức hơn, đi đúng một vòng mới đến cửa chính. Tào Tháo trước nay vẫn làm việc ở đông viện, nay mạc phủ đổi thành cung điện, đông viện cũng trở thành đông cung, cửa Tư mã cũng sơn thành màu đỏ, trước nay đều đóng cửa, Tào Phi cùng thê thiếp xuống xe, tự mở cửa vào. Thừa tướng được gia phong làm Ngụy Công, tất cả các lễ tiết đều phải thăng cấp, đợi vệ sĩ thông báo mới được vào. Cửa nhị môn trước kia cùng đã có thêm hoành phi chữ triện, gọi là “Hiển Dương môn”, tam môn gọi là “Tuyên Minh môn”, cửa trong chính viện gọi là “Thăng Hiền môn”, khắp nơi đều thay đổi, Tào Phi cúi đầu bước đi, trong lòng không khỏi nể phục, nhưng có còn đó cảm giác thân thuộc khi về nhà?
Chân thị, Quách thị, Nhiệm thị đứng hành lễ ngoài Thính Chính đường, sau đó nữ quan dẫn họ vào hậu cung. Tào Phi một mình vào điện, lại nhìn thấy Tào Thực sớm đã ngồi một bên, trước hành lễ với phụ thân, sau hỏi thăm huynh đệ, Tào Tháo cho ngồi mới dám ngồi. Tào Thực kéo áo y cười nói:
— Lúc đầu định giúp huynh chuyển nhà, nào ngờ tiểu đệ vừa sắp xếp ổn thỏa, nhị ca đã đến kéo theo đám gia đinh, không nói lý do đã kéo hết gia súc trong phủ đi, đệ cũng chẳng còn cách nào khác.
Tào Phi mỉm cười:
— Huynh đệ trong nhà, đâu cần khách sáo thế?
— Huynh đệ nên hòa thuận như vậy. - Tào Tháo cũng mở lời. Hai huynh đệ không nói gì, cúi đầu nghe dạy bảo, - Gần đây, ta đã ban cho các con không ít trợ thủ, có hậu sinh tài đức, có hậu duệ vọng tộc, các con nên tiến bộ hơn nữa. Nay ta được tấn phong tước công, các con không được ỷ vào gia thế mà kiêu ngạo, hồ đồ. Sáng nay Tử Văn vào gặp ta, đến giờ ta vẫn đau đầu vì tức giận. Các con tuyệt đối không được học nó…
Tào Phi định nói về chuyện của Tào Tiết, nhưng phụ thân không nhắc nên cũng không dám mở lời. Mãi một lúc sau bỗng thấy ông nói:
— Trương Phạm ngã bệnh mà chết, thiên hạ lại mất đi một hiền sĩ, thật đáng tiếc thay! Sau này Tử Hoàn phải kính trọng Bính Trưởng lại hơn nữa.
— Vâng. - Tào Phi vội đáp lời.
Tào Tháo lại đưa mắt nhìn Tào Thực:
— Các văn sĩ trong phủ của Tử Kiến quá đông, nhưng lại thiếu một hiền sĩ nổi tiếng. Ta muốn phái Hình Ngung đến phủ con làm Gia thừa, dân gian có câu “Hình Tử Ngang đức hạnh đường đường”, con phải hết sức trân trọng.
— Hình tiên sinh là bậc hiền sĩ cao quý, ngài ấy có thể hạ cố đến phủ, đó là phúc lớn của nhi tử. - Tào Thực cúi đầu cảm tạ. Hình Ngung không chỉ là hiền sĩ có đức có tài ở đất Hà Bắc mà còn đã từng lập công trạng. Năm đó, ông ta cùng với Điền Trù theo lệnh Tào Tháo lĩnh quân đi chinh phạt Ô Hoàn, sau khi tòng quân thì thăng chức rất nhanh, hiện giờ đã là quận tướng, còn Điền Trù sau khi chinh phạt Ô Hoàn lại từ chối nhận tước vị, Tào Tháo mấy lần ban thưởng nhưng đều không nhận, năm ngoái bệnh nặng qua đời. Nay Trương Phạm cũng đã chết, Bính Nguyên chính là tấm gương đạo đức trong phủ Tào Phi, nay Tào Tháo lại ban Hình Ngung cho Tào Thực, hai phủ không những nhân tài ngang sức mà ngay cả uy tín, đạo đức cũng bình đẳng.
