Nếu mặt biển mãi mãi bình lặng, chắc chắn những thủy thủ tài ba sẽ chẳng bao giờ có mặt trên đời.

Ngạn ngữ Anh

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Thùy Linh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 29
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 131
m mưu đoạt ngôi thái tử, Dương Tu trợ giúp Tào Tháo
Vượt rào can gián
Hai bờ Trường Giang mưa máu gió tanh, thế nhưng phía xa xối Nghiệp Thành lại là cảnh tượng thanh bình. Lầu gác nghiêm trang, phố chợ nhộn nhịp, đặc biệt là Đồng Tước đài tọa lạc phía tây bắc thành cảnh sắc tĩnh mịch, thanh tao u nhã, cỏ cây mơn mởn, hoa lá khoe sắc, chim chóc líu lo, đài điện in trên bóng nước lung linh mờ ảo, ánh mặt trời soi rọi rực rỡ khắp nơi.
Lúc này trên Đồng Tước đài, già trẻ đều có mặt, mười mấy văn sĩ mũ mão chỉnh tề đều tập trung một chỗ. Mọi người khoa chân múa tay bàn đủ chuyện trên trời dưới bể, trong đó không thể thiếu được những nhân vật nổi danh trong văn đàn như Hàm Đan Thuần, Trần Lâm, Lộ Túy, Phồn Khâm, ai nấy đều tỏ vẻ cung kính trước một chàng công tử tuổi ngoài hai mươi, tướng mạo khôi ngô - Đó chính là con trai thứ ba của Tào Tháo với Biện thị, Bình Nguyên hầu Tào Thực.
Lần thứ hai Tào Tháo nam chinh chưa lập được công mà đã rút quân về, chỉ để lại lời cảm thán “sinh con phải như Tôn Trọng Mưu”, trên chiến trường ông đã thua, nhưng ở trong triều lại là người đại thắng. Thực ra trong lúc Tào Tháo giao chiến với Tôn Quyền, Thượng thư lệnh Hoa Hâm, Gián nghị đại phu Đổng Chiêu vẫn đang thao túng triều đình, liên tục ban bố những chiếu lệnh khiến bách tính phải kinh hãi.
Tháng Chín năm Kiến An thứ mười bảy, bốn vị tiểu hoàng tử được tấn phong lên tước vương, Lưu Hy làm Tế Âm Vương, Lưu Ý làm Sơn Dương Vương, Lưu Mạc làm Tế Bắc Vương, Lưu Đôn làm Đông Hải Vương. Bề ngoài chuyện này giống như đang củng cố hoàng tộc, nhưng các nhân sĩ tinh tường đều thấy rõ huyền cơ phía sau: Bốn hoàng tử này đều do trắc phi sinh ra, hai hoàng tử do Phục hoàng hậu sinh ra đều chẳng được lợi lộc gì, tấn phong kiểu này thực ra chỉ làm lấy lệ. Muốn nhận được trước hết phải cho đi, Tào Tháo muốn tăng thêm hào quang bên ngoài cho hoàng thất để làm bước đệm về sau.
Quả như dự đoán, tháng Giêng năm Kiến An thứ mười tám, triều đình ban bố chính lệnh, chia lại chín châu như trong thiên Vũ cống. Thực ra những gì được ghi chép trong Vũ cống không đáng tin, người duy nhất có thể tra soát lại chỉ có Vương Mãng - kẻ soán ngôi triều trước đã từng làm việc này, nên cơ bản không thể nói là “chia lại”. Chiếu theo Văn hiến, chín châu không bao gồm những nơi thuộc vùng quản hạt của Ký Châu là U Châu, Tịnh Châu và Hà Bắc, mà Tào Tháo lại kiêm chức Ký Châu mục, điều này có nghĩa là ba vùng đất rộng lớn ấy nghiêm nhiên biến thành đất riêng của nhà họ Tào. Không chỉ có vậy, thư tịch(*) cổ còn viết rằng: “Các châu trong thiên Vũ cống được chia làm chín, các tước thời nhà Chu được chia làm năm”, chia lại chín châu cũng chính là để trải đường khôi phục năm tước hầu.
Cái gọi là năm tước hầu là do thuở xưa nhà Chu sắc phong thiên hạ, gồm có: công, hầu, bá, tử, nam. Từ thời Tần, Hán trở lại đây đã xóa bỏ, đổi thành hai bậc vương, hầu. Hán Cao Tổ giết các vua chư hầu không cùng họ là Hàn Tín, Bành Việt, Anh Bố, từ đó quy định “nếu không phải người họ Lưu thì không được phong vương”, các quan ở bậc cao nhất chỉ có thể phong hầu. Năm Kiến Vũ thứ mười ba (năm 37 sau Công nguyên), để bày tỏ sự tôn kính với Chu Công và Khổng Tử, Quang Vũ Đế đã sắc phong cho Cơ Vũ - hậu duệ của nhà Chu làm Vệ Công, Khổng An - hậu duệ của Khổng Tử và cũng là đời sau nhà An, Thương làm Tống Công, hai nước Vệ, Tống đều được coi là thần phục nhà Hán. Ngoài hai trường hợp đặc biệt này, còn có một người được phong tước công và cũng chính là kẻ soán ngôi là Vương Mãng. Vương Mãng lấy danh nghĩa là An Hán Công khống chế quyền lực trong triều, cướp đoạt thiên hạ của nhà Hán. Bây giờ hành động của Tào Tháo so với Vương Mãn thời đó cũng chẳng khác gì nhau, mục đích hai năm rõ mười.
Trong triều không ai là không biết chuyện này, chiếu thư sắc phong Tào Tháo làm Ngụy Công sớm đã được Thượng thư hữu thừa Phan Húc thảo sẵn, chỉ đợi Tào Tháo nam chinh trở về là sẽ chiếu cáo thiên hạ. Nhưng hiện giờ các quan trong triều đều đã thay lòng đổi dạ, kể từ khi Tuân Úc chết, ở trong triều ngoài những kẻ kín mồm kín miệng tự bảo vệ mình ra thì còn lại đều là người đắm chìm trong công danh, bám vảy rồng, núp cánh phượng để leo cao, ai còn dám làm châu chấu đá xe? Cảnh Tào thị thay nhà Hán sớm đã được vẽ ra một cách sinh động, phía Nghiệp Thành cũng gấp gáp chuẩn bị, mạc phủ được cho tu bổ lại, phong làm cung điện, phía nam Đồng Tước đài cho xây dựng Kim Hổ đài, ngoài ra còn chọn mảnh đất đẹp để xây tông miếu Tào thị. Chỉ có điều, Tào Tháo và Ngũ quan trung lang tướng Tào Phi xuất chinh vẫn chưa trở về, những việc này đương nhiên sẽ do Bình Nguyên hầu Tào Thực phụ trách.
Tam công tử nhà họ Tào từ nhỏ đã yêu thích thơ văn, thống hiểu kinh sách, tính cách tiêu dao phong nhã, lần này để Tào Thực lưu thủ Nghiệp Thành, chẳng còn ai thích hợp bằng. Từ khi Quang Vũ Đế phục hưng nhà Hán đến nay đã hơn hai trăm năm, lại xảy ra chuyện họ Tào đòi phong công lập quốc, hơn nữa từ đây cũng nổi dậy nạn binh đao, cắt đất phân phong, nếu so với thời Vương Mãng ngày xưa thì có nhiều điểm khác biệt, nói là tuân theo lệ cũ, nhưng thực sự xưa nay chưa có ai làm vậy, nhiều việc cần phải được suy xét. Bởi vậy, Tào Thực đã cùng các Văn sĩ tra xét nhiều điển tích, dốc lòng bàn bạc, tính toán xây dựng từng công trình lâu đài, cung điện, quản các, miếu đường, lễ nhạc.
