Khi học trò đã sẵn sàng, thầy giáo sẽ xuất hiện.

Ngạn ngữ cổ Trung Hoa

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Thùy Linh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 29
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 129
răm kỵ binh nửa đêm tập kích, Cam Ninh uy hiếp Tào doanh
Binh biến ải Bạch Thủy
Mùa đông ở đất Thục không lạnh như phương bắc, nhưng đến từ từ mà đi cũng từ từ. Giờ đã là tháng Hai, năm Kiến An thứ mười ba (năm 213 sau Công nguyên), Ích Châu vẫn âm u, giá buốt, nhất là về đêm, hơi lạnh cắt da cắt thịt khó ai chịu nổi.
Núi non trùng điệp, mây mù âm u, đường nhỏ quanh co ngoằn ngoèo, hình thù kỳ quái của những gốc tùng cổ thụ và những hòn đá xù xì trong đêm đen tĩnh lặng, giống như âm khí của ma quỷ đang reo rắc khắp nơi. Thâm sơn cùng cốc không một tiếng động, sương mù giăng ướt cỏ dại, cành lá rậm rạp không chịu nổi cái rét, khẽ run rẩy trong gió. Con đường núi khúc khuỷu xen lẫn khói trắng, lờ mờ lúc ẩn lúc hiện, hư hư thực thực. Cành lá tiêu điều, cỏ rêu xen lẫn đất bùn, trơn trượt khó bước. Bỗng đâu đó vang lên tiếng kêu của đám cú vọ giật mình bởi gió thổi, phá tan bầu không tĩnh lặng, bóng quỷ lóe lên rồi biến mất. Con đường tuy quanh co, nhưng nhìn chung vẫn chạy theo đúng hướng đông bắc, phía cuối đường có một tòa thành không mấy đồ sộ. Thoạt nhìn thì tòa thành này xưa cũ, tiêu điều, lọt thỏm giữa những rặng núi cao hùng vĩ, nhưng nếu quan sát kĩ, hai bên núi vách đá dựng đứng, khó nhìn thấu bên trong. Nơi này quả là cửa ải hiểm yếu, một người giữ ải vạn kẻ khó qua - đây chính là Bạch Thủy quan, cửa ải ngăn cách giữa đất Thục và Hán Trung.
Chấn Uy Tướng quân Lưu Chương kế nghiệp phụ thân là Lưu Yên, cai quản đất Thục đã hai mươi năm, tuy trải qua vài lần phiến loạn nhưng đại để vẫn được coi là ổn định, hơn nữa ông ta không chú ý đến việc trấn thủ, binh mã đều bất cẩn và lười nhác, duy chỉ có đội quân võ bị của Bạch Thủy quan là nghiêm chỉnh quân lệnh, không chút lơ là. Nơi đây phía bắc thông với Tần Lũng, phía nam giáp với Hà Mạnh, là cửa ải quan trọng ngăn cách hai miền nam bắc của đất Thục. Mặc dù cùng thuộc Ích Châu, nhưng phía bắc Bạch Thủy quan là địa bàn quận Hán Trung của “giặc gạo” Trương Lỗ, phía nam mới là phạm vi thế lực của Lưu Chương, hai bên đối địch nhiều năm, thường xảy ra xung đột, do đó Bạch Thủy quan còn được quan dân đất Thục gọi là “quan đầu”, không khó để nhận ra đây là nơi vô cùng quan trọng. Cai quản cửa ải này là Thái thú Ba Tây Bàng Hi, nhân sĩ Hà Nam, từng giữ chức Nghị lang, bằng hữu thân cận của Lưu Yên. Khi quân Lương Châu gây loạn Trường An, ông ta đã ứng cứu tử tôn của Lưu Yên, sau đó đến Thục phò tá hai đời phụ tử Lưu thị, lập công lớn trong việc bình định hương dân Thục Trung làm loạn, về sau lại lấy con gái của Lưu Chương, có thể coi là nhân vật nắm nhiều quyền thế. Bàng Hi cũng có ý đem binh đi dẹp Trương Lỗ, bình định Hán Trung, tiếc là mấy lần dấy binh đều bị thương vong quá nhiều, đành phòng thủ đợi thiên thời, đến nay người trấn thủ Bạch Thủy quan là túc tướng Dương Hoài và Cao Phái, đều là thủ hạ của Bàng Hi. Hai tướng này tuy không dũng mãnh nhưng rất mực trung thành; chỉ huy hơn vạn quân sĩ đối đầu với Trương Lỗ, được coi là đội quân hùng mạnh, thiện chiến nhất đất Thục. Đương nhiên, chức trách quan trọng nhất của hai tướng Dương, Cao là khống chế con đường phòng thủ phía bắc, nhưng việc Lưu Bị vào đất Thục, kéo theo tình thế của Ích Châu tiềm ẩn thêm vài phần biến số cũng khiến họ không khỏi cảm thấy lo lắng.
Một năm trước, Lưu Chương mời Lưu Bị vào Thục, có ý mượn sức đánh dẹp Trương Lỗ để tranh thủ chiếm trọn đất Thục, trấn giữ Hán Trung trước khi quân Tào đem quân chinh phạt phía tây. Hành động này ngay từ đầu đã vấp phải nhiều tranh cãi, các đại thần nước Thục như Hoàng Quyền, Lưu Ba cực lực phản đối, Chủ bá Vương Lũy thậm chí còn treo mình ở cửa thành, lấy cái chết để can gián nhưng cũng không lay chuyển được quyết định của Lưu Chương. Nhờ sự tác động mạnh của quan Biệt giá Trương Tùng, Lưu Bị vẫn được mời đến đất Thục. Các cửa ải từ trong đất Thục đến Kinh Châu đều được mở, Lưu Bị dưới sự dẫn đường của sứ giả Pháp Chính, thúc ngựa thẳng tiến, nhanh chóng đi qua các nơi hiểm yếu, đến huyện Bổi hội ngộ với Lưu Chương. Đi cùng với Lưu Bị không chỉ có một vạn binh mã Kinh Châu mà còn có các kiêu tướng, mưu thần như Bàng Thống, Hoàng Trung, Ngụy Diên, Hoắc Tuấn. Quan lại nước Thục lặng lẽ nhìn theo dáng vẻ oai phong, hừng hực khí thế của Lưu Bị cùng với bộ hạ, trong lòng đều thở dài thầm nghĩ: Nhân vật lợi hại bậc này đến đất Thục, không biết là phúc hay họa đây?
Lưu Chương vốn lòng dạ thẳng thắn, trong mắt ông ta đây nhất định là một chuyện vui, Lưu Bị cùng họ Lưu, lại đích thân mang quân tới cùng ông ta đánh giặc, tướng mạo đoan chính, giữ lễ với người hiền, hạ mình với kẻ sĩ, đúng là người cầu trong mộng. Lưu Bị có binh hùng tướng mạnh, thực không có điều gì tốt hơn, há lại có chuyện rắp tâm hại mình? Hai người họ Lưu dẫn theo bộ hạ gặp gỡ, trò chuyện nhiều ngày ở huyện Bổi, một người chân thành tiếp đón, còn một kẻ tình ý giả dối, dần dần gọi nhau là huynh đệ. Lưu Chương thể hiện sự khẳng khái, chủ động “biểu tấu” cho Lưu Bị làm Đại tư mã, lĩnh chức Tư lệ hiệu úy; Lưu Bị cũng đáp lại, “biểu tấu” cho Lưu Chương làm Chấn Tây Đại tướng quân, lĩnh chức Ích Châu mục. Tất nhiên, những biểu tấu này không thể đến tai thiên tử, mà dù có được truyền đến Hứa Đô thì triều đình do Tào Tháo khống chế cũng sẽ không thừa nhận. Trong lúc Tào Tháo đang đánh nhau với quân phản loạn Quan Trung là Hàn Toại và Mã Siêu ở Đồng Quan, Lưu Chương không dám thờ ơ, cho Lưu Bị mượn một vạn binh mã, đồng thời cấp cho lương thảo, quân nhu, mời ông ta tạm đóng quân tại ải Hà Manh thuộc phía bắc Bạch Thủy quan để chỉnh đốn binh mã, chọn ngày bắc tiến, và truyền lệnh cho hai tướng Dương Hoài, Cao Phái sẵn sàng phối hợp với Lưu Bị.
Lưu Chương hẳn không ngờ rằng, quyết định này của mình chẳng khác nào chủ động đầu hàng, dâng quyền cho kẻ khác. Lưu Bị thề thốt chân thành, lĩnh quân tiến về phía bắc, khi đến ải Hà Manh thì dừng lại không chịu đi tiếp với lý do cần phải nghỉ ngơi, chỉnh đốn binh mã, kéo dài cả năm trời. Ải Hà Manh nằm trên con đường huyết mạch nối thông với bốn phương bắc, nam, đông, tây, từ phía bắc qua Bạch Thủy quan có thể đánh Trương Lỗ; nhưng nếu tiến quân theo hướng tây nam, đột phá Tử Đồng, huyện Bồi, Lạc Thành, thì có thể trực tiếp uy hiếp Thành Đô; ngoài ra, trong đất ải Hà Manh còn có sông Du chảy về hướng tây nam đổ vào sông Trường Giang. Tuy Lưu Chương không nhận ra, nhưng không ít nhân sĩ đất Thục đều cảm nhận được rằng, Lưu Bị dường như có ý đồ bất trắc. Lưu Bị chiếm giữ nơi này, phía bắc có thể tấn công Trương Lỗ, phía nam có thể chiếm được nước Thục, lại còn giữ con đường thông suốt với Kinh Chấu, đúng là đã biến khách thành chủ!