Tào Phi nghe phụ thân sắp xếp như vậy, trong lòng nghĩ ngay tới suy đoán của Tư Mã Ý, quả nhiên không sai chút nào. Vội cười nói:
— Tam đệ có được bậc hiền sĩ như Hình Tử Ngang phò tá, huynh trưởng ta cũng mừng cho đệ! - Y làm theo lời của Tư Mã Ý, đây chính là lúc phải thể hiện hòa khí, nhưng nói câu này lại có vẻ như làm bộ.
Tào Tháo cũng không để ý, đột nhiên đổi chủ đề:
— Hừ, từ khi nhận sắc phong, chính sự càng ngày càng bận, giờ ta cũng đã có tuổi, cảm thấy lực bất tòng tâm, nhiều việc cũng không rõ đầu mối. Ngay như việc xây dựng tông miếu, xây xong phải thường xuyên đến bái tế, nhưng chuyện lễ nghĩa lại chưa rõ ràng. Theo lễ pháp, công hầu cúng lễ tổ tiên phải cởi giày(*), nhưng ta lại được thiên tử ban ân, thiết triều nghị chính đều có thể đeo kiếm, mang giày. Đúng thực là khó, gặp thiên tử thì như thế, vậy bái lễ tông miếu nên hay không nên bỏ giày? Các con thấy thế nào?
Tào Thực không thấy chuyện này có gì quan trọng, bèn cười nói:
— Thưa, nếu từ xưa đến nay đã có lễ pháp, cứ thế làm theo, cởi giày là xong.
— Việc này… - Tào Phi nói:
— Phụ thân vẫn nên đi giày.
Mắt Tào tháo sáng lên, nhưng ngay lập tức định thần lại, chậm rãi hỏi:
— Vì sao phải cởi giày? Nói ta nghe xem.
Tào Phi cúi đầu nói:
— Hoàng cung là nơi ở của thiên tử, tông miếu là nơi thờ tự các bậc tiên tổ. Phụ thân bái kiến thiên tử còn mang kiếm xỏ giày không phải bỏ, thì bái lễ tổ tiên mà bỏ giày sẽ khác nào coi trọng tổ tông mà phạm vào vương lệnh, coi trọng tổ tiên mà khinh mạn quân chủ. Thánh hiền dạy rằng: “Tuy vi chúng, ngô tòng hạ.”(*) - Y nhớ tới lời Tư Mã Ý, làm việc gì cũng phải cẩn trọng, câu hỏi này của Tào Tháo nhìn qua thì có vẻ là buột miệng nhắc đến chứ không phải cố ý thi thố gì, đương nhiên cũng vẫn phải suy nghĩ kỹ rồi mới trả lời.
— Được, lời của Tử Hoàn có lý, xem ra ta nên làm theo rồi. - Tào Tháo vuốt râu, gật đầu. Câu hỏi này ông đã chuẩn bị từ trước để xem ai có tài thời chính, tuy nhiên việc Tào Phi thắng đã nằm trong dự liệu. Tào Phi bắt đầu làm quan từ sớm, xử lý công việc cũng vững hơn Tào Thực, hơn nữa trước đây Tào Tháo đã từng phái y đi giám sát việc xây tông miếu, nên chắc chắn y đã ít nhiều lưu tâm đến chuyện này. Nghĩ đến đây, Tào Tháo lại đưa ra một câu hỏi, - Việc tế lễ tông miếu để sau, nhưng có thể ta phải vào kinh khấu đầu lạy tạ. Nếu không có gì xảy ra, vào dịp khai xuân sang năm ta muốn nhân lễ chúc mừng năm mới để vào kinh. Nhắc đến việc triều kiến năm mới, làm ta nhớ đến câu chuyện năm xưa, có một năm vào triều, các quan lớn bé xếp thành hàng dài, ồn ào huyên náo, có một dũng sĩ nhìn không thuận mắt bèn ném cây cung về phía cửa điện, nói rằng: “Đây là cây cung do thiên tử ban, ai dám bước qua?” Các quan đều hoảng sợ, trước sau kính lễ trang nghiêm, không dám nói câu gì nữa. Các con thấy vị dũng sĩ này như thế nào?