Trong đó quan trọng nhất là Kim Hổ đài. Tuy vẫn thuộc kiến trúc lâu đài nhưng Kim Hổ đài và Đồng Tước đài lại rất khác biệt, Đồng Tước đài đơn giản chỉ là nơi hưởng lạc của nhà họ Tào, còn Kim Hổ đài lại mang ý nghĩa khác. Từ xưa đến nay, hổ phù đại diện cho binh quyền, vua chư hầu đều xây các đài cao để diễu võ dương oai. Vì thế, Kim Hổ đài vẫn phải giữ được lễ nghĩa nhà binh đã đặt ra, tượng trưng cho việc Tào Tháo đã ở ngôi công hầu, nắm binh mã trong thiên hạ, nhưng thực chất là nơi dùng để duyệt binh. Để xây dựng đài này, Tào Thực phải hao tổn không biết bao nhiêu tâm sức, vận chuyển gỗ từ quận Thượng Đảng, Tịnh Châu, tập hợp các thợ mộc lành nghề gấp rút thi công sao cho hoàn hảo nhất.
Bận rộn hơn nửa tháng trời, cũng tạm nhìn thấy chút kết quả, móng đài đã hoàn thành, lầu gác cũng xây được hơn một trượng, đều dùng gạch xanh và gỗ lim, chạm khắc hoa văn, mặc dù chưa hoàn chỉnh về quy mô nhưng sự uy nghi và tráng lệ đã có thể mường tượng ra. Các văn sĩ nhìn thấy cảnh tượng này, ai nấy đều gật gù vui mừng, không ngớt lời tán thưởng tài năng của Bình Nguyên hầu. Trong đó đặc biệt có Tế tửu Phồn Khâm tính hay nịnh bợ, cơ hội tốt thế này há lại không nịnh hót? Cho nên, ông ta đã khen rằng:
— Bình Nguyên hầu hiểu biết sâu sắc, chỉ cần dùng một nét bút là vẽ ra cả lâu đài tráng lệ, không thua kém gì điện Linh Quang ở Đông Lỗ, cung Kiến Chương ở Tây Kinh!
Lệnh sử Đinh Nghi đứng ngay bên cạnh, thấy Phồn Khâm hết lời xu nịnh, trong lòng vô cùng khinh miệt, cười nói:
— Lời khen này thật hay. Tại hạ còn nhớ năm xưa ngài đã từng viết bài Kiến Chương phượng khuyết phú trong đó có không ít những câu khen ngợi, “Cột nhà san sát đường sóng đôi, mái nhà cong vút tựa cánh chim. Khác nào gác cao trong vườn Huyền Phố, cái lọng che treo trên trời.” Khi xưa ngâm nga ca ngợi cung điện của nhà Hán, hôm nay lại không ngần ngại ngợi ca lâu đài Tào công, xem ra cũng phải tốn không ít công sức đây. - Lúc nói những lời này, mắt Đinh Nghi híp hết lại. Từ nhỏ hắn đã mắc bệnh về mắt nên nhìn không rõ, híp mắt cũng là do thói quen, nhưng nếu người bên cạnh nhìn vào sẽ có cảm giác Nghi có thái độ ngạo mạn, vô lễ.
Thế lực của Phồn Khâm ở mạc phủ cũng đã tạo dựng được hơn mười năm, mặc dù nhiều lần bị kiện cáo vì nịnh bợ nhưng kinh lịch dày dặn; còn Đinh Nghi là nhi tử của Đinh Xung - bằng hữu cũ của Tào Tháo, văn sinh hậu bối, chỉ giữ chức Lệnh sử nhỏ bé trong mạc phủ mà dám nói những lời chế giễu tiền bối như vậy, thực có phần vô phép. Nhưng Phồn Khâm bị hậu sinh soi mói lại không dám tranh cãi, chỉ lặng lẽ lui vào đám đông. Phồn Khâm biết rõ, huynh đệ Đinh Nghị, Định Dực và Chủ bạ Dương Tu đều là tâm phúc của Tào Thực, Thừa tướng có ý đồ phong công kiến quốc, sau này lập ai nối nghiệp vẫn còn chưa rõ, nhưng hiện nay Bình Nguyên hầu được yêu quý hơn cả Ngũ quan tướng, không thể để đắc tội với tâm phúc của Bình nguyên hầu.
Chủ bạ Dương Tu suy nghĩ nhanh nhạy, không muốn Đinh Nghi vì Tào Thực mà gây họa, vội vàng mở lời:
— Đài này đúng là rất tuyệt, nhưng chưa hẳn đã thập toàn thập mỹ.
Từ đầu chí cuối, Tào Thực không nói câu nào, đứng dựa vào lan can bạch ngọc, mắt nhìn xuống khu đất đang làm ở phía nam, hoàn toàn không để tâm đến mấy lời tán dương khoa trương của Phồn Khâm, nhưng khi nghe thấy Dương Tu chết vẫn chưa được thập toàn thập mỹ, Tào Thực bèn quay lại hỏi:
— Đức Tổ thấy còn chỗ nào chưa được?
Dương Tu chỉ tay:
— Đồng Tước đài cao hơn mười trượng, Kim Hổ đài chỉ cao có tám trượng, định xây một trăm lẻ chín phòng, chiều cao không đủ mà chiều ngang thì thừa. Một đài cao, một đài thấp, hình dáng khác nhau, chỉ e không đối xứng. Do Dương Tu thân thiết với Tào Thực, chứ nếu là người khác, chắc chắn không dám nói ra điều này.
Tào Thực nhíu mày suy tư, nhưng được một lát lại cười:
— Điều này có gì khó? Không đối xứng thì xây thêm một đài nữa ở phía bắc, Đồng Tước đài sẽ ở giữa, Kim Hổ đài và đài kia ở hai bên, hai thấp một cao, bố cục so le sẽ càng đẹp, giữa ba đài sẽ xây cầu nối. Tây Đô phú có câu “Cửa cung cao vút giữa trời, lâu đài mỹ lệ cao hơn núi. Ngọc quý dát lên đẹp lạ kỳ, chiếc cầu cong vút tựa như rồng.” Đi trên cầu mà như đang đứng giữa tầng mây, nghĩ đến đã thấy thú vị biết bao!
— Đúng là tuyệt diệu, tuyệt diệu… Bình Nguyên hầu thật tài năng… - Không ít người lại tán dương.
Phồn Khâm không giữ được miệng, lại lần nữa bước ra đám đông:
— Hôm nay trời đẹp, Bình Nguyên hầu lại có nhã hứng đến vậy, sao không làm bài thơ nói lên tâm tư trong lòng, để chúng tại hạ được mở mang tầm mắt?
Tào Thực gật đầu, mắt hướng ra xa: phía trước là Kim Hổ đài đang xây dựng, lại nhìn về phía nam là hổ sen nước xanh như ngọc, bên đám cây rậm rạp ven hồ lấp ló ngôi nhà bằng đá xanh, đó chính là kho phủ và chuồng ngựa vừa được xây, dùng để cất trữ ngựa quý của Tào thị. Phía tây cũng đang xây dựng, dân phu đào một kênh dẫn nước từ sông Chương Hằn, sau này hồ sen, sông Chương, Bạch Cấu sẽ thành một dòng chảy thông suốt. Dòng chảy này sẽ như đai ngọc uốn quanh lâu đài, tựa như chốn bồng lai tiên cảnh giữa nhân gian. Có núi, có sông, mãi mãi ngắm cảnh đẹp, mãi mãi hưởng phú quý, nếu được sống giữa chốn tuyệt diệu này thì còn gì bằng? Tào Thực nét mặt hân hoan, ngân nga ngâm phú:
Danh đô nhiều gái đẹp,
Lạc thành lắm trai tài.
Bảo kiếm giá ngàn vàng,
Áo quần đẹp sáng ngời.
Đông thành đấu gà chọi,
Đường thu cưỡi ngựa dài.
Rong ruổi chưa nửa đường,
Đôi thỏ chạy phía trước.