Cục thế phương bắc thay đổi ngoài dự liệu, Tào Tháo đánh bại Hàn Toại, Mã Siêu, giết chết Thành Nghi, Lương Hưng, tấn công và thu hàng Dương Thu, việc lấy Lương Châu đã nắm chắc phần thắng, nhưng đúng lúc đó ở Ký Châu bỗng có phản loạn, Tào Tháo đành phải vội vàng thu binh, chỉ để lại Hạ Hầu Uyên, Từ Hoảng và Trương Cáp trấn thủ Trường An. Hàn Toại, Mã Siêu chưa bị diệt trừ tận gốc, vẫn luôn muốn quay lại phục dựng thanh thế; ở Hán Trung, Trương Lỗ cũng lo môi hở răng lạnh, coi Hàn, Mã là bình phong nên âm thầm trợ giúp binh mã, lương thực, tận lực ủng hộ bọn chúng xâm phạm, quấy nhiễu đất Lũng Tây; Tôn Quyền ở Giang Đông sau khi bình định được Giao Châu, lại tiếp tục mưu tính đánh chiếm phương bắc. Do hai quân Tôn, Tào đều đóng tại cửa Nhu Tu là trọng trấn ở vùng sông Trường Giang, nên một khi xung đột ắt sẽ xảy ra đại chiến. Thế lực các nơi kiềm chế lẫn nhau, tạm thời chưa ai có thể uy hiếp đất Thục, một năm trước vẫn còn phong ba bão tố, lòng người kinh hãi bất an, vậy mà nay trời yên biển lặng. Họa bên ngoài coi như đã hết, nhưng lúc này Lưu Bị lại trở thành mối họa bên trong. Các quan viên Thành Đô ở xa khó mà tường tận, chỉ có hai tướng Dương Hoài và Cao Phái ở kề cận mới biết rõ, hơn một năm qua, Lưu Bị trồng cây ân đức, mua chuộc lòng người, ngày nào cũng bố trí tiệc rượu, lấy tiền của thưởng đãi tướng lĩnh, kết giao nhân sĩ, cứu tế bách tính, số người về dưới trướng của Lưu Bị ngày càng đông.
Bệnh cũ chưa trừ lại thêm nỗi lo mới, quan hệ giữa hai người họ Lưu vẫn chưa rõ ràng, chỉ có thể duy trì tình hình ổn định. Dương Hoài, Cao Phái tuy tỏ ra cung kính trước mặt Lưu Bị, nhưng trong lòng hoài nghi, cảnh giác. Bạch Thủy quan vốn chỉ phòng ngự Trương Lỗ ở phía bắc, nay hai mặt bắc nam đều đóng chặt, không thể lơ là dù chỉ một khắc, chỉ mong “khách quý” sớm nhấc gót quay về Kinh Châu. Vừa hay nửa tháng trước xảy ra biến cố, đội quân nam chinh của Tào Tháo tiến xuống Trường Giang, Lưu Bị lấy danh nghĩa trở về Kinh Châu giúp Tôn Quyền, đến cáo từ Lưu Chương, lại mở lời yêu cầu Lưu Chương chi viện cho một vạn quân giúp đánh Tào. Lưu Chương lúc này đã hối hận, từ khi Lưu Bị vào Thục, chưa đánh giúp trận nào, ăn không ngồi rồi ở Hà Manh cả năm nay, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của, lương thực, lúc sắp rời đi còn muốn hút thêm máu của Lưu Chương, đúng là được voi lại đòi tiên! Nhưng mời thần đến thì dễ, tiễn thần đi mới khó, suy cho cùng cũng do Lưu Chương đích thân mời đến nên không thể công khai trở mặt, Lưu Chương đành cân nhắc giảm một phần ba số quân, chỉ đồng ý cho mượn bốn nghìn quân. Lưu Bị không cam tâm, lại gửi thư đến Thành Đô yêu cầu tăng chi viện, Lưu Chương nhất định không cho mượn thêm, một người đòi giá trên trời, một kẻ trả giá dưới đất, trao qua đổi lại ồn ào náo nhiệt. Hai tướng Dương, Cao thấy cảnh này vừa hân hoan nhưng cũng vừa lo lắng, họ vui là vì cuối cùng Lưu Bị cũng rời đi, còn lo là vì nếu hai bên cứ đôi co qua lại, cuối cùng lật mặt nhau thì sợ Lưu Bị chó cùng rứt giậu. Cho nên, việc canh phòng Bạch Thủy quan càng thêm nghiêm ngặt, hai tướng cắt cử binh mã, một người trấn ải ban ngày, một người canh trực ban đêm, căng mắt chú ý động tĩnh phía nam...
Cao Phái trực đêm nay, cẩn thận tuần tra một vòng xung quanh thành, sau đó lên trên lâu thành ngồi cạnh chậu than, đọc tin quân báo mấy ngày nay. Đêm dài lạnh lẽo không có việc gì làm, lại chẳng nhận được bất cứ tin tiệp báo nào, Cao Phái mới ngoài ba mươi tuổi, thân thể cường tráng nhưng lúc này tinh thần trống rỗng, cả đêm không ngủ nên đến gần sáng thì đầu óc mụ mị, ngáp dài liên tục; đang lúc dở thức dở ngủ, hắn chợt nghe tiếng trống canh năm, giật mình tỉnh giấc, vội vàng truyền thân binh mở các môn, nhìn trời chuyển sáng, mây mù tan dần mới coi như đã bình an qua đêm nay. Chỉ còn nửa canh giờ nữa là Dương Hoài đến điểm quân, lúc đó Cao Phái có thể nghỉ ngơi. Trong lòng hắn đang vui mừng, đột nhiên có tiếng “cấp báo” lanh lảnh vẳng lại từ phía nam, phá vỡ sự yên tĩnh của buổi sớm. Cao Phái thất kinh, thiếu chút nữa đá đổ chậu than, bước nhanh ra ngoài các môn, tay bám vào tường thành nhìn xuống phía dưới, quả nhiên thấy trong bóng tối có một tên xích hầu dừng ngựa ở dưới chân ải.
— Phía nam có tin gì?
Xích hầu nói lớn:
— Thưa, có hơn mười người từ Hà Manh đến!...
Lúc này trời chưa sáng hẳn, không gian vẫn còn yên tĩnh, lời bẩm báo vang vọng khắp núi.
Cao Phái tưởng rằng Lưu Bị sẽ hành động, nào ngờ chỉ có hơn mười kỵ binh, trong lòng không khỏi kinh ngạc:
— Không được vào thành, để ta kiểm tra!
— Rõ. - Xich hầu vâng lệnh mà đi.
Cao Phái dặn dò xong, liền quay đầu lại nhìn thân binh:
— Ngươi đi gọi Dương... - Nói nửa chừng thì ngừng lại bảo, - Thôi.
Cao Phái có ý gọi Dương Hoài dậy, nhưng lại nghĩ việc vặt này cần gì làm lớn chuyện, mấy tên kỵ binh kia thì tạo được sóng gió gì? Có lẽ Lưu Bị phái người đến đưa tin thôi. Suy nghĩ này cũng trấn an bản thân được phần nào, hắn hít sâu hơi lạnh buổi sớm, nhẫn nại chờ tin.
Không lâu sau, chân trời hiện lên những vệt sáng dài, phía nam truyền lại tiếng vó ngựa rời rạc, hơn mười kỵ binh xuất hiện trong màn sương mù giữa con đường núi, ngựa chạy không nhanh. Cao Phái dụi mắt, nhìn thấy tên xích hầu mà mình vừa sai phái đang đi cùng hàng với người dẫn đầu, hắn cảm thấy nghi ngờ, thò cổ ra ngoài tường thành quan sát hồi lâu, đoàn kỵ binh mỗi lúc một đến gần, có thể nhìn rõ người dẫn đầu. Người này dáng người mảnh khảnh, mình vận áo đen, khoác thêm áo vải rộng, đầu đội mũ biện cài lông chim, hông giắt một thanh kiếm, mặt mày thanh gầy, ba chòm râu đen dài, mắt híp mũi khoằm, má cao cằm nhọn, hai mày rậm dài - hóa ra là Quân nghị hiệu úy Pháp Chính được Lưu Chương phái đến chỗ của Lưu Bị để dẫn quân Kinh Châu vào đất Thục.
Cao Phái không vội truyền lệnh mở cửa thành, nói lớn:
— Thì ra là Hiếu Trực huynh, sáng sớm tinh mơ đã đến đây, không biết có việc gì? - Cao Phái nghe nói một năm nay Pháp Chính ở trong doanh trại của Lưu Bị, nhận được không ít ân huệ, lại còn tiến cử nhiều nhân sĩ đất Thục cho Lưu Bị nên có ý đề phòng.
Pháp Chính đến dưới chân thành, từ từ ghì cương ngựa, ngáp dài một cái, xoay cổ đấm vai, nói giọng uể oải:
— Thời tiết kỳ quái, lạnh cắt da cắt thịt... Mau mở cửa, mở cửa tiễn ôn thần, Lưu Bị muốn về Kinh Châu!
— Sao kia? - Cao Phái tưởng mình nghe nhầm.