Tào Thực chống tay chỉ rằng:
— Hữu dũng, hữu mưu, đúng là bậc lương sĩ.
— Chưa hẳn. - Tào Phi khẽ lắc đầu, - Nếu đã là cung của thiên tử, cớ sao lại dám ném xuống đất? Các quan ồn ào tự sẽ có Ngự sử trung thừa nhắc nhở, dũng sĩ kia phẫn nộ làm gì? Quăng ném đồ của thiên tử là vô lễ; có câu “Phi kỳ quỷ nhi tế chi, siểm dã.”(*) Kẻ này chắc chắn có ý hạnh tiến, muốn được thăng quan.
— Ha ha ha!… - Tào Tháo cười lớn, - Tử Hoàn nói đúng! Luận về thơ phú Tử Kiến sẽ thắng, nhưng việc thời chính, yếu vụ thì lại chưa bằng Tử Hoàn, xem ra còn phải dụng tâm hơn nhiều.
— Nhi tử xin lĩnh mệnh. - Tào Thực đỏ mặt vì xấu hổ, giờ mới nhận ra phụ thân cố ý kiểm tra. Y nhớ lại lời của Dương Tu, luận về tài chính sự, Tào Thực đúng là thua huynh trưởng quá xa.
Ngày trước ngâm thơ họa phú về Đồng Tước đài, Tào Phi đã thua một lần, hôm nay phụ thân kiểm tra lại thắng cuộc, kể cả không thắng thì cũng là người tám lạng, kẻ nửa cân. Tào Phi trong bụng vui mừng nhưng cố gắng nén lại, khiêm tốn nói:
— Hằng ngày đều do phụ thân xử trí chính sự, chẳng qua nhi tử nghe quen tai, nhìn quen mắt mà thôi.
Tào Tháo vén tay áo, đứng lên nói:
— Hai con ai cũng có sở trường riêng, cũng có những mặt chưa được, sau này phải dụng tâm rèn luyện hơn nữa. Hôm nay cũng gọi là vui được thăng quan tiến chức, không giữ các con nữa, mau đi gặp mẫu thân rồi về đi.
— Dạ. - Hai huynh đệ cúi đầu hành lễ xin lui.
Ra khỏi cung, Tào Thực thở phào:
— Vẫn là huynh trưởng dạn dày kinh nghiệm, tiểu đệ theo không kịp.
— Tam đệ nói gì vậy, hai huynh đệ ta cùng vì đạo hiếu, sao lại phân biệt thế? Hôm nay phủ ta vẫn còn bừa bộn, sau này rảnh rỗi đệ hãy đến chơi, gọi thêm nhị đệ nữa, chúng ta vui vẻ một trận.
Tào Thực mỉm cười:
— Sáng này Lưu Trinh nói muốn đến bái yết huynh trưởng, trong phủ của đệ quả là không ít người thân cận với huynh.