Giương cung lên ngắm bắn,
Đuổi tới tận núi Nam.
Kéo cung bắn bên trái,
Trúng luôn cả hai con.
Tài còn chưa khoe hết,
Một xác diều hâu rơi.
Người xem trầm trồ khen,
Thi nhau bắn tranh tài.
Về Bình Lạc mờ tiệc,
Rượu ngon giả mười ngàn.
Cá chép tôm trứng béo,
Ba ba tay gấu nướng.
Gọi bạn bè chung vui,
Chiếu dài ngồi kín chỗ.
Chơi đá cầu, ném que,
Khéo léo khoe tài nghệ,
Mặt trời xế phía nam,
Chằng giữ được ngày dài.
Mây tản về thành ấp,
Sáng mai lại tới đây.(*)
— Quá hay! - Phồn Khâm hết lời ngợi ca, - Bình nguyên hầu thực là bậc tài tử kiệt xuất, khí khái oai phong.
Mọi người xung quanh cũng phụ họa theo, chỉ có Dương Tu cười thầm: Làm thơ ra thơ, làm người ra người, chí hướng bình sinh của tam công tử chẳng phải cũng chỉ là chàng công tử phóng đãng, thích ăn chơi hưởng lạc đó sao?
Đang lúc cười nói vui vẻ, đột nhiên nghe dưới lầu có tiếng hô:
— Lão thần xin gặp Bình Nguyên hầu… khẩn cầu Bình Nguyên hầu về phủ giải quyết công chuyện… - Kể cũng lạ, Đồng Tước đài cao mười trượng, nhưng giọng người này sang sảng như chuông, nói từ dưới lầu mà vọng lên nghe rõ từng từ, ngay cả tiếng cười nói của chúng nhân cũng không át nổi. Ai nấy đều vịn vào lan can nhìn xuống phía dưới, trông thấy một lão thần mặc áo đen tay rộng, dáng người cao lớn, râu ria xồm xoàn đang ngửa mặt lên nhìn - đó là mạc phủ Tây tào duyên Thôi Diễm.
Đồng Tước đài thuộc tư gia của Tào thị, không được phép tùy tiện ra vào, nếu là người khác đã sớm bị vệ binh ngăn lại, nhưng thấy Thôi Diễm thì không dám làm gì. Một là do ông ta là người chính trực, ngay đến Thừa tướng cũng phải kiêng nể vài phần; hai là Tào Thực còn là cháu rể của Thôi Diễm, nay Bình Nguyên hầu lại chỉ huy việc lưu thủ(*) nên càng không ai dám cản Thôi Diễm.
Chúng nhân trông thấy điệu bộ của Thôi Diễm cũng biết ông ta đến là có dụng ý, hẳn là sẽ có lời khuyên gián. Trong chốc lát tất thảy đều im lặng, duy chỉ có Đinh Nghi lầm bầm:
— Lão Thôi râu dài tự dưng đến đây gây sự, bộ dạng hung tợn, vênh mặt hất hàm, trong mắt lão ta có còn coi công tử ra gì không? - Đinh Nghi không ưa Thôi Diễm không phải mới chỉ ngày một ngày hai, trong mắt hắn, Tào Thực đã là rể của Thôi thị, thì Thôi thị phải toàn tâm toàn ý giúp đỡ Tào Thực lập mưu đoạt vị, nhưng Thôi Diễm luôn giữ quan niệm trưởng ấu, không nể tình thân mà giúp Tào Phi. Hai năm trước, trong lần dẹp quân phản loạn ở Hà Gian, Tào Phi bị trách tội, vốn là cơ hội tốt để đổ hết tội lỗi lên đầu Tào Phi, nhưng lúc đó Thôi Diễn và Mao Giới lại nhảy ra nói đỡ, khiến Tào Tháo thay đổi chủ ý; nay Tào Thực coi việc lưu thủ thì lại soi mói, bắt bẻ, thực là đáng ghét!
Tào Thực lại không hề ác cảm, chỉ cười gượng:
— Phụ thân từng dạy Thôi Tây có khí khái của Bá Di, chính trực của Sử Ngư. Người tham lam nghe tiếng ông ấy mà phải sửa mình thanh liêm, kẻ tráng sĩ học theo đạo đức của ông ấy mà cố gắng luyện rèn. Thôi Tây tào thực sự là một bề tôi chí công vô tư, luôn giữ đúng trọng trách, nhưng cũng có lúc tính nóng như lửa, khiến cho mọi người sợ hãi… Xin chư vị đợi cho một chút, ta đi xuống gặp ông ấy.
Câu nói của Tào Thực làm chúng nhân bớt lo lắng. Thôi Diễm khi giảng giải đạo lý rất ít khi giữ thể diện cho người khác, nếu mọi người cùng xuống lầu khó mà tránh được việc ông ta sẽ quở mắng, nói bọn họ cùng với công tử vui chơi vô độ, quên việc triều chính. Chớ nói Hàm Đan Thuần đã hơn bảy mươi tuổi, hưởng bao nhiêu chức danh của triều đình, Trần Lâm giữ chức Môn hạ đốc, dẫn dắt Văn đàn, Tống Trọng Tử là bậc đại nho nổi tiếng thiên hạ, hay đến những người trẻ tuổi có ít nhiều tiếng tâm như Tuân Vĩ, Vương Tượng, Lưu Tu, họ mà bị quở trách hẳn sẽ mất hết thể diện. May thay Tào Thực tính tình đôn hậu, một mình đương đầu, mọi người trong lòng không khỏi cảm kích.
Dương Tu cười nói:
— Khi xưa Tề Hoàn Công ham mê tửu sắc, Quản Trọng khuyên răn tránh được điều tiếng, đó mới là đạo làm bề tôi. Một mình công tử đi cũng không hay, hay là để tại hạ xuống dưới cùng với ngài.
— Tại hạ cũng đi. - Đinh Nghi hậm hực nói, - Để xem rốt cuộc Thôi râu dài muốn nói gì!
Lầu cao những mười trượng, phải mất không ít thời gian mới xuống đến chân Đồng Tước đài. Tào Thực còn chưa bước ra khỏi thềm cửa, đã chắp tay tạ lỗi:
— Văn sinh thất lễ, đã để Thôi công phải chờ lâu. - Tào Thực mặc dù là nhi tử của Thừa tướng, thân mang tước hầu nhưng vẫn chưa có chức quan nào chính thức, đã hạ mình rất thấp trước Thôi Diễm, trước mặt lão thần xưng ‘Văn sinh” cũng thể hiện sự khiêm tốn.
Thôi Diễm mang theo cơn giận đến đây. Vừa nãy ông ta đến Thính Chính đường cầu kiến, nhưng không gặp được Tào Thực mà lại gặp Lưu phủ Trưởng sử Quốc Truyên, Thái thú Ngụy quận Vương Tu. Hỏi ra mới biết, Tào Thực sáng sớm đã đến Đồng Tước đài, nô bộc trong phủ nói sẽ sớm quay lại nhưng hai người họ chờ hơn nửa canh giờ vẫn không thấy tin tức gì, công văn hôm nay còn chưa duyệt qua. Thôi Diễm hằm hằm đến tận đài tìm, muốn gọi Tào Thực về phủ để giải quyết chính sự, dáng vẻ lúc này của ông ta chẳng khác nào phụ mẫu dạy bảo đứa con ham chơi của mình. Đến lúc gặp được Tào Thực, thấy vị công tử của Thừa tướng nhún nhường lễ phép, cơn giận cũng đã vơi đi quá nửa, Thôi Diễm mặt mũi nghiêm nghị, cúi người hành lễ:
— Hạ quan vội vàng mạo phạm, xin công tử thứ tội. Nhưng mong công tử lấy việc nước làm trọng, mau về phủ giải quyết công chuyện.