Pháp Chính quay người xuống ngựa, vận động chân tay, đi vòng qua hàng rào cự mã và chông chà, mệt mỏi đáp:
— Đúng vậy, trời chưa sáng đã bắt ta đến báo cho ngươi, phá hỏng giấc mộng đẹp của ta...
— Thế người ngựa của hắn đâu? - Cao Phái phóng mắt ra xa. Thực ra cũng chẳng nhìn được bao xa, mây mù vẫn chưa tan.
— Lúc ta đi mới bắt đầu điểm quân, lúc này chắc đã ra khỏi ải Hà Manh, hai ải cách nhau cũng xa, chí ít cũng phải nửa canh giờ nữa mới tới nơi. - Nói đến đấy, giọng Pháp Chính bất thần quát lớn, - Họ Cao kia, ngươi còn không mau mở cửa? Ta nửa đêm nửa hôm bị Lưu Huyền Đức dựng dậy, dọc đường vất vả, chưa ăn uống gì, có phải muốn để ta chết cóng ở đây đúng không? Liệu hồn ta chửi tám đời tổ tông nhà ngươi!
— Mở cửa, mau mở cửa! - Cao Phái giơ tay vẫy về phía đám thân binh, không khỏi làu bàu, - Cái tính ngạo mạn, ngông cuồng khốn kiếp! Bảo sao bọn Bàng Hi không coi ngươi ra gì.
Phúc họa khó lường, cửa thành chỉ mở ra một lối đi rất nhỏ, hơn mười người phải lần lượt dắt ngựa qua. Cao Phái nhẫn nại chờ hồi lâu mới thấy Pháp Chính chậm rãi bước lên thành, nhìn gần thấy mặt ông ta trắng bệch, đi trong sương mù nên trên chòm râu vẫn còn đọng nước li ti, toát lên vẻ mệt mỏi đuối sức.
— Lưu Bị muốn đi thật sao? - Cao Phái vẫn hoài nghi.
Pháp Chính tựa người vào tường, vắt tà áo ướt sượt, nói giọng hết hơi:
— Không đi không được. Đêm qua nhận được tin khẩn từ Kinh Châu, Tào Tháo đã đánh vào đại doanh của Tôn Quyền ở Giang Bắc, hình như Nam quận cũng bị uy hiếp, hắn mà không về thì e rằng đến chỗ trú thân cũng chẳng còn.
Cao Phái thở dài:
— Chuyến này về, hắn không mặc cả với chúng ta sao?
— Còn hơi đâu mà mặc cả? Cho Lưu Bị mượn bốn nghìn quân là tốt lắm rồi. Chúa công lòng dạ tốt, đổi là ta thì một người cũng không cho! Chúng ta đã phải tốn kém với hắn, nếu hắn còn ở đây thì không biết còn hao tổn đến mức nào nữa.
Cao Phái tặc lưỡi, chế giễu Pháp Chính:
— Ban đầu không phải là ngài đưa hắn vào sao? Bây giờ còn nói năng ngang ngược, có vẻ không hợp với đạo tiễn khách cho lắm...
Pháp Chính mặt ủ mày chau:
— Đúng, là ta mời! Nhưng cũng không phải ta nguyện ý đi mời, mà do ở trên sai xuống.
— Ta cũng nghe nói, ngài đã nhận không ít ân huệ của hắn.
— Hừ! - Pháp Chính mở to đôi mắt híp, - Ngươi chỉ nhìn thấy cái sướng của người ta mà không nhìn thấy cái khổ! Tên giặc tai to này cũng trục lợi, lúc đầu quan hệ tốt với chúa công thì ân cần quan tâm hỏi han ta, nhưng khi vừa nghe chúa công nói không cho mượn binh, hắn lập tức nổi giận với ta, mặt dài thuồn thuỗn chẳng khác gì mặt lừa. Nay các ngươi cũng đổ hết tội vạ cho ta, nỗi oan này há có thể rửa sạch? Ta đã nhìn thấu rồi, cái gì mà đạo nghĩa đồng tông, toàn là xuyên tạc vớ vẩn, tên giặc tai to này hại ta không ít!
Cao Phái nghe ông ta nói vậy, cảm thấy thật nực cười, nhưng hai nhà cuối cùng đã trở mặt với nhau, cũng coi như sớm gặp sớm tan. Pháp Hiếu Trực nói năng tùy tiện, một câu, hai câu “giặc tai to” chửi loạn cả lên, nếu việc này truyền ra ngoài, e là sẽ không hay, hắn bèn khuyên rằng:
— Chớ chửi nữa. Bậc quân tử không nên nói lời thô tục, để bọn họ đi là được rồi... - Cao Phái chưa nói hết câu lại sinh nghi, - Nhưng... Lưu Bị về Kinh Châu sao không đi theo đường cũ, từ Bạch Thủy quan đi theo hướng bắc sẽ rất gần đất của Trương Lỗ, Khoái Kỳ, lẽ nào lại không sợ nguy hiểm?
Pháp Chính nói:
— Có người thông minh nghĩ Lưu Bị đần độn thôi. Ta đề phòng họ, họ há không đề phòng ta sao? Trên đường đến đây phải đi qua bao nhiêu núi cao hiểm trở, Lưu Bị không yên tâm, sợ chúng ta đóng cửa thành giết hắn nên nhất định đòi rút về theo hướng bắc Bạch Thủy quan. Chỉ cần đi qua ải này là chúng ta cũng chẳng làm gì được hắn nữa. Quan hệ giữa hai bên từ đây coi như kết thúc.
Cao Phái gật đầu lia lịa, lệnh cho binh mã chỉnh đốn hàng ngũ, một là cung tiễn Lưu Bị rời Thục, hai là cũng muốn phô trương uy phong trước mặt giặc tai to. Trời dần sáng, Dương Hoài và bộ hạ của mình cũng đã thức giấc, điểm đủ người ngựa liền mở cửa xếp hàng, kéo bỏ hàng rào cự mã, chông chà, dù không đến mức “nước sạch rửa đường, đất vàng lót lối”(*) thì cũng phải tỏ ra chút thịnh tình để tiễn khách.
Dương Hoài gặp Pháp Chính, hỏi rõ nguyên do bèn để ông ta và tùy tùng vào trong thành các nghỉ ngơi, nào ngờ Pháp Chính vừa bước một chân vào đã quát tháo loạn lên:
— Hừ! Vừa có mùi than vừa có mùi mốc, ở nơi rách nát này thì đón tiếp kiểu gì? Bỏ đi, ta thà ở trên lâu thành chịu khổ một chút còn hơn!
Nói rồi lệnh cho thân binh ngồi bệt xuống chân tường, lôi lương khô ra ăn, vất vả cả đêm, đúng là đói không chịu nổi. Hai tướng Dương, Cao chẳng buồn để ý, tiếp tục bàn bạc với bộ hạ, Dương Hoài lĩnh quân nghênh đón bên ngoài, Cao Phái ở trong thành quan sát động tĩnh.
Khoảng nửa canh giờ sau, trời đã sáng hẳn, sương mù cũng tan hết, giữa những ngọn núi trùng điệp đằng xa, lờ mờ xuất hiện cờ xí bay phấp phới, lúc ẩn lúc hiện, hẳn là Lưu Bị đang tới, di chuyển cũng không nhanh. Cao Phái lại cảm thấy kỳ lạ:
— Lưu Bị không phải đang vội về Kinh Châu sao? Cớ sao binh mã lại đi chậm vậy?
Pháp Chính ngồi bên cạnh đang nhai thịt thỏ, làu bàu:
— Muốn nhanh cũng không nhanh được, lúc chỉnh đốn quân ngũ, ta đã nhìn thấy cả, tất cả lương thảo đều mang theo, đóng lại thành hơn trăm xe, ngay cả gốc cây, thân rạ cũng không để lại cho chúng ta, chỉ thiếu nước dỡ cả ải Hà Manh đem về Kinh Châu thôi.
— Đáng ghét! - Cao Phái tức giận đấm vào tường, - Đều là của cải của Thục quốc ta!
— Thôi, coi như của đi thay người, cứ cho hắn lấy xem có thể lấy được bao nhiêu? Đường đi lối lại trong đất Thục hiểm trở, hắn không thông thạo, đến lúc không đi nổi thì ngay cả xe chở đồ cũng vứt ở giữa đường, rồi lại có lợi cho Trương Lỗ, Thân Đam. - Nói đến đây Pháp Chính đứng lên, vỗ vỗ vai Cao Phái, - Ta phải nhắc nhở ngươi, trong ải đã có lương thảo, quân nhu chưa?
— Ồ, có chứ.
Pháp Chính cười:
— Lưu Bị muốn mượn quân mà không được, tức khí ra về. Đánh úp ta thì hắn không dám, nhưng chỉ sợ tên giặc này không cam lòng về tay không, nhớ trông coi kỹ lương thực trong thành, chẳng nói trước được, hơn vạn binh mã qua thành mà tiện tay vơ vét, ngươi cũng chịu đủ! Theo ý ta, chớ ngốc nghếch chỉ phòng bị ngoài thành, nên điều ít người vào thành trông coi lương thực thì hơn.
— Có lý, có lý, đa tạ lão huynh chỉ bảo. - Cao Phái lập tức truyền lệnh, rút hai nghìn binh mã từ ngoài thành vào trông giữ quân lương. Dương Hoài thúc quân ở dưới, cũng không can dự vào.