— Cũng vậy cả thôi. - Tào Phi gượng cười, - Trong phủ của ta chẳng phải cũng có người kết thân với tam đệ đó sao? - Sự sắp xếp của Tào Tháo không phải rạch ròi mà có sự đan xen, đám văn nhân này trước nay đều thích giao Lưu tụ họp, nên những cử chỉ, lời nói hằng ngày của hai người sẽ khó mà giấu được, đây cũng là do Tào Tháo cố ý làm. Có điều, lời của Tào Thực lại nhắc nhở Tào Phi: Mặc dù Hình Ngung đến phủ Tào Thực làm Gia thừa, nhưng trước đây ông ta từng kết giao với ta, khi xưa phụ thân đôn đốc chiến sự Thanh Châu, ta là người đầu tiên thết đãi Hình Ngung ở Nghiệp Thành rất long trọng, không biết mối giao tình đó Hình Ngung còn nhớ hay chăng? Bây giờ ông ta đã thành người có thế, có lực, tuy nói là có ơn phải trả, nhưng cũng chưa biết thế nào…
Hai người vừa đi vừa nói đã rẽ qua ôn thất(*) đến trước Hạc Minh điện, thê thiếp của họ đang trò chuyện với Biện thị, ai nấy đều cười nói, chắc là mẹ chồng nàng dâu hòa thuận, vui vẻ. Biện thị tiện thể dặn dò vài câu, nào là giữ gìn sức khỏe, nào là không được kiêu ngạo, đông đủ cơ thiếp của Tào Tháo cũng đứng hầu bên cạnh, rồi gọi Tào Hùng đến bái lễ các huynh. Tào Hùng năm nay đã bảy tuổi nhưng mặt mày xanh xao, gầy gò yếu ớt, Tào Phi và Tào Thực đều cảm thấy lo lắng, sợ rằng tiểu đệ này yểu mệnh.
Em chồng chị dâu gặp mặt khó tránh khỏi ngại ngùng, hai người từ biệt mẫu thân rồi dẫn thê thiếp cáo lui, Tào Thực cùng thê tử Thôi thị, thiếp là Trần thị cười cười nói nói đi theo đường cũ lúc vào cung, còn Tào Phi lại đưa Chân thị ra bằng cửa ngách đi theo đường hẻm phía đông. Đường hẻm này thường dành cho nô dịch đi lại, bình thường rất yên tĩnh nhưng hôm nay lại ồn ào, náo nhiệt - Ngó trông hóa ra là Tào Vũ, Tào Quân đang chơi đá cầu, trong đám trẻ con lại có một người cao to, chính là Kỵ đô úy Khổng Quế.
Người trong thành ai ai cũng biết Khổng Quế là kẻ ưa nịnh hót, chỉ nhờ dẻo miệng và tướng mạo giống Quách Gia năm xưa mà gần đây rất được sủng tín, đến Tào Phi còn không thể tùy tiện gặp mặt phụ thân, nhưng Tào Tháo lại để cho hắn đi lại tự do. Hơn nữa, hắn học rộng hiểu nhiều, kiến thức uyên thâm, bình thường nghe Tào Tháo nói gì, hắn về tìm đúng sách đó để đọc, cũng tốn nhiều công sức, hỏi đâu đáp trúng, nhanh nhẹn khôn khéo, ứng xử với quần thần luôn rất được lòng, một kẻ như vậy há lại khiến người khác không thích? Ngay cả những chuyện như đá cầu với các tiểu công tử, các đại thần khác có nịnh hót thì cũng không thèm ra chơi cùng, nhưng hắn thì chú ý đến cả việc này. Nếu biết dỗ dành, chiều chuộng mấy đứa trẻ này, để chúng đến nói đôi lời trước mặt Tào Tháo thì sao có thể thiệt thân?
Tào Vũ mắt tinh nhất, trông thấy Tào Phi bèn vội chạy đến:
— Đại ca, mấy hôm nay huynh đệ Duệ nhi sao không đến chơi cùng đệ? - Tào Vũ và nhi tử của Tào Phi là Tào Duệ cùng tuổi, bình thường vẫn hay chơi đùa với nhau.
Tào Phi cười lớn:
— Ha ha ha! Ta là đại ca của đệ, đệ lại gọi con ta là huynh đệ, phụ thân của chúng ta sẽ nói thế nào đây? Đệ và Duệ nhi không cùng địa vị, há có thể gọi vậy? - Câu này khiến các thê thiếp đều bật cười, - Ta vừa chuyển phủ, Duệ nhi tạm thời không đến được, nếu đệ thích có thể đến phủ ta chơi.