— Được, được, được. - Tào Thực cười nói vui vẻ, còn cầm lấy tay ông ta, - Hôm nay nghe tin Kim Hổ đài đã xây xong móng, nên văn sinh hẹn mấy vị nhân sĩ đến xem xét, không ngờ đã quá giờ, thật lấy làm hổ thẹn. Thực ra chỉ cần Thôi công sai một tên tiểu tử đến giục một tiếng, văn sinh há lại không theo? - Những lời này thật khiêm nhường.
— Không dám. - Thôi Diễm khẽ gạt tay y ra, hành lễ lần nữa, - Hạ quan xin gặp còn có việc khác.
— Việc gì? - Tào Thực tươi cười nhẫn nại.
Thôi Diễm ngẩng đầu Dương Tu và Đinh Nghi, nghiêm túc nói:
— Chuyện này liên quan đến việc nhà Thừa tướng, xin cho người ngoài lui ra.
Tào Thực nói:
— Thôi công không cần để ý, Đức Tổ, Chính Lễ đều là bằng hữu thân thiết của văn sinh, lại được phụ thân ta xem trọng, không cần ngại gì hết.
Nào ngờ Thôi Diễm mặt càng nghiêm nghị:
— Việc đầu tiên hạ quan muốn nói chính là điều này! Mạc phủ là nơi xử lý chính sự, công tử qua lại với người khác nên giữ quy củ. Dương Đức Tổ là Chủ bạ của Thừa tướng, luôn luôn hầu hạ bên cạnh thì không nói làm gì. Nhưng Đinh Chính Lễ chẳng qua chỉ là một Lệnh sử, hà cớ gì ngày nào cũng cùng công tử ra ra vào vào? Hơn nữa, thánh nhân có câu “Hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn,”(*) công tử hiện đang phụ trách lưu thủ, đáng lẽ phải lấy chính sự làm đầu, nay lại sa vào những việc phù phiếm như thế, khác nào bỏ gốc lấy ngọn?
Thôi Diễm tuôn một tràng không dứt, như thể phê phán tất cả việc làm trong mấy tháng nay của Tào Thực đều rất tồi tệ. Tào Thực vẫn một mực kính trọng, không hề phản bác, còn liên tục gật đầu. Dương Tu không dám xen vào, chỉ biết cúi đầu lắng nghe. Đinh Nghi thì giận tái mặt, năm xưa hắn được Tào Thực tiến cử, nhưng bị Thôi Diễm, Mao Giới chèn ép, há lại không oán giận cho được?
Đợi Thôi Diễm ca thán xong, Tào Thực lại cười nói:
— Thôi công dạy phải lắm, văn sinh hiểu biết nông cạn, sau này sẽ hành sự thận trọng.
— Vẫn mong công tử nói được làm được. - Những lời can gián của Thôi Diễm đều là nhất thời nói ra, giờ mới nhắc đến chuyện chính, - Hôm nay hạ quan cầu kiến, thực ra muốn mời công tử khuyên nhị công tử.
— Sao kia? - Tào Thực nhíu mày. Y biết nhị ca Tào Chương của mình không thích thi thư, tính tình ngang ngạnh, thường hay làm những việc trái với phép tắc, không biết lại gây ra chuyện kinh thiên động địa gì nữa đây.
Thôi Diễm chậm rãi kể lại, hóa ra nửa tháng trước Tào Chương ra ngoài thành săn bắn, trên đường gặp một thợ săn. Người này thân phận thấp kém nhưng lại cưỡi một con tuấn mã trắng muốt từ đầu tới chân. Tào Chương đam mê với nghệ, rất thích ngựa quý, có ý muốn dùng tiền để mua, nhưng tên thợ săn nhất định không chịu. Trong lúc hết cách, Tào Chương nảy ra một kế kỳ quặc, bất chấp thân phận cao quý, kéo bằng được người này về phủ uống rượu, mời ca kỹ, thị nữ đến hầu hạ, đề nghị đổi ngựa lấy người đẹp. Tên thợ săn cũng rất to gan, trong phủ lớn chọn tới chọn lui, sau cùng chọn đúng vợ lẽ của Tào Chương. Tào Chương cũng không do dự, giữ lại ngựa quý rồi để tên thợ săn dẫn cơ thiếp đi. Nhưng cơ thiếp kia há lại đồng ý? Khóc lóc ầm ĩ một hồi bèn bị Tào Chương đuổi ra khỏi cửa. Nữ nhân này xuất thân nghèo khổ là một chuyện, nhưng nàng ta là người huyện Tiểu, cả gia đình chỉ biết cậy nhờ vào nàng ta để thay số đổi phận, ai ngờ lại bị đem ra đổi lấy một con ngựa. Nàng ta tìm đến cửa phủ cầu xin chuộc mình về, nhưng Tào Chương lại bảo “lời hứa đáng giá ngàn vàng”, một mực giữ ngựa chứ không giữ người.
Tào Thực vừa tức giận lại vừa buồn cười: Nhị huynh ơi là nhị huynh, đổi thiếp lấy ngựa quý, cách này mà huynh cũng nghĩ ra được sao? Dương Tu, Đinh Nghi không nhịn được cười, vội lấy tay che miệng.
Thôi Diễm lại không thấy chuyện này đáng cười, nghiêm giọng nói:
— Chuyện này đáng cười ở chỗ nào? Phụ tử Thừa tướng chủ trì chính sự, là tấm gương cho thần dân, há có thể hành sự lỗ mãng? Nếu chuyện này mà truyền ra ngoài tất sẽ thành đề tài đầu hẻm ngõ phố, e rằng lúc đó người ta sẽ cười vào mặt tầng lớp văn sỹ. Xin Bình Nguyên hầu khuyên nhủ nhị công tử, hãy mang cơ thiếp về. - Chuyện này vốn không đến lượt Thôi Diễm phải can dự vào, nhưng ông ta là người thẳng thắn, gặp chuyện chướng tai gai mắt đều muốn xen vào.
— Những lời Thôi công vừa nói không đúng rồi. - Tào Thực còn chưa kịp đáp, Đinh Nghi đã mở lời. Hắn vốn ấm ức, có ý muốn làm khó Thôi Diễm, - Ngài há lại không biết chuyện này có truyền ra ngoài thì cũng không liên quan gì đến vương pháp? Người xưa có câu: “Thê giả, tề dã, dữ phu tề thê. Thượng tự thiên tử, hạ chí thứ nhân, kỳ nghĩa đồng dã đạt.”(*) Nàng ta đã là hạng cơ thiếp thì đem trao đổi có gì không được? Nhị công tử bản tính phóng khoáng, đam mê võ thuật, đổi người đẹp lấy ngựa quý cũng coi như một giai thoại phong lưu. Nếu quả có làm trái phép tắc, chưa cần Thôi Tây tào hỏi đến, các quan cũng sẽ sớm bẩm báo lên. - Những lời này đều có ý nói Thôi Diễm nhiều chuyện, không đến lượt ông ta quản những việc chẳng liên quan tới mình. Dương Tu không dám đắc tội với lão thần, vội kéo áo Đinh Nghi, ý nhắc giữ mồm giữ miệng.
Thôi Diễm không thèm để ý đến Đinh Nghi, mắt chỉ chăm chăm nhìn Tào Thực:
— Bình Nguyên hầu, lê dân trăm họ làm chuyện kỳ dị này đã đành, nhị công tử dẫu sao cũng là con của Thừa tướng, há có thể hành động như vậy? Nếu như ngài không quản, hạ quan sẽ tấu thư hỏi Thừa tướng, lấy lòng dân để định thiên hạ, rốt cuộc coi trọng người hay coi trọng ngựa? Nếu quốc pháp trị không được, chẳng phải còn phép nhà sao?