Trên dưới ải Bạch Thủy còn đang điều động quân, chợt thấy bóng cây lay động, vó ngựa vang lên, một đội kỵ binh đột nhiên từ trong đường núi lao ra. Người dẫn đầu mặc áo tay rộng, động tác nhanh nhẹn như bay, đó chính là Lưu Bị, bên trái là Quân sư trung lang tướng Bàng Thống ôm cờ lệnh phụng sự, bên phải là Hoàng Trung vai vác trường cung hộ vệ, Ngụy Diên, Hoắc Tuấn, Tiết Vĩnh, Trác Ưng khôi giáp chỉnh tề đi ngay phía sau. Dương Hoài ở dưới thành nhìn thấy cảnh này không khỏi giật mình, ngẩng đầu nhìn đội quân cờ quạt vẫn ở đằng xa, lại thấy Lưu Bị không mặc giáp sắt, nghĩ rằng Lưu Bị đích thân làm tiên phong nên yên tâm hơn.
Lưu Bị xưa nay luôn tu thân dưỡng trí, tướng mạo anh tuấn, mặt mũi tươi tắn, còn cách cửa thành khá xa, ông ta đã xuống ngựa, chắp tay hành lễ:
— Đã quấy quả Dương tướng quân rồi!
Trong lòng Dương Hoài rủa thầm: Quấy nhiễu cả năm nay rồi, đến hôm nay còn vét đầy túi mới chịu về, mau biến đi! Tuy nghĩ như vậy, nhưng ngoài mặt lại phải nói khác, thấy Lưu Bị vội vàng thúc ngựa tiến lại như muốn đến trò chuyện với mình, Dương Hoài há có thể thất lễ? Hắn cũng vội lệnh thân binh thúc ngựa dàn hàng:
— Huyền Đức công quá khách khí rồi. Ngài từ xa đến đây, chúng tại hạ đón tiếp không chu đáo, xin rộng...
Chưa kịp nói hết câu đã thấy Cao Phái ở trên thành hét lớn:
— Dương tướng quân cẩn thận!
Dương Hoài giật mình quay sang, lúc này mới chú ý đến Hoàng Trung ở đám quân đối diện đang giương cung. Hắn vội vàng thúc ngựa, lệnh cho quân binh ứng chiến, nhưng chưa kịp nắm lấy dây cương, mũi tên lạnh lùng đã bắn trúng ấn đường! Dương Hoài không kịp kêu thành tiếng, lảo đảo rơi khỏi lưng ngựa.
Hai quân cách nhau còn khá xa, chưa nói đến việc hầu hết binh lính ải Bạch Thủy không nhìn rõ đối phương, mà có nhìn rõ cũng không kịp phản ứng. Họ đều bị tài bắn cung bách phát bách trúng của Hoàng Trung làm cho kinh hồn bạt vía.
— Tiểu nhân bỉ ổi! - Cao Phái đứng trên lâu thành, giậm chân thét lớn, - Xông lên, vằm nát tên giặc tai to cho ta!
Tướng quân có lệnh tất nhiên phải nghe theo, cận vệ của Dương Hoài nhất tề xông thẳng về phía địch. Lúc này Lưu Bị đã sớm rút đi, Bàng Thống phất cờ lệnh trong tay, chỉ trong chốc lát tiếng hô giết rúng động trời đất, quân Kinh Châu từ trong rừng sâu rậm rạp xông ra, nhiều không đếm xuể - Những lá cờ ở đằng xa kia thực ra chỉ để đánh lừa quân Thục, đại đội binh mã sớm đã âm thầm tiến lên phía trước.
Từ hai bên chân núi, cung tên bắn ra như mưa. Thân binh của Dương Hoài lập tức bị trúng ngàn vạn mũi tên, tử thương vô số. Quân Thục còn lại ngơ ngác, run sợ, vội vàng lui quân trốn cả, nhưng chạy vào trong thành cũng không xong. Hai nghìn bộ binh vừa mới nhận lệnh vào thành bảo vệ lương thực, vẫn chưa được điều động ổn định đã phải quay ra nghênh chiến, bọn họ không hiểu tình hình thế nào, nghe thấy tiếng hò giết bèn vội xông ra trợ trận. Trong khi đó, bên ngoài thành đánh không lại, binh sĩ tán loạn chạy vào trong, quân Thục kẻ ra người vào, tự giẫm đạp lên nhau.
Cao Phái thấy các tướng Hoàng Trung, Ngụy Diên thống lĩnh đám bộ hạ dũng mãnh như hổ báo tấn công về phía cửa thành, còn quân sĩ của mình lộn xộn, hoảng sợ, chỉ e thành trì sẽ mất, vội thét lớn:
— Bắn tên! Mau đóng...
Từ “cửa” chưa kịp nói ra, đột nhiên hắn thấy sau lưng đau điếng, bốn năm cây kiếm dài cùng lúc đâm vào người! Cao Phái chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi theo đà từ từ gục xuống vũng máu, trong lúc trút hơi thở cuối, hắn nhìn thấy một khuôn mặt cười xảo quyệt...
Quân Thục vẫn còn đang chen lấn, giẫm đạp lên nhau ở cửa thành, bỗng thấy quân địch không hô giết nữa, còn giơ đao lên cười với mình. Họ đang chưa hiểu thế nào, lại nghe thấy tiếng nói từ trên thành vọng xuống:
— Binh sĩ Bạch Thủy quan nghe lệnh, mau chóng bỏ vũ khí. Huyền Đức công có tấm lòng bao dung, các ngươi đầu hàng sẽ được miễn tội, còn không mau quy hàng, định đợi đến khi nào nữa?
Binh lính ngẩng đầu nhìn lên, thấy Quân nghị hiệu úy Pháp Chính hiên ngang đứng ở đầu thành, tay phải cầm kiếm, tay trái nắm thủ cấp đang rỏ máu của Cao Phái.
Biến cố này vô cùng hệ trọng, hai tướng Dương, Cao đều đã chết, binh sĩ ải Bạch Thủy mất đi thống soái, không biết làm thế nào. Nhưng họ biết Pháp Chính là quan nước Thục, có kẻ hoảng loạn không kịp suy nghĩ, nghe thấy hiệu lệnh bèn vứt luôn đao xuống. Một người vứt thì mười người làm theo, tiếng leng keng vang lên không dứt, gần vạn quân sĩ có quá nửa vứt bỏ vũ khí.
Pháp Chính bình thường không câu nệ tiểu tiết, bản tính ngạo mạn kênh kiệu, không màng danh vọng quan trường, lúc này lại như biến thành người khác, gươm giáo chỉnh tề, tinh thần phấn chấn, nhìn thấy có người không cam tâm hạ vũ khí, dõng dạc kêu gọi:
— Các huynh đệ, tướng sĩ đất Thục hãy tỉnh ngộ! Phụ tử Lưu Yên, Lưu Chương cầm quyền ở đất Thục hơn hai mươi năm qua nhưng liệu đã từng trị vì nhân nghĩa? Lưu Yên lấy danh nghĩa là châu mục, nhưng thực chất là tên nghịch tặc. Khi xưa, y mượn binh chiếm giữ đất Thục, vừa vào thành đã giết hơn mười danh sĩ như Vương Hàm, Lý Quyền, trọng dụng gian thần, chèn ép trung lương, dung túng cho Trương Lỗ cát cứ gây họa. Còn Lưu Chương chẳng qua chỉ là một tên nhu nhược, mê muội, để cho những kẻ gian tham như Bàng Hi nắm giữ binh quyền, những kẻ vô dụng như Dương Hoài, Cao Phái lĩnh quân làm tướng, nhiều lần đánh trận đều thảm bại, biết bao tráng sĩ phải chết dưới tay tên giặc gạo? Đúng là một tướng bất tài nghìn quân chịu khổ!
Những câu này đã đánh động tâm can của các binh sĩ, họ đưa mắt nhìn nhau rồi đều gật gù công nhận.
Pháp Chính tiện tay ném đầu của Cao Phái sang một bên, sau đó chỉ tay về phía Lưu Bị ở đối diện, lên giọng:
— Các huynh đệ phụ lão, Huyền Đức công là người đại đức, khi xưa quân Tào xuống phía nam đánh Kinh Châu, ngài ấy dẫn mười vạn quân dân chạy khỏi phía nam, thà để cho binh bại chứ không chịu bỏ rơi dân chúng, thiên hạ có ai không biết chuyện này? Người tích đức thường gặp điều may, do đó có thể đánh bại Tào Tháo làm chủ Kinh Châu. Từ ngày Huyền Đức công đóng quân tại Hà Manh, hậu đãi tướng sĩ, chăm sóc dân chúng, quân dân Hà Manh mang ơn đội nghĩa, đây mới là vị cứu tinh của bách tính nước Thục! Trước mặt là vị quân chủ yêu dân như vậy, há có thể để bọn Lưu Chương tiếp tục ức hiếp chúng ta? - Nói đến đây Chính giơ nắm tay lên cao, gân cổ thét bằng giọng đậm chất vùng Xuyên Trung, - Ở đây ai không có phụ mẫu? Ai không có thê thiếp tử tôn? Cả năm đóng quân trong thành không được về quê, vất vả nguy hiểm, thập tử nhất sinh, ngàn vạn bách tính của đất Thục thống khổ xiết bao! Dựa vào cớ gì mà bọn cường hào ngoại xứ như Lưu Chương, Bàng Hi đứng ở trên cao, chiếm giữ đất đai của người Thục, cướp tước vị của người Thục, ăn thóc gạo của người Thục? Chúng ta hãy cùng đi với Huyền Đức công trở về Thành Đô, gặp mặt phụ mẫu, đoàn viên gia đình, đuổi bọn Lưu Chương, lấy lại ruộng đất của chúng ta! Lấy lại địa vị của chúng ta!