Tào Vũ bĩu môi hờn dỗi:
— Ôi, cũng không biết thế nào, mấy ngày nay phụ thân không cho phép đệ đến phủ của huynh và Thực ca nữa…
Tào Phi ngạc nhiên, nhưng lập tức hiểu ra. Phụ thân muốn thử tài của hai chúng ta, sợ các huynh đệ khác bị kéo vào nên cố ý để chúng tránh xa.
Khổng Quế vồn vã nói:
— Ồ, tiểu nhân có mắt như mù, đây chẳng phải là Ngũ quan tướng sao? Nghe nói ngài chinh phạt Giang Đông, uy lực thần kỳ, lập bao chiến công hiển hách, làm cho bọn Tôn Quyền hoảng sợ cầu hòa, tiểu nhân xin chúc mừng ngài! - Nói xong bèn quỳ xuống dập đầu. Các thê thiếp đang đứng cạnh đó nên hắn không dám tiến gần.
Tào Phi cười thầm, tên này gặp ai cũng nịnh bợ, bèn nói giọng giễu cợt:
— Không dám, không dám, phụ thân anh minh, ta nào có công lao gì. Hôm nay chuyển phủ xong, ta và tam đệ cùng đến nghe phụ thân dạy bảo. - Tào Phi có ý nói rõ hai từ “tam đệ”.
Khổng Quế cười nịnh:
— Các vị phu nhân đang ở đấy, tiểu nhân không dám mạo phạm, hôm nào sẽ đến quý phủ chúc mừng tân gia, lúc đó sẽ xin ngài mấy chén rượu mừng. - Nói đoạn liền đứng dậy, cúi đầu không dám đưa mắt nhìn thê thiếp của Tào Phi, lần theo chân tường đi vào trong sân.
Các tiểu huynh đệ vẫn chưa hết vui mừng, lại chạy đến kéo tay Tào Phi, nhưng y làm gì có thì giờ để chơi với chúng? Chỉ mỉm cười từ chối, tán gẫu mấy câu rồi dắt thê thiếp đi. Đi khá xa, nhìn quanh không còn người ngoài mới quay lại hỏi:
— Vừa rồi ở hậu cung mấy người các nàng nói chuyện gì thế?
Chân thị trả lời:
— Mẫu thân không dạy điều gì, chỉ nhắc đến chuyện hôn sự của ba muội muội thôi, được vào cung hầu hạ thiên tử là vinh dự của Tào thị chúng ta.
— Còn nói gì nữa không?
Khuôn mặt Chân thị lộ nét khó xử:
— Còn lại đều là chuyện riêng tư của đàn bà con gái thôi.
Tào Phi bật cười rồi nhìn những cơ thiếp khác đều đang cúi đầu bước đi, không dám vi phạm phép tắc trong cung, chỉ có Nhiệm thị không ngừng than phiền:
— Chúng ta đã chuyển đến phía đông thành, đường nhỏ phía đông cũng nên mở cửa ngách để sau này ra vào cung đỡ phiền phức!
Tào Phi ghét cái tật hay ca thán của Nhiệm thị, nhưng lúc này không tiện quở trách. Y đột nhiên rảo bước, bỏ xa đám nữ quyến rồi tiện đường đi về phía nam. Cuối con đường này giáp với Hiển Dương môn, Tào Phi không bước tiếp mà trốn sau cửa thùy hoa nhìn trộm - Không lâu sau đã thấy Tào Thực dắt thê thiếp đi qua, cách một đoạn là Khổng Quế đang theo sau nịnh nọt.
Tào Phi cố ý tiết lộ việc Tào Thực vào cung với Khổng Quế, để xem hắn phản ứng thế nào, quả như dự đoán, tên này sau khi nịnh Tào Phi thì lại quay sang nịnh Tào Thực, chẳng để đắc tội với ai. Tào Phi trong lòng đã có tính toán: Khổng Quế hiểu phụ thân ta chẳng khác gì con giun nằm trong bụng, hắn khua môi múa mép, nịnh bợ cả hai, vậy trong lòng phụ thân ta và tam đệ chắc chắn ngang tài ngang sức.