Tào Thực có chút hốt hoảng: câu nói này quả không sai, đổi tì thiếp lấy ngựa tuy không trái phép tắc nhưng chung quy cũng không hợp tình. Thôi râu dài nói là làm, nếu như ông ta báo việc này lên phụ thân, e rằng nhị huynh sẽ khó sống, chuyện ầm ĩ cả mạc phủ, không ai không biết, cả nhà sẽ mất mặt. Đúng lúc phụ thân đang tấn phong tước công lại bị lan truyền điều tiếng trọng ngựa hơn người, chẳng phải thành trò cười sao. Nghĩ đến đây, Tào Thực vội vàng nói:
— Những lời Thôi công nói chí phải, tối nay ta sẽ khuyên giải huynh ấy.
— Nếu được như vậy, hạ quan đã thấy yên tâm.
Vừa rồi thất lễ, mong công tử thứ lỗi. - Thôi Diễm nói xong bèn thi lễ cáo lui, đi được vài bước lại quay đầu nói, - Công tử mau chóng về phủ, Quốc Trưởng sử vẫn đang chờ đợi.
Đinh Nghi nén cơn giận nhìn Thôi Diễm đi xa, cuối cùng không nhịn nổi, phát cáu:
— Thôi râu dài thật đáng ghét, dựa vào đâu mà chuyện gì cũng chõ mũi vào?
— Dựa vào việc ông ấy tận tâm, đoan chính không sợ thù ghét. - Tào Thực mỉm cười, - Những người chính trực như vậy phải được tôn trọng, ông ấy luôn giáo huấn ta cũng vì muốn tốt cho ta thôi.
— Chưa hẳn đâu. - Đinh Nghi cười nhạt, - Nếu ông ta thực sự tận tâm, đoan chính thì đã không hậu đãi Ngũ quan tướng mà lạnh nhạt với hầu gia. Theo tại hạ thấy, ông ấy đã xông vào đài tấu trình, biến chuyện nhỏ thành chuyện lớn để qua mặt công tử, mượn chuyện đổi thiếp lấy ngựa để công tử khuyên răn huynh trưởng, chính là dựng kế ly gián huynh đệ, hòng cô lập công tử. Ngài chớ để bị lừa bởi bộ mặt trung thần ấy!
— Sao có thể như lời ngươi nói? - Tào Thực cười xòa, - Ta xưa nay hiểu con người Thôi công. Có thể ông ấy cố chấp bảo vệ quan niệm trưởng ấu và có thành kiến với ta là thật, nhưng những chuyện đê tiện, hại người thì ông ấy tuyệt đối không làm.
Dương Tu cũng tán đồng:
— Đúng vậy, công tử hiểu được thiện ác, có mắt nhìn người, nói về lòng khoan dung, độ lượng hơn hẳn một bậc so với Ngũ quan tướng. Nhưng chuyện của nhị công tử vẫn phải giải quyết ổn thỏa, tính nết lệnh huynh xưa nay kỳ quái, nếu không ăn nói khéo léo, chỉ e khó mà tác động, khuyên giải không thành lại sinh ra oán ghét, hỏng hết việc.
Tào Thực trong lòng đã có tính toán:
— Chuyện này không cần ngươi phải bận tâm, ta sẽ nói chuyện với huynh ấy. Nếu nhị ca còn cố chấp, cùng lắm ta bỏ ra chút tiền chu cấp cho gia đình cơ thiếp kia là xong. Gia đình đó có làm ầm ĩ cũng chẳng qua vì tiền bạc, phú quý, coi như ta chịu thiệt chút vậy.
Đinh Nghi thở dài:
— Hầu gia tốt bụng quá, hà tất phải ưng thuận chuyện này? Vô duyên vô cớ chịu thiệt vào người.
— Huynh thì hiểu cái gì? - Dương Tu tay vân vê chòm râu, ánh mắt sáng quắc, - Tuy nói hầu gia tranh ngôi với Ngũ quan tướng, nhưng các vị công tử khác cũng không thể xem thường. Lời người ngoài nói càng dễ lay động Thừa tướng. Sự tranh giành giữa các vương tử không chỉ là so sánh về tài cán, mưu trí mà còn cần huynh đệ thuận hòa, người ngoài luôn để ý việc này, nên chuyện nhà còn quan trọng hơn chuyện nước!
Tào Thực ngửa mặt lên trời, lầm rầm nói:
— Tranh giành lẫn nhau… tranh giành lẫn nhau… Ta chỉ muốn kiến cơ lập nghiệp, trước nay chưa bao giờ muốn tranh giành với ai. Toàn tâm phụng sự xã tắc, ban ân đức cho muôn dân, để lại công lao bất hủ, thế mới không hổ thẹn là người quân tử… - Nói đoạn chắp tay sau lưng mà đi.
Đinh Nghi toan đuổi theo nhưng bị Dương Tu ngăn lại:
— Huynh vẫn còn muốn nói ra nói vào về Thôi Diễm sao? Ta cùng với hầu gia về mạc phủ xử lý công chuyện, huynh cứ từ từ mà nguôi giận.
Đinh Nghi trong lòng bực dọc nhưng cũng không biết làm sao, đành ngậm ngùi gật đầu. Tào Thực đi được một đoạn khá xa mới quay đầu lại:
— Chính Lễ, thay ta cáo lui với liệt vị, lão phu tử Hàm Đan tuổi đã cao, xuống lầu nhớ chú ý dìu đỡ. Ngươi chớ nhọc lòng chuyện các lão thần đối đãi với ta ra sao, chúng ta đều là hậu sinh, không nên quên lễ nghĩa. - Khuôn mặt trắng ngần, tuấn tú của Tào Thực đầy vẻ chân thành, không chút giả tạo.
Mưu kế của Dương Tu
Thính Chính đường yên tĩnh vắng vẻ, chỉ vọng lại tiếng nhỏ tí tách từ chiếc đồng hồ nước. Mạc phủ Trưởng sử Quốc Uyên, Thái thú Ngụy quận Vương Tu đã đứng đợi nửa canh giờ, một người cúi đầu chăm chú đọc công văn, một người đi đi lại lại, trong lòng ngổn ngang trăm mối, chẳng ai nói với ai câu gì. Không phải vì hai người bất hòa mà do bình thường không qua lại nhiều, lại không thích tán chuyện phiếm, người câm gặp kẻ điếc, chỉ chào hỏi qua loa, đứng với nhau nửa ngày trời cũng chỉ nói đi nói lại mấy câu xã giao, không có ý nghĩa gì.
Chớ thấy hai người không trò chuyện với nhau, nhưng suy nghĩ của họ lại hoàn toàn giống nhau: Bình Nguyên hầu đúng là không được yêu quý! Năm trước Tào Phi lưu thủ, chẳng lập được công trạng gì lại gặp phải trận phản loạn, nhưng đó vốn chẳng phải tội của y, y vẫn luôn giữ đúng phép tắc, tận tụy xử lý chính sự. Ngay cả những người có giao tình thân thiết với Tào Phi như Ngô Chất, Hạ Hầu Thượng, Chu Thước, nếu không có việc công thì cũng không thể tùy tiện vào gặp, tránh xa điều tiếng. Còn tam công tử tư chất cao quý nhưng lại không tuân theo lễ pháp, giải quyết công chuyện cũng hay làm theo ý mình, nếu thích thì ham mê làm, còn không hứng thú thì cũng chẳng buồn hỏi đến. Có thể đối với những bậc văn nhân phong nhã mà nói, Tào Thực là một người hoàn mỹ, nhưng trong mắt một số trọng thần của mạc phủ lại hoàn toàn không như vậy.
Có điều nghĩ lại, Quốc Uyên, Vương Tu đều là những người nhẫn nại, cũng không tiện phái người đi giục. Sau đó Thôi Diễm đến, hỏi rõ sự tình liền lạnh lùng bỏ đi, hai người cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm hẳn: Thôi râu dài là người làm việc theo cảm tính, chuyện lớn bằng trời cũng dám quản, hơn nữa lại là thông gia với họ Tào, có làm ầm ĩ một trận cũng không vấn đề gì. Chúng ta không phải thân thích cũng chẳng phải bằng hữu, nếu làm lớn chuyện này, người hiểu chuyện sẽ biết ta lấy việc nước làm trọng, không hiểu chuyện sẽ bảo ta một lòng theo Ngũ quan tướng, cố ý làm khó Bình Nguyên hầu. Tào công ngày càng khó hầu, nay lại thêm hai ông Tào con, tình ngay lý gian há có thể không thận trọng?