Những lời nói hùng hồn của Pháp Chính trong chốc lát đã làm chúng nhân kích động, phấn chấn, binh sĩ đất Thục nhất tề reo hò:
— Pháp hiệu úy nói đúng! Bảo vệ Lưu sứ quân về Thành Đô, chém đầu tên rùa rụt cổ Lưu Chương!
Tiếng hò hét liên tiếp không ngừng, khuấy động khắp nơi. Thực ra, Lưu Bị cũng không phải người nước Thục, nghĩa sĩ dưới trướng đa phần là người Kinh Châu, bỏ Lưu Chương theo Lưu Bị, liệu ông ta có để cho bách tính nước Thục làm chủ thực sự không? Giọng thổ âm của Pháp Chính có đúng là giọng nói của người Thục không? Pháp Chính vốn là nhân sĩ quận Phù Phong, Quan Trung, ở đây lâu ngày nên học được khẩu âm của tiếng Xuyên. Nhưng vào lúc này muôn người như một, binh sĩ không mấy hiểu biết, chỉ muốn nhanh chóng về nhà để sống những ngày tháng yên ổn, ai còn nghĩ được nhiều đến thế.
Pháp Chính thấy thời cơ đã chín muồi bèn tra kiếm vào bao, chắp tay làm lễ:
— Tướng sĩ Bạch Thủy quan một lòng đầu hàng, cung nghênh Lưu sứ quân vào thành!
Binh sĩ dưới thành lũ lượt cúi lạy:
— Cung nghênh Lưu sứ quân vào thành!...
Lưu Bị nhìn quân Thục lũ lượt hàng phục, cuối cùng cũng thở dài nhẹ nhõm. Chớ nhìn vẻ mặt bình tĩnh của Lưu Bị, thực ra trong lòng ông ta nãy giờ vẫn luôn thấp thỏm. Ý nguyện bấy lâu của Lưu Bị là đoạt được Ích Châu, lần này vào đất Thục cũng vì mục đích ấy. Biệt giá Ích Châu là Trương Tùng, Quân nghị hiệu úy Pháp Chính, bộ tướng Mạnh Đạt sớm đã thông đồng với ông ta, chỉ vì thời cục chưa rõ ràng, lòng dân chưa phục nên mới phải chờ một năm, vừa là quan sát động tĩnh của Tào Tháo, Tôn Quyền, Trương Lỗ, vừa là nhân cơ hội mua chuộc lòng người Hà Manh. Đến khi biết rõ hai nhà Tào, Tôn trở mặt với nhau, không ai cản trở mình, Lưu Bị bèn giả vờ muốn quay về Kinh Châu để mượn binh mã của Lưu Chương, đồng thời tạo biến cố để thu gom binh lực. Không ngờ đúng lúc then chốt lại gặp trở ngại, chưa kịp hành động đã lộ hết cơ mật.
Biệt giá Ích Châu Trương Tùng là người khởi xướng việc dẫn Lưu Bị vào Thục, sứ giả Pháp Chính cũng do Trương Tùng ủy thác, còn bí mật dâng bản đồ đất Thục cho Lưu Bị, trong lòng luôn mong mỏi đại sự chóng thành. Nhưng buộc phải kéo dài thời gian, Trương Tùng và Lưu Bị, người ở Thành Đô, kẻ ở Hà Manh, đường sá cách trở, tin tức không thông. Trương Tùng nhận được văn thư Lưu Bị cáo biệt Lưu Chương, liền cho là thật, vội gửi thư giữ lại, không ngờ bức thư này lại rơi vào tay huynh trưởng ông ta là Trương Túc. Năm xưa, Trương Túc đi sứ Hứa Đô được phong làm Thái thú Quảng Hán nên có ý hàng Tào, lại sợ âm mưu của Trương Tùng bại lộ gây họa cho cả họ, vì vậy đã tố cáo việc này với Lưu Chương. Lúc này, Lưu Chương mới biết âm mưu cõng rắn cắn gà nhà, trong cơn phẫn nộ đã giết chết Trương Tùng, truyền lệnh cho binh mã các nơi trong đất Thục phong tỏa cửa ải, xuất binh đánh Lưu Bị, xem ra chiến sự khó mà tránh được.
Lưu Bị mất đi cơ hội thì không khỏi hoảng sợ, ông ta không ngại việc trở mặt, duy chỉ lo hai tướng trấn giữ Bạch Thủy quan, giả như đại quân của Lưu Chương ở phía trước, Dương, Cao đột kích phía sau thì quân Kinh Châu sẽ rơi vào nguy hiểm. May sao Bạch Thủy quan nằm ở phía đông bắc ải Hà Manh, chỉ có duy nhất một con đường đến đó, sứ giả truyền tin đều đã bị Lưu Bị bắt giữ, hai tướng Dương, Cao không biết biến cố. Bàng Thống hiến ba kế: Nhân lúc quân Thục chưa chỉnh đốn lực lượng, dẫn quân tinh nhuệ nửa đêm bất ngờ đánh úp Thành Đô, tóm gọn Lưu Chương, khống chế Ích Châu, đó là thượng sách; mượn cớ quay về Kinh Châu, lên phía bắc ải Bạch Thủy, bắt giết Dương Hoài, Cao Phái, diệt trừ hậu họa trước, rồi tìm cách lấy Thành Đô, đó là trung sách; lập tức đem quân lui về Kinh Châu, sau này liệu kế khác, đó là hạ sách. Lưu Bị lo quân tiến vào thành sẽ quá nguy hiểm, lại không cam tâm bỏ lỡ cơ hội tốt, bèn chọn trung sách. Lưu Bị nhờ Pháp Chính, Bàng Thống nghĩ ra mưu kế, cố tạo nghi trận, trong ngoài phối hợp, không những loại trừ được hai tướng Dương, Cao mà còn thôn tính luôn binh mã đóng ở ải Bạch Thủy.
Lưu Bị dẫn theo một vạn binh mã tiến vào đất Thục, trong lúc đóng quân ở Hà Manh đã lôi kéo, thu phục quá nửa một vạn quân mượn của Lưu Chương, lại nhờ có kế này mà thôn tính được ải Bạch Thủy, biến nguy thành an, thực lực càng tăng, binh lực đã lên đến ba vạn. Ông ta dẫn chúng tướng tiến vào trong ải, vui mừng lên lâu thành, tay trái kéo Bàng Thống, tay phải dắt Pháp Chính:
— Sĩ Nguyên, Hiếu Trực thực là thần cơ diệu toán, túc trí đa mưu không kém gì Trương Lương, Đặng Vũ!(*)
Bàng Thống thì không có gì phải nói, nhưng Pháp Chính khi nghe thấy những lời này, trong lòng vui không sao kể xiết: Trương Lương, Đặng Vũ cố nhiên là những bậc quân sư thần cơ diệu toán, nhưng hay ở chỗ họ còn là những người được hưởng phú quý, vinh hoa. Trương Lương đã được phong chức vị rất cao là Lưu hầu, còn Đặng Vũ giữ chức Tam công, phúc ấm tử tôn, nếu ta có được địa vị như hai bậc tiền nhân, đời này không còn gì nuối tiếc! Lưu Chương à Lưu Chương, ngươi cũng không đến mức là hôn quân bạo chúa, đáng tiếc không nhận ra nhân tài, nếu trọng dụng ta, liệu có xảy ra chuyện ngày hôm nay không? Nhân sĩ kỳ mưu đời nào chẳng có? Chỉ trách chủ nhân bất tài không biết trọng dụng...
Pháp Chính đang mơ màng suy nghĩ, Lưu Bị đã đổi sang chủ đề khác:
— Giết được Dương, Cao, họa đã trừ xong. Bước tiếp theo nên làm thế nào?
Bàng Thống đưa tay vuốt râu, cười nhạt:
— Có thể thấy chư tướng đất Thục đều không có tài chinh phạt, cũng không có binh mã thiện chiến, binh tướng tầm thường không đáng nhắc tới, chưa cần điều động Quan, Trương, Triệu. Chúa công cứ ngồi yên làm chủ soái, xem tại hạ chỉ huy ba vạn binh mã tiến thẳng đến Thành Đô!
Pháp Chính cảm thấy khẩu khí của Bàng Thống khá huênh hoang, cũng cười nói:
— Tại hạ khâm phục tài điều binh của tướng quân, nhưng không thể coi thường nhân sĩ đất Thục. Ngô Ý, Trương Nhiệm, Nghiêm Nhan đều là các danh tướng nước Thục, còn Hoàng Quyền, Lưu Ba, Trịnh Độ đều là những người có học vấn uyên thâm. Tướng quân luôn miệng nói có thể dùng ba vạn binh mã san bằng Ích Châu, những lời này dường như chưa ổn lắm. Theo thiển kiến của tại hạ, chúng ta cứ từ từ tiến quân, tại hạ sẽ viết một lá thư gửi đến những bằng hữu cũ đang làm quan ở đất Thục, nói rõ lý lẽ, khuyên họ quay ra giúp đỡ chúng ta, đó mới là kế vạn toàn.
Bàng Thống đưa mắt lườm Pháp Chính, không coi đó là phải:
— Hiếu Trực lẽ nào có ý đề cao người Thục? Hãy xem ta bắt sống từng tên tướng của chúng!