Nghĩ đến đây, Tào Phi cũng không bước ra, đợi các thê thiếp từ từ đuổi kịp mình rồi mới cùng đi, vòng qua đường nhỏ để ra khỏi cung, đợi đến khi xe của Tào Thực đã đi xa, cũng không thấy bóng dáng của Khổng Quế đâu nữa, Tào Phi mới cùng thê thiếp lên xe; vừa ngồi còn chưa kịp buông rèm, đột nhiên Quách thị chạy qua:
— Phu quân, thiếp có việc muốn bẩm báo.
Quách thị suy nghĩ kín kẽ hơn Chân thị, Tào Phi trông thấy dáng điệu nhỏ nhẹ, nhu mì của nàng ta liền hiểu có điều muốn nói, nhìn trái ngó phải không thấy ai mới kéo Quách thị lên xe, buông rèm xuống, xe đi được một đoạn mới hỏi:
— Có chuyện gì?
— Vừa rồi ở hậu cung, mấy tỉ muội vấn an mẫu thân, mấy dì nương ngồi sau rèm trò chuyện. Thiếp vô tình nghe được Đỗ thị và Châu thị bàn chuyện, gần đây Triệu thị có ý tranh sủng nên đã dâng một nha hoàn xinh đẹp họ Trần cho lão gia. Ả nha hoàn này trước khi vào cung từng là một kỹ nữ, giỏi đàn hát, nhảy múa, khiến lão gia vui vẻ, nên Triệu thị cũng được sủng ái hơn. - Quách thị thì thầm, giọng rất thần bí.
— Hừm! - Tào Phi chẳng coi chuyện đó ra gì. - Tuy phụ thân chưa định ngôi chính thất, nhưng ai chẳng biết mẫu thân ta là nhất? Ngay cả không có mẫu thân ta, Hoàn thị, Đỗ thị đều ở trên bà ta, đến người chưa sinh được mụn con nào như Vương thị vẫn còn cao hơn bà ta một bậc, có tranh giành cũng chẳng đến lượt! - Triệu thị được Tào Tháo nạp về làm thiếp sau khi bình định được Hà Bắc, vốn là ca nữ trong phủ Viên Thiệu, thân phận thấp hèn, nhưng năm trước sinh con trai tên là Tào Mậu nên thân phận dần được nâng cao.
Quách thị lại ghé sát tai Tào Phi, nói nhỏ:
— Phu quân có lẽ không biết, thiếp nghe Vương phu nhân nói, Triệu thị và gia đình nhị huynh đệ kết giao rất thân, Thôi thị mấy lần vào cung, hai bên trò chuyện rất vui vẻ, lại còn tặng quà nữa.
— Hả? - Tào Phi dần dần lưu tâm, Thôi thị là con nhà thế tộc ở Hà Bắc, sao lại kết giao với loại đàn bà đê tiện như Triệu thị? Triệu thị lại dựa vào ả nha hoàn họ Trần kia để được sủng ái, lẽ nào Thôi thị lại muốn mượn bọn họ để thì thầm với lão gia giúp? Từ xưa tới nay, có biết bao nhiêu chuyện tranh chấp thị phi giữa các bà vợ, không chỉ là tranh đấu bên ngoài cung mà ngay cả hậu cung cũng có thể đổ dầu vào lửa, chuyện này không thể không đề phòng.
— Quả là lá cây, ngọn cỏ cũng chẳng qua nổi mắt của nữ vương(*). - Tào Phi ôm Quách thị vào lòng, thì thầm, - Ngày mai nàng lại vào cung, tìm cơ hội nói chuyện với Vương phu nhân, nhờ phu nhân để mắt tới Triệu thị và kỹ nữ họ Trần đó, để xem bọn họ giở thủ đoạn gì.
Quách thị khẽ gật đầu, tựa vào lòng phu quân, nở nụ cười ngọt ngào…
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9