Thôi Diễm ra tay quả nhiên hiệu quả, không lâu sau Tào Thực đã dẫn theo Dương Tu vội vàng quay lại, vừa đến cửa đã chắp tay hành lễ:
— Vãn sinh thất lễ, để hai vị phải chờ lâu, thật hổ thẹn.
— Không dám. - Hai người hơi có ý trách móc, nhưng thấy Tào Thực chủ động xin lỗi, cử chỉ nhẹ nhàng, thể hiện sự chân thành nhưng cũng không đánh mất vẻ phóng khoáng, mặc dù trong lòng đang bộn bề công việc nhưng cũng tạm thời nguôi giận.
— Mọi người đều nói Thừa tướng là trụ cột của nước nhà, còn ta xem hai vị cũng là trụ cột của mạc phủ, nếu không có hai vị lo nghĩ chu toàn mọi việc, vãn sinh quả không biết làm thế nào mới được! - Nói xong đôi lời xã giao, Tào Thực mới ngồi xuống ghế, - Kim Hổ đài xây khá nhanh, nhưng lại không cân xứng với Đồng Tước đài. Vừa rồi ta cùng mọi người bàn bạc, dự định sẽ xây thêm một đài nữa ở phía bắc, Quốc Trưởng sử thấy có được không?
— Nếu không gấp gáp, có thể đợi Thừa tướng về xin ý kiến. - Quốc Uyên chỉ đáp một câu lấy lệ, rồi kính cẩn dâng lên mười mấy cuộn công văn, - Xin công tử xem qua.
Tào Thực chỉ lật giở qua loa, không nói gì mà đóng luôn ấn. Quốc Uyên sợ y không xem cẩn thận, nhắc nhở từng việc một:
— Đại quân của Thừa tướng đã qua Dự Châu, có thể sẽ Lưu lại Hứa Đô một ngày… Sứ giả của Hung Nô triều kiến, Hoa lệnh quân đã yêu cầu hắn mang chiếu thư về Bình Dương… Ngự sử đại phu Hy Lự từ chức về quê, Thừa tướng tất sẽ phê chuẩn… Chu Quang nhận chức Thái thú Lư Giang, mở mang đất đai ở Hoản thành, xin cấp tiền và lương thực…
Cho dù ông ta nói gì, Tào Thực cũng chỉ đáp gọn lỏn một câu “Vãn sinh biết rồi”, cũng không biết y có để tâm thực hay không. Mười mấy công văn trong chốc lát đều đã được đóng dấu, những thứ khác Tào Thực không chú ý, duy chỉ chú ý đến việc cuối cùng:
— Linh cữu của Tuân Lệnh quân đã được chuyển đến Dĩnh Xuyên an táng rồi ư, thật là nhanh. - Quốc Uyên, Vương Tu không khỏi sợ hãi: Chuyện Tuân Úc đổ bệnh chết ở huyện Tiều đã bị đồn đại rất nhiều, đám quan lại Nghiệp Thành cũng không biết thật giả ra sao, nhưng Tuân Úc vừa bỏ chức Thượng thư lệnh, những việc còn đang tranh cãi như chia lại chín châu, tấn phong tước công lập tức được thông qua. Việc Tuân Úc bất đồng với Thừa tướng ai ai cũng rõ, cho nên mọi người tuyệt nhiên không dám bàn tán chuyện này để tránh rước họa vào thân.
Kỳ thực, không phải Tào Thực nghi ngờ cái chết của Tuân Úc, mà do y có giao tình khá thân thiết với nhi tử.
Tuân Úc là Tuân Uẩn, hơn nữa Tuân Uẩn cũng là rể nhà họ Tào, nên để ý đến việc này. Công văn này liên quan đến việc Tuân Uẩn tập tước Vạn Tuế đình hầu, sau cùng còn chép lại một bài văn là ván bia do Thượng thư hữu thừa Phan Húc thảo cho Tuân Úc:
Tuân đại nhân đức hạnh cao thượng vậy thay, một lòng trung thành với chúa công, hiếu thuận với phụ mẫu, gần gũi với huynh đệ, bề trong kiên trinh, bề ngoài ôn hòa, luôn liêm khiết, cẩn trọng trong công việc, đối xử khoan dung, nhân ái với kẻ khác. Ngài ấy làm việc chu toàn, không nói lời dư thừa, không khuất phục nỗi nhục, chỉ thích yên tĩnh. Tu thân theo đạo, chuộng lễ quý đức, lấy sự thông minh chỉ dạy thiên tử, lấy sự chính trực giữ gìn giang sơn. Trí tuệ thông đạt như sông Hoàng Hà, chảy mãi không hết; nội tâm vững vàng như núi Hoa Sơn, đứng mãi không đổ. Vậy nên có thể kiến ngôn lập nghiệp, thân không nhiễm bụi trần. Nhờ vậy, chính sự đi vào trật tự, vương đạo trở nên tốt đẹp, đại cáo thành công, bền mãi muôn đời.
Tào Thực lắc đầu:
— Bài văn bia này quá hời hợt! Lệnh quân khi xưa cùng phụ thân ta dựng nghiệp ở Duyện Châu, đã từng hiến bao nhiêu kế hay đánh địch, cớ sao không nhắc tới một chữ? Tâm tính lệnh quân trong như băng, sáng như ngọc, quy củ mà không hống hách, ôn hòa mà không ngạo mạn, tại sao những điều đó cũng không nói đến? Phan Nguyên Mậu trước nay hành văn không tồi, sao bài văn này lại ủ dột, bó buộc, thiếu hẳn nét phóng khoáng mọi khi?
Quốc Uyên biết rõ căn nguyên hơn Tào Thực, Tuân Úc ban đầu luôn kính cẩn phục tùng, nhưng sau này lại bằng mặt không bằng lòng với Tào Tháo, bây giờ quan tài đã đậy nắp, thật khó đánh giá cái tốt, cái xấu của Tuân Úc. Đừng nói là Phan Húc mà ngay cả Thái Sử Công, Ban Mạnh Kiên(*) sống lại cũng khó mà viết được ván bia phóng khoáng. Ông ta vội nói đại khái mấy câu:
— Văn chương kiểu cách xưa nay đều sáo rỗng, chiết trung dung hòa là được rồi. - Nói đoạn rút lấy công văn từ tay Tào Thực.
Tào Thực sớm thấy Quốc Uyên không vui, mỉm cười nói:
— Quốc Trưởng sử phải chăng cảm thấy vãn sinh những ngày gần đây không để tâm xử lý chính vụ?
— Thuộc hạ không dám. - Quốc Uyên nghĩ một đằng nói một nẻo.
— Ngài không nỡ làm tổn hại đến thể diện của ta thôi. - Tào Thực tự biết mình, - Đúng vậy, ta gần đây quả là không chăm lo chính sự. Nhưng tuyệt đối không lười biếng, buông thả, mà bởi ta tin tưởng vào các vị đại nhân. Trên danh nghĩa, ta lưu giữ Nghiệp Thành, nhưng ai cũng đều rõ, những chính lệnh đều do chư vị đại nhân quyết định, vãn sinh chẳng qua chỉ thẩm duyệt, tham nghị…
Quốc Uyên muốn phản bác nhưng bị Tào Thực giơ tay ngăn lại:
— Ta không có ý gì khác, cũng không có gì bất mãn, các vị đều tận trung với nước, lo xa nghĩ rộng, suy tính sách lược nào cũng chu toàn, xử lý chính lệnh nào cũng thỏa đáng. Hoàng đế thánh minh còn yên tâm khoanh tay mà trị lý, nói chi đến ta chỉ là một cậu ấm, nào dám mạo phạm, chỉ trích để làm trò cười cho thiên hạ? Cho nên ta mới chú tâm vào việc xây dựng lầu đài, một là sau này còn cần đến, hai là đây cũng là sở trường của ta. Để không thẹn với chức quan này, đã không thể cai quản triều chính thì cũng phải chú tâm xây dựng lầu đài, cũng coi như có chút cống hiến, không uổng một lần được giao trọng trách. Chúng ta ai làm việc người ấy, có gì không được?