Pháp Chính có ý cãi lại, nhưng do mới quy thuận Lưu Bị chưa lâu, còn giữ chút thể diện, đành chỉ im lặng lắc đầu. Lưu Bị thấy tình hình này, trong lòng đắn đo cân nhắc: Bàng Thống, Pháp Chính đều là những mưu sĩ kỳ tài, nhưng xuất thân của hai người không giống nhau. Pháp Chính tuy không phải là nhân sĩ nước Thục, nhưng lại làm quan dưới trướng Lưu Chương đã lâu, tất nhiên hy vọng có thể dựa vào bè cánh cũ; Bàng Thống lại là nhân sĩ Kinh Châu, muốn cậy mình là người chính thống dưới trướng của ta để đè nén quân binh nước Thục. Xem ra sau này có lấy được Ích Châu, bè phái Kinh, Thục tất có tranh chấp, nếu muốn xưng hùng thiên hạ, cần phải tính kế lâu dài, đứng ra hòa giải...
Nghĩ đến đây, Lưu Bị tươi cười nói:
— Những lời của hai vị nói đều có lý, theo ta nên kết hợp cả hai kế trên, một mặt chiêu hàng và thu phục nhân tâm, mặt khác dẫn quân tiến xuống phía nam. Thủ thắng được là tốt nhất, còn nếu gặp trở ngại sẽ điều Vân Trường, Dực Đức đến trợ giúp cũng chưa muộn. Ba vạn binh mã có thể điều động cùng lúc, nhưng kế sách trước mắt nên làm thế nào?
— Bỏ ải Bạch Thủy, quay về Hà Manh. - Lần này Bàng Thống, Pháp Chính cùng nói một lúc, cách nghĩ hoàn toàn đồng nhất.
— Sao kia? - Lưu Bị không hiểu, - Vất vả lắm mới lấy được cửa ải này, há có thể bỏ đi?
Pháp Chính cướp lời nói trước:
— Chúa công đã hứa đưa quân sĩ Bạch Thủy trở về Thành Đô, nhờ đó mà lấy được lòng quân sĩ nước Thục, giữ binh dựng trấn chẳng phải là nuốt lời hay sao? Hơn nữa ba vạn binh mã cũng không phải nhiều, trói buộc mình ở đây, ngộ nhỡ xảy ra hiềm khích với Trương Lỗ, lúc đó chẳng khác nào cửa trước đánh sói, cửa sau rước hổ.
— Hay lắm. - Bàng Thống không chịu lép vế, cũng tiếp lời, - Chúa công lo lắng Dương Hoài, Cao Phái sẽ thành hậu họa về sau, nay hai tướng đó đã bị diệt. Quân binh đóng ở ải Hà Manh đã lâu, nhân dân, quan lính cảm tạ ơn ân đức của chúa công, tốt nhất là lấy đó làm gốc, sai tinh binh trấn giữ. Tại hạ và mọi người sẽ phò tá chúa công dẫn đại quân đi lấy các ải Tử Đồng, Lạc Thành, đánh chắc thắng chắc tiến vào Thành Đô, còn tên Lưu Chương nhu nhược, vô dụng kia không phải đối thủ của ta.
— Được, cứ làm theo kế của hai vị. Lập tức điểm quân quay lại phía nam, Hoắc Tuấn lĩnh tám trăm tinh binh trấn thủ Hà Manh, còn những người khác theo ta tiến đánh Thành Đô. Nhưng... - Lưu Bị chưa nói hết câu đã dừng lại. Ông ta không quá lo lắng về chiến sự trước mắt, mà đại họa thực sự nằm ở đằng sau. Tào Tháo nhất thống phương bắc, thế lực càng mạnh, Tôn Quyền chí lớn hừng hực, nhăm nhe nuốt chửng Kinh Châu, bọn họ mới chính là cừu thù tranh giành thiên hạ.
Pháp Chính minh mẫn sáng suốt, đã nhìn thấu lòng Lưu Bị, cười nói:
— Chúa công chớ lo, hiện giờ Tào Tháo có được phía bắc, tự cho mình là thiên hạ vô địch, còn Tôn Quyền dựa vào địa thế hiểm trở ở phía nam sông Trường Giang, khinh thường quần hùng. Binh mã hùng hậu hai bên giao tranh lâu ngày, tất thành cục thế giằng co, khó bề giải quyết. Liệu còn có thể để ý đến chúng ta?
— Đúng lắm. - Bàng Thống cũng nói, - Dù có tháo gỡ được chuyện của Giang Biểu, còn có Trương Lỗ câu kết với Mã, Hàn làm loạn ở Quan Trung, đó là hiểm họa từ bên trong của Tào tặc. Tôn Quyền ở Giang Đông đã có Vân Trường, Khổng Minh ngăn chặn, Kinh Châu chưa có gì phải lo lắng, chúng ta ở đây một, hai năm cũng đâu có sao?
— Ha ha ha! - Sau khi nghe hai người phân tích tình hình, mây mù trong lòng tan biến, Lưu Bị ngửa mặt cười lớn, - Trai cò đánh nhau, ngư ông được lợi. Lão tặc Tào Tháo, nhãi ranh Tôn Quyền, các ngươi cứ tranh nhau đi! Ta sẽ mở rộng bờ cõi Tây Thục, lập nên cơ đồ vững chắc.
Khi xưa Gia Cát Lượng đã từng dự đoán, một khi Lưu Bị chiếm được Kinh, Ích, cả thiên hạ sẽ rơi vào trong tay, nhưng cùng với việc Tương Dương đổi chủ, ai ngờ rằng Lưu Chương sẽ cõng rắn cắn gà nhà, thay đổi biến số? Lúc này Lưu Bị lặng lẽ hạ quyết tâm, phải tranh thủ lúc hai nhà Tôn, Tào giao tranh để nhen nhóm trở lại kế sách này, tựa như phượng hoàng niết bàn, dục hỏa trùng sinh...(*)
Trăm quân cướp trại
Đất Thục xa xôi ngàn dặm đã có sự thay đổi, nhưng hai quân Tào, Tôn đang trong thế giằng co ở cửa Nhu Tu thì không hề hay biết, vẫn luôn coi đối phương mới là kẻ thù mạnh nhất trong việc nhất thống thiên hạ, đôi bên tích cực chuẩn bị binh mã, sẵn sàng ác chiến. Trong lần đối đầu này, quân Tào có hơn mười vạn, quân Giang Đông có bảy vạn, quân Tào tấn công, quân Giang Đông phòng thủ, quân Tào giáng đòn phủ đầu, tấn công đại doanh Giang Bắc của Tôn Quyền, quân Giang Đông trận đầu bất lợi, cố sức giữ nghiêm tuyến phòng ngự. Nhìn chung ban đầu mọi thứ đều có lợi cho quân Tào, nhưng khi mùa xuân đến, sĩ khí quân Tào dần yếu đi.
Đất Giang Hoài(*) mùa xuân ẩm ướt, mưa nhiều, có khi rả rích mấy ngày liền, vạn vật đều bị bao phủ trong màn mưa mù mịt. Thời tiết ẩm ướt, lạnh lẽo lại phải phòng thủ bên bờ sông, quân Tào thì quá đông đúc, sau mấy ngày, cơ thể ai nấy cũng bốc mùi mốc, đến đêm cởi bỏ quân phục, người ngợm thậm chí còn chi chít rêu xanh. Trận chiến Xích Bích do dịch bệnh hoành hành mà thua trận, nay lại gặp phải tình cảnh này, binh sĩ phương bắc vốn mang lòng sợ hãi há lại không lo lắng? Không hay ở chỗ, thủy quân Thanh Châu hiệp đồng tác chiến, do đường thủy không thông nên đến chậm, trận thủy chiến này chủ yếu phải dựa vào họ, nếu họ không đến, quân Tào không thể phát động tổng công kích, hằng ngày canh phòng ở bờ sông, chỉ có thể giương mắt nhìn thuyền địch diễu võ dương oai. Đặc biệt, Tôn Quyền đã cho đóng một con thuyền năm tầng, do dũng tướng Đông Ngô là Đổng Tập thống lĩnh, binh giáp san sát, cờ quạt phấp phới. Con thuyền to lớn này như một tòa thành trì trôi trên sông, cả ngày lượn đi lượn lại trước mặt quân Tào, khiến chúng nhân kinh tâm động phách. Lại thêm mưa xuân liên tục trút xuống, nước sông dâng cao, chiến thuyền của địch từng bước áp sát, không chỉ binh sĩ cảm thấy chán nản, mà ngay đến Đãng Khấu Tướng quân Trương Liêu chứng kiến cảnh này cũng không vui vẻ gì, nỗi ám ảnh từ lần bại trận Xích Bích giày vò quân Tào từ trên xuống dưới. Đúng lúc đó lại truyền đến tin dữ - Thượng thư lệnh Tuân Úc vừa nhận chức Quang lộc đại phu, vốn phải cầm phù tiết đến doanh trại tham mưu việc quân cơ, không ngờ giữa đường nhiễm bệnh phải Lưu lại huyện Tiều, nghỉ ngơi dưỡng bệnh mấy tháng nhưng bệnh tình ngày càng nặng, cuối cùng đành từ giã thế gian ở quê nhà Thừa tướng. Thiên hạ không ai không biết Tuân Úc là trụ cột của triều đình, cánh tay đắc lực của Tào doanh, do đó nhân vật quan trọng chết trước khi xảy ra đại chiến càng làm cho các tướng sĩ cảm thấy dao động...