Mặc dù những lời này không hẳn là vô lý, nhưng Quốc Uyên vẫn cảm thấy khó chịu, có điều ông không phản bác, chỉ im lặng lui xuống. Tào Thực thấy ông ta không còn lời gì để nói, cũng thấy thỏa mãn, lại nhìn sang Vương Tu:
— Vương quận tướng có việc gì cần gặp ta?
— Bỉ chức muốn đàn hặc một người.
— Ồ? - Không chỉ Tào Thực sững sờ mà Dương Tu cũng thấy kinh ngạc: Thái thú Ngụy quận không phải là một quận tướng bình thường, vì mạc phủ nằm ở Nghiệp Thành - thủ phủ của Ngụy quận, do đó Ngụy quận chính là quận đứng đầu thiên hạ. Trong mắt Tào Tháo, làm quan quận này đâu phải chuyện dễ dàng. Vương Tu vốn là quan cũ của nhà họ Viên, lại từng được Khổng Dung đề bạt, người như vậy mà được Tào Tháo trọng dụng, cũng đủ thấy tài cán hơn người. Nhưng tài cán chỉ là một mặt, điều quan trọng hơn là ông ta không gây thù chuốc oán với ai, hôm nay lại mở lời cáo trạng, không biết bị cáo kia phạm phải tội ác tày trời đến nhường nào?
Tào Thực im lặng một lúc mới nói:
— Ngài muốn tố cáo ai?
— Nghiệp thành lệnh Dương Bái.
Hai năm trước xảy ra cuộc phản loạn của Điền Ngân, Tô Bá ở Ký Châu, Tào Tháo vô cùng xấu hổ, có ý muốn áp chế bọn cường hào, trừng trị những kẻ bất tuân nên mới cho viên khốc lại Dương Bái làm Nghiệp Thành lệnh. Ông ta thi hành luật lệ nghiêm minh nhưng lại lạm dụng cực hình tàn ác, coi mạng người như cỏ rác, khiến cho từ quan lại đến bách tính đều vô cùng kinh sợ. Nhưng vì Dương Bái được Tào Tháo đích thân đề bạt, lại rất tin tưởng nên các quan lại tuy phẫn nộ nhưng không dám có ý kiến, Vương Tu dám mở miệng tố cáo hắn, đúng là do hắn đã ép người quá mức.
— Thánh nhân có câu: “Hà chính mạnh vu hổ”(*), Dương Bái hành sự quá bạo ngược, vô nhân đạo. - Vương Tu quá phẫn nộ trước những hành động đó, - Từ khi hắn nhận chức cho đến nay, phép nghiêm hình nặng, coi mạng người như cỏ rác, dân chúng Nghiệp Thành câm như hến, quan lại nơm nớp như bước trên băng.
Hắn phái bọn tay sai Công tào Lưu Từ ngày ngày đi lại khắp các ngõ phố để thị sát người dân, nếu gặp bất cứ lỗi nhỏ nào là đánh giết luôn, không giáo huấn mà dùng hình phạt bạo ngược! Lại cùng bọn Hiệu sự Lư Hồng, Triệu Đạt cấu kết trong ngoài, thêu dệt tội trạng, bức hại đại thần. Bây giờ trên khắp ngõ phố, bến cảng đều không nghe thấy tiếng người, dân chúng về nhà đóng cửa, tránh chúng như tránh yêu ma. Để tên tội đồ tàn bạo này làm quan đúng là làm dơ bẩn miếu đường, lẽ nào chúng ta lại theo gót vua Tần? Khẩn cầu công tử làm chủ, đuổi tên hung ác kia ra khỏi Ký Châu!
Tào Thực lấy làm khó xử - Làm sao y không biết Dương Bái hai tay nhúng máu? Tên Dương Bái này xấc xược, vô lối do ỷ thế phụ thân, lật đổ Dương Bái chẳng phải là công khai gây chiến với quyền uy của phụ thân sao? Tào Thực không dám nhúng tay vào, miễn cưỡng cười nói:
— Những lời Vương quận tướng nói đều rất có lý. Tuy nhiên, Dương Bái hành xử tàn bạo nhưng cũng là vì chức trách, không thể xử lý qua loa.
Vương Tu vái một vái dài, lại nói:
— Việc trị lý cốt ở dùng đức, không thể chuyên quyền tàn bạo, những việc mà Dương Bái làm giống như bọn quan lại đê tiện không hiểu đạo lý. Ngày trước, Hoa lệnh quân sai một tên quan nhỏ đến dinh của bỉ chức để bàn việc, đêm nghỉ tại nhà trọ phía tây thành. Tên quan này gia cảnh bần hàn, lúc làm việc đã lén trộm của nhà trọ cái chiếu, bị phát hiện dẫn lên nha huyện, trên đường gặp ngay bọn Lưu Từ đang đi tuần. Tên Lưu Từ nói ăn trộm chiếu tuy là chuyện nhỏ nhưng theo lời dạy của thánh nhân thì đáng xử tội chết, không cần phân trần, liền đánh chết tên quan đó.
Tào Thực vô cùng kinh ngạc:
— Trộm chiếu và thánh nhân có liên quan gì đến nhau?
— Đáng hận chính ở chỗ đó. - Vương Tu phẫn nộ, - Lưu Từ bảo rằng Khổng Tử có câu “Triêu văn đạo tịch, khả tử hĩ”(*), nên đã xử tử.
Quốc Uyên là học trò của Trịnh Huyền, học vấn uyên bác, thuộc làu kinh sử, nghe thấy những lời này cũng phải ngây người ra, thực sự không nhớ nổi Khổng Tử từng nói câu đó. Im lặng hồi lâu, Dương Tu đột nhiên cười phá lên:
— Tên Lưu Từ này đúng là nghe hơi nồi chõ, đáng ra phải là “Triêu văn đạo, tịch tử khả hĩ.”(*)
Một lời đã đủ vạch trần, Tào Thực dở khóc dở cười:
— Ây dà! Tốt nhất là nên nói với Hàm Đan lão phu tử để ông ấy cho vào sách Tiếu lâm. - Đang nói thì thấy Vương Tu mặt mặt nghiêm túc, vội vàng nhịn cười, - Loại khốc lại gian xảo như chúng thật đáng ghét! Vương quận tướng nói thật đúng, những việc tên Dương Bái làm, đợi Thừa tướng quay về, vãn sinh sẽ tự có ý kiến với lão ngài.
Vương Tu không chịu bỏ qua:
— Hạ quan cho rằng công tử là người biết nắm bắt được thời cơ, không cần xin ý kiến của Thừa tướng, nên sớm bãi miễn hắn thì hơn. - Trong lòng Vương Tu đã có tính toán, không thể trông mong Tào Tháo xử lý Dương Bái, tốt nhất là mượn tay Tào Thực, tiền trảm hậu tấu.
— Không ổn, ta chẳng qua vâng lệnh Thừa tướng thay quyền một thời gian, há có thể tùy ý bãi miễn quan viên?
Vương Tu đưa mắt ra hiệu cho Quốc Uyên, Quốc Uyên hiểu ý, lập tức cất lời:
— Văn thư chính lệnh thuộc hạ có thể làm thay, chỉ cần công tử ưng thuận sẽ không có trở ngại gì. - Hai người tuy không thương lượng trước nhưng lúc này lại ngầm hiểu ý nhau, đúng là Dương Bái đã gây thù chuốc oán với quá nhiều người.
Tào Thực lần đầu nắm quyền xử lý chính vụ nhưng không hồ đồ, Quốc Uyên có thể làm được việc này sao không làm luôn đi? Nhất định sẽ không qua nổi mắt của phụ thân:
— Việc bãi miễn quan viên cần phải được xem xét kỹ lưỡng, ta đâu có thể vượt quá chức phận.
— Bậc thánh hiền nếu có cách làm cho xã tắc vững bền, không cần làm theo quy tắc cứng nhắc; nếu có cách làm lợi cho bách tính, cũng không cần tuân theo đạo lý trị quốc. - Vương Tu tranh luận, - Công tử nói rằng lần đầu làm lưu thủ, mong muốn lập công. Nếu có thể bãi chức tên khốc lại tàn ác kia, tạo phúc cho bách tính, công lao ân đức này chẳng phải lớn hơn gấp vạn lần so với việc xây dựng lầu đài sao? Cổ nhân có câu: “Thiên tuy chí thần, tất nhân nhật nguyệt chi quang; địa tuy chí linh, tất hữu sơn xuyên chi hóa.”(*) Phụ tử công tử như một, đức của công tử cũng chính là đức của Thừa tướng.
Người thật thà tất sẽ hùa theo ý muốn của người khác, Tào Thực nghe những lời này thấy có lý, nếu có thể làm chuyện kinh thiên động địa này, không những có lợi cho dân mà chưa chắc đã không tốt cho bản thân; lại nhìn Quốc Uyên liên tục gật đầu đồng ý. Thực ra trong lòng Tào Thực cũng không ưa Dương Bái, mặc dù hắn chưa gây phiền phức gì cho y, nhưng xưa nay đám văn sĩ khi nhắc tới hắn đều cực kỳ phẫn nộ. Những tâm tư này chất chồng lại, khiến Tào Thực dần dần vững dạ, liền đập bàn:
— Đã vậy thì cứ…
Dương Tu đột nhiên xen vào:
— Công tử xin hãy cân nhắc cho kỹ! Dương Bái là tên khốc lại tàn ác, Thừa tướng dùng hắn để trừ bỏ tà ác, làm sáng pháp luật, tuy rằng uốn nắn quá mức nhưng đều xuất phát từ tấm lòng nhân ái, khi căng khi chùng cũng có chừng mực, không phải là điều mà đám hạ liêu có thể xét nét. Đức của con tất nhờ cả vào cha, công việc của các quan tất do quân vương làm chủ, công tử và các vị đại nhân tự ý hành sự, chỉ e làm hỏng mất ý đồ của Thừa tướng. Vì đạo làm con, vì nghĩa làm tôi sẽ khó tránh khỏi thiệt thòi. - Ông ta cố y nhấn mạnh bốn chữ “vì đạo làm con”.
Tào Thực đoán Dương Tu khuyên mình là có lý do, vội vàng xuống nước:
— Đúng thế, đúng thế, Đức Tổ quả là có tầm nhìn xa trông rộng, nên để cho phụ thân ta tự xử lý sẽ tốt hơn. - Y nuốt lời, muốn nhanh chóng chuyển sang chủ đề khác, không để cho Vương Tu nói thêm, vội quay đầu hỏi Dương Tu, - Sắp tới chính Ngọ rồi ư, ta phải vào hậu cung vấn an mẫu thân.
Vương Tu nhìn dáng vẻ muốn đuổi khách của Tào Thực, đành ngậm bồ hòn không nói lên lời, phẫn nộ nhìn Dương Tu nhưng cũng không có cách nào tranh cãi. Người ta ngay đến “nghĩa làm tôi sẽ chịu thiệt thòi” cũng đã quẳng đi, vậy thì trách nhiệm lớn như vậy ai dám gánh vác?
Quốc Uyên thở dài một tiếng, cầm chính lệnh nói:
— Nếu đã như vậy, hạ quan tạm cáo lui. - Vương Tu lầm lũi ra về, trong bụng thầm tính toán: sớm biết như vậy thà chẳng nhắc đến còn hơn, nếu chuyện này mà truyền ra ngoài, chỉ e ngày sau càng khó sống với tên bạo quan đó!
Tào Thực nhìn bóng hai người họ đi xa hẳn mới thở phào nhẹ nhõm:
— Đức Tổ cớ sao cản ta?
Dương Tu chân thành nói:
— Công tử phải nhớ việc nào nên làm, việc nào không nên làm. Tùy cơ hành sự sẽ không sao, Dương Bái được Thừa tướng trọng dụng, không thể coi nhẹ, nếu sơ suất sẽ dẫn đến sai lầm, đi ngược lại ý phụ thân chỉ là một chuyện, quan trọng hơn là sợ lão ngài hiềm nghi về việc kéo bè kết cánh…
Tào Thực nói giọng chán nản:
— Vậy việc diệt trừ kẻ ác thì không làm nữa sao?
— Theo thiển kiến của tại hạ, bây giờ công tử chỉ nên làm những việc mà mình cho là đúng, không nên can dự quá nhiều vào những sự vụ hệ trọng. Lão Tử nói: “Thái thượng, bất tri hữu chi; kỳ tự, thân nhi dự chi.”(*) Mọi việc trong mạc phủ, Thừa tướng đã sớm có sắp đặt, Quốc Uyên, Viên Hoán đều là trọng quan trong triều, cân nhắc xử lý chính sự không chút nhầm lẫn, họ mà không quản được việc này thì công tử cũng chớ nên nhọc lòng. Cho nên, tại hạ mới khuyên ngài nên dùng văn chương để kết giao bằng hữu, tập trung vào việc xây cung, công việc của mạc phủ nên tận lực mà làm, đó mới là công trạng lớn lao của ngài. Trước kia, Ngũ quan tướng giám sát chỉ huy, tất cả mọi việc chính sự đều can dự vào, kết quả thì sao, không những chẳng lập được công trạng gì mà còn làm cho Thừa tướng tức giận, ngài nên lấy đó làm gương!
Tào Thực không hoàn toàn đồng ý với lời của Dương Tu, nhưng biết là hắn có ý tốt:
— Vậy nghe lời ngươi, việc này không nhắc đến nữa.
— Nếu tại hạ đoán không nhầm thì hiện nay công tử được yêu mến hơn Ngũ quan tướng. - Dương Tu sớm đã tính trước, - Tài văn chương của công tử hơn hẳn Ngũ quan tướng, điểm yếu bây giờ là tình hình quân vụ, chính sự đương thời. Tại hạ hiến kế này là để phô bày ưu điểm, che đậy khuyết điểm, vẫn mong công tử hãy chuyên tâm để theo kịp thì mới có thể tranh cao thấp với Ngũ quan tướng được.
— Tranh, tranh, tranh, lại là tranh! - Tào Thực bất thần đứng phắt lên, - Trước nay ta chưa bao giờ nghĩ sẽ trở thành kẻ đối đầu với huynh đệ, chỉ muốn sống đúng là mình, lấy sự chân thành để cảm hóa phụ thân, đó mới là chí nguyện cả đời ta!
Dương Tu khẽ đưa mắt nhìn khuôn mặt đầy vẻ bất lực của Tào Thực, miệng định nói nhưng lại thôi: Tào Thực đúng là người phóng khoáng, đối đãi với mọi người cũng giống như theo đuổi ý vị của riêng mình trong thơ phú. Bản tính lương thiện, tài ba thiên bẩm, thật đáng trân trọng. Nhưng nếu chỉ dựa vào sự chân thành mà không lập mưu ứng biến, liệu có thể thành công? Mình không tranh với họ, họ vẫn sẽ tranh với mình! Nếu cứ thế này không ổn, ta phải nghĩ cách ngấm ngầm tương trợ…
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9