Một đêm đầu tháng Hai, mưa phùn vẫn rơi rả rích, ai nấy đều cảm thấy u hoài. Thời tiết không thuận lợi, thủy quân không đến, chiến sự không dự đoán được, quân Tào nằm trong lều dột, đắp chăn màn ẩm mốc, nghe tiếng mưa rơi không dứt, lại nhớ đến thảm bại Xích Bích năm xưa, bầu không khí ảm đạm bao trùm khắp đại doanh. Bầu trời tối đen không một vì sao, quân trinh sát có đốt đuốc cũng không soi được xa, còn phải canh chừng để nước mưa không dập tắt lửa. Theo bản năng, họ tìm chỗ tránh mưa, hoặc đứng hoặc ngồi nhìn chăm chăm vào khoảng đất trống trước mặt, lâu lâu khó tránh khỏi có chút lơ là - hai bên đánh nhau trên sông, dĩ nhiên quân Tào khó chiếm được thế thượng phong, nhưng đánh nhau trên bộ thì chưa biết thế nào; hơn nữa, với hơn mười vạn bắc quân, cho dù Tôn Quyền có gan to bằng trời cũng không dám đến cướp trại.
Quân Tào mơ mơ màng màng, tiếng mưa tí ta tí tách như ru vào giấc ngủ. Đa phần lính gác đang ngủ gà gật, thình lình trước mặt lóe lên tia sáng rất mạnh, xé ngang bầu trời. Mọi người chưa kịp phản ứng, lại có một tiếng sét vang lên phía cuối chân trời; mưa phùn rả rích bỗng chuyển sang mưa như trút nước, những hạt mưa to đồm độp rơi rát cả mặt. Mưa bão xuất hiện kéo theo gió lớn, hắt mưa lạnh bay đi khắp nơi.
Thế mới nói thời tiết luôn thất thường khó đoán, mưa mỗi lúc một dày, lính gác chưa kịp trở tay đã có vài ngọn đuốc bị tắt. Mọi người vội vàng che chắn, giữ lửa cho những ngọn đuốc còn lại và rút hết vào lều cỏ - Mưa nhiều ngày không dứt, khiến cho việc đánh lửa cũng trở nên khó khăn, dao đánh lửa và đá lửa đều không dùng được, lại không có mặt trời nên chẳng có cách nào dùng gương đồng để hun lửa, chỉ có thể dùng củi. Nhưng ở đây vừa lạnh lại vừa ẩm ướt, có lúc nhóm củi nửa ngày cũng không cháy to được, nấu cơm ngoài trời cũng phải đốt lửa soi sáng, việc tuần tra, canh gác càng không thể thiếu lửa. Vì thế giữ lửa trở thành nhiệm vụ hàng đầu. Mỗi trại đều có mấy binh sĩ trai tráng chuyên làm nhiệm vụ này, công việc tưởng như dễ thực ra rất tốn sức, bất luận là ngày hay đêm cũng đều phải nhen thêm củi khô để giữ lửa, trời mưa gió nên còn phải căng bạt để che chắn, đảm bảo có lửa khi cần dùng đến, nếu không cẩn thận để tắt, dù mài gỗ lấy lửa hay đi xin lửa trại khác đều rất rắc rối, lúc đó người giữ lửa khó tránh vài trận đòn phạt. Cho nên, ở bên trái viên môn mỗi doanh đều lợp lều cỏ và dùng vải dầu lót mái, mục đích là để quân phòng vệ tránh mưa tạm thời, quan trọng hơn là để giữ lửa.
Đại trại trung quân là nơi trọng yếu, có hơn chục binh sĩ đi đi lại lại tuần tra, nhưng lúc này bọn họ đều đã rút vào trong lều cỏ. Gió mạnh cuốn theo những hạt mưa từ bốn phương tám hướng hắt vào trong, làm bảy tám ngọn đuốc bị thổi tắt, trước mắt biến thành một màu đen kịt. Đám lính bị nước mưa xối vào đầu ướt như chuột lột, đành bỏ vũ khí một bên, đứng sát vào nhau; thấy trời mưa như trút, sấm chớp đùng đoàng không khỏi thở dài ngao ngán.
— Nơi chết dẫm này! Năm ngày nay đã không có mặt trời, mưa suốt ngày suốt đêm thật khiến người ta chán ngán. Chẳng cần biết thắng hay bại, chỉ mong đánh xong trận này, sớm nhổ trại khỏi đây!
Có người giễu cợt:
— Nói đánh là đánh, ông nghĩ mình là ai? Chỉ e đến giờ Thừa tướng vẫn còn chưa có ý đó đâu.
— Chớ nói mò, không muốn sống nữa à? Không nhìn thấy trại của trung quân vẫn còn sáng à? Thừa tướng vẫn chưa ngủ đâu.
— Bây giờ đã là canh mấy rồi, ngài ấy dạo này sao thế nhỉ? Ngày nào cũng thức đến nửa đêm.
— Từ khi Tuân Lệnh quân qua đời, Thừa tướng đau lòng thương xót, thường kêu khóc đến đau đầu...
Quân tuần tra đang ở trong lều cỏ thì thào buôn chuyện, đột nhiên nghe thấy từ đằng xa vọng lại một tiếng kêu thảm thiết, mọi người đều ngậm miệng. Nhưng sau đó lại không thấy có động tĩnh gì, chỉ nghe thấy tiếng rào rào của mưa, tiếng đùng đoàng của sấm, họ đều nghĩ là tiếng than khóc trong trại nào đó nên không để tâm, tiếp tục tán chuyện. Có một tên lính bí mật thì thào:
— Ta nói cho các ông một chuyện, cấm có truyền ra ngoài. Ta có một vị huynh đệ đang làm sai dịch trong trại Phục Ba Tướng quân, theo lời huynh ấy, lúc Lệnh quân xuất phát từ Hứa Đô, sức khỏe vẫn rất tốt, khi đến huyện Tiểu cũng chưa đổ bệnh. Sau đó, Phục Ba Tướng quân sắp xếp cho lệnh quân ở nhà của Thừa tướng rồi ra về, không biết đã xảy ra chuyện gì mà ba tháng sau thì lệnh quân qua đời.
— Suỵt, chớ nói nữa, họ đều là quan lớn, ai biết được nội tình thế nào, chuyện này mà truyền đi thì...
Chưa kịp dứt lời lại nghe thấy một tiếng gào thảm thiết. Lần này tất cả mọi người đều nghe thấy rõ mồn một, không ai dám lơ là, vội vàng cầm lấy đao của mình, đội mưa chia ra bốn hướng tuần tra. Âm thanh nghe được dưới trại cỏ rất rõ ràng, nhưng khi họ ra đến bên ngoài, bên tai chỉ còn tiếng rào rào của mưa, trời tối đen không nhìn thấy gì, trong lòng đám lính bất giác sợ sệt, chỉ biết nắm chặt đao, dò dẫm bước đi trong đêm.
Có một binh sĩ đang khua khua cây kích mò đường vào viên môn, đột nhiên một tia chớp lóe lên chiếu sáng cảnh vật trước mặt, thoáng chốc hiện ra hai bóng người - mình khoác áo tơi, miệng ngậm kiếm đầu tròn đang trèo qua bờ sông. Không phải quân Tào!
— Có người đột nhập!... Á!
Hắn chưa kịp kêu hết câu đã bị hai nhát kiếm đâm thấu cổ vai, chết ngay tức khắc. Sau đó có vài tiếng hô hoán, bốn năm tên lính tuần cùng nhau hét lên.
Lần này mọi người đã nghe rõ, vội vàng hô to:
— Có kẻ cướp trại!... có kẻ cướp trại!...
Tiếng hô gấp gáp liên tiếp vang lên, quân Tào ở ngoài sáng, quân địch ở trong tối, ai hô lên là lập tức bị giết. Đám lính tuần thấy thế không dám tùy tiện hô to, có người mò theo hàng rào đi vào đại doanh, còn phần lớn hốt hoảng giữ lấy mạng mình, múa đao kiếm loạn xạ trong bóng đêm.
Nghe thấy tiếng ồn ào trong đại doanh trung quân, binh lính các trại khác cũng chạy ra ngoài hét lớn:
— Quân địch cướp trại! Mau ra ứng chiến!
Toàn quân trên dưới lập tức rối loạn. Tướng sĩ người mò vũ khí, kẻ thì hô hoán. Đại doanh trung quân bỗng chốc hỗn loạn, những trại khác cũng rơi vào tình trạng này. Trong nháy mắt, tiếng mưa, tiếng sấm, tiếng la hét, tiếng rên rỉ, tiếng binh đao va chạm trộn lẫn vào nhau, cũng không phân biệt được phương hướng. Trong bóng đêm, quân sĩ chẳng khác nào bị mù, chỉ còn biết giữ chặt đao, tựa lưng vào nhau, điên cuồng khua đao kiếm chống đỡ.
Tiếng ầm ĩ mỗi lúc một to, làm kinh động đến tướng lĩnh tất cả các doanh. Hơn một trăm binh sĩ dũng mãnh không kịp mặc áo giáp cùng nhau lao đến trước trướng trung quân bảo vệ chủ soái. Phút chốc, đèn đuốc thắp sáng trại lớn, mười mấy cận vệ thân tín cầm đuốc vây quanh trại, Trung hộ quân Hàn Hạo bước ra khỏi trại:
— Thừa tướng có lệnh! Toàn quân đốt lửa, không được ồn ào!
— Toàn quân đốt lửa, không được ồn ào!... Toàn quân đốt lửa, không được ồn ào!... - Các binh sĩ truyền lệnh nói lớn, lệnh được truyền tới các binh sĩ tuần tra.
Nhưng trong lúc hỗn loạn, ai biết được chuyện gì xảy ra, quân Tào giật mình tỉnh mộng, chưa kịp hoàn hồn, có kẻ giết nhầm quân mình, có kẻ mơ hồ ngã lộn trong mưa, có người khua đao loạn xạ, chém đổ lều trại. Binh sĩ chưa định thần được, lũ lượt đội mưa đến viên môn trung quân tập trung, thấy ánh đuốc trong đại doanh mới trấn tĩnh vài phần.
Tiếng ồn ào vẫn chưa dứt, Hàn Hạo đứng trong doanh đang chưa nghĩ ra được kế sách đối phó, thấy ngoài viên môn binh sĩ đội ngũ vẫn chỉnh tề, trong lòng mới dần dần bình tĩnh, quay đầu lại nhìn - thì ra Tào Thừa tướng đã đích thân xuất trướng.
Hai tướng Hứa Chử, Đặng Triển hộ vệ hai bên trái phải, theo sát là Vương Xán, Hòa Hiệp, Đỗ Tập và Lưu Hoa. Tào Tháo râu tóc lòa xòa, chỉ mặc một bộ y phục mỏng, áo choàng chưa kịp thắt đai, chân đi hài mộc, tay cầm Thanh Cang kiếm, thần thái nghiêm nghị. Hàn Hạo vội chạy qua nghênh đón:
— Nửa đêm nửa hôm sao dám phiền Thừa tướng đích thân xuất tuần?
Tào Tháo thở dài, trong vẻ uy nghiêm lộ rõ sắc diện mệt mỏi:
— Tướng sĩ không nhìn thấy ta, há có thể yên tâm?
Vừa nói xong, Ngũ quan trung lang tướng Tào Phi từ trong trại đuổi theo, tay cầm áo tơi đưa cho phụ thân khoác. Tào Tháo nhẹ nhàng đẩy ra:
— Các tướng sĩ còn đang dầm mưa.
Tào Phi không dám nhiều lời, vội lùi sang bên cạnh, Tào Tháo không mặc áo tơi, các mưu sĩ tướng tá cũng đành đội mưa.
Ban nãy tướng sĩ vẫn còn thao thao bất tuyệt, giờ ai nấy đều im lặng, tập trung ngoài viên môn, bên tai chỉ còn nghe thấy tiếng mưa rào rào. Tào Tháo lặng nhìn xung quanh một lúc lâu, mới mở miệng nói:
— Địch và ta cách nhau con sông lớn, dù có muốn quấy phá doanh trại quân ta cũng chẳng thể kéo sang đông được. Các tướng sĩ về doanh trại đốt lửa kiểm tra, nếu ai còn ồn ào sẽ nghiêm trị không tha!
Tuy giọng của ông không lớn nhưng dường như đã làm cho mọi người tĩnh tâm trở lại, các binh sĩ đáp lời rồi tản ra bốn phía, dần biến mất trong bóng đêm. Đúng là Thừa tướng đương triều, uy lực của chủ soái ba quân mạnh hơn cả bó đuốc, sáng rọi lòng người.
Khoảng nửa canh giờ trôi qua, âm thanh huyên náo đều đã tắt, mưa cũng nhỏ dần, tâm trạng của các tướng sĩ đã ổn định, họ đi tìm vật để dẫn lửa. Nhựa thông, dầu cá trang bị cho các trại, lúc này cũng không được tiếc, từng bó đuốc được đốt lên, lúc đầu rải rác ở nhiều nơi, không lâu sau tất cả các trại đều đã có lửa, soi sáng như ban ngày. Đích thân tướng soái các trại đi tuần, quân Tào chỉ chết có mấy chục binh sĩ, bị thương khoảng trăm người, đều là do tự mình ngộ thương, kẻ địch không ai bị bắt. Lại có vệ binh đến báo, hàng rào, chông chà phía tây bắc doanh trại bị phá hoại, sự việc xem ra rất rõ ràng. Tào Tháo không dám chậm trễ, một mặt sai người đi sửa doanh trại, một mặt ra lệnh kiểm tra kỹ, chỉ sợ quân địch thừa nước đục thả câu trà trộn vào doanh. Tào Tháo không còn lòng dạ nào nghỉ ngơi tiếp, cùng các mưu sĩ ngồi trong lều đợi tin. Đến khi các doanh quay về bẩm tấu, đều không có chuyện gì bất thường thì trời cũng đã sáng rõ. Mục đích cướp trại không phải nhằm giết quân Tào mà cố ý gây loạn, quân Tào hỗn loạn đến nửa đêm, chắc chắn đã ảnh hưởng đến sĩ khí, mưu đồ của quân Ngô đã đạt được.
Tào Phi vẫn chưa hiểu:
— Quân phòng thủ ở bờ sông đều chưa nhận được tin gì, địch sao có thể qua sông vào trại?
— Hừ! - Tào Tháo tựa vào mép soái án, cười gượng, - Bờ sông trải dài trăm dặm, chúng chui qua chỗ nào chẳng được? Huống hồ quân địch lại thông thạo địa hình, liệu có phòng bị nổi?
Vừa qua giờ Mão, có một tên xích hầu đến báo: Cách doanh trại mười dặm về phía tây có hơn trăm người của quân địch vượt sông về Nam Giang, người dẫn đầu là tướng Ngô Cam Ninh, hình như đêm qua dẫn quân vào cướp trại, giờ đã đi xa, không kịp truy đuổi.
— Một trăm người? - Tào Tháo gằn giọng nói, - Một trăm tên tiểu tốt gây loạn mười vạn đại quân của ta suốt cả một đêm, lũ nhãi nhép thật to gan lớn mật, coi khinh quân ta như cỏ rác!
Các mưu sĩ im lặng không lên tiếng, dự rằng với tính khí gần đây của Tào Tháo chắc sẽ nổi giận, nào ngờ ông không nổi giận mà chỉ đứng dậy ra hiệu:
— Cùng ta đi tuần tra xung quanh. - Trong ngữ điệu phảng phất vài phần dè dặt và cam chịu.
Đi hết trại này đến trại khác, các binh sĩ lần lượt bái lạy, Tào Tháo cố giữ nụ cười, gật đầu đáp lễ. Các tướng Trương Liêu, Tang Bá, Nhạc Tiến, Lý Điển đều ra nhận tội, nhưng Tào Tháo không trách tội mà chỉ nhẹ nhàng động viên, thấy binh sĩ bị thương thì quan tâm hỏi han, gặp binh sĩ trông giữ quân nhu thì dặn dò, cứ như vậy càng đi càng xa, từ doanh trại đi đến bờ sông - Mưa đã tạnh, nhưng trời đất vẫn một màu xầm xì, so với mấy hôm trước, nước sông đã lên cao hơn nhiều. Hơn nữa đây mới chỉ là sự khởi đầu, cùng với không khí ấm áp của mùa xuân đang đến, hai bờ sông sẽ còn thu hẹp lại mấy trượng.
Tào Tháo nhìn sang bờ đối diện khá lâu, rồi quay đầu lại nhìn, thấy đều là những người thân tín của mình, vẻ mặt tươi cười lúc nãy lập tức thay đổi:
— Dụng binh quý ở chỗ thần tốc, chậm trễ ắt sinh biến. Hiện nay lòng quân không vững, nếu tiếp tục kéo dài e sẽ có kết cục thất bại như trận Xích Bích. Mau phái người đi đốc thúc thủy quân, xem khi nào họ mới đến được.
Quan Tòng sự Dương Châu là Lưu Hoa vừa được điều vào mạc phủ nhận chức, vội vàng đáp:
— Khải bẩm Thừa tướng, tại hạ đã sai hơn mười tên xích hầu đi nghe ngóng tình hình, nay đã trở về, quân Thanh Châu đã vào sông Nhu Tu, nội trong đêm nay hoặc sáng sớm mai sẽ tới.
— Tốt lắm. - Nhưng Tào Tháo vẫn chưa có vẻ gì vui mừng. - Thủy quân đến sẽ lập tức tấn công, không thể kéo dài thêm nữa.
— Với uy danh của Thừa tướng và nhuệ khí của thủy quân, ắt chỉ cần một trận là thành công. - Lưu Hoa mở miệng nói toàn những lời may mắn, không biết trong lòng ông ta có thật sự nghĩ như vậy không.
Đỗ Tập và Hòa Hiệp đưa mắt nhìn nhau: Quân Giang Đông dày dạn kinh nghiệm thủy chiến, lại có các chiến thuyền lớn, thủy quân Thanh Châu mặc dù tích cực luyện tập nhưng liệu có thể địch được với quân của Tôn Quyền không? Hai tướng đều cảm thấy trận chiến này không mấy lạc quan, nhưng việc đã đến nước này, há có thể không đánh mà rút? Thấy Tào Tháo đứng lặng bên bờ sông mòn mỏi ngóng trông, nét mặt rất hợp với màn trời u ám, hai người đành nuốt những lời này vào trong, các tướng tá khác cũng đều lặng lẽ tháp tùng bên cạnh, không ai nói thêm gì...
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 9